21/01/2015

Đội đặc nhiệm TK1 (chương 13)

Chương XIII



< Trước     Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối

Thế là tôi sống một mình trong rừng được năm tháng. Thực ra, nói sống một mình cũng không hẳn đúng. Năm tháng qua, tôi đã có dịp quen biết với những cư dân khác của rừng. Nếu không kể những con sóc giống nhau như được đúc ra từ một khuôn suốt ngày thoắt ẩn thoắt hiện trên cành cây và những bầy chim chợt bay tới hót ồn ào một lúc rồi bay đi; nếu không tính đến một nhà nai nào đó tảng sáng tinh mơ đi ăn về ghé lại vũng suối trước nhà tôi uống nước, hoặc những con thú tình cờ ngang qua hay các loài côn trùng sâu bọ, thì cư dân chính của khu rừng này không nhiều lắm, nhưng quan hệ với nhau cũng rất phức tạp như vẫn thường diễn ra trong cuộc sống. 
Trước hết, phải nói đến gia đình khỉ. Nơi cư ngụ của chúng ngay trên cây đa, nên nhà khỉ là láng giềng gần nhất. Hôm đầu thấy tôi, lũ khỉ leo tít lên cành cao nghiêng đầu ngó xuống. Những ngày bận rộn dựng nhà, tuy không để ý, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp một cái đầu khỉ nhô ra sau khóm lá, giương cặp mắt tò mò nhìn kẻ lạ mặt mới tới đang làm những việc lạ lùng mà chúng chưa từng thấy bao giờ. Thời gian sau quen dần với sự có mặt của tôi, và có lẽ cảm thấy vị khách không mời mà tới này cũng không có gì nguy hiểm, nên lũ khỉ tỏ ra bạo dạn hơn. Chúng leo xuống nhảy nhót ngay trên cành cây thấp xòa trước nhà. Có hôm từ dưới suối lên, tôi còn thấy chúng nô đùa trên vạt đất trống nơi tôi thường đốt lửa nấu nướng vào những ngày nắng. 
Đến lúc đó tôi mới biết nhà khỉ có năm con, và dần dần phân biệt được từng con một. Đứng đầu là con khỉ đực đã già dáng bộ chững chạc, (nếu không muốn nói là đạo mạo) và có vẻ chậm chạp so với những con khác. Hai hàng lông mày và chòm lông bên thái dương nó nhạt màu như đã chớm bạc chứ không vàng nâu như mấy con kia. Khỉ già ít chạy nhảy. Có hôm đang chặt cành khô làm củi, chợt ngước lên, tôi thấy nó ngồi im trên cành cây chăm chú nhìn xuống như cố tìm hiểu xem tôi làm như thế để làm gì.
Sau khỉ già là cặp vợ chồng khỉ dáng còn trẻ, cũng nhanh nhảu nghịch ngợm giống mọi con khỉ khác. Tôi biết chúng là vợ chồng bởi nhiều lần thấy chúng âu yếm nhau, hoặc ngồi vạch lông bắt rận cho nhau một cách tình tứ. Còn hai khỉ con thì khỏi phải nói! Chúng chỉ nhỉnh bằng bắp tay tôi, bộ lông còn thưa và nâu nhạt chứ chưa nhuốm vàng như bố mẹ chúng, nhưng đã nghịch như quỷ. Suốt ngày chúng trèo lên tuột xuống, đu từ cành này qua cành khác, lúc lúc lại cấu véo nhau chí chóe. Ngay cả lúc rảnh rỗi cả nhà ngồi phơi nắng, chúng cũng không mấy khi chịu ngồi yên cho "người lớn" bắt rận. Hầu như chúng không sợ gì bố rnẹ. Nhiều khi chúng đuổi nhau leo bừa qua mình mấy con khỉ lớn, đu cành tuột xuống rồi xô đẩy nhau ngã lăn ra bãi cỏ. Những khi đó, chỉ có tiếng lẹc khẹ của khỉ già mới làm chúng dịu lại. 
Quan sát nhà khỉ láng giềng, tôi rất ngạc nhiên. Nghe nói loài khỉ thường sống thành bầy đàn chung chạ, và mỗi lần đẻ, khỉ mẹ chỉ sinh được một con, vậy mà ở đây, gia đình khỉ trông có vẻ có "tôn ti trật tự” hẳn hoi. Tôi cũng chẳng thể nào biết được hai nhóc khỉ có phải là anh em sinh đôi hay không, nhưng trông chúng rất giống nhau. Hay một trong hai con là con nuôi? 
Một hôm đi rừng, tôi gặp bên bờ suối buồng chuối rừng đã chín, có quả bị chim mổ ăn gần nửa. Chuối rừng quả nhỏ nhưng nếm thử thấy ngọt và thơm, chỉ tội nhiều hạt. Tôi chặt cả buồng bỏ vào ba lô mang về.
Sáng hôm sau, tôi lấy nải chuối trên cùng đã chín rục đem để dưới gốc cây đa, rồi nhìn lên cây làm điệu bộ như mời nhà khỉ xuống ăn. Chẳng biết chúng có hiểu không, hay nhờ mùi chuối chín mà khi tôi lên nhà ngồi một lúc, thấy lũ khỉ mò tới. Trái với dự đoán của tôi, không phải hai khỉ con lanh chân chạy trước mà là khỉ già với dáng bộ thận trọng đi đến. Nó đặt một chân trước lên nải chuối, mắt nhìn lên nhà tôi, nửa như ngẫm nghĩ, nửa như dò hỏi. Lát sau không thấy tôi tỏ thái độ gì, nó mới bưng nải chuối quay lại gốc cây, lần này thì nhanh nhảu như... khỉ. 
Từ đó mỗi lần đi rừng gặp quả chín có dấu chim ăn, tôi lại hái mang về cho lũ khỉ. Lâu dần thành lệ, mỗi khi thấy tôi đi đâu về chúng thường nhìn tôi chờ đợi. Những lúc có quà hai khỉ con lại là những kẻ nhanh chân nhất. Bố mẹ chúng cũng tỏ ra không thua kém, chỉ có khỉ già vẫn giữ được vẻ đĩnh đạc hàng ngày. Quan hệ đôi bên dần dần trở nên tin cậy, thân thiết hơn. Tất nhiên nhà khỉ chẳng bao giờ biếu lại tôi thứ gì, nhưng tôi không so đo. Nhờ lũ khỉ mà tôi biết thêm nhiều loại quả dại ăn được, chúng là chuyên gia trong lĩnh vực này. Chỉ tiếc là tôi không biết được tên từng loại quả vì lũ khỉ không nói. 
Những con khỉ đáng yêu đã giúp tôi phần nào vơi bớt nỗi buồn khi phải sống đơn độc giữa rừng. Mỗi khi về tới nhà gặp lúc chúng đi kiếm ăn, tôi lại thấy cô quạnh vì thiếu vắng tiếng chí chóe quen thuộc trên cây. 
Nhưng mối quan hệ hàng xóm láng giềng dù thân thiết đến đâu cũng không tránh khỏi có lúc va chạm. Một buổi chiều, sau cả ngày tìm kiếm mệt nhoè mà chẳng có kết quả gì, tôi lê bước leo từng bậc cầu thang lên nhà. Khi mở cửa, trước mắt tôi hiện ra cảnh đổ vỡ tan tành. Thực ra trong nhà chẳng có tài sản gì nhiều, nhưng tôi điên tiết lên khi thấy mấy bao gạo sấy tung tóe khắp nơi. Những bao gạo mà tôi đã cố nhịn ăn dành dụm phòng khi mưa gió. Vô số những hạt gạo trắng nhờ, khô cong vương vãi đầy trong khe gỗ sàn, lẫn cả vào tro bếp. Tôi tức giận cầm một bao gạo bị xé rách nhảy xuống, chạy tới đứng dưới gốc cây đa nhìn lên, vung tay múa chân chửi mắng om sòm. Tôi không còn biết lúc đó nói những gì, nhưng có lẽ đã sử dụng hầu hết những từ mà người ta thường dùng trong những dịp tương tự. Trên cây lũ khỉ im thin thít, hai khỉ con leo tuốt lên trên cao. 
Quát mắng một lúc để nguôi giận, tôi quay lên nhà, âm thầm nhặt từng hạt gạo bỏ lại vào bao. May sao chúng không xé rách bao muối hầm. Thôi thì cũng lỗi tại mình thiếu cẩn thận! Đây có lẽ là trò nghịch ngợm của hai nhóc khỉ, chúng đã luồn qua lỗ thông gió mà tôi quên cài trước lúc đi. Lâu lắm rồi, hôm nay tôi mới có dịp nói ra thành tiếng...

Sáng hôm sau, tôi mang chỗ gạo bẩn ra suối đãi sạch rồi bỏ vào gô nấu chín. Tôi chỉ ăn mấy miếng, còn lại đem đổ ra tàu lá chuối đặt dưới gốc cây đa. Chiều về thấy lũ khỉ đã chén sạch. Chúng không để bụng chuyện đụng chạm vừa rồi nên chẳng tự ái và cũng không khách sáo. 

Một hôm khác, tôi nhóm lửa treo gô lên bếp để nấu nước rồi ra suối câu cá. Mãi chưa câu được con nào, tôi sốt ruột định nhảy ùm xuống tắm, bỗng nghe tiếng lũ khỉ chéo véo. Tôi vội xách súng chạy lên. Tới nơi thấy gô nước đổ tung tóe, mấy khúc củi cháy dở vung vãi quanh bếp bốc khói mù mịt, còn nhà khỉ đang túm tụm cuống quít bên gốc đa. Thấy tôi đến, hai khỉ bố mẹ và một khỉ con leo vội lên cây, riêng khỉ già vẫn hốt hoảng chạy tới chạy lui bên một con khỉ con khác nằm lăn lộn trên cỏ. Có lẽ chú ta đến bên đống lửa bắt chước tôi đun bếp nên bị bỏng. Mấy túm lông trên vai và bụng cháy quăn thoảng mùi khét. Vết bỏng không nặng, chỉ hơi đỏ tấy. Nó đạp chân lên mấy thanh củi và bị lửa bén vào, chứ nếu bị dội nước sôi thì chưa biết hậu quả sẽ như thế nào. Ở đâu cũng vậy, trẻ con thường gây ra những chuyện rắc rối làm mất lòng người lớn. 
Tôi bế khỉ con lên nhà, mở nắp bi đông mật ong đổ một ít ra chiếc lá khô rồi dùng ngón tay chấm bôi lên những chỗ da bị bỏng. Khỉ con nằm yên trong tay tôi, thỉnh thoảng kêu khẽ mấy tiếng, đôi mắt ngây thơ chớp chớp. Rõ ràng chú ta bị choáng vì sợ hơn là đau do vết bỏng. Tôi đem chú xuống nhà thả bên gốc cây, cả nhà khỉ nhào xuống đến rối rít. Lát sau chúng đã cùng nhau đu chuyền trên cành. Không biết mật ong có chữa được vết bỏng hay không, nhưng ít ra nó cũng là thứ thuốc có tác dụng tốt đối với tâm lý khỉ. 
Ngày qua ngày, lũ khỉ càng quyến luyến tôi hơn. Những chiều tôi về muộn, thường thấy chúng quanh quẩn trước nhà chờ đợi. Có hôm cả nhà kéo nhau theo tôi ra suối. Khỉ già ngồi nhìn tôi câu cá, còn những con khác leo trèo nhảy nhót trên mấy tảng đá. Sau này mỗi lần ra suối, tôi thường giao cho khỉ già xách bi đông nước. Nó tỏ ra vô cùng thích thú vì được tin cậy. Thử hỏi cả cánh rừng này đã có con vật nào được như nó? Bắt chước tôi, nó choàng dây bi đông qua cổ nhưng dây dài quá vướng chân không đi được, nên lại cởi ra vừa nhảy vừa kéo lướt sướt trên cỏ. Những lúc lấy nước vào bi đông, tôi cố ý làm chậm từng động tác cho khỉ già thấy. Chỉ sau mấy lần, nó đã biết lấy nước vào bi đông và vặn nắp thành thạo. 
Lúc tôi chặt cành khô làm củi và đem chất dưới gầm sàn, cả nhà khỉ lại kéo xuống giúp xếp củi. Chúng tíu tít quanh đống củi chọn những thanh nhỏ, vừa đi vừa kéo một cách vụng về. Cuối cùng những con lớn cũng đem vào được vài thanh, chứ hai khỉ con chỉ làm cho mọi việc rối lên. Chúng lăng xăng bận rộn, vừa lôi thanh này ra, đã lại vứt xuống lấy thanh khác. Có khi cả hai con cùng túm lấy một thanh, giằng co nhặng xị cả lên. Đến lúc chán chúng vứt bừa ra đấy, leo lên cây nhảy nhót vin cành bẻ lá, rồi lại tụt xuống bãi cỏ vạch lá khô tìm trứng kiến để ăn. 
Một cư dân khác mà tôi muốn nói tới là con báo hoa. Nó cư ngụ ở cây cổ thụ gần bờ suối, cách chỗ tôi ở khoảng bốn trăm mét. Cái cây này có một nhánh to bị gãy xuống vướng vào cây bên cạnh tạo thành cái cầu gỗ, mưa nắng lâu ngày làm nó tróc vỏ nứt nẻ và bạc trắng. Tôi gặp con báo trong một lần đi ngang qua, lúc nó đang nằm phơi nắng trên nhánh cây gãy. Thấy nó, tôi hơi giật mình đứng lại. Biết loài báo không vô cớ tấn công người, tôi cố gắng không làm những cử động đột ngột. Đó là một con báo cái đang độ sung sức có bộ lông vàng điểm những chấm đen rất đẹp. Dạo trước anh Hùng kể ở Việt Nam chỉ có loài tiểu báo, mà phần nhiều là hắc báo, thường gọi beo đen, chứ giống báo đốm hoa vàng này rất hiếm. 

Khi tôi xuất hiện, báo hoa chỉ đưa mắt nhìn thoáng qua rồi lại cúi xuống liếm lông, vẻ lười nhác như một con mèo sau bữa ăn. Nó không mảy may đếm xỉa gì đến tôi, có lẽ tự cho mình là dân chính gốc của rừng, chẳng việc gì phải săn đến với kẻ ngụ cư mới tới. 
Về sau thỉnh thoảng tôi vẫn gặp nó. Dù có hơi e dè khi phải giáp mặt với "người" láng giềng không mấy cởi mở này, nhưng trong lòng tôi thầm thán phục mỗi khi nhìn con báo bước uyển chuyển trên bãi cỏ với dáng vẻ đầy tự tin. Điều kỳ lạ là lũ khỉ sống cách chỗ báo hoa không xa mà chúng chẳng có vẻ gì lo lắng. Nhiều lần vẫn thấy cả nhà khỉ đu cành đi kiếm ăn về hướng ấy. Phải chăng rừng sâu có luật riêng của nó, thứ luật bất thành văn mà con người chưa thể biết và hiểu hết?
Mấy lần bắn được thú rừng ăn không hết, tôi lại đem đến treo trên gốc cây gần nơi báo hoa ở. Đấy là những tặng vật hậu hĩnh vì có lúc tôi cho nó nguyên cả đùi lợn rừng. Tôi chỉ lấy số thịt đủ dùng trong vài ngày do chẳng có cách gì trữ lâu được. Về mặt này, báo hoa là kẻ láng giềng may mắn. Lũ khỉ vốn là hậu duệ chính tông của Tôn Ngộ Không nên chẳng quan tâm gì tới món thịt rừng. Khắt khe mà nói, chúng cũng “phạm giới" khi ăn trứng kiến.

Bẵng đi một dạo, phải đến mấy tháng trời tôi không gặp báo hoa. Thời gian này tôi mải mê với việc tìm kiếm, thường đi sớm về muộn. Đến hôm nhìn thấy bi đông mật ong đã gần cạn, tôi bèn nghỉ việc một ngày đi kiếm mật về trữ để dùng dần.

Sáng đó tôi men con suối ngược lên đầu nguồn, nơi gần đi lấy mây về làm nhà có gặp tổ ong. Lúc ngang qua nơi ở của báo hoa, tôi chợt nghe những tiếng gừ gừ là lạ, bèn nhẹ nhàng rẽ lá bước vào. Cảnh tượng nhìn thấy trước mắt làm tôi hết sức bất ngờ và thú vị: trên đám cỏ gần gốc cây, con báo hoa đang âu yếm thời với hai con báo con. Thấy tôi, nó chỉ hơi nghiêng đầu nhìn rồi lại tiếp tục liếm đầu liếm cổ cho con. Hai chú báo con mới chỉ nhinh bằng con mèo, bước đi còn chưa vững. Mỗi lần báo con loạng choạng, con báo mẹ lại nhẹ nhàng lấy mõm và chân đỡ cho chúng khỏi ngã. Báo con trông rất dễ thương. Chúng có bộ lông mềm mại lốm đốm vàng den giống mẹ, nhưng sắc màu còn mờ nhạt. Đôi mắt chúng gần như trong veo và đầy vẻ ngây thơ. Tuy chưa bước vững nhưng trên hai thân hình nhỏ bé đã thấy nét uyển chuyển duyên dáng của loài báo. Nhìn báo mẹ, tôi không thể ngờ được là con vật hoang dã, biểu tượng uy nghiêm của rừng già lại thể hiện tình mẫu tử đầy trìu mến và cảm động đến như vậy. Ánh mắt, sắc mặt và từng cử động của con báo đều như toát lên lòng yêu thương và sự mãn nguyện pha chút kiêu hãnh đối với hai đứa con thiên thần của nó. Không muốn làm xáo động những giờ phút ấm cúng của mẹ con báo hoa, tôi lặng lẽ rút lui. 
Hôm đó, tôi may mắn gặp tổ ong ruồi to tướng nên lấy được đầy hai bi đông mật cùng mấy tầng sáp mà tôi định dùng làm nến thắp. Nói thực, tôi không phải là thợ lấy mật chuyên nghiệp nên chỉ áp dụng phương pháp cổ điển nhất. Nghĩa là, khi gặp tổ ong thì bứt một bó cỏ khô buộc chung với mấy cành tươi, đốt cho khói mù lên xua đàn ong bay đi, rồi dùng dao xẻ vội mấy tầng sáp đầy mật, túm vào tấm nilon bưng chạy thật xa mới dám ngồi lại vắt mật vào bi đông. Tất nhiên cách làm như vậy nhìn vào không đẹp, cứ như di ăn trộm, còn nếu nặng lời có thể gọi là ăn cướp cũng được. Nhưng tôi chỉ lấy số mật đủ dùng chứ không phá nát cả tổ. Bầy ong lúc quay lại sẽ thấy không bị thiệt hại gì nhiều lắm. 
Cách đó mấy ngày, vào một buổi chiều khi trở về nhà sau ngày làm việc, tôi tình cờ bắn được con chồn hương khá to lúc nó chạy ngang qua đường. Vốn có ý định từ mấy hôm nay nên tôi xách con chồn đi thẳng tới chỗ con báo. Tôi đến đúng lúc báo mẹ đang tập cho con nó leo cây. Một con báo con đang bám vào thân cây, cái đầu nhỏ nhắn cứ ngọ nguậy, hết ngước lên lại nhìn xuống, ý chừng nó còn sợ không dáng leo cao. Nhìn bốn cái chân xinh xắn run run, tôi cũng thấy tội nghiệp, nó đang còn bé quá. Nhưng báo mẹ biết rõ việc mình làm. Nó lấy mõm vừa đỡ vừa ủi cho con leo dần lên, miệng gừ gừ nửa dỗ dành nửa đe nẹt. Thấy đã chiều, tôi đặt con chồn lên nhánh cây gần đó rồi quay về. Lát nữa báo mẹ sẽ nhận được món quà tôi dành cho nó. 
Lúc ấy tôi không hề biết rằng chẳng bao giờ mình còn gặp lại báo hoa nữa. Nhưng sự kiện tiếp theo trong mấy ngày sau đó đã chứng tỏ ở góc rừng già êm ả này, cuộc sống vẫn diễn ra hết sức nghiệt ngã theo đúng những quy luật có tự muôn đời. 
Lúc đó là buổi sáng, chừng mươi ngày sau hôm mang con chồn tới cho báo mẹ, tôi đang ngồi trên nhà lau súng. Chiều hôm trước tôi gặp mưa ngoài rừng nên cả người và súng đều ướt sũng. Mặc dù hết sức sốt ruột với việc tìm kiếm, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn tự dành cho mình một ngày thong thả để nghỉ ngơi và tìm thêm thức ăn hoặc làm các việc lặt vặt khác. Sáng hôm đó trời đẹp, cả khu rừng ngập trong ánh nắng vàng óng. Tiếng chim hót xôn xao hòa với tiếng thác nước rào rào ngoài suối. Vạn vật say sưa trong cuộc sống thanh bình. 
Đang định lắp lại các bộ phận súng vừa lau xong, tôi chợt nghe có tiếng kêu của lũ khỉ. Hơi ngạc nhiên vì biết hôm nay trời đẹp, cả nhà khỉ kéo nhau đi kiếm ăn từ sáng sớm, nhưng tôi vẫn ngồi lắp cho xong khẩu súng. Lát sau nghe tiếng chúng gần hơn, hình như lũ khỉ vừa chuyền cành về phía nhà tôi vừa kêu hoảng hốt. Đã quá quen với những âm thanh của gia đình láng giềng vốn lắm lời này, tôi nhận ra lũ khỉ đang giận dữ và hoảng sợ đến tột độ. Nhất định là có chuyện gì khác thường. Bước ra cửa, thấy lũ khỉ đu từ trên cành cây xuống đất chạy về phía tôi, dẫn đầu là khỉ già. Lúc này đã thấy rõ nỗi hoảng sợ của chúng. Cả năm con đều kêu chộn rộn, những tiếng lẹc khẹc líu lại với nhau đến nỗi nếu có biết tiếng khỉ, chắc tôi cũng chẳng nghe được là chúng nói gì. Nhìn lũ khỉ nhảy loi choi chạy tới chạy lui dưới chân cầu thang, tôi vừa buồn cười vừa thương hại. Chúng đang tự giận mình vì không biết cách làm cho tôi hiểu điều chúng muốn nói. Con khỉ già ôm đầu bứt lông nhăn nhó. Lát sau, nó cứ chạy về phía tôi vài bước rồi lại quay lưng chạy mấy bước về hướng chúng vừa tới, đầu ngoái nhìn tôi, đôi mắt như van lơn điều gì đó. “Đúng rồi...", tôi chợt hiểu. Lũ khỉ muốn tôi đi theo chúng. Chắc có việc gì khẩn cấp đây! 
Tôi nhào vào nhà xách súng, vớ thắt lưng đạn nhảy xuống cầu thang, vừa chạy vừa cài vào người. Qua khỏi bãi cỏ lũ khỉ nhanh nhẹn đu lên cây, chuyền ào ào trên cành dẫn tôi chạy về phía đầu con suối. Được một quãng, tôi nhận ra mình đang chạy về hướng gia đình báo hoa. Đầu tôi nhói lên linh cảm chẳng lành. Tới gần gốc cây nơi mẹ con báo hoa ở tôi bước chậm lại, tuột súng cầm tay thận trọng rẽ lá quan sát Kia rồi! Trên vạt cỏ dưới gốc cây nơi hôm trước gặp mẹ con nhà báo, nay chỉ thấy một con báo con đang bò lui bò tới dáng ngơ ngác và hoảng hốt. Báo mẹ và một con báo con nữa đâu? Chắc có chuyện gì khủng khiếp xây ra, chứ báo hoa không khi nào bỏ rơi con như thế! Tôi nhẹ nhàng bước thêm mấy bước. Dù sao cũng phải cảnh giác. Nếu con báo mẹ bất ngờ trở về và hiểu lầm thì tôi còn oan hơn cả Thị Kính.

Tôi đá nhìn thấy những dấu vết đáng chú ý: phía bên kia gốc cây có một vạt cỏ nhàu nát. Cả những cành lá của bụi cây gần đó cũng tơi tả. Rõ ràng ở đây vừa có cuộc vật lộn quyết liệt. Tôi tới gần hơn và chợt nhìn thấy một vũng máu đang đen đặc lại. Bên cạnh vũng máu, có vệt lõm kéo dài trên lớp đất mềm... Thôi chết rồi! Con trăn mốc! Đây chính là những dấu vết của nó. Trăn mốc là cư dân thứ ba của góc rừng này, kẻ láng giềng mà tôi đang định nói tới. 

Nhưng việc gì đã xẩy ra với mẹ con báo hoa? Tôi bồng chú báo con đang hoảng sợ lên, đăm chiêu suy nghĩ. Lũ khỉ nhấp nhổm trên cành, nãy giờ nín lặng nhìn theo từng động tác của tôi, lúc này cùng ồ lên, tranh nhau lẹc khẹc ầm ĩ. Con nào cũng làm ra vẻ ta đây biết nhiều chuyện nhất. Có thể lũ khỉ biết nhiều chuyện thật, nhưng chúng chẳng cung cấp được gì cho tôi cả. Tôi lại đi quanh tiếp tục tìm những dấu vết khác, cố hình dung sự việc vừa xẩy ra. 
Ngay từ khi mới tới đây sống được vài tháng, tôi đã biết trong góc rừng này còn có một cư dân nữa, đó là con trăn mốc. Nơi ở của nó là cái khe cạn gần chân núi, cách chỗ con báo chừng nửa cây số. Cái khe này hai bên bờ cây thấp mọc um tùm, dưới lòng khe tối tăm vì ánh mặt trời không rọi tới có những tảng đá và những hang hốc đen ngòm ẩm ướt. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy dấu vết của trăn mốc là hôm đi qua đám cỏ gần bên khe cạn, bắt gặp mấy đống lổn nhổn xương của một con thú bốn chân nào đó. Những khúc xương tuy vỡ nát nhưng còn tươi, có khúc còn thấy vệt gân bám hồng hồng. Bên cạnh có mấy bãi lướt sướt màu đen bốc mùi tanh lợm. Vạt đất mềm gần bờ khe nhẵn thín. Tôi đoán nơi đây có một con trăn đang sống. Trăn rắn trong rừng chẳng thiếu, nhưng con trăn này to lắm, và nó sống ở đây đã lâu rồi.
Từ đó, mỗi lần đi qua khu vực này tôi lại hết sức cảnh giác. Cảnh anh Hùng bị trăn quấn còn in đậm ấn tượng kinh hoàng trong tâm trí tôi. Tuy vậy, mãi cho đến hôm nay tôi vẫn chưa giáp mặt nó lần nào. Nói chưa giáp mặt là hoàn toàn chính xác, vì có hai lần gặp nó nhưng chỉ kịp thấy khúc đuôi to tướng mốc thếch vút nhanh vào đám lá rậm. Đã quá biết sự nham hiểm của loài bò sát gớm ghiếc này, lại thêm hành tung của kẻ láng giềng đầy mờ ám, nên tôi chẳng có chút cảm tình nào với nó. 
Nếu so ra thì trăn mốc hoàn toàn không xứng là đối thủ của báo hoa cả về tính cách lẫn khả năng chiến đấu. Nó có thể cuốn nát nhừ rồi nuốt trọn con nai nặng hàng tạ, nhưng không thể đọ nổi bộ răng và móng vuốt sắc nhọn được phát huy đến tuyệt đỉnh bởi giác quan nhạy bén, sức dẻo dai bền bỉ và phản xạ cực kỳ lanh lẹ của loài báo. Cùng với tài leo trèo như mèo, chạy nhanh như cọp, dáng vẻ uyển chuyển duyên dáng và bộ lông mượt mà của con báo đã làm cho nó xứng đáng là niềm kiêu hãnh của rừng già. 
Trên đường về nhà, tôi ôm con báo nhỏ bé trong tay vừa bước vừa suy nghĩ. Nó không ngớt ngọ ngỵây, miệng kêu những tiếng não nuột. Bầy khỉ bỏ cả việc kiếm ăn hàng ngày, đang chuyền cành theo phía sau. Lúc này chúng chẳng thiết gì chuyện ăn uống. Sự việc thương tâm vừa xẩy ra khiến những cư dân của khu rừng vốn thanh bình này phải đau lòng và sửng sốt. Những dấu vết để lại trên hiện trường chứng tỏ mẹ con báo hoa bị hại bởi trăn mốc. Chắp nối các tình tiết, tôi hình dung sự việc diễn ra như sau: 
Từ lâu, trăn mốc đã biết đến sự có mặt của con báo trong cánh rừng này. Đối với nó, con báo mềm mại kia là một miếng mồi ngon nhưng không thể với tới được. Nó tự biết mình không phải là đối thủ của báo hoa, và ở đây đâu thiếu con mồi. Nhưng do bản tính nhỏ nhen của loài bò sát, nó ganh tị với phong thái tự tin và đầy bản lĩnh của con báo. Trong khi luôn tìm cách tránh mặt, trăn mốc vẫn rắp tâm rình mò chờ cơ hội. Nó có thuận lợi vì con báo chẳng bao giờ xem nó là con mồi, cũng không nghĩ nó là kẻ thù. 
Và rồi trong cuộc sống, có khi sự hèn hạ nhưng nham hiểm lại chiến thắng sức mạnh và lòng kiêu hãnh. Cơ hội mà trăn mốc chờ đợi từ lâu đã tới khi nó thấy báo hoa sinh con. Trăn mốc rình rập và ra tay, đúng hơn là bung thân ra để cuộn mẹ con nhà báo hoa lúc đang đùa rỡn với nhau. Con báo sau khi sinh nở, rồi trong những ngày chăm con mọn, đã có phần mỏi mệt và thiếu nhạy bén. Hơn nữa, nó quá say mê hai thiên thần của nó nên thiếu cảnh giác. Đúng ra khi phát hiện trăn mốc cuộn tới, báo hoa chỉ cần khẽ nhún mình là thoát khỏi vòng nguy hiểm, nhưng nó không nỡ để lại những đứa con. Khi nó vừa kịp cắp lấy cổ một con báo con thì trăn mốc đã siết cả hai mẹ con nó trong những vòng thân tanh tưởi. Con báo còn lại văng ra bãi cỏ. Lũ khỉ vừa tới kịp chứng kiến tội ác, bèn hốt hoảng chạy về báo tin cho tôi. Nếu không có chúng, tôi chẳng bao giờ biết được điều gì đã xây ra với mẹ con báo hoa. 
Những điều kể trên chủ yếu dựa vào sự liên kết các tình tiết và có phần suy đoán, nhưng tôi nghĩ nó không xa sự thật bao nhiêu. Điều cần tính tới lúc này là làm sao chăm sóc cho báo con, và sau nữa, phải ổn định lại hòa bình ở góc rừng này. Nếu còn trăn mốc thì những cư dân khác, kể cả tôi đều luôn bị nguy hiểm rình rập. Cả ở nơi hoang dã, cuộc sống cũng cần phân biệt thù, bạn rạch ròi. Kẻ thù không thể chung cùng mảnh đất. Hơn nữa, tôi thực sự phẫn nộ trốn sự tấn công hèn hạ của trăn mốc. Nếu hai con vật đó đọ sức trong một cuộc đối đầu sòng phẳng thì chẳng nói làm gì! Lẽ công bằng phải được áp dụng cho muôn loài.

Về tới nhà, tôi lúng túng với chú báo con trong tay, chưa biết nên làm gì. Báo con đã ăn được gì chưa hay còn bú mẹ? Có lẽ phải làm cho nó một cái chuồng, nhưng trước hết phải cho nó ăn cái đã. Nãy giờ báo con kêu mãi, chắc vì đói. 

Tôi lên nhà lấy bi đông mật ong róc một ít ra vỏ hộp thịt. Chẳng có cái thìa nào, tôi lấy chiếc đũa nhúng vào mật cho nó liếm. Nhưng mỗi lần đưa đầu đũa vào miệng là nó cứ nguẩy đầu né tránh, có khi còn đưa chân trước lên ẩy ra và lại không ngớt kêu béo béo nghe não cả ruột. Cuối cùng, tôi đành đặt nó trước mặt khỉ già rồi lấy dao đi làm chuồng. Lúc này mấy con khỉ lớn vẫn loanh quanh trước nhà, còn hai khỉ con thì đã leo lên cây đùa nghịch. Đúng là trẻ con bao giờ cũng vô tư. 
Tôi định làm cho báo con một chiếc cũi bằng những thanh gỗ tròn như kiểu người ta xếp gỗ làm miệng giếng. Xuống dưới gầm sàn, tôi lôi ra được mấy thanh gỗ vừa ý, nhưng thấy chưa đủ nên xách dao vào rừng đốn thêm. 
Khi vác bó thân cây về tới nhà, thấy chú báo đang nằm ngoan ngoãn trong lòng khỉ già. Con khỉ ngồi bệt trên cỏ, một tay ôm báo con, một tay đưa chiếc lá khô có dính mật ong cho nó liếm. Nhìn cái lưỡi nhỏ xíu đỏ hồng mềm mại liếm mật trên lá, tôi thầm phục khỉ già thông minh. Chắc chắn nó sẽ là trợ thủ đắc lực của tôi trong việc nuôi nấng đứa trẻ mồ côi này. Làm xong chiếc cũi, tôi đặt nó lên đầu sàn nhà, rải vào một ít lá khô rồi bỏ báo con vào đó. Sau khi được khỉ già cho ăn nó đã dịu lại, không còn kêu luôn miệng như trước. Tôi ra suối lấy nước, lúc quay lại thấy nó đã ngủ thiêm thiếp trên lớp lá khô, xinh xắn như một chú mèo con. 
Tối đó tôi thao thức nghĩ cách trừng trị trăn mốc, mãi gần sáng mới chọn được một phương án tạm coi là tối ưu. 
Tôi xách súng đi về phía rừng le với ý định bắn cho được một con thú lớn. Mùa này ở đó thường có lợn rừng tìm tới ăn măng. Sau mấy giờ rình mò, tôi cũng gặp được bầy lợn khoảng bốn, năm con. Tôi chọn bắn con nhỏ nhất, ước độ bốn chục kí. Con thú ngã vật ngay sau tiếng nổ, những con còn lại chạy biến trong rừng le. Tôi xốc con lợn lên vai trở về nhà. 
Đến chiều tôi đem con lợn ra bờ suồl dùng dao xẻ một miếng lấy thịt ăn, rồi dùng dây buộc phần còn lại treo rút lên cành một cái cây mọc trơ trọi bên bờ suối để phơi nắng. 
Ngày hôm sau, tôi ra hốc cây đa lấy khẩu AR15 có kính ngắm mang vào nhà. Mặc dù khẩu súng trông vẫn còn mới nguyên nhờ được lau chùi và bao bọc cẩn thận, tôi vẫn tháo ra lau kỹ từng bộ phận, tỉ mẩn kiểm tra độ nhạy của cò súng, lắp băng đạn vào kéo khóa nòng vài lần cho trơn tru. Khẩu này tôi đã thử, thấy rất chính xác: đặt nấc phát một bắn ba phát, cả ba viên cùng trúng chụm vào một điểm. Tôi còn lấy dao găm đem ra suối mài thật sắc, đút vào vỏ cài ở thắt lưng thay chỗ con dao rừng vẫn mang thường ngày. Trước mỗi trận đánh, sự chuẩn bị chu đáo không bao giờ thừa. 
Ngày sau nữa, tôi dậy sớm, choàng thắt lưng đạn vào người, cài thêm chiếc xẻng nhỏ rồi xách khẩu AR15 ra bờ suối ở phương đông trời mới rạng, mặt trời chưa lên khỏi ngọn cây của cánh rừng phía bên kia đồi cỏ. Trên dòng suối vẫn còn một dải sương trắng mờ như khói. Tôi đến bên gốc cây cắt dây hạ xác con lợn rừng xuống. Qua gần hai ngày phơi nắng nó đã hơi sình lên và có mùi. Vác con lợn lên vai, tôi đi về hướng cái khe cạn chỗ trăn mốc trú ngụ. Quãng đường chỉ hơn cây số đường chim bay, nhưng nửa giờ sau tôi mới tới vì phải luồn rừng với con mồi trên vai. 
Sau khi quan sát cẩn thận, tôi bước đến bên gốc cây thọc giữa đám cỏ, gác con lợn lên nhánh cây cao ngang ngực, dùng dây buộc chặt nó vào đó. Việc còn lại bây giờ là nhanh chóng chọn chỗ mai phục và kiên trì chờ đợi. Tôi khoác súng leo lên một cây có tán lá thưa mọc tách biệt với dải rừng xung quanh. Có khoảng trống sẽ an toàn hơn. Tôi không muốn mình trở thành con mồi của trăn mốc trong khi ngồi rình nó. Nghe nói loài trăn gió không chỉ kiếm ăn trên mặt đất mà còn leo cây bắt mồi rất nhẹn. 
Điểm tôi chọn ở cuối hướng gió, là nơi mai phục khá lý tưởng. Từ đây tới chỗ con mồi, và đoạn bờ khe có vết trán bò là ba điểm tạo thành một tam giác cạnh khoảng sáu chục mét. Tôi ngồi trên nhánh cây to mọc ngang, dựa lưng vào thân cây, co chân trái lên nhánh cây để lấy điểm tựa và giương súng ngắm thử. Tốt rồi! Mọi việc đều ổn! 
Chăm chú quan sát đoạn khe cạn, tôi thấy khó có thể nhìn được gì dưới lòng khe tối om ấy. Hy vọng tính toán của tôi đúng, tức là: con trăn đã muốn ăn lại nó phát hiện ra con mồi và lê mặt khỏi chỗ nấp. Khi đó việc quyết định là găm chính xác một viên đạn vào đầu nó. Tôi đã làm tất cả những gì có thể, còn kết quả bây giờ phụ thuộc vào việc đối thủ có chịu xuất đầu lộ diện hay không. 
Hơn một giờ trôi qua. Cái khe trước mặt vẫn im lìm lặng lẽ. Tôi bắt đầu thấy tê mỏi vì ngồi bất động. Bao giờ cũng vậy, sự chờ đợi càng kéo dài càng căng thẳng. Kinh nghiệm cho biết, nếu không tự chủ tốt thì lát nữa tôi sẽ rơi vào trạng thái lơ mơ bất động như bị thôi miên bởi những âm thanh đơn điệu đều đều của rừng vắng. Tôi buông lỏng các cơ bắp và thỉnh thoảng nhìn ra những điểm xa gần khác nhau cho mắt khỏi bị mỏi. 
Gần trưa, tôi đã thấy sốt ruột. Và chẳng hiểu từ đâu, một nỗi lo lắng mơ hồ len vào suy nghĩ làm tôi cảm thấy hoang mang. Không biết mình có phạm phải sai lầm nào không? Có phải con mồi lộ liễu làm trăn mốc cảnh giác? Hay lúc này nó không có ở dưới khe? Nghe nói con trăn ăn một bữa nhịn được cả tháng? Hay cũng như loài rắn, nó không phát hiện ra nếu con mồi bất động hoặc không có thân nhiệt? Nếu đúng vậy thì chỉ còn trông trăn mốc "trình độ" hơn đồng loại... Tôi chẳng mấy hiểu biết về loài trăn, cũng chưa nghe ai kể chuyện săn trăn ngoài chuyện Thạch Sanh chém trăn tinh trong cổ tích. Nhưng con nào chưa biết, chứ trăn mốc tham ăn là cái chắc. Mà báo hoa thuộc giống tiểu báo không to con cho lắm, đối với trăn mốc chỉ lưng lửng dạ..." Ngay từ đầu mình đã tính tới việc thất bại, nhưng cả trong trường hợp đó cũng không được nản. Tất cả đang còn ở phía trước. Mình sẽ kiên trì ngồi đây suốt ngày hôm nay và nếu cần, cả những ngày tiếp theo. Không thể chịu thua nó! Không trừ nó trước, sẽ có lúc mình trở thành con mồi của nó trong một lần luồn rừng nào đó..."

Nhìn đám lá um tùm trên khe cạn, tôi nhận ra từ sáng tới giờ chưa có con chim nào đậu lên đó, mặc dù các nơi khác trong rừng đều nghe tiếng chim hót. Cái khe lạnh lẽo đang toát ra tử khí. Chắc chắn trăn mốc có ở dưới đó, và nó sẽ mò ra. 

Lúc này nắng đã gay gắt. Những tia nắng xuyên qua tán lá thưa chiếu tới bên vai làm lớp vải áo nóng lên, mồ hôi bắt đầu đổ giọt trên mặt. Có tiếng động khẽ trong tán lá trên đầu làm tôi giật mình nhìn lên. Thì ra một chú sóc bay từ cành cây gần đó liệng tới. Cánh rừng này có rất nhiều sóc bay. Những con sóc bé nhỏ có màng mỏng nối bốn chân với thân nên chúng có thể liệng từ cây này qua cây khác như chim. Sóc bay rất hiền lành, suốt ngày lúc nào cũng tỏ ra tất bật bận rộn. Tôi thấy vui vui. Ít ra lúc này mình cũng có con sóc làm bạn, chứ không như đối thủ, ngay cả một con chim cũng không dám đến gần... 
Mặt trời gần tới đỉnh đầu. Đang định đổi lại tư thế ngồi cho đỡ mỏi, chợt cảm thấy trong lòng khe có sự chuyển động mơ hồ nào đó nên tôi căng mắt nhìn. Một phút… hai phút... rồi ba phút. Vẫn chưa thấy gì? Nhưng tôi tin ở cảm nhận của mình. Kia rồi! Có vài chiếc lá khẽ rung. Không phải gió. Những chiếc lá này ở sát mặt đất. Và trong đám lá đó, một cái đầu trăn hiện ra, rất nhẹ, rất êm! Cứ như nó đã có sẵn ở đó từ trước. Con trăn đang nghe ngóng động tĩnh. 
Thêm mấy phút nữa. Tôi ngồi im như dán vào thân cây tay nắm hờ khẩu súng gác trên đùi, cố điều hòa hơi thở để làm dịu sự hồi hộp. Chắc không thấy gì dáng ngờ nên con trăn trườn thêm một quãng, ra khỏi đám lá được hơn mét. Cái đầu tam giác bè bè bắt đầu ngỏng lên, nhìn rõ cặp mắt tròn giống hai hòn bi ve. Nó ngoác miệng, cái lưỡi gớm ghiếc thò ra thụt vào như đánh hơi. Và có lẽ đã nhìn thấy con mồi, nó trườn nhanh về hướng đó, toàn thân nó lên hết bờ khe hiện rõ trước mắt tôi. Lớp da có những hình lục giác tứ giác màu đen màu xám loang lổ cuồn cuộn như dòng chảy trên đám cỏ, vài chiếc vảy chốc lại lóe ánh mặt trời. Tôi hít một hơi dài, từ từ nâng súng lên. 
Khi cái đầu con trăn hiện rõ trong kính ngắm thì nó chợt dừng lại. Tôi ngừng thở. "Không lẽ nó phát hiện ra những cừ động của mình..." Trăn mốc còn cách con mồi chưa tới bảy mét, đầu ngóc cao dần. Trong kính ngắm, tôi nhìn rõ cặp mắt nó như lồi ra. Nó đang thôi miên con mồi hay bị miếng mồi ngon thôi miên? Phần thân trăn nằm trên mặt đất co lại: chiếc lò xo đang nén. Đã đến lúc? Tôi nhanh chóng đưa một "hòn bi ve" vào tâm chữ thập của thước ngắm và bóp cò. Phát súng nổ đanh gọn. Cái đầu con trăn đang ngóc cao bỗng gập xuống như bị ai phang một cú trời giáng. Cùng lúc, tấm thân dài thượt của nó bung ra như văng khỏi mặt đất. Tôi hạ súng, sững sờ nhìn con trăn lồng lộn giãy chết. Cảnh tượng trông thật khủng khiếp! Cả thân hình nó lởm chởm vảy, lúc cuộn lại thành một nùi thịt khổng lồ, lúc bung ra quằn quại. Khúc đuôi nặng nề vật vã quật liên hồi làm cả vạt cỏ rộng nát nhừ. Từng đoạn thân nó uốn éo cong vồng, lôi theo cái đầu bết máu lê trên dết. Phải hơn mười phút sau con trăn mới thôi vùng vẫy. Nó nằm đừ trên đám cỏ nhàu nát, những thớ thịt trên mình vẫn còn giật giật. 
Đến lúc này người tôi mới hết co cứng, các cơ bắp chùng lại. Tôi nhắm mắt ngả đầu tựa vào thân cây, buông thòng chân xông đất. Cảm giác mệt mỏi dễ chịu lan khắp toàn thân... 
Một tiếng chim đột ngột hót vang trong vòm lá trên đầu làm tôi choàng tỉnh. Tôi ngồi lơ mơ chưa lâu, nhưng những phút thư giãn đó đã giúp đầu óc tỉnh táo hẳn. Tôi đóng khóa an toàn, khoác chéo súng sau lưng ôm thân cây tuột xuống, cà nhắc mất một lúc vì chân trái tê cứng. Khát khô cả họng. Ban sáng tôi cố ý không mang theo bi đông nước, sợ khi ngồi phục không nhịn được lấy ra uống sẽ gây cử động dễ lộ. 
Bóng cây đã tròn lại. Sau những phút vắng lặng, giờ đây cả khu rừng lại râm ran tiếng chim, những âm thanh líu lo vang mãi lên tầng trời xanh thẳm. 
Tôi đến bên xác con trăn. Lúc này mới thấy trăn mốc to kinh khủng. Toàn thân nó phải dài hơn chục mét, vòng bụng to như cột nhà. Con này có gọi là "trăn tinh" cũng không ngoa? Viên đạn găm trúng con mắt bên phải xuyên ra sau làm toác một lô còn rỉ máu trên đầu nó.
Nhìn cái xác khổng lồ của trăn mốc, tôi thở dài. Phải chôn thôi! Nếu không cả góc rừng này sẽ thối hoắc hàng tháng trời. Tôi rút xẻng đưa mắt nhìn quanh chọn chỗ đất liềm để đào hố. 
Mất hơn một tiếng đồng hồ mới đào xong cái hố đủ chôn xác con trăn. Mồ hôi tuôn ướt đẫm cả áo nên tôi càng khát tợn, nhưng không thể bỏ đi tìm nước. Sáng đi vội chưa kịp cho báo con ăn, giờ chắc nó đang gào khản cổ ở trong cũi. Tôi cắt một đoạn dây rừng buộc thành thòng lọng lừa vào cố con trăn thít lại, gắng sức kéo xác nó tới bên miệng hố. Nặng quá, chẳng nhúc nhích được mấy! Tôi phải chặt một nhánh cây làm nạng, hì hục đẩy từng khúc cho nó khoanh gọn trong hố, lùa đất đầy rồi dùng chân giậm kỹ. Chẳng bao lâu nữa cỏ sẽ mọc lên. 
Tôi quay trở về rất nhanh, ra thẳng suối uống nước rồi vội vã lên nhà. Điều nhìn thấy trước mắt làm tôi nhẹ người. Bầy khỉ đang chơi đùa với báo con dưới chân cầu thang. Nhìn chú báo, không ai nghĩ nó bị bỏ một mình suốt ngày nay. Báo con đang dùng chân trước vờn một trái cây chín đỏ mà lũ khỉ hái về cho nó. Hai khỉ con nhảy nhót xung quanh, mở to đôi mắt tò mò nhìn những động tác vụng về của người bạn bé nhỏ nhưng đã có dáng đĩnh đạc hơn hẳn chúng. Tôi nhẩm tính, thấy báo con ít ra cũng vài tháng tuổi. Ở quê tôi, chó con một tháng người ta đã đem về nuôi. 
Hơi ngạc nhiên khi mấy con khỉ lớn nhìn tôi vẻ khép nép và sợ sệt, nhưng vì vội nên tôi không chú ý lắm. Bước lên cầu thang, thấy những khúc gỗ chặn trên cũi bị kéo lệch sang một bên. Chắc khỉ già nghe báo con gào nên dỡ ra để bế nó xuống. Tôi lấy bi đông mật ong rót một ít ra vỏ hộp thịt, đem tới bỏ trước mặt khỉ già rồi xuống suối tắm. Nó đã biết cách cho báo con ăn như thế nào. Cởi quần áo dìm xuống nước, tôi bỗng hiểu ra là mùi của con lợn rừng và con trăn còn vương trên người tôi làm cho lũ khỉ sợ hãi. Tôi lội xuống đứng dưới thác. Nước chảy ào ào trên người, mát lạnh đến rùng mình. 
Lúc từ dưới suối lên thì trời đã gần tối. Dưới phân cầu thang chỉ còn mình khỉ già với báo con. Chỗ mật trong vỏ hộp hết nhẵn, rõ ràng có sự tham gia của hai nhóc khỉ. Tôi ẵm con báo lên và xoa đầu khỉ già. Lần này nó không né tránh nữa. 
Bữa tối, tôi tự thưởng cho mình bằng cách mở hẳn một hộp thịt nấu cháo với gạo sấy. Số gạo còn lại trong bao sáng mai sẽ nấu cơm đãi lũ khỉ. Món cháo thịt hộp ngon vô cùng! Đã lâu rồi nay tôi mới ăn lại những thức ăn có gia vị đậm đà mà con người thường dùng. Tôi cũng dành cho con báo ít cháo. Nó ăn nhưng có vẻ không được ngon miệng cho lắm. Tôi đến tôi ôm con báo vào ngủ trong nhà. Nó cứ rúc vào người tôi tìm hơi ấm, bộ lông mềm mại như một cuộn bông. 
Tôi chỉ bận rộn với báo con trong khoảng một tuần, còn sau đó mọi việc trở nên dễ dàng hơn khi nó ăn được những miếng thịt tươi xé nhỏ. Rồi đến hôm thấy nó leo được lên cái cây trước nhà và nằm gọn ghẽ trên nhánh cây thì tôi hoàn toàn yên tâm. Báo con biết leo trèo sớm như vậy, có lẽ phần do bản năng, phần nhờ những bài tập vỡ lòng của mẹ. Con báo hoa đã không chần chừ khi dạy những điều cần thiết cho lũ con non nớt. Nó biết ở nơi hoang dã, mọi việc đều có thể xẩy ra.



< Trước     Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối

Đội đặc nhiệm TK1 (chương 12)

Chương XII


Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối


Lúc còn đi học, tôi chỉ biết tới vàng qua trang sách, nghĩa là cái vòng tròn nửa trắng nửa đen trên tấm bản đồ khoáng sản, hay ký hiệu nguyên tố thứ bảy mươi chín trong hệ thống tuần hoàn hóa học. Sau này vào hoạt động ở thị xã Quảng Trị, hiểu biết về vàng của tôi có nâng cao được chút ít nhưng cũng chỉ dừng ngang chỗ nhìn thấy những nhẫn, vòng, dây chuyền vàng các bà các cô thường đeo, hay cái tiệm kim hoàn nhỏ nằm ở đầu phố mà tôi chẳng có việc gì để bước chân vào. Tất cả kiến thức của tôi về việc tìm kiếm một vỉa quặng là những điều anh Sơn đã nói. Những tưởng còn có đủ thời gian để học ở anh nhiều điều, đâu ngờ chỉ được sống với anh chưa đầy tháng... Cái câu "đãi cát tìm vàng” tôi học lúc trước là câu tục ngữ, nó được giảng theo nghĩa trừu tượng chứ không giải thích một công việc cụ thể.
Chính vì vậy mà giờ đây tôi lúng túng không biết nên làm gì. Theo tài liệu anh Hai Nguyên phổ biến, "vỉa quặng” nằm trong dải rừng phía bắc vùng đồi cỏ. Trên tấm bản đồ anh Sơn mang theo, nó được đánh dấu bằng mũi kim châm.Tìm dấu kim trên bản đồ đã khó, thế mà giờ đây tôi phải tìm trong rừng một vỉa quặng trong lúc chẳng hình dung được hình thù của nó như thế nào. 
Tôi để một ngày đi men dải rừng phía bắc vùng đồi. Địa hình ở đây đã nói sơ trong lần trước, tất nhiên lúc này nó vẫn thế: rừng rậm nhiều tầng có đá bazan nằm rải rác, đôi chỗ nền đất pha sỏi vụn như ven các khe cạn hoặc vùng đất giáp đồi cỏ Những ngày đi đó không phải là vô ích. Nó giúp tôi nhận thức được rằng, đừng bao giờ mong tìm thấy một tảng đá có những mạch vàng sáng lấp lánh như đã xen trong phim. Mà nếu có tảng đá như vậy, nó cũng bị vùi lấp dưới đất hay lẫn trong cây cỏ rậm rạp, có sục hết từng mét đất của vùng rừng này cũng chắc gì phát hiện được. 
Cuối ngày hôm đó, sau khi đi thực địa về, tôi quyết định làm theo cách mà anh Sơn đã bảo là "tuy thô sơ nhưng đơn giản nên dễ áp dụng...", tôi sẽ đãi cát tìm vàng theo nghĩa đen. Cách đãi tôi cũng có biết, về lý thuyết thì phải - vừa xoay vừa lắc cho đều như cách sàng gạo. Nhưng đãi bằng cái gì bây giờ? 
Tôi lên chỗ máy bay rơi, lấy cái mũ phi công gỡ hết các thứ bên trong và bịt các lỗ thủng rồi xuống suối bỏ đất vào đãi thử. Mới lắc mấy vòng đã thấy không ổn, lòng mũ sâu và hẹp quá. Phải có cái gì rộng hơn và cạn, chỉ hơi trũng thôi. Hèn gì lúc trước anh Sơn mang cái xoong cạn miệng rộng như vậy. 
Quay lại chỗ chiếc trực thăng, tôi dùng dao găm hì hục gần một buổi mới chặt được mảng vỏ máy bay vừa ý. Loại hợp kim này nhẹ và đủ dẻo để tôi gò được một vật từa tựa cái khiên thời trung cổ người ta hay mang theo lúc ra trận. (Sau này khi nhìn thấy dụng cụ của những người làm nghề đãi vàng thủ công, tôi mới biết lúc đó mình đã làm đúng kiểu). 
Thế rồi tôi bắt tay vào việc với tâm trạng hăm hở pha lẫn hồi hộp xen với niềm hy vọng tràn trề. Điểm xuất phát là cái khe cạn nằm chính giữa rìa vùng đồi phía bắc, nơi có đám lau khô tiếp giáp với rừng. Không ảo tưởng vào một kết quả nhanh chóng trong ngày một ngày hai, tôi chia dải rừng ra làm nhiều ô, ghi nhớ những hòn đá hay gốc cây nào đó để làm mốc, dự định tìm kiếm hết nơi này mới chuyển qua nơi khác. Phải đãi có vàng đã rồi mới tính tới chuyện lần tìm vỉa quặng.
Công việc chẳng nhẹ nhàng chút nào. Cả dải rừng này chỉ có con suối chỗ tôi ở và cái khe nhỏ nơi tôi đã mắc võng nghỉ hôm bị sốt. Muốn đãi, phải gùi đất đến chỗ có nước. 
Tôi cắt một tấm pôngsô khâu thành mấy cái túi. Mỗi đoạn khe cạn hay chỗ trũng, tôi đào đất ở nhiều điểm bỏ vào những túi khác nhau, và phải đánh dấu để biết túi đất nào lấy ở đâu. Chưa hết, đào xong phải ngụy trang kỹ, đất đãi rồi phải khỏa cho trôi đi. Nếu kẻ địch tới đây, chúng có thể biết tôi có mặt ở vùng này, nhưng không để chúng phán đoán được ý đồ. Ngay cả trong trường hợp bị địch bắt, tôi cũng chỉ là một người lính giải phóng lạc trong rừng. Tình huống này đã được dự tính từ trước. 
Hàng ngày, với súng đạn, chiếc ba lô rỗng, cái xẻng nhỏ cùng cái khiên đeo sau lưng, tôi ra đi từ lúc hửng sáng và chỉ trở về nhà lúc sẩm tối. Đào đất đổ vào túi, bỏ túi vào ba lô mang tới suối đãi, đổ đi rồi quay lại đào tiếp... Công việc nặng nhọc và nhàm chán làm sự háo hức ban đầu dần dần nguội đi. Nhưng tôi không nản. Trong đầu tôi là sự quyết tâm đến lì lợm bởi ngoài trách nhiệm cá nhân, tôi còn có nghĩa vụ với người đã khuất. Mà có lẽ còn trên cả nghĩa vụ... 
Tôi mới bắt tay vào việc được mươi ngày thì phải tạm ngừng vì mùa mưa tới. Trước đó mấy hôm bầu trời kém trong hơn, tầng mây trắng bạc mờ mờ trên cao thay thế dần khoảng trời xanh. Buổi sáng những áng mây xuất hiện ngày càng nhiều, lúc đầu chúng có màu trắng hoặc phớt hồng, sau đổi sang màu xám chì. Còn đến hoàng hôn ráng chiều nhuộm mây ngàn đỏ sậm. Những tiếng sấm ì ùng xa xa nghe như tiếng đại bác báo hiệu đạo quân mưa đang tiến lại gần. Gió thổi từng làn ngắt quãng làm cây lá xôn xao. Rừng đang bồn chồn. 
Rồi một hôm, cơn mưa chờ đợi từ lâu đã tới. Suốt buổi sáng trời đứng gió. Cây cối im phăng phắc trong cái nóng ngột ngạt đến khó thở. Không gian nặng nề như đang chịu một áp lực từ vũ trụ ép xuống bề mặt khí quyển. Quá trưa thì mây kéo về làm bầu trời thấp xuống, màu mây đen kịt và nặng trĩu. Gió cuộn lên ào ào, bụi tung mù mịt trên vùng đồi cỏ cây rừng nghiêng ngả vật vã chịu đựng nỗi đau chuyển mùa. Lát sau, những tia chớp bắt đầu kéo loằng ngoằng trong mây kèm theo tiếng sấm nổ choáng tai. Những hạt mưa đầu tiên rơi lộp độp xuống lá cây, xuống lớp đất khô bụi sau nhiều tháng nắng nóng. 
Trận mưa dạo đầu chỉ kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Rừng bốc khói như đang ngủn cháy âm ỉ. Hơi nước ngùn ngụt khắp nơi, đến sẩm tối trở thành những đám sương xanh lam quyện trong vòm lá. Ngày hôm ấy tôi ở nhà lấy củi về chất dưới gầm nhà nên tránh được cơn mưa. Đi rừng gặp trận mưa này, ốm là cái chắc!

Đất rừng khô hạn lâu ngày, hơi nóng bốc lên rất độc. Mấy ngày kế đó mưa đổ xuống từng đợt ngắn, nhưng mây vẫn tiếp tục kéo về ùn ùn trên bầu trời. Ngoài đồi, chuồn chuồn kết thành từng đám dày đặc lượn sát ngọn cỏ. Tranh thủ lúc tạnh, tôi xách súng đi ngược con suối lên mé trên, ý định kiếm ít thịt dự trữ. Tới đoạn suối chảy ngang qua vách đá thì gặp con mang ở bờ bên kia. Tôi bắn, nhưng phát đạn không chính xác nên nó còn chạy được. Tôi lội qua suối lần theo dấu máu, phát hiện nó chui vào một cái hang nhỏ nằm chết trong đó. Cái hang này khuất sau mấy tảng đá và những cây dây leo nên rất kín, nếu không có vết máu thì không thể tìm ra. Chật vật mãi tôi mới kéo được con mang ra vì miệng hang hẹp quá. Nhưng khi nhìn kỹ thới thấy trong hang khá rộng, đủ chỗ cho vài người nấp. Chỉ nhìn qua cho biết chứ chẳng có việc gì phải dùng đến nó. 

Tôi vác con mang về xẻ thịt, và nhân lúc nước suối còn trong tôi câu được hơn chục con cá. Số cá, thịt đó tôi nướng và sấy khô rồi đem treo trên đống lửa để ăn dần. Lương thực dự trữ còn mấy bao gạo sấy, năm phong lương khô và một thùng khẩu phần ăn dã chiến, nhưng số đó phải để dành và nếu để được cho tới lúc quay về là tốt nhất. Còn ở đây chim thú không thiếu, tôi lại sẵn đạn nên chẳng lo đói. 

Những cơn mưa nặng hạt ngày càng kéo dài, thời gian tạnh ngắn lại và hiếm hoi dần. Cho đến lúc mưa tầm tã suốt ngày đêm thì hầu như tôi chỉ bó gối ngồi trong nhà, không đi đâu được Ngoài trời mưa trắng rừng trắng núi, nhìn ra hướng đồi cỏ chỉ thấy mịt mờ màn nước. Nước chảy thành dòng săn tít dọc theo thân cây cổ thụ. Mặt đất trương ra, mềm lún. Muôn dòng chảy len lỏi qua các gốc cây đổ xuống chỗ thấp. Những rãnh nhỏ trở thành khe, khe thành suối và suối thành sông con. Dòng suối trước nhà giờ đây đục ngầu cuồn cuộn như lũ, cuốn băng băng từng đống rác rều kết từ cành khô và là mục. Những đám mây mọng nước suốt ngày sà trên ngọn cây làm bầu trời như sắp sập xuống. Nhà tôi dựng dưới tán lá rậm, chỉ sáng mờ mờ được dăm tiếng đồng hồ vào ban ngày, vì vậy đêm tối càng dài hơn. 

Một hôm, tôi đội mưa lên chỗ máy bay kiểm tra lại những thứ trong đó và lấy thêm số đồ cần dùng. Lần này tôi tìm được nắp thùng chứa nhiên liệu nên lấy ra ít dầu để thắp. Số dầu còn lại trong thùng khá nhiều, có thể an tâm về khoản ánh sáng. Ở dưới ghế lái có cái ngăn nhỏ, trong đó có bộ cờ !ê đủ cỡ, tôi đem bỏ cả vào ba lô cùng với mấy bộ quần áo lính. Nhưng thứ khác tôi gói kỹ cho khỏi ướt, để lại trong máy bay. Xong việc, tôi khoác ba lô lên vai, ra tìm đoạn cánh quạt gãy vác về nhà. 
Khi căng mấy tấm pôngsô quanh vách để tránh mưa tạt tôi bỗng nhận ra căn nhà tuy tốt nhưng lại giống cái rọ, nó chỉ có một cửa và mấy lỗ thông khói. Nếu có kẻ nào xuất hiện tấn công lúc tôi đang ngồi trong nhà, chúng chỉ cần khống chế trước cửa là chẳng còn thoát đi lối nào được. "Mình vô ý quá, lẽ ra phải làm thêm cái cửa hậu..." Nhưng khi có động, nếu có nhảy được từ độ cao hai mét xuống đất và kịp chạy hai chục mét tới gốc cây đa hay không? Biết là lo xa, nhưng khi đã nghĩ đến rồi thì tôi cứ thấp thỏm không yên. "Giá mình bay được như chim... À, đúng rồi! Đã có cách!" 
Lấy mấy cuộn mây hôm trước chưa dùng hết, tôi đem bện thành sợi dây dài, buộc một đầu lên nhánh cây đa quãng giữa nhà và gốc cây, đầu kia buộc thành cái vòng để có thể luồn chân vào. Phải sửa đi sửa lại mấy lần mới vừa ý. Tôi trổ thêm cái cửa nhỏ phía sau nhà và móc sẵn đầu dây ở đó. Trong trường hợp khẩn cấp, chỉ cần lách qua của níu dây đu nhẹ là tới chỗ cây đa trong nháy mắt. Ở đó có dấu sẵn số vũ khí dự trữ, và nếu cần tôi sẽ lẩn nhanh vào rừng. 
Suốt mấy tháng mưa, lúc nào tạnh tôi lại ra rừng. Bây giờ những nơi trũng đều ngập nước, việc đào đãi tiến hành tại chỗ nên thuận tiện hơn nhiều. Chỉ có điều lội trong rừng mùa này rất khó chịu vì ướt át suốt ngày. Những vết cào xước trên người trở nên ngứa ngáy thành ghẻ, đôi chỗ nhiễm trùng mưng mủ sưng tấy lên. Chẳng ai chết vì bệnh ghẻ, nhưng mắc phải nó thì thật khốn đốn. Không có xà phòng, áo quần giặt mấy cũng không sạch, da thịt nhớp nháp làm mụn ghẻ chả mấy chốc đã lan khắp toàn thân. Lại còn nạn vắt nữa? Cái giống đỉa cạn này vào mùa mưa nhiều như trấu. Mặc dù mỗi lần ra rừng tôi đều lấy lá ngải hôi xoa khắp người, nhưng thế nào cũng có dăm bảy con bám vào hút máu đến căng tròn, về đến nhà cởi quần áo ra mới biết. 
Nhưng "có khó mới ló khôn", tôi đã nghĩ ra giải pháp tối ưu cho vấn đề vệ sinh, một trong những "phát kiến" quan trọng nhất của tôi trong thời gian sống giữa rừng: đó là việc tìm ra cây bồ kết. Đúng ra tôi đã nhìn thấy nó từ trước, nhưng đến lúc này mới nhớ tới. Nó mọc ở mé đồi cỏ, nơi vạt rừng phía cuối tràng cát. Đây là một cây bồ kết cổ thụ to cỡ mấy người ôm, trên cành lủng lẵng những chùm quả tươi có, khô có. Tôi cũng không phải leo nên chẳng lo đám gai sắc nhọn chi chít trên cây: quả bồ kết rụng đầy dưới gốc, chỉ việc chọn những chùm chưa bị mục đem về bẻ ra ngâm để tắm gội hoặc giặt quần áo. Nhờ nó mà tôi triệt được bệnh ghẻ, và tuy ở rừng nhưng áo quần lúc nào cũng sạch bong. Ở quê tôi, các bà các chị lâu lâu mới đi chợ mua vài hào bồ kết về gội đầu. Còn ở đây, cái cây bồ kết này đủ cho cả làng gội quanh năm.

Một buổi trưa, nhân vừa ngớt mưa tôi xách súng vào rừng bắn chim. Ăn mãi thịt thú cũng ngán, còn cá thì nước suối to lại chảy xiết không câu được. Hôm đó tôi đi khá xa mới bắn được một con chim không lớn lắm nhưng cũng đủ ăn bừa tối. Lúc trở về, tôi nhắm hướng đi cắt rừng cho gần hơn. Khi băng qua cánh rừng cách nhà chừng cây số, tôi gặp một cây trầm. Tôi chưa nhìn thấy cây trầm tươi lần nào. Lúc trước anh Hùng có hứa khi nào gặp sẽ chỉ, nhưng không kịp... Nhưng đây là cây trầm đã rụi xuống lâu ngày, phần gỗ đều mục nát và bị đợt mưa vừa rồi xói trôi gần hết, làm lộ ra những khúc trầm đen nhánh đôi chỗ chen thớ gỗ lấm tấm trắng. Nhiều khúc như được một bàn tay tài hoa nào chạm trổ, tạo nên những đường nét hình thù kì dị và rất đẹp. Đoạn gần gốc có những tảng trầm màu nâu đen giống như những tảng nhựa, cầm lên cứ nặng trĩu trên tay. Có lẽ quanh đây có những cây trầm khác còn sống, nhưng tôi không nhận ra. Loài cây này thật kỳ diệu. Nó mọc giữa rừng hoang, hút chất đất và khí trời để tạo nên nhựa sống. Đến khi về già, cây trầm dồn nhựa của mình cô đặc thành tinh chất của hương thơm, và lúc chết nó để lại tất cả cho đời. 

Tôi nhặt mấy khúc trầm mang về để mỗi lần đi thăm mộ sẽ đốt thay hương. Về sau, lần nào đi ngang qua gần đó tôi cũng rẽ vào lấy một ít đem chất trong hốc cây đa. Chẳng qua thấy thì ham vậy thôi, chứ chẳng bao giờ tôi nghĩ đến chuyện sau này mang số trầm ấy về. 

Mặc dù tôi rất sốt ruột, nhưng việc tìm kiếm vẫn tiến hành chậm chạp. Những đợt mưa thường kéo dài, số ngày trời hửng rất ít. Ngay cả những ngày có chút nắng hiếm hoi thì chừng bốn giờ chiều trong rừng đã tối, ra tới chỗ đãi chưa làm được mấy việc lại phải quay về. 

Ai đã từng một lần trải qua mùa mưa Trường Sơn hẳn sẽ nhớ mãi những cơn mưa dầm dề lê thê ngày này qua ngày khác. Cũng có lúc mưa nhẹ hạt, những hạt mưa rơi chầm chậm làm ta tưởng trời sắp tạnh, bỗng lại nghe ào ào như ai trút nước xuống mái nhà: những đám mây lại vỡ òa trên bầu trời. Ngồi trong nhà nhìn ra màn mưa trắng mịt mờ mà buồn đến não lòng, nhiều lúc tôi có cảm giác mình như cũng sắp chảy ra thành nước. Rừng sâu vốn đã hoang vắng, trong mưa lại càng âm u lạnh lẽo khiến tôi thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Giá lúc này mà có một người bên cạnh, một người thôi, dù già hay trẻ, dù xấu hay đẹp, dù tính nết thế nào cũng được. Cố quên đi sự rầu rĩ trong những ngày mưa ấy, tôi dồn hết tâm trí vào một công việc đã ấp ủ từ lâu: làm tấm bia tưởng niệm đặt trên mộ hai anh. 
Tôi đập gãy đầu một chiếc cờ lê cỡ mười sáu, mài vào đá để làm chiếc đục. Phải mất gần một tuần, mài vẹt nửa hòn đá mới được chiếc đục vừa ý. Lấy đoạn cánh quạt trực thăng mang về hôm trước, tôi dùng đục trổ lên đó dòng chữ "đời đời bất tử”. Công việc không đơn giản, vì giữa chiếc đục bằng thép tốt và đoạn cánh quạt hợp kim, không cái nào chịu mềm hơn. Nhưng tôi không ngại. Tôi làm việc này với lòng thương nhớ vô hạn hai người anh, hai người đồng đội, hai con người bình dị và giàu lòng nhân ái đã chết cho tôi được sống... 
Ngoài những lúc tạnh mưa ra rừng đào đãi, còn hầu như suốt ngày tôi tập trung vào tấm bia. Cả những đêm không ngủ được, tôi cũng thắp đèn ngồi đục. Công việc thử thách lòng kiên nhẫn, và tôi đã chứng minh được quyết tâm của mình cứng hơn thứ hợp kim sản xuất từ nước Mỹ. Gần cuối tháng chín, khi cây đục qua nhiều lần mài chỉ còn một mẩu ngắn thì tôi làm xong tấm bia. Bên dưới dòng chữ “đời đời bất tử” có khắc tên hai anh cùng quê quán và ngày hy sinh. Tôi định khắc thêm mấy chữ TK1, nhưng sau lại thôi. Chỉ cần suy nghĩ một chút, ai cũng đoán ra hai chữ TK nói gì. 
Rồi những cơn mưa thưa dần, những ngày nắng nhiều hơn và ngày cũng dài ra. Đôi lúc tầng không xanh ngắt ló ra giữa những đám mây. Cho đến một hôm, khi nhìn thấy trong rừng có những tán lá ngả màu vàng, tôi hiểu mùa thu đã mang sắc màu của nó đến với vùng rừng núi này. Cứ nhìn nắng thì biết! Nắng thu đằm thắm, óng vàng như màu mật của những con ong làm ra từ phấn hoa mùa xuân và quả ngọt mùa hè. Mùa xuân nắng khác hơn, nắng xuân có màu vàng tươi và tràn trề sức sống. Nắng hè rực rỡ mà chói chang. Còn mùa đông thỉnh thoảng cũng có ngày đẹp, lúc đó trời trong veo và nắng có màu hoa cải cuối vụ. 
Vào một ngày thu như thế, tôi về bên mộ đốt trầm dựng bia cho hai anh. Tấm bia cao hơn hai mét, màu kim loại ánh lên dưới nắng nổi bật trong cảnh hoang dã. Không nét hoa văn, không lời tưởng niệm, những dòng chữ đơn sơ đục bằng tay trên tấm hợp kim đặc biệt chế tạo theo công nghệ hiện đại là sự thách thức với kẻ thù. Tôi muốn cho chúng biết rằng, sự trả thù quyết liệt sẽ đến với bất cứ kẻ nào tàn bạo và hèn hạ. Tấm bia này cũng là tín hiệu nếu có toán TK nào đến đây.
 Khói trầm nghi ngút, hương thơm ngào ngạt theo gió lan khắp đồi cỏ. Trong làn khói thơm như thấy hiện lên những khuôn mặt thân thiết... Tôi tiếc là không thể trở lại bờ vực để đốt mấy khúc trầm tưởng nhớ anh Sơn. Mà giờ này chắc anh ấy đã xuống tới sông Thu Bồn...



< Trước     Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối