21/01/2015

Đội đặc nhiệm TK1 (chương 16)

Chương XVI

< Trước     Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối



Ngồi bệt trên đỉnh đồi, tôi giương ống nhòm thích thú ngắm đàn bò rừng nhởn nhơ nơi đồi cỏ gần ngã ba suối. Phải đến ba chục con là ít. Trông xa rất dễ nhầm đấy là đàn bò nhà đang ung dung gặm cỏ, nhưng khi chỉnh ống nhòm nhìn kỹ từng con mới thấy khác. Những con bò rừng có phần ức nở nang, đôi sừng xoắn cong khoằm khoằm, toàn thân phủ lớp lông dài vàng sậm, dọc sống lưng lông dày rậm hơn và có màu nâu đen. Có cả mấy con nhỏ chạy tung tăng theo mẹ. Đàn bò này từ nơi khác đến chứ lâu nay tôi không thấy. Và chúng đến để rong chơi thì đúng hơn, vì dạo này cỏ đã khô sém đi dưới ánh nắng đầu hè. Phía ấy vẫn thấy có nhiều thú lớn, chắc cỏ ở đó tốt hơn. 

Lên khỏi ngọn cây một quãng, mặt trời nhỏ lại và tỏa nắng chói chang. Sương đã tan hết, đất ấm lên và không gian trong suốt. Gió thênh thang trên đồi, những ngọn cỏ màu hung nâu đung đưa nhè nhẹ. Vài gợn mây hồng nhạt lúc sáng mai giờ đang tan vào tầng không mênh mông. 

Trong ống kính, những con bò vẫn mải mê gặm cỏ. Lúc lúc chúng lại lồng lên đuổi nhau chạy rỡn. Đang định buông ống nhòm xuống, tôi chợt thấy mấy con bò lớn nghếch mõm nghe ngóng và bồn chồn gõ móng xuống đất. Rồi cả đàn bò bỗng lồng lên chạy. Lúc đầu tưởng chúng chạy về hướng con suối nhưng không phải. Một con, có lẽ là con đầu đàn, chạy vòng vòng cuốn theo những con khác, dần dần chỉ thấy một đám vàng đen lố nhố chuyển động xoay tròn. 
Chuyện gì vậy? Rê ống nhòm về hướng mấy con bò nhìn lúc nãy, thấy có vật gì đang di động. Tôi chỉnh tiêu cự để nhìn rõ hơn: một con cọp. Sắc lông vàng cháy của nó chập chờn trong cỏ. Không nhìn rõ chân nên trông con cọp như đang lướt trên triền dốc. Nó đã tới gần đàn bò.
Nhưng yếu tố bất ngờ không còn nữa. Cả đàn bò quây thành một đám tròn, những con lớn đứng ở vòng ngoài gằm gằm chĩa sừng ra. Giờ cọp ta chỉ còn nhìn thấy những u bắp và cẳng chân gân guốc, những tảng đầu gồ ghề với cặp sừng cong nhọn hoắt cùng những đôi mắt gườm gườm nẩy lửa. Con cọp bắt đầu chạy quanh, tìm xem chỗ nào có thể đột phá. Mỗi lần nó đổi hướng là cả đàn bò lại rùng rùng giẫm chân, nhưng cái khối tròn vẫn không hề suy suyển. Một bên phòng ngự kín kẽ, một bên cố tìm chỗ yếu tấn công. Mấy lần con cọp rạp chân gồng mình quật đuôi chờn vờn nhưng vẫn không dám chồm lên, không có cơ hội cho nó vồ mồi. Nếu đàn bò bỏ chạy, nhất định sẽ có con yếu sức chậm chân lọt vào móng vuốt nó, sẽ bị nó cắn cổ lôi đi. Còn lúc này, cái khối tròn lởm chởm sừng nhọn trước mặt là cả một sức mạnh đáng sợ. Đáng ra cọp ta phải dán mình trườn sát đất để tiếp cận đàn bò theo như bài bản săn mồi truyền kiếp, nhưng khoảng cách quá xa và sườn đồi trọc đã không cho phép nó làm điều đó. Hơn nữa con cọp đang độ sung sức, nó quá tự tin vào sức lực hùng mạnh của mình nên sử dụng tốc độ để đột kích, và bây giờ đành phải chấp nhận thất bại.
Sau khi vờn mấy vòng quanh đàn bò, con cọp bỏ cuộc. Nó thõng đuôi thất thểu chạy vào rừng, đi kiếm con mồi dễ săn hơn. Thịt bò tuy ngon đấy, nhưng đành đợi dịp khác, lúc đàn bò chia lẻ đi kiếm ăn trong rừng chẳng hạn. 
Tôi ghé lưng sát chiếc ba lô, quàng hai quai vào vai rồi chống gối ráng sức đứng dậy. Trong ba lô chỉ có chừng mười lăm cân đá cuội, nhưng đối với tôi lúc này nó nặng như trước đây cõng nửa tạ gạo. Sau trận ốm, tôi lại bền bỉ luyện tập. Ban đầu đi bộ từng chặng ngắn, sau tập chạy rồi tập mang nặng leo dốc. Mỗi ngày hai lần, sáng tinh mơ và lúc chiều xế. Sáng nay tôi leo đến đỉnh đồi cỏ phía trên tràng cát từ lúc mặt trời mới lên, nhưng đã ngồi lại khá lâu để ngắm đàn bò, mấy khi có dịp được nhìn thấy cảnh hấp dẫn như vậy. Giờ phải cố đi một mạch về đến nhà. Xốc lại chiếc ba lô lọc cọc sau lưng, tôi bậm môi choãi người bấm từng bước xuống dốc. 
Về tới bên chiếc bàn đá, tôi ngồi phịch xuống cố gỡ quai ba lô ra khỏi vai, há mồm thở dốc. Vậy là xong bài tập buổi sáng, giờ có thể nghỉ đến chiều. Nhìn tảng đá kê làm bàn, tôi biết còn lâu mới vác nổi nó như trước kia. Nếu nhanh cũng phải hết hè. Và như vậy lại thêm mùa mưa nữa trong rừng. Không sao! Tôi sẽ tập cho đến khi đủ sức quay về. 
Có thể nói mùa hè trong rừng năm ấy cũng dễ chịu. Ngoài những giờ tập ra, tôi không còn phải lặn lội đào đãi ngoài rừng vất vả như trước đây. Dòng suối trong mát, bóng râm dưới tán lá lúc ban ngày cũng như đống lửa ban đêm đã làm dịu bớt sự khắc nghiệt của khi hậu. Tập xong, nghỉ ráo mồ hôi là tôi nhảy xuống vũng suối tha hồ vùng vẫy. Buổi trưa, nếu không muốn ngủ trong nhà thì ra mắc võng dưới bóng cây nằm mơ màng chờ những âm thanh của rừng trưa ru vào giấc ngủ. Mùa này không cần trữ thức ăn. Tới bữa tôi mới xách súng vào rừng hoặc ra suối câu cá. Muốn ăn "sang” hơn phải chịu khó một chút, đi kiếm rau, bẻ măng, hái hoa quả hoặc lấy mật ong... 
Chiều tối, tôi đốt một đống lửa trên bãi cỏ, vừa nấu ăn vừa ngắm làn khói xanh lam bay lơ lửng lên vòm lá rồi hòa vào màu tím man mác của rừng chiều. Giờ này bầy khỉ cũng về tới. Chúng nô đùa nhảy nhót trên bãi cỏ trước lúc leo lên cây ngủ. Chỉ có khỉ già ngồi chồm hỗm trên hòn đá nhìn tôi đốt lửa, trầm tư như một cụ già ít nói. Dạo này nó cũng già lắm rồi, chòm lông bên thái dương đã bạc trắng. Trên nhánh cây con báo nằm liếm chân, đợi tôi gọi xuống ăn thịt nướng. Nó đã no mồi suốt ngày trong rừng nhưng vẫn thích nhấm nháp một miếng thịt nướng trước khi đi ngủ vì đã quen như thế từ nhỏ. Nói “nhấm nháp" là chỉ việc ăn thêm cho vui miệng, chứ kỳ thực nó nhai rau ráu cả xương lẫn thịt hoặc gặm sồn sột những khúc xương to.

Hoàng hôn, khoảnh khắc tĩnh lặng đặc biệt của rừng già, phút giao thời giữa ngày và đêm, giữa ánh sáng và bóng tối rừng trở nên êm đềm trong tiếng chim nháo nhác gọi nhau bay về tổ. Nhưng chỉ lát nữa thôi, những âm thanh của cuộc sống ban đêm lại vang lên hối hả khi bóng tối lấp đầy mọi khoảng trống trong rừng. 

Ngày lại ngày, cuộc sống cứ bình thản trôi qua như thế. Nhiều lúc tôi có cảm giác như mình đã an phận ẩn dật nơi rừng xanh núi thẳm. Nhưng những đêm chợt thức giấc bởi tiếng cọp gầm à uôm bên kia suối rồi không sao ngủ lại được tôi nằm nghe tiếng mọt nghiến đều đều trong cây gỗ khô, tiếng quả đa rơi lộp bộp trên mái nhà, cảm thấy mình như lạc lõng chơi vơi, như chìm đắm mê man trong màn đêm sâu thẳm của rừng già. Những lúc đó, tiếng con mang tác đều đều trong rừng sâu nghe cũng buồn như tiếng trẻ khóc hời gọi mẹ nơi xóm nhỏ. 

Nếp sinh hoạt đều đặn, không khí trong lành cùng chế độ tập luyện tích cực đã giúp tôi phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Đến ngày giỗ hai anh, tôi đủ sức đi một mạch về bên mộ, không phải dừng nghỉ dọc đường. Và tôi ăn khỏe lắm. Hầu như lúc nào cũng thấy đói. 

Nhưng cuộc sống nhàn nhã cùng hai năm không bóng giặc không bom rơi đạn nổ đã làm trơ mòn ý thức cảnh giác. Trước đây mỗi lần đốt lửa tôi phải đợi đến đêm, hoặc có nấu ăn ban ngày thì cũng chọn thứ củi thật khô và ít khói. Còn bây giờ tôi đốt bất cứ lúc nào, có lúc bứt cả cành tươi ném vào đống lửa cho khói mù lên xua đuổi những con bọ con muỗi đến quấy rầy. Những lần tập đi tập chạy trên cùng một lối đã tạo nên con đường mòn rõ mồn một từ nhà lên tới ngọn đồi cỏ phía trên tráng cát. Đã thế, tôi còn dùng dao phát rộng lối cho dễ đi. Đôi khi tôi ung dung đi bắn gà rừng ngoài đồi mà không hề e ngại những chiếc trực thăng có thể ập tới như ngày nào. Chẳng có ai, chẳng có cái gì nhắc nhớ tới việc giữ bí mật. Lúc này tôi chỉ lo một việc duy nhất là làm sao đủ sức quay về. 

Do thiếu muối nên cơ thể tôi kém dẻo dai, đầu óc lúc nào cũng bứt rứt, tay chân bải hoải, và lo nhất là mắt kém dần đi. Để khắc phục, tôi tính tới chuyện đốt cỏ tranh lấy tro ăn. Trong cuốn "Đất nước đứng lên" có kể đồng bào dân tộc tới bữa rút mái nhà đốt ăn thay muối. Có lẽ đã đến lúc áp dụng điều học được tử trang sách. Gì chứ cỏ tranh ở đây không thiếu. 

Thế là một buổi chiều lúc gần tắt nắng, tôi xách súng đi ra mé đồi phía trên gốc bồ kết. Ở đó có vạt cỏ tranh già cháy nắng tốt rậm như đừng, mà tôi tính có ăn cả đời cũng không hết. Lúc đầu chỉ định bứt một ôm về đốt ăn thử, nhưng ra tới nơi, tôi bỗng nảy ra ý định nhân dịp này kiểm nghiệm một điều khác cũng đọc được trong sách. Có cuốn sách nào đó đã kể, những con nai con hoẵng đi ăn đêm về thường tới nơi đồng bào dân tộc đốt rẫy để liếm muối trong cỏ tranh cháy. Tôi rút bật lửa đốt luôn vạt cỏ tranh. Mùa này khô nhưng gió thổi lên hướng đỉnh đồi nên không lo cháy rừng. "Gần sáng mình sẽ đến đây phục bắn nai!", tôi nghĩ thầm và bốc đầy một bao tro đem về. 
Bữa đầu tiên ăn thứ "muối" của rừng là một kỷ niệm đáng nhớ. Chẳng thấy mặn, chỉ có vị chát, và xàm xạp trong miệng như ăn... tro. Tuy không mấy hứng thú, nhưng về sau tôi vẫn chấm thịt nướng vào tro để ăn. Còn những lúc hầm thịt hay nấu canh rau thì không dám bỏ thứ muối ấy vào. Chỉ nhìn nó nổi lều bều đen đặc, đã thấy mất ngon. 
Tối hôm đó tôi không đi bắn nai như dự định. Phần nghĩ có bắn một con cũng không ăn hết, mà bắn con thú chỉ để thỏa ý thích tò mò thì không nên, phần tôi ngại cọp. Cánh rừng phía dưới ngã ba suối có con cọp to, chính cái con hôm trước ra đồi săn bò rừng. Dạo này nó đã mò lên gần đây, lúc chiều thấy dấu chân nó in trên tráng cát to như miệng bát. Không cần thiết phải xây ra một cuộc đụng độ, nhất là về ban đêm, khi mà mọi ưu thế đều thuộc về loài thú vốn được coi là chúa sơn lâm. 
Buổi sáng hôm đó cũng bình thường như mọi sáng khác, không hề có dấu hiệu nào báo trước cho tôi biết sắp xây ra một biến cố làm gián đoạn chuỗi ngày êm ả của cuộc sống ẩn dật bất đắc dĩ. Chim vẫn hót râm ran từ lúc hừng đông và mặt trời tỏa nắng gay gắt khi vừa ló dạng. 
Bảy giờ sáng. Tôi thả phịch ba lô đá xuống chân cầu thang, thở phào nhẹ nhõm. Đáng ra tôi về nhà sớm hơn, nhưng lúc đi vào dải rừng non gặp nhà khỉ láng giềng đang rối rít trên một lùm cây chi chít những quả chín hồng hồng đỏ đỏ, nên tôi dừng lại xem. Thấy chúng bứt quả ăn ngon lành, tôi cũng hãi ăn thử. Chẳng biết thứ quả gì mà mới ngửi mùi đã thấy buồn nôn. Rõ ràng khẩu vị của khỉ cũng có khác người.
Nghỉ ngơi một lúc, tôi ra suối tắm. Mặt trời đã lên cao. Ánh nắng rực rỡ xuyên qua làn nước trong vắt, soi rõ những hòn cuội trắng mờ dưới đáy vũng suối. 
Vừa lội xuống nước, chợt nghe có tiếng sấm ì ùng từ rất xa vẳng lại. "Mới sáng mà đã có giông! Chắc năm nay mưa sớm...". Nghĩ vậy nhưng tôi không bận tâm. Đằng nào cũng phải qua mùa mưa nữa ở đây. Tôi ngụp xuống nước, lặn một hơi tới tận chân tảng đá hình con voi. 
Tám giờ sáng. Tôi bước lên cầu thang, vừa đi vừa dùng tay phẩy tóc cho ráo bớt nước. Mới vào nhà, định nhen lửa nướng thịt ăn sáng, bỗng nghe tiếng lũ khỉ chộn rộn ngoài kia. Lê đầu ra cửa, tôi nhìn thấy chúng nhảy từ trên cây xuống bãi cỏ, hớt hải chạy về cây đa. Có biến rồi! Việc gì thế nhỉ! Thái độ lũ khỉ giống hôm chứng kiến vụ trăn mốc nuốt mẹ con báo hoa, nhưng hôm nay chúng chạy thẳng tới gốc đa bám thân cây trèo lên chứ không dửng lại trước nhà tôi. Chỉ có khỉ già lúc ngang qua có kêu lúc chắc mấy tiếng sợ hãi. Chẳng lẽ chúng gặp một con vật nguy hiểm nào đó? Trăn? Cọp? Phía trên dải rừng non, một bầy chim chừng năm sáu con vỗ cánh bay tán loạn. Đầu tôi căng lên. Sự nhạy cảm vụt trở lại và nhanh chóng hình thành mối liên hệ giữa thái độ của lũ khỉ với tiếng sấm ì ầm lúc nãy. Chết rồi! Tiếng trực thăng chứ không phải sấm. Khi đó tôi ngụp xuống nước, không nghe được lúc nó tới gần. Trực thăng đổ quân. Và toán quân này đi theo lối mòn qua tráng cát vào dải rừng non nên lũ khỉ trông thấy. Thú rừng vốn nhạy bén với sự nguy hiểm, dù là xa lạ.

Tôi nhảy hai bước vào nhà chụp thắt lưng đạn cài vào lưng, mang ba lô lên vai và xách súng mở cửa sau, túm lấy sợi dây mây nhún chân đu sang cây đa. Ôm được nhánh rễ phụ, tôi móc sợi dây vào đó rồi tụt xuống đất vòng ra phía sau, nơi có cái hốc giấu vũ khí. Nhanh lên, chúng sắp đến rồi! 

Chuồi ba lô và khẩu M.4 vào hốc cây, tôi với tay lấy khẩu AR15 tháo tấm nilon bọc ngoài, lắp băng đạn vào và kéo khóa nòng lên đạn. Sau đó, tôi gạt lớp lá khô, mở nắp thùng lựu đạn lấy năm quả cài vào thắt lưng. Chừng đó đủ rồi mang nặng quá khó vận động. 

Chọn chỗ nấp sau khúc rễ cây to tướng, tôi nằm xuống giương súng và chăm chú quan sát. Không hiểu sao tôi cứ mong có bọn thám báo xuất hiện chứ đừng phải trông thấy một con cọp bước ra bãi cỏ, trong người lại rần rần cái cảm giác vừa phấn chấn vừa hồi hộp như hôm nào rình bắn con trăn mốc. 

Nhưng lần này không phải đợi lâu. Chỉ sau vài phút, nơi bìa rừng non có mấy nhánh lá rung rung, rồi tên địch đầu tiên lấp ló sau bụi cây. Nó nhẹ nhàng toại người nằm xuống cỏ và nâng súng lên. Sau lưng nó xuất hiện một tên khác lăm lăm súng trong tay, mắt nhớn nhác nhìn quanh. 

Cách đó chừng chục mét một khóm cây khác lay động: lại thêm hai tên ló mặt ra. Phía sau còn không? Có lẽ đây chỉ là toán mở đường. Chúng là những con người đầu tiên tôi gặp sau hai năm vắng bóng đồng loại. 

Qua kính ngắm xa, cự ly một trăm hai mươi mét vụt gần lại còn vài chục mét. Xem nào! Mũ vải ngụy trang, áo quần loang lổ màu đất và màu cây lá, súng tiểu liên AR15 thắt lưng đạn, lựu đạn, hai khối hình trụ màu vàng chắc lựu đạn khói. Trang bị nhẹ của lính trinh sát. 
Tôi hướng kính ngắm vào mặt một tên: khuôn nhặt ngăm đen, bộ ria con kiến, trạc ba mươi tuổi hoặc già hơn một chút, đôi mắt láo liên đảo qua đảo lại gian xảo. Giá biết đang được "quay phim" chắc nó cố diễn xuất đẹp hơn, chứ lúc này điệu bộ nó trông rất xấu. Gì nữa? Cấp bậc thượng sĩ, phù hiệu lính dù. Chà! Đụng loại "thứ dữ” đây! 
Trong đầu tôi lướt nhanh một loạt các tình huống. Lính gì cũng thế thôi, không đáng ngại! Ở đây rừng là nhà tôi! Khi chúng bước ra bãi cỏ coi như sa vào bẫy. Diệt gọn tốp này không khó, nhưng phía sau còn bao nhiêu tên? Diệt bọn này, chúng sẽ đổ quân lùng sục. Có cần thiết phải đụng độ không, trong khi tôi có nhiệm vụ khác quan trọng hơn? Hay mình lẩn sâu vào rừng, đố chúng làm gì được! Có điều làm vậy sẽ không biết được ý đồ của địch, và những gì tìm thấy ở đây càng kích thích chúng tò mò hơn... 
Tuy nghĩ như vậy, nhưng tự trong thâm tâm tôi biết mình đang ao ước được tiếp xúc với con người, một nhu cầu mãnh liệt đến nỗi tôi không muốn bỏ đi, dù con người trước mặt lúc này là kẻ thù. Chả lẽ không có cách nào để nói chuyện với nhau mà không dùng tới súng đạn ư?...
Tốp lính đã phát hiện ra ngôi nhà. Hai tên ghìm súng yểm trợ, hai đứa khác lom khom tiến ra bãi cỏ. Ngang chỗ mấy gốc cây mọc giữa bãi, chúng nằm lại giương súng. Hai tên phía sau vượt lên. Rất bài bản! Lúc này có thể tỉa từng đứa dễ dàng, nhưng tôi chưa bắn. Để xem chúng còn làm gì... 
Bốn tên lính chỉ cách ngôi nhà một quãng ngắn. Một thằng vận động tới nấp sau chiếc bàn đá. Nó quan sát ngôi nhà khá lâu rồi giơ tay ra hiệu cho đồng bọn. "Hiểu rồi! Mày định ghé thăm nhà tao đây mà..." Tôi đoán không sai. Nó chạy mấy bước tới chân cầu thang và cắp súng vọt lên. Có tiếng chân đạp cửa. 
Một phút... hai phút... Nó làm trò khỉ gì trên đó mà lâu thế không biết! Tôi đâm cáu. Chẳng phải sợ nó lấy cắp mất thứ gì, (Có gì đâu mà lấy, cùng lắm chỉ mất mấy xâu thịt khô treo trên bếp) nhưng nhìn cảnh thằng giặc chạy xống xộc lên nhà mình, tức không chịu được! 
Kia rồi Đôi giày lính màu đen giẫm rung những bậc cầu thang. Xuống tới đất, tên lính cúi người trên ba lô đá. Hắn mở nắp ba lô, cầm một hòn lên săm soi vẻ ngạc nhiên rồi bỏ vào túi quần. Tôi buồn cười quá, nhưng cố nén. Tên lính xách súng chạy nhanh đến nấp sau gốc cây, ngoái đầu sang nói gì đó với đồng bọn. Tôi chỉnh kính ngắm vào mặt nó để đọc trên cặp môi mấp máy xem nói gì, nhưng không được. Lại cái thằng thượng sĩ lúc nãy, chắc hắn chỉ huy tốp lính này. 
Tôi đang phân vân thì tên thượng sĩ đã quyết định. Hắn rút quả lựu đạn cài ở thắt lưng đưa lên miệng cắn chốt. Thôi chết, thằng này định phá nhà. Tôi ngắm nhanh vào vai hắn và bóp cò. Muộn rồi! Phát súng nổ đúng lúc hắn rút xong chốt lựu đạn. Hắn nẩy người loạng choạng, cánh tay phải thõng xuống, quả lựu đạn rơi xuống đất. Trong một thoáng, hắn ngẩn mặt nhìn quả nổ chết chóc đang nằm giữa hai chân, làm như nó vừa trên cây rồi xuống chứ không phải của hắn. Đáng ra phải đá văng nó đi và lăn nhào để tránh, nhưng viên đạn bất ngờ găm vào vai đã làm hắn tê liệt mọi phản xạ. 
Một ánh lửa bùng lên ngay dưới chân thằng thượng sĩ, hất hắn nhảy dựng lên rồi ngã vật xuống trong đám khói bụi. Tiếng nổ dội rền rền trong rừng. 
Phát súng khai cuộc đã nổ. Sau vài giây choáng váng, ba tên còn lại giương súng bắn xôi xả vào gốc cây đa. Mảnh vỏ cây văng tung tóe, nhựa trắng chảy ròng ròng từ những vết đạn.
Đến lượt chúng mày! Tôi chọn thằng nấp sau hòn đá. Thằng này có vẻ kinh nghiệm, hắn bắn từng loạt ngắn chắc mạch. Tôi găm một phát vào cánh tay đang bóp cò súng, chỗ gần vai. Khẩu súng rơi xuống, tên địch ôm tay lăn nhào nấp sau hòn đá. 
Để mặc tên bị thương, tôi hướng nòng súng vào tên nấp sau gốc cây, lần này ngắm vào bàn tay đỡ súng. Viên đạn bắn trúng mu bàn tay, hất khẩu súng văng ra.
Hai phát súng vừa rồi đã giúp tên còn lại phát hiện được chỗ tôi nấp. Hắn bắn rát. Từng tràng đạn cắm phầm phập vào khúc rễ cây và bay chiu chịu trên đầu, khiến tôi phải ôm súng lăn mấy vòng ra sau gốc đa để tránh. "Oang... Oang”, chúng ném liên tiếp hai quả lựu đạn. Một quả nổ sát gốc cây đa, quả kia trúng nhánh rễ phụ bật ngược trở lại nổ trên bãi cỏ.

Lợi dụng lúc khói bụi mù mịt, tôi dán người sát đất trườn lui một quãng rồi bò nhanh sang vạt rừng phía bên phải. Ở đây rậm rạp, không không dễ gì phát hiện ra được. 

Nấp sau gốc cây, tôi thận trọng ló đầu quan sát. Hai tên bị thương đang cuống quít băng vết thương, tên còn lại vẫn giương súng bắn từng loạt quanh cây đa. Ngoài dải rừng non không thấy có bọn khác xuất hiện. Tốt lắm! Đến lúc phải săn sóc thằng đang bắn. Hắn nấp kín quá, chỉ nhìn thấy một bàn chân thòi ra. “Thì chân vậy!" Tôi ngắm vào chiếc giày linh màu đen và bóp cò. Hắn rụt chân nhanh như chớp và hét váng lên. 

Tranh thủ lúc đó, tôi xách súng lủi qua những lùm cây tiến đến gần hơn. Nhanh lên, càng áp sát càng tốt! Lỡ trực thăng tới yểm trợ... 

Có tiếng sột soạt phía sau. Tôi ngoảnh lại và suýt bật kêu mừng rỡ khi nhìn thấy con báo ló đầu ra. Lực lượng tiếp ứng đến thật đúng lúc. Tôi đang yếu, nếu phải cận chiến cầm chắc thua. Giờ thì khỏi lo rồi! Vẫn biết báo Aga đã quen với tiếng súng những lúc cùng tôi đi săn, nhưng thật bất ngờ khi nó dám chạy về tìm tôi giữa lúc súng nổ ầm ầm như thế này. Tôi xoa đầu con báo rồi tiếp tục luồn đi, lát sau đã đến bên hông tụi lính, chỉ cách hai chục mét. Hai tên bị trúng đạn ở tay đang gác súng lên mấy hòn đá bắn hú họa canh chừng cho tên kia tháo giày băng vết thương. Thằng này nhặt mày nhăn nhó méo xẹo, chứng tỏ hắn đau và hoảng hốt đến cực độ. 

Tôi trườn tới gốc cây giáp bãi cỏ. Mấy tên lính vẫn chưa hay biết gì, chúng đang hớt hải giục nhau rút. Một thằng cầm chiếc máy truyền tin đưa lên miệng. Tôi nâng súng, gạt sang nấc bắn liên thanh và thét to: "Bỏ súng xuống, giơ tay lên?" Tiếng thét kháo kháo nhưng cũng đủ làm cho tốp lính giật mình. Hai tên nấp sau tảng đá hoảng hết thả rơi súng, nhưng tên kia lại quờ tay định chụp khẩu tiểu liên đặt trên cỏ. Tôi bắn nhanh một loạt. Đạn cày tung đất cạnh nó, mấy viên xuyên vỡ báng súng làm tóe lên những mảnh nhựa màu đen. 

- Đừng liều lĩnh vô ích. Đưa tay lên! - Tôi lại quát, lần này dõng dạc hơn. 
Hai tên lính từ từ đứng dậy, nhưng chỉ có cánh tay lành là giơ được quá đầu. Tên bị ở chân vẫn ngồi trên cỏ giơ cả hai tay, mắt lấm lét. Tôi bước ra khỏi gốc cây, gằn giọng nói: 
- Nếu muốn giết các anh, tôi chẳng cần nổ súng lần thứ hai đâu. Muốn sống phải làm theo lệnh tôi, nghe rõ chưa? 
- Dạ... - Cả ba đứa li nhí, nhìn tôi sững sờ. 
- Cởi nịt đạn ra? - Tôi ra lệnh. 
Chúng luống cuống tháo thắt lưng đạn. Tên trung sĩ, kẻ bị bắn vào mu bàn tay, cởi luôn chiếc máy truyền tin đặt xuống cỏ. 
- Lùi lại năm mét. Đứng vào một chỗ. - Tôi lệnh tiếp. 
Hai tên đi giật lùi. Tên què chân chống tay lết, cuộn băng băng dở tháo ra trải dài trên cỏ, máu loang từng vệt đỏ sẫm. Tôi bước tới nhặt mấy thắt lưng đạn ném vào gốc cây và hỏi tiếp, giọng nhẹ hơn: 
- Các anh có mấy người? - Dạ... thưa... tụi em có bốn... - Tên trung sĩ trả lời run run. 
- Nói láo! Nếu đồng bọn của các anh xuất hiện, thì các anh là người chết trước đó? - Dạ, thiệt tình... tụi em chỉ bốn người. - Tên què chân trả lời... 
- Còn trên máy bay? 
- Dạ, có phi công. 
- Mấy người? 
- Dạ một ạ! 
- Thế lái phụ?
- Dạ bay tầm ngắn nên không cần lái phụ. 
- Thôi được! - Tôi nói - Giờ nghe đây! Tôi biết các anh là những người giỏi cận chiến, nhưng không đọ nổi với vệ sĩ của tôi đâu, nên đừng có giở trò làm liều, rõ chưa? 
- Dạ... - Cả ba ấp úng, mắt lấm lét nhìn con báo. Nãy giờ nó theo tôi như hình với bóng, thỉnh thoảng lại nhe răng gầm gừ vì ngửi thấy mùi máu tươi. Tôi phải vỗ vỗ lên đầu nó để trấn an. 
Tôi bắt ba tên lính quay lưng lại, bước tới soát người chúng cho chắc ăn. Mất cảnh giác với bọn này là mất mạng. Trong người chúng không có vũ khí. 
- Cho các anh ngồi xuống, băng lại vết thương đi! - Tôi giật mấy cuộn băng cá nhân cài ở nịt đạn ném cho chúng.
Trong lúc chờ bọn lính băng vết thương, tôi nhặt mấy khẩu súng tháo băng đạn ném vào một chỗ, kéo khóa nòng cho viên đạn trong súng rồi xuống cỏ. 
Đợi chúng băng bó xong, tôi mới hỏi tiếp: 
- Các anh lên đây làm gì? 
- Dạ... thưa... tụi em được lệnh thám sát... 
- Thám sát cái gì? 
- Dạ... tụi em chỉ làm theo lệnh... - Y ấp úng. 
- Nói rõ đi! - Tôi quát - Dối trá thì không còn được sống mà về đâu! 
- Dạ, - tên trung sĩ vội đáp - Máy bay trinh sát chụp ảnh, họ phát hiện ở đây có những dấu vết đáng ngờ. Bên tham mưu giao tụi em lên kiểm tra tại chỗ... 
- Dấu vết gì? 
- Dạ, trong ảnh chụp thấy có đốt lửa và có lối đi, mấy ổng nghi có người ở đây... 
- Ảnh đâu? 
- Dạ, để trên máy bay... 
Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói: 
- Tôi sẽ kiểm tra lại điều đó. Nếu đúng vậy, sẽ cho các anh về. - Tôi cầm chiếc máy truyền tin đưa cho tên trung sĩ - Cho phép anh gọi trực thăng, nhớ dặn họ đừng có giở trò.

Tên trung sĩ cầm máy chưa kịp nói gì thì tôi nhặt mấy khẩu súng rỗng ném trả cho chúng: "Cầm lấy!" 

Bọn lính sửng sốt. Chúng không ngờ tôi lại rộng rãi như thế. Hoặc chúng đang căng óc cố nghĩ xem tôi là người thế nào? Áo quần như chúng, súng đạn đầy người và cũng hiện đại không kém, nhưng mặt mày đen sạm hốc hác cùng mái tóc dài buộc túm sau gáy thì giống người rừng? Lại còn con dã thú theo sát từng bước, chốc chốc lại nhe hàm răng trắng ớn nhọn hoắt với cái miệng đỏ lòm. Chừng đó đủ gây  ấn tượng mạnh hơn cả một nòng tiểu liên lăm lăm săn sàng nhả đạn. 

- Nhìn cái gì? Liên lạc đi! Tôi không thèm lừa các anh đâu! Thấy bọn lính cứ nhìn chăm chăm, tôi phát cáu. 

Tên trung sĩ vội bật máy gọi: 

- A lô! Anpha đâu? Đây Bê ta gọi Anpha. 

Trong máy có âm thanh trả lời, giọng eo éo nghe không rõ. 
- …Dạ, Bêta có ba người bị thương, thượng sĩ đã chết. Xin trực thăng xuống đón. 
Tiếng trong máy hỏi lại gì đó. Tên trung trả lời: 
- Dạ tụi em bị bắt... ở đây có một... - Y liếc nhìn tôi ấp úng. 
Tôi chìa tay. Y vội đưa máy cho tôi. 
- Phi công nghe đây! - Tôi gằn giọng nói vào máy - đồng bọn của anh có một người chết, ba người bị thương đang bị bắt giữ. Cho phép anh xuống đưa họ về... 
- Dạ thưa... - Tên trung sĩ xen vào. Tôi quắc mắt nhìn hắn: 
- Cái gì? 
- Dạ thưa quý anh, phi công là đàn... là... phụ nữ ạ! 
Tôi ngớ người kinh ngạc. Chuyện lạ! Xưa nay trên thế giới cũng có phụ nữ lái máy bay chiến đấu, nhưng ở Việt Nam thì đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến. Chà! Xưng hô thế nào nhỉ? Chị? Bà? Cô? Mụ?... Nói chuyện với đàn ông, dù là kẻ thù, vẫn dễ hơn. 
Trong máy có tiếng nói vọng ra. Giờ thì tôi biết đó là giọng nữ chứ không phải vì máy nên âm thanh khác đi: 
- Ông là ai? 
- Cứ gọi tôi là... người của rừng cũng được. - Tôi cười nhẹ - Chuyện đó đâu có gì quan trọng! 
- Làm sao tôi tin ông được?
- Nghe đây? - Tôi nói như quát vào máy làm mấy tên lính cũng giật mình - Tôi không cần cô tin hay không. Đồng bọn của cô có người bị thương cần được cứu chữa, người chết cần đưa về chôn cất. Cô có thể bỏ mặc họ mà về gọi thêm người tới đây nhưng tôi tin khi đó chỉ còn mấy khúc xương thôi. Ở đây thú dữ không thiếu, chúng đang ngửi thấy mùi máu tươi đấy? Chẳng lẽ cô... không có chút tình người nào với họ sao? 
Một lát im lặng. Rồi giọng trong máy hỏi lại: 
- Máy bay có thể đáp xuống ở đâu? 
Tôi quay sang hỏi tên trung sĩ: 
- Trực thăng hiện đỗ ở đâu? 
- Dạ trên đỉnh đồi... nơi có vạt cỏ cháy. 
- Hiểu rồi! Đấy là chỗ tôi vẫn thường ngồi nghỉ giữa chặng tập. Tôi nói vào máy: 
- Cách chỗ cô đang đứng khoảng hai cây số về hướng tây bắc có một tràng cát rộng nằm cạnh con suối. Tôi sẽ dẫn mấy người bị thương ra đó. Khi nào được gọi, cô cho máy bay đỗ xuống, rõ chưa? 
- Rõ rồi! - Giọng trong máy trả lời cộc lốc. 
Tôi đưa máy cho tên trung sĩ cầm để được rảnh tay, và nói với chúng:
- Các anh đi ra chỗ tràng cát, máy bay sẽ xuống đó. Còn người kia... - Tôi lưỡng lự - Thôi, để tính sau. Đi đi! 
Cả ba dìu nhau đứng dậy đi theo hướng tôi chỉ. Tên bị thương ở chân chống súng bước nặng nhọc. Lúc tới dải rừng non, tôi rút dao chặt một thân cây nhỏ có nạng đưa cho hắn: 
- Anh cầm chống đi cho dễ! 
- Cám... cám ơn... quý anh! - Hắn lắp bắp. 
Cho ba tên lính đi trước, tôi theo sau cách vài mét. Ra tới một phần ba tràng cát, tôi bảo cả bọn đứng lại rồi hỏi tên trung sĩ:
- Trên máy bay trang bị vũ khí gì? 
- Dạ không có. Trực thăng chở quân bình thường, không gắn súng. 
- Thế còn phi công! 
- Dạ, chị Thủy có cây ru lô. 
- Được! Anh gọi máy bay đi! 
Y mở máy gọi. Phía trên đồi có tiếng động cơ phành phạch. Một chiếc HU1A từ từ lên cao, chao nứa vòng rồi bay thẳng về hướng tôi. Bất giác tay tôi siết chặt khẩu súng. Cảm giác khi bị trực thăng săn đuổi ngày nào giờ như trở lại... 
- Anh nói máy bay đỗ giữa bãi. - Tôi bảo. 
Tên trung sĩ gọi vào máy. Chiếc trực thăng xuống thấp hạ càng chính giữa tráng cát, cánh quạt cuộn tung bụi mù mịt. Tôi cầm chiếc máy từ tay tên trung sĩ và gọi: 
- Phi công nghe đây! Tắt máy. Bước xuống đứng cạnh máy bay! 
Tiếng động cơ im bặt. Cánh quạt quay chậm dần rồi ngừng hẳn. Cửa bên mở ra, một người bước xuống. Cô ta gỡ chiếc mũ phi công bỏ lại vào buồng lái, tháo cặp tóc đưa lên miệng ngậm, hơi ngửa đầu lắc lắc cho mái tóc xõa ra rồi đưa cả hai tay ra sau vuốt tóc kẹp lại. 
Tôi hơi ngỡ ngàng. Không ngờ cái cô "giặc lái" này lại có những động tác đầy nữ tính đến như thế. Mà lại để tóc dài nứa chứ! Nếu tóc cô ta uốn, ép gì đó, chắc tôi không ngạc nhiên. Nãy giờ tôi vẫn hình dung trong đầu một mụ đàn bà cao to, tướng tá dữ dằn bặm trợn, cỡ trên ba chục tuổi. Cô này trông còn trẻ và thon thả.

Tôi quay sang bảo mấy tên lính: "Tới đi". Chúng thất thểu bước tới. Tôi theo sau. Lát sau tôi đã nhìn rõ cô ta: áo pilốt, quần lính, trạc hăm bốn, hăm lăm tuổi, khuôn mặt tròn tròn trông cũng... dễ coi. Cô ta đứng cạnh máy bay chằm chằm nhìn chúng tôi, có vẻ không sợ hãi gì.

Còn cách chiếc trực thăng một quãng ngắn, tôi ra hiệu cho bọn lính dừng lại rồi đi vượt lên, tới trước mặt cô gái và dừng chếch sang một bên để có thể kiểm soát được cả tốp lính. Cô ta nhìn tôi, lại nhìn xuống con báo lúc này vẫn theo tôi sát gót, vẻ ngạc nhiên lẫn tò mò. 

Không nói gì, tôi nhìn thẳng vào mắt cô ta và chìa tay trái ra, tay phải vẫn nắm chặt súng, ngón trỏ đặt hờ trên vòng cò. Hiểu ý, cô gái từ từ mở bao súng rút khẩu ru lô, cầm đầu nòng chìa báng đưa cho tôi. "Lịch sự gớm nhỉ!". Tôi thoáng cười, cầm khẩu ru lô bấm chốt lắc ổ đạn ra, dốc cả sáu viên đạn rơi xuống cát rồi vẫy tay hất ổ đạn sập trở lại và đưa trả. Cô ta nhận súng, nét mặt hiện chút sửng sốt nhưng ngay lập tức trở lại bình thản. 

- Nghe tôi hỏi đây! - Tôi nói chậm rãi - Các người tới đây làm gì? 


Cô ta im lặng, ánh mắt lộ vẻ thách thức. Tôi cười khẩy: 
- Cô có thể không trả lời. Chẳng qua tôi đã hứa với mấy người kia là sẽ để cho họ sống nếu nói đúng sự thật, giờ chỉ kiểm tra lại thôi! 
- Chị Thủy... - Tên bị thương ở chân kêu lên. Cô ta lạnh lùng trả lời: 
- Tôi được lệnh chở những người này tới đây, thế thôi! 
- Tấm không ảnh đâu? - Tôi hỏi luôn. 
Cô ta ngạc nhiên nhìn mấy tên lính nhưng không nói gì chỉ quay người với tay lên buồng lái lấy xuống chiếc cặp mỏng, thản nhiên đưa cho tôi. 
Một mặt chiếc cặp làm bằng mi ca trong suốt. Tấm ảnh đen trắng to cỡ trang sách cài trên tấm bản đồ bay. Tôi nhìn qua và hiểu ngay: trong ảnh là một vùng đồi núi được chụp từ trên cao, thấy rõ cả mảng đen của cỏ cháy và lối mòn lờ mờ ngoằn ngoèo. 
Tôi xem tiếp tấm bản đồ bay: đường bay kẻ bằng chì xanh, xuất phát từ Đà Nẵng chạy dịch dắc qua mấy điển cao, chắc để dễ định hướng, rồi kết thúc ở điểm có dấu chì đen. Tôi định thu tấm bản đồ, nhưng sau lại thôi. Thứ này chỉ dùng cho những kẻ "đi mây về gió". Hơn nữa, nó chỉ có vùng từ vĩ tuyến mười sáu trở vào. 
Đưa trả cô ta chiếc cặp, tôi hỏi tiếp: 
- Cô bay tới đây mấy lần rồi? 
- Lần đầu? - Cô ta đáp cụt lủn.  
- Trong kia có một người chết, cô nên đưa xác anh ta về. Trên máy bay có băng ca không? 
Cô ta không nói, chỉ gật đầu. 
- Lấy xuống đây? - Tôi ra lệnh, đã thấy bực mình nhưng cố nhịn. "Được rồi! Thế nào cũng phải cho cô ta một bài học..." Tôi tự nhủ, nhưng bài học gì thì lúc này chưa nghĩ ra. 
Cô ta mở cửa hông máy bay lôi xuống chiếc băng ca khung nhôm, loại gấp được. Tôi liếc mắt, thấy trong khoang máy bay trống trơn. 
Quay sang tên lính bị thương ở chân, tôi nói: 
- Anh ở lại đây. Nếu sợ cọp thì leo lên máy bay mà ngồi. Còn hai anh kia đi theo tôi. Cả cô nữa, xách băng ca theo. 
Cô ta không nói gì, định vác chiếc băng ca lên vai, nhưng tên trung sĩ đã đưa cánh tay không bị thương đỡ lấy: "Chị để em!" Giọng anh ta có vẻ kính nể, mặc dù cô gái trông ít tuổi hơn. 
Tôi đi trước, ba "vị khách" theo sau. Báo Aga uyển chuyển sãi bước bên cạnh. Bọn chúng sẽ không dám phản phúc, ít nhất cho đến lúc đưa được xác tên kia về.
Mười giờ trưa. Mặt trời đổ lửa xuống tràng cát, hơi nước bay lên thành những lớp không khí lung linh. Bọn chúng tôi, hai lực lượng đối địch, đi bên nhau dưới cái nắng chói chang. Hai tên lính bị thương bước nặng nhọc. Tôi biết chúng mệt, nhưng không còn cách nào khác. Chả lẽ chỉ tôi với cô ta lẽo đẽo kẻ trước người sau khiêng cái xác? Vả lại, không phải giải quyết hậu quả do chính chúng gây ra. 
Qua khỏi dải rừng non, chúng tôi đến bên xác tên thượng sĩ. Quả lựu đạn nổ làm hai chân hắn nát bấy. Ruồi nhặng vù vù trên vũng máu đen đặc. Bầy kiến kéo tới bu đầy cả trên mặt, trên đôi mắt lúc này đã trắng dã nhưng vẫn mở trừng trừng như còn kinh sợ. Tôi nhặt khẩu súng gãy và cởi nịt đạn đem tới bỏ vào đống vũ khí thu được lúc nãy, bảo hai tên lính vuốt mắt cho kẻ chết. Cả hai luống cuống làm mãi không được. Tôi đành gạt chúng ra, đặt bàn tay lên đôi mắt của xác chết, để một lúc rồi vuốt cho chúng nhắm lại. Mấy tên lính thuỗn mặt đứng nhìn. 
Chúng tôi hì hục vần cái xác. Cô gái cũng định mó tay vào nhưng tôi gạt đi. Dù sao cô ta cũng là phụ nữ. 
Đặt được cái xác lên băngca, tôi bảo cả bọn đứng đợi, lên nhà lấy bi đông nước xuống đưa cho hai tên lính. Chúng mừng rỡ cảm ơn rối rít, nhưng chưa uống ngay mà trao cho cô gái:
- Chị Thủy uống nước? 
- Các anh uống đi, tôi không khát! 
Cô ta trả lời, đưa mắt nhìn ngôi nhà và cảnh vật xung quanh vẻ ngạc nhiên. Lúc nhìn xuống dòng suối, cô ta mở tròn đôi mắt thích thú, mặt rạng nét hồn nhiên đến ngây thơ. Nãy giờ tôi vẫn kín đáo quan sát cô ta, vì tò mò hơn là cảnh giác. "Con gái trẻ thế mà lái được trực thăng...", trong lòng tôi không khỏi thán phục. Đối với tôi, lái trực thăng là một lĩnh vực quá ư phức tạp. Bắn rơi nó dễ hơn nhiều. Càng lúc càng thấy cô "giặc lái" này thật khó hiểu. Không rõ cô ta cấp bậc gì, nhưng chắc không phải loại vừa vì tụi lính tỏ ra kính nể thật sự.

Chúng tôi, bốn người nắm bốn góc băng ca khiêng cái xác ra máy bay. Lúc này tôi rất mệt. Sức tôi còn yếu, sáng nay chưa ăn uống gì. Trận đánh vừa rồi tuy đơn giản nhưng hết sức bất ngờ làm đầu óc căng thẳng, giờ lại luôn ở trong trạng thái cảnh giác cao độ. "Dù sao cũng đỡ hơn là phải đào hố chôn xác tụi nó...". Tôi tự an ủi và nghĩ xem có thể khai thác được gì ở tốp lính bại trận này.

Có thể chúng khai đúng, đây chỉ là một cuộc trinh sát bình thường. Bức không ảnh cùng chiếc trực thăng không vũ trang nói lên điều đó. Hơn nữa, tốp lính ít ỏi, trang bị nhẹ và hoàn toàn bị bất ngờ khi chạm súng. Nhưng có mối liên hệ nào giữa chuyến bay hôm nay với những chiếc trực thăng tới đây từ hơn hai năm về trước? Nếu có, chắc gì tụi này đã biết? Chúng chỉ là những quân tốt đen trên bàn cờ. 

Đẩy được cái xác lên máy bay, tôi đưa tay áo gạt mồ hôi, nói với cả bọn: 

- Các người nghe đây! Tôi làm tất cả những việc này vì lòng nhân đạo, chứ đúng ra các người không đáng được đôi xử như vậy khi vô cớ dùng súng đạn tấn công vào một con người sống đơn độc giữa rừng... 

Mấy tên lính cúi rặt, cô gái vẫn nhìn tôi chăm chứ. Không hiểu cô ta nghĩ gì? Tôi nói tiếp: 

- Chắc các người muốn biết tôi là ai, và vì sao sống ở đây? Chẳng có điều gì phải giấu. Tôi sẽ nói cho các người biết để thỏa trí tò mò và để có cái về báo cáo với cấp trên. Tôi là một người lính Giải phóng lạc trong rừng, đã ở đây hơn hai năm nay. Vạt cỏ cháy do tôi đốt, lối mòn này tôi đi như các người thấy tận mắt. Các người là những con người đầu tiên tôi được gặp sau hai năm vắng bóng đồng loại. Hai năm... tôi khao khát một giọng nói, một tiếng cười nhưng các người chỉ đem đến đây sự chết chóc... Mà thôi! Các người chẳng hiểu được đâu! Nhưng tôi cũng nói luôn: bất cứ kẻ nào đến đây với mục đích làm hại tôi, sẽ bị đánh trả quyết liệt. Nào, có ai muốn nói gì trước lúc chia tay không? - Tôi nói giọng châm biếm. 
Viên trung sĩ lên tiếng: 
- Dạ thưa... xin cám ơn quý anh... Mong quý anh thông cảm, tụi em chỉ làm theo lệnh... 
Tôi ngắt lời hắn: 
- Tôi biết! Các anh là lính mà! Nhưng các anh nên nhớ, trước khi bóp cò súng, cần phải biết mình bắn vào ai và để làm gì? Chúng ta là những con người cả, đừng tự biến mình thành người máy chỉ biết bắn giết... - Tôi chợt muốn bật cười với bài "hùng biện” có vẻ không đúng lúc của mình - ... Còn cảm ơn thì không cần thiết. Chính các anh bị thương vì viên đạn tôi bắn, đúng không? 
Tên lính què chân nãy giờ nhoài người ra cửa máy bay hóng chuyện, nay cũng chen vào: 
- Dạ thưa... tụi em cám ơn vì quý anh đã tha chết... Mà bị thương thế này chắc em sẽ được giải ngũ... 
Anh ta khấp khởi. 
Trời trưa gần tròn bóng. Cuộc trò chuyện kỳ lạ đúng là diễn ra giữa "thanh thiên bạch nhật”. Tôi nói, giọng khản đặc: 
- Còn việc nữa! Cách đây hơn hai năm có một chiếc trực thăng rơi ở đây. Cả ba người trong máy bay đều chết. Nhờ các người về báo cho gia đình hoặc đơn vị họ lên đem hài cốt về quê quán... - Tôi nói đều đều, hơi ngạc nhiên trước sự sững sờ của ba người linh và vẻ mặt tái xanh của cô gái. Theo tôi biết, phi công tên Trà, hai người kia tên Lộc và Tình, người của không đoàn Sáu. 
Cô gái lảo đảo vịn tay vào cửa máy bay, miệng lắp bắp "Sao... sao lại... ở đây?..." 
Tôi nhìn cô ta: 
- Cô biết họ phải không? 
Cô ta chúi đầu vào cánh tay không nói được, đôi vai rung rung. Tôi đưa mắt cho mấy người lính ra ý hỏi. Lúc này họ đã xô đến gần nghe chuyện. Viên trung sĩ nói: 
- Dạ thưa... nếu đúng vậy thì... đấy là máy bay của anh chị Thủy. 
- Anh? Anh ruột? - Tôi ngạc nhiên kêu lên. 
- Dạ phải! 
"Đúng là quả đất tròn! Gặp "oan gia" rồi!". Tôi nhìn cô gái, nghĩ thầm. Cô ta ngước đôi mắt ướt đẫm, hỏi lại như chưa tin: 
- Anh nói... anh Trà chết ở đây? 
- Đúng vậy! Tôi có xem giấy tờ. Nhưng tại sao khi máy bay mất tích mà không ai đi tìm? - Tôi hỏi, nghĩ giờ đây chắc sẽ giải đáp được thắc mắc ám ảnh suốt mấy năm nay. Dạ có tìm... nhưng không biết ở đây... - Cô ta lại khóc nức lên. 
- Cô có thể nói rõ hơn được không? - Tôi sốt ruột. 
Trưa nắng nóng, cái xác đang bốc mùi tanh nồng khó chịu. 
- Anh ấy... bay tiếp tế... - Cô ta nghẹn ngào không nói được. 
Viên trung sĩ xen vào: 
- Dạ, để em kể cho quý anh rõ. Hôm đó ảnh bay đi tiếp tế cho tụi em mà...


Sắp xếp những lời kể khá lộn xộn của viên trung sĩ, tôi được biết như sau: Tiểu đội thám báo của y chốt ở một điểm cao gần A Sầu đã hơn mười ngày. Lương thực hết. Họ gọi lên máy bay thám thính yêu cầu điện về nhà xin tiếp cứu. Ngày hôm sau, họ gặp một đại đội bộ binh hành quân qua, bèn điện xin ý kiến trung tâm chỉ huy và nhập vào toán quân này xuống Huế. Hơn tuần sau họ về tới căn cứ và được biết một chiếc trực thăng bay đi tiếp tế cho họ bị mất tích. Chiếc trực thăng này khi bay được nửa đường thì nhận lệnh từ căn cứ gọi quay về vì toán thám báo đã rút. Đó cũng là lần liên lạc cuối cùng. 

- Thế sao không đi tìm? - Tôi hỏi 

Cô gái giờ đã bình tĩnh hơn, trả lời: 

- Không đoàn tổ chức bay tìm mấy tháng liền. Không ai nghĩ ảnh bay lên tận đây. Các đơn vi đồn trú dọc đường bay của phi vụ hôm đó cũng được lệnh tìm kiếm, nhưng không có kết quả. Họ nói chỉ thấy máy bay lúc bay đi... 

- Đúng vậy đó, thưa quý anh! - Viên trung sĩ xen vào - Sau khi máy bay mất tích, chị Thủy xin ra đội bay để đi tìm... 

Cô gái cắt ngang lời kể của y: 
- Thưa, mộ anh em ở gần đây không ạ? Em lên đó được không? 
Tôi liếc nhìn đồng hồ, trả lời: 
- Cô nên trở về. Những người bị thương cần được cứu chữa, để lâu vết thương sẽ nhiễm trùng. Còn nếu cô và gia đình mấy người kia muốn đem hài cốt về, lên đây tôi sẽ giúp. 
- Dạ thế nào em cũng lên. Ba em hai năm nay cứ ray rứt hoài nên sanh bệnh... Mà anh cho khi nào? 
- Tùy cô thôi! Nhưng nên lên sớm vì mùa mưa sắp đến rồi. Cô sẵn máy bay, lo gì. - Tôi nói pha chút mỉa mai. Cô này dám thuộc loạt "con ông cháu cụ” đây!
- Dạ, nếu được thì ngày mai... không, chắc phải ngày kia.
- Được! Tôi đợi trong vòng một tuần. Nên lên đây vào buổi sáng. Tôi muốn máy bay không vũ trang, người không mang vũ khí. Cô yên tâm, xuống đây tôi sẽ bảo đảm an toàn cho mọi người. 
- Em hiểu! Nhưng làm sao tìm được anh? 
Tôi chỉ vào cái máy viên trung sĩ đang giữ: 
- Máy này liên lạc được bao xa? 
- Dạ, nghe rõ trong năm ngàn mét nếu liên lạc với máy bay ở trên không. Ở mặt đất còn tùy địa hình. 
- Được rồi, đưa máy đây? Khi cô tới, liên lạc với tôi qua máy. Nếu có trục trặc, ví dụ máy hỏng, máy bay có thể đổ xuống nhưng người không được tự tiện đi vào rừng. Bây giờ các người về đi! 
Mấy người lính gần như đồng thanh: "Dạ, xin cám ơn quý anh”. Cô gái chỉ hơi cúi đầu chào rồi bước lên máy bay. 
Đang định bước đi, tôi chợt nhớ ra một việc nên quay lại nói: 
- Khoan đã, đợi chút? - Tôi cởi chiếc đồng hồ đeo trên tay đặt vào tay cô gái - Đồng hồ của anh cô! Cô giữ lấy! 
Cô ta nhìn chiếc đồng hồ, lật mặt sau ra xem, ánh mắt ngân ngơ: 
- Của anh Trà đây mà! Ảnh mua nó hồi đi tu nghiệp... 
Tôi biết mặt sau đồng hồ có khắc dòng chữ: "Okinawa-1967” 
Mặt trời lên tới đỉnh đầu. Tôi quay lưng đi thẳng một mạch vào rừng, tin chắc không có họng súng nào nhắm theo, cho dù họ có đạn. Lúc vào tới dải rừng non mới nghe tiếng động cơ nổ. Chiếc trực thăng từ từ bốc lên cao rồi bay đi.

< Trước     Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối

Đội đặcnhiệm TK1 (chương 15)

Chương XV


< Trước     Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối

Phần vì mệt nhọc, phần trong lòng đã thanh thản hơn, nên đêm đó vừa nằm xuống là tôi ngủ say như chết, chỉ tỉnh giấc khi có cơn mưa ập đến. Nhìn đồng hồ thấy đã gần sáng. Tôi nằm mơ màng, tai lắng nghe tiếng mưa rơi rào rào trên mái nhà. Ngoài kia gió rít gào qua đồi cỏ, cây rừng nghiêng ngả từng đợt. Gió đổi chiều rồi! Mùa đông đang tới! "Mình có nên trở về trong mùa này?” Ý nghĩ đó làm tôi tỉnh ngủ hẳn. Một mình đi giữa rừng sâu núi thẳm trong ướt át và lạnh giá, nếu có sống sót nổi không? Khó đấy? Khả năng sống và chết là ngang nhau. Tôi nhớ lại những cánh rừng rậm bịt bùng, những sườn núi dốc đứng, cái vực thẳm sâu hun hút, vách núi dựng ngược nơi biên giới. Giá còn đủ bốn người, chúng tôi có thể đi ngay giữa những ngày mưa tầm tã nhất. Hoặc nếu là anh Đằng hay anh Hùng, các anh ấy sẽ đi được, chứ tôi thì... 
Nhưng hơn mười chín tháng rồi ở nhà không nhận được tin tức gì của chúng tôi, hẳn anh Hai Nguyên và mọi người sốt ruột lắm. Chắc ai cũng nghĩ là TK1 đã hy sinh tất cả. Và đã có những toán TK khác lên đường, tôi tin như vậy. Đến lúc này chưa có ai xuất hiện ở đây, có phải họ ngã xuống dọc đường? Biết đâu chỉ vì tôi về chậm một ngày mà có một toán TK phải hy sinh? Cứ nghĩ thế là tôi lại sốt ruột, muốn trở về ngay. Hơn nữa, tôi bắt đầu cảm thấy cuộc sống thui thủi một mình giữa rừng sâu ngày càng trở nên nặng nề. 
Suốt mấy ngày liền, không lúc nào tôi rứt khỏi những suy tính ấy. Về bây giờ hay đợi hết mùa đông? Chà! Không ngờ chỉ mỗi việc quay về mà rắc rối đến thế! Hay tại mình trở nên nhu nhược? Hay do mình sợ chết? Tôi ngồi trên hòn đá bên vũng suối, trầm ngâm suy nghĩ. Từ dưới đáy nước có một người nhìn lên. Đấy là cái bóng của tôi, nhưng lúc này trông thật xa lạ. Trên khuôn mặt cháy nắng, đôi mắt trũng sâu đang nhìn thẳng vào mắt tôi như muốn nói: "Mày phải tự quyết định lấy, chẳng ai làm thay cho mày việc ấy đâu? Phải có cách suy nghĩ tỉnh táo hơn, chứ dằn vặt mãi sẽ thành luẩn quẩn..."
Đúng vậy! Tự lượng sức, tôi thấy không thể đem tính mạng ra để đánh một canh bạc năm ăn năm thua. Cái chết của tôi lúc này đồng nghĩa với sự hy sinh vô ích của cả tổ. Cần ở lại hết mùa đông này. Xuân đến, rừng khô ráo và ấm áp, tôi sẽ lên đường. Biết rằng rất buồn nhưng tôi quen rồi, có thể chịu đựng được. Cái khó nhất là muối đã gần cạn, phải hết sức dè sẻn may ra cầm cự được tới ngày về. Không sao! Chỉ ba tháng chứ mấy! Và tôi cảm thấy yên tâm hơn khi nhận ra quyết định ở lại cũng là sự can đảm. 
Mùa đông năm đó mưa nhiều và tiết trời lạnh hơn, một phần vì sức tôi đã yếu đi. Tôi biết vậy nên tự đề ra cho mình chế độ luyện tập khắt khe. Buổi sáng thức dậy từ sáu giờ rưỡi, nếu trời không mưa, tôi xách súng chạy lên đỉnh đồi cỏ gần nhà rồi quay về, nhảy xuống suối tắm. Còn nếu trời mưa to hoặc quá lạnh thì tôi tập tạ trong nhà bằng một tảng đá. 
Tôi còn xuống suối chọn mấy tảng đá có bề mặt bằng phẳng vác lên kê thành một bộ "bàn ghế” trên vạt cỏ trước nhà. Thực ra vác đá là để luyện tập, chứ mình tôi cần gì bàn ghế. Hơn nữa, tới mùa nắng là tôi đã đi rồi. Coi như để lại một kỷ niệm cho lũ khỉ vậy. Tuy nghĩ thế nhưng tôi vẫn rất thích những tảng đá đẹp. Dưới chân thác nước có nhiều hòn đá được dòng nước và mưa gió gọt giũa lâu ngày tạo thành hình dáng đẹp lạ lùng. Tôi chọn những hòn đẹp nhất vác lên đặt rải rác bên mấy gốc cây cạnh nhà. Công việc nặng nhọc nhưng ngoài ý nghĩa tập luyện, nó còn tạo cho tôi niềm vui nho nhỏ trong những ngày dài đằng đẵng. (Nói "ngày dài” là kể cả ban đêm, chứ mùa này thời gian ban ngày ngắn lắm, chừng bốn giờ chiều trong rừng đã tối). 
Một vấn đề nan giải là cái ăn. Ăn thịt chim, thú, cá mãi cũng ngán. Các thứ khác thì quanh quẩn cũng măng le, hoa chuối. Củ mài vùng này hiếm, còn các loại lá có thể ăn thay rau tôi biết không nhiều. Cả nấm cũng vậy. Ngoài mộc nhĩ ra, tôi không biết thứ nấm nào. Có thể ăn được, cũng không dám thử. Mấy lần tôi đi kiếm mật ong, nhưng lúc này các tổ ong ít mật. Có lẽ vì thế mà lũ ong đâm ra cáu kỉnh. Phải mất ba, bốn ngày lội rừng, tôi mới lấy được một ít mật sau khi bị ong đốt sưng cả mặt. Mà mật mùa này không được ngon, nó nhạt và hơi chua. Thì ra ngay cả khi ở trong rừng một mình, con người ta không chỉ có nhu cầu ăn no mà còn muốn ăn ngon nữa. Tôi đành khắc phục bằng cách không ăn mãi một món. Nếu hôm nay ăn thịt chim thì ngày mai tôi câu cá, ngày kia đi săn cheo... Thú lớn ở đây không thiếu nhưng tôi ít khi bắn, vì ăn không hết nó phí đi. Có hôm tôi bắn được một con kỳ đà khá lớn. Thịt kỳ đà mềm và trắng như thịt gà, nhưng không có gia vị, chỉ làm mỗi món nướng, nên tôi không chắc là nó có ngon hay không. Đã thế lại thiếu muối, ăn cứ nhàn nhạt khó chịu. Bây giờ ba ngày tôi mới ăn muối một lần, mà cũng chỉ nhấm tí chút cho có vị mặn, chứ đâu dám ăn nhiều. 
Những lúc tạnh ráo, tôi thường leo lên đài quan sát trên cây chò dùng ống nhòm nhìn khắp bốn hướng, suy nghĩ về con đường trở về. Đứng ở đây, có thể nhìn rõ cả vùng núi non nhấp nhô thấp dần ở phía đông. Đi theo hướng đó sẽ gặp được vùng đồng bào dân tộc, nhưng trông hiểm trở thế kia, liệu có đi nổi không? Hơn nữa rất dễ lạc vào vùng địch kiểm soát. Còn ở phía tây, có nhiều dãy núi cao chắn tầm nhìn. Vượt qua những dãy núi đó, đi mãi rồi sẽ gặp tuyến đường tây Trường Sơn. Nghĩ vậy thôi chứ tôi không dám một mình đi theo hướng ấy, nhất là khi không biết tí gì về địa hình và cũng chẳng rõ quãng đường xa gần thế nào.

Như vậy chỉ còn cách là quay lại theo con đường chúng tôi đã tới đây. Đến lúc này tôi vẫn hình dung được cảnh vật của từng chặng đường đi trong từng ngày. Nhưng đó là nhớ như nhớ những kỷ niệm, chứ không thể nói nhớ được đường. Ở trong rừng rậm, ngay cả lối mòn ta vừa qua khi đi ngược lại cũng khó nhận ra, huống hồ đi cắt rừng. Muốn trở lại phải nhằm hướng mặt trời lặn. Tính theo đường chim bay thì đâu có xa, chỉ hơn trăm cây số là đến khe Trầm. Nhưng khi tời đây chúng tôi phải đi trên hai chục ngày với quãng đường thực tế dài hơn nhiều. Ấy là đi cả tổ, có những người giàu kinh nghiệm và tháo vát, chứ bây giờ chỉ mình tôi. Và nếu đến được khe Trầm, tôi còn phải đi cho tới khi gặp một đơn vị bộ đội nào đó. Chắc phải ra tận đường Chín. Biết bao gian nan trên chặng đường về. Nhưng thôi! Lúc lên đường hẵng hay, giờ không thể lo trước được mọi điều. Tôi nhớ có lần anh Hùng nói: "Khi đã coi rừng như nhà mình, thì việc đi trong rừng, sống trong rừng sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều." 

Thỏi vàng đầu tiên lấy về, ngay đêm đó tôi chôn nó xuống cạnh gốc cây trước nhà. Lâu lâu, nhằm lúc nhà khỉ đi vắng, tôi lại moi lên ngắm nghía. Tất nhiên lũ khỉ chẳng coi vàng ra gì, nhưng chúng là chúa tò mò và hay bắt chước. Còn báo Aga thì khỏi lo. Nó ngồi bên tôi, thờ ơ nhìn thỏi vàng như nhìn cục đá. Sau này nhớ lại, tôi không hiểu lúc đó mình cứ đào lên chôn xuống như thế để làm gì! Có lẽ do rảnh rỗi mà làm vậy, chứ không như anh nhà giàu ngắm của. Với tôi thỏi vàng trước mặt chẳng có gì hấp dẫn nếu so với một nhúm hạt muối trắng lóng lánh hoặc bát cơm bốc khói thơm thơm mùi gạo mới. 
Dù hết sức chậm chạp, nhưng rồi những ngày đông năm ấy cũng dần qua đi. Khí trời ấm lên, bầu trời bớt vẻ ảm đạm. Và đến khi nhìn thấy những nụ mầm nhỏ xíu nứt ra trên mấy nhành cây khẳng khiu thì tôi thực sự háo hức chuẩn bị cho ngày về. Tiếng là chuẩn bị chứ chẳng có gì nhiều. Súng đạn, ba lô, võng, áo mưa..., rồi bật lửa, dao, ống nhòm... đều có sẵn. Riêng áo quần tôi đã rách hết, đành phải mặc mấy bộ rằn ri. Còn hai bộ áo quần của anh Đằng và anh Hùng lâu nay vẫn gói kỹ, tôi định khi về gần đến vùng ta mới đem ra mặc. Tôi không có giấy tờ gì, lại mang trên người áo quần ngụy, vũ khí Mỹ, nếu may mắn không chết bởi một viên đạn vội vàng nào đó thì cũng gặp nhiều rắc rối. Mặc bộ quần áo "Giải phóng” chính hiệu trên người, dù sao cũng tạo được ấn tượng nhất định và dễ ăn nói hơn. 
Việc cần làm là sấy một ít thịt khô mang theo. Nếu có được bi đông mật ong càng tốt, nhưng mùa này khó kiếm ra mật. 
Mấy ngày đó lúc nào tôi cũng ở trong trạng thái tất bật hối hả, vì vậy đã xảy ra một việc làm cản trở tất cả. Trong một lần đi lên cầu thang, do vội vã nên tôi trượt chân ngã xuống đất. Chẳng bị thương tích gì, chỉ thấy đau ở cổ chân trái. Lát sau thì nó sưng vù lên, không còn bước được nữa. Tôi ôm chân mà tức ứa nước mắt. Chuyện không đáng xây ra, có gì đâu mà phải vội cơ chứ? Đã vậy, lại càng bực hơn khi nấy con khỉ cứ nhìn tôi lom khom, làm như cả đời chưa nhìn thấy người què bao giờ! Tôi đành chặt cành cây làm nạng chống để đi lại quanh quẩn. Mong sao chỉ bị bong gân chứ đừng mẻ tí xương nào. 
Tôi hái bừa nhiều thứ lá, mỗi thứ nhai đắp lên vài ngày rồi bỏ đi thay thứ khác. Ngoài ra, chỉ còn biết chờ đợi và tự an ủi là muộn mươi ngày có khi lại hay. Biết đâu trong thời gian ấy có một toán TK đến đây. Giờ khô ráo rồi, nếu họ không gặp trở ngại gì thì chỉ hai mươi ngày là tới chứ mấy!
Để đỡ buồn, tôi thường ra vũng suối ngồi câu cá. Cá dễ phơi và để được lâu hơn thịt. Tôi cũng chống nạng cà nhắc ra mé đồi tìm bắn gà rừng. Mùa này chúng thường ra đồi cỏ kiếm ăn lúc mặt trời mới lên hoặc khi chiều sắp tắt nắng. Tôi chỉ việc bắn, còn đã có Aga đi nhặt hộ. Nó làm việc này thạo lắm. Mới ngày nào còn bé xíu, mà bây giờ nó đã trở thành một chàng báo duyên dáng và lực lưỡng. 
Phải một tháng sau cái chân mới lành. Giờ thì tôi đi lại cẩn thận hơn, không dám vội vã như lần trước. Mà cùng chỉ còn mỗi việc đi kiếm ít mật nữa là có thể yên tâm lên đường. Lúc này chắc trong các tổ ong đã có mật, lũ ong tất bật cả tháng nay rồi còn gì. 
Tôi nhảy trên những tảng đá để băng qua suồl tới nơi giấu vàng. Cần phải kiểm tra lại lần nữa trước lúc ra đi. Mọi việc đều tốt. Cây dây leo đã phủ xanh trên hòn đá lấp miệng hang. Xung quanh không có dấu vết gì đáng nghi ngại. Tôi lội xuống suối quay trở về, không dám nhảy trên đá nữa vì thấy chân trái còn hơi đau.
Nước suối lạnh buốt làm tôi nổi gai ốc và rùng mình liên tiếp. Sao thế nhỉ? Ngay cả những ngày đông giá lạnh, tôi vẫn tắm suối bình thường cơ mà? Nhưng tôi cũng không suy nghĩ lâu, chuyện vặt vãnh! Lúc này đang vội. Định chỉ đi lấy mật buổi sáng, còn sau đó về bên mộ ngồi với hai anh để mai đi sớm, vậy mà bây giờ đã hai giờ chiều rồi. Sáng nay tôi phải lội rừng "hỏi thăm" năm tổ ong, mới kiếm được hơn bi đông mật. 
Tôi ghé nhà lấy ít trầm để đi ra mộ, nhưng khi ngồi nghỉ một lát bên bàn đá, thấy trong người mệt rã rời. Mấy lần định đứng dậy đi mà không cất bước nổi. Chắc tại sáng nay đi nhiều. Nhưng mấy năm nay ngày nào tôi cũng bươn bả như vậy, có sao đâu? Không khéo ốm thì nguy. 
Bước lên nhà, tôi nằm vật xuống sàn và thiếp đi. Lúc tỉnh dậy thấy trời đã tối, bèn gắng gượng ngồi lên nhen đống lửa. Người tôi hâm hấp sốt, từng khớp xương như rời ra. Sao oái oăm thế nhỉ? Chẳng lẽ lại ốm vào lúc này? Tôi nướng thịt ăn bữa tối, nhưng không nuốt nổi. Miệng đắng nghét, cổ họng đau buốt và hơi thở nóng ran trong mũi.

Tối đó tôi nằm sốt li bì. Sáng dậy vẫn thế, đầu choáng váng, bước đi chệnh choạng như người say. Tuy vậy, tôi cũng gắng ra suối lấy nước rồi quay vào chuyển ít củi dưới gầm sàn lên nhà. Bây giờ chẳng những không lên đường được mà sợ còn phải nằm liệt một chỗ. Tôi âm thầm khóc, chua xót cho số phận của mình. Gần hai năm nay, ngoài một đêm sốt lúc mới đến đây và cái chân bong gân vừa qua, tôi đâu có đau ốm gì? Dầm mưa dãi nắng hết ngày này qua ngày khác, cùng lắm chỉ nhức đầu sổ mũi vài bữa hoặc mấy cái mụn ghẻ. Vậy mà... Những ý nghĩ cay đắng chìm dần trong cơn sốt và trở thành ác mộng, nhưng tôi hầu như không còn biết gì nữa... 

Không biết tôi đã mê man mấy giờ? Mấy ngày? Tôi nhấc cánh tay lên nhìn đồng hồ, nhưng một màn sương che mờ tất cả. Cổ họng như có lửa đốt, lưỡi phồng rộp lên. Nước... nước đâu?... Tôi nhoài người sờ tìm bi đông nước. Tiếng mạch đập thình thình trong tai, nhưng quầng lửa nhoang nhoáng trước mặt. Chiếc bi đông nặng quá... Mãi tôi cũng dốc được ít nước vào miệng, nhưng chỉ còn một ngụm nhỏ. Ngụm nước ít ỏi chẳng làm nguội được sức nóng ngùn ngụt trong người. Tôi ngã vật xuống, hàng trăm mũi kim đâm nhoi nhói trong đầu làm tôi lịm đi...
Tôi sốt như thế suốt mấy ngày liền. Hết cơn sốt này đến cơn sốt khác dìm tôi vào vực sâu mê man. Từ trong tiềm thức, một ý nghĩ mờ nhạt nhắc tôi rằng hãy tỉnh dậy, hãy làm một cái gì đó, nếu không muốn chìm mãi vào cõi hư vô... Nhiều lần tôi gắng sức ngồi lên để bứt khỏi cơn mê, nhưng không được. Giờ tôi cố lần nữa... Hình như tôi đã ngồi được, mặc dầu đầu óc quay cuồng, người lắc lư như muốn rụng xuống. Tôi tìm nước, nhưng chẳng còn giọt nào. Ngoài cửa có thấy bóng người. Có ai đến! Ai vậy? “A! Anh Đằng, anh Hùng, cả anh Sơn nữa! Các anh đến lúc nào vậy? Đến đón em đi phải không? Sao không ai nói gì? Em biết rồi! Chúng ta chẳng đã hẹn nhau bao giờ hòa bình sẽ lại vào rừng, lên chỗ rừng xoáy là gì?... Mà bây giờ hòa bình chưa các anh? Sao các anh lại cười? Tại em nói nhiều phai không? Lâu nay em đâu có được nói. Đợi tí, để em lấy ba lô và súng. Súng này là súng Mỹ đấy? Khẩu AK của em hết đạn rồi... Các anh còn nước không, cho em uống với..." Có ai đó chìa bi đông ra, tôi giơ tay đỡ, nhưng sao với mãi không tới. Mắt tôi căng lên nhìn theo bi đông nước. Màn sương mờ đục tan dần, tôi nhận ra mình vừa mê sảng. Đúng là tôi đã ngồi dậy, tay đang nắm chặt khẩu súng, nhưng vừa rồi chỉ là giấc mơ. 
Hình như trước cửa có bóng người thật. Sao lại thế nhỉ? Mình vẫn còn mê à? Tôi nhắm nghiền hai mắt. Một lúc sau mới mở ra nhìn. Những bóng đen rõ dần lên. Không phải người, mà mấy con khỉ. Nhà khỉ kéo lên thăm tôi. Trời ơi! Chúng mày thì giúp được gì?... À không! Nhớ ra rồi! Tôi quờ quạng tìm chiếc bi đông. Lũ khỉ trố mắt nhìn. Khỉ già đâu rồi? Mày đi lấy giúp tao ít nước. Trước đây mày vẫn lấy nước vào bi đông cơ mà! Tôi chìa cái bi đông trước mặt nó, tay run rẩy. Mày cố hiểu đi. Tao cần nước! Tao khát lắm! Khỉ già vẫn nhìn tôi chăm chăm, nó không hiểu. Tôi thất vọng thả rồi chiếc bi đông, gục xuống thiếp đi.
Có ai lay tôi nhiều lần. Lại mê nữa rồi! Làm gì có ai ở đây. Một vật gì nặng trĩu đè trên ngực làm tôi khó thở. Cái gì vậy? A, bi đông nước! Có nước rồi. Tôi cuống quít nhổm dậy, mở nắp bi đông dốc nước vào miệng. Mát quá! Ngọt quá! Nước chảy vào tới đâu mát lạnh tới đó. Những giọt nước tràn ròng ròng xuống ngực. Giờ thì tôi đã nhìn rõ lũ khỉ. Cả năm con đứng quanh giương mắt nhìn tôi, nửa tò mò nửa thương hại. Cả báo Aga cũng có mặt. Nó không vào nhà mà đứng ngoài cửa nhìn vào. Cám ơn chúng mày nhé! 
Uống hết nước, tôi lại chìa bi đông ra. Lần này khỉ già hiểu ngay. Nó túm lấy dây bi đông chạy đi, những con khác nhảy nhót đuổi theo. Không biết nó làm thế nào mà xách được bi đông nước lên cầu thang?
Đợi nhà khỉ ra hết, báo Aga mới bước vào. Hơi thở của nó nóng ran trên mặt tôi. Tôi vuốt nhẹ bộ lông mềm mại của nó, cảm thấy yên lòng hơn. Dầu sao, quanh mình còn có những con thú trung thành. Tôi nhìn đồng hồ: ba giờ chiều. Và con số trong ô lịch cho biết tôi nằm mê man đã bốn ngày. Đống lửa tắt ngấm từ lâu. Dù rất mệt nhưng tôi cũng gắng nhen lại lửa. May hôm trước có đem củi lên. 
Tối đó tôi uống một ít mật ong hòa với nước. Uống mật mà thấy đắng nghét. Người còn hâm hấp sốt, nhưng đầu óc có tỉnh táo hơn. Đáng ra mình đi được bốn ngày rồi... Thôi, tốt nhất lúc này đừng nghĩ tới chuyện đó. Càng nghĩ càng thêm nản. Trong cái rủi có cái may, nếu sốt bất ngờ giữa đường thì cầm chắc là chết. Phải sốt rét không nhỉ? Không phải! Tôi đã bị sốt rét một lần nên biết. Còn nếu sốt ác tính thì đừng hòng qua khỏi. Chắc là thương hàn. Mà bệnh gì cũng thế thôi, không có viên thuốc nào, làm sao bây giờ? Tôi cố moi trong trí nhớ xem có biết thứ gì có thể làm thuốc. Giá còn anh Hùng... Trong rừng đủ thứ cây thuốc mà tôi đành chịu. Hơn nữa có biết cũng không còn sức đi lấy. A, quế! Đúng rồi, mình còn vỏ que. Mừng rơn như tìm thấy vàng lần nửa, tôi bò dậy mở ba lô. Số vỏ quế lấy hôm nào tôi dùng để ngậm trong những ngày mưa rét đi đào đãi ngoài rừng, nay vẫn còn hai cuộn. Nghe nói người ta lấy vỏ những cây quế già mài ra hòa với nước cho người bệnh uống. Còn bệnh gì thì không nhớ. Nhưng bệnh gì mà chả được? Tôi đâu còn cách nào khác? Ít nhất nó cũng đem đến chút hy vọng trong lúc này. 
Tôi bẻ một mẩu quế cho vào miệng. Cứng quá không nhai nổi. Răng đau nhức, máu tứa từ chân răng thấm mằn mặn đầu lưỡi. Tôi đành ngậm trong miệng cho nó mềm dần. Những ngày sau đó tôi vẫn còn sốt, tuy không sốt cao như mấy hôm đầu. Và tôi yếu lắm. Chỉ trở người hoặc cử động nhẹ là đầu nhức như búa bổ. Tôi không đứng lên nổi. Có muốn ngồi dậy cũng rất khó khăn, chân tay run lẩy bẩy và người cứ lả di. 
Bầy khỉ ngày nào cũng kéo bi đông đi lấy nước. Nếu không có chúng, chẳng biết tôi sẽ ra sao. Một hôm tôi gắng ngồi dậy hầm miếng thịt khô để lấy nước húp, nhưng vừa nuốt vào đến bụng là đã nôn thốc nôn tháo. Tôi tiếc đứt ruột vì mới tráng cái bao đựng muối đổ vào gô nước thịt. Thế là hết chút chất mặn cuối cùng. Những ngày kế tôi chỉ uống được mật ong pha loãng. Vỏ quế vẫn là thứ thuốc duy nhất, tôi ngâm nó trong nước cho dễ nhai. Mấy việc đó tôi làm một cách máy móc, hầu như chỉ dựa vào bản năng.

Chừng một tuần sau thì những cơn sốt dứt, đầu cũng bớt nhức và tôi không còn mê sảng nữa. Nhưng sức tôi ngày càng yếu đi, hầu như suốt ngày chỉ nằm một chỗ. Đưa bi đông nước lên miệng là một công việc nặng nhọc, còn muốn nhen lại đống lừa tôi phải cố hết sức mới làm được. Tuy vậy, những lúc lũ khỉ đến tôi đều biết. Trông chúng bây giờ có vẻ chín chắn hơn, cả hai nhóc khỉ cũng không lí lắc nghịch ngợm như thường ngày. Có lẽ chúng hiểu đứng trước một người bệnh "thập tủ nhất sinh" cần phải có thái độ như thế nào. Cũng có thể chúng đã lớn, không "trẻ con" như trước. Mỗi lần ngước mắt nhìn ra, tôi vẫn thấy lờ mờ báo Aga nằn chắn ngang trước cửa. Nó chỉ đứng dậy khi lũ khỉ đi qua. Chả lẽ nó không đi săn mồi sao? 

Không biết lại mấy ngày nữa trôi qua, tôi vẫn nằn thiêm thiếp và gần như bất động. Tôi không còn ý thức được thời gian, mà điều đó lúc này có ý nghĩa gì đâu! Tôi biết mình sắp chết, chỉ chưa biết lúc nào. Có thể ngày mai, ngày kia, hay lát nữa. Sự sống trong người giờ như ngọn đèn leo lắt. Tôi nghĩ đến cái chết một cách dửng dưng, chẳng có chút xúc cảm nào. Chẳng vui mà cũng không buồn, không chờ đợi cũng không tránh né, không sợ hãi và chẳng hề day dứt. Tôi thờ ơ với mọi sự. Thì ra cái chết không ghê gớm như người ta tưởng. 
Hình như những lúc thiếp đi tôi không còn gặp ác mộng. Còn khi tỉnh dậy, những ý nghĩ trôi qua trong đầu một cách lười nhác và vô định, tuy tôi vẫn hiểu mình đang nghĩ gì. Nếu sau khi chết con người còn có cuộc sống khác ở thế giới bên kia, thế nào tôi cũng tìm gặp cho bằng được anh Đằng, anh Hùng, anh Sơn. Khi đó tôi sẽ mãi mãi đi cùng các anh, chẳng có gì chia lìa chúng tôi được nữa. Nhưng biết đâu cuộc sống bên ấy cũng phức tạp như ở thế giới này. Chắc phải đến nơi mới biết. Tôi sắp đi rồi, sẽ biết ngay thôi mà... 
Tôi hình dung một hôm nào đó tim tôi ngừng đập, hơi thở ngưng lại, tôi nằm chết trên căn nhà nhỏ này mà chẳng ai hay biết ngoài con báo và lũ khỉ. Lúc ấy thân xác tôi sẽ sình lên, trương phềnh ra. Rồi dòi bọ sẽ đục khoét những gì trước đó vẫn được coi là máu thịt. Ngày tháng trôi qua... Căn nhà này sẽ mục nát và sập xuống. Nếu có ai tới đây, chỉ còn thấy những đốt xương trắng, vài mảnh vải rách mủn cùng khẩu súng hoen ri. Như vậy... như vậy sẽ... không còn gì hết. Cả kho vàng cũng chẳng ai tìm được. Và công sức cùng sự hy sinh của bốn chúng tôi coi như đổ xuống sông xuống biển. Đối với tôi lúc này những thỏi vàng chẳng có giá trị gì, nhưng đất nước đang cần vàng. Trước lúc ra đi anh Hai Nguyên nói gì nhỉ? À, "cả nước đang dốc hết sức người sức của..." Mỗi người lính chúng tôi trước khi cầm khẩu súng đều được dặn: "Mỗi viền đạn súng trường bằng bốn cân gạo...". Cần bao nhiêu gạo để đủ đạn cho người lính đánh giặc? Mà chừng này vàng đổi được bao nhiêu súng đạn? Nhiều! Nhiều lắm? Đỡ được vô khối gạo. Nhưng bây giờ tôi không còn làm gì được nữa rồi. Chẳng ai biết để tìm ra cái hang đá nhỏ bị lấp kín nằm giữa những tảng đá và dây leo. Trời ơi! Sao mình nghĩ lộn xộn như vậy nhỉ? Lại mê sảng rồi, làm sao báo cho anh Hai Nguyên biết nơi giấu vàng. 
Những ý nghĩ rối bời nửa mê nửa tỉnh làm tôi mệt lả, và tôi lại lịm đi.
Một hôm lúc tỉnh dậy, tôi thấy lũ khỉ đứng vây quanh. Tôi nhìn chúng mỉm cười yếu ớt. ấy là tôi muốn làm như vậy chứ nụ cười có biểu lộ trên nét mặt hay không thì không biết. Nhưng ánh mắt lũ khỉ có cái gì khang khác. Hay chúng biết tôi sắp chết, sắp từ biệt chúng? 
Hình như chúng có ý gì đó. Khỉ già kêu mấy tiếng khẹc khẹc, những con khác phụ họa theo nhốn nháo. Chúng không nhìn mặt tôi mà nhìn xuống bên cạnh. Tôi quờ tay và sờ thấy mấy vật cưng cứng tròn tròn. À, quả dại ngoài rừng! Lũ khỉ hái về cho tôi. Tôi rơm rớm nước mắt. Ai nói con vật chỉ có bản năng? Cám ơn nhé! Nhưng tao không ăn được đâu! Tao chẳng còn muốn ăn nữa! Tội nghiệp, lúc tao chết chắc chúng mày buồn lắm! Nhưng dù sao chúng mày còn có gia đình, chứ báo Aga chỉ có một mình... Không biết mấy hôm nay con báo có chịu ăn uống gì không?... 
Tôi thả rơi mấy quả dại, định ngủ tiếp. Nhưng nhìn lũ khỉ thấy tội quá? Chúng xôn xao quanh tôi như van lơn nài nỉ. Không nên phụ lòng tốt của chúng. Tôi cầm một quả đưa lên miệng cắn, cảm thấy vị chua lan trong miệng khiến tuyến nước bọt nhói lên, và lát sau tôi thấy muốn ăn. Tôi ăn hết quả đó, rồi quả nữa. Không rõ thứ quả gì, chỉ biết chúng có vỏ dày mềm vừa chua vừa chát, trong ruột có một lớp cùi trắng tựa như cùi vải nhưng mỏng và nhạt hơn. Còn lại là cái hạt to tướng mà nếu có muốn ăn cũng không ăn được vì nó quá cứng. Mấy ngày sau, lũ khỉ vẫn mang thứ quả ấy về cho tôi, lúc ba quả, lúc bốn quả. 
Cho đến một hôm khi mặt trời lên, ánh nắng tràn vào cửa. Tôi cảm nhận được hơi ấm cùng sắc vàng tươi của nhưng tia nắng và cảm thấy xót xa nếu phải chết giữa lúc này. Ngoài kia rừng đang giữa mùa xuân và trời đẹp biết bao! Tôi như ngửi thấy mùi hoa dại ngan ngát, nghe được những âm thanh náo nức sôi nổi của vạn vật đang tràn trề sức sống. Tôi thèm một ngọn gió vuốt ve mái tóc, thèm được nhảy xuống suối để làn nước trong lành thấm mát da thịt. Tình yêu cuộc sống đã trở lại. 
Nhưng để sống được, phải tập từ đầu mọi thứ. Tôi tựa người vào vách, chống tay cố ngồi dậy. Đầu nhức buốt, mắt hoa lên, cả căn nhà, cả khung cửa ngập tràn ánh nắng cũng dập dềnh như sóng. Cuối cùng tôi cũng dựng được nửa người phía trên vào vách nhà và nhắm mắt ngồi thở dốc. Một lúc sau thấy đỡ chóng mặt, tôi lết đến bên bếp xếp mấy thanh củi nhen lại đống lửa. Lúc này mới thấy ruột gan cồn cào và réo lên ùng ục. Tôi biết mình xuống sức một phần do không ăn được gì, gần tháng trời chỉ uống mật ong pha loãng. Giờ phải tập ăn lại. Tôi nướng một con cá khô rồi vừa nằm vừa nhai. Chưa thấy ngon nhưng không bị nôn, hẳn cơ thể đã chấp nhận. 
Cứ như thế, hàng ngày tôi tập vận động và tự bắt mình phải ăn. Đến hôm tụt xuống được cầu thang tới ngồi bên chiếc bàn đá, nhìn ánh nắng chói chang nơi bãi cỏ trước nhà và nghe tiếng cây lá đung đưa rì rào trên đầu, tôi mới thực sự tin ràng mình còn sống được. 
Tôi chống gậy lần ra vũng suối, ngồi bệt xuống bờ cát. Hôm nay đã là ngày thứ bốn mươi lăm kể từ hôm bị sốt, nếu như chiếc đồng hồ vẫn chạy đúng. Một mùa xuân đã trôi qua. Đáng ra giờ này mình về đến nơi rồi mới phải. Chưa biết bao giờ mới đủ sức trở về. Điều đó lúc này càng hết sức xa vời. 
Nhìn xuống vũng suối, tôi thấy bóng mình còn xa lạ hơn lần trước: hai con mắt thô lố trên khuôn mặt chỉ còn da bọc xương, mái tóc rối bù dài quá vai, râu ria tua tủa, bộ quần áo rằn ri nhàu nát thùng thình trên người. Mọi cơ bắp như biến mất sau những ngày nằm liệt giường. Tôi trở thành "người rừng” mất rồi? Thôi, còn sống được là tốt! May nhờ có lũ khỉ. Hình như trong thứ quả chúng mang về có vị thuốc. Tôi không dám chắc điều đó mà cũng không tiện hỏi. Lũ khỉ tốt bụng không có thói quen giấu diềm những bài thuốc gia truyền như con người, chẳng qua chúng không nói được. Thế mới biết ở đâu cũng vậy, nếu sống tốt ta sẽ được đền đáp. "Ở hiền gặp lành" mà! Chẳng có tiên có bụt như trong chuyện cổ tích, nhưng con báo Aga bảo vệ tôi, lũ khỉ cứu sống tôi. Ngay cả con người, không phải ai và lúc nào cũng làrn được như vậy. Và sẽ chẳng có điều kỳ diệu nào cả, nếu ngay từ đầu tôi không thực lòng đối xử tốt với chúng.
Việc trở về tính sau, giờ phải nghĩ tới chuyện tập luyện và sắp xếp lại nơi ăn ở. Dù gì đi nữa, cũng phải sống cho ra con người. Tôi đem dao găm mài trên đá cho thật sắc để cạo râu. Tóc thì đành chịu. Trước đây tôi đã cắt thử: một tay túng từng lọn tóc, tay kia dùng dao cứa. Kết quả trông nó nhăn nhở đến phát khiếp. Cạo trọc dễ hơn nhưng tôi không muốn, nên đành lấy dây buộc túm lại sau gáy cho đỡ nóng. Lại còn cả đống quần áo, võng màn, mấy ngày ốm tôi vơ tất cả đắp lên người vì không nhen được lửa. Nay phải mang ra giặt giũ cho bay hết mọi hơi hám bệnh tật... 
Tôi tập tễnh chống gậy đi nhặt quả bồ kết.



< Trước     Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối

Đội đặc nhiệm TK1 (chương 14)

Chương XIV


< Trước     Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối


Mùa thu năm ấy đã trôi qua như thế. Ngoài vụ trăn mốc ra, mọi việc đều bình thường. Tôi vẫn miệt mài đào bới sàng đãi hết ngày này qua ngày khác. Tôi còn làm thêm chiếc đục và gặp tảng đá nào cũng đục thử một miếng. Chẳng qua là để ngắm nghía rồi vứt đi chứ đâu nhìn thấy chút vàng nào. 

Mùa đông ở đây thật lạ! Những ngày nắng thì ban ngày mặt trời đổ lửa và đêm đến lạnh buốt da thịt, còn lúc mưa lại mưa tầm tã, chẳng có chút mưa phùn nào. Đôi khi tôi chợt nhớ cồn cào làn gió heo may se lạnh thổi lăn tăn mặt nước ao bèo, hay một buổi sáng mai thức dậy thấy gió mùa đông bắc về đêm qua rung lá vàng rơi đầy ngõ, mưa phùn lấm tấm nền trời. Mỗi khi tiết trời thay đổi, lòng người thường chạnh nhớ tới bao điều... 

Ngày tháng cứ nối nhau trôi đi. Tôi biết mùa xuân tới khi nhìn thấy cây rừng trổ lộc mơn mởn. Mấy loài cây rụng lá trơ trụi trong suốt mùa đông giờ đang nhú những búp chồi non tơ. Cỏ mọc xanh rì ngoài đồi. Buổi sớm, khi mặt trời vừa lên và sương còn chưa tan, đã thấy từng đàn thú ra đồi gặm cỏ. Hoa dại thi nhau nở rộ làm ong bướm dập dìu suốt ngày. Mùa xuân đem sức sống mới cho muôn loài trong rừng. Chẳng biết ngày tết trôi qua khi nào nữa! Mà tôi cũng cố tình không nghĩ tới. Càng nghĩ càng nhớ nhà, nhớ quê, nhớ đồng đội, nỗi nhớ nhiều lúc da diết đến rưng rưng nước mắt. Những ngày cô đơn lủi thủi trong rừng càng làm tôi thèm được nghe một tiếng nói, một giọng cười. Rừng dù đẹp đến đâu cũng không làm nguôi được nỗi khao khát tình người. 
Bầy khỉ ngày nào cũng kéo nhau đi từ sáng sớm. Chúng vừa đi kiếm ăn vừa rong chơi cho thỏa những ngày mưa rét phải nằm chúi đầu trong hốc cây. Báo con lớn nhanh như thổi. Bộ lông nó mượt mà hẳn lên, những chấm đen đều đặn nổi bật trên nền vàng tươi óng ả. Đến giữa rùa xuân thì nó biết tự kiếm ăn. Lần dầu tiên tôi thấy nó tha về một con chim lớn đã ăn hết một nửa, nửa còn lại nó để ở đầu sàn, chắc có ý dành cho tôi. Tôi đem con chim đó ra treo trên cây, đến chiều lại ném cho nó ăn. Thấy báo con tự lập được là mừng rồi, chứ tôi nào trông nó trả ơn. 
Tôi vẫn để con báo ngủ ở ngoài hiên, nơi lúc trước đặt cái cũi. Nhưng vào mùa này, nó thường leo lên nằm trên nhánh cây trước nhà. Con báo không chịu được mùi khói, tuy rằng nó rất mê món cá nướng. Nhiều hôm nó mò ra suối bắt cá nhưng chỉ đứng trên bờ hoặc lội xuống quãng nước nông dùng chân trước chộp những con cá ngây ngô bơi lên chỗ cạn. Loài báo vốn không thích nước. Mấy lần tôi phải ôm báo con vứt xuống suối và tắm cho nó. Về sau nó cũng quen dần. 
Báo con ngày càng mến tôi hơn, tuy nó không biết cách vẫy đuôi cuống quít hay vồ vập mừng rỡ như loài chó nuôi trong nhà. Cũng như những người ít nói thường thiên về đời sống nội tâm, tình cảm ít bộc lộ ra bên ngoài. Những lúc báo con tới dụi đầu vào người tôi, trong mắt nó thể hiện sự trìu mến chân thành và hình như có cả lòng biết ơn. Đôi tròng mắt nó có màu vàng chanh, đốm con ngươi đen tròn nhỏ xíu. Dù sao nó cũng có vẻ chín chắn già dặn hơn lũ khỉ. Không biết đó có phải là đặc tính của loài báo, hay dáng vẻ thường thấy ở những đứa trẻ sớm mồ côi? 
Dạo này báo con thường theo tôi đi rừng. Trong lúc tôi cặm cụi đào đãi thì nó quanh quẩn săn mồi gần đó. Một hôm, khi đi ngang qua dải rừng non trước nhà, nó chợt nhảy ra trước tôi gầm gừ. Tôi nhìn lên và thấy một con rắn đang vắt vẻo trên nhánh cây đổ xuống chắn lối đi. Từ đó tôi biết mình đã có một vệ sĩ đáng tin cậy. Tôi đặt tên cho nó là Aga. Không Phải vì sính chữ Tây chữ Tàu gì đâu, chẳng qua tôi thấy vần A khi gọi trong rừng vang rất xa. Ai chưa tin, xin cứ vào giữa rừng sâu mà gọi thử: A... a... a... ga... a... a... a... 
Thấm thoắt đã tới mùa hè. Đây đó thấp thoáng những trái cây chín ửng. Không khí thoảng thơm mùi mật ngọt. Ở lâu trong rừng, chỉ cần ngửi hương rừng, nghe chim hót là biết mùa hè tới. Đừng có tin lũ ve, chúng kêu ra rả ngay từ những ngày nắng nóng giữa mùa xuân. Tôi bỗng thấy nôn nao khi nghe tiếng chim cu quen thuộc. Tiếng chim gù đánh thức bao nỗi nhớ. Rồi còn tiếng gà rừng gáy te te mỗi buổi trưa...
Đến ngày giỗ anh Sơn, tôi ngậm ngùi đốt mấy khúc trầm tưởng nhớ tới anh. Dù không mê tín, nhưng tôi cũng khấn thầm mong anh phù hộ cho tôi tìm ra vỉa quặng. Giá như anh còn sống, công việc dễ dàng hơn biết bao! 
Rồi tới ngày anh Đằng và anh Hùng ra đi, tôi lại về ngồi bên mộ. Mới đó mà đã một năm tròn. Những ngày đơn độc trong rừng thật dài, nhưng khi nghĩ tới chuyện cũ thì tưởng như nó vừa qua. Tôi nhớ lại lúc anh Hùng ngã gục trên người anh Đằng và nước mắt lại trào ra, trong tai như còn nghe tiếng đạn nổ, tiếng máy bay gầm rú... Cỏ đã mọc xanh trên những hố đạn nhưng nỗi đau vẫn chưa hề nguôi ngoai...
Thỉnh thoảng đi ngang qua chiếc trực thăng, tôi cũng ghé vào đốt mấy miếng trầm bên mộ viên phi công và hai người lính ngụy. Với tôi giờ đây họ không còn là kẻ thù. Chẳng phải tôi đã thay đổi cách nhìn nhận, đơn giản lúc này họ chỉ là những khúc xương khô dưới mộ. Tội nghiệp cho họ, những kẻ đã uổng phí cuộc sống của mình để giờ đây nắm xương tàn không ai biết đến... Mà cũng lạ! Từ đó đến nay chẳng có chiếc trực thăng nào tới đây. Lâu lâu mới nghe tiếng máy bay ù ù tít trên cao, đôi lúc chúng để lại một vệt khói thẳng băng, lát sau gió thổi hóa thành mây. 
Ngày ngày tôi vẫn mỏi mắt ngóng về phía ngôi mộ, về cây thủy tùng, trông chờ một toán TK tiếp theo. Đôi lần nhìn thấy vài bóng đen di động xa xa, đưa ống nhòm lên lại chỉ có mấy con thú.

Tôi sẽ không nói nhiều về mùa hè năm ấy. Có gì đâu mà nói! Chẳng lẽ cứ tả mãi những cảnh vật đã có lần nói tới hay kể lể nhưng công việc lặp đi lặp lại hàng ngày: đào, đãi, đổ đi rồi lại đào đãi... Nhưng đến đầu tháng sáu thì tôi đào bới hết mọi suối, khe, chỗ trũng của cánh rừng phía bắc vùng đồi cỏ, vào tới chân dãy núi thấp. Nhiều lần tưởng đã nhìn thấy một vảy vàng lấp lánh trong đám cặn dưới cùng của mẻ đất, nhưng không phải. Đó chỉ là hạt cát bình thường lóe nắng. Đôi lúc tôi tần ngần hàng giờ với một khúc suối đầy đá cuội, nhặt lên ngắm nghía hết hòn này đến hòn khác, mài mài gõ gõ, rồi vứt đi, lại nhặt... Hòn nào trông cũng na ná cục vàng trong tưởng tượng, bỏ qua sợ sót. Nếu có ai thấy tôi nhưng lúc này, hẳn sẽ nghĩ đấy là một kẻ điên từ xã hội loài người lạc lối tới đây. Ngay cả chỗ ở lúc trước của trăn mốc tôi cũng không bỏ qua. Cái khe cạn âm u đến rùng rợn. Tôi phải ném xuống mấy quả lựu đạn mới dám đào đãi, nhưng vẫn chẳng thấy gì.
Tôi như con dã tràng núi ngày ngày làm mãi một công việc vô vọng. “Dã tràng xe cát biển đông, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì..." Câu hát ru quen thuộc của thời thơ bé, giờ đây cứ văng vẳng trong đầu như một lời than thở. 

Lại một mùa mưa nữa sắp tới. Nhưng đám mây mọng nước đã ngấp nghé trên cao và tiếng sấm ì ùng văng tới từ xa. Tôi phải ngừng việc mấy ngày để đi lấy củi dự trữ và bắn một con lợn rừng về xẻ thịt nướng sấy khô. Lương khô gạo sấy đã hết, chỉ còn một ít túi khẩu phần ăn. Muối cũng không còn nhiều nên bây giờ phải dùng hết sức tiết kiệm. Tôi cũng phơi được ít măng le. Còn mộc nhĩ thì khá nhiều, tôi xâu lại treo trên bếp. Những thức đó có thể để lâu được. 

Mùa mưa thứ hai trong rừng trôi một cách chậm chạp và buồn bã. Ngoài cái buồn của những ngày mưa trắng trời trắng đất mà phải thui thủi một mình nơi rừng sâu, còn có sự thất vọng ngấp nghé trong tiềm thức. Tuy vậy lúc nào tạnh tôi lại vào rừng. (Ấy là nói văn vẻ thế thôi, chứ tôi đã ở giữa rừng rồi, còn vào, ra gì nữa!). Với niềm hy vọng ngày càng mong manh, tôi tiếp tục đào đãi những nơi nghi bỏ sót, chỉ thỉnh thoảng mới nghỉ một buổi để kiếm thức ăn. Lũ khỉ mùa này cũng đói. Nhiều lúc tôi phải chia cho chúng các thứ kiếm được trong rừng. 

Những đêm không ngủ, nằm nghe tiếng mưa rơi triền miên ngoài rừng mà buồn đến nẫu ruột. Những lúc đó tôi nghĩ vẩn vơ đủ thứ chuyện, nhưng cuối cùng mọi ý nghĩ lại quay về với câu hỏi: "Phải chăng đã đến lúc trở về?" 
Mới ba giờ chiều mà trời u ám như sắp tối. Những đám mây là là lướt qua ngọn thuỷ tùng. Từ bìa rừng, sương đang lan dần ra đồi cỏ. Tính theo ngày tháng thì bây giờ là mùa thu, nhưng cảnh vật ở đây ảm đạm như đang giữa đông. 
Tôi ngồi dưới một gốc cây cổ thụ cụt ngọn mọc trên đỉnh dốc, buồn rầu nhìn về hướng đồi cỏ. Từ đây tới rìa đồi, chỗ cái khe cạn mà hơn năm trước tôi khởi sự việc đào đãi, chỉ cách vài trăm mét. 
Từ sáng tới giờ tôi lang thang trong rừng, chốc chốc lại đào bới chỗ này chỗ khác đem đất đi đãi. Thực ra tôi làm mọi việc như một thói quen, như quán tính, chứ trong lòng không còn hy vọng gì nữa. Tôi cay đắng nghĩ tới sự bất lực của mình. Cũng tại tôi quá ngu dốt, không biết cách tình kiếm. Nhưng tôi nào có được học hành gì về việc này? Có ai chỉ bảo cho tôi đâu? Nếu là anh Sơn, anh sẽ làm gì nhỉ? 
Thôi! Giờ phải tìm cách quay về. Tôi đã làm hết khả năng của mình. Dầu sao, việc tìm tới được đây cũng là tốt rồi. Anh Hai Nguyên chẳng đã nói "Sự trở về của các đồng chí là một thắng lợi đó sao? Phải về báo cáo với anh, và còn kể cho mọi người biết ba thành viên của TK1 đã hy sinh như thế nào. Mà chắc gì có mỏ vàng? Cái thứ máy móc bay trên độ cao mấy chục ngàn mét, cho dù nó hiện đại đến đâu hẳn cũng có lúc sai sót, nhầm lẫn gì đó... 
Sự thất vọng làm tôi chán nản đến cực độ. Đúng là tôi đã làm hết sức, nhưng trong thâm tâm vẫn thấy mình có lỗi với các anh, những người đồng đội đã chết cho tôi được sống, những người mà trước lúc hy sinh đã gửi lại nơi tôi biết bao hy vọng... Chẳng lẽ bây giờ tay không trở về? Nhưng biết làm gì hơn? Sau này, chắc tổ chức còn cử người tới đây nữa, những người có kinh nghiệm và thạo việc, chứ tôi đành bó tay...
Tôi nhắm nghiền hai mắt lại cho nước mắt khỏi trào ra. Một con sóc chạy vụt qua chỗ tôi ngồi, lao tới bụi cây trước mặt. Nó leo lên mảnh vỏ cây quăn queo rồi dừng lại, quay mình đứng trên hai chân sau giương đôi mắt tròn xoe nhìn tôi. Nó rung rung mấy sợi ria mép như ngạc nhiên, như muốn hỏi rằng vì cớ gì mà một kẻ như tôi lại ngồi rầu rĩ ở đây? Tôi bứt cọng cỏ đưa lên miệng nhấm, lơ đãng nhìn con sóc rồi quay mặt đi nơi khác. Lúc này nó có hỏi bằng tiếng người tôi cũng chẳng buồn trả lời. Đầu óc tôi đờ đẫn, những ý nghĩ trôi qua một cách máy móc.
Một hơi thở nóng hổi phả vào gáy tôi. Báo Aga vừa đi đâu về. Nó nhìn tôi và xoài hai chân trước nằm xuống bên cạnh. Con báo biết tôi đang buồn.

Gió thổi mạnh hơn, những đám mây bay vùn vụt. Đêm nay trời sẽ mưa. Về nhà thôi, Aga! Tôi vuốt đầu nó, định đứng dậy. Nhưng có cái gì đó níu tôi lại. Không! Chẳng phải sức mạnh vô hình thần bí nào đâu, chỉ là một ý nghĩ vừa bật lên trong đầu báo rằng tôi đã nhìn thấy vật gì đó. Chưa nhớ được là vật gì, nhưng tôi có cảm giác lạ lắm Vật đó in vào mắt, bộ não thu nhận nhưng chưa xử lý. "Mà nãy giờ ngồi đây mình đâu thấy gì lạ? Xem nào...". Cố tập trung tư tưởng, tôi lướt nhanh một loạt những gì nhìn thấy từ lúc ngồi xuống đỉnh dốc này. "Cái cây cụt ngọn, mây... cây thủy tùng... những đồi cỏ... gió... cái khe cạn..., và con sóc nữa? - Tim tôi bỗng đập gấp - Con sóc? Nó chạy qua rồi đứng lại nhìn mình... Sóc thì đâu có gì lạ, ngày nào mà chẳng gặp? Không phải vì con sóc... Khoan đã! - Đầu tôi căng lên - đúng rồi, con sóc dừng trên mảnh vỏ cây!". Tôi lướt mắt tìm nhanh mảnh vỏ cây mốc meo nằm sát gốc lùm cây trước mặt, chỉ cách độ bảy mét. Và tôi từ từ đứng dậy, từ từ đi tới..., mắt nhìn chằm chằm như sợ nó biến mất. Mảnh "vỏ cây" này lạ lắm! Nó quăn queo không tự nhiên! Chẳng phải vỏ cây! Đây là sản phẩm do con người làm ra! 
Tôi ngồi xuống bên nó, chưa dám sờ tay vào, sợ phải cầm lên đúng mảnh vỏ cây thật. Nhưng không! Một mảnh kim loại! Nó móp méo hoen rỉ nhiều chỗ. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, đây là mảnh xác máy bay. Nó có ở đây lâu lắm rồi, thời gian và mưa gió đã làm nó mục nát.

Cầm mảnh kim loại trong tay, người tôi run bắn lên. Bộ não vùn vụt hoạt động hết công suất. Nó tập hợp một loạt những thông tin có liên quan ghi nhận được từ trước đến giờ, rồi phân tích, sàng lọc, loại bỏ, tổng hợp lại: Vỉa quặng vàng... Tập trung một nơi... hàm lượng cao... Nhật thu giấu... xa đường giao thông... "Tôi rất ngạc nhiên khi có vỉa quặng vàng được phát hiện qua vệ tinh..." Tôi chợt nghĩ đến lời anh Sơn nói hôm nào. 

Tôi vụt đứng dậy nhìn quanh, người bừng bừng như đang sốt cao độ. Trước mặt là vạt rừng rậm cây cối um tùng. Tôi đi qua đây nhiều lần nhưng chỉ chú ý cái khe cạn và những chỗ trũng. Vạt cây rậm này không rộng lắm, lại mọc trên đám đất nhô cao như mỏm đồi nên tôi chẳng vào đó làm gì. Nhưng bây giờ tôi tin chắc điều mình cần tìm dang ở trong đó. Lần này không phải là linh cảm. "Mảnh vỏ máy bay! Một chiếc máy bay rơi ở đây! Rơi đã từ lâu!" Đó là những gì mà bộ não đã xác định được. Và nó đưa ra dự đoán là chiếc máy bay này chở vàng. 

Tay xách súng tay cầm dao, tôi hồi hộp vạch lá đi tới. Được mươi bước thì gặp những mảnh kim loại khác. Càng phấn chấn hơn, tôi vung dao chém cành lá hăm hở bươn lên. Lát sau tôi đã nhìn thấy toàn cảnh chiếc máy bay rơi: một đống kim loại nát vụn trên phủ đầy những cây dây leo, cùng nhiều mảnh vỡ văng rải rác xung quanh. Có cả chiếc chong chóng bốn cánh nhô ra bên ngoài đám lá rậm rạp và cái bánh máy bay bằng cao su, đạp lên thấy mủn tơi. 
Đang tính leo vào giữa đống kim loại, chợt con Aga chồm tới trước nhe răng rít lên. Tôi nhìn tới và lạnh buốt xương sống: một con rắn đang ngóc cao đầu dừ dừ như định thốc tới mổ, chỉ cách có mấy bước. Thả rơi cây dao, tôi nâng súng bắn nhanh như máy. Loạt đạn găm trúng vào cổ con rắn làm phụt ra những tia máu. Nó từ từ tụt xuống, mất hút trong đống kim loại. Hú vía! Nếu không có con báo chắc tôi đã mất mạng một cách oan uổng vào giây phút quan trọng này. 
Tôi nhặt đoạn thân cây to bằng cổ tay dài hai mét, rồi vừa chọc vừa bẩy những mảnh xác máy bay. Sau vài chục phút hì hục, tôi nhặt được một thỏi kim loại nặng trĩu hình khối chữ nhật, mặt trên hơi nhỏ hơn so với mặt dưới. Lau qua bụi đất, ánh vàng kim loại hiện ra mờ mờ. Tôi lùi lại một quãng, ngồi thụp xuống và hối hả dùng vạt áo cọ sạch. Đúng là vàng thật rồi! Không thể nhầm được! Rưng rưng nước mắt, tôi nhìn xoáy vào thỏi vàng trước mặt. Trên bề mặt của nó có những con số và dòng chữ lạ kiểu chữ tượng hình, nhưng lúc này tất cả nhòa đi trong mắt tôi. Tôi ngỡ mình nằm mơ, đầu óc tràn ngập một cảm giác kỳ lạ như đang bay bổng chơi vơi giữa bầu trời lóe sáng muôn ánh hào quang rực rỡ. Rồi mọi cực khổ đau đớn, mọi hy sinh mất mát trong cả quãng thời gian dài, nay hiện lên thành hình ảnh lướt vùn vụt trong đầu như những thước phim quay nhanh. "Các anh ơi, giờ đây các anh có thể yên lòng nhắm mắt..." 
Một ngọn gió mang hơi lạnh thổi tới hun hút, kéo tôi ra khỏi trạng thái choáng ngợp. Trời sẩm tối rồi, lúc này chưa thể làm gì hơn được. Tôi bỏ thỏi vàng vào ba lô, luồn khỏi vạt rừng rậm, băng qua đồi cỏ để về nhà cho nhanh. Báo Aga sải bước đuổi theo. 
Tối hôm ấy tôi không ăn được gì, và suốt đêm không hề chợp mắt. Sự phấn khích đến tột độ làm thần kinh căng thẳng, người lúc nào cũng ngây ngấy sốt. Tôi hết ngồi xuống lại đứng lên, bước tới bước lui trong căn nhà hẹp. Những thanh gỗ sàn kêu ken két dưới chân. Đêm dài quá, mãi chẳng thấy sáng. Mà hình như chiếc đồng hồ trục trặc làm sao ấy! Mấy cái kim quay chậm rì rì. Không tin nó nữa, lúc lúc tôi lại ghé mắt nhìn ra của. Ngoài trời tối om. Rừng khuya vẫn tiếng thú chạy sột soạt trong bụi cây, tiếng chim ăn đêm buồn bã kêu hết góc rừng này đến góc rừng khác và con thác nhỏ rì rào không dứt... Đã bao đêm nằm nghe những âm thanh ấy, nhưng đêm nay mỗi tiếng động đều làm tôi bồn chồn. Nỗi xúc động bùng lên rừng rực từng lúc khiến tôi ngây ngất như say. Hàng ngàn ý nghĩ quay cuồng trong đầu mà không có điều gì rõ nét. Mãi khuya lắm, tôi mới dần trấn tĩnh lại được để hướng những suy nghĩ về công việc cần làm ngày mai.

Chắc chắn trong đống xác máy bay còn có những thỏi vàng khác, nhưng muốn biết bao nhiêu thì phải lấy ra. Và rắn cũng thế, không chỉ có một con. Lạ thật! Hình như ở đâu có kho báu là ở đó có rắn. Có một cuốn truyện nào đó đã nói về đàn rắn thần giữ kho báu. Tôi không tin những chuyện thần bí, nhưng rắn ở đây thì có thật. "Hay cứ để nguyên mọi thứ như vậy? Mình phải mất hơn năm nay mới tìm thấy, kẻ khác dễ gì phát hiện ra được?...". Nhưng rồi tôi gạt phắt ngay ý nghĩ đó. Tôi đã tìm ra chiếc máy bay rơi một cách tình cờ, người khác cũng có thể gặp may mắn như thế. Hơn nữa, không có ai tìm được một kho báu lồ lộ như vậy mà lại chịu dừng ngang đó. Có điều đừng để rắn cắn. Bị một con rắn cỡ như con hôm qua mổ một cú thì mọi kho vàng trên thế gian này đều vô nghĩa. Có lẽ phải chất củi đốt. Mùa này không sợ cháy rừng, nếu cần cứ phát rộng xung quanh tạo khoảng trống. Không được! Làm thế dễ lộ quá. Lỡ trực thăng áp tới! Thôi, để mai tới đó hãy tính. 
Nhưng lấy được vàng rồi thì dấu ở đâu? Đào hố chôn? Có thể chôn làm nhiều nơi. Tôi bỗng nhớ tới cái hang đá nhỏ hồi trước tìm thấy con mang bị bắn chui vào nằm chết trong đó. Phải rồi! Cái hang ấy rất hay, miệng hang hẹp lại kín đáo chỉ cần chặn một tảng đá là kín. 

Cuối cùng rồi trời cũng chịu sáng. Tôi đến bên xác máy bay lúc mặt trời vừa chiếu những tia nắng đầu ngày. Việc đầu tiên là chặt bớt dây leo và kéo chúng ra khỏi đống sắt vụn. Chiếc máy bay không đến nỗi vỡ nát như tôi tưởng. Vẫn còn lại đoạn vòm thân cong cong gắn với chiếc cánh gãy một nửa, tất cả đều thủng lỗ chỗ. Thời gian đã xóa nhòa hết mọi dấu vết nên không biết được đây là kiểu máy bay gì và của nước nào, nhưng nhìn cái chong chóng động cơ cũng thấy nó thuộc loại cổ lỗ sĩ rồi. 

Tôi không dám thò tay vào đống kim loại rỉ nát phủ đầy lá khô, cành mục và dây leo. Cả xác con rắn hôm qua cũng mất hút trong đó. Phải đốt thôi! Hôm nay trời u ám, mây bay thấp. Thời tiết này máy bay ít hoạt động. 

Tôi kéo cành khô phủ kín thân máy bay rồi châm lửa đốt. Khi ngọn lửa bốc cháy rừng rực mới chợt nghĩ không biết trong đó còn bom không? Vội vã rời đống lửa, tôi chạy nhanh đến chỗ cây cổ thụ cụt ngọn ngồi nấp. Hẳn cái cây này liên quan tới chiếc máy bay. Lúc lao xuống đất, nó va gãy ngọn cây. Từ đây tới đó hơn trăm mét. Nếu kẻ một đường thẳng giữa hai điểm. Như vậy có thể nghĩ chiếc máy bay này bay từ tây sang đông, hoặc chếch một chút: tây tây nam, đông đông bắc.
Nhưng máy bay của ai? Nhật? Pháp? Mỹ? Mỹ thì không phải rồi! Chưa nói đến mức độ mục nát của xác máy bay mà chỉ cần nghĩ nếu của Mỹ, không đời nào chúng chịu bỏ qua một chiếc máy bay chở vàng. Chúng có đủ phương tiện và thời gian để tìm kiếm. Pháp cũng vậy. Tôi không nhớ chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới xuất hiện từ năm nào, nhưng Pháp vào Việt Nam ngót nghét một thế kỷ, tính tới trận Điện Biên Phủ. Khi phải rút quân về nước, chúng còn có thời gian dùng dằng khá lâu. Có mất một đồng "phờ răng” chúng cũng tìm được, huống chi cả chiếc máy bay chở vàng. Vậy chỉ còn Nhật? Nhật chẳng phải rộng rãi gì và không đến nỗi "đãng trí”, nên nếu "bỏ quên" một chiếc máy bay như thế này, hẳn phải ở thế kẹt lắm, không thể có điều kiện để tìm...
Cứ suy nghĩ lung tung như vậy, cuối cùng tôi tạm kết luận chiếc máy bay này rơi vào khoảng nửa đầu năm 1945, khi Nhật đang bại trận. Mà thôi, tạm gác chuyện đó. Hình như lửa đã tắt nên không thấy khói bay lên nữa. Những đám khói lúc trước đã hòa lẫn vào tầng mây thấp. Không có trái bom nào nổ như tôi lo sợ. 
Tôi trở lại, thấy trong đống xác máy bay lửa đang còn cháy âm ỉ, nhưng có thể bắt tay vào việc được rồi. Giờ khỏi lo rắn. Chẳng có con rắn nào trụ nổi với lửa. Tôi moi ra được những thỏi vàng nằm lẫn trong đống sắt vụn, bên dưới lớp tro còn đỏ hồng. Tất cả đều đúc cùng khuôn với thỏi vàng hôm qua, trên bề mặt có con số chỉ trọng lượng bốn kí rưỡi. Bỏ vào ba lô vừa đủ sức mang là tôi đi ngay. Đêm qua tôi đã trù tính con đường từ đây tới cái hang nhỏ bên bờ suối, giờ cứ thế mà đi, chỉ cần nhớ đừng giẫm lên cùng một lối để khỏi tạo ra đường mòn. 
Ngày hôm ấy tôi đi được ba chuyến thì trời tối nên đành nghỉ. Đoạn đường chỉ chừng ba cây số nhưng luồn rừng nên không thể đi nhanh được. Vả lại khi cõng ba lô vàng trên lưng, cánh rừng quen thuộc bỗng trở nên xa lạ, đầy nguy hiểm. Lúc nào tôi cũng thấp thỏm, cứ nơm nớp như có ai đang rình mò mình. Lúc nào cũng lăm lăm súng trên tay chực nhả đạn và luôn ở trong tư thế sẵn sàng co cẳng chạy. Đúng là nỗi lo sợ bản năng mà chỉ con người mới có. Mấy ngày sau tôi phải cho con báo ăn no để nó đi cùng tôi suốt ngày. Ở trong rừng, con Aga còn tinh hơn chó săn. Chưa bao giờ tôi có tâm trạng như những ngày đó, vừa phấn chấn vừa phấp phỏng lo âu, người cứ rạc đi. 
Phải hơn nửa tháng tôi mới hoàn tất công việc. Thực ra, chỉ có mấy ngày đầu là mọi việc thuận lợi. Những ngày còn lại tôi phải moi móc, nhặt nhạnh từng thỏi vàng một. Có thỏi bị kẹt, mất hàng giờ đồng hồ mới lấy ra được. Sau khi giấu hết số vàng vào hang, tôi đào đất nơi khác mang đến đổ vào lèn chặt, bưng những tảng đá nhỏ chất lên trên. Cuối cùng mới vần một hòn đá to chẹn cửa hang, kéo những dây leo quanh đó cho nó bò lên và xóa hết mọi dấu vết. Bây giờ, số vàng này thực sự là "của tôi". 
Công việc cuối cùng là ngụy trang lại nơi máy bay rơi, việc này chẳng có khó khăn gì. Tôi đào hố, cẩn thận chôn những mảnh xương người tìm thấy trong đống xác máy bay. Có một số xương đầu lâu đã vỡ vụn, những đốt xương khác cũng không nguyên vẹn. Thì ra chỉ mỗi góc rừng hoang này, từ trước tới nay cũng đã có bao nhiêu người chết. 
Mọi việc xong xuôi lúc chiều đã muộn, nhưng tôi chưa về nhà ngay mà đi thẳng đến bên ngôi mộ đá. Tôi đốt một đống lửa, gác lên đó mấy khúc trầm rồi im lặng ngồi nhìn làn khói xanh lơ lửng bay. Hôm nay trời nhẹ gió, mấy tia nắng cuối ngày le lói qua mây rọi xuống đồi cỏ trước mặt một màu vàng nhợt nhạt. Tôi sắp từ biệt nơi này! Tôi đã làm được những gì mà các anh tin cậy và bây giờ có thể yên tâm quay về, nhưng thật đau lòng khi chẳng có cách nào đưa các anh theo. “Mình sẽ mang về một nắm đất..." 
Một mình trở về không phải là chuyện dễ dàng, nhưng tôi không ngờ được là còn có nhiều sự việc xảy ra ngoài dự tính. Hình như số tôi chưa hết "nạn" nên còn nặng nợ gian truân với rừng.



< Trước     Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối