22/01/2015

Đội đặc nhiệm TK1 (chương 23)

Chương XXIII



Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối

Trước lúc nổ máy, cô gái vén tóc đội chiếc mũ bay lên đầu và lẳng lặng đưa tôi cặp tai nghe có gắn micrô để chúng tôi có thể nói chuyện với nhau trong khi bay. 
Tôi ngạc nhiên khi thấy trực thăng bay về hướng tây bắc, nhưng chợt hiểu ra: cô muốn tôi được nhìn thấy lần cuối cùng nơi mình đã sống.
Trực thăng bay là là trên dải rừng phía bắc vùng đồi cỏ, lướt qua chỗ chiếc máy bay chở vàng rơi, qua cái cây chết khô nhô trên tán cây cổ thụ, nơi tôi đã leo lên đối đầu với cái chết, và trước mắt là vòm cây đa như một tán dù khổng lồ. Nhìn từ trên cao, khúc suối trước mặt nhà tôi lượn cong cong nên vũng suối trông giống viên ngọc bích gắn trên mặt nhẫn. Không nhìn thấy ngôi nhà, cũng chẳng có bóng con thú nào. Sau vòng lượn thứ hai, chiếc trực thăng bay thẳng về hướng đông. 
Lúc ra khỏi miền sơn nguyên, vùng núi non phía dưới như tụt thấp xuống. Rừng già trải mênh mông. Những đỉnh núi nhọn, những vách núi dựng đứng trở nên mềm mại hơn và bớt vẻ hiểm trở. Xung quanh tôi lúc này là khoảng không bao la, bên dưới là thảm rừng mịn màng. Tôi có cảm giác hụt hẫng và trống trải khi không còn nền đất vững chắc dưới chân cùng cây rừng vây bọc che chắn quanh người. 
Chiếc trực thăng vẫn chúi đầu như trượt xuống theo chiều nghiêng của đông Trường Sơn, giữ một độ cao tương đối ổn định so với mặt đất. Nó bay ngoằn ngoèo len lách giữa những dãy núi, lúc lúc lại hiện bóng trên những sườn núi xanh rì còn đọng nắng. Những đỉnh núi lao thẳng tới rồi vụt tránh sang một bên và lướt nhanh về phía sau. 
Tôi đưa mắt nhìn lên bảng điều khiển la liệt đồng hồ tìm chiếc chỉ độ cao, nhưng không nhận ra. Chắc ở đây dùng đơn vị đo khác. Như hiểu tôi nghĩ gì, cô nói trong khi mắt vẫn nhìn thẳng về phía trước: 
- Ta đang bay với tốc độ một trăm năm mười cây số giờ. Em phải bay thấp để tránh tìm quét sóng của ra đa. Lúc nào về gần tới đồng bằng mới lên cao liên lạc với bác Tùng. 
Tôi nhìn cô thán phục. Trông cô khác hẳn với cô gái hồn nhiên nhí nhảnh ở trong rừng lúc nãy. Có lẽ đây là cô chị. "Hai chị em" giống nhau như đúc, nhưng cô chở từng trải hơn bởi gương mặt trầm tĩnh, ánh mắt quyết đoán và những động tác thành thục tự tin. Còn tôi lúc này chắc giống chú bé nhà quê lần đầu được đi ô tô, lóng ngóng và ngơ ngác. Cô gái kéo cần lái. Chiếc trực thăng nâng độ cao rất nhanh. Nếu không bị nén chặt vào ghế ngồi, hẳn tôi đã nghĩ rằng thảm rừng phía dưới đang chìm nhanh xuống. Ở đó lác đác mấy đám nương rẫy trông như những mụn vá trên chiếc áo xanh của rừng. Phía xa hơn có những triền rừng bị rải chất độc hóa học, màu cây khô xám xịt. Đường chân trời đang duỗi ra, thẳng dần. Trong ống nghe có tiếng cười khúc khích, rồi giọng cô nho nhỏ: 
- Tới đây lên cao được rồi?! Lỡ trúng đạn Quân giải phóng thì... oan lắm! 
- Dưới đó là vùng giải phóng sao? 
- Vâng! Anh có muốn xuống đó không? 
- Vậy cũng được! Cô bay chầm chậm để... tôi nhảy. 
- Ý! Đừng giỡn à nghenl Anh mà nhảy, em... cũng nhảy theo, chớ về dưới lấy chi thường cho "anh Hai” của anh? 
Tít dưới xa có một dòng nước trắng bạc uốn lượn như nét vẽ. Màu xanh ở mặt đất trông cũng nhạt hơn, đôi chỗ hoe vàng. Cô gái nhìn đồng hồ đeo tay rồi ấn một chiếc nút trên bảng điều khiển, chỉnh núm rà tần số vô tuyến. Lát sau cô reo khẽ: “Có rồi!", và quay sang tôi giải thích: 
- Bác ấy quy ước tín hiệu liên lạc trên sóng vô tuyến chớ không đàm thoại được. Giờ thì khỏi lo rồi! Để em xuống thấp cho anh ngắm đồng bằng. 
"Đồng bằng? Nhanh vậy ư? Dễ dàng vậy ư?" Tôi thấy nghẽn nghẹn. Đã bao ngày mơ lúc về tới đồng bằng... 
Nhìn từ độ cao chừng hai trăm mét, cảnh vật bên dưới hiện rõ mồn một. Trên dòng sông quanh co uốn khúc, vài chiếc thuyền nhỏ trôi lững lờ, mái chèo quẫy nước lóe nắng. Ven bờ sông thỉnh thoảng lại thấy một xóm nhỏ thưa thớt vài nóc nhà ẩn hiện dưới bóng cây xanh rờn. Chen giữa những dãy đồi là mấy vạt ruộng xác xơ màu rơm rạ. Đã qua vụ gặt. Lát sau, những quả đồi thưa dần rồi biến mất. Xóm làng xanh mướt cây lá nổi lên như những cù lao giữa cánh đồng trải rộng. Tôi xách cái túi đựng máy truyền tin hé cửa thả xương sông và lần túi quần lấy chiếc bật lửa ném ra ngoài. Định giữ làm kỷ niệm, nhưng thôi! Bật lửa Trung Quốc, để lại không tiện. 
Ngắm nhìn dòng sông, tôi hỏi: 
- Sông gì đây, cô Thủy? 
- Thu Bồn đó anh! Từ đây về quê em có chút xíu hà! 
"Sông Thu Bồn? Có phải dòng nước nơi anh Sơn hy sinh chảy về tới đây?"...

Khi còn sống trong rừng, tôi mường tượng lúc nhìn thấy đồng bằng, chắc mình sẽ lịm đi vì xúc động. Vậy mà lúc này cảm giác bồi hồi chỉ thoáng qua. "Đồng bằng? Nhưng là vùng địch! Mình đang ngồi trên chiếc máy bay của địch. Điều gì chờ ở phía trước?" Từ trưa tới giờ, một câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi: "Vì sao ông Tùng nói với Thủy hôm nay sẽ không có cuộc tập kích nào tiếp theo? Nếu ông ta không dính gì tới vụ vừa rồi thì làm sao biết được điều đó? Phải chăng đang có một cái bẫy chờ mình lúc máy bay đáp xuống? Kế "điệu hổ ly sơn” mà! Mình không hề nghi ngờ Thủy. Những gì cô ấy đã làm, lá thư của anh Hai Nguyên, những tình cảm cô biểu lộ... khẳng định lòng tin đó. Nhưng biết đâu kẻ địch lợi dụng? Biết Thủy đang nối chặng cuối đường dây liên lạc, chúng tạo điều kiện cho cô bay... Nhẹ nhàng hơn nhiều so với việc tổ chức một cuộc tập kích..." 

Tôi nhìn khẩu súng trong tay. Lúc này nó chỉ là vật phụ thêm vào việc cải trang cho phù hợp với bộ quần áo rằn ri mặc trên người. Nếu địch đón bắt khi máy bay đỗ xuống, tôi cũng không thể bắn. Có thể giết thêm vài tên, nhưng Thủy sẽ bị nguy hiểm, nếu may mắn sống sót thì cũng bị thương, rồi tù đày... 
- …Anh có nghe em nói chi không? - Tiếng cô lọt vào ống nghe, kéo tôi ra khỏi nhưng suy nghĩ bồn chồn.
- Cô bảo sao? 
- Em hỏi, anh có muốn ghé qua quê "anh Hai" của anh không? 
- Muốn! Nhưng làm sao ghé được? 
- Mình nhìn từ trên cao thôi! - Cô trả lời. 
Chiếc trực thăng vẫn bay phía trên con sông. Tôi chăm chú nhìn những xóm làng hiện ra bên dưới. - Anh có thấy cái xóm nhỏ có mấy cây cau cao cao kia không? Đó, cái xóm sát khúc sông có bờ cát vàng vàng... Làng em đó! 
- Cô có hay về thăm quê không? 
- Em về hoài à! Mộ má em và anh Trà đều ở đó. 
- Vậy cây mai còn không? 
- Còn chớ! Ba em quí nó lắm. Ông kể cây mai ấy ông nội trồng từ hồi chưa có ba. Mà thôi, đến giờ hẹn rồi. Em đổi hướng đây. 
Chiếc trực thăng lượn một vòng rồi bay về hướng tây bắc. Thì ra cô đã bay dấn thêm vài chục cây số để tôi nhìn thấy cái xóm nhỏ đó. Bên dưới Quốc lộ I như con rắn màu đen trườn dài trên cánh đồng và mất hút ở cả hai đầu. Nếu lúc này có nắng chắc sẽ nhìn thấy biển. Xa một chút về hướng đông bắc, thấp thoáng những mảnh trắng nhờ nhờ của nhà cửa phố xá. Nơi đó là Đà Nẵng. 
- Gần tới rồi! Anh nhìn thấy quả đồi kia không? - Tiếng cô nói trong ống nghe. 
Phía trước hiện ra mấy dãy đồi cây mọc cằn cỗi. Máy bay xuống thấp và bay chậm lại. Trước mặt tôi là một mỏm đồi có những vết đỏ hoét của đất sỏi bị đào bới. Tôi căng mắt nhìn. Những đường hào nông chân chạy ngoằn ngoèo. Vài ụ súng đáp bằng bao cát, mấy đường thép gai bùng nhùng. Dưới chân đồi có con đường nhựa chạy về hướng đông. Có lẽ đây là một cứ điểm đã bỏ trống. Trong ánh sáng nhá nhem của những tia nắng cuối ngày, quả đồi trông hoang vu và vắng vẻ. Không thấy người thấy xe. Biết đâu chúng đang ẩn trong mấy ụ súng? 
Trực thăng hạ càng trên vạt đất bằng phẳng giữa đỉnh đồi. Tiếng động cơ dịu lại, cánh quạt vẫn quay chầm chậm. Tôi hồi hộp nhìn quanh, từng thớ thịt trong người căng lên... 
Một phút... hai phút... ba phút. Tất cả vẫn yên tĩnh. Không có bọn lính cắp súng hò hét nhào ra tử mấy ụ súng, không có những chiếc xe rú máy lao hết tốc lực lên đỉnh đồi. Trong cảnh hoàng hôn vắng lặng, chỉ thấy làn bụi mỏng đang lắng xuống. 
Tôi liếc nhìn cô, thấy đôi mắt mở to đang chớp chớp lo lắng: 
- Bác ấy đâu kìa? Anh ngồi yên, ta đợi chút nữa! 
Vẫn chăm chú quan sát xung quanh, tôi hỏi để át nỗi bồn chồn cho cả hai: 
- Lúc nãy thấy cô Thủy cứ im lặng, tôi lo quái 
Trên đoạn dường nhựa cách chừng hai cây số, một chiếc xe Jeep quân sự ló ra khỏi khúc quanh, bon bon về hướng chúng tôi. Trên xe chỉ có một người. Lúc nó rẽ vào con đường sỏi chạy thẳng lên đỉnh đồi, tôi nhìn rõ ông Tùng ngồi sau tay lái. 
- Anh xuống được rồi! - Cô nói, vẫn cúi mặt. 
Tôi mở dây an toàn, bỏ ống nghe xuống, ngần ngừ không biết nói thế nào. 
- Anh về trước đil Trả máy bay xong em về liền à! - Cô lại giục, giọng dịu dàng.
Chiếc Jeep dừng ngoài vùng gió cánh quạt. Ông Tùng xuống xe, chắp hai tay sau lưng đứng nhìn lên. 
Tôi xách súng nhảy xuống, giữ bước bình thản đi về phía chiếc xe. Ông Tùng mặc nguyên bộ đồ sĩ quan, đeo lon đại tá vành lưỡi trai dài thượt của chiếc mũ lính che tối đôi mắt làm tôi không thể đoán được ông đang nghĩ gì. Dù sao lúc này cũng còn quá sớm để nói lời cảm ơn. Tôi nghĩ vậy nên chỉ nói: "Chào đại tá!", rồi bước lại gần. ông im lặng chìa tay ra. Tôi đưa một tay bắt. Ông chụp tay tôi bóp mạnh và nói: 
- Khá lắm! Anh bạn Việt Cộng! Tôi biết chắc chắn anh còn sống mà. Nào, lên xe! - Ông quay về phía chiếc trực thăng vẫy tay. 
Tiếng động cơ rồ lên. Chiếc trực thăng sạt qua trên đầu chúng tôi, cuốn cái mũ của ông bay xông đất, bụi tung mù mịt. 
- Cái con này! Nó bay kiểu gì thế không biết! - Ông Tùng càu nhàu cúi xuống nhặt mũ. 
Tôi vừa áy náy vừa buồn cười. Rõ ràng ông ta bị vạ lây.

Chúng tôi lên xe. Chiếc jeep quay đầu chạy xuống đồi, lát sau đã bon nhanh trên con đường nhựa vắng tanh. Được chừng vài cây số, ông Tùng lượn xe đỗ sát lề đường và nói: 

- Trời còn sáng, ta đợi một chút. Tốt nhất là không nên để ai nhìn rõ mặt anh. - Ông quàng một tay qua lưng tựa của ghế lái, quay sang phía tôi thân mật hỏi - Làm sao anh thoát được? 
Tôi ngập ngừng. Biết ông hỏi về vụ tập kích, nhưng đó là lời thăm hỏi thân tình, hay muốn tìm hiểu nguyên nhân của sự thất bại? 
- Có lẽ… cũng nhờ may mắn thôi. Chuyện dài lắm... - Tôi đáp ấp úng. 
- Thôi để kể sau. Nhưng lúc đó anh giận tôi lắm phải không? 
Tôi nhìn thẳng vào mắt ông. Hình như chỉ có sự chân thành... 
- Đại tá hỏi một câu... rất khó trả lời. Chúng tôi chẳng bao giờ hoài công để giận kẻ thù của mình. Xin lỗi, tôi nói về những kẻ đã tấn công tôi đêm dó. Còn... lúc xả súng tiêu diệt chiếc trực thăng biệt kích, tôi có nghĩ đến đại tá và... quả thực tôi thấy thất vọng. 
- Tôi hiểu! Dù sao cũng cám ơn là anh vẫn tin tôi khi thẳng thắn nói ra điều đó. - Ông nói, và móc túi áo ngực lấy ra mấy tờ giấy đưa cho tôi - đây là giấy tờ của anh. Tôi biết ông Thành đã móc được với bên kia, chắc họ lo đủ cho anh rồi. Nhưng phần tôi giúp được gì, tôi vẫn giúp. Anh coi qua giấy tờ đi, lỡ có gì đối đáp cho êm. 
Tôi lướt nhanh hai tờ giấy. Đó là giấy nghỉ phép do chính ông ký, cho phép tôi "Nghi phép chờ làm thủ tục xuất ngũ”, cùng với một giấy của quân y xác nhận tôi bị sốt rét lâu ngày, nay được nghỉ để ra ngoài chữa bệnh. Tên trong giấy ghi là Nguyễn Văn Hải, quê ở Quảng Trị, tuổi cũng khớp, cả cái bệnh sốt rét cũng hợp với nước da và tạng người tôi lúc này. Một lần nữa, ông lại làm tôi ngạc nhiên. 
Tôi gấp hai tờ giấy bỏ vào túi áo ngực, cài cúc lại và nói mà không nhìn ông: 
- Xin cám ơn đại tá! 
Mọi việc vẫn còn ở phía trước. Vẫn còn quá sớm để bộc lộ tình cảm biết ơn chân thành. Nếu đây là một cái bẫy thì tôi đã đút cả hai chân vào bẫy. Nhưng chân là chân, còn đầu là đầu! Tôi không thể phí phạm lòng tin của mình. Có đúng không? Hay thói quen cảnh giác lúc ở rừng đã khiến tôi đa nghi? Hạ hồi phân giải! Trong truyện Tàu người ta thường nói như vậy. Mấy năm vừa qua tôi đã gặp quá nhiều chuyện lạ, nhiều đến mức đủ để hiểu rằng cuộc sống luôn chứa đựng những điều bất ngờ. 
Ông Tùng liếc nhìn tôi vẻ tò mò nhưng không nói gì, chỉ đưa tay nhìn đồng hồ rồi xoay chìa khóa nổ máy. Chiếc Jeep trườn ra mặt đường nhựa và lao đi vun vút. Tôi tựa súng vào vai ngồi ghếch chân lên thành cửa xe dáng ngổ ngáo, nhưng thực ra trong lòng rất lo lắng. Cái vai lính ngụy đã "diễn" mấy lần ngoài Quảng Trị, nhưng lúc này khác. Địa bàn xa lạ, xung quanh không có đồng đội, sự hỗ trợ của tổ chức vẫn là vô hình. Với lại sau mấy năm ở rừng, giờ đùng một cái về phố xá vùng địch chiếm đóng, lại trên xe của một đại tá ngụy "thứ thiệt", là chuyện mới sáng nay tôi chưa hề nghĩ tới. 
Trời sẩm tối. Sương chiều đang xuống. Mây giăng đầy trên dãy núi chạy song song với con đường, cách chừng vài cây số. Suy nghĩ khá lâu tôi mới nhớ được đấy là dãy Hải Vân đổ từ Trường Sơn ra tới biển. Phía trước hiện ra một vùng sáng mờ mờ: Đà Nẵng đã lên đèn. Trong làn gió phả ào ào vào mặt như có vị mặn của muồi biển. Phía biển lúc này đen ngòm, thỉnh thoảng lại thấy ánh chớp lóe lên từ những đám mây xa. Vậy là đêm nay trên núi sẽ mưa. "Mưa nguồn chớp biển", có bốn chữ mà gợi nhớ đến nôn nao... 
Bốn bánh xe nhảy chồm chồm lúc leo qua đường tàu. Tôi cố nén để khỏi bật rên bởi chỗ bị đánh bên sườn đau nhói. Chạy thêm một quãng ngắn, chiếc Jeep bật đèn pha rồi ngoặt sang trái theo con đường nhựa rộng hơn và phẳng lì. Đây đã là quốc lộ Một. Không khí nồng mùi xăng. Ánh đèn xe soi loang loáng dãy hàng rào dây thép gai ken kín mít phía bên phải đường. Vài chiếc ô tô chạy ngược chiều pha đèn chói mắt. Một chiếc máy bay bật đèn hiệu cả ở bụng và hai đầu cánh sà thấp xuống sau dãy hàng rào thép gai. À, trong kia là sân bay, hèn gì chúng rào kỹ quá! 
Trước mặt tôi hiện lên những bóng điện đường vàng tù mù trong sương, rồi những dãy phố đầu tiên thấp thoáng ánh đèn nhông. Đường phố đông dần. Xích lô, xe máy, xe đạp, xe jeep quân sự, biển hiệu xanh đỏ và chớp đèn quảng cáo nhấp nháy. Trong những người đi bộ có cả lính ngụy và lính Mỹ. Nơi đây về đêm vẫn ồn ào tấp nập, khác hẳn một trời một vực với vùng rừng tôi vừa từ biệt. 
Sau khi qua mấy ngã tư, xe chúng tôi chạy vào những đường phố ngắn yên tĩnh, hai bên đường có những cây cổ thụ nghiêng cành đan thành vòm trên cao. Ông Tùng vẫn bình thản sau tay lái. Chẳng ai, dù cảnh sát hay quân cảnh, lại dám chặn xe một đại tá để kiểm tra. 
Đang chạy nhanh, ông bỗng phanh xe đột ngột. Tiếng bánh xe miết cháy mặt đường rít chói tai. Vài người qua đường giật mình ngoái cổ nhìn lại. Những người trong quán ăn ở góc phố đồi diện cũng hoảng hốt ngó ra. Ông nhấn ba tiếng còi rồi bảo tôi: 
- Anh xuống mở cổng đi! 
Bài bản phải thế, chứ chả lẽ quan lại xuống mở cổng cho lính? Nhưng sao ông ta làm ồn ào quá vậy? Tôi nhìn nhanh về chiếc cổng sắt sơn xanh, phía trên có giàn dây leo loáng thoáng vài cánh hoa màu tím. Bên trong là ngôi nhà nhỏ một tầng, khá kín đáo và tách biệt với những nhà khác bởi xung quanh có khoảng đất trống trồng cây. Trong nhà sáng đèn nhưng im ắng. Có gì trong đó?

Tôi xuống xe, giữ vẻ tự nhiên tiến lại phía cổng. Chưa kịp đưa tay mở thì bóng điện trên cổng bật sáng, cánh cổng hé ra. Tôi đứng tránh sang một bên để ánh đèn không rọi vào mặt, vừa nhìn thấy ông Thành bước ra. Ông nhìn tôi khẽ gật đầu chào, hờ hững nói: "Anh vào đi”, rồi bước nhanh về phía ông Tùng chào hỏi vồn vã. 

"Vậy là sao?” Tôi điếng người trước thái độ lạnh nhạt của ông, nhưng tự nhủ phải bình tĩnh. Đã trót đâm lao rồi! 

Lách người qua cổng, tôi đi ngang mảnh sân nhỏ và bước lên bậc tam cấp trước nhà. Cánh cửa chỉ khép hờ, để lọt ra vệt sáng xanh của ánh điện. Bên trong là gian phòng khách bày biện đơn giản. Không có ai ở trong đó. Hai ông vẫn đứng nói chuyện trước cổng. 
Đang đứng ngơ ngác giữa phòng, tôi bỗng giật mình khi thấy cánh cửa dẫn vào phòng trong mở ra và một tên lính mặc quần áo rằn ri xuất hiện. Tim tôi thót lại, người cứng đờ, mọi phản xạ hầu như bị tê liệt.
Tên lính nhào tới, đưa cả hai tay chụp lấy tay tôi lắc lắc nói như reo lên: 
- Anh Hai! Anh Hai mạnh giỏi không? 
Tôi ngỡ ngàng nhìn anh ta, bộ óc chậm chạp hoạt động trở lại. Trông anh ta quen quen, hình như đã gặp ở đâu rồi... Cả giọng nói nữa. 
- Anh là... - Tôi phân vân hỏi. 
- Trời? Anh Hai quên em rồi sao? Em gặp anh hôm lên bốc mộ... 
Nhớ ra rồi đây là một trong hai người lính nói giọng Nam Bộ hôm đó. Nhưng anh ta làm gì ở đây? 
- Em chờ anh Hai suốt ngày nay. - Anh ta nói tiếp, giọng vẫn mừng rỡ - đại tá biểu em lẻn vô đây từ sáng, chờ anh Hai về để ra thế chỗ ngoài xe. Anh Hai ngồi xuống cho đỡ mệt! 
Anh ta kéo tôi ngồi xuống ghế rồi đứng nhìn tôi, nét mặt hớn hở. Nhìn vóc dáng người lính và bộ quần áo anh ta mặc trên người, tôi chợt hiểu: đây là sự sắp xếp của ông Tùng. Lát nữa khi ông ra về vẫn đủ hai người trên xe. Không ngờ ông đại tá không lực mà kinh nghiệm hoạt động bí mật đầy người. 
Nén tiếng thở phào, tôi hỏi: 
- Anh làm như vậy, không sợ sao? 
- Dạ thưa, đại tá biểu thì em phải làm. Với lại em chịu ơn anh Hai nhiều lắm... 
- Ơn tôi? - Tôi ngạc nhiên. 
- Dạ! Vừa rồi em nhận được thư đứa em, nó báo tin má em đã khỏi bịnh… - "Liên quan gì đến mình?", tôi thắc mắc - Má em bịnh hơn năm nay, không có tiền mua thuốc. Bữa trước anh hai cho miếng kỳ nam, em về bán được ít tiền gởi vô cho má uống thuốc. Nghe tin bà mạnh trở lại, em mừng lắm! Nhà em nghèo, bà con lối xóm cũng nghèo, không ai giúp được. Vậy mà anh Hai ở tận trên rừng, xa xôi như vầy, lại chẳng quen biết gì mà anh Hai giúp được... Em... không bao giờ quên ơn anh Hai... - Anh ta rơm rớm nước mắt. 
Tôi cũng cảm động trước sự chân tình của người lính. Thực ra tôi đâu có chủ ý giúp anh ta! Mới hay mọi việc cốt ở cái tâm của con người. Thằng trung sĩ Hưng đấy thôi, nó cũng có phần như vậy... 
Ông Tùng bước vào nhà, hất hàm nói với người lính: 
- Ra xe ngồi trông chừng! 
- Dạ! - Người lính cúi đầu, đưa mắt chào tôi rồi đi ra. 
Ông Tùng quay sang nói với tôi: 
- Anh yên tâm, thằng đó tin được. Hắn cùng quê với tôi đó! 
Ông Thành khép cửa lại, hấp tấp bước tới ôm vai tôi: 
- Vậy là anh đã về được. Cả ngày nay tôi nóng ruột quá trời! Anh có khỏe không? 
- Dạ, cháu khỏe! Cám ơn bác! 
- Thôi, giao lại cho anh với con Thủy, tôi hết trách nhiệm. - Ông Tùng nói với ông Thành rồi quay sang tôi - Chúc anh về tới đích. Chào! - Ông vỗ vai tôi và bước đi ngay, không để tôi kịp nói lời nào. 
- Thấy anh bình yên, tôi mừng quá! - Ông Thành nói mà mắt ươn ướt - Sáng qua nghe ông Tùng nói chúng đánh yên chỗ anh, tôi lo muốn xỉu. Con Thủy thì cứ khóc lên khóc xuống. Lại đúng lúc vừa nhận được thư chú nó nhờ chuyển cho anh, thật rối cả ruột...
Tôi ôm chầm lấy ông, xúc động đến trào nước mắt. Thật may mắn khi cuộc sống đưa đẩy tôi gặp được những con người như thế này. 
Ông Thành đưa tôi lên gác, dẫn vào một căn phòng nhỏ: 
- Đêm nay anh ngủ ở phòng tôi. Đừng lo, tôi còn chỗ làm việc ở dưới nhà. Còn đây là quần áo để anh thay. Phòng tắm, phòng vệ sinh ở kia. Giờ anh đi tắm, tôi xuống chuẩn bị cơm nước. Con Thủy cũng sắp về rồi đó.
- Ông nói và vội vã đi xông nhà. 
Lúc từ phòng tắm bước ra, tôi nghe có tiếng mở cổng, rồi tiếng ông Thành nói dưới nhà: 
- Thủy đó con? Sao về muộn vậy? 
- Dạ, con phải la cà một chút, nôn quá không tiện. 
- Con ôm cái gì vậy? 
- Ủa Ba coi nè! - Giọng cô hãnh diện. 
- Con báo. Ở đâu ra vậy con? 
- Ảnh làm cho con đó! Ba coi có đẹp không? 
- Ừ, đẹp lắm! Chà, anh ấy biết con mê con báo lắm mà! 
- Ảnh đâu ba? 
- Ở trên phòng. Thôi, con đi tắm rửa. Cơm nước để ba lo.

Tiếng chân cô bước gấp gấp trên cầu thang, ngập ngừng trước phòng tôi mấy giây, lại đi tiếp. Rồi tiếng mở, đóng cửa căn phòng ở phía cuối.

Tôi ngồi xuống bên chiếc bàn nhỏ, cầm lên một cuốn sách, nhưng mãi chẳng đọc được một chở nào. Những gì vừa xảy ra trong ngày hôm nay đã lôi cuốn hết tâm trí, làm xáo trộn nếp suy nghĩ bình thường. Và sắp tới còn gì nữa? Nếu ở đây lâu sẽ nguy hiểm cho gia đình của ông Thành. Nhưng đường dây anh Hai Nguyên bố trí đang dừng lại ở đây, tôi lệ thuộc hoàn toàn, không tự quyết định gì được. Có lẽ vào đến chỗ già Lý mới gặp được người của mình. Muốn về tới đích, tôi phải đi con đường vòng khá xa. Có khi đường vòng lại là con đường gần nhất. Giờ tôi mới hiểu vì sao trước đây anh Hai Nguyên lại dặn: "Đường trở về không nhất thiết phải đi ngược lại con đường đã đi..." Anh không thể biết trước mọi chuyện, nhưng với kinh nghiệm của mình, anh đã lường tới những tình huống ngoài dự tính... 
Mãi suy nghĩ, tôi giật mình khi nghe cô gái gọi khẽ ngoài cửa phòng: 
- Anh Hải... - Tôi vội đứng dậy mở cửa - Em vô được không? 
- Sao lại không? Cô Thủy vào đi! 
Cô bước vào, tươi tắn trong bộ quần áo bà ba màu tím nhạt. Đưa mắt nhìn tôi từ đầu tới chân, cô kêu lên: 
- Ôi! Anh...coi lạ hoắc à? 
- Ừ, tự tôi cũng thấy lạ! - Tôi cười ngượng nghịu - Lâu nay toàn mặc quần áo lính, giờ mặc lại đồ thường, thấy nhẹ hẫng đi. 
- Em tới bàn với anh coi có cần mời bác sĩ không? 
- Đừng! Không nên! 
- Nhưng chỗ chấn thương... 
- Chẳng sao đâu! Thủy không thấy cả ngày nay tôi vẫn bình thường đấy thôi! 
- Mai anh đi rồi, để vầy em sợ lỡ có chuyện chi... - Thủy đừng lo, nó sẽ tự lành thôi! 
Có tiếng chuông réo ngoài cổng. Cô vội đứng dậy: 
- Anh cứ ngồi đó, để em xuống coi ai. - Ra tới cửa cô còn ngoái lại lém lỉnh - Vậy là anh cũng có tiến bộ chút xíu rồi đó! 
Tôi lắng nghe tiếng chân cô chạy xuống cầu thang và băn khoăn tự hỏi, không biết "chút xíu” lúc này là bao nhiêu? Chắc không giống với "chút xíu” lúc ở trên máy bay bay về quê cô. 
Một lát sau, cô hấp tấp chạy lên, hé cửa nghiêng người vào nói: 
- Anh có khách nghen! 
Tôi yên tâm khi nhìn thấy nét mặt tươi rói của cô, nhưng vẫn hỏi: 
- Ai vậy? 
- Người đằng mình! 
- Tức là "Việt Cộng phải không? Sao cô biết? 
- Không giỡn đâu nghen! - Cô lườm, nói tiếp - Em gặp ảnh hai lần rồi. Hôm vô Tam Kỳ bàn công chuyện và bữa trước ảnh đưa thư "anh Hai” tới đó! Để em đưa ảnh lên. 
Vài phút sau, cô dẫn vào phòng một người đàn ông lạ mặt, rồi ý tứ quay ra, khép cửa lại. 
- Chào anh! - Tôi đứng dậy chào trước. 
- Chào anh Hải! Anh Hai có gửi cho anh cái này. - Anh nói và đưa cho tôi một tờ giấy gấp nhỏ. 
Tôi mở tờ giấy, lại nhìn thấy một trang sổ tay của mình. Trang này chép bài thơ "Núi đôi"1 (Bài thơ "Núi đôi" của nhà thơ Vũ Cao), nhưng chỉ có bốn khổ thơ đầu. Vậy là tin nhau được rồi. Tôi nắm chặt tay anh, cảm động hỏi: 
- Anh là anh Nghĩa? 
- Không! Anh Nghĩa bị lộ mặt ở Đà Nẵng, không ra được. Anh cứ gọi tôi là Tám. Tôi ở bên biệt động, được giao nhiệm vụ bảo vệ và đưa anh vào tới chỗ anh Nghĩa. 
- Anh cho biết tôi phải làm gì? 
- Đêm nay anh cứ yên tâm nghỉ lại đây. Chúng tôi đã bố trí bảo vệ vòng ngoài. Ta có cơ sở trong hàng ngũ địch, nếu có động sẽ được báo trước. Tôi đã dặn bác Thành và cô Thủy tín hiệu báo động và địa điểm liên lạc trong trường hợp đột xuất. Sáng mai bác Thành chở anh vào Tam Kỳ bằng Honđa. Đi bình thường như mọi người, có lực lượng bám theo đề phòng bất trắc. Khi có người cần gặp anh thì mật khẩu là... - Anh dặn tôi mật khẩu hỏi và đáp - Cũng phòng hờ vậy thôi chứ tôi tin mọi việc sẽ êm. Còn đây là giấy tờ của anh. - Anh đưa tôi tờ giấy hoãn dịch, nói tiếp - Việc gấp quá, chúng tôi không lo được thẻ căn cước. Khó nhất là không có ảnh của anh. Đây là giấy thật mượn của người khác, anh tự nghĩ cho mình một lý lịch phù hợp để khai cho khớp nếu bị hỏi. 
Tôi lấy ra hai tờ giấy ông Tùng đưa: 
- Tôi có giấy này, anh xem được không? 
Anh chăm chú xem kỹ và ngạc nhiên hỏi: 
- Làm sao anh có được giấy tờ này? 
- Ông Tùng đưa tôi lúc chiều! 
- Hay lắm! Thế là tôi hết lo rồi. Anh hỏi thêm cô Thủy về một số chi tiết như tên chỉ huy, nơi đóng quân... Để phòng khi bị kiểm tra. 
Tôi do dự một lúc rồi hỏi: 
- Các anh có biết gì về ông Tùng? 
- Việc đó bộ phận khác theo dõi nên tôi cũng chưa biết gì nhiều ngoài nhưng điều mà bác Thành và cô Thủy nói. Nhưng cấp trên đã cân nhắc kỹ và quyết định sử dụng mối quan hệ cá nhân này để đưa anh về bằng con đường nhanh nhất. Thực ra công việc dựa hoàn toàn vào sự giúp đỡ của cha con bác Thành, chúng tôi chỉ hỗ trợ phần cuối. Anh cần hỏi gì thêm không? 
Tôi nói: 
- Tôi trú lại đây sợ nguy hiểm cho gia đình bác Thành. 
- Anh yên tâm, việc này cũng được tính kỹ. Kế hoạch lúc đầu là đưa anh đến một địa điểm khác, nhưng bác ấy đề nghị để anh ở đây. Chúng tôi đồng ý vì thấy như vậy an toàn hơn. Gia đình bác ấy chưa hề bị địch chú ý. Ta cũng có kế hoạch bảo vệ cho bác ấy và cô Thủy về lâu dài. 
Chúng tôi trao đổi thêm một số chi tiết, rồi anh đứng dậy: 
- Ngày mai tôi sẽ bám theo anh, nhưng chúng ta không gặp nhau nữa nếu không cần thiết. Vậy xin chúng anh mạnh khỏe và thắng lợi.
Chúng tôi siết chặt tay nhau. Cảm giác tin cậy từ bàn tay đồng đội làm lòng tôi ấm lại. Thế là tôi đã thật sự trở về.

Đúng như đã hẹn, ông Tùng đến lúc chín giờ tối, vẫn trên chiếc xe Jeep lúc chiều. Nhìn ông trong bộ quần áo thường, tôi thấy gần gũi hơn. 

Mới bước vào phòng, ông đã lôi ra chai rượu và thét gọi cô cháu gái lấy ly. Vừa rót rượu, ông vừa nói với tôi. 
- Rất tiếc là không đãi anh được bữa cá lóc nướng, cũng chẳng mời anh về nhà tôi được. Thôi, đành vậy! Nào, ta cụng ly uống mừng cuộc gặp gỡ! 
Bốn chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn nhỏ trò chuyện vui vẻ. Theo yêu cầu "thính giả", tôi phải kể lại cuộc đụng độ vừa qua. Lúc đầu còn miễn cưỡng, nhưng rồi việc nhắc lại những sự việc tuy đã thành kỷ niệm nhưng vẫn còn nóng hổi đã khiến tôi xúc động thật sự. Tôi kể mà như đang nhìn thấy trước mắt bãi cỏ ướt sương đêm lòa nhòa ánh trăng, lối mòn quanh co trong dải rừng non, bóng thú vàng đen lốm đốm lao vút qua ánh đèn, và quầng lửa nổ tung giữa trời... 
Lúc tôi kể xong chuyện, mọi người cùng im lặng hồi lâu. Mãi sau mới nghe ông Tùng nói, giọng trầm lại:
- Chà! Không ngờ con dã thú mà có nghĩa đến vậy! Tiếc là không thể đem nó về nuôi được. 
- Vậy mà cháu đem về được đó! 
- Mày con nít hoài! Bộ tưởng tao say hả? - Ông Tùng gắt. 
- Bác muốn coi không? Để cháu dắt nó tới... - Cô nói rồi chạy vụt đi. 
Lát sau cô quay lại, ôm con báo đá đặt trước mặt ông Tùng. 
- Ủa? Mày lấy đâu ra vậy cháu? 
- Bác đoán coi! 
Ông Tùng nâng con báo đá lên xem: 
- Thứ đá này... không phải đá Non Nước... - ông chợt ngẩng lên hỏi tôi - Anh làm trên đó phải không? 
Tôi hơi ngượng: 
- Mấy tháng mưa không biết làm gì, tôi ngồi đục chơi. 
- Chà chà! Coi bộ anh không chỉ biết bắn súng? Mày sướng thiệt đó cháu ước cái gì được cái ấy? 
- Đâu có bác! Cháu chở ảnh về nên được trả công đó! 
Tôi sượng mặt, vội lảng nhanh sang đề tài khác: 
- Trong toán lính hôm đó có người của không đoàn Sáu chắc đại tá có biết? 
Ông Tùng nhìn tôi chằm chằm, lát sau mới trả lời: 
- Tôi biết, nhưng sau đó. Anh còn nhớ người Mỹ mà có lần tôi nói chuyện với anh không? Hôm ở trên rừng ấy? 
- Hary Cođy? - Tôi nói, dù đã đoán là ông sẽ nói một cái tên khác.
- Không! Thằng cha kia, John Smith. Tôi nhớ đã kể anh nghe rồi?
- Vâng, hình như vậy! Nhưng sao kia ạ! 
- Sáng qua tôi được lệnh phải tổ chức một phi vụ tìm kiếm ở vùng rừng anh đang sống. Điều này chắc con Thủy đã kể. Ngay sau đó tay Smith trực tiếp gọi điện cho tôi về cuộc tìm kiếm. Lúc đó tôi mới hay thằng đại úy ban Hai lên đó - ông dừng lại, tư lự một lúc rồi nói tiếp - Tôi không cần biết anh làm gì ở trển, nhưng chắp nối các sự kiện từ trước tới giờ thì có thể nghĩ rằng cha người Mỹ kia biết. Những chuyến bay của Cođy và thằng Trà trước đây đều liên quan đến Smith. Chỉ có điều lạ là... việc chỉ dính tới cá nhân, chớ không phải của bên tình báo hay quân đội. Đích thân Smith yêu cầu tôi giữ kín chuyện này, nhất là không cho báo giới biết. Chả nói đây là công vụ đặc biệt. Tôi được một người bạn cho hay toán lính đó Smith thuê, trả tiền "đô” đàng hoàng. Tất nhiên phải móc với cấp cao hơn mới thuê được. Nếu là công vụ, trong trường hợp này tụi "xịa" hay dùng "Mũ nồi xanh”. Còn dùng thám báo, sao không lấy ở đây? 
Tôi nhớ tới lời thằng thượng sĩ lúc cãi nhau với tên kia: "…đại úy không phải là xếp của tụi này đâu nghen... Đừng tưởng vì mấy trăm đô mà tui lên đây..." Khớp lắm! Tôi hỏi thẳng: 
- Vì sao đại tá lại đoán chắc là ngày hôm nay không có cuộc tập kích nào tiếp theo? 
Ông Tùng nhìn cô gái càu nhàu: 
- Cái con này! Mày có gì cũng đem khai hết với Việt Cộng! 
- Cháu không sợ đâu! Nếu quy tội, tội bác còn nặng hơn. 
Ông Tùng đành lắc đầu. 
- Mày thiệt... hết biết! - Rồi quay sang tôi - Điều này cũng dễ nhận định thôi! Smith hành động cá nhân, nên có muốn làm tiếp cũng phải có thời gian. Vả lại chả còn lo việc bị vỡ lở. Không biết rồi làm thế nào để bưng bít vụ này. Nếu không vì tốp phi công lái chiếc trực thăng ấy là người Mỹ, thì Smith cũng bỏ mặc chứ đâu thèm tìm kiếm? Mà thôi! Nói để anh biết vậy, chớ không liên quan gì đến tôi. Nào, cụng riêng với anh một ly! Mà phải hết đó nghen. Đây là lần cuối. Sau này dù có muốn, tôi với anh cũng không còn gặp nhau nữa đâu. 
- Sao thế? Tôi nghĩ là..., 
Tôi chưa nói hết câu, ông đã ngắt lời: 
- Hôm trước tôi nói với anh rồi. Cùng lắm tháng nữa là tôi giao việc ở đây, nghỉ chữa bịnh. Thủ tục sắp xong, tôi sẽ sang bển với mấy đứa cháu... - Giọng ông đã thấm hơi men. 
Ông Thành nhìn tôi gật đầu và nói nhỏ: 
- Anh Tùng sắp nghỉ hưu. 
- Vậy là hên cho anh đó! Mà cũng hên cho tôi nữa. - Ông Tùng cao giọng - ít ra thì tôi cũng đã có dịp giúp anh. Nếu tôi đi rồi, con Thủy lấy đâu ra trực thăng để bay! 
Tôi ấp úng: 
- Tôi... biết ơn đại tá nhiều lắm...



Ông cười rộ: 

- Hình như anh không quen nói lời khách sáo thì phải? Tôi cũng thích vậy! Con người phải biết đối xử với nhau bằng cái tình. Đến con thú ở rừng còn biết như thế nữa là! 
- Quả thực... tôi thực lòng cảm ơn đại tá. Nhưng tại sao đại tá lại làm tất cả những việc ấy? Tôi là người của bên kia cơ mà? 
Ông Tùng nhìn ly rượu, ánh mắt tối lại. Chợt ông bưng ly rượu ực cạn, rồi nói mà không nhìn ai cả: 
- Nếu nói tôi giúp anh, cũng được! Nhưng đó là giúp theo cách một con người giúp một con người. Tôi không giúp cộng sản? - ông cầm chai rượu rót đều ra các ly, chậm rãi nói tiếp. Hồi trước, mỗi lần nhậu như thế này, ba tôi thường khề khà nói với hai anh em tôi: "Ba nghèo không có chi để lại chỉ dặn các con: làm thằng đàn ông sống ở đời phải biết trọng nghĩa khinh tài..." Lúc đó còn nhỏ, lại tưởng ông xỉn,nên anh em tôi chỉ vâng vâng dạ dạ cho có lệ. Anh biết không... - ông lại nâng ly rượu uống hết, mới nói tiếp - Lớn lên tôi vẫn nhớ lời ba tôi. Nhưng đó là nhớ, chớ hiểu thì không mấy hiểu. Học trung học ở Sài Gòn, dù đói quắt ruột, tôi cũng ráng học thật giỏi cho tụi nhà giàu lác mắt. Nó chê mình nghèo thì được, nhưng không thể để nó khinh mình dốt. Rồi lúc được lựa vô học phi công cũng vậy. Cùng nghề lính, nhưng là lính con cưng, chỉ con cái nhà giàu mới vô được. Tôi tự hào về điều đó và ráng vượt lên để giỏi nghề. Tôi không quên lời ba tôi dặn, chỉ tiếc là đến lúc bạc đầu mới hiểu ra, mỗi lúc một ít... - ông ngừng nói, tay xoay xoay ly rượu, ánh mắt trống trải. 
Cô gái láu táu: 
- Vậy chỉ cần nghĩa chớ không cần tài, phải không bác? 
Ông Tùng nhường mắt nhìn cô vẻ coi thường: 
- Mày... còn phải học nhiều cháu ạ! Đừng tưởng dễ như trong mấy tích cải lương đâu nghen! - Rồi ông khề khà - Sống ở đời phải làm người giỏi. Không giỏi tất cả thì cũng phải giỏi trong nghề của mình. Nhưng quan trọng nhứt là phải đặt cái nghĩa lên trên cái tài, phải biết sống tình nghĩa chớ đừng cậy giỏi. Ngày trước ba tôi làm ruộng sạ lúa cả vùng không ai bằng. Còn má tôi, bà làm món mắm khía ngon nức tiếng, mặc dù ở quê tôi ai cũng biết làm. Vậy cũng là người giỏi! Có điều ba má tôi sống nhân đức lắm! Đến giờ về quê, mấy ông bà già còn nhắc hoài. Chỉ tiếc ông bà đưa nhau đi sớm... Chà chà! "Trọng nghĩa khinh tài"... Hiểu được và sống được như vậy không phải dễ đâu nghen! ông cha ta ngày trước ít học mà thâm thúy lắm... 
Câu chuyện cứ thế tiếp tục rỉ rả. Bên ngoài trời bắt đầu đổ mưa. Không phải nhưng cơn mưa trút sầm sập như trên rừng, mà từng giọt, từng giọt lác đác rơi rả rích nhanh dần. Văng vẳng từ xa tiếng rao đêm: "Ai mì...hô...ô...ông...". Gió thổi tiếng rao loang dọc phố vắng, nghe buồn như tiếng chim ăn đêm ở rừng. Giờ này trên kia, chắc con báo đang chạy đi tìm tôi... 
Tới khuya ông Tùng mới ra về. Tiễn ông xuống tới phòng khách thì ông bảo tôi quay lui. Tôi bắt tay ông thật chặt: 
- Bác cho cháu gửi lời thăm bác gái! 
- Cảm ơn anh! - Ông cảm động - Nhưng để anh đi rồi tôi mới nói. Bả biết, lại đùng đùng đòi tới thăm. Lúc này đông người vô ra không tiện cho anh. 
- Sau này... - Tôi ấp úng. 
Ông hiểu ngay: 
- Tôi không chắc có còn gặp lại anh nữa hay không. Nếu anh muốn biết tin tôi thì qua ông Thành. Tôi cũng vậy! - Ông thở dài, trầm ngâm một lúc, định nói gì đó nhưng lại thôi, chỉ bắt tay tôi lần nữa rồi bước đi. 
Nhìn qua khe của, thấy xe ông chạy xa dần trên đường khuya vắng vẻ rồi nhòa đi sau những hạt mưa rồi xiên qua ánh điện đường vàng vọt.
Đêm đầu tiên ở đồng bằng, không hiểu vì xúc động hay lạ nhà lạ cảnh mà tôi thao thức mãi. Ngoài kia biển đang động. Tiếng sóng biển ầm ầm nghe vừa lạ vừa quen như vọng lại từ ký ức xa xăm.

< Trước     Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối