28/12/2018

Nước Mỹ như tôi biết

Nhà văn Thái Chí Thanh từng có nhiều năm làm công tác ngoại giao tại các nước châu Âu. Trước khi nghỉ hưu ông có thời gian làm việc tại nước Mỹ. Theo nhà văn Thái Chí Thanh, đây là quãng thời gian để lại cho ông nhiều ấn tượng, nhiều chiêm nghiệm về con người, xã hội, mở ra cho những góc nhìn mới về một thế giới quanh ta, về một đất nước có nền kinh tế và văn minh thuộc loại hàng đầu thế giới. Công tác ngoại giao có điều kiện tiếp xúc với nhiều con người thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội Mỹ, được đi nhiều, nắm được nhiều thông tin nhưng lại mang trái tim và góc nhìn của một nhà văn, một tâm hồn nghệ sĩ, đời sống nước Mỹ hiện ra trong ông thật phong phú, đa dạng và thi vị.
Sau một thời gian nghỉ hưu, nay nhà văn Thái Chí Thanh mới bắt tay viết lại những hồi ức của mình về nước Mỹ. Tuần báo Văn nghệ xin trân trọng giới thiệu bút ký Nước Mỹ Như Tôi Biết của nhà văn Thái Chí Thanh, hy vọng sẽ đem đến cho độc giả nhiều thông tin thú vị.
Trân trọng cảm ơn nhà văn Thái Chí Thanh đã gửi bài cộng tác, và hy vọng sẽ tiếp tục có dịp giới thiệu những bài viết tiếp theo của ông về những vùng đất khác mà ông đã từng có thời gian gắn bó.
Kỳ 1: Nước Mỹ to thế mà thủ đô bé tý

Ngẫm lại, tôi thấy đời mình nhiều may mắn có lẽ vì hay rẽ ngang trong những chặng đường quan trọng. Học sử, ra trường về nhà xuất bản Sự thật công tác là quá hợp. Được mấy năm, cơ quan cho đi học chính trị ở Liên Xô. Mừng lắm vì vừa được xuất ngoại lại có điều kiện mua nồi hầm, bàn là gửi cho vợ con đang khó khăn giữa thời bao cấp giai đoạn rệu rã nhất của nước mình. Đang học chính trị, lại chẳng chịu đam mê các học các học thuyết, các chủ nghĩa, các quy luật xã hội mà lại cứ hay lượn khắp nơi, thấy thực tế và sách vở có vẻ khang khác rồi giở chứng tập viết báo, viết văn.
Bác giám đốc Nhà xuất bản lúc đó biết chuyện, trong dịp công tác ở Mat-xcơ-va có nhắc nhở, nhưng tôi vẫn chứng nào tật nấy. Thế nên về nước tôi lại chuyển sang Văn phòng Chính phủ làm báo, viết truyện. Ấy thế nhưng đúng thời điểm say sưa công việc thú vị đó lại đốc chứng đòi chuyển sang công tác đối ngoại, ngoại giao, một môi trường đòi hỏi chỉn chu, hết sức chuẩn xác và nghiêm túc chứ đâu có kiểu xộc xệch, hay tùy hứng như tôi. Ngẫm lại nhiều khi cũng khổ lắm, áp lực lắm đâu dễ dàng gì. Trong bộn bề công việc đối ngoại thì dự chiêu đãi có vẻ hay nhất nhưng cũng chẳng sướng. Vốn quen dân giã bạn bè quán bia hơi, có lỡ miệng cũng chả sao, nhưng ngồi vào bàn chiêu đãi ngoại giao thấy cốc to cốc nhỏ cả dàn, dao đĩa sáng choang trước mặt đã hoảng, cứ phải căng ra theo người ta làm gì mình làm nấy, toàn rượu xịn nhưng khi thì phải dốc cạn, khi lại chỉ được nhấp môi, đố dám “dô… dô” thỏa thích; nói cười cũng phải luôn tiết chế “volume” kẻo hứng lên lại vạ miệng. Mà mỗi lần mỗi khác, không rút kinh nghiệm được, chỉ giống có mỗi điều là trước khi đi tiệc chiêu đãi bao giờ cũng dặn vợ nhớ phần cơm nhà.
*
Từng là người lính chiến trận, thời đang đánh Mỹ ấy, tôi có giàu sức tưởng tượng đến đâu cũng không nghĩ là sau này mình lại ở cơ quan đại diện Việt Nam giữa thủ đô của họ cả nhiệm ký kéo dài 5 năm trời.
Nước Mỹ đến lạ, chẳng giống ai. Từ các tiêu chuẩn đo lường, ngắn dài, to nhỏ, nóng lạnh, cân đong đến cả cái cuộc khủng hoảng kính tế từ 2009, các nước thi nhau thắt lưng buộc bụng thì nước Mỹ lại cổ vũ cho dân tình hãy tiêu pha thật lực vào để tiêu thụ hàng hóa, kích cầu sản xuất. Xe ôtô đã dùng 5 năm người ta cũng khuyến khích đập bỏ đi. Cứ mỗi ô tô cũ mang đến hãng trả, người ta cho máy ép trước mặt chủ nhân thành tấm thép bẹp dí chỉ to như cái bàn rồi hỗ trợ tiền rất thỏa đáng để mua xe mới.
Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi chính là thủ đô Washington, D.C
Như chúng ta biết, thủ đô của nước Mỹ là Washington D.C thành lập ngày 16/07/1790 nhằm vinh danh vị Tổng thống đầu tiên là George Washington và người tìm ra châu Mỹ là Christopher ColumbusWashington D.C là viết tắt của từ District of Columbia, được hiểu là đặc khu Colombia. Washington D.C do một kiến trúc sư người Pháp, Piere Charles L’Enfant, thiết kế năm 1791, mang diện mạo giản đơn với kiến trúc cổ, phối cảnh rất hợp phong thủy qua các trục đối xứng và hồ nước ở giữa.
Điều bất ngờ của tôi là nước Mỹ to thế (9.833.520km²) mà thủ đô Washington, D.C bé tý, so với 50 tiểu bang thì diện tích bé nhất (184km²), dân số ít thứ hai (hơn 672 nghìn nười người năm 2015) nhưng tỷ lệ gốc Phi nhiều nhất nước này, khiến nó trở thành một tiểu bang có đa số dân thiểu số.
Là trung tâm, “đầu não” của nước Mỹ, Washington D.C tập trung rất nhiều công trình, tòa nhà chính trị, tổng thống như Nhà trắng, Lầu năm góc, Điện caption,… nhiều đài tưởng niệm và bảo tàng quốc gia, và còn là nơi có trụ sở và nơi làm việc của 173 đại sứ quán các nước, của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, và Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO)…  và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Thủ đô Washington D.C có những quy định nghiêm ngặt về xây dựng xanh. Điều 1 trong Hiến pháp Mỹ quy định, Thủ đô phải là hình vuông, mỗi cạnh 16km. Sau khi Tòa nhà Chung cư Cairo 12 tầng được xây dựng vào năm 1899, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật về chiều cao của nhà cao tầng vào năm 1910, trong đó tuyên bố không có tòa nhà nào được phép xây cao hơn Tòa Quốc hội Mỹ (88m) và chiều cao của tòa nhà tối đa bằng chiều ngang của con đường trước mặt cộng thêm khoảng 6m. Vì thế, những tòa nhà tại Washington D.C cao nhất khoảng 11-12 tầng. Chính vì vậy mà qua hai thế kỷ, thủ đô vẫn giữ kiến trúc ban đầu và chưa hề bị “phá vỡ quy hoạch” hay xây dựng xô bồ làm thay đổi cảnh quan, diện mạo. Hơn hai thế kỷ trôi qua, thủ đô này không loay hoay hết mở đường bên này, đền bù bên kia, vừa nhôm nhoam thành phố lại tốn tiền thuế của dân như nước mình.
Dù là ở trung tâm, ở khu phố cổ người ta không có cảm giác chật chội, ngột ngạt như ở thành thị một số nơi khác.Với diện tích chỉ bằng một quận của Hà Nội chúng ta (như quận Đông Anh: 182,14km²) nhưng sao ở đâu cũng thấy rợp bóng cây xanh. Chính vì vậy mà Washington D.C được phủ cây xanh tỷ lệ cao nhất nước Mỹ, 36%. Vậy nên năm 1994, thành phố này đã được chứng nhận Công trình xanh LEED của Hội đồng Công trình xanh Mỹ (USGBC), đóng góp cho sự phát triển theo hướng xanh hóa của thành phố. Chính ở trung tâm thành phố này, lần đầu tiên dự lễ kỷ niệm Quốc khánh nước Mỹ ngày 4/7/2009, tôi quá ngạc nhiên vì không thấy mít tinh hay duyệt binh như bên mình, mà chỉ diễu hành của các đoàn từ khắp các tiểu bang, các đảng phái, tổ chức chính trị xã hội tham gia. Vui, náo nhiệt và cực kỳ đa dạng, phong phú. Mỗi đoàn diễu hành có xe trang trí công phu, đẹp mắt chạy trước, đoàn người đi sau múa hát, kèn trống, hô khẩu hiệu, tung hoa… Vẫn biết Hoa Kỳ là nước tự do nhưng tôi cũng bất ngờ thấy một đoàn diễu hành mà đi đầu là chiếc xe mui trần chở hình nộm Tổng thống Barack Obama mới trúng cử rất cao to với những viết thương băng bó đầy mình và khuôn mặt đầy đâu khổ… Đúng là dân chủ Hoa Kỳ, kỳ… thật.
Kết quả hình ảnh cho đại lộ Connecticut
Đại lộ Connecticut - st trên internet
Đi trong thủ đô, ở đâu ta cũng như đi trong rừng cây, xanh mát vô cùng. Tôi thuê nhà ở đại lộ Connecticut là đại lộ lớn nhất Washington D.C, hồi đầu chưa quen có phen hết hồn vì hươu, nai cả bầy kéo đến chạy sùng sục, đùa nghịch với nhau ngay sau nhà. Cuộc sống với thiên nhiên thật hòa quyện… Nhưng đẹp nhất, ấn tượng với tôi nhất có lẽ là 
. Đó là một con đường nhỏ có chiều dài 32,6 dặm, chạy men theo nhánh sông chảy tự do của sông Potomac, đổ ra Đại Tây Dương qua Vịnh Chesapeake… Tôi chưa một lần đi hết con đường nhỏ và xuyên suốt mấy tiểu bang này, thường hay đi đoạn trong thủ đô Washington, D.C nhưng lần nào đi cũng đầy cảm xúc. Cứ như đi trong rừng già Trường Sơn năm xưa, khác chăng là cảnh thanh bình, đẹp và thơ mộng mê hồn chứ không phải bom đạn và rừng bị trọc lá vì chất độc hóa học của thời tôi đánh Mỹ. Con đường uốn lượn, lên dốc, xuống đèo dọc bên con suối đá treo veo, chỉ thỉnh thoảng mới có bãi đỗ xe hay một hội nào đó đang picnic, nướng babykiu. Đi dọc con đường này phải cảnh giác với đám thú rừng, nhất là hươu, nai, từng bầy, chúng dạn người, không sợ xe, xe phải sợ chúng, phải nhường đường, phải chờ đợi chúng đi qua mới được đi tiếp. Cũng vì cảnh quan này quá đẹp, nên các đoàn công tác của ta, có dịp chúng tôi hay đưa các vị tham quan. Ai cũng trầm trồ, ngạc nhiên, cũng có vị tiếc ngẩn tiếc ngơ vì thấy quá lãng phí, sao không chia lô để bán nền hay làm dự án gì đó có tuyệt không… Không hiểu vị khách nói vui hay thật, nhưng tôi dám chắc là rất ấn tượng…

Thỉnh thoảng cũng xẩy ra tai nạn do một con thú nào đó bất ngờ lao ra, xe không kịp tránh. Thú bị thương, người ta báo ngay cho cảnh sát hoặc cơ quan chức năng đến cứu để thả về rừng, hoặc nó chết cũng do bên bảo vệ môi trường chuyển đi, không có chuyện chở về làm món đặc sản. Ở đây, người ta bảo vệ thú như bảo vệ người. Những lần đi chơi golf ở sân Đông Patomat cạnh Nhà Trắng (nơi mấy anh em hay rủ nhau chơi vì vừa gần, vừa rẻ, chỉ 20-30$/người), thấy đủ loại chim thú hay ngắm nhìn các “gôn thủ”. Một lần có một con chồn lửa rất to và đẹp, bị đau chân nên đi cà nhắc theo chúng tôi. Thương tình, một anh bạn lấy quả trứng luộc trong khẩu phần ăn nhẹ giữa cuộc chơi cho nó. Con chồn lửa mừng lắm, nhưng nó chưa kịp ăn thì có chiếc xe của người quản lý chạy đến, phê bình chúng tôi đã “vi phạm công ước bảo vệ thú hoang”. Ớ người mấy giây chúng tôi mới xin lỗi và biện minh là vì thấy nó bị thương, sợ nó đói. Người quản lý cười bảo, đó là việc của nó, đừng làm gì ảnh hưởng đến bản năng sinh tồn của nó. Thế đấy! Tưởng làm phúc, nhưng thiếu hiểu biết cũng phạm luật. Thời gian sau, có lần chúng tôi gặp lại con chồn lửa nọ, nó đã lành chân và đang đùa với một đàn chồn lửa con đẹp như tranh vẽ.
Tôi thấy ở Mỹ, người ta làm các cột đèn dọc đường không phải bằng bê tông, cột thép mà toàn bằng những cây gỗ cao, thẳng rất đẹp. Nghĩ là người ta khai thác ngay các khu rừng xung quanh. Nhưng không phải, bởi tất cả cây gỗ bị đổ do già hoặc gió bão người ta cứ để tự nhiên, nếu sợ ảnh hưởng cảnh quan thì người ta cho máy xay nát như cám rồi phun ra xung quanh… Nhớ có lần anh bạn Việt kiều tên Thể của tôi tiếc hùi hụi khi nhìn bao nhiêu là cây gỗ to bị đổ nằm la liệt trong khu rừng quanh nhà sau cơn bão và quyết định xin chính quyền khai thác nguồn gỗ đó chuyển về Việt Nam để kinh doanh, lợi cả đôi đường. Chính quyền họ hoan nghênh, nhưng anh Thể chỉ làm được mấy chuyến thì đành bỏ vì, đường thì quá xa mà thị trường gỗ trong nước lúc đó đâu có mặn mà.
Thủ đô Washington D.C không sôi động như thành phố New York, nhưng lại là một thành phố du lịch nổi tiếng của Mỹ. Khách trong và ngoài nước Mỹ đến đây đông nhất là vào dịp “mùa thu vàng” và “mùa hoa anh đào”. Nước Mỹ không phải là xứ sở của hoa anh đào, nhưng từ hơn trăm năm trước, vẻ đẹp quyến rũ của hoa anh đào từ đất Nhật Bản đã hút hồn người Mỹ và họ tìm cách lấy giống đưa về thủ đô Washington D.C trồng. Người đầu tiên, theo nhà thơ Vũ Quần Phương, tìm qua thư tịch là bà bà Eliza Scidmore có dự án trồng hoa anh đào tại Washington, D.C từ năm 1885, rồi năm 1906 nhập về 100 cây trồng thử và năm 1909 mới trồng đại trà tại một vùng gồm 2000 cây, cho đến năm 1912 Nhật Bản tặng Mỹ hơn 3000 cây trồng khắp vùng trung tâm thủ đô, quanh vịnh Tidal và hai bên sông Patomat. Và bây giờ thì cả rừng hoa anh đào, không chỉ ở khắp Washington, D.C mà rất nhiều tiểu bang khác của nước Mỹ.

Cách trung tâm thành phó không xa, có làng Kenwood, nơi có hàng ngàn cây anh đào cổ thụ hơn trăm tuổi. Làng này, nhà cửa xen trong những hàng anh đào to mấy người ôm, trông thật nên thơ, lãng mạn. Người ta bảo rằng, làng  Kenwood này mới thực sự là thủ phủ cổ xưa của hoa anh đào, nơi được Nhật tặng Mỹ hàng ngàn cây về trồng từ hơn trăm năm trước.
Ở Mỹ người ta có một tổ chức Hội hoa anh đào, từ hàng tháng trước đã dự báo ngày hoa nở để du khách khắp mọi nơi về thủ đô dự lễ và tham quan. Festival anh đào ở thủ đô nước Mỹ diễn ra từ 26/3 đến 10/4 hàng năm. Năm nào hội cũng kéo dài 2 tuần nhưng thời điểm bắt đầu thì mỗi năm một khác, tùy thuộc vào ngày hoa nở. Cũng có năm dự báo sai, nên dân tình đổ về hoa vẫn chưa nở hoặc đã sắp tàn. Bởi muốn về dự lễ phải có nơi ở mà khách sạn, nhà nghỉ đã cháy vé từ nhiều tuần trước, nên dù “lỡ hẹn” cũng không thay đổi được. Vào những dịp này, cả thủ đô Washington D.C ngập trong sắc hoa anh đào. Hoa ngập trong nắng, nhuộm đỏ bóng vịnh Tidal và dòng Patomac trong cảnh “cánh hoa soi xen lẫn cánh hoa trôi”, pha hồng cả gió và rắc phủ kín những con đường… Hàng triệu du khắp dồn về cùng ngắm hoa và thưởng thức bao sự kiện khác được tổ chức để phục vụ du khách như đua thuyền, ca nhạc…
*
Ở Mỹ nói chung, Washington D.C nói riêng, có thú vui từ lâu đời là mua hàng giảm giá và hàng chuyển nhà. Nhưng lạ nhất là việc chuyển nhà của các gia đình  người Mỹ. Bán tuốt tuồn tuột, chỉ xách đi mỗi va ly đến nhà mới. Nhiều gia đình khi rời ngôi nhà, hoặc biệt thự cũ đã qua nhiều thế hệ, có khi cả mấy trăm năm, nhưng đến khi chuyển họ cũng bán tất, chẳng một chút luyến tiếc các kỷ vật hay những đồ lưu giữ từ cha ông để lại. Thường thì họ thuê một công ty mua bán nào đó đứng ra bao thầu rồi tùy định giá để bán. Cũng có khi gia đình tự bán từ A đến Z. Trừ mùa đông lạnh giá, họ ít chuyển nhà, còn các mùa khác, họ sẽ thông báo trên mạng hoặc dùng biển chỉ dẫn từ mấy hôm trước và bán vào hai ngày cuối tuần, ngày đầu bán nguyên giá, ngày Chủ nhật bao giờ cũng giám từ 25% đến 50%. Trong thời gian công tác tại Mỹ, tôi đã nhiều lần đưa bạn bè trong nước sang đi vãn cảnh thú vị này. Đi mua hàng Estecsew bạn bè tôi rất khoái vì được tự do vào tận cùng ngóc ngách cuộc sống sinh hoạt các gia đình người Mỹ. Thoải mái đi tất cả các phòng, xem các đồ vật sinh hoạt của họ, rồi thích món nào thì mua làm kỷ niệm, mà giá cũng rất phải chăng. Cái lớn như đồ nội thất, đồng hồ cổ, máy hát cổ, tượng cổ, tranh cổ… thì chịu khó chờ ngày hôm sau, hạ giá 50% mua cho đỡ tiền, nhưng mà cũng hú họa vì có thể hôm sau người ta đã mua mất. Tôi thích nhất là những đồ vật gia đình họ sưu tầm như các bộ tem qua nhiều thập kỷ, những bộ bật lửa đủ kiểu, tẩu hút thuốc, gươm giáo, súng ống, huân huy chương, đồ trang sức… Tiếc là không phải cái nào mình cũng mua được, dẫu giá thường rất rẻ, nhiều khi rẻ bất ngờ. Giả dụ như tôi mua một tập sưu tầm tem cổ, chỉ có mấy chục đôla. Hay mua bộ sưu tập đèn dầu, tẩu hút thuốc qua nhiều thế hệ…
Cùng với việc estecsew, dân Mỹ còn hay bán eysew, từng gia đình hoặc mấy gia đình chung nhau bán, cũng vào những ngày cuối tuần. Họ bán đủ loại, bày trong nhà hoặc một nới công cộng. Tha hồ khách ngắm nghía, chọn mua, cũng rẻ lắm. Có mua những thứ này mới thấy người Mỹ rất cẩn thận, hàng hóa nào cũng có giấy tờ, phụ kiện, nhiều thứ qua hàng thập kỷ mà vẫn thấy mới tinh. Hỏi chuyện, nhiều khi người ta buồn, tổ chức bán cho vui chứ thực ra tiền thu về chẳng là bao, không bõ công quảng cáo và bày bán. Có lần, vợ chồng tôi đi một nơi rất xa, vào nhà eysew có hai vợ chồng già, họ bày bán như chơi đồ hàng, toàn những thứ xinh xinh. Ngắm mãi, chẳng thấy thứ nào cần, nhưng vãn mua mọt con sóc con. Tưởng là búp bê, nhưng hai ông bà vui, rối rít giới thiệu cách sử dụng để tách hạt giẻ rất tuyệt, vậy mà cũng chỉ 1 đôla… Vui nhất là đi mua eysew của các cháu. Vào ngày nghỉ, các cháu cũng góp nhau đồ dùng lại, từ búp bê, giầy dép, quần áo, sách vở, đồ chơi cũ lại rồi cũng lên mạng quảng cáo, chưa đủ, còn giăng giấy dẫn khách suốt đoạn dài, làm nhiều người tưởng khu này chắc lớn lắm. Nhưng đến nới thấy toàn các cháu sinh phổ thông. Các cháu chào mời rất vui, giới thiệu cũng rất giỏi, từ con búp bê, đồ dùng, mà giá cũng chỉ một vài đôla. Ai đến đấy, dù mua chẳng để làm gì cũng không nỡ về tay không, phải mua chứ, dẫu con búp bê, đôi giày nhỏ hay thứ gì đó. Các cháu bán để từ thiện, để giúp một kế hoạch gì đó.
Còn đồ cổ của xứ này thì cả một thế giới, mua bán tự do từ những cái đèn dầu thời chưa có điện, chân nến, chai lọ, gươm đao, tranh ảnh… cho đến những bức tượng đồng quý hiến, bàn ghế từ xưa, đầu tàu hỏa thời mới ra đời và nhiều nhất là đồng hồ, có cái to phải dùng xe tải chở, cái bé xíu… Mà có phải từ Mỹ cả đâu, mà hầu như là từ khắp các châu lục hội tụ về…
(Kỳ 2: Phải có bảo hiểm xe, còn người… thì không)
Nguồn Văn nghệ số 50/2018

25/12/2018

Chồng - Vợ


Chồng là …
1.           Là người khi ôm bạn sẽ làm bạn cảm thấy thật ấm áp, nói dông dài khiến bạn thấy rất phiền, khi ở bên cạnh thì chán ghét, nhưng khi không nhìn thấy thì bạn lại rất nhớ.
2.           Khi bạn ăn được một nửa lại không muốn ăn tiếp, anh ấy sẽ nói lãng phí, rồi giúp bạn ăn nốt chúng.
3.           Bạn đặt bàn chân lạnh lên bụng anh, dù rất lạnh nhưng anh sẽ không hất chân bạn ra.
4.           Người cùng đi mua sắm với bạn, xách đồ và còn phải dắt tay bạn.
5.           Khi bạn ốm, anh ấy còn mệt hơn bạn.
6.           Là người làm chuyện sai rồi tranh cãi ầm ĩ với bạn, nhưng sau đó vẫn có thể vác mặt dày chạy tới nắm tay bạn.
7.           Là người thích nhất nhìn bạn cười vui vẻ, rồi cười ngây ngô với bạn.
8.           Là người lóng ngóng khi nhận điện thoại của bạn, và rồi cũng là người có thể buộc bạn rời khỏi “dế cưng” của mình.
9.           Là người sợ nhìn thấy bạn khóc nhất, chỉ cần nghe tiếng khóc của bạn thì anh ta có thể sẽ không quản đường xa mà chạy nhanh đến bên bạn.
10.     Là người âm thầm làm rất nhiều chuyện tốt vì bạn, còn không kể công.
11.     Là người tranh giành điều khiển tivi với bạn, cuối cùng lại chịu ngồi cùng bạn xem mấy thứ mà anh cho là “vớ vẩn”.
12.     Khi bạn đến ngày “đèn đỏ”, người đó phát hiện bạn ăn vụng kem đậu đỏ, lập tức phát cáu mà la mắng bạn.
13.     Là người để bạn gối đầu lên tay họ, dựa vào bờ vai họ.
14.     Là người đặt biệt danh cho bạn rồi xếp bạn vào nhóm chỉ có duy nhất một người trong danh bạ điện thoại.
15.     Là người khóc vì bạn, cười vì bạn, làm tổn thương tấm lòng của người khác vì bạn.
16.     Là người vì có bạn mới tin tưởng trên đời thật sự có thiên trường địa cửu, để có thể thề non hẹn biển.

Vợ là . . .
1.           Là “người phụ nữ ngốc nghếch” vì tiết kiệm tiền giúp bạn mua một món quà vừa ý, lại nói rằng mình đang ăn kiêng.
2.           Là người toàn tâm toàn ý nghĩ muốn sống với bạn bình lặng đến già.
3.           Chính là “người phụ nữ keo kiệt” không cho phép bạn nhìn cô gái khác, xách đồ giúp hay khen ngợi họ.
4.           Chính là “người phụ nữ mê trai” giữ gìn từng lời nhắn ngọt ngào mà bạn gửi cho cô ấy, thường xuyên cười khúc khích khi xem lại chúng.
5.           Chính là “người phụ nữ đáng yêu” lúc nào cũng nói muốn “làm thịt” bạn một trận, nhưng khi bạn mời nàng đi ăn thì nàng lại nói không đói bụng.
6.           Là “người phụ nữ đáng thương” nếu không có bạn bên cạnh, cô ấy sẽ vô cùng nhớ bạn, mỗi ngày nhìn điện thoại chờ bạn nhắn tin hoặc gọi đến.
7.           Chính là “người phụ nữ đáng ghét” ngay lúc bạn đang chơi game, hay đã ngủ rồi, lại gọi điện hoặc gửi tin nhắn nói “em nhớ anh”.
8.           Là “người phụ nữ ngu ngốc” chỉ cần có bạn đứng sau cổ vũ ủng hộ, liền dám tiến về phía trước mà không hề sợ hãi.
9.           Là “người phụ nữ đanh đá” mỗi lần nghe thấy ai nói bạn không tốt điểm nào, liền đứng lên tranh luận đến cùng bảo vệ “hình tượng” của bạn.
10.     Chính là “người phụ nữ nhỏ nhắn” rất kiên cường, rất có lòng tự trọng, nhưng trước mặt bạn lại rất tùy hứng xấu tính.
11.     Chính là “người phụ nữ bá đạo” chỉ cho bạn nghĩ đến cô ấy, mà không được phép nhớ đến những phụ nữ khác.
12.     Chính là người phụ nữ khiến bạn hiểu được trách nhiệm gánh vác gia đình, chỉ cần để người nhà hạnh phúc, dù vất vả đến đâu thì bạn cũng thấy đáng giá.
13.     Chính là người phụ nữ mỗi khi bạn nhàn rỗi, đều mong có nàng làm bạn.
14.     Chính là người phụ nữ khiến bạn khẩn trương khi cố ấy sinh bệnh, chỉ cần thấy cô ấy ăn nhiều một chút là bạn đã thoải mái cười lớn.
15.     Chính là người phụ nữ khiến bạn sẵn lòng bung dù che mây đen trên đầu cô ấy.


24/12/2018

Làng ơi



Tuỳ bút của Trần Mạnh Hảo

Ngót năm mươi năm trước, tạm biệt làng quê yêu dấu, tôi đi về phía dãy Trường Sơn khói lửa mà mắt rưng rưng thầm hẹn nếu sống qua cuộc chiến tranh, nhất định về làng sinh sống. Làng chính là thiên đường của tuổi thơ tôi. Lớn lên, đi xa, từ chân trời góc biển ngoảnh lại phía mù tăm phương trời đất Bắc, mắt tôi dõi tìm thiên đường đã qua mà tiếc nuối tuổi thơ biết chừng nào.
Giờ đây, tóc đã hoa râm, giữa Sài Gòn ồn ào phố xá, bụi bặm khói xe, tâm hồn tôi khác nào con nghé ọ, đêm đêm phóng về phía làng tìm trâu mẹ, tìm cỏ non tơ, tìm bầy sáo sậu hót mê hồn còn làm thêm nghề bắt rận cho trâu, cho nghé…Làng ơi, tôi gọi thầm mái rạ vàng nâu chuyển dần màu tro bếp, như một vầng mây xám che đầu tuổi thơ.
Chợt thương cây lúa khi xanh non đứng chôn chân giữa đồng hoài thai hạt thóc. Khi mùa gặt, thóc vào cót, vào bồ, rơm dồn lại đùn lên thành cây nuôi trâu bò cả năm, còn thân rạ đắp lên mái nhà che mưa nắng, dư thì chất đống để dành nhóm bếp, thổi cơm. Làng ơi, tôi thầm gọi bờ tre ken dày như trường thành mấy nghìn năm bảo vệ hồn nước, giữ gìn một câu ca dao, một giọng hát ru, một làn chèo, điệu lý, câu quan họ, xẩm xoan, giữ gìn tiếng Việt truyền qua dòng sữa mẹ đời đời lấy tâm thức Nôm dân tộc mà tách dần tâm thức Hán ngoại lai.
Những hàng tre kẽo kà kẽo kẹt nhịp võng đưa trưa hè không phân biệt được đâu là cánh cò đâu là chấm nắng. Ra giêng, mưa phùn dắt tôi đi bộ qua làng, để lại sau dấu chân trần bé như lá mít vầng vầng cỏ nõn trắng ngời ngời giá đỗ.
Làng ơi, những con đường trốn tìm dung dăng bươm bướm, nghe chuồn chuồn bay thấp kéo cơn mưa. Những cơn mưa tháng bảy tuôn nước mắt vợ chồng Ngâu làm cá rô xót mắt róc lên bờ, ngúc ngắc trên đường làng xui trẻ con ra bắt. Làng ơi, tôi gọi mùa thu gió heo may màu chim ngói, tiếng sáo diều mài vẹt vệt trăng non. Gió heo may rải đồng, rải hồn tôi ra khắp bờ mương, bụi lúa, rải niềm u uẩn khôn khuây khóm trúc đến tay các cụ già bước đi lá rụng. Cuối thu, cây bàng tự đốt mình thành đuốc dẫn mùa đông về moi hết len dạ đổ ra đường, đánh thức cả chăn bông cùng váy đụp dậy giúp người đi qua gió bấc.

Xa làng đi hết dãy Trường Sơn, đi hết những cánh rừng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đi qua hàng trăm ngôi làng xinh đẹp, nhưng sao lòng vẫn quặn thắt nhớ làng quê nơi mẹ sinh ra tôi. Làng tôi cũng giống như nhiều làng quê đồng bắng Bắc Bộ, cũng con sông nhỏ cuốn quanh làng, những đường tre che lọng lá trưa hè trâu nằm nhai gió, cũng hai bờ cỏ chạy song song đường làng rồng rắn, cũng bìm bịp hú nước lên, cũng bầy sẻ chí chách ngoài đống rơm nấm mối…mà sao có cái gì rất riêng, rất gợi, rất hồn vía cuốn quýt, chợt nghĩ đến đã gai người, đã rưng rưng xúc động ?
Tháng ba, hoa gạo bừng mắt thả lửa xuống ngõ xóm, tôi chạy ra đường men các bờ tre nhặt rau má, soi qua các bờ cỏ lượm rau sam, mót rau dền dại, sững người nghe một tiếng cá quẫy dai dẳng, quằn quại, tuồng như là cá chép vật vã đẻ bên góc ao, hay ngoài mương nước ?
Làng ơi, tôi thầm gọi tên con cún con cho đỡ nhớ nhà, dù vừa mới đi xa cách chừng vài ba trăm mét ngoài ngõ xóm.

Ấy là tuổi thơ xưa cái gì gắn với làng cũng da diết nhớ thương, dù ngay cả cái đói và rét. Giờ đây, ở Sài Gòn, đến rét thời tiết cũng không cho thì tôi còn nỗi gì để đỡ nhớ làng, nhớ cơn gió bấc đập phành phạch ngoài cửa đòi hơi ấm gia đình, xin một chút xum họp cho vợi nỗi cô đơn.
Tuổi càng lớn, càng ngoảnh lại tuổi thơ, ngoảnh lại tìm kiếm làng quê nơi mình vịn chân giường, vịn tay cha mẹ tập đi, vịn hàng râm bụt tập đứng lên dần làm người lớn. Tuổi thơ ơi, làng ơi, bướm vàng hoa gạo ơi, tất cả đã lùi vào xa ngái, như có vạt mưa bụi mờ sương che phía chân trời ký ức. Tóc càng bạc con người ta càng khát khao về làng, về cội, để được qua cõi trăm năm cùng cha mẹ, ông bà mà hoá đất quê hương.
Từ bàn tay cha mẹ đi ra với xóm, với làng, đi mãi hết làng thì đến nước, đi mãi hết nước lại khao khát quay về sống với làng. Đó chính vòng sống của con người có gốc gác, nguồn cội, nên tôi càng thấm thía câu tục ngữ :” cóc chết ba năm quay đầu về núi”. Tôi quay đầu giấc mơ, quay đầu trái tim về phía có làng quê yêu dấu mà tiếc nuối thiên đường tuổi thơ chừng đã mất ? Tôi chợt tiếc số phận chỉ dành cho mình lối đi mà không để ngỏ một lối quay về. Cái gì con người khao khát, ước vọng thì dùng nỗi nhớ, niềm thương để bù đắp. Tôi càng gọi “Làng ơi” thì quê mẹ càng xa thẳm, càng khuất nẻo chân trời.
Bạn trẻ ơi, bạn đang hạnh phúc hơn tôi vì bạn đang còn được sống trong làng, được chan hòa tâm hồn mình vào thiên nhiên như mực hòa vào nước mà thành chữ viết. Có thể bạn sẽ lặp lại lối mòn của lớp chúng tôi khi lớn lên phải xa làng để đến những làng khác, phố khác, rồi đăm đắm nhớ thương suốt đời quay về nơi chôn nhau cắt rốn mà tìm kiếm chính tâm hồn mình. Cũng có thể các bạn bay xa rồi lại được hạnh phúc quay về làng, được sống chết với quê hương . Lại nhớ nhà thơ Tú Xương cuối thế kỷ thứ 19 (hoặc đầu thế kỷ 20) từng than vì chuyện làng hoá phố :” Ai đã xoay ra phố cả làng “. Phố, nói cho cùng là một hình thức khác của làng, một thứ làng không có làng. Nhưng trong tâm thức của người Việt chúng ta, con người phải gắn làng với nước.
Một số bạn bè tôi tuổi U 70 đang có xu hướng tìm về những làng ngoại ô cư trú. Làng ơi, giữ lại vầng trăng, giữ lại thời hoa bướm, giữ lại một phần tâm hồn tôi ở phía cội nguồn, để tôi còn có nơi nhớ thương; cũng như tôi vẫn còn có mẹ dù mẹ đã nằm trên cánh đồng làng để con nhớ mình bao giờ cũng chỉ là đứa con bé nhỏ của mẹ -quê -hương.,.


19/12/2018

Chuyện Gia đình


1. Tản bộ
Con gái kết hôn mà không được sự đồng ý của cha, sau đó lại ly hôn. Hai cha con vì vậy mà không nhìn mặt nhau.
Con gái nghèo khó chật vật nuôi một đứa con nhỏ. Mẹ thương con gái, khuyên con nhân lúc cha đi bộ thì dắt cháu đến nhà ăn bữa cơm. Vậy là con gái nhân lúc cha đi vắng, thường xuyên dẫn con về nhà mẹ ăn cơm.
Cho đến một hôm trời mưa, hai cha con vô tình gặp nhau ở trong sân. Tránh cũng không được, người cha bối rối nói: “Lần sau về nhà ăn cơm không cần phải lén lén lút lút nữa, hại cha mưa to cũng phải đi ra ngoài!”.
Cha lúc nào cũng âm thầm yêu thương con, cho dù con làm sai điều gì, cha đều tha thứ vô điều kiện.
2. Chân tường
Có một anh chàng lúc học phổ thông suốt ngày chìm đắm trong Internet, nửa đêm thường vượt tường trốn ra khỏi trường để lên mạng.
Một hôm như thường lệ anh ta lại trèo tường ra ngoài, nhưng mới trèo được một nửa thì vội vã rút chân lại, sắc mặt rất kì lạ, không nói không rằng. Về sau anh ta chăm chỉ học hành, không lên mạng nữa, các bạn học còn tưởng rằng hôm đó anh ta gặp ma.
Sau này anh thi đỗ vào một trường nổi tiếng, nhân dịp này bạn bè mới hỏi chuyện trước kia, anh ta trầm ngâm hồi lâu rồi mới nói: “Hôm đó cha tôi đến đưa tiền sinh hoạt, nhưng không nỡ ở khách sạn, nên ngồi ở chân tường cả một đêm”.
Có tình thân, chúng ta sẽ có động lực để cố gắng tiến lên phía trước. Tất cả những gì chúng ta làm, đều là vì thân nhân của mình, hi vọng tất cả những đứa con đều thấu hiểu được sự vất vả của cha mẹ.
3. Nhuộm tóc
Hôm nay thấy cha tự nhuộm ở nhà. Tôi liền hỏi: “Cha, cha sắp 60 tuổi rồi còn nhuộm tóc làm gì? Hay là vẫn muốn thử vận đào hoa?”
Cha nói: “Lần nào trước khi về quê cha đều nhuộm tóc đen, như vậy bà của con thấy sẽ nghĩ rằng cha còn trẻ, và bà vẫn chưa già”.
Quan tâm con cái, chăm sóc cháu chắt là lẽ đương nhiên, nhưng cũng đừng quên những người cha mẹ già của chúng ta.
4. Bắt kịp
Trong họ có một tiền bối cùng thế hệ với ông nội, đã 70 mấy tuổi rồi, vậy mà lại cùng một đứa trẻ khoảng năm sáu tuổi ngồi chơi bắn bi trên mặt đất, lại còn hò hét ầm ĩ.
Kết quả là đến tai bà cụ, cụ mang cả nạng ra định đánh ông, ông vùng dậy té chạy. Cuối cùng cũng bị cụ bắt kịp, ngoan ngoãn khép nép chịu đòn.
Sau đó ông mới cười nói: “Nếu không phải sợ mẹ ông bị ngã, thì còn lâu bà ấy mới bắt kịp ông được nhé…”
Cho dù là bao nhiêu tuổi, mẹ luôn là sự hiện diện ấm áp nhất, là người đáng để chúng ta dùng cả đời để chăm sóc.
5. Kungfu
Cha: “Con trai, con thấy cha khoẻ không?”
Con: “Khoẻ”
Cha: “Con thấy Kungfu Thiếu Lâm lợi hại không?”
Con trai: “Rất lợi hại”
Cha: “Nếu như cha cạo đầu, luyện Kungfu Thiếu Lâm có được không?”
Con trai vỗ tay: “Rất tốt ạ!”
Ngày thứ hai, con trai thấy cha cạo trọc đầu, vui vẻ nói: “Cha cố lên, nhất định sẽ luyện thành cao thủ”.
Hôm đó, là trước khi cha hoá trị một ngày…
Có nhiều khi, đằng sau một câu chuyện cười là một lời nói dối vô hại, chúng ta không nên chỉ nhìn bề ngoài, mà phải nhìn vào bản chất của sự việc.
Không biết sau khi xem xong năm câu chuyện nhỏ này, liệu có khiến trái tim các bạn đọc rung động? Thực ra, tất cả cha mẹ trên thế gian đều giống nhau, hi sinh vì con vô điều kiện!
Hãy nhớ đối xử thật tốt với cha mẹ của mình, giống như giờ khắc này họ luôn nghĩ cho chúng ta vậy, là con cái cũng phải đặt mình vào vị trí của cha mẹ để cảm thông chia sẻ với họ.