Hiển thị các bài đăng có nhãn Nếp xưa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nếp xưa. Hiển thị tất cả bài đăng

07/02/2025

Phương tiện di chuyển của vua, quan ... thời Nguyễn

 Bài đăng từ saigonxua


Bắt đầu từ triều Nguyễn (1802-1945) vua chúa mỗi lần xuất cung đều dùng kiệu để đi lại. Sách Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ, do Nội các triều Nguyễn biên soạn, đã dành hẳn chương Nghi vệ (quyển 79) để miêu tả các loại kiệu dùng cho vua quan triều Nguyễn, với những quy định rất cụ thể về tên gọi, số lượng kiệu cùng các nghi trượng đi kèm, tùy thuộc vào thời thế, địa vị và thứ bậc của người sử dụng.

Dưới triều vua Gia Long (1802 – 1820), xe kiệu của vua có 4 chiếc, gồm 1 chiếc Ngọc lộ, 1 chiếc Kim lộ và 2 chiếc Kim bảo dư. Sang triều Minh Mạng (1820 – 1841), vua có 5 chiếc, được đặt tên là Cách lộ, Kim lộ, Ngọc lộ, Tượng lộ và Mộc lộ. Tùy mục đích chuyến đi, nhà vua quyết định dùng loại “xe” nào.

Kiệu Vua Duy Tân  

Kiệu vua Duy Tân

Sách cũng cho biết khi vua đi chơi thì không thực hiện đầy đủ nghi thức như khi vua đi cúng tế ở các đàn miếu. Lúc này nhà vua chỉ sử dụng 1 chiếc lọng vàng thêu hình rồng để che mưa nắng, có đội quân tiền đạo và hậu hổ đi theo hộ tống. Dưới triều Minh Mạng, nhà vua quy định: ngự giá đi trong phạm vi Hoàng Thành thì phải giảm bớt một nửa số cờ quạt và không cần voi ngựa hộ tống để tránh… “kẹt đường”.

Kiệu của hoàng thái hậu, gọi là Từ giá, cũng hoành tráng không kém, gồm 1 Phượng dư và 1 Phượng liễn. Lỗ bộ tháp tùng Từ giá có 2 lá cờ rồng, 2 lá cờ phượng, 2 lá cờ thanh đạo, 8 lá cờ phướn, 2 quạt thêu hình rồng phượng màu vàng, 4 quạt thêu hình rồng phượng màu đỏ, 4 quạt thêu hình loan phượng màu xanh và thêm 20 thứ binh khí hộ vệ.

Kiệu của thái tử chỉ có 1 chiếc, gọi là xe Bộ liễn. Lỗ bộ tháp tùng xe này chỉ có 1 cờ lệnh, 2 cờ xanh, 2 cờ đỏ, 2 cờ vàng, 2 cờ trắng, 2 cờ đen, 8 lá cờ phướn, 1 chiếc tán hình tròn thêu hình 7 con rồng, 4 chiếc tán hình vuông, 4 chiếc 

Cựu hoàng Hàm Nghi trên chiếc xe ngựa với ý trung nhân, Bà Laloe  

Cựu hoàng Hàm Nghi trên chiếc xe ngựa với ý trung nhân, Bà Laloe

Sang triều Khải Định (1916-1925), nhà vua được người Pháp tặng cho một chiếc xe hơi nhân lễ Tứ tuần Đại khánh (mừng thọ vua 40 tuổi). Từ đó, ngoài việc dùng ngự giá truyền thống trong các dịp tế lễ, đôi khi vua Khải Định còn dùng xe hơi để du ngoạn hay đi săn bắn ở bên ngoài Hoàng Thành.

Trước đó, triều đình có cho dựng ở phía trước Ngọ Môn 2 tấm bia đá, trên bia có ghi 4 chữ Hán: Khuynh cái hạ mã, nghĩa là khi đi ngang qua đây thì mọi người phải nghiêng lọng và xuống ngựa. Kể từ khi vua Khải Định dùng xe hơi, thì 2 tấm bia này không còn thích hợp nữa. Vì thế, triều đình đã cho nhổ 2 tấm bia này đưa vào cất giữ trong kho của Bảo tàng Khải Định (nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế).

Đây cũng là nơi đang trưng bày chiếc kiệu sơn son thếp vàng của vua Bảo Đại, dùng để đi lại trong phạm vi Hoàng Thành Huế. Ngoài ra, trong kho của Bảo tàng này đang lưu giữ chiếc kiệu mà vua Bảo Đại đã từng dùng khi đi tế Nam Giao vào năm 1935.

Sang đến thời kỳ Pháp thuộc, kiệu vẫn được sử dụng nhưng đối tượng dùng kiệu được mở rộng. Vào thời này, kiệu còn dành cho các quan thuộc địa người Pháp cùng gia đình và những chức sắc người bản xứ trong việc đi kinh lý hoặc ngoạn cảnh. Trong những bức hình du ngoạn bãi biển Đồ Sơn dưới đây, người khiêng kiệu đều là phụ nữ bản xứ, họ gánh kiệu trên 2 thanh gỗ ngang và kiệu được đặt trên 2 thanh dọc dài hơn.

Kiệu dành cho gia đình quan chức người bản xứ  

Kiệu dành cho gia đình quan chức người bản xứ

Vào thời phong kiến, quan lại triều Nguyễn không được phép dùng kiệu mà chỉ ngồi võng có mui che, được khiêng bởi 4 người lính. Đòn ngang của võng sơn son thếp vàng, khắc hình con giao long, đòn dọc của võng khắc hình con thú ứng với phẩm trật của vị quan ngồi trên võng.

Võng bằng lụa màu hồng. Mui che võng được quang dầu màu xanh để che mưa nắng. Quan lại trên hàng nhất phẩm thì có 4 người lính vác 4 chiếc lọng theo hầu, quan nhất phẩm chỉ có 3 lọng, quan nhị phẩm chỉ có 2 lọng và quan từ tam phẩm xuống đến cửu phẩm chỉ có 1 người vác lọng theo hầu.

Võng được dùng để phục vụ các quan lại trong triều

 
                                Võng được dùng để phục vụ các quan lại trong triều


Ngoài ra, những tân khoa thi đỗ đều được dùng võng để về làng “Vinh quy, Bái tổ”. Trong ca dao xưa có câu “Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau” để mô tả sự vinh quang của người học trò thành đạt.

Tin người đỗ đạt được đưa về làng, hương chức, dân làng họp ở đình, cắt cử người ra gập Tân khoa để ấn định ngày vinh quy, rước về nguyên quán. Thường thì đỗ Tú tài chỉ làng xã rước, đỗ Cử nhân hàng huyện phải rước, đỗ Tiến sĩ thì hương lý, trai tráng hàng tổng đem đủ nghi lễ, cờ quạt đón từ tỉnh rước về làng. Tuy nhiên, những người trong họ quan Tân khoa được miễn làm phu phen đi rước.

Kiệu dành cho người Pháp du lịch bãi biển Đồ Sơn

Kiệu dành cho… “Ông Tây, Bà Đầm”

 

Phụ nữ bản xứ vát kiệu bà tây

 Kiệu dành cho… “Ông Tây, Bà Đầm”

Ở đây không đề cập đến các phương tiện di chuyển khác như xe, voi, ngựa... cùng tồn tại trong thời kỳ này.  

 

03/02/2025

Tết ở Thăng Long qua các cuốn sách xưa

 Dựa trên nhiều nguồn tài liệu.

ảnh st từ trang Tường Nhung, ái nữ nhà văn Thạch Lam

 

Các phố “hàng” quanh 36 phố phường Thăng long xưa phần lớn là nơi người từ bốn trấn về mở cửa hiệu, buôn bán. Từ trước thời hậu Lê,  những gia đình quan lại, quý tộc đã xây phủ, dựng nhà ở những vùng quanh kinh thành, như phường Bích Câu, Liễu Giai, hay Giảng Võ...

Nguyễn Trãi đã nói đến một khu vực chợ lớn ở Thăng Long trong cuốn Dư địa chí, vì thế tên Kẻ Chợ đã xuất hiện từ trước thế kỷ XV. Nhà văn Tô Hoài từng viết, Hà Nội xưa vốn là nơi hội tụ của người tứ xứ, họ đem những sản vật đặc sắc của địa phương đến bán cho triều đình và cư dân kinh thành, đem những nghề thủ công về kinh thành để sản xuất, buôn bán.

 Ngày Tết, nhà vua thường ban thưởng tiền, lụa, và những sản vật quý giá cho quần thần. Các quan lại, nhà buôn cũng chuẩn bị tiền, quà để mừng tuổi, làm quà Tết cho gia nhân. Vì thế, ngày Tết, đất Kẻ Chợ càng thêm nhộn nhịp, rộn ràng.

Thời Lê Trung hưng, quyền hành thuộc về phủ chúa Trịnh. Ngày Tết Nguyên đán, trăm quan phải theo chúa vào cung chúc thọ, rồi tham dự các lễ ở phủ chúa. Họ phải thường xuyên có mặt ở kinh thành suốt những ngày Tết, chỉ vợ con mới có thể lo toan việc nhà hoặc về quê thực hiện nghĩa vụ với tổ tiên, cha mẹ, họ hàng.

Phần lớn dân chúng lên kinh đô lập nghiệp đều có nhà ở quê. Ở các phố “hàng”, nhà cửa chủ yếu dành cho việc buôn bán. Ngày Tết, từ chủ nhà đến người làm, ai nấy đều trở về quê sum họp cùng gia đình.

Việc chuẩn bị đón Tết của người Thăng Long xưa hiện chỉ còn thấy trong một số sách viết về thời thuộc Pháp. Trước đó, ghi chép không nhiều. Chúng ta chỉ thấy lác đác vài đoạn, như danh sĩ Phạm Đình Hổ tả về cảnh uống rượu Tết của người Thăng Long trong “Vũ trung tùy bút”: “Trong ba ngày Tết, dù là bữa tất niên hay sáng mùng Một, người Thăng Long chỉ dùng chén nhỏ, uống cho hồng hào khuôn mặt và để câu chuyện thêm rôm rả”.

Cũng không có sách nào ghi chính xác các loại rượu mà người Thăng Long xưa thường uống, chỉ biết có rượu cúc, rượu Mai Quế Lộ, rượu nếp cẩm hạ thổ. Ngoài rượu, trà cũng là thứ không thể thiếu. Các gia đình thường mua trữ sẵn trà mạn, trà ướp sen, hay các loại chè Ô Long, Liên Tâm, Thiết Quan Âm do thương gia Hoa kiều nhập về.

Qua những tác phẩm văn học, chúng ta có thể hình dung ra những công việc sửa soạn và mua sắm của cư dân kinh thành Thăng Long trước mỗi dịp Tết. Đầu tiên, mỗi gia đình sẽ dọn dẹp bàn thờ để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Thăng Long là kinh đô, là nơi thể hiện bộ mặt của các gia đình, dòng họ, nên ở các phố cổ, nhà nào cũng dành gian trang trọng nhất để làm nơi thờ phụng tổ tiên. Các gia đình trang trí ban thờ cũng rất công phu, từ hoành phi, câu đối, rồi tam sự, ngũ sự bằng đồng, cho đến ngai thờ, bài vị, bình hoa, hương nến…

Việc sửa soạn đón Tết ở một gia đình khá giả tại thành Thăng Long năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785), được miêu tả khá kỹ trong cuốn “Chuyện cũ bên dòng sông Tô” của tác giả Nguyễn Công Chí, biệt hiệu Viên Mai: “Sau tết ông Táo, ban thờ đã được bao sái (lau dọn), toàn bộ nhà thờ cũng được quét dọn sạch bong. Đồ sơn được lau chùi, đồ đồng được đánh bóng, nghi môn, quần màn được trưng lên, chiếu hoa, thảm màu được trải xuống, đèn treo, thể kết đã sẵn sàng. Khi công việc dọn dẹp, trang trí xong xuôi, các cánh cửa bức bàn lại đóng kín, chờ đến ngày đón Ông Vải về ăn Tết mới được mở ra”.

Cả trước Tết, người Thăng Long đã tranh thủ vỗ béo lợn, gà và tích lũy các món khô như măng, nấm hương, miến mọc, tôm he, bóng bì… Sát Tết, các làng ngoại thành thì thi nhau tát ao, bắt cá chép, cá trắm to bán cho các gia đình hàng phố làm nồi cá kho. Mâm cỗ cúng tất niên của nhà giàu có 8 đĩa 8 bát, thì người nghèo cũng phải soạn “mâm cơm cúng cụ” với món này món khác, ít nhất cũng gà luộc, đĩa xôi, đĩa nem rán, khoanh giò, bát canh măng, canh bóng. Thời xưa không có tủ lạnh, nên món gì cũng phải trữ trước.

Khắp kinh thành, nhà nào cũng đua nhau làm mứt, từ mứt khế, mứt quất, mứt mơ, mứt bí, mứt phật thủ… rồi các loại bánh như bánh phồng vẽ, bánh huê cầu… Theo các tài liệu cũ, trong ba ngày Tết, buổi chiều, người Thăng Long thường cúng mứt, không cúng cơm.

Ngày Tết cho sự sum họp gia đình, nên đầu năm mới ít ai đi ăn cơm khách, trừ thăm viếng, xông nhà, chúc Tết.

Cuốn sách của tác giả Viên Mai cũng nói đến việc chuẩn bị Tết độc đáo của cư dân Thăng Long qua hình thức “chơi họ”, từ họ tiền, họ thịt, họ giò… Các thành viên nhóm họ mỗi người làm cái một tháng, tiền lãi mỗi tháng không chia mà đem góp cho một gia đình chăn nuôi lợn ở ngoại ô. Cuối năm, người này nộp cho nhóm họ một con lợn béo như giao kèo, với giá chỉ rẻ bằng nửa giá chợ. Con lợn được giao thẳng cho một lò quay ở phố Hàng Buồm. Lò quay không lấy tiền công, chỉ giữ lại tiết và bộ lòng. Các thành viên nhóm họ sẽ được chia đều từ thịt thủ, chân giò đến thịt quay, ba chỉ, xá xíu… để ăn Tết.

Cuốn “Chuyện cũ bên dòng sông Tô” được viết dựa trên những tư liệu lưu trữ, truyền tụng qua nhiều đời, như tập gia phả họ Nguyễn Đình (làng Hạ Thái, trấn Sơn Nam Thượng, nay là xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội), cùng những tự truyện, chuyện truyền miệng của các cụ cao niên. Cuốn sách dựng lên bức tranh sống động về nếp sinh hoạt của người dân Thăng Long – Kẻ Chợ kéo dài hai trăm năm, từ thời Lê mạt cho đến khi thực dân Pháp bắt đầu công cuộc bảo hộ.

Cuốn sách kể lại cảnh gia đình ông phủ Trường Khánh (tỉnh Lạng Sơn hiện nay), nhà ở phố Diên Hưng, kinh thành Thăng Long, tức đoạn nằm giữa phố Hàng Đường và Hàng Đào hiện nay, sửa soạn đón Tết: “Có đôi chậu cúc, bày cân đối hai bên cửa bức bàn, một chùm mảnh đồng hình khánh và cá mắc quanh một vòng tròn nằm ngang treo bên đầu hiên nhà thờ, đung đưa trước gió mà phát ra những âm điệu du dương”.

Các ghi chép từ các cuốn sách khác còn cho biết, hoa Tết của người Thăng Long có rất nhiều loài hoa, từ đào hồng, đào phai, quất đỏ, cúc vàng, mai trắng, mai vàng, hải đường, mẫu đơn… Hoa đào Nhật Tân đã trở thành loài hoa tiêu biểu cho ngày Tết ở đất Thăng Long, đi vào truyền thuyết Hoàng đế Quang Trung sai lính chạy ngựa trạm đem về kinh thành Phú Xuân tặng Hoàng hậu Ngọc Hân, sau khi ngài dẹp tan quân Thanh xâm lược.

Xa xỉ nhất trong thú chơi hoa của người Thăng Long là chơi thủy tiên. Củ thủy tiên được nhập khẩu về, dân Thăng Long đua nhau chọn cho được củ hoa đơn. Củ đem về ngâm úp vào chậu rồi sau đặt vào bát hay cốc pha lê. Lá mọc lên là phải gọt nhẹ một phía, cho chiếc uốn vào trong, chiếc cong ra ngoài. Giò hoa cũng phải gọt thật nhẹ, không để cao lênh khênh. Ai cũng trổ tài gọt tỉa, hãm làm sao cho hoa nở đều, không đâm dúi vào nhau và nở đúng vào sớm mùng Một Tết, mà phải nở hàm tiếu mới là hoa đẹp.

Nếp sinh hoạt ngày sắp Tết của khu vực buôn bán sầm uất 36 phố phường Thăng Long được tác giả Viên Mai mô tả: “Nhiều nhà đến sáng Ba mươi mới quét vôi, cọ cửa, dọn sạch đồ rơm rác, bày biện nơi bán hàng thành phòng tiếp khách, công việc bù đầu, lau chùi vất vả, nhưng ai nấy đều vui vẻ, họ tin rằng sửa soạn được cái Tết chu đáo, sang năm mới sẽ tăng phúc tăng thọ, tài lộc bằng năm, bằng mười năm ngoái”.

Xong các công việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, già trẻ, lớn bé mới hò nhau nấu nước tắm tất niên. Ai cũng nghĩ, tắm tất niên để gột bỏ hết những rủi ro của năm cũ. Có người kiêng tắm suốt những ngày đông tháng giá, song đến Ba mươi Tết, rét chết cò, vẫn nghiến răng, liều mình tắm gội.

Giây phút giao thừa, cư dân Thăng Long đốt pháo để chào đón năm mới, sau đó, chủ nhà mừng tuổi cho con cháu, gia nhân trong nhà.

Đặc biệt, sau giờ phút giao thừa, thường có đoàn xúc xắc xúc xẻ đến gõ cửa từng nhà chúc mừng, cũng là đòi mừng tuổi. Các gia đình thường chuẩn bị sẵn tiền để tặng lũ trẻ xúc xắc xúc xẻ, để tránh phiền nhiễu giây phút đầu năm mới.

Sau thời khắc đó, kinh thành Thăng Long chìm vào màn đêm thanh vắng, tất cả như cùng lắng nghe sự chuyển mình của đất trời…

 Ảnh tham khảo:

https://tuanhuusac.blogspot.com/2022/01/