Chỉ một bát, ba y
Đầu trần, chân không dép
Và cứ thế, Thầy đi
Phải Thầy là Bồ Tát
Thị hiện giữa đời này
ST
Chỉ một bát, ba y
Đầu trần, chân không dép
Và cứ thế, Thầy đi
Phải Thầy là Bồ Tát
Thị hiện giữa đời này
ST
Mọi người thấy, hiện nay nhà sư hay chùa chiền
làm đủ thứ chuyện, như nuôi trẻ con, nuôi người già, làm từ thiện, bốc thuốc,
v.v… Những chuyện này đều tốt cả, nhưng hỏi đó có phải là mục đích rốt ráo của
tu hành hay không?
Không. Vì, nuôi dưỡng người cô quả thì giống các
cô nhi viện hay trại tế bần, làm từ thiện thì từ cá nhân đến các tập đoàn lớn đều
có, chữa bệnh thì bệnh viện hay nơi này nơi khác cũng làm. Ăn chay thì chả cứ
phải tu, nhiều người ở Âu, Mỹ bây giờ cũng ăn chay vì lý do sức khỏe; phóng sinh thì các tổ chức
bảo vệ động vật trên khắp thế giới còn làm tốt hơn nhiều.
Vậy đi tu là để sống cho tốt và thanh
thản tâm hồn? Cái
này ở nhà cũng làm được. Vả lại ở đâu mà chả phải lo sống cho tử tế; còn thanh
thản thì do cái suy nghĩ của mình thôi. Đấy là nói vậy, chứ người không làm việc
xấu ác thì tâm hồn tự thanh thản, đâu cần phải cạo tóc đi tu. Còn suốt ngày “hiến
kế” để lùa tiền cúng dường của bách tính thì có cạo đầu ở chùa tâm vẫn bất an.
Phật nói “Nước trong bốn biển chỉ có một vị, là vị mặn;
pháp của ta cũng chỉ có một vị, là vị giải thoát”. Mục đích tối cao của
Phật giáo là giải thoát. Giải thoát khỏi cái gì? Cái khổ.
Phật giáo nhìn thấy bản chất của đời sống chỉ có một màu: khổ
đau. Nghèo hay giàu, khỏe hay bệnh, nam hay nữ, sang hay hèn, trẻ hay già….tất
cả đều khổ. Và cái khổ cuối cùng là chết. Chết không phải là hết, chết là để bắt
đầu một hành trình khổ mới. Đi tu là để thoát khỏi tất cả những nỗi khổ này, mà
mấu chốt là ở chỗ đoạn dứt sinh tử luân hồi.
Tất cả những việc đã kể trên chỉ là trợ duyên, là phụ họa, muốn
đạt được mục đích thì phải Giới – Định
– Tuệ. Không Giới thì chẳng thể Định, không Định
thì Tuệ mờ tối, Tuệ đã mờ tối thì không cách chi chứng
được thật tướng của tồn tại. Vì thế, dù có từ thiện, phóng sinh, ăn chay… vạn kiếp cũng chỉ là kẻ
sống trong ảo ảnh do cái thức điên đảo của mình dựng lên, và cứ thế trôi lăn mà
không cách gì tự nhận biết được.
Đọc lịch sử từ thời Đức Phật còn tại thế, chúng ta thấy ông
cùng học trò không hề làm tất cả những việc kể trên, cùng lắm là “tùy duyên”,
tiện tay thì làm, xong là thôi và liền trở lại con đường của giới định tuệ. Các
nước theo truyền thống nguyên thủy bây giờ cũng vậy, chùa chiền không phải là
nơi để đến ngắm cảnh, du lịch hay trại tế bần. Người tu sĩ có một công việc lớn
lao phải làm, đó là dồn toàn bộ cuộc đời và sinh mạng mình vào con đường khai mở
trí tuệ để đạt đến giải thoát. Và vì thế, nhiều người đã trở thành mô phạm cho
thế gian về đức hạnh và sức mạnh tinh thần.
Đi tu là để thoát khổ, vì thế, tất nhiên nếu anh không thấy
khổ thì chẳng việc gì phải đi tu, cứ ở đời mà sống cho sướng. Oái oăm ở chỗ
không phải ai cũng biết thế nào là sướng là khổ thật sự. Để thấy Khổ (và Không, Vô thường, Vô ngã) lại cần phải
có trí tuệ.
Bài này không phải phản đối việc làm từ thiện, làm được thì tốt
thôi, tôi chỉ nói cái cốt lõi của tu hành để không lẫn lộn nó với các tổ chức từ
thiện. Đấy là chưa kể những thứ méo mó như mượn hình tướng Phật giáo và việc từ
thiện để gom tiền thiên hạ.
Thiền sư Ô Sào
Chư
ác mạc tác,
Chúng
thiện phụng hành,
Tự
tịnh kỳ ý,
Thị
chư Phật giáo.
‘Tránh
làm các điều ác
Năng
làm các điều lành
Điều
phục tâm ý mình
Đó
là lời Phật dạy.’
Đứa trẻ
lên ba cũng biết nhưng ông già tám mươi chưa chắc đã làm xong…
Phật dạy chúng ta không chỉ
tránh sát sinh mà còn phải cứu mạng chúng sinh, xuất phát từ tâm từ bi thương
yêu muôn loài. Chúng ta không những không trộm cắp mà còn bố thí, chia sẻ yêu
thương, giúp đỡ chúng sinh không phân biệt thân sơ, sang hèn.
Cửa Phật có đến tám
vạn bốn ngàn pháp môn, một người học Phật dù cố gắng hành trì, tu tập trải qua
hằng hà sa số kiếp cũng không dễ gì có thể lĩnh hội hết tất cả nội dung phong
phú đó huống là chỉ một đời người.
Cho nên, tùy theo căn
cơ, duyên nghiệp, một khi đã phát tâm đi vào con đường giải thoát, hành giả
hoặc nhờ phúc duyên được chư Phật, chư Bồ Tát độ trì dẫn dắt, hoặc do minh sư
chỉ bảo, mỗi người cần nên tự chọn cho mình một pháp môn để tu tập.
Có rất nhiều pháp môn
tu học phổ biến trong đại chúng hiện nay như Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền Định…
Pháp môn tuy có thể khác nhau, nhưng một khi đã tự xem mình là trưởng tử của
Như Lai, hạnh nguyện của mỗi hành giả đều giống nhau, đó là noi theo ánh sáng
của chư Phật, quyết tâm xé bỏ bức màn vô minh, đạp qua nẻo luân hồi sinh tử để
đi vào con đường giải thoát, tiến đến đạo qủa bồ đề, hầu mang lại an vui, phúc
lợi không những cho riêng mình mà còn cho toàn thể chúng sinh.
“Chúng sinh vô biên
thệ nguyện độ”, đó là tâm nguyện chung của một người mang hạnh nguyện Bồ
tát vào đời, dù khoác trên mình chiếc áo tăng sĩ hay hàng tại gia cư sĩ.
Nhưng một người dù có
thiện tâm, hảo ý đến bao nhiêu mà không có khả năng thực hiện được ý nguyện của
mình thì thiện tâm hảo ý cũng trở thành vô ích.
Như một người trông
thấy kẻ bị nạn sắp chết đuối dưới dòng nước chảy xiết, nhảy xuống định cứu, thế
nhưng bản thân mình lại không biết bơi, chẳng những đã không cứu được người,
vừa thiệt thân mạng mình một cách vô ích, lại còn gây trở ngại thêm cho công
tác cứu hộ.
Cho nên, muốn độ người
trước hết phải độ ta, có nghĩa là phải xét xem ta có đủ khả năng, tư cách để độ
người hay không? Muốn thế mỗi người phải luôn tích cực, tinh tấn tu tập không
ngừng nghỉ mới có thể từng bước tiến dần đến ánh sáng giác ngộ.
Có thể nói một cách
khẳng định rằng, để đạt được cứu cánh giác ngộ không có con đường tu tập nào
khác hơn ngoài con đường Thiền định.
Chư Phật, chư Bồ Tát,
các vị chư Tổ cũng đều đã phải trải qua con đường đó.
Chính Đức Thế Tôn đã
từng nhấn mạnh đến lợi ích quan trọng của thiền định: “Thiền định là phương
tiện duy nhất để thanh tịnh nội tâm, tiêu trừ phiền não.” (Samyutta, 16:13
– Tạp A Hàm), và chính Ngài cũng đã trải qua 49 ngày đêm thiền định rốt ráo
trước khi chứng đạt được đạo quả bồ đề.
Chúng ta, những người
học Phật, dĩ nhiên cũng không có một lựa chọn nào khác hơn.
Tuy nhiên, một vấn nạn
lớn đặt ra cho những người mới tập tễnh bước chân vào cửa Thiền, là làm sao tìm
ra cho mình một phương pháp thích ứng để con đường tu chứng của mình mau đạt
được kết quả mà không bị lạc lối trong rừng Thiền mênh mông, chẳng những đã
không đạt được cứu cánh giác ngộ mà đôi khi lại còn có thể bị rơi vào con đường
ma đạo.
Muốn học đạo phải tìm
thầy. Có rất nhiều minh sư ở khắp mọi nơi để Phật tử có thể tìm đến tham cầu,
nhưng nếu vì một lý do nào đó mà hành giả không có cơ duyên hay phương tiện để
gặp gỡ họ, thì xin hướng dẫn qúy vị đến gặp một vị Đại minh sư, một “Người” rất
quen, luôn luôn gần gũi bên cạnh chúng ta, luôn luôn lắng nghe những lời khẩn
cầu của chúng ta với tất cả sự quan tâm và tấm lòng thương yêu rộng lớn để sẵn
sàng giúp đỡ mà không cần đòi hỏi một điều kiện thù đáp nào.
Vị minh sư đó không ai
khác hơn là Đức Bồ Tát Quán Thế Âm và với phương tiện thiện xão của Ngài, thần
chú “Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni” (Đại Bi Chú),
sẽ giúp đỡ cho bất cứ ai khi trì tụng Thần chú này đúng phương pháp chắc chắn
sẽ mau chóng bước chân vào cõi Thiền, cũng như đạt được mọi điều sở nguyện.
Như người cùng tử,
suốt một đời rong ruổi ngược xuôi, đến khi mang chiếc thân tàn trở về lại ngôi
nhà cũ của Cha mình mới khám phá ra viên ngọc vô giá trong chiếc áo rách nát tả
tơi theo năm tháng mà ngày xưa người cha vì lòng yêu thương đã khâu vào trước
khi đứa con bỏ nhà đi hoang.
Thần chú Đại Bi, chính
là viên ngọc vô giá đó và hôm nay, như người cùng tử năm xưa, chúng ta bất ngờ
khám phá lại kho tàng không những sẽ làm giàu có, phong phú cho tâm hồn đang
khô kiệt của chúng ta, mà còn là chiếc chìa khóa mở cho ta vào cánh cửa thênh
thang của đạo quả giác ngộ, vô thượng bồ đề.
“Này! Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp
của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Ðừng tìm sự giải thoát
ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người!..”.
1.
Phật báo tin sắp nhập Niết bàn
Khi giác hạnh đã viên mãn thì Phật đã 80 tuổi. Ðến đây, sắc thân tứ đại
của Ngài cũng theo luật vô thường mà biến đổi, yếu già. Năm ấy Ngài vào hạ ở
rừng Sa La trong xứ Câu Ly, cách thành Ba La Nại chừng 120 dặm. Một hôm, Ngài
gọi ông A Nan, người đệ tử luôn luôn ở bên cạnh Ngài đến và phán bảo:
-“A Nan! Ðạo ta nay đã viên mãn.
Như lời nguyện xưa, nay ta đã có đủ bốn hạng đệ tử: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu Bà
Tắc, Ưu Bà Di. Nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển xe pháp, và đạo ta cũng đã
truyền bá khắp nơi. Bây giờ ta có thể rời các ngươi mà ra đi. Thân hình ta,
theo luật vô thường, bây giờ như một cổ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở
pháp, nay xe đã vừa mòn mà pháp cũng đã lan khắp nơi, vậy ta còn mến tiếc làm
gì cái thân tiều tụy này nữa? A Nan! Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết bàn”.
Tin
đức Phật sắp vào Niết bàn, lan ra như một tiếng sét. Các đệ tử của Ngài đi
truyền giáo ở các nơi xa, lục tục trở về để cùng đấng Giác Ngộ chia ly lần
cuối.
Trong thời gian ba tháng cuối cùng của Ngài, đức Phật vẫn không nghỉ
ngơi, mà vẫn tiếp tục đi truyền đạo.
Một hôm Ngài đi thuyết pháp ngang qua một khu
rừng, gặp một người làm nghề đốt than, ông Thuần Ðà, thỉnh Ngài về nhà để thọ
trai. Ngài im lặng nhận lời cùng các đệ tử theo ông về. Ðến nhà ông Thuần Ðà
dọn ra cúng dường Ngài một bát cháo nấm Chiên đàn, thường gọi là nấm heo rừng,
vì giống nấm này rất được giống heo rừng ưa thích.
Thụ trai xong, Phật cùng các đệ tử từ giã ông Thuần Ðà ra đi. Ðược một
quãng đường, Ngài giao bình bát cho ông A Nan và truyền treo võng lên, trong
rừng cây Ta La (Tàu dịch là cây song thọ,
cây có hai nhánh lớn chia ra như hai cái nạn), để Ngài nằm nghỉ. Ngài nằm
xuống võng đầu trở về hướng Bắc, mình nghiêng về phía tay phải, mặt xây về
hướng mặt trời lặn, hai chân tréo vào nhau.
Nghe tin Ngài sắp nhập Niết bàn, dân chúng quanh vùng đến kính viếng rất
đông, trong số ấy có một ông già ngoài 80 tuổi, tên Tu Bạc Ðà La đến xin xuất
gia thọ giới Sa di với Ngài, Ngài hoan hỷ nhận lời. Ðó là người đệ tử chót
trong đời Ngài.
2.
Phật nói Kinh Di Giáo và những lời phú chúc
Lúc bấy giờ các đệ tử của Ngài đều có mặt đông đủ, chỉ trừ ông Ca Diếp
vì đi thuyết pháp xa, chưa về kịp.
Ngài hội tất cả đệ tử và tín đồ đến
quanh Ngài và dặn dò một lần cuối. Ngài phú chúc như sau:
a) Y, bát của Ngài sẽ truyền cho ông Ma
Ha Ca Diếp.
b) Các đệ tử phải lấy Giới luật làm
Thầy.
c) Ở đầu các Kinh phải nên nêu 4 chữ:
“Như thị ngã văn”.
d) Xá lợi của Ngài sẽ chia làm ba
phần:
Một phần cho Thiên cung,
Một phần cho Long cung,
Một phần chia cho 8 vị Quốc vương ở
Ấn Độ
Sau đây là lời vàng ngọc mà Ngài đã
để lại trong giờ phút cuối cùng.
“Này! Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà
đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải
thoát! Ðừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khát, đừng tìm sự giải thoát ở một
nơi nào khác, ngoài các người!..”.
“Này! Các người đừng vì dục vọng mà quên lời
ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quí giá. Chỉ có chân lý cuả đạo ta là bất di,
bất dịch. Hãy tinh tiến lên để giải thoát, hỡi các người rất thân yêu của ta!”.
Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, Ngài nhập định rồi vào Niết bàn. Lúc bấy
giờ nhằm ngày Rằm tháng Hai Âm lịch (theo
giáo sử Trung hoa).
Rừng cây Ta-la tuôn hoa xuống phủ lên thân Ngài, trời đất u ám, cây cỏ
héo úa, chim chóc im bặt tiếng hót. Vạn vật như chìm lặng trong giây phút nặng
nề của sự chia ly.
Các đệ tử tẩn liệm xác Ngài vao trong kim quan và 7 ngày sau, đua kim
quan Ngài vào thành Câu thi để tại chùa Thiện Quang và làm lễ trà tỳ (lễ hỏa
thiêu).
Tám vị Quốc vương lớn ở Ấn Độ kéo binh hùng tương dũng đến toan tranh
dành Xá lợi. Nhưng ông Hương Tích y theo di chúc của Phật, đứng ra điều đình,
và nhờ thế việc phân chia Xá lợi đều được ổn thỏa.
(Trích trong cuốn Phật học Phổ thông của Hòa thượng Thích Thiện Hoa)
Vốn ban đầu, nhà Phật kị
ăn Tanh. Cái “tanh” này ấy, không phải cái tanh của thịt cá thế
tục đâu, mà cái gọi là “tanh” này chính là để chỉ những gia vị
làm dậy mùi như hành, tỏi, rau thơm vân vân…nhằm tránh cho tăng sỹ ham luyến
tục vật do ham ăn các thức ăn chế biến cầu kỳ. Còn thịt, cá, động vật... chỉ
cần là “ba sạch”:
- Một là
ta không nhìn thấy người giết,
- Hai là
không phải ta giết,
- Ba là
không phải vì ta mà giết
thì có thể ăn, nhằm tránh
phạm giới "sát sinh".
Người xuất gia, đều dựa
vào bố thí của các tín đồ. Tín đồ bố thí cái gì thì họ liền ăn cái đó, nào dám
bắt bẻ điều gì. Cho đến thời Lương Vũ Đế (Hoàng đế triều Lương 464 –
549CN bên TQ), mới
đề xuất bắt tu sỹ Phật giáo không được ăn thịt. Hoàng đế đã mở kim khẩu, đương nhiên ai
dám chống lại, vậy là từ đó, các tăng nhân Phật giáo Bắc tông mới bắt đầu phải
ăn chay.
Còn Phật
giáo Nam Tông hay còn gọi là Phật giáo nguyên thuỷ, cho đến nay vừa ăn chay, vừa ăn mặn nhưng chỉ ăn 1
bữa trước giờ Ngọ (12h trưa - hình như bên Thiền tông và một số tông phái
khác cũng áp dụng điều này) . Tuy nhiên, việc ăn mặn của Phật giáo Nam Tông
phải tuân theo giới luật rất khắt khe và ở mỗi quốc gia theo hệ phái này cũng
có nhiều điểm không đồng nhất.
Ảnh trên là bữa ăn trong
ngày của các tăng sỹ Nam tông ở 1 ngôi chùa vùng Tây Nam bộ - Vừa có chay, vừa
có mặn, nhưng yêu cầu phải ăn hết, không có thừa. Nên ta thấy, các tăng sỹ
rất béo tốt, hồng hào.
Đồ ăn này hoàn toàn do các
tăng sỹ đi khuyến (khất) thực hoặc Phật tử đem đến chùa từng bữa, chứ
nhà chùa hệ Nam tông, phần lớn không có bếp.
Và ta còn thấy không có ni
sư ̣(nữ giới) vì Nam tông tuân thủ theo nguyên tắc từ thời Đức Phật
Thích ca còn tại thế, không chấp nhận Ni đoàn.
Phật tử có thể ngồi xung
quanh để chứng kiến và tiếp thêm đồ ăn nếu thiếu.
Trước đây, hồi còn công tác, lại có sức khoẻ nên năm nào đầu Xuân, năm mới cũng hành hương về chùa Hương mồng Hai, Yên Tử mồng Ba. Từ độ covid không có điều kiện nữa, cũng buồn vì đã thực hiện được những hơn 30 năm cơ mà.
Không đến được chùa Hương,
nhưng những ấn tượng trên đường hành hương đất Phật còn lưu ấn mãi, không phai.
Khi đi, cũng chả chuẩn bị
nhiều. Đồ cúng 3 nơi chính là đền Trình, chùa Thiên Trù và động Hương tích
thôi. Tuỳ thời tiết mà chuẩn bị đồ mặc, nhưng gọn, nhẹ để còn có sức leo
núi. Thêm chút nước uống, còn đồ ăn thì hưởng lộc đồ cúng.
Lộ trình đi thăm quần thể Hương Sơn, thông thường có 3 tuyến chính mà du khách và
khách hành hương đến đất Phật thường lui tới:
- Tuyến
đường chính đưa tới chùa Hương Tích.
- Tuyến
đường thứ hai đưa tới chùa Hinh Bồng.
- Tuyến
đường thứ ba đưa tới chùa
Tuyết Sơn.
Trong đó, tuyến đường chính để
vào động hay chùa
Hương Tích là “trung tâm điểm” thu hút nhiều nhất.
Với ba tuyến trên, ta không thể
đi hết trong vòng một ngày, nhanh lắm cũng phải mất hai ngày, thong thả phải
mất ba ngày mới tạm nói là ta đã đi gần hết những điểm chính của quần
thể này.
Cách nhà Hà Nội khoảng 60 cây,
qua Hà Đông, rẽ trái ở Ba La đi Vân Đình, theo đê, qua Tế Tiêu là tới Bến Đục (làng
Đục Khê). Đây đã là cửa ngõ đất Phật rồi. Đi đoạn nữa là tới bến Yến (làng
Yến Vỹ - đuôi chim nhạn).
Đi đã nhiều lần nên chỉ quen
thuê 1 nhà đò chở cho thuận tiện. Điện nhắn trước nên chị nhà đò đã đợi sẵn tại bến
đưa sang đền Trình.
Đền Trình, tên tự
là “Ngũ Nhạc linh từ”, có kiến trúc bề thế như một ngôi đình làng. Trong
sân, trước cửa đền có con voi đá đóng yên cương và ghế kiệu trên lưng. Một lư
lớn bằng xi măng cũng được đặt ngay giữa sân để đốt vàng hương. Tuy chúng tôi
đi chùa Hương sớm trước ngày mở Hội nhưng thấy du khách đã đổ về đây không phải
là ít. Trong đền thờ, khói nhang nghi ngút đến nghẹt thở, có con ngựa gỗ to sơn
son và trên bệ thờ có tượng tướng quân thời vua Hùng. Chung quanh chùa, vài cây si lâu đời mọc rễ chằng chịt với những hình thể uốn lượn
rất đẹp, đẹp không thua gì những cây si ở phủ Tây Hồ ở Hà Nội. Ngay sau đền là
tòa nhà hai tầng có tháp vươn lên khỏi hàng cây cao trông rất đẹp.
Khách
hành hương thường đều đến đền Trình như một sự “trình diện” hay “cáo
kiến” với các vị thánh, thần ở đây trước khi vào chùa Hương để mong khi vào
chùa cầu xin, họ tin rằng những điều cầu khẩn những điều tốt lành sẽ được có kết quả hơn.
Bên
đền Trình có năm ngọn núi gọi là núi Ngũ Nhạc, cho nên đền này còn được gọi
là đền Trình-Ngũ Nhạc. Gọi như thế cũng để phân biệt với đền
Trình-Phú Yên nằm trên tuyến đường suối Tuyết. Suối Tuyết sẽ đưa du
khách đi thăm khu vực quần thể động Tuyết Sơn và chùa Bảo Đài (trên tuyến đường
thứ ba đến chùa Tuyết Sơn).
Trở ra, lên thuyền để ta vào
chùa trong - ấy là tôi đi tuyến chính lên động Hương tích.
Thuyền từ từ
lướt nhẹ theo dòng suối Yến. Nước vỗ vào mạn thuyền nghe thật vui tai. Cảnh vật
ở đây, đúng là cảnh thiên thai, đẹp như một bức tranh sơn thủy. Trước là núi,
hai bên là núi, trên cao là trời xanh, ở giữa là dòng suối lững lờ trôi một
cách êm đềm, bình thản.
Núi
có cái đẹp của núi. Núi không cao nhưng trùng trùng điệp điệp, lớp trước lớp
sau, lớp tỏ lớp mờ, lớp ẩn lớp hiện. Mầu sắc của núi biến đổi luôn luôn theo
ánh sáng mặt trời đang lên.
Nước
có cái đẹp của nước. Suối Yến không sâu nhưng mở rộng ra như thể không bờ. Nếu
có bờ, cũng chỉ là bờ của những thửa ruộng đồng ngập nước. Từ lòng
suối ngoi lên những mảng “cỏ xanh”. Thêm
vào đó, những đám rong rêu lay động, lập lờ trong lòng suối như tóc tiên buông
xõa cuốn nhẹ lấy mái chèo.
Trong
làn nước nhẹ mọc rêu xanh,
Như gấm
mơ hồ dưới thủy tinh.
Chèo
khỏa, chèo lên, chèo lại khỏa,
Thuyền
đi trên vạn sắc màu xinh.
(Trích
bài “Thăm Cảnh Chùa Hương” của Xuân Diệu)
Hình bóng phản
chiếu trên nước của núi và mây như quyện lại với nhau một cách hài hòa và cùng
trôi chẩy theo chiếc đò.
Qua mỗi khúc ngoặt
hay quanh co của suối, cảnh vật lại đột ngột thay đổi. Quang cảnh thật
hùng vĩ nhưng vẫn dung dị êm đềm như thơ, vẫn mang cái tinh khiết thoát tục của
nơi đất Phật. Ai đặt chân đến đây cũng thấy lòng mình thanh thản, xa hẳn cõi
bụi trần. Người ta đến đây, với cảnh trí này, không phải chỉ để ngắm cái cảnh
đẹp của thiên nhiên mà còn tự muốn bỏ đi những vướng mắc, trần trượt của bản
thân mình trong đời sống hàng ngày.
Như khi ta thấy
những mỏm núi chìa hẳn ra ngoài suối với hình thù ngộ nghĩnh. Hay ngay trên
đỉnh của ngọn núi nhỏ nằm sát bên bờ suối có một chiếc miếu nhỏ nằm chênh vênh
trên đó nhưng lại tuyệt đẹp, thanh thoát, in bóng vươn lên trên nền trời cao.
Hay bất chợt, cùng bắt gặp những hang động hiện ra với những mảng dây leo buông
tỏa xuống như mành.
Khung cảnh nên thơ
này không phải chỉ là cái đẹp của núi, của suối và của mây không thôi, mà nó
còn được tô điểm bởi những rặng cây thẳng tắp mọc trên triền núi cùng với cái
dáng vươn cao của những cây gạo. Người ta nói, những cây gạo
này, hoa sẽ đỏ rực như những đốm lửa đỏ in trên nền trời xanh vào
mùa hè.
Vài con trâu hững
hờ ăn cỏ trên đồng, cùng hình ảnh vài ngư phủ đang bì bõm đánh dậm trên cánh
đồng chiêm, hay hình ảnh của người tiều phu đang lom khom vác củi rừng trên
triền núi, tất cả đều là những nét chấm phá khá đặc biệt của vùng Hương Sơn.
Những nét chấm phá ấy còn hòa trong tiếng chuông trầm buồn ngân lên từ những
ngôi cổ tự hay những tiếng ríu rít của đàn chim sáo trên cành cây cổ thụ.
Thuyền càng vào
sâu, cảnh vật càng đẹp và nên thơ. Có những áng mây trắng vương trên đỉnh núi.
Bóng núi và mây in trên mặt nước, đôi khi làm ta cứ lầm tưởng như trên mặt suối
đương phủ một lớp sương mù bay bay. Tiếng nước vỗ mạn thuyền nghe thật êm ả làm
sao.
Chẳng mấy chốc
chúng tôi thấy một chiếc cầu bắc ngang qua suối Yến. Cô lái đò chỉ:
-
Đó là cầu Hội.
Cầu
Hội có dáng “hình thang” thật đơn giản, cao và thông thoáng. Chỉ
là chiếc cầu gỗ mảnh khảnh nên nó lại phù hợp, hài hòa với sự êm đềm lắng đọng
của cảnh vật chung quanh. Vì cầu Hội cao và thông thoáng nên thuyền qua lại
ngược xuôi dưới gầm cầu được dễ dàng. Dưới gầm cầu, bóng núi và mây vẫn lung
linh, trôi chảy theo dòng suối mà không bị vướng mắt, hay
bị cắt ngang hoặc che lấp.
Mây
luồn đáy nước qua cầu
Thuyền
đi tưởng núi quay đầu trông theo.
(Trích
bài “Trên Đò Suối” của Hằng Phương)
Khu cầu Hội có những cây gạo rất to và đẹp. Chim
chóc từng đàn bay về ríu rít trên cành những cây hoa gạo này.
Từ phía chân cầu
bên trái của cầu Hội có con đường dẫn đến chùa Thanh Sơn.
Từ phía chân cầu
bên phải của cầu Hội có hang Sơn Thủy Hữu Tình và còn có
con đường đi vào làng Hội Xá.
Hỏi cô lái
đò:
- Hàng
ngày cô lái thuyền trên suối, với cảnh đẹp như thế này chắc cô thích lắm nhỉ?
- Vâng, có những
hôm mây xuống thật thấp, mây trắng là là trên sườn núi. Trên mặt suối cũng có
mây. Những hôm như thế thì đẹp lắm. Em cứ tưởng như em đang ở trên trời hay
trên tiên cảnh. Có hôm sương mù, mọi cảnh vật như ẩn như hiện. Tuy lúc đó trời
đất âm u, ảm đạm nhưng lòng mình cứ lâng lâng thanh tịnh thoát tục. Có những
hôm trăng sáng, nước và ánh trăng như quyện vào nhau. Cảnh đêm yên tĩnh, em chỉ
còn nghe thấy tiếng mái chèo khua nước, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chuông chùa
thánh thót vang ra. Nhìn lên trời thì sao sáng đầy trời....
- Thế cô
chèo đò trên suối có thường gặp những chuyện vui buồn gì không?
- Chuyện
buồn thì ít thôi. Em chỉ chèo thuyền cho khách hành hương thưởng ngoạn cảnh đẹp
của Hương Sơn. Với lòng người lúc đó mở rộng theo đức Phật nên cũng chẳng ai
muốn làm buồn lòng ai. Chỉ có những hôm nào, em không được khoẻ người thì chèo
thuyền cũng thấy uể oải lắm.
Rồi nói tiếp:
- Chúng
em chỉ được làm công việc chèo thuyền nhàn hạ này trong mấy tháng mùa xuân
thôi. Khi hội chùa Hương chấm dứt, số đông chúng em lại trở về nghề làm ruộng,
trồng dâu, nuôi tằm hay lên rừng kiếm củi, hái mơ. Cũng vất vả lắm. Chiều tối,
có khi em phải làm thuê, nhận “kén” về, luộc, rồi “đánh kén” thành “chỉ tơ”
(chỉ tơ dệt vải) tới khuya mới được đi ngủ.
Chúng tôi đi thuyền
trên suối Yến, vừa được ngắm cảnh đẹp vừa được trò truyện với cô lái đò dễ mến
một cách chân tình. Một kỷ niệm thật khó quên.
Chẳng bao
lâu, bến đò Trò đã hiện ra với đông đảo đám thuyền chở
khách, cái đi vào cái trở ra. Được biết, vào ngày hội chùa Hương nơi bến đò này
đông nghẹt những thuyền và người vào ra tấp nập. Hội chùa Hương kéo dài từ mùng
6 tháng Giêng tới cuối tháng Ba âm lịch.
Thuyền
ghé khua bờ đá
Chim
mừng, rừng véo von
Suối
đến đây dừng lại
Tiễn
khách trèo lên non.
(Trích
bài “Đi Chùa Hương” của Phạm Hổ)
Cô lái đò tắp vào
bến, tìm nơi tốt để chúng tôi có thể dễ xuống thuyền.
Bến đò Trò hay còn
gọi là bến đò Thiên Trù. Dẫy thuyền nằm san sát im lìm chờ khách
ngay dưới chân núi Mâm Xôi, có cây cổ thụ. Không xa đó, dãy quán ăn và quán bán
đèn nhang, với nhiều hàng bán quà kỷ niệm cho khách thập phương đi lễ chùa.
Chùa Thiên
Trù, tức “chùa Ngoài” gần ngay đó. Đi hết thêm một dốc nhỏ,
chúng ta tới cổng ngoài của chùa. Cổng chùa là một kiến trúc cổ thuần túy Việt
Nam, rất đẹp. Cổng được xây theo kiểu năm cửa, vòm cửa uốn
cong hình bán nguyệt. Cổng hai tầng và có nhiều mái. Phía trên
cửa giữa có hàng đại tự “Nam Thiên Môn” (Cửa Trời Nam).
Từ ngoài xa nhìn
vào chùa, ta thấy chùa được xây trên một khoảng đất rộng, phẳng, có núi vây
chung quanh. Trước mặt là núi, hai bên là núi, phía sau cũng là núi. Những quả
núi gần chùa không cao lắm, lại cao đều nhau, không xa nhau, cũng
không chen nhau nên trông rất hài hoà. Chùa có kiến trúc thông
thoáng không bị gò bó bởi hình ảnh nặng nề của núi.
Hai quả núi có tên
là Phụ Mã ở hai bên trái và phải của chùa, núi Sau Chùa ở phía sau của chùa. Ba
quả núi này được ví như ba ông “đầu rau” của bếp Thiên Trù. Nhìn rộng ra xa
thêm, những núi đứng sau hai quả núi Phụ Mã, bên phải mang tên Tiên Sơn, bên trái
mang tên Thung Mang. Bên cạnh núi Sau Chùa là núi Ông Chây. Nếu ta nhìn về chùa
Hinh Bồng (cô vừa nói vừa chỉ tay về phía núi Hinh Bồng xa xa) là núi Lão. Sau
núi Lão là núi Cỏ Bồng.
Núi
bắc “đầu rau” mấy vạn niên
Mà màn
biếc thẫm đẹp thiên nhiên?
Thiên
Trù một khoảng êm phơi phới,
Núi
ngắm nhau xanh một sắc hiền.
(Trích bài “Thăm Cảnh Chùa Hương”
của Xuân Diệu)
Các cụ gọi chùa
Thiên Trù này là “Bếp Trời” vì các cụ tin rằng khu đất chùa này, theo phong thủy,
tương ứng với chùm sao Thiên Trù ở trên trời. Chùm sao Thiên Trù lại tượng
trưng cho cái bếp, cho sự ăn uống. Bếp thì có ba ông “đầu rau” để kê nồi.
Chùa có nhiều cây
hoa gạo cổ thụ và có hai hàng cây hoa đại (cây bông sứ) trước cổng vào. Uyên
say sưa nhìn ngắm những cây hoa gạo vươn cao.
Nếu ta đến thăm
chùa vào giữa tháng hai ta, tức giữa hội chùa Hương thì ta sẽ thấy hoa gạo đỏ
rực treo lơ lửng trên cành, có người ví nó trông giống như những đốm lửa nhỏ
hiện trên trời xanh. Đẹp lắm! Vào cuối tháng ba, hoa gạo rụng thì tới lượt hoa
đại nở rộ. Hoa đại nở vừa đẹp lại vừa thơm.
Qua cổng là vào
tới sân cấp thứ nhất của chùa. Một không gian thoáng rộng
được mở ra. Chùa được xây trên mảnh đất hình chữ nhật có chiều dài rất sâu theo
kiểu “ngũ môn, tam cấp” (năm cửa, ba tầng bậc). Hai bên sân chùa là những gian
nhà bán hàng cơm hay hàng bán quà kỷ niệm.
Qua sân thứ
nhất là tới bậc thềm thứ nhất, có độ hơn chục bậc bước lên
cao, tới sân cấp thứ hai. Hai bên sân cấp thứ hai cũng là hai dẫy
nhà hàng ăn. Giữa sân có một tháp chuông, kiến trúc ba tầng, mái
rất lớn và tuyệt đẹp lại uy nghi. Các người bán quà kỷ niệm rong cứ theo chân
chúng tôi mời mua những xâu tràng hạt, mầu nâu có, mầu đen có hay chỉ được làm
bằng những hạt cây tròn mộc mạc.
Qua sân thứ hai,
chúng tôi lại tới bậc thềm thứ hai, cũng khoảng hơn mươi bậc bước,
đưa lên một sân cấp thứ ba cao hơn. Đây là sân của ngôi nhà
Tam Bảo, cũng là sân chính của chùa Thiên Trù.
Chính giữa sân
đứng sừng
sững một đỉnh đồng cao ba thước và một đỉnh
hương đúc bằng xi măng, khói nhang nghi ngút suốt ngày. Hai con sư tử được sơn
vàng nằm chầu trước cửa ngôi nhà Tam Bảo.
Ngôi
nhà Tam Bảo là công trình kiến
trúc chính của quần thể chùa Thiên Trù, một công trình kiến
trúc quy mô lớn với phong cách truyền thống. Trên cột nhà Tam Bảo được treo
nhiều câu đối sơn son thếp vàng. Bên trong có nhiều tượng Phật và các vị La Hán
tạc bằng đá hay gỗ tuyệt đẹp, thể hiện một
trình độ nghệ thuật và mỹ thuật rất cao.
Quần thể chùa Thiên
Trù liên kết với nhau theo nhiều nền tầng cấp, cao thấp khác nhau rất hài hoà
tạo nên một hình dáng kiến trúc tuyệt mỹ, vừa tráng lệ lại vừa thoát tục. Đứng
về góc cạnh nào cũng thấy cái vẻ đẹp dung dị mà lại sâu xa của triết lý nghệ
thuật xưa và cũng sâu lắng trong sự tôn nghiêm của triết lý đạo Phật.
Ngoài sân chùa có
hồ bán nguyệt với hòn non bộ. Cây cối trong chùa xanh tươi mang vẻ đẹp thanh
tao, gọn gàng bởi bàn tay con người. Cái đẹp của thiên nhiên hòa trong cái đẹp
của nhân tạo làm tăng thêm vẻ siêu thoát của tín ngưỡng.
Một khu bảo tháp
sau chùa được xây dựng để chứa hài cốt của những vị trụ trì chùa này. Ngôi bảo
tháp lâu đời nhất là bảo tháp Hoà thượng Viên Quang, được xây vào
thế kỷ thứ 17. Tháp được xây bằng gạch đỏ, trên nóc tháp có mái cong như mái
chùa.
Trong chùa Thiên
Trù còn có nhiều bảo vật cổ, trong đó phải
kể đến quả chuông đúc vào thời Tây
Sơn, năm Cảnh Thịnh thứ hai (1793). Quả chuông trước đây được để
trong động Hương Tích, sau mới đưa ra Thiên Trù.
Quả thực ai đã đi
chùa Hương, hay nói chung là Hương Sơn, ta không thể không đến chiêm ngưỡng cái
đẹp, cái thanh thoát của chùa Thiên Trù.