Hiển thị các bài đăng có nhãn Mỹ thuật. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mỹ thuật. Hiển thị tất cả bài đăng

11/10/2024

Ấn vàng truyền quốc của chúa Nguyễn Phúc Chu năm 1709

 Tập hợp từ nhiều nguồn trên net.


Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện đang lưu giữ và trưng bày chiếc ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo”.

Đây là chiếc ấn có niên đại sớm nhất trong lịch sử tồn tại của vương triều Nguyễn. Ấn được đúc vào năm 1709, đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725). Ấn có hình vuông, với kích thước cao 6,3cm; dài cạnh10,84cm; dày 1,1cm; trọng lượng 2.350gr (gần 90 lạng - cây vàng) có kỹ thuật đúc và chạm khắc công phu, tỷ mỷ. 

Núm ấn là tượng nghê vờn ngọc, đầu ngẩng cao, quay về bên trái, vây lưng nổi hình đao mác. Mặt ấn đúc chữ Hán (kiểu chữ Triện): Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo -         (vật báu của chúa Nguyễn nước Đại Việt trấn giữ lâu dài). Hai bên lưng ấn khắc 2 dòng lạc khoản, bên trái: Kê bát thập kim lục hốt tứ lạng tứ tiền tam phân - 計八十金六笏四両四錢三分 (cộng vàng 8 tuổi, nặng 6 thỏi, 4 lạng, 4 tiền, 3 phân), bên phải: Vĩnh Thịnh ngũ niên thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo - 永盛五年十二月初六日造 (chế tạo vào ngày 6 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh 5, tức năm 1709 dưới triều Vua Lê Dụ Tông). Cạnh dưới có dòng lạc khoản khắc 9 chữ Hán: Lại bộ Đồng Tri Qua Tuệ Thư giám tạo - 吏部同知戈穂書監造 (quan trông nom việc chế tạo là Đồng Tri bộ Lại Qua Tuệ Thư).

Bảo ấn được vua Gia Long chọn làm báu vật truyền ngôi của triều Nguyễn.

Chùm ảnh: Chiếc ấn vàng 300 tuổi – báu vật truyền ngôi của triều Nguyễn

Về tổng thể, ấn có hình vuông, chiều cao cả quai 6,3cm, cạnh 10,84cm, dày 1,10cm, có quai đúc theo hình tượng lân vờn ngọc, đầu quay về trái. Đầu lân ngẩng cao, chân trước bên phải chống, chân trước bên trái đặt lên viên ngọc, 2 chân sau chùng.

Dọc lưng kỳ lân chạm khắc văn mây lửa.

Mặt trên của ấn khắc 2 dòng chữ Hán. Bên trái khắc 12 chữ: Kế bát thập kim, lục hốt, tứ lạng, tứ tiền, tam phân (Vàng 8 tuổi, nặng 6 thoi, 4 lạng, 4 tiền, 3 phân). Bên phải khắc 11 chữ: Vĩnh Thịnh ngũ niên thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo (Chế tạo vào ngày 6 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709), dưới triều Vua Lê Dụ Tông).

Mặt ấn đúc nổi 9 chữ triện phong cách thế kỷ 17 – 18, nét chữ vuông vức uốn nhiều góc. Xung quanh là đường viền rộng 1,20cm.

Mặt ấn đọc theo chiều từ trên xuống dưới và từ phải sang trái là Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn chi bảo (Bảo vật của Chúa Nguyễn nước Đại Việt trấn giữ lâu dài). Cạnh dưới khắc 1 dòng 9 chữ Hán: Lại bộ Đồng Tri Qua Tuệ Thư giám tạo (quan trông nom việc chế tạo là Đồng Tri bộ Lại Qua Tuệ Thư).

Trong 300 năm tồn tại, bảo ấn đã thất lạc nhiều lần trong các cuộc chiến tranh, từng lưu lạc tới tận Thái Lan cùng chúa Nguyễn Ánh. 

Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là một bảo vật vô giá của tiền nhân để lại. 

Vào năm 2016, hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.


08/10/2024

Cổ vật khảm xà cừ Việt Nam

Góp nhặt trên net.


Khảm xà cừ hay cẩn xà cừ là một nghề thủ công của Việt Nam đã thấy nhắc trong sử sách từ thế kỷ thứ 3-5, thời kỳ Bắc thuộcSang triều Trần thì nghề khảm vỏ ốc đã khá điêu luyện nên được triều đình trưng thu làm cống phẩm gửi sang tặng nhà Nguyên năm 1289.

Khi người Âu Châu sang đến Việt Nam thì trình độ hàng khảm địa phương được nhắc đến là một trong những nghệ thuật cao, rất tinh vi, khéo léo. Điển hình là năm 1868 Thống soái Pierre-Paul de La Grandière đã xin triều đình Huế gửi 2 người thợ khảm giỏi vào Sài Gòn để truyền nghề. Sang năm 1877 thì hàng khảm ốc Việt Nam được triều đình gửi sang Pháp dự Hội chợ Đấu xảo.

Chất liệu xà cừ thông thường được lấy từ trai, ốc nên khảm xà cừ còn được gọi là khảm trai hay khảm ốc.

Người thợ khảm trai dùng những mảnh vỏ trai để khảm (gắn) lên các đồ vật. Các công đoạn cần phải thực hiện khá tỉ mỉ: vẽ mẫu tranh, mài, cưa, đục mảnh, khảm lên tranh rồi lại mài nhẵn và đánh bóng. Bước đầu tiên là chẻ vỏ thành mảnh rồi rọc theo thớ. Mảnh vỏ ốc cắt xong thì đem ngâm nước rồi hơ đèn nóng để uốn phẳng vì vỏ ốc vốn cong. Trong khi đó mặt vật dụng muốn khảm (thường là mặt gỗ) phải khoét lõm để nhận lấy mảnh vỏ ốc. Người thợ dùng sơn ta để gắn. Gắn xong thì đem mài. Trước mài bằng giấy ráp cát to, tiếp theo là cát mịn rồi lại đánh bằng vôi bột. Bước cuối cùng là đánh bằng lá ngái rồi xoa bột gạo lên.

Nền các bức khảm xà cừ thường có màu tối của lớp sơn đen, chứ không có thêm nhiều màu như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác, do bản thân chất liệu xà cừ đã có đã tạo lên nhiều màu sắc óng ánh cho chi tiết trang trí.

Ở Việt Nam ta có một số làng nghề truyền thống lâu đời như:

·   Làng nghề Chuôn Ngọ, Chuyên Mỹ, Phú Xuyên,Hà Nội

·   Làng nghề Ninh Xá, Ý Yên, Nam Định.

·   Làng nghề Cao Xá, Ứng Hoà, Hà Nội

·  Làng nghề Địa Linh,xã Hương Vinh, H. Hương Trà, TT-Huế

      Mời các bạn thưởng lãm một số cổ vật khảm xà cừ đẹp được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

 

Hộp gỗ khảm xà cừ triều Nguyễn, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. 

Hộp gỗ khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Hộp gỗ khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Các công đoạn để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh cần phải thực hiện khá tỉ mỉ: vẽ mẫu tranh, mài, cưa, đục mảnh, khảm lên tranh rồi lại mài nhẵn và đánh bóng. Ở bước khảm thì người nghệ nhân dùng những mảnh vỏ để khảm (gắn) lên các đồ vật.

Hộp đựng thức ăn khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Vỏ ốc để khảm được chẻ vỏ thành mảnh rồi rọc theo thớ. Mảnh vỏ ốc cắt xong thì đem ngâm nước rồi hơ đèn nóng để uốn phẳng vì vỏ ốc vốn cong. Trong khi đó mặt vật dụng muốn khảm thường là mặt gỗ phải khoét lõm để gắn mảnh vỏ ốc.

Hộp đựng thức ăn khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Người thợ dùng sơn ta để gắn vỏ ốc vào gỗ. Gắn xong thì đem mài. Trước mài bằng giấy ráp cát to, tiếp theo là cát mịn rồi lại đánh bằng vôi bột. Bước cuối cùng là đánh bằng lá ngái rồi xoa bột gạo lên.

Kỷ thờ khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Khảm xà cừ thường được dùng ở đồ trang sức, khuy áo, đũa, đồ gỗ như bàn, ghế, giường, sập, tủ, bình phong, tranh treo tường. Nó thường được kết hợp với đồ gỗ đánh bóng sơn mài mỹ nghệ.

Tráp đựng trầu khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Nền các bức khảm xà cừ thường có màu tối của lớp sơn đen, chứ không có thêm nhiều màu như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác, vì bản thân chất liệu xà cừ đã tạo lên nhiều màu sắc óng ánh cho chi tiết trang trí.

Hình chim và hoa đào trên một bức tranh khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, người ta có thể sử dụng máy móc trong quá trình khảm xà cừ.

Tranh gỗ khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Dù đã có máy móc thay thế nhưng một tác phẩm nghệ thuật thật sự với các chi tiết tinh xảo lại đòi hỏi bàn tay khéo léo, tài hoa, óc sáng tạo phong phú – điều chỉ có thể đạt được khi người thợ nhẫn nại làm thủ công ở tất cả các công đoạn.

Cuốn thư khảm chữ “Đan Thư” (sách hội tụ lời hay ý đẹp của cổ nhân) triều Nguyễn.

Cảnh rước rồng trên một bức tranh khảm xà cừ triều Nguyễn.

Một cảnh trên bình phong khảm xà cừ niên hiệu Thành Thái (1890).

Bề mặt tủ gỗ khảm xà cừ triều Nguyễn.

Cận cảnh một cánh cửa tủ gỗ khảm xà cừ.

31/07/2024

Bộ ghế trắc khảm Bát tiên cách đây khoảng 150 năm

 Ảnh từ Cổ học tinh hoa.


Tay nghề dân mộc mỹ nghệ và thợ khảm xà cừ của xứ Việt giỏi lắm. Hồi mình vào miền Tây Nam bộ, được đến thăm 1 gia đình người Việt ở vùng sâu, không hiểu lẽ gì mà còn tồn tại toàn vẹn căn nhà và đồ đạc từ hồi ông cụ cố tạo dựng. Hiếm lắm. 

Vì lý do tế nhị, gia đình họ không muốn phô ảnh và nêu địa chỉ.

Đồ gỗ của nhà, nghe người chắt Cụ Cố kể, toàn do người Bắc được mời vào tạo nên. Đẹp và hiếm lạ vô cùng. Lòng cứ ước ao, sẽ còn nhiều, còn nhiều những bảo vật như vậy vẫn tồn tại để các thế hệ sau này biết và tự hào.

Lang thang trên net, tình cờ tìm thấy một cổ vật gần nguyên vẹn nên giới thiệu tới mọi người.

Ban đầu, bộ ghế trắc khảm tích bát tiên là của một gia đình có quyền thế ở Thanh Hóa thời Nguyễn. Sau cải cách ruộng đất, nhà ông may mắn có được và giữ gìn và coi như một vật gia bảo trong nhà cho đến nay, nhà sưu tầm chia sẻ.

Hiện vật gồm 4 ghế gỗ trắc rất dày dặn, nét đục sắc nét, khuyết mất chiếc bàn. Sau hơn 100 năm, ghế khảm lành nguyên, giữ được nét đẹp nguyên bản từ vân gỗ cho đến chi tiết khảm ốc.

Mỗi ghế khảm một tích Bát tiên riêng, chung quanh khảm tứ quý với các chữ Phúc – Lộc – Thọ. Đó là họa vị tiên Hòa Hợp, tiên Yên Hài, Vương Mẫu… có sự tích được viết trong sách đông du bát tiên. Tích Bát tiên là biểu trưng của sự trường sinh và những điềm lành.

Về phong cách tạo hình, ở đây có sự kết hợp giữa 3 phong cách Việt, Trung Hoa và phong cách Louis XIV của Pháp. Ta thấy nét đục đẹp cùng tạo hình gậy như ý theo lối Trung Hoa, trong khi lối khảm ốc Việt chi li, rất đẹp. Ngoài ra, ghế có tay vịn và chân tạo dáng nai vuốt rất đẹp mang phong cách đồ thời Louis XIV của Pháp (còn gọi là phong cách Baroque vì sự lộng lẫy huy hoàng và vinh quang). Đây là 1 trong 3 thời vua làm nền tảng cho phong cách nội thất cổ điển Pháp.

Đây là một hiện vật quý hiếm, gỗ cổ, khảm cổ được nhiều người yêu thích cổ ngoạn và nhà sưu tầm lâu năm, khó tính đánh giá đẹp nhất ở Hà Nội hiện nay, chủ nhân cho biết.

 















24/07/2024

Vài nét về gốm sứ cổ

Theo truyền thống gia đình, mình cũng là người ham mê đồ cổ như tranh vẽ, văn thơ, vũ khí, tiền cổ,... trong đó quan tâm nhiều nhất là gốm sứ Tàu. 

Cũng chịu khó tìm hiểu, thưởng lãm, sưu tầm (một ít thôi, do kinh tế chưa phù hợp), còn có đồ gia truyền nên cũng có chút hiểu biết về gốm sứ.

Nói thật với các bạn, để biết và hiểu gốm sứ Tàu, có nhẽ chỉ có các bậc tựa ông Vương Hồng Sển mới có thành tựu chứ bây giờ mấy ai dám vỗ ngực.

Danh từ “ceramics” nghĩa là gốm sứ, xuất phát từ chữ “keramos” tiếng Hy Lạp nghĩa là “vật nung”. Ngày nay ở thủ đô Athens, Hy Lạp vẫn còn một khu phố tên là Kerameikos, nơi ngày xưa người ta sản xuất đồ gốm. Kỹ thuật làm đồ gốm Hy Lạp và Etruria được người La Mã tiếp nhận và phát triển mạnh mẽ.

Gốm được cho là xuất hiện cách đây khoảng 10.000 năm, tuy nhiên cũng có nguồn thông tin cho rằng đồ gốm đầu tiên được con người tạo ra cách đây khoảng 28.000 năm trước công nguyên trong thời kỳ đồ đá cũ, là tượng một người phụ nữ tên là thần vệ nữ của Dolní Věstonice ở gần Brno thuộc Cộng hòa Séc.


Gốm thì được làm từ đất sét, có độ kết dính và dẻo cao. Khả năng thấm hút nước yếu, khi đánh vào phát ra âm thanh rè rè. 

Sứ thì được làm từ đất sét, fenspar và thạnh anh. Không hút nước, chống ăn mòn và có kết cấu cứng, chắc, khi gõ vào sẽ phát ra âm thanh giòn.

Ở Trung quốc, thời kỳ đồ đá, đã có đồ gốm sơ thô và đồ gốm đen đơn giản.

Đến thời nhà Thương (tk XVI TCN – XI TCN), đồ gốm tráng men và gốm tráng men cứng bắt đầu xuất hiện với những đặc tính cơ bản của đồ sứ.

Đến thời nhà Ngụy và Tấn (220 – 429 sau CN), Trung Quốc đã hoàn thành phát minh quan trọng là dùng lửa nhiệt độ cao để làm ra đồ sứ rắn.

Vào thời nhà Đường (618 – 907), công nghệ sản xuất gốm sứ và sáng tạo nghệ thuật gốm sứ đã đạt đến trình độ rất cao.

Vào thời nhà Minh và Thanh (1368 – 1911), công nghệ gốm sứ tráng men đều vượt trội hơn nhiều so với các thế hệ trước.

Thời Tống có 5 loại sứ “ Nhữ, Quân, Quan, Ca, Định” nổi tiếng và ảnh hưởng nhất định đến các dòng sứ sau này như sứ Cảnh Đức, Giang Tây...

Đồ gốm sứ Trung Quốc nổi bật do có chất lượng tốt. Tạo hình tinh xảo, hoa văn trang trí đa dạng, chủng loại phong phú và độc đáo.

Đồ gốm sứ Trung Quốc cũng vô cùng nổi tiếng với gốm sứ trắng, dòng sứ tưởng chừng như dễ nhưng lại khó đẹp và đạt chất lượng nhất. Cần phải đạt tới tiêu chí “trắng như ngọc, sáng như gương, mỏng như giấy và vang như chuông”.

Trung Quốc nổi tiếng với 4 loại gốm sứ trứ danh: Sứ thanh hoa, Sứ linh lung. Sứ men hồng (hồng nhung và hồng sậm) và Sứ men màu (đỏ, xanh, lam, vàng và đen).

Bôi uống rượu huynh đệ Mai Tử – Long Tuyền , sứ Thanh hoa màu ngọc bích
Sắc màu sứ Thanh hoa thời Nam Tống

Bát sứ Linh lung Cảnh Đức trấn
Lọ sứ Lung linh
Nai thuý hồng - sứ men hồng

Bình Mai men ngọc đời Đường
Nậm rượu sứ đời Càn Long
Bát sứ thời Minh
Chậu sứ đời Ung Chính


Ấm sứ tứ phương đời Thanh
Ấm sứ cổ mất nắp có giá tương đương 18 tỷ VND
"Bảo nguyệt bình" của vua Càn Long
Bát vẽ chim yến
v.v. 
Nhưng nói chung, về mặt giá cả, những thứ minh hoạ ở trên đều cao ngất ngưởng mà đa số nhà sưu tầm không với tới được.

Như trên mình đã nói, để hiểu về gốm sứ Tàu cổ ta phải chịu khó tham quan các bảo tàng, các triển lãm, các bộ sưu tập đồ cổ, các chợ...; được mạnh dạn tiếp xúc nhiều món cổ vật, kể cả đồ giả; phải vô cùng kiên trì tìm hiểu, ví dụ như các đường dẫn sau tạm để các bạn tham khảo. Còn thực tế, khó hơn nhiều lắm...:

   https://covattinhhoa.vn/news/detail/1203/dac-trung-cua-5-loai-su-nha-tong-va-phuong-phap-giam-dinh.cvth

https://nghethuatxua.com/hieu-de-tren-do-su-ky-kieu/

https://nguyenhadesign.wordpress.com/2024/03/23/van-tu-de-khoan-tren-vai-mon-su-co/

- ...

Gốm Việt Nam có một lịch sử lâu đời trải dài từ vài nghìn năm trước đây, bao gồm một thời gian dài trước thời kỳ Bắc thuộc thông qua các chứng cứ khảo cổ học.

Ở Việt Nam mình, ngoài gốm, sứ thì còn có đồ sành (dù không phải chỉ riêng ta có và phát minh ra nhưng hay nói đến: sành sứ) vì nó được sử dụng nhiều, phổ biến trong dân gian cách đây chưa xa như các đồ gia dụng như chum, vại, chậu... và trang trí cùng đồ sứ trong các công trình kiến trúc như chùa, điện, phủ...

Nhiều đồ gốm sành sứ Việt Nam trong và sau thời kỳ Bắc thuộc bị ảnh hưởng nhiều bởi kỹ thuật, kiểu dáng gốm TQ nhưng nguyên liệu chế tạo xương và men của đồ gốm thời kỳ này được khai thác tại chỗ; nhiều loại hình nồi, vò, vẫn giữ được nguyên dáng của truyền thống gốm Đông Sơn trước đó. 

Do vậy, gốm Việt Nam giai đoạn 10 thế kỷ sau CN, các nhà nghiên cứu quốc tế đã thừa nhận rằng, họ không nhìn thấy sự giống nhau giữa gốm thời Đông Hán ở Trung Nguyên với gốm Việt. Đây quả là sự tài tình của cha ông ta, vừa giữ gìn bản sắc, vừa lựa chọn tiếp thu kỹ thuật bên ngoài, để tạo nên nền móng vững chắc cho kỹ thuật gốm men truyền thống VN. Người Việt còn thêm vào những nét đặc sắc đến từ các nền văn hóa khác như là Kh'me, Ấn Độ và Chăm Pa...

Ở VN mình có các làng gốm truyền thống như Kim Lan, Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, Phước Tích, Bạch Liên, Gia Thuỷ, Bàu Trúc, Chu Đậu, Biên Hoà...

Nhưng do mình ham thích đồ sứ Tàu nên không có nhiều kiến thức về đồ Việt Nam ta, thành ra cũng chả dám bi bô.

 

Vò gốm, thế kỷ 5 - 6 của VN
Liễn và ấm men trắng, thế kỷ 11 - 13 của VN

Ấm men trắng, thế kỷ 12 - 13 của VN

Bát men lục, thế kỷ 13 - 14của VN

Ấm men nâu, thế kỷ 13 - 14 của VN

Lư hương gốm men lam xám, thế kỷ 16 của VN
Cổng đồng ở hai đầu cầu Trung Đạo trong Hoàng thành Huế được trang trí bằng các ô Pháp lam.
Đồ sứ sử dụng kỹ nghệ Pháp lam thời Nguyễn đang được trưng bày trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Ảnh minh hoạ là mình nhặt từ nhiều nguồn của các viện bảo tàng, các cuộc triển lãm, đấu giá... đăng trên net.