Hiển thị các bài đăng có nhãn Thú chơi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thú chơi. Hiển thị tất cả bài đăng

05/09/2024

Văn hoá rượu

 Kẻ nghiện rượu



Người Việt, ngoài truyền thống yêu nước, còn có truyền thống uống rượu. Rượu và trà từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa dân tộc. Qua bài viết này, tôi mong giúp các bạn hiểu đúng về rượu và khôi phục lại khái niệm "văn hóa rượu" thay vì coi rượu là "tệ nạn xã hội".

Rượu vốn là thức uống quan trọng trong lễ nghi, "vô tửu bất thành lễ", và không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, đặc biệt khi gặp gỡ bạn bè, tri kỷ. Nguyễn Du đã từng ca ngợi rượu trong cuộc sống tao nhã. 

Khi chén rượu, khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên


(nên mới có chăng “bầu rượu, túi thơ”)

Chén rượu của cổ nhân là chén rượu hòa với đất trời, với văn hóa và với tri kỷ.

Nhưng ngày nay, uống rượu đã biến tướng thành "nhậu rượu", mất đi nét văn hóa thi vị của thưởng thức rượu, biến rượu thành thước đo bản lĩnh đàn ông. Tuy vậy, người ta cũng đã nhắc nhở về việc uống điều độ:

Rượu nhạt uống lắm cũng say,

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.

Các cụ ngày xưa mời rượu nhau gọi là “chén tạc, chén thù”: Chủ rót rượu mời khách gọi là “tạc”, khách đáp lễ gọi là “thù”. Chứ chả ai ép ai mà tùy hứng thì nâng chén nhấp môi thôi hoặc sảng khoái cạn ly, tiêu sái.

Mà bây giờ, khi đi uống rượu ta thường thấy những cảnh kiểu “lúc nãy anh mời chú rồi, bây giờ chú mời lại anh đi”. 

Cái gọi là "ép uống" thực ra là do bản thân không tự chủ. Uống rượu là tự mình quyết định, và khi không kiểm soát được thì đừng đổ lỗi cho rượu hay bạn bè. Chỉ cần giữ mức uống vừa phải, không cần say mèm, vẫn có thể duy trì sự giao tiếp vui vẻ và chia sẻ.

Vấn đề chưa bao giờ là “rượu” hay “chuyện uống rượu”, mà là ở “NGƯỜI UỐNG RƯỢU”. Chúng ta hay đổ lỗi cho rượu nhưng thực sự vấn đề là ở ý thức uống rượu ở mỗi người. 

Hãy uống rượu có trách nhiệm và biến nó trở lại thành nét đẹp văn hóa, chứ không phải là tệ nạn xã hội.

04/09/2024

Chút chuyện về ấm và thú uống trà

Mấy mẫu ấm Tử sa  cổ

Cũng là người mê trà, nghiện trà và sưu tầm đồ pha trà nên mình có vài suy nghĩ lan man, chia sẻ cùng các đồng đạo.

Ấm Tử sa (cát - sét tím) có thể độ chục năm gần đây mới nhận được sự quan tâm, chú ý của giới trà đạo Việt. Có lẽ nhiều lý do, nhưng chắc có phần là hàng Trung Quốc vào nhiều, giá hợp lý; kiểu dáng đẹp, mẫu mã phong phú hơn so với hàng trong nước nên được yêu thích, sưu tầm. 

Chứ ngày xưa, các cụ nhà ta khá giả dùng ấm cổ thường khoe ấm gan gà Thế Đức, Lưu Bội, Mạnh Thần cơ. Cũng là tử sa Nghi Hưng  nhưng nay không còn làm nữa.

Đất làm ấm là loại đất sét, đá, có chứa thạch anh, mica, cao lanh, sắt... gì đó tuỳ thuộc vào vùng gốm nhưng làm ra đất là một quá trình vô cùng cầu kỳ, mất thời gian lại dựa vào bí truyền của từng nghệ nhân: Đất mỏ các loại đem ngâm vào nước trong bể to theo một tỷ lệ nào đó trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, thậm chí lâu hơn; hỗn hợp này bị nát ra được đánh tan trộn đều cho vào bể lắng, đất sét được lắng xuống đáy còn tạp chất nổi lên trên và bị loại bỏ; Chắt lọc ra đất tinh đem phơi trong râm khoảng 3 đến 5 ngày rồi cho vào bể ủ để đất lên men. Thời gian ủ càng lâu thì đất càng tốt, làm ra các sản phẩm tinh tế.

Ấm Tử sa là loại ấm đất, không tráng men được nung ở nhiệt độ cao trên 1.000 độ và thường có màu tím - Nó xuất sứ từ vùng Nghi Hưng, Trung Quốc. Ấm xuất hiện từ thế kỷ 15 và nổi danh dưới thời nhà Thanh cho đến nay.

Ở Việt nam mình, cũng có loại ấm tương tự này gọi là ấm da chu (ấm đất nung, không tráng men màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm - nhỏ khoảng hơn 100ml) nhưng thường đi với bộ chén hạt mít từ 3 đến 7 cái; chứ ấm Tử sa thường dùng  chén sứ - nay cải lương nên có cả chén tử sa. Ngày xưa, ấm da chu thường có 2 lớp, về sau thất truyền. Nay ấm da chu ít được dùng và chỉ còn rải rác trong dân gian

Ấm da chu và ấm đất của Việt Nam có thiết kế giản dị, chú trọng đến sự tinh tế và công năng hơn là yếu tố trang trí. Những chiếc ấm này có bề mặt mộc, thường không trang trí, vẽ hình, phản ánh phong cách thưởng trà thanh nhã của người Việt. Ấm có dáng vẻ trầm lắng, cổ điển, phù hợp với phong cách uống trà mạn của dân ta. Ấm uống trà nhiều, lâu đời có vẻ ngoài mịn bóng.


Bộ ấm da chu 2 lớp do các Cụ truyền lại cho mình.


Ấm Tử sa được làm ra từ các nguyên liệu và cách nung khác nhau. Ví dụ như đất là: Đế Tào Khang, Tử Nê, Thanh thuỷ Nê, Ngọc sa liệu, Ngũ sắc thổ, Tử kim sa, Tử ngọc kim sa... nên tạo ra các sắc màu khác nhau cho ấm.

  

Một vài mẫu đất đá làm nguyên liệu tạo ấm Tử sa.

Ấm Tử sa có nhiều dáng kiểu, điển hình và phổ biến như: Tây thi, Thạch biều, Văn đán, Chuyết cầu, Đức chung, Phan hồ, Tiếu anh, Thuỷ bình, Long đán...



Nhưng nói thật với các bạn, qua tìm hiểu, tôi thấy: Với giá tiền tầm vài triệu trở xuống thì đều là ấm đất sét tím mà thôi chứ đừng mong có đất khoáng tử sa đâu ạ.


Ấm tử sa Phỏng cổ và bộ chén sứ Thanh Hoa - Cảnh đức 
mình đang dùng.



Nói ấm Tử sa pha trà là ngon nhất là điều cần phải nghĩ, bàn. Vì tuỳ nền văn hoá, phong cách uống trà và loại trà ta pha và cách pha trà sẽ có các đánh giá khác nhau. 

Mà muốn thưởng thức trà ngon ta phải quan tâm lần lượt: Nhất nước, nhị trà, tam pha, tứ ấm. Tỷ dụ như trà móc câu Tân Cương, thì nên ưu tiên ấm sứ, ấm có tráng men trước - còn ấm Tử sa là để dành cho những người sành trà hoặc pha các loại trà Tàu. 

Về nước pha trà, được nước mưa, nước giếng là tốt chứ nước nguồn thì chỉ có lên non mới có; nước máy muốn pha ngon phải để qua đêm ngoài sân mới dùng; chớ lấy nước đóng chai, bình pha mà nhạt thếch.

Những người có thú uống trà đã đưa ra 5 chuẩn mực như “Sắc-thanh-khi-vị-thần” để thưởng thức nhưng không phải lúc nào cũng tròn vị. Nói vậy thôi chứ, tìm bạn cùng thưởng trà còn khó hơn tìm bạn rượu nhiều.

Vậy nên, có trà, có ấm,... có bạn tri kỷ cùng nâng chén không dễ các bạn nhỉ.

Mời các bạn tham khảo thêm bài Chén trà trong sương sớm của Nguyễn Tuân:

https://trabavan.com/chen-tra-trong-suong-som/

15/08/2024

SAI LẦM CƠ BẢN CỦA NGƯỜI MỚI TẬP CHƠI LAN

 


Ghép sai, phân thuốc sai. Vừa đọc vừa ngẫm, đừng đọc lướt phí thời gian.

 I. CÁCH GHÉP SAI

 1. Trồng lan quá CHẶT. Khi ghép lan vào chậu, vì sợ cây lan đổ, ngả nghiêng nên ta cố gắng nhét thật nhiều chất trồng vào chậu và nèn gốc lan thật chặt. Hậu quả là lan chết úng, rễ không phát triển được.

Khắc phục: Làm thêm vài thanh tre hoặc gỗ cắm vào chất trồng và cột 1 đầu vào sợi móc treo, sau đó cố định giả hành hoặc cây lan vào que là ổn. Đừng đè nén!

 2. Trồng lan thật SÂU trong chậu. Bỏ chất trồng ngập hết mắt ở gốc giả hành hoặc cây lan sẽ làm lan khó nảy mần hoặc nghiêm trọng hơn là thối mắt ngủ tại gốc. Cách trồng đúng thật ra chỉ đơn giản là bạn cầm bụi lan hoặc cây lan ĐẶT nhẹ nhàng lên trên giá thể trong chậu, sau đó cố định vào que như trên hoặc cố định vào dây móc, thành chậu.

3. Không xử lý giá thể. Sai lầm này thường gặp nhất, bạn quá chủ quan vì cho rằng không cần xử lý vẫn ổn. Ví dụ lũa không rửa sạch và không dùng bàn chải sắt đánh sạch sẽ làm rễ lan bám không chắc hoặc không bám được, hoặc cục lũa quá khô mà bạn không ngâm nước 1-2 ngày mà ghép ngay, giả hành hoặc cây lan của bạn sẽ bị mất nước do chính cục lũa mà bạn ghép. Hay dớn không ngâm hoặc luộc thì sau này cỏ dại sẽ mọc lên rất nhiều, bên cạnh đó còn mầm bệnh, côn trùng phá hoại, ốc sên... trong giá thể sẽ phá hoại bộ rễ lan và mầm non của bạn.....

4. Dùng quá nhiều kim loại để ghép lan như cột bằng dây thép, bắn quá nhiều ghim, đóng đinh to... sẽ làm đụt đầu rễ cây lan khi rễ bò tới chạm vào kim loại, kim loại sẽ làm xước thân lan hoặc giả hành tạo cơ hội cho nấm khuẩn xâm nhập.

5. Khi ghép lan, vì thấy rễ giả hành mẹ, bà hoặc rễ cây lan còn tươi mà bạn giữ lại quá nhiều hoặc thậm chí không cắt tỉa mà ghép luôn. Lan của bạn sẽ cực khó để bám được vào giá thể hoặc ra rễ mới. Đằng nào thì mấy cái rễ này cũng sẽ khô và chết đi, vì thế bạn nên cắt tỉa hết đi rồi hãy ghép.  Quan điểm của tôi là ghép xong là muốn ngắm luôn chứ không cần phải đợi tới khi ra hoa.

6. Ghép dày nhiều um tùm 1 đống (nùi) để thể hiện độ hoành tráng vào đẳng cấp. (Những giò lan như vậy trong mắt tôi chỉ nói nên sự khoa trương và gà mờ của người ghép. Khẳng định với bạn là không có ai được xưng là nghệ nhân mà thích cái kiểu lộn xộn um tùm đó cả). Khi cây trên cùng bị bệnh, sẽ chảy nước nhiễm bệnh xuống kéo theo cả giò bệnh. Khi cây trong cùng ra hoa, cây ngoài lấp mất coi như không có hoa. Khi cây trên ra rễ, rễ phủ qua ngọn cây dưới làm ngọn và lá cây dưới con queo... Vậy nên bạn nên ghép THOÁNG và tính toán trước đường đi của rễ và hướng vòi hoa để bố trí cho hợp lý.

7. Ghép các cây lan không cùng tuổi, không cùng kích thước với nhau. Đầu tiên nhìn vào sự lô nhô chệch choạc là thấy xấu, chưa nói tới nó sẽ nở hoa KHÔNG CÙNG THỜI ĐIỂM (đây cũng là lý do vì sao lan bán nguyên 1 giề (bụi) lại mắc hơn là rời rạc, vì giề lan bao giờ nở cũng đều hơn, khỏe hơn). Tôi ghép lan bao giờ cũng phân loại đẹp ghép riêng, xấu riêng, lớn bùi bé mềm, í lộn, lớn riêng bé riêng.

8. Gắn tã cho lan mà lấp gốc, bọc xung quanh gốc hoặc che mắt ngủ của lan. Nên gắn cách gốc ít nhất 1cm. Tôi thấy có nhiều bạn đang có giò lan đẹp từ đầu tới chân, gắn tã xong nhìn xấu hoắc. Vì bạn ốp nguyên cái vỏ dừa lên mà không gọt, tỉa và cột lại cho đàng hoàng. Tôi nhắc lại: GIÒ LAN ĐẸP KHÔNG PHẢI CHỈ ĐẸP MỖI BÔNG HOA. Chơi lan mà CHỈ BIẾT CHƠI HOA là quá xoàng (thường), NGHỆ NHÂN là phải chơi cả lá, cả thân, cả rễ, cả cái chậu và cục lũa nhé!

II. BÓN PHÂN VÀ XỊT THUỐC

1. Bón phân quá nhiều. Dư phân lan sẽ chết chắc! Thiếu hoặc không bón thì còn được. Sau bài PHÂN CHO LAN, có vài bạn hỏi tôi sao bón phân cháy hết đầu rễ, gục ngọn. Sao xịt phân làm vàng héo lá sau đó rụng lá... 

2. Bón phân chuồng mà không ủ sẽ mang mầm mống bệnh, côn trùng và cỏ dại cho giò lan. Không ủ thì cũng không có bao nhiêu chất dinh dưỡng đâu nhé bạn. Tuy nhiên ủ đúng khoa học mà tiết kiệm hiệu quả thì không phải bác nào cũng biết. Nhân đây tôi cũng nói luôn đó là Vitamin B1 (Thiamine) là 1 vitamin tan trong nước, không bền vững với nhiệt độ và ánh sáng, nên nếu có trộn với phân chuồng rồi phơi, ủ... thì phí tiền quá nhé! Bên cạnh đó các bạn nên lưu ý khi bón PHÂN VI SINH HỮU CƠ có vi sinh vật phân hủy còn sống trong thành phần. Khi bón loại này vào đất sẽ rất tốt cho đất, nếu bón vào giá thể trong chậu cũng rất tốt cho lan nhưng mấy em vi sinh vật này sẽ biến giá thể của giò lan thành dạng mùn và tạo điều kiện cho các bạn nhanh chóng thay giá thể.

3. Trộn nhiều loại phân khác tên mà cùng thành phần với nhau. Lãng phí, dư thừa và hại cho lan. Vậy nên các bạn phải học cách ĐỌC THÀNH PHẦN trên bao bì. Tên sản phẩm có khi khác nhau, nhưng thành phần thì giống nhau ví dụ chai thì ghi là THIAMINE, chai thì ghi là Vitamin B1. Thật ra 2 cái này là 1.

4. Trộn phân và thuốc nấm, vi khuẩn rồi xịt. Theo nguyên tắc, LAN BỆNH THÌ NGƯNG BÓN PHÂN. Nếu lan không bệnh thì cũng nên xịt riêng để tránh quá tải cho cây và phân thuốc trung hòa lẫn nhau gây giảm hiệu quả. Cách nhau tốt nhất là trên 2 ngày.

5. Trộn thuốc có cùng thành phần ví dụ trộn thuốc diệt nấm Ridomil với thuốc Metalaxyl M (cũng trị nấm) rồi xịt phòng và trị nấm. Ridomilgold có 2 thành phần là Mancozed và Metalaxyl ---> bạn nhìn thấy vấn đề chưa? Chính vì thế, làm ơn đọc thành phần nếu muốn trộn nhiều loại thuốc với nhau. Và lưu ý là khi mua, nên hỏi người bán cái gì trộn với cái gì được thì mới trộn, đừng làm bừa mà gây hậu quả nghiêm trọng vì có những thuốc không cho trộn với bất cứ thằng nào.

Các hãng luôn có những cặp đôi bổ khuyết cho nhau, vì vậy nếu có đi mua thuốc cho lan thì hỏi người bán như này: Bán cho bộ đôi trị nấm và vi khuẩn cho rau và hoa màu (Tìm thuốc cho lan khó như tìm... mà thôi, nói ra có khi vêu răng)

 6. Xịt sai thuốc. Bị thối nhũn do vi khuẩn mà xịt thuốc nấm và ngược lại. Xịt tới khi chết hết bụi lan quay sang chửi cửa hàng thuốc nói là họ bán thuốc giả. Cái này gọi là chày cối!

Lời khuyên của tôi cho bạn là khi xịt thuốc phòng hoặc chữa bệnh cho lan thì cứ xịt cả thuốc nấm và thuốc vi khuẩn cho chắc, thà nhầm còn hơn sót. (Tôi tính viết 1 bài về thuốc mà chưa đủ trình nên thôi, vì có nhiều loại nấm và nhiều loại khuẩn quá, mỗi loại bệnh 1 loại thuốc khác nhau. 

Khi ủ phân chuồng, tuyệt đối không được trộn thuốc nấm và khuẩn vào nhé, bạn sẽ giết vi sinh vật có ích để phân của bạn từ SỐNG THÀNH CHÍN đó, bên cạnh đó đa số thuốc sẽ bị phân hủy khi gặp đất và phân. Đừng dại nha!

 7. Xịt phân và thuốc lúc trưa NẮNG, NÓNG sẽ làm phân giải mất chất cần cho cây, làm cháy lá lan. Nên xịt lúc trời mát, tốt nhất là 17h. Xịt sau cơn mưa 1 tiếng khi lá đã khô và trước cơn mưa ít nhất 2 tiếng. Hôm sau không rửa lại lá dễ sinh ra cháy lá cho lan lá mỏng.

31/07/2024

Bộ ghế trắc khảm Bát tiên cách đây khoảng 150 năm

 Ảnh từ Cổ học tinh hoa.


Tay nghề dân mộc mỹ nghệ và thợ khảm xà cừ của xứ Việt giỏi lắm. Hồi mình vào miền Tây Nam bộ, được đến thăm 1 gia đình người Việt ở vùng sâu, không hiểu lẽ gì mà còn tồn tại toàn vẹn căn nhà và đồ đạc từ hồi ông cụ cố tạo dựng. Hiếm lắm. 

Vì lý do tế nhị, gia đình họ không muốn phô ảnh và nêu địa chỉ.

Đồ gỗ của nhà, nghe người chắt Cụ Cố kể, toàn do người Bắc được mời vào tạo nên. Đẹp và hiếm lạ vô cùng. Lòng cứ ước ao, sẽ còn nhiều, còn nhiều những bảo vật như vậy vẫn tồn tại để các thế hệ sau này biết và tự hào.

Lang thang trên net, tình cờ tìm thấy một cổ vật gần nguyên vẹn nên giới thiệu tới mọi người.

Ban đầu, bộ ghế trắc khảm tích bát tiên là của một gia đình có quyền thế ở Thanh Hóa thời Nguyễn. Sau cải cách ruộng đất, nhà ông may mắn có được và giữ gìn và coi như một vật gia bảo trong nhà cho đến nay, nhà sưu tầm chia sẻ.

Hiện vật gồm 4 ghế gỗ trắc rất dày dặn, nét đục sắc nét, khuyết mất chiếc bàn. Sau hơn 100 năm, ghế khảm lành nguyên, giữ được nét đẹp nguyên bản từ vân gỗ cho đến chi tiết khảm ốc.

Mỗi ghế khảm một tích Bát tiên riêng, chung quanh khảm tứ quý với các chữ Phúc – Lộc – Thọ. Đó là họa vị tiên Hòa Hợp, tiên Yên Hài, Vương Mẫu… có sự tích được viết trong sách đông du bát tiên. Tích Bát tiên là biểu trưng của sự trường sinh và những điềm lành.

Về phong cách tạo hình, ở đây có sự kết hợp giữa 3 phong cách Việt, Trung Hoa và phong cách Louis XIV của Pháp. Ta thấy nét đục đẹp cùng tạo hình gậy như ý theo lối Trung Hoa, trong khi lối khảm ốc Việt chi li, rất đẹp. Ngoài ra, ghế có tay vịn và chân tạo dáng nai vuốt rất đẹp mang phong cách đồ thời Louis XIV của Pháp (còn gọi là phong cách Baroque vì sự lộng lẫy huy hoàng và vinh quang). Đây là 1 trong 3 thời vua làm nền tảng cho phong cách nội thất cổ điển Pháp.

Đây là một hiện vật quý hiếm, gỗ cổ, khảm cổ được nhiều người yêu thích cổ ngoạn và nhà sưu tầm lâu năm, khó tính đánh giá đẹp nhất ở Hà Nội hiện nay, chủ nhân cho biết.

 















29/12/2023

CÁC TRƯỜNG PHÁI BONSAI NỔI TIẾNG Ở TRUNG QUỐC

 St trên net


 Nghệ thuật trồng bonsai của Nhật Bản từ xưa vốn đã nổi tiếng toàn thế giới vì sự cầu kỳ, tinh tế. Tuy nhiên, bạn có biết rằng Bonsai thực chất bắt nguồn từ Trung Quốc không? Cùng ChineseRd tìm hiểu các trường phái Bonsai nổi tiếng tại Trung Quốc nhé!



Các trường phái Bonsai nổi tiếng tại Trung Quốc

Bonsai Trung Quốc là một “tên tuổi” khá lớn trong cộng đồng người chơi bonsai thế giới. Bên cạnh một số các đặc điểm tương đồng với bonsai Nhật Bản, bonsai Trung Quốc vẫn có những đặc trưng “dị biết” mang đậm nét dân tộc đặc thù.

Trường phái An Huy

Khu vực Huyện Hợp và Vân Nam của An Huy bốn mặt là núi vây quanh nên dân chúng ở đây thường trồng cây trên sườn núi để dùng cho Bonsai. Vì thế họ có kinh nghiệm phong phú về trồng trọt và tạo dáng. Hình thành một phong cách nghệ thuật độc đáo, trở thành một phái gọi là phái An Huy.

Chậu cảnh phái An Huy có đặc điểm là màu xanh độc đáo. Cái độc đáo của nó là thân cây tạo dáng rất tinh xảo, đối xứng nhau.

Trường phái An Huy

Bonsai An Huy tạo dáng đều bắt đầu từ cây non, rồi dùng gậy cắm vào đất làm vật chống cây giúp tạo dáng. Mỗi năm tiến hành một lần, chủ yếu là uốn cong hình thể cành lớn. Còn cành nhỏ thì không phải gia công. Một chậu cảnh từ lúc đánh rễ cho đến khi định hình thường phải trải qua 10 năm.

Ngoài tạo dáng kiểu quy tắc ra, Bonsai An Huy cũng có các loại cây cảnh dạng tự nhiên. Thân cây hơi cong còn các cành đều dùng phương pháp tạo dáng cắt tỉa để mô phỏng hình dáng cây thiên nhiên.

Trường phái Thượng Hải

Trường phái Bonsai Thượng Hải có nhiều hình thức phong phú. Có loại chăm sóc từ lúc nhỏ, cũng có loại đào trên núi mang về chăm sóc. Tạo dáng đều dùng phương pháp “Bó thô cắt nhỏ”.

Trước tiên lấy giàn thép bó lại các nhánh chính. Sau một năm cởi dây ra và gia công cắt tỉa. Sau khi thành hình các nhánh cây sẽ uốn cong tự nhiên, đường nét sáng sủa. Các lá cây sẽ phân bổ từng ô, hình thành tự nhiên.

Trường phái Thượng Hải

Căn cứ vào đặc trưng các loại cây cũng như thần sắc, vòng cây hình thành một cách tự nhiên, tránh tạo dáng mềm yếu và cứng nhắc. Phái Bonsai Thượng Hải thường thông thoáng, tầng lớp rõ rệt, biến hóa phong phú như vẽ trong tranh.

Trường phái Dương Châu

Chậu cảnh Bonsai Dương Châu, phần lớn là phỏng theo hình ảnh những ngọn núi cao trùng điệp. Có đặc điểm dùng kỹ thuật “quấn” để tạo dáng. Do đó phải gia công từ lúc còn non.

Trường phái Dương Châu

Chậu cảnh Bonsai Dương Châu thường rải sỏi trong chậu gọi là điểm thạch. Lấy sỏi đá so sánh với thực vật làm cho cây có khí thế ngút trời. Đồng thời tăng thêm dáng vẻ tự nhiên.

Bonsai Dương Châu còn 1 loại đặc biệt là kiểu Thủy hạn, nghĩa là trong chậu cảnh có một phần đất, còn 1 phần là nước. Như vậy có sơn thủy lại trồng cây nên rất được ưa chuộng.

Cùng với loại này còn có loại “Hạn bồn thủy ý” dùng đá cuội nhỏ để thay cho nước chảy. Tuy không trữ nước song có cảm giác như nước chảy.

Trường phái Tô Châu

Các nghệ nhân Tô Châu thường chọn dùng các chậu cây theo phong cách cổ xưa tao nhã, mang ý vị sinh động, tình cảnh hòa quyện với nhau. Thường chọn dùng các loại chậu từ đất sét, trang trí với các loại đá như anh thạch, đá Thái Hồ v.v. dùng để tạo núi đá.

Trường phái Tô Châu

Các nghệ nhân thường đào các cây cổ ở núi, rồi ghép thêm cành vào, dùng phương pháp chỉnh hình “quấn thô cắt nhỏ” hình thành. Toàn bộ lấy quấn làm chính và cần tới hơn 10 năm thì quá trình gia công mới hoàn thành.

Gần đây, chậu cảnh phái Tô Châu đã phá vỡ phương pháp truyền thống lấy thiên nhiên làm đẹp, phản đối tạo dáng mềm mại, dùng quấn là chính trở thành dùng cắt là chính, lấy quấn làm cơ bản.

Trường phái Tứ Xuyên

Chậu cây Bonsai ở khu vực Tứ Xuyên chú trọng đến phong cách cổ xưa. Gốc cây trông rất đơn giản, nhưng yêu cầu kỹ thuật của người nghệ nhân rất cao.

Trường phái Tứ Xuyên

Khi cây còn nhỏ, thân và cành phải uốn cong theo nhiều cách khác nhau. Chú trọng cấu trúc không gian lập thể. Phong cách này sử dụng kỹ thuật buộc dây quấn rồi uốn cong các cành cây thành các vòng xoắn tạo nên những nhịp điệu độc đáo. Phối hợp với các bộ núi nhỏ và đá. Đá thường dùng loại đá hoa văn rùa, đá vân mẫu, thạch nhũ,…

Trường phái Lĩnh Nam

Những nghệ nhân Bonsai dùng cảnh sắc “nhấp nhô chập chùng” để sáng tạo ra phương pháp tự hình “cắt tỉa”. Loại chỉnh hình này có tỉ lệ thích đáng giữa cành và lá, trên dưới đều nhau. Chú trọng đường cong ở rễ, thân và cành. Cây có dáng tự nhiên không gò bó. Mặc dù do bàn tay người tạo ra song đem lại sự hưởng thụ cái đẹp thiên nhiên hình thành một phong cách độc đáo.

Trường phái Lĩnh Nam

Hình thức thường thấy của Bonsai Lĩnh Nam là hình đại thụ, thân cây chắc khỏe, rễ cây sum xuê, lá mọc rậm rạp.

Các trường phái Bonsai tại Trung Quốc vô cùng đa dạng và phong phú, muôn hình muôn vẻ khác nhau. Bạn còn biết các trường phái Bonsai nào khác không?

30/10/2023

Tản mạn thú uống trà người Việt ta

 


Bán dạ tam bôi tửu,
Bình minh số trản trà.
Nhất nhật cứ như thử.
Lương y bất đáo gia



 Lê Hữu Trác

 

Mỗi sớm pha ấm trà

Niềm vui đến chật nhà

Hương bốn mùa gói lại

Gửi tặng người đường xa.

(Phạm Thuận Thành)

 

Người Việt ta dù cầu kỳ nhưng chả rườm rà như người Nhật (trà Đạo), hay Trung Quốc (Kungfu Cha). Phong cách thưởng thức trà của người Việt mình mang một sắc thái rất riêng, ghi đậm dấu ấn bản sắc Việt – đó là trang trọng mà nôm na (tôi tạm đặt thế). Các Cụ xưa cũng cho rằng người Việt uống trà là cả một nghệ thuật. Với mỗi một loại trà khác nhau lại có cách uống khác nhau, kỹ năng pha chế hay rót tách trà cũng vì thế mà không giống nhau.

Người Việt có cách ẩm trà rất riêng, rất độc đáo. Các Cụ xưa cho rằng uống trà là một nghệ thuật, mà nghệ thuật thì phi công thức. Vì lẽ ấy từ xa xưa, các Cụ khi uống trà thường đưa tách trà qua mũi để tận hưởng hương vị trà tựa như tây lông uống rượu vang vậy.  Sau đó họ mới hạ dần xuống miệng, môi nhấp ngụm nhỏ thấy chát đắng, chân răng cảm nhận như chặt lại, miệng chép liền mấy cái để thấy vị ngọt dịu nơi đầu lưỡi. Mắt lim dim thưởng hậu và đánh giá chén trà một cách thâm thuý.

Một chén trà ngon thể hiện cái tâm, cái tình của người pha trà. Để có được một chén trà ngon, tròn, đẹp cả hương lẫn sắc người pha trà phải rất chú tâm. Họ phải đặt hết tình cảm, tâm tư của mình vào việc pha trà và coi đó như một thú vui tao nhã. Không ai có thể pha một tấm trà ngon khi giận giữ. Chỉ sau khi nguôi ngoai người ta mới có thể ngồi uống trà như một cách thiền “chính niệm” vậy.

Bạn bè thân quen tới nhà, cơm rượu gì chưa nhắc, nhưng phải pha ấm trà ngon để hàn huyên là phải có. Những nhà theo lối xưa, trên bàn trà phòng khách luôn có trữ sẵn lọ kẹo lạc, dồi, mấy phong đậu xanh hoặc chút mứt sen (ngày xưa còn có chè lam)... để đãi khách, thưởng trà. Hiếm lắm, những người bạn tri giao gặp gỡ thì càng không thể thiếu được ấm trà ngon, giấu kỹ, để dành đem ra đãi bạn... Ấy là tôi nói đến những dịp trang trọng để thưởng trà một cách cấu kỳ. Còn thì nhiều dịp, nhiều cớ để thưởng thức thứ thức uống này trong cuộc sống bận rộn nên thành đơn giản đi nhiều.

Trà đạo ở Việt Nam không phổ biến. Lý do bởi người thưởng trà không coi uống trà là đạo. Họ uống trà để giao lưu hoặc đơn giản nhất là để tráng miệng. Thế nên, trà được đà cứ len lỏi, xâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống mà vì thế phụ nữ cũng chả kém trong việc thưởng trà.

Trà xanh (mới hái) và trà mạn (sao khô) là hai dạng nguyên chất và phổ biến nhất. Dọc khắp Bắc – Trung – Nam, trà được trưng dụng từ trong nhà ra đến vỉa hè, ngày thường cũng như mọi dịp lễ hỏi hay buổi đàm đạo…

Hãm chè vô cùng đơn giản. Tuy nhiên để ngon thì không phải ai cũng biết cách. Trà tươi chỉ việc rửa sạch, đun sôi nhưng đừng để quá lâu kẻo đắng. Trà mạn phải tráng qua một lượt nước nóng để gạn bỏ bụi mốc như nhiều người lầm tưởng, thật ra đây là đánh thức trà (làm vậy cho trà nở ra, lúc này đã có hương thơm của trà rồi – nước lúc này chỉ cần 5 – 60 độ là được). Sau đó họ sẽ tưới nước sôi bên ngoài ấm tích trong khi hãm để cấp đủ nhiệt. Nước pha trà phải sôi, nhưng khi rót nước vào ấm thì không được dội nước sôi đó, mà để nó nguội chút như 90 độ là chuẩn.

Người sành sỏi còn sưu tầm nhiều dụng cụ thưởng thức trà như: ấm, chén, chén chuyên, lọ đựng trà, thìa đong... và tuyển chọn những loại tuyệt hảo để thỏa mãn thú thưởng trà của mình. Còn với người lao động, chỉ cần ly trà ấm nóng mùa đông hoặc bỏ thêm vài ba viên đá (trà đá) giải khát mùa hè là đủ.

Âu cũng là dăm ba câu bi bô về một thú chơi để mọi người nhìn ngắm.

Làng  xưa  như  mộng  trong  ngần

Can qua chưa dứt, yên phần mừng thay

Bao giờ lều cỏ núi mây

Pha trà nước suối, gối say đá mềm

(Nguyễn Trãi)


09/10/2023

Các loại, dạng thuốc tẩu

 

Từ nguồn CLB Khói lửa



Thưa các bạn, ở đây mình không đề cập đến các thương hiệu thuốc tẩu và thuốc tẩu có trên thị trường, bởi vì nó mênh mông vô cùng, lại nữa, với trình độ mình cũng chả hiểu và biết được.

Bài này, mình đề cập đế các dạng thuốc tẩu và công thức pha chế thuốc trộn phổ biến được sử dụng mà thôi.

1) Broken Flake – Những mảnh vỡ:

Thường được cắt ra từ những bánh thuốc lớn, vì vậy chúng thường không có hình dạng cố định, tỉ lệ chiều dài thường có kích cỡ là 1/8”. Khá dễ dàng để người hút nghiền nhỏ thành những mẩu vụn hay sợi nhỏ kiểu Ribbon, hoặc đơn giản là tẩu thủ có thể nghiền nhỏ và vo viên để hút, cách bảo quản có thể để chúng ở nơi thoáng mát, và thời gian bảo quản là khá dài.

 2) Curly Cut/Coin (nhà ta gọi là Xu):

Được cắt theo hình dạng khoanh tròn từ những bó thuốc được cuốn như dây thừng, cắt thành những lát mỏng, giống những đồng xu, khi hút có thể nghiền trên tay thành những sợi nhỏ hoặc vo tròn để hút.

 3) Flake (Lá, mảnh mỏng):

Những lát thuốc Flake sẽ có hình dạng chữ nhật. Khi hút có thể xé nhỏ thành từ sợi nhỏ, hoặc tán thành những lá mỏng, hay vo tròn rồi hút.

 4) Plug/Cake/Cube (Hình khối chữ nhật):

Hình dáng được hình thành bằng cách xếp những lá thuốc thành lớp, phơi khô và nén chặt lại. Với cách này thì thuốc để được khá lâu vì hình dáng và cách thức ép lá này khiến không khí ít tác động hơn cả. Để sử dụng các viên thuốc/thanh thuốc này thì người hút cần cắt chúng thành những lát mỏng, và phải cắt theo thớ lá, dao phải sắc, nếu không sẽ làm vỡ cấu trúc của thanh thuốc.

 5) Ribbon (Sợi mỏng, sợi rối):

Hình dáng này được hình thành bằng cách cắt những thanh thuốc (plug) bằng máy cắt công nghiệp, những sợi này rất mỏng, chỉ có kích cỡ bằng 1/16”. Vì vậy loại thuốc này sẽ không để được lâu sau khi mở. Việc lưu trữ cũng rất cẩn thận. cách hút cũng đơn giản, chỉ cần nhồi thuốc và đốt.

 6) Rope/ Twist (Dây Thừng):

Hình dáng mô phỏng theo hình Dây Thừng, được cốn thành những sợi dài và có kết cấu khá chặt với đường kính khoảng 1” và được bán theo kiểu lòng lợn tiết canh. Người mua sẽ mua từng đoạn một. Mặc dù đây là một dạng hình dáng thuốc khá hiếm gặp nhưng chính nhờ kết cấu như vậy mà thuốc được bảo quản khá tốt. Cũng giống theo dáng thuốc Plug. Để hút được những dây thuốc này cần cắt chúng thành những lát mỏng và vò nát trước khi nhồi vào tẩu.

 7) Shag (Sợi Vụn):

Gần giống với dạng Ribbon, nhưng sợi đượi cắt mỏng hơn, đều và mịn. Loại cắt theo hình dáng này cần bảo quản trong hộp kín và tránh tiếp xúc với không khí, để tránh cho thuốc bị khô.

2 loại trộn thuốc tẩu thường sử dụng

Ai cũng đều ngầm hiểu rằng, quá trình trộn thuốc là một trong những bước đòi hỏi sự cẩn trọng nhất đối với bất kỳ loại thuốc nào. Nói một cách nôm na thế này, việc trộn thuốc giống như việc chuẩn bị một món ăn mang đậm sự tinh tế và dư vị khi thưởng thức. Một người sành ăn sẽ biết ngay đâu là món ngon khi chỉ cần nhìn vào món ăn đó. Mỗi một hãng thuốc lá đều giữ cho mình một công thức và các phương pháp riêng biệt cho mỗi loại thuốc của họ. Vì chính những công thức này đem đến sự nổi tiếng cũng như thị phần của mỗi hãng, nên các công thức này được bảo mật tuyệt đối. Nên mỗi một dòng thuốc là một công thức duy nhất, không giống bất kỳ một dòng thuốc nào khác. Tuy nhiên, có thể tạm chia dòng thuốc trộn thành hai loại riêng biệt:

1) Thuốc trộn kiểu Anh (english blends):

Có thể nói là thuốc trộn kiểu Anh có một bề dày lịch sử, với đặc tính hướng về sự tinh khiết của các lá thuốc, hoàn toàn không pha trộn hương liệu, đặc trưng trong mỗi hộp thuốc trộn kiểu Anh là lá Latakia và các dòng thuốc Oriental khác, mỗi một loại mang tới một hương vị riêng biệt, khi kết hợp với nhau sẽ tạo thành vị thuốc rất khác biệt. Sở dĩ thuốc trộn kiểu Anh được khá nhiều người ưa chuộng vì bản thân thuốc trộn kiểu Anh đem đến sự cảm nhận hương vị một cách mộc mạc và chân thật nhất, đặc tính là thuốc trộn kiểu Anh bao giờ cũng có mùi vị mạnh hơn so với thuốc thơm và thuốc trộn kiểu Anh bao giờ cũng khô hơn so với thuốc thơm.

2) Thuốc Thơm:

Thường được trộn với thành phần chính là lá Burley hoặc dòng lá Cavendish, tất nhiên là các dòng lá này mang lại vị nhẹ hơn so với các dòng lá được trộn kiểu Anh.

Những nguyên liệu thường thấy ở thuốc thơm đó là: Cacao, mật mía, tinh chất được chưng cất từ cam thảo và Vani, các loại hạt và hoa quả, đặc biệt là Kiwi, hạt vải cũng được tìm thấy trong một số loại thuốc trộn và còn rất nhiều hương liệu khác, những tinh chất phổ thông như Chocolate, mật ong, rượu rum, anh đào, táo, đào, chuối, café và có thể là mùi rượu Bourbon, whiskey single malt, đều nhằm mục đích làm tăng vị mạnh và vị đậm của thuốc trộn.

Tóm lại dù là thuốc trộn kiểu Anh hay là thuốc trộn thơm thì chúng vẫn phải trải qua một quá trình lên men (tạm gọi là lên tuổi – aging). Điều này nhằm một mục đích duy nhất là dành thời gian ngấm và thẩm thấu hương vị của các loại lá. Ai chơi tẩu cũng vậy, đều có một thời gian đầu là tay mơ. Việc chọn loại thuốc lá phù hợp với chính bản thân người hút và cây tẩu là điều rất khó khăn, cá nhân mình cũng không khác gì.

Vậy nên mình viết bài này, rất mong các bạn đọc và rút ra một số điều cơ bản còn thuốc thơm hay mộc cũng không quan trọng, cái quan trọng là khi bạn hút, cối thuốc đó đem lại cho bạn điều gì?

Ngay thuốc mình dùng là tự pha trộn giữa kiểu Anh và thuốc lá thơm: Lá thuốc Bắc Sơn – Lạng Sơn do ông bạn thân cung cấp, sợi mộc của lá Virginia – Mỹ là em giai đưa, cùng vani, mật ong, ca cao và chút rượu cognac... Ủ lên men trong nơi tối 3 năm.