05/09/2024

Văn hoá rượu

 Kẻ nghiện rượu



Người Việt, ngoài truyền thống yêu nước, còn có truyền thống uống rượu. Rượu và trà từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa dân tộc. Qua bài viết này, tôi mong giúp các bạn hiểu đúng về rượu và khôi phục lại khái niệm "văn hóa rượu" thay vì coi rượu là "tệ nạn xã hội".

Rượu vốn là thức uống quan trọng trong lễ nghi, "vô tửu bất thành lễ", và không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, đặc biệt khi gặp gỡ bạn bè, tri kỷ. Nguyễn Du đã từng ca ngợi rượu trong cuộc sống tao nhã. 

Khi chén rượu, khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên


(nên mới có chăng “bầu rượu, túi thơ”)

Chén rượu của cổ nhân là chén rượu hòa với đất trời, với văn hóa và với tri kỷ.

Nhưng ngày nay, uống rượu đã biến tướng thành "nhậu rượu", mất đi nét văn hóa thi vị của thưởng thức rượu, biến rượu thành thước đo bản lĩnh đàn ông. Tuy vậy, người ta cũng đã nhắc nhở về việc uống điều độ:

Rượu nhạt uống lắm cũng say,

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.

Các cụ ngày xưa mời rượu nhau gọi là “chén tạc, chén thù”: Chủ rót rượu mời khách gọi là “tạc”, khách đáp lễ gọi là “thù”. Chứ chả ai ép ai mà tùy hứng thì nâng chén nhấp môi thôi hoặc sảng khoái cạn ly, tiêu sái.

Mà bây giờ, khi đi uống rượu ta thường thấy những cảnh kiểu “lúc nãy anh mời chú rồi, bây giờ chú mời lại anh đi”. 

Cái gọi là "ép uống" thực ra là do bản thân không tự chủ. Uống rượu là tự mình quyết định, và khi không kiểm soát được thì đừng đổ lỗi cho rượu hay bạn bè. Chỉ cần giữ mức uống vừa phải, không cần say mèm, vẫn có thể duy trì sự giao tiếp vui vẻ và chia sẻ.

Vấn đề chưa bao giờ là “rượu” hay “chuyện uống rượu”, mà là ở “NGƯỜI UỐNG RƯỢU”. Chúng ta hay đổ lỗi cho rượu nhưng thực sự vấn đề là ở ý thức uống rượu ở mỗi người. 

Hãy uống rượu có trách nhiệm và biến nó trở lại thành nét đẹp văn hóa, chứ không phải là tệ nạn xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét