Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm thực. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ẩm thực. Hiển thị tất cả bài đăng

28/11/2023

Mỳ hủ tiếu Chợ Lớn

 Sài gòn nhỏ


Từ lâu rồi, món hủ tiếu (hay “hủ tíu”) được xem như là đặc sản của cả miền Nam chứ không riêng gì Chợ Lớn. Có nhiều trường phái hủ tiếu khác nhau như hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Sa Đéc, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu mì của người Hoa Chợ Lớn cho tới hủ tiếu gõ bình dân đầu ngõ – món ăn ngon, rẻ, chắc bụng của người lao động nghèo. Mỗi trường phái có một nét độc đáo riêng mà trong đó trường phái nhiều chủng loại nhất chính là hủ tiếu mì của người Hoa Chợ Lớn.

Một tiệm mì kiếng kiểu xưa ở Chợ Lớn (ảnh: Eric RAZ/Gamma-Rapho via Getty Images)

Người Hoa ăn hủ tiếu mì cũng như người Việt ăn phở. Nhiều lúc tôi cũng không dám chắc rằng mình ăn phở nhiều hơn hay hủ tiếu mì nhiều hơn. Lúc nhỏ tôi cứ thắc mắc cái tên “hủ tiếu mì” từ đâu mà có. Hai chữ “hủ tiếu” chắc chắn không phải là tiếng Quảng Đông vì người Quảng Đông gọi “hủ tiếu mì” là “phảnh mìn” (粉麵- âm Hán Việt là “phấn miến”).

Theo Wikipedia, hủ tiếu bắt nguồn từ chữ “粿條” (âm Hán Việt là “quả điều”) mà tiếng Triều Châu đọc là “kway teo”, người Việt mình đọc trại ra là “hủ tiếu”. Những người miền Nam lớn tuổi như bà ngoại tôi lúc sinh thời còn gọi là “củ tíu” hoặc “củi tíu” chứ không gọi là “hủ tiếu” như ngày nay. Điều này càng khẳng định một điều là “hủ tiếu” hay “củ tíu/ củi tíu” chính là âm đọc trại của “kway teo” mà ra. Còn “mì” là âm đọc trại của chữ “mee” trong tiếng Triều Châu. Như vậy “hủ tiếu mì” theo cách gọi của người Việt Nam chính là đọc trại từ “kway teo mee” của tiếng Triều Châu chứ không phải là theo cách đọc “phảnh mìn” của người Quảng Đông.

Đặc điểm nhận dạng của một quán hủ tiếu mì kiểu người Hoa trong Chợ Lớn chính là chiếc xe kiếng được trang trí bằng bức tranh vẽ trên kiếng những tích truyện Tàu như Tam anh chiến Lữ Bố, Quan Công phò nhị tẩu, liên hoàn kế, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê… được ghép cạnh nhau thành một bức tranh liên hoàn.

Mỗi bức tranh đều có chú thích bằng chữ Hoa (đôi khi cả tiếng Việt) tóm lược về tích truyện được vẽ. Hồi nhỏ sống với bà ngoại, tôi được bà kể cho nghe những điển tích trong truyện Tàu nên tôi nhận ra hầu hết những tích được vẽ trên xe kiếng hủ tiếu mì. Mỗi lần đi ăn hủ tiếu, tôi thích chọn ngồi gần xe hủ tiếu để vừa ăn vừa ngắm những bức tranh kiếng vừa tưởng tượng đến những điển tích trong tranh vẽ. Đó là một cái thú mà có lẽ chỉ có đi ăn hủ tiếu mì mới có được.

Mì má heo (ảnh: baokiengiang.vn)

Các quán hủ tiếu mì truyền thống ở Chợ Lớn được phân ra ba đẳng cấp theo một quy luật ngầm bất thành văn. Đầu tiên là những xe kiếng bán dạo, cứ tối đến là lại chọn một góc phố nào đó mà đứng, bày mấy cái bàn inox và mấy chiếc ghế con. Những xe này không treo bảng hiệu. Người ăn cứ quen khẩu vị mà tìm đến. Có những chiếc xe đã đứng ở một góc đường nào đó trong Chợ Lớn gần nửa thế kỷ, trải qua mấy thế hệ chủ, mà vẫn có khách quen đến ăn.

Loại thứ hai là những quán hủ tiếu nhỏ bán trong nhà, có thể có hoặc không có bán điểm tâm được gọi là “mì gia”. Tên quán thường gồm hai chữ và có chữ “Ký”. Có tiệm thì viết tên theo âm Hán Việt bên cạnh chữ Hoa như Tuyền Ký, Lâm Ký, Vĩnh Ký. Cũng có tiệm ghi thẳng phiên âm tiếng Quảng Đông bằng tiếng Việt như Phoóng Ký (âm Hán Việt là Phương Ký) hay Dậu Ký (Hữu Ký).

Cuối cùng là những quán to và sang trọng gần như một nhà hàng, bán nhiều loại hủ tiếu và điểm tâm khác nhau. Thực khách ở những quán này thường là đi với gia đình hoặc bằng hữu, vừa ăn hủ tiếu mì vừa ăn các món điểm tâm há cảo xíu mại và ngồi nhẩn nha uống trà tán gẫu hết nguyên buổi sáng. Đây là những quán tên ba chữ và cuối cùng thường kết thúc bằng chữ “Viên” như “Đông Hưng Viên”, “Tân Lạc Viên”, “Quảng Huê Viên”…

Mì hoành thánh (ảnh: VOV)

Kéo mì cũng lắm công phu

Hai thành phần chính của món “hủ tiếu mì” là hủ tiếu và mì. Hủ tiếu của người Hoa thường ăn là loại cọng lớn như bánh phở và mềm nên thường được người Việt gọi là hủ tiếu mềm, để phân biệt với loại hủ tiếu cọng nhỏ ăn dai dai thành phần chính của món hủ tiếu Nam Vang hay hủ tiếu Mỹ Tho.

Có người cho rằng hủ tiếu là biến thể của món mì, khi không có bột mì để làm nên sợi mì thì phải làm bằng bột gạo. Hủ tíu có thể đặt mua ở các lò làm bánh phở hay bún, nhưng mì thì thường được các xe hủ tíu mì làm tại chỗ. Mì thường làm bằng bột mì trộn với trứng gà để tạo độ dai và mùi thơm và kéo thành sợi dài và sau đó quấn thành vắt hình quả trứng. Mỗi tiệm mì có một bí quyết kéo mì khác nhau để tạo thương hiệu riêng.

Làm mì hay còn gọi là “kéo mì” là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sức khỏe, sự khéo tay và nhanh nhẹn chính xác. Người kéo mì sẽ nhào một cục bột mì to khoảng 1-2 kg, sau đó dùng tay kéo dài nó ra rồi gấp đôi lại, rồi lại chà thêm một lớp bột mì khô bên ngoài để những sợi mì không dính lại với nhau. Cứ mỗi lần kéo vào gấp đôi lại, cục bột sẽ dài hơn và mỏng đi cho tới lúc biến thành những sợi mì vừa dài vừa mảnh.

Ảnh: VOV

Thỉnh thoảng cao hứng, sư phụ kéo mì lại tung cục bột mì đang kéo lên cao để nó quay vòng vòng trên đầu rồi lại chụp lấy và kéo tiếp. Nói thì lâu chứ làm thì rất nhanh. Đôi tay người làm mì cứ thoăn thoắt kéo bột, chập bột rồi lại kéo, lại chập, chẳng mấy chốc cục bột to tướng đã trở thành những sợi mì. Sau đó là đến công đoạn cắt mì và quấn lại thành từng vắt và phủ lên đó một lớp bột mì sống để cho các vắt mì đừng dính vào nhau, rồi xếp vào ngăn tủ kính trên xe mì. Đó gọi là mì tươi, khách ăn tới đâu thì làm tới đó và buộc phải bán hết trong ngày. Nếu để qua đêm thì sẽ mất vị ngon.

Do việc làm mì tươi đòi hỏi nhiều công sức kỹ thuật cũng như khó bảo quản nên một số xe mì dùng vắt mì khô để thay thế. Những vắt mì khô cũng được làm từ cùng nguyên liệu là bột mì trộn trứng nhưng lại được kéo bằng máy trong các lò sản xuất công nghiệp và sau đó được sấy khô, đóng vào bao ni lông đem bán ở các cửa hàng đồ khô ở chợ. Dĩ nhiên mì khô không thể nào sánh được với mì tươi làm tại chỗ về độ thơm ngon. Người sành ăn vừa cắn vào cọng mì có thể nhận ra ngay đó là mì tươi hay mì khô.

Người ăn hủ tiếu mì sành điệu chỉ thích những quán có làm mì tươi chứ không bao giờ ăn mì khô thương phẩm bán trong túi ni-lông ngoài chợ. Khi luộc lên trong nước lèo, cọng mì có màu vàng óng, hơi trong và ăn dai dai sần sật và thơm mùi trứng. Còn mì khô không có đặc điểm này, đã vậy còn rất dễ nát nếu trụng nước sôi quá tay.

Thế giới hủ tiếu mì

Thế giới hủ tiếu mì người Hoa rất phong phú và đa dạng với mì xá xíu, mì thập cẩm, mì hoành thánh, hủ tiếu cá, hủ tíu bò viên, hủ tíu gà xé, hủ tíu mì sườn… Cũng giống món phở của người Việt, “linh hồn” của món hủ tiếu mì chính là nồi nước lèo được nấu nhiều giờ bằng xương heo hay xương gà và khô mực để lấy nước ngọt.

Nước dùng của loại này thường trong và vị ngọt thanh. Khi ăn, người ta trụng hủ tiếu và mì vào nước sôi cho chín rồi bỏ vào tô, xếp thịt, cá, tôm, gan, cật… lên trên, rắc thêm hành lá, hẹ, tóp mỡ rồi chan nước lèo vào. Tùy theo sở thích mà người ăn có thể chỉ ăn mì hoặc ăn hủ tiếu hoặc ăn cả mì lẫn hủ tiếu. Sợi mì vàng, dai dai và thơm mùi trứng còn sợi hủ tiếu thì trắng và mềm khi ăn chung với nhau tạo nên một khẩu cảm đối lập khá thú vị.

Mì cật (ảnh: Thanh Niên)

Biến thể của hủ tiếu mì nước là hủ tiếu mì khô, với mì riêng và nước lèo riêng. Với kiểu ăn này thì người bán sẽ trộn dầu hàu, nước tương, dầu mè vào tô hủ tiếu mì đã trụng nhưng không chan nước lèo, còn nước lèo thì được đựng trong một chén riêng để người ăn chan vào từ từ hoặc húp riêng ở ngoài. Nhiều người thích ăn hủ tiếu mì theo cách này vì sợi mì được trộn với dầu hào có vị rất đậm đà và dai hơn mì nước, vì không bị ngâm trong nước lèo quá lâu.

Khác với cách ăn phở hoặc bún của người Việt, người Hoa ăn hủ tiếu mì nước trong không bỏ rau sống, giá hay chanh mà chỉ bỏ vài lá xà lách và nhiều hẹ vào để hút bớt chất dầu mỡ. Các quán bán hủ tiếu mì ở Sài Gòn sau này do để phục vụ khẩu vị của thực khách người Việt nên để thêm rổ rau giá sống, chanh tươi cắt lát và thậm chí chai nước mắm để người ăn nêm nếm. Riêng tôi, tôi không bao giờ nêm nếm tô hủ tiếu mì của mình bằng nước mắm hay vắt chanh vào vì như vậy thật sự rất trái vị.

Nói về gia vị để nêm nếm khi ăn hủ tiếu mì, trên các bàn ăn trong quán hủ tiếu mì luôn có bốn hũ: Xì dầu, dấm đỏ, sa tế và ớt ngâm. Xì dầu và dấm đỏ được đựng trong hũ thủy tinh có nắp nhựa màu xanh lá cây và màu đỏ đục hai lỗ ở hai đầu – xanh là xì dầu, còn đỏ là dấm. (Hồi còn nhỏ, tôi luôn thắc mắc tại sao trên nhãn nước tương Nam Dương hiệu con mèo đen có ghi chữ “tàu vị yểu”. Người Quảng Đông gọi nước tương là “xì dầu”, là cách nói tắt của từ “tầu xì dầu” (dầu đậu tương) mà ra, và “tàu vị yểu” có thể lại là một cách đọc trại của “tàu xì dầu” chăng?)

Còn sa tế và ớt ngâm thì đựng trong hũ sành trắng viền xanh có muỗng nhỏ để múc. Người ăn có thể rót nước chấm thẳng vào trong tô của mình hoặc cầu kỳ hơn thì rót mỗi thứ một chút ra một cái đĩa nhỏ rồi dùng đũa trộn đều với nhau rồi gắp thịt chấm vào đĩa. Ăn hủ tiếu mì mà thiếu xì dầu, dấm đỏ và sa tế cũng như ăn bún bò thiếu ớt khô hay bún riêu thiếu mắm tôm vậy. Một thứ gia vị nữa không thể thiếu của hủ tiếu mì là tóp mỡ (tiếng Quảng Đông gọi là “chúy dầu cha”).

Tóp mỡ là thứ không nên thiếu trong một tô hủ tiếu mì tàu (ảnh: Thanh Niên)

Mỡ mua về được xắt hạt lựu sau đó thắng ra lấy nước mỡ, còn riêng cái phần tóp mỡ giòn giòn béo ngậy thì luôn được giữ lại, dùng để rắc vài cục lên tô hủ tiếu mì. Vì lý do sức khỏe, nhiều người bây giờ yêu cầu không cho tóp mỡ vào tô của họ nhưng ăn hủ tiếu mì mà thiếu tóp mỡ thì cái sự thú vị cũng giảm đi đáng kể.

30/10/2023

Tản mạn thú uống trà người Việt ta

 


Bán dạ tam bôi tửu,
Bình minh số trản trà.
Nhất nhật cứ như thử.
Lương y bất đáo gia



 Lê Hữu Trác

 

Mỗi sớm pha ấm trà

Niềm vui đến chật nhà

Hương bốn mùa gói lại

Gửi tặng người đường xa.

(Phạm Thuận Thành)

 

Người Việt ta dù cầu kỳ nhưng chả rườm rà như người Nhật (trà Đạo), hay Trung Quốc (Kungfu Cha). Phong cách thưởng thức trà của người Việt mình mang một sắc thái rất riêng, ghi đậm dấu ấn bản sắc Việt – đó là trang trọng mà nôm na (tôi tạm đặt thế). Các Cụ xưa cũng cho rằng người Việt uống trà là cả một nghệ thuật. Với mỗi một loại trà khác nhau lại có cách uống khác nhau, kỹ năng pha chế hay rót tách trà cũng vì thế mà không giống nhau.

Người Việt có cách ẩm trà rất riêng, rất độc đáo. Các Cụ xưa cho rằng uống trà là một nghệ thuật, mà nghệ thuật thì phi công thức. Vì lẽ ấy từ xa xưa, các Cụ khi uống trà thường đưa tách trà qua mũi để tận hưởng hương vị trà tựa như tây lông uống rượu vang vậy.  Sau đó họ mới hạ dần xuống miệng, môi nhấp ngụm nhỏ thấy chát đắng, chân răng cảm nhận như chặt lại, miệng chép liền mấy cái để thấy vị ngọt dịu nơi đầu lưỡi. Mắt lim dim thưởng hậu và đánh giá chén trà một cách thâm thuý.

Một chén trà ngon thể hiện cái tâm, cái tình của người pha trà. Để có được một chén trà ngon, tròn, đẹp cả hương lẫn sắc người pha trà phải rất chú tâm. Họ phải đặt hết tình cảm, tâm tư của mình vào việc pha trà và coi đó như một thú vui tao nhã. Không ai có thể pha một tấm trà ngon khi giận giữ. Chỉ sau khi nguôi ngoai người ta mới có thể ngồi uống trà như một cách thiền “chính niệm” vậy.

Bạn bè thân quen tới nhà, cơm rượu gì chưa nhắc, nhưng phải pha ấm trà ngon để hàn huyên là phải có. Những nhà theo lối xưa, trên bàn trà phòng khách luôn có trữ sẵn lọ kẹo lạc, dồi, mấy phong đậu xanh hoặc chút mứt sen (ngày xưa còn có chè lam)... để đãi khách, thưởng trà. Hiếm lắm, những người bạn tri giao gặp gỡ thì càng không thể thiếu được ấm trà ngon, giấu kỹ, để dành đem ra đãi bạn... Ấy là tôi nói đến những dịp trang trọng để thưởng trà một cách cấu kỳ. Còn thì nhiều dịp, nhiều cớ để thưởng thức thứ thức uống này trong cuộc sống bận rộn nên thành đơn giản đi nhiều.

Trà đạo ở Việt Nam không phổ biến. Lý do bởi người thưởng trà không coi uống trà là đạo. Họ uống trà để giao lưu hoặc đơn giản nhất là để tráng miệng. Thế nên, trà được đà cứ len lỏi, xâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống mà vì thế phụ nữ cũng chả kém trong việc thưởng trà.

Trà xanh (mới hái) và trà mạn (sao khô) là hai dạng nguyên chất và phổ biến nhất. Dọc khắp Bắc – Trung – Nam, trà được trưng dụng từ trong nhà ra đến vỉa hè, ngày thường cũng như mọi dịp lễ hỏi hay buổi đàm đạo…

Hãm chè vô cùng đơn giản. Tuy nhiên để ngon thì không phải ai cũng biết cách. Trà tươi chỉ việc rửa sạch, đun sôi nhưng đừng để quá lâu kẻo đắng. Trà mạn phải tráng qua một lượt nước nóng để gạn bỏ bụi mốc như nhiều người lầm tưởng, thật ra đây là đánh thức trà (làm vậy cho trà nở ra, lúc này đã có hương thơm của trà rồi – nước lúc này chỉ cần 5 – 60 độ là được). Sau đó họ sẽ tưới nước sôi bên ngoài ấm tích trong khi hãm để cấp đủ nhiệt. Nước pha trà phải sôi, nhưng khi rót nước vào ấm thì không được dội nước sôi đó, mà để nó nguội chút như 90 độ là chuẩn.

Người sành sỏi còn sưu tầm nhiều dụng cụ thưởng thức trà như: ấm, chén, chén chuyên, lọ đựng trà, thìa đong... và tuyển chọn những loại tuyệt hảo để thỏa mãn thú thưởng trà của mình. Còn với người lao động, chỉ cần ly trà ấm nóng mùa đông hoặc bỏ thêm vài ba viên đá (trà đá) giải khát mùa hè là đủ.

Âu cũng là dăm ba câu bi bô về một thú chơi để mọi người nhìn ngắm.

Làng  xưa  như  mộng  trong  ngần

Can qua chưa dứt, yên phần mừng thay

Bao giờ lều cỏ núi mây

Pha trà nước suối, gối say đá mềm

(Nguyễn Trãi)


26/09/2023

Ẩm thực Nam Định là gì?

 Nguồn: từ Fb của tác giả An Lê


 

 

Có một câu hỏi rất khó trả lời khi bạn bè hỏi về Nam Định ăn gì ở đâu bởi trong đầu họ đã hình thành khái niệm đây là một trong ba trung tâm ẩm thực lớn của miền Bắc cùng Hà Nội, Hải Phòng, cũng vốn dĩ là ba đô thị được hình thành sớm bởi yếu tố địa lý, chính trị.

Nam Định là vùng lõi của trấn Sơn Nam Hạ, là nơi phát tích của nhà Trần thuộc Đản tộc – Phúc Kiến (Trung Quốc) vốn là dân chài lưới lênh đênh theo con nước xâm nhập Việt Nam từ Vân Đồn, Kiếp Bạc, Thái Bình sau nhập thổ tại Nam Định để gặp thái tử nhà Lý và hình thành thế lực, một đặc điểm khiến rất nhiều nơi tự coi mình là “quê hương nhà Trần” để bán ấn. Nhờ thế, Nam Định trở thành hành cung của nhà Trần, một kinh đô khi xa kinh đô, tạo ra mô hình triều đình thứ hai mà sau tái hiện ở Lam Kinh của Lê Lợi.

Song, dù có như thế, sự phát triển ẩm thực của Nam Định lại rất khiêm nhường so với Hà Nội và Hải Phòng, chủ yếu vì lý do: Nghèo. Nghèo ở đây không nằm ở yếu tố sản vật, nguyên liệu chế biến bởi Nam Định có vựa hải sản Hải Hậu, Giao Thủy tương tự Hải Phòng, có đất lúa Nghĩa Hưng, Nam Ninh với gạo tám xoan, Mộc Tuyền…, có thủy sản nước ngọt nhờ hệ thống sông ngòi. Cái nghèo ở đây là thuần chất kinh tế, dẫn đến tư duy ăn uống cốt ở tiềm tiệm, đơn giản, không cầu kỳ, tận dụng, rẻ, tiện.

Khó có thể tìm được một món ăn nào ở Nam Định khiến nơi khác phải rùng mình vì độ tinh xảo, cầu kỳ giống như ở Hà Nội hay Huế: Đó là bát bún thang, là bát canh măng, là món nụ mỵ, là miếng chả chim cơm tám… hay bát giả cầy đẹp như một bụm nắng thu.... 

Tất cả đều rất đơn giản để đạt tiêu chí rẻ của đối tượng khách  hàng nghèo. Tuy nhiên, điều này khiến ẩm thực Nam Định trở nên đặc sắc bởi vì sự biến hóa lanh lợi, tạo được nhiều món ăn ngon từ nguyên vật liệu tầm thường. Một kiểu sắc sảo rất con nhà nghèo.

Ảo tưởng đầu tiên của bạn bè về ẩm thực Nam Định là đây là đất phở, thứ được thổi phồng rất lớn bởi trend Phở Bò Gia Truyền Nam Định??? đã và đang xuất hiện khắp cả nước (ngoại trừ Nam Định), đặc biệt trong một hai năm qua, khi trào lưu phong vương tước cho phở như một món quốc hồn quốc túy, có đẳng cấp chế biến công phu, có nguồn gốc danh gia vọng tộc… để thỏa mãn niềm tự hào dân tộc Việt và làm tiền.

Thật ra, ở Nam Định thời xưa, quán phở chỉ đếm trên đầu ngón tay của anh La Văn Cầu, một hai nhãn phở như phở Đán, phở Sinh, cùng vài quán phở kiểu cơm phở bình dân bán đủ thứ, nằm cạnh bến xe, nhà ga, và phở trong cửa hàng ăn uống quốc doanh (có hai cái, một ở Thành Chung, một ở đối diện ga). Ít như thế, bởi phở là thứ đắt đỏ, làm gì có khách ăn.

Thay vì ảo tưởng phở, hãy ăn bún đi bởi bún mới thực sự là nét hay và đa dạng. Bún rẻ hơn phở bởi nguyên liệu chế biến chỉ là cua, cá chứ không phải thịt bò gì gì. Bún riêu, bún cá, canh bún, bún bung, rồi sau này là bún mọc, bún gà (not thang), bún giả cầy, bún móng, bún lưỡi, bún tim… Bún everywhere. Bún có thể ăn không như một món ăn sáng hoàn chỉnh, chỉ đơn giản là bún chấm mắm tôm hoặc rưới nước mắm chanh ớt. Bún bỏ thúng, đội bán rong như là quà sáng, không có tiền thì dùng gạo đổi để lấy bún ăn. Rất nguyên thủy và nghèo.

 Tương tự bún là cháo vì nó cũng rẻ, nguyên liệu trai, hến sẵn. Cháo ở Nam Định đa phần là cháo bột như cháo sườn, cháo trai. Cháo lòng đã thuộc dạng cao cấp, còn cháo gà được coi là thượng phẩm. Nguyên liệu đắt nên nghệ thuật nấu dồn vào bột cháo, sánh mịn như hồ, ngọt ngào như thịt, đủ sệt để no chứ không chảy lõng bõng, nhưng không quá đặc để bứ. Ăn một thìa cháo, nhai được miếng sụn hay thịt bằng hạt đậu xanh là sướng phát điên, và thứ cháo đó rất thơm ngon, giờ hầu như không thể tìm thấy.

Thật sự, ảnh hưởng của nhà Trần với ẩm thực đất này khá lớn. Món bánh cuốn phổ biến hiện nay cũng chính là món bánh Xuân Thái của nhà Trần ăn vào tháng Ba từ thế kỷ 13. Bánh Xuân Thái tráng nguội, cuốn rau là hiện thân của bánh cuốn làng Kênh (thuộc vùng thực ấp Tức Mạc) hiện nay, bánh tráng sẵn, ăn ở trạng thái nguội.

Song một món ăn đặc trưng nhất của Nam Định chính là nem trạo hay nem thính. Các món gỏi cá chép, mè, nhệch đều bắt nguồn từ thói ăn uống sông nước của nhà Trần, với công thức cá tươi xẻ thịt ướp thính ăn cùng rau dược liệu như lá mơ, đinh lăng, lá sung, gừng, riềng và chấm chẻo. Món nem có lẽ chính là thứ đồ nhậu khoái khẩu của tổ tiên nhà Trần, bởi ngoài món gỏi, dân chài lưới thỉnh thoảng mới ghé chợ đất liền trao đổi thực phẩm. Họ mua một miếng thịt gồm bì và mỡ, dính tí thịt nạc, và dùng thứ thịt đó để làm nem.

Phong cách cuốn nem chính là kiểu ăn quen thuộc của dân thuyền chài, tất cả đã được gói gọn, cuốn sẵn để tiết kiệm không gian bày biện, cũng như yếu tố chòng chành sóng nước. Từ kiểu gói này nên dân Nam Định có kiểu ăn nem gói toàn bộ các loại nem từ nem thính, nem tai, nem nắm, cũng như các món cuốn, nem rán, cánh cuốn.

Và món nem là dấu vết khá rõ: bì lợn luộc thái thật mảnh, dài; mỡ luộc thái vuông hạt lựu, thêm một chút thịt nạc cũng thái vuông. Tỉ lệ của nem là 4-3-2-1, bì nhiều, mỡ ít hơn, nạc ít nhất, rau ăn cùng ê hề. Thịt thái xong phải bóp thính gạo, một thứ gia vị đặc trưng và không thể thiếu. Thính làm món nem thơm hơn, chắc thế mà chẳng có câu thả thính hay rắc thính, ngoài ra có tác dụng bảo quản thực phẩm, tránh nguyên liệu tiếp xúc với không khí, ruồi bọ. Với một số món, thính còn hỗ trợ lên men bởi gốc đường trong tinh bột gạo. Tại sao có tên là thính thì có lẽ nó liên quan đến mùi hương và việc ngửi mùi hương của thính giác.



Nem ở Nam Định hầu như phải chấm nước chấm, bởi chúng không trộn đẫm gia vị khô như nem Bùi, nem Phùng ở Hà Nội, Bắc Ninh. Có lẽ, tộc Trần xưa sẵn nước mắm hơn bột canh Knorr nên ăn gì cũng pha nước chấm để chấm. Cách ăn nem cũng vẽ vời hơn nem xứ khác: trải lá bánh đa nem, lót 1 lá sung, lót 2 lá mơ, lót 3 là đinh lăng, ngổ, thơm… rồi mới đến nem đủ bì mỡ nạc, rồi cuốn lại và chấm vào nước chấm mới ăn. Cái kiểu cuộn nem này cũng rất giống cuốn bánh Xuân Thái.

Như vậy, có thể thấy, ẩm thực Nam Định về cơ bản là phù hợp với thực trạng đời sống thường nhật. Xôi, bún, cháo, bánh cuốn, nem, các loại bánh bình dân, bánh mỳ pate, củ luộc (ngô, khoai, sắn, sắn dây, dong riềng, từ).


25/09/2023

Món nướng muối ớt Sài Gòn

 theo: SGTC


 Những sản vật trên rừng dưới sông dưới suối dưới biển, còn tươi sống, tươi nguyên, gặp muối ớt dường như được ướp giữ lại mọi thứ thanh tân nguyên xi… Công thức điều vị mộc mạc này còn đứng vững tới nay, nói như một nhà văn hoá, là được bình chọn rất dân chủ bởi lá phiếu của từng cái lưỡi.


Gà nướng muối ớt.

Ở Sài Gòn mà nói muối ớt nhiều người lắc đầu. Nhất là những ông bà chuyên viên dinh dưỡng nhìn đâu cũng thấy phản dinh dưỡng, lắc càng mạnh. Họ chẳng những khuyên giảm muối mà có kẻ còn coi muối như kẻ thù của loài người. Tính đến chuyện muối bị tình nghi là kẻ thù – tác nhân làm tăng huyết áp, phải kể từ thuở loài người thời chiến tranh nguyên sơ, đã biết lợi dụng tiền sử huyết áp của đối phương để kích báng đối phương tức đến hộc máu mà chết, như Lượng kích Du thời Tam Quốc. Nhưng tới nay chưa có toà nào lên án được muối vì không đủ chứng cứ kết nó là nguyên nhân trực tiếp.
 
Triết lý của nhà dinh dưỡng là thà lầm còn hơn sót.

Với những con người khẩn hoang Nam bộ, rõ ràng muối và ớt là hai thứ gia vị rất sẵn có và đeo cứng cuộc đời họ như đỉa dưới đồng sâu. Sự thật này đã được khẳng định khắp nơi: “bữa ăn nghèo nàn nhất và đơn điệu nhất của các nước kém phát triển lại càng cần gia vị nhất,” theo sử gia Pháp F. Braudel, tác giả cuốn Những cấu trúc sinh hoạt hàng ngày.

Chuột nướng muối ớt.

Người ta lại nói muối Bạc Liêu ngon nhứt. Mà Bạc Liêu chỉ có sở muối Gành Hào. Dân Gành Hào khẳng định, muối ở đây ngon nhứt. Nhưng cả mấy ông làm công ty muối Bạc Liêu lẫn diêm dân Gành Hào không ai biết tại sao nó ngon. Mà còn khăng khăng muối đen ngon hơn muối trắng. Muối đen lại bị công nghiệp tẩy chay. Nội cái chuyện tiếp thị hột muối cũng kiểu “hữu xạ” bảo sao người dân muối không vô vọng…

Muối hột với ớt – ớt chim ỉa mọc hoang đâu đó gần gò mối, miếng ruộng biền, càng nồng nàn – giã dập dập, ướp con cá câu cắm, con chuột chận ngách, con lươn ống trúm trên đồng, rồi bó lá chuối, tóm mớ rơm nướng trui lên thì mười “barbecue” của Tây theo cũng chẳng kịp. Vì chẳng qua là barbercue nặng mùi son phấn, mà lại thiếu đi cái tươi ngọt, do nguyên liệu nằm trong hầm đá quá lâu. Vả chăng, so với dân Á, dân Tây rất ư là vô cảm với vị “ngọt” trong thực phẩm mà người Nhật khám phá ra đầu tiên từ tảo biển, đặt tên là umami…

Ếch nướng muối ớt.

Sài Gòn gần đây, khi những viên gạch mộc xù xì thô ráp quay trở ra nằm e ấp trên mấy cái mặt tiền nhà lai thuộc địa (coloniale), những làng nướng tấp tểnh mọc lên. Muối hột giã ớt lại quay về. Nhưng không phải làng nướng nào cũng đúng là muối hột, đúng là ớt hiểm chim ỉa, đúng là muối hột Gành Hào – vùng đất nuôi con cá-kèo-lọ-lem tự nhiên và bán tự nhiên ngon đến dẹo lưỡi người Sài Gòn. Hột muối ở đây ngon cũng vì lẽ này chăng?

Kể từ Sài Gòn sinh nhật 300, những khu nướng khẩn hoang nổi lên, nướng muối ớt làm cho lũ chuột đồng miền Tây điêu đứng (nhưng không sao, hồi tháng 10 vừa rồi, con người đã công bố nhân bản chuột đồng được rồi). Món ngon bao giờ cũng có hàm lượng quá khứ hoặc hàm lượng, xin lỗi,… nước bọt (quảng cáo của nhà hàng)… cho những người (trẻ) thiếu đi thứ “muối mắm” quá khứ: chuột bắt được lột da, ướp muối ớt – muối ớt đồng bao giờ cũng có thêm một hai thứ lá rau mùi như é, lốt hoặc mãng cầu, ổi, bó chuột lại hoặc giã dập trong muối luôn. Và nổi lửa ở một góc ruộng. Cơm trắng với bữa thịt chuột nướng bốc mùi thơm lừng ngon – một sự tương phản giữa cơm lạt ngon ngót bột đường và vị mặn, cay, béo, mùi thơm, khen khét quyện lấy nhau, “âm dương giao hoà, vạn sự (ngon) sinh sôi” (Khổng Tử). Phiên bản ấy được bê về Sài Gòn đã bị vặt trụi lủi nhiều chi tiết. Nhưng nhiều người ăn vẫn cứ ăn giặm phiên bản trụi lủi ấy với mắm-muối-xửa-xưa. Thật hồn hậu. Thật đã.

Tôm nướng muối ớt.

Bởi thế cho nên, chuột đồng nướng muối ớt thường đứng đầu bảng-sạch-bách trong thực đơn buffet của các chương trình ẩm thực khẩn hoang.

Với một số người ngại chuột, các món nướng muối ớt khác cũng không kém hương sắc. Bạn có thể đọc trong thực đơn: cu muối ớt nướng mọi, cá lóc nướng muối ớt, lươn nướng muối ớt, cánh gà ta nướng muối ớt, ếch nướng muối ớt, dông nướng muối ớt, v.v. Nói chung, những sản vật trên rừng dưới sông dưới suối dưới biển, còn tươi sống, tươi nguyên, gặp muối ớt dường như được ướp giữ lại mọi thứ thanh tân nguyên xi… Công thức điều vị mộc mạc này còn đứng vững tới nay, nói như một nhà văn hoá, là được bình chọn rất dân chủ bởi lá phiếu của từng cái lưỡi.

Cá Mao Ếch nướng muối ớt.

Muối ớt như những thứ công thức gia vị “trầm tích” từ đời sống của những người dân chân lấm tay bùn. Họ làm việc nặng, mồ hôi ra nhiều, muối cơ thể mất theo mồ hôi, nên muối ớt trở thành nguồn cung cấp bù muối. Chẳng nhà dinh dưỡng nào phản đối được điều này. Ngay cả trong các món canh, như canh cải tàu bay hái trên đồng, canh chua lá vang, muối ớt cũng là thứ điều vị chính. Bạn có thể thể nghiệm điều đó khi so với nêm các thứ khác. Muối mặn thường làm tim đập nhanh, kháng được cái lạnh buổi đầu ngày, nên củ khoai cũng có gói muối ớt kèm theo.

Về lại Sài Gòn, những món nướng thô mộc này, như giòng phù sa nặng “quặng” thương nhớ. Mỗi lần ăn là mỗi lần chở ta về một nơi chốn đã sống đã lớn lên, đã giữ lại ta là ta chứ không phải là ai khác.

12/09/2023

Ăn trái cây khi bụng rỗng

 Nguồn: Bác sĩ Stephen Mak


 

Tất cả chúng ta cho rằng ăn trái cây chỉ có nghĩa là mua trái cây, cắt ra từng lát và bỏ vào miệng, nhưng không dễ như vậy. Ðiều quan trọng là phải biết ăn ra sao và khi nào.

Ăn trái cây như thế nào mới đúng ?

Không ăn trái cây sau bữa ăn.

Nên ăn trái cây khi bụng trống. Nếu ăn theo cách này, trái cây sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tẩy uế cơ thể, cho quý vị năng lực để chữa béo phì và những hoạt động khác.

Trái cây là thức ăn quan trọng nhất !

Thí dụ quý vị ăn hai lát bánh mì, rồi một lát trái cây. Lát trái cây đã sẵn sàng đi thẳng qua bao tử, rồi vào ruột, nhưng bị ngăn cản.

Trong khi đó, toàn thể bữa ăn bị thối rữa, lên men, và biến thành axít. Khi trái cây gặp thức ăn trong bao tử và chất axít tiêu hóa, tất cả thức ăn bắt đầu thối rữa.

Vậy hãy ăn trái cây khi bụng trống, hoặc trước bữa ăn! Quý vị đã nghe nhiều người than rằng - mỗi lần ăn dưa hấu, tôi bị ợ ; khi ăn sầu riêng, tôi bị sình bụng; khi ăn chuối, tôi cảm thấy muốn đi nhà vệ sinh v.v...

Thật ra tất cả những điều này sẽ không xảy ra nếu quý vị ăn trái cây khi bụng trống. Trái cây hòa với những thức ăn thối rữa, sẽ tạo nên hơi gas, và làm quý vị bị sình bụng.

Những việc như tóc bạc, hói đầu, tư tưởng bực bội, và bên dưới mắt bị quầng đen sẽ không xảy ra nếu quý vị ăn trái cây khi bụng trống.

Không có chuyện vài thứ trái cây như cam🍊 và chanh có nhiều chất axít, bởi vì tất cả trái cây trở thành chất kiềm ( alkaline) trong cơ thể, theo bác sĩ Herbert Shelton, nguời đã nghiên cứu vấn đề này. Nếu quý vị nắm vững việc ăn trái cây đúng cách, quý vị sẽ có được bí mật của sắc đẹp, trường thọ, sức khỏe, năng lực, hạnh phúc và không béo phì.

Khi cần uống nước trái cây - hãy uống nước trái cây tươi, không uống từ đồ hộp. Không uống nước trái cây đã nấu ấm. Không ăn trái cây đã nấu chín, bởi vì quý vị sẽ không có những chất dinh dưỡng, mà chỉ thưởng thức hương vị của trái cây. Nấu chín làm mất tất cả sinh tố.

Nhưng ăn trái cây vẫn tốt hơn là uống nước trái cây. Nếu quý vị phải uống nước trái cây, hãy uống từng ngụm, từ từ, bởi vì cần để nước trái cây hòa tan với nước bọt trước khi nuốt xuống. (Phép dưỡng sinh Osawa cũng khuyên phải nhai cơm gạo lức 100 lần trước khi nuốt, để gạo hòa với nước bọt).

Quý vị có thể chỉ ăn trái cây trong 3 ngày để thanh lọc cơ thể. Chỉ ăn trái cây và uống nước trái cây trong suốt 3 ngày, và quý vị sẽ ngạc nhiên khi bạn bè cho biết quý vị nhìn thật tươi sáng!

Quả KIWI: Nhỏ mà rất mạnh. Có đủ các sinh tố potassium, magnesium, vitamin E & chất sợi. Lượng sinh tố C gấp 2 lần trái cam.

Táo: Ăn một trái táo mỗi ngày, không cần đến bác sĩ? Dù táo có lượng sinh tố C thấp, nhưng có tính chống oxít hóa & flavonoids để giúp sự hoạt động của sinh tố C, do đó giúp hạ tỷ lệ ung thư ruột già, nhồi máu cơ tim và đứt mạch máu O.

Dâu tây: là loại trái cây bảo vệ. Dâu tây có tánh chống axít hóa cao nhất trong số các loại trái cây chính, bảo vệ cơ thể tránh ung thư, chống chất free radicals (gốc tự do) làm nghẽn mạch máu.

Cam: Thuốc tiên. Ăn từ 2 đến 4 trái cam mỗi ngày giúp khỏi bị cảm cúm, hạ thấp cholesterol (mỡ trong máu), tránh và làm tan sạn thận cũng như là hạ thấp tỷ lệ ung thư ruột già.

Dưa hấu: Hạ nhiệt làm đỡ khát. Chứa 92% nước, và nhiều chất glutathione giúp hệ miễn nhiễm. Dưa hấu cũng có nhiều chất lycopene chống ung thư.

Những chất dinh dưỡng khác trong dưa hấu là sinh tố C & Potassium (Kali).

Ổi & Ðu đủ đặc biệt là Gấc hạng nhất về sinh tố C, chứa rất nhiều vitamin C. Ổi có nhiều chất sợi, giúp trị bón. Gấc có nhiều chất beta -carotene tốt cho mắt, ngoài ra Gấc còn là loại quả chứa hàm lượng cực cao Lycopene ( cao gấp 70 lần cà chua ) có tác dụng chống ung thư cực mạnh.

Uống nước lạnh sau bữa ăn có thể bị ung thư? Chuyện khó tin?? Cho những ai thích uống nước đá lạnh, bài này dành cho quý vị. Uống nước đá lạnh sau bữa ăn thật khoái khẩu. Tuy nhiên, nước lạnh sẽ làm đông đặc những chất dầu mỡ mà quý vị vừa ăn xong. Sẽ làm chậm tiêu hóa. Khi chất “bùn quánh” này phản ứng với axít, nó sẽ phân nhỏ và được hấp thụ vào ruột nhanh hơn là thức ăn đặc. Nó sẽ đóng quanh ruột. Chẳng bao lâu, nó sẽ biến thành chất béo và đưa đến ung thư. Tốt nhất là ăn súp nóng hay uống nước ấm sau bữa ăn (Ðông y luôn khuyên nên uống nước ấm ).

Một điều nghiêm trọng về nhồi máu cơ tim💔: “thủ tục” nhồi máu cơ tim (Không phải chuyện đùa) Những quý vị nữ nên biết rằng, không phải tất cả những triệu chứng nhồi máu cơ tim đều bắt đầu từ việc tay trái bị đau. Hãy chú ý khi bị đau hàm dữ dội. Có thể quý vị sẽ không bao giờ bị đau ngực khi bị nhồi máu cơ tim. Buồn nôn và toát mồ hôi dữ dội cũng là những triệu chứng thường xảy ra. 60% những người bị nhồi máu cơ tim trong khi ngủ sẽ không thức giấc. Ðau hàm có thể khiến quý vị tỉnh dậy khi đang ngủ say. Hãy chú ý và để ý. Càng biết nhiều, chúng ta càng dễ sống sót.

Một bác sĩ chuyên khoa tim cho biết, nếu mọi người nhận được bài viết này gửi tiếp cho 10 người khác, thì ít nhất một mạng người sẽ được cứu sống…!

05/09/2023

Thưởng thức điếu cigar

 


Trước đây, chắc thế, đa phần người Việt mình biết đến cigar là qua hình ảnh Thủ tướng xứ Ănglê thời thế chiến 2 Winston ChurchillNgài nghiện cigar La Habana - Cuba. Và cũng từ đó mới biết Cigar là một trong những thứ chơi xa xỉ dành cho giới thượng lưu trên thế giới, việc hút cigar được coi là thể hiện độ sang trọng và sành điệu của giới nhà giàu. 



Đúng là vậy, nhưng không hợp với nay vì người dân mình giờ có tiền nhiều nên họ có thừa khả năng để tiếp cận món hàng xa xỉ này. 

Có điều, phân biệt cigar ngon quý và cách thưởng thức lại không hẳn những người có thể dùng biết. Vì theo mình tìm hiểu, ít nhất 90% cigar Cuba có ở Việt Nam là hàng face.

Ở Việt nam mình đã có nhiều loại cigar trên thế giới như Cuba, Nicaragua, Honduras, Dominica... với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Cohiba, Montecristo, Romeo y Julieta, Partagas...có hương vị đa dạng và có giá cả từ vài trăm đến gần chục triệu đồng 1 điếu.

Mình cũng dùng cigar nhưng thi thoảng thôi và tạp nên không dám bi bô, đành mạo muội học hỏi và nhặt trên net về để trình bày. Âu cũng là cho mình và các bạn mới tập làm quen, biết vậy.

1) TRƯỚC KHI HÚT

– Khi bắt đầu thưởng thức một điếu cigar, đầu tiên hãy ấn nhẹ lên điếu thuốc để kiểm tra độ đàn hồi và quan sát lá quấn xem có nguyên vẹn không. Nếu điếu thuốc đàn hồi tốt (không quá mềm, không quá cứng), có thể nhìn thấy lớp tinh dầu bóng trên lá và lá quấn còn nguyên vẹn không rách nghĩa là điếu thuốc được ủ ẩm tốt, có thể hút. Trong trường hợp ngược lại thì điếu có thể bị khô, hoặc quá ẩm, cần ủ cân bằng ẩm thêm.

– Cần cắt xì gà dứt khoát bằng kéo, lưỡi dao bấm xỏ ngón, đục hoặc cắn bằng răng đều được. Cần cắt dứt khoát để đảm bảo không làm hỏng cấu trúc điếu.

– Khi châm cigar không nên châm bằng cách đốt giấy báo vì hóa chất có thể ảnh hưởng đến vị của xì gà, nên dùng gỗ hoặc gas như vậy có thể bảo quản được hương vị.

– Khi châm lửa, không nên đưa ngọn lửa trực tiếp tiếp xúc với điếu thuốc, hãy giữ ngọn lửa và để cho điếu xì gà bắt đầu cháy từ từ. Đây là điều cần lưu ý và nó không những giúp bạn trải nghiệm điếu xì gà tốt hơn mà còn giúp bạn thể hiện sự hiểu biết của mình, cũng giống như việc bạn nên tránh cầm ly rượu vang bằng cả lòng bàn tay vì nhiệt độ của bàn tay có thể ảnh hưởng đến vị của rượu.

 2) TRONG KHI HÚT

– Khi thưởng thức cigar, không nên rít khói vào phổi. Hãy rít khói, ngậm vài giây trong miệng và nhả khói qua mũi hoặc miệng. Đây là kĩ thuật retrohale khi hút cigar.

– Hút chậm với tâm trạng thư thái. Không nên kéo hơi liên tục, tránh làm nóng điếu, như vậy sẽ tạo vị đắng nhưng vẫn phải kiểm soát nhiệt trong toàn bộ quá trình hút để tránh thuốc tắt và giúp hương vị xì gà ổn định xuyên suốt điếu.

– Mùi vị xì gà sẽ biến chuyển từ đầu đến cuối điếu khi hút chứ không phải luôn cố định. Nhất là với các loại xì gà ngon, chất lượng tốt. Nắm rõ các giai đoạn hút kết hợp giữa đọc review và thực hành nhận biết vị sẽ giúp bạn tăng khả năng nhận biết mùi vị thuốc. Tìm hiểu thêm về các giai đoạn trong hút xì gà

– Nên giữ tàn vì tàn giữ nhiệt. Khi tàn quá dài thì hút một hơi rồi dùng tay gõ nhẹ cho tàn rụng tránh rơi vào quần áo.

– Không nên chọn đồ uống kèm cigar có độ mạnh hơn cigar vì nó sẽ làm hỏng vị của điếu xì gà. Đồ uống sẽ ảnh hưởng đến vị và độ đậm nhạt vì vậy lần đầu thưởng thức 1 loại cigar mới bạn nên uống nước lọc. Như mình, thường dùng cà phê và cognac và thấy hợp.

 3) SAU KHI HÚT

– Không nên dập thuốc sau khi hút xong mà cứ để nó vào gạt tàn vì điếu thuốc xì gà sẽ tự tắt lửa nếu bạn không hút.

– Nếu bạn hút nhiều loại xì gà thì nên uống nước táo để xóa vị giữa 2 lần hút và nhớ là nên hút điếu nhẹ trước

– Không nên làm cho vị giác của bạn quá tải, hút điếu mạnh liên tục làm cho vị giác mất cảm nhận đối với các loại xì gà nhẹ và trung bình