Hiển thị các bài đăng có nhãn Cơ khí. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cơ khí. Hiển thị tất cả bài đăng

03/08/2023

Ý NGHĨA NHỮNG HÌNH ẢNH ĐƯỢC KHẮC TRÊN "CỬU ĐỈNH" Ở HUẾ

 st trên net

 

 Mới đây, sau hai năm nghiên cứu và xây dựng hồ sơ, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã hoàn thành hồ sơ di sản tư liệu cho Cửu đỉnh, trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét trước khi đệ trình UNESCO công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới.


Bộ 9 chiếc đỉnh đồng lớn được đúc tại kinh thành Huế dưới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn được bắt đầu vào tháng 10 năm Ất Mùi 1835, kéo dài tới đầu năm 1837 mới hoàn thành. Ngày 4/3/1837, triều đình nhà Nguyễn tổ chức lễ khánh thành và an vị cho Cửu đỉnh dưới sự chủ lễ của vua Minh Mạng.

Cửu đỉnh được coi như biểu trưng và là pháp khí của triều đình nhà Nguyễn đương thời. Sau khi đúc xong, 9 chiếc đỉnh này được an vị tại sân chầu trước Thế Tổ Miếu, phía sau Hiển Lâm Các trong Hoàng Thành (Đại Nội) - kinh thành Huế. Các đỉnh được đặt tên lần lượt là: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh.

9 đỉnh được xếp một hàng ngang, đối diện 9 gian thờ trong Thế Tổ Miếu, tương ứng với 9 vua được thờ trong miếu. Riêng chiếc đỉnh lớn nhất (Cao đỉnh) là chiếc đỉnh ứng với vua Gia Long - vua sáng lập triều Nguyễn - được đặt chính giữa và nhích về phía trước so với 8 chiếc còn lại.


Cửu đỉnh được đúc theo phương thức thủ công truyền thống. Khuôn đúc bằng đất sét cũng được tạo tác thủ công vô cùng tỉ mỉ. Sau khi hoàn thành, tất cả khuôn đúc được phá bỏ để tránh sự sao chép. Tạo hình các đỉnh, cũng như các hình khắc, hoa văn, họa tiết trên Cửu đỉnh vô cùng tinh xảo, và là một sự đa dạng trong thống nhất, chưa từng có ở các công trình, tác phẩm mỹ thuật đã tồn tại trong lịch sử Việt Nam. Vì vậy Cửu đỉnh là độc bản, không lặp lại ở bất kỳ nơi đâu. 9 chiếc đỉnh được coi là bộ bách khoa thư của Việt Nam được các học sĩ thời phong kiến soạn ra một cách tổng quát, phong phú, tài tình.

Trên mỗi đỉnh có 18 (là bội của 9) hình khắc theo cách chạm nổi, ngoại trừ một hình khắc tên của đỉnh thì 17 hình còn lại là những hình ảnh mô tả cảnh vật, sản vật của đất nước. Tổng cộng có 153 hình ảnh đậm tính dân tộc, tính dân gian cùng tên gọi được khắc trên 9 đỉnh. Các hình này được phân thành các nhóm, mỗi nhóm có 9 hình khắc trên 9 đỉnh như: tinh tú, núi sông, cửa biển, lãnh hải, cửa ải, hoa cỏ, động vật, binh khí, xe thuyền...


Cửu đỉnh cũng được coi là bộ sách địa chí của Việt Nam, với những địa danh, thắng cảnh tiêu biểu được giới thiệu đủ trên khắp 3 miền, thể hiện một tư tưởng hoà bình, thống nhất đất nước. Đặc biệt, triều đình nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền lãnh hải quốc gia Việt Nam trên Cửu đỉnh ở 3 chiếc đỉnh lớn nhất. Đó là hình ảnh của Đông Hải (Biển Đông - khắc trên Cao đỉnh), và cả các vùng biển Nam Hải (biển phía nam đất nước, khu vực các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau - khắc trên Nhân đỉnh), Tây Hải (biển phía tây đất nước, khu vực các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, giáp vịnh Thái Lan - khắc trên Chương đỉnh).

Trên hình là Đông Hải (Cao đỉnh) là vùng biển phía đông đất nước.



Trên hình là Ngự Bình Sơn khắc trên Nhân đỉnh - núi Ngự Bình là ngọn núi phía trước Kinh thành Huế, được coi là "tiền án" của Kinh thành.


Hương Giang khắc trên Nhân đỉnh - sông Hương, dòng sông lớn ở Thừa Thiên Huế, chảy qua trước Kinh thành Huế và đổ ra biển ở cửa Thuận An.


Hồng Sơn khắc trên Anh đỉnh - núi Chim Hồng còn gọi là Hồng Lĩnh là dãy núi lớn ở Hà Tĩnh.


Bạch Đằng Giang khắc trên Nghị đỉnh - sông Bạch Đằng là con sông lớn ở đông bắc Tổ quốc, chảy qua các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng. Sông Bạch Đằng ghi dấu lịch sử với những trận thuỷ chiến chống quân xâm lược.


Tản Viên Sơn khắc trên Thuần đỉnh - núi Tản Viên, ngọn núi thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc Ba Vì - Hà Nội. Tản Viên là ngọn núi gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh trị thuỷ.


Hoành Sơn khắc trên Huyền đỉnh - núi Hoành Sơn hay Đèo Ngang, dãy núi ranh giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình ở Bắc Trung Bộ; xưa kia là ranh giới Đại Việt - Chăm Pa. Trên núi có một trấn ải là Hoành Sơn Quan đến nay vẫn tồn tại.


Đà Nẵng Hải Khẩu khắc trên Dụ đỉnh - cửa biển Đà Nẵng (còn gọi là cửa Hàn, vịnh Hàn), nơi sông Cẩm Lệ chảy về vũng Hàn rồi đổ ra biển.


Đại Lĩnh khắc trên Tuyên đỉnh - núi Đại Lĩnh (Đại Lãnh), dãy núi lớn là ranh giới giữa tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà.


Hậu Giang - Tiền Giang khắc trên Huyền đỉnh - sông Tiền và sông Hậu, hai con sông chảy qua và có ảnh hưởng lớn với nhiều tỉnh thành Nam Bộ.

29/07/2022

10 khẩu súng ngắn phổ biến nhất thế giới

 Popmech tổng hợp


Súng ngắn trong quân đội là vũ khí cận chiến sử dụng trong trường hợp cần thiết nhất, đồng thời cũng là vũ khí cá nhân khá “rẻ tiền” để tự vệ khi gặp nguy hiểm.

Súng ngắn hay súng lục là một loại súng được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Kích thước nhỏ gọn cùng với trọng lượng nhẹ, độ giật thấp, tính cơ động là những đặc điểm nổi trội nhất của loại súng này.

Được biết, Mỹ là quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu súng cao nhất trên thế giới. Năm 2016, các hãng súng Mỹ sản xuất gần 11,5 triệu khẩu súng. Số súng này chỉ được bán cho dân thường và các cơ quan chức năng chứ không tính đến vũ khí của quân đội.

Theo các báo cáo, súng lục là loại được sản xuất nhiều nhất tại Mỹ trong năm 2017 với hơn 4,7 triệu khẩu được tung ra thị trường. Năm 2017, dòng súng lục sử dụng đạn 9 mm là loại súng phổ biến nhất tại quốc gia này.

Khoảng 72% người sở hữu súng ở Mỹ có súng ngắn, bao gồm cả dòng súng lục ổ xoay. Tuy nhiên, loại súng lục ổ xoay này không được các nhà sản xuất Mỹ chế tạo nhiều, chỉ chiếm khoảng 18% trong số súng ngắn được làm ra trong năm 2016. Tỷ lệ người dân Mỹ sử dụng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Theo một cuộc khảo sát năm 2017, cứ 100 người Mỹ thì có 120,5 khẩu súng.

Dưới đây là 10 khẩu súng ngắn phổ biến nhất thế giới do trang Popmech tổng hợp:

 


Glock 17 là một khẩu súng lục được sản xuất bởi công ty Glock GmbH ở Deutsch-Wagram, Áo, năm 1982. Khẩu súng đặc trưng bởi được chế tạo bằng nhựa, các chuyên gia lo ngại rằng nó sẽ “vượt qua” được máy dò kim loại ở sân bay. Tuy nhiên, đây là một trong những mẫu súng ngắn dễ nhận biết nhất trên thế giới, được các cơ quan thực thi pháp luật và công dân nhiều nước sử dụng để làm vũ khí bảo vệ cá nhân. Ngày nay, Glock 17 đã chiếm tới 65% thị phần súng lục cho lực lượng thực thi pháp luật Mỹ cũng như lực lượng vũ trang khác trên khắp thế giới. Glock 17 dùng cỡ đạn 9 x 19 mm, hộp tiếp đạn cơ số 17 viên, tầm bắn hiệu quả khoảng 50 m, sơ tốc đầu nòng 360 m/s.




Smith & Wesson .500 S & W Magnum là đứa con tinh thần của công ty vũ khí nổi tiếng của Mỹ Smith & Wesson, từ lâu đã trở thành biểu tượng thế giới của súng lục ổ quay với 5 buồng đạn. Smith & Wesson .500 S&W Magnum được coi là một trong những khẩu súng ngắn tốt nhất để săn bắn, nhưng nó cũng được sử dụng để tự vệ. Với cỡ đạn 500 S&W có vận tốc và động năng cực lớn. Năng lượng đầu nòng lên đến 3000+ foot - pound (4,1 kJ) và có sức công phá rất mạnh.



FN Herstal FNP-9 là một khẩu súng bán tự động có khung làm từ polymer và hợp kim gia cố, được sản xuất tại Columbia, Nam Carolina, bởi FNH USA. FN Herstal FNP-9 được tạo ra theo khái niệm vũ khí mô-đun với các kích cỡ lòng bàn tay khác nhau, đặc biệt cò súng được thiết kế khá mềm và rộng. FNP-9 với độ giật cũng không quá lớn, dễ sử dụng được trang bị rộng rãi trong lực lượng cảnh sát và quân đội, nhưng cũng phổ biến trên thị trường vũ khí dân sự. Súng được thiết kế có khả năng mang theo 16 viên đạn cỡ 9mm.


Beretta 92FS là vũ khí do công ty Beretta, Italy chế tạo từ năm 1972. Đây là loại súng ngắn bán tự động tiêu chuẩn được sử dụng bởi quân đội, cảnh sát và dân thường ở nhiều quốc gia trên thế giới. Khẩu Beretta 92FS có thể được nhìn thấy trong nhiều trò chơi điện tử và những bộ phim Hollywood. Súng có chiều dài 217 mm, nòng súng dài 125 mm, trọng lượng 950 gram, sử dụng loại đạn Parabellum cỡ 9x19mm với tầm bắn hiệu quả khoảng 50 m. Ưu điểm của Beretta 92 là vũ khí mạnh mẽ cho phép người sử dụng bắn liên tục với độ chính xác cao.


 

Walther P99 được phát triển ở Đức cho cảnh sát và quân đội từ năm 1993 nhưng đến năm 1996 mới thành công. Đây là một khẩu súng lục bán tự động, nhỏ gọn nhưng mạnh mẽ với khung được làm bằng vật liệu polymer (nặng 630 gram, chiều dài chỉ 180 mm, cao 135 mm). Đến nay P99 đang có mặt trong lực lượng thực thi pháp luật cũng như khách hàng dân sự tại 10 quốc gia trên thế giới. P99 sử dụng loại đạn 9x19mm, với hộp tiếp đạn 16 viên, sơ tốc đầu nòng 300 - 460 m/s, tầm bắn hiệu quả khoảng 50 m.



 

QSZ-92 là súng lục bán tự động tiêu chuẩn của Trung Quốc được thiết kế để trang bị cho lực lượng quân sự và dân sự. QSZ-92 sử dụng đạn cỡ 5,8 x 21 mm. Kích thước đạn nhỏ hơn mẫu 9x19 mm Parabellum giúp hộp tiếp đạn của QSZ-92 chứa được 15-20 viên. Đặc biệt, QSZ-92 là tốc độ đạn được bẳn ra khỏi nòng súng lên đến hơn 300 m/s và tầm bắn vào khoảng hơn 50m. Súng có vỏ làm bằng vật liệu nhựa tổng hợp, nòng thép, khung thép và rãnh thép gắn cụm máy súng.




M1911 là súng ngắn bán tự động huyền thoại, được phát triển vào năm 1908 và được phục vụ trong quân đội Mỹ từ năm 1911 đến năm 1985, hiện nay vẫn là một loại vũ khí quân dụng của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên toàn thế giới. M1911 do nhà thiết kế vũ khí nổi tiếng người Mỹ John Browning thiết kế và được hãng Colt sản xuất. Súng sử dụng cỡ đạn  11,43x23 mm, có độ chính xác cao so với những khẩu súng ngắn cùng loại, tầm bắn hiệu quả là 62m. Ngoài ra, súng rất dễ lau chùi và sử dụng có thể bắn được trong nhiều môi trường khác nhau.




 

Heckler & Koch Mark 23 là mẫu súng lục xuất xứ từ Đức, phục vụ cho các lực lượng đặc biệt của Mỹ, nhỏ gọn và mạnh mẽ. Mark 23 là súng ngắn bán tự động được trang bị cả bộ giảm thanh và một thiết bị ngắm bắn laser. Chiều dài 245,11 mm (không lắp giảm thanh); 421mm (có lắp giảm thanh). Súng có tầm bắn cũng khá hiệu quả lên tới 50m với .45 ACP, băng đạn 12 viên. Trọng lượng 1100 gam; sơ tốc đạn 260 m/s; nòng dài 149,1 mm.


 


HS 2000 là khẩu súng lục bán tự động có xuất xứ từ Croatia được sử dụng ở 10 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Iraq và Mỹ. Súng được thiết kế với báng súng được làm từ vật liệu polymer và hợp kim, hiện nay đang được công ty HS Produkt D.o.o chịu trách nhiệm sản xuất. HS 2000 sử dụng loại đạn Parabellum 9x19mm đem lại độ giật thấp. Tại thị trường Hoa Kỳ HS 2000 được phân bổi bởi Springfield Armory, Inc., dưới nhãn hiệu XD.



 

SIG Sauer P250 là khẩu súng lục bán tự động có nguồn gốc từ hai công ty của Mỹ-Đức. Súng được thiết kế theo dạng module để dễ dàng sản xuất cũng như bảo trì, cho phép người sử dụng tùy chỉnh vũ khí cho bất kỳ phương thức hoạt động nào. P250 sử dụng các loại cỡ đạn .357 SIG, .40 S&W, .45 ACP, 9x19mm Parabellum và .380 ACP, có thể bắn liên tục 17 viên ở khoảng cách 50 m. Đến nay P250 vẫn được tin dùng trong các lực lượng vũ trang và mục đích vũ khí tự vệ dân sự.

 

15/04/2022

THANH KIẾM NORIMITSU ODACHI

 


 

Norimitsu Odachi là tên một thanh kiếm lớn lạ thường ở Nhật Bản. Thanh kiếm lớn đến mức nhiều người cho rằng nó từng được sử dụng bởi người khổng lồ. Ngoài những thông tin cơ bản như: được rèn từ thế kỷ 15, dài 3,77 m và nặng 14,5 kg, thanh gươm ấn tượng này vẫn luôn được bao phủ trong nhiều bí ẩn.

Lịch sử của kiếm Odachi

Nhật Bản khá nổi tiếng với kỹ thuật rèn kiếm. Những thợ rèn người Nhật từ xa xưa đã chế tạo nhiều loại kiếm khác nhau, nhưng có lẽ hình ảnh quen thuộc nhất là những cây katana gắn liền với các samurai tên tuổi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều loại kiếm khác được tạo ra trong các thế kỷ trước ít được biết đến, một trong số đó là Odachi.



Odachi nghĩa là “thanh kiếm lớn”, đôi khi được gọi là nodachi, là một loại kiếm trận truyền thống của Nhật Bản, có lưỡi kiếm hơi cong và thường dài khoảng 90-100 cm. Một số thanh thậm chí có lưỡi dài đến 2m.



Odachi là một trong những vũ khí được lựa chọn trong các cuộc chiến thời Nam Bắc Triều Nhật Bản, kéo dài trong phần lớn thế kỷ 14. Trong thời kỳ này, Odachi dài khoảng hơn 1m. Vũ khí này đã bị thất sủng trong 1 thời gian do tính thực chiến không cao. Tuy nhiên, việc sử dụng nó chỉ chấm dứt vào năm 1615, sau “Cuộc vậy hãm Osaka”, khi Mạc Phủ Tokugawa tiêu diệt gia tộc Toyotomi.

Những người sử dụng kiếm Odachi thường là lính kỵ binh hoặc bộ binh. Lính bộ binh khi sử dụng Odachi thường đeo nó sau lưng thay vì bên eo do chiều dài đặc biệt của thanh kiếm. Tuy nhiên điều này khiến họ không thể nhanh chóng tuốt gươm ra khỏi vỏ khi giao chiến.



Ngoài ra, người sử dụng cũng có thể mang thanh Odachi trên tay. Trong giai đoạn Muromachi kéo dài từ thế kỷ 14-16, thông thường chiến binh sử dụng Odachi sẽ có một người tùy tùng hỗ trợ anh ta lấy vũ khí.

Odachi được biết đến là một loại vũ khí khá cồng kềnh, nó không được sử dụng phổ biến trong chiến đấu. Thay vào đó, nó có thể đã được sử dụng như một loại cờ hiệu trong quân đội, tương tự vai trò của một lá cờ trong trận đánh.

Hơn nữa, nhiều bằng chứng chỉ ra rằng Odachi giữ vai trò quan trong trong các nghi lễ, phổ biến vào thời Edo.

Ngoài ra, Odachis đôi khi được đặt trong các đền thờ giáo phái Shinto như một lễ vật dâng lên các vị thần. Odachi cũng là một minh chứng cho trình độ của người rèn kiếm, vì lưỡi kiếm không dễ chế tạo.

 


Một bức tranh mô tả Hiyoshimaru gặp Hachisuka Koroku trên cây cầu Yahabi. Trên lưng ông đang đeo là 1 cây Odachi. (Ảnh: Ancient Origins)

Chủ nhân của Norimitsu Odachi là những chiến binh khổng lồ?

Liên quan đến thanh Norimitsu Odachi, nhiều người ủng hộ quan điểm nó đã từng thực sự được sử dụng trong chiến đấu, vì vậy người sử dụng nó hẳn phải là một người khổng lồ.

Bên cạnh đó, cũng giả thuyết thứ 2 đơn giản hơn cho thanh gươm đặc biệt này là nó được sử dụng cho các mục đích phi chiến đấu.

30/12/2019

Dao Ka-Bar

Ham mê về cơ khí và dao kiếm nên mình rất quan tâm đến các loại vũ khí lạnh cổ kim của TG. Không có tiền để sở hữu nên phải lên internet sưu tầm. Những kiến thức về chế tạo vũ khí lạnh Đông Tây vô cùng phong phú và quý giá, có điều bị mai một dần bời sử phát triển của khoa học và công nghệ - thật tiếc. 

Được dịch từ tiếng Anh-Ka-Bar là tên gọi phổ biến đương đại của con dao chiến đấu được Thủy quân Hoa Kỳ sử dụng lần đầu tiên vào tháng 11 năm 1942 với tư cách là con dao chiến đấu 1219C2, và sau đó được Hải quân Hoa Kỳ sử dụng làm con dao tiện ích của Hải quân Hoa Kỳ, Mark 2.

Đây là những con dao chuẩn thuở ban đầu của Kar – Bar

 



Cái tên Ka-Bar xuất phát từ năm 1923 khi hãng cơ khí Union Cutlery Co. (được thành lập từ tận năm….1800) tuyên bố một câu chuyện thú vị: một người thợ săn đã dùng dao của họ để giết 1 con gấu bị thương sau phát đạn đầu tiên, nhưng chưa gục ngã và tiếp tục tấn công khi súng của người thợ săn bị kẹt đạn. Từ “Ka-Bar” là nói chệch đi từ “kill bear” (giết gấu). Không ai có thể xác định được câu chuyện này có thật hay không, nhưng thương hiệu Ka-Bar bắt đầu nổi như cồn từ thời điểm đó.




Thiết kế của con Kar – Bar dành cho TQLC

   Năm 1942, Thủy quân lục chiến (lính Marine) Mỹ cảm thấy họ thực sự cần cải tiến lại vũ khí cận chiến của mình, và Ka-Bar chính là cái tên đầu tiên được lựa chọn để “đặt hàng” những mẫu dao đầu tiên.
Sở hữu nhiều tính năng ưu việt nhờ kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này, Kabar đã làm nên nhiều mẫu dao đã trở thành huyền thoại, với những chi tiết “mẫu mực” mà nhiều thương hiệu dao sau này cũng phải học tập như đường vát để làm nhọn mũi dao một cách cân đối, biên dạng dao để tạo sự cân bằng trong chuyển động, phần lưỡi răng cưa được sử dụng để dễ cắt dây thừng.
   Nổi tiếng bởi độ bền và tính đa dụng cao, được ưa chuộng bởi nhiều thế hệ quân đội Mỹ, Kabar nổi tiếng với một biệt danh khác “Đồ tể”. Với thiết kế rãnh dọc lưỡi dao, nạn nhân khi gặp phải sát thương từ con dao này sẽ mất máu liên tục do rãnh dọc này dẫn đường cho máu chảy ra ngoài nhanh hơn.
   Toàn bộ quá trình sản xuất dao hầu như được chế tạo thủ công với quy trình kiểm tra nghiêm ngặt cũng như những bí quyết công nghệ được giữ bí mật gắt gao. Chính vì lẽ đó mà những con dao này đều có tuổi thọ và độ tin cậy rất cao.Bên cạnh sử dụng để chiến đấu, dao KA-BAR đã chứng minh tính đa năng của nó khi được sử dụng cho việc mở lon, đào rãnh, cắt gỗ, rễ cây, dây leo, dây cáp. Bên cạnh đó thì con dao này cũng sở hữu giá trị thẩm mỹ khá cao và thường được tìm mua bởi những người đam mê quân sự.
Hãng Ka-Bar ngày nay đã nghiên cứu sản xuất nhiều loại dao khác để phục vụ những mục đích phong phú như hỗ trợ săn bắn, công cụ lao động… thế nhưng dao quân sự vẫn là một trong những niềm kiêu hãnh lớn nhất của họ. Hầu hết các mẫu dao quân sự hiện có của Ka-Bar đều được thiết kế dựa trên những thông số này: Dao dài 30,16 cm, phần lưỡi dài 18 cm, nặng 0,56 kg, được làm bằng thép cacbon 1095, Phần chuôi dài 12.7cm được làm từ da ép, những miếng da được cắt hình tròn đồng xu sau đó được ép lại. Cùng với đó là các biện pháp xử lý hóa chất để có thể chống lại ảnh hưởng của nấm mốc.
   Ngay trên trang web của Ka-Bar, những mẫu dao quân sự có thể được bán với giá tương  đương 100 USD, và nếu bạn đang ở Việt Nam, cái giá để bạn có được một con dao Ka-Bar còn lớn hơn nhiều.


21/09/2016

Sơ lược về rèn


   Rèn là một phương pháp gia công được dùng từ lâu. Rèn là nung nóng phôi thép tới nhiệt độ trên 900oC để cho kim loại chuyển sang trạng thái dẻo rồi đặt lên đe và dùng búa đập để có được hình dáng cần thiết của sản phẩm.



Dụng cụ nghề rèn



a. Chồn: là nguyên công rèn làm cho tiết diện của phôi tăng lên, do chiều cao giảm xuống. Có ba kiểu chồn: chồn toàn phần, chồn đầu và chồn giữa. Khi chồn đầu hay chồn giữa, chỉ cần nung nóng một phần của phôi (ở đầu hay giữa), phần đó sau khi chồn sẽ có tiết diện lớn hơn.
b. Vuốt: là một nguyên công rèn để kéo dài phôi và làm cho diện tích mặt cắt ngang của nó nhỏ xuống. Những kiểu vuốt khác nhau là:
+ Vuốt phẳng (dàn phẳng): là đập dẹp phôi bằng một dụng cụ dát phẳng làm cho chiều rộng của phôi lớn lên và chiều cao giảm xuống.
+ Vuốt rộng lỗ: là nguyên công dùng trục gá để giảm chiều dày và tăng đường kính của ống.
+ Vuốt dài ống: là nguyên công dùng trục tâm làm tăng chiều dài của ống và làm giảm đường kính ngoài cùng chiều dày của ống.
c. Đột: là một nguyên công rèn làm cho phôi có lỗ hoặc có chỗ lõm sâu xuống. Dụng cụ để tạo lỗ gọi là mũi đột.
d. Chặt: là một nguyên công của rèn dùng để cắt phôi liệu thành từng phần. Có thể tiến hành ở trạng thái nguội hoặc trạng thái nóng.
e. Uốn: là một nguyên công rèn ở trạng thái nguội hay nóng để đổi hướng thớ của phôi.

Tôi thép
- Tôi thép là phương pháp nung nóng thép lên cao quá nhiệt độ tới hạn để làm xuất hiện tổ chức Austenit giữ nhiệt rồi làm nguội nhanh thích hợp để austenit chuyển thành mactenxit hay các tổ chức không ổn định khác với độ cứng cao.
- Mục đích của tôi thép là: Nâng cao độ cứng và tính chống mài mòn của thép.
- Có hai hình thức tôi là: tôi xuyên tâm và tôi mặt ngoài.
+ Tôi xuyên tâm
Chọn nhiệt độ để tôi thép theo thành phần cacbon trên giản đồ:
Thép trước cùng tích: 
Thép sau cùng tích:   
Giữ nhiệt và làm nguội nhanh hợp lý (làm nguội trong nhiều môi trường khác nhau). Chi tiết cứng cả trong lẫn ngoài. Để đánh giá hiệu quả của các phương pháp tôi người ta đưa vào chỉ tiêu độ thấm tôi.
+ Tôi mặt ngoài
Tôi mặt ngoài thực hiện bằng cách nung nhanh và làm nguội lớp mặt ngoài của chi tiết. Bề mặt chi tiết sau khi tôi có độ cứng cao còn phần lõi vẫn mềm và dẻo. Tôi mặt ngoài thường dùng để tôi bánh răng, các trục truyền động xoắn. Các phương pháp tôi mặt ngoài thường được sử dụng:
·   Tôi cao tần: là sử dụng dòng điện xoay chiều có tần số cao để nung nhanh bề mặt ngoài của chi tiết.
·     Tôi bằng ngọn lửa ôxy - axêtylen:
Nung nhanh chi tiết bằng ngọn lửa ôxy - axêtylen để bề mặt đạt đến nhiệt độ tới hạn A3 và làm nguội nhanh trong nước hay dung dịch hóa chất.
 Ram thép
Ram là phương pháp nhiệt luyện nung nóng thép đã tôi dưới các nhiệt độ nhiệt độ tới hạn (AC1), giữ nhiệt độ ở một thời gian và làm nguội. Nhằm để mactenxit và austenit dư phân hóa thành các tổ chức thách hợp phù hợp với điều kiện làm việc quy định.
     Mục đích của ram thép là làm giảm hoặc làm mất các ứng suất dư sau khi tôi đến mức cần thiết để đáp ứng điều kiện làm việc lâu dài của sản phẩm cơ khí mà vẫn duy trì cơ tính sau khi tôi.
- Có 3 cách ram:
+ Ram thấp là phương pháp nung nóng thép đã tôi trong khoảng 150 - 2500C tổ chức đạt được là mactenxit ram.
+ Ram trung bình là phương pháp nung nóng thép đã tôi trong khoảng 300 - 4500C tổ chức đạt được là troxit ram.
+ Ram cao là phương pháp nung nóng thép đã tôi trong khoảng 500 - 6500C, tổ chức đạt được là xoocbit ram.

20/05/2016

Thêm vài nét về dao Mèo (H'Mong)

Đặng Sơn


Dao mèo được làm từ nhiều loại thép khác nhau trước đây do sự khan hiếm của thép đồng bào có thể tận dụng thép từ nhiều nguồn như máy móc công cụ hỏng thậm chí có nơi rèn dao mèo từ thép mảnh bom, lưỡi máy công cụ của Trung Quốc hoặc lưỡi cưa xăng..v…v. Giờ việc giao thương hàng hoá cũng dễ dàng hơn nhiều nên việc kiếm thép tốt để làm dao không còn khó khăn như trước và loại thép được dùng làm dao mèo nhiều nhất chính là thép nhíp xe của nước Nga anh em.

Xã hội phát triển giờ đây đạo đức người ta còn làm giả được thì việc xuất hiện những con dao mèo kém chất lượng là điều dễ hiểu. Sau đây Tôi xin chia sẻ một vài cách nhận biết dao mèo rèn từ thép nhíp xe tốt với các loại thép khác. Những kiến thức những kinh nghiệm này là do những người thợ rèn thủ công đúc rút ra dựa vào quá trình làm việc nhiều năm với các loại thép khác nhau.

Để phâm biệt thật giả Tôi xin điểm qua quá trình ra đời của 1 lưỡi dao mèo: Thép nhíp xe của Nga (trên nhíp xe của Nga có hai đường rìa mỏng hơn – nhíp khác không có đặc điểm này) mua về được thợ nung nóng dùng đột chặt ra và cân trọng lượng thép như ý muốn rồi mới đập rèn..v…v.

Nghe thì đơn giản nhưng thực sự đây là những công việc tốn rất nhiều công sức vì từ mảnh nhíp dày 12mm người thợ phải đập ra con dao có hình dạng như mong muốn với độ dày sống dao còn cỡ 6-7mm có nơi công nghệ phát triển thợ có thể dùng búa máy để đập nhưng chỗ Tôi sinh sống người dân tộc không đủ điều kiện sắm máy móc nên vẫn đập búa tay cả buổi sáng chỉ đập được 1-2 con dao buổi chiều quay ra mài, dũa, tôi, ram vậy là cả ngày làm việc mệt nhọc cũng chỉ tạo ra được 2 lưỡi dao.

Cách làm này chậm nhưng chắc chắn vì khi làm thủ công mọi thứ được kiểm soát kĩ hơn – tốt hơn. Một ngày thợ đập giỏi được 2 lưỡi dao như ý (chưa làm cán làm vỏ) nên không có chuyện dao tốt mà bán giá 200-300k như những con dao mèo ở các khu du lịch.

Gần đây do nhu cầu phát triển rất nhiều dao mèo ra đời từ rất nhiều các loại thép khác nhau trong đó cũng có cả những loại nhíp được cán mỏng bằng máy cắt thành phôi dao rồi về thợ chỉ đập qua lại rồi tôi và mài dũa.

Bên cạnh đó còn có những loại dao mèo được làm từ thép công nghiệp với phôi dao đã dập máy cắt sẵn cách nhận biết những dao mèo này là trên thân dao không có vết búa do quá trình đập – rèn lớp mạ màu đen trên thân dao không phải do quá trình rèn – tôi mà là lớp sơn phủ bằng loại hoá chất.

Dao mèo loại này rất khó mài sắc khi mài được dùng cũng nhanh cùn và dao này nhẹ hơn dao mèo rèn từ thép nhíp.



Dao mèo làm từ thép nhíp sau khi mài bằng đá nước thường bề mặt có lớp phủ màu vàng như váng đồng sau khi chặt gỗ hoặc sử dụng lớp phủ này biến mất thay vào đó là màu trắng sáng của thép.

Thép nhíp mài bằng đá bùn, đá núi thường sắc bén và giữ cạnh sắc lâu (sử dụng lâu mà không phải mài lại) người dân tộc vẫn thử độ sắc của dao sau khi mài bằng cách cứa vào móng tay nếu thấy lưỡi dao có độ mút trên móng tay thì đó là dao sắc – dao tốt còn nếu thấy dao không mút mà cảm giác trượt khỏi móng tay thì đó là lưỡi dao chưa tốt.

Một con dao mèo tốt dùng tới cả chục năm vẫn chưa hỏng.




05/03/2016

Phân tích một con dao tạm gọi là để sinh tồn đi...

Thưa các bạn! khi nhập môn chơi dao thì phần đông chúng ta bị lẫn lộn hoa mắt trước muôn vàn con dao có hình thể khác nhau biến hóa đủ kiểu, không biết đầu từ đâu nên dễ mắc các sai lầm cơ bản, đến khi rút được 1 vài kinh nghiệm thì đã tốn tiền kha khá. Các sách viết về dao chỉ chủ yếu viết về lịch sử, giới thiệu các thương hiệu, mẫu dao mang tính sưu tầm mà không đề cập nhiều các kiến thức cơ bản. Trên các diễn đàn chơi và chế dao ở ta thì kiến thức lại càng giang hồ tản mạn, chỉ có 1 số bài viết rất hiếm hướng dẫn nhập môn của Joe Talmadge và vài tác giả khác là giá trị giúp chúng ta hiểu vấn đề và có cái nhìn tổng quan.
Ở bài này tôi thường sử dụng hình ảnh của thương hiệu dao SPYDERCO không phải vì tôi có hoặc tín nhiệm mà là vì tương đối dễ minh họa mà không làm cho mọi người thấy sự hung dữ của vũ khí lạnh mà thôi...
Tôi thử tổng kết lại vài kiến thức học được từ Joe, kết hợp với 1 vài phát triển và nhận định của riêng tôi, rất mong mọi người tham gia bổ sung hay thảo luận qua lại làm rõ các vấn đề, qua đó tự rút ra nhận định cho riêng cho mỗi người. Bài viết tốn thời gian nên tôi sẽ post từ từ khi có thời gian.
Lưỡi dao có 2 bộ phận chính là LƯỠI BÉN và MŨI NHỌN dùng để xuyên thấu qua vật liệu theo phương rộng và chiều sâu.
Trên 1 con dao, hiệu quả của lưỡi bén và mũi nhọn hay có tính bù trừ qua lại được này mất kia. Hình thể vô cùng đa dạng của lưỡi dao thực chất là các biến dạng kết hợp qua lại một cách cân bằng giữa lưỡi bén và mũi nhọn theo ý đồ công năng của người thiết kế. Hình thể lưỡi dao bao gồm hình dáng khi nhìn ngang và tiết diện của lưỡi (mặt cắt cho thấy kiểu grind, góc bevels).
Trước tiên chúng ta sẽ tách ra phân tích riêng từng đặc tính một, sau đó sẽ có cái nhìn tổng thể vài con dao cơ bản.
1. CÁC ĐẶC TÍNH CỦA LƯỠI DAO:
- BỤNG DAO:
Bụng dao là cạnh dao được mài bén xuất phát từ cán đến mũi dao.
Với chiều dài lưỡi dao nhất định thì bụng dao càng bầu càng tăng chiều dài của lưỡi bén đồng thời cũng giúp đổi hướng cạnh bén một cách tịnh tiến, làm tăng khả năng XẮT THÁI của con dao.
Khi xắt thái 1 vật gì, động tác kéo hay đẩy tới rất cần lưỡi bén càng dài càng tốt (một cách tương đối) và phải liên lục không đứt quãng. Sự đổi hướng của lưỡi bén giúp lưỡi dao "ăn" vào vật liệu từ các hướng khác nhau. Tưởng tượng khi xắt thái 1 vật gì trên mặt thớt nằm ngang thì lưỡi dao có bụng bầu tốt sẽ luôn luôn có 1 đoạn bén tiếp cận "song song" tịnh tiến với mặt thớt cho dù góc cán dao thay đổi so với mặt thớt.


Nếu công việc xắt thái là quan trọng thì lựa chọn lưỡi dao có bụng bầu là sáng suốt. Như con Spyderco K2 của Farid Mehr thiết kế, đây là dáng lưỡi Bowie-style bản rộng với mũi nhọn được đưa lên cao lằm tăng độ cong của bụng dao.

Các con dao săn rất cần cái bụng bầu này, nhất là vùng gần phía mũi để luồn vô lạng bóc da thú nên lưỡi Bowie-style là hình ảnh của loại dao săn, các con dao sống còn, outdoor cũng vậy.


Một khi tinh chỉnh làm tăng thêm chiều dài lưỡi bén khi bị giới hạn chiều dài của lưỡi dao là chọn bụng dao hình chữ S. Phần cạnh bén gần sát cán chuyển hướng ra phía trước một chút sẽ dễ ăn vô vật liệu khi ta đẩy con dao ra phía trước đến tận cùng (lúc cắt trên không, không tì xuống thớt). Lí thuyết là như vậy nhưng phần lưỡi lõm đó sẽ khiến ta vò đầu bứt tai khi mài dao. Con dao Emerson Commander và Spyderco Zulu đặc trưng cho kiểu lưỡi này:
Ta dễ dàng nhận thấy là khi tối ưu bụng bầu và tăng độ cong lưỡi bén, đồng thời ta cũng hạn chế đi hiệu quả của mũi nhọn vì mũi dao bị phình to ra, không còn thuôn nữa. Một ví dụ trái ngược là con dao Spyderco Centofante Memory dưới đây, với bụng dao ít cong sẽ dễ dàng tăng hiệu quả cho mũi nhọn:
Các con dao lưỡi Bowie giữ độ cong gần mũi mà muốn gỡ gạc phần nào mũi nhọn hay dùng giải pháp "Clip point" tức là khoét lõm cái sống gần mũi một chút. Giải pháp này tuy làm mũi nhọn hơn cho một vài sử dụng, nhưng vẫn lệch phía trên do với trục lưỡi dao nên vẫn không tối ưu cho đâm.

...(lúc nào có điều kiện lại đi sâu phân tích kỹ hơn).

MŨI DAO:
Nói đến mũi dao thường người ta thường chỉ nghĩ đến chức năng đâm, thế nhưng trong thực tế mũi nhọn và phần lưỡi bén ngay sát mũi rất hữu dụng cho nhiều chức năng khác nhau như khoét, khía, rạch, tỉa, cắt trong những góc khuất khó với tới, mở miệng trước khi cắt các vật liệu có "da" trơn đàn hồi...Một đặc tính nữa rất quan trọng của mũi dao là dành cho các công việc cần độ CHÍNH XÁC cao. Một ví dụ dễ thấy là các lưỡi dao giải phẫu rất nhỏ, chỉ cần mũi nhọn và đoạn lưỡi bén rất ngắn sát mũi do cần độ chính xác rất cao mà không cần lưỡi bén dài như các con dao thông thường.
Khả năng xuyên thấu và độ chính xác của mũi dao phụ thuộc vào góc nhọn và độ mỏng của mũi. Mũi dao có góc càng nhỏ và càng mỏng sẽ càng chính xác và xuyên thấu vật liệu tốt, thế nhưng sẽ càng yếu khi đâm vô vật cứng. Ngược lại góc mũi dao tù hơn và dày hơn sẽ chịu đựng hơn khi làm việc nặng nhưng bù lại sẽ mất đi hiệu quả và ít hữu dụng với các công việc chính xác. Vậy chọn mũi dao như thế nào phải tùy thuộc công việc của mỗi người mà cân nhắc cho hợp lí.
Khi chức năng chính của con dao là đâm, mũi dao lí tưởng là SPEAR POINT giống như mũi giáo hay mũi tên. Mũi nhọn trùng với trục của lưỡi dao và trục của cán để lực đâm được truyền thẳng hàng từ cán đến mũi. Để tăng tính xuyên thấu thì lưỡi dao không có sống mà có 2 lưỡi bén đối xứng 2 bên trục với đường cong rất nhẹ.
Do lưỡi dao thon dài không có sống nên để tăng cường sức chịu đựng thì phần thép ngay giữa trục lưỡi dao rất dày và vuốt đều sang 2 bên lưỡi. Hình thể này làm cho khả năng cắt rất kém nhưng không quan trọng. 
Một ví dụ rõ nhất của Spear point là con dao FAIRBAIRN-SYKES nổi tiếng. Đây mới là con dao găm chính hiệu chuyên dùng cho chiến đấu của Anh được thiết kế trước thế chiến thứ 2 và sử dụng rộng rãi cho nhiều nhóm Commando trên thế giới cho đến ngày nay.
Ngoài góc nhọn và độ mỏng mũi dao thì VỊ TRÍ của mũi dao được đặt ở đâu so với trục lưỡi dao cũng rất quan trọng, do ảnh hưởng đến khả năng dễ điều khiển và khống chế mũi dao đó. Thông thường thì vị trí của mũi dao càng CAO càng khó điều khiển và sử dụng.
Các lưỡi dao có mũi nhọn cao hơn hay ngang với sống dao được gọi là TRAILING POINT. Hình thể lưỡi dao này rất phổ biến ở các con dao săn do cần bụng cong gần mũi tối đa để lột da thú, tuy nhiên vị trí mũi dao rất cao nên khó điều khiển và sử dụng mũi nhọn này, như con dao Spyderco Bill Moran dưới đây:

Để hạ thấp mũi dao xuống, trong khi vẫn giữ được 1 phần bụng lưỡi cong hữu dụng người ta hay chọn DROP POINT hay CLIP POINT. Các hình thể lưỡi dao này có mũi nhọn tiến gần với trục lưỡi dao nên khả năng đâm cũng tốt hơn. Drop point tạo góc ở mũi lớn hơn nên cứng cáp hơn so với Clip point, là hình thể có sống dao bị khoét lõm nên mất nhiều thép sau mũi hơn. Hình thể "Drop point sống thẳng" sẽ cân bằng giữa Drop point và Clip point về góc nhọn và sức chịu đựng.
Các con dao có mũi nhọn thấp hẳn xuống như con dao cutter giúp người dùng rất dễ khống chế và điều khiển mũi nhọn đó cho các công việc chính xác, tuy nhiên nó cũng đồng thời làm giảm đi hay thậm chí làm biến mất độ cong bụng lưỡi. Con dao bếp đa năng Santoku của Nhật có vị trí mũi dao rất thấp là vì lí do này, giúp các đầu bếp dễ điều khiển mũi dao cho các việc cắt tỉa chính xác, cho dù con dao khá lớn và rộng bản. Từ "San" có nghĩa là 3, tượng trưng cho tính đa năng của nó: Cá, Thịt và Rau củ.

Các lưỡi dao SHEEPSFOOT có hình thể giống như con dao Santoku truyền thống trên, nhưng tùy thuộc vào góc giữa sống và lưỡi dao mà đưa ra 2 trường hợp cho 2 mục đích sử dụng khác nhau: hoặc để hạ thấp mũi dao xuống, hoặc làm biến mất, vô hiệu hóa mũi dao. Trong thực tế có những trường hợp người ta cần lưỡi dao để cắt nhưng mũi dao nhọn có thể gây nguy hiểm khi sử dụng. Như dao cứu hộ cắt dây an toàn, cắt quần áo xử lí vết thương nếu có mũi nhọn có thể chọc vào nạn nhân khi khẩn cấp, hoặc dao sử dụng trên thuyền phao nếu bị rơi sẽ chọc thủng vỏ cao su.


LƯỠi GIẢ "FALSE EDGE" hay "SWEDGE":
Cả 2 đều là giải pháp mài thêm 1 bevel phụ phía bên sống dao sát với mũi, False edge bén như lưỡi dao nhưng chỉ 1 đoạn gần mũi không dài hết sống, trong khi Swedge chỉ vạt góc cái sống cho mỏng bớt nhưng không bén, có thể dài hết sống dao hay chỉ ngắn 1 đoạn như False edge. Cả 2 trường hợp đều biến lưỡi dao "tiếp cận" về hình thể SPEAR POINT đã nói ở trên làm tăng khả năng xuyên thấu của mũi dao, thế nhưng mặt trái của nó là làm đoạn lưỡi dao đó yếu hẳn đi do mất phần thép ngay sống, giống như hình thể lưỡi dao Spyderco Native các đời trước đây:
Rất nhiều mẫu dao trong thương mại thêm Swedges trên sống dao vì nhìn rất cool, do trên thực tế khá nhiều người mua bởi vì cái nhìn đầu tiên hơn là hiểu đầy đủ về con dao với các tính năng của nó. Vấn đề này được tranh luận từ rất lâu trên các diễn đàn, nhiều người thú nhận biết là có những design thêm Swedges vô không những vô dụng mà còn làm yếu lưỡi dao nhưng đôi khi họ vẫn bị "dính chưởng" vì vẻ đẹp rất "ngầu".

Một lý do nữa, ít ra theo lý luận của 1 số nhà làm dao, là thêm vào False Edge hay Swedge với mục đích làm giảm trọng lượng của mũi dao để đẩy TRỌNG TÂM của toàn con dao về phía cán là điểm cầm nắm khi sử dụng. Thế nhưng theo tôi đó chỉ là lời biện hộ cho mục đích chính là làm đẹp lưỡi dao vì thật vô lí khi chọn sống dày cho cố rồi phải khoét mỏng đi cho nhẹ bớt trong khi họ hoàn toàn có thể chọn lưỡi dao có sống mỏng hơn ngay từ đầu có góc cắt nhỏ hơn, vừa chịu đựng tốt do còn nguyên sống dao, vừa nhẹ như ý muốn, chưa kể tốn ít công đoạn hơn khi sản xuất, tức là tốt hơn mọi điều trừ "thẩm mỹ".
Tất nhiên con người ai cũng thích cái đẹp, nhưng với quan điểm của 1 người làm nghề liên quan đến thiết kế hiện đại, theo tôi các yếu tố thẩm mỹ phải gắn liền và hỗ trợ cho công năng mới là 1 thiết kế tốt và lâu dài. Những yếu tố làm đẹp nhưng vô ích, hay thậm chí làm hạn chế đi công năng không phải là thiết kế tốt, chỉ mang tính mode.
Đôi khi cái Swedge không dính sát với mũi dao mà tách ra giống như hình thể lưỡi dao modified Tanto nổi tiếng của Elishewitz.
Knifemaker này, khi thiết kế con dao Stryker khá nổi tiếng của Bechmade, đã chỉnh sửa lưỡi Tanto americain cho hữu dụng hơn bằng cách hạ mũi nhọn xuống trùng với trục của dao để tăng khả năng đâm, tăng góc giữa 2 đoạn lưỡi để chúng ít bị đứt đoạn hơn và thêm cái swedge ngay phần sống dao song song với lưỡi làm cho toàn lưỡi dao thon nhọn hơn khi đâm xuyên sâu vô vật liệu cứng mà vẫn tận dụng được độ khỏe của mũi Tanto:

LƯỠI TRƠN HAY RĂNG CƯA ?:
Khi sử dụng con dao để cắt, cứa, chặt, thái...ta có thể tóm gọn lại có 2 cách thức lưỡi dao xuyên thấu vô vật liệu là "Cắt đẩy" và "Cắt cứa".
Cắt đẩy: Lưỡi dao tiến thẳng vô vật liệu bằng lực nhấn vào trực tiếp, ví dụ như khi gọt vỏ quả táo ta "đẩy" lưỡi dao xuyên qua lớp da để cắt. Khi chặt vột vật gì đó thì lưỡi dao cũng xuyên qua vật liệu theo kiểu cắt đẩy, cạo lông cũng là 1 dạng cắt đẩy.
Cắt cứa: Lưỡi dao cắt qua vật liệu bằng động tác cứa qua cứa lại như khi cưa, ví dụ khi ta thái quả cà chua thành các lát mỏng.
Về cơ bản thì lưỡi dao trơn bén vượt trội lưỡi răng cưa trong mọi công việc cần cắt đẩy. Các công việc chính xác và yêu cầu nhát cắt "sạch đẹp" cũng cần lưỡi dao trơn.
Lưỡi dao răng cưa vượt trội lưỡi dao trơn trong phần lớn trường hợp khi cắt cứa. Lưỡi răng cưa vốn có các mũi nhọn tách biệt khiến diện tích tiếp xúc sẽ nhỏ hơn 1 lưỡi trơn liên tục nên cùng 1 lực ép thì lưỡi răng cưa "ăn" vô vật liệu nhanh hơn do lực tập trung vô vùng diện tích nhỏ hơn. Phần lưỡi cong lõm giữa các mũi nhọn có các đọan bén tịnh tiến hướng về trước và sau nên sẽ dễ cắt vào vật liệu khi lưỡi dao tiến tới hay lùi lại. Các đoạn bén lõm vào được các mũi nhọn nhô ra "bảo vệ" nên khó cùn hơn.
Góc mài của lưỡi răng cưa cũng chỉ có 1 bên theo kiểu đục đất nên nhỏ và mỏng hơn so với lưỡi trơn. Với lưỡi dao dài như nhau thì lưỡi răng cưa có tổng chiều dài các đoạn bén dài hơn hẳn đoạn bén của lưỡi trơn. Tất cả các yếu tố đó giúp lưỡi dao răng cưa khi "cắt cứa" sẽ "ăn" vô vật liệu nhanh hơn, nhất là khi cắt các vật liệu dạng sợi hay vật liệu cứng.
Thực tế cho thấy lưỡi răng cưa ngay khi cùn vẫn có thể cắt được 1 cách tương đối nên ít cần phải mài hơn, nhưng bù lại việc mài cũng khó hơn rất nhiều. Nếu tôi nhớ không lầm thì Spyderco là hãng tiên phong dùng lưỡi răng cưa Spyder edge cho các con dao xếp của họ.
Lưỡi dao trơn dù bén đến đâu khi phóng lớn cũng thấy các "răng cưa" nhỏ lởm chởm, kích thước các răng cưa đó tùy thuộc vào độ thô của đá mài, đá càng thô răng cưa càng lớn và ngược lại. Thực tế nhiều test cho thấy khi mài ở 1 độ thô nhất định thì lưỡi dao trơn có thể qua mặt được lưỡi răng cưa khi cắt cứa vật liệu mềm nên quan điểm lưỡi răng cưa luôn hơn lưỡi trơn khi cắt cứa cũng cần được coi lại.
Vậy chọn lưỡi răng cưa hay lưỡi trơn tùy thuộc cân nhắc dao dùng vào việc gì, cắt chính xác với đường cắt đẹp hay cắt phá, cần sử dụng lâu mà không cần mài lại hay không, khả năng mài cùng phương tiện...Lưỡi trơn do tính đa năng nên hữu dụng hơn trong cuộc sống, nhất là ta có thể lựa chọn độ thô của đá mài mà cho ra nhiều khả năng cắt khác nhau tùy công việc, nhưng nếu ta cần con dao chuyên cắt dây thừng, ống cao su, vật liệu dạng sợi hay cứng thô...có thể cân nhắc dùng lưỡi răng cưa. 
Có 1 thời khá thịnh hành loại lưỡi dao Combo là loại lưỡi kết hợp cả 2 trên cùng 1 con dao, thế nhưng cũng nên nhớ là dù trơn hay răng cưa cũng cần 1 độ dài nhất định mới hiệu quả, nếu lưỡi dao ngắn quá mà ráng nhét cả 2 sẽ cản trở hiệu quả lẫn nhau.


...Hẵng tạm thế đã nhỉ - tôi tìm hiểu thêm rôi lại viết tiếp vậy...