Hiển thị các bài đăng có nhãn Thiên nhiên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thiên nhiên. Hiển thị tất cả bài đăng

23/06/2022

Chúa tể rừng taiga - hổ Amur

st trên net

Hổ Siberia, còn có tên hổ Amur hay hổ Ussuri được mệnh danh là "Chúa tể của rừng Taiga". Đây là động vật thuộc họ mèo lớn nhất thế giới, nặng trung bình khoảng 350 kg, cơ thể vạm vỡ với bộ lông dày tuyệt đẹp.

Hổ Siberia sống chủ yếu trong rừng taiga - loại rừng lá kim xứ lạnh đặc trưng ở vùng Siberia của nước Nga. Chúng có bộ lông rậm và dày hơn so với các nòi hổ khác, nhờ đó có thể chịu được cái lạnh khắc nghiệt vào mùa đông băng giá. Hổ Siberia sống đơn độc. Thức ăn của chúng là những động vật ăn cỏ như hươu, nai sừng tấm và tuần lộc. Những con hổ Siberia lớn còn săn cả gấu nâu để làm thức ăn.

Tiếc thay, với số lượng hiện nay chỉ còn khoảng 400, hổ Siberia là một trong 10 loài động vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất trên thế giới bởi nạn khan hiếm thức ăn và săn bắt trái phép. Do mùa đông kéo dài và nhiệt độ xuống thấp nên loài hổ này bị cạn nguồn thức ăn. Điều này buộc chúng phải tìm đến gần các khu vực dân cư để kiếm ăn và đây chính là một trong những nguyên nhân chúng dễ bị mắc bẫy của những tay thợ săn trộm...

    Dưới đây là một số hình ảnh về loài động vật họ mèo này:

30/05/2022

ĐONG ĐƯA BỐNG DỪA

 

Bài: Tạ Tri, ảnh: Tấn Tới

 


Với tôi, thịt bống thân quen như hơi thở. Thuở còn bú mớm đã nghe tiếng hát ru: 

Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra. 

Bậu ra bậu lấy ông câu. 

Bậu câu cá bống, chặt đầu kho tiêu.

Kho tiêu, kho ớt, kho hành. 

Kho ba lượng thịt để dành mà ăn...

Bống dừa kho tiêu

Hồi mới tập ăn dặm, đã sớm làm quen với những muỗng cơm nhai nhuyễn thịt bống dừa hay bống cát. Tuổi nhỏ chuyên mê chơi, ưa trốn ngủ trưa, đầu trần dang nắng, để nửa đêm nóng sốt mê man. Chớm khỏi bệnh, vẫn là những muỗng cháo lềnh thịt bống, đong đầy tình mẹ!

Nhớ bống cố hương

“Trọng trọng” một chút, 12 - 15 tuổi, tôi đã háo hức cùng đám bạn cùng xóm nghèo, ven biển Đám Lá Tối Trời (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), lội bộ mấy cây số đặt lọp, thục hang, câu cá bống dừa, bống trứng… phụ lo bữa cơm chiều.

Thời đó, khoảng 30 năm trước, sông rạch Soài Rạp dư giả cá tôm. Mỗi đứa chúng tôi, lặn lội khoảng vài ba tiếng đã nghe nằng nặng giỏ, từ nửa ký đến 1kg cá, dư ăn cả nhà.

 

Ngẩn ngơ, bống dừa kho tộ

Nếu muốn xúc hoặc thụt cá bống trong hang, phải đợi những ngày con nước kém, canh lúc con nước ròng sát. Men theo những ngọn rạch ngoằn ngoèo, um tùm những tán cây giá, mắm, dừa nước… de ra giao ngọn.

Có vũng rộng cỡ cái mâm, ngầu đục, sâu hơn tấc nước, quần tụ ba - bốn “trự” bống dừa đen bóng, có con gần bằng ngón chân cái người lớn. Người bắt chỉ cần khom lưng, khéo léo dùng hai tay nắm chặt miệng rổ, xoay tròn, tạo một lực hút xoáy đủ mạnh để cá bị cuốn vào lòng rổ (còn gọi chao). Cách bắt này, thường đơn lẻ hoặc sánh đôi hai người đi cặp một mương, không vui bằng câu.

Đi câu, thường theo nhóm năm, sáu người, chuyện trò rôm rả hơn. Mồi bén của lũ bống thường là thịt tép (bạc hoặc đất nhỏ) hay mồi trùn. Với mồi tôm, cá ăn nhạy hơn nhưng rất hao mồi. Khi thấy cục phao câu (bằng nhựa hoặc cờ bắp khô) chìm xuống, chạy xa gần một tấc, người câu chỉ cần gặt ngang- mạnh vừa phải, rồi nhanh tay kéo lên.

Nay, lượng cá bống cố hương đã thưa thớt dần. Mặc dù vậy, vẫn còn những người bắt cá bống mưu sinh.

Giai tầng nhà bống

Trước nay “phẩm hạnh” con bống lọ lem luôn được xếp chiếu dưới so với bống cát - thịt luôn chắc, ngọt hơn. Phần do “cơ địa” bống đàn anh ưa vùng vẫy nơi tầng đáy, phần thích khoét hang sâu ở vùng cửa sông, thường có nước xoáy để phục con mồi (cá, tép, cua con…). Kiểu như, con bống thệ, ưa sống nơi hợp lưu Hương Giang vậy.

Thanh thoát, bống dừa “nấp” bụi chuối


Bù lại, hợp tấu món ngon, món mới bống dừa cứ thi nhau nẩy nở trong dân gian. Và để tránh đơn điệu, buộc những thím Ba, chú Bảy phải vắt óc suy nghĩ món mới thật hấp dẫn.

Còn anh lớn bống cát, thường quanh quẩn với các món kho tiêu, nấu cháo, hấp. Cần nói thêm, con bống đen sống được cả nước ngọt và lợ. Ở những vùng nước lợ như Trà Vinh, Cần Giờ (TP.HCM), Gò Công Đông (Tiền Giang), thịt cá thường dẻo chắc và ngọt “bạo” hơn miệt nước ngọt: Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ…

Nói nào ngay, thịt đám bống lọ lem kia vẫn có độ bở nhất định, do chúng thường an phận ở những vùng nước cạn, dòng chảy lờ đờ. Tuy vậy, gặp đầu bếp khéo tay, hiểu rõ ngọn ngành con bống vẫn có những bữa ăn thần tiên.

Mộc mạc tình quê


Hãy bắt đầu với món mộc, già cỗi vẫn chưa lỗi thời: nướng lá chuối. Ướp với ít muối ớt giã cùng tí bột ngọt, tiêu và rất ít nước mỡ heo hoặc dầu ăn. Gói lá chuối, nướng lửa than. Hoa mỹ hơn, còn gọi món “bống dừa spa”.

Nhớ đợi cá thấm gia vị khoảng 15 phút. Gói hai lớp lá chuối. Chọn lá chuối sứ (xiêm) hoặc chuối hột sẽ dễ gói hơn chuối già, do có độ dẻo nhất định. Lớp trong là lá chuối non tơ. Lớp kế, chọn lá dày dày (không già, không non). Muốn lá chuối mềm dẻo như ý, chỉ cần bạn hong nhanh hai mặt lá qua lửa than hoặc bếp ga. Riêng lớp ngoài cùng là giấy bạc.

Nướng đều hai mặt, 18-20 phút thì cá chín. Cẩn thận giở lớp giấy bạc ra. Chịu khó hong lại lửa than từ nóng vừa xuống còn âm ấm.Vẫn trở đều hai mặt, để tinh dầu lá chuối và nước ngọt cá rút ngược trở lại, ám chặt vào thịt da cá.

Nướng điệu nghệ, những sớ thịt cá trắng tươi, mỏng manh sẽ co rút lại, thêm săn chắc.

Ấn tượng nhất là mùi thơm lan tỏa, dìu dịu gợi nhớ đồng quê đến nao lòng, lúc mới giở lá ra. Tinh dầu lá chuối tươi sục sôi cuộn trào với chất béo ngọt của mỡ heo và mỡ cá (chủ yếu từ gan bé tẹo), rồi ám khói than đước rực hồng, hòa quyện thành một làn hương vừa nồng nồng vừa ngai ngái mùi khói đốt đồng trộn lẫn mùi khói rơm cơm chiều nồng cay. Sướng thấu trời, rượu mềm môi mà chẳng thấy say! Nhưng vẫn chưa là gì so với “bống dừa túy quyền”.

Nửa tỉnh nửa say…

Cái thần của món nằm này ở chỗ, đạt đến sự phối kết uyển chuyển giữa men rượu nhẹ (nước cơm rượu hoặc bia) với nhựa trái chuối chát và con bống cong đuôi. Có hai cách để đúc ra dạng bống giả thệ kia.

Cá sau khi làm sạch, để ráo, ướp lạt với muối ớt, cỡ 15 -17 phút. Vớt ra, phơi độ 3 - 6 giờ, tùy nắng. Hễ bóp nhẹ vào mình cá nghe cứng tay là được.

Cách thứ hai, lấy cá đã ướp sơ đem hong trên lửa than, nếu gặp ngày mưa bão.

Tùy môi trường sống, da con bống dừa đen bóng hoặc nâu xám

Phần nước xúp chủ đạo, cỡ một chén nước dừa dâu lửa hoặc dừa xiêm. Thêm 2/3 ly bia, 4-5 trái chuối sứ chát cỡ gần bằng ngón chân cái người lớn + rau răm + lá quế xắt ba sồn + sả bằm, vài củ hành tím + 1 chén nhỏ mè rang giã nhuyễn + 1 muỗng canh dầu ăn/mỡ heo. Lượng: 500g bống dừa. Với ít nước tương ngon, muối, bột ngọt, ớt chim/hiểm. Nêm nếm tùy khẩu vị. Chuối, gọt sọc dưa, bỏ bớt vỏ xanh. Xắt dọc, cắt khúc vừa gắp. Xả mủ bằng nước cốt chanh pha nước muối loãng.

Đốt cách thủy tại bàn, đựng bằng “chiếc xuồng” inox (lập là). Ban đầu, tắm nóng cá bằng bia trước. Năm phút sau, rưới nửa chén nước dừa vào, thả luôn chuối xanh. Bảy phút sau, đã nghe thơm liêu xiêu. Ban đầu là hơi men la đà. Nối đuôi, chuỗi hậu vị hăng đắng, nồng nồng cũng rồng rắn bay theo. Cho mè vào, sôi bùng, nêm nếm lại. Buông rau răm + lá quế sau cùng. Nhớ canh lượng nước tổng thể vừa xâm xấp mình cá. Lửa riu riu... Một khi nhựa chuối, men bia cùng thịt cá… trao gửi hết cho nhau, mùi béo thơm thanh mảnh trỗi dậy tưng bừng!

Thịt cá, ngoài chất ngọt bùi nguyên sơ, còn được bọc lót dư vị đăng đắng nhè nhẹ của bia. Mặt khác, một khi nhựa chuối “hùn hạp” với men bia, kỳ cọ, tẩy trần, da thịt con bống chân quê bỗng vọt lên lên hàng mỹ thực. Cũng có người muốn phá cách, chêm vào vài muỗng tương hột (loại mặn) giã ba sồn. Còn muốn lai hơi hướng bống thệ chen “cơm” dừa cứng cạy (rám) lấn thịt ba rọi kiểu quý tộc Huế, cũng chẳng ai cấm!

Kho chỉ - ngon thần thánh!

Vẫn cốt liệu bống dừa phơi dốt dốt, chọn cỡ đầu ngón tay út đến ngón trỏ người lớn, sẽ dễ uốn nắn và mau thấm gia vị hơn. Cơm dừa rám, thịt ba rọi, rau răm thì không thiếu ở miệt vườn châu thổ.

Cái khó là kiếm được cỡ nửa chén nước cơm gạo lứt, gặp gạo nàng hương càng tuyệt cú mèo. Nêm rỉ rả lượng nước đó vào nồi cá kho, lúc sôi dạo nhì.

Mê mải, bống dừa nướng lá chuối


Thành quả sau cùng là, nồi bống kho “chỉ” óng ánh màu hổ phách. Dùng đầu đũa tre chấm xuống đáy nồi, kéo lên thong thả - bạn sẽ bắt gặp một lằn chỉ nhỏ vàng nâu, toòng teng đánh đu theo. Từng giọt nước cá thơm bùi, sóng sánh tựa những tinh thể mật ong ruồi thiên nhiên. Thử quẹt với dĩa gỏi cây chuối non xắt nhuyễn + đọt me non + rau muống bào + đọt keo… hoặc luộc cả rổ đọt thập cẩm vun ngọn: chùm bao (nhãn lồng/lạc tiên), khoai lang, rau muống, đậu bắp (bắp tây) lún phún lông tơ… Gặp mưa lất phất hay tiết trời se lạnh, kể như tê tái cõi lòng!

Lãng du cũng khá, nếm trải sơn hào hải vị không ít, thế mà thằng tôi vẫn chưa thỏa. Chợt một ngày, cái đuôi con bống dừa tần tảo quẫy khẽ trong vòm miệng như nhắc khéo: muốn ngon phải thuần tự nhiên.

Nếu quả vậy, ông bà ta thuở xưa ăn uống khôn ngoan hơn đám hậu sinh đến mấy bậc!

 

10/11/2017

Cách nhân giống một số loại hoa lan



1/ Cách nhân giống Lan Hồ Điệp

1.1 Chọn giống

Chọn cây có tuổi đời từ 3 năm trở lên, thân phải đủ cao, khỏe, không bị sâu bệnh bệnh để tiến hành các bước nhân giống.

1.2 Thời điểm

Nên nhân giống vào mùa xuân, thời điểm tiến hành nhân giống trong ngày là buổi sáng mát mẻ hoặc chiều tối. Trước và sau khi cắt ngồng hoa cần chăm sóc cho cây mẹ phát triển mạnh.

1.3 Chuẩn bị

– Chọn cây giống khỏe, không sâu bệnh

– Bình phun nước, dao sắc, chậu trồng, giá thể, đất trồng.

– Phân bón, kích thích cho cây…

– Keo, dây buộc, vải mềm, xốp

1.4 Phương pháp nhân giống

Các phương pháp gồm:

– Phương pháp kích thích tố để cây tạo mầm hoa

– Phương pháp tạo cây con trên mắt của ngồng hoa

2/ Nhân giống lan Phi Điệp

2.1 Chọn giống

Lan Phi Điệp có nhiều loại, cách phân loại cũng khác nhau. Một số loại lan Phi Điệp đang phổ biến như Phi Điệp tím, Phi Điệp vàng, Phi Điệp đột biến 5 cánh Phú Thọ,… Để thủ thuật nhân giống đạt hiệu quả cao cần chọn giống khỏe, không sâu bệnh.

2.2 Phương pháp nhân giống

  • Nhân giống Lan Phi Điệp từ thân mẹ đột biến

Khi những thân già không ra hoa và là giống hoa đột biến sẽ ưu tiên nhân giống Phi Điệp trên thân chứ không phải nhân giống bằng hạt.

Bước 1: Chọn nơi nhân kei thường ẩm, thấp, ít ánh sáng, cách mặt đất khoảng 1m đến 1,5m để tránh các loại ốc sâu bọ ghé thăm. Chuẩn bị lượng giá thể vừa đủ.

Bước 2: Đặt lưới mắt nhỏ lên giàn để nhân giống, rải giá thể đã qua xử lý lên một lớp dày khoảng 5cm.

Bước 3: Xếp đều các đoạn Phi Điệp đã được cắt khúc lên giàn lưới. Nếu để tỷ lệ nhân giống lên tốt thì bạn hãy dùng kích kei trước khi đưa lên giàn ươm nhé!

Bước 4: Mỗi ngày tưới nước đều để đảm bảo độ ẩm nhé.

  • Nhân giống lan Phi Điệp từ gốc

Nhân giống lan Phi Điệp bằng mầm gốc nên được thực hiện sau mùa đông – mùa nghỉ của Lan Phi Điệp, lúc này mầm gốc bắt đầu bật mạnh. Để nhân giống thành công thì thân mẹ phải khỏe thì mầm gốc càng lớn nhanh và đủ khả năng để bật cả 2 mầm gốc.

Để tối ưu phát triển của mầm gốc cần chú ý thời điểm cắt thân mẹ để nhân kei sẽ vào khi mầm gốc đã lớn bằng thân mẹ, tiến hành cắt thân mẹ và kích mầm gốc thứ 2 sẽ rơi vào khoảng tháng 7, 8 là phù hợp nhất. Lúc này sự phát triển của mầm gốc thứ nhất sẽ chững lại để nuôi mầm gốc thứ hai và chúng cũng rất cần nhiều dinh dưỡng để phát triển hơn vì vậy mà các bạn hãy bón phân đầy đủ cho cây phát triển nhé!

  • Nhân giống từ quả

Đây là phương pháp nhân giống tự nhiên nhất. Tuy nhiên, việc nhân giống này sẽ không giữ được các đặc tính gốc của cây mẹ. Để nhân giống từ quả cần làm qua các bước sau:

Bước 1: Hãy để những thân mẹ ra hoa cho đến khi có quả, quả già chín.

Bước 2: Chuẩn bị giá thể để nhân giống. Chọn nơi ít ánh sáng ẩm thấp, làm một giá đỡ cách mặt đất khoảng 1m. Dùng rêu qua xử lý phủ lên với độ dày khoảng 5cm, rải đều và nén chặt.

Bước 3: Lấy hạt của lan Phi Điệp từ quả rồi rải đều lên giàn đã phủ đầy rêu. Giữ độ ẩm đủ để cây nảy mầm

Cách nhân giống hoa lan nhanh chống nhất

Cách nhân giống hoa lan nhanh chóng nhất

3/ Cách nhân giống lan dendro.

3.1 Chọn giống.

Chọn cành mẹ có sức sinh trưởng mạnh, cành sau khi cho hoa có độ dài từ 70 – 100 cm. Khi giả hành của cây con trưởng thành thì có thể tiến hành nhân giống. Lưu ý không tách cây con khi giả hành còn non thì khả năng sống sẽ thấp.

3.2 Chuẩn bị

Để chuẩn bị cho việc nhân giống bạn cần đầy đủ các công cụ như dao cắt, khay rễ, bầu giâm, chất để sát khuẩn giống như vôi, dịch trùn quế,..

3.3 Phương pháp nhân giống

Bước 1: Tách cây con từ thân cây mẹ

Sau khi chọn được cây con đủ điều kiện tách thì dùng dao sắc cắt cây con khỏi thân cây mẹ. Không cần cắt thêm đoạn thân cây vì tỉ lệ sống của cây con không cao hơn mà còn ảnh hưởng đến sức sống và khả năng cho cây con về sau của cây mẹ.

Bước 2: Chuẩn bị khay

Thêm một lớp đá hoặc rêu than bùn vào khay tạo rễ. Nếu bạn sử dụng rêu, hãy đảm bảo rêu đủ ẩm bằng cách ngâm trong nước, sau đó để ráo nước và rải đều trên khay ra rễ. Xịt nước vào cành giâm lan và đặt chúng lên trên lớp rêu.

Bước 3: Chăm sóc cành giâm

Nhiệt độ trong khu vực giâm cành nên từ 23 – 26 độ C. Phun nước lên cành để giữ ẩm nhưng không để ướt đẫm. Phun dịch trùn quế hòa tan trong nước hai tuần một lần trong hai tháng đầu.

Bước 4: Đặt vào bầu

Sử dụng đá mòn, vỏ cây hoặc rêu than bùn để làm giá thể cho bầu. Khi đặt cây con vào bầu phải đảm bảo thân cây thẳng và chồi hướng ra ngoài hoặc sang một bên. Tưới nước 2 lần/ngày để giữ ẩm thường xuyên,

4/ Cách nhân giống lan Giả Hạc.

4.1 Chọn giống.

Nhân giống lan Giả Hạc bằng cách giâm cành là phổ biến nhất. Chọn cây mẹ là những cành già có sức sinh tốt. Chọn các đoạn cành có các đốt không mang hoa để giâm vì cây con sẽ không mọc lên từ các đốt mang hoa.

4.2 Chuẩn bị

Chuẩn bị các dụng cụ gồm cây con, dao sắc, khay ươm, giá thể, nước vôi tôi.

4.3 Phương pháp nhân giống.

Cắt thân cây mẹ thành đoạn dài từ 15-20 cm, dùng nước vôi tôi để bôi vào vết cắt tránh nhiễm nấm bệnh, đặt lên khay có rêu hoặc mùn dừa, và tưới thường xuyên để duy trì độ ẩm. Sau 1 – 2 tháng thì cây con sẽ mọc ra từ các đốt. Khi cây non cao 4-5 cm, có rễ mọc dài khoảng 3-4 cm thì có thể đem trồng.

5/ Cách nhân giống Lan Ngọc Điểm rừng.

5.1 Chọn giống.

Cây lan Ngọc Điểm làm giống là cây trưởng thành, sinh trưởng tốt và không bị sâu bệnh hại. Thời điểm thích hợp để tiến hành nhân giống là các tháng mùa xuân thời tiết mát mẻ.

5.2 Chuẩn bị.

Chuẩn bị các dụng cụ để nhân giống gồm: dao sắc, giá thể, phân bón, dây buộc, que nẹp, dây điện cỡ nhỏ, keo liền sẹo, thuốc kích ra rễ.

5.3 Phương pháp nhân giống.

Cách 1: Nhân giống tự nhiên

Nhân giống tự nhiên hay chính xác là phương pháp giâm cành. Chọn đoạn cành dài, khỏe rồi cắt thành khúc từ 30 – 50 cm, bôi keo liền sẹo vào 2 đầu vết cắt.

Dùng que nẹp đoạn cành thẳng cố định, hướng các mắt mầm lên trên. Phun thuốc kích thích định kỳ 1 lần/ tuần. Tưới nước 2 lần/ngày để giữ ẩm. Sau khoảng một tháng sẽ mọc chồi con.

Cách 2: Nhân giống theo phương thẳng đứng.

Phương pháp này vô cùng đơn giản. Bạn sẽ treo ngược cả giò lan ngọc điểm lên cao. Chăm sóc cây như bình thường, sau một thời gian từ cây mẹ sẽ mọc nhiều cây con. Khi cây con đủ lớn thì tách ra để trồng.

Cách 3: Phương pháp ép cây mẹ đẻ con.

Bạn dùng lõi đồng của dây điện buộc vào thân cây mẹ ở đoạn gần rễ, buộc lún vào thân khoảng 1 mm. Chăm sóc cây mẹ đầy đủ dinh dưỡng. Sau một thời gian từ gốc cây mẹ sẽ mọc cây con, để cây mẹ đẻ từ 1 – 2 con là phù hợp, sẽ không bị mất sức.

6/ Cách nhân giống lan thòng

6.1 Chọn giống.

Chọn cây lan thân thòng làm giống là cây khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Chuẩn bị: giá thể, dây điện cỡ nhỏ, keo liền sẹo, vitamin B1, phân trùn quế,..

6.2 Phương pháp nhân giống.

Thời điểm thuận lợi nhất để ươm chồi non là sau khi cây ra hoa, chồi non mọc đủ dài, rễ bám vào giá thể.

Chọn phần thân đã ra hoa để ươm chồi. Cắt thân thành từng đoạn 20 – 30 cm, bôi keo liền sẹo vào 2 đầu vết cắt. Sau một ngày vết cắt khô thì đem ngâm cả đoạn cành vào dung dịch B1 trong 1 tiếng, vớt ra để khô khoảng 5 tiếng và tiếp tục ngâm dung dịch B1 thêm lần nữa.

Sau khi xử lý, bạn đặt đoạn cành vào khay đựng giá thể. Nhiệt độ khu vực ươm cành thích hợp từ 25 – 28 độ C, tránh ánh sáng trực tiếp. Tưới nước 2 lần/ngày để giữ ẩm. Sau 3 tháng từ đoạn cành sẽ mọc chồi. Chăm sóc đoạn cành bằng cách tưới nước và phun phân trùn quế định kỳ 2 tuần/lần. Khi chồi có từ 2 – 3 cm thì đem khay ra chỗ nhiều ánh sáng hơn. Sau khi cây con sinh trưởng ổn định, ra rễ mạnh thì có thể đem trồng.

7/ Cách nhân giống lan trầm

7.1 Chọn giống

Chọn những cây to, mập và khỏe mạnh để làm giống. Cây khỏe thì sẽ cho cây con cũng sinh trưởng khỏe mạnh.

7.2 Thời điểm

Thời điểm phù hợp để nhân giống lan trầm là mùa khô, vì cây ưa nắng gió, nhưng đồng thời phải đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây phát triển và duy trì độ ẩm thường xuyên.

7.3 Chuẩn bị:

Cây mẹ làm giống, giá thể trồng, phân trùn quế, dao sắc, vitamin B1.

7.4 Phương pháp nhân giống

Bước 1: Dùng dao sắc để tách giả hành, tách cẩn thận tránh làm tổn thương mắt ngủ ở dưới gốc. Tỉa bớt phần rễ già.

Bước 2: Ngâm phần gốc giả hành vào dung dịch vitamin B1 trong 1 tiếng, vớt ra để khô trong 5 tiếng

Bước 3: Treo giả hành lên cao cách mặt đất khoảng 1 m, tưới nước giữ ẩm và phun phân trùn quế định kỳ 1 – 2 tuần/lần. Khi chồi mọc, ra rễ khỏe và sinh trưởng ổn định là có thể đem trồng.

8/ Cách nhân giống hoa lan vanda

8.1 Chọn giống

Chọn cây lan Vanda làm giống là cây có thân mọc thẳng lên, nhiều hoa to. Trên thân có nhiều rễ con hút dinh dưỡng khỏe.

8.2 Phương pháp nhân giống

Cách nhân giống lan vanda tương tự như lan hồ điệp. Cây lan vanda trưởng thành mọc nhiều chồi con, dưỡng cây mẹ nuôi cây con đến khi cây con mọc tối thiểu 2 rễ, thân lá phát triển khỏe thì có thể tách chồi đem trồng.

04/04/2015

HỌC THUYẾT KINH LẠC

I - ĐỊNH NGHĨA

Kinh lạc là tên gọi chung của kinh mạch và lạc mạch trong cơ thể, kinh là đường thẳng, là cái khung của hệ kinh lạc đi ở sâu; lạc là đường ngang, là cái lưới, từ kinh mạch chia ra như mạng lưới đến khắp mọi nơi và đi ở nông.

Kinh lạc phân bố ra toàn thân là con đường vận hành của âm dương, khí huyết, tân dịch, khiến cho con người từ ngũ tạng lục phủ, can mạch, cơ nhục, xương vv… kết thành một chính thể thống nhất.

II - CẤU TẠO CỦA HỆ KINH LẠC

1. Kinh mạch và lạc mạch

a) 12 kinh mạch chính

Tay

3 kinh âm

·         Thủ thái âm phế

·         Thủ thiếu âm tâm

·         Thủ quyết âm tâm bào lạc

3 kinh dương

·         Thủ thái dương tiểu trường

·         Thủ dương minh đại trường

·         Thủ thiếu dương tam tiêu

Chân

3 kinh âm

·         Túc thái âm tỳ

·         Túc thiếu âm thận

·         Túc quyết âm can

3 kinh dương

·         Túc thái dương bàng quan

·         Túc thiếu dương đởm

·         Túc dương minh vị

b) 8 kinh mạch phụ:

·         Nhâm mạch

·         Âm duy mạch

·         Đốc mạch

·         Dương duy mạch

·         Xung mạch

·         Âm kiểu mạch

·         Đới mạch

·         Dương kiểu mạch

c) 12 kinh biệt đi ra từ 12 kinh chính

d) 12 kinh cân nối liền các đầu xương ở tứ chi không vào phủ tạng

đ) 15 biệt lạc: từ biệt lạc phân nhánh nhỏ

f) Phù lạc: từ tôn lạc nổi ở ngoài da

2. Huyệt: gồm 319 huyệt ở đường kinh chính, 52 huyệt ở 2 đường kinh phụ cộng là 361 huyệt nằm trên 14 đường kinh (nếu kể cả 2 bên là 319 x 2 + 52 = 690 huyệt) và khoảng 200 huyệt ngoài đường kinh (hiện nay các nhà nghiên cứu đã tìm và đặt tên thêm nhiều huyệt nữa).

3. Kinh khí và kinh huyệt vận hành trong kinh lạc: ngoài tác dụng chung còn mang tính chất của đường kinh mà nó cư trú.

III – TÁC DỤNG CỦA HỆ THỐNG KINH LẠC

1. Về sinh lý:

·  Hệ thống kinh lạc thông hành khí huyết trong các tổ chức của cơ thể chống ngoại tà bảo vệ cơ thể.

·   Hệ kinh lạc liên kết của tổ chức cơ thể (tạng, phủ, tứ chi, chín khiếu, cân, mạch, xương, da…) có chức năng khác nhau thành một khối thống nhất.

2. Về bệnh lý:

Khi công năng hoạt động của hệ kinh lạc bị trở ngại, gây kinh khí không thông suốt thì dễ bị ngoại tà xâm nhập và gây bệnh. Bệnh thường truyền từ ngoài vào trong, từ ngoài da cơ nhục vào tạng tức là từ kinh mạch và phủ tạng.

Bệnh ở phủ tạng thường có những biểu hiện bệnh lý ở đường kinh mạch đi qua: vị nhiệt thì loét miệng, cơn đau ngực do co thắt động mạch vành đau ở tâm kinh vv…

3. Về chẩn đoán:

Kinh mạch nối liền với tạng phủ và có đường đi ở những vị trí nhất định của cơ thể. Căn cứ vào những thay đổi cảm giác (đau, tức, chướng) điện sinh vật trên đường đi của kinh mạch người ta chẩn đoán bệnh thuộc tạng phủ nào đó gọi là kinh lạc chẩn. Thí dụ: nhức đầu vùng đỉnh do can, đau nửa bên đầu do đởm. Đau sau gáy thuộc bàng quang vv…

Ngoài ra, người ta còn đo thông số điện sinh vật của các tỉnh huyệt (huyệt tận cùng đầu chi của các kinh) hay nguyên huyệt (huyệt chính của một đường kinh) bằng máy dò kinh lạc để đánh giá được tình trạng hư thực của khí huyết (huyết tay trái, khí tay phải) hoặc tình trạng hư thực của tạng phủ, so với số liệu trung bình hoặc so 2 bên cơ thể với nhau vv…

4. Về chữa bệnh:

Học thuyết kinh lạc được ứng dụng nhiều nhất vào phương pháp chữa bệnh bằng châm cứu xoa bóp và thuốc.

Châm cứu và xoa bóp đã thành một phương pháp chữa bệnh độc đáo đạt nhiều thành tựu to lớn.

Học thuyết kinh lạc chỉ đạo việc qui tác dụng của thuốc tương ứng với tạng, phủ hay đường kinh nào đó gọi là sự qui kinh của thuốc: Thí dụ:

· Quế chi vào phế nên chữa ho cảm mạo.

· Ma hoàng vào phế nên chữa ho hen, vào bàng quang nên có tác dụng lợi niệu.

ĐẠI CƯƠNG VỀ KINH LẠC

Nói giản đơn về kinh lạc là: Trên thân mình người ta, cứ một tạng phủ bên trong vàbề mặt bên ngoài có mối quan hệ "thông lạc". Nói cụ thể hơn thì kinh là một đường dây chăng, mỗi một tạng phủ đều có một đường kinh riêng của nó. Nói chung là nó đan dọc trên dưới, thông  đạt trong ngoài, mà có đường tuần hành nhất định (theo một đường nhấtđịnh mà đi gọi là tuần hành), mỗi một kinh lại phân bố một số huyệt vị. Lạc là do ở đườngkinh có phân bố ra rất nhiều chi nhỏ, số lớn là lưới ngang không mấy chỗ là không có thông, giống như một cái lưới bao bọc lấy toàn thân, làm cho kinh này với kinh khác cóquan hệ với nhau. Do vậy kinh lạc ở trong ngoài, trên dưới, phải trái, trước sau của cơ thểcó quan hệ tương hỗ chung, làm cho tạng phủ trong cơ thể và các tổ chức khí quan các nơingoài cơ thể có cùng một quan hệ, duy trì các hoạt động sống được thống nhất và điềuhòa.

Bảng 3 - Phân biệt kinh và lạc

Phân loại

Tuần hành

Nơi đi

Số lượng

Kinh mạch

Lạc mạch

dọc cơ thể

ngang cơ thể

ở sâu

ở nông

ít nhiều

          Về hình tượng mà nói, kinh lạc hầu như có liên quan đến mọi nơi của cơ thể, do đó cũng có tác dụng hai mặt:

          Một là có tác dụng giúp "vận hành khí huyết", sức hoạt động công năng của conngười như giơ tay cầm nắm các vật, óc suy nghĩ vấn đề, chủ yếu là dựa vào khí huyết đưađẩy. "Khí huyết" có thể đưa đẩy đều đặn đến toàn thân là thông qua đường kinh lạc chuyển đạt.

          Mặt nữa là có tác dụng làm "chuyển biến tật bệnh". Do kinh lạc là nơi thông suốtgiữa tạng phủ bên trong cơ thể và bề mặt bên ngoài của con người gọi là "thông lạc", cho nên không những nó đem những bệnh tật bên ngoài chuyển dần vào trong, như bên ngoàibị lạnh có thể dẫn đến ho hắng và đau bụng, lại còn đem những bệnh biến của tạng phủphản ảnh lên bề mặt ngoài cơ thể. Ở những nơi đường kinh thuộc tạng phủ đó tuần hànhcó xuất hiện chứng trạng, có thể theo đó chẩn đoán bệnh ở kinh nào, tạng nào, phủ nào.Phép chữa bệnh bằng châm cứu cũng căn cứ vào quan hệ của kinh lạc, theo nội tạng vàhuyệt vị hữu quan mới đạt đến mục đích chữa khỏi bệnh. Ví dụ: Châm huyệt Túc tam lý ởchân có thể chữa đau dạ dày vì huyệt Túc tam lý ở trên kinh mạch túc dương minh vị, kinhmạch này đi từ đầu, mặt xuống qua ngực, bụng, đùi, chân. Châm huyệt Hợp cốc trên bàntay có thể chữa đau răng vì huyệt này ở trên kinh mạch thủ dương minh đại trường, kinhmạch này đi từ ngón tay, lên qua vai, cổ, đến mặt. Do đó có thể thấy kinh lạc có địa vị trọng yếu trong phép chữa bệnh bằng châm cứu.

          Sau đây là phần giới thiệu nội dung kinh lạc, gồm có 12 kinh mạch và 8 mạch kỳ kinh.

 

Mười hai kinh mạch

Mười hai kinh mạch cũng gọi là chính kinh. Vì trong cơ thể có tâm, can, tỳ, phế, thận, tâm bào là 6 tạng; có đảm, vị, đại trường, tiểu trường, bàng quang, tam tiêu là 6 phủ, cộng 12 tạng phủ. Mỗi một tạng phủ đều có một kinh phụ thuộc nó, cộng có 12 kinh nên gọi là chính kinh. Tên gọi của chính kinh đều lấy tên tạng phủ của nó mà đặt như tâm kinh, đảm kinh, vị kinh v.v...

Theo "Học thuyết âm dương" trong Đông y mà nói thì 6 tạng đều thuộc âm: Phế và tỳ là thái âm, tâm và thận là thiếu âm, can và tâm bào là quyết âm; sáu phủ đều thuộc dương. Tiểu trường và bàng quang là thái dương, đảm và tam tiêu là thiếu dương, vị và đại trường là dương minh.

Sáu tạng và đường tuần hành của âm kinh thuộc về nó đều ở mặt âm của tứ chi (mặt trong của chi). Sáu phủ và đường tuần hành của dương kinh thuộc về nó đều ở mặt dương của chi (mặt ngoài của chi). Mức độ âm dương nhiều ít của tên đường kinh là do vị trí đường kinh trên chi thể có mức độ nhiều ít của mặt dương, âm mà định. Độ lớn dần của âm dương theo chiều hướng vận động chung của vũ trụ, bên trái lớn dần theo chiều ngược kim đồng hồ, bên phải lớn dần theo chiều thuận kim đồng hồ. Ở mặt dương từ dương minh, qua thiếu dương tới thái dương, ở mặt âm từ thiếu âm, qua quyết âm tới thái âm. Đồng thời, do kinh mạch âm dương phân bố ở tứ chi cho nên đường tuần hành ở chi trên gọi là thủ kinh, tất cả là thủ tam âm kinh, thủ tam dương kinh; đường tuần hành ở chi dưới gọi là túc kinh, tất cả là túc tam âm kinh, túc tam dương kinh, gộp chung cả lại là 12 kinh, cho nên thường gọi là 12 kinh mạch chính.

A. Đường tuần hành của 12 kinh mạch

Đường tuần hành của 12 kinh mạch có thể chia ra làm 4 loại:

- Thủ tam âm kinh là thủ thái âm phế kinh, thủ quyết âm tâm bào kinh, thủ thiếu âm tâm kinh, cả ba kinh mạch này đều đi từ ngực ra theo mặt âm của chi trên đến đầu chót các ngón tay.

- Thủ tam dương kinh là thủ dương minh đại trường kinh, thủ thiếu dương tam tiêu kinh, thủ thái dương tiểu trường kinh. Cả ba kinh mạch này đều từ đầu chót ngón tay đi ven theo mặt dương của chi trên lên đến đầu.

- Túc tam dương kinh là túc dương minh vị kinh, túc thiếu dương đảm kinh, túc thái dương bàng quang kinh. Cả ba kinh mạch này đều từ đầu đi qua lưng trên, ven theo mặt trước mặt bên và mặt sau của cạnh ngoài chi dưới, xuống đến gót chân.

- Túc tam âm kinh là túc thái âm tỳ kinh, túc quyết âm can kinh, túc thiếu âm thận kinh.

Cả ba kinh mạch này đều từ đầu ngón chân, ven theo mặt trước, mặt trong và mặt sau của cạnh trong chi dưới đi lên đến bụng.

B. Thứ tự nối tiếp của các đường kinh và giờ tuần hành kinh khí

Hoạt động kinh khí phụ thuộc vào hoạt động công năng của tạng phủ, hoạt động công năng của tạng phủ lại tuân theo một chu trình thời gian trong ngày, người ta đã ghi nhận được chu trình hoạt động đó thành bài ca như sau: Phế dần, đại mão, vị thìn cung. Tỳ tỵ, tâm ngọ, tiểu mùi trung. Thân bàng, dậu thận, tâm bào tuất. Hợi tam, tý đảm, sửu can thông.

Nay đem diễn giải thành bảng theo giờ thông dụng như sau:

Giờ Dần (từ 3-5 giờ sáng)

- Thủ thái âm phế kinh tuần hành

Giờ Mão (từ 5-7 giờ sáng)

- Thủ dương minh đại trường kinh tuần hành

Giờ Thìn (từ 7-9 giờ sáng)

- Túc dương minh vị kinh tuần hành

Giờ Tỵ (từ 9-11 giờ sáng)

- Túc thái âm tỳ kinh tuần hành

Giờ Ngọ (từ 11-13 giờ trưa)

- Thủ thiếu âm tâm kinh tuần hành

Giờ Mùi (từ 13-15 giờ trưa)

- Thủ thái dương tiểu trường kinh tuần hành

Giờ Thân (từ 15-17 giờ chiều)

- Túc thái dương bàng quang kinh tuần hành

Giờ Dậu (từ 17-19 giờ tối)

- Túc thiếu âm thận kinh tuần hành

Giờ Tuất (từ 19-21 giờ tối)

 - Thủ quyết âm tâm bào kinh tuần hành

Giờ Hợi (từ 21-23 giờ đêm)

- Thủ thiếu dương tam tiêu kinh tuần hành

Giờ Tý (từ 23-01 giờ đêm)

- Túc thiếu dương đảm kinh tuần hành

Giờ Sửu (từ 01-03 giờ sáng)

- Túc quyết âm can kinh tuần hành

C. Biểu lý tương phối của 12 kinh mạch

Trong 12 kinh mạch thì cứ một âm kinh phối hợp với một dương kinh, như vậy gọi là biểu lý tương phối (cũng gọi là âm dương tương phối). Kinh mạch tương phối khi tuần hành ở ngón tay, ngón chân thì nối tiếp nhau, vì nội tạng mà nó sở thuộc cũng cùng quan hệ tương hỗ ảnh hưởng. Trên lâm sàng, huyệt vị ở bản kinh còn có thể dùng để trị bệnh ở một kinh khác cùng tương phối với nó. Như thủ dương minh đại trường kinh và thủ thái âm phế kinh cùng biểu lý, lấy huyệt Xích trạch ở phế kinh để chữa ho hắng, lại cũng trị được bệnh lỵ. Lại như túc thái âm tỳ kinh và túc dương minh vị kinh cùng biểu lý, lấy huyệt Túc tam lý ở vị kinh có thể chữa được đau dạ dày, lại cũng chữa được ỉa chảy. Những ví dụ trên đã nói lên rằng âm kinh và dương kinh có quan hệ biểu lý tương phối rất mật thiết.

Bảng tương phối của 12 kinh mạch

Thủ thái âm phế kinh

tương phối với

Thủ dương minh đại trường kinh

Thủ thiếu âm tâm kinh

tương phối với

Thủ thái dương tiểu trường kinh

Thủ quyết âm tâm bào kinh

tương phối với

Thủ thiếu dương tam tiêu kinh

Túc thái dương tỳ kinh

tương phối với

Túc dương minh vị kinh

Túc thiếu âm thận kinh

tương phối với

Túc thái dương bàng quang kinh

Túc quyết âm can kinh

tương phối với

Túc thiếu dương đảm kinh

D. Đầu, cuối của 12 kinh mạch và chủ trị

Như trên đã nói qua, 12 kinh mạch có đường tuần hành nhất định và các kinh đều phản ánh bệnh tật ở bản tạng hoặc bản phủ, phần này nói đến đường đi cụ thể và chủ trị một số bệnh tật.

1. Thủ thái âm phế kinh

a. Cấu trúc: Gồm có 11 huyệt, cả hai bên là 22 huyệt. Kinh mạch bắt đầu từ trung tiêu (dạ dày, Trung quản) hướng xuống đại trường có một đường lạc nối, rồi lại từ đại trường đi trở lại một đường nông ngoài đi lên trên cổ dạ dày, ven theo cổ dạ dày xuyên lên quan cơ hoành cách, vào phế tạng, lại từ phế tạng lên đến cạnh hầu, lại đi ngang ra đến phía dưới hố đòn, ven theo cạnh trong cánh tay trên đi xuống qua hốc khuỷu tay, ven theo cạnh trong phía trước xương quay, đến cổ tay ở thốn khẩu, từ thốn khẩu đi đến mô cái, ven theo mô cái đi đến cạnh đầu ngón cái (Thiếu thương).

Mạch nhánh, từ sau cổ tay (Liệt khuyết) phân ra hướng theo phía mu bàn tay đi thẳng đến đầu ngón trỏ ở cạnh trong là huyệt Thương dương.

b. Quan hệ tạng phủ: Kinh này từ ngực ra tay, thuộc phế (bản kinh thuộc phế tạng), đường lạc sang đại trường (kinh này và kinh đại trường cùng nối tiếp nhau), đi qua hoành cách, có quan hệ với thận và vị.

c. Chủ trị: Ho hắng hen suyễn, hụt hơi, khái huyết, hầu họng sưng đau, trúng gió, tức ngực, hố trên xương đòn và cạnh trong phía trước cánh tay đau, tê, bả vai buốt lạnh.

2. Thủ dương minh đại trường kinh

a. Cấu trúc: Gồm có 20 huyệt, hai bên là 40 huyệt. Kinh mạch tuần hành bắt đầu từ (huyệtThương dương) ở cạnh trong đầu ngón tay trỏ, đi theo cạnh ngón vào khe xương bàn 1-2 (Hợp cốc) rồi đi lên qua cạnh trước cẳng tay, qua cạnh ngoài khuỷu tay, cạnh ngoài cánh tay trên, đến mỏm quạ, đi lên phía sau vai giao hội vào huyệt Đại chùy ở đốc mạch, lại gặp ngược lại hướng về phía lõm ức xuống phổi, rồi xuyên qua cơ hoành, tới đại trường.

Mạch nhánh, từ lõm ức lên đến cạnh cổ (sau kinh vị) thông qua mặt sau (sau Đại nghinh) tiến vào trong hàm dưới, lại chuyển ngược ra ngoài lên rãnh môi trên, thông qua huyệt Địa thương ở kinh vị, hai bên giao hội lại ở huyệt Nhân trung (chính giữa rãnh Nhân trung), kinh mạch bên trái đi về phía bên phải, kinh mạch bên phải đi về phía bên trái, riêng rẽ đi lên đến cạnh cánh mũi (là huyệt Nginh hương) thì dứt.

b. Quan hệ tạng phủ: Bản kinh từ tay lên đến đầu, thuộc đại trường, đường lạc sang phế, lại có quan hệ trực tiếp với vị.

c. Chủ trị: Đau bụng, sôi bụng, ỉa chảy, lỵ, hầu họng sưng đau, răng đau, mũi chảy nước trong, chảy máu mũi, đau trước vai, đau ngón tay trỏ, sốt nóng hoặc rét run.

3. Túc dương minh vị kinh

a. Cấu trúc: Gồm 45 huyệt, cả hai bên là 90 huyệt. Kinh mạch tuần hành bắt đầu từ rãnh môi mũi ở cạnh mũi (Nghinh hương), từ cạnh mũi đi lên đến khóe mắt phía trong, đi ngược lại qua chính giữa phía dưới ổ mắt đi xuống qua cạnh ngoài của cánh mũi tiến vào đến lợi trên, rồi chuyển về qua vòng môi, xuống dưới giáo hội với điểm giữa môi dưới (Thừa tương) chuyển lùi qua ven cạnh sau phía dưới xương hàm dưới, đi đến phía dưới trước góc hàm (Giáp xã), hướng đi lên tản ra trước tại, đi qua cũng gò má ở trước tai, ven theo bờ tóc lên đến góc trán (Đầu duy), cuối cùng ở trước trán giáo hội với đốc mạch ở huyệt ThầnMạch nhánh ở trên mặt, từ giữa hàm dưới (Đại nghinh) hướng xuống cổ cạnh hầu (Nhân nghinh), ven theo cạnh hầu tiến vào lõm ức; đi xuống phía trong qua cơ hoành tới vị và liên hệ với tỳ tạng.

Mạch ở lõm ức đi thẳng từ chỗ lõm của xương đòn xuống cạnh trong của đầu vú, đi thẳng xuống cạnh ngoài rốn 2 thốn, đến phía trên xương mu ở rãnh háng, chỗ huyệt Khí xung.

Mạch nhánh miệng dưới của dạ dày đi sâu trong ổ bụng, hướng xuống huyệt Khí xung rồi cùng gặp nhau đi xuống, thẳng đến phía trên đùi ở mặt trước (là huyệt Bễ quan), đi tiếp ven theo mặt cao của cơ tứ đầu đùi, xuống qua xương bánh chè, ven theo cạnh ngoài của mặt trước xương chày, phía dưới phân bố xuống mu bàn chân, đến cạnh ngoài đầu ngón chân thứ hai.

Mạch nhánh ở xương chày, từ chỗ dưới xương bánh chè 3 thốn (Túc tam lý) phân ra một nhánh cạnh đi xuống đến cạnh ngoài ngón giữa, chỗ khe nối hai ngón chân.

Mạch nhánh ở bàn chân, từ mu bàn chân (Xung dương) phân ra đi xuống đến cạnh trong đầu ngón cái (Ẩn bạch).

b, Quan hệ tạng phủ: Kinh này từ đầu xuống chân, thuộc vị, đường lạc sang tỳ, có quan hệ trực tiếp với tâm, đại trường và tiểu trường.

c. Chủ trị: Sôi bụng, trướng bụng, đau dạ dày, nôn mửa, chảy máu mũi, liệt mặt, hầu họng sưng đau, đau ngực bụng, đau ở những nơi có đường kinh đi qua, sốt cao.

Huyệt vị ở kinh này ngoài tác dụng chữa cục bộ và xung quanh, cái chính yếu là chữa bệnh ở dạ dày và ruột. Phàm thân thể suy nhược, vị khí kém, đều có thể châm huyệt của túc dương minh vị kinh. Dương minh là kinh nhiều khí, nhiều huyết, chủ làm "tươi mát" các gân, vì vậy huyệt vị ở kinh có thể chữa các chứng tê bại, gân co rút.

4. Túc thái âm tỳ kinh

a. Cấu trúc: Gồm có 21 huyệt, cả hai bên là 42 huyệt. Kinh mạch tuần hành bắt đầu từ cạnh trong đầu ngón chân cái (Ẩn bạch), ven theo đó đi lên qua bờ trước mắt cá trong, phân bố đến phía sau cẳng chân, men theo cạnh sau xương chày, chéo qua mặt trước của túc quyết âm can kinh, đi lên qua cạnh trong khớp gối đến phía trước cạnh trong xương đùi, đi lên cạnh ngoài bụng (cách đường trục giữa bụng là 4 thốn) vào tỳ tạng, có liên lạc thêm sang vị, lại hướng đi lên qua cơ hành, lồng ngực, qua hai bên hầu họng, đến cuống lưỡi, tản vào phía dưới lưỡi.

Mạch nhánh ở vị, từ dạ dày phân ra đi lên thông qua cơ hoành, mạch khí đi luôn tới trong tâm tạng.

b. Quan hệ tạng phủ: Kinh này đi từ chân lên đến đầu, thuộc tỳ, đường lạc sang vị, có thêm quan hệ trực tiếp với tâm, phế, đại trường và tiểu trường.

c. Chủ trị: Trướng bụng, đau dạ dày, nôn mửa, ỉa chảy, đầy hơi, vàng da, cứng lưỡi, đau tức cạnh trong đầu gối và đùi.

Phàm chữa rối loạn tiêu hóa, phân nát, đau dạ dày, ngoài những huyệt trên kinh vị ra, cần lấy thêm huyệt ở kinh từ mới nâng cao hiệu quả. Ngoài ra cũng còn chủ trị chứng thấp, bệnh phụ nữ.

5. Thủ thiếu âm tâm kinh

a. Cấu trúc: Gồm 9 huyệt, hai bên là 18 huyệt. Kinh mạch bắt đầu từ trong tim (hệ thống tim và các mạch có liên quan tới tạng phủ khác), hướng xuống thông qua hoành cách cùng nối tiếp với kinh thủ thái dương tiểu trường.

Mạch nhánh của hệ tâm, từ hệ tâm phân ra đi lên cạnh thực quản, lên đến hệ mắt (là mạch có quan hệ tốt tới mắt và não).

Mạch của hệ tâm đi từ tim thẳng đến phế tạng, đi chéo ra mặt dưới hố nách ven theo mặt sau của cạnh trong cánh tay, qua khuỷu tay, qua chỗ khớp cổ tay, chỗ xương trụ và xương đậu cao lên, tiến vào bàn tay ở khe bàn ngón 4-5 rồi ra cạnh trong ngón tay út ở đầu ngón (Thiếu xung).

b. Quan hệ tạng phủ: Kinh này từ ngực ra tay, thuộc tâm, đường lạc sang tiểu trường, có thêm quan hệ trực tiếp với phế và thận.

c. Chủ trị: Đau tim, miệng khát, mắt vàng, sườn đau hoặc cạnh trong bàn tay đau, lòng bàn tay nóng.

6. Thủ thái dương tiểu trường kinh

a. Cấu trúc: Gồm 19 huyệt, hai bên là 38 huyệt. Kinh mạch tuần hành bắt đầu từ cạnh ngoài đầu ngón tay út (thiếu trạch), ven theo ngoài bàn tay, đến chỗ cổ tay, qua giữa lồi cầu xương trụ lên đến phía sau cẳng tay, qua khuỷu tay ở chỗ giữa mỏm khuỷu tay và mỏm khớp xương cánh tay, đi ven lên cạnh ngoài phía sau cánh tay, đến mặt sau khớp vai, đi cạnh ngoài phía sau cánh tay, đến măt sau khớp vai, đi nông cả phía trên và dưới gờ xương bả vai, giao hội với huyệt Đại chuỳ ở đốc mạch, rồi gập lại phía trước tiến vào hõm vai, đi xuống nối với đường lạc của tâm trạng, ven thực quản đến dạ dày, tới tiểu trường.

Mạch nhánh ở hõm vai, từ hõm vai (sau kinh đai trường) lên má (sau huyêt Giáp xa) đến khoé măt ngoài giao hội với túc thiếu dương đảm kinh ở huyệt Đồng tử liêu, gập lại đến phia trước tai (Thính cung) rồi vào trong tai.

Mạch nhánh ở má, từ góc mắt phân ra hướng về phía dưới ổ mắt tới khoé trong mắt chỗ hốc mũi.

b. Quan hệ tạng phủ: Kinh này từ tay lên đầu, thuộc tiểu trường, đường lạc sang tâm, có thêm quan hệ trực tiếp với vị.

c. Chủ trị: Tai điếc, mắt vàng, cổ sưng, họng đau, bụng dưới đau, vai và phía sau cánh tay đau.

7. Túc thái dương bàng quang kinh

a. Cấu trúc: Gồm 67 huyệt, hai bên là 134 huyệt. Kinh mạch tuần hành bắt đầu từ khoé mắt trong (Tinh minh) lên thẳng trước trán đến sau đỉnh đầu (Bách hội), lại từ đỉnh đầu đến góc trước tai. Kinh đi thẳng từ đỉnh đầu thông vào não rồi trở lại, hướng ra phía sau chia làm hai nhánh.

Mạch nhánh thứ nhất đi theo cạnh trong bắp thịt bả vai dựa theo gần sát cột sống, (cách đều cột sống là 1,5 thốn) đi thẳng xuống đến thắt lưng, theo cạnh cột sống thắt lưng mà liên lạc vào thận tạng, vào bàng quang. Từ lưng bụng đi xuống ven theo cột sống 1,5 thốn qua mông, tiến xuống lõm khoeo sau đầu gối.

Mạch nhánh thứ hai từ sau gáy ven theo cột sống cách đều 3 thốn (cạng trong xương bả vai) đi xuống qua mông, ven theo phía sau cạnh ngoài đùi đi thẳng xuống giao hội với nhánh thứ nhất trong hố lõm khoeo, từ đấy lại qua bụng chân, qua phía sau mắt cá ngoài chân, đến chỗ lồi xương bàn số 5, đến cạnh ngoài đầu ngón út chân (Chi âm).

b. Quan hệ tạng phủ: Kinh này từ đầu đến chân, thuộc bàng quang, đường lạc sang thận, còn có thêm quan hệ trực tiếp với não và tâm.

c. Chủ trị: Đau đầu, đau cột sống, đau lưng, đau đùi, đau chân, bắp chân co rút, sốt rét, đau mắt, ra gió chảy nước mắt, tiểu tiện không thông, đái dầm, và bệnh tật ở những nơi đường kinh đi qua ở chi dưới. (Bố du là du huyệt của lục phủ ngũ tạng trên đường kinh bàng quang vùng lưng chủ trị bệnh biến của tạng phủ theo tên nó).

8. Túc thiếu âm thận kinh

a. Cấu trúc: Gồm 27 huyệt, hai bên là 54 huyệt. Kinh mạch tuần hành bắt đầu từ phía dưới ngón chân út, đi chéo vào giữa chỗ lõm trước lòng bàn chân (Dũng tuyền) qua phía dưới chỗ lõm của xương thuyền, qua phía sau của mắt cá chân đi xuống gót chân, từ đó đi lên theo cạnh trong bắp chân, qua cạnh trong hố khoeo sau khớp gối, lên đến phía sau cạnh trong đùi, tiến vào ổ bụng, ven cột sống, thông vào thận, liền sang bàng quang.

Mạch đi thẳng ở thận tạng, hướng từ thận đi lên qua gan và cơ hoành vào phổi, đi lên hai bên cạnh hầu, phân bố chỗ cuống lưỡi.

Mạch nhánh ở phổi. Từ phế tạng phân ra cùng quan hệ vơi tâm trạng, phân chia ra trong lồng ngực, cùng nối tiếp với thủ quyết âm tâm bào kinh.

b. Quan hệ tạng phủ: Kinh này đi từ chân lên đến ngực, thuộc thận, đường lạc sạng bàng quang. Có thêm quan hệ trực tiếp với can, phế, tâm.

c. Chủ trị: Đái dầm, đái són, di tinh, liệt dương, kinh nguyệt không đều, ho ra máu, hen, lưỡi khô, hầu họng sưng đau, đau lưng, phù thũng, xương sống và phía sau cạnh trong đùi đau, mệt mỏi không có sức, lòng bàn tay nóng.

9. Thủ quyết âm tâm bào kinh

a. Cấu trúc: Gồm 9 huyệt, cả hai bên là 18 huyệt. Kinh mạch tuần hành bắt đầu từ trong ngực ra, lại vào tới tâm bào lạc, hướng xuống, qua cơ hoành xuống bụng, liên quan đến thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu.

Mạch nhánh ở ngực, từ trong ngực phân bố ra xương sườn, đến dưới hố nách, đi ra giữa cạnh trong cánh tay, vào giữa khớp khuỷu tay, ra cẳng tay, ở giữa cơ gấp cổ tay, cơ quan và cơ dài tiến vào giữa lòng bàn tay, ven theo cạnh trong ngón giữa ra đầu ngón tay.

Phân nhánh ở giữa long bàn tay, từ huyệt lao cung phân ra ven theo ngón tay đeo nhẫn (ngón 4), ở cạnh ngoài ngón (huyệt Quan xung).

b. Quan hệ tạng phủ: Kinh này đi từ ngực ra, thuộc về tâm bào, đường lạc sang tam tiêu,

c. Chủ trị: Lòng bàn tay phát nóng, cẳng tay và khớp khuỷu co rút, hố nách sưng, sườn ngực đầy tức, tim đập mạnh, mặt đỏ.

10. Thủ thiếu dương tam tiêu kinh

a. Cấu trúc: Gồm 23 huyệt, hai bên là 46 huyệt. Kinh mạch tuần hành từ đầu cạnh ngón ngoài ngón tay đeo nhẫn (Quan xung), đi lên giữa khe xương bàn 4 – 5 trên mu bàn tay, ven theo lên giữa cổ tay, tiếp tục đi lên phía ngoài cẳng tay, giữa xương trụ và xương quay, đi lên qua mỏm khuỷu, lên cạnh ngoài cánh tay đến vai, giao hội với túc thiếu dương đảm kinh ở mặt sau, phía trước tiến vào lõm vai, phân bố xuống giữa hai vú, mạch khí chia ra nối liền với tâm bào, hướng xuống qua cơ hoành, từ ngực đến bụng, vào tới thượng tiêu, trung tiêu, hạ tiêu.

Mạch nhánh ở ngực, từ chỗ Chiên trung phân ra, đi lên qua lõm vai, qua cạnh cổ, phân bố đến sau tai, một hướng đi thẳng ra góc trên tai, lại cong xuống má mặt, đến dưới ổ mắt.

Mạch nhánh ở tai, từ sau vành tai tiến vào trong tai, lại đi ra phía trước vành tai giao hội với mạch nhánh ở ngực tai góc má mặt rồi đến cạnh ngoài lông mày, cuối cùng là góc ngoài khoé mắt.

b. Quan hệ tạng phủ: Thuộc tam tiêu, đường lạc sang tâm bào.

c. Chủ trị: Bụng trướng, phù nề, đái dầm, tiểu tiện khó, đau đầu, ù tai, đau đầu họng, đau góc ngoài mắt, cạnh ngoài vai và cánh tay đau.

11. Túc thiếu dương đảm kinh

a. Cấu trúc: Gồm 44 huyệt, hai bên là 88 huyệt. kinh mạch bắt đầu tuần hành từ khoé mắt bên ngoài, đi ra trước tai, hướng lên đến góc đầu, lại hướng xuống phía sau tai rồi ngược lên cạnh đầu, ven theo đầu cổ đến kinh thủ thiếu dương ở mặt trước, đến tận phía sau mi trên thì lại quay trở lại, giao với thủ thiếu dương kinh ở mặt sau, rồi xuống vào hõm vai.

Mạch nhánh ở tai, từ sau tai đi qua huyệt Ế phong của thủ thiếu dương kinh đi vào trong tai, lại ra trước tai, đến phía sau khoé mắt ngoài, lại từ góc phía mắt ngoài tách ra, hướng đến chỗ huyệt Đại nghinh, tại đây hợp chung với phía sau kinh thủ thiếu dương tam tiêu đến phía dưới ổ mắt, lại gập xuống qua chỗ huyệt Giáp xa để đến cổ, và nhập vào gặp mạch chỗ lõm vai, từ lõm vai vào lồng ngực, qua cơ hoành, nối liền cùng can tạng, về đảm, đi ven theo phía trong xương sườn, xuống rãnh háng ở hai bên bụng dưới chỗ huyệt khí xung, qua háng, gồ mu chui vào mấu chuyển lớn xương đùi.

Mạch đi thẳng ở lõm vai, từ lom vai đi xuống đến trước, hố nách men theo cạnh ngực qua xương sườn 11 xuống dưới nhập vào mạch trước ở mấu chuyển lớn xương đùi, từ đó đi xuống, ven theo cạnh ngoài xương đùi, cạnh ngoài khớp gối, đi xuống mặt trước xương mác, đến đầu dưới xương mác (Tuyệt cốt), đi hướng mặt trước mắt ca ngoài, ven trên mu bàn chân và kết thúc ở cạnh ngoài đầu ngón chân 4 (Túc khiếu âm).

Mạch nhánh ở u bàn chân, từ huyệt Túc lâm khấp trên mu bàn chân tách ra ven theo khe xương cổ chân 1 và 2 đi ra sau góc móng ngón cái (Đại đôn).

b. Quan hệ tạng phủ: Thuộc đảm, đường lạc sang can, có thêm quan hệ trực tiếp với tâm.

c. Chủ trị: Đau đầu, đau góc ngoài ổ mắt, phát sốt.

12. Túc quyết âm tam kinh

a. Cấu trúc: Gồm 14 huyệt, hai bên là 28 huyệt. Kinh mạch tuần hành bắt đầu từ cạnh ngoài góc móng ngón cái đi lên hướng mu bàn chân, qua phía trước mắt cá trong khoảng hơn một thốn, đi lên qua huyệt Tam âm giao đến chỗ cách mắt cá trong 3 thốn thì giao nhau với kinh thúc thái âm tỳ rồi đi theo phía sau kinh thúc thái âm tỳ lên đến cạnh trong đầu gối, ven theo cạnh trong đùi lên đến gồ mu, vòng qua âm, dương vật đến bụng dưới, đi theo cạnh dạ dày, vào tới can tạng và cùng nối liền với đảm, kế tiếp xuyên qua cơ hoành đến xương sườn lên ven khí quản, cạnh sau hầu tiến vào trong mũi, sang hố mắt, hướng lên ra trước trán hợp lại với đốc mạch ở đỉnh đầu.

Mạch nhánh ở hệ mắt, từ hệ mắt đi xuống phía sau của góc hàm vòng phía trong môi. Mạch nhánh ở gan, từ can tạng chia ra, qua cơ hoành, đến phế tạng.

b. Quan hệ phủ tạng: Thuộc can, đường lạc sang đảm, có thêm quan hệ trực tiếp với phế, vị, thận và não.

c. Chủ trị: Đái dầm, tiểu tiện khó, đàn bà đau bụng dưới, đau lưng, ỉa chảy, sán khí, bệnh tinh thần. Kinh này trị bệnh ở âm vật, dương vật là chính: cũng trị các bệnh ở cả mắt và sườn.

Tám mạch kỳ kinh

12 kinh mạch có quan hệ trực tiếp với nội tạng nên gọi là chính kinh.

Kỳ kinh là khoảng giao nhau của tất cả 12 kinh mạch, thông qua 12 kinh mạch và phátsinh quan hệ gián tiếp với nội tạng, là kinh mạch ngoài chính kinh. Vì nó khác với 12kinh mạch nên gọi là kỳ kinh.

Mạch kỳ kinh là: Đốc, nhâm, xung, đới, âm duy, dương duy, âm kiểu, dương kiểu. Trong 8 mạch kỳ kinh, chỉ có 2 mạch nhâm, đốc là đi thẳng giữa 2 mặt trước, sau của cơ thể,chúng có những huyệt chuyên thuộc của nó. Sáu kinh còn lại đều phụ theo ở 12 kinh mạchkia, không có chuyên huyệt của từng kinh. Do tính chất trọng yếu của hai mạch nhâm, đốctrong châm cứu, cho nên người ta gộp vào với 12 kinh mạch gọi cả là 14 kinh.

A. Đặc điểm sinh lý của 8 mạch kỳ kinh

Tám mạch kỳ kinh là một thông số lạc đặc thù của việc điều tiết vận hành khí huyết. Công năng chung của nó là điều tiết khí huyết của 12 kinh mạch. Như khi khí huyết ở 12 kinhmạch đầy đủ cũng đưa nhiều khí huyết cho tám mạch kỳ kinh chứa giữ. Những lúc 12 kinhmạch khí thiếu khí huyết thì tám mạch kỳ kinh cấp bổ sung lại.

1.  Đốc mạch tuần hành ở chính giữa cột sống, các dương kinh ở tay chân trong 12 kinhmạch đều giao hội với đốc mạch. Vì thế đốc mạch có tác dụng thống soái các dương kinh,do đó cũng gọi là “dương kinh chi hải” (bể chứa các dương kinh).

2.  Nhâm mạch tuần hành ở chính giữa bụng, ba kinh âm ở chân đến 

giao hội với nhâmmạch ở vùng dưới rốn. Vì nhâm mạch có tác dụng tổng nhiệm âm kinh cho nên cũng gọilà “âm kinh chi hải” (bể chứa các âm kinh).

3.  Xung mạch bắt đầu từ trong ngực, đi ở hai bên cạnh bụng, trên kinh túc thiếu âm thận, quan hệ mật thiết với hai mạch nhâm, đốc, chiếm địa vị trọng yếu trong con người vì vậy cũng gọi là “kinh lạc chi hải” (bể chứa các kinh lạc).

4.  Đới mạch ở phía dưới sườn, đi vòng quanh người như một cái vòng gai, có tác dụngthúc các kinh đi đều.

5.  “Duy” có nghĩa là duy hệ (giữ mối liên lạc về một hệ). Dương duy mạch bắt đầu từ gót chân ra mắt cá ngoài gộp với túc thiếu dương đảm kinh đi lên liên hệ với các dương kinh;âm duy mạch bắt đầu từ cạnh trong bắp chân, theo túc thái âm tỳ kinh đi lên quan hệ với các âm kinh.

6.  “Kiểu” mạch có nghĩa là mạch nhẹ nhõm và mạnh mẽ như cái cà kheo. Dương kiểumạch bắt đầu từ cạnh ngoài gót chân song hành với túc thái dương kinh đi lên; âm kiểumạch bắt đầu từ cạnh trong gót chân theo túc thiếu âm đi lên, cả 2 có tác dụng làm cho chi vận động được khoẻ (là sức giữ cho hai chân thẳng vững như hai cái cà kheo kẹp trongngoài chân).

B. Đầu, cuối của tám mạch kỳ kinh và chủ trị của nó

1. Đốc mạch

Gồm 28 huyệt. Bắt đầu từ trong bụng dưới, đi ra từ Hội âm, phía sau 

đi lên theo phía trong cột sống, lên thẳng phía sau gáy, đến phong phủ thì vào não, lên đến đỉnh đầu, theotrục giữa đi ra trước trán, xuống đến dưới đầu mũi đến phía trong môi trên thì nối tiếp vớinhâm mạch (H20)

Chủ trị: Cấp cứu, bệnh tình chí, đau đầu, lưng đau, uốn ván.

2. Nhâm mạch

Gồm 24 huyệt. Kinh mạch bắt đầu tuần hành từ bụng dưới, ra từ huyệt Hội âm, hướng lên gò mu đến Trung cực thì đi vào bụng, theo đường giữa bụng đi lên vòng môi, qua hai mámặt và phía dưới ổ mắt thì dứt. (H.21)

Chủ trị: Bụng dưới đau, bí đái, đái dầm, kinh nguyệt không đều, chảy máu dạ con, sán khí,hư thoát, đau dạ dày, ỉa chảy, ho hen.

Kinh này ngoài hai huyệt Quan nguyên, Khí hải có tác dụng bồii bổ sức khoẻ toàn thân, các huyệt còn lại nói chung chỉ có tác dụng chữa các bệnh cục bộ (bao gồm cả nội tạng nơiđó).

3. Xung mạch

Xung mạch và nhâm mạch cùng bắt đầu từ huyệt Hội âm, hướng đi lên ven theo cột sống trong sâu, tản vào trong ngực, hội với hầu.

Chủ trị: Khí xông ngược lên, đau bụng.

4. Đới mạch

Bắt đầu từ dưới sườn cụt, vòng quanh thân một vòng kín.

Chủ trị: Trong bụng đầy tức, phần lưng không mềm mại.

5. Âm kiểu mạch

Cũng là một kinh mạch được tách ra từ túc thiếu âm thận, bắt đầu từ phía sau huyệt Nhiên cốc, đi thẳng lên đến cạnh trong đùi, vào cơ quan sinh dục, lên phía trong ổ bụng, nối ra ởphía trước động mạch Nhân nghinh rồi nhập vào khoé mắt trong.

Chủ trị: Chân bai ra ngoài (ngoại phiên) liệt thần kinh khoeo trong.

6. Dương kiểu mạch

Bắt đầu từ giữa gót chân, ven theo mắt cá ngoài đi lên tới huyệt Phong trì túc thiếu dươngđảm kinh.

Chủ trị: Chân bai vào trong (nội phiên)

7. Âm duy mạch

Bắt đầu từ chỗ các âm kinh giao hội, men theo cạnh trong đùi, bụng dưới, ven theo sườn,lên đến hai bên họng.

Chủ trị: Đau tim.

8. Dương duy mạch

Bắt đầu từ chỗ các dương kinh giao hội, ven theo cạnh ngoài đầu gối, bụng dưới, bên cạnh, ven sườn lên đến vai và khuỷu tay, đi qua phía trước vai, đi vào sau vai, lên phía sau tai, xuống đến trán.

Chủ trị: Hàn nhiệt.