st và biên tập - Không rõ tác giả.
Tiêu đề là do Tuấn Long đặt
Tranh: Tôn Ôn đời ThanhThời trẻ đọc "Hồng Lâu Mộng" nhưng không biết tác
phẩm muốn gửi gắm điều gì. Hơn nữa lại bị các nhà nghiên cứu Hồng học (là bộ môn khoa học chuyên nghiên cứu về “Hồng
Lâu Mộng”) qua các thế hệ dẫn đi sai đường, nên tôi cứ ngỡ đây là một
tác phẩm nói về tình yêu đôi lứa, về chốn quan trường phù du, về lòng người dễ
đổi, hay tiếng chửi đổng của Tiêu Đại, phản ánh mối quan hệ giữa giai cấp này với
giai cấp khác và cuộc đấu tranh kẻ sống người chết.
Nhưng khi đến cái tuổi “bất hoặc” (tuổi 40), đọc lại "Hồng
Lâu Mộng" tôi mới nhận ra đây là tác phẩm khuyên bảo con người nhìn thấu
cõi hồng trần và hướng tới cảnh giới của Thần, Đạo, Tiên.
1. Thật thật giả giả, ẩn
chứa thiên cơ
“Hồng Lâu Mộng” thực ra là một cuốn sách răn dạy của Phật và Đạo. Tại sao có
thể khẳng định như vậy? Sau đây là một số dẫn chứng:
Trong Hồi 1, khi nhân vật đầu tiên xuất hiện trong truyện –
Chân Sĩ Ẩn – nằm mơ đi vào cõi ảo mộng, ông đã nhìn thấy một câu đối trên cổng
đá như sau: “Giả tác chân thời chân diệc
giả, vô vi hữu xứ hữu hoàn vô”. Ý nghĩa của hai câu này là: "Khi chúng ta coi cái giả là thật, thì cái thật
cũng giống như cái giả; khi chúng ta coi những cái hiện hữu là hư vô, thì thứ
thực sự tồn tại ấy cũng chẳng khác gì hư vô”.
Câu đối này bao hàm cái lý của Phật gia và Đạo gia, rằng thế
gian này chỉ là ảo mộng. Trong đó, vế trước hàm ý tu luyện "Chân”
của Đạo gia, vế sau là chỉ cái “Không" của Phật gia. Nó cũng tương ứng
với câu nói của nhà Phật rằng "phàm
sở hữu tướng, giai thị hư vọng” (tất
cả những gì có hình tướng thì đều là giả). Con người thế gian coi giả thành
thật, coi không thành có, đáng thương thay!
Các danh tác cổ điển của Trung Quốc đều ẩn chứa cái lý của Phật
gia (Tây Du Ký), hoặc Đạo gia (Thủy Hử Truyện). Nhưng “Hồng Lâu Mộng” lại sâu sắc
và toàn diện hơn cả, khi bao hàm cả pháp lý của hai nhà Phật và Đạo, quả là mỹ
diệu khôn xiết.
Ta bắt gặp các chi tiết thật giả lẫn lộn trong toàn bộ tác phẩm.
Xuyên suốt tác phẩm là một nhà sư – một đạo sĩ, trên bề mặt thì là một kẻ què –
một người điên, rách rưới bẩn thỉu, nhưng đó chính là “chân nhân bất lộ tướng”
(nghĩa là chỉ những người đắc đạo không
dùng thân phận chân thật của mình để hiện ra ở trước mặt người khác).
Chân Sĩ Ẩn nằm mơ đi vào cõi ảo mộng.
(Tranh Tôn Ôn đời Thanh)
Cái tên "Chân Sĩ Ẩn”, thực tế là “Chân Sự ẩn”, nghĩa là ẩn
giấu chân tướng sự thật, hoặc là “Chân Sĩ Ẩn, nghĩa là ẩn sĩ chân chính, tức
Chân nhân, một là ẩn giấu chân tướng sự thật, hai là bậc Chân nhân chính là ẩn
sĩ.
Trong Hồi 1, tác giả Tào Tuyết Cần có đề một bài thơ:
Đầy trang những chuyện hoang đường
Tràn đầy nước mắt bao nhường chua cay
Đừng cho tác giả là ngây
Ai hay ý vị chất đầy bên trong
Dường như đang nói tác giả là kẻ ngốc nói mê, nhưng bốn câu
thơ kết thúc tác phẩm lại là:
Nói đến nỗi chua cay
Hoang đường càng buồn thay
Xưa nay đều cảnh mộng
Chớ bảo người đời ngây
Hai bài thơ ở Hồi 1 và Hồi 120 của tác phẩm, cũng là hồi đầu
và hồi cuối, đã chỉ rõ rằng, kẻ trong mê không phải là tác giả, mà chính là thế
nhân.
Vậy người ta mê ở đâu? Đó là nhầm tưởng coi cõi nhân sinh như
mộng, hết thảy đều thoáng qua như khói mây, là nơi trở về. “Xưa nay đều cảnh mộng”
là gì? Đó là một giấc mộng Hồng Lâu, và giấc mộng của mỗi người, đều là cùng một
giấc mộng.
Trong hồi 116 còn viết:
Giả đi chân đến, chân hơn giả
Không nguyên là có, có nào không.
Hai câu này cũng đã chỉ rõ rằng, khi con người nhìn thấu giả
tướng thì cái hiển lộ ra mới là chân thật, hư giả trở thành chân thực, hư vô trở
thành hữu thực.
Nhiều "nhà Hồng học" trong lịch sử đã nghiên cứu ra
rằng "Hồng Lâu Mộng" là "giả ngữ thôn ngôn", ý chỉ chuyện
thêu dệt, không có thật trong lịch sử. (Chú
thích: Trong tiếng Trung, bốn chữ này đồng âm với “Giả Vũ Thôn ngôn” – Giả Vũ
Thôn nói, do đó tác giả đặt tên cho nhân vật thứ hai xuất hiện trong tác phẩm
là Giả Vũ Thôn). Rõ ràng họ biết là như vậy, nhưng họ không biết tại sao nó
lại là như vậy. Trong hồi cuối lại có đoạn:
"Té ra toàn là chuyện bày đặt viễn vông cả? Không những
người làm không biết, người chép không biết, mà cả người đọc cũng không biết nữa.
Chẳng qua chỉ là thứ văn chương du ký, để cho thích thú tính tình mà
thôi".
Ở trên vừa nói nhìn thấu giả tướng sẽ ra chân tướng, tới đây
lại đem chân tướng ẩn đi. Toàn bộ tác phẩm là đan xen giữa “chân” và “giả”, khiến
thế nhân đã mê lại càng mơ hồ.
Không có chuyện bị phê phán hay chỉ trích là ‘mê tín phong kiến’
ở thời đại của Tào Tuyết Cần, vậy tại sao tác giả lại phải nói ẩn ý như vậy?
Bởi vì thiên cơ không thể tiết lộ. Từ câu kệ “Giả đi chân đến, chân hơn giả; Không nguyên là có, có nào không”,
xem kỹ thì không khó có thể thấy được Đại Đạo bên ngoài sự hư ảo: Chân ắt thắng Giả, Có ắt thắng Không. Là
“chân” hay “giả”, cốt là ở cái ngộ của con người!
2. Chân Sĩ Ẩn ngộ Đạo,
minh bạch cõi đi về
Kỳ thực, ngay từ Hồi 1 đã nói rõ điểm đến cuối cùng của con
người. Và rằng cuộc sống có hoàn hảo đến đâu thì cũng có những điều không như
ý. Chân Sĩ Ẩn xuất thân từ nhà danh gia vọng tộc, nhưng lại không có con cái,
đây là cái không như ý thứ nhất. Khi về già mới được một mụn con gái, nhưng lại
bị người ta bắt mất, ấy là cái không như ý thứ hai. Về sau nhà cửa tài sản đều
bị thiêu rụi, là cái không như ý thứ ba. Thế chấp ruộng vườn hùn vốn sai người,
phải ăn nhờ ở đậu nhà cha vợ, buồn bực sầu não, là cái không như ý thứ tư. Kết
quả là, nghèo đói bệnh tật, ngày càng sa sút, lại ngẫm ra cảnh của thế giới bên
kia.
Thế nhưng khi Chân Sĩ Ẩn nghe thấy bài hát “Hảo liễu ca” của vị Đạo sĩ điên, ông liền
đột nhiên tỉnh ngộ. Lời ca có 8 câu như sau:
Người đời đều cho Thần Tiên hay,
Nhưng chuyện công danh lại vẫn say!
Xưa nay quan tướng nơi nào nhỉ,
Một nấm mồ hoang cỏ mọc đầy.
Người đời đều cho Thần Tiên hay,
Nhưng hám vàng bạc lòng chẳng khuây!
Suốt ngày tích cóp lo chưa đủ,
Đến lúc đủ đầy nhắm mắt ngay.
Người đời đều cho Thần Tiên hay,
Nhưng thích vợ đẹp lòng chẳng khuây!
Chồng sống ngày ngày ân tình kể,
Chồng chết liền bỏ theo người ngay.
Người đời đều cho Thần Tiên hay,
Muốn đông con cháu lòng chẳng khuây!
Xưa nay cha mẹ tâm mê đắm,
Con hiền cháu thảo ai thấy đây.
Khi Chân Sĩ Ẩn nghe bài hát này, ông liền đuổi theo vị đạo sĩ
điên và hỏi: “Ngài nói gì mà tôi chỉ nghe thấy ‘hảo’ ‘liễu’, ‘hảo’ ‘liễu’?.
Đạo sĩ cười đáp: “Nếu ông nghe thấy hai chữ ‘hảo’ ‘liễu’, vậy
coi như ông đã minh bạch. Phải biết rằng mọi sự trên đời, ‘hảo’ chính là ‘liễu’,
‘liễu’ chính là ‘hảo’. Nếu không ‘liễu’, thì không ‘hảo’; Nếu muốn ‘hảo’, thì
phải ‘liễu’ ”.
Về hai chữ ‘hảo’ và ‘liễu’, trong nguyên tác, chữ cuối trong
hai vế của các câu 1, 3, 5, 7 đều lần lượt là ‘hảo’, ‘liễu’. Ngoài ra, cả 8 câu
còn đều kết thúc bằng chữ ‘liễu’. ‘Hảo’ là hay, tốt; ‘liễu’ là xong, hoàn
thành, kết thúc, hoặc khi đi cùng chữ ‘bất’ thì mang nghĩa không thể làm được
gì.
Chân Sĩ Ẩn vốn là một người có huệ căn (chỉ cái tính sáng suốt
sẵn có), vừa nghe thấy vậy ông liền triệt ngộ… Rồi nói với đạo sĩ “Chúng ta đi
thôi!”. Ông đỡ tay nải trên vai đạo sĩ, đeo lên lưng, không về nhà nữa mà đi
cùng vị kia.
Kỳ thực, ngay trong hồi thứ nhất, "Hồng Lâu Mộng” đã chỉ
ra những đạo lý cốt yếu.
Điều này khiến tôi nhớ đến câu trong Kinh Thánh: "Người giàu bước vào thiên đàng còn khó hơn
con lạc đà chui qua lỗ kim". Thử nghĩ xem, nếu Chân Sĩ Ẩn phú quý giàu
sang, lại chẳng có mấy bận không như ý, liệu ông có còn nhìn thấu được hồng trần?
Ngoài ra, ở đây còn đề cập đến một điều căn bản – “huệ căn”. Xem ra con người
muốn ngộ Đạo thì phải có cả trí huệ và ma nạn (ý chỉ khó khăn trắc trở), thiếu một cái cũng khó mà thành. Giống
như Tư Mã Thiên viết: “Tây bá (Chu Văn
Vương) bị giam cầm nên diễn giải ‘Chu Dịch’; Khổng Tử gặp nạn nên viết ‘Xuân
Thu’; Khuất Nguyên bị đi đày nên viết ‘Ly Tao', …”. Ngay cả Tư Mã Thiên
cũng bị vướng vào một vụ án và bị thiến khi đang hoàn thành công trình đồ sộ “Sử
Ký”.
Tranh minh họa Hồi 37 của tác phẩm
"Hồng Lâu Mộng",
do họa sĩ Tôn Ôn (Sun Wen) thời nhà
Thanh vẽ. (Public Domain)
3. Tu tâm mới được ngộ
Đạo
Một số người muốn học hỏi chút nhân tình thế thái, hay nghiên
cứu chút thăng trầm thịnh suy từ “Hồng Lâu Mộng”. Nhưng, những kiếp nạn
mà Chân Sĩ Ẩn kinh qua, mối tình si của Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, hay cuộc
đời chìm nổi của Giả Vũ Thôn, tất cả đều là cái bên ngoài ta nhìn thấy. Mỗi một
con người trên thế gian đều là một bộ bách khoa toàn thư, cuộc đời ai chẳng từng
nếm qua ngọt bùi cay đắng, cần gì phải tìm bên ngoài?
Giả Vũ Thôn một đời luồn cúi, lợi dụng người khác. Cuối cùng,
ông ôm giữ hối tiếc suốt đời tại bến đò Giác Mê (giác ngộ ra cái mê) bên dòng Cấp Lưu (dòng nước chảy xiết, ám chỉ dòng đời). Không như Chân Ẩn Sĩ đã nhìn
thấu cõi trần ngay từ đầu.
Trong Hồi 118, Giả Bảo Ngọc ngâm câu “Nội điển ngữ trung vô Phật tính, Kim đan pháp ngoại hữu Tiên chu” (Câu chữ trong Nội điển không có Phật tính,
bên ngoài pháp luyện Kim đan có thuyền Tiên). “Nội điển” là chỉ những kinh
điển trong Phật giáo, “Kim đan” là chỉ hoàng kim và đan sa được luyện ra trong
Đạo giáo nhằm đạt trường sinh. Theo cách giải thích phổ biến, ý nghĩa của câu
nói trên là, không phải cứ niệm kinh là sẽ xuất Phật tính, không phải cứ kết
đan là sẽ thành Tiên, mà phải dựa vào cái ngộ trong tâm.
Theo tôi thấy, câu nói này còn ẩn dụ về việc tu luyện. Để tu
luyện theo những giáo lý được giảng trong Phật giáo (Nội điển) hay Đạo giáo
(Kim đan) ngày nay là việc rất khó. Bởi vì hàng ngàn năm qua, hai giáo lý này
đã bị người đời sau sửa đổi và diễn giải theo cá nhân, chứ không còn là lời
nguyên gốc của các bậc Giác giả, nên không còn nội hàm để độ nhân.
Kỳ thực, toàn bộ tình tiết trong "Hồng Lâu Mộng" là
hành trình hạ phàm của hòn đá “Bảo Ngọc”, để độc giả thấy được cái “Nhân không kiến sắc, do sắc sinh tình, truyền
tình nhập sắc, tự sắc ngộ không”. Tức là, từ “Không” hiện ra “sắc”, rồi “sắc”
lại sinh ra “tình”, “tình” lại biểu hiện qua “sắc”, rồi lại từ “sắc” mà ngộ được
“Không”.
Con người ngày nay đều đã ở trong “Nhân không kiến sắc, do sắc sinh tình, truyền tình nhập sắc” (từ
“Không” hiện ra “sắc”, rồi “sắc” lại sinh ra “tình”, “tình” lại biểu hiện qua
“sắc”), chỉ còn thiếu “tự sắc ngộ không” (từ “sắc” ngộ được “Không”) mà thôi.