24/01/2025

Dụng Nghệ thuật để tu bổ tâm hồn

  

Tháp nghiêng Pisa, Ý 

Tháp đứng 3,97 độ nghiêng, có nghĩa là nếu tháp đứng thẳng, trần tháp sẽ cao hơn 3,9m.Sách Kỷ lục Guinness tới Pisa và đo độ nghiêng của tháp Pisa là 3,97 độ. Tháp đã trở thành kỳ quan thế giới và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Ai cũng có những khiếm khuyết trong tâm hồn chỉ có điều ta chưa nhận ra mà thôi. Cũng như vậy, cuộc sống này đâu lúc nào cũng suôn sẻ? Đến những người giàu có và quyền lực nhất cũng chả dám khẳng định, nữa là. 

Lúc này, thưởng thức Nghệ thuật sẽ giúp ta chữa lành những tổn thương ấy, từ đó khiến ta toàn vẹn hơn, từ chính bên trong mình. 

Mà thưởng thức nghệ thuật lại là nhu cầu của mỗi cá nhân, chả phân biệt sang - hèn, tầng lớp...

Nghệ thuật không chỉ mang lại cái Đẹp mà còn có khả năng làm phong phú thêm đời sống tinh thần và chữa lành con người.

Ai ai cũng cảm thụ được những tác phẩm ấy nhưng lại theo những cách khác nhau. Tỷ như bên Phật giáo thì họ lấy tĩnh để cảm thụ cảnh sắc sôi động thành những sắp đặt, tranh chữ hay tiểu cảnh để quy về Thiền; bên Công giáo họ tạo tác, trưng bày những bức điêu khắc, những bức hoạ trong nhà thờ, tu viện để tôn vinh, minh chứng cho các con chiên sự tài hoa của Chúa...

Theo mình cảm nhận một cánh chủ quan: Nghệ thuật đã tạo ra không gian kết nối giữa con người với thiên nhiên và cuộc sống chung quanh; nó không chỉ mang lại những khoảng khắc thư giãn mà còn làm phong phú thêm cho tâm hồn con người. 

Taj Mahal, Agra  

Đền Taj Mahal được coi là một trong những ví dụ điển hình nhất về kiến trúc Mughal – sự pha trộn của phong cách Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.

Thưởng thức Nghệ thuật góp phần làm cho chúng ta trở lên toàn vẹn hơn từ bên trong và bù đắp, làm lành hay sửa chữa những khuyết khuyết nảy sinh trong tâm hồn mỗi cá nhân chúng ta. Như:

Củng cố trí nhớ

 Nghệ thuật đã gìn giữ những trải nghiệm, rất nhiều trải nghệm đẹp đẽ nhưng lại nhanh chóng vụt qua. Nó nhắc nhở mình nhiều ký ức đã lãng quên. 

https://www.kiettacnghethuat.com/wp-content/uploads/The-Birth-of-Venus.jpg  

"Venus" của Botticelli có hai điểm nổi bật hơn cả so với hầu hết các tác phẩm cùng thời của ông. Thứ nhất, ông vẽ trên vải thay vì gỗ. Thứ hai, ảnh khoả thân rất hiếm ở thời điểm này - vì vậy thật táo bạo khi “nàng Venus” để lộ hầu hết ngoại trừ mái tóc dài bồng bềnh và một bàn tay che đi phần cơ thể kín đáo nhất của cô ấy.

 

Đem lại hy vọng

Với Nghệ thuật, bạn đừng quan tâm đến đánh giá của người khác, kể cả những nhà phê bình danh giá. Ví dụ như những nhà Nho thuần túy đâu chấp nhận Hồ Xuân Hương... Họ coi đó là sự suy đồi đạo đức về thị hiếu và trí tuệ... 

Nhưng Nghệ thuật đâu bị đóng khuôn. Sức sống tròn căng của người phụ nữ đem cho ta niềm khát vọng.

Nó vượt qua cả không gian và thời gian để khẳng định cái Đẹp của mình. 

Nó đem lại ánh sáng và hy vọng.

Nhận diện nỗi buồn

Đứng  trước một tác phẩm mô tả cái ác, cái xấu, cái bất thiện hay nỗi bất hạnh... ta nhận ra nỗi buồn, nhắc nhở ta rằng "nỗi buồn là phần tất yếu của cuộc sống" để rồi ta càng trân quý hơn những gì đang có.

Vậy Nghệ thuật đã cho ta nhận ra và tiếp nhận nỗi buồn của cuộc sống, nó làm cho ta bớt cô đơn trong nỗi buồn của chính mình.

Rồi qua Nghệ thuật, ta quan sát được nỗi buồn của mình.

Giúp tái cân bằng

 Ai chả muốn cân bằng cảm xúc để bình tĩnh đối nhân xử thế. Nhưng có phải ai và lúc nào cũng làm chủ được bản thân.

Nhưng đối diện một tác phẩm Nghệ thuật, rất có thể ta sẽ có được sự cân bằng trong tâm hồn.

Ví dụ, chúng ta có thể có xu hướng là quá tự mãn, hay quá bất an; quá tin tưởng hay quá đa nghi; quá nghiêm trọng hay quá dễ tính. Nghệ thuật có thể giúp chúng ta tiếp cận với phần nhân cách ta đang đánh mất kia, và từ đó khôi phục lại trạng thái cân bằng cho bản thể chúng ta.

 Nếu như thông thường nếu ai đó yêu cầu ta tốt lên ta sẽ luôn phản kháng lại đầy giận dữ, thì Nghệ thuật lại làm điều đó rất tự nhiên.

 “Nghệ thuật có thể giúp ta tiết kiệm thời gian – và còn cứu rỗi cả cuộc sống của ta – bằng lời nhắc nhở thầm kín nhưng đúng lúc về sự cân bằng và hoàn thiện mà ta không bao giờ nên tự nhận rằng mình đã hiểu rõ”.

undefined  

Trên diện tích 1,31 m² của Thanh minh thượng hà đồ, họa sĩ Trương Trạch Đoan đã vẽ chi tiết tổng cộng 814 nhân vật, 28 thuyền, 20 xe cộ, 60 con vật và 170 cây cối trên ba phần tương đối phân biệt.

 

 5. Giúp tự hiểu mình

 Chúng ta không tự cảm nhận rõ chính mình. Chúng ta có nhiều tâm trạng, nhưng ta vẫn chưa từng thực sự hiểu rõ chúng. Và rồi, đôi khi, chúng ta gặp những tác phẩm Nghệ thuật dường như chạm tới được điều gì đó ta đã cảm thấy nhưng chưa từng nhận biết được cụ thể.  

Không những thế, Amstrong và de Botton còn cho rằng qua Nghệ thuật, ta giao tiếp được với người khác một cách thầm kín và tinh tế về những gì làm nên con người ta và những gì chúng ta tin, theo cách mà đôi khi ngôn từ chưa thể nắm bắt được đủ đầy.

 6. Giúp trưởng thành

 Bên cạnh việc đem lại nhận thức sâu rộng về bản thân, Nghệ thuật cũng giúp ta mở rộng ranh giới về khái niệm ta là ai bằng cách giúp ta vượt qua sự sợ hãi với những thứ lạ lẫm và rộng lòng đón nhận những điều ta chưa biết.

Thứ nhất, thừa nhận sự khác lạ mà chúng ta cảm thấy, và ta có thể cảm thông với bản thân khi có cảm xúc đó, tự nhủ rằng việc nó đến là hoàn toàn tự nhiên – thực ra rất nhiều ngành Nghệ thuật ra đời từ những người có thế giới quan rất khác biệt, và thường mâu thuẫn với quan điểm của chính ta. Thứ hai, trở nên cởi mở, làm quen với sự lạ và từ đó sẽ cảm thấy thoải mái hơn với những tâm hồn đã sáng tạo ra môn Nghệ thuật đó. Cuối cùng, hãy tìm ra những điểm chung của mình với người nghệ sĩ ấy, “dù điểm chung có nhỏ bé và mong manh đến đâu”, từ đó ta có thể liên hệ tác phẩm được thoát thai từ hoàn cảnh sống của họ với hoàn cảnh thực của bản thân mình.

 7. Nâng cao khả năng thưởng lãm

 Một trong những thiếu sót chính, và nguyên nhân khiến ta không hạnh phúc, là việc chúng ta luôn thấy thật khó để tâm tới những gì cố hữu quanh mình. Ta khổ sở vì ta đã đánh mất giá trị của những gì ta có, trong khi đó, ta lại thường khao khát, thường theo một cách vô nghĩa lý, những dạng hình hấp dẫn tưởng tượng ở đâu đó.

 Khi đó, Nghệ thuật có thể giúp ta hình thành thói quen chú ý vào những gì thật sự tuyệt vời và đáng được tận hưởng với niềm vui thích: “Nghệ thuật là một nguồn lực có thể giúp chúng ta đánh giá lại một cách chính xác hơn điều gì có giá trị bằng cách thử làm khác đi với thói quen thường nhật và thúc đẩy ta tự cân chỉnh lại những gì ta ngưỡng mộ và yêu thích”.

 

Hơn 55 năm sau khi ra mắt, "The Sound of Silence" - Âm thanh của sự yên lặng vẫn khiến công chúng nhắc nhớ về Simon & Garfunkel.

Nghệ thuật giúp ta nhạy cảm hơn, khiến chúng ta “tỉnh giấc” trước sự giàu có của cuộc sống thường ngày.

 Ây dà, đây cũng là vài suy nghĩ thiển cận, chưa rõ nét muốn chia sẻ nhằm có được sự trao đổi rộng rãi hơn từ các bạn.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét