Năm 20xx, mình nhận được lời của một ông bạn
người Thái trên Lai Châu mời lên dự đám cưới con trai. Nói ra cũng dài dòng lắm.
Mình lên Lai Châu cũng 6, 7 lần gì đó, chỉ đi một mình (Phượt bụi mà), nhưng 2 lần gần đấy gặp nhiều sự kiện, có nhiều kỷ niệm đẹp nên mình trở thành người bạn của một bản người Thái nơi đây.
Bản này cũng khá lớn, cách đường cái khoản 5 - 7km, ở nơi địa thế đẹp, có suối, có núi, lại gần cánh rừng nguyên sinh rất rộng với dân cư khoảng 200 - 300 người. Núi ở đây là đá vôi nên suối rộng (tất nhiên giữa dòng vẫn có nhiều đá lô nhô) nhiều vũng nhỏ, rất trong và có nhiều cá - một trong những món ăn truyền thống của dân tộc Thái.
Vì là núi đá vôi nên dân bản không lo sạt lở khi lũ về; bởi vậy bản này tồn tại khá lâu năm, từ hồi ông Đèo Văn Long còn thống trị. Họ nói đây là bản gốc, các chi thứ đều đã ra ngoài lâp bản khác từ nhiều đời rồi. Cũng may là bản này không có Đạo mà vẫn thờ cúng truyền thống nên mình an tâm kết giao.
Sau đó, có công chuyện gì họ cũng thông báo và
mời mình lên tham dự, trân trọng lắm. Vẫn còn đang công tác, rất khó thu xếp đi được (mỗi lần đi ít nhất cũng mất 3 ngày) nên
toàn phải gọi điện và thi thoảng gửi thư viết tay lên để Bản thông cảm mà
vẫn giữ được nghĩa tình. Lần này khó từ chối vì ông bạn (không dám nói tuổi vì mình hơn cậu ta một giáp, nhưng vất vả, thiếu thống nên nom già hơn mình nhiều - thứ nữa, họ lấy vợ sớm, nên con lập gia đình cũng sớm) là người có vai vế
trong bản, lại thân nữa. Thế là thu xếp công việc đi thôi.
Từ Hà Nội theo đường 32, đến thị trấn Than
Uyên cũng quá Ngọ (khoảng 300km gì đó
– dùng điện thoại cùi nên không có GPS). Phải nghỉ ở đây hồi phục năng lượng, với lại độ 4 - 5h chiều cũng sẽ có mặt ở bản. Ngày hôm đó tạnh ráo, nhưng
trời nắng, rất nóng, tạo cảm giác khô rát. May có kinh nghiệm và cũng đã quen
đường trường nên mình cũng không ể oải lắm.
Vào quán mọi khi vẫn ghé khi lên đây (cô chủ đảm, nhanh nhẹn và chế biến món ăn ngon...), rửa mặt cho mát mẻ rồi gọi cút rượu, đĩa măng nộm và bảo nhà chủ chần tái cho nửa cân thịt bò với nước phở, thêm nhiều hành tước nhỏ và tiêu (món này giúp nhanh khôi phục năng lượng, ăn mềm, dễ tiêu hóa hơn – mình nghĩ thế, theo truyện Miếng bít tết của Jack London).
May quá, cô chủ vẫn nhận ra mình nên nhiệt tình lắm – quen vẫn hơn là thế. Món
này chấm với chẩm chéo và mấy hạt dổi dầm nhỏ do cô chủ ưu ái thì thôi rồi - dưới
xuôi, ngồi với mấy ông bạn thì có đi nửa yến thịt.
Ấy, cái vui của kẻ giang hồ vặt chỉ lụn vụn vậy
thôi mà hay lắm.
Đang nhẩm nha với thú vui nhỏ mọn thì chợt có tiếng láo nháo trước mặt. 2 thanh niên người châu Á tầm ngoài 20 - khá sáng sủa; 1 nam – 1 nữ líu ríu chỉ bàn mình và 2 cái ghế ý bảo xin ngồi cùng bàn. Mình thường ngồi góc trong cùng, ngó ra cửa, tầm quan sát tốt… Quán này rộng mấy trăm m2 à, mà bàn còn nhiều dù tầm ấy cũng vẫn đông khách, sao họ lại chọn bàn này ?
Mình hỏi tiếng
Việt, rồi tiếng Anh mà họ cứ lúng túng phát âm – thoạt nghe có tiếng Tung Của – Nghĩ bàn rộng, hơi tách riêng (bởi cô chủ thu xếp do biết tính mình khó), họ lại là khách ngoại quốc nên sủa
bậy câu: Nỉ hảo. Ai ngờ họ đáp ngay: Hảo..., hảo... và vội vàng ngồi xuống.
Bất ngờ là sao còn bàn mà họ lại chọn nơi
mình ? – Âu cũng chả mấy quan trọng nên lờ đi. Mà cũng phục lũ này thật, tiếng Việt,
tiếng Anh chả biết mà lại ngáo ngơ đến vùng này ? Còn trẻ vậy chắc là sinh viên
ĐH bên kia biên giới đi khám phá – Khác biệt với đồng bào họ là thường đi theo
hội nhóm, xe ô tô, ồn áo, xô bồ lắm. Thây cha nó, rượu ngọt, món ngon sướng miệng
ta cứ hưởng đã….
Kể cũng hơi tức vì trước mặt là người đẹp nên cũng không dám nhồm nhoàm. Kém đi sự thú vị.
Chén xong, ra bàn nước hút thuốc và uống nước
chè (các bạn tới vùng này đừng bỏ qua chè
Shan tuyết nhé, lạ và rất thú vị). Nhờ cô chủ cho mượn cái võng ra sau vườn ngả lưng và hẹn 30’ sau đánh thức.
Ây da, thân quen mới hàm hồ thế, họ thích chứ
cứ khách sáo thì còn lâu. Người dân nơi đâu, bản tính cũng đều thân thiện và mến
khách nhưng lại tùy thuộc vào thái độ của mình. Mình trân trọng họ sẽ được báo
đáp ngay, chứ đừng ta đây có tiền hoặc người xuôi, người … mà lên mặt. Trong lòng
họ khinh nhưng mặt ngoài vẫn niềm nở dạ - vâng (xin lỗi, họ giàu lắm đó vì có khi họ là trạm trung chuyển, liên lạc hoặc …
của buôn hàng quốc cấm có khi). Dân giang hồ sành sỏi đấy, đừng lầm.
Nghỉ ngơi một giấc, ra khởi động tý và thân ái chào quyết thắng bà chủ rồi lại sảng khoái lên đường. Cô chủ lưu luyến bảo: Trời còn nắng lắm, tẹo nữa hẵng đi...
Thôi, đi dứt khoát kẻo lại ngại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét