26/08/2022

Sau núi có gì anh ơi ? (chuyến đi dở dang) - Phần 2

Tuấn Long


(Tới tận năm 2012 mình vẫn dùng máy chụp phim, phần lớn là chưa số hóa, nên ảnh trong thời gian này mình phải mượn trên net để minh họa).

Núi xanh, đá xanh, thiếu nữ hồn nhiên.



Phải nói bé gái cũng bạo, đường nảy xóc như vậy mà em vẫn ngồi vững. Hỏi mới biết em đã ngồi ngựa nhiều rồi nên quen. Thứ nữa, nói xin lỗi người dân tộc trên này, họ thường rất hôi do ít tắm giặt - nước đâu mà dùng, hiếm lắm (Dù mưa nhiều, mát ẩm nhưng độ dốc cao, không có bể ao trữ nước nên nước sinh hoạt là một khó khăn cho bà con nơi này). Đồ đẹp mặc đi chợ, đi hội về, dũ mạnh một cái rồi vắt lên sào để ở chái nhà, đâu có giặt (dạo này cũng khác rồi, do nhà nước làm nhiều hồ, bể chứa nước để bà con sinh hoạt). Nhưng em gái không có hôi, có lẽ dưới trường huyện có nước và được giáo dục vệ sinh.

Bao quanh bản là những ruộng ngô tốt tươi. Dưới ánh chiều tà, xanh vàng rực lên một bức tranh đẹp dữ dội. Trong thung lũng không có hoàng hôn, bóng núi đổ sập khi mặt trời khuất sau ngọn thấp nhất  Bóng núi xám đen của đá tai lừa trải xuống làm sự tương phản càng rõ nét. Vài cây samu cao vút, đen sẫm đặc trưng loài cây vùng núi Hà Giang cao vút, đơn độc.

Đường vào bản lúc này tương đối dễ đi dù vẫn ngoắt ngéo, sóc nẩy nhẹ. Người dân nghe tiếng xe và ánh đèn thì túa ra xì xồ, xôn xao. Em gái cũng đáp lại tiếng dân tộc, vẫn chỉ đường để mình đến nhà.

Bản độ 30 chục nóc, nhà em to nhất giữa bản. Nhà ở đây tựu chung đắp bằng đất, tre nứa vầu lợp ngói âm dương hoặc cỏ gianh, có nhà thưng ván gỗ hoặc nứa to nhỏ không đồng đều. Trước nhà là cái sân rộng, lổn nhổn đá, mé bên trái là dãy chuồng trại, bên phải là khu vườn được rào chắn bằng đá. Tường bao quanh nhà cũng bằng đá xếp cao ngang đầu người. Nhà cách nhà khá xa.

ảnh st - minh họa

Ra đón là người đàn ông trạc 30, dáng lực lưỡng, gương mặt có vẻ già dặn, từng trải, hao hao giống người Kinh. Lấp ló sau lưng là người phụ nữ và 2 đứa con trai. Em gái líu lo tiếng dân tộc một lúc rồi giới thiệu đó là bố, mẹ, anh trai và em trai của em. Mình chào và nói tên, lý do đến nhà. Bố em tên Nỏ Hành, Trưởng bản; em gái tên Su Ni... 
Người đàn ông niềm nở nói tiếng Kinh và bảo mình cất xe vào khu chuồng trại (có mái che). Trong chuồng có tới 4 con bò, 2 con ngựa, đàn lợn, mấy con dê, gà, ngan, vịt thấy đủ cả. Nhà này kinh tế có vẻ khá giả. Bản làng không có điện lên tối thui. Trong nhà thắp sáng bằng đèn dầu.
Ở đây không có tiết mục rửa ráy nhé. Được hộ giúp gỡ đồ và đem vào nhà luôn. Nhà đang nấu đồ ăn tối. Có khách nên tíu tít thêm. Ông bố là dân Biên phòng xuất ngũ nên thạo tiếng Kinh, cũng như giao tiếp nên niềm nở mời vào ngồi cạnh bếp ngay giữa gian giữa ngôi nhà, trước bàn thờ. Hỏi han chuyện mình. Lại sai đứa bé trai cái gì đó, có vẻ đi mời thêm khách vì thấy nó tót ra ngoài cửa. Bé Su Ni thì nhanh chóng cùng mẹ làm bếp, nom có vẻ đảm đang lắm.
Lúc sau có mấy người đàn ông vào nhà, líu ríu tiếng dân tộc. Nỏ Hành giới thiệu đó là trưởng tộc, thầy cúng và 2 người bạn cùng tuổi; lại nói chúng nó không biết nói tiếng phổ thông, thông cảm. Có lẽ thấy mình nói ở thủ đô lên nên họ coi mình là cán bộ, thành ra cách tiếp đãi mới trang trọng vậy. Người H'mong sống tách biệt với mọi người nhưng họ rất hiếu khách. Không chỉ lần này, mình đã tiếp xúc và chứng kiến nhiều lần mới dám kết luận như vậy.
Bát đĩa và đồ ăn được nhanh chóng dọn ra - người H'mong khi nhà có khách chỉ có đàn ông được ngồi ăn uống, đàn bà con gái ăn sau. Nhưng vì Nỏ Hành đã là người từng trải, nên bữa ăn mọi người đều cùng ngồi quanh mâm (nói mâm là quen miệng chứ thật ra đồ ăn đặt trên mấy tàu lá chuối dưới đất, mọi người ngồi trên ghế con xung quanh).
Hôm nay có khách nên ngoài mèn mén, canh rau đắng thì có thêm thịt lợn, thịt bò gác bếp và nhất thiết có thêm can rượu ngô 10l. Xôm quá.
(Nói thêm là, đặc sản vùng Mèo Vạc là lợn đen và bò vàng nổi tiếng. Bò Mông ở Mèo Vạc thịt rất ngọt, mềm; bò dáng cao to, bình quân nặng từ 450 đến 500 kg, cá biệt có con đực nặng tới 700 kg, trông giống như bò tót. Còn lợn đen Lũng Pù – một giống lợn quý chỉ có ở Mèo Vạc. Giống lợn này được thuần hóa và nuôi dưỡng từ lâu đời, có sức đề kháng cao, chất lượng thịt rất thơm ngon.)


Bé Su Ni được bố chiều, nên giành quyền ngồi cạnh mình kiêm phiên dịch luôn. Trên này việc uống rượu không gò bó lứa tuổi và giới tính nên cả nhà đều uống. Không khí vui vẻ lắm. Trước đó mình đã đem  1 nửa số mỳ gói và bánh kẹo đem đi đợt này đưa cho mẹ Su Ni - Vậy mà chị ấy cũng chỉ dám đem 1 gói mỳ thận trọng nấu cùng rau đắng với vẻ quý báu lắm. Mọi người nhìn nồi rau với vẻ chăm chú. Khổ thế, có lẽ mai đưa nốt chỗ còn lại ra vậy, trên đường mua sau. 
Trưởng tộc và thầy cúng nói về phong tục, tập quán người H'mong ở đây. Người dân ở đây chỉ có mỗi nghề đi nương, làm rẫy, tự cung tự cấp, hãn hữu lắm mới đi xuống xã hoặc có lễ hội, hay cần chút đồ như dầu hỏa, muối ăn... mới đi chợ phiên. Đây cũng là dịp hiếm có để người dân giao lưu, qua lại... Người dân nơi đây nổi tiếng với truyền thống canh tác nương đá trồng ngô, lúa, dược liệu và hoa màu. Họ đạt đến trình độ khá cao về dệt vải, đan lát, làm đồ gỗ, rèn đúc, chạm khảm vàng bạc...Người dân hầu như không biết đến bệnh xá, bưu điện. Người phụ nữ đi nương sinh con rồi đem về là chuyện bình thường nơi đây nên những đứa trẻ ở đây có bản năng sinh tồn mãnh liệt. Họ chủ yếu sống dựa vào những kinh nghiệm cha ông để lại, sử dụng cây thuốc rừng để chữa bệnh và nếu không thì là đến thầy mo cúng bái... Ý thức sống cộng đồng chi phối nếp sống bà con nơi đây
Bé Su Ni chợt hỏi: Ở sau núi có gì anh ơi ?
Khổ nhìn ngoài trời tối đen như mực, nghĩ núi non cao ngất, trùng điệp kéo dài như vô tận. Điện không có nên làm gì có TV..., người dân ngay cả như Nỏ Hành, Su Ni cũng chỉ đi xa đến chợ huyện, hoặc có hơn thì sang đến Đồng Văn, chứ ngay cả thị xã Hà Giang cũng chưa có tới thì sao biết sau núi có gì. Có lẽ ánh sáng văn minh cũng chỉ xoay quanh sách báo và đài truyền thanh dưới huyện.
Mình kể cho em cũng như cả nhà những chuyện dưới xuôi, chuyện ở thủ đô, chuyện lăng Bác Hồ, hồ Hoàn Kiếm... Rồi đọc hát bằng giọng vịt đực bài Người Hà Nội, Bài ca Hà Nội... để thuyết minh. Su Ni và mọi người mê mải nghe, ánh mắt sang ngời, háo hức... rồi hỏi những câu rất khó như: Bãi ngô rộng thế hả anh mà không có đá, vậy thì thu được nhiều lắm ?Kẹo bánh ở Hà nội nhiều loại lắm ạ, anh kể đi ? mọi người không ăn mèn mén sao ?... Bố Nỏ Hành cười gượng lúng túng (dù sao cũng đã trong lính nên biết nhiều hơn mà). Em bé nhẩm hát theo rồi bảo mình chép lời bài hát để học thuộc. May mình có đem theo mấy quyển Kiến thức ngày nay và mấy cuốn sách văn học để đọc trên đường, mình hứa sẽ tặng em hết...
Rượu vào, nhời ra, thế mà cũng vãn can tầm 9h - mấy ông khách bật đèn pin ngật ngưỡng ra về. Nỏ Hành thu xếp chỗ ngủ cho mình ở cái sạp nứa riêng... Cũng chửa muốn ngủ, mình rủ Nỏ Hành ra ngoài sân ngắm cảnh khuya và uống rượu tiếp. 
Nỏ Hành vui lắm, đã lâu không có dịp nói tiếng phổ thông, lại được ôn thời lính nên bảo vợ sắm mâm thịt rượu cùng ngồi. Su Ni cũng ra ngồi sát hóng chuyện; mấy đứa con trai sau lúc ngập ngùng cũng ra ngồi cùng nên càng vui. 2 lão ngồi uống tận hứng, 2 thằng con trai lúc sau vào nhà, chắc đi ngủ. Bé Su Ni thì gối đầu lên đùi mình rồi ngủ lúc nào chả biết...
Sáng sau, quen thói, tầm 4h30 đã tỉnh. Rượu tốt nên thức dậy sảng khoái không à. Do đã soạn trước theo cách lính nên mình mặc thêm áo, đi giày, xách bộ đồ chụp ảnh ra ngoài. Mấy chú chó chắc đã quen hơi nên vẫy đuôi mừng mà không sủa. 
Trời vùng cao, buổi sớm vẫn mù sương lạnh, không khí tươi mát, dạy mùi cỏ cây thơm ngát, thật sảng khoái. Trời trong xanh, không còn tối nữa, đã nhìn thấp thoáng đường đi và cảnh vật. Mình đi tầm 15 phút, chọn được nơi có tầm nhìn thoáng đãng thì bố trí máy ảnh, đợi sáng để chụp. Hứng chí vận động rồi hô to hít thở: Một...hai..ba..bốn - Hai...hai..ba..bốn.. như thời trong quân ngũ thật sướng. Tiếng hô vọng vang, hào hùng thỏa chí. Mấy khi được như vậy. Thoáng sau, cũng tiếng hô như vậy lan đến. Nỏ Hành đã thức, chạy tìm đến nơi mình mặt hào hứng: Đã lâu, không được như này rồi, sướng quá...
Lúc xong việc về nhà thì đã có mâm rượu thịt mỳ chờ sẵn. (người phụ nữ H'mong rất chiều chồng, nín nhịn phục vụ dù chồng lắm khi vũ phu - nên các bạn đi vùng cao thường thấy, người vợ che ô cho chồng say rượu, ngủ gục bên đường với dáng vẻ cam chịu...). Trên này, sáng nhà có khách là mời rượu, vất lắm. Thôi thì uống chút nhưng cũng dặn là hôm nay mình lên đường sang Đồng Văn, rồi Yên Minh... Vậy mà cũng phải hết chai 65 mới yên.
Như đã hứa, mình để lại hết sách, kẹo bánh và mỳ tôm cho gia đình và Su Ni... Mình nhận lời, đưa Su Ni đến trường dưới huyện - Bố, mẹ Su Ni vui lắm. 
Nhẹ đi chút đồ nhưng lại thêm cái gùi to tướng đựng đồ cho Su Ni, nên thêm chút thời gian mới bố trí được chỗ ngồi cho 2 người...
Nỏ hành đem ra can rượu 10l và 1 túi dược thảo nói: Chút quà anh đem về xuôi. Khổ xe còn chỗ nào đâu mà chứa, nói mãi đành san ra 1 chai 1,5l để mình treo ở yếm.
Dắt ra đến cổng thì lại thấy ông tộc trưởng và mấy người đàn ông đem đến nào thịt gác bếp, nào thảo dược... Từ chối mãi không tiện đành treo lủng lẳng sau xe như ông đi buôn gà vậy.
Chào hỏi, dặn dò mãi rồi 2 chú cháu cũng đi được.
Ra đến ngã ba cũng tầm hơn 9h, nghĩ hôm nay đường thông, định trưa sẽ nghỉ ở Đồng Văn. Nào ngờ, đường cấm chưa dỡ do đá hôm qua phá quá nhiều, công nhân không dọn kịp, phải gọi xe từ nơi khác đến nên xe máy và ô tô đến ngày mai mới qua được. Thôi tạch.
Đành chia tay bé Su Ni ở đây vậy. Mình san hết đồ ăn dự trữ và bánh kẹo cho em, kể cả thịt, chỉ giữ lại chai rượu và ít thảo dược làm quà. Em bịn rịn mãi mới chia tay được. 
Nhìn dáng người nhỏ bé cõng cái gùi to đùng, nặng trĩu, lầm lũi đi mà thấy thương quá, chả giúp được.
Đành quay xe xuôi thủ đô thôi vậy - Đêm hôm ấy về tới Hà Nội.
Một chuyến đi dở dang nhưng cũng nhiều kỷ niệm đẹp.

Vĩ thanh:
Cô bé Su Ni mấy năm sau vào ngành an ninh, công tác ở huyện, rồi tỉnh. Em nhớ số xe của mình, bằng nguồn nghiệp vụ đã liên lạc được với mình qua net và mail. Em lấy chồng người Kinh Phú Thọ, sinh được 2 con trai hiện đang sống và công tác trong ngành văn hóa và giáo dục ở Hà Nội. Giờ Su Ni đang là sĩ quan an ninh cấp cao công tác tại BCA.

Tuấn Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét