18/08/2022

Sau núi có gì anh ơi ? (chuyến đi dở dang) - Phần 1

Tuấn Long

ảnh st để minh họa (ảnh chụp lúc này bằng phim)


Cái thời trẻ trâu, bận công việc, không có thời gian nhưng lại có sức khỏe thành ra đi nhiều. Bây giờ có tuổi, rỗi rãi lại chả có sức đi đành nhớ và biên để nhắc và nhớ để hối tiếc vậy.

Hà Giang, vào những năm 90 của TK trước còn xa lạ với dân du lịch, chỉ có một ít dân Phượt chuyên nghiệp mới biết như Ta Balo, Du Già, Cao Sơn... 

Nói xa lạ vì thật sự là rất xa, đường xấu, thông tin không đầy đủ, không có cơ sở hạ tầng cho dân du lịch (dân nhà giàu như Ta Balo mới có ĐTDĐ và GPS) còn đa phần như mình cũng chỉ có con Nokia cùi, tấm bản đồ rách và cái miệng hỏi đường thôi.

Năm đó, mình lên Hà Giang theo tuyến đường 4 từ Lạng Sơn qua Thất Khê, Đông Khê, qua Cao Bằng sang Mèo Vạc bằng xe Dream.

Xe Dream có nhiều ưu điểm như không ngốn xăng, phụ tùng thay thế rẻ, dễ sửa chữa... thì có nhược điểm chí mạng: Một là đèn pha sáng theo tay ga, đi đường xấu, dốc đèo, trời tối là như không có đèn luôn. Hai là bình xăng dưới yên liền, mỗi lần đổ xăng lại phải dỡ đồ xuống; đổ đầy lại phải chằng buộc lại, nhiêu khê lắm. 

Mà đi Phượt đường xa đâu ít đồ: Máy ảnh, ống kính, chân máy; Quần áo chống rét, chống ướt; đồ sửa xe gồm cả bơm, dây phanh, săm dự phòng. Tăng - võng, túi ngủ; đồ nấu, lương khô, thịt hộp, nước uống, thuốc tăng lực, mỳ tôm...Chưa kể can xăng dự phòng (hồi ấy cây xăng ít lắm, gần hết xăng gặp là đổ đầy chứ không thì dắt bộ hàng chục cây số nếu không gặp lái xe tốt bụng bán cho mấy lít xăng)...

Đường 4 trải nhựa nhưng do lâu không được duy tu bảo trì nên lồi lõm xấu lắm, nhất là từ đoạn qua Bảo Lạc (Cao bằng) trở đi sang Mèo vạc. Trước khi đi mình đã thay dầu và lốp sau nên xe đi rất ổn.

Đến địa bàn Niêm Sơn tầm 17h, do đang sửa đường, công nhân chuẩn bị nổ mìn phá đá nên cấm mọi phương tiện đi lại đến tận sáng hôm sau. Quay xe lại đến thị trấn gần nhất cũng tầm 6 - 70km, không khả thi. Đường vắng hoe, ngoài lán công nhân (họ không đồng ý cho ở nhờ vì lý do an toàn) thì chả có mống người, xe nào cả. Có lẽ phải tìm nơi dựng lều qua đêm vậy.

Cũng chả lo, mình có con dao Mèo tốt cộng với tấm tăng QĐ rộng thì làm lều cũng nhanh thôi; lưu huỳnh có mấy lạng, thoải mái chống rắn; thuốc Dep mấy hộp vô tư tránh muỗi và côn trùng; nước lọc còn gần 2l, ăn thì có bộ đồ rồi, gom củi lại là có bát mỳ nóng thịt hộp thôi; pin dự trữ cho đèn thoải mái; ngủ đã có túi nên cũng không phải lo nghĩ nhiều, ví lại ngủ ngoài trời như thế đâu chỉ lần này. Chỉ tội lọ rượu còn nhõn 0,5l sợ tối buồn khó ngủ.

Đang láo lơ thì có bé gái người H'Mong lại gần hỏi: - Về đâu anh ơi

Ngạc nhiên quá, các bạn phải biết là đa số người dân tộc ở đây đều không biết hoặc bập bõm tiếng Kinh. Em gái nói tương đối sõi là hiếm lắm. Mình bảo: Anh đang định sang Đồng Văn, nhưng đường cấm cũng chưa biết đi đâu. Em gái nói: - Về nhà em đi, cũng gần đây thôi. Mình nói: Đến nhà em xe anh sao leo tới được ? Em bảo: - Nhà em dời núi xuống đây mấy năm rồi. (người H'Mong thường ở trên núi cao chót vót, xa lánh hẳn các tộc người khác. Nhà nước vận động nhiều lần để họ xuống thấp canh tác ngô và lúa nước; nhưng hết tiền tài trợ họ lại kéo nhau lên núi). 

May cho em nó, học nội trú dưới trường Huyện, về nhà lấy gạo góp cho nhà trường, đi qua đoạn đèo trước mắt thì bắt đầu cấm đường mà vì thế mình gặp em.

Đến nhà em là lựa chọn hợp lý, nên mình đồng ý, bảo em lên xe chỉ đường mình đèo đến.

 Đường vào nhà em dốc không cao, nhưng dài. Đá tảng bằng cái mũ cối lô nhô, vặn vẹo, trơn như nhớt mũi do chiều có mưa. Đường trơn quá! Bùn phủ một lớp mỏng trên đá như đánh đổ cháo ra bàn. Bánh xe quay tít, đít văng lung tung như đuôi chó vẫy chủ.

Hà giang là cao nguyên đá. Đọc sách thấy các nhà văn gọi: đá tai mèo. Mình nghĩ là đá tai lừa mới đúng. Đá nhọn hoắt, lô nhô xỉa lên trời như chông, nhìn buốt mắt. Xen kẽ các mỏm đá là những vốc đất. Vốc bằng cái mâm, vốc bằng cái chiếu. Cây ngô ở đây tranh cướp từng nắm đất với đá tai lừa, khắc khoải ra bắp.

Cũng may trời chưa tối hẳn, vẫn nhìn rõ đường nên vất vả 30' cũng đã nhìn thấy thấp thoáng mấy nếp nhà. Em bảo: Bản em đó.

Tuấn Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét