Hiển thị các bài đăng có nhãn Khoa học Huyền bí. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Khoa học Huyền bí. Hiển thị tất cả bài đăng

19/08/2024

Truyền thuyết "Long sinh cửu phẩm"

 Từ Địa lý Lạc Việt


     Rồng vốn là con vật trong truyền thuyết, là hình ảnh tượng trưng cho sự quyền uy, cao quý và là loài đứng đầu trong muôn thú. Trong văn hóa châu Á, con người luôn tôn thờ loài rồng và chỉ có hoàng tộc mới được sử dụng hình ảnh con rồng làm biểu trưng cho quyền lực cũng như thân phận cao quý của họ.

    Theo truyền thuyết chín Rồng thần sinh được 9 con trai nhưng không con nào là Rồng cả. Chín người con của Rồng đều là các loài thần thú và có tính cách khác nhau. Tùy vào tính cách mà người ta dùng hình ảnh của chúng để trang trí ở những lĩnh vực như mái hiên, nóc nhà, lan can, vũ khí, chiến thuyền,...

    Tuy nhiên, cũng do văn hóa dân gian mỗi nơi một khác mà sinh ra nhiều dị bản về “Long sinh cửu phẩm”. Bởi vậy mà danh sách những linh vật được coi là con của rồng cũng có sự khác biệt.

    Hiện nay, nhìn chung chia làm hai thuyết:

  • Thuyết 1: Bị Hí, Si Vẫn, Bồ Lao, Bệ Ngạn, Thao Thiết, Công Phúc, Nhai Xế, Toan Nghê, Tiêu Đồ
  • Thuyết 2Tù Ngưu, Nhai Xế, Trào Phong, Bồ Lao, Toan Nghê, Bị Hí, Bệ Ngạn, Phụ Hí, Si Vẫn

    Bởi vậy, ở bài viết này sẽ liệt kê nhiều hơn 9 con của Rồng.

Danh sách đầy đủ chín đứa con của rồng

    Bị Hí

    Bị Hí (tên khác là Bí Hí, Bá Hạ, Bát Phúc, Thạch Long Quy) là con trưởng của rồng. Có hình dáng thân rùa, đầu rồng. Chỉ duy nhất có Bí Hí chịu được trọng lượng lớn nên thường được chạm khắc  được gọi là "con thú mang bia".

Một số người nhầm lẫn khi cho rằng các con vật đội bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám là loài Rùa, thật ra đó là Bí Hí vì ngoài đặc tính thích mang vật nặng nó cũng rất thích văn chương nên người xưa dùng nó để đặt bia Tiến sĩ. 

Con Bị Hí (Bí Hí)

    Si Vẫn

    Si Vẫn (Tên gọi khác là Si Vĩ, Li Vẫn, con Kìm) là con thứ hai của Rồng. Sống ở biển, có đầu giống hoặc gần như đầu rồng, đuôi, vây, miệng rộng và thân ngắn. Mỗi khi nó đập đuôi xuống nước thì nước bắn lên tận trời và mù mịt cả trời đất.

Si Vẫn ở bảo tàng quốc gia Việt Nam

    Tương truyền Li Vẫn thích ngắm cảnh và thường giúp dân diệt hỏa hoạn nên được chạm khắc làm vật trang trí trên nóc các cung điện cổ, chùa chiền, đền đài... ngụ ý cầu trấn hỏa, đề phòng hỏa hoạn. Là một linh vật dùng trong trang trí kiến trúc, đây là một trong những hiện vật quý hiếm đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Việt Nam.

Thông tin thêm:

Chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Lý Học Đông Phương) đã tổng hợp tất cả những hình tượng Si Vẫn trên các di sản còn lại ở các đình chùa miếu mạo và những tài liệu nói về linh vật này để tạo ra Si Vẫn phiên bản bàn đặt trong nhà đem lại sự tiện lợi, bình an.

Si Vẫn để bàn

    Bồ Lao

    Bồ Lao là con thứ ba của Rồng. Sống ở biển, thích âm thanh lớn và thích gầm rống. Người xưa thường đúc trên quai chuông hình Bồ Lao, còn dùi thì làm theo hình cá kình với mong muốn tiếng chuông kêu vang xa. Do đó, Bồ Lao cũng được dùng để nói đến tiếng chuông chùa.

Linh vật Bồ Lao

Bồ Lao trên quả chuông chùa Thanh Long (Thái Bình), chất liệu đồng thời Lê Trung Hưng

    Bệ ngạn

    Bệ Ngạn (tên gọi khác là Bệ Lao, Hiến Chương) là con thứ tư của Rồng. Có hình dáng giống hổ, răng nanh dài, sắc, có sức thị uy lớn, thích lý lẽ và có tài cãi lý đòi sự công bằng khi có bất công.

    Nhờ vậy Bệ Ngạn thường được đặt ở cửa nhà ngục hay pháp đường, ngụ ý răn đe người phạm tội và nhắc nhở mọi người nên sống lương thiện.

Linh vật Bệ Ngạn

Bệ ngạn ở cổng 1 nhà lao.

    Thao Thiết

    Thao Thiết là con thứ năm của Rồng. Có đôi mắt to, miệng rộng, dáng vẻ kỳ lạ. Linh vật này tham ăn vô độ. Vì vậy, được đúc trên các đồ dùng trong ăn uống như ngụ ý nhắc nhở người ăn đừng háo ăn mà trở nên bất lịch sự.

Linh vật Thao Thiết

Cái vạc nấu ăn trong quân cổ

    Công Phúc

    Công Phúc là con thứ sáu của Rồng. Linh vật này thích nước nên được khắc làm vật trang trí ở các công trình hay phương tiện giao thông đường thủy như: cầu, rãnh dẫn nước, đập nước, bến tàu, thuyền bè… với mong muốn công phúc luôn tiếp xúc, cai quản, trông coi lượng nước phục vụ nhân dân.

Linh vật Công Phúc

    Nhai Xế

    Nhai Xế (tên gọi khác là Nhai Xải, Nhai Tí) là con thứ bảy của Rồng. Linh vật có tính khí hung hăng, thường nổi cơn thịnh nộ và ham sát sinh nên thường được chạm khắc trên các vũ khí như đao, búa, kiếm… ngụ ý thị uy, làm tăng thêm sức mạnh và lòng can đảm của các chiến binh nơi trận mạc.

Linh vật Nhai Xế (Nhai Xải)

    Toan Nghê

    Toan Nghê (còn gọi là Kim Nghê) là con thứ tám của Rồng. Có mình sư tử, đầu rồng, thích sự tĩnh lặng và thường ngồi yên ngắm cảnh khói hương tỏa lên nghi ngút nên được đúc làm vật trang trí trên các lò đốt trầm hương, ngụ ý mong muốn hương thơm của trầm hương luôn tỏa ngát.

Linh vật Toan Nghê

    Tiêu Đồ

    Tiêu Đồ (hay còn gọi là Thô Phủ) là con thứ chín của Rồng. Linh vật có tính khí lười biếng, thường cuộn tròn nằm ngủ, không thích có kẻ lạ xâm nhập lãnh địa của mình nên thường được khắc trên cánh cửa ra vào, đúng vào vị trí tay cầm khi mở, ngụ ý răn đe kẻ lạ muốn xâm nhập nhằm bảo vệ sự an toàn cho chủ nhà.

Linh vật Tiêu Đồ

    Như đã trình bày ở trên, ngoài chín con của Rồng ở trên, theo một số dị bản thì gia đình Rồng còn có một số linh vật khác như:

    Tù Ngưu

    Tù Ngưu (hay còn có tên gọi khác là Tỳ Hưu, Kỳ Hưu, Tỳ Ngưu, Tu Lì, Tu Lỳ,…), có hình dạng như một con rồng nhỏ, màu vàng, có sừng như sừng lân. Đây là linh vật giỏi về âm nhạc nên được khắc trên các nhạc cụ, nhạc khí,...

Linh vật Tù Ngưu (Tỳ Hưu)

Đặc biệt lưu ý:

Hiện nay có rất nhiều người mua vật phẩm Tỳ Hưu (tượng tạc, trang sức đeo lên người)  như một vật khí phong thuỷ với mong muốn cầu tìm tài lộc. Tuy nhiên, Địa Lý Lạc Việt sau thời gian nghiên cứu khuyến cáo tuyệt đối không nên sử dụng

Tỳ Hưu

  • Trong phong thủy, mọi hình tượng dùng làm vật khí trấn yểm đều phải là hình tượng tốt đẹp. Và quan trọng là phải thuận lẽ trời đất: có vô thì có ra, có còn thì có mất, có đầy thì có vơi. Chỉ có lòng tham con người là muốn cái gì cũng vĩnh viễn, thêm mà không bớt, có mà không hết.
  • Lẽ tự nhiên không theo lòng người. Nhà Minh có để Tỳ Hưu rồi cũng khánh tận. Hòa Thân có để Tỳ Hưu to hơn Tỳ Hưu của vua rồi thì cũng bị giết và tài sản cũng bị tịch thu vào tay kẻ khác.
  • Hơn nữa hai chữ Tỳ Hưu đã thể hiện cái không hay, không tốt. Thử xem xét lý trong chữ sẽ thấy.
    • Tỳ (lách) là một trong năm tạng, biểu lý với Vị (bao tử).
    • Hưu là hết chức năng.
  • Thực phẩm vào Vị phải nhờ tỳ chuyển hóa, nhưng Vị muốn chuyển hóa được thành các chất bổ dưỡng và ô trọc thì phải nhờ Tỳ khí hóa. Ấy vậy mà Tỳ lại mất hết chức năng, thực phẩm bị ôi thiu trương sình trong bụng... thì ắt sẽ có bệnh. Nhẹ thì bệnh trướng bụng, nặng thì cơ thể lần hồi suy kiệt mà tiêu.

Vì vậy hai chữ Tỳ Hưu làm thành tên thì cũng là chỉ điểm báo nguy cho định mạng. Và Tỳ Hưu, trong việc cầu tìm tài lộc thì cũng chỉ là một yếu tố. Yếu tố tương tác cho cái lợi trước mắt nhưng tiềm ẩn nguy cơ cao là tán tài.

    Trào Phong

    Trào Phong thích sự nguy hiểm, thích nhìn ra xa nên thường chọn chỗ cao, cheo leo như đầu cột, góc mái của ngôi nhà, điểm cao một số công trình kiến trúc,… làm chỗ leo trèo hoặc đứng nhìn. Bởi vậy, nó là linh vật thường được chạm khắc trên nóc nhà (thường đặt ở bốn góc mái nhà) với ngụ ý chống hoả hoạn và thị uy kẻ xấu (gần giống với Si Vẫn).

Linh vật Trào Phong

    Ngoài ra, hình tượng Trào Phong trên góc mái còn tượng trưng cho điều tốt lành, may mắn, tạo giá trị trang trí đẹp mắt và uy nghi. Vì thế chỉ các cung điện của hoàng gia mới được phép tạc hình Trào Phong trên nóc.

    Phụ Hí

    Phụ Hí có hình dáng như Rồng, dáng vẻ thanh nhã, thường nằm cuộn mình trên bia đá. Nó rất thích vẻ đẹp của chữ khắc trên các văn bia, nên thường cuộn mình trên đó mà ngắm nghía. Vì vậy, người ta thường khắc một đôi Phụ Hí trên các bia mộ, bài vị với ngụ ý bảo vệ bia mộ.

Linh vật Phú Hí

    Trên đây là toàn bộ tổng hợp những đứa con của rồng trong văn hóa Việt Nam, hi vọng sẽ giúp ích được cho các bạn một vài thông tin bổ ích.

10/01/2024

Hạn Tam tai

 Tập hợp từ net



1. Hạn Tam tai là gì?

Tam là ba, tai là tai họa, thế nên Tam tai có thể hiểu là tai họa 3 năm liên tiếp đối với một người. Vòng xoay Tam tai là 12 năm (theo 12 năm con giáp) và cứ 12 năm thì sẽ có 3 năm Tam tai diễn ra.

Hạn Tam tai sẽ được tính theo nhóm tuổi Tam hợp, nghĩa là những người sinh năm con giáp Tam hợp sẽ có chung một hạn Tam tai. Đây là điều mà người xưa hay nói Tam hợp hóa Tam tai. Do đó, nếu hai vợ chồng thuộc Tam hợp thì khi gặp hạn Tam tai nên có những chuẩn bị tâm lý tốt nhất, không ảnh hưởng đến sức khỏe.

2. Cách tính hạn Tam tai

Cách tính Tam tai sẽ dựa theo tuổi 12 con giáp:

Dần - Ngọ - Tuất gặp hạn Tam tai vào năm Thân - Dậu - Tuất

Hợi - Mão - Mùi gặp hạn Tam tai vào các năm Tỵ - Ngọ - Mùi

Thân - Tý - Thìn gặp hạn Tam tai vào các năm Dần - Mão - Thìn

Tỵ - Dậu - Sửu gặp hạn Tam tai vào các năm Hợi - Tý - Sửu

3. Con giáp gặp hạn Tam tai năm 2024?

Năm 2024, có 3 con giáp gặp hạn Tam tai là Thân – Tý - Thìn. 

Vận hạn xấu dễ gặp khi phạm hạn Tam tai:

- Tai nạn giao thông

- Ốm vặt, bệnh tật triền miên

- Gặp nhiều thị phi 

- Nhiều điều xấu, sự cố bất ngờ ập đến

- Công việc bất ổn, bị đuổi việc/mất việc

- Gia đình ly tán, vợ chồng ly dị

- Gây bất hòa với mọi người từ trong gia đình tới xã hội

- Làm ăn lụi bại, mở cửa hàng kinh doanh đều bị thất bại

- Nếu hạn quá xấu có thể xảy ra tuyệt mạng

4. Cách hóa giải hạn Tam tai

Về phương án hoá giải, ta vẫn nói, biết vận để nắm vận, biết hung để tránh hung, biết cát để đón cát.

Vậy nên, nếu đã nắm được vận mệnh của mình trong năm tới như vậy không gì bằng cách luôn chú tâm, thực sự chú tâm, chủ động đề phòng. 

Đã chủ động rồi thì 3 con giáp trong 12 con giáp là Thân, Tý, Thìn sẽ không phải lo lắng mà tự làm chủ cuộc chơi vận mệnh, khởi thuận vạn sự hưng.

- Từ lời ăn tiếng nói khiêm tốn, chân thành, không nói dài, nói dài dễ nói dại, chuyện thị phi bao đồng nhất định tránh. Khi nói chuyện phải lắng nghe nhiều hơn nói, nghe đầy đủ xong cần phản biện mới phản biện, uốn lưỡi 7 lần trước khi nói.

- Chú ý vấn đề ăn uống nhậu nhẹt, hại người, hại sức khoẻ, rủi ro tai nạn, va chạm…

- Chuyện làm ăn hợp tác: Phải rõ ràng tiền bạc, giấy tờ ký tá giấy trắng mực đen, bút sa gà chết nên phải đọc kỹ điều khoản, giấy tờ. Cẩn trọng khi đối tác hay những người làm việc quanh mình có địa chi tuổi chính xung với mình như: Thân xung Dần, Tý xung Ngọ, Thìn xung Tuất hay cũng nằm trong bộ Tam tai Thân Tý Thìn.

Càng cẩn thận hơn khi họ có thiên can xung phá bản chủ như

Canh phá Giáp, Tân phá Ất, Nhâm phá Bính, Quý phá Đinh, Giáp phá Mậu, Ất phá Kỷ, Bính phá Canh, Đinh phá Tân, Mậu phá Nhâm, Kỷ phá Quý

Tra Thiên Can dựa theo tuổi có năm sinh âm lịch tận cùng là:

0 - Canh, 1 - Tân, 2 - Nhâm, 3 - Quý, 4 - Giáp, 5 - Ất, 6 - Bính, 7 - Đinh, 8 - Mậu, 9 - Kỷ.

- Chuyện gia đình, hôn nhân gia đạo, vợ chồng con cái đôi bên, lấy dĩ hoà làm đầu, sống chậm lại, quan tâm đến nhau hơn, yêu thương nhiều hơn. Dĩ hòa vi quý, hoà khí sinh tài. Gia hoà vạn sự hưng.

- Vấn đề sức khoẻ, đặc biệt trong giai đoạn trái đất có từ tính tăng cao và xuất hiện bão từ cường độ lớn, nhỏ liên tục xảy ra ảnh hưởng rất xấu đến cơ thể con người. Chúng ta nên ngủ trước 22h, buổi trưa có thể ngủ nhanh từ 15 - 30 phút sẽ giúp phục hồi năng lượng. 

Khi ngủ giấc sâu buổi tối nên tắt điện thoại, tắt wifi để tránh sự cộng hưởng từ của vũ trụ gây hại đến bộ não của chúng ta. Năng tập thể dục đều đặn, rèn luyện sức khoẻ để cơ thể có một trường khí bản thân ổn định.

- Vấn đề trang phục quần áo và phong thái, các tuổi bị phạm Tam tai Thân – Tý - Thìn cần chú ý: Trang phục chỉn chu, gọn gàng, sạch sẽ. Đi đứng ngay thẳng mắt nhìn thẳng hoặc nhìn lên, tư thế ngồi làm việc ngay ngắn, ngủ không kê gối cao đầu. 

- Luôn nhắc nhở bản thân phải giữ tâm thái tích cực, suy nghĩ tích cực, nói lời tích cực, hành động tích cực để bản thân tràn ngập năng lượng tích cực hút những điều an lành và may mắn đến với mình theo nguyên lý lực hấp dẫn của vũ trụ.


19/06/2023

Tạm biết về Tứ tượng trong Phong thuỷ

 st trên net




Tứ tượng hay tứ thánh thú, là một khái niệm hình tượng bộ bốn trong khoa học thiên văn, triết học, phong thủy,… phương Đông. Tứ tượng (Si Xiang) là bốn thánh thú trong các chòm sao Trung Hoa cổ đại:
  • Thanh Long của phương Đông

  • Bạch Hổ của phương Tây

  • Chu Tước của phương Nam

  • Huyền Vũ của phương Bắc
Mỗi thánh thú cai quản một phương và tượng trưng cho một mùa, chúng có những đặc điểm và nguồn gốc riêng. Chúng được miêu tả đầy sinh động trong thần thoại và trí tưởng tượng của người Trung Hoa, và cả trong Manga và Anime của Nhật

Tứ tượng được đặt cho những cái tên loài người tương ứng khi Đạo giáo trở nên phổ biến. Thanh Long có tên là Mạnh Chương (孟章), Chu Tước là Lăng Quang (陵光), Bạch Hổ là Giám Binh (監兵), và Huyền Vũ là Chấp Minh (執明).

Tương ứng với Ngũ hành

Các thánh thú hợp thành Hệ thống Ngũ hành:
  • Thanh Long của phương Đông: Mộc

  • Chu Tước của phương Nam: Hỏa

  • Bạch Hổ của phương Tây: Kim

  • Huyền Vũ của phương Bắc: Thủy
Tương truyền còn có thánh thú thứ năm, Hoàng Lân (con kỳ lân màu vàng), hay “Hoàng Lân của Trung tâm”. Tất cả các thánh thú hợp lại dưới sự cai quản của “trung tâm” là Hoàng Lân, và Hoàng Lân tượng trưng cho nguyên tố Thổ.


Trong thiên văn

Trong thiên văn học Trung Quốc, Tứ tượng là bốn cung Đông – Tây – Nam – Bắc của Nhị thập bát tú. Mỗi chòm Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước được hợp từ bảy chòm sao.

Đông: Thanh Long

Chòm Thanh Long (rồng xanh) gồm bảy chòm sao nhỏ hơn hợp thành gồm: Giác (Cá sấu), Cang (rồng), Đê (cu li), Phòng (thỏ), Tâm (cáo), Vĩ (cọp) và Cơ (báo)

Tây: Bạch Hổ

Chòm Bạch Hổ (cọp trắng) gồm: Khuê (sói), Lâu (chó), Vị (trĩ), Mão (gà), Tất (quạ), Chủy (khỉ) và Sâm (vượn)

Nam: Chu Tước

Chòm Chu Tước (chim sẻ đỏ) gồm: Tỉnh (cầy), Quỷ (dê), Liễu (hoẵng), Tinh (ngựa), Trương (nai), Dực (rắn) và Chẩn (giun)

Bắc: Huyền Vũ

Chòm Huyền Vũ (rùa và rắn đen) gồm: Đẩu (cua), Ngưu (trâu), Nữ (dơi), Hư (chuột), Nguy (én), Thất (heo) và Bích (nhím)

Trong thuyết Âm-Dương

Trong thuyết Âm Dương, Tứ tượng tương ứng với giai đoạn sinh làm bốn phạm trù trong quá trình biến đổi của vũ trụ (Hư vô sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái)


Tứ tượng gồm:
  • Thái dương: tượng hình bởi hai vạch liền

  • Thiếu dương: tượng hình bởi vạch liền ở dưới, vạch đứt ở trên

  • Thiếu âm: tượng hình bởi vạch đứt ở dưới, vạch liền ở trên

  • Thái âm: tượng hình bởi hai vạch đứt

Đồng thời Tứ tượng cũng tương ứng với bốn phần của vòng tròn Thái cực đồ

Trong phân chia thiên thể

Các thiên thể trên bầu trời cũng được phân chia thành tứ tượng:
  • Nhật (Mặt Trời) – tương ứng với Thái dương

  • Nguyệt (Mặt Trăng) – tương ứng với Thái âm

  • Tinh (các vì sao đứng yên, định tinh) tương ứng với Thiếu âm

  • Thần (hay Thìn, các ngôi sao chuyển động, hành tinh) tương ứng với Thiếu dương
Trong phong thủy

Đối với phong thủy, hội tụ đủ Tứ tượng Thanh long, Bạch hổ, Chu tước, Huyền vũ là điều cần thiết để có một địa thế đẹp. Ngày xưa, để chọn được nơi để đặt kinh đô, các nhà phong thủy phải tìm nơi hài hòa giữa tứ tượng như nơi đó phải có sông ngòi, đất phải phì nhiêu, dễ đón gió và nhận được ánh mặt trời vừa phải.


Các ý tưởng khác

Tứ tượng còn tương ứng với bốn phương Đông – Tây – Nam – Bắc; bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông . Không hiểu do trùng hợp mà tứ tượng lại tương ứng với Tứ Đại Nguyên Tố của truyền thuyết châu Âu là nước (xanh biển – Thanh Long), lửa (đỏ – Chu tước), gió (trắng – Bạch Hổ) và đất (đen – Huyền Vũ)

21/05/2023

Sáu hướng không kê giường

 


Có lẽ, đa số các bạn không tin vào Phong Thuỷ. Trước đây tôi cũng vậy. Chỉ nghĩ đến câu nói các Cụ xưa: “Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng Nam” hoặc “Làm nhà xoay cửa hướng Nam, xoay lưng hướng Bắc không làm cũng no” mà khi lập nghiệp, xây nhà tôi mua đất làm nhà hướng Nam. No ấm thì đương nhiên rồi, tất nhiên khó tránh được chuyện nọ kia nhưng rất dễ hoà giải. Hay hơn nữa là, cây cối vô cùng tốt tươi (từ hoa lan, cây cảnh đến rau ăn trồng trong thùng xốp...). Từ đó mình nghiệm ra đến chuyện Phong Thuỷ gường ngủ mà bàn để mọi người cùng tham khảo. (Đây là dựa trên thực tế cộng với đọc sách cổ để có chút ý kiến mà thôi).

Hàng ngày, chúng ta đều quan tâm đến bữa ăn và giấc ngủ và có thể nói là ưu tiên hàng đầu, ít nhất 1/3 thời gian trong ngày phải được dành cho việc ăn - ngủ để duy trì nguồn năng lượng dồi dào như câu “Ăn no, ngủ kỹ là tiên”.

Không biết mọi người đã từng nghe câu: “Sáu hướng không kê giường, thuận buồm không mắc nợ” hay không, mặc dù thoạt nhìn sẽ thấy nó có liên quan đến giấc ngủ, nhưng làm sao hiểu được ý nghĩa của nó? Còn cái gọi là 6 hướng không được kê đầu giường là 6 hướng nào?

Thực ra câu này về mặt ngôn từ khá đơn giản, cũng không khó hiểu, có nghĩa là khi kê giường trong nhà tuyệt đối không được đặt đầu giường đối diện với 6 hướng sau để cuộc sống thuận buồm xuôi gió, công việc kinh doanh suôn sẻ, đó là điều đương nhiên được các đại gia đúc kết.

Chúng ta hãy cùng xem xét giường nhà mình có phạm phải 6 hướng dưới đây không nhé!

Thứ nhất: Đầu giường không đối diện với cửa sổ

Thông thường, khi chúng ta thiết kế một ngôi nhà, trong phòng ngủ nhất định phải lắp cửa sổ, lúc bình thường không những có thể thông gió mà còn khiến căn phòng có thêm nhiều ánh sáng, ánh sáng khiến chúng ta khá thoải mái.

Ta đặt giường đối diện với cửa sổ, chúng ta sẽ thấy ánh sáng sẽ chiếu trực tiếp vào mặt ta, vậy sao ngủ yên? Thứ nữa, mùa đông hoặc những ngày nhiều gió, gió lạnh buốt thật sự rất khó chịu, kê giường đối diện với cửa sổ chẳng khác nào thả mình vào gió, rất dễ bị cảm lạnh hay khi trời mưa, mưa có thể hắt vào đầu giường, đương nhiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cảm giác khi ngủ!

Thứ hai: Đầu giường không quay về hướng tây

Các Cụ hay nói ‘cưỡi hạc về hướng tây’, nếu thật sự đặt đầu giường quay về hướng tây, nghe có vẻ không tốt lắm, sẽ khiến người ta cảm thấy khó chịu, cho nên nó nên tránh.

Thứ ba: Đầu giường không đối diện với cửa ra vào

Thực tế điều này là đúng vì có vẻ không được riêng tư, nếu nhà có khách đến chơi, vừa mở cửa đã thấy đầu giường, có thể khiến cả hai bên có chút xấu hổ.

Thứ tư: Đầu giường không được đối diện với gương

Chúng ta đều hiểu rằng gương có tính phản chiếu, vì vậy khi gương đối diện với đầu giường, nếu ánh nắng chiếu vào gương một chút sẽ bị phản chiếu trực tiếp vào đầu giường, có thể khiến bạn bị chói mắt. Và đầu giường đối diện với gương, nếu bạn thức dậy vào ban đêm và đột nhiên nhìn thấy một người trên đầu giường, tất nhiên cũng đừng sợ hãi, như trong rất nhiều câu chuyện ma hiện trong gương trên đầu giường.

Thứ năm: Đầu giường không được kê dưới xà nhà

Vì những thanh xà này rất dễ làm giảm chiều cao sàn nhà, đặc biệt trông rất buồn tẻ, nếu thật sự kê đầu giường ngay dưới thanh xà, khi ngủ thường sẽ cảm thấy rất ngột ngạt, vì vậy tốt nhất không nên kê đầu giường.

Thứ sáu: Đầu giường không được đối diện với phòng vệ sinh

So với các phòng khác trong phòng, phòng vệ sinh chắc chắn không phải là một nơi tốt, không chỉ môi trường thường xuyên ẩm ướt mà lúc nào cũng có vẻ hơi bẩn khiến người ta cảm thấy không thoải mái.

Do đó, nếu đặt đầu giường đối diện với phòng tắm, bạn có thể hình dung mùi hôi như thế nào, dễ mang theo hơi ẩm hoặc vi khuẩn vào giường, về lâu dài sẽ rất có hại cho thể chất và tinh thần.


11/05/2023

Bát quái đồ và 8 bộ phận trên cơ thể con người

 st trên net


 Bát quái là 8 quẻ được sử dụng trong vũ trụ học Đạo giáo, đại diện cho các yếu tố cơ bản của vũ trụ, được xem như là một chuỗi tám khái niệm có liên quan với nhau. Mỗi quẻ gồm ba hàng, mỗi hàng là nét rời (được gọi là Hào âm) hoặc nét liền (được gọi là Hào dương), tương ứng đại diện cho âm hoặc dương.



Bát quái có liên quan đến triết học thái cực và ngũ hành. Thời cổ đại, nó được ứng dụng rộng rãi trong thiên văn học, chiêm tinh học, phong thủy và y học cổ truyền và rất nhiều lĩnh vực khác.

Bát quái (8 quẻ) bao gồm: Quẻ Càn (hình bát quái ☰), quẻ Khôn (hình bát quái ☷), quẻ Đoài (hình bát quái ☱), quẻ Ly (hình bát quái ☲), quẻ Chấn (hình bát quái ☳), quẻ Tốn (hình bát quái ☴), quẻ Khảm (hình bát quái ☵), quẻ Cấn (hình bát quái ☶). 
Bát quái không chỉ đại biểu cho thời gian và phương vị mà còn đại biểu cho các bộ phận trên thân thể người. Tám bộ phận của thân thể con người đối ứng với từng quẻ trong Bát Quái và được xem là một “Bát quái đồ”.

1. Quẻ càn là đầu

Lấy thân thể con người mà nói, quẻ càn (☰) là đại biểu cho đầu. Bởi vì càn là trời, là bên trên, là vua, là đại biểu cho sự tôn quý, đại biểu cho người đứng đầu. Mà đầu của con người cũng là ở nơi cao nhất trong thân thể, là bộ phận tôn quý nhất. Những từ như thủ lĩnh, đầu não… đều là được dẫn dắt từ bộ phận đầu mà nói lên ý nghĩa. Cho nên, quẻ càn là đại biểu cho bộ phận đầu trong thân thể con người.

Đầu là tương ứng với càn, là bộ phận quan trọng nhất. Đặc tính của quẻ càn là sáng tạo, cho nên con người phải luôn giữ cho đầu não thanh tỉnh, thì mới dẫn dắt được suy nghĩ của mình đi theo con đường đúng đắn.

2. Quẻ khôn là bụng

Khôn (hình bát quái ) là đại biểu cho bụng. Bụng của con người là nơi chứa đựng rất nhiều bộ phận “lục phủ ngũ tạng”. Khôn trong Bát quái là đại biểu cho mặt đất, nơi có diện tích rộng lớn, có thể nâng đỡ được vạn vật.

Đặc tính của quẻ khôn là sự tiếp nhận, dung nạp. Bụng của con người tương ứng với quẻ khôn, là có ý nhắc nhở con người chúng ta rằng, làm người phải có tấm lòng rộng lớn, bao la như mặt đất. Phải bao dung mới có thể nuôi dưỡng, nâng đỡ được vạn vật, phải có thể dung nạp được trăm sông.

3. Quẻ chấn là chân


Quẻ chấn có đặc tính là động, là di chuyển, mà chân là để vận động, đi lại. Nét liền (dương hào) là thể hiện cho động, nét đứt (âm hào) là thể hiện cho tĩnh.

Hình bát quái của quẻ chấn là (), từ trong ra ngoài, nét đầu tiên là nét liền, nét hai và ba là nét đứt, ý nói mọi người muốn đi phải dùng hai chân bên dưới để bước đi qua lại. Do đó, dùng đặc tính của quẻ chấn để đại biểu cho chân.

4. Quẻ tốn là bắp đùi

Bắp đùi là bộ phận từ đầu gối trở lên, là chỗ có lực nhất của cơ thể con người (hình bát quái ). Trong Bát quái, trạng thái của quẻ tốn là “thuận” và “nhập” (tham gia, gia nhập, len vào).

Chúng ta muốn đi đến một cảnh giới cao thâm, đi vào một khu vực nào đó thì nhất định phải đầu tư nhiều năng lượng, tinh lực, thể lực. Cho nên dùng đặc tính của quẻ tốn đại biểu cho bắp đùi.

5. Quẻ khảm là tai

Trong thiên nhiên, khảm là nước. Nước ở bên trong thân thể người là đại biểu cho thận mà thận lại khai khiếu (thông suốt) ra tai, cho nên khảm là tai.

Hình bát quái của quẻ khảm là “”, ở giữa là nét liền (hào dương), bên trên và bên dưới là nét đứt (hào âm), thể hiện ánh sáng trong bóng đêm. Cho nên, khảm cũng là đại biểu cho trí huệ, sự thông minh.

Cổ nhân thường nói “tai thính, mắt tinh”, ý nói rằng một người có tai minh mẫn, nghe được hiểu rõ, nghe được minh bạch. Người mà trong thận có tràn đầy nước thì sẽ “tai thính, mắt tinh”.

6. Quẻ ly là mắt


Quẻ ly đại biểu cho thái dương, ánh mặt trời, có đặc tính soi sáng cho vạn vật ở thế gian con người (hình bát quái ). Mà mắt người là có thể nhìn được trời đất, vạn vật có hình dạng cho nên quẻ ly là đại biểu cho mắt.

Dùng quẻ ly đại biểu cho mắt người cũng là có ý nhắc nhở con người rằng, dùng đôi mắt của mình để nhìn thật thấu, thật rõ mỗi sự vật sự việc trong thế gian.

7. Quẻ cấn là tay

Quẻ cấn là đại biểu cho tay. Từ hình bát quái của quẻ cấn là () phân tích, thấy rằng nét trên cùng là nét liền (hào dương), phía dưới là hai nét đứt (hào âm). Hình dạng của nó giống như một người đang dùng hai tay tập chống đẩy. Vì thế, quẻ cấn đại biểu cho tay.

8. Quẻ đoài là miệng

Trong thiên nhiên, quẻ đoài là đại biểu cho biển, hồ, là một lỗ hổng của mặt đất bằng phẳng (hình bát quái ). Lỗ hổng lớn nhất của con người chính là cái miệng.

Đặc tính của quẻ đoài là vui sướng, dễ chịu. Con người trong lúc vui sướng sẽ thường thường nói không có kiểm soát, nói quá, nói lời khoa trương. Cho nên, dùng quẻ đoài để đại biểu cho miệng. Điều này cũng là có ý nhắc nhở con người rằng “miệng” có thể đem đến tai họa, cần phải lý trí để biết lời nào nên nói, lời nào không nên nói.

17/01/2023

Quá trình đi đến âm gian sau khi con người chết đi

Sau khi con người chết rồi sẽ đi đâu, sẽ trải qua những điều gì, và lại đầu thai như thế nào? Dưới đây là kể lại toàn bộ quá trình đi đến âm gian sau khi người ta chết đi.

Bài viết này không phải gieo rắc hoang mang cũng không phải là mê tín, những ai tin thì hoàn toàn có thể lý giải được, còn những ai không tin thì cũng có thể xem đây như là một truyền thuyết vậy. Sau khi chết chúng ta sẽ trải qua điều gì, xin hãy xem tiếp …

Dựa vào các nền văn hóa của tôn giáo phương Đông (Phật giáo và Đạo giáo), tương truyền rằng sau khi thọ mệnh người ta kết thúc, sẽ có quỷ sai của âm gian, cũng chính là Hắc Bạch Vô Thường đến dẫn hồn phách người ta xuống Quỷ Môn quan. Sau đó lại được Tứ đại Sứ giả của âm gian, cũng chính là Đầu Trâu Mặt Ngựa, dẫn vong linh đến Âm Tào Địa Phủ; tiếp đó được thẩm phán của chư vị Đại Phán quan của Thập Điện Diêm La dưới âm gian tiếp nhận. Cuối cùng mới quyết định vong linh là có thể đi vào cõi nào để tiếp tục luân hồi: hoặc là lên trời hưởng phúc lành, hoặc là tiếp tục đầu thai làm người nữa hoặc loại động vật nào đó, hoặc là bị đánh vào mười tám tầng địa ngục như trong truyền thuyết để chịu khổ hình.

Chặng đường đi xuống âm gian sau khi con người chết đi

Tương truyền, trong quá trình đi xuống âm gian sau khi người ta chết đi thì quan ải đầu tiên là qua Quỷ Môn quan rồi, liền phải đi qua một con đường gọi là đường Hoàng Tuyền, hai bên đường nở rộ một loại hoa đẹp, chỉ thấy hoa nở không thấy lá xanh, người cõi Dương gian gọi là hoa Bỉ Ngạn (hoa của cõi bên kia).

Con đường này cần phải đi rất lâu rất lâu, đến tận cuối con đường sẽ có một con sông nhỏ gọi là Vong Xuyên Hà. Trên sông có một chiếc cầu đá gọi là cầu Nại Hà, bờ đối diện bên kia của cây cầu có một gò đất gọi là Vọng Hương đài, bên cạnh Vọng Hương đài có một cái đình nhỏ gọi là đình Mạnh Bà. Ở đó có một người tên là Mạnh Bà trông chừng và đưa cho mỗi người qua đường một chén canh Mạnh Bà. Uống canh Mạnh Bà sẽ khiến người ta quên hết tất cả mọi chuyện.

Bên bờ sông Vong Xuyên còn có một tảng đá, gọi là Tam Sinh thạch (đá ba đời), ghi chép lại đời trước, đời này và đời sau của mỗi một người. Đi qua cầu Nại Hà, đứng trên Vọng Hương đài nhìn nhân gian một lần cuối cùng, sau đó mới đi vào cõi Âm Tào Địa Phủ.

Ải thứ nhất: Quỷ Môn quan


Sau khi con người chết đi, trước hết là do quỷ sai nơi âm gian Hắc Bạch Vô Thường dẫn ba hồn bảy phách đi, rồi giao cho quỷ Đầu Trâu Mặt Ngựa đẫn đến Quỷ Môn quan –  một quan ải cần phải đi vào cõi âm gian.

Ngạn ngữ có câu: “Quỷ Môn quan, mười người đi, chín người trở về”.

Trước Quỷ Môn quan có mười sáu quỷ lớn, truyền thuyết kể rằng Diêm La Vương đã đặc cách chọn ra một nhóm ác quỷ để trấn giữ cửa ải này, họ tra xét vô cùng hà khắc, nghiêm ngặt đối với những vong hồn dã quỷ tội ác đầy mình, bản tính hung ác không đổi; không để cho một ai có thể trà trộn đi qua quan này.

Lúc còn sống bất luận là quan chức quyền quý hay bá tánh bình dân, ai đã đến nơi đây đều cần phải tiếp nhận tra xét, xem xem có mang theo lộ dẫn – giấy thông hành đến quỷ quốc hay không, đây là căn cứ của người sau khi chết đi đến quỷ quốc báo danh.

Lộ dẫn dài 3 thước (90 cm), rộng hai thước (60 cm), được làm bằng giấy mềm màu vàng, mặt trên viết “Lộ dẫn do Phong Đô Thiên Vũ Diêm La Đại Đế phát cho và con người khắp thiên hạ, cần phải đi qua đường này, mới có thể đến Địa phủ chuyển thế thăng thiên”.

Đồng thời, trên mặt lộ dẫn có đóng ba dấu ấn của “thành hoàng Âm ty, phủ huyện Phong Đô”.

Phàm là người sau khi chết đưa vào quan tài hoặc trong lúc hỏa táng đốt bỏ nó, thì sẽ theo linh hồn đến Địa phủ.


Ải thứ hai: Đường Hoàng Tuyền


Qua khỏi Quỷ Môn quan, tiếp đó chính là phải đi qua một con đường Hoàng Tuyền dài đằng đẵng. Hồn phách của người ta đến âm gian báo danh sẽ phải đi một đoạn đường rất dài, qua rất nhiều quan, vì vậy đường Hoàng Tuyền (Suối Vàng) là tên gọi chung đối với những quan và lộ trình này.

Trên đường Hoàng Tuyền có hoa Bỉ Ngạn màu đỏ, từ xa mà nhìn thì giống như là tấm thảm máu trải dài, vì loài hoa này có màu đỏ như lửa nên được ví là “đường lửa chiếu rọi”. Cũng bởi nó là cảnh vật và màu sắc duy nhất trên con đường Hoàng Tuyền dài đằng đẵng này, nên mọi người cứ đi theo hoa này mà thông đến địa ngục của cõi u minh.

Dương thọ của con người đến rồi thì sẽ chết, đây là cái chết bình thường; người chết bình thường trước hết cần phải đi qua Quỷ Môn quan, hồn phách của người ta đi qua quan này rồi liền sẽ biến thành quỷ. Ngoài ra, trên đường Hoàng Tuyền còn có rất nhiều cô hồn dã quỷ, họ là những người dương thọ chưa hết mà chết bất đắc kỳ tử; họ đã không thể lên trời, cũng không thể đầu thai, càng không thể đến âm gian, chỉ có thể lang thang trên đường Hoàng Tuyền, đợi đến dương thọ kết thúc rồi mới có thể đến âm gian báo danh, nghe Diêm La Vương phán xét.

Ải thứ ba: Tam Sinh thạch

Trên đường đến âm gian sau khi con người chết sẽ qua một ải gọi là Tam Sinh thạch 

Bên cạnh cầu Nại Hà có tảng đá xanh tên Tam Sinh thạch (đá ba đời), chữ trên đá đỏ như máu, mặt trên có khắc bốn chữ lớn “Tảo Đăng Bỉ Ngạn” (sớm đến bờ bên kia). Nghe nói rằng, tảng đá này ghi chép lại đời trước, đời này và đời sau của mỗi một người. Nhân của đời trước, quả của kiếp này, duyên khởi duyên diệt, đều chất chồng mà khắc trên tảng đá ba đời.

Trăm nghìn năm nay, nó đã chứng kiến sầu khổ và mừng vui, bi ai và hạnh phúc, nụ cười và nước mắt, cho đến hết thảy những món nợ và những tình cảm phải trả của tầng tầng lớp lớp chúng sinh. Đứng trước tảng đá ba đời này là thấu tỏ hết.

Ải thứ tư: Vọng Hương đài


Vọng Hương đài, cũng chính là Thổ Cao đài, nơi có đình Mạnh Bà, là ở phía trước cây cầu, chứ không phải ở phía sau cây cầu.

Vọng Hương đài lại gọi là “Tư Hương lĩnh” (đồi nhớ quê).

Ở nơi này, có thể lên đài nhìn về ngôi nhà nơi dương thế, vậy nên nơi đây đã trở thành cửa sổ nhìn về Dương gian của quỷ hồn và Thánh địa, là nơi liên lạc tình cảm giữa người sống và người chết.

Truyền thuyết kể rằng, sau khi con người chết rồi, “ngày đầu tiền không ăn cơm nơi cõi người, ngày thứ hai liền qua Âm Dương giới, ngày thứ ba đến Vọng Hương đài, nhìn thấy người thân đang khóc lóc thảm thiết.”

Quỷ hồn đến trước địa phủ báo cáo, rất nhớ mong người thân nơi dương thế. Dù cho quỷ tốt giận dữ quát mắng, vẫn nhất quyết muốn lên Vọng Hương đài nhìn về quê nhà, khóc lớn một trận mới hết hy vọng và đi đến “Âm Tào Địa Phủ”.

Theo truyền thuyết, Vọng Hương đài là nơi mà vong hồn nhìn về dương thế tạm biệt người thân một lần cuối cùng. Lại có truyền thuyết rằng, kiến tạo của Vọng Hương đài nơi âm gian rất kỳ lạ, trên rộng dưới hẹp, mặt như cánh cung, lưng như dây cung ngang nhau, ngoài một con đường đá rất nhỏ ra, còn lại đều là núi đao rừng kiếm, hiểm trở vô cùng. Đứng ở trên đó, năm châu bốn biển đều có thể nhìn thấy.

Ải thứ năm: Vong Xuyên hà


Vong Xuyên hà còn gọi “Tam Đồ hà”, chắn ngang giữa đường Hoàng Tuyền và Âm phủ. Nước sông có màu đỏ như máu, bên trong hết thảy đều là cô hồn dã quỷ không được đầu thai, trùng rắn khắp nơi, những trận gió tanh hôi tạt thẳng vào mặt.

Đương nhiên, sau khi con người chết vì để kiếp sau có thể gặp lại người mình yêu thương nhất trong kiếp này, người ta có thể không uống canh Mạnh Bà, vậy cần phải nhảy vào Vong Xuyên hà, đợi trên nghìn năm mới có thể đầu thai.

Trong nghìn năm đó, hoặc có lẽ sẽ nhìn thấy người mà mình yêu thương nhất trong kiếp này đi trên đầu, nhưng không thể nói chuyện với nhau, bạn thấy họ, nhưng họ lại không thấy bạn. Trong nghìn năm đó, bạn nhìn thấy họ hết lần này lại đến lần khác đi qua cầu Nại Hà, uống canh Mạnh Bà hết chén này lại chén khác, tuy mong họ không uống canh Mạnh Bà nhưng lại sợ rằng họ chịu không nổi cái khổ dày vò nghìn năm trong Vong Xuyên Hà này.

Sau nghìn năm, nếu như lòng nhớ nhung của bạn không hề giảm đi, còn có thể nhớ được chuyện của đời trước, vậy thì có thể trở lại nhân gian, tìm kiếm người mà bạn yêu nhất trong đời trước.

Ải thứ sáu: Canh Mạnh Bà


Canh Mạnh Bà còn gọi là Vong Tình Thủy hoặc Vong Ưu Tán, hễ uống vào liền quên hết mọi chuyện của đời này lẫn đời trước. Mạnh Bà phân phát canh Mạnh Bà ở đầu cầu Nại Hà, chứ không phải ở trên cầu.

Sau khi con người chết mỗi một người đều phải đi qua cầu Nại Hà, Mạnh Bà đều sẽ hỏi có uống canh Mạnh Bà không, nếu muốn qua cầu Nại Hà, thì cần phải uống canh Mạnh Bà. Còn không uống canh Mạnh Bà, thì không qua được cầu Nại Hà, không qua được cầu Nại Hà, thì không được đầu thai chuyển sinh.

Mỗi một người trong Dương gian đều có một cái chén của mình ở tại nơi này, canh Mạnh Bà trong chén, thật ra chính là nước mắt chảy suốt một đời của bản thân người ta khi còn sống. Mỗi một người khi còn sống, đều sẽ chảy nước mắt: hoặc vui, hoặc buồn, hoặc đau khổ, hoặc căm hận, hoặc sầu não, hoặc yêu thương …

Mạnh Bà thu giữ từng giọt từng giọt nước mắt của họ lại, đun nấu thành canh, khi họ rời khỏi nhân gian, đi đến đầu cầu Nại Hà, sẽ cho họ uống vào, quên hết yêu hận tình thù khi còn sống, kiền tịnh sạch sẽ, bắt đầu tiến nhập vào Lục đạo, hoặc là Tiên, hoặc là người, hoặc là súc sinh, v.v…

Không phải mỗi người đều sẽ cam tâm tình nguyện uống canh Mạnh Bà. Bởi vì một đời này, sẽ luôn có người từng yêu không muốn quên đi. Mạnh Bà sẽ nói với họ: “Nước mắt cậu rơi vì người ấy đều đã nấu thành chén canh này, uống nó rồi, chính là uống vào tình yêu cậu dành cho người đó vậy”.  Một ký ức được xóa đi sau cùng trong mắt người ta chính là người mà họ yêu nhất trong đời này, uống canh vào, hình bóng người trong mắt dần dần phai nhạt đi, con mắt trong sáng như đứa trẻ sơ sinh.

Uống canh Mạnh Bà rồi, có thể quên đi hết thảy sầu khổ, buồn vui nơi trần thế, chỉ uống canh thuốc của bà, mối thù trong đời này kiếp này sẽ quên sạch đi, đến thế gian làm một con người hoàn toàn mới.

Những người mong nhớ, những người thống hận, đời sau đều sẽ là người xa lạ; loại canh khiến người ta gặp nhau mà chẳng biết nhau này chính là canh Mạnh Bà.

Ải thứ bảy: Cầu Nại Hà



“Đi qua đầu cầu Nại Hà, một đi không ngoảnh đầu nhìn lại.”

Cây cầu chia thành ba tầng, tầng trên đỏ, tầng giữa màu vàng đen, tầng dưới cùng là màu đen, càng ở tầng thấp thì càng chật, càng hung hiểm vô cùng. Khi sống làm việc thiện thì đi tầng trên, người nửa thiện nửa ác thì đi tầng giữa, những người hành ác thì chính là đi tầng dưới cùng.

Bên dưới cầu là con sông có vô số cô hồn dã quỷ không được đầu thai; những quỷ hồn chết đuối kia đều là ở trên dưới nhịp cầu hoặc trái phải đầu cầu, mong tìm thế thân cho mình, để bản thân có thể đầu thai chuyển thế.

Những người đi tầng dưới sẽ bị quỷ hồn chặn lại, lôi vào trong sóng lớn bẩn thỉu, bị rắn đồng chó sắt cắn xé, chịu đủ thống khổ dày vò không được giải thoát.

Đi qua hết cầu Nại Hà bèn có thể thông đến sáu nơi, tức là đi vào cõi lục đạo luân hồi: cõi người trời, cõi A-tu-la, cõi người, cõi súc sinh (cũng goi là đường bên cạnh), cõi quỷ đói, cõi địa ngục.

Trong đó, người trời, A-tu-la là cõi người thuộc về ba đường trên, còn súc sinh, ác quỷ, địa ngục thì thuộc về ba đường dưới.

Còn về đi về cõi nào, là dựa vào nghiệp thiện ác tích được của vong hồn lúc còn sống mà phân loại. Người thiện nghiệp nhiều luôn luôn sẽ được bố trí ba đường trên, những người ác nghiệp nhiều luôn luôn được bố trí ba đường dưới.

Quá trình đi xuống âm gian của người ta sau khi chết vốn không thông dụng với hết thảy mọi người. Những người tu hành làm thiện nếu như công đức đạt đến viên mãn, sau khi hết mệnh sẽ không phải trải qua quá trình âm gian này mà trực tiếp được Phật tiếp dẫn đến thế giới Tây Phương Cực Lạc; những kẻ đại ác làm nhiều việc gian ác cũng có thể sẽ không trải qua quá trình âm gian này, bởi nghiệp lực dẫn dắt mà sẽ bị đánh thẳng vào địa ngục.

Đây là truyền thuyết lưu truyền hàng ngàn năm nay. Khoa học ít nhiều đã chứng thực qua các công trình nghiên cứu rất nghiêm túc các hiện tượng như nhớ lại kiếp trước, nhớ lại những cảnh tượng mô tả dưới địa phủ sau khi chết đi sống lại, ở nhiều địa phương và quốc gia.

Theo bạn có tồn tại thế giới sau khi chết không?

Bất luận đáp án của bạn là gì, lựa chọn tốt nhất đều nên là hãy sống thật tốt trong hiện tại và nếu được, hãy tu tập tâm tính của bản thân để không phải hối hận về sau này.