Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn hóa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn hóa. Hiển thị tất cả bài đăng

07/11/2024

Tôi có thể cưỡng lại mọi thứ, trừ sự cám dỗ.



Oscar Wilde (1854-1900– nhà thơ, nhà viết kịch đồng tính (dù ông có vợ và 2 con) nguời Ireland, người cải đạo thành tín đồ Thiên chúa vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời. 

Bản thân ông bị Nhà thờ Thiên Chúa giáo coi là kẻ phóng đãng, đáng nguyền rủa nhưng những câu nói của Ông lại được trích dẫn nhiều, trong đó có các Cha cố vì coi đó là những cách ngôn sắc xảo, mang tính luân lý.

 

Một số câu nói nổi tiếng của Oscar Wilde

– Tôi không thích thời kỳ hẹn hò kéo dài. Nó khiến cho người ta biết hết mọi thứ về nhau trước khi kết hôn.

– Tôi có thể cưỡng lại mọi thứ, trừ sự cám dỗ.

– Chính là sự thú tội, chứ không phải các linh mục, khiến cho chúng ta cảm thấy được tha thứ.

– Cách duy nhất để thoát khỏi sự cám dỗ là đầu hàng nó.

– Điều duy nhất tồi tệ hơn việc bị mọi người bàn tán là không còn được ai bàn tán đến nữa.

- Cuộc sống bắt chước nghệ thuật chứ không phải ngược lại. 

– Trẻ con thường bắt đầu bằng tình yêu dành cho bố mẹ. Nhưng càng lớn lên, chúng càng hay phán xét bố mẹ. Thỉnh thoảng, chúng mới tha thứ cho họ.

– Không có cách gì hiệu quả để làm mất giá trị một con người bằng cách nói rằng, họ là kẻ phạm tội.

– Thế nào là một kẻ hoài nghi? Là người biết giá cả của mọi thứ nhưng không biết giá trị của bất cứ thứ gì.

– Kinh nghiệm là cái mà người ta dùng để đặt tên cho sai lầm của mình.

– Thật đáng buồn nếu trong cuộc đời, chúng ta chỉ nhận được những bài học mà chúng không còn giá trị sử dụng nữa.

 ... để các bạn tìm kiếm thêm.


11/10/2024

Ấn vàng truyền quốc của chúa Nguyễn Phúc Chu năm 1709

 Tập hợp từ nhiều nguồn trên net.


Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hiện đang lưu giữ và trưng bày chiếc ấn vàng “Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo”.

Đây là chiếc ấn có niên đại sớm nhất trong lịch sử tồn tại của vương triều Nguyễn. Ấn được đúc vào năm 1709, đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725). Ấn có hình vuông, với kích thước cao 6,3cm; dài cạnh10,84cm; dày 1,1cm; trọng lượng 2.350gr (gần 90 lạng - cây vàng) có kỹ thuật đúc và chạm khắc công phu, tỷ mỷ. 

Núm ấn là tượng nghê vờn ngọc, đầu ngẩng cao, quay về bên trái, vây lưng nổi hình đao mác. Mặt ấn đúc chữ Hán (kiểu chữ Triện): Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo -         (vật báu của chúa Nguyễn nước Đại Việt trấn giữ lâu dài). Hai bên lưng ấn khắc 2 dòng lạc khoản, bên trái: Kê bát thập kim lục hốt tứ lạng tứ tiền tam phân - 計八十金六笏四両四錢三分 (cộng vàng 8 tuổi, nặng 6 thỏi, 4 lạng, 4 tiền, 3 phân), bên phải: Vĩnh Thịnh ngũ niên thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo - 永盛五年十二月初六日造 (chế tạo vào ngày 6 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh 5, tức năm 1709 dưới triều Vua Lê Dụ Tông). Cạnh dưới có dòng lạc khoản khắc 9 chữ Hán: Lại bộ Đồng Tri Qua Tuệ Thư giám tạo - 吏部同知戈穂書監造 (quan trông nom việc chế tạo là Đồng Tri bộ Lại Qua Tuệ Thư).

Bảo ấn được vua Gia Long chọn làm báu vật truyền ngôi của triều Nguyễn.

Chùm ảnh: Chiếc ấn vàng 300 tuổi – báu vật truyền ngôi của triều Nguyễn

Về tổng thể, ấn có hình vuông, chiều cao cả quai 6,3cm, cạnh 10,84cm, dày 1,10cm, có quai đúc theo hình tượng lân vờn ngọc, đầu quay về trái. Đầu lân ngẩng cao, chân trước bên phải chống, chân trước bên trái đặt lên viên ngọc, 2 chân sau chùng.

Dọc lưng kỳ lân chạm khắc văn mây lửa.

Mặt trên của ấn khắc 2 dòng chữ Hán. Bên trái khắc 12 chữ: Kế bát thập kim, lục hốt, tứ lạng, tứ tiền, tam phân (Vàng 8 tuổi, nặng 6 thoi, 4 lạng, 4 tiền, 3 phân). Bên phải khắc 11 chữ: Vĩnh Thịnh ngũ niên thập nhị nguyệt sơ lục nhật tạo (Chế tạo vào ngày 6 tháng 12 năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709), dưới triều Vua Lê Dụ Tông).

Mặt ấn đúc nổi 9 chữ triện phong cách thế kỷ 17 – 18, nét chữ vuông vức uốn nhiều góc. Xung quanh là đường viền rộng 1,20cm.

Mặt ấn đọc theo chiều từ trên xuống dưới và từ phải sang trái là Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn chi bảo (Bảo vật của Chúa Nguyễn nước Đại Việt trấn giữ lâu dài). Cạnh dưới khắc 1 dòng 9 chữ Hán: Lại bộ Đồng Tri Qua Tuệ Thư giám tạo (quan trông nom việc chế tạo là Đồng Tri bộ Lại Qua Tuệ Thư).

Trong 300 năm tồn tại, bảo ấn đã thất lạc nhiều lần trong các cuộc chiến tranh, từng lưu lạc tới tận Thái Lan cùng chúa Nguyễn Ánh. 

Các nhà nghiên cứu đánh giá đây là một bảo vật vô giá của tiền nhân để lại. 

Vào năm 2016, hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.


08/10/2024

Cổ vật khảm xà cừ Việt Nam

Góp nhặt trên net.


Khảm xà cừ hay cẩn xà cừ là một nghề thủ công của Việt Nam đã thấy nhắc trong sử sách từ thế kỷ thứ 3-5, thời kỳ Bắc thuộcSang triều Trần thì nghề khảm vỏ ốc đã khá điêu luyện nên được triều đình trưng thu làm cống phẩm gửi sang tặng nhà Nguyên năm 1289.

Khi người Âu Châu sang đến Việt Nam thì trình độ hàng khảm địa phương được nhắc đến là một trong những nghệ thuật cao, rất tinh vi, khéo léo. Điển hình là năm 1868 Thống soái Pierre-Paul de La Grandière đã xin triều đình Huế gửi 2 người thợ khảm giỏi vào Sài Gòn để truyền nghề. Sang năm 1877 thì hàng khảm ốc Việt Nam được triều đình gửi sang Pháp dự Hội chợ Đấu xảo.

Chất liệu xà cừ thông thường được lấy từ trai, ốc nên khảm xà cừ còn được gọi là khảm trai hay khảm ốc.

Người thợ khảm trai dùng những mảnh vỏ trai để khảm (gắn) lên các đồ vật. Các công đoạn cần phải thực hiện khá tỉ mỉ: vẽ mẫu tranh, mài, cưa, đục mảnh, khảm lên tranh rồi lại mài nhẵn và đánh bóng. Bước đầu tiên là chẻ vỏ thành mảnh rồi rọc theo thớ. Mảnh vỏ ốc cắt xong thì đem ngâm nước rồi hơ đèn nóng để uốn phẳng vì vỏ ốc vốn cong. Trong khi đó mặt vật dụng muốn khảm (thường là mặt gỗ) phải khoét lõm để nhận lấy mảnh vỏ ốc. Người thợ dùng sơn ta để gắn. Gắn xong thì đem mài. Trước mài bằng giấy ráp cát to, tiếp theo là cát mịn rồi lại đánh bằng vôi bột. Bước cuối cùng là đánh bằng lá ngái rồi xoa bột gạo lên.

Nền các bức khảm xà cừ thường có màu tối của lớp sơn đen, chứ không có thêm nhiều màu như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác, do bản thân chất liệu xà cừ đã có đã tạo lên nhiều màu sắc óng ánh cho chi tiết trang trí.

Ở Việt Nam ta có một số làng nghề truyền thống lâu đời như:

·   Làng nghề Chuôn Ngọ, Chuyên Mỹ, Phú Xuyên,Hà Nội

·   Làng nghề Ninh Xá, Ý Yên, Nam Định.

·   Làng nghề Cao Xá, Ứng Hoà, Hà Nội

·  Làng nghề Địa Linh,xã Hương Vinh, H. Hương Trà, TT-Huế

      Mời các bạn thưởng lãm một số cổ vật khảm xà cừ đẹp được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

 

Hộp gỗ khảm xà cừ triều Nguyễn, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. 

Hộp gỗ khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Hộp gỗ khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Các công đoạn để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh cần phải thực hiện khá tỉ mỉ: vẽ mẫu tranh, mài, cưa, đục mảnh, khảm lên tranh rồi lại mài nhẵn và đánh bóng. Ở bước khảm thì người nghệ nhân dùng những mảnh vỏ để khảm (gắn) lên các đồ vật.

Hộp đựng thức ăn khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Vỏ ốc để khảm được chẻ vỏ thành mảnh rồi rọc theo thớ. Mảnh vỏ ốc cắt xong thì đem ngâm nước rồi hơ đèn nóng để uốn phẳng vì vỏ ốc vốn cong. Trong khi đó mặt vật dụng muốn khảm thường là mặt gỗ phải khoét lõm để gắn mảnh vỏ ốc.

Hộp đựng thức ăn khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Người thợ dùng sơn ta để gắn vỏ ốc vào gỗ. Gắn xong thì đem mài. Trước mài bằng giấy ráp cát to, tiếp theo là cát mịn rồi lại đánh bằng vôi bột. Bước cuối cùng là đánh bằng lá ngái rồi xoa bột gạo lên.

Kỷ thờ khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Khảm xà cừ thường được dùng ở đồ trang sức, khuy áo, đũa, đồ gỗ như bàn, ghế, giường, sập, tủ, bình phong, tranh treo tường. Nó thường được kết hợp với đồ gỗ đánh bóng sơn mài mỹ nghệ.

Tráp đựng trầu khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Nền các bức khảm xà cừ thường có màu tối của lớp sơn đen, chứ không có thêm nhiều màu như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác, vì bản thân chất liệu xà cừ đã tạo lên nhiều màu sắc óng ánh cho chi tiết trang trí.

Hình chim và hoa đào trên một bức tranh khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, người ta có thể sử dụng máy móc trong quá trình khảm xà cừ.

Tranh gỗ khảm xà cừ triều Nguyễn. 

Dù đã có máy móc thay thế nhưng một tác phẩm nghệ thuật thật sự với các chi tiết tinh xảo lại đòi hỏi bàn tay khéo léo, tài hoa, óc sáng tạo phong phú – điều chỉ có thể đạt được khi người thợ nhẫn nại làm thủ công ở tất cả các công đoạn.

Cuốn thư khảm chữ “Đan Thư” (sách hội tụ lời hay ý đẹp của cổ nhân) triều Nguyễn.

Cảnh rước rồng trên một bức tranh khảm xà cừ triều Nguyễn.

Một cảnh trên bình phong khảm xà cừ niên hiệu Thành Thái (1890).

Bề mặt tủ gỗ khảm xà cừ triều Nguyễn.

Cận cảnh một cánh cửa tủ gỗ khảm xà cừ.

28/09/2024

Nhạc phẩm bolero "Nắng chiều" của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Nghĩa

 

Gần đây, chúng ta thường nghe thấy nói nhiều về dòng nhạc Bolero. Có lẽ nhiều người sẽ liên tưởng đến dòng nhạc Vàng trước 1975 ở trong Nam. Nhưng thật ra hai dòng nhạc này có sự khác biệt, các bạn chịu khó tìm hiểu sẽ thấy.

Bolero xuất xứ từ Tây Ban Nha từ thế kỷ 18 và được các nhạc sỹ như Chopin (Ba Lan, 1810 – 1849), Bizet (Pháp, 1838 – 1875) và Debussy (Pháp, 1862 – 1918) sử dụng viết các chương trong các khúc hòa tấu và nhạc kịch của mình và chỉ hạn hẹp trong giới quý tộc thưởng thức. 

Nhưng khi Bolero du nhập vào Nam Mỹ từ tk 19, nó đã được đón nhận nồng nhiệt bởi tính lãng mạng, phóng khoáng và trở thành âm nhạc của đại chúng. Ở đây, bolero biến tấu thành các điệu bolero, rumba, rumba bolero, mambo, calypso, baiao; kể cả tango, tango habanera, chachacha.

Ở Việt Nam, nhạc sỹ tài hoa kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc  Nguyễn Trọng Nghĩa đã sáng tác bản rumba bolero đầu tiên năm 1952 với cái tên Nắng chiều. Bản nhạc thành công và nổi tiếng cho đến tận bây giờ, tạo thành một xu hướng sáng tác của nhiều nhạc sỹ miền Nam khi ấy.

Nó có sức thuyết phục và cuốn hút người nghe đến nỗi, năm 1958, nữ ca sĩ Nhật Bản Satsuki Midori gặp Lê Trọng Nguyễn và xin dịch bài hát sang ca từ tiếng Nhật với tựa đề Việt Nam tình ca, thu thanh ở Tokyo. Năm 1960, nữ ca sĩ Đài Loan Kỷ Lộ Hà cũng đã gặp ông xin phép, hát và thu thanh với ca từ tiếng Quan thoại do Thận Chi viết; tựa đề ca khúc là Tịch dương. Sau đó, Nắng chiều còn được dịch qua tiếng Anh, tiếng Thái và tiếng Khmer với nhiều ca sĩ hát, trở thành một bài Á châu tình ca!

Năm 1953 , Nguyễn Trọng Nghĩa soạn hoà âm và phối khí cho dàn nhạc với giọng hát của danh ca Minh Trang bằng đĩa than 33 tours do Hãng đĩa Việt Nam (Sài Gòn) sản xuất.

Xin trân trọng giới thiệu tới các bạn lời và giai điệu của bài hát này:

 

Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
khi đến cuối thôn chân bước không hồn
Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ.
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh.
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em mầu ngà tóc thề nhẹ bay

Nay anh về qua sân nắng
chạnh nhớ câu thề tim tái tê
chẳng biết bây giờ
người em gái duyên ghé về đâu
Nay anh về nương dâu úa
giọng hát câu hò thôi hết đưa
hình bóng yêu kiều
kề hoa tím biết đâu mà tìm.

Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà
Gợn buồn nhìn anh em nói: "Mến anh!"
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi...




06/09/2024

Nhà Văn hoá Hoàng Đạo Thuý bàn về chữ Lễ



Trong bài viết trên báo Thanh Nghị, số 44 ra ngày 1/9/1943nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy đã phân tích rất kỹ lưỡng về giá trị của chữ "Lễ" trong đời sống người Việt xưa và nay. Ông lập luận rằng giáo dục không chỉ là việc học kiến thức, mà còn là việc học Lễ, học cách làm người. Từ quan điểm đó, ông đi sâu vào việc phân tích và giải thích các nghi thức truyền thống trong văn hóa Việt Nam, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự phai nhạt dần của những giá trị này trong xã hội hiện đại.

Tôi xin mạo muội tóm lược bài viết của Ngài, đăng ở đây nhân dịp năm học mới.

Các bạn có thể tìm được bài viết đầy đủ này của Ông trên net.

Ý Nghĩa Của Việc Học Lễ

Ông Hoàng Đạo Thúy bắt đầu bài viết bằng việc đặt ra câu hỏi: "Đi học để làm gì?" Câu trả lời của nhiều người thường rất đơn giản: "Đi học để học đọc, học viết và học tính". Tuy nhiên, ông nhận định rằng nếu việc học chỉ gói gọn trong ba yếu tố đó thì chưa đủ. Kiến thức kỹ thuật chỉ là phương tiện, còn mục đích thực sự của việc học là để biết Lễ, tức là để biết cách sống, biết cách ứng xử với chính mình và với xã hội.

Theo quan điểm của ông: "người khác loài vật là ở chỗ biết Lễ". Chính Lễ tạo nên sự khác biệt giữa con người và các loài khác. Lễ không phải chỉ là một loạt các quy tắc nghi thức mà người ta phải tuân theo một cách mù quáng, mà nó là sự thể hiện của phẩm giá, lòng tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. Khi con người biết Lễ, họ có khả năng nhìn nhận và đánh giá đúng mực mọi việc, biết cư xử đúng đắn với người khác và biết sống sao cho hợp đạo lý.

Lễ Trong Quan Niệm Xưa

Hoàng Đạo Thúy dẫn chứng rằng trong lịch sử, Lễ từng có sức mạnh lớn đến mức có thể ngăn chặn cả chiến tranh. Ông kể lại câu chuyện về một vị vua không dám đánh nước Lỗ vì dân nước này "biết Lễ." Từ đó, ông khẳng định rằng Lễ không chỉ là một giá trị đạo đức cá nhân mà còn là yếu tố quyết định đến sức mạnh của cả một dân tộc. Dân tộc biết Lễ, biết yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn sẽ tạo nên sức mạnh vô địch, không dễ bị khuất phục.

Tuy nhiên, Hoàng Đạo Thúy cũng nhận thấy rằng nhiều người đã hiểu nhầm Lễ nghĩa, biến nó thành những hình thức giả dối. Ông nêu rõ rằng Lễ không phải là sự cầu cạnh, không phải là những hành động Lễ nghĩa hình thức để mưu cầu lợi ích cá nhân. Lễ chính là việc tự trọng, tự giữ gìn phẩm giá của mình và từ đó cư xử đúng đắn với người khác. Một người biết Lễ là người biết điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với đạo lý và đúng mực.

Bốn Lễ Trọng: Quan, Hôn, Tang, Tế

Trong bài viết, Hoàng Đạo Thúy đã giải thích rất chi tiết về bốn Lễ lớn trong đời sống người Việt: quan, hôn, tang, tế. Mỗi Lễ đều có ý nghĩa sâu sắc và được gắn liền với những giá trị nhân văn cao cả.

·  Quan: Lễ đội mũ (quan) là một nghi thức quan trọng, biểu hiện sự trưởng thành của người con trai. Khi một thanh niên được làm Lễ quan, tức là anh ta đã được công nhận là một người đàn ông trưởng thành, có đủ phẩm chất để tham gia vào đời sống xã hội. Lễ này không chỉ đánh dấu sự trưởng thành về thể chất mà còn nhấn mạnh sự trưởng thành về mặt đạo đức. Thật tiếc là ngày nay Lễ quan không còn được giữ gìn, điều này đã khiến cho sự suy thoái trong đạo lý và nhân cách của con người trở nên rõ rệt hơn.

·  Hôn: Lễ cưới (hôn) không chỉ là sự kết hợp giữa hai cá nhân, mà còn là sự liên kết giữa hai gia đình. Đó là một sự tiếp nối về mặt huyết thống, tiếp nối truyền thống gia đình. Hoàng Đạo Thúy nhận xét rằng nhiều nghi Lễ cưới hỏi ngày nay đã mất đi ý nghĩa ban đầu, trở thành những buổi Lễ hình thức, thiếu sự trang trọng và ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà nó từng mang theo.

·  Tang: Lễ tang là lúc con cháu thể hiện lòng hiếu thảo đối với người đã khuất. Tuy nhiên, Hoàng Đạo Thúy lo ngại rằng Lễ tang hiện nay đã biến tướng thành những nghi thức phô trương hình thức, xa rời ý nghĩa nguyên thủy của nó. Tang Lễ truyền thống vốn là lúc con cháu thể hiện sự kính trọng và tưởng nhớ đối với tổ tiên, nhưng giờ đây lại trở thành dịp để nhiều gia đình thể hiện sự giàu có, danh tiếng.

·  Tế: Lễ tế, hay việc thờ cúng tổ tiên, là một nét đẹp văn hóa, gắn kết giữa các thế hệ. Theo quan điểm của Hoàng Đạo Thúy, tế không chỉ đơn giản là việc cúng bái mà còn là biểu hiện của lòng thành kính, sự ghi nhớ công ơn tổ tiên. Khi Lễ tế được thực hiện đúng đắn, nó sẽ giúp gia đình duy trì được sự gắn bó, truyền thụ những giá trị văn hóa và đạo đức qua các thế hệ.

Tầm Quan Trọng Của Lễ Trong Xã Hội Hiện Đại

Hoàng Đạo Thúy nhận định rằng sự phai nhạt của các Lễ nghĩa truyền thống là nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái đạo đức trong xã hội. Ông cảnh báo rằng nếu Lễ nghĩa không được coi trọng, xã hội sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, mất phương hướng. Các giá trị về lòng trung thành, hiếu thảo và tinh thần cộng đồng sẽ bị lãng quên, thay vào đó là sự ích kỷ, vụ lợi cá nhân.

Bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của Lễ trong đời sống xã hội, Hoàng Đạo Thúy mong muốn khôi phục lại những giá trị tốt đẹp của truyền thống. Ông cho rằng hình thức Lễ có thể thay đổi theo thời gian, nhưng tinh thần của Lễ phải luôn được giữ gìn. Điều này không chỉ giúp cá nhân sống đúng đạo lý mà còn góp phần xây dựng một xã hội hòa bình, thịnh vượng.

Kết Luận

Chữ "Lễ" trong văn hóa Việt Nam không chỉ là một khái niệm về hình thức, mà là một hệ giá trị toàn diện, bao gồm đạo đức, tư tưởng và cách ứng xử của con người. Hoàng Đạo Thúy, thông qua bài viết của mình, đã khẳng định rằng sự suy đồi của Lễ nghĩa không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là vấn đề của cả xã hội. Ông kêu gọi mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần phải ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của Lễ, để từ đó biết cách sống, biết cách hành xử sao cho xứng đáng với các giá trị truyền thống mà cha ông đã truyền lại.

Như vậy, Lễ không phải là thứ chỉ để đọc, học và nói cho biết, mà Lễ là nền tảng để con người hoàn thiện bản thân và đóng góp cho xã hội. Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng như bây giờ, việc giữ gìn và phát huy những giá trị của chữ "Lễ" là điều hết sức cần thiết để giữ cho chúng ta một bản sắc, một giá trị đạo đức bền vững.

TL.

05/09/2024

Văn hoá rượu

 Kẻ nghiện rượu



Người Việt, ngoài truyền thống yêu nước, còn có truyền thống uống rượu. Rượu và trà từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa dân tộc. Qua bài viết này, tôi mong giúp các bạn hiểu đúng về rượu và khôi phục lại khái niệm "văn hóa rượu" thay vì coi rượu là "tệ nạn xã hội".

Rượu vốn là thức uống quan trọng trong lễ nghi, "vô tửu bất thành lễ", và không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, đặc biệt khi gặp gỡ bạn bè, tri kỷ. Nguyễn Du đã từng ca ngợi rượu trong cuộc sống tao nhã. 

Khi chén rượu, khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên


(nên mới có chăng “bầu rượu, túi thơ”)

Chén rượu của cổ nhân là chén rượu hòa với đất trời, với văn hóa và với tri kỷ.

Nhưng ngày nay, uống rượu đã biến tướng thành "nhậu rượu", mất đi nét văn hóa thi vị của thưởng thức rượu, biến rượu thành thước đo bản lĩnh đàn ông. Tuy vậy, người ta cũng đã nhắc nhở về việc uống điều độ:

Rượu nhạt uống lắm cũng say,

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm.

Các cụ ngày xưa mời rượu nhau gọi là “chén tạc, chén thù”: Chủ rót rượu mời khách gọi là “tạc”, khách đáp lễ gọi là “thù”. Chứ chả ai ép ai mà tùy hứng thì nâng chén nhấp môi thôi hoặc sảng khoái cạn ly, tiêu sái.

Mà bây giờ, khi đi uống rượu ta thường thấy những cảnh kiểu “lúc nãy anh mời chú rồi, bây giờ chú mời lại anh đi”. 

Cái gọi là "ép uống" thực ra là do bản thân không tự chủ. Uống rượu là tự mình quyết định, và khi không kiểm soát được thì đừng đổ lỗi cho rượu hay bạn bè. Chỉ cần giữ mức uống vừa phải, không cần say mèm, vẫn có thể duy trì sự giao tiếp vui vẻ và chia sẻ.

Vấn đề chưa bao giờ là “rượu” hay “chuyện uống rượu”, mà là ở “NGƯỜI UỐNG RƯỢU”. Chúng ta hay đổ lỗi cho rượu nhưng thực sự vấn đề là ở ý thức uống rượu ở mỗi người. 

Hãy uống rượu có trách nhiệm và biến nó trở lại thành nét đẹp văn hóa, chứ không phải là tệ nạn xã hội.

04/09/2024

Chút chuyện về ấm và thú uống trà

Mấy mẫu ấm Tử sa  cổ

Cũng là người mê trà, nghiện trà và sưu tầm đồ pha trà nên mình có vài suy nghĩ lan man, chia sẻ cùng các đồng đạo.

Ấm Tử sa (cát - sét tím) có thể độ chục năm gần đây mới nhận được sự quan tâm, chú ý của giới trà đạo Việt. Có lẽ nhiều lý do, nhưng chắc có phần là hàng Trung Quốc vào nhiều, giá hợp lý; kiểu dáng đẹp, mẫu mã phong phú hơn so với hàng trong nước nên được yêu thích, sưu tầm. 

Chứ ngày xưa, các cụ nhà ta khá giả dùng ấm cổ thường khoe ấm gan gà Thế Đức, Lưu Bội, Mạnh Thần cơ. Cũng là tử sa Nghi Hưng  nhưng nay không còn làm nữa.

Đất làm ấm là loại đất sét, đá, có chứa thạch anh, mica, cao lanh, sắt... gì đó tuỳ thuộc vào vùng gốm nhưng làm ra đất là một quá trình vô cùng cầu kỳ, mất thời gian lại dựa vào bí truyền của từng nghệ nhân: Đất mỏ các loại đem ngâm vào nước trong bể to theo một tỷ lệ nào đó trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, thậm chí lâu hơn; hỗn hợp này bị nát ra được đánh tan trộn đều cho vào bể lắng, đất sét được lắng xuống đáy còn tạp chất nổi lên trên và bị loại bỏ; Chắt lọc ra đất tinh đem phơi trong râm khoảng 3 đến 5 ngày rồi cho vào bể ủ để đất lên men. Thời gian ủ càng lâu thì đất càng tốt, làm ra các sản phẩm tinh tế.

Ấm Tử sa là loại ấm đất, không tráng men được nung ở nhiệt độ cao trên 1.000 độ và thường có màu tím - Nó xuất sứ từ vùng Nghi Hưng, Trung Quốc. Ấm xuất hiện từ thế kỷ 15 và nổi danh dưới thời nhà Thanh cho đến nay.

Ở Việt nam mình, cũng có loại ấm tương tự này gọi là ấm da chu (ấm đất nung, không tráng men màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm - nhỏ khoảng hơn 100ml) nhưng thường đi với bộ chén hạt mít từ 3 đến 7 cái; chứ ấm Tử sa thường dùng  chén sứ - nay cải lương nên có cả chén tử sa. Ngày xưa, ấm da chu thường có 2 lớp, về sau thất truyền. Nay ấm da chu ít được dùng và chỉ còn rải rác trong dân gian

Ấm da chu và ấm đất của Việt Nam có thiết kế giản dị, chú trọng đến sự tinh tế và công năng hơn là yếu tố trang trí. Những chiếc ấm này có bề mặt mộc, thường không trang trí, vẽ hình, phản ánh phong cách thưởng trà thanh nhã của người Việt. Ấm có dáng vẻ trầm lắng, cổ điển, phù hợp với phong cách uống trà mạn của dân ta. Ấm uống trà nhiều, lâu đời có vẻ ngoài mịn bóng.


Bộ ấm da chu 2 lớp do các Cụ truyền lại cho mình.


Ấm Tử sa được làm ra từ các nguyên liệu và cách nung khác nhau. Ví dụ như đất là: Đế Tào Khang, Tử Nê, Thanh thuỷ Nê, Ngọc sa liệu, Ngũ sắc thổ, Tử kim sa, Tử ngọc kim sa... nên tạo ra các sắc màu khác nhau cho ấm.

  

Một vài mẫu đất đá làm nguyên liệu tạo ấm Tử sa.

Ấm Tử sa có nhiều dáng kiểu, điển hình và phổ biến như: Tây thi, Thạch biều, Văn đán, Chuyết cầu, Đức chung, Phan hồ, Tiếu anh, Thuỷ bình, Long đán...



Nhưng nói thật với các bạn, qua tìm hiểu, tôi thấy: Với giá tiền tầm vài triệu trở xuống thì đều là ấm đất sét tím mà thôi chứ đừng mong có đất khoáng tử sa đâu ạ.


Ấm tử sa Phỏng cổ và bộ chén sứ Thanh Hoa - Cảnh đức 
mình đang dùng.



Nói ấm Tử sa pha trà là ngon nhất là điều cần phải nghĩ, bàn. Vì tuỳ nền văn hoá, phong cách uống trà và loại trà ta pha và cách pha trà sẽ có các đánh giá khác nhau. 

Mà muốn thưởng thức trà ngon ta phải quan tâm lần lượt: Nhất nước, nhị trà, tam pha, tứ ấm. Tỷ dụ như trà móc câu Tân Cương, thì nên ưu tiên ấm sứ, ấm có tráng men trước - còn ấm Tử sa là để dành cho những người sành trà hoặc pha các loại trà Tàu. 

Về nước pha trà, được nước mưa, nước giếng là tốt chứ nước nguồn thì chỉ có lên non mới có; nước máy muốn pha ngon phải để qua đêm ngoài sân mới dùng; chớ lấy nước đóng chai, bình pha mà nhạt thếch.

Những người có thú uống trà đã đưa ra 5 chuẩn mực như “Sắc-thanh-khi-vị-thần” để thưởng thức nhưng không phải lúc nào cũng tròn vị. Nói vậy thôi chứ, tìm bạn cùng thưởng trà còn khó hơn tìm bạn rượu nhiều.

Vậy nên, có trà, có ấm,... có bạn tri kỷ cùng nâng chén không dễ các bạn nhỉ.

Mời các bạn tham khảo thêm bài Chén trà trong sương sớm của Nguyễn Tuân:

https://trabavan.com/chen-tra-trong-suong-som/