Hiển thị các bài đăng có nhãn Gia đình. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Gia đình. Hiển thị tất cả bài đăng

26/10/2024

Lại về phố Hàm Long

 

Dựa vào các tài liệu, báo thời Pháp thuộc và hồi ức của các Việt kiều.

 

Bức tranh này không rõ tác giả và thời gian vẽ nhưng chắc vào mùa Đông lâu lắm rồi, khi nhà thờ chưa xây dựng, sửa chữa lại và làm cổng chính trước tháp chuông và nhất là còn có mấy cây cơm nguội trong tranh - Cây này hồi trước ở phố Hàm Long nhiều lắm.

Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau...
là cảnh phố tôi xưa đó.

Hồi đầu thế kỷ 20, Hàm Long bắt đầu hình thành với tên gọi phố Doudard de Lagrée (năm 1945 đổi tên thành phố Hàm Long và giữ nguyên tên phố đến nay), được trải lèn đá răm và có đèn đường; song phía sau vẫn còn làng xóm thuộc các thôn Hàm Châu, Phương Viên, Đức Viên. 

Đi vào các xóm ấy là những con đường đất nhỏ quanh co cạnh các nhà đều là nhà tranh lụp xụp với những hàng rào cây xanh. Nhà ở xen lẫn với vườn rau và ao chuôm đầy bè muống, bèo lộc bình. Bấy giờ, ta muốn đi từ chợ Hôm sang Lò Đức phải đi vòng lên phố Hàm Long cho dễ đi, khỏi phải len lỏi qua bờ ao cống rãnh.

Năm 1907, trên bản đồ Hà Nội, phố Doudard de Lagrée chỉ là một đoạn đường từ ngã tư phố Gia Long (Bà Triệu) đến phố Đồng Khánh (Hàng Bài); đoạn nối tiếp đến đầu phố Lò Đúc chưa rải đá và ghi tạm là phố đi Lò Lợn (Rue de l''Abattoir).

 Đại lộ Gambetta - phố Trần Hưng Đạo nay, coi như giới hạn phía nam của thành phố thì Hàm Long là vùng ngoại ô, nhà cửa hãy còn loáng thoáng. Nổi lên ở giữa phố Doudard de Lagrée có khu dinh cơ của Đô thống Đỗ Đình Thuật. Một khu nhà đất rộng, choán một phần mặt đường Reirnach (Trần Quốc Toản), cổng sau mở ra lối Hàm Long.

Nhà của Đỗ Đình Thuật là một ngôi nhà kiểu Tây, xây bề thế, nhà hai tầng nhưng tầng dưới là tầng hầm, cầu thang xây gạch bên ngoài lên xuống cả hai phía đằng trước và đằng sau.

Qua ngã tư Hàng Bài - Chợ Hôm, phố Hàm Long còn một đoạn dài mới được mở mang trong những năm mưòi và hai mươi. Ở đoạn này đáng kể có Trường Hậu bổ (sau là trường PT cấp 1, 2nay là trường PTCS Ngô Sỹ Liên) và nhà thờ Hàm Long.

 Trường Hậu bổ còn gọi là Trường Sĩ hoạn, mục đích là bổ túc cho con các quan tỉnh Bắc kỳ và các ông cử ông tú nho học biết thêm tiếng Tây để ra làm quan.

 Giáo viên Truờng Hậu bổ là những người có Tây học lớp đầu tiên như Trần Văn Thông, Đỗ Văn Tâm. Trần Văn Thông có nhà ở ngay bên cạnh trường. Đỗ Văn Tâm nhà ở dốc Hàng Gà, chợ Hôm. Sau khi bỏ khoa thi chữ nho được ít lâu, Trường Hậu bổ cũng giải tán, bọn giáo viên Thông, Khánh, Tâm cũng ra làm quan, chức đến tuần phủ, tổng đốc. Trường Hàm Long được dùng làm trường tiểu học Pháp-Việt, và còn có tên là trường Quy Thóc, vì các lớp ở trường này đều là nơi thực tập của các giáo sinh học các lớp sư phạm ngắn hạn để ra làm thày giáo, trước ngày mở trường sư phạm chính quy (trường Sư phạm mở năm 1921 trong trường Bưởi, đến năm 1923 mới xây trường riêng ở phố Cửa Bắc).

Đoạn phố Hàm Long giữa ngã tư Hàng Bài và ngã tư Ngô Quyền, ngoài trường Quy Thức ra còn ba ngôi nhà xây vào những năm sau (một nhà là của bác sĩ Nguyễn Vãn Luyện số 23), nhà to có gác và cả ở hai bên mặt đường, nhiều nhà chỉ có một tầng, có cả mấy dãy nhà nhiều gian cho từng gia đình công chức thuê để ở. Phố Hàm Long không phải là một phố buôn bán, không có cửa hàng lớn.

 Có một ngõ đi vào bên trong khá rộng, có một dãy nhà một tầng, nhiều gian của một chủ cho thuê, gọi là ngõ Đức Khánh (nay là ngõ Hàm Long 3) ở cạnh nhà số 23.

 Đoạn phố Hàm Long thứ ba từ ngã tư Ngô Quyền đến đầu phố Lò Đúc,  ngay góc đường là nhà thờ Hàm Long, có tên là nhà thờ thánh Antoine (Ăngtoan).

 Nhà thờ Hàm Long, số nhà 21 xây sau Nhà thờ Lớn độ mươi năm (do do cha cố Despaulis Joseph - cố Hương xây và hoàn chỉnh 1934 - 1939). Cuối thế kỷ XIX khi người Pháp mới sang, khu nam Hà Nội chưa có nhà thờ, các giáo dân ở rải rác các phố Lò Lợn, Lò Đúc phải lên Nhà thờ Lớn chầu lễ khá xa. Các họ đạo có dựng một nhà nguyện ở chỗ này để làm lễ, đó là một ngôi nhà gỗ nhỏ ở phía nam đường Hàm Long đối diện với ngôi chùa cổ Hàm Châu. Ít lâu sau, chiếc nhà gỗ được thay thế bằng một ngôi nhà thờ xây gạch hẳn hoi (khoảng năm 1905); một gác chuông được xây riêng bên cạnh nhà thờ. Năm 1936, nhà thờ Hàm Long được sửa lại, mở rộng thêm, có nhiều nhà phụ.

Chung quanh nhà thờ Hàm Long hình thành một xóm đạo. Nhà Chung đuợc chính quyền thành phố cắt cho đất công hoặc được mua nhiều đất với một giá rẻ, nhà thờ bỏ vốn làm một dãy nhà nhiều gian cho giáo dân thuê. Nhà của nhà thờ ở liền cạnh khu nhà thờ dãy 8 gian ở ngoài mặt đường (từ số 15 đến số 19b); ở trong ngõ Thuận Đức (số 13 nay là ngõ Hàm Long 1) có dãy nhà 7 gian có gác ở đằng sau dãy nhà quay ra mặt đường phố; ở bên phố Laveran (nay là Lê Văn Hưu) một bên mặt phố có một dãy nhà một tầng 25 gian (từ số 14 đến số 64), một bên mặt phố có một dãy nhà thứ hai giống y hệt 15 gian (từ số 19 đến số 45) trên miếng đất giáp liền ngay đằng sau nhà thờ: tiền cho thuê nhà là nguồn lợi tức khá lớn gây thêm quỹ cho nhà thờ.

 Từ năm 1922, phố Doudart de Lagrée là một đường phố có chiều dài 570 mét đi từ ngã ba phố Gia Long kéo dài (phố Bà Triệu) đến ngã năm Lò Đúc. Hai hàng cây phượng che mát, mùa hè hoa nở đỏ rực. Hai bên mặt đường nhà cửa đã xây kín và những khu đất lọt vào bên trong các dẫy nhà cũng đã được sử dụng để xây dựng, như ngõ Tràng Khánh (tên hiệu trà đầu ngõnay là ngõ Hàm Long 2 cạnh nhà số 10 Hàm Long.

Ngõ 18 Hàm Long mới có từ năm 1954, trong khu vực chùa Hàm Long chỉ còn nền chùa; trong ngõ có một trường phổ thông cơ sở Lý Tự Trọng và ngôi nhà của chùa mới làm với ba tấm bia đá chơ vơ ở cạnh đường đi.

Cổng tam quan và gác chuông chùa Hàm Long trước khi xây dựng nhà thờ Hàm Long được chụp vào những năm 10, 20 thế kỷ 20.

 Nói chung, phố Hàm Long là phố nhà ở, chỉ có một ít cửa hàng nhỏ ở chỗ gần ngã năm Lò Đúc. Dân phố là những công chức lương trung bình, một số đông là làm  nhà Gôđa, hiệu thịt bò Tràng Tiền..., hoặc làm bồi bếp cho Tây, phụ nữ nhiều người làm nghề “cô khâu”, “chị hai" vì ngưòi có đạo đuợc cha cố giới thiệu đi làm cho Tây, hoặc người họ hàng với nhau dắt díu bà con kiếm ăn làm cùng một nghề.

Dân phố Hàm Long còn có những nghề có dính dáng đến tôn giáo, như nghề vẽ tranh nặn tượng thờ, tranh các thánh vẽ vào kính tô màu; những nghề đó được nhà thờ đỡ đầu, giới thiệu chỗ mua nguyên liệu và khách tiêu thụ.

 Ngoài ra, phố Hàm Long còn có nghề hàng nan, tức là đồ đan tre mây; lúc đầu là các hàng được tiêu thụ ở các chợ Hà Nội, sau trở thành một số đồ hàng được những hãng Tây mua để xuất khẩu.

 Quãng đầu phố Hàm Long giáp Lò Đúc, gốc phố là một ngôi nhà hai tầng là một hiệu Khách bán tạp hóa và đồ hộp. Còn từ số 3 đến số 11 là ba nhà gồm từ 2,3 đến 7 gian những gian nhà một tầng nhỏ hẹp kiểu sơ sài cũ kỹ, làm đã từ lâu cho những gia đình nghèo thuê (thợ thủ công, nhân viên đi làm ít lương). Nhà số 5 là 4 căn nhà cấp bốn tương đối giống nhau đánh số 5A, 5B, 5C, 5D. Trong đó, nhà 5D là di tích cách mạng - chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.



12/05/2024

Bữa cơm nhà tôi xưa

 


Từ ngày còn bé, tôi nhớ mãi, trong bữa ăn nhà mình, luôn có nếp mời cơm. Bà nội, bố - mẹ tôi duy trì nghiêm khắc lắm (ông nội mất khi tôi vừa tròn tuổi). Bà nói: Mời cơm là tấm lòng biết ơn đối với người trên; thái độ trân trọng với khách và với anh em....

Mâm cơm dọn ra, phải đợi đông đủ mọi người mới bắt đầu được ăn, nếu không thì được lệnh bà nội, đi gọi về. Trước là tôi, sau này là em gái thứ hai ngồi đầu nồi xới cơm cho cả nhà. 

Đầu tiên, là đánh tơi nồi cơm, vén cơm trên mặt sang bên, rồi xới cơm cho người lớn trước, trẻ con sau - lần lượt theo thứ tự từ lớn tới bé. Thuở ấy, là nồi đồng, sau đổi sang nồi gang, nấu củi, ủ trấu (cô tôi làm ở nhà máy xay Lương Yên nên không thiếu).

Cầm bát, đũa lên tay rồi lễ phép cất lời: "Cháu mời bà ăn cơm, con mời bố mẹ ăn cơm, em mời anh chị ăn cơm..."  , bố mẹ tôi cũng vậy, bưng bát cơm lên cũng nói: Con mời mẹ ăn cơm" . Bà bảo: cả nhà ăn cơm đi.

Lúc ăn, phải để người lớn gắp thức ăn, ăn trước sau mới đến người bé gắp ăn. 

Thường ngày, bà tôi cũng như bố mẹ tôi đã răn dạy trước rồi: Lúc đang nhai đừng nói chuyện, đừng nhai nhồm nhoàm; không được gõ đũa, không được thấy món ngon là gắp lấy gắp để; đừng gắp thức ăn trên mâm rồi cho thẳng vào miệng, mà phải để lên bát rồi mới ăn; không mút đũa rồi khuấy vào bát nước mắm; phải trông mâm, nhìn mọi người mà biết nhường nhịn...

Rồi, ăn trông nồi, ngồi trông hướng (trông nồi là thấy cơm hay thức ăn còn nhiều hay ít mà biết dừng, nhường người khác...). Lại nữa, khi có người đi vắng phải phần trước từng phần thức ăn đầy đặn, để riêng ra chứ không được dùng thức ăn thừa để phần người ăn sau...

Nhiều lắm, những lẽ ăn hàng ngày mà bây giờ tôi không nhớ hết được, nhưng lại ăn sâu vào tâm trí, thành thói quen, bản năng ứng xử của mình. Nên khi đi ăn cơm khách, nhiều khi thấy khó xử khi thiếu vắng những lẽ ăn thường có ở nhà.

Trước nói về Mẹ tôi - Khi có dịp sẽ viết về Bà tôi, Bố tôi... Mẹ tôi đảm đang lắm, bán hàng ở chợ Bắc Qua, nên 3 bữa nhà tôi không thiếu thịt, cá và mỡ...(đấy là chưa kể, bữa sáng, mẹ cho tiền 5 anh em tôi ăn quà nhé). Mà mẹ cũng chỉ có bữa tối thôi mới ăn cơm ở nhà; Sáng sớm mẹ đã tất tả lên chợ, chiều về mua thức ăn ngày hôm sau. Hôm nào mưa bão, mẹ không đi chợ, chúng tôi thích lắm vì được nói chuyện với mẹ và với bọn trẻ chúng tôi, đây là thích nhất, xin mẹ tiền tiêu vặt thêm; mà mẹ tôi nấu ăn ngon và sang mà nên hôm ấy như tết. Mẹ nhường nhịn lắm, thấy cả nhà ngon miệng lại cười mãn ý. Mẹ bảo, trên chợ đã ăn rồi nên toàn nhường cả nhà. Sau lớn lên mới biết mẹ rất tằn tiện với bản thân.

Viết đến đây, lại nhớ đến bà, đến bố mẹ quá - hình ảnh chỉ còn mông lung nhưng muốn, mong muốn lắm được trở lại ngày xưa, được cùng ngồi ăn cơm với bà, bố mẹ và cô cùng 4 em quá. Lại được xới cơm, lại được cất câu: Cháu mời bà ăn cơm ạ - Con mời bố mẹ ăn cơm...

Thân thương lắm những người thương yêu. Trẻ trâu nông nổi, không biết trân trọng, giờ đành nuối tiếc thôi.

 


06/05/2023

Điểm chung của những người trường thọ - Khảo sát 1.000 Cụ trên 100 tuổi

 Dành tặng vợ tôi và những người thương yêu trong gia đình.

St và biên soạn.



Với mức sống không ngừng được cải thiện, tuổi thọ con người trung bình cũng tăng lên một mức nhất định.

Nhiều người sẽ tò mò, những người sống lâu có đặc điểm gì?

Ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, có một số lượng lớn những người sống thọ trăm tuổi, sau khi các chuyên gia khảo sát 1.000 người sống lâu trăm tuổi, họ phát hiện ra rằng những người già sống lâu này có hai điểm chung, đó không phải là tập thể dục như mọi người nghĩ, mà là hai khía cạnh: tâm lý và chế độ ăn uống.

Điểm chung 1: Tâm thái rất quan trọng đối với sức khỏe và tuổi thọ, đối với nhiều người, áp lực cuộc sống rất cao nên họ không khỏi cáu gắt, mất bình tĩnh, tuy nhiên thường xuyên nổi cơn tam bành lại không tốt cho sức khỏe của họ, đặc biệt nếu họ mất bình tĩnh sẽ gây hại cho sức khỏe của gan, vì vậy bạn nên giữ thái độ tích cực và đừng cáu gắt vì những chuyện vặt vãnh.

 Trong cuộc sống, bạn có thể làm một số điều khiến bạn hạnh phúc hoặc bạn thích, bởi vì sự quan tâm là người thầy tốt nhất và chỉ khi bạn hứng thú, bạn mới có thể tận hưởng nó, cho dù bạn đi dạo trong công viên sau khi tan sở hay đi dạo cùng con chó của bạn. Đó là một cách nhỏ để thư giãn và luôn hạnh phúc.

Điểm chung 2: Về chế độ ăn uống hàng ngày, mọi người nên chú ý nhiều hơn, bởi người ta thường nói bệnh từ miệng mà vào, sức khỏe của cơ thể không thể tách rời khỏi chế độ ăn uống điều độ, trước hết mọi người phải đảm bảo rằng mình ăn sáng mỗi ngày, bởi vì sau một đêm nghỉ ngơi, dạ dày trống rỗng, nếu không ăn sáng, dạ dày sẽ không có thức ăn để hấp thụ, lâu dần sẽ gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, tiêu hóa kém đi.

Bữa tối không nên ăn quá nhiều, bởi vì nếu ăn quá nhiều sẽ tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, sau khi ăn xong sẽ nghỉ ngơi và ngủ trong vòng vài giờ, cơ thể sẽ cảm thấy khó chịu, chỉ còn 70% sức đề kháng. Nếu cảm thấy no trong bữa tối, bạn có thể đặt đũa xuống. Đối với việc lựa chọn bữa tối, bạn có thể ăn nhiều rau và trái cây tươi, đồng thời ăn ít thức ăn có hàm lượng đường cao, ít chất đường bột hoặc những thứ dễ gây kích ứng.

Kết luận: Rất nhiều người hy vọng mình có thể sống lâu hơn, nhưng tuổi thọ không chỉ liên quan đến 2 điểm trên, mà di truyền gen cũng rất quan trọng. Đây là điều mà mọi người không có cách nào thay đổi, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, bạn có thể hình thành những thói quen sinh hoạt tốt, bắt đầu từ chế độ ăn uống hàng ngày và những điều nhỏ nhặt khác nhau trong cuộc sống, giữ cho cơ thể khỏe mạnh, tránh xa những rắc rối của bệnh tật, từ đó trở nên tốt đẹp hơn, ngày càng khỏe mạnh, trường thọ.

Với mình, chỉ mong được sống Vui vẻ và Khoẻ mạnh là Phúc rồi - vậy cũng phù hợp với 2 lẽ trên. Trường thọ là giúp ích cho con cháu nhưng không phiền đến họ. Ta phải và cố gắng: Khang - Ninh - Thọ - Ích


23/04/2023

Đôi nét phố Hàm Long

 Dành tặng những người dân phố Hàm Long


Chùa Hàm long thời Pháp thuộc

Nhà mình ở phố Hàm Long nhiều đời rồi, bên số lẻ - nhà vợ bên số chẵn, đối diện nhau vì số nhà liền kề. Từ nhỏ, mình đã tự hào về con phố chả to, nhưng cũng không hề nhỏ này vì nhiều lẽ: phố có chùa to, nhà thờ lớn, lại có di tích của ĐCS, có những 2 ngôi trường phổ thông, ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử; thứ nữa con người phố mình hiền lành đến dễ sợ luôn vì có công chức, có giáo viên, luật sư, nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà văn tên tuổi nhưng lại có cả gián điệp cho Mỹ, Tưởng... (ngay gần cạnh nhà mình có 1 ông gián điệp Tưởng, 1 ông tình báo ngoại giao, 2 liệt sĩ (?) tình báo trong Nam thời Nguỵ, …), kẻ giết người, lừa đảo…

Nhớ nhất, phố xưa có hàng cây cơm nguội khẳng khiu và già cỗi (mà đặc biệt nhất là đến mùa thu, tán lá lại ngả sang màu vàng). Sau năm 90 thế kỷ trước không rõ lý do mà bị biến mất. 

Phố Hàm Long dài đâu có gần 600m, nối từ ngã năm Lò Đúc đến đầu dốc Bà Triệu; trườn cắt qua phố Ngô Quyền - Ngô Thời Nhậm, Hàng Bài - Phố Huế. Con phố trước đây thuộc địa phận thôn Hàm Châu, tổng Hậu Nghiêm, sau đổi thành thôn Hàm Khánh, tổng Thanh Nhàn, huyện Thọ Xương. Thời đầu, Pháp đánh thành Hà Nội, phố Hàm Long nằm trong khu nhượng địa mà nhà Nguyễn đưa cho Pháp quản lý.

Thời Pháp thuộc, phố Hàm Long có tên là Dourdart de Lagrée (nhà thám hiểm, côn trùng học người Pháp).Tên phố Hàm Long ngày nay vốn bắt nguồn từ tên ngôi chùa cổ trong ngõ số nhà 18 phố Hàm Long.

Chùa Hàm Long tương truyền có từ thời Lý, là một ngôi chùa cổ nổi tiếng của vùng đất Thăng Long xưa. Niên đại xuất hiện của chùa chỉ đứng sau chùa Khai Quốc (nay gọi là chùa Trấn Quốc) được xây dựng từ thời Lý Nam Đế.

Chùa Hàm Long ban đầu là ngôi đền thờ Long Thần (vốn tên là Ngô Long, sống dưới thời Hùng Vương thứ 18). Theo truyền thuyết thần Ngô Long là vị phụ đạo chính quốc thời Hùng Duệ Vương, có công dẹp giặc Hồ Lư ở Châu Hoan. Ngô Long từng sống ở quán Long Đầu.

Sau khi ông mất, dân trong vùng sửa quán Long Đầu thành đền Hội Khánh để thờ phụng. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long đã chính thức phong cho Ngô Long danh hiệu Long thần, nhìn thế đất đền Hội Khánh tựa như rồng ngậm ngọc (Hàm Châu Long) nên vua cho đổi đền thành chùa Hàm Long.

Từ đó trở đi, chùa Hàm Long tuy là chùa thờ Phật nhưng cũng thờ cả vị Long Thần có nhiệm vụ bảo vệ chùa, hộ trì Phật pháp. Chùa cũng nổi tiếng linh ứng qua nhiều sự tích của thần Ngô Long trong việc âm phù vua Trần Nhân Tông dẹp giặc Mông Nguyên, giúp Lê Lợi đánh đuổi quân Minh.

Đến cuối thế kỷ XVII, chùa bị hư hỏng nhiều. Nhờ bà Thái phi Trương Ngọc Chử, mẹ của chúa Trịnh Cương cùng một số người trong dòng tộc chúa Trịnh xuất tiền tu sửa, sau hơn chục năm trời trùng tu, chùa Hàm Long được mở rộng quy mô và tăng thêm phần tráng lệ. Chúa Trịnh lại đắp con đường từ phủ chúa mạn Hoàng thành dẫn về chùa để tiện đến cúng bái.

Trong giai đoạn toàn quốc kháng chiến, do bom đạn của quân đội thực dân, chùa Hàm Long bị tàn phá nặng nề, chỉ có lại hai tấm bia đá dựng năm 1714, hai giếng ngọc và hai ngôi tháp cổ.

Sau này, chùa đã được các tín đồ Phật tử góp công xây dựng hai dãy nhà hai tầng để vừa thờ Phật, vừa giảng pháp cho tăng ni tử.

Hai tấm bia đá cổ mang tên “Hàm Long tự bi ký” dựng năm 1714 do tả đô đốc, Ứng Quận Công Đặng Đình Tướng và tiến sĩ Nguyễn Quý Đức biên soạn đã được Viện Viễn Đông bác cổ xếp hạng, coi là những di vật cổ vô giá.

Không chỉ có chùa, tại số 21 phố Hàm Long còn có một nhà thờ nổi tiếng, đó là nhà thờ của giáo xứ Hàm Long, nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của giáo dân Hà Nội. Nhà thờ Hàm Long là công trình do kiến trúc sư người Việt, Doctor Thân (quê ở Hạ Hồi, Thường Tín, Hà Nội) du học ở Pháp thiết kế.

Nhà thờ Hàm Long


Nhà thờ được hoàn thành vào tháng 12/1934, cao 17m, đặc biệt trong xây dựng đã sử dụng nhiều chất liệu dân gian như:rơm hồ vôi, nứa, giấy bản để tạo các vòm cuốn, gây hiệu quả phản âm khi hành lễ mà không cần đến những thiết bị âm thanh hiện đại, trên các cột và bàn thờ được trang trí bằng các họa tiết dây thừng như kiểu dây áo dòng Fanxico. Nhà thờ Hàm Long được coi là một trong những nhà thờ đẹp nhất của Hà Nội.

Ngay đầu phố Hàm Long, có một ngôi nhà một tầng, mái lợp ngói ta, gắn biển số 5D đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1964.

Giữa phố Hàm Long có một ngôi trường cấp II mang lịch sử lâu đời, đó là trường trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên, được xây từ cuối thế kỷ XIX. Trước đây trường có tên gọi là trường Hậu Bổ, vốn là nơi dạy chữ Pháp và pháp chế cho các cử nhân, tú tài hán học chuẩn bị được bổ đi làm quan.

Trường Ngô Sĩ Liên mới năm 2021


Sau năm 1915, bỏ thi chữ Hán, trường giải thể, chuyển thành trường tiểu học song được lấy làm nơi thực tập cho các giáo sinh sư phạm nên gọi là trường Quy Thức. Trong giai đoạn Pháp thuộc, trường trở thành trường tiểu học bình thường và mang tên gọi của phố là trường Doudart de Lagrée.

Đọc bảng tin rao vặt đăng trên báo thời xa tạo cho mình thêm những lý do viết bài này vì có nhiều thông tin về Hà Nội thời Pháp, trong đó có phố Hàm Long nhà mình.




19/04/2023

Nhớ cà phê xưa

 


Không biết mọi người thế nào chứ, mình biết cà phê từ thuở nhỏ. Cái này là do bố mình – ông thích uống cà phê (không nói là nghiện được vì thời bao cấp lấy đâu cà phê thường xuyên mà uống). 

Cà phê là bạn cô tôi làm ở Thuỷ Tạ cung cấp. Tôi thấy ông già, thường là sáng chủ nhật, trịnh trọng lắm, pha phin cà phê. Lâm nhâm ngồi đợi từng giọt đen rơi với điếu thuốc Thủ đô (hồi đó hình như đây là loại thuốc cao cấp và hiếm)Phin cạn, ông nắn nót đong thìa rượu Rum, rồi chút bơ quấy cùng cà phê…. 

Tôi tự cho mình có trách nhiệm dọn rửa chén tách cho bố - dĩ nhiên rồi, vì đó là cơ hội để uống trộm chút cà phê đáy chén (*). Nó không ngọt vì bố tôi không pha đường, mà nó đắng và thơm lạ. Lúc đầu chưa quen, nhưng sau lại thích. Và có lẽ tôi thích hoặc là thèm cà phê từ đó.

Hồi ấy, nếu ta khi có dịp đi qua phố Lê Văn Hưu, lại được hưởng mùi thơm nức mũi của cà phê Mai khi rang. Đến tuổi thanh niên mình mới biết đến cà phê Hói mạn Bà Triệu, cà phê Giản – Hàng Gai…Còn mạn Nguyễn Du, phần giáp phố Huế thường có cà phê nâu…

Cũng thi thoảng mới nếm thôi vì đã làm ra tiền đâu, toàn bà nội với mẹ hoặc em gái bao cấp. Mà cũng nhiêu khê, ăn sáng một nơi, uống cà phê một nơi, cũng khá xa. Hồi ấy có 5 đồng 1 cốc thì phải (lương mình tập sự 278 đồng - lương chuyên viên 1 là 298đ). Khi có tiền do lĩnh lương chả hạn mới dám mời bạn bè đi cà phê đá mạn Bờ hồ (không thì toàn đãi nhau chè chén với thuốc lá cuộn)

Mà đa số quán có bán cà phê thuở ấy đều có tên là quán Giải khát đấy chứ, vì còn có các loại thức uống khác chủ đạo và rẻ tiền hơn cà phê như xi rô, nước chanh... Bây chừ, quán cà phê vẫn có các thức uống khác nhưng sang hơn, thật ra cũng bình mới rượu cũ thôi.

Nhớ cái thời ấy, những năm 80, 90, 2000, khi có dịp, vào quán thưởng thức chén cà phê, thường được nghe những bản nhạc hay từ máy quay đĩa, băng cối hay cattset... Nhạc cổ điển, đồng quê hay nhạc vàng, nhạc Trịnh... cho ta cảm giác say và mê cùng hương vị cà phê (phải của tư nhân, chứ các quán mậu dịch hoặc quốc doanh thì hổ lốn lắm). Ngắm phố phường, người lại qua thấy thi vị.  

Nay đa phần ít có quán bật nhạc hoặc có bật thì chỉ hợp với lũ trẻ 9x trở đi hoặc những quán sang mới có thì lại cách biệt cuộc sống phố phường nên thấy kém thú vị nhiều (đến quán sang như ở KS Metropole, Lục Thuỷ... họ còn biết cách nên để bàn uống cà phê ngoài đường nữa là).

Luận về cà phê ngon dở hơi bị khó, mỗi người mỗi gu, chân lý đa dạng. Từ luận được cho đến luận hết nổi. Thời những năm 90 - 2000, người ta cứ đồn cà phê pha ngô, pha cau, rượu trắng, mắm muối,… toàn là mấy thứ dân dã. Có lửa, có khói. Lời đồn này có nhẽ đúng. Cà phê Tây cũng đâu phải nguyên chất, cũng pha thứ này, trộn thứ nọ mà. Cà phê không độn ngô rang, đậu nành làm sao có độ sánh. Xứ nóng, uống cà phê đá mà lõng bõng nhìn sao được. Cà phê không thêm cau rang làm sao đủ đắng mà ngẫm chuyện đời. Cà phê đá làm gì có chuyện hương thơm thoang thoảng nếu không tẩm chút rượu. Rồi cũng phải mắm muối chút đỉnh cho đậm đà… Những thứ lằng nhằng này coi như là… phụ gia, chứ “chính gia” vẫn phải là cà phê rang sao cho đúng cữ… Bí quyết ngon dở là ở chỗ đó. 

Dạo này thu nhập tăng cao nên dân ta cũng mới được hưởng cà phê thật nên biết phân biệt như cà phê chè (arabica), cà phê vối (robusta), moka... để mà khoe khoang.

Thật ra, cà phê xưa vẫn còn, vẫn có vẻ đẹp của riêng nó – Vẻ đẹp của sang trọng, bí hiểm và quyến rũ, của ký ức. Ta cứ nhẹ nhàng thưởng thức chén cà phê thơm sẽ thấy.

 Cà phê lề đường có âm nhạc, lại có âm thanh đường phố, tiếng rao hàng, tiếng còi xe và cái “mát rượi” riêng tư để ta ngênh ngang với thảnh thơi mà thưởng thức. 

Cà phê và khói thuốc. 

Cà phê nhỏ giọt. 

Giọt có buồn không? 

Mờ quá không thấy giọt, nhưng nỗi buồn thì thấy nỗi vắng xa xưa.

Nhớ, nhớ cà phê xưa - Cũng là nhớ lắm những người thân thương.

 (*) Tôi gọi là chén cà phê vì tách là cái đĩa dưới chén.

20/03/2023

Bí mật của Tết

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều



Tết không phải đơn giản là sự kết thúc một vòng thời gian tính theo năm mà như là một tiếng lay gọi làm cho con người thức tỉnh bao điều. Theo cách nhìn cũng như trải nghiệm của mình, tôi thấy Tết chứa đựng trong nó những bí mật làm cho con người sống tốt đẹp hơn.

Mấy năm gần đây, có một số người đã đặt vấn đề bỏ ăn Tết truyền thống và dùng tết dương lịch thay vào. Lý do của họ thật đơn giản. Họ cho rằng Tết truyền thống hiện nay gây ra một số phiền lụy như lãng phí thời gian và vật chất, sinh ra một số thói xấu trong việc biếu xén quà cáp... và làm cho con người mệt mỏi.

Những hiện tượng mà họ đưa ra là đúng.

Nhưng họ lại sai lầm trong cách nhìn nhận bản chất của Tết truyền thống của người Việt Nam. Thực chất, những phiền lụy ấy là sinh ra từ thái độ sống của những người lấy Tết như là một lý do để thực thi những công việc khác chứ không phải là một sự kiện của văn hóa.

Những sự kiện văn hóa được sinh ra từ đời sống tinh thần của con người và những sự kiện văn hóa ấy quay lại làm lên đời sống tinh thần của con người. Tết chỉ diễn ra trong mấy ngày nhưng lại chứa đựng những giá trị tinh thần bền vững của văn hóa Việt. Tết không phải đơn giản là sự kết thúc một vòng thời gian tính theo năm mà như là một tiếng lay gọi làm cho con người thức tỉnh bao điều. Và theo cách nhìn cũng như trải nghiệm của mình, tôi thấy Tết chứa đựng trong nó những bí mật làm cho con người sống tốt đẹp hơn.

Bí mật thứ nhất: Khơi mở tình yêu quê hương

Mỗi năm, khi đến những ngày giáp Tết, là lúc lòng người dâng lên nỗi nhớ quê hương và những người thân yêu của mình. Người xa nhà mong trở về, người ở nhà mong người đi xa về. Trong thời gian suốt một năm, những ngày giáp Tết là những ngày nỗi nhớ thương ấy nhiều hơn tất cả những ngày khác.

Tôi từng gặp những người định cư ở nước ngoài trong những ngày giáp Tết mà họ không trở về cố hương mình được. Thời gian ấy đối với họ là khoảng thời gian mà ký ức họ ngập tràn những kỷ niệm về nơi họ sinh ra và lớn lên. Đó cũng chính là thời gian mà con người nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn nhiều nhất và da diết nhất.

Vào những ngày giáp Tết ở quê tôi, những gia đình có người thân đi làm ăn, học hành xa hoặc lấy chồng, lấy vợ ở xa đều mong ngóng họ trở về. Vào đêm giao thừa, những gia đình ấy vẫn mở cửa ngõ và lắng nghe tiếng chân ai đó vào ngõ. Có thể những ngày khác trong năm họ bận công việc, học hành...mà ít nhớ về cố hương. Và cũng có thể có người bỏ quê ra đi vì nhiều lý do không có ý định trở về, nhưng khi Tết đến, lòng họ bỗng đổi thay.

Lúc đó, tiếng gọi của cố hương, của những người thân yêu vang lên trong lòng họ hơn lúc nào hết. Và chính vậy mà có những người khi đã già thì tìm cách trở về cố hương. Không ít những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài mấy chục năm cuối cùng đã trở về để được sống và được chết trên mảnh đất cố hương mình.

Khoảng thời gian kỳ diệu của những ngày giáp Tết đã chứa đựng trong đó những bí mật có khả năng đánh thức những vẻ đẹp, những thiêng liêng trong sự lãng quên của con người.

Bí mật thứ hai: Kết nối với quá khứ

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, hầu hết ở các làng quê, những người sống khăn áo chỉnh tề ra phần mộ của những người thân yêu đã khuất thắp hương và mời người đã khuất trở về ăn Tết cùng gia đình.

Có một sự thật là, trong cái thời khắc thiêng liêng đứng trước phần mộ của những người thân yêu trong ngày cuối năm gió lạnh, những người sống cảm thấy được hơi thở, giọng nói và nhìn thấy gương mặt của những người đã khuất.

Ngày cuối cùng ấy của năm cũ, một không khí lạ lùng bao phủ con đường từ nghĩa trang trên cánh đồng chạy về làng và bao phủ trong những ngôi nhà. Những mất mát, những thương đau và nhớ nhung những người thân yêu đã khuất như vụt tan biến. Những người sống cảm thấy ngôi nhà của họ ấm áp hơn.

Cái ngày cuối cùng của năm cũ ấy như mở ra một cánh cửa vô hình để những người sống và những người đã khuất gặp nhau cho dù chỉ ở trong cảm giác và cảm xúc. Nhưng những điều đó cho dù mơ hồ vẫn là một phần quan trọng trong đời sống của con người. Nó làm cho con người dâng lên tình yêu thương, lòng ơn kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ...

Và như một sự vô tình, không khí của ngày cuối cùng năm cũ ấy gieo vào lòng người sống những hạt giống của tình yêu thương và kết nối họ với quá khứ.

Bí mật thứ ba : Sự bền vững của gia đình

Ai cũng có một gia đình. Và không ít gia đình hiện nay do xã hội thay đổi và do nhiều lý do của đời sống mà các thành viên trong gia đình sống tản mạn ở nhiều nơi khác nhau. Có không ít gia đình chẳng bao giờ có một ngày xum họp đầy đủ các thành viên của mình. Đôi khi, với lý do này, lý do khác mà ông bà, cha mẹ, anh em, dâu rể, con cháu trong một gia đình không có dịp xum vầy với nhau.

Nhưng Tết là dịp duy nhất với lý hợp lý nhất để mọi người bỏ hết công việc xum họp với nhau.

Khi mẹ tôi còn sống, mẹ tôi mong Tết. Bà mong Tết không phải là mong như tôi từng mong Tết đến hồi còn nhỏ cho dù Tết đến mẹ tôi phải lo lắng nhiều thứ. Mẹ tôi mong Tết để những đứa con của bà có ít nhất một ngày quây quần bên bà như khi chúng còn nhỏ. Cho dù khi tôi đã có tuổi, nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi có một ngày anh chị em cùng con cháu trở về làng và được ngồi ăn một bữa cơm bên cha mẹ trong ngôi nhà chúng tôi đã lớn lên.

Khi cha mẹ mất đi, nhiều người mới nhận ra sự mất mát to lớn không gì bù đắp nổi. Một hiện thực mà hầu như ai cũng nhận ra là đời sống hiện đại đã và đang xé một gia đình truyền thống ra từng mảnh. Và như vậy, tính bền vững của một gia đình sẽ bị lung lay.

Hàng năm vào những ngày giáp Tết tôi thích ngắm nhìn những người khăn gói về quê ăn Tết. Không có gì quyến rũ họ ngoài việc họ được trở về nhà mình và xum họp với ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng làng xóm. Hình ảnh ấy luôn làm tôi xúc động.

Nhưng càng ngày càng nhiều hơn những người không muốn về quê ăn Tết hay ở nhà ăn Tết với gia đình. Có những người còn trẻ tranh thủ dịp Tết đi du lịch. Họ rời gia đình khi bắt đầu được nghỉ Tết và chỉ trở về để hôm sau bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của năm mới. Họ có cách nhìn và có quyền của họ.

Nhưng tôi thấy tiếc cho họ khi họ không cùng ở nhà với cha mẹ mình chuẩn bị đón Tết. Bởi lúc đó, thời tiết và không khí đang lan tỏa những gì ấm áp và thiêng liêng nhất trong chu kỳ thời gian của một năm mà sau đó họ không thể tìm lại được cho tới một năm sau. Sự lan tỏa ấy sẽ bồi đắp tâm hồn con người những những lớp "phù sa" màu mỡ của những vẻ đẹp trong đời sống tinh thần con người.

Bí mật thứ tư: Sự hàn gắn

Có những rạn vỡ giữa người này người kia mà một hoặc cả hai người không có cơ hội để gặp nhau và nói một lời xin lỗi hay chia sẻ và xóa đi những hiềm khích, mâu thuẫn trước đó. Nhưng khi Tết đến, họ nhận ra đó là cơ hội tốt nhất cho họ.

Thường khi bước sang năm mới, người ta cho phép quên đi, bỏ qua những phiền lụy, những sai lầm trong năm cũ của chính cá nhân mình. Có một bí mật nào đấy của năm mới đã ban cho con người khả năng chia sẻ và tha thứ.

Bí mật ấy nằm trong những cơn mưa xuân ấm áp bay về, trong sự thao thức của lòng người chờ đợi, trong sự thiêng liêng của hương nến trên ban thờ mỗi gia đình, trong sự chào hỏi ân tình của mọi người khi gặp nhau, trong giờ phút thiêng liêng của sự chuyển mùa, trong sự tưởng nhớ những người thân yêu đã khuất...

Tất cả những điều đó đã làm lòng người rạo rực và đổi thay. Có những gia đình mà anh em mâu thuẫn với nhau rồi cứ giữ sự im lặng lạnh giá ấy ngày này qua ngày khác. Nhưng khi họ cùng nhau ngồi xuống bên mâm cơm tất niên cùng chạm chén rượu, cùng mời cha mẹ ăn cơm thì mọi chuyện bắt đầu tan đi.

Trước kia, cứ vào những ngày cuối năm, những người làng tôi có chuyện xích mích hay sai trái với ai đó thường mang một quả bưởi, một nải chuối, một cặp bánh trưng hay dăm cặp bánh mật đến nhà người mà mình có xích mích hoặc có lỗi, xin được thắp nén hương thơm trên ban thờ tổ tiên người đó và nói lời thanh minh hoặc xin lỗi.

Và như có phép lạ, sự xích mích, sai trái bám theo họ đằng đẵng cả một năm trời bỗng rời bỏ họ. Người được xin lỗi cũng nhận ra rằng: chính thời khắc thiêng liêng ấy của đất trời và của lòng người đã làm cho người có lỗi thành thật. Và khi lòng thành thật của người có lỗi được mở ra thì sự tha thứ cũng mở ra theo.

Bí mật thứ năm: Niềm hy vọng

Cuộc sống có biết bao thăng trầm. Trong chúng ta ai cũng có những năm nhiều nỗi buồn, ít may mắn. Nhưng ai cũng có một niềm tin rằng, ngày mai mọi điều sẽ tốt đẹp hơn, năm mới mọi điều sẽ may mắn hơn. Không ít người gặp những năm vận hạn thường tự động viên chính mình bằng một ý nghĩ: "Năm cũ sẽ qua đi, năm mới sẽ đến. Mọi điều sẽ tốt đẹp hơn".

Đấy là một nguyện ước, đấy là một niềm tin.

Nếu không có niềm tin ấy và nguyện ước ấy, không ít người sẽ bị những nỗi buồn, đau đớn và kém may mắn dìm xuống vực sâu của sự thất vọng. Trong suốt một năm, có người có thể sống triền miên trong buồn bã, bỏ mặc nhà cửa. Nhưng rồi đến một ngày giáp Tết, họ đã đứng dậy, dọn dẹp nhà cửa với một niềm tin những điều tốt đẹp đang về với họ. Cũng trong dịp năm mới, mỗi người đều nhận được những lời chúc mừng tốt đẹp nhiều nhất trong một năm.

Cho dù thế nào thì những lời chúc ấy cũng làm cho lòng người ấm lại và hy vọng vào một điều tốt đẹp phía trước.

Những gì mà tổ tiên đã làm ra và để lại cho chúng ta như những lễ hội, những ngôi chùa... là để lại một lời nhắc, một tiếng gọi thức tỉnh chúng ta trong cuộc sống.

Không thể nói lễ hội hay chùa chiền là phiền lụy, là tốn kém... mà bởi con người đã lợi dụng những vẻ đẹp văn hóa ấy cho lợi ích cá nhân mình.

Lúc này, tôi như thấy những ngọn gió thay mùa ấm áp, những cơn mưa xuân nồng nàn đang trở về và những cành đào ủ kín những chùm hoa chuẩn bị mở ra đều chứa trong đó những bí mật giản dị nhưng kỳ diệu cho đời sống con người.


22/12/2022

Lời tựa - Trích tùy bút "Hà nội băm sáu phố phường" - Nhà văn Thạch Lam

 


Trong tôi mãi in sâu con phố nhỏ Hàm Long, trải dài qua những cây cơm nguội mùa Đông xơ xác; dãy sấu sần sùi, gân guốc phố Trần Hưng Đạo...Bến tàu điện Hàng Bài, đối diện hiệu Nghi Sương. Những mùa Đông thật rét thuở trẻ dại, nhưng bây giờ mong, mong lắm gặp lại tha thiết mà khó được. Hà Nội với tôi chỉ vụn vặt, nhỏ bé và thân thương gắn liền với người thân, bạn bè đến lạ. Giá thời gian trở lại để tôi được yêu thương, cảm ơn người thân đã ra đi quá, những cảnh đã mất quá. (Tuấn Long)

Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải... Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu... Ta phải nghe người Pháp nói đến Paris, người ở Paris, mới hiểu được sự yêu quý ấy đến bực nào.

Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố có nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội, cũng như người Parisien chính hiệu yêu mến Paris... Trong những cuộc phiếm du, - phiếm du ngoài các phố Hà Nội là một cái thú vô song chỉ người Hà Nội có - ta nên chú ý đến những nét đổi thay của thành phố, nên nhận xét những vẻ đẹp cũng như vẻ xấu của phố phường, thân mật với những thú vui chơi hay những cảnh lầm than, với những người Hà Nội cũng như ta.

Hà Nội có một sức quyến rũ đối với các người ở nơi khác... Ở những hang cùng ngõ hẽm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng mở của Hà Nội chiếu lên nền mây. Để cho những người mong ước kinh kì ấy, và để cho những người ở Hà Nội, chúng ta khuyến khích yêu mến Hà Nội hơn, chúng ta nói đến tất cả những vẻ riêng của Hà Nội, khiến mọi sự đổi thay trong ba sáu phố phường đều có tiếng vang ra khắp mọi nơi.

 

04/06/2022

Phép lịch sự trên mâm cơm người Việt xưa - Nay còn mấy ?

 ngayxua.net



Vấn đề dùng đũa

* Không và quá 3 lần khi đưa bát cơm lên miệng.

* Không gắp thức ăи đưa thẳng vào miệng mà phải đặt vào bát riêng rồi mới ăи.

* Không dùng thìa đũa cá nhân của mình quấy vào tô chung.

* Không xới lộn đĩa thức ăи để chọn miếng ngon hơn.

* Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm.

* Không nhúng cả đầu đũa vào bát nước chấm.

* Phải trở đầu đũa khi muốn tiếp thức ăи cho người khác.

* Không được cắɴ răиg vào đũa, thìa, miệng bát, không liếm đầu đũa

* Không vừa cầm bát vừa cầm đũa chỉ 1 tay cũng như không được ngậm đũa để rảnh tay làm các việc khác chẳng hạn như múc canh, đôi đũa chưa dùng đến phải đặt vào mâm hoặc đĩa bàn nếu ăи trên bàn có dùng đĩa lót bát, hoặc đồ gác đũa.

Cảnh một bữa ăи thời xưa ở một gia đình dư giả

Khi ngồi ăи

– Ngồi ăи dù trên chiếu hay trên ghế đều không được rung đùi, rung đùi là tướng bần tiện của nam, dâm dục của nữ, và cực kỳ vô lễ.

– Không ngồi quá ѕáт mâm hay bàn ăи nhưng cũng không ngồi xa quá.

– Ngồi trên ghế thì phải giữ thẳng lưng. Ngồi trên chiếu thì chuyển động lưng và tay nhưng không được nhấc mông.

– Không để tay dưới bàn nhưng cũng không chống tay lên bàn mà bưng bát và cầm đũa, khi chưa bưng bát thì phần cổ tay đặt trên bàn nhẹ nhàng.

– Không ngồi chống cằm trên bàn ăи.

– Tuyệt đối tránh cơm đầy trong miệng mà nói.

– Không chu mồm thổi thức ăи nóng mà múc chậm phần nguội hơn ở ѕáт thành bát đĩa.

– Muỗng kiểu múc canh phải đặt úp trong bát không được để ngửa.

– khi chấm vào bát nước chấm, chỉ nhúng phần thức ăи, không nhúng đầu đũa vào bát chấm, miếng đã cắɴ dở không được chấm.


– Khi nhai tối kỵ chép miệng.

– Không tạo tiếng ồn khi ăи [ví dụ húp soàm soạp]

– Không nói, không uống rượu, không húp canh khi miệng còn cơm.

– Không gõ đũa bát thìa.

– Khi ăи món nước như canh, chè, xúp, cháo… nếu dọn bát nhỏ hay chén tiểu thì có thể bưng bát trên hai tay để uống nhưng không được kèm đũa thìa. Nếu dọn bát lớn hay đĩa sâu thì dùng thìa múc ăи, tới cạn thì có thể một tay hơi nghiêng bát đĩa sâu ra phía ngoài, một tay múc chứ không bưng tô to đĩa sâu lên húp như kiểu chén tiểu. Món canh có sợi rau nên dọn bát nhỏ, món gọn lòng thìa có thể dùng bát lớn, đĩa sâu.

– Không ăи trước người lớn tuổi, chờ bề trên bưng bát lên mình mới được ăи. Nếu đi làm khách không gắp đồ ăи trước chủ nhà hay người chủ bữa cơm (trừ ra bạn được đề nghị gắp trước, trong một dịp nhất định).

– Dù là trong khuôn khổ gia đình hay khi làm khách, tuyệt đối không chê khi món ăи chưa hợp khẩu vị mình. Điều này cực kỳ quan trọng vì không đơn thuần là phép lịch sự mà còn là một phần giáo dục nhân cách. Nếu không được dạy nghiêm túc, trẻ em từ chỗ phản ứng тự nhiên do khẩu vị sẽ tới chỗ тự cho mình quyền chê bai, phán xét, không trân trọng lao động của người khác. món không ngon với người này nhưng ngon với người khác và có được nhờ côɴԍ sức của rất nhiều người.


– Không gắp liên tục 1 món dù đó là món khoái khẩu của mình.

– Phải ăи nếm trước rồi mới thêm muối, tiêu, ớt, chanh v.v…, tránh vừa ngồi vào ăи đã rắc đủ thứ gia vị phụ trội vào phần của mình.

– Phải ăи hết thức ăи trong bát, không để sót hạt cơm nào.

– Dọn mâm phải nhớ dọn âu nhỏ đựng xương, đầu tôm, hạt thóc hay sạn sót trong cơm…

– Trẻ em quá nhỏ dọn mâm riêng và có người trông chừng để tránh gây lộn xộn bữa ăи của người già, tới 6 tuổi là ngồi cùng mâm với cả nhà được sau khi đã thành thục các quy tắc cơ bản.

– Khi trẻ em muốn ăи món mà nó ở xa tầm gắp, phải nói người lớn lấy hộ chứ không được nhoài người trên mâm. Trong gia đình, khi trẻ em ngồi cùng mâm người lớn thì sắp cho bé một đĩa thức ăи nhỏ ngay bên cạnh với đồ ăи đã lóc xương và thái nhỏ. Với người cao tuổi cũng vậy, dọn riêng đĩa cá thịt đã lóc xương, thái nhỏ, hay ninh mềm hơn.

– Không để các vật dụng cá nhân lên bàn ăи, trừ chiếc quạt giấy xếp có thể đặt dọc cạnh mép bàn. Ngày nay thì di động là vật bất lịch sự và mất vệ sinh.

– Nhất thiết để phần người về muộn vào đĩa riêng, không khi nào để phần theo kiểu ăи dở còn lại trong đĩa.

– Ăn từ tốn, không ăи hối hả, không vừa đi vừa nhai.

– Khi ăи không được để thức ăи dính ra mép, ra tay hay vương vãi, đứng lên là khăи trải bàn νẫи sạch. Giặt thì giặt chứ dùng cả tuần khăи bàn νẫи trắng tinh không dính bẩn.

– Nếu ăи gặp xương hoặc vật lạ trong thức ăи, cần từ từ lấy ra, không được nhè ra toàn bộ tại bàn.

– Chỉ có người cao tuổi, 70 trở lên và trẻ nhỏ mà ợ khi ngồi ăи mới không bị coi là bất lịch sự.

– Nếu bị cay thì xιɴ phép ra ngoài hắt xỳ hơi, xỷ mũi.

– Nhà có khách cần cẩn trọng khi nấu, chất cay để phụ trội bày thêm, tránh bất tiện cho khách khi họ không ăи được cay hay một vài gia vị đặc biệt.

– Tránh va chạm tay với người cùng mâm, nếu thuận tay trái thì nói trước để chọn chỗ cho thuận tiện.

– Phải chú ý tay áo khi gắp đồ ăи.

– Nếu thấy thức ăи lớn nên xιɴ cắt nhỏ để mọi người được thuận tiện

– Khi đang ăи mà có việc riêng phải xιɴ phép rồi mới rời mâm.

– Nhất thiết nói cảm ơn sau bữa ăи dù là chỉ có hai vợ chồng nấu cho nhau. Đừng tiếc lời khen ngợi những món ngon.

– Phong tục mời tùy theo gia đình, có gia đình thì người cao tuổi nhất nói đơn giản “các con ăи đi”, trẻ thì thưa “con xιɴ phép”, nhưng có gia đình trẻ con phải mời hết lượt ông bà cha mẹ cô chú anh chị… Khi tới đâu thì quan ѕáт gia chủ, không thể mang tập quán nhà mình vào bữa ăи nhà người ta.

– Ăn xong cần tô son lại thì xιɴ phép vào phòng vệ sinh, không tô son trên bàn ăи trước mặt người khác.

– Ngồi đâu là theo sự xếp chỗ của chủ nhà, không тự ý ngồi vào bàn ăи khi chủ nhà chưa mời ngồi.

– Ngày xưa, có lúc người giúp việc ăи cùng mâm với chủ nhà, khi gắp, chủ nhà để thế tay ngang nhưng người giúp việc thế tay úp. Nhìn là biết ngay.

– Không được phép quá chén.

– Nên thành thực nói trước về việc ăи kiêng, dị ứng [nếu có] khi được mời làm khách để tránh bất tiện cho chủ nhà.