...
- Phở còn
là một món ăn rất nhiều quần chúng tính. Ông muốn ăn phở ngồi hay đứng lù lù ra
giữa hiệu mà ăn cũng không ai nói, ăn ngồi ăn đứng tuỳ thích. Phở là món ăn
bình dân. Công nông binh trí, các tầng lớp nhân dân lao động, thành thị, nông
thôn, không mấy ai là không biết ăn phở. Người công dân Việt-nam khi còn ẵm ngửa,
cũng nhiều vị đã nếm phở rồi; chỉ có khác người lớn là cái bát phở của tuổi ấu
trĩ chưa biết đau khổ ấy chưa cần phức tạp, không cần hành hăng, chanh chua, ớt
cay. Con nhà nghèo, nhiều khi lại không cần cả thịt nữa, mà căn bản phở nhi đồng
vẫn là bánh và nước dùng thôi.
- Phở ăn
bất cứ vào giờ nào cũng đều thấy trôi cả. Sớm, trưa, chiều, tối, khuya, lúc nào
cũng ăn được. Trong một ngày ăn thêm một bát phở, cũng như lúc trò chuyện ăn giọng
nhau mà pha thêm một ấm trà, cùng thưởng thức với bạn bè. Hình như không ai nỡ
từ chối một người quen rủ đi ăn phở. Phở giúp cho người thanh bạch đủ điều kiện
biểu hiện lòng thành theo với bầu bạn nó hợp với cái túi nhỏ của mình. Phở còn
tài tình ở cái chỗ là mùa nào ăn cũng thấy có nghĩa thâm thúỵ Mùa nắng, ăn một
bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho
mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại. Trong
một ngày mùa đông của người nghèo, bát phở có giá trị như một tấm áo kép mặc
thêm lên người. Đêm đông, có người ăn phở xong, tự coi như vừa nuốt được cả một
cái chăn bông và tin rằng có thể ngủ yên đến sáng, để mai đi làm khoẻ. Dùng những
hình ảnh bình dị để nói lên mùa đông ở Việt-nam, tôi cho không gì nên thơ bằng
cái hình ảnh một bếp lửa hàng phở bến ô tô nhiều hành khách quây quanh chờ đợi
bát mình, vai rụt xuống một tí, người nhún nhẩy như trẻ em đang thú đời. Tết,
nhà ai cũng bánh chưng, cá kho, thịt đông, nhưng vẫn rất đông người tình cờ mừng
tuổi nhau ở những hiệu phở khai trương từ mùng hai Tết.
- Vì hay
la cà với phở, mà tiếng nói của tôi được chính xác và giầu có thêm lên. Trước
kia tôi cứ tưởng chữ “xương xẩu” là một tiếng đôi, và chữ xẩu chỉ là một tiếng
đệm. Ông hàng phở đã làm cho từ ngữ tôi hôm ấy thêm lên một danh từ. Xẩu khác với
xương, dùng để chỉ những cái đầu xương phở có dính thịt và gân róc chưa hết.
Tôi đã thấy những người phu xe kéo vào hiệu phở gọi một chén rượu với một
bát xẩu. Tôi còn được nghe một ông phở khác nói đến mỡ gầu, cái tảng thịt dắt mỡ
quí giá nó không béo quá, mà lại quánh như sáp, ròn và mềm ấy mà gọi là một
cánh gầu; và lúc cầm vào cân thịt tái, thịt tươi còn nhảy lên dưới làn dao, mà
gọi là một quả thăn. Trong tiểu thuyết Việt-nam trước đây, nhớ người ta có viết
cái truyện “Anh hàng phở lấy vợ cô đầu”. Tôi còn được nghe một cô điếm ngày xưa
ví von than đời tàn ” đời hồi này như một gánh phở bánh trương mỡ nguội đóng váng”.
Phở nguội tanh thật là buồn hơn cả cái sự đời cô gái thập thành bị ma cô lừa bỏ.
Chữ nghĩa của ta hay thật ! Người ta bảo chữ phở là xuất xứ từ chữ “ngưu nhục
phấn”, và ta đã Việt-nam hoá chữ phấn thành ra chữ phở... Chữ nghĩa của ta hay
thật !
...
Thật ra,
ăn phở cho đúng, đúng cái "gu" của phở, phải ăn thịt chín. Thịt chín
thơm hơn thịt tái, mùi thơm miếng thịt chín mới biểu hiện đúng cái tâm hồn của
phở. Thêm nữa, về mặt nhận thức tạo hình, người thẩm mỹ bao giờ cũng thấy miếng
thịt chín đẹp hơn miếng thịt tái. Thường những hiệu phở không tự trọng, hay
thái sẵn thịt chín, thái cứ vụn ra không thành hình thù gì cả, ai đến gọi là rắc
vào bát. Có thể việc ấy không hề gì với khách hàng không cần ăn no vội. Nhưng
cũng trong một cái hiệu vẫn thái thịt vụn ra ấy, ông chủ phở rất là phân biệt đối
xử và không san bằng các thứ khách: đối với những khách quen, với những người
có thể ông chưa biết quí danh nhưng ông đã thuộc tính ăn, những người cầu kỳ ấy
mà bước vào hiệu, là ông đã đặt ngay tay dao vào những khối thịt chín đặc biệt
như khối nạm ròn, nạm dắt hoặc khối mỡ gầu, thái ra những miếng mỏng nhưng to bản,
với cái sung sướng bình tỉnh của một người được tỏ bày cái sở trường của mình
trong nghề. Ông nào ăn phở mà có chất hoạ thì thấy muốn vẽ tranh tĩnh vật ngay.
Có những lúc ông phở ấy gắt, gắt với vợ ông, vì ông thái không đẹp. Một ông làm
đầu bếp hiệu chim quay trong hồi Hà nội chiếm đóng, nay cũng ra mở phở và thích
múa dao nói chuyện với khách về cái khoa thái. "Chặt thái loài có cánh đã
khó, mà thái miếng thịt bò không xương còn khó hơn. Tôi dạy mãi mà đàn bà nhà
tôi vẫn không làm được, đàn bà thường chỉ thái bánh thôi".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét