21/05/2024

Cây hương đá chùa Tứ Kỳ

st trên net

 

Với tạo hình mang đậm triết lý Phật giáo, cây hương đá chùa Tứ Kỳ thể hiện sự phát triển của đạo Phật và đời sống tôn giáo, tín ngưỡng thời Lê Trung Hưng.

Vào năm 1959, trên một gò đất nhỏ thuộc khuôn viên chùa Tứ Kỳ (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội), người ta đã tìm thấy một cây hương đá có kích thước to lớn, chạm khắc rất tinh xảo.

Sau đó, cây hương đá chùa Tứ Kỳ được đưa về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Theo đo đạc, hiện vật cao 270 cm, rộng 87 cm, được chia thành ba phần: Đỉnh, thân và bệ.

Phần đỉnh cây hương đá gồm hai phần: Đế và bát hương. Phần đế hình bát giác, phía dưới chạm băng cánh sen, phía trên chạm hoa cúc, sen.

Phần bát hương hình tròn đặc, gờ miệng thẳng, cao, loe rộng trang trí băng cánh sen, trên mặt có 5 lỗ. Thân bát hương phình ra, được tạo bởi đôi rồng quấn thân vào nhau chầu mặt trời.

Phần thân cây hương là cột trụ đá cao 150 cm, gồm 8 mặt. Mỗi mặt cạnh đều thống nhất cách trang trí: Phần giữa là minh văn, trên và dưới trang trí hoa văn.

Ở phía trên phần thân là 8 hình chim phượng xen lẫn trong mây trên cụm mây hoa đao lửa cách điệu với 8 tư thế bay, đậu khác nhau.

Phía dưới trang trí đề tài rồng và rồng đuôi cá trên sóng nước, xen kẽ là hình hạc và đôi hổ vờn mây lửa.

Bài minh văn trên cây hương chùa Tứ Kỳ cho biết lý do và tên người cho dựng cây hương. Đó là một vị quan đương triều tên là Đỗ Lịch, vì tôn vua kính trời và để lại công đức về sau nên đã dựng “thạch đài” để truyền đến muôn đời.

Thời điểm dựng cây hương được ghi là năm Bính Ngọ, niên hiệu Cảnh Trị, đời vua Lê Huyền Tông, thời Lê trung hưng (1666). Bài minh văn cũng cho biết lượng ruộng đất được cung tiến để hàng năm lo việc cúng tế, giỗ chạp…

Phần bệ cây hương tạo hình chân quỳ trang trí vân mây, bên trên trang trí băng cánh sen và đường gờ nổi khối. Các ô trang trí trên bệ có các hình long mã vờn mây, hoa cúc, hoa sen cách điệu, hoa đao lửa cách điệu…

Theo hồ sơ bảo vật, cây hương chùa Tứ Kỳ có những nét khác biệt so với các cây hương cùng thời. Trước hết, đây là cây hương được tạo tác vào thời Lê Trung Hưng có kích thước lớn nhất từng biết. Hầu hết các cây hương khác được phát hiện cao dưới 200 cm, rộng dưới 50 cm.

Đa phần các cây hương thời Lê Trung Hưng đều có bệ vuông, phần cột trụ vuông 4 cạnh, rất ít trường hợp có 6 cạnh, còn 8 cạnh như cây hương chùa Tứ Kỳ là duy nhất được biết đến.

Cây hương chùa Tứ Kỳ cũng có nghệ thuật điêu khắc, tạo hình, đề tài trang trí rất phong phú, sinh động, trong khi đại đa số các cây hương cùng thời chủ yếu để trơn hoặc trang trí đơn giản.

Với tạo hình mang đậm triết lý Phật giáo, hiện vật đã thể hiện sự phát triển của đạo Phật và đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt thời Lê Trung Hưng.

Minh văn trên cây hương là tư liệu giá trị trong việc nghiên cứu chế độ ruộng đất thời Hậu Lê, thế kỷ 17. Cụ thể, đó là việc công đức ruộng đất vào chùa, lấy làm hương hỏa cho chùa (ruộng hậu) được kế thừa, phát huy.

Với những ý nghĩa to lớn về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, cây hương đá chùa Tứ Kỳ đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam vào ngày 25/12/2021.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét