04/09/2024

Chút chuyện về ấm và thú uống trà

Mấy mẫu ấm Tử sa  cổ

Cũng là người mê trà, nghiện trà và sưu tầm đồ pha trà nên mình có vài suy nghĩ lan man, chia sẻ cùng các đồng đạo.

Ấm Tử sa (cát - sét tím) có thể độ chục năm gần đây mới nhận được sự quan tâm, chú ý của giới trà đạo Việt. Có lẽ nhiều lý do, nhưng chắc có phần là hàng Trung Quốc vào nhiều, giá hợp lý; kiểu dáng đẹp, mẫu mã phong phú hơn so với hàng trong nước nên được yêu thích, sưu tầm. 

Chứ ngày xưa, các cụ nhà ta khá giả dùng ấm cổ thường khoe ấm gan gà Thế Đức, Lưu Bội, Mạnh Thần cơ. Cũng là tử sa Nghi Hưng  nhưng nay không còn làm nữa.

Đất làm ấm là loại đất sét, đá, có chứa thạch anh, mica, cao lanh, sắt... gì đó tuỳ thuộc vào vùng gốm nhưng làm ra đất là một quá trình vô cùng cầu kỳ, mất thời gian lại dựa vào bí truyền của từng nghệ nhân: Đất mỏ các loại đem ngâm vào nước trong bể to theo một tỷ lệ nào đó trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, thậm chí lâu hơn; hỗn hợp này bị nát ra được đánh tan trộn đều cho vào bể lắng, đất sét được lắng xuống đáy còn tạp chất nổi lên trên và bị loại bỏ; Chắt lọc ra đất tinh đem phơi trong râm khoảng 3 đến 5 ngày rồi cho vào bể ủ để đất lên men. Thời gian ủ càng lâu thì đất càng tốt, làm ra các sản phẩm tinh tế.

Ấm Tử sa là loại ấm đất, không tráng men được nung ở nhiệt độ cao trên 1.000 độ và thường có màu tím - Nó xuất sứ từ vùng Nghi Hưng, Trung Quốc. Ấm xuất hiện từ thế kỷ 15 và nổi danh dưới thời nhà Thanh cho đến nay.

Ở Việt nam mình, cũng có loại ấm tương tự này gọi là ấm da chu (ấm đất nung, không tráng men màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm - nhỏ khoảng hơn 100ml) nhưng thường đi với bộ chén hạt mít từ 3 đến 7 cái; chứ ấm Tử sa thường dùng  chén sứ - nay cải lương nên có cả chén tử sa. Ngày xưa, ấm da chu thường có 2 lớp, về sau thất truyền. Nay ấm da chu ít được dùng và chỉ còn rải rác trong dân gian

Ấm da chu và ấm đất của Việt Nam có thiết kế giản dị, chú trọng đến sự tinh tế và công năng hơn là yếu tố trang trí. Những chiếc ấm này có bề mặt mộc, thường không trang trí, vẽ hình, phản ánh phong cách thưởng trà thanh nhã của người Việt. Ấm có dáng vẻ trầm lắng, cổ điển, phù hợp với phong cách uống trà mạn của dân ta. Ấm uống trà nhiều, lâu đời có vẻ ngoài mịn bóng.


Bộ ấm da chu 2 lớp do các Cụ truyền lại cho mình.


Ấm Tử sa được làm ra từ các nguyên liệu và cách nung khác nhau. Ví dụ như đất là: Đế Tào Khang, Tử Nê, Thanh thuỷ Nê, Ngọc sa liệu, Ngũ sắc thổ, Tử kim sa, Tử ngọc kim sa... nên tạo ra các sắc màu khác nhau cho ấm.

  

Một vài mẫu đất đá làm nguyên liệu tạo ấm Tử sa.

Ấm Tử sa có nhiều dáng kiểu, điển hình và phổ biến như: Tây thi, Thạch biều, Văn đán, Chuyết cầu, Đức chung, Phan hồ, Tiếu anh, Thuỷ bình, Long đán...



Nhưng nói thật với các bạn, qua tìm hiểu, tôi thấy: Với giá tiền tầm vài triệu trở xuống thì đều là ấm đất sét tím mà thôi chứ đừng mong có đất khoáng tử sa đâu ạ.


Ấm tử sa Phỏng cổ và bộ chén sứ Thanh Hoa - Cảnh đức 
mình đang dùng.



Nói ấm Tử sa pha trà là ngon nhất là điều cần phải nghĩ, bàn. Vì tuỳ nền văn hoá, phong cách uống trà và loại trà ta pha và cách pha trà sẽ có các đánh giá khác nhau. 

Mà muốn thưởng thức trà ngon ta phải quan tâm lần lượt: Nhất nước, nhị trà, tam pha, tứ ấm. Tỷ dụ như trà móc câu Tân Cương, thì nên ưu tiên ấm sứ, ấm có tráng men trước - còn ấm Tử sa là để dành cho những người sành trà hoặc pha các loại trà Tàu. 

Về nước pha trà, được nước mưa, nước giếng là tốt chứ nước nguồn thì chỉ có lên non mới có; nước máy muốn pha ngon phải để qua đêm ngoài sân mới dùng; chớ lấy nước đóng chai, bình pha mà nhạt thếch.

Những người có thú uống trà đã đưa ra 5 chuẩn mực như “Sắc-thanh-khi-vị-thần” để thưởng thức nhưng không phải lúc nào cũng tròn vị. Nói vậy thôi chứ, tìm bạn cùng thưởng trà còn khó hơn tìm bạn rượu nhiều.

Vậy nên, có trà, có ấm,... có bạn tri kỷ cùng nâng chén không dễ các bạn nhỉ.

Mời các bạn tham khảo thêm bài Chén trà trong sương sớm của Nguyễn Tuân:

https://trabavan.com/chen-tra-trong-suong-som/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét