Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh
Trích từ http://vi.wikipedia.org/wiki/batnhatamkinh
(phiên latinh từ Phạn ngữ: Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra, Prajnaparamitahridaya Sutra; Anh ngữ: Heart of Perfect Wisdom Sutra, tiếng Hoa: 般若波羅蜜多心經; âm Hán Việt: Bát nhã ba la mật đa tâm kinh) còn được gọi là Bát-nhã tâm kinh, hay Tâm Kinh. Đây là kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông. Nó cũng là kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn.
Kinh này được hầu hết các Phật tử tại Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, Tây Tạng, và Trung Quốc biết đến và rất thường dùng trong việc đọc tụng.
Hoan hỷ thay.
TuanLong trân trọng.
Lịch sử
Tình trạng xuất hiện của kinh này không được các tác giả thống nhất. Thời điểm ra đời của nó có thể là từ năm 100 TCN đến thế kỷ thứ 2 và một số tác giả cho rằng bài kinh này do bồ tát Long Thọ (Nàgàrjuna) viết.
Bản kinh phổ biến nhất ở Việt Nam là bản của sư Trần Huyền Trang (Tam Tạng) sau khi thỉnh kinh về đã dịch lại vào năm 649. Trước đó đã có nhiều sư dịch từ tiếng Phạn ra Hán ngữ trong đó có Cưu Ma La Thập (402-412), Nghĩa Huyền, Pháp Nguyệt, Bát Nhã và Lợi Ngôn, Trí Tuệ Luận,Pháp Thành, và Thi Hộ.
Kinh cũng đã được sự chú giải của rất nhiều sư từ nhiều quốc gia. Riêng ở Việt Nam, người chú giải kinh này đầu tiên là thiền sư Đạo Tuân Minh Chánh ở chùa Bích Động (tỉnh Ninh Bình) thời vua Minh Mạng.
Dị bản
Về đại cương thì các bản văn đều khá rõ và giống nhau nhưng về chi tiết ngay các bản chữ Phạn để lại cũng có chi tiết khác nhau. Dĩ nhiên là trong các bản dịch đều có những chi tiết khác nhau nhỏ (tiếng Hán, tiếng Pháp và tiếng Việt).
Trong thập niên cuối của thế kỷ 19 thì bản kinh mới được Samuel Beal dịch ra Anh ngữ.
Toàn bộ bộ kinh lớn Đại Bát Nhã cũng đã bị quân Hồi giáo tiêu hủy khi họ đánh chiếm Đại học Phật giáo Nalanda. (Xem thêm Lịch sử Phật giáo.)
Khi so lại bản dịch phổ biến hiện nay hầu hết dịch lại từ bản Hán ngữ của sư Trần Huyền Trang với một phiên bản khác còn lưu lại được trong Tạng ngữ thì bộ kinh này thiếu vắng phần khai kinh và phần kết luận hoan hỉ vâng làm theo của chư vị nghe giảng kinh. Trong bản dịch từ Tạng ngữ, phần này vẫn còn đầy đủ
Nội dung
Bản dịch tiếng Việt
Bản dịch đầy đủ
-
- Như vầy một lần tôi nghe:
-
- Thế Tôn ở thành Vương Xá trên đỉnh Linh Thứu sơn cùng với đại Tăng đoàn và nhiều chư Bồ-tát, vào thời điểm đó, Thế Tôn đã đang nhập chánh định về các Pháp giới phân biệt gọi là Cảnh giới trình hiện thậm thâm. Cũng chính tại thời điểm đó, Thánh giả Quán Tự Tại Bồ-tát, một đại thiện tri thức, thực hành thâm diệu Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa, ngài thấy được ngay cả năm uẩn cũng đều thiếu vắng tự tính. Sau đó, thông qua năng lực gia trì của đức Phật, tôn giả Xá-lợi-phất thông bạch với thánh giả Bồ-tát Quán Tự Tại rằng: "Thiện nam tử nên phát tâm rèn luyện thực hành thâm sâu pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế nào?".
-
- Khi điều này được hỏi, Thánh giả Quán Tự Tại Bồ-tát đáp lời tôn giả Xá-lợi-phất rằng: "Này Xá-lợi-phất! Các thiện Nam tử, thiện nữ nhân phát tâm thực hành pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm diệu nên thấy như sau. Họ nên soi thấy đúng đắn, xuyên suốt và tái lặp là đến cả năm uẩn cũng đều thiếu vắng về tự tính. Sắc tức là không, không tức là sắc. Không [hoạt hành] chẳng khác chi sắc, sắc [hoạt hành] cũng chẳng khác chi Không. Tương tự, thọ, tưởng, hành thức thảy đều là Không.
- Xá-lợi-phất, bởi thế, mọi hiện tượng đều là Không – thiếu vắng các đặc tính xác định; chúng không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm.
-
- Cho nên, Xá-lợi-phất, trong Không, không có sắc, không thọ, không tưởng, không hành, không thức; không có nhãn, không nhĩ, không tỷ, không thiệt, không thân, không ý; không sắc, không thanh, không hương, không vị, không xúc, không pháp. Không có nhãn giới và vân vân cho đến không có ý thức giới. Không có vô minh cũng không có diệt hết vô minh, và vân vân cho đến không có già, chết cũng không có diệt hết già chết. Không có khổ, tập, diệt đạo. Không có trí huệ, không có chứng đắc, cũng không có không chứng đắc.
-
- Xá-lợi-phất, vì không có chứng đắc nên do đó Bồ-tát an trụ theo Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Vì tâm không uế chướng nên không sợ hãi, vượt khỏi sai lầm, đạt cứu cánhniết-bàn.
- Tất cả chư Phật, an trụ trong tam thế tỉnh thức viên mãn và thấu suốt, cũng y theo Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa mà được vô thượng, chánh đẳng, chánh giác.
-
- Do vậy, phải biết được rằng chú Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa – vốn là đại tri chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là ngang bằng với vô đẳng chú, diệt trừ được mọi khổ não – là chân thật vì nó không sai sót. Chú Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa được tuyên thuyết như sau:
-
- tadyatha - gate gate paragate parasamgate bodhi svaha!(Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, hoàn toàn vượt qua, tìm thấy giác ngộ)
-
- Này Xá-lợi-phất, bằng cách này, các vị đại Bồ-tát nên hành trì trong Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa thâm diệu."
-
- Sau đó, Thế Tôn xuất khỏi chánh định và tán dương Thánh giả Quán Tự Tại Bồ-tát rằng: "Lành Thay!"
-
- Ngài nói: "Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử, Đúng là vậy. Phải nên hành trì Trí huệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa thâm diệu như cách ông nói. Ngay cả các Như Lai cũng đều hoan hỷ!"
-
- Thế tôn nói xong, tôn giả Xá-lợi-phất, Quán Tự Tại Bồ-tát, toàn thể đoàn tùy tùng chung quanh, và giới chúng sinh bao gồm trời, người, a-tu-la, và càn-thát-bà đều hoan hỷ và tán thán điều Thế Tôn dạy.
Bản dịch phổ thơ lục bát
-
- Khi hành Bát Nhã Ba La
- Ngài Quán Tự Tại soi ra tột cùng
- Thấy ra năm uẩn đều Không
- Bao nhiêu khổ ách khốn cùng độ qua
- Nầy Xá Lợi Tử xét ra
- Không là sắc đó, sắc là không đây
- Sắc cùng không chẳng khác sai
- Không cùng sắc vẫn sánh tài như nhau
- Thọ, tưởng, hành, thức uẩn nào,
- Cũng như sắc uẩn, một màu không không
- Nầy Xá Lợi Tử ghi lòng
- Không không tướng ấy, đều không tướng hình
- Không tăng giảm, không trược thanh
- Cũng không diệt, cũng không sanh pháp đồng
- Vậy nên trong cái chơn không
- Vốn không năm uẩn, cũng không sáu trần
- Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân
- Vị, hương, xúc, pháp, cùng phần sắc, thinh
- Từ không giới hạn mắt nhìn
- Đến không ý thức, vô minh cũng đồng
- Hết vô minh, cũng vẫn không
- Hết già, hết chết, cũng không có gì
- Không khổ, tập, diệt, đạo kia
- Trí huệ chứng đắc cũng là không không
- Sở thành, sở đắc bởi không
- Các vì Bồ Tát nương tùng huệ năng
- Tâm không còn chút ngại ngăn
- Nên không còn chút băn khoăn sợ gì
- Đảo điên mộng tưởng xa lìa
- Niết Bàn mới đến bên kia bến bờ
- Ba đời chư Phật sau, xưa
- Đắc thành Chánh Giác cũng nhờ huệ năng
- Trí huệ năng lực vô ngần
- Đại Minh vô thượng, Đại Thần cao siêu
- Trí huệ năng lực có nhiều
- Thật là thần chú trừ tiêu não phiền
- Trí huệ năng lực vô biên
- Dẫn đường giải thoát qua bên giác ngàn
- Liền theo lời chú thuyết rằng:
- Độ tha giác ngộ khắp trần chúng sanh.
- Yết đế, yết đế
- Ba la yết đế
- Ba la tăng yết đế
- Bồ đề Tát bà ha
Bản dịch giản lược
- MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH
- Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã ba la mật đa thời, liền soi thấy năm uẩn đều không, độ tất cả khổ ách.
- Này Xá Lợi tử, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế. Này Xá Lợi tử, tướng Không của mọi pháp không sinh không diệt, không nhơ không sạch, không tăng không giảm.
- Cho nên trong Không không có sắc; không có thọ, tưởng, hành, thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có nhãn giới cho đến ý thức giới; không có vô minh, cũng không có cái hết vô minh, cho đến không già chết, cũng không có cái hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo; không có trí tuệ, cũng không có chứng đắc, vì vốn không có chỗ chứng đắc.
- Bồ tát y theo Bát nhã ba la mật đa nên tâm không ngăn ngại. Vì tâm không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, đạt tới cứu cánh niết bàn. Chư Phật ba đời đều y theo Bát nhã ba la mật đa được đạo quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
- Bát nhã ba la mật đa là chú đại thần, là chú đại minh, là chú vô thượng, là chú vô đẳng đẳng, nên diệt trừ tất cả khổ, chân thật không hư. Liền nói bài chú ấy rằng: “Gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā” (3 lần)
Bản dịch Việt ngữ của Thi Vũ
-
- KINH RUỘT TUỆ GIÁC SIÊU VIỆT
- Khi tiến sâu vào nguồn mạch của Tuệ giác Siêu việt, Kẻ Tỉnh thức Quán khổ Trừ nguy nhận chân ra năm hợp thể và thấy suốt tự tánh Không của chúng, liền độ thoát mọi khổ ách.
- “Này người con dòng Sari, hình thể là chân không, chân không là hình thể. Chân không chẳng khác hình thể, hình thể chẳng khác chân không. Mọi hình thể đều chân không, mọi chân không đều hình thể. Cảm xúc, nhận thức, tạo ứng hay ý thức đều như thế cả.
- Này người con dòng Sari, mọi hiển tướng đều mang tự tánh Không. Mọi hiển tướng đều không sinh không diệt, không dơ không sạch, không hề thêm cũng chẳng hề bớt.
- Bởi lẽ đó, này người con dòng Sari, trong chân không không có hình thể, không có cảm xúc, không có nhận thức, không có tạo ứng, không có ý thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có hình, tiếng, mùi, vị, sờ chạm, hiển tướng; không có đối tượng của mắt, suốt đến đối tượng của ý thức cũng không; không có vô minh, không có chấm dứt vô minh, cho đến không có già, chết, cũng không có hết già, chết; không có khổ, không có nguyên nhân của khổ, không có giải thoát, không có con đường giải thoát; không có trí giác, không có tựu thành, vì chẳng có quả vị gì để thành tựu.
- Bởi thế, này người con dòng Sari, nhờ an nhiên bất động với mọi thành quả cá nhân, Kẻ Tỉnh thức nương vào Tuệ giác Siêu việt thoát ly các niệm tưởng. Nhờ ly niệm nên không còn sợ hãi, thắng lướt mọi ảo vọng, và hóa hiện tính an như. Các đấng giác ngộ trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều nương theo Tuệ giác Siêu việt mà phát hiện Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
- Cho nên, phải biết rằng Tuệ giác Siêu việt là linh ngữ kỳ vĩ, linh ngữ của huệ trí, linh ngữ tối hậu vô song, mang khả năng lay đổ mọi nghịch cảnh khổ đau. Linh ngữ thoắt sinh từ Tuệ giác Siêu việt này là sự thật, không mảy may dối trá. Câu linh ngữ có khả năng giải phóng đó là: “Độ, độ, siêu suốt mình và độ thoát mọi sinh dân. Giải thoát! Tất thảy cùng về an nhiên nơi chốn.”
Giải nghĩa câu chú
Tiếng Phạn | ||||
---|---|---|---|---|
Chữ Devanāgarī | Chữ Latin hóa | Phát âm (theo IPA) | Âm Hán Việt | Dịch nghĩa |
गते गते | Gate gate | [gəteː gəteː] | Yết đế, yết đế | Vượt qua, vượt qua |
पारगते | Pàragate | [pɑːɾə gəteː] | Ba la yết đế | Vượt qua bờ bên kia |
पारसंगते | Pàrasaṃgate | [pɑːɾəsəm gəteː] | Ba la tăng yết đế | Vượt qua hoàn toàn |
बोधि स्वाहा | Bodhi svàhà | [boːdɦɪ sʋɑːhɑː] | Bồ đề tát bà ha | Tuệ giác Thành tựu. |
Theo giảng giải của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 thì mỗi chữ trong câu chú trên tương ứng với một lộ trình tu tập Bồ-tát giới từ thấp đến cao đó là:
- gate—Lộ trình tích lũy hay tích lũy đạo
- gate—Lộ trình chuẩn bị hay gia hành đạo
- paragate—Lộ trình tri kiến hay kiến đạo
- parasamgate—Lộ trình thiền định hay tu tập đạo
- bodhi—Lộ trình vô học hay vô lậu học đạo
Bản dịch Hán
Bản này do Đường Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch.
觀自在菩薩。行深般若波羅蜜多時。照見五蘊皆空。度一切苦厄。舍利子。色不異空。空不異色。色即是空。空即是色。受想行識亦復如是。舍利子。是諸法空相。 不生不滅。不垢不淨不增不減。是故空中。無色。無受想行識。無眼耳鼻舌身意。無色聲香味觸法。無眼界。乃至無意識界。無無明。亦無無明盡。乃至無老死。亦 無老死盡。無苦集滅道。無智亦無得。以無所得故。菩提薩埵。依般若波羅蜜多故。心無罣礙。無罣礙故。無有恐怖。遠離顛倒夢想。究竟涅槃。三世諸佛。依般若 波羅蜜多故。得阿耨多羅三藐三菩提。故知般若波羅蜜多。是大神咒。是大明咒是無上咒。是無等等咒。能除一切苦。真實不虛故。說般若波羅蜜多咒即說咒曰 揭帝揭帝 般羅揭帝 般羅僧揭帝菩提僧莎訶
Bản phiên âm Hán-Việt
- Quán-Tự-Tại Bồ-Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ-uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
- "Xá-Lợi-Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị.
- Xá-Lợi-Tử! thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.
- Thị cố không trung vô sắc,vô thọ, tưởng, hành, thức.
- Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới.
- Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận.
- Vô khổ, tập, diệt, đạo, vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn.
- Tam thế chư Phật, y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam bồ-đề.
- Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
- Cố thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú. Tức thuyết chú viết:
- Yết-đế, yết-đế, Ba-la yết-đế. Ba-la-tăng yết-đế Bồ-đề tát-bà-ha."