21/01/2015

Đội đặc nhiệm TK1 (chương 2)

Chương II


Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13

14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối


Xe chúng tôi ngược lên miền tây Quảng Bình vượt biên giới sang đất Lào rồi hướng về phía nam. Vì có lệnh ưu tiên, lại đi đúng dịp đường đang khô nên xe chạy khá nhanh. Buổi chiều ngày thứ ba, chúng tôi đến được một trạm giao liên phía bắc đường Chín. Từ đây vào xe phải chạy đêm. 

Đêm cuối cùng chúng tôi đi vào một con đường vắng, hai bên cây cối rậm rạp. Quầng sáng vàng nhạt của bóng đèn gầm lướt trên luống cỏ tốt bời bời giữa hai làn vết bánh xe. Đồng chí thiếu tá cho biết nhánh đường này ít xe qua vì ta đã mở một tuyến khác thuận lợi hơn. Hầu như suốt đêm xe hết bò lên dốc lại xuống dốc, lắc lư nghiêng ngả, lúc lúc lại nẩy chồm chồm trên những khúc đường xấu. Cành lá quật ràn rát trên mui vải bạt. 

Đến bốn giờ sáng, xe chạy chậm lại. Đồng chí thiếu tá ngoái bảo: "Sắp đến nơi, các đồng chí chuẩn bị!" Khi xe dừng bên một con suối lớn, chúng tới mang ba lô xách súng nhanh nhẹn nhảy xuống. Đồng chí thiếu tá cũng đã xuống xe, đứng bên đường chỉ lối rẽ. Từng người một bắt tay anh, chạy tới vỗ nhẹ vào vai đồng chí lái xe thay lời chào, rồi nối nhau lủi nhanh vào rừng. Giờ mới thực sự là những bước đầu tiên của chuyến đi. Tôi bước chệnh choạng trên cỏ, người như vẫn còn lắc lư chao đảo theo nhịp xe lắc. Phía sau lưng, chiếc xe đang rồ máy quay đầu trở về. 
Đi được hơn cây số, anh Đằng cho tổ nghỉ lại. Anh cầm súng đứng cảnh giới, bảo chúng tôi ngả lưng vào ba lô ngủ một lát, đợi sáng sẽ đi tiếp. 
Khi mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên xuống dải sương trắng là là mặt suối, anh Đằng giục mọi người lấy nước vào bi đông, chuẩn bị lên đường. Xung quanh yên tĩnh, tiếng chim hót lảnh lót khắp nơi. Tôi có cảm giác là lạ, sau mới nghĩ ra là do nhìn thấy mặt trời nhô lên từ sau ngọn núi và dòng suồl chảy từ đông sang tây. 
Chúng tôi xốc ba lô lên vai, khoác súng lội qua đoạn suối cạn rồi bước lên bờ dốc mọc đầy những cây lau bông trắng muốt đọng sương ướt sũng. Anh Đằng đi trước, khẩu AK nới dây dài mang thòng trước ngực, tay cầm dao phát nhánh cây lấy lối đi. Cả những ngày sau này, anh và anh Hùng thay nhau mở đường. Các anh tự nhận lấy công việc nặng nhọc nhất lúc đi rừng. 
Suốt buổi sáng, chúng tôi đi mải miết trong khu rừng rậm, chỉ dừng lại khi cần xác định phương hướng. Đường không dốc lắm nhưng khó đi vì cây bụi và cây dây leo mọc chằng chịt. Có lúc phải từng người lần lượt nối nhau chui qua một vòm cây rậm rạp, tối om như lỗ cống. 
Anh Hùng gỡ hộ tôi nhánh cây vướng nhùng nhằng sau ba lô và nói: 
- Cố lên! Sắp hết quãng rậm rồi. 
- Sao anh biết? 
- Đây là cánh rừng ven con suối lúc nãy, đất thấp ẩm nên cây cối mọc rậm. Lên cao sẽ thoáng hơn. 
Đến gần trưa thì đường đã dễ đi. Vẫn những khu rừng có nhiều tầng cây mọc chen chúc nhau, nhưng thưa hơn. Từng chùm tia nắng xuyên tán lá soi qua bóng râm làm rừng sáng lên. 
Quá trưa, cả tổ dừng lại trên một triền dốc. Vì không gặp nước nên chúng tôi quyết định ăn lương khô, nghỉ khoảng một tiếng sẽ đi tiếp. 
Ở mấy cánh rừng đi qua trong buổi chiều, thỉnh thoảng lại gặp dấu vết của con người: vài vết chém trên nhánh cây, một đống tro tàn bên mấy hòn đá ám khói..., chứng tỏ nơi đây vẫn có người đặt chân tới. Có thể là thợ săn, có thể bộ đội ta, cũng có khi thám báo địch. 
Chừng bốn giờ chiều, chúng tôi tụt xuống một bờ dốc và may mắn gặp được con suối nhỏ, nước chỉ ngập ngang bắp chân nhưng trong vắt. Anh Đằng chọn vạt đất trống tương đối bằng phẳng để nghỉ đêm. 
Vừa đặt ba lô xuống, anh Hùng xách súng nhao đi ngay. Anh Đằng vặn lưng cho đỡ mỏi rồi cùng anh Sơn nhặt cành khô nhóm lửa. Tôi lấy gạo vào hai chiếc gô đem xuống suối vo sạch, đổ nước vào và xách lên. Bếp đã làm xong: hai chiếc nạng đóng hai bên đống lửa, một nhánh cây tươi gác ngang bên trên. Tôi luồn quai gô vào nhánh cây, treo trên lửa để nấu cơm. 
Anh Hùng trở về, tay cầm mấy nhánh lá xanh. Anh Đằng hỏi: 
- Thế nào Hùng?
- Êm lắm! Xung quanh không thấy dấu vết gì, cũng không có dấu cọp.
Tôi biết anh vừa đi một vòng quanh chỗ trú đêm để xem xét, nhưng không hiểu anh bẻ mấy nhánh lá làm gì.
- Lá gì vậy, anh Hùng - Tôi hỏi. 
- Cậu nếm xem - Anh nói và chìa nhánh lá ra. 
Tôi vặt một chiếc lá đưa lên miệng nhấm, vị chua thấm vào đầu lưỡi làm nước bọt tiết ra. Tôi thốt lên: 
- Lá bứa! Thế mà em không nhận ra. 
- Vitamin C đấy! Tối nay ta sẽ nấu món canh chua. 
Thay nhau tắm rửa xong, chúng tôi quây quần bên hai gô cơm bốc hơi nghi ngút và soong canh lá bứa nấu với thịt hộp do anh Hùng “đạo diễn". Bữa cơm còn có món thịt kho rim mà chiều qua đồng chí thiếu tá đã chu đáo dặn trạm giao liên gói cho chúng tôi mang theo. Mọi người đều ăn rất ngon miệng. Khi nghe tôi xuýt xoa khen món canh chua, anh Hùng cười hể hả: 
- Rồi cậu còn được biết nhiều món ngon! Rừng không phụ lòng người bao giờ! 
Cơm xong thì trời cũng chạng vạng tối. Những âm thanh náo nức sôi động của cuộc sống rừng già lúc ban ngày đã ắng lại, chỉ còn nghe tiếng lá rì rào, tiếng con suôn nhỏ róc rách chen lẫn tiếng vài con chim mải kiếm mồi giờ mới vội vã bay về tổ.

Chúng tôi mắc võng ngủ trên cành cao, sau khi đã dập tắt đống lửa. Ở đây chưa xa đường giao thông là mấy, cần đề phòng bọn thám báo phát hiện ra ánh lửa. Lúc chiều tôi có nghe tiếng máy bay L.19 lượn hướng con đường xe đi đêm trước. 


Vừa đặt mình xuống võng, tôi đã ngủ say như chết. Có lẽ do hai đêm trước chỉ gà gật trên xe và cả ngày đi đường mệt nhọc. 

Sáng hôm sau, tôi tỉnh giấc khi trời vừa rạng. Từ trên cành cây cao có thể nhìn thấy nền trời ửng hơn sau đỉnh núi. Anh Sơn gọi với lên: 

- Cẩn thận, đừng tưởng là ngủ dưới đất đấy nhé! 

Thì ra các anh ấy đã dậy cả. Anh Hùng đang ngồi bên bếp lửa, từ chiếc soong treo trên bếp vọng ra tiếng sôi ùng ục. Tôi tháo võng nhét vào ba lô ôm tụt xuống đất, ngượng nghịu: 
- Sao các anh không gọi em? 
- Còn sớm, vội gì? - Anh Hùng trả lời rồi đưa thìa lên miệng nếm, xuýt xoa vì nóng. 
Tôi xuống suối rửa mặt, lấy nước vào bi đông và trở lên ngồi cạnh anh Sơn. 
- Hôm qua mình đi được nhiều chưa anh? - Tôi hỏi. 
- Đi nhiều nhưng được thì chưa bao nhiêu? - Anh Sơn cười nhét chiếc địa bàn vào túi áo ngực. 
Sống với nhau mới mấy ngày mà tôi thấy tính anh rất dễ mến. Anh hiền lành ít nói, nhưng lại có cách nói chuyện rất có duyên. Mọi việc anh đều tỏ ra thành thạo không kém gì anh Đằng và anh Hùng. Trong tổ chỉ mình tôi là vụng. Không hiểu sao anh Hai Nguyên lại chọn tôi?
Bữa sáng có món cháo gạo nấu đặc ăn với đường. Sau khi ăn xong, chúng tôi sắp xếp ba lô chuẩn bị ra đi. Tôi cùng anh Hùng dập tắt đống lửa rồi xóa hết mọi dấu vết. 
Mấy ngày sau đó, cảnh rừng chúng tôi đi qua vẫn như ngày đầu. Cũng những cây cổ thụ sừng sững, những lùm cây bụi cành lá lòa xòa quệt vào mặt, những cây dây leo đôi lúc níu chân người kéo giật trở lại. Đường đi hết lên dốc rồi xuống dốc, nhưng tôi biết mình đang đi lên cao. Thỉnh thoảng lại gặp một cái khe nhỏ len lỏi qua những tảng đá, nước trong vắt và mát lạnh. 
Bây giờ đang cuối mùa xuân. Trong những cánh rừng nở đầy các loài hoa dại mà hầu hết tôi không biết tên. Có cây dây leo nở những đóa hoa dạng loa kèn to hơn miệng bát màu đỏ màu vàng sặc sỡ, làm thành từng chuỗi dài giăng từ cây này sang cây khác. Lại loài dây leo nọ hoa nở từng chùm rực rỡ, treo lủng lẳng như những chiếc đèn lồng. Trên tán của một cây thân gỗ cao to có những bông hoa li ti màu trắng nở dày đặc kết thành đám mây nhỏ, gặp cồn gió thổi, cánh hoa rụng tơi tả phủ đầy trên mũ. ở một bụi cây bên đường, mấy bông hoa đỏ chót như những ngọn lửa lấp ló trong đám lá. Lại còn loài cây gì trông từa tựa như cây khoai môn mọc trong góc tối ẩm ướt, phải xòe các chiếc lá to bằng miệng thúng cố hứng lấy chút ánh nắng, vậy mà cũng nở được những bông hoa kì dị giống bắp ngô to tướng đỏ rực, vươn cao đến vài ba mét như để chào mời. Đôi lúc ngẩng đầu lên, tôi lại bắt gặp trên cao một khóm lan rừng có những túm rễ ngoằn ngoèo bám chi chít vào thân cây cổ thụ đang trổ từng chuỗi bông dài đẹp lộng lẫy như những chuỗi ngọc. Ngay cả các loài cây cỏ mọc sát mặt đất cũng có những thứ hoa riêng của nó: những chùm hoa nhỏ xinh xinh như những chùm hạt cườm, hoặc những bông hoa bé tí giống chiếc cúc áo nhiều màu sắc. 
Được trang điểm bởi muôn ngàn bông hoa dại đủ màu đủ vẻ núi rừng rực rỡ hẳn lên trong nắng mai. Đi trong rừng mùa này ngửi thấy nhiều mùi hương khác nhau, từ thơm ngát; thơm nồng, thơm dịu đến mùi ngai ngái, hăng hắc..., và rõ hơn cả là mùi mật ngòn ngọt của trái cây đang chín. Như say trong hường rừng, vô vàn ong bướm cùng đủ loại côn trùng cánh lụa cánh cứng bay lượn thỏa thuê từ bông hoa này sang bông hoa khác, tiếng vù vù vo vo vang suốt ngày. 
Rừng thật đẹp, nhưng chúng tôi không có thời gian để thưởng thức. Tất cả tâm trí đều dồn cho công việc trước mắt. Vả lại với hơn ba mươi kí ba lô súng đạn trên người thì việc đi lại trong rừng rậm chẳng nhẹ nhàng chút nào. Có những đoạn dốc gần như dựng đứng, phải níu từng mẩu rễ, từng cành cây mà leo lên. Lại có những khe đá ẩm ướt tối om, phải dò dẫm bước trên những phiến đá phủ rêu trơn tuột. Đi dưới bóng râm của nhiều tầng lá che trên đầu không hẳn lúc nào cũng mát, nhất là về buổi chiều. Khi đó những cây lá bịt bùng xung quanh không cho một ngọn gió nào lùa tới, và lớp đất rừng phủ đầy lá mục bốc hơi nóng hầm hập làm ta phải ngợp thở, mồ hôi túa ra thấm vào những vết rách xước trên da thật rát buốt như bị xát muối. Rừng tuy đẹp, nhưng vẻ đẹp hoang dã luôn đi kèm với sự khắc nghiệt. Con người muốn sống được với rừng, phải vượt qua mọi thừ thách của nó. 
Buổi sáng hôm đó, sau khi leo hết triền dốc dài, chúng tôi gặp một cánh rừng thưa. Đang đi, chợt anh Đằng dừng lại gọi khẽ:
- Hùng ơi, lên đây! - Anh Hùng vượt lên, đến bên anh - Cậu ngửi thấy mùi gì không? 
Anh Hùng hít hít mấy cái: 
- Mùi khét của cọp! Chắc nó vừa qua đây. 
Bất giác, tay tôi nắm chặt khẩu súng. Anh Hùng cắp súng lom khom đi ngược hướng gió tìm dấu vết trên mặt đất. Chúng tôi bước chầm chậm theo sau. Xung quanh vắng lặng, chỉ có tiếng chân sột soạt trên cỏ. Chim chóc cũng bay đâu hết, không nghe tiếng hót. Một cành cây rơi xuống đất đánh "bịch" làm tôi giật nẩy người. 
Lát sau anh Hùng quay lại: 
- Cọp đàn anh ạ! Có ba con, chúng vừa qua đây khoảng dăm phút. 
- Không sao đâu? Chúng ta đi thôi!

Tôi bước gấp mấy bước tới sát sau anh, vừa đi vừa thận trọng quan sát xung quanh. Một lúc sau không nén nổi, tôi cất tiếng hỏi: 


- Liệu có gặp nó không anh Đằng? 

Anh ngoái lại nhìn tôi bật cười: 

- Có gặp cũng chẳng sao! Cọp rừng già không mấy khi bắt người. 

Anh Sơn nói: 
- Hồi bọn tôi đi ở miền tây Nghệ An, vẫn gặp cọp hàng ngày như người ta đi rừng gặp nhau. Lúc đầu cũng sợ, sau quen dần. Chỉ cần cảnh giác là được... 
Chợt anh Hùng kêu khẽ: 
- Kia kìa, chúng đấy? 
Cả ba chúng tôi cùng đứng lại, ngoái đầu nhìn theo hướng anh chỉ. Tôi chưa thấy gì. Anh Đằng đưa ống nhòm lên mắt: 
- Thấy rồi! Đúng ba con. - Anh trao ống nhòm cho tôi - Hải nhìn đi, ở đoạn dốc có cái cây đổ ấy!
Tôi rê ống nhòm đến chỗ anh chỉ. Kia rồi! Trong ống kính hiện rõ một nhà cọp: Có hai con còn nhỏ, chỉ nhinh hơn con chó một chút, đang lẽo đẽo theo sau cọp mẹ. Chúng nối nhau đi xuống đoạn dốc trống trải, dáng mềm mại, những vằn đen vằn vàng trên bộ lông thấp thoáng sau ngọn cỏ. 
Tôi trả anh Đằng chái ống nhòm, hỏi: 
- Nếu lúc nãy gặp nó, mình có bắn không anh? 
- Nó không có ý tấn công mình thì bắn làm gì? 
- Ngoài quê em các cụ kể hồi kháng chiến chống Pháp, ở chiến khu Thủy Ba cọp vẫn bắt người luôn. Có khi cả đoàn hàng chục người vừa đi vừa gõ mõ la hét, mà nó vẫn chồm ra cắp người đi cuối rồi chạy mất. 
- Chuyện ấy cũng có đấy? - Anh Hùng nói - Suy cho cùng cọp dữ có lỗi của con người. Chiến tranh, săn bắn, chặt cây phá rừng... đã xua các loài thú khác trốn biệt lên núi xa. Con cọp đói mồi, và nó gặp người nhiều nên quen dần, không sợ nữa. Đói quá hóa liều, mà liều một lần rồi quen... Cũng có khi tình cờ nó gặp và ăn xác người chết vì bom đạn, "ăn quen bén mùi", từ đó nó thích ăn thịt người. 
- Thế theo anh, vì sao cọp rừng già lại hiền hơn? 
- Không phải hiền hơn, nó vẫn là loài thú dữ ăn thịt. Nhưng ở đây đâu thiếu con mồi, nó đâu có đói quá đến mức phải liều? Hơn nữa, con người trong mắt nó là loài vật lạ mà có khi nó chưa gặp lần nào. Chưa biết lành dữ ra sao thì động vào làm gì? 
Anh Sơn cười, xen vào: 
- Nghe anh Hùng nói chuyện cọp mà như nói về người ấy nhỉ? 
- Cậu phản đồi à? - Ngược lại là khác! Tôi đã sống nhiều trong rừng, tôi biết. Con cọp chỉ bắt mồi khi đói, theo bản năng sinh tồn. Nó săn đuổi các loài thú khác, con nào yếu ớt chậm chân sẽ bị nó bắt, còn con khỏe mạnh khôn ngoan thì chạy thoát. Như vậy cọp cũng góp phần vào quá trình đào thải tự nhiên của cuộc sống. Chính con người mới là kẻ phá vỡ sự cân bằng vốn có của thiên nhiên khi săn bắt bừa bãi các loài thú, có lúc chỉ để giải trí. 
Anh Đằng góp chuyện: 
- Lại còn chiến tranh nữa! Các cậu đã đi qua những vùng rừng bị rải chất độc hóa học, chắc biết. Có lần mình gặp một con nai đẻ ra quái thai. Con nai mẹ cuống quít chạy quanh cái bọc thịt đỏ hỏn phập phồng, mắt nó ngơ ngác hoảng hốt trông tội lắm Hơn tuần sau mình quay lại nơi đó, thấy nai mẹ đã chết. Xác hai mẹ con nó đang rữa ra trên lớp lá rụng... 
Mọi người lặng im. Tôi nói sang chuyện khác: 
- Anh Hùng này, làm sao anh biết được mùi cọp? 
- Con cọp có mùi riêng của nó chứ? Cũng như khi đi đêm, không nhìn thấy gì nhưng ta vẫn phát hiện ra tụi Mỹ phục kích nhờ ngửi được mùi của chúng. Trong rừng, cọp thường đái vào gốc cây để đánh dấu lãnh địa của nó, thợ săn thoáng ngửi qua là biết liền. 
- Thế làm sao anh biết có ba con? 
- À, phải nhìn dấu chân nó để lại. Việc này khó hơn. Có người đi săn cả đời mà vẫn bị lầm đấy! Người thợ săn giỏi là phải biết nhìn, nghe, suy nghĩ..., tích lũy từng chút hiểu biết, từng chút kinh nghiệm. Đến một lúc nào đó, tất cả thấm vào trong đầu óc anh, gần như thành bản năng, thành linh cảm. Lúc đó anh chỉ nhìn qua dấu chân, hoặc ngửi chút mùi vương lại trong không khí là đã biết nhiều điều về con vật thậm chí có thể biết nó no mồi hay còn đói..., có lẽ chỉ không biết được con đực hay con cái thôi. Để lúc nào rảnh rỗi mình bày thêm cho cậu. Cũng phải học dần mỗi lúc một ít, không thể biết ngay tất cả được đâu.
Anh Đằng đang đi phía trước nói với lại: 
- Cậu Hải yên trí! Đi xong chuyến này cậu sẽ học được khối thứ, lúc đó trở thành... người rừng là cái chắc? 
Mọi người cười vang. Một đàn chim thấy động vỗ cánh bay rào rào. 
Tôi không nhớ mình đã mê rừng từ lúc nào, nhưng hồi còn nhỏ, những ngày đẹp trời, tôi thường leo lên cây ngóng lên phía Trường Sơn ngắm không chán mắt những dãy núi điệp trùng. Dưới nắng vàng, màu xanh cây lá cứ rực lên nơi dãy núi gần nhất, còn những dãy xa hơn có màu xanh dương, xanh lơ, xanh nhạt, và cuối cùng là lớp núi xanh mờ hòa vào trong mây trắng. Tôi ao ước được dặt chân tới những vùng rừng xa xôi và say sưa mơ mộng thả hồn trong những cánh rừng đẹp như mơ cùng những chuyến phiêu lưu kỳ thú nơi rừng xanh núi thẳm...



Chính niềm say mê đó đã khiến tôi hết sức thán phục và ngưỡng mộ anh Hùng trước những hiểu biết của anh về rừng. Vốn tính ít nói, không mấy khi anh kể về bản thân mình, nhưng lại rất say sưa sôi nổi khi kể chuyện rừng. Ở trong rừng, anh biết nhiều loại lá có thể nấu canh và những thứ cỏ cây dùng làm thuốc. Nhìn qua một thứ quả dại nào đó, anh có thể nói ngay là ăn được hay không. Khi nghe anh kể về cỏ cây hoa lá muông thú, không ai nghĩ anh là người trai của quê lúa Thái Bình. 


Sống trong một làng quê nằm giữa cánh đồng cò bay thẳng cánh, nhưng nhà anh quanh năm thiếu ăn vì chỉ có vài sào ruộng xấu cấy một vụ. Vì thế từ những đời trước, gia đình anh đã phải làm thêm nghề sơn tràng. Hàng năm sau khi gieo cấy xong, những người đàn ông để ruộng đất nhà cửa lại cho phụ nữ trông nom rồi kéo nhau lên rừng đơn gỗ kết bè xuôi sông về bán ở đồng bằng. Nghe qua tưởng đơn giản, nhưng thực ra cuộc sống trên rừng dưới sông của những người thợ sơn tràng không phải dễ dàng. Đốn được cây gỗ đưa xuống tới sông để cốn bè đã là khó, nhưng chưa vất vả bằng lúc phải chống bè vượt qua những ghềnh đá, những con thác hung dữ ở miền thượng lưu. Nhiều khi qua thác bè vỡ hoặc lúc gặp cơn lũ cuốn bất ngờ thì lại tay không trở về làng, còn giữ được mạng sống đã là may mắn lắm. 

Nhưng được cái cuộc sống gian nan trong núi rừng, trên sông nước dạy người ta khôn ra, hiểu biết nhiều hơn và dạn dày với mọi nỗi gian truân. Năm mười hai tuổi, anh Hùng được bố cho đi một chuyến như thế, và từ đó anh mê rừng đến không gì cưỡng lại được. Anh theo bố đi rừng không bỏ chuyến nào. Năm mười sáu tuổi, anh ở lại hẳn trong nhà một bà mế già mà gia đình anh đã từng quen biết thân thiết, và sau này lấy vợ là cháu gái bà. 

Ở đó, cuộc sống của dân bản phụ thuộc vào rừng. Anh Hùng cũng đi rừng như mọi người. Anh gắn bó với rừng và rừng giúp anh thỏa mãn mọi khát khao mơ tưởng từ khi còn bé ngồi nghe ông cha kể chuyện rừng. Để sống được với rừng, anh còn phải học phải biết nhiều điều, và rừng dạy cho anh những bài học mà không nhà trường nào dạy được. Bà mế già là người thầy thuốc duy nhất của cả bản, bà dạy anh nhiều bài thuốc từ cây cỏ trong rừng. 

Năm 1963 anh nhập ngũ, lúc vợ mới sinh con trai đầu lòng. Cuộc đời người lính của anh cũng lại gắn bó với rừng. Những hiểu biết về rừng cùng cuộc sống được rèn luyện trong rừng từ tuổi niên thiếu, đã giúp anh trở thành người chiến sĩ trinh sát đầy bản lĩnh của một sư đoàn mà từ khi thành lập đến nay, mọi chiến công đều gắn liền với những địa danh của núi rừng.
Đó là những điều về anh mà anh Đằng đã kể tôi nghe. Còn anh, chỉ một lần duy nhất anh kể về mình là lúc khoe chuyện vợ đã hai lần đưa con về thăm quê nội. Mỗi lần như vậy bà con nội ngoại đều hết sức mừng rỡ giữ hai mẹ con lại hàng tháng trời không muốn cho đi... Nhìn nét mặt rạng rỡ của anh, tôi hiểu rằng anh đã ao ước biết nhường nào được một lần đưa con trai về thăm quê, về với những cánh đồng rập rờn sóng lúa, với làng quê nho nhỏ khuất sau lũy tre xanh, nơi tuổi thơ của anh có bao kỷ niệm êm đềm... 
Gần hết ngày hôm ấy, chúng tôi đi được quãng đường khá dài nhưng chưa gặp nguồn nước nào. Anh Đằng giục mọi người rảo bước mong gặp suối trước khi trời tối. 
Lúc sắp bước ra một tráng cỏ, anh chợt lùi lại ngoắc tay gọi khẽ: "Hải, tới đây!" Tôi nhao tới bên anh thì thào hỏi: "Gì thế anh?", trong đầu thầm nghĩ "Lại cọp rồi..." 
Anh Đằng không đáp, đưa tay chỉ về phía trước mặt. Tôi nhìn theo, thấy cuối tráng cỏ có đàn gà đang ăn. Biết anh dành cho tôi cơ hội kiếm thức ăn buổi tối, tôi nói ngay: "Để đấy cho em" và tuột ba lô đặt xuống đất. Tôi nhìn ngọn cây tìm hướng gió, nhanh nhẹn luồn qua những bụi cây ven tráng cỏ tới gần đàn gà. Khi chỉ còn cách chừng sáu chục mét, tôi quì xuống giương súng ngắm. Không thể tới gần hơn được nữa, sợ chúng nghe động bay hết thì ê mặt. Con gà trống có bộ lông màu nâu nhạt điểm những sắc đỏ sắc vàng và cái đuôi dài tha thướt, nom cũng ra dáng lắm. Những con mái thường hơn với màu lông đen xám lẫn lộn. Con trống vừa bới mồi vừa quanh quẩn bên mấy ả mái. Tôi đưa bộ lông sặc sỡ của nó vào đường ngắm, nhưng chưa bắn ngay mà rê nòng súng theo mục tiêu đang lăng xăng lui tới. Đến lúc một con nữa chập vào đường ngắm, tôi mới bóp cò. Phát súng nổ vang làm mấy con gà hất hoảng bay vút vào bụi rậm. Tôi chạy ra bãi cỏ nhặt hai con vừa trúng đạn rồi thong thả quay lại nơi ba anh đang đợi. 
Thấy tôi, anh Đằng reo lên: 
- Ái chà! Hai con một lúc cơ à? 
- Gà nhỏ quá, phải hai con ăn mới đủ anh ạ! - Tôi đáp, cố làm ra vẻ dửng dưng. 
Cả ba anh cùng cười ồ: "Khá lắm? Cậu này chơi được đấy!” 
Chúng tôi vội vã đi tiếp, nhưng vừa qua hết trảng cỏ đã gặp ngay khe nước. Một sự bất ngờ thật dễ chịu. 
Lúc chuẩn bị bữa tối, anh Hùng vừa quay hai con gà đang xèo xèo trên đống than đỏ rực, vừa nói: 
- Để hôm khác có con thú nào ngon thịt, mình sẽ biểu diễn cho các cậu một cách nướng tuyệt diệu, bảo đảm khách sạn Phú Gia ở Hà Nội cũng khó làm ngon hơn được... 
Trời nhá nhem tối. Chúng tôi ngồi bên đống lửa cháy rừng rực, khoan khoái thưởng thức món gà rừng nướng thơm lừng chấm với muối có rắc mấy hạt mì chính. Vờ cúi mặt làm như mải gặm đùi gà, nhưng thực ra trong lòng tôi đang nở từng khúc ruột khi nghe ba anh tấm tắc khen món gà rừng nướng, cứ như nhờ tôi bắn nên thịt gà mới ngon đến vậy. Biết thế nào được! Khi ta hai mươi ba tuổi, chưa hẳn mọi cái đều chín chắn, trong ta vẫn còn sót lại chút ngây thơ của thời trẻ nít, nhất là khi ở bên nhưng người từng trải hơn mình. Chính vì thế mà một thành công cỏn con như vậy cũng làm tôi sướng rơn, người cứ lâng lâng mãi.
Đến tối, chúng tôi kéo thêm mấy khúc gỗ chất vào đống lửa rồi dựng lều ngủ ngay bên khe nước. Tôi nằm cạnh anh Hùng, mê mải nghe anh kể chuyện rừng. Anh say sưa nói về cách bẫy chim săn thú, tìm rau quả đào củ mài, cách xác định phương hướng khi đi đêm trong rừng... Anh nói:
- Có người cho rằng những thứ quả nào có dấu chim ăn thì người ăn được, nhưng không hẳn như thế. Nhiều loại quả chim ăn được nhưng người ăn lại bị ngộ độc đấy! Muốn ăn, phải tìm những thứ mà bọn thú bốn chân như chồn, sóc, khỉ... vẫn ăn. Nhất là khỉ, chúng biết chọn thức ngon nhất để chén... 


Anh còn kể cho tôi nghe những lần đi tìm trầm, phải lang thang trong rừng hàng tháng trời. Những chuyến đi săn lợn lòi, trai tráng trong bản kéo nhau đi đông vui như ngày hội. Người và chó xua lũ lợn vào một góc rừng nào đó đã giăng lưới và có thợ săn cầm nỏ cầm lao phục sẵn. Tiếng mõ, tiếng phèng la khua vang lừng hết cánh rừng này qua cánh rừng khác. Một chuyến săn như thế có khi kéo dài đến bốn, năm ngày... 
Trăng lên lúc đêm đã khuya. Anh Đằng giục chúng tôi ngủ để lấy sức mai đi. Nãy giờ hai anh vẫn nằm nghe chuyện, thỉnh thoảng mới góp vào một câu. 
Tôi vén mép tăng nhìn ra. Trăng sáng quá. ánh trăng rười rượi trên tráng cỏ đầy sương và tiếng côn trùng nỉ non làm cho đêm rừng càng trở nên huyền ảo. "Khuya rồi, ngủ đi Hải”, anh Đằng khẽ nhắc. Tôi buông mép tăng, kéo tấm võng đôi dùng làm chăn trùm kín đầu, lát sau đã chìm sâu vào giấc ngủ.

< Trước   Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13

14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối

Đội đặc nhiệm TK1 (chương 1)

Tác giả: Phan Văn Lợi


Nhà xuất bản: Công an Nhân dân

Năm xuất bản: 2002

Số hoá: tuanlongptlinh, chienvit


Nguồn trang:   Quân sử Việt Nam


Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối

Chương I



Buổi chiều một ngày đầu tháng 4 năm 1969. 

Đang chuẩn bị cho chuyến đột nhập về vùng ven thị xã Quảng Trị, tôi bỗng được lệnh lên gặp ông Thủy để nhận công tác gấp. Chia tay với Bằng và Dũng, hai người đồng đội cùng tổ trinh sát, tôi vội vã đi lên khu hầm chỉ huy, trong lòng thấp thỏm. Vẫn biết đi công tác đột xuất đối với lính an ninh là chuyện thường tình, nhưng đích thân đồng chí trưởng ty giao nhiệm vụ thì hẳn là công việc rất quan trọng... 

Ông Thủy rút từ cặp hồ sơ ra tờ giấy ghi điện mật, nhưng không đưa cho tôi mà giơ lên trước đèn, vừa nhìn bức điện vừa nói: 
- Tôi mới nhận được điện của Khu ủy, trên ấy điều cậu đi công tác gấp. Trong điện ghi đích danh nên không thể thay bằng người khác được. Chính vì thế mà tôi phải cho đồng chí Diễn xuống ngay, sợ các cậu đi rồi thì lỡ việc. Thế nào, đột xuất như vậy có ảnh hưởng gì tới công việc của tổ cậu không? 
- Báo cáo, không sao ạ! Đồng chí Bằng đảm đương được, cậu Dũng cũng quen rồi. Nhưng có việc gì mà Khu ủy điều đến tôi ạ? 
Ông Thủy nhìn tôi, mắt thoáng cười sau cặp kính loáng ánh đèn: 
- Đừng sốt ruột? Cậu đã biết rồi, có những việc khi bắt tay vào làm mới rõ. - Ông ngừng lại như để cân nhắc điều gì, rồi nói tiếp - Riêng trong chuyện này, tôi cũng mới nắm những nét chung nhất thôi. Về phần cậu chỉ cần nhớ: Khu ủy điều cậu đi công tác gấp, trong chiều mai phải có mặt ở T.2. Đường xa lại khó đi, cậu phải lên đường ngay mới kịp. 
Ông mở cặp hồ sơ trên bàn, lấy ra tờ giấy giới thiệu: 
- Không có lệnh điều động đâu! Tôi đã viết sẵn giấy giới thiệu cho cậu. À, trong điện nói rõ: chỉ mang theo vũ khí và tư trang cần thiết. Những thứ cần dùng cho công tác sắp tới sẽ lĩnh ở T.2. Cậu cần bao lâu để chuẩn bị? 
- Báo cáo, tôi đi ngay được ạ! 
- Tốt! Đây là mật khẩu đêm nay trên đường giao liên, đọc xong nhớ kỹ rồi đưa lại cho tôi. - Ông đưa tôi mảnh giấy nhỏ - Tôi đã điện hỏi bên giao liên, đường đêm nay yên, đi được. 
Tôi đọc mật khẩu rồi đưa trả mảnh giấy. Mật khẩu rất dễ nhớ. Còn tờ giấy giới thiệu tôi gấp lại, cẩn thận cho vào bao nilong, cất trong túi áo ngực. Nội dung giấy giới thiệu cũng như thường lệ, chỉ phần lý do công tác lại ghi: "Gặp anh Hai Nguyên", rất cụ thể nhưng khó hiểu. 
Ông Thủy tháo kính, ngả người vào lưng ghế: 
- Cậu còn hỏi gì nữa không? 
Tôi chưa trả lời ngay, trong đầu thoáng nghĩ về chặng đường sắp tới. Chưa đến T.2 lần nào, nhưng tôi biết đó là trạm giao liên thuộc đường dây 559, chuyên đưa đến các đoàn cán bộ vào ra công tác ở Trị Thiên. Trạm nằm ở phía tây Vĩnh Linh, đâu như trong một cánh rừng thuộc Bãi Hà. Như vậy đêm nay tôi lại đi ra Bắc, ngược hướng với Bằng và Dũng. Sẽ vượt sông Bến Hải ở Bến Than. Sức trai hăm ba tuổi lại quen vất vả từ nhỏ, chặng đường này đối với tôi chẳng mùi mẽ gì. 
Ngẩng đầu lên, thấy ông Thủy vẫn đang chờ trả lời, tôi vội đáp: 
- Báo cáo, rõ cả rồi ạ! Chỉ có đoạn từ Bến Than đến T.2 tôi chưa đi lần nào...
- Qua Bến Than, cậu phải đi gần một ngày nữa. Tới đó đã là đất miền Bắc, cứ hỏi đường lên Bãi Hà, sẽ có người đến. Nhưng nhớ giữ kỹ giấy giới thiệu. Không có nó, cậu không đi được bước nào trên đất Vĩnh Linh đâu. À, cậu quê ngoài đó cơ mà, còn lạ gì nữa! 
Ông đứng dậy tới bên chiếc ba lô treo ở vách hầm, lấy ra hai phong lương khô đưa cho tôi: 
- Cầm lấy ăn dọc đường. Chỉ đi trong một ngày đêm, khỏi cần xuống hậu cần nhận gạo. Vả lại đi gấp cũng chẳng kịp nấu cơm. Mà ra quê cậu đâu có lo đói. Này, cậu biết anh Hai Nguyên rồi phải không? 
- Dạ, đã gặp vài lần rồi ạ! Anh Hai Nguyên là cán bộ lãnh đạo của Khu ủy, tôi có gặp mấy lần khi anh về Ty an ninh làm việc. Đó là người lãnh đạo mà lính an ninh chúng tôi hết lòng kính phục. Anh có tác phong giản dị, cách nói chuyện rất hấp dẫn, vừa sâu sắc vừa dí dỏm. Cánh trinh sát bên Tỉnh đội kể mãi về chuyện trước Mậu Thân, anh cùng lính đặc công mặc đồ cụt ngụy trang cắp AK bò vào tận sân bay Ái Tử, thành thạo không kém bất cứ một chiến sĩ đặc công dày dạn nào. Về tuổi tác, đáng ra như tôi phải gọi anh bằng chú, nhưng anh dặn chúng tôi cứ gọi bằng anh cho dễ xưng hô và để anh được trẻ lâu... 
Thấy ông Thủy nhìn đồng hồ, tôi vội nhìn xuống chiếc "Pônzốt” đeo ở cổ tay: đã bảy giờ tối. 
- Thôi, cậu đi được rồi đấy? 
Ông đứng dậy cầm chiếc ba lô nhẹ tênh giúp tôi khoác lên vai và đi cùng tôi ra tới cửa hầm ngoài cùng. Đặt cả hai tay lên vai tôi, ông thân mật nói: 
- Mình chưa biết cụ thể công việc sắp tới của cậu, nhưng chuyến đi này có lẽ dài ngày. Vậy chúc cậu lên đường may mắn và mạnh khoẻ. Trước lúc cậu đi, mình chỉ dặn một điều: Khi trên đã điều động một người lính an ninh, thì có nghĩa công việc sắp tới không chỉ cần đến lòng dũng cảm trung thành, mà còn cần cả kinh nghiệm, sự hiểu biết và bản lĩnh của một chiến sĩ an ninh. Thôi, đi nhé! 
Cảm động trước lời dặn dò chân tình của ông, tôi bối rối nên chỉ đáp ấp úng: "Chào thủ trưởng, tôi đi ạ"' ông bắt tay tôi lần cuối rồi quay vào hầm. 
Xốc lại chiếc ba lô và khẩu súng trên vai, tôi bước ra mé đồi đưa mắt tìm lối đi. Lúc đó tôi đâu có ngờ rằng mình đang bước những bước đầu tiên của một chuyến đi dài ngày, một chuyến đi kỳ lạ chẳng hề giống bất cứ chuyến công tác nào trước đó.

Sau gần một đêm và một ngày cuốc bộ thật lực, tôi tới trạm khách của T.2 đúng giờ qui định nhưng không gặp anh Hai Nguyên, chỉ nhận được mẩu giấy của anh gửi lại với nội dung ngắn và rõ như một mệnh lệnh: "Nghỉ ngơi và chờ đợi”. 


Đêm ấy tôi mắc võng nằm một mình trong căn nhà vắng ở góc rừng, trằn trọc mãi bởi tâm trạng nôn nao trước công việc sắp tới, mà đến lúc này vẫn chưa biết được là việc gì. 

Sáng hôm sau khi từ dưới suối lên, tôi nghe trong nhà có tiếng người, chắc có ai mới đến. Đang định phơi bộ quần áo vừa giặt, bỗng thấy một người mặc quân phục hiện ra trước cửa, nụ cười tươi rói trên khuôn mặt ngăm đen thân thiết. Tôi ngớ người rồi bật reo: "A, anh Đằng!" Ném bộ quần áo ướt lên chiếc sào tre, tôi nhào tới ôm chầm lấy anh. Anh cười khà khà: 

- Chưa hết! Ai đây? 

- Anh né sang một bên. 

- Ôi! Cả anh Hùng nữa! Các anh đi đâu vậy? - Tôi hỏi một câu khá ngớ ngẩn. 

- Đi với cậu chứ đi đâu? Vào đây? Vào đây nói chuyện. 

Chúng tôi ngồi xuống bên bàn, ngắm nhìn nhau. 

- Các anh vẫn thế, chẳng thay đổi gì cả? - Tôi nói. 
- Thay đổi thế nào được, bọn mình vẫn khỏe như vâm. Tới trạm nghe ông Hai Nguyên bảo xuống đây sẽ gặp người quen. Gặng mãi ông ấy chẳng nói, chỉ tủm tỉm cười. Ai ngờ lại là cậu… 
Nói chuyện một lúc, rồi tôi dẫn các anh ra suối. Hai anh xuống tắm, còn tôi ngồi giặt giúp mấy bộ quần áo. Câu chuyện vẫn sôi nổi không dứt. 
Thì ra các anh vẫn chưa biết ra đây làm nhiệm vụ gì. Đang hoạt động ở phía bắc đường Chín bên đất Lào, nhận được điện là lên đường ngay. Đi suốt đêm ra tới đường Trường Sơn, vẫy một chiếc xe con, may gặp đồng chí cán bộ đoàn 559 là người quen của anh Đằng đi Hà Nội họp. Anh ấy cho xe chở tận Bãi Hà. 
Anh Đằng và anh Hùng là trinh sát quân báo của một sư đoàn chủ lực chuyên hoạt động ở chiến trường Quảng Trị, Nam Lào. Tôi quen các anh trong một trường hợp khá đặc biệt mà có lẽ chẳng ai muốn có một dịp như vậy để làm quen với nhau. Hôm ấy tổ công tác của chúng tôi đang trên đường trở về hậu cứ sau một chuyến công tác. Thời gian này địch nống ra đánh phá ác liệt hòng đẩy bộ đội ta lên xa trên núi. Sau Mậu Thân lực lượng ta tổn thất khá nhiều. Các cơ sở nằm vùng phần bị bắt, phần bị lộ phải rút ra nên công tác của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hôm ấy có việc gấp nên chúng tôi đi từ trưa. Lúc ngang qua dãy đồi sim ở vùng tây Cam Lộ, chúng tôi gặp một đơn vị đang bị phục kích. Đó là tổ trinh sát của anh Đằng và anh Hùng. Chúng tôi đã cùng hợp sức diệt gọn toán thám báo địch. Rồi quen nhau từ đó. 
Về sau, thỉnh thoảng có dịp công tác qua, các anh lại ghé vào hậu cứ Ty an ninh thăm chúng tôi. Có lần anh Đằng đưa cho tôi một tờ báo của Quân khu, trong đó có đăng bài viết về trận đánh nhỏ của chúng tôi. Bài báo biểu dương tổ trinh sát của tôi, nói đó là trận đánh phản phục kích, đánh phối hợp theo tiếng súng tuyệt đẹp... 
Chẳng biết anh Đằng đã kể gì với nhà báo, chứ chúng tôi thì lại hết sức cảm phục các anh. Bị phục kích bất ngờ như thế, trước một khẩu trung liên và nửa tá nòng tiểu liên bắn như đổ đạn, nhưng vẫn đánh trả được và chỉ bị thương nhẹ có hai người, chứng tỏ các anh là những người lính trinh sát dạn dày bản lĩnh mà còn lâu cánh lính trẻ chúng tôi mới theo kịp... 
Vì vậy tôi rất mừng khi được đi với hai anh trong chuyến công tác, dù chưa biết sẽ làm công việc gì. 
Đợi hai anh tắm xong, chúng tôi cùng lên nhà. Vừa bước vào cửa đã thấy anh Hai Nguyên ngồi uống nước trà bên bàn, ung dung như một thầy giáo đang đợi trống đánh báo giờ vào lớp. 
- Thế nào, đã kịp làm quen với nhau rồi phải không? - Anh nheo mắt hóm hỉnh. 
Cả ba chúng tôi cùng bật cười. Anh Đằng trả lời: 
- Thế mà hỏi mãi anh không nói. Ai chứ Hải với bọn em còn hơn cả ruột thịt... 
- Biết thế nên mình mới để các cậu đi với nhau chuyến này. Nhưng việc đó nói sau, đang còn đợi một cậu nữa từ Hà Nội vào. Giờ các cậu cứ phải nghỉ ngơi thôi. Tuyệt đối không được sốt ruột đấy nhé. Mình đi đây? Nếu tối nay rảnh, sẽ xuống ngủ với các cậu một đêm. 
Nói xong, anh đứng dậy, thân mật vỗ vai từng người rồi nhanh nhẹn bước ra cửa. Đã quen với tác phong của anh nên chúng tôi không ngạc nhiên. 
Đến chiều, chúng tôi ra ngồi dưới gốc cây, lại hàn huyên mãi không thôi. Anh Hùng lấy trong ba lô ra gói lạc và kí đường, trổ tài nấu một mẻ kẹo. Kẹo lạc anh nấu rất ngon, nhưng vừa ăn vừa phải bóc giấy báo dính sau lớp kẹo vì không có bánh tráng để đổ.

Lúc sẩm tối, anh Hai Nguyên ôm võng xuống ngủ với chủng tôi. Bốn chiếc võng mắc chụm đầu vào cây cột giữa nhà. Chúng tôi rủ rỉ trò, chuyện đến nửa đêm. Khi nghe anh hỏi chuyện, tôi thấy anh biết khá rõ hoàn cảnh gia đình của mỗi chúng tôi. Đến lúc nghe anh kể về mình, mới biết anh quê Quảng Nam chứ không phải ở Nam Bộ như lâu nay tôi vẫn tưởng. Vì ít được tiếp xúc nên tôi không rành phân biệt giọng nói người miền trong. Hơn nữa, cái tên Hai Nguyên cùng với phong thái cởi mở sôi nổi làm anh có dáng dấp của một "anh Hai Nam Bộ" trong suy nghĩ của tôi. 


Quê anh ở cạnh con sông Thu Bồn, một làng quê nghèo và hiền lành như bao làng quê miền Trung. Nhà anh chỉ có hai anh em. Cha mẹ anh mất sớm, lúc đó anh mười tuổi còn người anh trai mười lăm. Vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống hiếu học nên cả hai anh em đều sáng dạ, ham học. Bà con nội ngoại thấy vậy đã xúm lại giúp hai anh em theo việc đèn sách. Anh cùng anh trai vào Quy Nhơn ở nhờ nhà một người bà con xa làm nghề buôn bán, vừa đi học vừa phụ giúp bán hàng và tính toán sổ sách để có thêm chút ít thu nhập ngoài số tiền nhỏ mà bà con ở quê thỉnh thoảng gửi vào. Năm 1943 cả hai anh em cùng lúc thi đỗ diplome khiến họ hàng gần xa ai cũng tự hào và hả dạ. Ở quê, có những dòng họ giàu có sẵn sàng chu cấp cả trăm lần hơn thế cho con cháu ăn học, mà đâu có ai được như vậy. Anh trai anh vẫn tiếp tục học lên. Nhưng anh thấy số tiền ít ỏi mà bà con làng xóm gom góp chu cấp không kham nổi việc hai anh em cùng học, nên anh tự ý nghỉ, đi làm nghề dạy kèm để kiếm thêm, dù người anh hết sức can ngăn và la mắng.

Năm Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, anh trở ra quê hăng hái tham gia phong trào ở địa phương. Trong những ngày sôi nổi ấy, anh lăn vào tất cả mọi công việc mà chính quyền Cách mạng non trẻ ở quê cần đến, từ dựng cổng chào, cắt khẩu hiệu, dạy bình dân học vụ cho tới tập quân sự, tuần tra canh gác... Khi những chuyến tàu rầm rập ngày đêm chở thanh niên trai tráng "Nam tiến" chạy qua cái thị xã Đà Nẵng nồng mùi cá biển, thì anh không còn chịu được nữa. Anh nhảy lên một chuyến tàu như thế, bằng mọi cách năn nỉ với đồng chí chỉ huy cho đến lúc được nhận theo. Từ đó anh đã đi qua nhiều miền đất, nhiều chặng đường gian truân của cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, anh là trung đoàn trưởng chỉ huy một trung đoàn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Hòa bình, anh ở lại miền Bắc tham gia xây dựng quân đội. Vì vậy kể từ ngày bám theo đoàn tàu Nam tiến đến mãi sau này, anh không nhận được tin gì về anh trai mình. Anh không bao giờ quên được những ngày tháng gian nan khốn khó hai anh em mồ côi cha mẹ đùm bọc nương tựa vào nhau trong sự cưu mang của bà con họ hàng. Hình ảnh ngôi nhà tranh bé nhỏ có cây mai già mọc trước mảnh sân đầy rêu, nơi hài anh em anh sinh ra và lớn lên, luôn hiện ra trong tâm trí những lúc anh nhớ về quê nhà, về người anh trai của mình. Mỗi khi xuân đến, màu hoa mai nở vàng rực càng làm cháy lên trong anh nỗi khát khao trở về sững và chiến đấu trên mảnh đất quê hương. 

Năm 1959, anh được điều sang đoàn cán bộ vào Nam tăng cường cho Khu ủy Trị Thiên. Hai năm sau, nhân gặp một người bạn ở Tỉnh ủy Quảng Nam ra Bắc công tác, anh mới biết anh trai mình hiện đang sống ở Sài Gòn, là giáo sư dạy sử ở một trường đại học. Anh ấy đã lập gia đình, có hai con, một trai một gái... 

Anh kể tiếp:

- Trước sáu tám, mình được tin anh mình chuyển ra sống ở Đà Nẵng. Nghe nói ông đã bỏ nghề dạy học, giờ chỉ ở nhà viết sách. Còn đứa cháu trai thì đi lính ngụy, hình như làm "philốt". Không biết đã có khi nào nó ném bom xuống đầu chú nó chưa..., 

Anh cười buồn, ngưng một lúc rồi mới nói tiếp: 

- Dạo Mậu Thân, mình có nhờ bạn bè trong đó tìm kiếm. Sau này anh em báo ra là đã móc được với anh mình, nhưng chưa kịp nhận hồi âm vì tình hình lúc đó diễn ra ác liệt quá... Mình chỉ mong hai anh em còn sống đến ngày hòa bình để được ôm lấy nhau, để dắt nhau về lại ngôi nhà nhỏ có cây mai già ấy mà thắp cho ông bà cha mẹ mấy nén hương... 

Trong đêm khuya thanh vắng, câu chuyện về gia đình qua giọng kể thủ thỉ buồn buồn của anh làm chúng tôi nao cả lòng. Tôi không ngờ người cán bộ lãnh đạo lúc nào cũng nhiệt tình sôi nổi và hóm hỉnh đó lại chứa chất trong lòng một tâm sự da diết đến như thế. 
Sáng hôm sau tỉnh giấc, thấy anh Hai Nguyên đã dậy cuốn võng đi từ lúc nào. Anh Đằng cười: 
- Ông này đúng là đặc công thứ thiệt. Đi lúc nào mà êm ru, mình chẳng hay biết gì cả! 
Nhưng chỉ nửa giờ sau anh lại đến. Cùng đi với anh có một người trạc tuổi anh Hùng, dáng cao cao, nước da trắng, mặc bộ quân phục và đeo chiếc ba lô cóc mà tất cả đều còn mới tinh như vừa nhận từ trong kho ra. 
Vừa bước qua cửa, anh Hai Nguyên nói ngay: 
- Vậy là người thứ tư đã tới. Giới thiệu với các cậu, đây là đồng chí Sơn, kỹ sư địa chất, mới từ Hà Nội vào. Sáng nay các cậu nghỉ ngơi, làm quen với nhau. Chiều hai giờ ta làm việc nhé! - Anh cười, vẫy tay chào rồi quay người đi ngay. 
Tôi bước tới, giúp anh Sơn cởi ba lô đặt trên bàn: 
- Anh ngồi nghỉ, lát rồi em dẫn xuống suối tắm cho mát! 
Anh Đằng róc nước ra chén, đưa mời: 
- Đồng chí Sơn uống nước? Đồng chí quê ở đâu nhỉ?... 
Cứ thế, chỉ lát sau là chúng tôi đã cởi mở trò chuyện thân tình. Riêng tôi vẫn phân vân không biết vì sao anh Sơn lại đi với chúng tôi. Trông anh đúng là dân trí thức chính cống, lại mới từ Hà Nội vào. Tôi thì chẳng đáng nói, chứ trên đã điều những người như anh Đằng và anh Hùng cho chuyến công tác này, hẳn công việc đâu có đơn giản... Sau này tôi phải tự xấu hổ với những suy nghĩ ban đầu của mình. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết anh Sơn là kỹ sư địa chất, chuyên đi tìm kiếm khảo sát các mỏ kim loại màu và đá quí. Suốt sáu năm từ khi tốt nghiệp ra trường cho đến nay, hầu như anh lang thang trong rừng, đặt chân lên nhiều miền núi non của tổ quốc, từ Nghệ An, Thanh Hóa cho tới những dãy núi trùng điệp ở Đông Bắc, Tây Bắc. Chỉ những lúc phải về phân tích mẫu, lập đồ bản... anh mới làm việc ở Hà Nội. Đúng là người ta rất dễ nhầm lẫn nếu đánh giá một con người chỉ qua dáng vẻ bên ngoài. 
Anh Đằng vô cùng mừng rỡ khi biết anh Sơn đồng hương với anh, mà lại là đồng hương tầm gần, có nghĩa cùng huyện, chứ không phải loại đồng hương pháo tầm xa cũng không với tới. Quê anh Sơn ở gần núi Gôi, còn nhà anh Đằng ở cạnh ga Cát Đằng (tỉnh Nam Định), chỉ cách nhau chừng mười cây số, gọi là ga trước ga sau của một chuyến tàu chợ. Anh Sơn đã lập gia đình, chị ấy dạy học ở trường cấp hai trong xã. Hai anh chị sinh được một cháu gái, năm nay cháu ba tuổi.
Tôi nhường cho anh Đằng quyền được dẫn đồng hương xuống suối tắm giặt để các anh có dịp tâm sự với nhau. Khi từ dưới suối lên, nhìn nét mặt rạng rỡ của anh, tôi hiểu điều gì đã làm anh vui đến vậy. Ở quê, gia đình anh chỉ còn mỗi mình ông cụ thân sinh. Mẹ anh mất cách đây hai năm, nhưng mãi sau này anh mới biết tin. Hai ông bà sinh được có mình anh... Năm 1956, theo ước nguyện của bố, anh Đằng làm đơn tình nguyện vào trường thiếu sinh quân và được chấp nhận, nhưng khi đến trường thì bị trả về với lý do quá tuổi quy định, kèm theo lời xin lỗi gia đình về sự sơ suất trong xét tuyển. Năm ấy anh mười tám tuổi. Anh không chịu về, mấy ngày liền bám theo các anh cán bộ quân lực nằng nặc xin vào một trường quân sự nào đó. Cuối cùng, anh được nhận vào trường bộ đội đặc công. Hơn hai năm sau, anh đã là thành viên trẻ nhất trong đoàn cán bộ đi mở đường Trường Sơn. Lăn lộn mải miết với các tuyến đường hết đông lại sang tây Trường Sơn, đến năm 1965 anh được điều về phòng quân báo của một sư đoàn chủ lực. Trong chừng ấy năm có dăm lần về phép, mỗi lần mươi ngày, anh chỉ kịp giúp bố mẹ lợp lại mái nhà hay làm cái chuồng lợn, chứ không đủ thời gian để có thể tìm hiểu một cô nào đó mà lấy làm vợ. Lần về phép gần đây nhất của anh cũng đã cách bốn năm... 
Vì vậy việc bất ngờ gặp được người đồng hương ở nơi xa xôi này và biết được những tin tức tốt lành còn nóng hổi về quê nhà sau bao ngày xa cách, khiến anh vô cùng vui sướng.

Đúng như đã hẹn, anh Hai Nguyên đến lúc hai giờ chiều. Cùng đi có một đồng chí thiếu tá mà anh giới thiệu là cán bộ tham mưu của đoàn 559. Tôi có cảm giác chiếc quân hiệu lấp lánh trên mũ và đôi cấp hàm đỏ chót nơi ve áo anh làm cho không khí trang nghiêm hẳn lên. 


Anh Hai Nguyên nói: 

- Các đồng chí biết nhau cả rồi, nên ta vào việc luôn. Tôi được Trung ương giao nhiệm vụ thành lập và chỉ đạo một tổ công tác đặc biệt. Sau khi trao đổi bàn bạc với các đơn vị có trách nhiệm phối hợp, tôi quyết định chọn bốn đồng chí để thành lập tổ công tác này. Từ nay, các đồng chí là thành viên của tổ, đồng chí Đằng làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của các đồng chí là tìm kiếm một vỉa quặng vàng được phát hiện qua vệ tinh của Liên Xô. Theo bạn, vỉa quặng này rất đáng chú ý vì những số liệu kỹ thuật đều cho thấy nó có hàm lượng vàng rất cao và chỉ phát hiện tập trung ở một nơi. Tọa độ của nó là... 

Anh đọc tọa độ rồi cầm bút chì chỉ vào một điểm trên tấm bản đồ tỉ lệ 1:100.000 mà đồng chí thiếu tá vừa trải lên bàn. Điểm anh chỉ nằm ở phía tây tỉnh Quảng Nam, sát với biên giới Việt-Lào. 

- Thế nào? - Nheo mắt nhìn chúng tôi, anh hỏi - Nhiệm vụ khá bất ngờ và lý thú phải không? Nhưng cứ nghe tiếp đã nhé? Trong cuộc họp vừa rồi ở Hà Nội, tôi được biết: Trung ương đã chỉ thị cho các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu thông tin này, và đã có nhiều ý kiến khác nhau. Một ý kiến cho rằng đây đúng là mạch quặng vàng lộ thiên, dấu hiệu của mỏ vàng nằm sâu trong lòng đất. Tọa độ được phát hiện ở phía trên mỏ vàng Bồng Miêu nhưng cách khá xa, liệu có liên quan gì về mặt địa chất? Điều này rất khó xác định do không đủ dữ liệu. Có ý kiến khác nêu ra nhận định: đây là một kho vàng tồn tại do nguyên nhân lịch sử nào đó. Khả năng này rất đáng chú ý. Trước đây nhân dân vùng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh đã từng phát hiện một số vàng thỏi và tiền vàng nhưng số lượng không nhiều, xác định là vàng do vua Hàm Nghi mang theo khi ra vùng này lập căn cứ chống Pháp. Có người nói đây có thể là vàng mà quân Nhật vơ vét khi sang chiếm nước ta, rồi sau chúng đem thu giấu vì không chuyển về nước được... Tình tiết này có thật trong lịch sử, nhưng tọa độ phát hiện nằm giữa núi cao rừng thẳm, cách xa các đường giao thông và khu dân cư, kể cả các bản làng của đồng bào dân tộc, khó ai có thể vận chuyển lên cất giấu ở đó...

Cuối cùng cuộc họp quyết định phải tổ chức thăm dò tìm kiếm, giao trách nhiệm cho tôi trực tiếp chỉ đạo với sự phối hợp về mọi mặt của đoàn 559, quân khu Bốn và Tổng cục địa chất. Phía bạn có cung cấp cho ta một bức không ảnh... - Anh mở nắp chiếc xà cột da đeo bên người lấy ra một tấm ảnh màu to cỡ trang vở học sinh đặt lên bàn - ... tất nhiên không phải là ảnh gốc. Nó đã được phổ màu và chụp lại.

Chúng tôi cùng rướn người tới nhìn. Trên tấm ảnh chỉ thấy những mảng xanh đậm nhạt khác nhau bao quanh một đám màu vàng úa có hình dạng như chiếc lá cây. Bên lề tấm ảnh có ký hiệu chỉ hướng bắc nam. 

Anh Hai Nguyên cười: 

- Các đồng chí không phân biệt được gì bằng mắt thường đâu? Ngay cả khi có ảnh gốc, cũng phải có máy chuyên dụng và chuyên viên phân tích ảnh mới biết được. Lúc này tấm ảnh chỉ có ý nghĩa hướng dẫn. Bộ phận kỹ thuật cho biết bức không ảnh này được chụp từ độ cao khá lớn, chụp chính diện một khoảng mặt đất hình vuông cạnh từ mười đến mười hai kilomet. Qua phân tích, địa hình trong ảnh nếu mở rộng ra sẽ có dạng như một thung lũng. Xung quanh là rừng già nguyên sinh, - anh chỉ những mảng màu xanh - ở giữa là đồng cỏ dài chừng năm kilomet và rộng ba kilomet. Tọa độ vỉa quặng nằm ngay dải rừng phía bắc đồng cỏ. Theo thông tin của bạn, ở góc đông bắc đồng cỏ có một cây thủy tùng cổ thụ. - Nói đến đây, anh nhìn anh Hùng và hỏi - Thế nào? Chuyên gia về rừng có biết cây thủy tùng không? 
Anh Hùng ngẫm nghĩ rồi đáp: 
- Có phải loại tùng trên núi Yên Tử không ạ? 
- Không phải! Theo một đồng chí phó tiến sĩ lâm sinh cho biết, loài cây này thuộc họ tùng bách, thân thẳng dáng cao vút, tán lá hình chóp, lá hình kim xanh quanh năm. Vỏ cây thủy tùng sần sùi, lâu năm có thể bong ra từng mảng. Một đặc điểm nữa là nhựa của nó rất độc... - Anh chợt cười - Nghe như bài giảng thực vật ấy nhỉ? Tôi cũng chỉ nói lại những điều hỏi được, biết đâu nó sẽ có ích cho các đồng chí! Thủy tùng là loài cây của xứ lạnh, phát triển nhiều vào thời trung cổ, không hiểu sao ở nước ta còn sót lại cây này? Nhưng chính vì hiếm như thế nên nó là dấu hiệu quan trọng để giúp các đồng chí xác định đúng khu vực phải tới.
Anh bưng chén nước nhấp một ngụm rồi nói tiếp: 
- Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang đi vào giai đoạn ác liệt nhất, ta đang phải tập trung tất cả cho chiến đấu. Việc tìm kiếm thăm dò trong lúc này sẽ rất khó khăn, nhất là không thể tổ chức quy mô vì nhiều lý do khác nhau. Chắc các đồng chí cũng tự hỏi: Tài nguyên của ta, của cải của ta, ta lấy lúc nào mà chẳng được? "Cơm chưa nấu thì gạo còn đó..." Nhưng tình hình không cho phép như vậy. Theo tài liệu tình báo ta nắm được, một nhân viên CIA có cỡ vừa được điều tới phân vụ CIA ở Sài Gòn đang chú ý đặc biệt đến địa bàn này. Đây là vùng không cần thiết phải có cứ điểm quân sự, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt và không có nhánh đường nào thuộc tuyến đường Trường Sơn chạy qua. Ta chưa biết địch có ý đồ gì, nhưng nguồn tin này rất đáng lưu ý bởi có sự trùng hợp là tọa độ mà ta quan tâm nằm trong khu vực này. Trung ương đã chỉ thị cho bên tình báo tiếp tục khai thác nguồn tin đó, đồng thời yêu cầu các cơ quan lưu trữ thu thập nghiên cứu các tài liệu lịch sử để tìm những thông tin có liên quan. 
Tình hình là thế. Giờ chắc các đồng chí đã hiểu vì sao ta phải tổ chức tìm kiếm trong lúc nước sôi lửa bỏng này. Hơn nữa trong đó mùa mưa thường bắt đầu từ tháng sáu, mà bây giờ đã là đầu tháng tư, cần phải tiến hành gấp trước khi mưa tới...

Nói đến đây anh ngừng lại, mắt nhìn ra xa như đang nghĩ tới điều gì. Chúng tôi yên lặng chờ đợi. Lát sau anh mới chậm rãi nói tiếp: 


- Tổ của các đồng chí được đặt tên là TK1. Như vậy, sẽ có những toán TK tiếp theo. TK1 vừa có nhiệm vụ mở đường, vừa tìm kiếm thăm dò, vừa phải chiến đấu khi cần thiết. Nhiệm vụ rất nặng nề. Các đồng chí phải xuyên rừng nhiều ngày trên một địa bàn xa lạ hiểm trở, không dân cư và có thể gặp địch. Trong suốt chuyến đi sẽ không có sự liên lạc nào với trên, với các đơn vị bạn. Mặt trận sẵn sàng cung cấp cho TK1 những phương tiện thông tin tốt nhất mà ta hiện có, nhưng với cự ly đó, những bộ máy thích hợp lại quá cồng kềnh. Do vậy, khi gặp trở ngại, các đồng chí phải hoàn toàn dựa vào sức mình chứ không có sự giúp đỡ hỗ trợ nào khác. Chúng ta không thể tính trước từng phương án cho mỗi tình huống, nhưng bất kỳ trường hợp nào các đồng chi cũng phải tỉnh táo vận dụng tất cả khả năng và kinh nghiệm của mình để hành động. Những gì các đồng chí đã học, đã rèn luyện được qua thực tế công tác chiến đấu, mọi kiến thức, mọi hiểu biết từng người tích lũy được tử trước đến nay đều có thể cần đến. Không có trở ngại nào là không thể vượt qua, nếu chúng ta vững vàng và biết suy nghĩ đúng hướng. Theo kế hoạch, đường về là đi ngược lại con đường đã đi, nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra đúng như dự kiến. Các đồng chí cần hết sức linh hoạt, tận dụng mọi cơ hội. Và tôi xin nói rằng trong kế hoạch này, yêu cầu cao nhất là sự trở về của TK1, cho dù không tìm ra vỉa quặng. Người ta bảo: khi giải một bài toán mà chứng minh được đề bài ra sai thì coi như hoàn thành phép giải. Còn trong trường hợp này, chỉ cần xác định cách giải hiện tại không đúng để tìm cách giải khác, đã là có kết quả. Tất nhiên khi trở về mà mang theo kết quả tìm kiếm mỹ mãn thì đó là một thắng lợi toàn diện rồi... 

Nghe đến đây, bốn chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Ai cũng cảm động trước sự tin cậy của anh Hai Nguyên. Anh tin chúng tôi sẽ làm hết sức mình mới chịu quay về. 

Sau đó, anh phổ biến cho chúng tôi mật hiệu liên lạc khi cần thiết. Mật hiệu rất ngắn gọn: nếu nhận được tin "Hoa mai đã nở”, thì đấy là tín hiệu của tổ tôi báo về, bộ phận chỉ đạo sẽ có cách liên lạc trở lại. Còn nếu nhận "Hoa mai vàng đã nở” có nghĩa chúng tôi phát hiện được mục tiêu. Các tỉnh lân cận và các đơn vị bộ đội đóng trên những địa bàn có liên quan sẽ được thông báo và hướng dẫn cách xử li khi có người đưa ra tín hiệu này. Đây cũng là mật hiệu để nhận biết các toán TK tiếp theo. 

Anh Hai Nguyên nhìn đồng hồ rồi nói: 

- Như vậy tôi đã phổ biến xong. Chắc các đồng chí còn nhiều điều muốn hỏi, nhưng chưa vội. Giờ cứ nghe tiếp công tác chuẩn bị và bàn bạc suy nghĩ. Sáng mai ta sẽ cùng nhau trao đổi kỹ hơn. 

Anh đưa mắt ra hiệu. Đồng chí thiếu tá đứng lên mỉm cười nhìn chúng tôi: 

- Tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị và hỗ trợ cho TK1. Bây giờ tôi trình bày về tuyến đường mà các đồng chí sẽ đi, sau đó là phần hậu cần.

Theo dự kiến, sẽ có xe đưa các đồng chí ngược lên miền tây Quảng Bình sang Lào rồi theo đường Trường Sơn đi về phía nam. Đến khe Trầm, - Anh chỉ trên bản đồ - các đồng chí đổ bộ và từ đó đi thẳng tới tọa độ cần tìm. Trên bản đồ, đoạn này đo được một trăm mười bảy cây số, tính theo đường chim bay. Từ đây tới gần bắc đường Chín, có những chặng xe có thể chạy ban ngày. Từ đường Chín vào xe phải chạy đêm. Vùng này khá nguy hiểm vì thỉnh thoảng có thám báo địch hoạt động... 
Chúng tôi nhìn bản đồ: địa điểm được gọi là khe Trầm nằm trên đất Lào, gần như đối diện với A Lưới (Thừa Thiên) qua đường biên giới. Từ đó, chúng tôi phải đi về hướng đông nam, vượt qua biên giới Lào - Việt vào phần đất nhô ra ngoài cùng của tỉnh Quảng Nam. 
Đồng chí thiếu tá nói tiếp: 
- Trên cũng đã cân nhắc khả năng đi từ hướng đông lên. Đi theo hướng này sẽ tranh thủ được sự giúp đỡ của đồng bào ở các bản dân tộc để tiếp cận mục tiêu gần hơn, nhưng hiện tại có nhiều trở ngại mà ta chưa thể khắc phục được. Vì thế, con đường tôi vừa trình bày vẫn là phương án tối ưu lúc này. Còn về hậu cần, đoàn 559 được lệnh cung cấp cho TK1 những thứ tốt nhất hiện có. Đây là danh mục các trang bị cần thiết cho chuyến đi. - Anh đưa cho chúng tôi tờ giấy đánh máy - Tuy nhiên, các đồng chí mới là người quyết định những gì cần mang theo...



Cuộc họp kết thúc lúc trời sắp tới. Sau khi tiễn anh Hai Nguyên và đồng chí thiếu tá ra cửa, chúng tôi quay vào ngồi xuống bên bàn. Chưa ai nói gì. Tất cả đều đang suy nghĩ về những điều vừa được nghe. Hơi lâu sau, anh Đằng lên tiếng: 


- Chuyến đi này có vẻ như là một cuộc thám hiểm ấy nhỉ? Vào bộ đội mười mấy năm, làm đủ mọi thứ việc, nhưng chưa khi nào mình nghĩ tới chuyện có lúc sẽ đi tìm vàng. 

Mọi người cùng cười. Anh Hùng hỏi: 

- Này Sơn, chắc cậu đi tìm vàng nhiều rồi phải không - Nghề của tôi mà? 

- Anh Sơn đáp - ở miền Bắc ta đã tìm được một số nơi có vàng, nhưng thường là vàng ở dạng sa khoáng, chưa bao giờ phát hiện ra quặng vàng có hàm lượng cao. Nghe nói tại các mỏ vàng ở châu Mỹ, tảng quặng vàng lớn nhất cũng chỉ nặng mấy chục ký là cùng. Cho nên tôi rất ngạc nhiên khi có vỉa quặng vàng được phát hiện qua vệ tinh... Tôi chợt nghĩ, biết đâu Liên Xô họ phát hiện vỉa quặng từ một nguồn khác, nhưng vì lý do tế nhị nào đó nên không thể nói thẳng ra được. Hiện nay Liên Xô, và cả Mỹ, đã có nhiều thành tựu trong sử dụng vệ tinh vào những lĩnh vực khác nhau, kể cả việc thăm dò tài nguyên khoáng sản, nhưng những kỹ thuật tiên tiến nhất chủ yếu vẫn tập trung cho lĩnh vực quân sự, tình báo... 

Tôi háo hức hỏi:

- Theo anh, liệu ta có tìm được vỉa quặng vàng lớn không? 

Anh Sơn tủm tỉm:

 - Mọi điều đều có thể xẩy ra, nhưng phải tới nơi mới biết? 
Anh Đằng cười: 
- Cậu Hải yên trí? Thế nào cũng tìm ra, cậu chuẩn bị sức để mang, mà nhớ là chỉ được "may túi ba gang” thôi đấy... 
Anh Đằng nói đúng. Chúng tôi phải tính toán, chỉ mang theo nhưng thứ thật cần thiết. Bàn mãi, cuối cùng cũng quyết định: Về vũ khí, ba chúng tôi mỗi người một AK báng gấp, riêng anh Sơn chỉ mang K54 vì còn phải đem theo một số dụng cụ cần cho việc thăm dò địa chất. Súng của chúng tôi còn tốt, không cần cấp mới. Lựu đạn, thuốc nổ cũng cần, nhưng nặng và sử dụng trong rừng không tiện nên không nhận. Riêng đạn cần nhiều hơn. Ngoài cơ số đạn chiến dấu, phải có đạn để săn bắn vì không thể mang đủ lương thực cho cả chuyến đi. Lương khô, gạo tươi, gạo sấy mỗi thứ năm ký cho một người. Thịt hộp chỉ mang đủ dùng cho mấy ngày đầu. Rồi màn, võng, tăng, đèn pin, bật lửa, túi phao bơi... Thuốc men thì chỉ mang thuốc chữa rắn cắn, thuốc phòng sốt rét, bông băng. Các loại khác khi cần sẽ lấy ở cây lá trong rừng. Anh Hùng bảo nên mang nhiều muối và xin thêm những viên thuốc lọc nước, vì đi rừng không phải lúc nào cũng đun được nước uống. Dây leo núi cũng không mang được. Thay vào đó, mỗi người sẽ mang hai chục mét dây dù, vừa làm dây võng vừa để sử dụng vào việc khác. Ngoài bản đồ, địa bàn, anh Đằng đề nghị cấp thêm một ống nhòm cỡ vừa. Anh Sơn yêu cầu xin một chiếc soong quân dụng mười lít, kiểu soong cạn miệng rộng. Anh nói: “Tuy cồng kềnh, nhưng để nấu ăn dọc đường và khi cần có thể dùng đãi vàng”. 
Mãi đến khi trăng lên cao, chúng tôi mới đi ngủ. 
Sáng hôm sau, khi anh Hai Nguyên và đồng chí thiếu tá tới anh Đằng báo cáo ngắn gọn những gì chúng tôi bàn đêm qua. Đồng chí thiếu tá hỏi thêm một số chi tiết rồi cầm bản danh mục trang cấp đi ngay. Anh Hai Nguyên ngồi lại đến trưa, cùng chúng tôi bàn bạc về những việc cần thiết trong chuyến đi. Anh nói: 
- Một chuyến đi rừng, cứ cho là trong vài ba tháng, đối với những người như các đồng chí không có gì phải lo nhiều. Nhưng sở dĩ tôi dặn kỹ như vậy vì điều đáng lo đến từ hướng khác. Theo tôi nếu CIA, và nói chung phía địch, cũng có những thông tin như chúng ta, sự việc sẽ phức tạp lên nhiều. Chúng hơn hẳn ta về phương tiện kỹ thuật, cũng lợi thế hơn trong tổ chức thăm dò tìm kiếm. Nếu trường hợp đó xảy ra, TK1 sẽ phải đối đầu với sự nguy hiểm cao độ và tất cả chỉ còn trông cậy vào bản lĩnh của các đồng chí. Trung ương đã tính tới tình huống này và cũng bàn bạc nhiều phương án khác như: Dùng máy bay đổ bộ lực lượng tìm kiếm; trang bị phương tiện thông tin liên lạc với hệ thống những đài hỗ trợ; tổ chức lực lượng ứng cứu khi cần thiết... Nhưng cuối cùng đành phải chấp nhận phương án hiện nay vì tình hình lúc này không cho phép ta áp dụng các biện pháp nói trên. Nếu tiến hành, nguy cơ thất bại là rất khó tránh khỏi. Khi đó, việc nắm được ý đồ của ta càng kích thích kẻ địch hành động. Cần nhắc thêm các đồng chí là phải hết sức giữ bí mật trong cả chuyến đi... 
Lúc đồng chí phục vụ mang cơm nước tới thì cuộc bàn bạc cũng vừa chấm dứt. Anh Hai Nguyên ra về sau khi đã hẹn sẽ xuống ăn với chúng tôi bữa cơm chia tay. Đến chiều, đồng chí thiếu tá cùng hai người nữa mang những trang bị cần thiết tới. 
Chúng tôi rất hài lòng với những thứ nhận được, duy chỉ có mấy con dao rừng là không được vừa ý. Loại dao này dùng cho bộ đội công binh, thường gọi là dao tông, vừa to vừa nặng. 
Sáng hôm sau, trong khi chúng tôi sắp xếp đồ đạc thì anh Đằng xin phép anh Hai Nguyên rồi ôm cả bốn con dao đi. Gần trưa anh trở về, mang theo hai con dao mà anh đổi được trong một bản Vân Kiều gần đây. Loại dao này đồng bào dân tộc thường dùng, có cán gỗ chắc chắn, lưỡi dao hơi mỏng nhưng sắc ngọt, đầu lưỡi có mấu như rựa, dùng đi rừng rất tiện. 
Trong ngày hôm đó, chúng tôi cố gắng hoàn tất mọi việc chuẩn bị. Giờ xuất phát ấn định vào sáng mai. Đồng chí thiếu tá giúp từng người kiểm tra trang bị cá nhân. Anh thu lại bức không ảnh và tấm bản đồ, cấp cho chúng tôi một tấm khác y hệt nhưng còn mới nguyên, đường đi được đánh dấu bằng những dấu kim châm, phải dùng kính lúp soi mới thấy. Bản đồ và địa bàn giao cho anh Sơn giữ. Mọi tư trang cá nhân, kể cả ảnh, thư từ, nhật ký... đều phải gửi lại. Trước khi gói các thứ đem gửi, anh Sơn đưa tôi xem ảnh vợ và con gái. Trong ảnh là một người phụ nữ còn trẻ có khuôn mặt trái xoan thùy mị và đôi mắt vời vợi như đang ngóng về phương xa xôi. Chị bồng một cháu gái chừng ba tuổi, trông bụ bẫm và rất dễ thương. 
Chiều tối, anh Hai Nguyên xuống ăn cơm với chúng tôi như đã hẹn. Các đồng chí ở trạm tổ chức một bữa liên hoan nhỏ khá chu đáo, có cả một chai rượu chanh Hà Nội. Mọi người cùng nâng cốc chúc cho chuyến đi thắng lợi. Trong bữa ăn, chúng tôi chỉ nói chuyện tâm tình, không ai nhắc tới công việc. 
Hôm sau, chúng tôi lên đường từ bốn giờ sáng. Anh Hai Nguyên đưa chúng tôi ra tận ngã ba Bãi Hà. Ở đó đã có một chiếc ô tô Bắc Kinh cùng với lái xe và đồng chí thiếu tá đợi sẵn. Anh là người dẫn đường từ đây vào tới khe Trầm. Anh Hai Nguyên bắt tay và ôm lấy từng người nói lời chúc may mắn. Xe chạy một quãng xa, ngoái lại vẫn thấy anh đứng giữa ngã ba giơ tay vẫy theo.

Tiếp >

Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối