Tác giả: Phan Văn Lợi
Nhà xuất bản: Công an Nhân dân
Năm xuất bản: 2002
Số hoá: tuanlong, ptlinh, chienvit
Nguồn trang: Quân sử Việt Nam
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối
Chương I
Buổi chiều một ngày đầu tháng 4 năm
1969.
Đang chuẩn bị cho chuyến đột nhập về vùng ven
thị xã Quảng Trị, tôi bỗng được lệnh lên gặp ông Thủy để nhận công tác gấp.
Chia tay với Bằng và Dũng, hai người đồng đội cùng tổ trinh sát, tôi vội vã đi
lên khu hầm chỉ huy, trong lòng thấp thỏm. Vẫn biết đi công tác đột xuất đối
với lính an ninh là chuyện thường tình, nhưng đích thân đồng chí trưởng ty giao
nhiệm vụ thì hẳn là công việc rất quan trọng...
Ông Thủy rút từ cặp hồ sơ ra tờ giấy ghi điện
mật, nhưng không đưa cho tôi mà giơ lên trước đèn, vừa nhìn bức điện vừa
nói:
- Tôi mới nhận được điện của Khu ủy, trên ấy
điều cậu đi công tác gấp. Trong điện ghi đích danh nên không thể thay bằng
người khác được. Chính vì thế mà tôi phải cho đồng chí Diễn xuống ngay, sợ các
cậu đi rồi thì lỡ việc. Thế nào, đột xuất như vậy có ảnh hưởng gì tới công việc
của tổ cậu không?
- Báo cáo, không sao ạ! Đồng chí Bằng đảm
đương được, cậu Dũng cũng quen rồi. Nhưng có việc gì mà Khu ủy điều đến tôi
ạ?
Ông Thủy nhìn tôi, mắt thoáng cười sau cặp
kính loáng ánh đèn:
- Đừng sốt ruột? Cậu đã biết rồi, có những
việc khi bắt tay vào làm mới rõ. - Ông ngừng lại như để cân nhắc điều gì, rồi
nói tiếp - Riêng trong chuyện này, tôi cũng mới nắm những nét chung nhất thôi.
Về phần cậu chỉ cần nhớ: Khu ủy điều cậu đi công tác gấp, trong chiều mai phải
có mặt ở T.2. Đường xa lại khó đi, cậu phải lên đường ngay mới kịp.
Ông mở cặp hồ sơ trên bàn, lấy ra tờ giấy giới
thiệu:
- Không có lệnh điều động đâu! Tôi đã viết sẵn
giấy giới thiệu cho cậu. À, trong điện nói rõ: chỉ mang theo vũ khí và tư trang
cần thiết. Những thứ cần dùng cho công tác sắp tới sẽ lĩnh ở T.2. Cậu cần bao
lâu để chuẩn bị?
- Báo cáo, tôi đi ngay được ạ!
- Tốt! Đây là mật khẩu đêm nay trên đường giao
liên, đọc xong nhớ kỹ rồi đưa lại cho tôi. - Ông đưa tôi mảnh giấy nhỏ - Tôi đã
điện hỏi bên giao liên, đường đêm nay yên, đi được.
Tôi đọc mật khẩu rồi đưa trả mảnh giấy. Mật
khẩu rất dễ nhớ. Còn tờ giấy giới thiệu tôi gấp lại, cẩn thận cho vào bao
nilong, cất trong túi áo ngực. Nội dung giấy giới thiệu cũng như thường lệ, chỉ
phần lý do công tác lại ghi: "Gặp anh Hai Nguyên", rất cụ thể nhưng
khó hiểu.
Ông Thủy tháo kính, ngả người vào lưng
ghế:
- Cậu còn hỏi gì nữa không?
Tôi chưa trả lời ngay, trong đầu thoáng nghĩ
về chặng đường sắp tới. Chưa đến T.2 lần nào, nhưng tôi biết đó là trạm giao
liên thuộc đường dây 559, chuyên đưa đến các đoàn cán bộ vào ra công tác ở Trị
Thiên. Trạm nằm ở phía tây Vĩnh Linh, đâu như trong một cánh rừng thuộc Bãi Hà.
Như vậy đêm nay tôi lại đi ra Bắc, ngược hướng với Bằng và Dũng. Sẽ vượt sông
Bến Hải ở Bến Than. Sức trai hăm ba tuổi lại quen vất vả từ nhỏ, chặng đường
này đối với tôi chẳng mùi mẽ gì.
Ngẩng đầu lên, thấy ông Thủy vẫn đang chờ trả
lời, tôi vội đáp:
- Báo cáo, rõ cả rồi ạ! Chỉ có đoạn từ Bến
Than đến T.2 tôi chưa đi lần nào...
- Qua Bến Than, cậu phải đi gần một ngày nữa.
Tới đó đã là đất miền Bắc, cứ hỏi đường lên Bãi Hà, sẽ có người đến. Nhưng nhớ
giữ kỹ giấy giới thiệu. Không có nó, cậu không đi được bước nào trên đất Vĩnh
Linh đâu. À, cậu quê ngoài đó cơ mà, còn lạ gì nữa!
Ông đứng dậy tới bên chiếc ba lô treo ở vách
hầm, lấy ra hai phong lương khô đưa cho tôi:
- Cầm lấy ăn dọc đường. Chỉ đi trong một ngày
đêm, khỏi cần xuống hậu cần nhận gạo. Vả lại đi gấp cũng chẳng kịp nấu cơm. Mà
ra quê cậu đâu có lo đói. Này, cậu biết anh Hai Nguyên rồi phải không?
- Dạ, đã gặp vài lần rồi ạ! Anh Hai Nguyên là
cán bộ lãnh đạo của Khu ủy, tôi có gặp mấy lần khi anh về Ty an ninh làm việc.
Đó là người lãnh đạo mà lính an ninh chúng tôi hết lòng kính phục. Anh có tác
phong giản dị, cách nói chuyện rất hấp dẫn, vừa sâu sắc vừa dí dỏm. Cánh trinh
sát bên Tỉnh đội kể mãi về chuyện trước Mậu Thân, anh cùng lính đặc công mặc đồ
cụt ngụy trang cắp AK bò vào tận sân bay Ái Tử, thành thạo không kém bất cứ một
chiến sĩ đặc công dày dạn nào. Về tuổi tác, đáng ra như tôi phải gọi anh bằng
chú, nhưng anh dặn chúng tôi cứ gọi bằng anh cho dễ xưng hô và để anh được trẻ
lâu...
Thấy ông Thủy nhìn đồng hồ, tôi vội nhìn xuống
chiếc "Pônzốt” đeo ở cổ tay: đã bảy giờ tối.
- Thôi, cậu đi được rồi đấy?
Ông đứng dậy cầm chiếc ba lô nhẹ tênh giúp tôi
khoác lên vai và đi cùng tôi ra tới cửa hầm ngoài cùng. Đặt cả hai tay lên vai
tôi, ông thân mật nói:
- Mình chưa biết cụ thể công việc sắp tới của
cậu, nhưng chuyến đi này có lẽ dài ngày. Vậy chúc cậu lên đường may mắn và mạnh
khoẻ. Trước lúc cậu đi, mình chỉ dặn một điều: Khi trên đã điều động một người
lính an ninh, thì có nghĩa công việc sắp tới không chỉ cần đến lòng dũng cảm
trung thành, mà còn cần cả kinh nghiệm, sự hiểu biết và bản lĩnh của một chiến
sĩ an ninh. Thôi, đi nhé!
Cảm động trước lời dặn dò chân tình của ông,
tôi bối rối nên chỉ đáp ấp úng: "Chào thủ trưởng, tôi đi ạ"' ông bắt
tay tôi lần cuối rồi quay vào hầm.
Xốc lại chiếc ba lô và khẩu súng trên vai, tôi
bước ra mé đồi đưa mắt tìm lối đi. Lúc đó tôi đâu có ngờ rằng mình đang bước
những bước đầu tiên của một chuyến đi dài ngày, một chuyến đi kỳ lạ chẳng hề
giống bất cứ chuyến công tác nào trước đó.
Sau gần một đêm và một ngày cuốc bộ thật lực,
tôi tới trạm khách của T.2 đúng giờ qui định nhưng không gặp anh Hai Nguyên,
chỉ nhận được mẩu giấy của anh gửi lại với nội dung ngắn và rõ như một mệnh
lệnh: "Nghỉ ngơi và chờ đợi”.
Đêm ấy tôi mắc võng nằm một mình trong căn nhà
vắng ở góc rừng, trằn trọc mãi bởi tâm trạng nôn nao trước công việc sắp tới,
mà đến lúc này vẫn chưa biết được là việc gì.
Sáng hôm sau khi từ dưới suối lên, tôi nghe
trong nhà có tiếng người, chắc có ai mới đến. Đang định phơi bộ quần áo vừa
giặt, bỗng thấy một người mặc quân phục hiện ra trước cửa, nụ cười tươi rói
trên khuôn mặt ngăm đen thân thiết. Tôi ngớ người rồi bật reo: "A, anh
Đằng!" Ném bộ quần áo ướt lên chiếc sào tre, tôi nhào tới ôm chầm lấy anh.
Anh cười khà khà:
- Chưa hết! Ai đây?
- Anh né sang một bên.
- Ôi! Cả anh Hùng nữa! Các anh đi đâu vậy? -
Tôi hỏi một câu khá ngớ ngẩn.
- Đi với cậu chứ đi đâu? Vào đây? Vào đây nói
chuyện.
Chúng tôi ngồi xuống bên bàn, ngắm nhìn
nhau.
- Các anh vẫn thế, chẳng thay đổi gì cả? - Tôi
nói.
- Thay đổi thế nào được, bọn mình vẫn khỏe như
vâm. Tới trạm nghe ông Hai Nguyên bảo xuống đây sẽ gặp người quen. Gặng mãi ông
ấy chẳng nói, chỉ tủm tỉm cười. Ai ngờ lại là cậu…
Nói chuyện một lúc, rồi tôi dẫn các anh ra
suối. Hai anh xuống tắm, còn tôi ngồi giặt giúp mấy bộ quần áo. Câu chuyện vẫn
sôi nổi không dứt.
Thì ra các anh vẫn chưa biết ra đây làm nhiệm
vụ gì. Đang hoạt động ở phía bắc đường Chín bên đất Lào, nhận được điện là lên
đường ngay. Đi suốt đêm ra tới đường Trường Sơn, vẫy một chiếc xe con, may gặp
đồng chí cán bộ đoàn 559 là người quen của anh Đằng đi Hà Nội họp. Anh ấy cho
xe chở tận Bãi Hà.
Anh Đằng và anh Hùng là trinh sát quân báo của
một sư đoàn chủ lực chuyên hoạt động ở chiến trường Quảng Trị, Nam Lào. Tôi
quen các anh trong một trường hợp khá đặc biệt mà có lẽ chẳng ai muốn có một
dịp như vậy để làm quen với nhau. Hôm ấy tổ công tác của chúng tôi đang trên đường
trở về hậu cứ sau một chuyến công tác. Thời gian này địch nống ra đánh phá ác
liệt hòng đẩy bộ đội ta lên xa trên núi. Sau Mậu Thân lực lượng ta tổn thất khá
nhiều. Các cơ sở nằm vùng phần bị bắt, phần bị lộ phải rút ra nên công tác của
chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hôm ấy có việc gấp nên chúng tôi đi từ trưa.
Lúc ngang qua dãy đồi sim ở vùng tây Cam Lộ, chúng tôi gặp một đơn vị đang bị
phục kích. Đó là tổ trinh sát của anh Đằng và anh Hùng. Chúng tôi đã cùng hợp
sức diệt gọn toán thám báo địch. Rồi quen nhau từ đó.
Về sau, thỉnh thoảng có dịp công tác qua, các
anh lại ghé vào hậu cứ Ty an ninh thăm chúng tôi. Có lần anh Đằng đưa cho tôi
một tờ báo của Quân khu, trong đó có đăng bài viết về trận đánh nhỏ của chúng
tôi. Bài báo biểu dương tổ trinh sát của tôi, nói đó là trận đánh phản phục
kích, đánh phối hợp theo tiếng súng tuyệt đẹp...
Chẳng biết anh Đằng đã kể gì với nhà báo, chứ
chúng tôi thì lại hết sức cảm phục các anh. Bị phục kích bất ngờ như thế, trước
một khẩu trung liên và nửa tá nòng tiểu liên bắn như đổ đạn, nhưng vẫn đánh trả
được và chỉ bị thương nhẹ có hai người, chứng tỏ các anh là những người lính
trinh sát dạn dày bản lĩnh mà còn lâu cánh lính trẻ chúng tôi mới theo
kịp...
Vì vậy tôi rất mừng khi được đi với hai anh
trong chuyến công tác, dù chưa biết sẽ làm công việc gì.
Đợi hai anh tắm xong, chúng tôi cùng lên nhà.
Vừa bước vào cửa đã thấy anh Hai Nguyên ngồi uống nước trà bên bàn, ung dung
như một thầy giáo đang đợi trống đánh báo giờ vào lớp.
- Thế nào, đã kịp làm quen với nhau rồi phải
không? - Anh nheo mắt hóm hỉnh.
Cả ba chúng tôi cùng bật cười. Anh Đằng trả
lời:
- Thế mà hỏi mãi anh không nói. Ai chứ Hải với
bọn em còn hơn cả ruột thịt...
- Biết thế nên mình mới để các cậu đi với nhau
chuyến này. Nhưng việc đó nói sau, đang còn đợi một cậu nữa từ Hà Nội vào. Giờ
các cậu cứ phải nghỉ ngơi thôi. Tuyệt đối không được sốt ruột đấy nhé. Mình đi
đây? Nếu tối nay rảnh, sẽ xuống ngủ với các cậu một đêm.
Nói xong, anh đứng dậy, thân mật vỗ vai từng
người rồi nhanh nhẹn bước ra cửa. Đã quen với tác phong của anh nên chúng tôi
không ngạc nhiên.
Đến chiều, chúng tôi ra ngồi dưới gốc cây, lại
hàn huyên mãi không thôi. Anh Hùng lấy trong ba lô ra gói lạc và kí đường, trổ
tài nấu một mẻ kẹo. Kẹo lạc anh nấu rất ngon, nhưng vừa ăn vừa phải bóc giấy
báo dính sau lớp kẹo vì không có bánh tráng để đổ.
Lúc sẩm tối, anh Hai Nguyên ôm võng xuống ngủ với
chủng tôi. Bốn chiếc võng mắc chụm đầu vào cây cột giữa nhà. Chúng tôi rủ rỉ
trò, chuyện đến nửa đêm. Khi nghe anh hỏi chuyện, tôi thấy anh biết khá rõ hoàn
cảnh gia đình của mỗi chúng tôi. Đến lúc nghe anh kể về mình, mới biết anh quê
Quảng Nam chứ không phải ở Nam Bộ như lâu nay tôi vẫn tưởng. Vì ít được tiếp
xúc nên tôi không rành phân biệt giọng nói người miền trong. Hơn nữa, cái tên
Hai Nguyên cùng với phong thái cởi mở sôi nổi làm anh có dáng dấp của một
"anh Hai Nam Bộ" trong suy nghĩ của tôi.
Quê anh ở cạnh con sông Thu Bồn, một làng quê
nghèo và hiền lành như bao làng quê miền Trung. Nhà anh chỉ có hai anh em. Cha
mẹ anh mất sớm, lúc đó anh mười tuổi còn người anh trai mười lăm. Vốn xuất thân
từ một gia đình có truyền thống hiếu học nên cả hai anh em đều sáng dạ, ham học.
Bà con nội ngoại thấy vậy đã xúm lại giúp hai anh em theo việc đèn sách. Anh
cùng anh trai vào Quy Nhơn ở nhờ nhà một người bà con xa làm nghề buôn bán, vừa
đi học vừa phụ giúp bán hàng và tính toán sổ sách để có thêm chút ít thu nhập
ngoài số tiền nhỏ mà bà con ở quê thỉnh thoảng gửi vào. Năm 1943 cả hai anh em
cùng lúc thi đỗ diplome khiến họ hàng gần xa ai cũng tự hào và hả dạ. Ở quê, có
những dòng họ giàu có sẵn sàng chu cấp cả trăm lần hơn thế cho con cháu ăn học,
mà đâu có ai được như vậy. Anh trai anh vẫn tiếp tục học lên. Nhưng anh thấy số
tiền ít ỏi mà bà con làng xóm gom góp chu cấp không kham nổi việc hai anh em
cùng học, nên anh tự ý nghỉ, đi làm nghề dạy kèm để kiếm thêm, dù người anh hết
sức can ngăn và la mắng.
Năm Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền, anh trở
ra quê hăng hái tham gia phong trào ở địa phương. Trong những ngày sôi nổi ấy,
anh lăn vào tất cả mọi công việc mà chính quyền Cách mạng non trẻ ở quê cần đến,
từ dựng cổng chào, cắt khẩu hiệu, dạy bình dân học vụ cho tới tập quân sự, tuần
tra canh gác... Khi những chuyến tàu rầm rập ngày đêm chở thanh niên trai tráng
"Nam tiến" chạy qua cái thị xã Đà Nẵng nồng mùi cá biển, thì anh
không còn chịu được nữa. Anh nhảy lên một chuyến tàu như thế, bằng mọi cách năn
nỉ với đồng chí chỉ huy cho đến lúc được nhận theo. Từ đó anh đã đi qua nhiều
miền đất, nhiều chặng đường gian truân của cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm
1954, anh là trung đoàn trưởng chỉ huy một trung đoàn tham gia chiến dịch Điện
Biên Phủ lịch sử. Hòa bình, anh ở lại miền Bắc tham gia xây dựng quân đội. Vì vậy
kể từ ngày bám theo đoàn tàu Nam tiến đến mãi sau này, anh không nhận được tin
gì về anh trai mình. Anh không bao giờ quên được những ngày tháng gian nan khốn
khó hai anh em mồ côi cha mẹ đùm bọc nương tựa vào nhau trong sự cưu mang của
bà con họ hàng. Hình ảnh ngôi nhà tranh bé nhỏ có cây mai già mọc trước mảnh
sân đầy rêu, nơi hài anh em anh sinh ra và lớn lên, luôn hiện ra trong tâm trí
những lúc anh nhớ về quê nhà, về người anh trai của mình. Mỗi khi xuân đến, màu
hoa mai nở vàng rực càng làm cháy lên trong anh nỗi khát khao trở về sững và
chiến đấu trên mảnh đất quê hương.
Năm 1959, anh được điều sang đoàn cán bộ vào
Nam tăng cường cho Khu ủy Trị Thiên. Hai năm sau, nhân gặp một người bạn ở Tỉnh
ủy Quảng Nam ra Bắc công tác, anh mới biết anh trai mình hiện đang sống ở Sài
Gòn, là giáo sư dạy sử ở một trường đại học. Anh ấy đã lập gia đình, có hai
con, một trai một gái...
Anh kể tiếp:
- Trước sáu tám, mình được tin anh mình chuyển
ra sống ở Đà Nẵng. Nghe nói ông đã bỏ nghề dạy học, giờ chỉ ở nhà viết sách.
Còn đứa cháu trai thì đi lính ngụy, hình như làm "philốt". Không biết
đã có khi nào nó ném bom xuống đầu chú nó chưa...,
Anh cười buồn, ngưng một lúc rồi mới nói tiếp:
- Dạo Mậu Thân, mình có nhờ bạn bè trong đó
tìm kiếm. Sau này anh em báo ra là đã móc được với anh mình, nhưng chưa kịp nhận
hồi âm vì tình hình lúc đó diễn ra ác liệt quá... Mình chỉ mong hai anh em còn
sống đến ngày hòa bình để được ôm lấy nhau, để dắt nhau về lại ngôi nhà nhỏ có
cây mai già ấy mà thắp cho ông bà cha mẹ mấy nén hương...
Trong đêm khuya thanh vắng, câu chuyện về gia
đình qua giọng kể thủ thỉ buồn buồn của anh làm chúng tôi nao cả lòng. Tôi
không ngờ người cán bộ lãnh đạo lúc nào cũng nhiệt tình sôi nổi và hóm hỉnh đó
lại chứa chất trong lòng một tâm sự da diết đến như thế.
Sáng hôm sau tỉnh giấc, thấy anh Hai Nguyên đã
dậy cuốn võng đi từ lúc nào. Anh Đằng cười:
- Ông này đúng là đặc công thứ thiệt. Đi lúc
nào mà êm ru, mình chẳng hay biết gì cả!
Nhưng chỉ nửa giờ sau anh lại đến. Cùng đi với
anh có một người trạc tuổi anh Hùng, dáng cao cao, nước da trắng, mặc bộ quân
phục và đeo chiếc ba lô cóc mà tất cả đều còn mới tinh như vừa nhận từ trong
kho ra.
Vừa bước qua cửa, anh Hai Nguyên nói ngay:
- Vậy là người thứ tư đã tới. Giới thiệu với
các cậu, đây là đồng chí Sơn, kỹ sư địa chất, mới từ Hà Nội vào. Sáng nay các cậu
nghỉ ngơi, làm quen với nhau. Chiều hai giờ ta làm việc nhé! - Anh cười, vẫy
tay chào rồi quay người đi ngay.
Tôi bước tới, giúp anh Sơn cởi ba lô đặt trên
bàn:
- Anh ngồi nghỉ, lát rồi em dẫn xuống suối tắm
cho mát!
Anh Đằng róc nước ra chén, đưa mời:
- Đồng chí Sơn uống nước? Đồng chí quê ở đâu
nhỉ?...
Cứ thế, chỉ lát sau là chúng tôi đã cởi mở trò
chuyện thân tình. Riêng tôi vẫn phân vân không biết vì sao anh Sơn lại đi với
chúng tôi. Trông anh đúng là dân trí thức chính cống, lại mới từ Hà Nội vào.
Tôi thì chẳng đáng nói, chứ trên đã điều những người như anh Đằng và anh Hùng
cho chuyến công tác này, hẳn công việc đâu có đơn giản... Sau này tôi phải tự xấu
hổ với những suy nghĩ ban đầu của mình. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết anh
Sơn là kỹ sư địa chất, chuyên đi tìm kiếm khảo sát các mỏ kim loại màu và đá
quí. Suốt sáu năm từ khi tốt nghiệp ra trường cho đến nay, hầu như anh lang
thang trong rừng, đặt chân lên nhiều miền núi non của tổ quốc, từ Nghệ An,
Thanh Hóa cho tới những dãy núi trùng điệp ở Đông Bắc, Tây Bắc. Chỉ những lúc
phải về phân tích mẫu, lập đồ bản... anh mới làm việc ở Hà Nội. Đúng là người
ta rất dễ nhầm lẫn nếu đánh giá một con người chỉ qua dáng vẻ bên ngoài.
Anh Đằng vô cùng mừng rỡ khi biết anh Sơn đồng
hương với anh, mà lại là đồng hương tầm gần, có nghĩa cùng huyện, chứ không phải
loại đồng hương pháo tầm xa cũng không với tới. Quê anh Sơn ở gần núi Gôi, còn
nhà anh Đằng ở cạnh ga Cát Đằng (tỉnh Nam Định), chỉ cách nhau chừng mười cây số,
gọi là ga trước ga sau của một chuyến tàu chợ. Anh Sơn đã lập gia đình, chị ấy
dạy học ở trường cấp hai trong xã. Hai anh chị sinh được một cháu gái, năm nay
cháu ba tuổi.
Tôi nhường cho anh Đằng quyền được dẫn đồng
hương xuống suối tắm giặt để các anh có dịp tâm sự với nhau. Khi từ dưới suối
lên, nhìn nét mặt rạng rỡ của anh, tôi hiểu điều gì đã làm anh vui đến vậy. Ở
quê, gia đình anh chỉ còn mỗi mình ông cụ thân sinh. Mẹ anh mất cách đây hai
năm, nhưng mãi sau này anh mới biết tin. Hai ông bà sinh được có mình anh...
Năm 1956, theo ước nguyện của bố, anh Đằng làm đơn tình nguyện vào trường thiếu
sinh quân và được chấp nhận, nhưng khi đến trường thì bị trả về với lý do quá
tuổi quy định, kèm theo lời xin lỗi gia đình về sự sơ suất trong xét tuyển. Năm
ấy anh mười tám tuổi. Anh không chịu về, mấy ngày liền bám theo các anh cán bộ
quân lực nằng nặc xin vào một trường quân sự nào đó. Cuối cùng, anh được nhận
vào trường bộ đội đặc công. Hơn hai năm sau, anh đã là thành viên trẻ nhất
trong đoàn cán bộ đi mở đường Trường Sơn. Lăn lộn mải miết với các tuyến đường
hết đông lại sang tây Trường Sơn, đến năm 1965 anh được điều về phòng quân báo
của một sư đoàn chủ lực. Trong chừng ấy năm có dăm lần về phép, mỗi lần mươi
ngày, anh chỉ kịp giúp bố mẹ lợp lại mái nhà hay làm cái chuồng lợn, chứ không
đủ thời gian để có thể tìm hiểu một cô nào đó mà lấy làm vợ. Lần về phép gần
đây nhất của anh cũng đã cách bốn năm...
Vì vậy việc bất ngờ gặp được người đồng hương ở
nơi xa xôi này và biết được những tin tức tốt lành còn nóng hổi về quê nhà sau
bao ngày xa cách, khiến anh vô cùng vui sướng.
Đúng như đã hẹn, anh Hai Nguyên đến lúc hai giờ
chiều. Cùng đi có một đồng chí thiếu tá mà anh giới thiệu là cán bộ tham mưu của
đoàn 559. Tôi có cảm giác chiếc quân hiệu lấp lánh trên mũ và đôi cấp hàm đỏ
chót nơi ve áo anh làm cho không khí trang nghiêm hẳn lên.
Anh Hai Nguyên nói:
- Các đồng chí biết nhau cả rồi, nên ta vào việc
luôn. Tôi được Trung ương giao nhiệm vụ thành lập và chỉ đạo một tổ công tác đặc
biệt. Sau khi trao đổi bàn bạc với các đơn vị có trách nhiệm phối hợp, tôi quyết
định chọn bốn đồng chí để thành lập tổ công tác này. Từ nay, các đồng chí là
thành viên của tổ, đồng chí Đằng làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của các đồng chí là
tìm kiếm một vỉa quặng vàng được phát hiện qua vệ tinh của Liên Xô. Theo bạn, vỉa
quặng này rất đáng chú ý vì những số liệu kỹ thuật đều cho thấy nó có hàm lượng
vàng rất cao và chỉ phát hiện tập trung ở một nơi. Tọa độ của nó là...
Anh đọc tọa độ rồi cầm bút chì chỉ vào một điểm
trên tấm bản đồ tỉ lệ 1:100.000 mà đồng chí thiếu tá vừa trải lên bàn. Điểm anh
chỉ nằm ở phía tây tỉnh Quảng Nam, sát với biên giới Việt-Lào.
- Thế nào? - Nheo mắt nhìn chúng tôi, anh hỏi
- Nhiệm vụ khá bất ngờ và lý thú phải không? Nhưng cứ nghe tiếp đã nhé? Trong
cuộc họp vừa rồi ở Hà Nội, tôi được biết: Trung ương đã chỉ thị cho các cơ quan
có trách nhiệm nghiên cứu thông tin này, và đã có nhiều ý kiến khác nhau. Một ý
kiến cho rằng đây đúng là mạch quặng vàng lộ thiên, dấu hiệu của mỏ vàng nằm
sâu trong lòng đất. Tọa độ được phát hiện ở phía trên mỏ vàng Bồng Miêu nhưng
cách khá xa, liệu có liên quan gì về mặt địa chất? Điều này rất khó xác định do
không đủ dữ liệu. Có ý kiến khác nêu ra nhận định: đây là một kho vàng tồn tại
do nguyên nhân lịch sử nào đó. Khả năng này rất đáng chú ý. Trước đây nhân dân
vùng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh đã từng phát hiện một số vàng thỏi và tiền vàng
nhưng số lượng không nhiều, xác định là vàng do vua Hàm Nghi mang theo khi ra
vùng này lập căn cứ chống Pháp. Có người nói đây có thể là vàng mà quân Nhật vơ
vét khi sang chiếm nước ta, rồi sau chúng đem thu giấu vì không chuyển về nước
được... Tình tiết này có thật trong lịch sử, nhưng tọa độ phát hiện nằm giữa
núi cao rừng thẳm, cách xa các đường giao thông và khu dân cư, kể cả các bản
làng của đồng bào dân tộc, khó ai có thể vận chuyển lên cất giấu ở đó...
Cuối cùng cuộc họp quyết định phải tổ chức
thăm dò tìm kiếm, giao trách nhiệm cho tôi trực tiếp chỉ đạo với sự phối hợp về
mọi mặt của đoàn 559, quân khu Bốn và Tổng cục địa chất. Phía bạn có cung cấp
cho ta một bức không ảnh... - Anh mở nắp chiếc xà cột da đeo bên người lấy ra một
tấm ảnh màu to cỡ trang vở học sinh đặt lên bàn - ... tất nhiên không phải là ảnh
gốc. Nó đã được phổ màu và chụp lại.
Chúng tôi cùng rướn người tới nhìn. Trên tấm ảnh
chỉ thấy những mảng xanh đậm nhạt khác nhau bao quanh một đám màu vàng úa có
hình dạng như chiếc lá cây. Bên lề tấm ảnh có ký hiệu chỉ hướng bắc nam.
Anh Hai Nguyên cười:
- Các đồng chí không phân biệt được gì bằng mắt
thường đâu? Ngay cả khi có ảnh gốc, cũng phải có máy chuyên dụng và chuyên viên
phân tích ảnh mới biết được. Lúc này tấm ảnh chỉ có ý nghĩa hướng dẫn. Bộ phận
kỹ thuật cho biết bức không ảnh này được chụp từ độ cao khá lớn, chụp chính diện
một khoảng mặt đất hình vuông cạnh từ mười đến mười hai kilomet. Qua phân tích,
địa hình trong ảnh nếu mở rộng ra sẽ có dạng như một thung lũng. Xung quanh là
rừng già nguyên sinh, - anh chỉ những mảng màu xanh - ở giữa là đồng cỏ dài chừng
năm kilomet và rộng ba kilomet. Tọa độ vỉa quặng nằm ngay dải rừng phía bắc đồng
cỏ. Theo thông tin của bạn, ở góc đông bắc đồng cỏ có một cây thủy tùng cổ thụ.
- Nói đến đây, anh nhìn anh Hùng và hỏi - Thế nào? Chuyên gia về rừng có biết
cây thủy tùng không?
Anh Hùng ngẫm nghĩ rồi đáp:
- Có phải loại tùng trên núi Yên Tử không ạ?
- Không phải! Theo một đồng chí phó tiến sĩ
lâm sinh cho biết, loài cây này thuộc họ tùng bách, thân thẳng dáng cao vút,
tán lá hình chóp, lá hình kim xanh quanh năm. Vỏ cây thủy tùng sần sùi, lâu năm
có thể bong ra từng mảng. Một đặc điểm nữa là nhựa của nó rất độc... - Anh chợt
cười - Nghe như bài giảng thực vật ấy nhỉ? Tôi cũng chỉ nói lại những điều hỏi
được, biết đâu nó sẽ có ích cho các đồng chí! Thủy tùng là loài cây của xứ lạnh,
phát triển nhiều vào thời trung cổ, không hiểu sao ở nước ta còn sót lại cây
này? Nhưng chính vì hiếm như thế nên nó là dấu hiệu quan trọng để giúp các đồng
chí xác định đúng khu vực phải tới.
Anh bưng chén nước nhấp một ngụm rồi nói tiếp:
- Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang đi
vào giai đoạn ác liệt nhất, ta đang phải tập trung tất cả cho chiến đấu. Việc
tìm kiếm thăm dò trong lúc này sẽ rất khó khăn, nhất là không thể tổ chức quy
mô vì nhiều lý do khác nhau. Chắc các đồng chí cũng tự hỏi: Tài nguyên của ta,
của cải của ta, ta lấy lúc nào mà chẳng được? "Cơm chưa nấu thì gạo còn
đó..." Nhưng tình hình không cho phép như vậy. Theo tài liệu tình báo ta nắm
được, một nhân viên CIA có cỡ vừa được điều tới phân vụ CIA ở Sài Gòn đang chú
ý đặc biệt đến địa bàn này. Đây là vùng không cần thiết phải có cứ điểm quân sự,
địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt và không có nhánh đường nào thuộc tuyến
đường Trường Sơn chạy qua. Ta chưa biết địch có ý đồ gì, nhưng nguồn tin này rất
đáng lưu ý bởi có sự trùng hợp là tọa độ mà ta quan tâm nằm trong khu vực này.
Trung ương đã chỉ thị cho bên tình báo tiếp tục khai thác nguồn tin đó, đồng thời
yêu cầu các cơ quan lưu trữ thu thập nghiên cứu các tài liệu lịch sử để tìm những
thông tin có liên quan.
Tình hình là thế. Giờ chắc các đồng chí đã hiểu
vì sao ta phải tổ chức tìm kiếm trong lúc nước sôi lửa bỏng này. Hơn nữa trong
đó mùa mưa thường bắt đầu từ tháng sáu, mà bây giờ đã là đầu tháng tư, cần phải
tiến hành gấp trước khi mưa tới...
Nói đến đây anh ngừng lại, mắt nhìn ra xa như
đang nghĩ tới điều gì. Chúng tôi yên lặng chờ đợi. Lát sau anh mới chậm rãi nói
tiếp:
- Tổ của các đồng chí được đặt tên là TK1. Như
vậy, sẽ có những toán TK tiếp theo. TK1 vừa có nhiệm vụ mở đường, vừa tìm kiếm
thăm dò, vừa phải chiến đấu khi cần thiết. Nhiệm vụ rất nặng nề. Các đồng chí
phải xuyên rừng nhiều ngày trên một địa bàn xa lạ hiểm trở, không dân cư và có
thể gặp địch. Trong suốt chuyến đi sẽ không có sự liên lạc nào với trên, với
các đơn vị bạn. Mặt trận sẵn sàng cung cấp cho TK1 những phương tiện thông tin
tốt nhất mà ta hiện có, nhưng với cự ly đó, những bộ máy thích hợp lại quá cồng
kềnh. Do vậy, khi gặp trở ngại, các đồng chí phải hoàn toàn dựa vào sức mình chứ
không có sự giúp đỡ hỗ trợ nào khác. Chúng ta không thể tính trước từng phương
án cho mỗi tình huống, nhưng bất kỳ trường hợp nào các đồng chi cũng phải tỉnh
táo vận dụng tất cả khả năng và kinh nghiệm của mình để hành động. Những gì các
đồng chí đã học, đã rèn luyện được qua thực tế công tác chiến đấu, mọi kiến thức,
mọi hiểu biết từng người tích lũy được tử trước đến nay đều có thể cần đến.
Không có trở ngại nào là không thể vượt qua, nếu chúng ta vững vàng và biết suy
nghĩ đúng hướng. Theo kế hoạch, đường về là đi ngược lại con đường đã đi, nhưng
không phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra đúng như dự kiến. Các đồng chí cần hết
sức linh hoạt, tận dụng mọi cơ hội. Và tôi xin nói rằng trong kế hoạch này, yêu
cầu cao nhất là sự trở về của TK1, cho dù không tìm ra vỉa quặng. Người ta bảo:
khi giải một bài toán mà chứng minh được đề bài ra sai thì coi như hoàn thành
phép giải. Còn trong trường hợp này, chỉ cần xác định cách giải hiện tại không
đúng để tìm cách giải khác, đã là có kết quả. Tất nhiên khi trở về mà mang theo
kết quả tìm kiếm mỹ mãn thì đó là một thắng lợi toàn diện rồi...
Nghe đến đây, bốn chúng tôi đưa mắt nhìn nhau.
Ai cũng cảm động trước sự tin cậy của anh Hai Nguyên. Anh tin chúng tôi sẽ làm
hết sức mình mới chịu quay về.
Sau đó, anh phổ biến cho chúng tôi mật hiệu
liên lạc khi cần thiết. Mật hiệu rất ngắn gọn: nếu nhận được tin "Hoa mai
đã nở”, thì đấy là tín hiệu của tổ tôi báo về, bộ phận chỉ đạo sẽ có cách liên
lạc trở lại. Còn nếu nhận "Hoa mai vàng đã nở” có nghĩa chúng tôi phát hiện
được mục tiêu. Các tỉnh lân cận và các đơn vị bộ đội đóng trên những địa bàn có
liên quan sẽ được thông báo và hướng dẫn cách xử li khi có người đưa ra tín hiệu
này. Đây cũng là mật hiệu để nhận biết các toán TK tiếp theo.
Anh Hai Nguyên nhìn đồng hồ rồi nói:
- Như vậy tôi đã phổ biến xong. Chắc các đồng
chí còn nhiều điều muốn hỏi, nhưng chưa vội. Giờ cứ nghe tiếp công tác chuẩn bị
và bàn bạc suy nghĩ. Sáng mai ta sẽ cùng nhau trao đổi kỹ hơn.
Anh đưa mắt ra hiệu. Đồng chí thiếu tá đứng
lên mỉm cười nhìn chúng tôi:
- Tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị và hỗ trợ
cho TK1. Bây giờ tôi trình bày về tuyến đường mà các đồng chí sẽ đi, sau đó là
phần hậu cần.
Theo dự kiến, sẽ có xe đưa các đồng chí ngược
lên miền tây Quảng Bình sang Lào rồi theo đường Trường Sơn đi về phía nam. Đến
khe Trầm, - Anh chỉ trên bản đồ - các đồng chí đổ bộ và từ đó đi thẳng tới tọa
độ cần tìm. Trên bản đồ, đoạn này đo được một trăm mười bảy cây số, tính theo
đường chim bay. Từ đây tới gần bắc đường Chín, có những chặng xe có thể chạy
ban ngày. Từ đường Chín vào xe phải chạy đêm. Vùng này khá nguy hiểm vì thỉnh
thoảng có thám báo địch hoạt động...
Chúng tôi nhìn bản đồ: địa điểm được gọi là
khe Trầm nằm trên đất Lào, gần như đối diện với A Lưới (Thừa Thiên) qua đường
biên giới. Từ đó, chúng tôi phải đi về hướng đông nam, vượt qua biên giới Lào -
Việt vào phần đất nhô ra ngoài cùng của tỉnh Quảng Nam.
Đồng chí thiếu tá nói tiếp:
- Trên cũng đã cân nhắc khả năng đi từ hướng
đông lên. Đi theo hướng này sẽ tranh thủ được sự giúp đỡ của đồng bào ở các bản
dân tộc để tiếp cận mục tiêu gần hơn, nhưng hiện tại có nhiều trở ngại mà ta
chưa thể khắc phục được. Vì thế, con đường tôi vừa trình bày vẫn là phương án tối
ưu lúc này. Còn về hậu cần, đoàn 559 được lệnh cung cấp cho TK1 những thứ tốt
nhất hiện có. Đây là danh mục các trang bị cần thiết cho chuyến đi. - Anh đưa
cho chúng tôi tờ giấy đánh máy - Tuy nhiên, các đồng chí mới là người quyết định
những gì cần mang theo...
Cuộc họp
kết thúc lúc trời sắp tới. Sau khi tiễn anh Hai Nguyên và đồng chí thiếu tá ra
cửa, chúng tôi quay vào ngồi xuống bên bàn. Chưa ai nói gì. Tất cả đều đang suy
nghĩ về những điều vừa được nghe. Hơi lâu sau, anh Đằng lên tiếng:
- Chuyến đi này có vẻ như là một cuộc thám hiểm
ấy nhỉ? Vào bộ đội mười mấy năm, làm đủ mọi thứ việc, nhưng chưa khi nào mình
nghĩ tới chuyện có lúc sẽ đi tìm vàng.
Mọi người cùng cười. Anh Hùng hỏi:
- Này Sơn, chắc cậu đi tìm vàng nhiều rồi phải
không - Nghề của tôi mà?
- Anh Sơn đáp - ở miền Bắc ta đã tìm được một
số nơi có vàng, nhưng thường là vàng ở dạng sa khoáng, chưa bao giờ phát hiện
ra quặng vàng có hàm lượng cao. Nghe nói tại các mỏ vàng ở châu Mỹ, tảng quặng
vàng lớn nhất cũng chỉ nặng mấy chục ký là cùng. Cho nên tôi rất ngạc nhiên khi
có vỉa quặng vàng được phát hiện qua vệ tinh... Tôi chợt nghĩ, biết đâu Liên Xô
họ phát hiện vỉa quặng từ một nguồn khác, nhưng vì lý do tế nhị nào đó nên
không thể nói thẳng ra được. Hiện nay Liên Xô, và cả Mỹ, đã có nhiều thành tựu
trong sử dụng vệ tinh vào những lĩnh vực khác nhau, kể cả việc thăm dò tài
nguyên khoáng sản, nhưng những kỹ thuật tiên tiến nhất chủ yếu vẫn tập trung
cho lĩnh vực quân sự, tình báo...
Tôi háo hức hỏi:
- Theo anh, liệu ta có tìm được vỉa quặng vàng
lớn không?
Anh Sơn tủm tỉm:
- Mọi điều đều có thể xẩy ra, nhưng phải
tới nơi mới biết?
Anh Đằng cười:
- Cậu Hải yên trí? Thế nào cũng tìm ra, cậu
chuẩn bị sức để mang, mà nhớ là chỉ được "may túi ba gang” thôi đấy...
Anh Đằng nói đúng. Chúng tôi phải tính toán,
chỉ mang theo nhưng thứ thật cần thiết. Bàn mãi, cuối cùng cũng quyết định: Về
vũ khí, ba chúng tôi mỗi người một AK báng gấp, riêng anh Sơn chỉ mang K54 vì
còn phải đem theo một số dụng cụ cần cho việc thăm dò địa chất. Súng của chúng
tôi còn tốt, không cần cấp mới. Lựu đạn, thuốc nổ cũng cần, nhưng nặng và sử dụng
trong rừng không tiện nên không nhận. Riêng đạn cần nhiều hơn. Ngoài cơ số đạn
chiến dấu, phải có đạn để săn bắn vì không thể mang đủ lương thực cho cả chuyến
đi. Lương khô, gạo tươi, gạo sấy mỗi thứ năm ký cho một người. Thịt hộp chỉ
mang đủ dùng cho mấy ngày đầu. Rồi màn, võng, tăng, đèn pin, bật lửa, túi phao
bơi... Thuốc men thì chỉ mang thuốc chữa rắn cắn, thuốc phòng sốt rét, bông
băng. Các loại khác khi cần sẽ lấy ở cây lá trong rừng. Anh Hùng bảo nên mang
nhiều muối và xin thêm những viên thuốc lọc nước, vì đi rừng không phải lúc nào
cũng đun được nước uống. Dây leo núi cũng không mang được. Thay vào đó, mỗi người
sẽ mang hai chục mét dây dù, vừa làm dây võng vừa để sử dụng vào việc khác.
Ngoài bản đồ, địa bàn, anh Đằng đề nghị cấp thêm một ống nhòm cỡ vừa. Anh Sơn
yêu cầu xin một chiếc soong quân dụng mười lít, kiểu soong cạn miệng rộng. Anh
nói: “Tuy cồng kềnh, nhưng để nấu ăn dọc đường và khi cần có thể dùng đãi
vàng”.
Mãi đến khi trăng lên cao, chúng tôi mới đi ngủ.
Sáng hôm sau, khi anh Hai Nguyên và đồng chí
thiếu tá tới anh Đằng báo cáo ngắn gọn những gì chúng tôi bàn đêm qua. Đồng chí
thiếu tá hỏi thêm một số chi tiết rồi cầm bản danh mục trang cấp đi ngay. Anh
Hai Nguyên ngồi lại đến trưa, cùng chúng tôi bàn bạc về những việc cần thiết
trong chuyến đi. Anh nói:
- Một chuyến đi rừng, cứ cho là trong vài ba
tháng, đối với những người như các đồng chí không có gì phải lo nhiều. Nhưng sở
dĩ tôi dặn kỹ như vậy vì điều đáng lo đến từ hướng khác. Theo tôi nếu CIA, và
nói chung phía địch, cũng có những thông tin như chúng ta, sự việc sẽ phức tạp
lên nhiều. Chúng hơn hẳn ta về phương tiện kỹ thuật, cũng lợi thế hơn trong tổ
chức thăm dò tìm kiếm. Nếu trường hợp đó xảy ra, TK1 sẽ phải đối đầu với sự
nguy hiểm cao độ và tất cả chỉ còn trông cậy vào bản lĩnh của các đồng chí.
Trung ương đã tính tới tình huống này và cũng bàn bạc nhiều phương án khác như:
Dùng máy bay đổ bộ lực lượng tìm kiếm; trang bị phương tiện thông tin liên lạc
với hệ thống những đài hỗ trợ; tổ chức lực lượng ứng cứu khi cần thiết... Nhưng
cuối cùng đành phải chấp nhận phương án hiện nay vì tình hình lúc này không cho
phép ta áp dụng các biện pháp nói trên. Nếu tiến hành, nguy cơ thất bại là rất
khó tránh khỏi. Khi đó, việc nắm được ý đồ của ta càng kích thích kẻ địch hành
động. Cần nhắc thêm các đồng chí là phải hết sức giữ bí mật trong cả chuyến
đi...
Lúc đồng chí phục vụ mang cơm nước tới thì cuộc
bàn bạc cũng vừa chấm dứt. Anh Hai Nguyên ra về sau khi đã hẹn sẽ xuống ăn với
chúng tôi bữa cơm chia tay. Đến chiều, đồng chí thiếu tá cùng hai người nữa
mang những trang bị cần thiết tới.
Chúng tôi rất hài lòng với những thứ nhận được,
duy chỉ có mấy con dao rừng là không được vừa ý. Loại dao này dùng cho bộ đội
công binh, thường gọi là dao tông, vừa to vừa nặng.
Sáng hôm sau, trong khi chúng tôi sắp xếp đồ đạc
thì anh Đằng xin phép anh Hai Nguyên rồi ôm cả bốn con dao đi. Gần trưa anh trở
về, mang theo hai con dao mà anh đổi được trong một bản Vân Kiều gần đây. Loại
dao này đồng bào dân tộc thường dùng, có cán gỗ chắc chắn, lưỡi dao hơi mỏng
nhưng sắc ngọt, đầu lưỡi có mấu như rựa, dùng đi rừng rất tiện.
Trong ngày hôm đó, chúng tôi cố gắng hoàn tất
mọi việc chuẩn bị. Giờ xuất phát ấn định vào sáng mai. Đồng chí thiếu tá giúp từng
người kiểm tra trang bị cá nhân. Anh thu lại bức không ảnh và tấm bản đồ, cấp
cho chúng tôi một tấm khác y hệt nhưng còn mới nguyên, đường đi được đánh dấu bằng
những dấu kim châm, phải dùng kính lúp soi mới thấy. Bản đồ và địa bàn giao cho
anh Sơn giữ. Mọi tư trang cá nhân, kể cả ảnh, thư từ, nhật ký... đều phải gửi lại.
Trước khi gói các thứ đem gửi, anh Sơn đưa tôi xem ảnh vợ và con gái. Trong ảnh
là một người phụ nữ còn trẻ có khuôn mặt trái xoan thùy mị và đôi mắt vời vợi
như đang ngóng về phương xa xôi. Chị bồng một cháu gái chừng ba tuổi, trông bụ
bẫm và rất dễ thương.
Chiều tối, anh Hai Nguyên xuống ăn cơm với
chúng tôi như đã hẹn. Các đồng chí ở trạm tổ chức một bữa liên hoan nhỏ khá chu
đáo, có cả một chai rượu chanh Hà Nội. Mọi người cùng nâng cốc chúc cho chuyến
đi thắng lợi. Trong bữa ăn, chúng tôi chỉ nói chuyện tâm tình, không ai nhắc tới
công việc.
Hôm sau, chúng tôi lên đường từ bốn giờ sáng.
Anh Hai Nguyên đưa chúng tôi ra tận ngã ba Bãi Hà. Ở đó đã có một chiếc ô tô Bắc
Kinh cùng với lái xe và đồng chí thiếu tá đợi sẵn. Anh là người dẫn đường từ
đây vào tới khe Trầm. Anh Hai Nguyên bắt tay và ôm lấy từng người nói lời chúc
may mắn. Xe chạy một quãng xa, ngoái lại vẫn thấy anh đứng giữa ngã ba giơ tay
vẫy theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét