Chương XVIII
Chúng
tôi xuống tới nơi vừa đúng giữa trưa. Ông Thành giục con gái nấu cơm rồi cùng
những người khác lo việc lau rửa gởi ghém những bộ hài cất đặt vào trong tiểu
sành. Cô gái trút gạo vào soong, lẳng lặng bưng xuống suối vo. Tôi nhìn theo,
thấy lo lo. Biết đâu con cọp rừng dưới mò lên... Đắn đo một lát, tôi xách cái
can nhựa xuống lấy nước. Đến suối, thấy cô gái tay vẫn bưng soong đứng ngây người
bên mép nước, nắng in bóng cô lên bờ cát. Nghe tiếng chân, cô ngoảnh lại nói
như reo:
- Đẹp thiệt anh ạ? Như cảnh tiên ấy!
Tôi cười:
- Cô nhìn thấy cảnh tiên bao giờ chưa?
- Thì... em đọc chuyện cổ tích, em... tưởng tượng
vậy thôi...
Tôi nhìn nhanh nét mặt hớn hở của cô, thoáng
ngỡ ngàng. "Một cô "giặc lái" mê chuyện cổ tích, thật lạ..."
- Giờ thì em hiểu vì sao anh có thể sống ở đây
một mình? - Cô nói tiếp.
- Do hoàn cảnh bắt buộc thôi? - Tôi đáp - Cứ
cho là cảnh tiên, nhưng không phải ai sống ở đây cũng thành tiên đâu nhé! Còn
tôi chỉ muốn làm một con người bình thường thôi.
Cô gái cúi xuống nghiêng miệng soong cho nước
tràn vào ngước mắt hỏi tôi.
- Thế sống một mình, anh không sợ à?
- Lúc đầu cũng sợ, sau quen dần. Rừng tuy khắc
nghiệt nhưng biết thương người.
Tôi trả lời rồi hất khẩu súng ra sau lưng, bước
xuống mép nước. Buổi trưa vũng suối xanh màu ngọc bích, nước trong leo lẻo tới
đáy, chỉ nhìn cũng đã thấy mát rượi. Phía bên kia, dòng suối chói nắng đang náo
nức trôi xuôi. Tôi dìm chiếc can xuống vũng suối. Tiếng nước chảy vào miệng can
ùng ục, bọt khí phun lên mặt nước loang thành những gợn sóng nhỏ.
Chúng tôi còn trao đổi với nhau vài câu bâng
quơ như người ta thường vẫn nói trong những trường hợp tương tự. Trong thâm tâm
tôi muốn hỏi để hiểu thêm về cô gái lạ lùng này, nhưng thấy không tiện. Và chắc
cô cũng vậy, nên vô ý để một nhúm hạt gạo tràn ra ngoài miệng soong, chòng
chành chìm xuống đáy nước. Mấy con cá vội nhoi lên, đớp lấy những hạt ngọc của
trời. Trông sao cô gái vo gạo nhanh nhanh để còn lên, lỡ những người khác tưởng
tôi muốn tán tỉnh gì cô ta thì phiền lắm!
Lúc hai chúng tôi quay lên, thấy ba chiếc tiểu
sành đã được đậy nắp, đặt ngay ngắn dưới bóng cây. Mấy người lính kê đá nhóm bếp.
Ba ông già ngồi bên bàn đá với chai rượu trắng nút miệng bằng cuộn lá chuối khô
và mấy chiếc ly nhỏ. Già Lý vồn vã gọi:
- Anh Hải! Mời anh ngồi xuống đây uống với
chúng tôi chén rượu!
Tôi hơi ngượng:
- Cháu không biết uống rượu đâu ạ!
- Thì anh cứ ngồi đây! - ông Thành níu tay kéo
tôi ngôi xuống.
Già Lý rót rượu ra ly. Tôi đứng dậy nói:
- Dạ, các bác cứ tự nhiên! Để cháu đi lấy ít
thịt khô...
Tôi lên nhà lấy mấy xâu thịt đem xuống. Một
người lính đỡ lấy: "Anh để em...". Họ nướng thịt rất nhanh, lát sau
đã bày ra bàn đĩa thịt nai khô nướng thơm phức. Già Lý ấn chiếc ly vào tay tôi:
- Mời anh, anh Hải!
- Dạ, xin mời các bác!
Tôi cụng ly với mấy ông già, nhấp một chút rượu
gạo thơm nồng và thấy cay xè trong miệng. Tôi không biết uống rượu. Hơn nữa,
lúc này khứu giác của tôi đang hướng về mùi gạo thơm trong soong cơm đang sôi
và hương vị biển đông mặn mòi quyến rũ bay lên từ soong cá kho sẵn mà cô gái vừa
hâm lại trên một bếp khác. Mùi này nhất định là mùi cá nục, mà phải là cá nục
tươi vừa đánh dưới biển lên kho với đường đen, loại đường bánh thơm mùi mật
mía, và rắc hạt tiêu xanh giã giập chứ không phải hạt tiêu khô xay nhỏ...
Cô gái bưng tới một chén nước mắm ớt tỏi để chấm
thịt nướng, rồi đứng sau lưng tôi hỏi nhỏ:
- Anh Hải! Em có mang cho con báo thịt bò, cho
nó ăn được không anh?
- Cô khôn lắm! - Tôi nói - Mà cô cứ gọi nó là
Aga, nó không khó tính đâu!
- Chắc nó học cái tính ấy ở anh phải không?
Cô đáo để nói. Tôi cười cho qua, vì chẳng biết
đối đáp thế nào.
Mọi người thích thú ngắm con báo ăn ngon lành
tảng thịt bò. Từ sáng đến giờ, nó vẫn là trung tâm chú ý của nhiều ánh mắt, nhất
là của mấy người lính. Tuy vậy nó luôn theo sát bên tôi, chẳng màng tới ánh hào
quanh sáng lên từ sự ngưỡng mộ. Không ngờ cô gái vẫn nhớ con báo, dù mới nhìn
thấy một lần. Tôi nói với cô:
- Cô Thủy à! Như vậy không công bằng. - Cô ngơ
ngác không hiểu. Tôi chỉ lên vòm cây đa - ở đây còn có lũ khỉ, chúng đang kiện
cô đấy! - Ôi, em không biết trước để chuẩn bị. Mà có nải chuối cúng...
- Chuối là món chúng thích nhất đấy! Cô cứ đặt
dưới gốc cây, lát chúng xuống lấy.
Trên cây đa, lũ khỉ không biết về từ lúc nào,
đang lấp ló nhìn cảnh đông vui bên dưới. Chúng tinh lắm, biết phân biệt lành dữ
nên tuy thập thò nghiêng ngó nhưng không có vẻ sợ hãi.
- Anh nuôi con báo này lâu chưa? - Già Lý hỏi.
- Cũng được hai năm già ạ! Trông nó lớn vậy chứ
còn ít tuổi - Tôi kể cho mọi người nghe về lai lịch con báo.
Già Lý gật gù:
- Loài vật chúng có nghĩa lắm! Cũng như con
chó con trâu ta nuôi trong nhà vậy. Anh tài thật, dạy được cả thú rừng!
- Cháu có dạy gì đâu ạ! Chúng tự biết cả đấy!
- Thì cũng là dạy! Anh đối xử tốt với chúng,
chúng nhuần cái nết của anh nên mới được thế!
Tôi kể chuyện bầy khỉ đã cứu tôi như thế nào.
Mấy ông già sững người quên cả ly rượu uống dở. Còn ba người lính và cô gái thì
khỏi nói, cứ tròn xoe mắt!
Mùi cơm cháy khét trên bếp làm mọi người sực tỉnh.
Cô gái cuống quít giụi lửa, mở vung xới cơm.
Dưới bóng cây râm mát, cảnh rừng êm ả và câu
chuyện thân tình làm mọi người quên đi cái nắng hè oi bức cùng vẻ hoang sơ của
rừng sâu. Tôi cứ ngỡ như mình đang ngồi trò chuyện với các cụ ở nơi làng quê
nào đó. Mấy người linh vừa lo chuẩn bị bữa cơm, vừa khe khẽ trò chuyện với
nhau. Tôi vẫn luôn để mắt tới họ. Hai viên hạ sĩ nói giọng Nam Bộ trông vô tư
hơn, thỉnh thoảng họ còn trêu chọc nhau. Nhưng viên trung sĩ nói giọng Bắc có
cái gì đó khiến tôi chú ý.
Cơm chín. Sau khi đặt mấy bát cơm cúng và thắp
hương, già Lý giục mọi người dọn cơm ăn.
Mâm cơm được bày trên bãi cỏ. Lúc đầu mấy người
lính định ngồi riêng một nơi ý chừng không dám ngồi "mâm trên", nhưng
tôi gọi họ tới. Già Lý bảo:
- Anh Hải đã nói vậy, mấy chú cứ ngồi lên đây?
Cô gái xới cơm ra bát. Tôi thật tình hít hà:
- Thơm quá? Lâu lắm rồi cháu mới được ngửi mùi
cơm thơm như thế này?
- Thế lâu nay anh... sống thế nào? - ông Thành
băn khoăn hỏi.
- Ở đây không lo đói bác ạ! Nhưng quả thực
cháu rất thèm những món ăn quen thuộc ở quê...
Ăn xong bữa, ba người lính đem soong bát ra suối
rửa. Cô gái róc nước trà bưng mời mọi người. Già Lý đặt ca nước vào tay tôi, hỏi:
- Anh Hải này, tôi hỏi thế này, nếu có gì
không phải, anh bỏ quá cho. Chẳng lẽ anh cứ sống ở đây mãi sao? Cũng phải tính
chuyện trở về chứ?
Tôi xoay xoay ca nước trong tay, lát sau mới
trả lời:
- Đó là điều cháu nghĩ tới từng ngày từng giờ.
Nhưng... ở đây còn có các anh ấy, những người cùng đi với cháu...
Mọi người nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi kể:
- Bọn cháu có bốn người, được giao nhiệm vụ đi
khảo sát để mở một tuyến đường. Đi được hai mươi ngày thì gặp một cái vực sâu,
phải hạ cây làm cầu. Lúc qua cầu một đồng chí sẩy chân rồi xuống vực. Không tìm
được xác. Anh ấy hy sinh, mang theo cả địa bàn, bản đồ. Còn lại ba người, chúng
cháu đi tiếp và bị mất phương hướng. Cho đến hôm tới vùng này… - Tôi kể lại cuộc
đụng độ với hai chiếc trực thăng, chuyện anh Đằng và anh Hùng kéo lá che cho
tôi rồi lao ra đánh lạc hướng bọn địch và hy sinh...
Ba người lính từ dưới suồl lên, họ ngồi xuống
bên gốc cây nghe chuyện.
- …Trận đánh hôm đó diễn ra cạnh cây thủy
tùng, - Tôi chỉ về hướng đông - cách đây ba cây số. Lúc trực thăng bay đi, cháu
chạy ra chỗ hai anh ấy ngã xuống, nhưng không còn gì hết. Tìm khắp bãi cỏ chỉ
nhặt được mấy mảnh thịt... - Tôi nghẹn lời không nói được nữa.
Trời đứng gió. Không gian im ắng, nghe rõ cả
tiếng mấy con ong vo vo trên cao. Mọi người cùng ngồi im, không ai nói gì. Lát
sau tôi kể tiếp:
- Cháu đào hố chôn mấy mảnh thịt, đắp mộ cho
hai anh ấy rồi đi vào rừng. Vào một buổi sáng cách đó năm ngày, lúc cháu xuống
khe tìm nước uống quay trở lên thì gặp trực thăng... - Tôi kể tường tận, từ việc
chiếc trực tháng đã săn đuổi tôi như thế nào, đến việc tôi leo lên cây bắn hạ
nó ra sao, rồi việc chôn cất những xác chết trên máy bay... - Bây giờ các bác
đã biết mọi chuyện. Vâng. Chính tay cháu bắn, bắn bằng những viên đạn AK cuối
cùng. Các bác nghĩ gì về chuyện này, cháu không rõ. Là những người làm cha, bác
bác có quyền được biết sự thật về cái chết của con mình, dù đó là sự thật đau đớn.
Cháu có thể tự hào mà nói rằng, mình là người chiến thắng trong trận đánh không
cân sức ấy. Có điều cháu không hề muốn có một cuộc đụng độ như vậy để giành phần
thắng.
Không khí oi bức và ngột ngạt. Cây rừng rũ lá
đứng im lìm dưới nắng. Ba ông già ngồi trầm ngâm, nét mặt đăm chiêu. Cô gái chớp
chớp đôi mắt đỏ hoe. Mấy người lính cúi đầu lặng thinh. Không biết những người
khách của tôi đang nghĩ gì? Đau xót? Uất ức? Oán hận? Hay những suy nghĩ giằng
xé giữa một bên là lẽ phải, một bên là tình cha con máu mủ? Họ nghĩ sao về tôi,
người đã bắn chết con họ và giờ đây đang ngồi trước mặt họ, điều đó không ngại,
nhưng tôi rất muốn biết họ nghĩ gì...
Hồi lâu sau ông Thành mới lên tiếng:
- Ba chúng tôi đây mỗi người một cảnh, nhưng đều
đã sống gần hết đời người, đã từng trải đủ điều cay đắng trong cuộc sống. Chúng
tôi hiểu được cái gì đúng cái gì sai, hiểu thế nào là lẽ phải... - ông ngưng một
lúc rồi nói tiếp, giọng run run - Khi con tôi vào lính, tôi biết là có ngày nó
bắn vào người khác, và rồi có lúc nó sẽ bị người khác bắn... Biết mà đành chịu!
Làm cha, không ai muốn con mình như vậy đâu, anh ạ! Nhưng điều tôi không ngờ là
thằng con tôi có thể hành động dã man và hèn hạ đến như vậy. Từ hồi nó còn nhỏ,
tôi vẫn dạy nó cách sống để làm người, chứ đâu có dạy... ông nghẹn ngào cúi đầu,
đôi vai trĩu xuống.
Cô gái ngẩng mặt nhìn ông lo lắng. Tôi nhẹ
nhàng nói:
- Cháu nghĩ chuyện này không phải lỗi ở bác!
Già Lý lúc này mới lên tiếng:
- Mấy đứa nó gây cho anh đủ chuyện như thế, mà
sao anh vẫn... chôn cất tụi nó?
Tôi trả lời:
- Lúc đầu cháu cũng đắn đo mãi, cứ nhớ tới lúc
bò trên bãi cỏ lượm từng mảnh thịt lẫn trong đất đá... Hơn nữa sức cháu khi ấy
cũng đuối lắm. Nhưng nghĩ cảnh thú rừng tha xác họ vương vãi lại không đành
lòng. Cháu không coi những người đã chết là kẻ thù. Họ cũng có một gia đình như
cháu, như những người khác. Nếu hai người đồng đội của cháu ở trong trường hợp
này, các anh ấy cũng làm như vậy.
- Tôi không mê tín, anh à! - Già Lý nói -
Nhưng nghĩ chuyện này như có số mệnh. Nếu hôm đó cháu Thủy không gặp anh thì chẳng
bao giờ chúng tôi biết con mình chết ở đây. Hôm cháu nó vào Tam Kỳ báo tin, tôi
cứ nửa tin nửa ngờ. Biết rằng con mình có tội, chết cũng phải lẽ. Nhưng cứ nghĩ
nắm xương của nó không biết tàn tạ nơi nào, có lẽ đến lúc chết cũng không nhắm
mắt nổi, anh ạ.
Ông Hồng góp chuyện:
- Cũng là nhờ cái tâm của anh Hải. Anh mà bỏ mặc
thấy đứa nó thì... Hôm nghe cháu Thủy nói, tôi run lên. Nói anh bỏ lỗi, cứ nghĩ
dại, biết ra sao mà bay lên giữa rừng giữa núi. Cháu Thủy cứ kéo tôi đi, nói có
gì nó đem mạng sống ra thế.
- Vậy các bác phải cảm ơn cô Thủy mới đúng. Cô
ấy gan lắm! Một mình mà dám bay xuống đón mấy cậu lính bị thương thì cũng liều.
- Tôi quay sang hỏi cô gái - Lúc đó cô Thủy có sợ không?
Cô ngượng nghịu cúi đầu:
- Em sợ lắm chớ, nhưng ráng liều thôi. Chẳng lẽ
để mấy người bị thương ở lại? Đến lúc nhìn thấy con báo đi với anh mới hết lo.
- Sao lạ vậy? - Tôi ngạc nhiên thốt lên. Mấy
người lính cũng trố mắt nhìn cô.
- Thì em chỉ nghĩ, phải là người tốt con thú
nó mới mến như vậy. - Cô gái trả lời.
Tôi ngẩn người. Thật giản dị, nhưng lại đúng.
Thế mà lúc đó cô ta cứ tỉnh bơ như không!
Câu chuyện đến lúc vui vẻ hơn. Ba người lính
xôn xao bàn tán với nhau. Tôi không nghe rõ họ nói những gì vì mải tiếp chuyện
các cụ, nhưng trong đầu vẫn có cảm giác bất an mỗi khi quan sát viên trung sĩ.
Hay tại mình không thích cặp mắt thường đảo nhanh như chớp của anh ta?
Ông Thành nói với tôi:
- Tôi chỉ được hai anh em nó, anh ạ! Bà nhà
tôi mất lúc cháu Trà chín tuổi, còn con em lên bảy. Trước lúc nhắm mắt, bà ấy
trăng trối với tôi phải làm sao nuôi cho con nó nên người. - ông cúi đầu, mắt
đượm nét buồn sâu xa - Cả hai cháu lớn lên đều học giỏi, tôi đã mừng. Đến lúc
thằng Trà xong tú tài, phải vào lính. Tôi có người bạn học hồi trước rất thân,
giờ ông ấy làm bên không lực. Ông coi hai đứa nó như con, nên bảo lãnh cho cháu
đi học phi công. Tôi không còn cách nào khác, lại nghĩ vào đó ít ra cũng đỡ
nguy hiểm hơn, và con mình còn có thể giữ cho bàn tay sạch sẽ...
Tôi cùng mọi người ngồi im lặng lắng nghe lời
tâm sự của ông Thành. Giọng ông buồn buồn, nhiều lúc như lẫn trong những âm
thanh của rừng chiều.
Qua lời kể của ông, tôi được biết: Con trai
ông được tuyển vào không quân, đi học khóa huấn luyện lái máy bay trực thăng ở
Mỹ. Ba năm sau, anh ta trở thành người lái trực thăng giỏi nhất của không đoàn
Sáu ngụy, đóng ở Đà Nẵng. Ông tạm yên tâm vì người chỉ huy không đoàn là đại tá
Tùng, bạn ông. Nhưng sau đó mọi việc không như ông nghĩ. Năm 1967, lúc con trai
ông được viên trung tá cố vấn đỡ đầu cùng mấy phi công khác đi dự một khóa huấn
luyện đặc biệt trở về, thì ông có cảm giác là con mình đã biến đổi thành một
người khác hẳn...
- Không phải làm cha nên nói tốt cho con mình,
anh à! Ông nói - Nhưng quả thực cháu Trà là đứa có hiếu từ nhỏ. Ngay cả sau này
nó vẫn vậy. Thương cha, thương em, đi thưa về dạ, không rượu chè cờ bạc hay hư
hỏng gì. Nhưng tôi biết trong đầu nó đã có sự đổi khác. Cháu Thủy cũng nói:
"Ba à! Ba coi chừng chớ con thấy dạo này anh Trà khác lắm! Ảnh bay như
điên, hăm hở với mấy phi vụ tìm diệt, coi ông Cođy như thần tượng...". Mấy
lần tôi nói chuyện, nó vẫn khoanh tay ngồi nghe, nhưng những điều nói ra chứng
tỏ nó đã suy nghĩ khác trước nhiều. Tôi... - ông hơi lúng túng - Tôi không biết
diễn đạt thế nào. Đại để, theo cách nó nghĩ thì phải... diệt hết những người
phía bên kia mới mong chấm dứt chiến tranh, mới ổn định được xã hội. Nó nói:
"Chiến tranh không có chỗ đứng cho lòng nhân ái đâu ba! Khi người lính đã
giương súng lên mà trong đầu còn bận bịu với tình người, anh ta là kẻ chết trước...".
Tôi dặn cháu Thủy: "Con coi chừng anh con, có gì khác về nói lái với
ba...". Nhưng cả hai cha con tôi đâu còn làm gì được, chỉ buồn rầu mà nhìn
thằng Trà ngày càng xa dần. Tôi nghĩ mình mất đứa con từ khi đó. Đến lúc nghe
tin máy bay mất tích, biết nó đã chết, tôi chỉ mong tìm được nắm xương đem về
chôn cạnh má nó cho bà dạy dỗ khuyên can. Còn tôi, tôi đã bất lực... - ông nghẹn
ngào, đôi mắt mờ nước.
Tôi hỏi một câu cốt nói sang chuyện khác, và
cũng thăm dò:
- Có thể trong khóa tu nghiệp, người ta đã...
huấn luyện cho anh ấy một công việc gì đó...
- Không! - Cô gái xen vào - Theo em biết, đó
chỉ là một khóa huấn luyện kỹ thuật bay cao cấp. Nhưng chính vì vậy anh em mới
đổi khác. ảnh say mê theo cái hư danh "Phi công siêu hạng” mà ông Cođy đem
ra nhử. Mới hăm bốn tuổi đã được như vậy trong không lực không có mấy người...
Vì vậy ảnh coi ông Cođy như thánh, ông ta nói gì mà chẳng nghe...
- Còn con nữa đấy! - ông Thành gắt con rồi
quay sang nói với tôi - Anh biết...
- Kìa ba... - Cô gái nhìn ông trách móc.
- Cứ để cho ba nói, con đừng cản. - ông Thành
gay gắt. Giờ đã tìm được anh con đem về cho má con, ba phải nói, để ít ra cũng
có người nghe và hiểu cho ba...
- Thì con hiểu ba mà...
- Đó là con! Ba muốn anh Hải và mọi người ở
đây hiểu, ba không bao giờ muốn anh con trở thành người như vậy. Ba có lỗi với
má con, với chú con, với mấy anh bên Cách mạng.
… Cô gái học xong tú tài thì anh cô đã là viên
phi công trực thăng giỏi. Vốn cưng em, anh ta thường cho cô theo bay mỗi khi có
dịp. Chẳng mấy chốc, cô ham bay và say mê nghề bay. Cô tham gia câu lạc bộ hàng
không, hồi đó chỉ là một nhóm nhỏ do không lực đỡ đầu. Anh dạy cô những bài học
vỡ lòng về nghề lái trực thăng, cô tiếp thu rất nhanh và bộc lộ một năng khiếu
kỳ lạ. Cô được chọn đi học một khóa phi công trực thăng dân dụng ở Mỹ. Đến khi
trở về thì ý tưởng ghi tên vào đại học văn khoa ngày trước không còn vương vấn
chút nào trong đầu cô gái. Ông Thành nhiều lần khuyên con, nhưng cô không chịu.
Đối với cô, việc điều khiển con chuồn chuồn sắt bay lượn trên bầu trời mênh
mông là niềm đam mê mãnh liệt không gì cản được. Cô con gái nói với ông:
"Ba đừng lo! Con chỉ thích được bay chứ đâu ham bắn giết! Con sẽ không đụng
tới súng đạn. Ở nước ngoài, người ta đi trực thăng như mình đi xích
lô...". Cuối cùng, ông đành giao con gái lại cho đại tá Tùng, vì ở Việt
Nam lúc này chỉ có xích lô chứ chưa có trực thăng dân dụng. Muốn bay phải vào
không quân. Cô làm thư kí riêng cho ông Tùng. Ông đại tá của không lực vốn coi
cô gái như con của mình, nên cô không thiếu cơ hội bay. Tuy nhiên đó chỉ là những
chuyến bay tập và bay biểu diễn mỗi khi không đoàn có quan khách tới thăm.
Đến khi anh cô mất tích, cô nằng nặc xin ra
bay trực tiếp để có cơ hội tìm anh. Ông Thành nói với con: "Ba đã mất anh
con, giờ con muốn ba mất con nữa sao? Nếu vậy sau này xuống dưới kia ba biết
nói thế nào với má con?”.
- Anh biết nó nói gì với tôi không? - ông
Thành nói với tôi - Nó bảo: "Ba ạ! Chỉ như vậy mới có thể tìm ra anh con.
Anh con không chết trận bình thường như những người khác. Con muốn biết anh con
chết vì cái gì? Con muốn biết sự thật..."
Ông quay sang bảo con gái:
- Đấy! Nhờ có anh Hải, bây giờ con đã tìm được
anh con. Ba muốn lần này về, con bỏ hẳn nghề bay đi. Con tưởng không trực tiếp
bóp cò súng là không có tội ư? Khi mình còn ở dưới tay người Mỹ, có muốn sống tốt
cũng không được đâu con ạ! Đi theo họ, sẽ dần dần mất hết nhân tính. Gương anh
con sờ sờ ra đó. Còn sự thật ư? Với những người Mỹ như ông Cođy con không bao
giờ biết sự thật đâu. Muốn biết, phải tìm cách khác, bằng con đường khác. Con
coi đó! Ông Cođy biết anh con chết ở đây, vậy mà mấy tháng trời tìm kiếm, ông
ta đâu có nói gì? Chỉ chừng cũng đủ hiểu... Con có biết vì sao ba mang hòn đá
này về không? - Ông chỉ tay vào hòn đá hình chậu hoa cạn ám khói - Ba mang về
cho con, và cả ba nữa, nhìn vào đó mà suy ngẫm để biết thế nào là lòng nhân ái,
điều mà trước đây ba không có cách nào nói cho anh con hiểu được.
Ông Thành ngừng lại, trầm ngâm một lúc rồi chậm
rãi nói:
- Ngày trước, ông Nguyễn Trái đã viết:
"Dùng đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo..." Đó là
đạo lý, là lẽ sống của cả một dân tộc được hun đúc bằng xương máu của bao thế hệ.
Vậy mà chúng nó bây giờ coi lịch sử chỉ là môn học chán ngắt trong chính khóa,
chúng học qua loa cốt đủ điểm lên lớp, và dồn hết tâm trí sùng bái những cái gọi
là "Văn minh phương Tây", để rồi đến lúc chúng phải đổ xương đổ máu
đi tìm những điều trước đây người ta đã dạy cho chúng, và đến lúc chết vẫn
không hiểu được bài học cha ông để lại. Tôi cũng có chút hiểu biết, tôi đâu coi
thường văn minh! Nhưng muốn hưởng thụ văn minh mà bỏ qua lịch sử, chà đạp lên đạo
lý, lên truyền thống cua dân tộc mình, thì khác gì đào gốc chặt cây để hái quả...
Mặt trời nghiêng về chiều. ánh nắng chiếu
chênh chếch qua tán lá rọi lên bàn đá. Tôi mời mọi người ngồi xuống cỏ để tránh
nắng.
Viên trung sĩ bưng xoong nước trà tới róc vào
mấy chiếc ca nhôm. Xong việc, anh ta với tay lấy chiếc túi dết của lính treo cạnh
bàn móc khăn mặt lau mồ hôi, rồi như tiện tay treo luôn chiếc túi lên gốc cây
nơi chúng tôi ngồi. Kín đáo quan sát từng động tác của anh ta, tôi chợt hiểu.
"Rõ rồi! Trò trẻ con?" Tuy vậy tôi chưa tỏ thái độ gì, vẫn chăm chú
nghe già Lý hỏi:
- Anh Hải năm nay bao nhiêu tuổi rồi? - Dạ
cháu hăm ba, à... hăm lăm ạ! - Tí nửa tôi quên tính hai năm ở rừng vào số tuổi
của mình.
- Chà! Còn trẻ vậy mà anh sống hiểu biết lắm!
Phải nói bên Cách mạng dạy người tài thật!
Tôi ngượng:
- Cháu có giỏi dang gì đâu ạ! Chẳng qua chỉ
nghĩ, cái gì đúng thì mình làm...
Ông Thành vội tiếp lời:
- Ấy đấy! Cần nhất là phải biết cái gì đúng.
Con tôi nó làm bậy mà tưởng đúng. - Ông nói với tôi - Bác Lý cũng có một người
con đi Cách mạng đấy anh ạ! Là anh của cậu chết ở đây ấy? Anh Hồng cũng còn thằng
con đi lính, phải chạy cho nó về làm văn phòng. Tôi giờ chỉ còn mỗi con Thủy,
chẳng biết rồi có giữ được nó không - ông thở dài nhìn con gái. Cô đỏ bừng mặt,
bồi rối cúi xuống bứt lá cỏ. - Đời tôi cay đắng lắm anh à! - ông kể tiếp - Tôi
là giáo sư dạy sử ở trường đại học. Dạy sử thì phải nghiên cứu lịch sử. Lịch sử
dân tộc ta oai hùng lắm! Làm người Việt Nam, ai cũng cần phải biết về nguồn cội...
Và điều cần nhất của người dạy sử là phải trung thành vời lịch sừ. Vậy mà nhiều
khi người đứng trên bục giảng phải uốn lưỡi bóp méo sự thật để nói theo ý đồ
chính trị. Cho nên đôi lúc giận con nhưng không biết nói sao. Ngay mình còn bị
cuốn vào vòng xoáy khắc nghiệt đó, huống chi con! Tụi nó sinh ra lớn lên trong
xã hội này, hiểu mấy chữ “Tự do, bình đẳng, bác ái" theo cái nghĩa người
ta nhồi nhét cho chúng. Người ta làm trò phù thủy với những từ "Tổ quốc",
"Bổn phận" trước khi rót vào tai chúng. Ở miền Nam trước đây ai chả
nghe "Bảy Việt Cộng đeo một cọng đu đủ không gãy...". Mãi đến lúc thấy
Mỹ đổ nửa triệu quân vào đánh nhau với những người "đeo cọng đu đủ không
gãy”, có người mới biết mình bị lừa. Tôi nghĩ con tôi hư là bởi người ta lừa
nó, còn tôi lại không dạy được nó biết nghĩ thế nào cho đúng. Day dứt mãi, rồi
tôi bỏ dạy. Dạy sừ mà xuyên tạc lịch sử thì dạy làm gì! Hơn nữa, con mình mình
còn chưa dạy được, làm sao đi dạy người khác? Tôi ra Đà Nẵng sống, mong gần con
để có thể bảo ban thêm được điều gì ông trầm giọng xót xa - Buồn trong lòng mà
có mấy khi nói ra được đâu anh? Hôm nay lên đây tôi mới có dịp nói hết. Mong rằng
con tôi, đứa còn sống và cả đứa đã chết nằm kia, chúng nghe và hiểu cho ba
chúng, để rồi biết nghĩ thế nào cho đúng. Con bé này nó cứng cỏi lắm anh à! Nó
đã muốn làm gì là làm cho bằng được. Giống hệt tính chú nó...
Có cái gì đó khiến tôi xốn xang, nhịp tim đập gấp
dồn máu lên đầu cho bộ óc hoạt động nhanh.
- Chẳng giấu gì anh, - ông Thành vẫn kể - tôi
có chú em đi Cách mạng từ dạo tổng khởi nghĩa đến nay chưa gặp lại, chỉ biết
tin chú nó còn sống. Tội nghiệp, hồi trước chú ấy bỏ học để tôi được học lên,
can mãi không nghe. Nhà chỉ có hai anh em, cha mẹ chúng tôi mất sớm...
- Anh Hai Nguyên phải không ạ? - Tôi vụt kêu
lên hầu như cùng lúc với ý nghĩ lóe trong đầu như ánh chớp hồ quang. Và ánh chớp
đó nổ thành tiếng sét bên tai cha con ông Thành làm họ bàng hoàng sững sờ. Những
người khác cũng ngơ ngác nhìn.
- Anh... anh có biết...? Đúng... Đúng chú em
tôi tên Nguyên mà... Nỗi xúc động khiến ông Thành lắp bắp.
- Có phải... nhà bác hồi trước ở cạnh sông Thu
Bồn, trước nhà có cây mai già phải không ạ? - Tôi hỏi lại cho chắc.
- Đúng... đúng rồi! Vậy là anh có biết chú ấy...
- ông Thành trào nước mắt.
Trong đầu tôi, những mảnh sự kiện rời rạc giờ
đây vụt ráp khớp lại với nhau: nét mặt quen quen của ông Thành, hai anh em mồ
côi cha mẹ được họ hàng nuôi ăn học..., giáo sư dạy sử bỏ nghề, rồi lời kể của
anh Hai Nguyên đêm nào ở Bãi Hà: "...Nghe nói nó làm pilốt, không biết đã
khi nào nó ném bom xuống đầu chú nó chưa...". Không thể nhầm được! Quả đất
tròn hơn người ta vẫn tưởng! Những nẻo đường đời tình cờ gặp nhau! Sự trùng hợp
ngẫu nhiên đầy thú vị như thế này thường chỉ thấy trong tiểu thuyết.
Tôi nghĩ nhanh đến một tình huống và bắt đầu kể:
- Cháu biết anh Hai Nguyên cũng là tình cờ. Dạo
ấy đơn vị cháu hành quân trên đường Trường Sơn, bị tắc đường phải dừng lại ở trạm
giao liên gần mười ngày cùng với một đoàn cán bộ mới từ ngoài Bắc vào. Nơi đó
bên bờ suối có cây mai vàng nở hoa sớm rất đẹp. Thấy bọn cháu ngồi ngắm, một
anh trong đoàn cán bộ kể hồi trước nhà anh cũng có cây mai như vậy... Đến tối
anh ấy ôm võng xuống ngủ với chúng cháu. Anh tâm sự chuyện nhà, cháu mới biết...
Tôi buộc lòng phải nói dối một đoạn, sau đó kể
cho cha con ông Thành và mọi người nghe về anh Hai Nguyên cùng những tình cảm,
mong ước của anh về gia đình, quê hương.
Ông Thành đưa cả hai tay cầm tay tôi:
- Trời ơi! Ai ngờ được! Mấy chục năm biệt tăm,
vậy mà lên đây lại biết tin chú ấy...
Già Lý gật gù:
- Duyên kỳ ngộ! Đúng là duyên kỳ ngộ!
Ông Thành vô cùng vui sướng khi hay tin mình
có cháu trai:
- Anh Hải! Vậy chú em tôi có biết... thằng con
tôi đi lính không?
- Dạ, anh ấy có biết con trai bác làm phi
công, chỉ không biết cô cháu gái cũng lái trực thăng giỏi như thế!
Đang
ngóng cổ háo hức nghe chuyện, bị móc một câu bất ngờ, cô gái vội thụp xuống, mặt
đỏ dừ.
Ông Thành không để ý, tư lự nói tiếp:
- Anh ạ! Hồi Mậu Thân...
Tôi giơ tay ngăn lại:
- Xin lỗi, bác đợi một chút... - Rồi vẫy người
lính đeo lon trung sĩ - Anh lại đây!
Anh ta đứng dậy, từ từ bước tới, nét mặt căng
thẳng. Tôi hỏi nhẹ nhàng:
- Anh quê ở đâu?
- Dạ... em ở... - Anh ta nói tên một tỉnh
ngoài Bắc.
- Anh vào Nam năm năm tư phải không?
- Dạ... em theo gia đình... đi cao su...
- Không sao! Tôi hỏi cho biết thôi! Tôi cũng từ
miền Bắc vào...
- Dạ...! - Anh ta tươi hẳn nét mặt.
- Nhưng anh xem lại cái máy đã chạy hết băng
chưa, để thay băng khác.
Mặt tên trung sĩ đỏ bừng rồi tái xanh tái xám,
cặp mắt gian xảo cụp xuống, trán vã ra từng giọt mồ hôi to như hạt bắp.
Hai người lính nói giọng Nam bộ chậm chạp đứng
dậy, lừ lừ bước tới. Khẩu tiểu
liên dựng bên bàn đá. Không kịp! Lại vướng nữa! Tôi kín đáo luồn tay dưới vạt
áo nắm lấy báng khẩu ru lô dắt trước bụng.
Tới ngang tên trung sĩ, hai người lính bất ngờ
chụp tay y giữ lại và nhanh chóng soát người. Lát sau họ buông y ra, nhìn tôi
phân vân:
- Dạ thưa... không thấy có chi...
Tôi chỉ cái túi dết treo bên gốc cây:
- Các anh xem trong cái túi kia? Một người
lính giật cái túi xuống, lục lọi một lúc rồi lôi ra chiếc máy ghi âm nhỏ cỡ bao
thuốc lá, cuộn băng trong máy đang quay. Anh ta trao chiếc máy cho tôi, quay
sang nói với cô gái:
- Em biết mà! Hồi sáng em đã ngờ ngợ, coi bộ
nó lạ hoắc há!
Báo Aga nhảy từ trên cây xuống, lầm lì bước tới
bên tôi. Mấy ông già sửng sốt. Cô gái đỏ bừng mặt chực khóc.
- Thủy! Thế này là thế nào? - Ông Thành quát.
- Con đâu có biết? Bác Tùng biểu bên tham mưu
cử người của văn phòng theo giúp. Lúc sáng thấy người lạ, con nghi nghi mà
không kịp hỏi. - Cô giậm chân tức tối.
- Trời! Ai ngờ ông Tùng lại làm vậy với tôi -
ông Thành thốt lên cay đắng.
- Dạ thưa... - Tên trung sĩ ấp úng.
- Anh nói đi? - Tôi gằn giọng - Và nhớ coi chừng
mạng sống của anh đó!
- Thưa... em chỉ... mà không phải... - Hắn ngoảnh
sang ông Thành - đại úy trưởng ban nằn nì với bên tham mưu đối người, đại tá
không biết...
Tôi hỏi:
- Anh ở bên An ninh quân đội phải không
- Dạ...
- Xếp của anh bảo anh lên đây làm gì?
- Dạ, họ bảo... lên nghe ngóng quan sát, đặt
máy ghi âm rồi về tường trình lại...
- Vì sao phải làm vậy?
- Dạ... ông đại úy nghi anh... không phải lạc
rừng. Họ tìm thấy hòn đá trong túi thượng sĩ Tài, cái ông chết vì lựu đạn đó! Đại
úy thẩm vấn mấy người bị thương, họ khai hết...
- Tôi hiểu rồi! Mấy tên lính bị thương khai về
ba lô đá dưới chân cầu thang. Hôm đó tên thượng sĩ có lấy một hòn bỏ vào túi quần.
Tôi cười, nói với mọi người:
- Lúc nãy cháu chưa kể hết. Mấy lần cháu tính
quay về mà cứ nấn ná mãi. Không ngờ đến lúc quyết định về thì ốm một trận gần
chết. May nhờ có mấy con khỉ, như cháu đã kể đó. Ốm dậy cháu yếu lắm, nên cố tập
để có sức trở về. Lúc đầu tập đi sau bỏ đá vào ba lô tập leo dốc. Hôm toán lính
đó lên, cháu mới xong giờ tập buổi sáng. - Tôi nói với tên trung sĩ - Anh về
nói với xếp của anh, đá cuội ở đây nhiều lắm, muốn bao nhiêu lên tôi chỉ chỗ
cho mà lấy về.
Hai người lính kia phì cười, mấy ông già cười
theo. Không khí nhẹ nhõm hơn.
Tôi nghiêm giọng:
- Do thám là tội nặng. Lợi dụng việc bốc mộ
người chết để do thám, tội càng nặng hơn. Anh hiểu không
- Dạ...
- Về tôi, anh cứ báo cáo với xếp của anh mọi
điều mắt thấy tai nghe. Nói với họ, nếu muốn mang cả máy lên đây mà quay phim
chụp ảnh, nhưng phải làm công khai. Tôi ghét mọi chuyện mờ ám. Còn nếu họ lên
đây với súng đạn, sẽ được đáp lại bằng súng đạn. Anh chẳng đáng để tôi hỏi tội,
nhưng phải nhớ: câu chuyện giữa tôi với các bác đây là chuyện thân tình; về dưới
anh nói một lời nào hại tới họ, thì liệu chừng mạng sống của anh đó!
- Dạ... em đâu dám... em xin thề...
- Tôi chẳng cần lời thề của anh. Tất nhiên anh
có phản lại mọi người, tôi cũng không xuống được dưới đó để hỏi tội anh, đúng
không? Vì thế ngay cả tên anh, tôi cũng không cần biết. Nhưng ở đời gieo gió
thì gặt bão, anh nhớ lấy!
- Dạ...
- Thôi, ra kia ngồi!
Tôi bảo hắn, rồi đập tan cái máy ném vào gốc
đa. Không cần hỏi thêm cho mất thời giờ, tên này chẳng biết gì hơn đâu.
Tên trung sĩ cúi đầu lủi thủi ra ngồi cạnh gốc
cây ngoài cùng. Ông Thành áy náy nói với tôi:
- Chuyện này chúng tôi không ngờ tới, anh Hải ạ?
Chứ nếu biết, chẳng thà để xác con nằm lại đây...
Tôi vội nói:
- Bác đứng lo, cháu hiểu mà! Chỉ sợ nó về dưới
kia nói bậy làm các bác rắc rối.
Khí trời oi bức lạ thường. Nhìn qua kẽ lá thấy
góc trời phía tây ùn ùn mây xám. Tôi bảo cô gái:
- Cô Thủy này! Không khéo có cơn giông đấy!
- Vâng, em cũng nghĩ vậy - Cô lo lắng ngước mắt
nhìn trời, hàng mi dài cong chớp chớp - Mây mưa không sao, nhưng thời tiết này
bay ở đây thường gặp luồng khí xoáy. Cô quay sang ông Thành - Phải về thôi, ba
à!
Mọi người đứng dậy sắp sửa đồ đạc. Ông Thành nắm
lấy tay tôi: ”Tiếc quá! Giá được ngồi nói chuyện với anh lâu hơn..."
Tôi ra sau gốc đa chọn bốn khúc trầm đẹp nhất,
mối khúc nặng đến ba, bốn kí, ôm vào biếu mấy ông già:
- Cháu
gửi các bác chút quà của rừng. Còn cái này, - Tôi đưa cô gái khúc trầm thứ tư -
nhờ cô Thủy chuyển cho ông Tùng, nói tôi gửi biếu. Dù gì đi nữa, khi thấy ông ấy
sốt sắng với việc đi lấy hài cốt lính mình, tôi nghĩ ông cũng là người có tình.
Ông Hồng cảm động:
- Anh chu đáo quá! Chúng tôi chẳng biết lấy gì
để đền ơn anh, chỉ xin chúc anh mạnh khỏe, có ngày về với gia đình.
Già Lý kéo tôi đứng riêng ra, nói nhỏ:
- Thằng con tôi hồi trước nằm vùng, sau Mậu
Thân nó nhảy núi, giờ hoạt động ở huyện. Không biết có giúp gì được cho anh
không?
Tôi phân vân suy nghĩ lát sau mới đáp:
- Cám ơn già! Cháu cũng muốn nhắn tin về,
nhưng đơn vị cháu ở khác vùng, sợ không liên lạc được. Già cứ kể hết mọi chuyện
ở đây, nếu giúp gì được, anh ấy sẽ biết!
Cô gái bước tới:
- Em có mang lên cho anh ít gạo và muối. Vì
không biết anh cần chi nên...
- Ôi, cám ơn cô Thủy! Thế là tốt lắm rồi. Gạo
muối là thứ tôi cần nhất đấy!
Tôi cũng cho mỗi người lính một miếng trầm đen
nhánh nặng trĩu:
- Nghe nói thứ này dưới kia bán được, các anh
cầm về mua quà cho cháu.
Hai người lính nói giọng Nam Bộ mừng rỡ cám ơn
rối rít, nhưng họ rất ngạc nhiên khi thấy tên trung sĩ cũng có phần.
Tôi khoác súng tiễn mọi người ra máy bay. Mấy
người linh vác ba chiếc tiểu sành và xách đồ đi trước, già Lý cùng ông Hồng bước
theo. Ông Thành ôm hòn đá cùng con gái đi chầm chậm phía sau.
Đợi những người khác đi được một quãng, tôi
nói với ông:
- Lúc nãy bác định kể chuyện dạo Mậu Thân anh
Hai Nguyên cho người về móc phải không ạ?
- Đúng vậy! Hôm đó có người đằng mình tới nói
chuyện, dặn tôi viết thư, hẹn hôm sau quay lại. Tôi đợi mãi mà không thấy. Mấy
ngày đó súng nổ dữ quá!
- Anh Hai Nguyên cũng kể vậy! Bây giờ anh ấy
công tác ở Khu ủy Trị Thiên. Nếu bác muốn nhắn tin, có thể nhờ anh con trai già
Lý, nhưng phải cẩn thận. Điều đó cần thiết cho sự an toàn của bác và cô Thủy.
- Tôi hiểu! Cám ơn anh!
Tôi đưa trả cô gái chiếc máy truyền tin, cô bảo:
- Anh cứ giữ ở đây. Biết đâu có dịp em lên lại...
- Chắc để chở lên một toán lính như lần trước,
nhưng lần này đông hơn phải không?
Tôi thoáng áy náy vì mình nói hơi
"ác". Cứ ngỡ cô gái sẽ tức ứa nước mắt, vậy mà cô chỉ cười rồi đáp:
- Còn
anh thì chờ sẵn đâu đó với một cây đại liên đầy đạn chứ gì?
Tôi giật mình, nhưng vẫn giả bộ bình thản:
- Cô không chở sẽ có người khác chở. Nếu vậy
cô lên vẫn vui hơn, dù sao cũng có chút quen biết...
Như hiểu
tôi muốn thăm dò điều gì, cô nhẹ nhàng nói:
- Em nghĩ sau chuyện vừa rồi, bác Tùng sẽ
không cho tiến hành ở đây những phi vụ như vậy nữa. Trực thăng của không đoàn đảm
trách tất cả các phi vụ tác chiến chiến thuật trên khắp Vùng Một chiến thuật.
Nhưng anh phải đề phòng phía người Mỹ.
- Ông Cođy?
- Không! Ông ta bây giờ chẳng là cái gì cả!
Sau vụ ông chuyên viên vũ khí chết, bên hải quân Mỹ đòi đưa ông ta ra tòa án
binh. Nhờ bạn bè có thế lực ông ta mới thoát được, nhưng bị điều đi đâu không
rõ.
- Cô muốn nói tới bọn “Mũ nồi xanh"?
- Vâng! Nếu như họ đánh hơi thấy một điều gì
quan trọng ở đây!
- Tôi thì chẳng quan trọng đến mức như thế. -
Tôi cười - Dù sao cũng xin cám ơn cô!
- Em chẳng biết gì hết. Nhưng không phải tự
nhiên ông Cođy kéo trực thăng lên đây...
Ông Thành lên tiếng:
- Tôi mong có dịp lên thăm anh một lần nữa,
anh Hải ạl Nhưng anh cũng đừng trông vì chưa chắc đã lên được. Hôm trước ông
Tùng có nói với tôi là muốn gặp anh một lần cho biết.
- Có việc gì thế bác? Chẳng lẽ một đại tá của
không lực Việt Nam cộng hòa lại muốn làm quen với anh lính Giải phóng lạc rừng
như cháu?
Ông Thành cũng cười, trả lời:
- Tôi cũng chưa hiểu được. Hôm đó tôi đến để
xin chuyến bay lên đây, nên không kịp nói chuyện. Ông ấy chỉ nói anh là một con
người kỳ lạ.
- Ông Tùng là người thế nào, bác?
- Ông ấy là bạn học với tôi hồi trước. Chúng
tôi thân nhau vì hoàn cảnh giống nhau, mỗi người đều chỉ có hai anh em mồ côi
cha mẹ. Về sau tôi tiếp tục học lên rồi đi dạy, còn ông ấy đi lính, được tuyển
vào không quân và đi học phi công ở Pháp. Có lẽ đứng trước anh mà... nói tốt về
ông Tùng là không nên, vì dù sao ông ấy cũng là sĩ quan cao cấp trong một quân
đội đang chống lại bên Cách mạng. Nhưng nếu... chỉ nói về phương diện cá nhân
thì theo tôi ông ấy cũng có điểm tốt, anh ạ! Ông sống đàng hoàng, không ăn
chơi, không hống hách hay ham muốn quyền lực như các quan chức khác. Hai vợ chồng
ông không có con. Bà vợ thương ông, nhiều lần khuyên ông lấy vợ bé để có người
nói dõi, nhưng ông không chịu. Tôi mến ông vì cái lối sống đứng đắn chung thủy,
điều ít thấy ở lớp người như ông ấy, chứ chúng tôi vẫn có nhiều bất đồng trong
suy nghĩ, nhìn nhận về thời cuộc, về lịch sử...
Câu chuyện phải ngừng lại vì chúng tôi đã ra
khỏi dải rừng non. Những người đi trước đang đứng đợi dưới bóng cây giáp trảng
cát. Chẳng ai lên ngồi được trên khoang máy bay lúc này đang nóng như cái lò nướng.
Cô gái
cúi xuống vuốt ve con báo. Nó cạ đầu vào chân cô nũng nịu. Báo Aga có vẻ mến cô
gái, không biết vì nó cảm thấy đó là người tốt, theo như cách nói của cô, hay
vì được ăn món thịt bò nhà nuôi ngon và lạ miệng.
Mấy ông già bịn rịn chia tay. Già Lý và ông Hồng
cầm tay tôi mãi không muốn rời: "Chắc chẳng bao giờ gặp anh nữa..."
Nước mắt lại lăn dài trên những gương mặt tuổi tác.
Mấy người lính bước tới chào. Tôi chìa tay, họ
đưa cả hai tay ra bắt. Hai người lính nói giọng Nam Bộ xúc động thật sự:
"Em chúc anh Hai mạnh giỏi..." Tên trung sĩ khúm núm bắt tay, mặt cúi
gằm, miệng lí nhí: "Đội ơn quý anh..."
Tên trung sĩ quay đi. Cô gái đứng dậy, tuột
chiếc đồng hồ đeo ở cổ tay giúi vào tay tôi: "Anh cầm để coi giờ!”, rồi bước
nhanh đến bên máy bay leo lên ghế lái. Tôi không kịp trả lại, cũng chẳng nói được
lời cám ơn.
Cuộc
chia tay lưu luyến chấm dứt. Tôi gọi con báo bước ra khỏi vùng cuộn gió của
cánh quạt. Động cơ nổ, cánh quạt quay nhanh dần thành vòng tròn loang loáng. Một
bàn tay nhỏ nhắn vẫy vẫy sau mặt kính buồng lái. Chiếc trực thăng từ từ lên
cao, chao một phần tư vòng rồi bay thẳng về hướng biển. Lát sau nó nhỏ dần
thành chấm đen và mất hút nơi chân trời. Phương ấy bầu trời vẫn trong xanh. Cơn
giông lúc này đang trút xuống dãy núi phía tây một màn mưa xám xịt hằn mảng
chéo trên nền trời, nắng chiều chốc chốc lại rực lên nơi rìa những đám mây. Cơn
giông không lớn, nó chỉ là dấu hiệu báo trước của mùa mưa.
Trên dải rừng non, một con đại bàng lượn những
vòng hẹp, giương đôi mắt tò mò nhìn hai cái bóng, một người một thú, đang lầm
lùi bước trên lối mòn trở vào rừng.
< Trước Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét