14/01/2015

TỪ BI VÀ TRÍ TUỆ



   Như chúng ta đã biết, đạo Phật là đạo giác ngộ. Đức Phật ngồi thiền định dưới cội bồ đề mà được giác ngộ. Ngài đi giáo hóa khắp nơi để truyền đạo giác ngộ nầy. Nhưng sao chúng ta không gọi là đạo giác ngộ mà gọi là đạo Phật. Phật nguyên tiếng Phạn là Buddha, Bud là giác, dha là người. Người giác ngộ đi truyền bá đạo giác ngộ. Nhưng nếu giải nghĩa chữ Phật là giác ngộ thì sợ người ta hiểu lầm. Bởi người làm ăn bất chính không lương thiện, khi có ai nhắc nhở dạy bảo, họ bỏ điều bất chính trở thành người lương thiện thì người ta sẽ nói anh ấy đã giác ngộ rồi. Giác ngộ đó chỉ có nghĩa bỏ cái xấu, cái dở để thành người tốt thôi. Nếu hiểu đạo Phật theo nghĩa giác ngộ như vậy thì đánh giá quá thấp đạo Phật, làm giá trị đạo Phật không có siêu thoát. Bởi vậy trong nhà Phật để nguyên từ Phật.


   Nói Phật chắc quí vị sẽ có nghi. Tại sao bây giờ chúng ta nói đức Phật mà hồi xưa ông bà tổ tiên chúng ta lại nói là Bụt. Như vậy nói Phật trúng hay nói Bụt trúng. Chữ Bụt do chúng ta thấy đạo Phật được trực tiếp truyền vào Việt Nam từ những vị sư Ấn Độ. Ngày xưa ở miền Bắc, vùng Luy Lâu rất phồn thịnh, các sư người Ấn theo người Trung Quốc đi buôn đến đó truyền bá. Các ngài trực tiếp dạy người dân biết đạo Phật, và Đức Phật được gọi là Bụt. Bụt nguyên là Bud, đọc trại đi một tí gọi thành Bụt. Đọc Bụt nghe gần hơn, còn đọc Phật nghe xa quá.



   Vậy đạo Phật có mặt trên đất nước Việt Nam gốc từ người Ấn truyền sang, chứ không phải từ Trung Hoa. Tại sao bây giờ chúng ta đọc là Phật? Ở Trung Hoa từ đời Tống đến đời Minh có in những tạng kinh, dịch từ chữ Phạn, chữ Pali ra chữ Hán, rồi tặng cho Việt Nam. Đời Trần được tặng cho một tạng kinh và sau nầy chúng ta cũng có thỉnh thêm những tạng kinh từ Trung Hoa. Chữ Buddha người Trung Hoa dịch gồm một bên chữ Nhân, một bên chữ Phất. Như vậy Phật là phát sinh từ chữ Hán mà ta đọc theo âm Việt Nam là Phật hay Phật đà.



   Nói đến đạo Phật là nói đến sự giác ngộ viên mãn tột cùng, chớ không phải sự giác ngộ thông thường của thế gian, vì e người ta hiểu lầm nên để nguyên âm là Phật, chớ không nói là giác ngộ.



   Giờ đây chúng ta học Phật phải nói những từ gần thời hiện tại cho dễ hiểu như giác ngộ, trí tuệ để dễ thâm nhập hơn. Vì vậy, chúng ta phải hiểu tường tận gốc của đạo Phật là giác ngộ viên mãn, cho nên lúc nào học Phật ta cũng phải thuộc lòng Phật là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Cho nên nói đến Phật là nói đến sự giác ngộ viên mãn, tức giác ngộ tròn đầy không thiếu khuyết một gốc cạnh nào.



   Chúng ta học Phật, tu Phật là tu theo đạo giác ngộ. Mà đạo giác ngộ thì dĩ nhiên là trí tuệ là căn bản không thể nào thiếu được. Người tu theo Phật dù xuất gia hay tại gia cũng phải mở sáng con mắt trí tuệ. Chúng ta hãy xét lại xem từ ngày phát tâm tu theo đạo Phật đến giờ đã mở sáng được trí tuệ nhiều hay ít? Có người khi nghe nói đến trí tuệ dường như sợ nên thường hay xưng ngu tăng hay phàm tăng như để nói lên sự khiêm nhường, họ ít nói đến sự giác ngộ. Mà chưa giác ngộ thì chưa phải tu theo đạo Phật. Ở đây, tôi không nói đến giác ngộ mà chỉ nói trí tuệ. Bởi vì trí tuệ mở màn cho giác ngộ cứu kính.



   Chúng ta nhớ lại lời Phật dạy, người tu phải tự giác và giác tha. Tự giác là mở sáng trí tuệ của mình. Giác tha là đem trí tuệ đó đánh thức, cảnh tỉnh mọi người cùng giác ngộ. Tự giác là việc của mình. Giác tha là giúp cho người. Giúp  cho người là lòng từ bi. Cho nên có giác ngộ rồi mới có từ bi. Chưa giác ngộ mà nói từ bi chỉ từ bi gượng thôi. Nếu là một vị Tăng đã thấy bổn phận mình phải truyền bá chánh pháp, phải thực hành hạnh từ bi mà không chịu tu, không thức tỉnh, không chịu giác ngộ thì chẳng biết sẽ thực hành từ bi bằng cách nào? Chẳng lẽ chúng ta đi đắp đất, cuốc đường hay hốt rác cho thiên hạ. Từ bi như vậy người phàm tục cũng làm được mà. Vậy từ bi trong đạo Phật là thế nào? Tôi sẽ nói rõ hơn về vấn đề nầy ở phần sau.



   Bây giờ trở lại phần trí tuệ. Trí tuệ mà Phật dạy cho Tăng Ni là ba môn huệ học: Văn huệ, Tư huệ và Tư huệ.



   Văn huệ là như thế nào
   Chúng ta đến với đạo, tự mình làm sao giác được, phải nhờ những người đi trước như bậc thầy, các hàng tôn túc đã tu, đã học, đã mở được đôi phần trí tuệ hướng dẫn, chỉ dạy cho chúng ta từ từ mở con mắt trí tuệ. Nhờ lắng nghe những lời chỉ dẫn, giảng dạy ấy mà chúng ta mở được con mắt trí tuệ của mình là văn huệ. Người tu cất thất ở riêng, không học hành gì hết chắc chắn sẽ không có văn huệ. Không có văn huệ mà tu chỉ là tu mù. Những người tu nầy khi chỉ dạy cho kẻ khác thì cũng dạy một cách mù quáng mà thôi. Trong kinh Phật nói: “Một người mù dẫn một đám mù, người mù đi trước sụp hầm, những kẻ mù theo sau cũng té xuống hầm luôn”. Người học Phật mà thiếu văn huệ không thể được.



   Trong kinh A Hàm Phật dạy: người cư sĩ đến chùa đầu tiên phải gặp Tăng Ni. Gặp Tăng Ni để thưa hỏi Phật pháp chớ không phải cúng cầu an cầu siêu, như vậy là văn huệ. Sau khi nghe chư Tăng Ni dạy Phật pháp rồi phải suy gẫm lời thầy dạy có đúng với kinh Phật không, có đúng với lẽ thật chân lý không? Nếu đúng mới tin, còn dạy sai lầm thì không tin. Cho nên tư huệ hết sức thiết yếu. Sau khi suy tư nghiệm thấy đúng kinh Phật, đúng chân lý mới tu. Phật dạy cư sĩ còn như vậy huống là tu sĩ xuất gia mà lại thiếu văn, tư, tu. Thế mà có nhiều tu sĩ cứ tự tu không cần học với ai cả thì thật sự hết sức sai lầm.



   Tư huệ
   Phật dạy chúng ta nghe rồi phải suy gẫm đó chính là tư duy, phải là chánh tư duy. Nếu nghe dạy chúng ta tin mà không hiểu, thì đó chưa phải là chánh. Cần phải suy gẫm cho đúng, hiểu cho đúng mới gọi là chánh.



   Hồi xưa lúc còn làm Tăng sinh, tôi cũng học như quí vị. Những gì tôi không hiểu thì tôi hay nghi, nghi thì phải tra tìm. Những năm sơ đẳng, tôi học lý nhân quả luân hồi kỹ lắm, nhưng khi đọc cổ sử Ấn Độ tôi thấy lý nghiệp báo luân hồi không phải mới có từ thời Đức Phật, mà đã có từ thời Áo nghĩa thư của Ấn Độ, tức là trước Phật cả mấy trăm năm. Biết được vậy tôi rất buồn, tôi nghĩ Phật đã giác ngộ rồi sao không lựa cái gì mới mà lấy lại cái cũ của người ta đem ra dạy mình. Có lần tôi đọc cuốn sách có một số học giả phê bình rằng: “Đạo Phật ăn cắp lỳ nghiệp báo của Áo nghĩa thư ra làm của mình”. Tôi đọc đến đó tôi thấy xót quá, khó chịu quá, Đức Phật của mình sao lôi thôi vậy, ăn cắp của người đem làm của mình thì thật là buồn. Lâu nay chúng ta tin rằng đức Phật giác ngộ viên mãn thì cái gì của Phật dạy đều từ trí tuệ giác ngộ của ngài lưu xuất. Thế sao lại ăn cắp của người ta đêm làm của mình, tôi không bằng lòng như vậy.



   Khi lên trung đẳng rồi cao đẳng tôi đã tra hết các bộ kinh A Hàm trong Hán tạng. Khi đọc một lần chưa thấm, đọc hai lần, rồi ba lần, tôi có nguồn an ủi. Trong một bài kinh, đức Phật dạy: “Khi ngài chứng được Thiên nhãn minh rồi, nhìn lại thấy chúng sanh bị nghiệp dẫn luân hồi sanh tử giống như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường, thấy kẻ đi đường nầy người đi đường kia một cách rõ ràng không nghi”. Như vậy, sở dĩ Phật nói luân hồi nhân quả hay nghiệp dẫn luân hồi là Ngài thấy rõ ràng chớ không phải ăn cắp như người ta nói xấu.



   Rồi lần lần tôi lại thấy ra, trong Áo nghĩa thư có nói về nghiệp báo luân hồi nhưng chưa phân tích rõ ràng. Nên khi Bà la môn kế thừa tinh thần của Áo nghĩa thư mới đặt ra bốn giai cấp, trong đó Bà la môn sanh ra từ đầu của Phạm Thiên nên được kính trọng nhất. Còn các giai cấp khác được sanh ra từ ngực, từ bụng, từ bàn chân. Sự phân chia giai cấp nầy khiến người dân càng khổ, đó là điều thứ nhất.



   Điều thứ hai họ nói nghiệp báo luân hồi nhưng phải nhờ các vị Bà la môn cầu cúng thì mới hết nghiệp hết tội hoặc phải mở những hội tế đàn nào trâu, dê cúng cho thật nhiều thì mới hết tội. Cả hai điều nầy  đều bị Phật bác hết. Về mặt giai cấp Phật dạy: “Không có giai cấp khi mọi người máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn như nhau”, nên mọi người đều bình đẳng. Cúng đàn để cầu phước Phật cũng bác. 



   Trong một bài kinh có kể: Hôm nọ Phật ở trong rừng với đệ tử, một số thầy Bà la môn đến hỏi Phật:Thưa ngài Cù Đàm, đệ tử Ngài chết ngài cầu cho họ sanh về cõi lành được không? Phật không trả lời mà chỉ hỏi lại: Đệ tử các ông chết các ông cầu cho họ sanh về cõi lành được không? Các vị Bà la môn nói: Được. 



   Lúc đó Phật nói thí dụ: Như một cái giếng sâu có người ôm cục đá bỏ xuống giếng rồi nhờ các ngài cầu cho nó nổi đừng chìm được không? Các vị Bà la môn lắc đầu. Phật hỏi tiếp: Có người cầm chai dầu đổ xuống giếng rồi nhờ các ngài cầu cho dầu chìm xuống đáy giếng được không? Các vị Bà la môn cũng lắc đầu. Phật nói: Cũng vậy, người làm việc lành sẽ sanh giống như dầu nhẹ nổi lên, dầu các vị có ác ý cầu cho xuống địa ngục nó cũng không xuống. Ngược lại người làm dữ họ phải đi xuống giống như đá, dầu các vị có thiện cảm chắp tay cầu nguyện cũng không nổi được. 



   Vậy Đức Phật chấp nhận cầu nguyện hay chấp nhận nghiệp? Nghiệp lành, nghiệp dữ đưa mình lên hoặc lôi mình xuống, chớ không phải cầu nguyện mà được lên hoặc xuống. Vậy, Đức Phật thấy rõ về nghiệp, cho nên Ngài biết manh mối nào đưa chúng ta đi tới cõi lành, manh mối nào đưa chúng ta tới cõi dữ.



   Trong nhà Phật dạy chúng ta tu có ngũ thừa là Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa Bồ tát thừa. Nhân thừa là sanh trở lại làm người. Phật dạy tu giữ năm giới. Năm giới nếu giữ toàn vẹn bảo đảm người đó đời nầy làm người, đời sau trở lại làm người. Tu thập thiện, sau khi mạng chung sẽ sanh lên cõi trời. Như vậy, mỗi một nhân đưa đến một quả, Phật thấy tường tận rõ ràng. Còn Áo nghĩa thư của Bà la môn giáo nói nghiệp báo không phân biệt rành rõ, chưa biết cái gì là nhân, cái gì là quả nên chưa thấu đáo. Như vậy Phật nói nghiệp, nói luân hồi là Ngài thấy tường tận chớ không phải Ngài ăn cắp của người làm của mình. Khi tôi thấy rõ vậy, thì không còn nghi, không còn mặc cảm nữa.



   Ông Galillé vào thế kỷ thứ 18 phát minh ra trái đất quay chung quanh mặt trời. Ai nói sao ông vẫn nhất định là trái đất quay chung quanh mặt trời chớ không phải mặt trời quay chung quanh trái đất. Từ thế kỷ 18 tới bây giờ có nhiều nhà nổi danh nhưng không ai bác bỏ thuyết của ông cả. Bởi vì người trước phát minh đúng thì người sau cũng lấy cái đó làm chuẩn, rồi tùy thấy thêm cái gì thì càng tốt hơn. Thí dụ ngày nay, các nhà thiên văn suy gẫm trái đất quay như vậy, khi nó bị khuất thì có nhật thực, nguyệt thực nên họ ghi ra. Như vậy bổ túc thêm cho đầy đủ, chứ không phải cái trước đúng mà người sau dám sửa. Cái gì là chân lý rồi người sau cũng phải thừa nhận.



   Đức Phật rất khoa học, từ thời Áo nghĩa thư đã có thuyết nghiệp, luân hồi. Sau ngài tu thấy điều đó đúng nên cũng thừa nhận. Nhưng khác hơn là Ngài vạch rõ từng phần, từng chi tiết, thế nào là nhân, thế nào là quả. Ngài phân tích rành cho chúng ta. Đó là tinh thần khoa học chứ không phải học lóm. Từ đó về sau tôi mới hài lòng đức Phật không phải dở như người ta nói.



   Nói về lý nghiệp báo luân hồi, sau khi suy tư kỹ càng rồi tôi thấy đó là một chân lý không chối cãi được, ai có nói gì cũng không lay chuyển được tôi. Đó là một sự thật. Tại sao tôi tin như vậy. Bởi vì kinh nghiệm từ những việc bên ngoài cho tới bản thân mình tôi thấy rõ như vậy.



   Luân hồi là gì? Luân là bánh xe, hồi là xoay tròn. Bánh xe xoay tròn lên xuống lên xuống cứ đảo đi lộn lại hoài. Đối với ngoại vật chúng ta đặt câu hỏi trái đất có xoay tròn không? Trái đất cứ xoay tròn, xoay tròn, vậy nên trái đất luân hồi. Đến con người, chúng ta thấy máu từ tim chạy ra các mạch rồi từ các mạch trở về tim, cứ như vậy đảo đi lộn lại hoài, đó là luân hồi. Rõ ràng con người đang luân hồi, quả đất đang luân hồi, vậy chết có luân hồi không? Tôi nói hai phần:



   1.-Vật chất: Thân chúng ta gồm bốn đại tức bốn chất đất, nước, gió, lửa hợp thành.
   - Những gì là đất? Tóc, lông, gân, móng ,da, thịt, gân, răng, xương… những thứ cứng là đất. Những gì là nước? Mồ hôi, máu mũ.. tức  chất ướt là nước. 
   - Những gì là gió? Hơi thở ra vào là gió. 
   - Những gì là lửa? Hơi ấm trong người là lửa, cầm hai tay chà một hồi nóng lên, đó là phát ra lửa. 
   Đất nước gió lửa sẵn trong con người chúng ta, khi chết bốn thứ đó đi đâu? Nhẹ nhất là hơi thở, lúc sống hít vô trả ra, khi trả ra mà không hít lại là chết. Vậy chúng ta trả ra chớ không phải hết, không phải mất. Thứ hai là hơi ấm trong người, chúng ta chết rồi nó cũng tan vào hư không, theo luồng hơi ấm trong nắng, trong lửa, trở về với lửa. Đến đất, nước khi chết thân nầy nứt nẻ nước tuôn ra, rồi tới đất rã. Nước theo mạch chảy đi khắp nơi không mất. Như vậy tứ đại mất đi chỉ mất cái giả tướng duyên hợp chớ bản chất nó có mất đâu.



   2.-Tinh thần: Tứ đại không mất thì tinh thần có mất được không? Tinh thần đi theo nghiệp duyên của nó. Ví dụ: nước từ thể lỏng đổ vào trong nồi nấu, nước sôi bốc hơi rồi cạn. Nước cạn người ta nói hết nước, nhưng thật ra nước bốc thành hơi bay lên gặp lạnh đọng lại thành nước rơi trở xuống. Hoặc lấy một ly nước để trong tủ lạnh thì nó sẽ đặc thành thể cứng. Như vậy nước không mất mà có thể chuyển biến từ thể lỏng thành hơi hoặc thể rắn. Nước để chỗ nhiệt độ vừa chừng, không nóng quá, không lạnh quá thì nước còn hoài. 



   Cũng vậy, người tu có duyên lành nhiều, nghiệp lành nhiều khi nhắm mắt sẽ đưa tới cõi lành tức lên, ngược lại nghiệp dữ nhiều sẽ đưa tới chỗ dữ tức xuống. Còn nếu tư cách con người  tốt vị lai trở lại làm người như nước giữ quân bình không lạnh nóng thì ở thể lỏng hoài.
  Phật dạy nhân thừa là do giữ đúng năm giới nên đời nầy làm người đời sau cũng được làm người, như nước y nguyên nhiệt độ đừng cao, đừng thấp thì bao nhiêu nước còn nguyên bấy nhiêu. Đó là một lẽ thực không nghi ngờ gì. 



   Chúng ta khi ra đời còn trẻ đáng lẽ ham danh lợi tài sắc thế gian, nhưng tại sao lại ham tu. Như vậy, do trong con người của chúng ta nghiệp từ quá khứ còn lưu lại. Như tôi khi chưa đi tu, mỗi lần qua chùa nghe tiếng chuông thấy xôn xao trong lòng quá. Cái gì làm cho mình bất an, nếu không phải là chủng tử trước kia? Mỗi khi chúng ta ra đời, nghiệp từ quá khứ còn lưu lại trong con người hiện tại chớ không phải mất. 



   Nếu chúng ta nhìn vào một lớp học thì biết rõ sự sai biệt, người giỏi về văn, người giỏi về toán v.v… thầy cô dạy như nhau nhưng điểm riêng biệt lại khác. Cái đó ở đâu ra? Chẳng qua chủng tử từ quá khứ còn lưu lại nơi mỗi người, nên không ai giống ai. Nếu nói do thầy cô dạy mới biết, thì tại sao không biết như nhau mà lại có sự sai lệch. Rõ ràng do chủng tử từ quá khứ chớ không phải ngẩu nhiên. Như những vị thần đồng chưa học đã biết đâu do ai dạy. Đó là chủng tử quá khứ còn nguyên vẹn chưa mất nên ra đời nhớ lại liền. Vậy luân hồi là một lẽ thật, không phải là một nghi vấn nữa. 



   Khi học Phật tôi có suy tư chớ không phải nghe bao nhiêu biết bấy nhiêu thôi, phải tìm phải gẫm cho tới nơi tới chốn, như vậy, chúng ta mới đủ lòng tin Phật. Do đó tư huệ là một điều hết sức thiết yếu.



    Tu huệ
   Tư chí lý rồi đến tu rất dễ, không còn nghi ngờ gì nữa. Ba vấn đề văn, tư, tu đều là trí tuệ. Trí tuệ từ thầy ban cho, trí tuệ do mình suy gẫm, trí tuệ do mình cố gắng thực hành, cho nên ba tuệ học ấy không thể thiếu được. Nhà phật nói trí tuệ có hai phần: một là hữu sư trí, tức trí học nơi thầy như văn, tư, tu. Hai là vô sư trí tức trí sẵn có của mình, không do học. Đó là tam vô lậu học, tức ba môn học giải thoát: giới, định, tuệ. Giới là đức hạnh, định là thiền định, tuệ là trí tuệ. Nhờ giữ giới nên thiền định không bị xao xuyến. Vì vậy, giới trước rồi định sau. Nhờ thiền định nên vô sư trí phát sinh là tuệ. Tại sao thiền định được trí vô sư? Khi thiền không nghĩ gì cả nên được định, được định nên trí sáng giác ngộ, đó là cái trí không thầy.



   Trong kinh có kể lại: đức Phật sau khi thành Phật rồi: Ngài tuyên bố ta học đạo không thầy. Bởi vì bốn mươi chín ngày đêm ngồi dưới cội bồ đề Ngài không học với ai cả, mà nhờ định được giác ngộ nên nói Ngài học đạo không có thầy, Phật viên mãn giác ngộ trí vô sư, ngày nay chúng ta tu muốn giải thoát sanh tử cũng phải đi tới trí vô sư đó, nên nói giới, định, tuệ là ba pháp môn tu được giải thoát. Chữ vô lậu là không còn rơi, không còn rớt lại tam giới nên gọi là giải thoát sanh tử. Như vậy người học Phật phải đủ trí tuệ, từ hữu sư trí rồi tiến tới vô sư trí. Hữu sư trí là nhờ học, vô sư trí là nhờ tu. Đó là hai phần hết sức rõ ràng.



   Điều hệ trọng thứ hai là từ bi. Bởi vì chúng ta không có quyền nghĩ mình tu để hưởng an lạc một mình. Tại sao? Đức Phật ngày xưa đi khất thực là vì sao? Khất thực là gieo duyên với chúng sanh. Tôi nói là lãnh nợ của chúng sanh. Nếu chúng ta tu mà đối với mọi người không có liên hệ, không trao qua đổi lại thì không có gì dính dáng. Mà không có dính dáng thì giáo hóa họ không được, nên Phật dạy tu sĩ phải nhận của đàn na cúng dường. Có những thí dụ rất nghèo cúng dường nhưng chúng ta cũng phải nhận. Nhận để chi? Để người đó gởi mình, mình nhận nợ. Nên từ gieo duyên là nói cho đẹp, thật ra chúng ta nhận nợ. Có nợ thì mới gặp lại để đền trả.



   Trả nợ có hai cách: nếu chúng ta không tu, không đủ phước đức thì phải mang lông đội sừng để trả nợ. Nếu chúng ta tu hành có phước đức thì trả bằng cách làm thầy. Bây giờ tôi cũng đang trả nợ đó. Bởi vì chúng ta có duyên có nợ với nhau nên mới gặp nhau, còn không duyên không nợ thì không gặp. Gặp để chúng ta giáo hóa, chúng ta chỉ dạy người có duyên với mình. Vì vậy người tu đều phải phát tâm từ bi nhận tất cả những gì của Phật tử gởi gắm. Không phải nhận vì ích kỷ, mà nhận để có duyên  hay có chút nợ nần với nhau, hầu giáo hóa giúp đỡ trên đường đạo.



   Người tu do Phật tử ủng hộ, nếu hiểu đạo rồi lo tu giải thoát, cho về cực lạc, bỏ mọi người ở lại ra sao thì ra, chúng ta có hơi nhẫn tâm không? Mình tu giải thoát nhập Niết bàn không bao giờ trở lại nữa, những người cúng cho mình thấy chúng ta nhập Niết bàn, bỏ họ bơ vơ khốn khổ, thật tội nghiệp cho họ.



   Vì vậy, với tinh thần Phật giáo đại thừa, người tu không thể nhập Niết bàn liền, mà phải đi đi lại lại trong cõi thế gian nầy để giáo hóa, để trả nợ. Đến chừng nào những thí chủ của chúng ta hiểu đạo tu tập được mới yên. Thí dụ: như trong tứ quả Thanh văn, chúng ta quả thứ ba A na hàm thì ít ra đệ tử chúng ta cũng được quả thứ nhất là Tu đà hoàn. Nếu mình tới Bồ tát thập trụ thì đệ tử cũng tới thập tín mới được. Còn nếu chỉ lo cho mình bỏ họ lại, khi tu thiên hạ nuôi, dến thành tựu chúng ta lại hưởng một mình. Như vậy có buồn không? Giả sử tôi là Phật tử tôi cũng không chấp nhận điều đó nữa. Quí thầy ăn gian quá đâu được.



   Vậy có nhiều người tha thiết tu một đời nầy đi về cực lạc cho rồi, ở đây khổ quá. Về bên đó vui có một mình, bỏ người ta ở đây khổ ai mà đành lòng. Thôi thì cùng ở với nhau nhưng ở trong sự tỉnh giác chớ không phải ở trong sự mê mờ, nhớ như vậy.



   Tinh thần từ bi của đạo Phật dạy chúng ta phải làm sao đem lại cho mọi người ánh sáng đạo lý, để cho họ biết được lẽ chân thật, không tạo những điều đau khổ, luôn luôn tiến tới chỗ an vui.



   Lòng từ bi chúng ta không thể nói suông mà phải thể hiện cụ thể. Muốn thể hiện lòng từ bi chúng ta phải thực hành hạnh bố thí: bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy. Phải đem của cải hoặc đem chánh pháp mình hiểu hoặc đem sự tốt lành cao quí an ủi người đau khổ, đó mới thể hiện lòng từ bi.



   Bố thí tài phần lớn dành cho cư sĩ, Phật tử vì họ làm ra tiền. Họ mới có điều kiện giúp đỡ người nghèo khổ. Còn các ông sư có làm ra xu con nào! Nếu có chăng cũng ăn mày của đàn na thí chủ chớ đâu phải tự mình có tiền lương mỗi tháng. Hàng Phật tử cũng có người làm ra tiền của, có người nghèo cháy da, vậy làm sao bố thí? Nên Phật dạy tài thí có hai phần ngoại tài và nội tài. Người Phật tử muốn thể hiện lòng từ bi mà không có tiền bạc giúp cho người nghèo đói thì đem công sức của mình ra giúp.



   Người có tiền tới chùa cúng, người không tiền vào chùa làm công quả. Người có tiền cho tiền, người không tiền ra công ủy lạo, khuân vác cũng là bố thí. Không nên hiểu có tiền mới bố thí được là lầm. Đem của bố thí là ngoại tài, đem công bố thí là nội tài, như vậy có ai không làm được hạnh bố thí đâu.



   Bố thí pháp là phần của Tăng Ni. Tăng Ni tu thấy được cái hay, cái cao quí của Phật pháp, rồi đem cái sự hiểu biết đó ban rải cho Phật tử cùng biết cùng nghe. Đem pháp mình đã tu học được chỉ dạy cho người khác gọi là bố thí pháp.



   Bố thí tài, bố thí pháp cái nào quí hơn? Bố thí tài chỉ giúp người bớt khổ trong giai đoạn hiện tại. Còn bố thí pháp thì chẳng những giúp người hết khổ trong hiện tại mà mãi về sau cũng không còn khổ nữa, đó là điểm sâu xa.



   Ví dụ: chú đạp xích lô có một vợ hai con, mỗi ngày đạp xe kiếm được hai ba chục ngàn nuôi vợ con. Nhưng nếu chiều vô quán nhậu hết thì vợ con đói khổ. Người hàng xóm thấy thương, đem ít lít gạo lại cho, đó là bố thí tài. Rồi mai chú đạp xe có tiền cũng nhậu hết như vậy thì sao, cho đến chừng nào mới đủ, chừng nào gia đình mới ấm no. 



   Bây giờ có một thầy, một cô nào đó sáng suốt tới khuyên chú, nói với chú uống rượu có hại gì, bệnh hoạn ra sao, rồi vì uống rượu  mà không đủ tiền nuôi vợ con, làm vợ con đói khổ. Chú nghe hiểu thức tỉnh bỏ rượu. Như vậy, chúng ta chỉ nói chuyện một giờ, nửa giờ mà chú thức tỉnh bỏ rượu. Từ đó làm được bao nhiêu tiền chú đem về nuôi vợ con. Như vậy bố thí pháp có cạn hết không. Chỉ dùng những lời nói những lý lẽ chân thật khuyên người, khi người tỉnh ngộ rồi gia đình hết khổ.



   Còn nếu cho tiền, cho cơm hàng ngày thì họ chỉ hết khổ tạm rồi mai mốt sẽ khổ nữa. Như vậy cái nào hơn. Có kẻ cho rằng tu Phật tiêu cực quá, nhất là Tăng Ni không chịu làm phước, làm việc xã hội, cứ đi nói pháp hoài. Những người tích cực làm việc nầy, việc kia giúp cho đồng bào rất dễ thấy, còn người cứ lo đi nói pháp xem như không có lợi. Nhưng thật tình việc nầy lợi rất lớn. Nên trong hai thứ bố thí: bố thí tài và bố thí pháp thì bố thí pháp là hơn.



   Bố thí pháp là đem lòng từ bi của mình chỉ dạy nhắc nhở mọi người biết tu, chỉ dạy nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Giả sử tôi có mười ngàn đồng muốn đem bố thí, nếu mỗi người tôi cho một ngàn đồng, thì cho mười người là hết. Còn tôi bố thí pháp thì quí vị lại một trăm người tôi cũng bố thí trọn, mà một ngàn người tôi cũng bố thí trọn, không có hết. Vậy bố thí pháp là cái bất tận. Chúng ta học đạo phải học cái bất tận, còn những việc có chừng mực, có giới hạn chúng ta làm một phần nhỏ thôi, gốc là phải bố thí pháp.



   Muốn bố thí pháp thì chúng ta phải có học, có tu và có lòng từ bi. Vì vậy, từ bi đi sau trí tuệ. Hai việc đó không tách rời nhau.



   Bố thí vô úy thì sao? Vô úy là không sợ. Chúng ta mang tới cho người ta niềm an ổn không sợ hãi. Không sợ nầy có nhiều thứ: người sợ ma, người sợ rắn, người sợ cọp… đủ thứ sợ. Thí dụ: đối với người sợ ma, chúng ta muốn cho họ khỏi sợ phải giải thích cho họ hiểu ma không đáng sợ. Vì Phật dạy trong lục đạo luân hồi: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, người, a tu la, trời thì ngạ quỉ là loài quỉ đói đứng thứ hai, người cao hơn ngạ quỉ hai cấp. Mình cao hơn nó mà lại sợ nó thì vô lý quá. Chẳng lẽ ông tỉnh trưởng lại sợ người dân, người lại sợ ma thì thật ngu khờ. Giải thích cho người biết và hết sợ đó là bố thí vô úy. Như có người sợ chết, chúng ta phải giảng giải cho họ hiểu chết là một lẽ đương nhiên thôi, ai rồi cũng phải chết. Phật chết, Bồ tát chết, chư Thánh tăng chết, phàm tăng, phàm ni chết, cư sĩ chết. Đó là chuyện thường, phải chi có người không chết thì mình sợ, ai cũng chết hết thì có chi mà sợ. Đó là bố thí vô úy. Như vậy, bố thí trùm cả bố thí pháp và bố thí vô úy luôn.



   Người tu nếu thiếu hai phần trí tuệ và từ bi thì không xứng đáng là người tu. Vậy mà có nhiều người tha thiết vào thất tu suốt đời, tu tới chết. Nghĩ thế là không có từ bi, không có từ bi mà dám nhận nợ của thí chủ, như vậy có ăn gian không. Đó là điều không hợp lý. Nhập thất tu để sáng đạo là được rồi, nhưng rồi cũng phải đi giáo hóa chớ không được đóng cửa suốt đời.



   Hồi xưa học luật thấy Tỳ kheo không nên đi dép da vì làm tổn thương lòng từ bi. Nhưng khi thấy Bồ tát Văn Thù cởi sư tử, Bồ tát Phổ Hiền cởi voi v.v… tôi sinh ra thắc mắc. Tại sao các Ngài không đứng trên cụm mây thôi được rồi, lại cởi sư tử, cởi voi như vậy các Ngài có từ bi không? Sau khi tra cứu hiểu ra rồi tôi mới thấy có lý. Vì Đức Phật Thích Ca là vị giáo chủ cõi Ta bà, mà dân cõi Ta bà nầy thì can cường, nan điều, nan phục. Chúng sanh ở đây cứng đầu, cứng cổ lắm. Muốn điều phục được phải có trí tuệ vượt bực, nên vị Bồ tát phụ tá thứ nhất cho Đức Phật là Văn Thù. Văn Thù tượng trưng cho căn bản trí. Ngài ngồi trên lưng sư tử để biểu trưng rằng chỉ có trí tuệ mới hàng phục được ma quân, chỉ có trí tuệ mới giáo hóa được chúng sanh can cường khó điều phục nầy.
   Đó là ý nghĩa hết sức thâm trầm. Song vì chúng sanh cõi nầy cứng đầu quá, dùng trí tuệ dạy họ, rồi ít bửa cũng trở lại y cũ phải làm sao đây? Vì vậy, phải có đại nguyện, đại hạnh cho nên bên trái của đức Phật vị Bồ tát thứ hai là Phổ Hiền cởi voi. Vì hạnh lớn mạnh nên tượng trưng cho voi. Voi sáu ngà nghĩa là đem pháp lục độ giáo hóa chúng sanh không biết mệt mỏi. Như vậy, các hình tượng ấy mang ý nghĩa đức Phật vào cõi Ta bà giáo hóa phải có đủ trí tuệ vượt bực, hạnh nguyện to lớn mới giáo hóa được. Nếu không sẽ dễ thối chuyển, dễ chán lắm.



   Đức Phật A Di Đà thì bên phải có Bồ tát Quán Thế Âm, bên trái có Bồ tát Đại Thế Chí. Đức Phật Di Đà, cõi Cực lạc ở cõi tịnh, ở cõi vui. Muốn sang Ta bà là chỗ uế trược độ chúng sanh thì phải có lòng từ bi tràn trề nên tượng trưng cho Bồ tát Quán Thế Âm. Nhưng vì chúng sanh khó độ nên chúng ta thấy vẽ tượng đức Phật A Di Đà ở trên mây duổi tay xuống, còn chúng sanh đang trồi hụp dưới biển mà không chịu trồi đầu lên đưa tay cho Phật vớt, cứ hụp lặn ở dưới hoài. Vì vậy, muốn không thối tâm phải có đại chí tức là chí cứng rắn vững vàng. Dù cho nó khó, nó mê, nó đắm say ngũ dục cũng ráng chờ vớt nó lên. Nếu không có chí lớn thì chán lắm.



   Thí dụ: trong hoàn cảnh xã hội của chúng ta, có người khá giả thấy những đứa trẻ bụi đời lang thang ở góc phố nầy, góc chợ kia muốn gom lại nuôi dạy. Từ một người giàu có, bây giờ cất trại về ở với mấy thằng nhỏ khó dạy như vậy thì phải hi sanh sự an ổn của mình, chấp nhận cảnh khổ. Do đó, phải có lòng từ bi trước, lòng từ bi thật rộng lớn mới làm được việc đó. Mấy đứa nhỏ đem về dạy có dễ đâu. Nhiều khi nó muốn thoi lại mình nữa. Nó là bụi đời mình thương muốn dạy dỗ nó, nhưng nó lại không biết gì, không mang ơn mà còn cự cãi lại với mình. Nếu không có ý chí vững bền sắt đá thì không thể nào làm được. 



   Cũng vậy, Phật tử từ cõi tịnh đến muốn độ chúng sanh cõi uế nầy phải có lòng từ bi, phải có ý chí mạnh mẽ mới độ được. Chúng ta muốn dùng tâm từ bi của mình để giáo hóa chúng sanh khó điều phục đó thì phải có ý chí kiên cường như Bồ tát Đại Thế Chí mới được.



   Tôi nói điều đó có liên hệ với Tăng Ni bây giờ. Liên hệ ra sao? Bởi vì Tăng Ni hiện nay thích học xong, chạy về thành phố học lên cao cấp, rồi đại học. Đại học đạo xong, muốn ra học đại học đời nữa, rồi bay đi Ấn độ, Đài Loan học Tiến sĩ. Khi đó ở thôn quê nhiều Phật tử có chùa mà bị hoại vì không thầy, không cô để hướng dẫn dạy dỗ. Mình cứ lo chạy lên, không ai nghĩ đến người ngóng chờ mình, đang trông chờ mình. Nên tôi nhắc Tăng Ni phải có tâm biết thương những người chờ đợi mình, trông ngóng mình. Học rồi đem sự hiểu biết chánh pháp đó giáo hóa lại những người quanh mình thì dầu không có bằng Tiến sĩ mà giáo hóa được năm trăm, bảy trăm người thì phước đức cũng lớn lắm. Do đó, quí vị thấy trách nhiệm chúng ta không phải đơn giản, không phải lo cho mình có địa vị cao, có chức tước lớn là hay, mà phải làm sao thực tế đời mình đem lợi ích thiết thực cho Phật tử, cho mọi người. Đó mới là giá trị thực, đáng quí.



   Mong tất cả Tăng Ni ở đây hãy nhớ lấy điều nầy mà đem hết tâm nguyện phụng sự chúng sanh để đền ơn chư Phật.



***
Hòa thượng THÍCH THANH TỪ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét