Chương XIX
Thế là những người khách đã ra về. Góc rừng
này giờ trở nên hiu quạnh hơn bao giờ hết. Tôi ngẩn ngơ nhìn vạt cỏ nhàu nát
còn vương hơi người, bên tai như vẫn nghe văng vẳng tiếng cười tiếng nói. Đã
quen với những ngày sống một mình lặng lẽ, cuộc tiếp xúc vừa rồi khơi dậy biết
bao điều. Chỉ mấy con người trong thời gian gặp gỡ ngắn ngủi như vậy mà có cả bạn
và thù, cả lòng tin lẫn mưu mô.
Tôi chợt nhớ ra mình không kịp hỏi gì về tình
hình dưới đó, ít lắm cũng có thể hỏi họ đôi điều về tình hình chiến sự.
"Sao mình ngớ ngẩn thế nhỉ?", tôi tiếc húi hụi. Thôi, dù sao cũng đã
gửi được một tín hiệu về "nhà". Già Lý sẽ kể cho anh con trai đang hoạt
động cách mạng ở huyện việc tìm thấy hài cốt người em. Và câu chuyện người lính
Giải phóng sống một mình trong rừng sâu hơn hai năm nay là chuyện lạ, không phải
ngày nào cũng được nghe. Anh ấy sẽ báo cáo lại với tổ chức. Chỉ cần lên tới cấp
lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam, ở đó đã được thông báo về TK1, họ sẽ chuyển tin
cho anh Hai Nguyên. Chắc chắn như vậy! Tôi cảm thấy vui hơn.
Lũ khỉ đang chạy nhắng trên bãi cỏ giành nhau
chiếc máy ghi âm vỡ. Của lạ mà! Chúng no căng với mấy nải chuối cúng nên không
cần vào rừng. Còn báo Aga đã lại nhao đi đâu đó. Cũng tội, mấy ngày nay nó phải
theo tôi miết, chắc giờ đi kiếm gì ăn thêm. Tảng thịt bò lúc trưa tuy ngon
nhưng chỉ đủ lót dạ.
Tôi bước tới đống đồ chất cạnh gốc cây. Những
người khách để lại nhiều thứ: mấy cái xoong, bát đĩa, chiếc can nhựa đựng nước,
cuốc xẻng... Tôi mừng rơn khi thấy họ đem lên cho tôi bốn bao cát đựng đầy gạo
và một bao muối chừng năm kí, thứ muối hạt to trắng lóng lánh. Còn trong cái
thùng giấy là chiếc chăn len khá dày, giữa cuộn chăn có một chiếc lược nhựa màu
đỏ, loại lược to của phụ nữ. “Thế này thì mình dư sức qua mùa mưa. - Tôi cầm
chiếc lược chải tóc, bâng khuâng thầm nghĩ - Cứ tưởng cô ta chỉ quan tâm tới
con báo..."
Rừng chiều vắng lặng. Tiếng tích tắc của chiếc
đồng hồ đeo trên tay làm tôi nhớ tới thái độ lạ lùng và lời cô gái nói lúc nãy:
"Anh cầm để coi giờ...". Cô ta muốn bù lại chiếc đồng hồ tôi đưa hôm
trước. Ừ, chỉ thế thôi! Chứ chả lẽ tặng tôi làm kỷ niệm?" Một người rừng
như mình đâu có gì để cô ấy cảm tình? Có thể tạo được một ấn tượng nào đó, chứ
cảm tình thì không. Mà... cô ấy có đẹp không nhỉ? Nếu là Bằng, - tôi nhớ tới người
bạn cùng tổ công tác vốn hay đùa tếu - cậu ta cho mấy điểm? Ít lắm cũng bảy điểm!
Cô ấy không đẹp sắc sảo, nhưng có duyên. Còn cái dáng dong dỏng mềm mại kia thì
đúng là dòng giống nhà anh Hai Nguyên rồi! Cô ấy cao gần bằng mình, chắc phai
mét sáu lăm. Và cô ấy... cũng thông minh đấy chứ? Rất thông minh là đằng khác!
Nhưng... mình đang lộn xộn gì vậy? Khi không lại nghĩ chuyện đâu đâu? Cô ta đến
rồi đi, như những người khác, thế thôi Mọi chuyện đến đó chấm dứt, đừng có nghĩ
ngợi lung tung. Vậy... liệu sau này còn gặp lại không nhỉ? Dù sao đó cũng là
cháu gái của anh Hai Nguyên cơ mà? Mình tin cô gái ấy không phải là người xấu.
Con gái mà có cách cảm nhận thiên nhiên sâu sắc như vậy, không thể là người xấu
được. Mà cô... chưa có chồng. Nếu có, ông Thành đã kể. Nhưng biết đâu người yêu
cô ta lại là một tay pilốt nào đó... Thôi, "tốp" lại được rồi..."
"Biết làm sao được? Mình chỉ là một con
người bình thường, một chàng trai hai lăm tuổi. "Tu luyện" ở đây mới
hai năm, dễ gì đã đắc đạo ngay được...". Tôi tự thông cảm cho mình.
Tôi bưng mọi thứ lên nhà. "Lại giàu to rồi?
Phải đến hai trăm lon gạo. Nếu mỗi ngày ăn hai lon, cũng qua được hơn ba tháng.
Còn muối đủ dùng trong hai năm. Chẳng ai lạc rừng mà lại được như thế! Sau này
có kể lại, chắc ai cũng nghĩ: "Làm gì có chuyện may mắn đến vậy...". Ừ
nhỉ! Nếu con người ta có số mệnh, và trên đời có sự may rủi, thì có thể nói số
mình luôn gặp may. (Tất nhiên phải trừ ra những lần rủi ro). Hậu quả của việc mất
cảnh giác, đến lúc này có thể nghĩ là một kết quả có hậu.
Sáng dậy tôi chia đôi số gạo muối, cõng một nửa
lên giấu trên chiếc trực thăng. Chưa đến ba chục kí, nhưng tôi phải dừng nghỉ mấy
lần trên chặng đường hai cây số. Bao giờ mới đủ sức đi từ đây ra tới đường
Chín? Lại còn mùa mưa tới, sức yếu thế này rất dễ bị kí sinh trùng sốt rét quật
ngã...
Xong việc tuy mệt lừ nhưng tôi không về nhà
ngay, mà luồn rừng đi thẳng đến bên ngôi mộ đá. Tôi đốt trầm rồi tần ngần ngồi
nhổ những ngọn cỏ mọc trong kẽ đá, thầm kể cho các anh nghe mọi chuyện vừa qua.
Dù tin chắc mình làm đúng, nhưng cảm giác có lỗi vẫn cứ day dứt trong đầu. Tôi
đã làm tất cả để kẻ bắn chết các anh được đưa về quê quán, mà đành để những người
đồng đội thân thiết nhất nằm lại mãi mãi giữa rừng...
Những ngày sau đó tôi dồn sức vào việc sửa
nhà: chôn thêm bốn cột đỡ dưới xà ngang, thay mấy thanh gỗ sàn bị mọt, chặt le
về buộc lại vách và căng lại mái nhà. Tấm vải nhựa lợp mái qua mấy mùa mưa nắng
lại thêm đốt lửa trong nhà, giờ cứng quèo như mo cau. May lắm nó chịu được một
mùa mưa nữa là cùng.
Việc cuối cùng là kiếm ít thịt về trữ. Sáng
nay tôi sửa soạn đi săn. Phải bắn con thú nào lơn lớn một chút, mà phải là loại
thú thật nhiều nạc để dễ nướng và sấy khô. Tốt nhất là nai, hoẵng hoặc mang,
cùng lắm mới bắn lợn rừng.
Vừa bước ra chưa kịp cài cửa, bỗng nghe có tín
hiệu "tít tít…” vang từ chiếc máy truyền tin treo trên vách. Quá đỗi ngạc
nhiên, tôi nhào vào nhà chụp máy bấm nút nghe: "…Thủy gọi anh Hải? Đây Thủy
gọi..." Đúng là giọng cô ấy? Có phải mình ngủ mê không? Chẳng lẽ cô ta lại
lên? Không còn tin ở tai mình, tôi trân trân nhìn cái máy. "Anh Hải đâu trả
lời đi? Đây Thủy..." Tôi cuống quít chạy ra cửa nhảy hai bước xuống cầu
thang. Đã nghe rõ tiếng trực thăng. Tiếng trong máy vẫn gọi bồn chồn: "Đây
Thủy gọi..."
Tôi đưa máy lên miệng, bấm nút nói: “Tôi nghe
đây?". Giọng cô gái như reo lên: "Anh Hải! Anh có sao không? Sao gọi
mãi không trả lời?”
Tôi không đáp, chỉ hỏi lại: "Cô lên đây
làm gì?” Như bị hụt hẫng, lát sau mới nghe cô nói vào máy:
- Ba em lên thăm anh!
- Ôi! Bác lên à?
Tôi mừng quýnh. Có ông Thành lên là yên tâm rồi.
Không ngờ hôm trước nói thế, mà nay ông lên thật.
- Thế nào? Hạ xuống được chứ?
Giọng cô gái nghe lạnh tanh và kiêu kỳ, nhưng
tôi không chấp.
- Cô xuống đi! Tôi ra ngay bây giờ!
Cố nén xúc động, tôi chạy như bay qua bãi cỏ.
Con báo hốt hoảng đuổi theo.
Máy bay vừa đáp xuống tràng cát, bụi bay mù
trên ngọn cây. Sắp ra khỏi rừng, tôi dừng sau một lùm cây vạch lá nhìn. Chiếc
trực thăng đỗ đúng chỗ hôm trước, gần giáp mé rừng. Cánh quạt ngừng quay. Từ cửa
hông, ông Thành bước xuống. Theo sau ông có một người nữa. Ai vậy? Cô gái vẫn
ngồi trên ghế lái. Hết! Chỉ có ba người. Tôi nhìn kỹ vị khách lạ: ông ta trạc
tuổi ông Thành, cũng cao như vậy nhưng vóc người đậm hơn và rắn chắc. Mái tóc
hoa râm cắt ngắn, lưỡng quyền cao, cằm hơi bạnh nên vẻ mặt ông ta có nét quyết
đoán đến lạnh lùng. Gì nữa? Áo cộc tay màu xám, quần màu nâu sẫm, giày da, chiếc
mũ trắng cầm tay..., dáng nhanh nhẹn nhưng vẫn bệ vệ. Đúng rồi? Đây là ông
Tùng, bạn của ông Thành, vị đại tá không lực. Ông ta lên đây làm gì?
Không có thời gian để nghĩ thêm, cứ ra gặp rồi
sẽ biết. Tôi giữ vẻ mặt bình thản, khoác súng lên vai đi ra. Thấy tôi, ông
Thành vui mừng bước lên mấy bước:
- A, anh Hải!
- Chào bác, chào đại tá!
Tôi niềm nở bắt tay hai ông và gật đầu chào cô
gái. Lúc này cô ta mới mở cửa máy bay nhảy xuống, mừng rỡ chạy tới con báo, làm
như cô bay hơn trăm cây số lên đây cốt để gặp nó.
- Sao anh biết tôi là đại tá? - Vị khách lạ bắt
tay và nhìn tôi chăm chú.
Tôi mỉm cười trả lời:
- Tôi chỉ đoán thôi!
- Ồ! ông ta quay sang nói với ông Thành -
Không ngờ anh ấy lại sắc sảo đến vậy! Thiệt là thú vị!
Tôi thấy bực. Giọng nói có vẻ trịch thượng.
Hay ông ta tưởng lên đây sẽ gặp người tiền sử chắc? Tôi hỏi lại:
- Việc quân bận rộn, đại tá "quá bộ"
lên tới đây, hẳn không phải là không có lý do?
Ông Thành định nói gì đó, nhưng ông ta đã trả
lời trước:
- Xin lỗi anh! Hơi đường đột phải không! Bởi
vì anh biết tôi là đại tá, nên tôi quá ngạc nhiên. Tôi với anh Thành lên đây chỉ
để thăm anh, mong anh coi tôi như một người bình thường thôi.
Ông Thành bây giờ mới nói:
- Đáng ra tôi phải báo trước, nhưng không có
cách gì liên lạc được...
Tôi vội ngắt lời ông:
- Không sao đâu bác ạ! Cháu ở đây một mình,
trông được gặp người là mừng rồi, huống hồ lại được bác và... đại tá đây lên
thăm. Xin mời mọi người vào trong kia ta nói chuyện. Cũng may cháu định đi săn
mà chưa kịp đi.
- Thủy, xách đồ xuống con! - Ông Thành giục
con gái.
Ba người khách đem xuống mấy cái túi xách và
chiếc thùng giấy, chia nhau mang vào. Tôi cũng xách hộ chiếc túi nặng. Cô gái
hăm hở bước lên trước ra vẻ người thành thạo. Con báo cứ quấn lấy chân cô,
không ngờ nó cũng biết nịnh.
Chúng tôi đi qua dải rừng non. Hôm nay trời có
mây nhưng nắng vẫn rực rỡ, tiếng chim ríu rít khắp nơi. Tôi mời khách ngồi xuống
bên chiếc bàn đá. Ông Tùng ngạc nhiên nhìn quanh, nét lạnh lùng trên mặt dường
như biến mất. ông ta kêu lên:
- Chà! Đẹp quá! Anh sống ở đây cứ như là... ẩn
sĩ ấy nhỉ!
- Vâng! - Tôi cười đáp - Có lẽ cũng giống như
vậy, chỉ khác ở chỗ lúc nào cũng phải súng đạn kè kè bên người.
Cô gái bày lên bàn mấy chai nước lọc cùng những
chiếc cốc giấy. Hay quá, khỏi phải mời khách uống nước suối. Tôi biết người dưới
xuôi lên rất ngại uống nước ở đây. Ai cũng vậy chứ không riêng gì những người
khách đặc biệt này.
- Ông Tùng bàn với cha con tôi lên thăm anh, -
ông Thành nói như phân bua - coi như một chuyến pícníc vậy! Quả thực tôi cũng
mong có dịp nói chuyện thêm với anh, hôm trước về gấp quá! Mà phải có ông ấy mới
đi được, chứ cha con tôi kiếm đâu ra trực thăng?
- Ông nhìn ông Tùng nói vui - chỉ có đại tá mới
dám xài máy bay như vậy!
- Đồ Mỹ mà! Mình xài được gì hay thì cứ xài.
Đem đi đánh nhau mãi cũng phí. Anh không thấy vừa rớt cả mớ đó à? - ông Tùng
cũng nói giọng vui vẻ và quay sang tôi - À, anh Hải không biết phải không? Vừa
rồi hành quân ở đường Chín, các anh bắn rớt chúng tôi như đập ruồi ấy!
Tôi nhìn ông ngạc nhiên. Lạ nhỉ! Không ngờ một
đại tá ngụy lại có cách nói như vậy! Ông ta nói giọng Nam Bộ nhưng ít dùng ngữ
điệu vùng trong ấy, chắc tại đi lâu ngày. Tôi chưa có dịp gặp gỡ một nhân vật
"quan trọng” cỡ đó. Hồi ở thị xã Quảng Trị có tiếp xúc với vài sĩ quan cấp
úy, nhưng lúc đó chúng tôi đóng kịch, nói chuyện như cùng chiến tuyến, mà cũng
chỉ nói những chuyện bâng quơ cho phù hợp với hoàn cảnh. Còn ở đây, ông ta biết
tôi là ai...
Ông Tùng lại nói, cắt ngang những suy nghĩ của
tôi:
- Thiệt tình tôi cũng muốn đổi gió một chuyến,
chứ chả lẽ cả đời cứ đánh nhau mãi? Hôm trước nghe mấy thằng lính kể chuyện về
anh, tôi trông được gặp một lần cho biết...
- Chắc đại tá muốn nhìn thấy người rừng xem
như thế nào? - Tôi buột miệng và thấy áy náy. Ông ta đang là khách, chẳng nên
căng thẳng làm gì. Không ngờ ông lại là người xin lỗi trước:
- Xin lỗi anh! Tại tôi nói không rõ ý. Mấy đứa
nó kể về anh như huyền thoại...
- Chúng thua trận, sợ tội nên nói quá lên, đại
tá tin làm gì!
- Là chúng kể cho nhau nghe chứ không phải nói
với tôi đâu. Lại còn con Thủy... - Cô gái đỏ bừng mặt, vờ cúi xuống lấy gì đó
trong túi xách - ... nó kể chuyện anh như trong xinê...
- Anh Hải, em cho con báo ăn được không?
- Cô còn hỏi? Nó chẳng ra đón cô từ ngoài cửa
máy bay là gì?
Cô cúi mặt cười ngón ngoẻn, sắc hồng bừng trên
đôi gò má cao cân đối. Quả nhiên ông đại tá bị đánh lạc hướng, ngây người nhìn
con báo khoái khẩu với món thịt bò.
Tôi quay sang ông Thành:
- Bác vẫn khỏe chứ ạ?
- À, tôi thấy khỏe lên nhiều. - Ông mỉm cười
hiền lành. Trông sắc mặt ông tươi tắn, khác hẳn lần trước. Mới một tuần chứ mấy!
Ông nói tiếp:
- Giờ tôi chỉ mong hòa bình để gặp lại chú em
tôi, gặp thằng cháu trai...
Ông Tùng ngoảnh lại:
- Nghe nói anh có quen chú Nguyên phải không?
Này, thế chú ấy làm tới cấp gì rồi?
- Vâng! Tôi cũng tình cờ có biết! - Tôi đáp
nhưng không trả lời trực tiếp câu hỏi - Hồi năm năm tư, anh ấy đã dẫn một trung
đoàn đi đánh trận Điện Biên đấy...
Mắt ông Thành sáng rực, còn ông Tùng thì gật
gù thán phục:
- Chà chà! Vậy giờ ít lắm cũng đại tá chứ chẳng
chơi đâu! Tôi biết, dòng anh toàn người giỏi mà!
Tôi cố kìm nỗi kinh ngạc. Không biết ông ta
thân với ông Thành cỡ nào mà nói chuyện tỉnh bơ. Cứ như là chẳng có nhột khoảng
cách nào giữa ông và chúng tôi. Hay đó là tính cách bộc trực của người Nam Bộ?
- Nhưng anh ấy gàn dở lắm! Tới bữa ăn cơm với
tụi cháu, đêm ôm võng xuống nằm nói chuyện. Dạo Mậu Thân, anh ấy cùng đặc công
bò vào tận hầm chỉ huy trong sân bay Ái Tử... - Tôi kể tiếp những chuyện về anh
Hai Nguyên, rồi nói với ông Thành - Anh ấy có nói hồi anh bỏ học, bác la dữ lắm?
- Ừ, tính chú ấy vốn vậy, đã quyết việc gì thì
đố ai cản được Chú ấy lo không đủ tiền cho cả hai anh em cùng học. - Ông rơm rớm
nước mắt - Hồi đó cơ cực lắm anh à! Có củ khoai bữa sáng ăn đi học mà hai anh
em cứ nhường nhau mãi, trưa về vẫn còn đó, nguội ngắt...
- Tôi giống anh Thành, cũng nhà nghèo, cũng
hai anh em mồ côi cha mẹ từ nhỏ, chỉ tréo một chút là bên tôi em đi học còn anh
đi lính. - Ông Tùng hể hả nói.
"Còn có cái khác cơ bản là đi lính cho
ai?”, tôi nghĩ vậy và hỏi:
- Thế bây giờ... người em của đại tá ở đâu ạ?
- Chú ấy du học bên Canada rồi ở lại luôn. Lấy vợ ở bển, nhưng cũng người Việt
mình. Có bốn con, lớn rồi. Chú em tôi giờ là chuyên viên điện toán trong một
chương trình không gian. - Ông trả lời với vẻ tự hào.
Câu chuyện cứ thế tiếp tục vui vẻ. Trong đầu
tôi loáng thoáng mấy chữ "ác ôn", "nợ máu”... Không biết đã lần
nào ông ta lái máy bay ném bom xuống quê tôi chưa? Mà ném xuống đâu cũng vậy
thôi! Nhưng hình như trong ông còn có một điều uẩn khúc nào đó mà tôi chưa biết
được...
Mười giờ trưa. Ông Thành giục con gái nấu cơm rồi
quay sang nói với tôi:
- Lúc sáng cứ nôn nao lên đây thành ra chưa ăn
uống gì. Tôi đã bảo con Thủy đem đồ nguội đi mà nó không chịu, nói lên giữa rừng
nấu ăn thích hơn.
Cô gái hỏi tôi lấy xoong rồi trút gạo đem đi
vo. Họ lại đem cả gạo lên.
- Anh Hải đưa em xuống suối! - Cô bảo.
Tôi ngần ngừ. Đúng là phải đưa cô ta đi, nhưng
để hai ông khách ngồi đây cũng không yên tâm. Con báo thì nhất định chạy theo
chúng tôi rồi! Tôi hỏi ông Tùng:
- Sao lên rừng mà đại tá không mang theo súng?
Ông ta cười bảo:
- Lúc sáng cũng định mang khẩu súng săn cho có
vẻ đi rừng, mà con Thủy không chịu. Nó nói làm vậy là vi phạm quy định của anh.
Cô gái cười:
- Chớ bác biểu sao? Bay trực thăng Mỹ, mang
theo súng, không chừng lãnh đạn à!
Tôi cũng cười, bảo cô đứng đợi rồi ra sau hốc
cây đa lấy khẩu súng có kính ngắm khoác lên vai. Còn khẩu kia tôi lên đạn, khóa
lại và dựng bên bàn đá.
- Xin đại tá nhớ giữ súng trong tầm tay. - Tôi
dặn.
Ông nhìn tôi ngạc nhiên:
- Anh... cẩn thận quá!
- Lúc này đại tá là khách của tôi mà! Nhưng cảnh
giác vậy thôi chứ ở đây cũng yên. - Tôi nói rồi bước theo cô gái.
Đi được một đoạn, cô cười khúc khích: Phải như
vầy mới nói chuyện với anh được. Ngồi trên em đâu chen vô được câu nào!
- Ờ thì... phải để người lớn nói chuyện chứ?
- Em cũng lớn chớ bộ?
- Cô bao nhiêu tuổi mà đòi lớn?
- Em... hăm tư!
- Vậy còn ít hơn tôi một tuổi, chỉ đáng bậc em
thôi!
- Em đâu có đòi làm chị? - Cô cười, nói tiếp -
Nhưng thôi, để nói sang chuyện khác. Em có đem lên cho anh bản đồ và địa bàn,
giấu trong thùng mì ấy? Mà anh đừng cho ba em và bác Tùng biết.
- Ôi, cám ơn cô Thủy nhiều lắm? - Tôi mừng rỡ
- Nhưng... sao lại phải giấu bác?
- Thì phải làm vậy cho nó ly kỳ chớ? - Cô cười
tinh nghịch.
Lúc này tôi mới để ý thấy cô nói tiếng miền
trong chứ không phải tiếng Quảng, chắc tại lớn lên ở Sài Gòn. Tiếng vùng trong ấy
với giọng nói thanh thanh nghe thật hay.
Cô gái ngồi thụp xuống bên vũng suối, nhưng
chưa vo gạo mà đưa tay nghịch nước:
- Anh Hải này! Ba em vừa đi Tam Kỳ hai ngày đấy?
- Vậy hả? Chắc bác đi thăm ai? - Tôi hồi hộp
nhưng giả bộ thờ ơ hỏi lại.
- Ba em vô chỗ già Lý.
- Thế bác kể gì không?
- Anh lên mà hỏi ba em ấy! Em hỏi, ông cứ ậm à
ậm ừ, ra vẻ chuyện người lớn không nói với con nít. - Cô ấm ức.
Tôi cười:
- Chắc chẳng có chuyện gì nên bác mới không
nói.
- Đâu phải! Em biết ba đi để tìm cách nhắn cho
chú Nguyên. Ôi! Em mong được gặp chú quá? Hồi nhỏ nghe ba em kể hoài. Cả má em
cũng đâu biết mặt. Mà... chú giống ba em không anh?
- Giống lắm! Không phải giống như in đâu,
nhưng có nét gì rất dễ nhận. Hôm mới gặp bác, tôi cứ ngờ ngợ mãi mà không nghĩ
ra.
- Nhưng sao anh lại gọi... chú là anh?
- Thì ông bảo gọi vậy để ông được trẻ lâu!
- Ngộ quá ha! Vậy là em mê chú rồi! - Cô nói
như reo. Lúc nào em cũng hình dung chú như một nhân vật kỳ bí, oai phong lẫm liệt...
Tôi bật cười:
- Ông là người bình thường thôi, cô đừng nên
thần tượng hóa. Nếu cô coi ai đó như vị thánh, rồi sau thất vọng vì thấy họ
cũng chỉ là người bình thường, thì lỗi là ở cô đấy!
- Anh Hải còn trẻ mà ăn nói già dặn ghê ta!
- Tôi ăn thì được, chứ nói dở lắm, chỉ nghĩ
sao nói vậy thôi.
Cô gái vo gạo. Vùng nước trắng mờ lan dần ra
vũng suối trong vắt.
- Bác và cô rủ ông Tùng lên phải không - Tôi hỏi.
- Đâu có! - Cô nói - Chính bác ấy rủ đó chớ!
Ba em cũng muốn lên thăm anh, nhưng đâu dám hỏi. Còn em làm sao bay trộm được?
Mặt đất kiểm soát chặt lắm!
- Nhưng sao lạ vậy? Tự dưng một đại tá không lực
lại... muốn lên đây?
- Anh thấy kỳ lắm sao?
- Rất may là ông ấy không báo trước, chứ không
tôi phải mất ăn mắt ngủ vì lo! - Tôi nới vui.
- Hôm trước, em với ba em tới nhà để cảm ơn.
Lúc em đưa quà, nói của anh gửi biếu, cả hai ông bà đều ngớ người ra rồi mừng rối
rít.
- Vậy sao? Chừng ấy trầm đâu có đáng gì?
- Bộ anh không biết đó là kỳ nam à? Thứ đó mắc
lắm! Nhưng em nghĩ không phải vì nó nhiều tiền. Nếu anh ở vào trường hợp ấy,
khi có người ở tận trên rừng chẳng quen biết gì mà lại là người phía bên kia, gởi
cho mình một món quà như vậy, thì anh nghĩ sao?
- À…, chắc cũng có cảm giác như lúc nhận gạo
và muối cô đưa lên!
- Ý, chẳng qua em tiếp tế cho Quân giải phóng
thôi à nghen! - Cô nhìn tôi cười tinh nghịch, hàm răng trắng đều sáng lên cùng
cặp mắt long lanh. - Mà anh đừng lo, dưới đó lên đây có nửa giờ bay chứ mấy!
Còn khỏe hơn đi Tam Kỳ!
- Cô đã đi Tam Kỳ?
- Ừa! Em có vô thăm già Lý mấy lần, từ sau
ngày anh em mất tích... Không phải ngay thị xã đâu mà ở vùng ven, toàn đồi
không hà! Ở đó hay lắm? Già Lý nói bên... Cách mạng lên về hàng ngày. Mà... lần
trước em cũng vô ý quá, không hỏi coi anh cần chi để mang lên...
- Cô Thủy giúp như thế là quý lắm rồi! Tôi biết
ơn bác và cô nhiều lắm.
Cô cúi xuống đưa tay khỏa nước:
- Nếu nói ơn huệ, gia đình em phải cám ơn anh
mới đúng?
Sao cô lại nói vậy? - Tôi ngạc nhiên.
Cô im lặng, lúc sau mới nói:
- Từ hôm ở đây về, ba em khỏe hẳn ra, ăn được
ngủ được cười nói vui vẻ suốt ngày. Em biết ba mừng vì đem được anh Trà về bên
má, và mừng nhứt là biết tin chú Nguyên. Và em cũng hứa với ba là từ nay không
bay nữa. Nhưng ba em biểu cứ từ từ đợi ít lâu, để coi có giúp chi được cho anh
không?
Tôi sững sờ. Ông Thành nói vậy ư? Chưa biết
ông định giúp tôi như thế nào, nhưng điều gì khiến ông dám gánh chịu nguy hiểm
có thể đe dọa đến tính mạng mình và con gái, để giúp một người đã từng bắn chết
con trai mình?...
- Ta lên nhà thôi anh! - Cô gái giục.
Chúng tôi đứng dậy, bước lên lối mòn. Tôi hỏi:
- Thế cô Thủy còn... muốn bay nữa không?
- Có chớ! Đó là ham mê suốt đời của em mà!
Nhưng chắc phải đợi đến lúc hòa bình. Còn bây giờ em sợ lắm!
- Cô sợ bác mắng?
- Không! Khi nào ba em cho, em mới bay.
- Cô sợ trúng đạn Quân giải phóng?
- Có sợ nhưng em sẽ bay quá tầm đạn hoặc tránh
vùng chiến sự.
- Vậy cô sợ ổ không khí loãng?
- Em biết cách tránh!
- Chứ cô sợ gì?
- Em sợ nhứt là khi bay đến nơi nào đó, lại có
người hỏi: "Cô đến đây làm gì?” - Cô liếc nhìn tôi, cười tủm tỉm.
Tôi điếng người, nhưng cố chống chế:
- Thế cô không biết nói sao à?
- Nói sao?
- Thì nói là: “Tôi đi thăm con báo!"
Cô cười rũ làm xoong nước trên tay sóng sánh:
- Ối! Anh còn khôn hơn quỷ! Mà... Aga nó cũng
mến em chớ!
- Chắc gì! Chẳng qua nó ngửi thấy mùi thịt bò.
Cô xịu mặt:
- Anh toàn chọc quê em không hà!
- Đâu có! Tôi nói con báo đấy chứ! Mà này, nếu
thích, tôi cho cô đưa nó về nuôi!
- Ôi, em thích lắm. Nhưng... ai nỡ bắt nó lìa
rừng được…
Câu chuyện đến đây chấm dứt vì chúng tôi đã
lên tới nơi hai ông khách đang ngồi đợi.
Ông Tùng nói với cô gái, miệng cười cười:
- Thủy này, lâu lắm rồi mới thấy cháu vui như
vậy đấy!
- Cháu cũng thấy hôm nay trông bác trẻ hẳn ra!
- Ờ thì... nghỉ ngơi giữa rừng, đầu óc nó thư
giãn, người khỏe khoắn hơn. Chứ tao mà trẻ nỗi gì nữa cháu?
- Bác đâu đã già! Mấy bà mấy cô ở...
- Đứng đó mà lí lắc mãi! Đi nấu cơm đi con? -
ông Thành gắt con gái rồi nói với ông Tùng - Sao lên đây ngồi không mà thấy mau
đói bụng quá!
Tôi nói:
- Tiếc thật? Nếu biết trước, cháu đã đi bắn
con thú nào ngon thịt để đãi bác bữa thịt rừng. Mà bác với đại tá có thích câu
cá không?
- Câu cá? - ông Tùng bật dậy.
- Vâng! Ở suồl đây có thứ cá ngon lắm!
- Trời! Gì chớ-câu cá là nghề của tôi hồi nhỏ
mà! - Ông Tùng ngoảnh sang ông Thành - Ta đi anh!
- Thôi anh đi với anh Hải. Tôi phụ bếp cho con
Thủy. - Ông Thành trả lời.
Tôi lấy hai chiếc cần câu cài bên vách nhà rồi
dẫn ông ta ra suối. Chúng tôi ngồi trên gộp đá ở mé dưới vũng suối, nơi có bóng
cây che mát. Nước trong leo lẻo, chỉ dưới chân tảng đá chỗ sâu nhất mới thấy tối
mờ. Buổi trưa cá ít cắn câu nhưng không sao! Chỉ cần vài con đãi khách là được.
Tôi tìm giun móc vào lưỡi câu, trao cho ông
Tùng:
- Ở đây nước sâu, đại tá nới phao nữa đi! Loại
cá này ăn mồi sát đáy.
- Ồ, lâu lắm rồi tôi mới lại đi câu. Mà nơi
này đẹp quá, anh chọn được nơi ở thật hay. Hèn chi con nhỏ về dưới cứ khen mãi.
Tôi không rõ "con nhỏ”' khen tôi hay khen
con suối, nhưng không tiện hỏi.
- Có lẽ vì cô ấy yêu thiên nhiên và biết cảm
nhận cái đẹp. Nhưng nhìn vậy thôi chứ sống ở đây cũng không phải dễ, khí hậu khắc
nghiệt lắm. - Tôi nói, cốt đưa đẩy câu chuyện để tìm hiểu thêm vài việc - Thực
tình, tôi rất ngạc nhiên khi thấy bác Thành và cô Thủy trở lại. Và càng bất ngờ
hơn khi đại tá cũng lên đây!
- Tôi biết! Nhưng nếu có suy nghĩ gì, xin anh
hình dung sự việc đơn giản hơn. Với chúng tôi, chỉ nửa giờ bay là lên tới đây.
Có phương tiện trong tay, tội gì chẳng nghỉ ngơi tí chút! Tướng Kỳ còn lái trực
thăng ôm gà đi chọi hàng ngày. Tôi cũng muốn nhân dịp này để cảm ơn anh về món
quà hôm trước.
- Có gì đâu mà đại tá cảm ơn. Tôi rất mến bác
Thành dù mới gặp lần đầu. Mà đại tá lại là bạn của bác ấy...
- Tôi với anh Thành lại khác. Chúng tôi thân
nhau từ hồi còn học trung học ở Sài Gòn. Vợ chồng tôi không có con nên coi hai
đứa còn ảnh như con mình. Anh Thành gửi gắm cả hai đứa nó cho tôi, vậy mà...
tôi không giừ được thằng con trai cho ảnh. Thực ra, với quyền hành của mình,
tôi có thể để thằng Trà làm việc gì đó không nguy hiểm. Nhưng tôi đã không làm
vì nghĩ điều đó là hèn. Một người lính phải cho ra người lính...
- Nếu vậy, đại tá đâu có gì phải áy náy! Anh
ta đã thể hiện tư cách người lính đúng như đại tá mong muốn. - Tôi nóng nảy cắt
ngang lời ông ta.
Không chú ý tới thái độ của tôi, ông ta trầm
ngâm một lúc rồi nói:
- Tôi không nghĩ như vậy! Thực tế nó là thằng
giỏi, một phi công lành nghề dù còn rất trẻ. Nhưng thời gian sau này nó thay đổi
nhiều, trở nên liều lĩnh và tàn bạo. Tôi muốn người lính chỉ làm bổn phận của
mình chứ không nên hiếu sát.
- Chắc đại tá phải biết nguyên nhân?
- Tôi biết! Tất cả chỉ tại thằng cha cố vấn!
"Không hẳn vậy đâu, ngài đại tá?",
tôi nghĩ thầm nhưng không nói. Việc cần làm lúc này là moi một ít thông tin.
- Đại tá muốn nói tới trung tá Cođy? - Tôi hỏi.
- Con Thủy có kể anh nghe rồi thì phải? Đến giờ
tôi vẫn không hiểu hắn làm cách nào mà kéo được thằng Trà theo. Hôm nghe con Thủy
nói hắn bay lên tận đây để bắn thử rốc két, tôi càng ngạc nhiên.
- Thời gian sống ở đây, tôi thấy có nhiều dấu
vết chứng tỏ trực thăng đã tới vùng này nhiều lần chứ không chỉ hai vụ bắn nhau
với tôi. Chẳng lẽ đại tá không kiểm soát được các chuyến bay ấy?
- Tôi hiểu anh muốn nói gì. - Ông ta trả lời -
đúng ra là phải kiểm soát được. Nhưng máy bay, vũ khí, tiền bạc họ bỏ ra, tôi
biết nhưng... cũng khó can thiệp.
- Thế đại tá không nghĩ ông ta làm gì ở vùng
này? Xin lỗi, không phải tôi tò mò, chẳng qua vì thấy những cuộc đụng độ giữa
tôi với mấy chiếc trực thăng là hoàn toàn tình cờ.
- Lúc đầu tôi nghi thằng cha này dính tới mấy
vụ ma túy. Chuyện ấy bây giờ không hiếm. Nhưng nếu vậy, anh sống ở đây hai năm
phải biết cái gì đó: đường dây vận chuyển, kho chứa, thậm chí cả nơi chế biến...
Nếu anh không thấy những thứ đó thì không phải ma túy. Hơn nữa sau vụ thằng Trà
chết, rồi cha Cođy bị điều chuyển, mọi việc êm trở lại.
- Nghe cô Thủy nói, ông ta là người có thế lực?
- Thế lực gì đâu! Nhưng cũng có thằng bạn mà
chả nói là bạn thân từ hồi nhỏ. Tay này là "xịa" chính cống đấy?
- Đại tá có biết?
- Hắn có đến chỗ tôi mấy lần. Chúng tôi có uống
rượu với nhau, và chỉ thế thôi. Hắn đến cốt gặp thằng cha kia. Hắn tên là John
Smith, nghe nói cũng vai vế lắm trong làng tình báo. Có vậy mới gỡ được cho
Cođy khỏi ra tòa án binh.
- Kìa, cá cắn câu, đại tá giật đi!
Ông ta vung tay. Một con cá đen trũi to bằng cổ
tay vùng vẫy dữ dội ở đầu dây. Khuôn mặt ông đại tá sáng bừng niềm thích thú.
Ông ta nhoài cả người lên bãi cỏ, cố chộp cho được con cá đang giãy dụa.
Tôi cũng giật được một con, và bứt nhánh cây xỏ
vào mang hai con cá.
- Cá này ngon lắm! Lát nữa đại tá sẽ biết!
- Ta câu nữa đi! - Ông ta rủ - Chà! Lâu lắm rồi
hôm nay tôi mới có cảm giác thú vị như thế này!
Tôi móc mồi cho cả hai. Ông Tùng buông câu rồi
nhìn tôi nói:
- Anh là một người kỳ lạ!
- Đại tá chưa nhìn thấy người lính Giải phóng
lần nào ư!
- À, cũng có gặp. Mà mấy thằng chiêu hồi ấy
thì nói làm chi! Là một người lính chần chính, tôi coi trọng sự can đảm. Những
kẻ hèn nhát, dù ở bên nào, tôi đều căm ghét.
Tôi hăng máu lên:
- Theo đại tá, thế nào là một người lính chân
chính?
- Thế anh nghĩ thế nào? - Ông ta thích thú hỏi
lại.
- Người lính chân chính, trước hết phải là con
người chân chính. Tôi trả lời.
- Ồ? Cách nghĩ của anh hay lắm, nhưng... chung
chung. Theo tôi, đã là người lính thì chỉ làm bổn phận của mình, đừng dính dáng
đến chính trị. Tất nhiên phẩm chất hàng đầu phải là dũng cảm, sau nữa, là người
giỏi. Tôi là một phi công thành thạo nghề nghiệp và độc lập, không tham gia một
đảng phái nào, không lệ thuộc vào phe cánh nào. Anh biết rồi đấy! Chính trường
Nam Việt những năm trước liên tục đảo chánh, vậy mà tôi không dính vào ai hết.
Tôi chỉ làm công việc của mình. Và tôi giỏi, nên chả ai bắt bẻ được Tướng Thiệu,
tướng Kỳ đều cần tôi, mặc dầu hai ông chẳng ưa gì nhau...
Lối suy nghĩ của ông ta đơn giản, nhưng cũng
vì thế là trở nên rắc rối khó hiểu. Dĩ nhiên tôi có quan điểm của mình, nhưng dễ
gì nói cho ông ta hiểu, và cũng không cần thiết. Tôi nghĩ vậy nên chỉ nói:
- Nếu nói không tham gia đảng phái nào, thì
còn đúng. Chứ khi đã làm bổn phận, như cách nói của đại tá, có nghĩa là đã phục
vụ cho một chế độ chính trị nhất định, ít nhất cũng cho một ý đồ chính trị nào
đó. Chỉ có tụi thổ phỉ mới không theo đường lối chính trị nào, còn đại tá đang ở
trong một quân đội chính quy.
Một lát im lặng, rồi ông ta hỏi tôi một câu chẳng
ăn nhập gì với chuyện đang nói:
- Tôi nghe kể, anh leo lên cây bắn rớt máy bay
của thằng Trà?
- Vâng! - Tôi đáp gọn lỏn.
- Vậy mà anh còn chôn cất nó và tìm cách nhắn
gia đình lên đem nó về?
- Tôi làm những gì lương tâm mách bảo. - Tôi
trả lời và nói tiếp - Cá ăn hết mồi rồi, đại tá mắc lại mồi đi!
Ông ta nhấc cần câu, cầm con giun nhỏ tôi đưa
móc vào lưỡi câu thả xuống nước.
- Tôi cảm ơn anh về điều đói - Ông nói.
Chẳng lẽ ông ta cảm ơn về mồi câu? Tôi ngạc
nhiên nên hỏi lại:
- Tôi không hiểu?...
- Ông Thành là bạn tôi. - ông Tùng trả lời -
Khi thằng Trà chết, ông ấy đau đớn gần như không muốn sống, nhưng chẳng hề
trách tôi một câu nào. Điều đó càng làm tôi thấy mình có lỗi với ổng. Con Thủy
thì sùng sục đòi bay tìm. Còn bà nhà tôi đay nghiến tôi hoài, bả quý hai đứa nó
lắm! Vì vậy tôi rất mừng khi thấy từ hôm ở đây về ông Thành tươi tỉnh hẳn lên,
có vẻ như đã thăng bằng trở lại. Cả con Thủy cũng thế. Anh không biết rằng tôi
đã lo như thế nào mỗi lần nó bay, dù đã bố trí để nó chỉ bay những phi vụ đơn
giản, không có đụng độ. Bà nhà tôi thì mừng cuống quít, cứ như tìm được xác con
bả không bằng. Hôm nhận được khúc trầm anh gửi biếu, bả ngớ cả người, rồi xoắn
xuýt lấy con Thủy để hỏi chuyện. Bà nhà tôi là người nhân hậu anh à! Tôi thương
quý bả ở cái tính ấy. Lúc đó tôi thấy lạ, cứ nghĩ mãi, không hiểu vì sao một
người như anh lại có sức thu hút đến thế với những người thân của tôi. Giờ thì
tôi hiểu, anh là một người linh giỏi và có lòng nhân từ. Một người lính Việt Cộng
lại đi vuốt mắt cho kẻ thù của mình lúc đã chết, là điều làm tôi thực sự ngạc
nhiên.
Ông Tùng nói những điều đó một cách chân
thành, vì thế nên tôi đâm khó nghĩ, không rõ ông là người thế nào. Tôi suy nghĩ
một lúc rồi hỏi:
- Nếu đại tá không phiền thì cho tôi hỏi, vì
sao đại tá lại nghĩ như vậy?
- Tôi nói thẳng thắn với anh, được chứ?
- Vâng! Tôi cũng mong thế! - Tôi đáp.
- Tôi không ưa nổi Cộng sản. Xin lỗi, nếu điều
đó làm anh khó chịu.
- Đại tá đừng xin lỗi, và tôi cũng vậy! Chúng
ta đã thỏa thuận là nói chuyện thẳng thắn cơ mà! Nhưng vì sao đại tá lại không
ưa Cộng sản? Nghe nói hồi trước gia đình đại tá cũng nghèo lắm?
- Anh tưởng cứ người nghèo thì đi theo Cộng sản
sao?
- Không! Nhưng những người giàu có thường nghi
chúng tôi sẽ làm cho họ nghèo đi.
- Tôi không ưa cộng sản vì họ tạo nên loại người
cuồng tín. Các anh hô hào; đấu tranh giai cấp là động lực phát triển của xã hội,
như vậy khi nào mới hết chiến tranh? Chả lẽ cứ đánh giết nhau hết đời này qua đời
khác ư?
- Vì thế nên đại tá thấy lạ khi một người lính
như tôi lại có lòng nhân từ?
Ông ta ngoảnh sang nhìn tôi chăm chú, lát sau
mới đáp:
- Điều đó tôi đã nói rồi!
Tôi ngập ngừng. Khó mà đưa lý lẽ ra để tranh
luận với ông ta những vấn đề lớn đó. Hơn nữa, tôi không được chuẩn bị cho một
cuộc tranh luận kiểu này. Dù có giàu óc tưởng tượng đến mấy đi nữa, cũng chưa
bao giờ tôi nghĩ đến cuộc chuyện trò kỳ lạ như thế này với một đại tá ngụy ở giữa
rừng già. Người đang ngồi bên cạnh tôi có hệ tư tưởng đối nghịch. Và đừng hòng
tính tới chuyện thuyết phục một kẻ mà thâm niên chống Cộng lớn hơn cả tuổi đời
của tôi, trừ phi chính trong bản thân ông ta đang có sự chuyển biến nào đó.
Tôi nói:
- Có thể nói, đại tá gặp tôi một cách ngẫu
nhiên. Phía Quân giải phóng đâu biết trước một cuộc gặp gỡ như thế này để chọn
người chờ sẵn ở đây? Còn tôi, khi tôi làm tất cả những việc như đại tá đã biết,
tôi đâu nghĩ là sẽ có ngày gặp ông Thành, cô Thủy và... gặp đại tá?
- Anh muốn nói rằng, anh chỉ là một trong ngàn
vạn người, và phía các anh ai cũng như vậy?
- Rất mừng vì đại tá hiểu được ý tôi!
- Tôi hiểu ý anh, nhưng đừng nghĩ là tôi công
nhận điều đó! Thế anh nói sao về vụ tàn sát ở Huế năm Mậu Thân?
- Vì vậy mà đại tá nói chúng tôi là những kẻ
cuồng tín?
- Tôi đưa ra một dẫn chứng!
- Nếu tôi nói đến hai từ "Sơn Mỹ”, chắc đại
tá cũng đoán ra ngay sau đó tôi sẽ nói gì! Nhưng việc đó không nên, phải không ạ?
Thật nhẫn tâm khi đem sinh mạng đồng bào mình ra làm vật so đo như đặt trên bàn
cân, chỉ cốt tính chuyện hơn thua trong một cuộc tranh luận giữa hai cá nhân.
Cho nên tôi chỉ nói, phía chúng tôi không hề có một chủ trương như vậy!
- Các anh vẫn hô hào diệt ác trừ gian?
- Đúng! Chúng tôi đấu tranh không khoan nhượng
với kẻ thù. Nhưng "diệt và "trừ” ở đây không chỉ có nghĩa là giết. Đại
tá nên nghĩ rằng, trong mấy chục ngày đêm Quân giải phóng chiếm giữ thành phố
Huế, người dân Huế vẫn sống yên ổn. Họ còn giúp đỡ chúng tôi rất nhiều.
- Cái hố chôn xác người ở vùng ven Huế là có
thật!
- Tôi không phủ nhận điều đó!
- Vậy anh định giải thích thế nào?
- Thẳng thắn mà nói, tôi không có quyền phán
xét. Tôi cũng không có mặt ở đó lúc xảy ra sự việc nên...
Cá lại cắn câu. Tôi giật được con nữa xỏ vào
xâu cá lúc nãy và móc lại mồi thả xuống nước.
Ông Tùng vẫn ngồi im ý chờ tôi nói tiếp, mắt
đăm chiêu nhìn những gợn nước tròn lan ra từ chiếc phao câu nhấp nháy, nhưng
hình như không nhận thấy cá đang phá mồi. Tôi nói tiếp:
- Vụ việc ở Huế lúc đó là sai lầm của một số
ít người. Tôi nghĩ sai lầm đó đã gây tổn thất rất lớn cho phía chúng tôi, nhất
là khi nó bị các ông lợi dụng để kích động hận thù. Mặt trận dân tộc giải phóng
đang kêu gọi toàn dân đứng về phía mình, chúng tôi đâu muốn mọi người mất lòng
tin.
- Cứ cho là các anh không có chủ trương, sao
việc đó lại xây ra?
- Đại tá đừng đề cao chúng tôi quá.
- Tôi đề cao các anh cái gì? Ông ta đảo mắt,
ném sang tôi cái nhìn bực dọc.
- Chúng tôi đi theo Cách mạng với nhiều hoàn cảnh,
nhiều trình độ nhận thức khác nhau. Và trước hết chúng tôi là những con người
bình thường như mọi người khác. Trong mỗi con người đều có tính thiện tính ác.
Rồi có lúc, lòng thù hận thổi bùng lên cái ác ở một số người, nhất là khi họ bị
dồn tới bước đường cùng. Dưới sông tàu nã pháo, trên trời phản lực ném bom và
trực thăng rỉa đại liên, ở mặt đất bộ binh vây chặn các ngả. Một số người phải
dẫn giải lên căn cứ những kẻ mà họ coi là kẻ thù. Là người địa phương, trước
đây bản thân họ hoặc gia đình từng phải chịu đau đớn mất mát bởi những kẻ đó.
Còn lúc đó, họ đang cận kề cái chết. Rồi trong tâm trạng thất vọng bởi cuộc tổng
tấn công ở vào bước thoái lui, họ đã làm những việc không được phép làm. Xin
nói thêm với đại tá, số người bị giết đó tuy không mặc áo lính nhưng là những kẻ
đang cộng tác với chế độ các ông ở những hình thức hay mức độ khác nhau. Đối với
Cách mạng, họ là kẻ chống đối. Tuy nhiên, đáng ra họ phải được xét xử. Tôi cũng
nghĩ rằng có những người chưa đáng tội chết, và có người bị oan.
- Thế bên các anh đã xử những kẻ phạm sai lầm ấy
như thế nào?
- Đại tá nghĩ họ còn sống ư?
- Sao anh biết là họ đã chết?
- Tôi không nói thế Tôi chỉ hỏi thế thôi? Tình
hình ở Huế lúc đó, hẳn đại tá biết hơn tôi nhiều. Tôi có người bạn nhập ngũ
cùng ngày cũng chết ở Thành Nội đợt đó. Cả đại đội chỉ trở về có mấy người.
- Anh nói rất khôn, nhưng thực ra cũng chỉ nói
theo lối tuyên truyền, nhằm bênh vực cho phía các anh!
- Tôi chỉ nói ra những điều mình suy nghĩ dựa
vào những gì mình biết. Đó chỉ là ý kiến cá nhân.
- Như vậy là anh đồng tình với việc bắn giết
những người tay không vũ khí?
- Không! Tôi hoàn toàn phản đối.
- Quanh co! Chẳng lẽ anh không nhận ra mâu thuẫn
trong cách nói của mình sao?
Tôi ngẫm nghĩ rồi trả lời:
- Có lẽ cách diễn đạt của tôi không rõ. Đại tá
có muốn nghe một câu chuyện để hiểu thêm ý tôi không ạ?
Đúng lúc đó, ông Thành cùng con gái đi xuống, có
con báo lẽo đẽo theo sau. Tôi ngập ngừng định đứng dậy, nhưng ông Tùng đã vẫy
tay gọi họ ngồi xuống bên cạnh và nói với tôi.
- Anh cứ nói đi!
- Vâng? Hơi dài dòng một chút... - Tôi tiếp tục
câu chuyện - Quê tôi ở Vĩnh Linh, vùng đất mà trong cuộc chiến tranh phá hoại của
Mỹ được gọi là cái túi bom đạn. Người quê tôi phòng tránh các cuộc oanh kích bằng
cách dở nhà làm hầm chữ A và dựa vào thế các triền đồi đất đỏ để đào những địa
đạo, thường là sâu trên hai chục mét dưới lòng đất Hẳn đại tá có biết việc này?
- Anh kể tiếp đi!
- Lúc có máy bay ném bom, những ai không đủ sức
cầm khẩu súng bắn trả đều phải chui xuống nấp dưới địa đạo. Trong một cuộc oanh
kích, máy bay Mỹ sử dụng bom khoan, loại bom nổ ngầm trong lòng đất. Phải nói
là phi công giỏi! Họ đánh sập địa đạo, chôn sống trong lòng đất gần trăm con
người, toàn là người già, trẻ em, phụ nữ có thai... Kết cục thế nào, chắc đại
tá cũng đoán được. Người trên mặt đất biết địa đạo bị sập nhưng đành bó tay.
Các loại bom phá, bom sát thương đã làm đảo lộn địa hình, không còn nhận ra của
địa đạo ở đâu nữa. Mà có biết cũng chàng thể đào nổi hàng ngàn khối đất đá để
moi những con người tội nghiệp đó lên.
- Lúc đó tôi đã vào chiến trường. Nói đúng hơn
là vào vùng đất phía nam sông Bến Hải, chứ ở đâu cũng đều là chiến trường cả rồi.
Người kể lại chuyện cho tôi nghe là một cậu trai trẻ cùng quê, học sau tôi mấy
lớp, mới nhập ngũ hơn tháng. Hồi nhỏ cậu ta rất hiền, vẫn thường bị tôi bắt nạt.
Cậu ấy chỉ mê đọc truyện chứ chả bao giờ tham gia vào trò chơi đánh trận giả của
lũ trẻ cùng xóm. Đến bây giờ, tôi như vẫn nhìn thấy cậu ấy ngồi trước mặt mình,
mặc bộ quân phục rộng thùng thình còn mới tinh, đội chiếc mũ tai bèo mới tinh,
và khẩu AK tựa trên vai cũng mới. Cậu ấy ngồi dựa lưng vào vách hầm, thong thả
kể chuyện, giọng dửng dưng như không hề có chút xúc cảm nào. Nhưng khi ngẩng
lên nhìn cậu, tôi bỗng giật mình: trên khuôn mặt vừa qua tuổi thiếu niên đó
đang giàn dua nước mắt, những giọt nước mắt lạnh vì không có tiếng khóc. Và khủng
khiếp nhất là đôi mắt. Đôi mắt cậu ấy lóe lên một thứ ánh sáng kỳ lạ mà tôi
không biết tả thế nào, chỉ có cảm giác là nó giống mắt của một con ác thú. Kể
xong chuyện, cậu ta thề sẽ xé xác bất cứ tên giặc nào mà cậu bắt gặp... Mẹ cậu
và hai đứa em..., không, ba đứa mới đúng vì còn một đang trong bụng mẹ, cả bốn
mẹ con đều chết dưới địa đạo.
Sau này nhiều lần tôi cố nghĩ xem những người
dưới địa đạo còn sống được bao lâu nữa sau khi cửa hầm sập, mà chịu không đoán
được, và cũng không hiểu mình nghĩ như vậy để làm gì? Có thể lúc những chiếc
máy bay về tới căn cứ thì dưỡng khí trong địa đạo cạn? Cũng có thể khi các phi
công mở sâm banh uống mừng một phi vụ trót lọt và kéo nhau vào tiệm nhảy thư giản,
thì những người dưới lòng đất bắt đầu bị ngạt? Đại tá thử hình dung xem họ làm
gì lúc đó? Họ có nghĩ gì không? Những người mẹ ôm con gào thét đến điên dại? Những
người già cào cấu xé rách lồng ngực? Họ giãy dụa trong lòng đất tối om như âm
phủ và mãi mãi nằn lại dưới đó. Tất nhiên chẳng có ai quay phim chụp ảnh được họ,
dù với mục đích gì đi nữa. Liệu có thể nói rằng bàn tay ấn nút cắt bom của những
phi công đó sạch sẽ không?
Tôi ngừng lời. Mọi người im lặng. Nắng đã tràn
tới gộp đá, bóng râm thu lại dưới gốc cây. Tôi rút dao găm đứng dậy:
- Để tôi đi làm cá. Loại cá này nướng ăn ngon lắm!
Ông Thành kéo tay tôi:
- Anh để con Thủy nó làm. Ta ngồi vào đây cho
mát!
Cô gái đỡ cây dao, xách xâu cá bước xuống bờ
nước. Tôi đang ngần ngừ thì ông Tùng cuốn dây câu đi lên ngồi dưới gốc cây, ý
muốn nói chuyện tiếp. Chả lẽ các vị khách không đói sao? Ông Thành và tôi lên
theo, ngồi xuống vạt cỏ.
Ông Tùng khơi chuyện trước:
- Có phải anh muốn nói cậu ấy có mặt ở Huế
trong Mậu Thân?
- Không! Cậu ấy chết sau đó mấy ngày. Chết vì
giẫm phải mìn chứ chưa kịp bắn một phát súng thù nào. Nhưng những chuyện như thế
bây giờ nhiều lắm, ở đâu cũng có. - Tôi ngưng một lát rồi nói tiếp - Không rõ
câu chuyện vừa rồi có giúp đại tá hiểu thêm ý tôi nói lúc nãy không ạ?
- Tôi biết! Anh muốn đề cập đến nguyên nhân của
nguyên nhân. - Ông nói, mắt vẫn nhìn đăm đăm con thác nhỏ lúc này đang chói nắng
sáng lóa - Anh kể tôi nghe một câu chuyện để nói về lòng căm thù, theo cách
nghĩ của các anh. Nhưng sự việc đó chỉ là rủi ro. Các trận oanh kích vào Bắc Việt
chỉ nhằm phá hoại các căn cứ quân sự, ngăn chặn việc chuyển người và vũ khí của
chính quyền Hà Nội vào Nam Việt. Và anh nên nhớ: lúc sử dụng các phương tiện
chiến tranh hiện đại, sai số kỹ thuật là cho phép.
Tôi cười nhẹ:
- Tôi không hiểu là ai cho phép, nhưng đại tá
dùng từ hay lắm! Để nói tới rủi ro trong chiến tranh, trước đây người ta thường
dùng "tên bay đạn lạc", còn bây giờ đại tá lại nói: "sai số kỹ
thuật"! Nhưng khi người Mỹ đánh phá miền Bắc, làm gì có sai số?
- Anh lầm! Dù phương tiện, vũ khí có hiện đại
đến đâu, những sai sót là điều không tránh khỏi. Nhất là khi các mục tiêu quân
sự nằm lẫn với khu vực dân cư, và phi công phải bay trên một vùng hỏa lực phòng
không dày đặc.
- Tôi chưa được bay bao giờ, không biết có sợ
như lúc... ngồi dưới trận bom B52 hay không? - Tôi nói, không giấu sự mỉa mai -
Nhưng đại tá nói như thế, thì mấu chốt cuối cùng của vấn đề vẫn là yếu tố con
người. Tôi cũng nghĩ vậy! Không thể coi khẩu AK là biểu tượng của chúng tôi,
còn cây AR15 là biểu tượng của phía các ông. Chính vì thế nên tôi không lầm.
Khi Mỹ đã tuyên bố "đánh cho Bắc Việt trở lại thời kỳ đồ đá", thì bom
đạn ném xuống đâu cũng đều trúng tích, cũng nhằm hủy diệt, làm gì có "sai
sổ” hay rủi ro?
Cô gái làm xong mớ cá, bước lên bãi cỏ ngồi xuống
cạnh con báo. Ông Thành nãy giờ vẫn ngồi im chưa nói gì.
Ông Tùng thôi không nhìn ra thác nước nữa mà
quay sang tôi, nói chậm rãi:
- Chẳng phải trong luận thuyết của Cộng sản
các anh thường sử dụng mối liên hệ nhân quả đó sao? Nếu chính phủ Hà Nội không
đổ quân vào Nam Việt thì làm gì có cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc? Việt Nam
cộng hòa là một chính thể quốc gia được nhiều nước trên thế giới công nhận. Lúc
các anh mang vũ khí vượt qua vĩ tuyến mười bảy là đã thực hiện một cuộc xâm
lăng trắng trợn.
Tôi nhìn ông, cố giấu vẻ tò mò. Ông ta nghĩ vậy
thật sao? Khuôn mặt có nhưng nét rắn rỏi giờ tối sầm lại dưới vành lưỡi trai của
chiếc mũ thể thao màu trắng. Đôi mắt mệt mỏi và hai mí mắt dưới sùm sụp dường
như đang phồng lên làm nét mặt của ông ta trở nên nặng nề khó hiểu.
Tôi nói:
- Tôi không nhớ những nước nào đã công nhận
chính quyền của các ông, có phải mấy nước đưa quân chư hầu sang giúp các ông đó
không? Còn vì sao họ công nhận, tôi nghĩ mình cũng đoán được... Nhưng thôi! Xin
lỗi, tôi hỏi điều này hơi tò mò, đại tá quê ở đâu ạ?
ông Tùng nhìn tôi ngạc nhiên, nhưng cũng trả lời:
- Tôi quê miệt Tiền Giang.
Tôi nói thong thả:
- Có một nhà thơ khi nói về những người đi mở
mang vùng đất phương nam, đã viết hai câu thơ nổi tiếng: “Từ độ mang gươm đi mở
cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long...". Hai câu thơ ấy rất hay, phải
không ạ? Nhất là về ý nghĩa lịch sử. Không biết ông cha xưa cầm cuốc cầm phảng
đi mở đất, có nghĩ rằng đến lúc nào đó thế hệ con cháu sẽ tự chia cắt đất đai bờ
cõi không? Và hơn thế nữa, có vị tổng thống nào đó của các ông đã tuyên bố một
câu xanh rờn: "Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến mười bảy...".
Tôi không nhớ vị nào đã nói thế, vì có dạo phía các ông quốc trưởng, tổng thống
thay đổi xoành xoạch. Nhưng chỉ có những kẻ như vậy mới coi việc người Việt Nam
đi đánh giặc ngay trên đất nước mình là xâm lược. Thế đại tá nghĩ sao về việc
quân Mỹ cùng các phương tiện chiến tranh hiện đại từ bên nước Mỹ kéo sang đây?
Ông Tùng bực bội cau đôi mày rậm. Cô gái nhìn
hai chúng tôi lo lắng. Riêng ông Thành nét mặt rạng rỡ hẳn lên. Điều đó làm tôi
yên tâm.
- Hoa Kỳ là đồng minh của chúng tôi. Họ giúp
chúng tôi cũng như Nga Xô đứng bên các anh vậy? - Ông Tùng mệt thỏi trả lời.
- Khác nhiều chứ! Mỹ đổ vào miền Nam hơn nửa
triệu quân. Trước đây có đài phương Tây đã nói mỗi tháng có từ năm đến sáu trắm
lính Mỹ chết ở Việt Nam. Còn ở miền Bắc, theo tôi biết cũng có một số chuyên
gia Liên Xô, nhưng không đông và phần lớn là chuyên gia về kinh tế.
- Cá nhân tôi cũng chẳng ưa gì người Mỹ, - ông
Tùng nói giọng gay gắt - nhưng họ giúp đỡ chúng tôi, chiến đấu và đổ máu cùng
chúng tôi. Còn các anh thì sao? Nga Xô và Trung Cộng giao cho các anh một mớ vũ
khí, và thế là các anh đánh thí xác. Tôi khâm phục lòng dũng cảm của những người
lính phía các anh, nhưng sao các anh không nghĩ rằng chính quyền Hà Nội đang làm
tên lính xung kích cho Nga Xô ở bên bờ Thái Bình Dương, và biến những người
lính các anh thành những kẻ hy sinh mù quáng? Hà Nội đã chà đạp lên hiệp nghị
Giơnevơ, biến khu phi quân sự phía bắc sông Bến Hải thành căn cứ quân sự để làm
bàn đạp xâm lăng Nam Việt. Anh đừng lấy làm lạ khi quê anh trở thành cái túi
bom đạn...
Mặt tôi nóng ran. Tôi nghe rõ tiếng mạch đập
thình thịch trong đầu và người rực như sốt. Sự phẫn nộ làm cả người tôi rung
lên. Quay mặt đi để khỏi nhìn thấy ánh mắt lo lắng của ông Thành cùng nét mặt bối
rồi của cô gái, tôi nhìn xuống dòng suối, tai cố lắng nghe tiếng nước chảy, mắt
tìm mấy bóng cá mờ mờ khi ẩn khi hiện trong khe đá. Lát sau thì trấn tĩnh lại
được. Tôi nói:
- Theo hiệp nghị Giơnevơ, cuộc tổng tuyển củ sẽ
tiến hành sau hai năm. Nhưng điều đó không bao giờ thực hiện được, bởi ngay từ
đầu, chính quyền Diệm đã hô hào “lấp sông Bến Hải”, gào thét "Bắc tiến”.
Làng tôi chỉ cách giới tuyến có bảy cây số. Hồi đó bọn trẻ con chúng tôi nghe vậy
sợ lắm! Còn người lớn thì lo lắng đào những cái hố cá nhân trong vườn nhà và dặn
bọn trẻ chúng tôi, nếu có phái đoàn quốc tế tới hỏi thì nói là đào hố trồng chuối...
Họ sợ mang tiếng hiếu chiến, sợ "vi phạm hiệp nghị"! Quê tôi mà là
căn cứ quân sự ư? Chắc đại tá cũng biết, khi máy bay Mỹ lần đầu ném bom Vĩnh
Linh, ở đây người ta bắn trả bằng những thứ vũ khí gì? Không cần đến tin tức
tình báo, chỉ nhìn vào những vết đạn trên máy bay của tướng Kỳ, những ai là phi
công đã trải qua chiến đấu đều biết rõ đó là đạn của các loại súng bộ binh cổ lỗ
sĩ. Hôm đó chính tướng Kỳ dẫn những chiếc AD6 của không lực các ông tham gia
đánh phá, dù chỉ mang tính chất tượng trưng, và đã tỏ ra rất "tự hào” về
những vết đạn trên máy bay mình. Những việc này hẳn đại tá rõ hơn tôi.
Còn những điều khác mà đại tá vừa nói, đài Hoa
Kỳ và đài BBC nói mãi rồi, hồi trước tôi có nghe. Thú thực là nghe trộm thôi. Ở
bên chúng tôi, lính trẻ như tôi không được nghe những đài đó. Nhưng những gì
người Mỹ đã làm ở Việt Nam là tội ác chứ đâu phải sự giúp đỡ? Đại tá bay trên
trời, chắc chỉ nhìn thấy cảnh bom đạn chết chóc từ xa hoặc qua ảnh chụp trên
máy bay, chứ chưa ngồi dưới những đợt bom B52 hay đi trong màn sương mờ mờ của
hóa chất làm trụi lá từ máy bay rải xuống. Đại tá đâu phải hít vào phổi thứ mùi
ghê rợn thường có sau trận bom: mùi tanh nồng của máu trộn lẫn với mùi khói bom
và mùi xác người cháy khét lẹt...
Đại tá bảo, quân Mỹ đổ máu cùng các ông? Quả
có thế! Nhưng để làm gì? Người Mỹ thực dụng lắm mà! Nợ gì còn trả được, chứ nợ
xương nợ máu lấy gì để trả? Cho nên tôi chẳng hề lấy làm lạ khi thấy trước những
việc làm mờ ám của một trung tá cố vấn, mà đại tá lại nói: “Tôi biết nhưng cũng
khó can thiệp"...
- Anh thật... quá quắt? - Ông ta nói như quát,
mặt phừng phừng giận dừ.
Tôi điềm đạm hỏi:
- Đại tá có cần tôi phải xin lỗi không ạ?
- Không cần? - Ông ta phẩy tay
- Mà... anh định xin lỗi điều chi?
- Tôi chỉ xin lỗi vì đã làm buổi đi câu của đại
tá mất vui!
Ông Tùng nhìn tôi chằm chằm, rồi bỗng cười lớn:
- Hay lắm? Tôi sẽ rất thất vọng nếu anh xin lỗi
về những lời nối thẳng thắn vừa rồi...
Ông Thành và con gái thở phào nhẹ nhõm. Còn
tôi mãi sau này mới hiểu vì sao ông ta lại nói như vậy.
- Nhưng hôm nay tôi chưa định tranh luận với
anh đâu đấy! - Ông Tùng nói tiếp.
Tôi đáp:
- Vâng, tôi cũng nghĩ thế? Thấy đại tá nói rất
ít...
Nét mặt ông giãn ra và dịu hẳn lại.
Không ai bảo ai, cả bốn chúng tôi cùng đứng dậy.
Tôi giục mấy vị khách lên nhà trước, rồi chạy xuống đoạn bờ suối phía dưới chặt
mấy tàu lá chuối. Lúc quay trở lại, thấy ba người đã lên gần đến nhà. Cô gái
vác khẩu tiểu liên trên vai, tay xách xâu cá chân bước thoăn thoắt, mái tóc kẹp
thòng đung đưa sau lưng. Giá có thêm chiếc mũ tai bèo...
< Trước Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét