14/01/2015

NHỮNG QUAN NIỆM SAI LẦM VỀ HỒI GIÁO



Rất nhiều người có cái nhìn sai lầm về Hồi giáo. Tất cả những tội ác của IS gây ra hay các tổ chức Hồi giáo cực đoan đã làm (chẳng biết nó có đúng không khi mà toàn báo Tây đưa tin) khiến mọi người sợ hãi và căm phẫn. Liệu đạo Hồi có phải là đạo chỉ biết giết chóc và tàn bạo hay không? 
Bài biên khảo của Nguyễn Hoàng Nam. Xin trân trọng giới thiệu!

QUAN NIỆM SAI LẦM 1: NGƯỜI HỒI GIÁO LÀ NHỮNG KẺ BẠO LỰC, KHỦNG BỐ VÀ/HOẶC NHỮNG KẺ CỰC ĐOAN.

Đây là quan niệm sai lầm lớn nhất về Đạo Hồi, hiển nhiên đó là kết quả mang lại từ việc các phương tiện truyền thông đưa tin về Đạo Hồi một cách rập khuôn và báng bổ như: Một tay súng tấn công một nhà thờ Hồi giáo nhân danh Đạo Do Thái, một du kích Công giáo IRA nổ bom ở một khu đô thị, hay những công dân chính thống Serbia hiếp dâm và giết những người dân thường Hồi giáo vô tội,v.v … Những hành vi đó không thể rập khuôn hoàn toàn một đức tin. Không bao giờ được quy đó là những hành vi tôn giáo của những kẻ phạm tội. Tuy nhiên, bao nhiêu lần chúng ta đã nghe nói đến từ “Hồi giáo, Hồi giáo chính thống, v.v….” gắn với bạo lực.

Chính trị trong cái gọi là “Quốc gia Hồi giáo” có thể hoặc không có bất kỳ cơ sở Hồi giáo nào. Thường thì những kẻ độc tài và chính trị gia sẽ sử dụng tên Hồi giáo cho những mục đích riêng của mình. Chúng ta nên đi sâu tìm hiểu nguồn gốc của Đạo Hồi và phân biệt sự thực về những điều dạy của Hồi Giáo với những gì được phác họa qua các phương tiện thông tin đại chúng. Hồi giáo theo nghĩa đen có nghĩa là “trình lên Chúa” và bắt nguồn từ một từ gốc có nghĩa là “hòa bình”.

Đạo Hồi có thể có vẻ kỳ cục hay thậm chí là cực đoan trong thế giới hiện đại. Có lẽ là bởi vì tôn giáo không chi phối cuộc sống hàng ngày ở phương Tây, trong khi đó Đạo Hồi được coi là một “lối sống” của người Hồi giáo và không có sự phân chia giữa thế tục và thiêng liêng trong cuộc sống của họ. Cũng giống như Thiên Chúa giáo, Hồi Giáo cho phép tranh chiến để tự vệ, bảo vệ tín ngưỡng, hay để dành cho những người bị cưỡng bức phải rời bỏ nơi ăn chốn ở của mình. Hồi Giáo đặt ra luật chiến đấu rất nghiêm ngặt bao gồm sự cấm đoán không được hại đến thường dân và phá hủy mùa màng, cây cối và vật nuôi.

Kinh Koran: ĐẠO HỒI CẤM GIẾT NGƯỜI VÔ TỘI

“Vì cớ Thượng đế, hãy tranh chiến nghịch cùng những kẻ nghịch cùng các ngươi, nhưng chớ vi phạm những giới hạn đã định. Thượng đế chẳng hề thương yêu kẻ vi phạm” (Koran 2:190)

“Nếu kẻ thù chịu hòa thì hãy giải hòa với chúng. Và phó thác cho Thượng đế bởi vì Ngài là Đấng hằng Nghe và hằng Biết mọi việc”(Koran 8:61)

Vì vậy, chiến tranh theo kinh Koran là phương tiện cuối cùng và phải chịu chiếu theo những điều kiện khắt khe của thánh luật. Chữ“Jihad” (thường bị hiểu lầm là “Thánh chiến”) thực sự có nghĩa là“tranh chiến”, và tín hữu Hồi Giáo tin rằng có hai loại jihad. Bên cạnh jihad là sự tranh chiến với kẻ thù nghịch.

Loại jihad thứ hai là sự tranh chiến nội tâm mà tín hữu Hồi Giáo phải đương đầu với những dục vọng bản ngã để có thể đạt đến sự bình an trong tâm hồn.

QUAN NIỆM SAI LẦM 2: HỒI GIÁO ĐÀN ÁP PHỤ NỮ.

Hình ảnh người phụ nữ Hồi giáo điển hình đeo mạng che mặt và bị buộc phải ở nhà và không được phép lái xe là điều quá phổ biến trong tư tưởng của hầu hết các dân tộc. Mặc dù một số quốc gia Hồi giáo có thể có những luật lệ đàn áp phụ nữ, nhưng điều này không nên được xem là bắt nguồn từ Đạo Hồi. Nhiều quốc gia trong số này không bị chi phối bởi bất kỳ loại Shari’ah (Luật Hồi giáo) nào và họ có những quan điểm văn hóa của riêng họ về vấn đề bình đẳng giới.

Mặt khác Hồi giáo quy định những vai trò khác nhau giữa đàn ông và phụ nữ và sự bình đẳng giữa hai phái được nêu trong Kinh Koran và ví dụ của nhà Tiên tri (Phúc lành và Bằng an cho Người). Hồi giáo xem phụ nữ dù độc thân hay đã có gia đình là một cá nhân tự mình có đủ thẩm quyền, kể cả quyền được lưu giữ và cho đi tài sản và lợi tức của mình. Thông thường thì chú rể tặng cô dâu của hồi môn để nàng làm của riêng cho mình. Cô dâu thường vẫn giữ họ của mình hơn là lấy họ chồng. Cả nam lẫn nữ giới thường phải ăn mặc một cách khiêm nhường và tề chỉnh. Lối ăn mặc truyền thống của phụ nữ tại một số quốc gia Hồi Giáo thường là theo phong tục của địa phương. Sứ giả của Thượng đế (Phúc lành và Bằng an cho Người) nói rằng:
“Người hoàn hảo nhất về đức tin giữa các tín hữu là người có phong thái đẹp nhất và đối xử tử tế nhất đối với người vợ của mình”

Bạo lực đối với phụ nữ dưới bất kỳ hình thức nào và việc ngăn cấm phụ nữ theo đuổi ý chí của họ về một mục đích nào đó là điều không được phép. Một cuộc hôn nhân Hồi giáo là một thỏa thuận pháp lý đơn giản, trong đó hai bên được tự do đưa ra các điều kiện.

Các tập quán về hôn nhân theo đó cũng khác nhau ở từng quốc gia. Ly hôn không phải là phổ biến, mặc dù đó là điều được chấp nhận như một giải pháp cuối cùng. Theo Hồi giáo, một cô gái Hồi giáo không bị ép buộc phải kết hôn: cha mẹ của cô gái đơn giải chỉ gợi ý cho cô gái những chàng trai trẻ mà họ nghĩ có thể phù hợp với cô.

QUAN NIỆM SAI LẦM 3: NGƯỜI HỒI GIÁO TÔN THỜ MỘT THẦN LINH KHÁC

Allah đơn giản là một từ Ả rập chỉ tên của Thượng đế. Allah đối với người Hồi giáo là đấng tối cao nhân danh Thượng đế, là một từ Ả rập giàu ý nghĩa, biểu thị Thượng đế là một và duy nhất và không hề có người bạn đường. Nó thực chất giống như từ trong tiếng Do Thái dùng để nói về Thiên Chúa (eloh), giống như từ Chúa Giê-su trong tiếng Ả rập khi cầu nguyện trước Chúa. Thiên Chúa có tên giống hệt nhau trong đạo Do Thái, Cơ đốc giáo, và Hồi giáo.; Allah là tên Thiên Chúa mà người Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái thờ phụng. Người Hồi giáo tin rằng chủ quyền của thánh Allah được công nhận trong việc thờ phụng và trong lời nguyện tuân theo những lời dạy và mệnh lệnh của Người, được truyền tải thông qua những sứ giả của Người và những vị tiên tri được phái đi khắp nơi và ở những thời điểm khác nhau trong suốt lịch sử.

Tuy nhiên, lưu lý rằng Thiên Chúa trong Hồi giáo là Một và Duy nhất. Ngài, Đấng tối cao, không hề mệt mỏi, không có con cái như Chúa Giê-su hay có những người bạn đường, Ngài cũng không có những quy kết thuộc về con người như những tôn giáo khác.

QUAN NIỆM SAI LẦM 4: HỒI GIÁO ĐƯỢC TRUYỀN BÁ BẰNG GƯƠM VÀ KHÔNG DUNG NẠP CÁC TÍN NGƯỠNG KHÁC.

Nhiều nghiên cứu xã hội, sách giáo khoa cho học sinh miêu tả hình ảnh một kỵ sỹ Ả rập một tay mang thanh gươm và một tay mang theo cuốn Kinh Koran để chinh phục và ép buộc những người theo tôn giáo khác phải thay đổi. Tuy nhiên điều này không phản ánh một bức chân dung lịch sử một cách chính xác. Hồi giáo luôn luôn thể hiện sự tôn trọng và sự tự do tín ngưỡng đối với tất cả các tôn giáo. Kinh Koran dạy rằng:

“Thượng đế không cấm các ngươi đối xử tử tế và công bằng với những ai không giao chiến với các người và trục xuất các người ra khỏi nhà cửa của các người vì vấn đề tôn giáo bởi vì quả thật Thượng đế yêu thương những người công bằng.” (60:8)

Tự do tôn giáo được thừa nhận trong Kinh Koran: “Không có việc cưỡng bách tín ngưỡng trong lĩnh vực tôn giáo". Chắc chắn Chân lý và Lẽ phải bao giờ cũng khác biệt với điều ngụy tạo và sự sai lạc (2:256) Nhà truyền giáo đạo Cơ đốc, T.W. Arnold phát biểu trong nghiên cứu của ông về việc truyền bá Đạo Hồi: “.. mọi cố gắng để ép buộc người dân không theo Đạo Hồi phải chấp nhận Đạo Hồi hay sự sắp đặt đàn áp có hế thống nhằm mục đích dập tắt Thiên Chúa giáo, chúng tôi không hề nghe thấy. Nếu các vua Hồi được chọn để kế tục hành động, có lẽ họ đã quét sạch Thiên Chúa giáo một cách dễ dàng như Ferdinand và Isabella loại bỏ Hồi giáo ra khỏi Tây Ban Nha, hay vua Louis XIV đã từ bỏ Đạo Tin Lành …”

Luật Hồi giáo có chức năng bảo vệ tình trạng đặc quyền của các dân tộc thiểu số, và đó là lý do tại sao những nơi thờ phượng không thuộc Đạo Hồi phát triển mạnh khắp thế giới Hồi giáo. Lịch sử đã minh chứng rất nhiều ví dụ về sự dung nạp của Đạo Hồi đối với các tôn giáo khác: khi vua Hồi Omar tham gia Jerusalem năm 634, Hồi giáo đã cho phép tự do thờ phượng đối với tất cả cộng đồng tôn giáo trong thành phố. Công bố với dân chúng rằng cuộc sống và tài sản của họ được an toàn, và những nơi thờ phượng của họ sẽ không bao giờ bị lấy đi, ông ta đã yêu cầu tộc trưởng người Thiên chúa giáo, ông Sophronius, cùng ông ta tới thăm tất cả những nơi linh thiêng. Luật Hồi giáo cũng cho phép những dân tộc thiểu số không theo Đạo Hồi được thiết lập tòa án riêng để thực hiện luật gia đình do chính họ thiết lập. Cuộc sống và tài sản của tất cả các công dân trên đất nước Hồi giáo được xem là thiêng liêng cho dù người đó có là người Hồi giáo hay không.

Hồi giáo không nói đến sự phân biệt chủng tộc, Kinh Koran chỉ nói về quyền bình đẳng của con người và làm thế nào để tất cả các dân tộc đều bình đẳng trước Thượng đế.

“Hỡi nhân loại! TA đã tạo hóa các người từ một người nam và một người nữ và làm cho các người thành quốc gia và bộ lạc để các người nhận biết lẫn nhau như anh em. Quả thật, dưới cái Nhìn của Thượng đế, người vinh dự nhất là người ngay chính và sợ Thượng đế nhất trong các người. Quả thật, Thượng đế Biết hết, Rất Am tường mọi việc” (49:13)

QUAN NIỆM SAI LẦM 5: TẤT CẢ CÁC TÍN ĐỒ HỒI GIÁO ĐỀU LÀ NGƯỜI Ả RẬP

Dân số Hồi giáo trên thế giới là khoảng 1,2 tỷ người. Trên thế giới cứ 5 người thì có 1 người là người Hồi giáo. Họ thuộc nhiều chủng tộc, quốc tịch, và nền văn hóa từ khắp nơi trên thế giới-từ Philippines tới Nigeria – họ có chung một niềm tin vào Hồi Giáo. Chỉ có khoảng 18% sống trong thế giới Ả Rập và cộng đồng Hồi giáo lớn nhất là ở Indonesia. Hầu hết người Hồi giáo sinh sống ở phía đông của Pakistan. 30% số người Hồi giáo sống ở tiểu lục địa Ấn Độ, 20% ở Châu Phi hạ Sahara, 17% ở Đông Nam Á, 18% ở thế giới Ả Rập, và 10% ở Liên Xô và Trung Quốc. Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Afghanistan chiếm 10% trong số phi Ả Rập Trung Đông. Mặc dù có những dân tộc thiểu số Hồi giáo ở hầu hết các châu lục, bao gồm cả châu Mỹ Latinh và châu Úc, nhưng phần lớn tập trung ở Nga và các bang mới độc lập, Ấn Độ và Trung Phi. Có khoảng 6.000.000 người Hồi giáo sống tại Hoa Kỳ.

QUAN NIỆM SAI LẦM 7: TẤT CẢ ĐÀN ÔNG HỒI GIÁO ĐƯỢC LẤY BỐN VỢ

Tôn giáo của Đạo Hồi đã được công khai đối với tất cả các xã hội và ở mọi thời điểm và do đó chứa đựng những yêu cầu xã hội rất khác nhau. Những trường hợp lấy một người vợ khác là có thể nhưng phải được cấp phép, theo Kinh Koran, chỉ với điều kiện người chồng là người cực kỳ công bằng. Không có người phụ nữ nào bị ép buộc kết hôn theo cách này nếu họ không muốn, và họ cũng có quyền loại trừ trường hợp này trong hợp đồng hôn nhân của họ.

Chế độ đa thê là không bắt buộc, và cũng không khuyến khích, nhưng được phép. Hình ảnh “những lãnh tụ Hồi giáo với những hậu cung” là không phù hợp với đạo Hồi, vì một người đàn ông chỉ được phép lấy tối đa bốn vợ chỉ khi anh ta có thể thực hiện đầy đủ các điều kiện nghiêm ngặt việc đối xử với mỗi người vợ một cách công bằng và cung cấp cho mỗi người vợ có chỗ ở riêng biệt, v.v…. Sự cho phép thực hiện chế độ đa thê không liên quan đến sự thỏa mãn đam mê đơn thuần, nó liên quan đến lòng từ bi đối với những góa phụ và trẻ mồ côi. Chính kinh Koran đã giới hạn và đặt ra những điều kiện về việc thực hiện chế độ đa thê của những người Ả Rập, những người đã có đến mười người vợ hoặc nhiều hơn và coi họ như “tài sản” của mình.

Nói một cách trung thực và chính xác, chính Hồi giáo đã quy định, hạn chế và làm cho điều luật này nhân văn hơn, và đề ra quyền và quan hệ bình đẳng cho tất cả các bà vợ. Có nghĩa là, những quy định theo kinh Koran không khuyến khích chế độ đa thê tuy sự tồn tại của chế độ này là cần thiết. Hiển nhiên là luật lệ chung của Đạo Hồi là chế độ hôn nhân một vợ một chồng chứ không phải chế độ đa thê. Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ những người Hồi giáo trên thế giới thực hiện chế độ đa thê. Tuy nhiên, việc cho phép thực hiện chế độ đa thê hạn chế chỉ phù hợp với quan điểm thực tế của đạo Hồi về bản chất của đàn ông và phụ nữ và về những nhu cầu xã hội khác nhau, những vấn đề và các biến thể văn hóa khác nhau.

Vấn đề là, ngoài tính linh hoạt vốn có của Đạo Hồi, đó cũng là cách giải quyết thẳng thắn và đơn giản của đạo Hồi trong việc giải quyết các vấn đề thực tế. Thay vì đòi hỏi phải tuân thủ những yêu cầu giả tạo và hời hợt, đạo Hồi nghiên cứu sâu hơn vào các vấn đề của cá nhân và xã hội, và đưa ra các giải pháp xác thực và trong sạch, những giải pháp có ích lợi hơn rất nhiều so với trường hợp nếu chúng ta lờ đi. Không nghi ngờ gì rằng việc người vợ thứ hai được kết hôn hợp pháp và được đối xử tốt sẽ là một giải pháp tốt hơn việc một người tình nhân không có bất kỳ quyền lợi hợp pháp hay trong tình trạng không ổn định.

QUAN NIỆM SAI LẦM 8: NGƯỜI HỒI GIÁO LÀ MỘT DÂN TỘC MAN RỢ VÀ LẠC HẬU

Trong số những lý do về sự lan truyền nhanh chóng và thanh bình của Đạo Hồi là sự đơn giản của giáo lý Hồi giáo kêu gọi lòng tin vào một Thượng đế duy nhất đáng tôn thờ. Nó cũng liên tục chỉ dẫn con người cách sử dụng sức mạnh của sự tinh thông và óc quan sát. Chỉ trong một vài năm, những nền văn minh vĩ đại và trường đại học đã phát triển, vì theo nhà Tiên tri (Phúc lành và Bằng an cho Người), “mưu cầu tri thức là một nghĩa vụ đối với mỗi người nam và người nữ Hồi giáo”

Sự tổng hợp các quan điểm phương Đông và phương Tây và sự tổng hợp của ý tưởng cũ và mới, đã đem lại những tiến bộ to lớn trong y học, toán học, vật lý, thiên văn học, địa lý, kiến trúc, nghệ thuật, văn học và lịch sử. Nhiều hệ thống quan trọng như đại số, các chữ số Ả rập, và đồng thời khái niệm về số không (một khái niệm quan trọng đối với sự tiến bộ của ngành toán học), được truyền tới trung cổ Châu Âu từ Đạo Hồi. Các dụng cụ tinh vi được dung để thực hiện các cuộc hành trình dài đi châu Âu đã được phát triển, bao gồm các dụng cụ đo tinh tú, thước góc và những bản đồ định vị tốt.

QUAN NIỆM SAI LẦM 9: MÔHAMET LÀ NGƯỜI SÁNG LẬP ĐẠO HỒI VÀ NHỮNG TÍN ĐỒ HỒI GIÁO THỜ PHỤNG ÔNG.

Môhamet (Phúc lành và Bằng an cho Người) sinh năm 570 tại Mecca. Cha ông từ trần trước khi ông ra đời và mẹ ông cũng mất ít lâu sau đó, ông được người bác thuộc bộ tộc Quraysh cao quý nuôi dưỡng. Lớn lên, ông có tiếng là người trung thực và hào hiệp. Các sử gia miêu tả ông là một người điềm tĩnh và trầm tư. Môhamet (Phúc lành và Bằng an cho Người) mang bản chất tôn giáo sâu sắc, và đã từ lâu ghét sự suy đồi của xã hội của mình.

Ông thường có vẻ trầm tư mặc tưởng, và hay vào động Hira gần Mecca tham thiền. Ở tuổi gần 40, trong một buổi thiền, Môhamet (Phúc lành và Bằng an cho Người) nhận được một sứ điệp từ Thượng đế thông qua Tổng thiên sứ Gabriel. Sứ điệp này trong 23 năm liên tục được biết đến như là cuốn Kinh Koran. Ngay khi ông bắt đầu rao giảng những lời ông nghe được từ thiên sứ Garbiel, và thuyết giáo về lẽ phải mà Thượng đế đã tiết lộ cho ông, ông và nhóm tín đồ của mình đã phải chịu hình khắc cay đắng và đến năm 622 Thượng đế đã ra lệnh cho họ lánh nạn.

Phong trào những người “di cư” Hijra, những người rời Mecca đến Medina, đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên Hồi Giáo. Vài năm sau đó, nhà tiên tri Mohammet và những tín đồ của ông đã trở về Mecca, tha thứ cho những kẻ thù địch và thiết lập nên Đạo Hồi. Trước khi nhà Tiên tri chết ở tuổi 63, bộ phận lớn của Ả Rập là người Hồi giáo, và trong vòng một thế kỷ sau khi ông mất, Hồi giáo đã lan rộng ra Tây Ban Nha ở phía Tây và lan xa sang phía Đông như Trung Quốc. Ông qua đời với ít hơn 5 tài sản đề tên của mình.

Mặc dù Môhamet (Phúc lành và Bằng an cho Người) được chọn để rao giảng những sứ điệp, ông không được xem là “người sáng lập”ra Đạo Hồi, vì những tín đồ Hồi giáo coi Đạo Hồi là chỉ dẫn thiêng liêng được phái xuống tất cả các dân tộc trước đó. Các tín đồ Hồi giáo tin rằng tất cả các nhà tiên tri như Adam, Noah, Moses, Giê-su, v.v… tất cả đều được phái xuống trần thế để giảng lời mặc khải thiêng liêng cho dân tộc của mình. Mỗi nhà tiên tri được phái xuống dân tộc của họ, nhưng Môhamet (Phúc lành và Bằng an cho Người) được phái xuống tới toàn nhân loại. Môhamet là sử giả cuối cùng và sau cùng được phái đi để truyền tải thông điệp của Đạo Hồi.

Các tín đồ Hồi giáo tôn sùng và kính trọng Ngài (Phúc lành và Bằng an cho Người) vì tất cả những điều ông đã trải qua và sự dâng hiến của ông, nhưng họ không thờ phụng ông. “Hỡi Tiên tri! Thật sự,TA đã cử phái Ngươi làm một nhân chứng, một người mang tin mừng và một người báo trước, và làm một người gọi mời nhân loại đến với Thượng đế theo sự chấp nhận của Ngài; và như một ngọn đuốc phát ra ánh sáng soi đường”(33:45-6)

QUAN NIỆM SAI LẦM 10: NGƯỜI HỒI GIÁO KHÔNG TIN VÀO CHÚA GIÊ-SU HAY BẤT KỲ NHÀ TIÊN TRI NÀO KHÁC

Các tín đồ Hồi giáo tôn sùng và kính trọng Chúa Giê-su, cầu xin Thượng đế ban ân phước và sự bình an cho Ngài, và chờ đợi sự trở lại của Chúa Giê-su lúc Phán Quyết cuối cùng. Họ xem ông là một trong số những sứ giả vĩ đại nhất của Thượng đế đối với nhân loại. Một người Hồi giáo không bao giờ nhắc đến tên của ông một cách đơn giản là “Giê-su” mà luôn kèm theo sau đó cụm từ ‘cầu xin Thượng đế ban ân phước và sự bình an cho Ngài’ (viết tắt là (u) sau đây “upon him be peace’).Kinh Koran khẳng định đức mẹ đồng trinh của Ngài (một chương của kinh Koran có tiêu đề “Maria”) và Maria được coi là người phụ nữ tinh khiết nhất trong mọi tạo vật. Kinh Koran mô tả Lễ Truyền tin như sau:

“Hãy nhớ!” khi các Thiên thần bảo, “Thượng đế đã chọn Nàng, và tẩy sạch Nàng và chọn Nàng (để phụng sự Ngài) hơn những phụ nữ khác trong thiên hạ. Hỡi Maria, Quả thật, Thượng đế báo cho Nàng tin mừng về một Lời phán từ Ngài: Tên của Người là Messiah, (Giê-su), con trai của Maria, (Người) sẽ được vinh danh ở đời này và Đời sau; và sẽ thuộc thành phần của những người ở kế cận Thượng đế. Người sẽ nói với dân chúng lúc còn ấu thơ và lúc trưởng thành và sẽ là một người lương thiện.” Maria thưa: “Lạy Đấng yêu thương của bề tôi! Làm sao bề tôi sẽ có con trong lúc không một người đàn ông nào chạm đến mình của bề tôi?” Thượng đế phán: “Sự việc sẽ xảy ra đúng như thế; Thượng đế tạo hóa bất cứ vật gì Ngài muốn. Khi Ngài quyết định một việc, Ngài chỉ phán: “Hãy Thành!” Thì nó sẽ thành như thế” (Koran 3:42-47)

Chúa Giê-su được sinh ra thông qua sức mạnh kỳ diệu, đã sinh ra Adam (u) mà không cần có cha: “Thực sự, trường hợp của Giê-su giống trường hợp của Adam, Thượng đế tạo Người từ đất bụi, rồi phán cho Người: “Hãy Thành!” và Người thành như thế". (3:59) Với sứ mệnh một nhà tiên tri, Chúa Giê-su (u) đã thực hiện nhiều điều thần diệu. Kinh Koran cho thấy ngài đã nói rằng: "Ta đến với các ngươi với một Dấu hiệu từ Đấng tạo hóa của các ngươi: Ta sẽ lấy đất sét nắn thành hình một con chim cho các ngươi, tiếp đó Ta sẽ hà hơi vào nó, thế là nó sẽ trở thành một con chim thật sự theo Phép của Thượng đế. Và Ta sẽ chữa lành những người mù bẩm sinh và chữa lành những người mang bệnh cùi và Ta làm cho người chết sống lại theo Phép của Thượng đế.” (3:49) Không phải Môhamet (Phúc lành và Bằng an cho Người) cũng không phải Giê-su (u) được tạo ra để thay đổi giáo lý cơ bản của thuyết Thượng đế Duy nhất do những nhà tiên tri trước đó phái xuống, mà để khẳng định và làm mới giáo lý đó.

Trong Kinh Koran đã thuật lại lời của Chúa Giê-su (u): “Để xác nhận lại những điều mặc khải đã được ban xuống trước Ta và giải tỏa một số những giới cấm đã ràng buộc các ngươi trước đây; Và Ta đến gặp các ngươi với một Bằng chứng từ Đấng tạo hóa của các ngươi, bởi thế hãy thành tâm sợ Thượng đế và tuân theo Ta".(3:50) Nhà tiên tri Môhamet (Phúc lành và Bằng an cho Người) nói:“Những ai tin rằng không có thiên chúa nào ngoài Thượng đế, duy nhất không có đồng đẳng, rằng Môhamet (Phúc lành và Bằng an cho Người) là sứ giả của Người, rằng Giê-su là bầy tôi trung thành và sứ giả của Thượng đế, lời của Ngài đã truyền thổi vào Maria và một linh hồn phát ra từ Ngài, và rằng Thiên đường và Địa ngục là có thực, sẽ được Thượng đế đón nhận nơi cực lạc.” (Truyện Thánh Môhamet và tín đồ của ông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét