Chương
III
< Trước Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối
Sang ngày thứ sáu ở trong rừng. Theo tính toán
của anh Sơn, chúng tôi vẫn đang đi trên đất Lào. Trước khi lên đường, anh Đằng
nhắc từ hôm nay phải tranh thủ kiếm thêm thức ăn để hạn chế dùng số lương thực
mang theo.
Hôm qua anh Hùng đã chỉ cho tôi biết cây củ
mài. Theo anh, ở rừng củ mài là loại lương thực tốt nhất vì nó nhiều tinh bột lại
lành, ăn thay cơm được mà không sợ say như ăn sắn. Có điều củ mài thường đâm
sâu dưới đất, đào rất khó, chúng tôi đang còn gạo ăn nên chưa đào lần nào. Còn
chim, thú trong rừng không thiếu. Ban ngày, xung quanh chúng tôi lúc nào cũng
nghe tiếng chim. Riêng sóc thì ở đâu cũng gặp, chúng chuyền thoăn thoắt khi ẩn
khi hiện trên cành cây.
Hôm đi qua cánh rừng thưa, chúng tôi gặp cả một
đàn lợn rừng hơn chục con đang dũi đất kiếm ăn. Con lợn đầu đàn to gần bằng con
bò, có hai răng nanh cong vút bên khóe miệng, những túm lông trên sống lưng dày
rậm như bờm. Nghe động, nó choãi chân đứng thủ thế, cặp mắt gườm gườm, lông gáy
dựng ngược lên. Lát sau nó hộc mấy tiếng rồi quay lại dẫn bầy đàn thong thả bước
đi.
Hầu hết những đoạn suối chúng tôi qua đều có dấu
chân của những con thú lớn xuống uống nước. Tôi đang mong có dịp bắn được một
con nai, con mang nào đó. Thịt mang ngon lắm, mềm và ngọt hơn thịt bò. Nhưng
lúc này chưa được, chúng tôi đang vội. Chặng đường phía trước còn rất dài.
Chừng giữa buổi, cả tổ đi vào một hẻm núi, hai
bên là hai ngọn núi cao sừng sững. Những thân cây mọc trên vách núi nghiêng
cành xòe tán lá rậm rạp che kín trên dầu. Hẻm núi tồi mờ. Mấy cây dây leo to tướng
như đàn rắn kì dị ngoắc đuôi vào nhánh cây thòng xuống đong đưa.
Đang đi, bỗng nghe rào rào, rồi những vật gì
rơi lộp độp xung quanh. Tôi vội ngước nhìn lên, suýt trượt chân trên tảng đá
trơn tuột. Những cái bóng chuyền thoăn thoắt trên cành cây và tiếng lẹc khẹc vọng
xuống. Thì ra là lũ khỉ. Chúng đang hái trái cây, bẻ cành khô ném xuống đầu
chúng tôi có vẻ như không chấp nhận sự đột nhập của những kẻ lạ mặt. Chúng tôi
vẫn cắm cúi bước, mong thoát nhanh ra khỏi cái hẻm núi tối tăm khó chịu này.
Nhưng rồi không hiểu từ đâu, bọn khỉ kéo tới đàn đàn lũ lũ có đến hàng trăm
con, chuyền cành ào ào như gió cuốn và ném xuống tất cả những gì chúng vớ được,
làm chúng tôi tối tăm mặt mũi.
Tôi bực mình tuột súng cầm ở tay, nói với anh
Đằng:
- Để em cho tụi nó mấy phát cho chừa đi?
- Ấy đừng, bắn làm gì! - Anh Đằng vội giơ tay
ngăn lại - Chịu khó một lúc, ném chán là chúng thôi. Chẳng nguy hiểm gì đâu.
Anh Hùng nói thêm:
- Cậu mà bắn một con là chúng càng kéo tới
đông hơn và đuổi mình đến cùng đấy?
- Chẳng lẽ mình chịu à? - Tôi vẫn chưa hết
cáu.
- Không phải chịu, mà là không cần thiết phải
khiêu khích chúng. Thực ra, lũ khỉ cũng chỉ hiểu lầm thôi. Đây là lãnh địa của
chúng mà.
Quả nhiên sau một hồi ném chán tay, lũ khỉ chí
choé gọi nhau tản đi.
Đến gần trưa, vách núi hai bên thấp dần. May
quá, sắp ra khỏi hẻm núi rồi. Đi thêm một quãng qua khỏi khúc quanh, mắt chúng
tôi bỗng lóa lên bởi ánh nắng vàng rực chan hòa khắp cánh rừng trước mặt. Đúng
là như vừa chui ra khỏi lỗ cống, ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
Mặt trời lên gần tới đỉnh đầu. Phía trước nghe
có tiếng suối chảy. Mọi người bước hối hả để mau đến chỗ có thể nghỉ lại nấu
cơm.
Đang đi vội, anh Đằng bỗng nhảy bật lùi một bước.
Tôi tuột súng nhào tới nhưng anh gạt lui: "Đừng, rắn đấy!" Khi nhìn
ra trước, tôi chợt thót tim, người sởn gai ốc: một con rắn hổ mang to tướng chắn
ngang lối đi, chỉ cách năm mét. Nó đang ngóc cái đầu dẹp lép phồng mang phun
phun phì phì, lưỡi thụt ra thụt vào như tia chớp. Tiếng anh Sơn nói nhanh sau
lưng tôi:
- Đứng yên đừng cử động, để đó cho tôi?
Anh bước chệch sang một bên, đứng dạng chân
nâng súng bằng cả hai tay bắn liền bốn phát không cần ngắm, tiếng nổ liền liền
như loạt tiểu liên.
Con rắn như bị dao phạt ngang cổ, lăn lộn cuộn
cái thân dài thượt đen mốc, kéo theo cả cái đầu toé máu chỉ còn dính với thân bằng
một mẩu da. Phải đến mấy phút sau nó mới chịu nằm im. Hú vía! Mấy hôm trước
chúng tôi vẫn gặp rắn, nhưng thường thấy động là chúng trườn đi ngay. Còn con
này hình như đang định tấn công. Tôi kinh hãi nhìn con rắn: nó dài gần ba mét,
to gần bằng cổ chân, vảy lởm chởm trên cái thân đen mốc, khúc đuôi dài ngoằng đến
giờ vẫn còn giật giật.
Anh Hùng nói với anh Sơn lúc này vẫn đang cầm
khẩu K54 nòng còn bốc khói:
- Cậu xử trí đúng đấy! Khi đó nếu mình di chuyển
là nó lao tới mổ ngay.
Anh Đằng hể hả:
- Không ngờ đồng hương bắn giỏi đến vậy! Cứ
như trong phim ấy!
Anh Sơn nhét khẩu súng vào bao, cười hiền
lành:
- Ở ngoài kia đi rừng tôi cũng mang K54. Thỉnh
thoảng xin được đạn bên bộ đội, vẫn vào rừng tập bắn. Lâu rồi quen tay thôi!
Tôi nhìn anh thán phục. Vốn là tay súng giỏi,
tôi biết để bắn được như thế không chỉ cần quá trình tập luyện công phu, mà đòi
hỏi có năng khiếu và thần kinh phải vững như thép.
Chúng
tôi lại đi. Tôi thận trọng bước dài tránh xác con rắn, nó chết rồi mà trông vẫn
thật đáng sợ. Con này đã cắn ai thì chẳng thuốc nào cứu được.
Đến chiều, khi vừa chui ra khỏi quãng rừng rậm,
chúng tôi gặp một con đường của voi đi. Tôi dễ dàng nhận ra điều ấy bởi suốt dọc
lối chi chít dấu chân voi. Có dấu đã cũ, có dấu trông còn mới, chắc chúng vừa
đi qua đây không lâu. Có lẽ bầy voi thường qua lại trên lối này, vì chúng làm
những cây con gãy rạp, tạo thành một làn đường rộng hơn chục mét.
Nãy giờ anh Hùng vẫn quan sát dấu chân voi
nhưng chưa nói gì. Tôi tranh thủ nêu ra phán đoán theo kiểu anh đã dạy. Nghe
xong, anh cười bảo:
- Cậu nói có phần đúng, như vậy là tiếp thu
bài tốt đấy? Nhưng... - Anh xốc lại ba lô trên lưng, suy nghĩ một lúc rồi nói
tiếp - Muốn phán đoán đúng phải kết hợp nhiều yếu tố khác nhau, nhất là phải biết
đặc tính của con vật. Mình ví dụ thế này nhé: Con voi nặng nên dấu chân nó hằn
rõ. Bây giờ đang mùa khô, vì vậy có khi đã vài tháng mà dấu chân trông vẫn còn
như mới do cỏ không mọc lên được, cũng không có mưa nên không bị xói mòn hoặc đất
cát tràn vào.
- Vậy làm sao để biết nó đi qua khi nào?
- Phải nhìn cây chứ! Con voi dùng vòi cuốn lá
ăn. Nó lại giẫm chân lên những bụi cây thấp hoặc ngọn cỏ. Nhìn cây lá là xác định
được. Đấy, cậu nhìn xem có dấu cây gãy nào còn mới không? Với những dấu vết
này, bầy voi đi qua gần đây nhất cũng phải non một tháng rồi.
Tôi ngẩn người nghe anh nói. Đúng là không thể
một lúc mà học hết mọi thứ được.
- Thế anh bảo bầy voi này có đông không? - Tôi
hỏi.
Anh Hùng chưa kịp trả lời thì anh Sơn đã lên
tiếng:
- Hải cứ nói trước đi, xem có đúng không?
Tôi cười:
- Em nghĩ là rất đông. Dấu chân chi chít thế
kia, phải ba bơn chục con là ít.
Anh Đằng nghe tôi nói liền bật cười:
- Lần này cậu chỉ được hai điểm là cùng! Sao vậy
anh!
- Cứ hỏi Hùng thì biết!
Anh Hùng không đợi tôi hỏi, nói ngay:
- Bầy voi đi qua lần vừa rồi chỉ bốn hoặc năm
con. Muốn biết, phải tìm trong những dấu chân kia, chọn ra những dấu còn mới
như nhau. Nhưng có điều... Anh chưa nói hết câu thì anh Đằng đưa tay ra hiệu im
lặng. Theo hướng anh chỉ, chúng tôi nhìn thấy trên ngọn cây khô trước mặt có
hai chấm đen: hai con chim đang đậu. Anh Hùng nói khẽ: "Các anh đứng lại
đã nhé!”, rồi cầm súng lủi qua những lùm cây. Ít phút sau, tiếng súng nổ vang
lên, một con chim rơi xuống, con còn lại hốt hoảng bay mất. Chúng tôi bước
nhanh tới. Anh Hùng đang đứng dưới gốc cây nhìn lên. Con chim trúng đạn rơi vướng
trên nhánh cây, cao đến hai chục mét là ít. "Phí của! Thế là mất bữa thịt
chim...", tôi tặc lưỡi tiếc rẻ. Anh Hùng giúi khẩu súng vào tay tôi, bỏ ba
lô xuống đất bám thân cây thoăn thoắt leo lên, loáng cái đã đến nơi. Anh ôm
nhánh cây bò ra một đoạn rồi dùng cả thân người nhún. Con chim bật khỏi đám lá
rơi thẳng xuống. Tôi chạy đến nhặt lên. Không biết loài chim gì nhưng rất to, nặng
đến ba kí là ít. Nó có bộ lông màu nâu nhạt, đầu cánh điểm những chấm trắng làm
tôi nghĩ đến loài đại bàng, nhưng chắc không phải vì con này mỏ ngắn và thẳng,
chân lại không có vuốt cong nhọn.
Anh Hùng vừa xuống đến nơi, tôi hỏi ngay:
- Chim gì vậy anh?
- Cậu làm như tớ biết hết mọi thứ không bằng!
- Anh cười.
- Chim gì cũng được. Thịt chim chỉ có ngon hay
dở chứ ăn không ngộ độc đâu mà sợ! - Anh Đằng nói vui.
Tối đó chúng tôi ăn cơm với thịt chim kho muối.
Món thịt khá ngon nhưng có mùi hơi khét.
Lúc chui vào lều ngủ, tôi nhắc anh Hùng:
- Hồi chiều anh đang nói về đàn voi...
- À, mình cũng đang nghĩ. Theo mình thì bầy
voi đã đi lại nhiều lần trên đường này, nhưng có lẽ không phải đi kiếm ăn. Vì nếu
thế, chúng phải tản ra trong rừng, đằng này lại chỉ đi theo một lối nhất định.
Đây có thể là con đường đi tới nghĩa địa voi.
- Nghĩa địa voi? - Tôi sủng sốt kêu lên.
- Đúng vậy? Mình chưa nhìn thấy lần nào, nhưng
đã nghe kể. - Anh quay sang nói với anh Đằng - Này, anh Đằng có nhớ hồi ở bản Nầm
không? Ở ngoài Thà Khẹt ấy?
- À, cái bản nuôi voi chứ gì?
- Ấy đấy! - Anh Hùng kể tiếp - Bọn mình đi
công tác, trú lại bản đó có đến nửa tháng. Dân bản sống chủ yếu bằng nghề săn
voi. Họ bẫy voi rừng về thuần dưỡng rồi đem bán sang Thái Lan. Mình đã xem cách
họ dạy voi, hay lắm! Thế nhưng không phải ai cũng dạy được voi đâu nhé! Cả bản
hơn trăm đàn ông, chỉ có mươi người chuyên nghề dạy, còn những người khác chỉ
đi bẫy và làm các việc phụ giúp.
Ở đó mình được các cụ già kể nhiều chuyện về
loài voi. Theo các cụ thì những đàn voi đông đúc thường có nghĩa địa riêng của
chúng ở trên núi cao. Khi trong đàn có con nào già yếu gần đến ngày chết, nó liền
được mấy con khác khỏe mạnh kèm đi đến nghĩa địa để chờ chết. Lúc voi già chưa
chết, những con đưa đi vẫn kiếm ăn quanh quẩn gần đấy và đem thức ăn về cho nó.
Đến khi voi già chết, bầy voi bẻ lá phủ kín xác bạn rồi mới quay về.
Biết đâu lối đi lúc chiều mình gặp là lối bầy
voi đến nghĩa địa, nơi những con voi già đến để chờ chết...
Nằm lắng nghe câu chuyện lạ lùng về loài voi,
tôi thầm mong được nhìn thấy nghĩa địa voi một lần cho biết. Trong rừng núi còn
biết bao những chuyện kỳ lạ về các loài cỏ cây muông thú mà con người chưa thể
hiểu hết được. Chính sự bí ẩn đó đã làm cho rừng già - cái nôi của sự sống từ
ngàn xưa - trở nên hấp dẫn lạ thường.
Chúng
tôi vẫn may mắn trong suốt buổi sáng hôm nay, khi con đường của voi vẫn trùng với
hướng đi. Nói "may mắn” là vì, đi theo lối voi vẫn dễ hơn nhiều, và tôi
còn hy vọng gặp được nghĩa địa voi.
Trưa hôm đó cả tổ nghỉ lại bên một con suối cạn.
Đành phải ăn lương khô vì nước trong bi đông dành để uống, không thể nấu cơm được.
Tôi ngồi tựa lưng vào gốc cây, tay bẻ từng mẩu lương khô cho vào miệng nhai, mắt
nhìn theo đàn bướm đang bay dập dờn ở đoạn suối khô dưới chân vách đá. Không hiểu
sao mùa này mà ở đây vẫn còn sót lại đàn bướm đông đến thế. Vô vàn con bướm trắng
bướm màu kết thành đám dày đặc, trông xa như dải mây mỏng vướng dùng dằng nơi
chân núi.
Mải nhìn đàn bướm, đến khi nghe tiếng động lục
cục tôi mới ngoái đầu nhìn lại. Anh Hùng đã ăn xong, đang lấy dao đào đất ở chỗ
lòng suối khô. Chắc anh tìm nước. "Đào làm gì nhỉ, lát nữa đã đi rồi? Mà
làm sao có nước ở đây được?” Tôi chạy xuống chỗ anh, thắc mắc tự hỏi.
- Đào gì vậy anh Hùng? - Tôi hỏi.
- Cậu cứ lấy dao đào giúp đi, tí sẽ biết. -
Anh cười trả lời.
Tôi rút dao hì hục cạy những tảng đất nứt nẻ.
Lát sau, chúng tôi đào được một khoảng rộng bằng nửa chiếc chiếu. Anh Hùng lại
đào tiếp lớp thứ hai. Khi cạy lên tảng đất to bằng cái mũ, anh bảo: "Cậu
bóp vụn ra xem?" Tôi làm theo lời anh. Đang bóp cho đất vỡ ra, tôi chợt giật
nẩy người khi chạm phải một vật gì trơn trơn lành lạnh. Nhìn xuống thấy một con
vật đang trườn ra.
- Ôi lươn! Ở đây có lươn à? - Tôi reo lên.
- Không phải lươn đâu, chạch núi đấy. Nó cũng
như cá chạch dưới ta thôi!
Đúng là con chạch thật! Cũng có đuôi, có vây,
thân mình nhơn nhớt, chỉ khác ở cái đầu nhọn hơn.
- Ăn được không anh?
- Được chứ! Còn ngon nữa là khác!
Tôi đưa mắt nhìn dọc khe suối cạn:
- Thế đào ở đâu cũng có hả anh?
- Đừng tưởng bở! Phải chọn vũng suối nào nước
đọng lâu nhất, và tất nhiên là lòng suối không có đá. Con chạch theo nước về đến
đây thì nước khô, nó phải chui xuống đất ẩm chờ trời mưa. Mà những vũng suối đã
khô lâu ngày thì đừng đào mất công.
- Nó chết hết phải không anh?
- Không hẳn thế! Con chạch rất khó chết. Nhưng
khi ấy nó chui xuống sâu hơn. Mình đào bằng dao, biết bao giờ mới bắt được?
Một lúc sau, chúng tôi đào được hơn chục con cỡ
ngón tay, con to nhất bằng ngón chân cái.
- Thôi đến lúc phải đi rồi - Anh Hùng bỏ những
con chạch vào gô, đậy nắp lại - Cốt kiếm nồi canh chua thôi. Đến chiều cậu sẽ
biết nó ngon như thế nào. - Anh nhìn tôi cười.
Con đường của voi vẫn kéo dài và ngày càng lên
cao. Chúng tôi đạp lên những dấu chân voi, cắm cúi bước trong nắng chiều rát bỏng
sau lưng.
Leo hết đoạn dốc cao, tôi dừng lại lấy mũ lau
mồ hôi đầm đìa trên mặt, chợt ngửi thấy trong gió thoảng mùi thối khăn khẳn. Chắc
có con vật nào chết quanh đây. Đi thêm một quãng nữa, mùi thối càng nặng hơn.
Anh Đằng giục mọi người rảo bước, vượt nhanh ra khỏi vùng này. Gần tới đỉnh dốc,
anh Sơn dừng lại lấy bản đồ trải trên đất, dùng địa bàn ngắm hướng rồi gọi:
- Anh Đằng ơi, đứng lại đã!
- Gì thế Sơn?
Anh Sơn chưa đáp mà xem lại bản đồ lần nữa,
suy nghĩ một lát và ngẩng đầu lên nói với chúng tôi:
- Phải đi cắt rừng thôi! Con đường này bây giờ
đang chệch với hướng của mình tới mười bảy độ.
Tôi ngoái đầu nhìn: đúng là lối voi đi đến đây
thì quành lại, đâm thẳng lên đỉnh dốc.
- Thôi được, ta rẽ luôn. Gắng đến đoạn nào có
nước để nghỉ.
Chúng tôi xốc ba lô, rẽ cây bước tới. Được mấy
bước, anh Hùng chợt ngập ngừng:
- Hay là... - Chúng tôi cùng quay lại nhìn anh
- Mình đi lên đoạn nữa. Theo tôi, mùi hôi thối lúc nãy là của một con voi chết.
Có thể nghĩa địa voi ở gần đây. Ta tới thẳng đấy xem sao rồi đi tiếp. - Anh vội
vã giải thích.
Anh Đằng đang ngần ngừ, tôi nói luôn:
- Phải đó anh ạ! Chắc không xa đâu, chỉ sau đỉnh
dốc kia thôi. Lên tới đó nếu không có, ta nhắm hướng đi càng tiện.
Anh Đằng bật cười:
- Đúng lý quá, không ai cãi vào đâu được.
Chúng tôi quay lại đi tiếp theo dấu chân voi,
mặc cho mùi thối vẫn theo ngọn gió tây nam phả tới. Đến đỉnh dốc, tôi hăm hở
bươn lên dẫn đầu. Chẳng thấy gì cả, chỉ có dấu chân voi đi qua dưới những gốc
cây cổ thụ sừng sững lúc này đang nhuốm nắng vàng hượm trên ngọn. Anh Đằng giục:
- Cứ đi nữa đi! Tớ cảm thấy như gần đâu đây
thôi.
Thêm một quãng vài trăm mét, khi vòng qua hết
mấy tảng đá lớn, chúng tôi cùng đứng sững lại bởi cảnh tượng trước mắt thật lạ
lùng: trên một vùng đất rộng và tương đối bằng phẳng, vô số những bộ xương voi
nằm la liệt xen với những tảng đá bạc trắng lô nhô. Thỉnh thoảng mới có một
bóng cây mọc giữa đám cỏ, trên ngọn có mấy con chim đậu im lìm.
Anh Đằng kéo chúng tôi đi lên mé trên, tránh
mùi hôi thối nồng nặc đang bốc lên từ xác con voi nằm gần đó. Tôi mượn anh chiếc
ống nhòm đưa lên mắt nhìn. Nhiều bộ xương dầu dãi mưa nắng lâu ngày đã trắng hếu,
giữa đống nổi lên tảng xương đầu to tướng và những cánh xương sườn cong cong.
Có vài bộ xương lổn nhổn còn dính những mảnh da đen mốc rách tả tơi. Trên cái
xác voi đang bốc mùi, mấy con chìm ăn thịt đủng đỉnh đi lại, chốc chốc lại chúi
đầu dưới lớp da voi rúc thật thối. Con vật to lớn giờ đây trở thành một đống
lùng nhùng, chỉ còn đôi ngà dài cong vút đang ánh lên dưới nắng chiều như muốn
chứng minh rằng nó đã từng kiêu hãnh tồn tại trên cõi đời này.
Trong bóng chiều đã xế, cả vùng nghĩa địa tĩnh
mịch vắng lặng. Cảnh vật trở nên thê lương, buồn bã. Những tảng đá trắng lô nhô
trên cỏ như những tấm bia mộ xếp lớp lớp trải dài đến hút tầm nhìn.
Chúng tôi lặng lẽ quay lại tìm hướng băng rừng
tiếp tục cuộc hành trình. Trong đầu tôi vẫn miên man suy nghĩ về nghĩa địa voi.
Những con vật chung thủy từng sống bầy đàn quấn quít, đã tìm về trên đỉnh núi
cao quanh năm tràn đầy nắng gió này để chết cùng một chỗ. Cả đến khi phải từ
giã cuộc sống, chúng cũng không muốn xa nhau và không muốn rời xa rừng già. Lại
còn những con voi dìu bạn mình đi suốt chặng đường dài giữa rừng hoang để đến
nơi yên nghỉ cuối đời như ý muốn... Con vật chỉ hành động theo bản năng mà sống
với nhau có tình có nghĩa như thế, huống chi con người.
< Trước Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét