22/01/2015

Đội đặc nhiệm TK1 (phần cuối)

Phần cuối


< Trước
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối

Chuyện về John Smith đã làm gián đoạn phần cuối của câu chuyện đang kể. Vì vậy tôi phải trở lại với những ngày ấy ở Đồng Hới...
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi có một cuộc liên hoan nhỏ để chia tay với hai đồng chí phi công, các thợ máy và các chiến sĩ trinh sát đặc công. Đó là những người lính mà tôi hết lòng khâm phục. Các anh ấy đều rất hiền, sống chân tình giản dị, và rất điêu luyện trong công việc của mình. Gần hai tháng trời gắn bó với nhau trong một công tác đặc biệt như vậy, chúng tôi đã thân thiết như anh em một nhà. 
Thế mà đến lúc tạm biệt, hai đồng chí phi công nhất định không bắt tay Thủy. Các anh bảo: "Chúng ta sẽ gặp lại nhau trong những chuyến bay tiếp theo, cô bé đồng nghiệp! Vậy thì không việc gì phải vội từ biệt..." Các anh ấy nói đúng! Lúc đầu anh Hai Nguyên định đưa Thủy về công tác tại tỉnh nhà, nhưng bộ đội không quân đã xin cô ra ngoài đó, và tôi hiểu vì sao điều ấy lại khiến "cô bé" mừng rỡ đến như vậy.
Trước mắt, Thủy còn chờ anh Hai Nguyên làm xong công việc ở đây để cùng anh ra Hà Nội thăm gia đình chú. Sau đó cô sẽ tiếp xúc với công tác mới. Còn tôi và đồng chí thiếu tá đang đợi các anh ở đơn vị anh Đằng và anh Hùng để đưa nắm đất thấm máu hai anh về quê. Một nhiệm vụ thiêng liêng, nhưng dù có làm tốt đến đâu cũng không có được niềm vui. 
Đã gần tết. Trên những thừa ruộng ven thị xã, màu xanh của mạ non mới cấy viền kín quanh những hố bom. Chúng tôi có những giờ phút thong thả để trò chuyện với nhau, nhưng Thủy lại buồn: 
- Lúc mới ra lu bu công chuyện nên quên cả buồn. Giờ rảnh rỗi mới thấy nhớ ba. Em thương ba quá! Vậy là tết này em được ăn tết ở Hà Nội, còn ba chỉ thui thủi một mình... 
Để Thủy khuây khỏa, tôi rủ cô ra biển chơi. 
- Ra biển? - Cô tròn xoe đôi mắt nhìn tôi - Biển đang động mà? 
Tôi cười: 
- Mình chỉ ngồi trên bờ chứ có xuống biển đâu mà sợ? Biển động cũng có vẻ đẹp riêng của nó. 
Cô khúc khích: 
- Nghe anh nói... thiệt hay! 
- Đâu có! Tôi vụng về lắm! Có những điều nghĩ mãi trong đầu mà không nói ra được... 
- Chuyện chi vậy anh? 
Cô hỏi lại. Tôi bối rối mất một lúc và biết rằng mình vừa để lỡ cơ hội. Nhưng hình như Thủy không để ý... 
Từ nơi chúng tôi ở ra đến biển chừng ba cây số. Tôi cùng cô đi men bờ sông. Trời không mưa nhưng vừa có đợt gió mùa đông bắc nên khí trời trở lạnh. Có phải vì thế mà đôi má Thủy ửng hồng? Gió từ biển thổi vào lồng lộng. Con sông Nhật Lệ thường ngày vốn hiền hòa giờ cũng nổi sóng. Thủy bước sát bên tôi, mái tóc dài bay bay trong gió và tiếng cô cũng bay theo, hòa trong tiếng sóng nước ì oạp vỗ bờ:
- Vậy là em theo anh vào Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển rồi đó nghẹn! 
Tôi nói đùa: 
- Lên rừng thì còn được, chứ vào Nam chỉ tới Tam Kỳ, ra Bắc mới ngang Đồng Hới. Và lát nữa chỉ ngồi trên bờ chứ đâu có lội xuống biển? Mà đấy là "người ta" đi theo cách mạng... 
- Có vậy anh mới hết hỏi "Cô ra đây làm gì..." 
Chúng tôi ngồi trên một cồn cát nhỏ có những bụi dương liễu mọc lúp xúp. Mấy túm cỏ lông chông và những dây muống biển cố níu rễ vào cát để khỏi bị gió cuốn đi. Trước mặt là cảnh biển động dữ dội và hùng vĩ. Mặt nước mênh mông lúc này đang cồn lên sôi sục. Từ ngoài khơi xa tít tắp sóng bạc đầu lớp lớp nối nhau dồn vô bờ. Lúc tới gần, những con sóng lừng lửng dâng lên cao rồi đổ xuống ầm ầm như thác, nước ào lên bãi cát hết đợt này đến đợt khác tung bọt trắng xóa, bụi nước bay tới tận chỗ chúng tôi ngồi. 

Chiều hôm đó chúng tôi nói lời yêu nhau trong tiếng ầm ào của biển. Có lẽ đó là một kinh nghiệm hay cho những chàng trai trẻ nào vốn vụng về và nhút nhát như tôi. Tỏ tình bên bờ biển trong lúc biển động, ta chỉ phải nói bằng lời rất ít và không cần văn hoa cho lắm, còn ánh mắt sẽ nói những gì trong đầu ta nghĩ. Cả các cô gái cũng vậy, khỏi lo bị mê hoặc bởi những lời đường mật vì biển lúc này không cho phép ai nhiều lời. Mà chỉ những ai thực sự hiểu nhau và yêu nhau mới nói được với nhau bằng mắt. 

Tình yêu khởi đầu từ trên rừng, lời thề nguyền nói trước biển, chúng tôi đã phải vượt qua một chặng dài không chỉ về không gian để đến được với nụ hôn đầu đời vụng về và say đắm. 
Tôi và Thủy còn ở lại Đồng Hỡi ba ngày nữa. Đối với hai đứa tôi thì đó là những ngày rất đẹp và ấm áp, dù ngoài trời lâm thâm mưa phùn và nhiệt độ có lúc xuống dưới mười độ C. 


Sau khi chia tay với Thủy, tôi cùng đồng chí thiếu tá và hai đồng chí cán bộ ở sư đoàn nơi anh Đằng và anh Hùng công tác về quê các anh.

Chúng tôi tìm tới nhà anh Đằng thì ông cụ thân sinh ra anh đã mất. Mộ của ông, người thương binh già thời chống Pháp, được đặt trong nghĩa trang liệt sĩ xã. Hôm ấy các em học sinh nghỉ học một buổi cùng với bà con trong xã đưa nắm đất thấm máu anh về chôn cạnh mộ người bố. Tôi rùng mình khi đọc trên tấm bia mộ thấy ngày mất của ông trùng với ngày anh Đằng hy sinh. Hai cha con, hai người lính của hai cuộc kháng chiến kế tiếp đã hy sinh xương máu cho độc lập tự do của dân tộc, họ ngã xuống cùng một lúc và giờ đây trong gia đình ấy không còn ai nữa. 

Nghĩa trang nằm cạnh ga xép. Một đoàn tàu đang kéo còi chầm chậm vào ga, khói đầu máy trĩu nặng dưới làn mưa bụi. Từ chốn rừng già xa xôi ấy vong linh anh có về được tới đây không, mà tiếng còi tàu lúc này nghe nao lòng đến vậy... 
Ở quê anh Hùng nghĩa trang liệt sĩ nằm giữa cánh đồng lúa bát ngát, những hàng dương liễu nghiêng bóng trên những ngôi mộ hát ru suốt ngày đêm. Lễ truy điệu anh được địa phương tổ chức rất chu đáo, nhưng chúng tôi vẫn ân hận vì vợ con anh ở xa không về kịp. Nỗi ân hận đó cứ dày vò tôi mãi đến ngày nay. Lúc đó, tôi tự hứa với mình là sẽ lên thăm chị và cháu để kể cho những người thân thiết nhất của anh nghe trong những ngày cuối đời, anh đã sống và hy sinh như thế nào... Bao bộn bề công việc cùng những lo toan trong cuộc sống đời thường là nguyên nhân khiến tôi lần lữa hết lần này đến lần khác, hết năm này qua năm khác. Tôi tự biện minh cho mình: "Tại đường sá xa xôi cách trở quá..." 
Phải chăng khi năm tháng trôi qua, tình cảm cũng nhạt dần đi? Quên thì không, nhưng những việc nghĩa tình đáng phải làm dần dần trở thành thứ nghĩa vụ mà ta thực hiện một cách miễn cưỡng, và đôi lúc cảm thấy đó là nỗi ám ảnh phiền toái... 


Năm 1996, tôi theo đoàn cán bộ lên tham quan công trình thủy điện Hòa Bình. Khi hỏi thăm cái bản dân tộc Thái hồi trước anh Hùng kể, mới biết giờ đây nó nằm dưới lòng hồ sông Đà. Tôi bỏ dở chuyến tham quan, tìm tới bản mới nơi chị ở thì chị đã mất. Ngồi trước nấm mộ còn tươi màu đất, tôi thầm kể cho chị nghe những điều mà đáng ra chỉ phải được nghe lúc còn sống. Vậy đó! Có những việc khi ta biết ân hận thì đã muộn. Có phải "nợ nghĩa tình" là như vậy chăng? Trước đây mỗi lần nghe người khác nói thế, tôi vẫn nghĩ: đã là nghĩa tình thì sao lại gọi là nợ? Ai vay ai mượn được mà nợ? 
Tôi tới cơ quan nơi con trai anh Hùng công tác tìm cậu ta, nhưng không gặp. Cậu ấy giờ là kỹ sư lâm nghiệp, hiện đang mải mê trong một cánh rùng nào đó để nghiên cứu đề tài "Bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn sông Đà". Là một người yêu rừng đến độ mê say, hẳn giờ đây anh Hùng hết sức vui sướng và toại nguyện khi con trai mình đi theo tiếng gọi của rừng. 
Ngày ấy từ quê anh Hùng, chúng tôi lên Hà Nội làm việc với cơ quan anh Sơn, và cùng với đại diện cơ quan về nhà anh. Tôi trao lại cho chị những kỷ vật của anh: cuốn Nhật ký, thư từ, ảnh..., những thứ anh để lại T2 trước chuyến đi. Chị dỗ khéo đứa con gái cho cháu ra ngoài sân chơi nhảy dây với bạn, để nghe tôi kể về những giờ phút cuối cùng của anh. Cháu mới sáu tuổi. Không nên để lại trong đầu óc trẻ thơ non nớt những hình ảnh kinh hoàng về cái chết của người bố. Sau này mỗi khi nhớ lại ngày hôm ấy, trước mắt tôi vẫn chập chờn hai đuôi khăn tang trắng bay bay như đôi cánh bướm trên đầu bé, tung tăng theo từng bước nhảy hồn nhiên... 
Hai mươi lăm năm sau cô bé ngày đó trở thành phó tiến sĩ công tác trong một viện của ngành địa chất. Chị Sơn đã nghỉ hưu, vẫn sống trong ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Gôi. Trong một lần tôi ghé thăm, chị nói: "Con bé cứ giục tôi ra Hà Nội sống với vợ chồng nó, nhưng tôi không muốn đi. Lúc nào tôi cũng nghĩ là anh ấy sắp trở về đây..." Mái tóc đã điểm bạc, thời gian và đau khổ đã hằn sâu thành nếp nhăn trên khuôn mặt, nhưng đôi mắt chị vẫn vời vợi nỗi ngóng chờ như trong tấm ảnh anh Sơn đưa tôi xem ở Bãi Hà ngày nào. 


Sau chuyến đi đó, tôi vào Quảng Trị. Về lại đơn vị cũ, anh em bạn bè gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Gần ba năm rồi, ai cũng nghĩ là tôi đã chết. Nhưng bên cạnh niềm vui vẫn là nỗi buồn: Bằng và Dũng hy sinh trong một chuyến đi công tác bị địch phục kích, cũng trên vùng đồi sim Cam Lộ. "Vậy là Bàng chẳng bao giờ trở về với cái làng cá ven biển của cậu. Còn Dũng chết mà chưa một lần được nhìn thấy biển..." Tôi ngậm ngùi nhớ tiếc hai người bạn cùng tổ công tác. Những tưởng ngày ấy chia tay nhau, xa nhau vài bữa rồi gặp lại, ai ngờ... 


Tháng sáu năm 1972. Khắp cả thị xã Đông Hà vừa mới giải phóng chỉ còn sót lại một cây phượng vĩ già nở hoa đỏ rực. Mùa hè Quảng Trị nắng đổ lửa. Gió Lào cuốn tung bụi trên những đường phố lỗ chỗ dấu bom đạn và ngập ngụa rác rưởi chiến tranh, thứ rác thường thấy sau những trận chiến đấu giành đất ác liệt.
Đơn vị tôi có cuộc họp. Mấy phút giải lao, cánh lính trẻ kéo nhau ra ngồi dưới gốc phượng vĩ, tán láo đủ chuyện. Chúng tôi đang vui cùng mảnh đất Quảng Trị vừa giải phóng. Tôi còn có niềm vui riêng vì mới nhận thư Thủy. Nét bút lần đầu nhìn thấy mà như thân quen tự bao giờ. "...Em mới được bay tập với trực thăng Mi - 8... Ra ngoài này còn được cưng hơn ở nhà nữa đó? Mấy chú mấy anh ai cũng hiền cũng tốt... Sắp tới em sẽ vô công tác trong đó, chắc lại được gặp anh..." Những dòng mực xanh trên giấy trắng mà như có âm sắc của giọng cô líu ríu niềm vui. Chúng tôi sẽ gặp lại nhau? Tất nhiên rồi... 
Gần hết giờ giải lao. Đồng chí cơ yếu tay cầm cuốn sổ điện mật hớt hãi chạy ra gọi: "Hải ơi! Hải đâu rồi? Có điện này..." Một linh cảm nặng nề choáng ngợp trong đầu tôi. Điện mật chỉ dùng trong công tác, bình thường cấp lính như tôi không khi nào trực tiếp nhận. 
Tay run run cầm cuốn sổ điện đồng chí cơ yếu vừa chìa ra, tôi đọc bức điện trên trang giấy mở sẵn. Chỉ có một dòng: 
“Thủy hy sinh ở Quảng Bình trên đường đi công tác. Hai Nguyên."
"Không! Không đúng! Chắc có sự nhầm lẫn nào đó. Mình vừa mới nhận thư Thủy cách hai ngày..." Tôi đọc lại bức điện lần nữa, rồi lần nữa... Khoảng không gian trước mắt tối sầm lại. Xung quanh mọi người xôn xao. Có ai đó nói: "Thôi cứ để cậu ấy được một mình..." Tôi chết lặng xuôi người ngồi xuống gốc cây. Gió rung những cánh hoa phượng rụng tơi tả, đỏ lòm như những giọt máu... 
Nếu không kể đợt máy bay B52 oanh kích Hà Nội và Hải Phòng, thì cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần  thứ hai của giặc Mỹ không rầm rộ như lần trước, nhưng ác hiểm hơn. 
Vào thời điểm đó, Thủy theo một đoàn cán bộ không quân đi công tác phía Nam để khảo sát những địa điểm có thể mở sân bay dã chiến dành cho máy bay vận tải hạng nhẹ và trực thăng. Chiến tranh đang đến hồi quyết định. Ta dự định mở "đường mòn Hồ Chí Minh trên không” để khi cần thiết. Có thể chi viện nhanh cho các chiến trường. Đoàn vào tới miền tây Quảng Bình thì bị máy bay địch chặn đánh. Một quả tên lừa nổ gần hất chiếc Uoát xuống vực. Thủy và bốn người cùng đi trên xe đều hi sinh...

Sau giải phóng năm 1975, tôi và anh Hai Nguyên ra Quảng Bình để đưa Thủy về quê. Thi thể cô và những người cùng hy sinh được chôn trên một quả đồi nằm lọt thỏm giữa vùng núi non lô xô. Những ngọn núi đá vôi đứng dầm chân giữa cánh đồng hay ven sông, đẹp như vịnh Hạ Long trên. 



Năm ngôi mộ nằm bên nhau theo đội hình hàng ngang của những người lính. Trên mấy tấm bia mộ làm từ gỗ thùng đạn, những dòng chữ viết bằng sơn đỏ lâu ngày sậm màu trông như những giọt máu khô. 


Kỷ niệm ùa về nhức nhối. Như nhìn thấy trong mờ mờ sương khói một cô gái xa lạ đứng cặp tóc bên chiếc trực thăng đỗ giữa tràng cát chói chang nắng... Rồi vóc dáng mềm mại nghiêng bên bờ suối; mái tóc dày mượt mà xõa che nụ cười láu lỉnh; đôi mắt đen tròn xoe khi nghe chuyện cổ tích; gương mặt tự tin và ánh mắt quyết đoán lúc ngồi trên ghế lái; những giọt nước mắt nóng ấm bên vai tôi và nụ hôn ngọt ngào trong cơn biển động... Văng vẳng từ xa xôi tiếng cô cười khúc khích và giọng cô hớn hở: "...Em theo anh vào Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển..." Giờ đây tất cả đã trở thành hư vô, chỉ còn lại những hạt mùn đất nâu đen.
Người con gái suốt đời ham bay và từng mơ một lần được tắm suơl, giờ đây cô đã bay xa, rất xa... 
Các đồng chí ở địa phương muốn đưa hài cất Thủy vào nghĩa trang liệt sĩ, nhưng ông Thành xin được đem cô về nằm bên má và người anh trai nơi cái xóm nhỏ ven sông Thu Bồn mà hôm từ trên rừng về, cô đã bay thêm "chút xíu” cho tôi được nhìn thấy. 
Lúc sắp hạ huyệt, ông Thành đưa cho tôi một chiếc hộp nhỏ kiểu hộp các cô gái đựng kim chỉ, nghẹn ngào nói: “Hôm ra ngoài đó, em nó gửi vật này nhờ bác giữ gìn. Giờ bác trao lại cho con..." 
Tôi mở nắp. Trong hộp có trang sổ tay mà tôi đưa cho Thủy lúc trước và một mớ tóc dài cháy nắng hoe vàng. Tôi bàng hoàng khi nhận ra đuôi tóc của mình hồi ở trên rừng. Hôm cắt tóc cho tôi, Thủy đã lén lấy đem về... Nhưng... nhưng tại sao tôi lại trao cho cô bài thơ "Núi đôi"? Sao anh Hai Nguyên lại xé đúng trang thơ ấy để làm mật hiệu mà không phải trang khác? Có phai đó là điềm báo trước sự chia ly đau đớn sau này? “Em không ngờ thơ viết về chiến tranh mà lãng mạn và xúc động đến vậy...". Ai ngờ ngày ấy nói thế để rồi em thành người trong thơ... 
Tôi hé nắp chiếc tiểu sành đặt vào đó trang thơ và mớ tóc để một phần tâm hồn và thể xác tôi được theo cô. 


Mất hai người con, ông Thành dồn tình thương yêu cho hai đứa cháu, con của anh Hai Nguyên, và để hết tâm trí vào việc nghiên cứu sử. Nhưng đau đớn và mất mát đã làm ông kiệt sức. Ông qua đời năm 1978, để lại những trang viết dở dang. 


Từ khi ông Thành mất, tôi không còn được tin gi về ông Tùng nữa. Trước đó tôi được biết hai ông bà sống với gia đình người em ở Quibec, Canada. Dù vợ chồng người em hết mực thương yêu ông, dù mấy đứa cháu rất quý ông, nhưngđiều đó cũng không làm ông nguôi được nỗi nhớ quê nhà. Những đường phố sáng choang, trắng toát và lạnh lẽo trên đất nước xa lạ ấy khác xa cảnh cánh đồng sông nước đầy nắng đầy gió của vùng châu thổ sông Cửu Long. Thư nào viết cho ông Thành, ông cũng gửi lời thăm tôi. Ông nói không bao giờ ông quên được cánh rừng con suối nơi gặp tôi hồi trước. 

Sau này tôi có viết thư cho ông mấy lần, nhưng chẳng hiểu sao không có hồi âm. Dầu gì đi nữa, tôi vẫn tin rằng con người đó không đến nỗi nhẫn tâm "chuyển lửa về quê nhà", thứ lửa từng thiêu rụi căn nhà xưa cùng hàng cau thời thơ ấu của ông.


Một ngày tháng 3 năm 1998, nhân có việc vào Đà Nẵng, tôi ghé về thăm anh Hai Nguyên. Anh chị đều đã nghỉ hưu, hiện sống trong ngôi nhà nhỏ ở quê. Nhà nước cấp nhà cho anh ở thành phố, nhưng anh không nhận. "Buôn bán gì đâu mà ở phố Mình về quê sống cho nó tĩnh!", anh nói vậy. 

Gần hai năm nay không gặp nhau, giờ thấy tôi vào anh chị hết sức mừng rỡ. Anh kéo tôi ra vườn ngồi trên chiếc chõng tre kê cạnh gốc bưởi. Tháng ba hoa bưởi nở rộ, những cánh hoa trắng rụng lấm tấm trên nền đất pha cát sạch mịn. Cây mai già vừa qua vụ hoa giờ đang trổ lộc, lác đác vài cánh hoa còn sót lại vàng tươi trong đám lá xanh non. 
Chúng tôi say sưa trò chuyện trong hương bưởi thơm ngát. Ông già vừa bước qua tuổi "thất thập” này vẫn sôi nổi như xưa. Lưng hơi còng và tóc đã bạc trắng, nhưng bước đi của anh vẫn nhanh nhẹn, đôi mắt vẫn nheo nheo hóm hỉnh như ngày nào... 
Sớm mai nắng lên, anh Hai Nguyên rủ tôi xương sông. Con sông đang mùa cạn, bờ cát phía bên này nổi lên đến gần giữa dòng. Chúng tôi xách dép đi chân trần giẫm trên ìớp cát bồi mịn màng mát lạnh ra tới mép nước rồi thơ thẩn ngược lên. Ven bờ sông có mấy người dân đang cuốc đất bãi bồi để tranh thủ trồng vụ khoai trước mùa lũ. Thấy chúng tôi ngang qua, họ chống cuốc đứng nhìn theo như cố đoán xem hai người đàn ông, một đã già và một cũng không còn trẻ, đang đi tìm gì trên con sông này. 
Anh Hai Nguyên nói, giọng thủ thỉ: 
- Lúc mình còn nhỏ, bên bờ sông này có những guồng nước. Cái bánh xe khổng lồ làm bằng tre quay kẽo kẹt suốt ngày đêm, róc rách đổ nước lên đồng. Bao năm xa quê mình cứ nhớ mãi những âm thanh ấy. Vẫn biết bây giờ dùng máy bơm chạy điện tiện lợi hơn nhiều, mà sao cứ thấy nhớ thấy tiếc thế nào ấy, cậu ạ! Kể cho mấy đứa cháu nghe, chúng cười bảo: người già như ông thường hoài niệm... 
… Quả có thế thậ!? - Tôi nghĩ - Dường như khi về già, những kỷ niệm trở nên da diết hơn đối với những ai từng có một thời đáng nhớ. Đến bây giờ mỗi khi nghe lại bài hát "Bước chân trên dãy Trường Sơn”, người tôi vẫn rợn lên cảm giác gai gai da thịt: "...Núi vút thành vách đứng, nắng hè khét đá, rừng khuya mất lối. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình... Máu thắm đường ta đi lẫn mồ hôi rơi tình quê tha thiết…” Những câu hát như truyền vào người một nguồn năng lượng làm phát ra làn sóng điện kỳ lạ đưa tâm trí tôi đến với cánh rừng con suối năm xưa, với những đêm khuya bên đống lửa giữa rừng, những tháng ngày gian khó đầy ắp kỷ niệm đã in vào máu thịt... 
Bên cạnh, anh Hai Nguyên vẫn kể về mấy đứa cháu: 
- …Hai thằng cháu nội, một xong năm nay vào đại học, một lên lớp chín. Cả hai đứa đều học giỏi. Chúng nói tiếng Anh nhanh như gió, gõ vi tính như múa, nhớ mặt nhớ tên hầu hết các danh thủ bóng đá quốc tế, ham thích những khúc quân hành của hai cuộc kháng chiến lẫn những bản nhạc "tóp ten" của nước ngoài. Thế hệ chúng bây giờ sướng thật. 
Tôi cười: 
- Chẳng ai mong có lại một cuộc chiến tranh như vừa qua cho con cháu "được dịp" chứng tỏ bầu nhiệt huyết của mình. Những người đi trước hy sinh xương máu là để cho đời sau sung sướng hơn... 
Anh nheo mắt nhìn tôi: 
- Cậu lại triết lý rồi! Đúng là như vậy! Nhưng cậu có biết hai đứa cháu mình chúng hỏi gì không? 
- Sao kia ạ? 
- Chúng thắc mắc: "Sau năm năm tư, ta "đối thoái" với Mỹ có phải hay hơn không? Khỏi có một cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài cả mấy chục năm..." Cậu thấy đấy! Chúng nó giờ tiếp thu cái mới rất nhanh, nhưng hiểu biết lịch sử chẳng ra sao cả. Cũng may chúng dám hỏi! Còn bao nhiêu đứa không hỏi, cứ ấm ức trong đầu, rồi sau sẽ ra sao? Chiến tranh trôi qua chưa lâu... hăm ba năm, đúng không? Vậy mà... Giờ ta hay dùng cụm từ "khép lại quá khứ”... Dĩ nhiên không sai, nhưng chỉ đúng khi sử dụng trong một lĩnh vực nào đó, nói về một vấn đề cụ thể nào đó... Phải hiểu cho đúng nghĩa, đừng nghĩ như thế là đóng lại tất cả, quên đi tất cả. "Xóa bỏ hận thù trong quá khứ”. Không bao giờ đồng nghĩa với "Xóa bỏ quá khứ”. Không ai chỉ ôm quá khứ mà sống được và chiến tranh thì đâu có hay ho gì mà phải lưu luyến nó, nhưng phải nghĩ phải nhớ tới chiến tranh để bằng mọi cách không cho nó tái diễn, để bảo vệ cho bằng được những gì mà bao thế hệ đã hy sinh xương máu bảo vệ. Mình hơi "đại ngôn" phải không nhưng thực chất là thế đấy...
Lắng nghe anh nói, tôi cúi nhìn những dấu chân mình in trên lớp cát rịn nước và tự hỏi: trong triệu hạt phù sa kia, có hạt nào là một phần xương thịt của anh Sơn? Không chắc? Nếu có, lúc này nó cũng đã ra tới biển hay nằm sâu dưới những lớp phù sa đổ về mỗi năm... Nhìn lên phía nguồn chỉ thấy điệp trùng núi xanh, mịt mờ mây tràng. Góc rừng nơi ngày nào các anh ngã xuống giờ khuất sau lớp lớp núi xa.


Nhưng từ trên ấy dòng nước ngày ngày vẫn chảy về đây. Con sông từng chứng kiến mọi chuyện xây ra từ bao đời nay. Nếu nói được sông sẽ kể rằng, trong những năm tháng ấy có những người đã sống như thế, đã chết như thế. 


Huế - tháng 3 năm 1999.
------------------------------------------

Hết


< Trước
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét