22/01/2015

Đội đặc nhiệm TK1 (chương 20)

Chương XX




Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối

Cha con ông Thành đã chuẩn bị bữa cơm trưa khá tươm tất. Thức ăn có một đĩa xếp đầy những lát cá thu kho, và một đĩa khác ngồn ngộn những con tôm luộc to hơn ngón tay cái, mà màu vỏ đỏ hồng cùng hương vở của nó đều hết sức xa lạ và hấp dẫn khi xuất hiện ở giữa rừng. Lái còn đĩa rau sống xanh đến mát mắt, có điểm những lát chuối chát trắng mỏng và mấy lát khế hình ngôi sao vàng hượm. Bên cạnh là chén nước mắm có thả mấy miếng ớt đỏ tươi, cùng đĩa muối tiêu lốm đốm đen trắng với mấy quả chanh vỏ vàng suộm. Còn xoong cơm thì khỏi nói, mới mở vung ra đã thơm nức hương gạo. 
- Ôi! Gạo mới phải không cô Thủy? - Tôi kêu lên - Thơm quá, chỉ ngửi mùi cũng thấy ngon! Cứ như đang vụ gặt... 
Ông Tùng cười hà hà, quay sang nói với ông Thành: 
- Hèn chi con nhỏ sáng nay cứ chạy lòng vòng quanh chợ, gạo nào cũng chê không mua! 
Tôi làm như không biết gì. Cô gái đỏ mặt nói lảng: 
- Cháu đâu biết bác chê cơm gạo mới? 
- Tao chê hồi nào? Tao chỉ nói mày muốn mang cả biển cả ruộng vườn lên rừng để... 
Cô gái vội cướp lời: 
- Có vậy nên cháu mới bỏ quên chai rượu... 
- Nói gì kỳ vậy cháu? Thôi tao không nói nữa. Đem ra cho bác! Lên đây mà thiếu chai rượu nhâm nhi thì còn ra gì! 
- Cháu quên thiệt mát! Lúc sáng lu bu công chuyện, lại đi gấp... 
- Con nhỏ này giỡn hoài! Đâu rồi? Đem ra đây để bác mời anh Hải một ly chớ! Mấy khi có dịp ngồi giữa rừng cụng ly với Việt Cộng? 
Cô gái cười lỏn lẻn, lôi từ túi xách ra chai rượu vuông nhãn đỏ và mấy cái ly nhỏ. Mắt ông Tùng sáng lên. Ông vừa mở nắp róc rượu ra ly vừa lầu bầu: 
- Thằng nào sau này lấy mấy thì khổ thôi, cháu ạ!
- Bác khỏi lo! Cháu không lấy chồng đâu! Cháu đợi khi nào chú Nguyên vô đã. 
- Vậy là bác không được dự đám cưới mày rồi! 
- Sao bác lại nói thế! 
- Chú mày mà vô đây thì tao chạy từ đời tám hoánh nào rồi! 
Ông nói tưng tưng, trên mặt chẳng còn chút căng thẳng nào của cuộc nói chuyện bên bờ suối lúc nãy. Hình như trong ông có đến hai con người..., không, phải nói là hai tâm trạng thì đúng hơn. 
Bữa cơm trưa rất vui vẻ. Ai nấy đều ngon miệng, một phần vì đói mềm. Đã một giờ chiều rồi còn gì! Tôi ăn ngon lành mấy món biển, còn các vị khách lại nắc nỏm khen mãi món cá lấu gói lá chuối lùi trong than hồng, tuy món cá chưa đạt yêu cầu cho lắm do nướng vội, lớp da cá cháy mà không giòn. Tôi biết họ khen thật tình, bằng chứng là ba con cá to cuối cùng chỉ còn lại chỗ xương mà báo Aga cũng chỉ đưa mũi liếc qua rồi quay đi. Tuy vậy nó không tỏ vẻ khó chịu, không hiểu vì biết nhởn miệng đãi khách hay còn no thịt bò. 
Cơm xong, cô gái thu dọn bát ba rồi nói với ông Tùng: 
- Bác đưa cháu xuống suối! 
Tôi vội nói: 
- Cô cứ để đấy, chiều tôi rửa! 
- Ai lại để bát đĩa dơ thế này mà ngồi nới chuyện? Đi bác! - Cô giúi khẩu tiểu liên vào tay ông. 
- A...! Con nhỏ này! Ăn xong phải để tao nghỉ ngơi chút chớ! 
- Lên đây bác phải làm việc, đâu như ở dưới mà có hầu cận! 
Khi ông Tùng đứng dậy xách súng đi, cô quay lại nhìn tôi cười ranh mãnh.
Quả nhiên hai người mới đi được một quãng, ông Thành đã bảo tôi: 
- Anh Hải này, vừa rồi tôi có vào Tam Kỳ! 
- Bác vào chỗ già Lý! - Tôi hỏi. 
- À! Có hẹn trước nên tôi gặp được người con trai. Anh ấy tên Nghĩa, làm ở Huyện ủy. Tôi có viết thư gửi cho chú Nguyên, trong thư kể chuyện gặp anh nên mới biết địa chỉ. 
- Rồi sao nữa bác? - Tôi lại hỏi, trong bụng mừng rơn. 
- Anh ấy hứa là sẽ chuyển được, và hỏi rất kỹ về chuyện của anh, chắc ông Lý có nói trước. Tôi thì cứ thiệt tình kể lại những gì biết ở đây và nghe anh nói. 
- Cám ơn bác! Nếu vậy chắc rồi đơn vị cháu sẽ biết tin cháu còn sống.
- Anh có cần nhắn gì không? - Ông nói, và chắc nhìn thấy vẻ mặt phân vân của tôi nên lại nói tiếp - Xin anh tin ở tôi. Tôi rất biết ơn anh về những việc anh đã làm cho gia đình tôi, và cũng mong làm được việc gì đó để sau này còn gặp lại chú nó. 
- Chính bác với cô Thủy mới giúp cháu nhiều chứ ạ. Cháu chỉ sợ lỡ có gì nguy hiểm cho hai bác. 
- Không sao đâu anh. Chỗ ông Lý dân Đà Nẵng lên nườm nượp, ở đó có ông thầy thuốc nam giỏi lắm. Tôi vào đó đã quen mặt rồi. 
- Vậy bác cho cháu mượn giấy bút viết mấy chữ. 
Ông Thành đưa cho tôi cây bút bi với quyển sổ lịch. Tôi xé trang giấy trắng viết bức thư ngắn: 
"Chú Hai kính! 
Mấy lần định lên thăm chú thím và các em mà chưa đi được. Mùa màng vừa xong thì ba đứa nhỏ lại ôm. Thành ra có kiếm cho chú mấy cây mai vàng, giống nở hoa sáu cánh, nhưng còn bỏ đó. Hay hôm nào chú rảnh, về chơi rồi đem lên một thể. Nghe nói giống mai này quý lắm!
Vậy cháu viết ít dòng để chú khỏi trông. 
Kính chú thím khỏe! 
Cháu Tư"

Lâu ngày không cầm bút, tay cứng quèo nên nét chữ nguệch ngoạc, nhưng như vậy cũng hay. Tôi đưa tờ giấy cho ông Thành và dặn: 

- Bác đưa cho anh Nghĩa, nhờ anh ấy chuyển cho anh hai Nguyên. Nếu kẹt, bác cứ hủy đi rồi nhắn miệng với nội dung như trong thư cũng được. 
- Tôi hiểu! Anh yên tâm. 
Ông Thành đọc bức thư rồi gấp lại, nhét trong ngăn ví và cất vào túi. Cách thức liên lạc này tôi đã từng nghĩ tới. Nếu nhận được thư, anh Hai Nguyên hoặc các cán bộ tham gia chỉ đạo TK1 sẽ hiểu ngay vấn đề. Còn lỡ nó lọt vào tay địch, thì chỉ những kẻ biết rõ việc tôi sống ở đây và biết bức thư này tôi viết, mới nghi ngờ nội dung. Nhưng tôi tin ở ông Thành và hiểu được rằng, nếu không có lòng tin ở con người thì chẳng làm nên việc gì cả. 
Tôi nói với ông: 
- Quả thực, cháu rất ngạc nhiên khi thấy ông Tùng lên đây! 
- Ông ấy không có ẩn ý gì đâu!
- Cháu biết! Một vị đại tá không đến nỗi phải đích thân di do thám, nhưng dù sao cũng rất khó hiểu. 
- Ông Tùng lên không phải vì anh, cũng không phải vì tôi hay con Thủy lôi kéo, mà chỉ vì ông ấy đang muốn tự chiêm nghiệm lại bản thân mình. Tất nhiên trong lớp người như ông Tùng, không phải ai cũng như vậy. Nhưng nội tâm con người vốn rất phức tạp. Anh cứ coi đây là một trường hợp đặc biệt. Tôi biết mấy năm gần đây ông ấy có nhiều trăn trở trong cách nhìn nhận về cuộc chiến... 
Tôi còn muốn hỏi thêm nhưng ông Tùng và cô gái đã lên tới. 
Mặt trời chênh chếch dọi nắng lên chỗ bàn đá. Chúng tôi ngồi xuống bãi cỏ nơi có bóng râm, tiếp tục trò chuyện. Khi nghe tôi hỏi về diễn biến hội nghị Paris, ông Tùng nói: 
- Vẫn tiếp tục, nhưng chưa có gì mới. À, anh lên đây mấy năm? Hai phải không - Thấy tôi gật đầu, ông nói tiếp - đúng là chẳng có gì mới trong thời gian đó. Tướng Thiệu bắt buộc phải cử một phái đoàn sang để đối diện với Mặt trận Giải phóng. Dĩ nhiên đó là ý người Mỹ chứ ông ta chẳng vui vẻ gì! 
Tôi hỏi: 
- Theo đại tá, hội nghị Paris sẽ đi đến đâu? 
- Thì cũng phải tiến tới một kết cục nào đó chớ! Nhanh hay chậm là còn tùy ở hai phía, Mỹ và Hà Nội. Anh biết rồi, cái gọi là "bốn bên" chỉ là hình thức. Nhưng cuộc chiến kết thúc như thế nào, theo tôi cuối cùng vẫn phải quyết định trên chiến trường. Vừa rồi, tướng Thiệu mở cuộc hành quân Lam Sơn cũng nhằm ý đó. Ông muốn tạo một hành lang chiến lược dọc theo đường Chín, cắt đứt tuyến tiếp tế của Hà Nội, cái đường... Trường Sơn đó! Nếu làm được, ông ta sẽ có tiếng nói mạnh trên bàn hội nghị, và có giá với Hoa Kỳ. 
Tôi thấy ông Tùng chỉ gọi "tướng Thiệu” chứ không gọi tổng thống, nhưng không quan tâm đến điều đó, chỉ háo hức hỏi: 
- Thế rồi kết quả ra sao? 
- À… Tất nhiên chúng tôi phải thắng chớ! Đại tá chỉ huy hành quân bị bắt làm tù binh, nhưng chúng tôi vẫn thắng! Thắng ở trên đài trên báo! - Giọng ông chua chát - Phía các anh tham chiến với cả tăng T34 và đại pháo, còn hỏa lực phòng không thì dày đặc. Tôi thấy có vẻ lần đầu tiên các anh tổ chức tác chiến hiệp đồng binh chủng, quy mô không lớn nhưng hiệu quả... 
Cũng với cách nói tưng tưng, ông kể thêm về tình hình chiến sự, tất nhiên từ góc nhìn của ông. Tôi như mở cờ trong bụng. Được biết những tin tức đó, nhất là khi nghe chính ruột đại tá ngụy nói, thật thú vị.
Ông Tùng lại vớ cái ly và chai rượu còn non nửa. Từ đầu tới giờ ông uống là nhiều, tôi với ông Thành chỉ nhấp môi gọi là. 
Cô gái can: 
- Bác đứng uống nữa! Hồi tới giờ bác uống nhiều rồi... 
- Nhâm nhi cho vui chớ ăn nhằm chi ba cái thứ rượu ngoại này! 
- Bác uống nhiều thế, làm sao bay được? 
- Cái con này! Hôm nay phải để bác xả hơi chút chớ! Mày đưa tao đi thì phải lo chở về... 
- Là nói... bay dài dài đó. Chớ cháu đâu dám bỏ bác lại đây? Về dưới chết với bác gái à! Mà bác gái biểu dạo này bác hay uống rượu một mình... 
- Ôi nghe bả làm chi! Mà... tao hết ham bay rồi. À này, ông quay sang nói với tôi - Cái thứ cá nướng của anh đó, nhậu với ba xị đế là phải biết! Còn ngon hơn cá lóc lụi rơm. Anh nhậu thứ đó bao giờ chưa? - Giọng ông ngà ngà. 
- Tôi có nghe kể mà chưa được ăn lần nào. - Tôi cười đáp.
- Chậc! Nếu có dịp, mời anh về quê tôi. Tôi sẽ tự tay bắt cá làm cho anh nhậu một bữa. Mà anh biết sao không? Phải nhậu giữa đồng, lúc sắp tắt nắng ấyl Lúc đó gió biển lồng lộng, ta ngồi giữa mênh mông trời đất, nhìn chỏm nắng trên đọt dừa, ngắm đàn cò bay về tổ, người khói đốt đồng thơm mùi rạ cháy, tay nâng ly đế trong như mắt mèo đưa lên ngang mắt ngắm qua một chút rồi mới tợp một ngụm, rồi xé miếng lóc nướng thơm phức kẹp với rau sống, thêm ngọn rau thơm, lùa vô đầy miệng nhai mới đã! Lại cắn thêm trái ớt xanh nữa... Ối! Phải biết nhá! 
Cô gái cười rúc rích: 
- Nghe bác kể mà bắt thèm! Hôm nào đi, bác nhớ kêu cháu theo với...
- Mày thì biết gì! Nhậu như vậy phải gặp tri âm tri kỷ mới đã à nghen! - Ông Tùng mắng cô gái rồi quay sang nói với tôi - Con người ta kể cũng lạ! Như tôi ăn uống đâu thiếu thứ gì, vậy mà vẫn thèm được một lần như thế. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in cảnh ông già tôi ngồi nhậu với bạn vào những buổi chiều...

Ông ngừng lời, xoay xoay ly rượu trong tay rồi chợt nâng lên ực một cái hết cạn. Tôi nhận thấy nãy giờ ông nói đặc giọng Nam Bộ. 

- Thỉnh thoảng đại tá nên nghỉ “việc binh", tổ chức một buổi nhậu như thế. - Tôi nói với ông. 
- Nhằm nhỏ gì anh! Bay một chiếc trực thăng tới vùng đồng nào đó, tất nhiên là liên hệ trước với đồn binh ở đó để khỏi lo du kích bắn tỉa... Rồi đám đệ tử lăng xăng, chúng mang theo đủ thứ... Tôi đã thử mấy lần và hiểu ra là một niềm vui bình dị như vậy chỉ có được khi người ta sống mộc mạc thanh thản... 
- Thế giờ đại tá còn ai ở quê không ạ? 
Ông Tùng cúi xuống nghiêng chai róc rượu vào ly mình, lát sau mới kể:
- Ba má tôi bị bịnh mất lúc tôi mười bốn tuổi. Tôi dắt thằng em lên Sài Gòn nhờ ông chú họ nuôi đi học. Nhà tôi có trước mảnh vườn chưa đầy công đất, dựng xong ngôi nhà lá còn trồng được mấy hàng cau... Khi hai anh em tôi dắt díu nhau đi, ngôi nhà đã nát nhưng hàng cau vẫn còn. Sau này về cau già chết hết. Tôi nhờ bà con dựng lại nhà để đặt bàn thờ ba má tôi, và trồng mấy hàng cau như cũ, có người anh họ tới ở để trông coi. Lâu lâu có dịp, tôi về nhậu với ổng một bữa. - Ông tợp thêm ngụm rượu rồi kể tiếp, giọng ngùi ngùi - Cách đây… ờ, phải hơn ba năm rồi, tôi về quê, thấy... cháy hết. Ngôi nhà cháy rụi, ông anh họ chết cháy trong đó. Còn thấy hàng cau cây cháy sém, cây cháy đen... Bom napan! Việt Cộng các anh đâu có thứ đó! Cũng biết chiến tranh là vậy mà sao thấy... buồn quá? 
Câu chuyện của ông ngừng lại ngang đó. Chúng tôi ngồi im lặng, mỗi người miên man theo ý nghĩ của mình. 
Tôi liếc nhìn nét mặt trầm ngâm của ông Tùng, cố đoán xem vì sao ông lại kể những điều ấy ra với tôi, một người mới gặp lần đầu, mà lại là một người lính của phe đối địch? Có phải khi ngồi giữa rừng, người ta dễ cởi mở thẳng thắn với nhau hơn? Cũng có thể khi ở giữa thiên nhiên hoang dã, không cần phải lừa lọc dồi trá toan tính, không e ngại những mưu mô cạm bẫy, con người trở nên trong sạch hơn và sống thật với chính mình... 
- Anh Hải, cho em mượn chiếc lược! - Tiếng cô gái cắt ngang dòng suy nghĩ. 
Tôi trả lời: 
- Ở trên nhà, cô lên đó lấy! 
- Em lên được không? 
- Sao lại không? Có bí mật gì đâu mà cô lo? 
Tôi cười đáp và hơi ngạc nhiên. Chẳng phải cô lên lấy bát đĩa xuống dọn cơm đó sao? Chắc lại kiếm cớ nói chuyện riêng đây. 
Lát sau nghe tiếng cô gọi với xuống: "Anh để ở đâu em tìm không ra...". Tôi đành xin lỗi hai vị khách, chạy lên. 
Bước vào nhà, thấy cô ngồi xệp giữa sàn, hai chân xếp nghiêng một bên, đang cầm lược thong thả chải tóc. 
- Biết ngay là cô lại có âm mưu gì đây? - Tôi đùa.
- Đâu có! Em chỉ muốn coi anh sống thế nào. - Cô đáp dịu dàng, mái tóc dày che nghiêng nửa khuôn mặt. 
- Chẳng phải cô lên đây rồi sao? 
- Em lên hồi nào? - Cô ngạc nhiên. 
- Lúc lấy bát đĩa xuống dọn cơm? 
- Ối! Anh đa nghi quá? - Cô cười rũ - Ba em lấy đó? Em là con gái, ai lại tự tiện vô nhà con trai được. Nhưng... đúng là em có chuyện muốn nói với anh thật. - Cô bỏ lược xuống, nhìn tôi đăm đăm. 
- Có gì cô Thủy cứ nói đi? 
- Anh Hải! Hay là anh về dưới với em... ì, không phải! Em muốn nói là... anh về dưới đó rồi tìm cách móc để ra... Chớ ở đây anh sống cực quá hà! 
- Sao trước cô nói ở đây đẹp như cõi tiên? - Tôi hỏi, cốt để có thời gian suy nghĩ. 
- Thì... đẹp thiệt chớ bộ. Có điều anh sống một mình, lỡ ốm đau làm sao? Anh chẳng đã kể có lần suýt chết là gì? Mà em thấy anh còn yếu lắm, biết lúc nào mới đủ sức trở về? 
Quay mặt ra cửa để tránh ánh mắt của cô, tôi nói nho nhỏ: 
- Tôi có nghĩ tới điều đó, nhưng không thể! 
- Sao vậy anh? 
- Tôi là người lính, không quen cuộc sống đô thành, về dưới lớ ngớ là bị bắt liền. Lúc đó sẽ rất nguy hiểm cho bác và cô. 
- Em biết những người như anh đâu chịu rời bỏ mục đích của mình. - Cô cúi đầu, mái tóc chảy dài xuống ngực - Em chỉ muốn làm được việc gì đó để giúp anh... 
- Cám ơn cô Thủy? Mà sao bác và cô lại tốt với tôi đến vậy? Tôi cảm động. 
Cô ngẩng đầu nhìn tôi lém lỉnh: 
- Bộ anh nghĩ trên đời chỉ mình anh tốt thôi sao?
- Không phải như vậy, nhưng... 
- Anh biết trước lúc lên đây, bác Tùng dặn em sao không 
- Ông nói gì? 
- Bác ấy biểu, lên hỏi anh nghĩ sao nếu có một chuyến trực thăng chở anh tới nơi nào đó gần bên... Cách mạng? 
- Ông ấy nói vậy ư? - Tôi thốt lên kinh ngạc. 
- Bác ấy thiệt tình đó anh! Sắp xếp một phi vụ như thế đói với bác ấy đâu có khó! 
- Nhưng sao ông lại làm vậy? Cứ cho là... bác ấy có cảm tình với anh! Hoặc anh nghĩ... ông làm vậy vì em cũng được, đâu có sao? - Ánh mắt cô lại hiện lên vẻ tinh nghịch. 
- Như vậy… nguy hiểm lắm! 
- Anh đừng lo? Em đâu dám lừa để bắt cóc anh về dưới đê! Lỡ giữa đường anh biết, anh làm "không tặc" thì chết em à! 
- Tôi không nói vậy? Nhưng... cô không sợ đạn của Quân giải phóng bắn vào máy bay ư? Bác giờ chỉ còn mình cô... 
- Anh lúc nào cũng chỉ nghĩ đến người khác... - Cô thở dài. 
Tôi cười: 
- Không hẳn! Máy bay rồi thì tôi cũng chết. Hoặc cứ cho là không bị bắn, nhưng về lại dưới đó cô sẽ nói sao với tụi an ninh? Một chuyến bay như vậy không qua mắt tụi nó được. Lúc đó ông Tùng cũng không che chở nổi. Tôi không muốn... người khác vì tôi mà gặp nguy hiểm.

Cô gái ngồi lặng lẽ, lát sau mới nói: 

- Anh biết hồi trước ba nói với tụi em sao không? Là nói có cả anh Trà đó. Ông biểu: Bây ham gì thì ham, nhưng phải ráng sống sao cho có ý nghĩa... Lúc đó em đâu hiểu hết lời ông nói, em chỉ ham bay thôi à! Em bay trên mây và tội nghiệp cho mấy nhỏ bạn đi biểu tình sinh viên bị xỉu hơi cay... Giờ em muốn làm được một việc gì đó, mà sao thấy khó quá... 
Tôi tần ngần nhìn cô, định nói đôi lời an ủi nhưng cứ lúng túng mãi. Có lẽ nói ra điều gì lúc này cũng đều sáo rỗng. Cuối cùng lại chỉ hỏi: 
- Cô vẫn chưa giải thích vì sao ông Tùng lại bảo như vậy? 
- Em đâu biết! Anh xuống hỏi thử coi! 
Lại khúc khích cười. Và chừng như nhìn thấy vẻ mặt đăm chiêu của tôi, nên cô nói tiếp: 
- Thiệt tình lúc đó em cũng ngạc nhiên lắm. Em hỏi, bộ bác mê Việt Cộng rồi sao? Ông mắng em một trận te tua luôn à! Mãi sau bác ấy mới nói: "Chẳng qua tao khâm phục những người lính can đảm". Bác ấy còn biểu... Mà thôi, em không nói nữa đâu! 
- Sao ông không tự nói với tôi? 
- Em không biết! Có thể bác ấy cũng có tự ái chớ! Tự dưng một đại tá của không lực lại đi năn nỉ: "Anh lên đây, tôi chở anh qua bển..." Và đừng tưởng anh đã thuyết phục được bác ấy đi theo Việt... theo bên...
- Cô cứ nói đại Việt cộng, không sao đâu! 
- Thì để em tập cho quen. Lỡ sau này gặp chú mà cứ quen miệng, chú mắng em chết! - Cô che miệng cười, đôi mắt đen láy cũng cười theo.
Có tiếng rào rào trong đám lá trên mái nhà. Tôi giải thích khi thấy cô nhìn lên: 
- Lũ khỉ về đấy! Hôm nay chúng về sớm, chắc biết nhà có khách. 
- Hay quá! Em có đem chuối lên... 
Cô vớ chiếc cặp ba lá cặp vội mái tóc, lao ra khỏi nhà nhảy xuống cầu thang. 
- Gì vậy con? - Ông Thành ngạc nhiên hỏi. 
Cô gái không đáp, vội vã lôi từ trong túi xách ra mấy nải chuối chín vàng. 
Những con khỉ lúc đầu có vẻ rụt rè, nhưng sau cũng chứng tỏ là chúng không hề khách khí, khiến các vị khách hết sức hài lòng và vui vẻ khi nhìn chúng nhảy nhót trên bãi cỏ rồi rít chia nhau những quả chuối tiêu vàng hươm. Tuy vậy hôm nay trông lũ khỉ từ tốn hẳn ra. Không phải chúng biết giữ ý trước khách, chẳng qua chuối còn nhiều, đâu có gì phải vội. 
Cây ngàn lao xao trong nắng chiều vàng nhạt, vài cụm mây trắng trôi lững lờ qua khoảng trời ló ra giữa những vòm cây. Trong muôn ngàn âm thanh êm đềm của rừng chiều, thỉnh thoảng lại có tiếng chim vút lên tan vào thinh không. Thiên nhiên lúc này đủ sức làm mềm lòng bất cứ ai... 
Ông Thành nhìn đồng hồ rồi nói với tôi: 
- Anh Hải này! Anh cho chúng tôi đi thăm mộ và thắp hương cho các anh ấy. Hôm trước về vội quá, tôi cứ áy náy mãi... 
Tôi cảm động: 
- Vâng! Nhưng... 
Thấy tôi ngập ngừng, ông Tùng nói ngay: 
- Anh yên tâm! Tôi luôn kính trọng những người lính dũng cảm. Việc này chúng tôi đã bàn với nhau trước khi lên đây! 
Tôi xem đồng hồ thấy đã hơn ba giờ chiều, bèn nói với ông Thành: 
- Nếu vậy ta xuống đó, rồi bác và đại tá về luôn kẻo muộn. 
Cô gái bảo tôi:
- Em có mang lên cho anh mấy thứ lặt vặt, để đem lên nhà. 
Ông Thành cùng con gái đem mấy gói đồ và chiếc thùng giấy lên trên nhà. Tôi mượn lại ba chiếc túi, ra sau gốc đa chất đầy ba túi trầm khệ nệ xách vào: 
- Có ít trầm biếu bác và đại tá! 
Ông Thành áy náy: 
- Anh cho nhiều quá! 
- Có gì đâu bác! Quà của rừng mà! 
Chúng tôi ra chỗ máy bay đỗ. Cô gái leo lên ghế lái. Ông Tùng bảo tôi ngồi ở ghế trước, rồi cùng ông Thành bước lên cửa hông. Tôi bồng con báo bỏ lên máy bay, nhưng nó lồng lộn tuột khỏi tay tôi, vùng chạy vào đến bìa rừng thì dừng lại, cúp đuôi đứng nhìn ra. Tiếc quá! Định để nó đi máy bay một lần cho biết, mấy khi có dịp! 
Chiếc trực thăng nhớm càng bay lên. Từ trên cao, tôi ngỡ ngàng nhìn cánh rừng nơi mình ở và cố hình dung xem lúc trước, với tư thế nào mà tên lính ngồi ở vị trí này đã nhắm bắn tôi bằng khẩu súng hiện giờ tôi đang cầm trong tay. Chưa kịp nghĩ ra thì máy bay đã đến nơi. Tới chỉ cho cô gái đáp xuống bãi cỏ, cách ngôi mộ đá chừng bảy chục mét.
Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng sẽ có lúc mình đến thăm mộ bằng máy bay. Cũng loại trực thăng như chiếc đã tấn công chúng tôi ngày nào, nhưng con người thì khác. Hôm nay họ đến đây với tư cách bạn bè, kể cả ông đại tá kia nữa. 
Tôi đốt trầm rồi quỳ một chân trước tấm bia, mắt đăm đăm nhìn những phiến đá màu nâu trơ mòn mưa gió. Ba người khách lần lượt thắp hương trên mộ, kính cẩn bỏ mũ đứng cúi đầu. Dưới nắng chiều nhàn nhạt, cả vùng đồi cỏ mênh mông vắng lặng, nghe rõ tiếng gió lùa vi vu trên ngọn thủy tùng và tiếng chim vẳng ra tử cánh rừng trước mặt. Trong khoảnh khác này tôi quên hết mọi sự vật xung quanh và không còn nhớ tới nhũng người đang đứng sau lưng. Tâm trí tôi như bay theo khói hương trầm nghi ngút, trở lại với những tháng ngày chúng tôi còn bên nhau. Ước gì các anh hiện ra từ làn khói trắng mờ kia, dù cbỉ một giây thôi. Lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ chẳng làm các anh sống lại được...

Cô gái cất tiếng nói sau lưng tôi, giọng nhẹ như làn gió thoảng: 

- Mấy lần bay qua đây em đều nhìn thấy ngôi mộ, mà nghĩ mãi không biết tấm bia làm bằng gì. Có phải của chiếc trực thăng ấy?... 
Tôi đứng dậy nhìn cô, im lặng gật đầu. Cô mấp máy môi định nói gì đó nhưng lại thôi, đôi mắt ươn ướt buồn bã. 
Ông Tùng bước tới đưa tay rờ rẫm những dòng chữ đục trên đoạn cánh quạt, khuôn mặt như tạc bằng những nhát đẽo giờ trông tư lự và khắc khổ. Ông Thành vẫn lặng lẽ đứng cúi đầu, gió thổi những sợi tóc hoa râm rung rung. Tôi chợt nhận ra rằng, bên cạnh cây thủy tùng vươn cao đồ sộ và hùng vĩ, và trong cảnh đìu hiu của vùng sơn nguyên hoang dã mênh mông, bốn con người chúng tôi mới nhỏ bé làm sao...
Có tiếng thở phì phì bên cạnh khiến mọi người cùng giật mình. Thì ra con báo, nó chạy tới từ lúc nào chẳng ai thấy. Sao nó tài thế nhỉ? Đã đành ba cây số đồi núi đối với sức lực và tốc độ của nó chẳng đáng là bao, nhưng làm sao con báo biết chúng tôi tới đây? Chắc nó chạy lên mỏm đồi nào đó đứng nhìn theo. 
Con báo tới cọ đầu vào chân cô gái, hiền như một chú mèo ngoan. Cô thụp xuống vuốt ve nó, mặt rạng rỡ, mắt ngời hãnh diện. Đâu phải ai lên đây cũng đều được con dã thú quyến luyến đến thế. Bất cứ cô gái nào có lòng yêu thương loài vật đều mong muốn có những giây phút đáng tự hào như vậy. 
Thấy chiều đã muộn, ông Thành giục con gái: 
- Thủy, chuẩn bị về thôi con! 
Cô quay lại nói với tôi: 
- Để em đưa anh lại nhà! 
- Không cần đâu! Cô sắp xếp về kẻo muộn. - Tôi trả lời rồi cúi xuống vun cho những miếng trầm cháy hết và cắm lại mấy cây hương bị nghiêng, những cây hương lần đầu được cắm tại đây. 
Lúc ngẩng lên, thấy ông Thành và con gái đã tới gần chiếc trực thăng. ông Tùng vẫn đứng đợi tôi. Tôi cùng ông bước chầm chậm qua những hố đạn ngập cỏ ông hỏi: 
- Con Thủy có nói với anh rồi phải không? 
- Vâng! Dù sao cũng xin cám ơn đại tá! - Tôi hiểu ông muốn nói gì nên trả lời như đang tiếp tục một câu chuyện nói dở. 
- Rất tiếc là không giúp gì được cho anh? - Ông Tùng nói - Sắp xếp để anh sống ở Đà Nẵng hay Sài Gòn, điều đó tôi làm được. Nhưng những người như anh đời nào chịu như thế. Còn bố trí để anh trở về bên kia thì đành chịu. Ở vị thế tôi lúc này, không thể móc được với người bên ấy... 
Rồi ông chợt nói nhanh, giọng nghiêm trang và buồn buồn: 
- Trong cuộc chiến này, cuối cùng các anh sẽ thắng. Tôi biết điều đó từ khi thấy Hoa Kỳ buộc phải ngưng ném bom miền Bắc và rút dần quân về để ngồi hòa đàm. Nhưng các anh lấy đâu ra sức mạnh như vậy để tồn tại và chiến thắng, có lẽ đến hôm nay tôi bắt đầu hiểu ra, khi nhìn tấm bia mộ làm bằng cánh quạt trực thăng. Chứ những lời lẽ của anh chưa đủ thuyết phục tôi đâu!
- Vâng! - Tôi đáp gọn. 
- Nói gì thì nói, tôi vẫn không ưa cộng sản. - Ông nói tiếp! Có thể tôi sai. Có thể sau này, nếu các anh tạo dựng được một xã hội tốt đẹp hơn thì thế hệ đời cháu đời chắt tôi chúng sẽ theo, chứ tôi không thể. Ở tuổi tôi những gì đã hằn sâu trong óc là khó thay đổi. - Nói đến đây ông cười buồn. Thế giờ đại tá tính sao? Tôi hỏi cho có hỏi, chứ không nghĩ là ông sẽ trả lời. Hai chúng tôi đứng lại bên mép một hố đạn. Ông nhìn tôi rồi cúi đầu trầm ngâm, lát sau mới chậm rãi nói: 
- Tôi sẽ về hưu. 
- Những người như đại tá đâu dễ muốn nghỉ là nghỉ? 
- Việc đó không khó! Tôi có bạn bè ở quân y. Hơn nữa... Hiện giờ ông Thiệu đang chạy đua một ngựa để giành ghế tổng thống, tướng Kỳ bị đẩy ra khỏi chính trường, chỉ còn ôm chức tư lệnh không quân mà ấm ức. Vì vậy ông Thiệu muốn đưa tay chân của mình vào nắm giữ các lực lượng chủ chốt trong không lực, ổng sợ lỡ ông Kỳ nổi khùng. Tôi cùng thế hệ với tướng Kỳ, cũng lớp phi công được đào tạo tại Pháp. Nếu lúc này xin nghỉ, ông Thiệu sẽ "ô kê" ngay để thế người vào... - ông bỗng ngẩng đầu nhìn tôi - Ờ... Thiệt lạ! Sao tôi lại đi nói với anh những việc này nhỉ? Ngay cả ông Thành tôi cũng chưa nói. Còn bà nhà tôi mà nghe vậy, bả mừng phải biết! 
- Lúc ở giữa rừng, con người thường cởi mở và thẳng thắn với nhau hơn. - Tôi cười, hỏi tiếp - Thế sau đó, đại tá định làm gì? 
- Tôi sẽ sang Canađa với chú em. Chẳng phải tôi ưa gì cuộc sống nơi đất khách quê người, nhưng ở đây tôi đâu còn ai thân thích ruột thịt! Anh biết đó, ngay cả cái bàn thờ ông bà cha mẹ, tôi cũng không giữ được... Sang bên đó còn có mấy đứa cháu. Chả lẽ lúc cuối đời chỉ có thân già trơ trọi! Này! - ông chợt cao giọng - Anh đừng tưởng vì gặp anh nên tôi quyết như vậy đâu nghen? Đáng ra tôi đã làm điều ấy lâu rồi ông lại cúi đầu đăm chiêu. 
- Tôi hiểu! Và tôi biết vì sao đại tá lại dùng dằng như thế. 
- Anh nói thử coi! 
- Là người linh, đại tá không muốn bị xem như kẻ chạy trốn hèn nhát. Nếu phía các ông đang thắng thế, chắc đại tá sẽ ra đi nhẹ nhõm hơn. ông Tùng ngẩn người nhìn tôi: 
- Không ngờ anh hiểu được như vậy! 
- Còn một điều cuối cùng, tôi sẽ nói nếu đại tá không giận. 
- Anh cứ nói! 
- Đại tá vào lính từ khi tôi chưa được sinh ra, vì vậy điều sắp nói chắc sẽ làm đại tá mếch lòng. Nhưng tôi cũng xin lấy hết can đảm để nói rằng, đối với người lính có lúc việc rút lui lại đòi hỏi lòng can đảm lớn hơn bất kỳ mọi sự can đảm nào, hơn cả lúc ngồi dưới những trận bom hay bay trên vùng hỏa lực phòng không dày đặc của đối phương. Theo tôi, nếu không dám làm một việc mà mình nghĩ là đúng, thì với lý do gì đi nữa, cũng vẫn là hèn nhát.

Ông Tùng cười buồn: 

- Anh lại khích tôi phải không? 
- Không! Tôi nói thẳng thắn vì biết đại tá thích như vậy! Nếu coi thường đại tá, tôi đã không nới. Sắp chia tay nhau và không biết có còn gặp lại nữa hay không, nên tôi đâu muốn để lại một ấn tượng xấu trong suy nghĩ của đại tá! 
- Ồ không! Tôi không giận anh đâu! Nào, bắt tay anh lần cuồl, anh lính Việt Cộng! 
Chúng tôi bắt tay nhau. Bàn tay ông to và cứng cáp như đã từng cầm cuốc cầm phảng. 
- Về dưới đó, đại tá cho tôi gởi lời thăm... bác gái? 
Tôi nói, hơi ngắc ngứ khi dùng từ. Gọi "bà nhà" thì thô lỗ, còn nói "đại tá phu nhân" lại quá trịnh trọng. Vì vậy, tôi rất yên tâm khi thấy ông Tùng tươi hẳn nét mặt. Không nói gì thêm, ông lắc tay tôi lần cuối rồi quay người đi vòng qua đầu máy bay leo lên ghế lái phụ. 
Tôi tới bên ông Thành, cố giữ vẻ mặt bình thản. Ông bắt tay và ôm lấy tôi, nói giọng nghẽn nghẹn: 
- Mạnh giỏi nghe anh Hải! Gắng mạnh giỏi mà trở về! 
- Vâng! Cháu... cảm ơn bác? - Tôi không dám nói nhiều, sợ bật lên thành tiếng khóc. 
Ông vỗ vỗ vào lưng tôi rồi buông ra, bước chầm chậm đến bên máy bay. 
Cô gái nãy giờ ngồi vuốt ve con báo, lúc này mới đứng dậy, miệng cười mà như mếu: 
- Anh lính Giải phóng không bắt tay em sao? 
Tôi mỉm cười, chìa tay nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn, mềm và ấm. 
- Liệu còn gặp nhau nữa không anh? - Cô ngước nhìn tôi đôi mắt mọng nước. 
- Sao lại không? - Tôi nói cứng, cố giữ cho giọng khỏi run - Lúc nào hòa bình, tôi sẽ vào Đà Nẵng thăm... bác và cô. 
- Anh Hải nhớ nghe! Thôi, em đi đây? Đứng lại chút nữa chắc em... khóc òa lên liền à! - Cô rút tay khỏi tay tôi, đi thẳng đến bên máy bay và leo lên ghế lái. 
Tôi cầm ngang cây súng, đứng dạng chân trên bãi cỏ, gió thổi đuôi tóc dài khét nắng bay lất phất ra trước mặt. Không phải tôi muốn tỏ ra ngang tàng, mà đang cố ghìm người đứng thật vững để khỏi khuỵu chân ngồi phịch xuống đất, để khỏi bật khóc trước khi chiếc trực thăng kia bay đi, đế những người trên đó không nhìn thấy giây phút yếu đuối của mình. Tôi vừa từ chối con thuyền đến đưa tôi ra khỏi trùng dương rừng rậm, chỉ vì nó không đi về hướng mình đã định. Liệu có quá dại dột khi từ chôn một sự cứu giúp chân thành như vậy? Liệu có quá mạo hiểm khi muốn tự mình vùng vẫy để thoát ra khỏi điệp trùng núi non vây bủa như lớp lớp sóng dồn trong cơn biển động? 
Động cơ nổ. Từ trong máy bay có ba bàn tay vẫy chào qua lớp bụi mù mịt. Không như mọi lần, chiếc trực thăng bay sạt qua bãi cỏ rồi đột ngột vọt lên trên ngọn cây nơi bìa rừng và nhanh chóng biến mất trong tầm nhìn. Tôi thả người ngồi phịch xuống cỏ, chân tay rã rời...
Hôm đó tôi về tới nhà lúc nhập nhoạng, và bỗng ứa nước mắt khi nghĩ rằng giờ này những người khách cũng đã về đến nhà. Góc rừng vắng vẻ đang tối lại. Mấy con khỉ đã đi ngủ. Phía tây ráng chiều đỏ rực. Nhìn qua ngọn cây, cứ tưởng như có cả một góc trời đang cháy.



< Trước     Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét