Chương VI
Ngày thứ mười hai. Chúng tôi qua khỏi rừng lim
lúc cuối chiều và dừng lại nghỉ trên một mỏm núi nhỏ. Cũng như hôm qua, ráng
chiều lại đỏ rực khi hoàng hôn xuống, nhuốm lên cánh rừng lim đại ngàn một màu
lửa dữ dội. Anh Đằng chép miệng: "Kiểu này là sắp có mưa to? À này, các cậu
nhớ uống thuốc phòng sốt rét, bắt buộc đấy! Không thể chủ quan được đâu?"
Tôi hiểu nỗi lo lắng của anh. Những trận mưa rừng
dầm dề thường thổi bùng lên cơn sốt rét tiềm ẩn trong cơ thể của người sống nhiều
ngày trong rừng. Chúng tôi đang lọt thỏm giữa núi cao rừng rậm, một người ốm
lúc này sẽ là trở ngại rất lớn cho chuyến đi. Rất may từ đầu tới giờ chưa có sự
cố nghiêm trọng nào xây ra. Cái móng chân của tôi sau vài lần đắp lá thuốc đã
lành lẳn, còn vết trăn cắn trên tay anh Hùng cũng khô dần, không bị nhiễm
trùng. Nhưng chặng đường sắp tới sẽ rất gian khổ, chỉ nhìn trên bản đồ cũng thấy
địa hình phức tạp hơn nhiều.
Hôm nay không phải đi tìm nước vì lúc sáng mỗi
người đã đem theo khoảng năm lít nước đựng trong túi phao bồi. Trong lúc mọi
người dựng lều, anh Hùng xách súng đi vào rừng bắn được một con nhím khá lớn.
Chúng tôi dốc hết số gạo còn lại, đủ nấu bữa cơm cuối cùng. Như vậy lương thực
dự trữ chỉ còn lương khô, gạo sấy. Nhưng cái ăn không đáng ngại, điều lo nhất
lúc này là làm sao đi cho đúng hướng. Càng đến gần tọa độ tìm kiếm, mọi người
càng thấy sốt ruột và hồi hộp. Giữa mênh mông rừng núi, việc tìm ra cánh đồng cỏ
chỉ rộng chừng ba, bốn cây số được nhận biết qua bức ảnh chụp từ rất cao, là điều
không đơn giản chút nào. "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", ở chốn
hoang sơ biết bao điều rủi ro có thể xảy ra. Chúng tôi tin vào kinh nghiệm và bản
lĩnh của chính mình, nhưng chẳng ai dám nói lường trước được mọi việc. Số phận
của chúng tôi không chỉ là cuộc sống của từng cá nhân, nó gắn liền với nhiệm vụ
được giao, với lòng tin của nhiều người. Nghĩ vậy nên ai cũng lo lắng đến nôn
nao...
Tối đến, chúng tôi đốt hai đống lửa ở hai bên
lều để có hơi ấm. Mấy hôm nay trời nửa đêm về sáng rất lạnh, cái lạnh trên miền
núi cao buốt như kim châm làm tôi trăn trở mãi, dù bao giờ cũng được ưu tiên nằm
giữa. Trong lúc này, giấc ngủ sau một ngày mệt nhọc cũng quan trọng chẳng kém
gì thức ăn nước uống.
Đêm đó trên đỉnh dốc, tôi ngủ được một giấc thật
say, chỉ tỉnh dậy khi nghe tiếng chim ríu rít hót vang rừng.
Chúng tôi ra khỏi lều. Trời hãy còn tối mờ,
sương giăng khắp rừng và mây quấn bên sườn núi. Hai đống lửa đã gần tàn, chỉ
còn lại vài sợi khói bay lên từ đống than hồng phủ lớp tro cháy trắng. Ở phương
nam, nền trời màu xanh đen chuyển dần sang xanh nhạt rồi vàng cam. Đến lúc đó,
mặt trời mới tử từ nhô lên, to như cái mâm lửa đỏ rực.
Anh Đằng vun những cục than đang cháy nướng chỗ
thịt nhím hôm qua còn lại để ăn sáng. Khi nắng xua hết sương, chúng tôi mới
khoác ba lô ra đi.
Chặng đường hôm nay là leo lên quả núi xanh đậm
trước mặt. Sườn núi không dốc nhưng khó đi vì cây rậm quá. Dưới những tán cây cổ
thụ là vô số loài cây thấp um tùm. Dương xỉ mọc chen với cỏ và dây leo phủ kín
mọi khoảng đất trống. Dù đang mùa nắng, nhưng cây cối ở đây xanh tươi hơn nhiều
so với những cánh rừng gần biên giới. Chúng tôi phải hai người thay phiên nhau
đi trước vung dao mở lối, quá trưa mới đến đỉnh, lại thấy ngay quả núi khác sừng
sững chắn ngang trước mặt.
Khoảng hai giờ chiều, lúc mới xuống lưng chừng
sườn núi thì trời lặng gió hẳn. Cây cối đứng im phăng phắc. ánh nắng phả hơi
nóng hầm hập làm không khí trở nên ngột ngạt, nặng nề.
Mươi phút sau gió bắt đầu nổi lên, thoạt đầu
chỉ hơi rao rao mát, nhưng lát sau đã cuốn ào ào kéo theo từng đám mây đen đặc
nhanh chóng phủ kín bầu trời. Cả khu rừng thoáng chốc tối sầm lại, cành cây vật
vã rung lá rụng tơi tả. Mấy tia chớp loằng ngoằng sáng rực trên nền mây đen kèm
theo tiếng sấm dội rền vách núi. Những hạt mưa bắt đầu rơi lộp độp trên lá.
Chúng tôi vừa nép dưới một vòm cây rậm kéo tấm
tăng che lên đầu thì mưa đã dội xối xả. Vô vàn những giọt nước từ trên cao rồi
chéo xuống dày đặc, tạo thành bức màn trắng mờ mịt phủ khắp núi rừng. Gió cuộn
từng đợt, thổi những đám bụi mưa bay là là như khói.
Không còn thấm kịp vào đất, nước đọng lại
thành vũng rồi tràn ra tạo nên vô số dòng chảy nhỏ len xách qua các gốc cây đổ
về chỗ thấp. Tiếng mưa sầm sập như nước xối, tiếng gió rít ù ù và thỉnh thoảng
chen vào là tiếng sét đinh tai kèm theo những ánh chớp chói lòa, làm cho cơn thịnh
nộ của đất trời càng thêm dữ dội. Cây rừng run rẩy. Những dãy núi nhòa đi trong
mưa. Mọi con vật trong rừng đều nép mình lẩn trốn.
Bốn chúng tôi đưa tay đỡ bốn góc tấm tăng, chốc
chốc lại nghiêng xuống trút nước đọng nặng trìu. Thật chả bù cho mấy ngày trước
phải hứng từng giọt sương để uống.
Gần hai giờ sau mưa nhẹ hạt dần, nhưng vẫn dai
dẳng lác đác một lúc nữa mới tạnh hẳn. Chúng tôi thở phào, cuốn tấm tăng lại.
Mây tan hết thành nước, một khoảng trời xanh hiện ra giữa hai vòm cây. Nắng chiều
lấp loáng trên lá cây ướt sũng. Khi tiếng mưa dứt, núi rừng lặng đi trong chốc
lát rồi lại bừng lên những âm thanh sôi nổi của mọi sinh vật trở về với cuộc sống
thường ngày.
Một bầy bồ chao từ đâu bay đến đậu trên tán
cây nơi chúng tôi đứng, hót vang rộn cả góc rừng. Những con bồ chao có bộ lông
màu nâu nhạt điểm vệt trắng quanh hai mắt kéo dài xuống bụng trông rất ngộ
nghĩnh. Chúng bay tới đâu là ở đó ồn ào như họp chợ. Một chú sóc thò đầu ra khỏi
hốc cây, giương đôi mắt tò mò nhìn bầy bồ chao như cố đoán xem có chuyện gì mà
lũ chim vui đến vậy. Cũng trên cái cây đó, một con tắc kè to gần bằng cổ tay
đang rướn cổ kêu từng tiếng như dấm. Những con mối xõa cánh bay loạn xạ trên lớp
lá mục. Cơn mưa tưởng như dừ dội nhưng thực ra đã đem sức sống mới cho muôn
ngàn sinh linh của rừng. Cả mấy con vắt cũng vậy. Suốt mấy tháng nắng nóng,
chúng như những cuộng lá khô lay lắt đâu đó trong bụi cây nay mềm lại nhờ hơi
nước ẩm ướt, bắt đầu hồi sinh, ngoe nguẩy đánh hơi con mồi để bám theo.
Thấy đã muộn, anh Đằng giục chúng tôi tìm chỗ
dựng lều nghỉ lại. Khi đến một vạt đất bằng phẳng, vừa đặt ba lô xuống, tôi thấy
ngứa nơi bắp chân. Vén ống quần lên thấy hai con vắt to hơn đầu tăm đang bám
hút máu. Nhìn tôi nhăn nhó gỡ vắt, anh Hùng cười:
- Đã ăn thua gì! Mưa vài ba ngày nữa, cậu sẽ
thấy! Nó bám theo từng đàn như vãi trấu ấy chứ! Nhưng đừng lo, tớ sẽ có cách trị
được.
Để anh Đằng và anh Sơn dựng lều, anh Hùng rủ
tôi đi săn. Hai anh em xách súng luồn xuống mé rừng phía dưới. Cây cối rậm rạp
lại ướt sũng nước nên dù chúng tôi cố đi thật êm, vẫn tạo ra những tiếng sột soạt
đánh động những con thú quanh đó. Lúc vòng qua mấy tảng đá, tôi chợt nghe tiếng
"soạt” ngay trong lùm cây trước mặt, rồi có con gì đó đâm đầu chạy ào đi,
chỉ kịp trông thấy vạt lưng đen bóng. Tôi xuýt xoa tiếc rẻ nhưng anh Hùng vẫy
tay ra hiệu đi tiếp.
Một lúc sau, chúng tôi lần tới quãng rùng thưa
hơn. Đang đi rón rén, tôi nghe phía trước có tiếng động lạ, hình như có con thú
nào bước trên lớp lá khô. Lát sau có cả tiếng cành cây lay động, lá khua lào
xào. Tôi nhìn anh Hùng, anh ra hiệu là đã biết. Chúng tôi thận trọng tiến thêm
mươi bước, nép sau gốc cây và từ từ ló đầu ra nhìn: một bầy lợn rừng đang chúi
mõm liếm mối. Chúng không phát hiện ra chúng tôi vì mải mê theo những con mối
cánh béo múp bay loạn xạ. Thứ mối này tuy nhỏ nhưng ngon, càng ăn càng say.
Anh Hùng nhìn sang và giơ ngón tay út, ý bảo bắn
con nhỏ thôi. Tôi rê súng, lựa một con nhỏ nhất trong bầy, ước độ ba mươi kí.
Con thịt đã ở trong tầm tay, có điều phải bắn gục tại chỗ, chứ để nó còn chạy
được thì có mà tìm hết hơi. Đạn AK ở cự ly này dư sức hạ con vật nếu bắn trúng
đầu, nhưng mãi tôi vẫn chưa tìm được điểm ngắm chắc ăn vì con lợn cứ chúi đầu
sau gốc cây. Giờ chỉ còn cách bắn trúng tim. Tôi ngắm vào một điểm phía trên
chân trước của con vật, hơi chếch vào bên trong một chút, rồi bóp cò. Tiếng
súng nổ đột ngột làm cả đàn lợn co giò vụt chạy, tiếng chân rầm rập át cả tiếng
cây gãy răng rắc. Thoáng một cái những sống lưng đen nhấp nhô đã mất hút trong
bụi rậm.
Chúng tôi bước tới nơi con lợn bị trúng đạn.
Anh Hùng cầm chân trước kéo lên xem vết đạn, gật gù khen:
- Bắn trúng tim. Khá lắm! Cậu có thể trở thành
thợ săn được đấy!
- Dễ ợt mà anh! Cách có năm chục mét chứ mấy
- Nhưng chẳng phải ai cũng biết bắn vào tim
đâu nhé! Mà săn lợn rừng không phải là không nguy hiểm, cậu biết vì sao không?
- Sao anh? - Tôi vác con lợn lên vai, hỏi lại.
- Khi săn lợn bầy, phải xem chừng con đầu đàn,
đó là con dữ nhất. Nó sẵn sàng lao thẳng tới với sức mạnh của bò tót giết chết
đối thủ bằng hai chiếc răng nanh sắc nhọn như dao để bảo vệ bầy đàn. Lợn độc lại
càng đáng sợ. Có thợ săn lâu năm cũng mất mạng với nó vì thiếu cảnh giác đấy!
Nhiều khi cầm súng trong tay nhưng không kịp bắn, hoặc bắn không trúng chỗ hiểm
lại không kịp tránh, nó vẫn đâm tới húc anh rồi mới chịu chết. Đến cọp đánh
nhau với nó còn chịu thua nữa là!
Chúng tôi đi nhanh về chỗ trú vì trời sắp tối.
Thấy anh Hùng vừa đi vừa nghiêng ngó, tôi hỏi:
- Anh định tìm gì đấy?
- Mình tìm lá chống vắt. Kia rồi! - Anh nói,
tay chỉ vào cây dây leo đang quấn quanh một thân cây nhỏ - Cây này ngoài mình gọi
là ngải hôi. Vò lá xoa lên người thì đố con vắt nào dám đeo. Tốt nhất là giã rồi
vắt lấy nước mà xoa, hiệu nghiệm còn hơn thuốc chống vắt của Trung Quốc. Cậu
nhìn kỹ cho nhớ! - Anh chìa cho tôi mấy chiếc lá.
Tôi vò một lá đưa lên mũi ngửi. Nó có mùi hăng
hắc pha lẫn mùi tỏi. Loại cây này cũng dễ nhận: lá gần giống lá trầu nhưng nhỏ
và mềm hơn, mặt dưới lá có một lớp lông mởn màu trắng.
Tối đó cả tổ ăn thịt lợn rừng luộc chấm muối
thay cơm. Số thịt còn lại chúng tôi thái thành từng tảng, đem nướng chín rồi sấy
trên lửa, để dành cho ngày mai. Xong bữa tối, anh Hùng bắc soong lên bếp hầm mấy
cái chân giò, lát nữa sẽ bỏ gạo sấy vào nấu nồi cháo ăn đêm.
Sau trận mưa, khí trời ẩm và mát. Ánh lửa cháy
bập bùng soi những bóng cây xung quanh lúc ẩn lúc hiện như đang di động. Chúng
tôi quây quanh đống lửa, dùng que trở những xâu thịt cho chín đều. Anh Đằng ngẩng
đầu ngắm mấy vì sao đang nhấp nháy trên cao, nói:
- Trời trong lắm! Nhưng thể nào cũng còn đổ
mưa vài ba buổi nữa. Không khéo mưa lụt tiểu mãn đấy, các cậu ạ! Đã đầu tháng
năm rồi còn gì!
Bốn chúng tôi cùng trầm ngâm hồi lâu. Cơn mưa
đầu mùa gợi lên trong tâm trí mỗi người bao kỷ niệm... Rừng khuya vắng lặng. Tiếng
thú chạy sột soạt trong bụi cây lẫn trong tiếng mỡ chảy xèo xèo trên đống lửa.
Có con chim ăn đêm nào đang kêu khắc khoải hết góc rừng này đến góc rừng khác,
nghe cứ tưởng như nó bay lạc trong màn đêm đen kịt của rừng sâu.
Tôi lên tiếng, phá vỡ sự im lặng:
- Anh Đằng này! Sao trước đây có dịp về phép,
anh không lập gia đình đi?
- Ờ, chuyện cũng... Anh ngập ngừng giây lát rồi
kể - Hồi bà cụ mình còn sống, lần nào về cũng thấy cụ đã nhắm sẵn cho một cô
nào đấy. Gia đình đôi bên đồng ý cả, nhưng mình không thể. Chưa yêu thì làm sao
lấy nhau được? Mình biết bà cụ buồn lắm? Hai cụ chỉ sinh được mỗi mình nên các
cụ trông có cháu để còn nối dõi...
Anh Sơn nói:
- Nhiều người lấy nhau rồi mới yêu. Các cụ
ngày trước “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", vậy mà cũng con đàn cháu đống gắn
bó với nhau đến khi khuất núi đấy thôi?
- Đúng là có thế thật! Lấy nhau, ăn ở với nhau
một thời gian cũng có thể vun đắp được tình cảm yêu thương. Nhưng mình có cưới
vợ thì cũng sống với nhau vài ngày rồi lại biền biệt. Chả lẽ người phụ nữ lấy
chồng chỉ để làm trách nhiệm, nghĩa vụ thôi ư? Biết là có người đỡ đần trong
nhà ông bà cụ sẽ đỡ vất vả, nhưng mình đi biết sống chết thế nào, để người ta
chờ đợi mỏi mòn thì lại không nỡ... - Anh chớp mắt, thở dài .
- Thế giờ cụ sống một mình hở anh? - Tôi hỏi.
- Ừ! Cụ sống một mình. Cũng có mấy người họ
hàng gần đó. Hơn nữa bà con lối xóm qua lại giúp đỡ hàng ngày nên mình cũng bớt
lo. Mà cụ nghị lực lắm! Cánh trẻ bọn mình còn lâu mới theo kịp. Năm năm hai, cụ
đã là tiểu đoàn trưởng trong đại đoàn Quân Tiên phong đấy!
Anh Hùng nháy mắt nhìn tôi:
- Ê này! Cánh an ninh chỉ chuyên điều tra, cậu
chả bao giờ kể về mình cả. Nghề nghiệp dạy cậu chỉ biết hỏi thôi phải không?
Biết anh trêu, tôi ngượng nghịu trả lời:
- Em thì có gì mà kể?
- Thế cậu đã có người yêu chưa?
- Em... chưa!
Tôi đáp ngập ngừng, trong đầu thoáng hiện một
con đường đất đỏ đi ngang qua những đồi sim, tới mùa hoa nở tím ngát... Trên
con đường đó, tôi và Hường, cô bạn học cùng lớp rất thân và rất xinh, đã bao lần
đi với nhau trong những ngày lên huyện luyện thi học sinh giỏi năm lớp chín.
Hai đứa tôi cùng trong đội tuyển, tôi thi văn còn Hường thi toán. Những ngày ấy
chúng tôi sống hồn nhiên, trong sáng và đẹp đẽ biết bao! Người ta nói hoa sim
là hoa của đất nghèo, nhưng chúng tôi không để ý đến điều dó, chỉ thấy màu hoa
tím gợi bao nỗi xốn xang trong trái tim của những người đang độ tuổi ngập ngừng
bước vào đời.
Sang năm lớp mười, cả hai đứa đều nhận thấy
trong tình bạn đã có cái gì đó mới hơn, lạ hơn và rất khó nói. Gặp tôi Hường
hay ngượng, và tôi cũng thế, nhưng ngày nào không gặp nhau lại bứt rứt nhớ...
Thế rồi sang học kỳ hai được vài tháng thì tôi xung phong nhập ngũ. Lúc bấy giờ
chiến tranh đã đi vào giai đoạn ác liệt chưa từng có.
Khi tôi vào chiến trường cũng là lúc Hường thi
đỗ đại học và đi học ở Liên Xô. Từ đó tôi không liên lạc với cô nữa, phần bận bịu
công việc, phần không có địa chỉ. Sau này mới biết Hường vẫn viết thư về nhà
tôi rất đều đặn, thư nào cũng mong tin tôi...
Lúc kể tất cả những điều đó cho các anh nghe,
tôi biết mình không giấu được nỗi tiếc nuồl trong từng câu nói. Anh Sơn đăm đăm
nhìn ngọn lửa, hỏi mà không nhìn tôi:
- Thế sau đó Hải có biết được địa chỉ của cô ấy
không?
- Có! Gia đình em có gửi vào, nhưng em không
viết thư cho Hường nữa.
- Sao vậy? - Cả ba anh cùng thốt lên.
- Em nghĩ là... mình vào chiến trường không biết
sống chết thế nào, ràng buộc cô ấy qua những lá thư để mà làm gì! - Biết mình
đang lặp lại những điều anh Đằng vừa nói, nhưng thực lòng tôi đã nghĩ như thế.
Anh Hùng nói ngay:
- Mình thấy cách cậu xử sự như vậy không ổn?
- Sao anh?
- Có cái gì đó… Thôi, để mình nghĩ đã. Nhưng cậu
đọc sách nhiều, thấy những trường hợp như vậy cấc nhà văn họ viết thế nào?
- Nhà văn thì nói làm gì, anh!
- Sao cậu lại nói thế - Anh Hùng tròn mắt nhìn
tôi.
Biết mình lỡ lời, tôi lúng túng:
- Ấy chết? Không phải... ý em không phải như vậy...
Em muốn nói là... trong truyện hay tiểu thuyết của ta, người ta thường điển
hình hóa mọi việc, cả nhân vật lẫn sự kiện. Nhưng cuộc đời bên ngoài đâu giống
thế.
- Thế Hải nghĩ mình là người thế nào? - Anh
Sơn hỏi.
- Em chỉ là em thôi? Chắc là có hay có dở, đôi
lúc cái dở nhiều hơn, nhưng em cố sống thật như bản chất mình.
- Vậy cậu chê tiểu thuyết à? - Anh Hùng vẫn
"truy” tiếp.
- Ôi, em mê như điên ấy chứ? Trong tiểu thuyết
ta học được, biết được đủ thứ...
- Này, về chuyện tình cảm ấy mà, hay là... cậu
có cô nào trong này rồi? - Anh Đằng hỏi nửa thật nửa trêu.
Tôi giãy nảy:
- Làm gì có, anh! Vào chiến trường mấy năm, hết
ở cứ lại vào vùng địch, hết chống càn tránh bom lại đào hầm vác gạo..., đâu có
rảnh lúc nào mà tính chuyện yêu đương?
Anh Đằng vẫn chưa tha:
- Nghe nói con gái thị xã Quảng Trị đẹp lắm phải
không?
- Chắc là đẹp! Vào đó ngày nằm hầm bí mật, đêm
mới dậy mò đi, em cũng chẳng biết nữa!
- Chả lẽ cậu không đi phố ban ngày lúc nào à?
- Cũng có mấy lần. Những lúc đó em mặc đồ thủy
quân lục chiến, tháp tùng mấy anh đóng vai sĩ quan ngụy, anh tính tâm tri đâu mà
để ý tới mấy cô? Mà nếu có cô nào "cảm tình" với mình trong hoàn cảnh
ấy thì chết dở rồi còn gì? Cả ba anh cùng oà lên cười.
Gần hết buổi sáng hôm sau, cả tổ xuống tới khe
nước nhỏ chảy dưới chân núi. Theo hướng kim địa bàn, chúng tôi leo tiếp lên ngọn
núi trước mặt, nhưng mới đi được hơn trăm mét thì phải dừng lại vì một rừng
giang chắn lối. Vô số những cây giang dài lượt thượt mọc nghiêng ngả chằng chịt
suốt từ đất lên quá tầm tay với, vươn nhánh loằng ngoằng đan thành tấm thảm
xanh mềm mại trải kín sườn núi. Ở dưới gốc, mặt đất tối om phủ đầy lá rụng. Cây
giang còn leo lên quấn gần tới ngọn những cây thân gỗ mọc trong lãnh địa của
nó, trông xa giống như những đụn cỏ xanh. Chỉ có thú nhỏ hoặc loài bò sát mới
mong luồn qua dải rừng bùng nhùng này.
Anh
Hùng bỏ ba lô, tìm một cây cao gần đó leo lên. Lúc tuột xuống, anh bảo:
-
Không qua nổi đâu, rộng lắm? Chỉ còn cách đi vòng thôi!
- Cậu
thấy nên đi lên hay đi xuống? - Anh Đằng hỏi.
Anh
Hùng suy nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Ta
nên đi lên. Ở phía dưới núi thoai thoải, trong tầm nhìn chỉ thấy màu lá giang.
Còn mé trên có ngọn núi cao chắn ngang, rừng giang đến chân núi là hết.
- Thôi
được? Ta trở lại khe đi ngược lên. - Anh Đằng quyết.
Cả tổ im lặng quay xuống. Khi tới khe, chúng
tôi men theo dòng nước đi lên phía trên. Nước cạn, lòng khe đầy những hòn đá phủ
lớp rêu màu rỉ sắt. Hai bên bờ có những cây chuồi rừng cao lỏng khỏng mọc chen
với các loài cây bụi. Những con cua núi bé bằng móng chân cái bò lúc nhúc, thấy
động chạy vào kẽ đá.
Tôi hỏi anh Hùng:
- Cua này ăn được không anh?
- Ăn được. Nhưng túng quá mới ăn, chứ nó chỉ
toàn mai với còng, chẳng có mấy tí thịt. Cũng đôi nơi có loại
cua to
hơn, như cua đồng ấy! Để hôm nào gặp, mình sẽ làm món cua rang muối cho cậu ăn.
Cũng hấp dẫn lắm!
Đúng như anh Đằng nói, trời còn mưa liên tiếp
hai buổi chiều nửa. Vẫn những cơn mưa dừ dội như trút nước và kéo dài mãi đến tối.
Rừng trở nên ẩm ướt, cây cối được tắm mát trổ màu xanh mướt. Mưa cuốn sạch bụi
bặm làm không gian trong veo, mọi vật sáng rõ hẳn lên. Chúng tôi rất sốt ruột
vì phải đi vòng để tránh rừng giang, mà chỉ đi được từ sáng đến trưa, buổi chiều
phải dừng lại dựng lều tránh mưa. Ba ngày sau, chúng tôi mới qua hết rừng giang
về mé trên và biết là đã đi chệch hướng khá xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét