22/01/2015

Đội đặc nhiệm TK1 (chương 21)

Chương XXI



Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối

Sau đó mấy hôm thì trời đổ mưa. Thoạt đầu là những cơn mưa chợt đến chợt đi như để thăm dò, rồi tiếp mưa dày hơn, dài hơn, và ngày càng nặng hạt, trút màn nước trắng mịt mùng xuống khắp núi rừng. Mây đen nặng trĩu bay là là suốt ngày, níu bầu trời thấp gần sát ngọn cây. Có những chiều chớp kéo nhì nhằng trong mây và sét đánh ì oang ngoài đồi cỏ. Có những đêm gió gào rú trong rừng rung lá rụng rào rào và bẻ cành cây gãy răng rắc. Ấy là dưới xuôi có bão, vùng gió mạnh lan tận đây. Đến sáng thức dậy, thấy lá cây lật mặt trái nghiêng ngửa làm màu rừng nhợt hẳn đi. Dọc bờ suối lác đác những cây chuối rừng gãy trắng lốp.
Nói chung mùa mưa năm nay cũng giống hai mùa mưa trước, ngoại trừ một lần có cơn lũ cuốn đổ về lúc nửa đêm, nước réo ầm ầm ngoài suối. Sáng ra nước dâng cao, vũng suối biến mất, tảng đá hình con voi chỉ còn một chỏm nhỏ, ngọn thác mảnh mai thường ngày giờ trở thành luồng nước khổng lồ cuồn cuộn. Nước lũ ào lên bãi cỏ ngập tới nửa cầu thang nhà, cuốn rác rều đẩy rạp cả quãng rừng non mé bờ suối. 
Tôi không lo lắm vì nhà tôi làm khá cao, bốn cột chôn vững chắc. Hơn nữa ở đây nơi đầu nguồn, lũ không mạnh và sẽ mau rút. Quả nhiên đến chiều thì nước trên bãi cỏ trôi hết, dòng suối tuy vẫn chảy xiết và đục ngầu nhưng đã dịu lại. 
Mùa mưa này tôi không phải lo cái ăn. Lần lên vừa rồi cha con ông Thành mang thêm cho tôi chừng hai chục cân gạo mới, gói bột ngọt nửa kí, mười cặp đường bánh, một thùng năm mươi gói mì ăn liền nhãn "Hai con cua" và một bao cá khô, loại cá chuồn con to xẻ ruột phơi được nắng mà mùi của nó luôn gợi nhớ tới tiếng rì rào của những con sóng biển chạy đuổi nhau liếm vào bờ cát. Đúng như cô gái nói, dưới đáy thùng mì có chiếc địa bàn kiểu quân sự và tấm bản đồ y hệt tấm của chúng tôi hồi trước. Và tôi mừng đến ứa nước mắt khi còn tìm thấy trong thùng mì túi thuốc gồm một lọ to đựng những viên thuốc phòng sốt rét, một lọ cồn, mấy cuốn bông băng cùng chục ống thuốc kháng sinh, loại thuốc chứa sẵn trong bơm tiêm thường dùng cho phi công tự cấp cứu khi nhảy dù bị tai nạn, chỉ cần bóc túi nhựa là tiêm ngay. 
Hôm đó, tôi mở lọ thuốc phòng sốt uống ngay một liều và cảm thấy trong vị đắng của chất kí ninh có cả vị ngọt ngào khó tả. Nghĩ cũng lạ! Một mình trong rừng sâu hơn hai năm trời, mà lúc này tôi sống đầy đủ hơn bất kỳ người lính Trường Sơn nào. Nhưng rồi chính sự đầy đủ cùng những ngày nhàn rỗi đã tạo nên trong tôi cảm giác áy náy và xấu hổ, như mình đang trốn chui trốn lủi tại góc rừng này để lẩn tránh những gì mà người thân, bạn bè và đồng đội đang phải chịu đựng dưới kia. Lại thêm những trận mưa dầm dề bó chân tôi trong cái chòi nhỏ hết ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày tôi cố gắng tập thể lực chừng hai tiếng đồng hồ bằng cách nâng đá và bằng bất cứ động tác thể dục nào nghĩ ra được mà có thể áp dụng trong hoàn cảnh này. Thời gian còn lại tôi ngồi tựa vách ngó mung lung ra góc rừng tối mờ hoặc đan hai tay gối đầu nằm ngửa nhìn lên mái nhựa phập phồng dưới mưa. Rồi nghĩ, rồi lo, rồi nhớ tới bao nhiêu là chuyện, và lúc nào cũng thấy rầu rĩ hơn lúc nào hết. 
Những ngày tháng đơn độc tẻ ngắt cùng cảnh vật u tối của rừng sâu mùa mưa là nguyên nhân khiến tôi rơi vào một trạng thái khác lạ. Ban đầu thấy trong người mệt mỏi uể oải, rồi dần dần đầu óc trở nên đờ đẫn và vô cảm. Có lúc tôi nằm hàng giờ liền, mắt trừng trừng nhìn lên mái nhà mà hầu như không thấy một cái gì và cũng chẳng tưởng tới một điều gì. Lại còn tiếng mưa! Tiếng mưa rồi cứ sầm sập hết giờ này qua giờ khác, hết ngày này qua ngày khác. Tiếng mưa đơn điệu át hết mọi âm thanh, trở thành sự tra tấn làm thần kinh căng lên. Đến nỗi có lúc nào đó mưa ngừng rồi, tôi chợt giật mình, người chùng lại và hụt hẫng như vừa rơi xuống từ khoảng không. Cảm giác u uất chán chường ngày càng nặng nề. Hai mùa mưa trước tôi không bị như thế. Có thể lúc đó còn bận bịu lo toan nhiều việc, không có thời gian để buồn chán. Có thể đến lúc này, sự chịu đựng đã quá tải. 
Cần phải vận động, phải làm một việc gì đó, nếu không sẽ phát điên lên mất. Nhưng làm gì? Có mấy khẩu súng, ngày nào cũng tháo ra lau đi lau lại mãi rồi. 
Một hôm, tôi trùm tấm pôngsô, khoác súng đội mưa đi ra hướng đồi cỏ. Lang thang vô định, tôi bước mải miết liền mấy giờ đồng hồ như một kẻ điền. Mưa xối rào rào, gió tung tấm pôngsô phành phạch. Trượt ngã, loạng choạng đứng dậy đi, rồi lại trượt ngã... Tôi leo hết sườn dốc này đến sườn dốc khác, đến lúc dừng lại trên một mỏm đồi đưa tay vuốt nước mưa trên mặt nhìn ra, thấy bốn bề toàn loàn nước trắng xóa. Phía xa xa rừng cây tối mờ trong mưa, âm u đến rợn người. Mây đen trôi vùn vụt, nặng nề sà xuống đỉnh đồi như muốn đè nghiến lên người tôi. Gió hú từng cơn, quất những làn mưa tơi thành bụi nước bay trắng mờ như mây. Một mình tôi bé nhỏ lẻ loi giữa khoảng không gian mênh mông hoang vắng, lạnh lẽo và đầm đìa nước. Tôi ngồi phịch xuống, rồi ngả người nằm dài trên mỏm đồi, nhắm nghiền hai mắt cho giọt mưa khỏi xói vào. Mưa tầm tã trên người, nước chảy ngập dưới lưng. Tê tái và giá buốt! Sao hôm trước mình không nhảy lên chiếc trực thăng đó? Về dưới vẫn có thể tìm được cách liên lạc với người con già Lý cơ mà? Mình quá tự tin hay ngu dại? Mình cố tỏ ra anh hùng hay đã hèn nhát?... Những ý nghĩ dằn vặt trong đầu càng khiến tôi tuyệt vọng...

Tôi chìm trong trạng thái mê man như vậy không rõ bao lâu, chỉ chợt tỉnh lại khi một lằn chớp sáng lòa kèm theo tiếng sét đánh dội đất ở mỏm đồi bên cạnh. Chống tay ngồi dậy, tôi nhìn ra xung quanh thấy trời mờ mờ tối. Không biết mấy giờ rồi? Nước loang loáng trên mặt đồng hồ nên không xem giờ được. Mà biết giờ để làm gì? Tôi cần gì thời gian... Mãi đến khi nhìn thấy con báo ướt lóp ngóp run rẩy đứng bên cạnh, tôi mới nghĩ đến chuyện quay về. Nhưng không còn xác định được phương hướng nữa rồi! Bốn phía mờ mịt mưa, tầm nhìn ngắn lại trong vài mét... 

Chiều tối hôm đó, nhờ bám theo con báo mà tôi về được đến nhà. Người lạnh cứng, tôi lập cập ôm củi đốt lửa sưởi và lại giương mắt nhìn ánh lửa bập bùng nhảy múa, đến khi lửa bén vào tóc cháy khét mới giật mình tỉnh lại... 
Sáng ra thức dậy, tôi rùng mình khi nhớ lại chuyện hôm qua. Nếu ở quê, các cụ sẽ bảo là tôi bị "ma đưa". "Ma đưa đường, quỷ dẫn lối" là vậy! Tôi không tin chuyện ma quỷ chỉ nghĩ mình đã qua suy sụp, trạng thái trầm uất lên đến mức cuồng loạn. 
Phải làm việc... Phải tạo ra việc để làm... Tôi suy nghĩ, chân như cái máy bước lui bước tới trong căn nhà hẹp. Tiếng mưa vẫn ràn rát trên đầu. Chợt cặp mắt bắt gặp một vật gì giắt trên vách, tôi nhìn nó trân trối, hồi lâu sau mới nhận ra chiếc đục trước đây vẫn dùng đục đá tìm mạch vàng. Đục đá? Ừ, hay là... 
Tôi dầm mưa xuống bờ suối vác lên một tảng đá. Mình sẽ tạc một vật gì đó, vừa để tập luyện cơ bắp, vừa bắt đầu óc phải làm việc. Tôi nhìn ra ngoài trời nghĩ ngợi. Báo Aga đang nằm liếm lông trước cửa. Lúc nãy tôi đi vác đá, nó chạy theo nên bị ướt. Phải rồi! Ta sẽ tạc con báo. Trời mưa, nó vẫn thường nằm dài ở nhà. Vậy là có "người mẫu” rồi! 
Tôi mài lại cái đục, hăm hở bắt tay vào việc. Hàng ngày, ngoại trừ giờ tập thể dục bắt buộc và việc chuẩn bị bữa ăn, tôi dồn hết tâm trí và sức lực vào khồl đá. Cả ban đêm tôi cũng thắp đèn kì cạch ngồi đục. Còn hơn là nằm nghĩ quẫn.
Hơn một tháng sau thì con báo đá thành hình. Ấy là tôi nghĩ vậy, chứ hình như... không được giống lắm. Ngồi ngắm đi ngắm lại, cuối cùng đành tự thú nhận là chẳng giống chút nào! Nó chỉ là một khối đá nhỏ ngoằn ngoèo với bốn cái chân cứng queo, chẳng có chút gì tư thế hùng dũng và vóc dáng uyển chuyển của con báo đang đứng trước mặt. Tôi để ra mấy ngày cố sửa, nhưng rồi một nhát đục vội vã đã phạt văng cả cái đầu. Cáu tiết, tôi cầm hòn đá dùng làm búa ném một cú thật lực vào hai cẳng sau. Vậy là đi tong “tác phẩm đầu tay”. Thế mới biết việc sáng tạo nghệ thuật chẳng đơn giản chút nào. 
Hôm đó nhằm lúc trời tạnh, tôi xách súng vào rừng kiếm thịt tươi bổ sung nguồn thức ăn, đồng thời để bồi dưỡng cho "người mẫu” luôn thể. Mùa này con báo ít có cơ hội kiếm mồi nên bị đói. Trông nó gầy sút hẳn đi. Còn lũ khỉ thì thỉnh thoảng tôi cũng nấu thêm cơm cho chúng ăn, hoặc lâu lâu chia cho mỗi con một mẩu đường. Nhưng không dám cho ăn luôn, phần vì của có hạn, phần sợ chúng sinh quen đâm ỉ lại, sau này mất thói tự lập. Hai nhóc khỉ ngày nào giờ đã lớn tướng, từ lâu không còn thấy chúng bám bụng bám lưng mẹ bắt cõng, vậy mà chẳng hiểu sao nhà khỉ chưa có thêm thành viên mới nào. 
Xong việc, tôi lại ra bờ suối vác tảng đá khác. Lần này chọn kỹ hơn: một tảng đá thuôn dài đầy đặn, thớ đá mịn và không có kẽ nứt. Tôi mài lại cái đục cho mũi nhỏ và nhọn hơn. Phương pháp "sáng tác" cũng có rút kinh nghiệm: tạo đường sống lưng trước, sau đó đục dần từng mẩu đá, cố hình dung như mình đang moi một con báo ra từ trong đá. Và lần này tôi tạc con báo nằm, chứ không sẽ rất khó tạo bốn cái chân. Được cái "người mẫu” rất chịu khó, hầu như lúc nào cũng nằm dài trước cửa vì trời mưa to. 
Ngày qua ngày, sự miệt mài với công việc mới lạ làm tôi bình tâm trở lại. Bây giờ tôi có thể vừa đục đá vừa nghĩ tới mọi chuyện với tâm trạng lạc quan hơn. Mà có gì đáng sợ đâu cơ chứ! Hết mùa mưa này là mình về được rồi! Sức khỏe đã khá lên nhiều nhờ ăn uống đầy đủ. Không phải lao động cực nhọc như mấy năm trước, lại uống thuốc phòng sốt rét đều đặn, nên khỏi lo một trận ốm bất ngờ. Mình lại có bản đồ địa bàn, có đủ lương thực, chặng đường hai trăm cây số đâu có gì ghê gớm mà phải sợ? Và điều động viên lớn nhất là tôi nghĩ rằng anh Hai Nguyên sẽ nhận được thư. Tôi không rõ vì sao đến lúc này vẫn chưa có toán TK nào tới đây, nhưng tin chắc khi biết tin tôi còn sống, dù giá nào anh ấy cũng tổ chức người tiếp cứu. Lúc đó có kẹt lại cũng không đáng ngại lắm. Có điều nếu có người đến, cũng phải sau mùa mưa. 
Nghĩ tới bức thư, tôi lại nhớ đến ông Thành với lòng cảm mến và kính trọng thật sự. Ở ông có phong thái của một ông giáo già hiểu biết và nhân hậu. Dù rất thương con, nhưng ông chẳng hề có chút oán hận khi biết chính tôi bắn chết con trai ông. Ông hiểu đâu là lẽ đúng sai ở đời. Còn ông Tùng nữa ông ta là kẻ thù của tôi, của chúng tôi. Nhưng một người còn nhớ tới hàng cau tuổi thơ, nhớ tới một món ăn dân dã như nhớ những kỷ niệm sâu sắc về quê hương, thì sớm muộn gì con người ấy cũng trở lại với cội nguồn của mình. Và nếu như trong ông có sự thay đổi về cách nhìn cách nghĩ, thì quả là một điều kỳ diệu mà chỉ có sức mạnh triều dâng của Cách mạng mới tạo nên được. Tôi chỉ là một giọt nước trong đó. 
Rồi cô gái! Cô ấy có nét hồn nhiên đến trong trẻo và sự vô tư rất trẻ con, nhưng lại là người có cảm nhận tinh tế sâu sắc. Không cần hỏi cô cũng biết tôi cần địa bàn, bản đồ và thuốc phòng sốt. Ở rừng lâu ngày nên thiếu gạo thiếu muối, điều đó ai cũng biết. Nhưng phải là người nhạy cảm, và cả đồng cảm nữa, mới hiểu được tôi nhớ mùi vị của biển, nhớ hương thơm cơm gạo mới đến nhường nào. Và phải là người tinh khôn lắm mới nghĩ ra vì sao khẩu đại liên không còn trên chiếc trực thăng...

Chẳng hiểu sao dạo này tôi hay nghĩ hay nhớ đến cô, và mỗi lần như vậy lại thấy bâng khuâng như đang có một sợi tơ vàng mảnh mai óng mượt vương vấn trong đầu. Những lần tiếp xúc với cô đã để lại trong lòng tôi một chút gì ấm áp và dịu ngọt... Mỗi lần ra suối, tôi lại nhớ dáng người con gái nghiêng bên bờ cát, mái tóc dày và nụ cười láu lỉnh, đôi mắt đen tròn long lanh chợt vui chợt buồn, thoắt trầm tư thoắt nhí nhảnh... Đôi lúc tôi tự nhủ: “Mình đang nghĩ gì vậy? Mơ màng như thế để làm gì? Hãy nhớ về cô ấy như nhớ nhột kỷ niệm đẹp, và chỉ thế thôi! Cần phải tỉnh táo..." Nhưng tình cảm vốn tự nhiên mà có, trong trường hợp này nó không muốn phụ thuộc vào lý trì. 

Đến cuối tháng chín, tôi hoàn thành t”ác phẩm" của mình. Chỉ đục thô thôi vì không có cách gì làm bóng được. Chẳng biết có đẹp hay không, nhưng theo tôi thì rất giống, dù nó chỉ to bằng bắp chân. Nhìn vào ai cũng có thể nói ngay đó là con báo, chí ít cũng cho là mèo hoặc cọp, chứ không đến nỗi nhìn nhận thành chó. Chỉ cần sửa thêm một chút ở mõm và tai là báo Aga có thể tự hào được rồi. 
Đầu tháng mười năm đó, những đợt mưa thưa dần. Đôi lúc trên bầu trời có vài khoảng không xanh ngắt ló ra, và nắng lại óng vàng màu mật như chưa hề có chuỗi ngày u ám vừa qua. Lác đác trong rừng có những tán lá ngả dần sang màu vàng màu đỏ. Dòng suối trong trở lại, con thác chảy êm hơn và vũng suối bắt đầu đọng sắc xanh của trời. Tôi phấn chấn hẳn lên, lại tiếp tục những buổi tập mang nặng leo dốc. Sức khỏe tốt hơn trước nhiều. Lúc này tôi mang được ba lô đá hai chục kí đi một mạch về bên mộ hai anh mà không phải dừng nghỉ dọc đường. 
Đợt nắng đó khá dài làm tôi bỗng nghĩ: "Hay mình trở về được rồi?" Nghĩ vậy thôi chứ tôi biết chưa thể. Rừng đang ướt và vẫn còn mưa nhiều, tuy không mưa dày như vừa qua nhưng sẽ lạnh hơn. Đấy! Trời mới xanh được mấy hôm, đã lại thấy bóng mây kéo về. Phải kiên nhẫn thôi! Vài tháng nữa chứ mấy! 
Tranh thủ trời nắng, tôi lội rừng suốt ngày để kiếm thêm thức ăn và bù lại những ngày bị giam hãm tù túng trong căn nhà hẹp. Không chỉ riêng tôi mà mọi sinh vật trong rừng đều náo nức hẳn lên. Mặc dù nền rừng đang ẩm ướt và sũng nước, muôn ngàn cây lá vẫn rì rào khoan khoái khi được tắm mình trong nắng. Chim chóc hót rộn khắp nơi. Tiếng côn trùng bay vù vù suốt ngày trên đầu. Những con sóc tíu tít chuyển cành tranh thủ kiếm thêm quả hạt bù vào số thức ăn bị hao hụt trong mấy tháng qua, chúng biết trước mắt vẫn còn những ngày đông lạnh giá. Lúc lúc lại bắt gặp một con thú lớn thấy động chạy ào trong bụi rậm. Những cây nấm đủ màu sắc mọc đầy trên nền đất ẩm và trên những thân gỗ mục. Thỉnh thoảng vẫn có cụm lan trổ bông giữa lưng chừng cây cổ thụ, thoảng hương rất nhẹ mà ngây ngất.
Chiều đó tôi bắn được con mang, kéo về bờ suối xẻ thịt. Giờ sẵn mấy cái xoong, bắn được con thịt tha hồ kho, nấu, hầm xương, để dành ăn trong nhiều ngày. Căn nhà nhỏ sực nức mùi thịt chín thơm phức. 
Mấy ngày lội rừng mệt nhoài, nên tối đến vừa ăn xong là tôi lăn ra ngủ một giấc thật say sưa và khỏe khoắn. Vậy mà đến khuya tôi lại có giấc mơ khủng khiếp: động đất! Đã đủ thứ tai họa rồi, giờ lại đến động đất nữa ư? Sao anh Sơn bảo vùng này đợt động đất gần nhất cũng đã cách hàng triệu năm? Dung nham núi lửa ngày nào nay đã thành núi, thành rừng đại ngàn rồi cơ mà?... Nhưng đúng động đất thật rồi! Thoạt đầu là những âm thanh rì rầm mơ hồ, rồi tiếng "râm rầm rầm...", mặt đất rung chuyển, căn nhà nhỏ lay bần bật. Và ánh sáng chói lòa bùng lên. Núi lửa phun?... 
Một vật gì thúc vào ngực đau điếng làm tôi giật mình tỉnh dậy. "Cái gì thế này? Phải núi lửa không?..." Luồng ánh sáng cực mạnh làm mắt tôi tự động nhắm nghiền lại. Căn nhà vẫn rung chuyển, cái màn bay tung như bị lốc cuốn. 
Chỉ tích tắc sau đó là tôi tỉnh hẳn bởi một bàn tay thô bạo túm ngực áo lôi thốc dậy. Tôi quờ tay chụp hụt khâu súng, có kẻ đã nhanh chân hất nó ra xa. Một kẻ khác luồn tay dưới chiếc ba lô gối đầu thu luôn khẩu ru lô. Lúc này ý thức mới thực sự trở lại: tôi bị địch bắt giữa lúc đang say giấc nồng. Sao lại thế nhỉ? Hay mình vẫn trong cơn ác mộng?... Tim tôi đập thình thịch, mồ hôi vã ra đầy người. Ánh đèn lóe mắt làm tôi không nhìn rõ bọn người vây quanh. Chẳng biết thấy đứa, chỉ thấy cẳng chân nhặng cả lên, những cẳng chân bó trong ống quần vải ngụy trang và mang giày linh cao cổ màu đen. 
Một đứa nói giọng khàn khàn ra lệnh: 
- Hai đứa xét kỹ người nó rồi đưa xuống dưới. Trung sĩ ở lại soát nhà, có gì đem hết xuống cho đại úy coi. 
Đấy là những tiếng nói đầu tiên. Như vậy trên này có bốn tên. Hèn gì căn nhà rung lên như muốn sập. 
Bốn bàn tay cứng như thép nắn khắp người tôi, rồi một họng súng thúc vào lưng kèm tiếng nói cụt lủn: "Đi!” 
Tôi bướt ra cửa, vẫn chưa hết bàng hoàng. Cố trấn tĩnh, tôi nấn ná trước hiên để tranh thủ quan sát tình hình. Phía dưới có mấy bóng lính cầm súng vây quanh nhà, chỉ thấy lờ mờ chứ không nhìn rõ người. Ngay chân cầu thang, một tên lính cao to như hộ pháp tay cắp tiểu liên, tay túm sợi dây da cố ghìm con bẹc giê to cỡ con bê đang hực hực muốn chồm lên. Đôi mắt con chó lóe sáng xanh như lân tinh khi chói ánh đèn pin. Chúng đem cả chó lên, không biết mấy con...

Một tiếng quát giật giọng: "Đ.má! Nhìn cái gì? Định nhạy hả?", rồi một bàn tay xô mạnh vào giữa hai vai khiến tôi ngay lập tức ngã giập mặt xuống đất. Sàn nhà cao hai mét, cú đẩy bất ngờ làm tôi không kịp phản xạ. Cánh tay trái bị đè dưới người đau nhói, ngực bị ép mạnh tưởng đến vờ phổi. Tôi nghẹn thở phải há miệng hớp hớp, nuốt luôn một ngụm máu. Cũng may lâu nay trời mưa nên đất mềm. Nằm úp mặt trên những lá cỏ ướt lạnh sương đêm, tôi  nghe rõ tiếng chân bọn lính giẫm xuống cầu thang răng rắc, tiếng tên lính đang ghìm chó: “Ê, yên nào Mícki", và tiếng con chó hồng hộc ngay trên đầu, hơi thở của nó phả nóng ran.

Có giọng nói the thé vang lên cùng tiếng chân thình thịch chạy tới: 

 Tụi bay từ từ chớ! Làm chi nặng tay quá vậy? - Rồi một bàn tay túm vai tôi kéo nhẹ - Có sao không anh Hải? Ráng đứng dậy coi? 

Tôi điếng người, còn đau hơn cú ngã vừa rồi. Tên vừa nói xốc nách đỡ tôi đứng lên và dìu tới chỗ chiếc bàn đá: "Anh tới đây ngồi để tôi coi có làm sao không?" Chân không bị đau nhưng tôi vẫn tập tễnh bước nặng nhọc, người dựa hẳn vào kẻ bên cạnh, ngửi thấy cả mùi mồ hôi chua loét bốc lên từ chiếc áo lính màu xanh xám. Qua khóe mắt, thấy hắn đeo ba bông mai trên ve áo. Đại úy! Thằng này chỉ huy tốp lính. 

- Anh ngồi xuống đây! - Hắn đỡ tôi ngồi xuống hòn đá rồi thét gọi tụi lính - đứa nào bật đèn lên coi! 

Tôi liếc mắt, thấy hai tên lính đứng sau lưng, súng lăm lăm trong tay. Tên thứ ba đứng cách vài mét, con chó ngồi dưới chân hắn. 
Nghe thằng đại úy gọi, tên lính giữ chó bật công tắt chiếc đèn pha xách tay. Một luồng ánh sáng trùm lên người làm tôi không còn nhìn thấy gì. Thằng đại úy dùng cả hai tay sờ nắn khắp người tôi, miệng dẻo quẹo: 
- Đâu? Đau chỗ nào? Lúc nào thấy đau anh nói nghen! 
Không biết ngứa miệng hay sao mà tên lính đứng phía sau buột nói: Đại úy khỏi lo! Tụi em soát kỹ rồi mà! 
Tôi bật cười và cảm thấy môi cồm cộm đau rát, hình như nó đã sưng vù lên. Tên đại úy buông tôi ra, nói tỉnh bơ:
- Chắc không bị sao! Anh Hải thông cảm, đêm hôm mà phải lặn lội lên giữa rừng giữa núi thế này, nên tụi nó đổ cáu. 
Tôi cố bình tĩnh để đánh giá tình thế, nhưng ánh đèn pha làm chói mắt nên không nhìn được, chỉ nghe những tiếng nói lao xao và tiếng động của bọn đang lục lọi trên nhà. 
Tên đại úy nói tiếp: 
- Ta nói chuyện vui vẻ chút nghen! Anh... 
Tôi cắt ngang lời hắn: 
- Nếu bị rọi đèn vào mặt, đại úy có vui vẻ được không? 
Hắn phẩy tay ra hiệu. Một tên lính bước tới cầm chiếc đèn pha từ tay tên giữ chó, tháo đèn rồi đặt dựng trên hòn đá. Chiếc đèn pha trở thành bóng điện nhỏ sáng trắng. 
Tôi chớp mắt, dần dần nhìn rõ hơn. Điều đập vào mắt tôi đầu tiên là cái trán hơi hói và khuôn mặt bèn bẹt của kẻ đang ngồi trước mặt. Dưới ánh đèn, da mặt hắn bờn bợt như thiếu máu, cái miệng rộng và vành môi mỏng dính thỉnh thoảng lại chóp chép rất buồn cười. Hai hố mắt hắn trũng sâu nhưng cặp mắt lại lồi ra, trông giống hòn bi đặt trong lỗ. Thằng này chừng bốn chục tuổi, nói giọng miền trong. Vẻ mặt ấy cùng với giọng nói the thé ít thấy ở đàn ông làm hắn có bộ dạng của một kẻ nhỏ nhen và thâm hiểm. 
- Chắc anh Hải bị đột ngột phải không? - Tên đại úy nhẹ nhàng nói tiếp - đáng ra tụi tôi không nên đến đây giữa đêm hôm khuya khoắt như thế này, nhưng anh thông cảm! Phải vậy mới gặp được anh, chớ lên mà để anh biết trước thì chỉ có ăn đạn. Tôi biết anh là tay súng giỏi mà! He he... - hắn nhếch miệng cười. 
Hai tên lính đứng phía sau vẫn im lặng, nhưng tôi cảm thấy một tên cứ ngọ nguy luôn, chốc chốc lại nghe hắn khịt mũi bực dọc. Con bẹcgiê vẫn ngồi, thè cái lưỡi đỏ hỏn thở hồng hộc dù trời đêm đang lạnh. Đằng kia bọn lính vừa đi xuống cầu thang. 
"Như vậy chúng có khoảng chục đứa. Ngoài kia còn không? Có lẽ hết rồi. Chúng biết mình chỉ có một, không cần bố trí vòng ngoài. Trang bị tốt: tiểu liên cực nhanh kết hợp cối cá nhân, lựu đạn, dao găm, dao rừng, đèn pin, đèn pha xách tay... Thằng nào cũng đeo khẩu côn xề xệ bên hông. Động tác nhanh nhẹn dứt khoát... Bọn này thạo việc..." 
- Anh đừng lo! Bọn tôi lên để đưa anh về dưới, chớ ai lại sống một mình giữa rừng hoang thế này. He... he... - Hắn lại cười như dê - Tất nhiên là có việc, nhưng để sau rồi tính... 
Tên đại úy vẫn nói đều đều như tâm sự. Tôi liếc nhanh về phía tốp lính. Chúng đang xúm quanh đống đồ vừa đem trên nhà xuống, soi đèn xem và bàn tán với nhau. Loáng thoáng đôi tiếng lọt qua giọng nói của tên đại úy: "... Bản đồ còn mới... súng ống toàn thứ của mình không nè... ống nhòm Nga Xô... giấy tờ...đ. má thơm quá... thịt rừng nhậu hết sẩy”, "Hình như có giọng nói quen quen? - Tôi phân vân - Không, chắc mình tưởng vậy thôi..." 
- Anh Hải quê ở đâu ta? Này, anh có nghe tôi nói gì không? - Tên đại úy đã chú ý tới vẻ lơ đãng của tôi. 
- Đại úy nói to lên. Lúc nãy ngã nên tai tôi bị ù? 
- Anh quê ở đâu? - Hắn nhắc. 
- Tôi nghĩ là đại úy biết hết rồi chứ? 
- Biết chớ, biết chớ? - Hắn nói nhanh - Tôi biết hết. Chớ không đêm hôm làm sao tìm ra anh giữa rừng sâu? He he... he... - Hắn cười đắc ý - Này, con báo của anh đâu rồi? 
- Chắc thấy đèn sáng, nó sợ chạy đâu đó... - Tôi đáp bâng quơ.

"Mà con báo đi đâu nhỉ? Nếu có nó hẳn mình đã được báo động. Đi đâu chứ không phải kiếm mồi. Lúc chiều xẻ thịt con mang ngoài bờ suối, nó mới chén no căng... Tốt nhất nó đừng về lúc này, bọn lính sẽ bắn hạ ngay tức khắc. Tức thật! Để chúng bắt giữa lúc đang ngu, một tình huống mình đã nghĩ tới..." 

- Tôi đem con Mícki lên để cho nó đấu với con báo của anh, vậy mà không gặp. Xui quá! - Tên đại úy vẫn nói, tay vuốt ve con chó lúc này đã tới ngồi bên cạnh. 
"Liệu chạy thoát được không? Không! Bọn lính sẽ bắn ngay. Bắn bị thương thôi, chúng cốt bắt sống. Mà chỉ cần nhỏm dậy là con chó đớp liền..." 
Một tên lính bước tới nói to: 
- Báo cáo đại úy, trung sĩ mời đại úy tới coi mấy thứ tìm thấy! 
Thằng này xách khẩu M79, những quả đạn vàng chóe đeo thành một vòng kín quanh lưng. 
- Cứ để đó! Anh biểu trung sĩ Hưng lên soát kỹ lần nữa, chú ý tìm coi có giấy tờ gì không! 
Tên đại úy bảo với thằng lính, rồi không đợi hắn quay đi đã ngoảnh sang tôi: 
- Anh Hải lên đây bao lâu rồi? 
- Chừng trên dưới hai năm gì đó! Lâu quá nên tôi không nhớ. 
- Thế anh có vợ con gì chưa? 
- Đêm hôm đại úy dẫn quân lên tận đây, chắc không phải để hỏi thăm hoàn cảnh gia đình của tôi chứ?
Hắn cười xòa: 
- Anh nói đúng! Nhưng đâu còn có đó, về dưới ta sẽ nói chuyện dài dài. Hôm nay chỉ là sơ ngộ. Tôi thực lòng mến phục anh, một người lính can trường đởm lược. Mình anh mà bắt sống cả toán dù, lại tha cho về không thèm giết... hê.... hê... - Hắn hể hả, làm như đang thực sự tự hào về tôi - ...Anh là trang nghĩa hiệp..  đầu xanh tuổi trẻ... tiến xa... đời binh nghiệp... đường đời đôi ngả...
Tên đại úy vẫn huyên thuyên như ca cải lương, miệng uốn éo theo giọng nói lúc trầm lúc bổng. Không ngờ vành miệng con người lại có thể uốn lượn khéo đến thế. Thằng này có dáng sĩ quan tâm lý chiến. Có điều lời lẽ hắn nhạt nhẽo, dần dần tôi chỉ còn nghe lõm bõm đôi tiếng. 
- Có chi hỏi lẹ còn về, đại úy! 
Tên lính đứng sau lưng tôi bực bội lên tiếng. Vẫn cái thằng nói giọng khàn khàn xô tôi ngã lúc nãy. Lính mà dám nói với chỉ huy như thế sao? 
- Thượng sĩ đừng nôn, ta đâu có gì phải vội? - Tên dại úy nói lại. 
- Tôi không chịu được cái kiểu đại úy ngồi ca nó như thế! Bộ đại úy không biết cái thằng người rừng này đã giết bạn tôi ngay tại đây sao?
"Bạn nào? Giết ai? Ba tên trên chiếc trực tháng... Không phải Thôi đúng rồi..." Tôi ngoảnh lại hỏi hắn. 
- Thượng sĩ Tài là bạn của thượng sĩ à? 
- Câm miệng, thằng mọi! 
Tôi nóng gáy, nhưng vẫn cười cười: 
- Rút thốt lựu đạn mà để rơi dưới chân lại không biết tránh, làm lính như thế chết cũng phải, thượng sĩ còn tiếc nỗi gì? 
- Đ má... - Hắn gầm lên, trở báng súng tiểu liên thúc vào sườn tôi một cú cực mạnh. 
Ruột gan đảo lộn, tôi đau cuộn người, một tay chới với cố bíu lấy phiến đá để khỏi đổ nhào xuống đất. Cơn đau thốc lên ngực rồi lên đầu, bùng ra trước mắt cuộn lửa đỏ rực. 
“Thượng sĩ đừng nóng..." Tôi mơ hồ nhận thấy tên đại uý bật dậy đẩy thằng thượng sĩ ra xa, rồi tiếng chúng cãi nhau. Tên đại úy nói gì nghe không rõ, còn thằng kia vẫn oang oang: "... Đại úy không phải là xếp của tụi này đâu nghẹn... Đâu phải vì mấy trăm đô mà tui lên đây... xé xác thằng mọi... dám giỡn mặt... bẻ từng khúc xương..." 
Lại thêm mấy tên lính chạy tới. Tôi gượng ngồi thẳng người lên. Trước mắt vẫn thấy quầng lửa loang loáng như có bầy đom đóm đang bay. Bụng đau thắt. Không khéo gãy xương sườn...
Tên đại úy quay lại, vẫn cái giọng "tình cảm" như không có chuyện gì xây ra: 
- Đau lắm phải không? Cũng tại anh nữa, chọc tức tụi nó làm chi? 
“Lần này thì hắn nói đúng, mình không nên khiêu khích. Đau thế này làm sao chạy được..." 
Một tên lính bước tới: 
- Báo cáo, đã kiểm tra kỹ trên nhà và xung quanh. Mời đại úy đến xem! 
- Giọng nói quen quá! Tên vừa nói đứng trong bóng tối, tôi không nhìn rõ mặt. 
- Được rồi, tôi tới liền! - Hắn đưa mắt ra hiệu cho tốp lính vây quanh tôi rồi bước đi.

"Rõ ràng bọn này đâu phải gặp tình cờ, chúng lên đây là để bắt sống mình. Việc này phải liên quan tới một ý đồ quan trọng nào đó, chứ chả lẽ mất công tổ chức một cuộc tập kích như vậy chỉ để bắt một người lính Giải phóng lạc rừng? Dĩ nhiên chúng đổ bộ bằng trực thăng, nhưng làm sao tìm được đến đây? Ai lái? - Tôi bỗng rùng mình - Cô ấy? Chỉ có cô mới thông thạo đường bay này... Không, mình không tin! Máy bay có thiết bị bay đêm, có máy xác định tọa độ vẫn có thể tới đây được... Nhưng biết đâu lại chính cô ta? Hoặc cô không muốn nhưng bị khống chế! Có thể lắm! Chúng bắt ông Thành để đe dọa chẳng hạn... Thôi lát ra máy bay sẽ biết. Nhưng phải có kẻ dẫn dường chúng mới tìm ra cái chòi nhỏ giữa rừng trong đêm tối thế này... Có kẻ thạo đường! Ai?" Trong đầu tôi lướt nhanh những người đã từng lên đây. "Đúng rồi Thằng trung sĩ an ninh! Hèn gì giọng nói rất quen? Giọng Bắc, không nhầm được. Đáng ra sau vụ đó mình phải ai chuyển chỗ ở..." 

Tên đại úy quay lại, hỏi với vẻ thân tình: 
- Anh Hải sống đầy đủ quá nhỉ? 
- Vâng! Đại úy có muốn sống như vậy không? 
Hắn cười gượng gạo: 
- Anh hóm lắm! Này, nếu tôi không lên đây, anh cứ sống như vậy mãi sao? 
- Tôi không mời đại úy lên, cũng đâu dám phiền ông đưa về? 
- Tất nhiên chúng tôi có mục đích của mình. Anh tưởng tôi tin chuyện anh lạc rừng sao? 
"Bắt đầu rồi đấy...", tôi nghĩ, và hỏi lại: 
- Thế đại úy tưởng tới điều gì? 
Hắn cười, giọng nói vẫn nhẹ nhàng nhưng nét mặt lộ vẻ bực dọc: 
- Anh rất khôn khi đặt câu hỏi để tránh trả lởi. Nhưng chính điều đó càng làm anh lộ mình rõ hơn. Một tay súng điệu nghệ, nói năng cư xử sắc sảo, tinh khôn đến mức chỉ nhìn qua cũng biết người của tôi cài lên đây... Con người đầy bản lãnh như vậy mà chịu sống mấy năm trong rừng vì bị lạc ư? 
- Vậy đại úy nghĩ tôi đang làm cái trò gì ở đây? 
- Lại hỏi ngược! Coi bộ anh cũng khó thành thực đấy nhỉ? - Hắn mỉa, cặp mắt lồi đảo trắng dã. 
- Đại úy cũng đâu có thành thực với tôi? 
- Anh nói cái chi? - Hắn trợn mắt hỏi lại. 
- Ở đây tôi có người quen, vậy mà đại úy cố tình giấu không cho gặp!
- À, phải rồi! Anh muốn gặp phải không? Có gì đâu mà phải giấu! - Hắn xoa hai tay vào nhau vẻ thú vị, hào hứng gọi to - Hưng, trung sĩ Hưng đâu? Tới đây! 
Tên trung sĩ chạy lại. Đúng thằng này rồi! Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn, cười cười: 
- Trung sĩ tệ quá! Gặp lại nhau mà không chào hỏi lấy một tiếng! 
Tên lính cúi gằm mặt cái đầu ngọ nguy như muốn xoay hẳn ra đằng sau. Tôi bỗng nhận ra chỉ có hai tên này mặc quân phục màu xanh xám, bọn còn lại đều mặc đồ ngụy trang. 
Vẫn nhìn tên lính, tôi nói tiếp: 
- Cũng may là hôm trước tôi ngăn không để anh thề thốt. Nếu không bây giờ anh là kẻ phản bội rồi, đúng không? 
Tên đại úy ngoảnh mặt lại, xẵng giọng hỏi tên lính: 
- Trung sĩ định thề gì vậy? 
Tôi cười: 
- Có gì đâu đại úy! Chuyện riêng thôi mà! Nhân tiện gặp người quen, đại úy cho phép tôi nhờ trung sĩ Hưng một việc. 
- Việc gì? - Hắn cảnh giác hỏi lại. 
- Lúc chiều mới bắn con mang, có kho mấy xoong thịt. Phiền trung sĩ mời anh em nếm thử cho biết mùi thịt rừng. Mấy khi lên tới đây... Bọn lính xung quanh trố mắt ngạc nhiên. Tên đại úy ngẩn người nhìn tôi chằm chằm như cố đoán xem có cái bẫy nào trong chuyện này. 
Tôi nói ngay: 
- Đại úy đừng lo! Tôi mời thực lòng chứ không có ý gì đâu. Thịt mang ngon lắm! Lát nữa tôi theo đại úy về rồi, để nó phí đi! Các vị lên bất ngờ như vậy, tôi đâu biết trước mà bỏ sẵn thuốc độc? Đại úy cứ cho người canh, tôi không dại bỏ chạy để ăn đạn đâu! 
Mặt tên đại úy dịu lại. Hắn ngần ngừ một lát rồi khoát tay ra vẻ rộng rãi: 
- Anh Hải đã có lòng mời, anh em cứ thiệt tình! 
Bọn lính ồ lên vui vẻ. Hai tên xăng xái chạy lên nhà tìm bát đũa. Dưới ánh đèn pha, cả bọn nhốn nháo vây quanh mấy soong thịt. Sáu tên tất cả. 
Tên đại úy vẫn ngồi trước mặt. Hai thằng đứng sau vẫn chĩa súng vào tôi không chút chểnh mảng, mặc dù nghe chúng nuốt nước bọt ừng ực.
"Như vậy chúng có chín tên. Mà hơn kém vài đứa cũng thế thôi. Mình phải tính kỹ, lầm lẫn một chút là trả giá bằng mạng sống..." 
Tôi liếc nhanh đám lính đang ăn uống nhồm nhoàm. Thằng thượng sĩ lại là đứa hăng hái nhất. Hắn ăn nhanh như lợn táp, nhoáng cái đã lại thấy vục bát vào soong xúc thịt. 
Tên đại úy nháy mắt ra hiệu cho hai thằng đứng canh rồi tới bên bọn đang ăn, hồ hởi nói: 
- Tôi quên không mang mấy chai lên nhậu chơi! Anh em thấy chưa? Chuyến đi nhẹ nhàng quá, phải không nào? 
"Không thể bỏ chạy lúc này được. Trực thăng đỗ ở đâu? Chắc ngoài đồi. Chung không dại đáp xuống tràng cát, sợ mình nghe tiếng động cơ. Chúng sẽ dẫn bộ mình lên đó? Qua dải rừng non chạy được không?..." Chợt có tiếng rào rào trên cây đa. Một tên vứt bát chụp súng bắn xả lên đó một loạt dài. Chết rồi, lũ khỉ? Không biết có con nào bị không? Tôi gọi to: 
- Mấy con khỉ đó? Các anh yên tâm đi, không có việc gì đâu!

Hai tên đứng sau tôi thở phào. Tên đại úy quay lại vừa cười vừa nói: “Tụi nó tưởng con báo của anh..." Hai tên lính mang tới cho con chó mấy khúc xương rồi cầm súng đứng canh thay cho bọn kia đi ăn. 

Đợi bọn lính ăn xong, tên đại úy ra lệnh chuẩn bị về. Mấy tên lính xếp đồ đạc của tôi vào ba lô. Nghe tiếng tên đại úy gắt gỏng: "Đ.má! Ba cái thứ này đem lên hôm bốc mộ, nhét vào làm gì? Ê, đứa nào gọi ra trực thăng báo đã đón được khách, đang chuẩn bị quay ra..." 
Khi bọn lính đã sẵn sàng, tên đại úy bước tới nói với tôi: 
- Nào, ta đi anh Hảil Thế là anh đã thoát khỏi rừng rậm rồi nghen! Chẳng có người lính nào bên phía các anh được hên vầy đâu! 
Tôi nặng nhọc đứng dậy, bật rên một tiếng, tay ôm sườn nhăn nhó. 
- Sao vậy? Đau lắm hả? Liệu có đi được không - Hắn sốt ruột hỏi dồn dập. 
- Đi… đi… được… - Tôi loạng choạng bước lên mấy bước, chìa hai tay hỏi - đại úy không trói sao? 
- Không cần! Hắn uốn cặp môi mỏng - Tôi là người quân tử, không làm ba cái việc nhỏ nhen đó. Và tôi tin lòng cao thượng của mình sẽ... 
- Đại úy tin ở con chó thì có! - Tôi độp luôn - Ông thừa biết tôi không thể chạy thoát khỏi nó mà. 
Hắn cau mặt định nói gì đó thì một tên lính chạy tới hỏi: 
- Thưa, có cần đốt cái chòi không ạ? 
- Không cần! Ta sẽ còn quay lại. 
- Hắn trả lời rồi khoát tay ra lệnh – đi! 
Bọn lính tự động sắp xếp đội hình một cách thành thạo. Một thằng cắp khẩu M.4 xách đèn pha đi trước. Tôi đi sau hắn. Theo sát là con chó, hơi thở của nó hừng hực sau bắp chân tôi. Kế đó là tên lính dắt chó. Bọn còn lại lục tục kéo theo. 
Lúc bước ra bãi cỏ, nhìn thấy bóng mình mờ mờ trên mặt đất đầy sương, tôi mới nhận ra đêm nay có trăng. Vầng trăng đang trôi vùn vụt qua những dải mây mỏng, tỏa ánh sáng xanh lạnh lẽo xuống khắp rừng. Thế là hết! Vĩnh biệt cánh rừng, con suối! Vĩnh biệt những con thú biết sống tình nghĩa! Không ngờ mình lại chia tay với chúng một cách đột ngột như vậy. Lòng tôi nhói lên khi nghĩ rằng chẳng bao giờ mình còn gặp lại những con vật đáng yêu ấy. Đến sáng khi mặt trời lên, chúng sẽ nháo nhác chạy quanh tìm tôi, và mãi mãi chúng không thể biết được chuyện gì đã xây ra trong cái đêm kinh hoàng này. Nhưng thôi, lúc này không có thời gian để xao xuyến... 
Tôi bước một cách vất vả, đầu căng ra cố tìm cơ hội. "Có cách nào thoát được không? Bọn này bắn nhanh như máy... Con chó theo sát quá! Tình thế này, họa chăng có phép màu mới chạy nổi..." 
Đã bắt đầu đi vào dải rừng non. Có lối mòn, nhưng trong mấy tháng mưa cây cối mọc um tùm, cành lá vươn dài quệt vào người loạt soạt. ánh đèn quét loang loáng qua bụi rậm. Bọn đi sau xôn xao trò chuyện vưl vẻ, nghe rõ cả tiếng cười he he của tên đại úy. Chúng đang phấn khởi. Cũng phải thôi! Cuộc tập kích tưởng đầy căng thẳng chết chóc, không ngờ trót lọt một cách nhẹ nhàng. Lại còn được chén căng bụng món thịt rừng, tuy hơi bị thiếu gia vị nhưng vẫn ngon tuyệt… 
Qua được nửa quãng rừng. Tôi vẫn lê từng bước. Thằng đi sau chốc chốc lại mắng con chó để ghìm nó lại. Bọn chúng chẳng có gì phải vội.
Gần hết rừng. Khoảng trời đằng trước sáng mờ sau ngọn cây. Chỉ còn chục mét, vòng qua lùm cây này là bước ra tráng cát. Không có cơ hội nữa rồi? "Bị địch bắt chưa phải là tình huống xấu nhất! Không biết mình đã nghe ai nói vậy nhỉ?..." 
Một tiếng "soạt" nhẹ trên nhánh cây bên đường. Tôi nghiêng mặt liếc ngang, vừa kịp thấy bóng thú vàng đen lốm đốm lao vút qua ánh đèn nhảy đè lên con chó. "Con báo!" Ý nghĩ mừng rỡ lóe trong đầu như tia sáng. 
Mọi việc sau đó diễn ra nhanh như chớp. Nghe động, tên lính đi trước quay ngoắt lại thọc nòng tiểu liên vào ngực tôi miệng la hoảng: "Ê, đứng yên mậy..." Tôi xoay người cho nòng súng trượt ngang trước ngực, thuận tay chụp khẩu súng giật mạnh theo hướng chĩa của nó, đồng thời trụ chân trái nghiêng người tống một cú đạp cực mạnh vào bụng dưới của tên lính. Hắn bật ngửa người xuống đất. Nhưng trước khi buông rời khẩu súng, ngón tay đặt sẵn trên cò súng của hắn đã kịp làm nổ một loạt đạn găm thẳng vào ngực tên dắt chó. Thằng này bị bất ngờ, đang chĩa súng xuống cái đống hai con thú quấn lấy nhau lăn tròn nhưng lúng túng chưa dám bắn, thì hứng trọn loạt đạn cướp cò.
Giật được khẩu tiểu liên, tôi quay nòng nã luôn hai phát vào mặt tên lính lúc này đang nằm ngửa dưới đất, tay luống cuống móc khẩu côn đeo ở thắt lưng. Trên mặt hắn hiện lên vẻ khiếp đảm trong một thoáng, trước lúc bị hai phát đạn bắn gần làm vỡ toác ra. Một bựng máu phụt lên trùm kín cây đèn pha rơi bên cạnh làm tất cả tồi sầm lại.
Chửng ấy việc diễn ra gần như cùng một lúc, nhanh đến nỗi khi tôi xoay người lại, tên lính dắt chó tay đã buông rơi khẩu súng nhưng còn loạng choạng chưa kịp ngã. Hai con thú vẫn xoắn tròn một cục đè lên bụi cây răng rắc, tiếng con chó bị cắn cổ rít ằng ặc. Bọn đi sau xô lên khỏi khúc quanh. Lối mòn chật hẹp, lại vướng cái thân hình hộ pháp của tên lính trông như còn sống nên bọn chúng chưa kịp nhận thấy điều gì xẩy ra, và cũng không dám bắn. Lợi dụng lúc đó, tôi chùng thấp người nấp sau cái xác xiêu vẹo, hai tay nâng súng lên quá đầu chúc nòng nhằm bọn lính đang nhốn nháo bắn quét một loạt dài. Chúng lăn ào ào tránh dạn. Tôi vọt luôn vào bụi rậm, miệng thét lớn: "Chạy đi Aga".

Mới được mấy bước đã nghe súng nổ rào rào như mưa. Tôi chúi đầu sát đất, lao như bơi trong đám cành lá rậm rạp. Đạn quét ràn rát cắt lá rụng lả tả trên người. Khẩu súng trên tay vướng vào cành cây, tôi thả rơi nó tiếp tục chạy thục mạng, không còn nhớ tới những chỗ đau trên người, cũng chẳng hiểu vì sao mình không bị kẹt đầu vào một lùm cây nào đó. 

Chạy được chừng bốn chục mét thì hết quãng rừng non. Tôi nằm lại dưới chân một sườn dốc thoai thoải, há hốc mồm để thở. Đoạn dốc này chỉ dài hơn chục mét, leo hết nó là có thể lăn xuống cái khe cạn dẫn lên ụ đại liên. Nhưng lúc này đạn đang găm chiu chịu trên đó, vài viên chạm sỏi tóe lửa bay vọt lên trời. Không được! Nhào lên là chết. Tôi quay ngoắt người lao ra khỏi rừng, chạy chéo góc tráng cát lên đoạn dốc phía ụ súng. Mấy phút sau tôi đã lăn nhào xuống lòng khe lổn nhổn đá. "Giờ hết lo đạn bắn thẳng..." 
Như biết tôi vừa nghĩ gì, một khẩu M79 bắt đầu bắn "chóc... đùng” điểm nhịp cho tiếng tiểu liên rền như tiếng máy. Những quả đạn nổ nhằm hướng rừng, ánh lửa chớp nhoang nhoáng sau ngọn cây. “Chúng chỉ bắn hả giận, bắn hú họa thôi chứ không dám đuổi theo trong rừng rậm. Đêm tối thế này không lần vết được, con chó chắc chắn đã bị loại khỏi vòng chiến. Không biết Aga có thoát được không?..." 
Lúc này lại thấy bên sườn quặn lên, đau đến nghẹn thở. "Chết rồi! Không khéo xương sườn gãy, mình vận động mạnh quá nó cứa đứt mạch máu..." Tôi ôm sườn cố nén đau lần theo khe cạn đi nhanh về phía ụ súng. Trên đó ngoài khẩu đại liên, tôi có để sẵn năm quả lựu đạn và cây dao găm. Đối với bọn này, phải có súng đạn trong tay mới nói chuyện được. 
Phía sau, tiếng tiểu liên đã ngừng, chỉ còn khẩu M79 vẫn bắn đều đều, chớp đạn nổ ngày càng xa trong rừng. Chúng nghĩ tôi chạy về hướng đó. 
Tới ụ đại liên, tôi trườn vào bên trong mò mẫm tìm cây gỗ chống giàn dây leo ngụy trang lên. Đã thấy sáng hơn. Cởi tấm lon bọc ngoài, tôi chỉnh lại giá súng và quờ tay tìm thùng đạn đầy, mở nắp kéo dây đạn lắp vào súng. Tốt rồi! Khẩu súng này tôi chỉ mới một lần bắn thử năm viên vào hòn đá bên kia suối, nhưng lâu nay vẫn lau chùi cẩn thận nên tin chắc nó còn tốt. Khi rê súng dọc theo tràng cát, thấy mấy sợi dây leo lòng thòng vướng tầm nhìn, tôi phải leo lên dùng dao cắt nó đi.
Bọn lính vẫn chưa ra khỏi dải rừng non. Thấp thoáng ánh đèn lóe sau rặng cây, lúc lúc lại có cây đèn quét một vệt sáng lên trời. Chúng đang loay hoay với mấy thằng chết. Ít nhất cũng hai đứa. "Liệu con báo có sao không? Mong cho nó thoát được..." Mới nghĩ vậy thì nghe tiếng thở phì phì, rồi bóng nó hiện lên trên bờ ụ súng. Quên cả đau, tôi nhoài người ôm lấy đầu nó kéo tuột xuống và sờ nắn khắp mình. Không thấy chảy máu. "Giỏi quá Aga! Mày chính là phép màu kỳ diệu mà tao không dám mơ..." 
Sực nhớ ra, tôi buông con báo leo lên bờ ụ súng nhìn về hướng đồi cỏ. Trực thăng nhất định đỗ ngoài đó. Căn cứ số lính, tôi đoán chỉ có một chiếc và hy vọng nhìn thấy bóng nó nổi trên nền trời, nhưng không được. Sương xuống dày làm vầng trăng nhợt nhạt, chỉ tỏa ra ánh sáng nhờ nhờ. 
Bây giờ có hai tình huống. Nếu bọn địch kéo bộ lên chỗ trực thăng đỗ, tôi phải bắn quét chúng dọc theo tràng cát, và phải diệt gọn. Để tên nào chạy qua khỏi khoảng trống, coi như sổng. Tôi giương súng ngắm thử. Trời tối không nhìn rõ đường ngắm, nhưng không sao! Hai thùng rưỡi đạn, chả lẽ không diệt được bảy tên? Mà nếu còn sót thằng nào, nó cũng buốt xương sống tới già. Còn trường hợp chúng gọi trực thăng đáp xuống tràng cát để đón, công việc sẽ gọn ghẽ hơn nhiều... 
Chúng ra kia rồi! ánh đèn quét loang loáng nơi bìa rừng. Không nhìn rõ người, chỉ thấy bóng chúng kéo đi trong sương, âm thầm như những bóng ma. 
Đột ngột, tiếng động cơ rộ lên ngoài đồi cỏ. Tôi quay ngoắt lại nhìn. Chiếc trực thăng từ từ bay lên, hằn bóng đen trên nền mây sáng ánh trăng bàng bạc. Tôi lạnh người khi nhìn thấy nó vừa bay từ đỉnh ngọn đồi mà cô gái đã đỗ máy bay hôm đầu tiên chở tốp lính lên đây. "Có phải cô ấy?... Tim tôi đau nhói. Chẳng lẽ sự đời lại trớ trêu đến vậy sao? Trước mắt tôi như hiện lên đôi mắt đen tròn ươn ướt và giọng nói dễ thương buồn buồn: "...Còn gặp nhau nữa không anh?...Thôi em về đây! Đứng lại chút nữa chắc em khóc òa lên liền à..." Chẳng lẽ chúng tôi gặp nhau trong tình thế này sao? Và chính tay tôi bắn chết cả hai người con của ông Thành, hai người cháu của anh Hai Nguyên? 
Nhưng không thể chần chừ được nữa rồi! Cái bóng đen đơn độc của chiếc trực thăng biệt kích vẫn lùi lùi bay tới. Dưới kia, bọn lính đang nháy đèn làm hiệu, từng luồng sáng chớp tắt xuyên qua màn sương đặc quánh. 
Chiếc trực thăng đổi hướng. Tới đầu tràng cát, từ bụng nó, một khối sáng chói lòa hình chóp nón chợt bùng ra úp chụp xuống mặt đất. Nó bật đèn pha để tìm chỗ hạ. Tôi nhẹ người như vừa trút được gánh nặng. Không phải Thủy! Cô ấy biết tôi có khẩu đại liên chờ sẵn nên- không đời nào lại bay một đường bay dại dột như vậy, không đời nào cô dám bật đèn pha ngay trước mũi súng của tôi. Chắc chắn là vậy rồi! Tôi khấp khởi rê nòng súng bám theo nó. Giờ không sợ run tay khi bắn.

Chiếc trực thăng hạ xuống chính giữa tràng cát, đèn pha ở bụng vụt tắt. Khoảng không tối sầm lại. Tôi nhắm mắt trong vài giây rồi mở ra nhìn. Cái bóng của nó hiện ra nhờ nhờ trong màn sương. Không phải loại HU, chiếc này có vẻ kềnh càng hơn. 

Tiếng động cơ nổ nhỏ lại. Bọn lính đang lục tục kéo đến. Cũng chỉ thấy những bóng đen lòa nhòa trong sương chứ không đếm được mấy tên. Tôi giương súng ngắm. Cầu trời khấn phật cho khẩu súng đừng hỏng. Lúc này mà súng hóc đạn xịt thì coi như số trời định vậy! Tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực. Chưa lúc nào tôi thấy mình hồi hộp như lúc này. "Bình tĩnh, đừng bắn vội! Chờ lát nữa..." 
Bọn lính đã lên hết, không còn thấy ánh đèn lấp lóe bên ngoài. Tràng cát tối om. Mặt trăng cũng chui vào một đám mây đen như sợ phải chứng kiến cảnh tượng sắp diễn ra... 
Tiếng động cơ lại dội lên. Và như sợ tôi ìạc mất mục tiêu, một chiếc đèn hiệu màu đỏ bật sáng nhấp nháy phía dưới đầu máy bay. "Chúng mày ngu quá! Tưởng tao chết rồi phải không?" Ít ra thì chúng cũng nghĩ tôi đã chạy bạt mạng vào sâu trong rừng. 
Chiếc trực thăng bắt đầu dâng cao như đang nổi lên trong biển sương. Tôi nheo mắt nhích dần nòng súng theo. Năm mét... mười mét. "Khoan, đừng nóng..." Mười lăm mét. Tôi nín thở, ngón trỏ co lại trên cò súng. Hai mươi mét. "Bắn!" Tôi siết cò. Một vòi lửa phụt ra đầu nòng súng và ngay lập tức biến thành đàn ong lửa chụp lên chiếc trực thăng. Nó rùng mình cố bay vọt lên. Tôi căng người ghìm súng, ngón tay vẫn níu cò cứng ngắc, mắt dán vào đường ngắm chỉnh cho luồng đạn không rời khỏi mục tiêu. Đã thấy rõ những chớp lửa nháng liên tiếp trên vỏ máy bay. Chiếc trực thăng lảo đảo cố lết ra khỏi vùng đạn lửa. Nó lết đến đâu dòng đạn xoáy đến đó. Sau ánh chớp đầu nòng, tôi nhìn thấy từ bụng nó một vệt lừa trườn ra, liếm nhanh về phía đuôi Rồi một tiếng "ùm" vang lên trầm đục: bình xăng nổ. Một đám lửa màu cam cuồn cuộn trùm kín cả chiếc máy bay. Khẩu súng trong tay thôi rung, tiếng búa súng gõ khô khốc, dây đạn đã hết. Tôi buông súng, mắt trừng theo đám cháy giữa trời. Vài giây sau, từ trong quầng lửa lơ lửng, khúc đuôi máy bay từ từ đứt rời ra và rụng xuống. Phần còn lại của nó vẫn bốc cháy rừng rực. Đột nhiên từ đám cháy đó, một quả cầu lửa khổng lồ bùng lên đỏ rực và chói lòa, kèm theo tiếng nổ dữ dội rung chuyển cả trời đất. Trong khoảnh khắc, quả cầu lừa nổ tung thành hàng trăm mảnh lửa to nhỏ tóe ra như pháo hoa. Rừng núi gần xa sáng rạng lên, sóng xung kích lướt ào ào trên cỏ lau mang theo hơi nóng phả tới tận chỗ tôi đứng. Vô số mảnh vỡ rơi rào rào, vung vãi khắp một vùng rộng. 
Vụ nổ thật khủng khiếp. Mãi mấy phút sau tôi vẫn còn đứng sững người nhìn lửa cháy rải rác trên tràng cát. Từ đống xác máy bay, thỉnh thoảng lại có cụm lửa nhỏ tóe lên kèm theo tiếng nổ lốp đốp, ùng oang của đạn và lựu đạn... 
Rồi tất cả yên lặng trở lại. Trên xác chiếc trực thăng, vài ngọn lửa cháy leo lét sáng xanh như ma trơi. Sương mù dày đặc vừa bị xua khỏi vùng chấn động của vụ nổ, giờ đây ùn ùn tràn tới như muốn vùi lấp cảnh chết chóc bằng màn bụi nước trắng đục màu sữa. 
Mệt rũ người, tôi gục đầu xuống khẩu đại liên còn nóng. Trong ụ súng nồng nặc mùi thuốc đạn. Lát sau gió lùa tới mang thêm cả mùi xăng và mùi xác người cháy khét. Tôi ọe liền mấy cái rồi gập người nôn thốc nôn tháo. Chỗ bị đánh bên sườn lại đau quặn lên. Ngồi tựa vào vách hầm, tôi cố chịu đau lấy tay ấn vào mạng sườn để kiểm tra. Hình như bị gãy hai chiếc, mong sao đừng chảy máu bên trong. 
Mấy giờ rồi nhỉ? Chiếc đồng hồ vẫn còn trên cổ tay nhưng tối quá không nhìn được. Trăng đã lặn. Sương càng đổ dày càng thấy lạnh. Lúc này tôi mới nhận ra bộ quần áo trên người rách tả tơi, chỉ còn lại những dải vải lòng thòng. Đám bụi nước giá buốt tràn vào ụ súng làm mùi khét dịu đi. Tôi run lập cập ngồi ôm con báo cho có chút hơi ấm, chốc chốc lại ngóng ra ngoài xem trời đã rạng chưa...



< Trước     Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối

Đội đặc nhiệm TK1 (chương 20)

Chương XX




Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối

Cha con ông Thành đã chuẩn bị bữa cơm trưa khá tươm tất. Thức ăn có một đĩa xếp đầy những lát cá thu kho, và một đĩa khác ngồn ngộn những con tôm luộc to hơn ngón tay cái, mà màu vỏ đỏ hồng cùng hương vở của nó đều hết sức xa lạ và hấp dẫn khi xuất hiện ở giữa rừng. Lái còn đĩa rau sống xanh đến mát mắt, có điểm những lát chuối chát trắng mỏng và mấy lát khế hình ngôi sao vàng hượm. Bên cạnh là chén nước mắm có thả mấy miếng ớt đỏ tươi, cùng đĩa muối tiêu lốm đốm đen trắng với mấy quả chanh vỏ vàng suộm. Còn xoong cơm thì khỏi nói, mới mở vung ra đã thơm nức hương gạo. 
- Ôi! Gạo mới phải không cô Thủy? - Tôi kêu lên - Thơm quá, chỉ ngửi mùi cũng thấy ngon! Cứ như đang vụ gặt... 
Ông Tùng cười hà hà, quay sang nói với ông Thành: 
- Hèn chi con nhỏ sáng nay cứ chạy lòng vòng quanh chợ, gạo nào cũng chê không mua! 
Tôi làm như không biết gì. Cô gái đỏ mặt nói lảng: 
- Cháu đâu biết bác chê cơm gạo mới? 
- Tao chê hồi nào? Tao chỉ nói mày muốn mang cả biển cả ruộng vườn lên rừng để... 
Cô gái vội cướp lời: 
- Có vậy nên cháu mới bỏ quên chai rượu... 
- Nói gì kỳ vậy cháu? Thôi tao không nói nữa. Đem ra cho bác! Lên đây mà thiếu chai rượu nhâm nhi thì còn ra gì! 
- Cháu quên thiệt mát! Lúc sáng lu bu công chuyện, lại đi gấp... 
- Con nhỏ này giỡn hoài! Đâu rồi? Đem ra đây để bác mời anh Hải một ly chớ! Mấy khi có dịp ngồi giữa rừng cụng ly với Việt Cộng? 
Cô gái cười lỏn lẻn, lôi từ túi xách ra chai rượu vuông nhãn đỏ và mấy cái ly nhỏ. Mắt ông Tùng sáng lên. Ông vừa mở nắp róc rượu ra ly vừa lầu bầu: 
- Thằng nào sau này lấy mấy thì khổ thôi, cháu ạ!
- Bác khỏi lo! Cháu không lấy chồng đâu! Cháu đợi khi nào chú Nguyên vô đã. 
- Vậy là bác không được dự đám cưới mày rồi! 
- Sao bác lại nói thế! 
- Chú mày mà vô đây thì tao chạy từ đời tám hoánh nào rồi! 
Ông nói tưng tưng, trên mặt chẳng còn chút căng thẳng nào của cuộc nói chuyện bên bờ suối lúc nãy. Hình như trong ông có đến hai con người..., không, phải nói là hai tâm trạng thì đúng hơn. 
Bữa cơm trưa rất vui vẻ. Ai nấy đều ngon miệng, một phần vì đói mềm. Đã một giờ chiều rồi còn gì! Tôi ăn ngon lành mấy món biển, còn các vị khách lại nắc nỏm khen mãi món cá lấu gói lá chuối lùi trong than hồng, tuy món cá chưa đạt yêu cầu cho lắm do nướng vội, lớp da cá cháy mà không giòn. Tôi biết họ khen thật tình, bằng chứng là ba con cá to cuối cùng chỉ còn lại chỗ xương mà báo Aga cũng chỉ đưa mũi liếc qua rồi quay đi. Tuy vậy nó không tỏ vẻ khó chịu, không hiểu vì biết nhởn miệng đãi khách hay còn no thịt bò. 
Cơm xong, cô gái thu dọn bát ba rồi nói với ông Tùng: 
- Bác đưa cháu xuống suối! 
Tôi vội nói: 
- Cô cứ để đấy, chiều tôi rửa! 
- Ai lại để bát đĩa dơ thế này mà ngồi nới chuyện? Đi bác! - Cô giúi khẩu tiểu liên vào tay ông. 
- A...! Con nhỏ này! Ăn xong phải để tao nghỉ ngơi chút chớ! 
- Lên đây bác phải làm việc, đâu như ở dưới mà có hầu cận! 
Khi ông Tùng đứng dậy xách súng đi, cô quay lại nhìn tôi cười ranh mãnh.
Quả nhiên hai người mới đi được một quãng, ông Thành đã bảo tôi: 
- Anh Hải này, vừa rồi tôi có vào Tam Kỳ! 
- Bác vào chỗ già Lý! - Tôi hỏi. 
- À! Có hẹn trước nên tôi gặp được người con trai. Anh ấy tên Nghĩa, làm ở Huyện ủy. Tôi có viết thư gửi cho chú Nguyên, trong thư kể chuyện gặp anh nên mới biết địa chỉ. 
- Rồi sao nữa bác? - Tôi lại hỏi, trong bụng mừng rơn. 
- Anh ấy hứa là sẽ chuyển được, và hỏi rất kỹ về chuyện của anh, chắc ông Lý có nói trước. Tôi thì cứ thiệt tình kể lại những gì biết ở đây và nghe anh nói. 
- Cám ơn bác! Nếu vậy chắc rồi đơn vị cháu sẽ biết tin cháu còn sống.
- Anh có cần nhắn gì không? - Ông nói, và chắc nhìn thấy vẻ mặt phân vân của tôi nên lại nói tiếp - Xin anh tin ở tôi. Tôi rất biết ơn anh về những việc anh đã làm cho gia đình tôi, và cũng mong làm được việc gì đó để sau này còn gặp lại chú nó. 
- Chính bác với cô Thủy mới giúp cháu nhiều chứ ạ. Cháu chỉ sợ lỡ có gì nguy hiểm cho hai bác. 
- Không sao đâu anh. Chỗ ông Lý dân Đà Nẵng lên nườm nượp, ở đó có ông thầy thuốc nam giỏi lắm. Tôi vào đó đã quen mặt rồi. 
- Vậy bác cho cháu mượn giấy bút viết mấy chữ. 
Ông Thành đưa cho tôi cây bút bi với quyển sổ lịch. Tôi xé trang giấy trắng viết bức thư ngắn: 
"Chú Hai kính! 
Mấy lần định lên thăm chú thím và các em mà chưa đi được. Mùa màng vừa xong thì ba đứa nhỏ lại ôm. Thành ra có kiếm cho chú mấy cây mai vàng, giống nở hoa sáu cánh, nhưng còn bỏ đó. Hay hôm nào chú rảnh, về chơi rồi đem lên một thể. Nghe nói giống mai này quý lắm!
Vậy cháu viết ít dòng để chú khỏi trông. 
Kính chú thím khỏe! 
Cháu Tư"

Lâu ngày không cầm bút, tay cứng quèo nên nét chữ nguệch ngoạc, nhưng như vậy cũng hay. Tôi đưa tờ giấy cho ông Thành và dặn: 

- Bác đưa cho anh Nghĩa, nhờ anh ấy chuyển cho anh hai Nguyên. Nếu kẹt, bác cứ hủy đi rồi nhắn miệng với nội dung như trong thư cũng được. 
- Tôi hiểu! Anh yên tâm. 
Ông Thành đọc bức thư rồi gấp lại, nhét trong ngăn ví và cất vào túi. Cách thức liên lạc này tôi đã từng nghĩ tới. Nếu nhận được thư, anh Hai Nguyên hoặc các cán bộ tham gia chỉ đạo TK1 sẽ hiểu ngay vấn đề. Còn lỡ nó lọt vào tay địch, thì chỉ những kẻ biết rõ việc tôi sống ở đây và biết bức thư này tôi viết, mới nghi ngờ nội dung. Nhưng tôi tin ở ông Thành và hiểu được rằng, nếu không có lòng tin ở con người thì chẳng làm nên việc gì cả. 
Tôi nói với ông: 
- Quả thực, cháu rất ngạc nhiên khi thấy ông Tùng lên đây! 
- Ông ấy không có ẩn ý gì đâu!
- Cháu biết! Một vị đại tá không đến nỗi phải đích thân di do thám, nhưng dù sao cũng rất khó hiểu. 
- Ông Tùng lên không phải vì anh, cũng không phải vì tôi hay con Thủy lôi kéo, mà chỉ vì ông ấy đang muốn tự chiêm nghiệm lại bản thân mình. Tất nhiên trong lớp người như ông Tùng, không phải ai cũng như vậy. Nhưng nội tâm con người vốn rất phức tạp. Anh cứ coi đây là một trường hợp đặc biệt. Tôi biết mấy năm gần đây ông ấy có nhiều trăn trở trong cách nhìn nhận về cuộc chiến... 
Tôi còn muốn hỏi thêm nhưng ông Tùng và cô gái đã lên tới. 
Mặt trời chênh chếch dọi nắng lên chỗ bàn đá. Chúng tôi ngồi xuống bãi cỏ nơi có bóng râm, tiếp tục trò chuyện. Khi nghe tôi hỏi về diễn biến hội nghị Paris, ông Tùng nói: 
- Vẫn tiếp tục, nhưng chưa có gì mới. À, anh lên đây mấy năm? Hai phải không - Thấy tôi gật đầu, ông nói tiếp - đúng là chẳng có gì mới trong thời gian đó. Tướng Thiệu bắt buộc phải cử một phái đoàn sang để đối diện với Mặt trận Giải phóng. Dĩ nhiên đó là ý người Mỹ chứ ông ta chẳng vui vẻ gì! 
Tôi hỏi: 
- Theo đại tá, hội nghị Paris sẽ đi đến đâu? 
- Thì cũng phải tiến tới một kết cục nào đó chớ! Nhanh hay chậm là còn tùy ở hai phía, Mỹ và Hà Nội. Anh biết rồi, cái gọi là "bốn bên" chỉ là hình thức. Nhưng cuộc chiến kết thúc như thế nào, theo tôi cuối cùng vẫn phải quyết định trên chiến trường. Vừa rồi, tướng Thiệu mở cuộc hành quân Lam Sơn cũng nhằm ý đó. Ông muốn tạo một hành lang chiến lược dọc theo đường Chín, cắt đứt tuyến tiếp tế của Hà Nội, cái đường... Trường Sơn đó! Nếu làm được, ông ta sẽ có tiếng nói mạnh trên bàn hội nghị, và có giá với Hoa Kỳ. 
Tôi thấy ông Tùng chỉ gọi "tướng Thiệu” chứ không gọi tổng thống, nhưng không quan tâm đến điều đó, chỉ háo hức hỏi: 
- Thế rồi kết quả ra sao? 
- À… Tất nhiên chúng tôi phải thắng chớ! Đại tá chỉ huy hành quân bị bắt làm tù binh, nhưng chúng tôi vẫn thắng! Thắng ở trên đài trên báo! - Giọng ông chua chát - Phía các anh tham chiến với cả tăng T34 và đại pháo, còn hỏa lực phòng không thì dày đặc. Tôi thấy có vẻ lần đầu tiên các anh tổ chức tác chiến hiệp đồng binh chủng, quy mô không lớn nhưng hiệu quả... 
Cũng với cách nói tưng tưng, ông kể thêm về tình hình chiến sự, tất nhiên từ góc nhìn của ông. Tôi như mở cờ trong bụng. Được biết những tin tức đó, nhất là khi nghe chính ruột đại tá ngụy nói, thật thú vị.
Ông Tùng lại vớ cái ly và chai rượu còn non nửa. Từ đầu tới giờ ông uống là nhiều, tôi với ông Thành chỉ nhấp môi gọi là. 
Cô gái can: 
- Bác đứng uống nữa! Hồi tới giờ bác uống nhiều rồi... 
- Nhâm nhi cho vui chớ ăn nhằm chi ba cái thứ rượu ngoại này! 
- Bác uống nhiều thế, làm sao bay được? 
- Cái con này! Hôm nay phải để bác xả hơi chút chớ! Mày đưa tao đi thì phải lo chở về... 
- Là nói... bay dài dài đó. Chớ cháu đâu dám bỏ bác lại đây? Về dưới chết với bác gái à! Mà bác gái biểu dạo này bác hay uống rượu một mình... 
- Ôi nghe bả làm chi! Mà... tao hết ham bay rồi. À này, ông quay sang nói với tôi - Cái thứ cá nướng của anh đó, nhậu với ba xị đế là phải biết! Còn ngon hơn cá lóc lụi rơm. Anh nhậu thứ đó bao giờ chưa? - Giọng ông ngà ngà. 
- Tôi có nghe kể mà chưa được ăn lần nào. - Tôi cười đáp.
- Chậc! Nếu có dịp, mời anh về quê tôi. Tôi sẽ tự tay bắt cá làm cho anh nhậu một bữa. Mà anh biết sao không? Phải nhậu giữa đồng, lúc sắp tắt nắng ấyl Lúc đó gió biển lồng lộng, ta ngồi giữa mênh mông trời đất, nhìn chỏm nắng trên đọt dừa, ngắm đàn cò bay về tổ, người khói đốt đồng thơm mùi rạ cháy, tay nâng ly đế trong như mắt mèo đưa lên ngang mắt ngắm qua một chút rồi mới tợp một ngụm, rồi xé miếng lóc nướng thơm phức kẹp với rau sống, thêm ngọn rau thơm, lùa vô đầy miệng nhai mới đã! Lại cắn thêm trái ớt xanh nữa... Ối! Phải biết nhá! 
Cô gái cười rúc rích: 
- Nghe bác kể mà bắt thèm! Hôm nào đi, bác nhớ kêu cháu theo với...
- Mày thì biết gì! Nhậu như vậy phải gặp tri âm tri kỷ mới đã à nghen! - Ông Tùng mắng cô gái rồi quay sang nói với tôi - Con người ta kể cũng lạ! Như tôi ăn uống đâu thiếu thứ gì, vậy mà vẫn thèm được một lần như thế. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in cảnh ông già tôi ngồi nhậu với bạn vào những buổi chiều...

Ông ngừng lời, xoay xoay ly rượu trong tay rồi chợt nâng lên ực một cái hết cạn. Tôi nhận thấy nãy giờ ông nói đặc giọng Nam Bộ. 

- Thỉnh thoảng đại tá nên nghỉ “việc binh", tổ chức một buổi nhậu như thế. - Tôi nói với ông. 
- Nhằm nhỏ gì anh! Bay một chiếc trực thăng tới vùng đồng nào đó, tất nhiên là liên hệ trước với đồn binh ở đó để khỏi lo du kích bắn tỉa... Rồi đám đệ tử lăng xăng, chúng mang theo đủ thứ... Tôi đã thử mấy lần và hiểu ra là một niềm vui bình dị như vậy chỉ có được khi người ta sống mộc mạc thanh thản... 
- Thế giờ đại tá còn ai ở quê không ạ? 
Ông Tùng cúi xuống nghiêng chai róc rượu vào ly mình, lát sau mới kể:
- Ba má tôi bị bịnh mất lúc tôi mười bốn tuổi. Tôi dắt thằng em lên Sài Gòn nhờ ông chú họ nuôi đi học. Nhà tôi có trước mảnh vườn chưa đầy công đất, dựng xong ngôi nhà lá còn trồng được mấy hàng cau... Khi hai anh em tôi dắt díu nhau đi, ngôi nhà đã nát nhưng hàng cau vẫn còn. Sau này về cau già chết hết. Tôi nhờ bà con dựng lại nhà để đặt bàn thờ ba má tôi, và trồng mấy hàng cau như cũ, có người anh họ tới ở để trông coi. Lâu lâu có dịp, tôi về nhậu với ổng một bữa. - Ông tợp thêm ngụm rượu rồi kể tiếp, giọng ngùi ngùi - Cách đây… ờ, phải hơn ba năm rồi, tôi về quê, thấy... cháy hết. Ngôi nhà cháy rụi, ông anh họ chết cháy trong đó. Còn thấy hàng cau cây cháy sém, cây cháy đen... Bom napan! Việt Cộng các anh đâu có thứ đó! Cũng biết chiến tranh là vậy mà sao thấy... buồn quá? 
Câu chuyện của ông ngừng lại ngang đó. Chúng tôi ngồi im lặng, mỗi người miên man theo ý nghĩ của mình. 
Tôi liếc nhìn nét mặt trầm ngâm của ông Tùng, cố đoán xem vì sao ông lại kể những điều ấy ra với tôi, một người mới gặp lần đầu, mà lại là một người lính của phe đối địch? Có phải khi ngồi giữa rừng, người ta dễ cởi mở thẳng thắn với nhau hơn? Cũng có thể khi ở giữa thiên nhiên hoang dã, không cần phải lừa lọc dồi trá toan tính, không e ngại những mưu mô cạm bẫy, con người trở nên trong sạch hơn và sống thật với chính mình... 
- Anh Hải, cho em mượn chiếc lược! - Tiếng cô gái cắt ngang dòng suy nghĩ. 
Tôi trả lời: 
- Ở trên nhà, cô lên đó lấy! 
- Em lên được không? 
- Sao lại không? Có bí mật gì đâu mà cô lo? 
Tôi cười đáp và hơi ngạc nhiên. Chẳng phải cô lên lấy bát đĩa xuống dọn cơm đó sao? Chắc lại kiếm cớ nói chuyện riêng đây. 
Lát sau nghe tiếng cô gọi với xuống: "Anh để ở đâu em tìm không ra...". Tôi đành xin lỗi hai vị khách, chạy lên. 
Bước vào nhà, thấy cô ngồi xệp giữa sàn, hai chân xếp nghiêng một bên, đang cầm lược thong thả chải tóc. 
- Biết ngay là cô lại có âm mưu gì đây? - Tôi đùa.
- Đâu có! Em chỉ muốn coi anh sống thế nào. - Cô đáp dịu dàng, mái tóc dày che nghiêng nửa khuôn mặt. 
- Chẳng phải cô lên đây rồi sao? 
- Em lên hồi nào? - Cô ngạc nhiên. 
- Lúc lấy bát đĩa xuống dọn cơm? 
- Ối! Anh đa nghi quá? - Cô cười rũ - Ba em lấy đó? Em là con gái, ai lại tự tiện vô nhà con trai được. Nhưng... đúng là em có chuyện muốn nói với anh thật. - Cô bỏ lược xuống, nhìn tôi đăm đăm. 
- Có gì cô Thủy cứ nói đi? 
- Anh Hải! Hay là anh về dưới với em... ì, không phải! Em muốn nói là... anh về dưới đó rồi tìm cách móc để ra... Chớ ở đây anh sống cực quá hà! 
- Sao trước cô nói ở đây đẹp như cõi tiên? - Tôi hỏi, cốt để có thời gian suy nghĩ. 
- Thì... đẹp thiệt chớ bộ. Có điều anh sống một mình, lỡ ốm đau làm sao? Anh chẳng đã kể có lần suýt chết là gì? Mà em thấy anh còn yếu lắm, biết lúc nào mới đủ sức trở về? 
Quay mặt ra cửa để tránh ánh mắt của cô, tôi nói nho nhỏ: 
- Tôi có nghĩ tới điều đó, nhưng không thể! 
- Sao vậy anh? 
- Tôi là người lính, không quen cuộc sống đô thành, về dưới lớ ngớ là bị bắt liền. Lúc đó sẽ rất nguy hiểm cho bác và cô. 
- Em biết những người như anh đâu chịu rời bỏ mục đích của mình. - Cô cúi đầu, mái tóc chảy dài xuống ngực - Em chỉ muốn làm được việc gì đó để giúp anh... 
- Cám ơn cô Thủy? Mà sao bác và cô lại tốt với tôi đến vậy? Tôi cảm động. 
Cô ngẩng đầu nhìn tôi lém lỉnh: 
- Bộ anh nghĩ trên đời chỉ mình anh tốt thôi sao?
- Không phải như vậy, nhưng... 
- Anh biết trước lúc lên đây, bác Tùng dặn em sao không 
- Ông nói gì? 
- Bác ấy biểu, lên hỏi anh nghĩ sao nếu có một chuyến trực thăng chở anh tới nơi nào đó gần bên... Cách mạng? 
- Ông ấy nói vậy ư? - Tôi thốt lên kinh ngạc. 
- Bác ấy thiệt tình đó anh! Sắp xếp một phi vụ như thế đói với bác ấy đâu có khó! 
- Nhưng sao ông lại làm vậy? Cứ cho là... bác ấy có cảm tình với anh! Hoặc anh nghĩ... ông làm vậy vì em cũng được, đâu có sao? - Ánh mắt cô lại hiện lên vẻ tinh nghịch. 
- Như vậy… nguy hiểm lắm! 
- Anh đừng lo? Em đâu dám lừa để bắt cóc anh về dưới đê! Lỡ giữa đường anh biết, anh làm "không tặc" thì chết em à! 
- Tôi không nói vậy? Nhưng... cô không sợ đạn của Quân giải phóng bắn vào máy bay ư? Bác giờ chỉ còn mình cô... 
- Anh lúc nào cũng chỉ nghĩ đến người khác... - Cô thở dài. 
Tôi cười: 
- Không hẳn! Máy bay rồi thì tôi cũng chết. Hoặc cứ cho là không bị bắn, nhưng về lại dưới đó cô sẽ nói sao với tụi an ninh? Một chuyến bay như vậy không qua mắt tụi nó được. Lúc đó ông Tùng cũng không che chở nổi. Tôi không muốn... người khác vì tôi mà gặp nguy hiểm.

Cô gái ngồi lặng lẽ, lát sau mới nói: 

- Anh biết hồi trước ba nói với tụi em sao không? Là nói có cả anh Trà đó. Ông biểu: Bây ham gì thì ham, nhưng phải ráng sống sao cho có ý nghĩa... Lúc đó em đâu hiểu hết lời ông nói, em chỉ ham bay thôi à! Em bay trên mây và tội nghiệp cho mấy nhỏ bạn đi biểu tình sinh viên bị xỉu hơi cay... Giờ em muốn làm được một việc gì đó, mà sao thấy khó quá... 
Tôi tần ngần nhìn cô, định nói đôi lời an ủi nhưng cứ lúng túng mãi. Có lẽ nói ra điều gì lúc này cũng đều sáo rỗng. Cuối cùng lại chỉ hỏi: 
- Cô vẫn chưa giải thích vì sao ông Tùng lại bảo như vậy? 
- Em đâu biết! Anh xuống hỏi thử coi! 
Lại khúc khích cười. Và chừng như nhìn thấy vẻ mặt đăm chiêu của tôi, nên cô nói tiếp: 
- Thiệt tình lúc đó em cũng ngạc nhiên lắm. Em hỏi, bộ bác mê Việt Cộng rồi sao? Ông mắng em một trận te tua luôn à! Mãi sau bác ấy mới nói: "Chẳng qua tao khâm phục những người lính can đảm". Bác ấy còn biểu... Mà thôi, em không nói nữa đâu! 
- Sao ông không tự nói với tôi? 
- Em không biết! Có thể bác ấy cũng có tự ái chớ! Tự dưng một đại tá của không lực lại đi năn nỉ: "Anh lên đây, tôi chở anh qua bển..." Và đừng tưởng anh đã thuyết phục được bác ấy đi theo Việt... theo bên...
- Cô cứ nói đại Việt cộng, không sao đâu! 
- Thì để em tập cho quen. Lỡ sau này gặp chú mà cứ quen miệng, chú mắng em chết! - Cô che miệng cười, đôi mắt đen láy cũng cười theo.
Có tiếng rào rào trong đám lá trên mái nhà. Tôi giải thích khi thấy cô nhìn lên: 
- Lũ khỉ về đấy! Hôm nay chúng về sớm, chắc biết nhà có khách. 
- Hay quá! Em có đem chuối lên... 
Cô vớ chiếc cặp ba lá cặp vội mái tóc, lao ra khỏi nhà nhảy xuống cầu thang. 
- Gì vậy con? - Ông Thành ngạc nhiên hỏi. 
Cô gái không đáp, vội vã lôi từ trong túi xách ra mấy nải chuối chín vàng. 
Những con khỉ lúc đầu có vẻ rụt rè, nhưng sau cũng chứng tỏ là chúng không hề khách khí, khiến các vị khách hết sức hài lòng và vui vẻ khi nhìn chúng nhảy nhót trên bãi cỏ rồi rít chia nhau những quả chuối tiêu vàng hươm. Tuy vậy hôm nay trông lũ khỉ từ tốn hẳn ra. Không phải chúng biết giữ ý trước khách, chẳng qua chuối còn nhiều, đâu có gì phải vội. 
Cây ngàn lao xao trong nắng chiều vàng nhạt, vài cụm mây trắng trôi lững lờ qua khoảng trời ló ra giữa những vòm cây. Trong muôn ngàn âm thanh êm đềm của rừng chiều, thỉnh thoảng lại có tiếng chim vút lên tan vào thinh không. Thiên nhiên lúc này đủ sức làm mềm lòng bất cứ ai... 
Ông Thành nhìn đồng hồ rồi nói với tôi: 
- Anh Hải này! Anh cho chúng tôi đi thăm mộ và thắp hương cho các anh ấy. Hôm trước về vội quá, tôi cứ áy náy mãi... 
Tôi cảm động: 
- Vâng! Nhưng... 
Thấy tôi ngập ngừng, ông Tùng nói ngay: 
- Anh yên tâm! Tôi luôn kính trọng những người lính dũng cảm. Việc này chúng tôi đã bàn với nhau trước khi lên đây! 
Tôi xem đồng hồ thấy đã hơn ba giờ chiều, bèn nói với ông Thành: 
- Nếu vậy ta xuống đó, rồi bác và đại tá về luôn kẻo muộn. 
Cô gái bảo tôi:
- Em có mang lên cho anh mấy thứ lặt vặt, để đem lên nhà. 
Ông Thành cùng con gái đem mấy gói đồ và chiếc thùng giấy lên trên nhà. Tôi mượn lại ba chiếc túi, ra sau gốc đa chất đầy ba túi trầm khệ nệ xách vào: 
- Có ít trầm biếu bác và đại tá! 
Ông Thành áy náy: 
- Anh cho nhiều quá! 
- Có gì đâu bác! Quà của rừng mà! 
Chúng tôi ra chỗ máy bay đỗ. Cô gái leo lên ghế lái. Ông Tùng bảo tôi ngồi ở ghế trước, rồi cùng ông Thành bước lên cửa hông. Tôi bồng con báo bỏ lên máy bay, nhưng nó lồng lộn tuột khỏi tay tôi, vùng chạy vào đến bìa rừng thì dừng lại, cúp đuôi đứng nhìn ra. Tiếc quá! Định để nó đi máy bay một lần cho biết, mấy khi có dịp! 
Chiếc trực thăng nhớm càng bay lên. Từ trên cao, tôi ngỡ ngàng nhìn cánh rừng nơi mình ở và cố hình dung xem lúc trước, với tư thế nào mà tên lính ngồi ở vị trí này đã nhắm bắn tôi bằng khẩu súng hiện giờ tôi đang cầm trong tay. Chưa kịp nghĩ ra thì máy bay đã đến nơi. Tới chỉ cho cô gái đáp xuống bãi cỏ, cách ngôi mộ đá chừng bảy chục mét.
Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng sẽ có lúc mình đến thăm mộ bằng máy bay. Cũng loại trực thăng như chiếc đã tấn công chúng tôi ngày nào, nhưng con người thì khác. Hôm nay họ đến đây với tư cách bạn bè, kể cả ông đại tá kia nữa. 
Tôi đốt trầm rồi quỳ một chân trước tấm bia, mắt đăm đăm nhìn những phiến đá màu nâu trơ mòn mưa gió. Ba người khách lần lượt thắp hương trên mộ, kính cẩn bỏ mũ đứng cúi đầu. Dưới nắng chiều nhàn nhạt, cả vùng đồi cỏ mênh mông vắng lặng, nghe rõ tiếng gió lùa vi vu trên ngọn thủy tùng và tiếng chim vẳng ra tử cánh rừng trước mặt. Trong khoảnh khác này tôi quên hết mọi sự vật xung quanh và không còn nhớ tới nhũng người đang đứng sau lưng. Tâm trí tôi như bay theo khói hương trầm nghi ngút, trở lại với những tháng ngày chúng tôi còn bên nhau. Ước gì các anh hiện ra từ làn khói trắng mờ kia, dù cbỉ một giây thôi. Lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ chẳng làm các anh sống lại được...

Cô gái cất tiếng nói sau lưng tôi, giọng nhẹ như làn gió thoảng: 

- Mấy lần bay qua đây em đều nhìn thấy ngôi mộ, mà nghĩ mãi không biết tấm bia làm bằng gì. Có phải của chiếc trực thăng ấy?... 
Tôi đứng dậy nhìn cô, im lặng gật đầu. Cô mấp máy môi định nói gì đó nhưng lại thôi, đôi mắt ươn ướt buồn bã. 
Ông Tùng bước tới đưa tay rờ rẫm những dòng chữ đục trên đoạn cánh quạt, khuôn mặt như tạc bằng những nhát đẽo giờ trông tư lự và khắc khổ. Ông Thành vẫn lặng lẽ đứng cúi đầu, gió thổi những sợi tóc hoa râm rung rung. Tôi chợt nhận ra rằng, bên cạnh cây thủy tùng vươn cao đồ sộ và hùng vĩ, và trong cảnh đìu hiu của vùng sơn nguyên hoang dã mênh mông, bốn con người chúng tôi mới nhỏ bé làm sao...
Có tiếng thở phì phì bên cạnh khiến mọi người cùng giật mình. Thì ra con báo, nó chạy tới từ lúc nào chẳng ai thấy. Sao nó tài thế nhỉ? Đã đành ba cây số đồi núi đối với sức lực và tốc độ của nó chẳng đáng là bao, nhưng làm sao con báo biết chúng tôi tới đây? Chắc nó chạy lên mỏm đồi nào đó đứng nhìn theo. 
Con báo tới cọ đầu vào chân cô gái, hiền như một chú mèo ngoan. Cô thụp xuống vuốt ve nó, mặt rạng rỡ, mắt ngời hãnh diện. Đâu phải ai lên đây cũng đều được con dã thú quyến luyến đến thế. Bất cứ cô gái nào có lòng yêu thương loài vật đều mong muốn có những giây phút đáng tự hào như vậy. 
Thấy chiều đã muộn, ông Thành giục con gái: 
- Thủy, chuẩn bị về thôi con! 
Cô quay lại nói với tôi: 
- Để em đưa anh lại nhà! 
- Không cần đâu! Cô sắp xếp về kẻo muộn. - Tôi trả lời rồi cúi xuống vun cho những miếng trầm cháy hết và cắm lại mấy cây hương bị nghiêng, những cây hương lần đầu được cắm tại đây. 
Lúc ngẩng lên, thấy ông Thành và con gái đã tới gần chiếc trực thăng. ông Tùng vẫn đứng đợi tôi. Tôi cùng ông bước chầm chậm qua những hố đạn ngập cỏ ông hỏi: 
- Con Thủy có nói với anh rồi phải không? 
- Vâng! Dù sao cũng xin cám ơn đại tá! - Tôi hiểu ông muốn nói gì nên trả lời như đang tiếp tục một câu chuyện nói dở. 
- Rất tiếc là không giúp gì được cho anh? - Ông Tùng nói - Sắp xếp để anh sống ở Đà Nẵng hay Sài Gòn, điều đó tôi làm được. Nhưng những người như anh đời nào chịu như thế. Còn bố trí để anh trở về bên kia thì đành chịu. Ở vị thế tôi lúc này, không thể móc được với người bên ấy... 
Rồi ông chợt nói nhanh, giọng nghiêm trang và buồn buồn: 
- Trong cuộc chiến này, cuối cùng các anh sẽ thắng. Tôi biết điều đó từ khi thấy Hoa Kỳ buộc phải ngưng ném bom miền Bắc và rút dần quân về để ngồi hòa đàm. Nhưng các anh lấy đâu ra sức mạnh như vậy để tồn tại và chiến thắng, có lẽ đến hôm nay tôi bắt đầu hiểu ra, khi nhìn tấm bia mộ làm bằng cánh quạt trực thăng. Chứ những lời lẽ của anh chưa đủ thuyết phục tôi đâu!
- Vâng! - Tôi đáp gọn. 
- Nói gì thì nói, tôi vẫn không ưa cộng sản. - Ông nói tiếp! Có thể tôi sai. Có thể sau này, nếu các anh tạo dựng được một xã hội tốt đẹp hơn thì thế hệ đời cháu đời chắt tôi chúng sẽ theo, chứ tôi không thể. Ở tuổi tôi những gì đã hằn sâu trong óc là khó thay đổi. - Nói đến đây ông cười buồn. Thế giờ đại tá tính sao? Tôi hỏi cho có hỏi, chứ không nghĩ là ông sẽ trả lời. Hai chúng tôi đứng lại bên mép một hố đạn. Ông nhìn tôi rồi cúi đầu trầm ngâm, lát sau mới chậm rãi nói: 
- Tôi sẽ về hưu. 
- Những người như đại tá đâu dễ muốn nghỉ là nghỉ? 
- Việc đó không khó! Tôi có bạn bè ở quân y. Hơn nữa... Hiện giờ ông Thiệu đang chạy đua một ngựa để giành ghế tổng thống, tướng Kỳ bị đẩy ra khỏi chính trường, chỉ còn ôm chức tư lệnh không quân mà ấm ức. Vì vậy ông Thiệu muốn đưa tay chân của mình vào nắm giữ các lực lượng chủ chốt trong không lực, ổng sợ lỡ ông Kỳ nổi khùng. Tôi cùng thế hệ với tướng Kỳ, cũng lớp phi công được đào tạo tại Pháp. Nếu lúc này xin nghỉ, ông Thiệu sẽ "ô kê" ngay để thế người vào... - ông bỗng ngẩng đầu nhìn tôi - Ờ... Thiệt lạ! Sao tôi lại đi nói với anh những việc này nhỉ? Ngay cả ông Thành tôi cũng chưa nói. Còn bà nhà tôi mà nghe vậy, bả mừng phải biết! 
- Lúc ở giữa rừng, con người thường cởi mở và thẳng thắn với nhau hơn. - Tôi cười, hỏi tiếp - Thế sau đó, đại tá định làm gì? 
- Tôi sẽ sang Canađa với chú em. Chẳng phải tôi ưa gì cuộc sống nơi đất khách quê người, nhưng ở đây tôi đâu còn ai thân thích ruột thịt! Anh biết đó, ngay cả cái bàn thờ ông bà cha mẹ, tôi cũng không giữ được... Sang bên đó còn có mấy đứa cháu. Chả lẽ lúc cuối đời chỉ có thân già trơ trọi! Này! - ông chợt cao giọng - Anh đừng tưởng vì gặp anh nên tôi quyết như vậy đâu nghen? Đáng ra tôi đã làm điều ấy lâu rồi ông lại cúi đầu đăm chiêu. 
- Tôi hiểu! Và tôi biết vì sao đại tá lại dùng dằng như thế. 
- Anh nói thử coi! 
- Là người linh, đại tá không muốn bị xem như kẻ chạy trốn hèn nhát. Nếu phía các ông đang thắng thế, chắc đại tá sẽ ra đi nhẹ nhõm hơn. ông Tùng ngẩn người nhìn tôi: 
- Không ngờ anh hiểu được như vậy! 
- Còn một điều cuối cùng, tôi sẽ nói nếu đại tá không giận. 
- Anh cứ nói! 
- Đại tá vào lính từ khi tôi chưa được sinh ra, vì vậy điều sắp nói chắc sẽ làm đại tá mếch lòng. Nhưng tôi cũng xin lấy hết can đảm để nói rằng, đối với người lính có lúc việc rút lui lại đòi hỏi lòng can đảm lớn hơn bất kỳ mọi sự can đảm nào, hơn cả lúc ngồi dưới những trận bom hay bay trên vùng hỏa lực phòng không dày đặc của đối phương. Theo tôi, nếu không dám làm một việc mà mình nghĩ là đúng, thì với lý do gì đi nữa, cũng vẫn là hèn nhát.

Ông Tùng cười buồn: 

- Anh lại khích tôi phải không? 
- Không! Tôi nói thẳng thắn vì biết đại tá thích như vậy! Nếu coi thường đại tá, tôi đã không nới. Sắp chia tay nhau và không biết có còn gặp lại nữa hay không, nên tôi đâu muốn để lại một ấn tượng xấu trong suy nghĩ của đại tá! 
- Ồ không! Tôi không giận anh đâu! Nào, bắt tay anh lần cuồl, anh lính Việt Cộng! 
Chúng tôi bắt tay nhau. Bàn tay ông to và cứng cáp như đã từng cầm cuốc cầm phảng. 
- Về dưới đó, đại tá cho tôi gởi lời thăm... bác gái? 
Tôi nói, hơi ngắc ngứ khi dùng từ. Gọi "bà nhà" thì thô lỗ, còn nói "đại tá phu nhân" lại quá trịnh trọng. Vì vậy, tôi rất yên tâm khi thấy ông Tùng tươi hẳn nét mặt. Không nói gì thêm, ông lắc tay tôi lần cuối rồi quay người đi vòng qua đầu máy bay leo lên ghế lái phụ. 
Tôi tới bên ông Thành, cố giữ vẻ mặt bình thản. Ông bắt tay và ôm lấy tôi, nói giọng nghẽn nghẹn: 
- Mạnh giỏi nghe anh Hải! Gắng mạnh giỏi mà trở về! 
- Vâng! Cháu... cảm ơn bác? - Tôi không dám nói nhiều, sợ bật lên thành tiếng khóc. 
Ông vỗ vỗ vào lưng tôi rồi buông ra, bước chầm chậm đến bên máy bay. 
Cô gái nãy giờ ngồi vuốt ve con báo, lúc này mới đứng dậy, miệng cười mà như mếu: 
- Anh lính Giải phóng không bắt tay em sao? 
Tôi mỉm cười, chìa tay nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn, mềm và ấm. 
- Liệu còn gặp nhau nữa không anh? - Cô ngước nhìn tôi đôi mắt mọng nước. 
- Sao lại không? - Tôi nói cứng, cố giữ cho giọng khỏi run - Lúc nào hòa bình, tôi sẽ vào Đà Nẵng thăm... bác và cô. 
- Anh Hải nhớ nghe! Thôi, em đi đây? Đứng lại chút nữa chắc em... khóc òa lên liền à! - Cô rút tay khỏi tay tôi, đi thẳng đến bên máy bay và leo lên ghế lái. 
Tôi cầm ngang cây súng, đứng dạng chân trên bãi cỏ, gió thổi đuôi tóc dài khét nắng bay lất phất ra trước mặt. Không phải tôi muốn tỏ ra ngang tàng, mà đang cố ghìm người đứng thật vững để khỏi khuỵu chân ngồi phịch xuống đất, để khỏi bật khóc trước khi chiếc trực thăng kia bay đi, đế những người trên đó không nhìn thấy giây phút yếu đuối của mình. Tôi vừa từ chối con thuyền đến đưa tôi ra khỏi trùng dương rừng rậm, chỉ vì nó không đi về hướng mình đã định. Liệu có quá dại dột khi từ chôn một sự cứu giúp chân thành như vậy? Liệu có quá mạo hiểm khi muốn tự mình vùng vẫy để thoát ra khỏi điệp trùng núi non vây bủa như lớp lớp sóng dồn trong cơn biển động? 
Động cơ nổ. Từ trong máy bay có ba bàn tay vẫy chào qua lớp bụi mù mịt. Không như mọi lần, chiếc trực thăng bay sạt qua bãi cỏ rồi đột ngột vọt lên trên ngọn cây nơi bìa rừng và nhanh chóng biến mất trong tầm nhìn. Tôi thả người ngồi phịch xuống cỏ, chân tay rã rời...
Hôm đó tôi về tới nhà lúc nhập nhoạng, và bỗng ứa nước mắt khi nghĩ rằng giờ này những người khách cũng đã về đến nhà. Góc rừng vắng vẻ đang tối lại. Mấy con khỉ đã đi ngủ. Phía tây ráng chiều đỏ rực. Nhìn qua ngọn cây, cứ tưởng như có cả một góc trời đang cháy.



< Trước     Tiếp >
Chương: 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13
14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - Phần cuối