Tất cả
chúng ta tu, nhất là hàng Tăng, Ni xuất gia, ai cũng nói rõ rằng tu để cầu giải
thoát sanh tử. Bây giờ tôi đặt câu hỏi lại, chúng ta giải thoát sanh tử nhưng
cái gì dẫn chúng ta đi vào con đường sanh tử, đây là một vấn đề then chốt. Nếu
chúng ta cầu giải thoát sanh tử mà không biết cái gì lôi dẫn mình đi trong sanh
tử thì làm sao giải thoát được. Cho nên trước hết, chúng ta phải nghiền ngẫm
xem cái gì dẫn chúng ta, cái gì trói buộc chúng ta phải trôi lăn trong dòng
sanh tử.
Sở dĩ
chúng ta bị sanh tử là do nghiệp dẫn. Trong kinh, Phật dạy: “Do
nghiệp dẫn chúng sanh đi trong sanh tử luân hồi”. Nhưng nghiệp từ đâu
mà có? Trong kinh Đức Phật dạy: “Nghiệp xuất phát từ thân, khẩu và ý”, tức là
thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp”. Như vậy, sức mạnh lôi chúng ta
đi trong sanh tử là nghiệp, mà nghiệp xuất phát từ thân, khẩu , ý của mình, đó
là cái căn bản, cho nên chúng ta tu là phải chuyển nghiệp hay dứt nghiệp thì
mới có thể dừng sanh tử được.
Chúng tôi
thường nói, người tu nếu chưa giải thoát thì phải chuyển nghiệp. Từ nghiệp ác
lẽ ra phải đọa trong ba đường dữ địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, chúng ta chuyển
thành nghiệp thiện để sanh trong ba cõi lành là cõi người, a-tu-la và cõi trời.
Như vậy, biết chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt sanh cõi lành, đó là tu chuyển
nghiệp. Và nếu muốn dứt luân hồi sanh tử thì chúng ta phải dứt nghiệp, vì còn
nghiệp dù nghiệp lành cũng là sanh trong cõi lành, không phải dứt sanh tử. Vậy
chúng ta phải làm sao để chuyển hóa nghiệp của mình, làm sao để tiêu diệt
nghiệp của mình. Điều nầy thật quan trọng.
Nói ba
nghiệp thân, khẩu, ý nhưng thực tình trọng tâm nằm ở ý. Ý nghĩ lành, thân làm
lành, miệng nói lành. Ý nghĩ dữ, thân làm dữ, miệng nói dữ. Tuy nói ba nghiệp
nhưng gốc từ ý. Ý nghiệp là căn bản, là nhân cho hai nghiệp kia hoặc tốt hoặc
xấu. Nên chúng ta tu muốn dứt sanh tử thì phải dừng ý nghiệp. Ý nghiệp dừng thì
sanh tử mới dứt.
Vì vậy,
người tu Tịnh độ phải niệm Phật nhất tâm, nhất tâm thì ý nghiệp lặng lẽ mới
được sanh về Tây phương, mới thoát ly sanh tử. Nếu tu chưa nhất tâm thì chưa
thể thoát ly được. Quí vị nhớ trong kinh Di Đà, Đức Phật dạy rất rõ: “Người
niệm Phật hoặc một ngày, hoặc hai ngày cho đến bảy ngày nhất tâm bất loạn thì
khi lâm chung người đó được Phật và Thánh chúng hiện ở trước”. Rõ ràng
khi chúng ta được nhất tâm tức ý nghiệp đã thanh tịnh, không còn nghiệp nữa thì
vãng sanh về cõi Phật.
Người tu
theo thiền Nguyên thủy thì quán Tứ niệm xứ. Trong kinh A Hàm dạy: “Người nào bảy ngày trụ tâm nơi Tứ niệm xứ
không có di chuyển (tức là không có dời đổi) thì được nhập Niết Bàn, chứng A la
hán. Chẳng những bảy ngày mà sáu ngày, năm ngày, bốn ngày, ba ngày, một ngày
nếu trụ tâm nơi Tứ niệm xứ không di chuyển, người đó cũng chứng A na hàm trở
xuống”.
Như vậy,
chúng ta thấy tu Tịnh độ hay tu Thiền đều phải dừng lặng ý nghiệp: Ý nghiệp
dừng lặng rồi thì chúng ta được sanh về Tịnh độ, được chứng quả A la hán, nhập
Niết Bàn v.v… Do đó trọng tâm là phải dừng ý nghiệp, ý nghiệp dừng rồi thì
chúng ta mới giải thoát sinh tử được. Đó là chúng tôi dẫn tổng quát để quí vị nhận
rõ đường lối tu của mình.
Song, hôm
nay được quí Thầy yêu cầu giảng về Thiền nên chúng tôi nói về Thiền, đặc biệt
là Thiền tông của Việt Nam.
Nếu xét về Thiền tông Việt Nam thì từ khi Việt Nam có Phật giáo, kể từ ngài
Khương Tăng Hội trở về sau, tất cả chư Sư đều là Thiền sư, đều tu Thiền.
Ngài
Khương Tăng Hội giải thích Thiền theo Lục Diệu Pháp Môn là sổ tức, tùy tức,
chỉ, quán, hoàn, tịnh. Ngài lại giảng Lục ba la mật cho chúng ta thấy Thiền của
Phật giáo và ứng dụng tu. Từ ngài Khương Tăng Hội về sau, các Thiền sư từ Trung
Hoa, Ấn độ sang Việt Nam
truyền bá Thiền.
Ngài
Khương Tăng Hội có mặt ở Việt Nam vào thế kỷ thứ III, mãi đến thế kỷ thứ XVIII,
ngài Liễu Quán ở Huế là một Thiền sư đắc đạo. Như vậy chúng ta thấy rõ từ thế
kỷ thứ III đến thế kỷ thư XVIII, Phật giáo chúng ta là Phật giáo tu Thiền. Bắt
đầu thế kỷ thứ XI cho đến thế kỷ XX thì chư Tăng, chư NI đa số tu Tịnh độ.
Thế nên
nói về Thiền tức là nói đến cái gốc của Phật giáo Việt Nam, đó là trên
phương diện lịch sử. Nếu nói cụ thể hơn, tất cả quí Hòa thượng cũng như chư
Thượng tọa chúng ta ngày nay đang tu Tịnh độ, nhưng xét kỷ nguồn gốc thì các
ngài đều có hệ phái Thiền hết. Hoặc hệ phái Liễu Quán hay hệ phái của các vị
khác như hệ lấy chữ Minh Như Hồng Nhật Lệ Trung Thiên… Đó là theo bài kệ của
các vị Thiền sư.
Còn các vị
đã quá cố khi tịch đều ghi hoặc là đời thứ 40, 42, 43, ai cũng đều Từ Lâm Tế
chánh tông hết. Từ Lâm Tế có nghĩa là kế thừa dòng Lâm Tế, nhưng giả sử có ai
hỏi: Thưa thầy Lâm Tế là ai, ngài tu hành ra sao thì chắc có vị không biết. Đó
là điều tôi cho rằng rất đáng buồn. Tại sao thừa nhận mình kế thừa Tổ Lâm Tế
hoặc Tổ Tào Động v.v… mà lại không biết các ngài tu pháp gì, thì làm sao kế
thừa? Như vậy là không nắm vững nguồn gốc, cội rễ đường lối mình đang tu.
Khi xưa
tôi xuất gia, có phước nên sớm vào Phật học đường. Khi học, chúng tôi băn
khoăn, tại sao tất cả kinh Phật, chỉ có một ít bộ kinh như kinh Di Đà, kinh
quán Vô Lượng Thọ v.v… là nói về Tịnh độ, còn hầu hết bốn bộ kinh A Hàm đều nói
về Thiền. Kế nữa, các vị Tổ ở Ấn độ, Trung Hoa, Việt Nam cũng đều tu Thiền mà ngày nay
chúng ta không biết gì về Thiền.
Thậm chí
có chùa, các thầy nghe nói tu thiền, liền bảo: “Coi chừng tu Thiền điên”. Tôi
ngạc nhiên ghê lắm, bởi nếu tu Thiền điên thì đức Phật đã điên mất rồi và chư
Tổ đã điên hết. Nhưng các ngài không điên, tại sao bây giờ mình tu Thiền điên?
Phải trả lời được câu đó.
Cho nên
tôi ôm ấp, tôi tìm kiếm xem tại sao chúng ta lại như vậy. Khi tìm kiếm được
rồi, tôi chỉ trả lời một câu gọn rằng: “Không phải tu Thiền điên, chỉ không biết
tu Thiền nên tu Thiền mới điên”. Người không học Thiền mà tu đại, nghe ai chỉ
đâu đâu cũng bắt chước tu thành điên. Nếu thật tu Thiền điên thì chắc tôi cũng
điên mất rồi. Nhưng tới bây giờ tôi vẫn chưa điên thì không phải tu Thiền điên.
Đó là một điều hết sức nguy hiểm.
Đức Phật
tu Thiền ngộ đạo dưới cội Bồ Đề không ai không biết, các ngài Mục Kiền Liên,
ngài Xá Lợi Phất v.v… các vị đại đệ tử Phật khi xưa, 1250 vị thường theo Phật
cũng tu Thiền mà chứng quả A la hán. Cho đến chư Ni, như hệ của bà Di mẫu năm
trăm vị, khi nghe Phật sắp Niết bàn, liền rủ tới xin Niết bàn trước. Được Phật
cho phép, năm trăm bà liền tụ hội lại một chỗ mà nhập Niết bàn. Các vị ấy cũng
đã tu Thiền, chứng đạo quả, sanh tử tự tại. Bao mhiêu đó đủ cho chúng ta thấy
thời Phật, đệ tử Phật đều tu Thiền.
Và sau đó,
từ tổ Ca Diếp truyền thừa tới Tổ thứ hai mươi tám là Bồ Đề Đạt Ma, sang Trung
Hoa đến Tổ thứ sáu là Lục tổ Huệ Năng cũng đều tu Thiền luôn. Như vậy Phật tu
Thiền, Tổ tu Thiền nhưng chúng ta lại không biết tu Thiền. Chẳng những không
biết mà còn chống đối lại nữa chứ. Như vậy vô tình mình đã mất gốc rồi.
Từ khi đọc
các bộ kinh hệ A Hàm, các bộ kinh Pali do Hòa thượng Minh Châu dịch, tôi đối
chiếu, khảo sát, so sánh lại theo đường lối tu Nguyên thủy. Qua các bộ kinh Đại
thừa như kinh Viên Giác, kinh Lăng Nghiêm v.v… tôi đọc rất kỷ cũng thấy nói về
tu Thiền, cho đến bộ kinh Pháp Hoa mọi người hay trì tụng cũng dạy tu tu Thiền.
Nếu không biết tu thiền thì làm sao lãnh hội được ý chỉ các kinh đó.
Như trong
kinh Pháp Hoa, phẩm Tùng Địa Dũng Xuất kể rằng: Các vị Bồ Tát từ xa đến thưa
Phật: “Bạch Thế Tôn, xin chứng minh cho chúng con sẽ truyền bá, hộ trì kinh
Pháp Hoa ở cõi nầy”. Phật lắc đầu nói không được. Vì các ngài là những vị Bồ
tát ở tha phương nên Phật không thừa nhận. Bổng dưng sau đó quả đất nứt nẻ ra,
các Bồ tát từ dưới đất vọt lên vô số, đi nhiễu quanh Phật xin Phật hộ trì kinh
Pháp Hoa cõi nầy, bấy giờ Phật mới chấp nhận.
Khi xưa
đọc tới chỗ nầy tôi ngơ ngẩn, tại sao vậy? Một, vì sao quá nhiều Bồ tát từ đất
vọt lên. Lâu nay chúng ta hay nghe nói dưới lòng đất là địa ngục, chẳng lẽ Bồ
tát dưới địa ngục lên sao? Hai, chẳng lẽ đức Phật có cái nhìn địa phương? Bồ
tát ở đây xin thì cho, Bồ tát nơi khác xin không cho. Nên đọc kinh Pháp Hoa tôi
thấy rất khó hiểu.
Đến khi
nghiên cứu tu Thiền, lãnh hội được yếu chỉ rồi, đọc lại đến đây tôi cười, thật
là chúng ta bị lừa. Vì kinh Pháp Hoa hầu hết là ẩn dụ mà mình tưởng thật. Bồ
tát từ phương khác đến là hữu tình giác, mà cái đến từ bên ngoài đến là hữu sư
trí. Trí ở ngoài, trí nhờ người khác mà có, không phải thật của mình. Kinh Pháp
Hoa dụ cho Tri kiến Phật là cái thấy biết của chính mình, nên ở ngoài đến
làm sao bảo vệ được. Vì vậy Phật từ chối.
Chư Bồ tát
dưới lòng đất vọt lên đông vô số, xin hộ trì được Phật chấp nhận. Bồ tát dưới
lòng đất tức là chỉ cho trong thân tứ đại nầy có tánh giác lưu xuất, đó mới
chính thật của mình, gọi là vô sư trí. Hữu sư trí là trí còn nhờ
bên ngoài, nó thuộc về sanh diệt. Vô sư trí từ ở trong phát ra đó là trí bất
sanh, bất diệt mới bảo hộ được tri kiến Phật của chính mình.
Trong nhà
Phật nói rất nhiều về vô sư trí, hữu sư trí nhưng chúng ta không hiểu. Khi mới
vào đạo, phải học ba huệ học: văn huệ, tư huệ và tu huệ, gọi tắt là văn, tư,
tu. Văn là học với người khác, với bậc thầy, nghe thầy giảng dạy chúng ta hiểu
rồi mở mang trí tuệ. Trí tuệ đó là văn huệ. Tư là suy gẫm lời Phật Tổ dạy cho
chín chắn, xét nét kỷ càng thấy đúng liền ứng dụng tu, gọi đó là tu.
Như vậy
tam huệ học thuộc về hữu sư trí. Còn ba môn giải thoát là giới, định, huệ thuộc
về vô sư trí. Nhân giới tu Thiền định. Thiền định thì đâu có học với ai, chỉ có
lặng tâm cho thanh tịnh rồi trí tuệ phát ra nên gọi là vô sư trí. Tam huệ học
chưa phải là giải thoát, giải thoát là tam vô lậu học nên còn gọi là tam giải
thoát môn, tức là giới định tuệ. Tuệ đó là tuệ giải thoát, nó thuộc về vô sư
trí, từ định mà có.
Trí tuệ
Phật nói trong kinh Pháp Hoa là trí tuệ của chính mình mới bảo vệ được tri kiến
của mình, trí tuệ đó do định phát ra. Vậy có phải Phật dạy chúng ta tu Thiền
định không? Muốn được trí tuệ vô sanh thì phải tu Thiền định. Nếu chúng ta xét
thật kỹ, thấy cho tường tận thì chúng ta mới không nghi ngờ, không thấy khó
hiểu.
Chính tôi
ngày xưa đọc kinh Đại thừa, có lần tôi than rằng kinh Đại thừa chỉ để trên
trang thờ chớ không có ứng dụng gì được hết. Nhưng khi tu, hiểu được kinh Đại
thừa mới thấy hay đáo để, một bộ kinh có thể thấy thấu suốt hết.
Như kinh A
Hàm hỏi vô minh là gì, chúng ta định nghĩa thế nào? Vô minh có nghĩa là thấy
biết không đúng như thật. Ngược lại, minh là gì? Là thấy biết đúng như thật.
Thấy sự vật, thấy con người, thấy vũ trụ đúng như thật. Chúng ta ngày nay có
thấy đúng như thật không? Thấy toàn là sai lầm, không đúng như thật.
Như nói về
thân thì chúng ta luôn thấy thân nầy là quí, là sạch sẽ, tốt đẹp hay ô uế , bất
tịnh? Kinh dạy thì ô uế bất tịnh, nhưng nếu có ai chê: “Thầy ăn mặc hôi hám
quá”, chúng ta giận không? Mình hôi hám là sự thật, mà nói hôi hám là giận.
Người tu còn thế huống nữa là người đời, thấy còn sai lầm hơn nhiều. Chẳng
những thấy sai lầm mà còn muốn đánh lừa người khác sai lầm hơn nữa. Người ta
không bao giờ dám nhìn nhận lẽ thật, mà không thấy lẽ thật là vô minh. Do thấy
sai lầm thành ra mê chấp, chấp ngã. Nếu thấy đúng đắn thì đâu có chấp, không
chấp tức là tỉnh giác.
Đến cái nhìn
của kinh Viên Giác, trong kinh Phật giải thích tất cả chúng sanh bị luân hồi
sanh tử gốc từ vô minh. Trong kinh Viên Giác, Phật định nghĩa: Vô
minh nghĩa là chấp thân tứ đại giả hợp là thân mình thật, chấp tâm suy tính
lăng xăng (tức là tâm duyên theo bóng dáng sáu trần) là tâm mình thật, đó là vô
minh. Nếu chúng ta hiểu được kinh, chúng ta thấy việc tu không khó. Vì
chúng ta không ứng dụng được kinh nên chúng ta tu cứ tuột lên, tuột xuống hoài.
Với tinh
thần Đại thừa, Phật giáo nói thân nầy là hư dối. Như kinh Kim Cang nói tất cả
các pháp đều hư ảo, không có thật, như câu “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng,
nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai”, hết sức đơn giản. Tất cả
những gì có tướng đều là hư dối. Tại sao? Vì nó do duyên hợp, mà hợp thì phải
tan, chỉ tan muộn hay sớm thôi. Pháp gì sớm muộn cũng tan thì pháp đó có thật
không? Phật bảo không thật.
Nếu thấy
các tướng không phải là tướng, nghĩa là thấy các tướng nhưng không chấp nó là
thật thì đó là thấy Phật. Dễ làm sao! Như vậy Phật đâu có xa. Thấy các tướng
biết nó không thật là đã giác, đã minh rồi. Minh thì dễ thấy Phật, dễ gần với
Phật. Tuy nhiên, thấy được như vậy chưa hẳn là sống được như vậy.
Giả sử bây
giờ có ai hỏi chư Tăng chúng ta: “Thưa Thầy, thân nầy thật hay giả?” Quí Thầy
trả lời sao? Nhất định là giả, nói nghe hay lắm, nhưng nếu có ai chạm đến thân
mình một chút, lúc đó mới biết thật hay giả? Chúng ta nói theo lời Phật dạy
nhưng chúng ta chúng ta chưa sống được đúng như lời Phật dạy, nghĩa là
nói được nhưng chưa làm được.
Nói thân
nầy giả, quí vị xét kỷ giả như thế nào? Đa số vì cho rằng vì do nhân duyên, đủ
duyên thì hợp, thiếu duyên thì tan nên nói là giả. Tôi xin nói một cách cụ thể
hơn nữa để quí vị nhận được thân nầy giả trăm phần.
Tất cả chư
Tăng, Ni đang ngồi đây, lỗ mũi mình đang làm gì? Ai cũng bảo lỗ mũi mình đang
thở. Tôi đạt câu hỏi lại, thở nghĩa là gì? Là mượn không khí ở ngoài đem vào.
Mượn vô, trả ra, mượn vô, trả ra. Nói ngồi chơi nhưng không phải ngồi chơi, lúc
nào cũng mượn trả.
Trong kinh
Phật dạy, thân chúng ta có nội tứ đại là đất, nước, gió lửa ở trong nhưng phải
nhờ ngoại tứ đại hổ trợ thì nội tứ đại mới còn. Nếu ngoại tứ đại không phụ trợ
thì nội tứ đại tan nát. Như vậy hiện giờ lỗ mũi của chúng ta mượn không khí,
hít vô là mượn, thở ra là trả. Cứ mượn trả liên tục. Lúc nào đó chúng ta trả mà
không mượn nữa thì sao? Thì đi rồi phải không? Như vậy mượn trả đều đặn thì
sống, trả mà không mượn là chết.
Chúng ta
mượn ít tách nước uống, mượn rồi cũng trả, mượn cơm cũng thế. Như vậy mượn
nước, mượn đất, mượn gió, mượn lửa đem vào rồi trả ra. Thế thì giá trị cuộc
sống của chúng ta ở chỗ nào? Nếu nó thật thì không cần mượn trả . đã vay mượn
thì không thật. Người đời đi tìm hạnh phúc nơi nầy nơi kia, nhưng tôi nói hạnh
phúc đơn giản lắm, chỉ mượn trả êm xuôi thì hạnh phúc, mượn trả trục trặc là
mất hạnh phúc. Như vậy chúng ta có thể kết thúc lại, thân nầy là hư giả, sống
bằng vay mượn, có thật đâu. Đó là nói về thân.
Về tâm,
chúng ta luôn luôn suy gẫm, tính toán một việc gì thì nói tôi tính, tâm tôi
nghĩ như vậy. Cho cái suy tính đó là mình, là tôi. Tôi suy tính, tôi nghĩ ngợi,
tôi phân biệt. Quí vị thử xét, nếu suy tính đó là tôi, khi một hai phút nào
ngồi chơi, không suy tính, lúc đó cái tôi không còn sao? Cái tôi vẫn còn, làm
sao nói suy nghĩ là tôi được. Nếu cái suy nghĩ là tôi thật thì lúc nào cũng có.
Nhưng quí vị tự soi lại tìm xem cái suy nghĩ đó ở đâu, có thấy nó không hay
càng nhìn thì càng mất. Bình thường nó dấy lên nhưng soi lại tìm thì nó mất,
vậy có phải thật không? Đâu phải thật.
Quí vị thử
nghĩ xem, từ thuở bé cho tới lớn, mình là một hay mình là nhiều? Nếu suy nghĩ
là mình thì suy nghĩ trăm thứ xấu tốt v.v… chẳng lẽ mình có một trăm cái tôi
hay sao? Đó là những sai lầm mà chúng ta không biết, cứ tưởng thật. Nếu chúng
ta biết rõ thân nầy là vay mượn, tạm bợ, chúng ta sẽ sống nhẹ nhàng, thảnh thơi
tự tại.
Biết tâm
lăng xăng, tưởng tượng là hư ảo giả dối thì chúng ta không còn cố chấp để tranh
hơn, tranh thua với người. Cho nên chấp thân tứ đại giả hợp cho là thân mình
thật, đó là si mê, là vô minh. Chấp tâm đuổi theo bóng dáng sáu trần là mình
thật, đó là vô minh. Như vậy nếu chúng ta biết rõ, chúng ta không chấp nữa thì
vô minh thành minh. Minh tức là giác, vô minh là mê. Cái mê, cái giác đó thay
đổi như trở bàn tay. Mê giác giống như sáng và tối vậy, đổi qua đổi lại hết sức
dễ dàng.
Vậy muốn
giác ngộ dễ hay khó? Chúng ta thường có quan niệm, giác ngộ là phóng hào quang
sáng cả bầu trời, chớ không ngờ giác ngộ là thấy được lẽ thật. Thật nơi người,
thật nơi mình, thấy đúng như vậy là giác ngộ.
Thiền tông
cốt chỉ cho chúng ta thân nầy là giả dối tạm bợ, tâm vọng tưởng phân biệt suy
gẫm là bóng dáng không thật. Không chấp hai thứ đó mà tìm cho ra cái thật của
chính mình, đó là người tu Thiền. Nên tu Thiền là phản quan tự kỷ, là soi sáng
lại chính mình tìm cho ra cái chân thật.
Vì lâu nay
chúng ta cứ chấp giả là thật nên quên mất cái thật. Chúng ta biết rõ cái giả
không chấp nữa thì sẽ đào xới được cái thật ngay trong đó, chớ không đâu xa
hết, nên nói phải quay lại. Tôi dẫn câu chuyện Tổ Huệ Khả. Ngài là Tổ thứ hai
nhưng là vị Tổ Trung Hoa đầu tiên ngộ lý Thiền.
Khi được
Tổ Đạt Ma nhận làm đồ đệ, Ngài thưa:
-Bạch Hòa
thượng, tâm con không an, xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm.
Tổ Đạt Ma
bảo:
-Ông đem
cái tâm ra đây ta an cho.
Nghe nói
vậy, Ngài sửng người, xoay lại tìm một đổi nhưng không thấy, Ngài mới thưa:
-Bạch Hòa
thượng, con tìm tâm không được.
Tổ bảo:
-Ta đã an
tâm cho ngươi rồi.
Câu nói
nầy ngày xưa tôi đọc hằng trăm lần nhưng vẫn không hiểu gì hết. Sao mà kỳ lạ,
an lúc nào? Tâm đâu có hình tướng mà đem ra, nên lúc đó.
Tổ Huệ Khả
mới nhìn lại tâm lăng xăng của mình. Đây gọi là phản quan. Nhưng khi nhìn lại
thì nó mất, mất tức là không thật. Nên Tổ nói “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Đó
là pháp an tâm mà không có pháp. Chỉ phản quan nhìn lại nó thì nó mất, mất là
an chớ có gì đâu.
Thí dụ
chúng ta tu Tịnh độ, dùng câu niệm Phật để an tâm. Niệm từng câu, từng câu cho
quên các niệm khác gọi là an. Quên tất cả các thứ tạp nhạp nhưng còn câu niệm
Phật, kế phải bỏ luôn câu niệm Phật nữa mới được. Còn tu theo Tổ, cứ nhìn thẳng
vô trong tâm xem bất an ở đâu, tìm lại không ra thì nó tự an rồi.
Nên đường
lối tu Thiền của Thiền tông là phản quan tự kỷ, soi sáng lại chính mình chớ
không có tìm kiếm ở đâu xa, đó là lẽ thật. An rồi, tuy không còn nghĩ suy mà
vẫn biết. Quí vị nhớ lại những phút giây ngồi không nghĩ suy, chúng ta có biết
hay không? Chúng ta quen cho rằng nghĩ suy mới biết, nhưng thật tình không phải
vậy.
Trong kinh
Lăng Nghiêm, Phật chia hai thứ tâm: vọng tâm và chơn tâm. Vọng tâm là tâm suy
nghĩ lăng xăng, hư dối nên gọi là vọng. Chân tâm là cái biết hằng hữu, không
vắng mặt lúc nào hết, sẳn có nơi mình. Khi quí vị nhìn một sự vật không suy
nghĩ gì hết, quí vị có biết sự vật đó không? Khi nghe tiếng không suy nghĩ gì
hết, chúng ta có biết tiếng đó không? Tiếng người biết tiếng người, tiếng
chuông trống biết tiếng chuông trống. Như vậy là biết. Cái biết đó có vắng lúc
nào đâu.
Nơi chúng
ta cái thấy, cái nghe thường hằng hữu, không thiếu vắng lúc nào cả. Nhưng vì
chúng ta quên, chạy theo cái lăng xăng sanh diệt cho đó là mình. Bây giờ lặng
được những thứ lăng xăng suy nghĩ thì cái chân thật hiện tiền, khỏi phải tìm
kiếm đâu xa. Do đó Thiền hết sức là gần.
Khi Lục Tổ
ngộ đạo rồi, Ngũ tổ tiễn ngài đi về phía Nam. Qua sông, ngài lên bộ, có một
đoàn người đuổi theo giành lại y bát. Trong số đó có ngài Huệ Minh đi trước,
ngày xưa ông ta là tướng nên cỡi ngựa giỏi, vì vậy rượt theo kịp. Lục tổ để y
bát trên tảng đá rồi trốn vào lùm bụi nói: “Y bát là biểu tín, hà cớ dùng sức
mạnh mà giành giựt được sao??” (biểu tín là vật để người thấy và tin vị ấy đã
được Tổ ấn chứng ngộ đạo).
Huệ Minh
thấy y bát mừng quá, nhấc lên nhưng không nhấc nổi liền biết vật nầy có gì siêu
việt, phi thường nên không giành giựt nữa. Khi tâm giành giựt hết. Ngài liền
gọi: Hành giả! Hành giả!
Ngài Huệ
Năng từ trong bụi cây bước ra. Huệ Minh nói:
-Tôi đến
đây vì pháp chớ không vì y bát.
Tổ bảo:
-Nếu ông
vì pháp chớ không vì y bát thì tôi sẽ nói pháp cho nghe, nhưng trước hết ông
phải lặng tâm, đừng nghĩ tưởng gì, tôi sẽ nói.
Huệ Minh
lặng lẽ. Tổ nói:
-Không
nghĩ thiện, không nghĩ ác, thì cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?
Nghe câu
đó Huệ Minh liền ngộ.
Chúng ta
nghĩ thiện, nghĩ ác nghĩ phải, nghĩ quấy, những cái nghĩ đó làm mất bản lai
diện mục của mình. Nếu dừng nó lại thì bản lai diện mục hiện tiền. Hết sức đơn
giản. Đó là ý nghĩ thâm trầm trong nhà Thiền. Như vậy tu Thiền là quay lại,
phăng tìm cái chân thật của chính mình, chớ không phải cái gì xa lạ ở bên ngoài.
Cho nên
gần đây chúng ta thấy người phương Tây có khuynh hướng tìm hiểu đạo Phật, nhất
là tìm hiểu về Thiền. Năm 1964 tôi được qua Nhật Bản, cùng một chuyến tàu với
tôi có vài người phương Tây qua Nhật Bản học Thiền. Chẳng những Nhật Bản mà
Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, người ta cũng tìm học khá nhiều. Bấy giờ tôi mặc
cảm buồn, tại sao Thiền ở Việt Nam, nói riêng là Thiền tông, đã có trước Nhật
Bản năm trăm năm và kéo dài mãi đến thế kỷ thứ XIX nhưng người ta lại không tìm
học, mà họ qua Nhật Bản, Đài Loan, Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan tìm học. Đó là
điều chúng ta đáng buồn.
Chỗ người
ta hướng về là tu Thiền, vì đó là đường lối tu rất thực tế. Có thể nói Thiền là
một môn khoa học tâm linh chớ không phải chuyện xa xôi, chúng ta tu Thiền là
xoay lại bên trong.
Kinh A Hàm
dạy, khi tọa Thiền nếu còn tham sân si, biết còn tham sân si. Nếu hết tham sân
si biết hết tham sân si. Như vậy biết rõ nơi mình còn điều gì xấu, điều gì tốt.
Biết rõ đó là Thiền. Tu Thiền theo Thiền tông là quay lại mình để nhận chân
rằng nơi mình có cái chân thật, gọi là Bản lai diện mục, là Phật tánh v.v…nó
sẵn nơi mình nhưng mình bỏ quên. Bây giờ xoay lại tìm cho ra nó. Đó là việc
thực tế nơi mình chớ không phải ở đâu hết.
Nhưng muốn
biết cái thật thì trước phải hiểu cái giả, nếu chấp giả làm thật thì muôn đời
không thể biết cái thật. Nên nói tu Thiền phải thấy thân như điện ảnh. Nếu chấp
thân nầy thật, tâm suy nghĩ thật thì không bao giờ chúng ta thấy được cái thật.
Vì nhận giả làm thật thì làm sao biết được cái thật ngay con người giả của
chúng ta.
Như kinh
Lăng Nghiêm nói chân tâm và vọng tâm. Chúng ta đang đuổi theo sống với vọng tâm
thì chúng ta không thấy được chân tâm. Chúng ta quay lại tự nhận, tự thấy nơi
mình, cái gì thật, cái gì giả, đừng theo cái giả thì sống với cái thật. Cho nên
tôi nói đừng theo vọng tưởng, đó là mình đừng để cái giả lừa, biết giả rồi thì
cái thật mới hiển lộ, đó là tinh thần tu Thiền.
Thiền
thích hợp với khoa học hiện đại, vì nó rất cụ thể, không ai cho là mê tín hay
tưởng tượng được. Trong Phật giáo chúng ta có rất nhiều pháp môn, song pháp môn
nào thích hợp với hoàn cảnh hiện tại thì chúng ta chú tâm khai thác, tìm hiểu
và truyền bá.
Mai sau
con cháu của chúng ta sẽ học hành giỏi hơn chúng ta nhiều, hiểu biết khoa học
hơn. Mà đã có kiến thức khoa học rồi nếu cha mẹ bảo cúng đi con, lạy đi con có
phước, chúng sẽ không tin. Nếu thế hệ sau không tin, Phật giáo lúc đó sẽ ra
sao? Vì vậy chúng ta là người lo xa, nhìn lại tương lai, chúng ta phải cố gắng
gầy dựng đạo đức thích hợp với hoàn cảnh hiện tại và tương lai. Có thể Phật
giáo mới trường tồn.
Giới Tăng
Ni muốn mai kia làm Phật sự được vuông tròn, được tốt đẹp cần phải có cái nhìn
sáng suốt ấy. Nếu chúng ta cứ hài lòng với hiện tại, thấy Phật tử đi chùa
nhiều, cúng lạy nhiều, chúng ta thỏa mãn. Như thế thì mai kia con cháu chúng ta
mất lòng tin, chừng đó Phật giáo sẽ suy đồi. Chúng ta phải làm sao cho Phật
giáo phát triển với thời đại khoa học, chớ không phải phát triển với thời xa
xưa.
Vì vậy,
lúc nào tôi cũng cố gắng nỗ lực hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử cũng như những ai mộ
đạo, đều thấy đạo Phật đúng như thật, đạo Phật là chân lý, chớ không phải đạo
Phật là tưởng tượng. Như vậy mới hy vọng đạo Phật tồn tại lâu dài hơn và người
ở các nước phương Tây sẽ tới Việt Nam nghiên cứu những gì hay đẹp của tổ tiên
mình, nhất là Phật giáo đời Lý –Trần, cả thế giới đều quí kính. Chúng ta có của
quí mà không khai thác, để người phương Tây coi thường, khinh khi mình. Bây giờ
chúng ta chịu khó khai thác, người ngoài sẽ quí sẽ kính.
Tôi mong
rằng tất cả quí vị Tăng Ni trẻ còn học được, còn làm nhiều Phật sự, cố gắng tìm
hiểu cho thấu đáo, để mai kia việc Phật sự tốt đẹp hơn. Đời chúng tôi cũng sắp
tàn rồi, việc làm không được bao nhiêu, chúng tôi trông cậy nơi tất cả quí vị.
Buổi nói chuyện hôm nay mong quí vị suy nghĩ cho kỹ, gẫm lại xem cái gì thật,
cái gì đúng, ứng dụng tu làm sao cho Phật pháp được lâu bền.
Đó là chỗ
mong mõi của chúng tôi.
***
Hòa thượng.
THÍCH THANH TỪ