06/04/2015

66 lời giáo huấn của đạo Phật

   Đọc được gì là tùy mỗi người… Nhưng xin hãy đọc thật chậm, nghĩ thật kỹ và nhớ thật lâu. Cuối cùng là làm theo được càng nhiều càng tốt…

1. Sở dĩ người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm.
2. Nếu anh không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không cách nào gây phiền não cho anh. Vì chính tâm anh không buông xuống nỗi.
3. Anh hãy luôn cảm ơn những ai đem đến nghịch cảnh cho mình.
4. Anh phải luôn mở lòng khoan dung lượng thứ cho chúng sanh, cho dù họ xấu bao nhiêu, thậm chí họ đã làm tổn thương anh, anh phải buông bỏ, mới có được niềm vui đích thực.
5. Khi anh vui, phải nghĩ rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi anh đau khổ, anh hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn.
6. Sự chấp trước của ngày hôm nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai.
7. Anh có thể có tình yêu nhưng đừng nên dính mắc, vì chia ly là lẽ tất nhiên.
8. Đừng lãng phí sinh mạng của mình trong những chốn mà nhất định anh sẽ ân hận.
9. Khi nào anh thật sự buông xuống thì lúc ấy anh sẽ hết phiền não.
10. Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành.
11. Người cuồng vọng còn cứu được, người tự ti thì vô phương, chỉ khi nhận thức được mình, hàng phục chính mình, sửa đổi mình, mới có thể thay đổi người khác.
12. Anh đừng có thái độ bất mãn người ta hoài, anh phải quay về kiểm điểm chính mình mới đúng. Bất mãn người khác là chuốc khổ cho chính anh.
13. Một người nếu tự đáy lòng không thể tha thứ cho kẻ khác, thì lòng họ sẽ không bao giờ được thanh thản.
14. Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác.
15. Hủy diệt người chỉ cần một câu, xây dựng người lại mất ngàn lời, xin anh “đa khẩu hạ lưu tình”.
16. Vốn dĩ không cần quay đầu lại xem người nguyền rủa anh là ai? Giả sử anh bị chó điên cắn anh một phát, chẳng lẽ anh cũng phải chạy đến cắn lại một phát?
17. Đừng bao giờ lãng phí một giây phút nào để nghĩ nhớ đến người anh không hề yêu thích.
18. Mong anh đem lòng từ bi và thái độ ôn hòa để bày tỏ những nỗi oan ức và bất mãn của mình, có như vậy người khác mới khả dĩ tiếp nhận.
19. Cùng là một chiếc bình như vậy, tại sao anh lại chứa độc dược? Cùng một mảnh tâm tại sao anh phải chứa đầy những não phiền như vậy?
20. Những thứ không đạt được, chúng ta sẽ luôn cho rằng nó đẹp đẽ, chính vì anh hiểu nó quá ít, anh không có thời gian ở chung với nó. Nhưng rồi một ngày nào đó khi anh hiểu sâu sắc, anh sẽ phát hiện nó vốn không đẹp như trong tưởng tượng của anh.
21. Sống một ngày là có diễm phúc của một ngày, nên phải trân quý. Khi tôi khóc, tôi không có dép để mang thì tôi lại phát hiện có người không có chân.
22. Tốn thêm một chút tâm lực để chú ý người khác chi bằng bớt một chút tâm lực phản tỉnh chính mình, anh hiểu chứ?
23. Hận thù người khác là một mất mát lớn nhất đối với mình.
24. Mỗi người ai cũng có mạng sống, nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó, thậm chí trân quý mạng sống của mình hơn. Người không hiểu được mạng sống thì mạng sống đối với họ mà nói chính là một sự trừng phạt.
25. Tình chấp là nguyên nhân của khổ não, buông tình chấp anh mới được tự tại.
26. Đừng khẳng định về cách nghĩ của mình quá, như vậy sẽ đỡ phải hối hận hơn.
27. Khi anh thành thật với chính mình, thế giới sẽ không ai lừa dối anh.
28. Người che đậy khuyết điểm của mình bằng thủ đoạn tổn thương người khác là kẻ đê tiện.
29. Người âm thầm quan tâm chúc phúc người khác, đó là một sự bố thí vô hình.
30. Đừng gắng sức suy đoán cách nghĩ của người khác, nếu anh không phán đoán chính xác bằng trí huệ và kinh nghiệm thì mắc phải nhầm lẫn là lẽ thường tình.
31. Muốn hiểu một người, chỉ cần xem mục đích đến và xuất phát điểm của họ có giống nhau không, thì có thể biết được họ có thật lòng không.
32. Chân lý của nhân sinh chỉ là giấu trong cái bình thường đơn điệu.
33. Người không tắm rửa thì càng xức nước hoa càng thấy thối. Danh tiếng và tôn quý đến từ sự chân tài thực học. Có đức tự nhiên thơm.
34. Thời gian sẽ trôi qua, để thời gian xóa sạch phiền não của anh đi.
35. Anh cứ xem những chuyện đơn thuần thành nghiêm trọng, như thế anh sẽ rất đau khổ.
36. Người luôn e dè với thiện ý của người khác thì hết thuốc cứu chữa.
37. Nói một lời dối gian thì phải bịa thêm mười câu không thật nữa để đắp vào, cần gì khổ như vậy?
38. Sống một ngày vô ích, không làm được chuyện gì, thì chẳng khác gì kẻ phạm tội ăn trộm.
39. Quảng kết chúng duyên, chính là không làm tổn thương bất cứ người nào.
40. Im lặng là một câu trả lời hay nhất của sự phỉ báng.
41. Cung kính đối với người là sự trang nghiêm cho chính mình.
42. Có lòng thương yêu vô tư thì sẽ có tất cả.
43. Đến là ngẫu nhiên, đi là tất nhiên. Cho nên anh cần phải “tùy duyên mà hằng bất biến, bất biến mà hằng tùy duyên”.
44. Từ bi là vũ khí tốt nhất của chính anh.
45. Chỉ cần đối diện với hiện thực, anh mới vượt qua hiện thực.
46. Lương tâm là tòa án công bằng nhất của mỗi người, anh dối người khác được nhưng không bao giờ dối nổi lương tâm mình.
47. Người không biết yêu mình thì không thể yêu được người khác.
48. Có lúc chúng ta muốn thầm hỏi mình, chúng ta đang đeo đuổi cái gì? Chúng ta sống vì cái gì?
49. Đừng vì một chút tranh chấp mà xa lìa tình bạn chí thân của anh, cũng đừng vì một chút oán giận mà quên đi thâm ân của người khác.
50. Cảm ơn cuộc đời với những gì tôi đã có, cảm ơn cuộc đời những gì tôi không có.
51. Nếu có thể đứng ở góc độ của người khác để nghĩ cho họ thì đó mới là từ bi.
52.Nói năng đừng có tánh châm chọc, đừng gây thương tổn, đừng khoe tài cán của mình, đừng phô điều xấu của người, tự nhiên sẽ hóa địch thành bạn.
53. Thành thật đối diện với mâu thuẩn và khuyết điểm trong tâm mình, đừng lừa dối chính mình.
54. Nhân quả không nợ chúng ta thứ gì, cho nên xin đừng oán trách nó.
55. Đa số người cả đời chỉ làm được ba việc: Dối mình, dối người, và bị người dối.
56. Tâm là tên lừa đảo lớn nhất, người khác có thể dối anh nhất thời, nhưng nó lại gạt anh suốt đời.
57. Chỉ cần tự giác tâm an, thì đông tây nam bắc đều tốt. Nếu còn một người chưa độ thì đừng nên thoát một mình.
58. Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ này, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.
59. Nếu anh có thể sống qua những ngày bình an, thì đó chính là một phúc phần rồi. Biết bao nhiêu người hôm nay đã không thấy được vầng thái dương của ngày mai, biết bao nhiêu người hôm nay đã trở thành tàn phế, biết bao nhiêu người hôm nay đã đánh mất tự do, biết bao nhiêu người hôm nay đã trở thành nước mất nhà tan.
60. Anh có nhân sinh quan của anh, tôi có nhân sinh quan của tôi, tôi không dính dáng gì tới anh. Chỉ cần tôi có thể, tôi sẽ cảm hóa được anh. Nếu không thể thì tôi đành cam chịu.
61. Anh hi vọng nắm được sự vĩnh hằng thì anh cần phải khống chế hiện tại.
62. Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô, anh hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của anh.
63. Người khác có thể làm trái nhân quả, người khác có thể tổn hại chúng ta, đánh chúng ta, hủy báng chúng ta. Nhưng chúng ta đừng vì thế mà oán hận họ, vì sao? Vì chúng ta nhất định phải giữ một bản tánh hoàn chỉnh và một tâm hồn thanh tịnh.
64. Nếu một người chưa từng cảm nhận sự đau khổ khó khăn thì rất khó cảm thông cho người khác. Anh muốn học tinh thần cứu khổ cứu nạn, thì trước hết phải chịu đựng được khổ nạn.
65. Thế giới vốn không thuộc về anh, vì thế anh không cần vứt bỏ, cái cần vứt bỏ chính là những tánh cố chấp. Vạn vật đều cung ứng cho ta, nhưng không thuộc về ta.
66. Bởi chúng ta không thể thay đổi được thế giới xung quanh, nên chúng ta đành phải sửa đổi chính mình, đối diện với tất cả bằng lòng từ bi và tâm ...


Đạo Phật 'bình dân': 3 thái độ sai lầm thường gặp


   Người bình dân vì thiếu phương tiện học hỏi chính pháp nên không phân biệt được Phật giáo và Thần giáo. Hơn nữa, Phật giáo là nền giáo lý cao sâu, nếu không phải người giàu suy tư nhiều chiêm nghiệm thì không sao thấu đạt nổi.

http://i1150.photobucket.com/albums/o617/redsvn/red.pngTrích từ ấn phẩm Phật giáo trong mạch sống dân tộc của Hòa thượng Thích Thanh Từ.

   Người bình dân thời giờ hiếm hoi, tâm hồn bình dị, làm sao hiểu thấu được những lẽ siêu thoát của Phật dạy. Do đó, họ có những tin hiểu sai lầm như sau:

1. Thiên hình thức nghi lễ
   Người bình dân đến với Phật giáo chú trọng nhiều về hình thức nghi lễ. Qui y là để khi nào bệnh nhờ thầy cầu an, khi chết nhờ thầy cầu siêu. Cho nên trong gia đình có đứa bé ấm đầu là chạy thỉnh thầy trụ trì về nhà cầu an. Nếu trong thân quyến có tang, đến ngày tuần thất thì thỉnh thầy về nhà tụng kinh suốt đêm. Vào chùa, bất cứ bàn thờ Phật hay bàn thờ vong đều hì hục lễ bái và lâm râm khấn nguyện. Cứ tin rằng lạy càng nhiều thì phước càng lớn. 
   Đi chùa những ngày sóc, ngày vọng để cúng kính lễ bái, ngoài ra không cần biết gì nữa. Họ quan niệm tu hành rất giản dị, ai thường cúng kính là người đó tu nhiều. Ông thầy trụ trì nào thường tổ chức cầu an, cầu siêu, cúng cô hồn, cúng sao... là ông thầy ấy tu hành tinh tấn. Người phật tử nào bỏ tiền nhiều, xin lễ này, tổ chức lễ nọ cho là người phật tử thuần thành chân chính. Xuất tiền in kinh ấn tống thì chọn ròng rặt các nghi thức cầu an, cầu siêu, kinh Tam Bảo, Địa Tạng v.v... Nếu ai giới thiệu ấn tống quyển “Lịch sử Phật giáo” cần thiết hoặc “Những bài giảng” có giá trị thì họ lắc đầu từ chối, bảo rằng: “Ấn tống sách đó thì ít phước!” Bởi nhận định này nên Phật giáo càng ngày càng đi sâu vào hình thức nghi lễ.

2. Tin Phật như vị thần linh
   Người bình dân đến với đức Phật để cầu ban phước, che chở, ủng hộ hơn là tìm giác ngộ. Người ta nghĩ rằng: có tai nạn cầu Phật, Phật sẽ cứu độ cho. Vì vậy ngày bình không cần đến chùa, chờ khi cần cầu xin một việc gì mới mang hương đăng đến chùa cầu nguyện. Thật là:
Hữu tật thì bái tứ phương,
Vô tật đồng hương chẳng mất.
hoặc:
Nghiêng vai ngửa vái Phật trời,
Đương cơn hoạn nạn, độ người trầm luân.
   Quan niệm Phật như vị thần linh chỉ coi việc ban phước, giáng họa. Vì vậy, người ta không ngại gặp Phật thì cúng, gặp thần thì lạy, gặp ma quỉ thì cầu xin. Bởi trên cương vị ban phước giáng họa, họ không phân biệt đâu trọng đâu khinh, miễn vị nào đem lại được những điều cầu nguyện của họ là linh thiêng, bằng không thì hết linh ứng. Hết linh ứng thì họ bỏ không theo nữa, dù Phật cũng thế. Do đó, trong dân gian những cốt Cô, cốt Cậu đều được phật tử tín ngưỡng qui y. Vì những Cô, Cậu ấy đã báo cho họ biết những tai nạn sắp đến và đã cho bùa chú để họ dán trong nhà khiến con cháu mạnh giỏi, làm ăn phát đạt. Niềm tin Phật như vậy, họ rất dễ tin mà cũng rất dễ bỏ, nếu một sở nguyện được thành, hoặc không toại nguyện.

3. Tin Phật qua những hình thức tà giáo
   Có những người đến với Phật, không do hiểu Phật pháp mà nhờ ông Đồng, bà Cốt mách phải qui y Phật sẽ khỏi tai nạn chẳng hạn, họ liền đến chùa xin qui y. Hoặc có người do xin xăm hay bói quẻ, trong xăm quẻ dạy theo Phật hay thờ Phật thì mọi sự an lành..., họ liền phát nguyện qui y Phật. Hoặc vị trụ trì có học bùa chú trừ ma ếm quỉ, người có con bệnh đến nhờ thầy trị chữa, nếu con lành bệnh liền xin qui y Phật...

Vắn tắt về lịch sử Phật giáo

Trịnh Bách

Bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật ở Lộc Uyển 
(người cầm gươm bên phải đức Phật là Kim Cương Thủ Bồ tát), thế kỷ 12 Gandhara – Pakistan (Bảo tàng Metropolitan, New York)
   Sau khi đạt Chính quả ở Gaya, Bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật Thích Ca là bài thuyết giảng của ngài cho 5 vị Tôn giả, tức là nhóm ông Kaundinya (Kiều Trần Như) ở Sarnath (Lộc Uyển). Dù ngắn gọn, nhưng bài thuyết pháp này được xem là một trong những bài giáo lý quan trọng nhất của ngài. Các học thuyết căn bản của đạo Phật, như Ngũ giới, Bát chính đạo, Lục hạnh Ba la mật, Tứ diệu đế, Duyên khởi; cũng như các kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma-Chakka-Pavattan Sutta), Vô ngã (anattā-lakkhana- suttra), v.v đều có xuất xứ từ bài thuyết pháp ngắn gọn này.
   Trích đoạn ‘Bài Thuyết Pháp Đầu Tiên Của Đức Phật’ được rút ra từ bộ sử liệu tiếng Anh ‘Đức Phật và Đạo Pháp của Ngài’ (The Buddha and His Dhamma) do Giáo hội Phật giáo Ấn Độ (Buddhist Society of India), Hội Đại Bồ Đề (Mahabodhi Society) của Calcutta (nay là Kolkata) và Nhà xuất bản Đại học Tất Đạt Đa (Siddharth College Publications) xuất bản ở Bombay (nay là Mumbai), Ấn Độ, năm 1957. Riêng đoạn ‘Bài Thuyết Pháp Đầu Tiên Của Đức Phật’ được Bộ Giáo dục của Bang Maharashtra cho in lại năm 1992.
   Năm 1951 Giáo hội Phật giáo Ấn Độ ủy thác cho Tiến sỹ Bhimrao Ramji Ambedkar (1892-1956) và các cộng sự của ông ở khắp Ấn Độ khảo cứu các tài liệu cổ, để ghi lại theo đúng sử quan cuộc đời và các hoạt động của Đức Phật Thích Ca khi ngài còn tại thế. Nhóm ông Ambedkar bắt đầu khảo cứu và viết tập sử liệu này từ năm 1951. Và họ hoàn tất nhiệm vụ năm 1956, là năm Tiến sỹ Ambedkar tạ thế.
   Nguyên Tiến sỹ Ambedkar thuộc gia đình có đạo Ấn giáo. Nhưng vì bất mãn với hệ thống kỳ thị đẳng cấp xã hội cay nghiệt của tôn giáo này, ông đã cải sang đạo Phật. Sinh thời, Tiến sỹ Ambedkar đã giúp hằng triệu người thuộc đẳng cấp thấp hèn của Ấn giáo cải sang đạo Phật. Ông cũng đã viết và giảng thuyết rất nhiều về Phật giáo ở khắp Ấn Độ và trên thế giới. Sau khi Tiến sỹ Ambedkar qua đời, Phật tử Ấn Độ tôn sùng ông như một Bồ tát.
Tháp Dhamekh ở Sarnath, 
kỷ niệm nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên


VẮN TẮT LỊCH SỬ PHẬT GIÁO

1. Các đại hội Tăng chủng
   Ngay sau khi đức Phật nhập Niết bàn ở Kusinara (Câu Thi Na) năm 438 trước Công nguyên, đại đệ tử còn lại của ngài là Mahakashyap (Ma ha Ca Diếp) triệu tập đại hội Tỳ khưu đầu tiên ở thành Rajgriha (Vương Xá), với 500 tỳ khưu, để cố gắng bảo toàn những điều răn dậy của Phật một cách chân thật và nguyên bản nhất. Đại hội này cũng để củng cố sự đoàn kết của giáo phái. Một lý do nữa của kỳ hội này là vì ngay khi đức Phật còn tại thế đã có nhiều tăng sỹ không tuân thủ các giới luật một cách nghiêm túc. Lúc bấy giờ các đại đệ tử của Phật như Sariputta (Xá Lợi Phất), Muggallana (Mục Kiền Liên) hay nhóm Năm tỳ khưu Kaundinya (Kiều Trần Như) đều đã quá vãng, mà mọi sự, việc đều chưa được ghi chép lại. Vì thế, trong đại hội đầu tiên này ngài Upali (Ưu Bà Ly) phải đọc lại các Luật tạng, và ngài Ananda (A nan) đọc lại các Kinh tạng để chư tăng học thuộc lòng. Điều này có thể cho thấy là các kinh, tạng lúc bấy giờ hãy còn đơn giản.
   Khoảng gần một trăm năm sau đó kỳ đại hội thứ Nhì được Tỳ khưu của phái Nguyên thủy là Yesa (Da-xá) triệu tập, và do Tăng trưởng Sabbhakami trụ trì, tại Vesali (Tỳ Xá Ly), vì những sự chấp hành lỏng lẻo giới luật đã xâm nhập vào Giáo phái. Đoàn tăng chúng thuộc bộ tộc Vajji (Bạt Kỳ) ở đây đã sửa đổi lối sống của họ bằng cách đưa thêm mười điều cải cách thông thoáng vào giáo pháp chính thống. Họ bắt đầu đem muối theo người trong ống sừng; thụ bữa ăn thứ hai ở làng khác sau bữa thứ nhất; dùng bữa và bơ sữa buổi tối; uống rượu cọ; nhận vàng bạc bố thí; nhóm những buổi họp gần tối và lấy quyết định, dù không đông đủ hội đồng; v.v… Tất cả các điều này đều trái với giáo luật.
   Có khoảng bẩy trăm tăng sỹ trong đại hội lần thứ nhì này. Họ đồng thanh bác bỏ mười điều cải cách của Tăng đoàn Vajji. Để đáp lại, ngay sau đó Tăng đoàn Vajji triệu tập hội nghị Mahasangika (Đại chúng bộ), với một vạn tăng sỹ cấp tiến. Sự rạn vỡ đầu tiên của Phật giáo chỉ vì mười điều cải cách cởi mở đó, chứ học thuyết nguyên thủy cho đến lúc ấy vẫn còn nguyên vẹn. Việc chia rẽ này dần dà tạo nên những trường phái mới, và cuối cùng là sự xuất hiện của phái Mahayana (Đại thừa) sau này.
   Đại hội Tăng chúng lần thứ ba, do Tỳ khưu Moggali Putta (Mục Liên Đế Tu) triệu tập ở Pataliputra (Hoa Thị – bây giờ là Patna) năm 250 trước Công nguyên, dưới sự bảo trợ của vị vua Phật tử Asoka (A Dục). Kỳ đại hội này của riêng Giáo phái chính thống Theravada (Thượng tọa bộ). Nhờ đại hội này, Phật giáo Nguyên thủy không những được truyền bá ra khắp Ấn Độ, mà còn sang đến tận Ceylon (Tích Lan, nay là Sri Lanka). Và dần dần được truyền từ đó sang Miến Điện và Đông-nam Á.
Vua A Dục (Asoka), thế kỷ 12 
(Polonaru wa, Sri-Lanka)

   Kỳ hội đồng thứ tư, cũng của riêng phái Theravada, lúc này đã được gọi là phái Hinayana (Tiểu thừa), được triệu tập ở Ceylon (Tích Lan) năm 106 trước Công nguyên. Từ trước đó việc ghi chép đã trở thành phổ biến. Vì thế kỳ đại hội này bắt đầu cho chép tất cả các kinh, thuyết tiếng Pali vào lá Bối (Karatalamh – patra – palm leaf) để lưu giữ. Bộ kinh Tripitaka (Tam tạng) gồm Vinaya Pitaka. (Luật Tạng – các luật lệ tu hành của giáo phái), Sutta Pitaka (Kinh Tạng – chứa các bài kinh (giáo lý) của Phật và các đệ tử) và Abhidhamma Pitaka (Luận Tạng – giải thích và phân tích các kinh, điều), được ghi chép xuống lần đầu tiên từ đại hội này.
   Thật ra sau đó còn một đại hội nữa, cũng được người Ấn Độ gọi là đại hội Phật giáo thứ Tư, năm 78 Công nguyên, ở Kashmir (Ca Thấp Di La). Đại hội này không do Mahasanghikas (Đại chúng bộ), mà do các tỳ khưu của những phân bộ của một phái cởi mở hơn, phái Sarvastivada (Thuyết Nhất Hữu Bộ) triệu tập. Đại hội được trụ trì bởi Tỳ khưu Vasumitra (Thế Hữu), dưới sự bảo trợ của vua Kaniska (Ca Ni Sắc Ca) thuộc triều đại Kushan (Quý Sương). Vì thế giáo phái nguyên thủy Theravada không công nhận đại hội Kasmir, trong khi nó được các phái Đại thừa tán tụng.
   Vua Kaniska là một Phật tử, nhưng lại có khuynh hướng thiên Bà la môn, cho nên từ đại hội này các tư tưởng Bà la môn được hòa nhập vào Phật giáo, nhất là ở vùng Bắc Ấn. Điều quan trọng là bắt đầu từ đây giáo phái Đại thừa được chính thức hình thành. Và gần như tất cả các việc ghi chép tài liệu, kinh kệ từ đó dùng Sanskrit (Phạn ngữ) thay thế cho ngôn ngữ Pali của thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy. Đại hội này được xem là đại hội của riêng Phật giáo Đại thừa.

2. Các thăng trầm của Phật giáo
   Thời kỳ Phật giáo sơ khởi, khi tất cả các giáo pháp đều còn được giữ nguyên bản, trải dài từ năm 450 đến năm 100 trước Công nguyên. Sau giai đoạn này Giáo phái Tiểu thừa bắt đầu hội nhập với các trường phái cởi mở hơn. Trong khi đó phái Đại thừa, chỉ bắt đầu phát triển từ sau năm 100 trước Công nguyên, cũng ngay từ đấy bắt đầu tạo ra các huyền thoại theo kiểu của Đông Độ (purvanusmritis), để hấp dẫn số đông.
Tháp Mahabodhi 
do vua A Dục xây ở  Bồ  Đề  Đạo Tràng 
năm 250 trước Công nguyên
   Khi Phật giáo bắt đầu phát triển, với con người chứ không phải thần quyền là tâm điểm, thì sự đối đầu giữa Phật giáo và Bà-la-môn dĩ nhiên phải xẩy ra. Sự phát triển của Phật giáo được suôn xẻ cho đến cuối thế kỷ thứ nhất Công nguyên. Ngay cả khi người Hy Lạp xâm chiếm vùng Đông-bắc Ấn Độ sau thời đại của vua Ashoka, thì một vị vua Ấn-Hy là Milinda (Di Lan Đà) đã được tỳ khưu Nagasena (Na Tiên) thuyết giảng và cải theo đạo Phật.
   Trước khi vương triều Kushan (Cúc Đa) chiếm được vùng thánh địa Phật giáo Magadha (Ma Kiệt Đà) từ tay người Ấn-Hy hồi thế kỷ thứ Nhất, thì họ đã hiểu biết Phật giáo, và một vài vị vua của họ cũng cải đạo sang Phật giáo. 
   Phật giáo bắt đầu chính thức suy tàn khi vương triều Kushan bị sụp đổ, và vương triều Bà la môn Gupta chiếm Magadha vào đầu thế kỷ thứ Tư. Nhiều việc bức hại Phật tử bắt đầu xẩy ra. Thành và đại học Nalanda (Na Lan Đà) bị khủng bố. Người Bà la môn sát hại Aryadeva (A Li Da Đề Bà), đại đệ tử của Narajuna (Long Thọ Bồ tát), vì họ thua ông trong việc tranh luận về tôn giáo. Rồi vua Sasanka đuổi tất cả tăng chúng Phật giáo ra khỏi Kusinagara (Câu Thi Na), là nơi Phật Thích Ca nhập Niết bàn. Ông ta cũng cho bật gốc và đốt cây Bồ đề ở Bodhi Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) ra tro, rồi thay thế bằng một tượng Shiva.
   Đại sư Trung Hoa Pháp Hiền khi đến Tây Trúc từ năm 399 đến 414 thấy Phật Giáo còn được hưng thịnh ở vài nơi như Kapilavasu (Ca Tỳ La Vệ) và Gaya (Già da). Nhưng nhìn tổng thể thì Phật giáo ở Ấn Độ lúc bấy giờ đã suy vi nhiều rồi.
   Rồi người Hung Nô tràn vào Gandhara (Kabul – Càn Đà) cuối thế kỷ thứ Năm. Các tu viện và di tích thiêng liêng của Phật giáo ở vùng Đông-bắc Ấn Độ bị tiêu diệt. Tăng chúng, học giả, kinh sách và các kiến trúc bị tàn sát và thiêu hủy. Cả Đại học Taksasila ở đây cũng bị vĩnh viễn im tiếng. Bình bát thiêng liêng của đức Phật cũng biến khỏi Gandhara và được truyền sang Persia (Ba Tư) lúc đó.
   Cuộc xâm lăng của người Hung làm Đế quốc Gupta bị phân tán thành nhiều tiểu quốc. Phật giáo lại tiếp tục tranh chấp một cách yếu ớt với Bà la môn ở Bengal, miền Tây và miền Nam Ấn Độ. Chỉ vào khoảng cuối thế kỷ thứ Bẩy, khi vua Harsha (Giới Nhật Vương) thống nhất lãnh thổ rộng lớn gồm miền Tây và Bắc Ấn Độ, và đóng đô ở Kanauj, thì Phật giáo lại được tạm cường thịnh một thời gian ngắn, dù lúc nào cũng vẫn bị kèn cựa bởi người Bà la môn. Giai đoạn này là lúc nhà sư Huyền Trang người Trung Quốc sang Tây Trúc thỉnh kinh. Ngài được vua Harsha tôn kính, và giúp nhà vua Phật tử này hoằng pháp. Ngài Pháp Hiển chỉ thấy hai ngôi chùa ở Kanauj vào thế kỷ thứ Năm, nhưng ngài Huyền Trang đề cập đến cả trăm ngôi chùa với hơn 10,000 vị Tỳ Kheo ở đó. Khi vua Harsha băng hà năm 647 thì Phật giáo lại bị người Bà la môn lấn áp.
   Trong thời kỳ này, bên đạo Bà la môn có sự thay đổi tư tưởng lớn, được giới sử gia ngày nay gọi là “Pauranik Hinduism” (Tân Ấn giáo). Nổi bật nhất là hệ thống phân chia giai cấp xã hội được hệ thống hóa khe khắt hơn. Nhưng cũng cùng lúc đó thuyết Luân hồi được phổ biến rộng rãi giữa các tín đồ Ấn giáo. Trong các Purana (Thánh điển) cũ của đạo Bà la môn, Phật Thích Ca bị coi là người dụ dỗ người ta vào đường hủy diệt. Nhưng các Purana mới từ giai đoạn này, như Garuda, lại cho rằng Phật là hóa thân của Vishnu. Và Phật giáo Ấn Độ cũng lại có thêm ảnh hưởng của tư tưởng Bà la môn từ đây.
   Phật giáo có được một thời kỳ dễ thở ngắn nữa trong triều đại Pala ở Magadha trong thế kỷ thứ Mười. Nhưng từ cuối thế kỷ này, khi các triều đại Hồi giáo thống trị Ấn Độ, Phật giáo lại quay về vị thế thiểu số cho đến nay.


BÀI THUYẾT PHÁP ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC PHẬT


   Nhóm của Tiến sỹ Ambedkar trải đi khắp nơi trên đất nước Ấn Độ và các nước chung quanh để sưu tập lại những truyền thuyết cổ, và những bản kinh, truyện nguyên thủy được bảo quản từ ngàn xưa, để tập hợp lại thành bộ Giáo sử này. Vì tài liệu được sưu tập từ nhiều nguồn khác nhau, cho nên các danh từ được họ giữ nguyên bản bằng cả Phạn ngữ lẫn tiếng Pali xen lẫn trong các bài viết…
*
Bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật tôi đăng ở đây

Ngũ hành cho năm 2015 - Tin hay không tùy hỉ

Kay Nguyễn
 
Đầu năm Âm Lịch dùng phương pháp ngũ hành Á Đông làm một cái nhìn ngắn gọn toàn cảnh đi nhỉ, sau đó chúng ta quay lại lịch Phương Tây để tính toán thời điểm ở bài sau nhé.

Hành nào được lợi?
Nếu tính theo Hoa Giáp thì năm Giáp Ngọ vừa rồi khởi đầu một chu kỳ mới của 60 năm, Ất Mùi năm nay cũng chỉ đang giai đoạn khởi động, chắc chắn không phải là năm nên mạo hiểm. Giáp-Ất thuộc bộ Mộc, Mộc chính là toàn bộ ngành công nghiệp hiện đại, nên có thể nói năm nay lại tiếp tục chủ đề “ngành nghề khởi sắc” như năm ngoái. Được một cái Mùi là Thổ, nên có thể hiểu là Mộc năm nay nở hoa chứ không bị lửa của Ngọ năm ngoái đốt cho xơ xác.

Chính vì vậy năm nay, những ngành công nghiệp nào thuộc Mộc sẽ sinh sôi và phát triển rực rỡ. Ngành kiến trúc, sản xuất các sản phẩm từ gỗ (nội, ngoại thất), thời trang (hiểu nôm na vải là do từ tơ tằm mà ra), thực phẩm (cũng hiểu nôm na từ lương thực trồng trọt được), các ngành in ấn, xuất bản (báo chí, sách vở…) và đặc biệt là giáo dục (trồng cây – trồng người mà nhỉ).

Các ngành thuộc Thổ cũng sẽ rất ổn định do hưởng trợ lực từ năm Mùi (Thìn – Tuất – Sửu – Mùi thuộc Thổ), bao gồm: bất động sản, xây dựng, ngành xăng dầu (hi vọng giá xăng ổn định chứ đừng tăng nha!), khoáng sản, bảo hiểm (ổn định như đất), kế toán-kiểm toán, luật và ngành nhân sự.

Ngành có lửa (thuộc Hỏa) đầu tư hay làm ăn gì thì cũng thoải mái, dư dả, vì Hỏa kẹp giữa Mộc của Ất và Thổ của Mùi nên được 2 nguyên tố này trợ lực. Điện nước, nhà hàng, ngành biểu diễn, ngành giải trí, quân đội và quốc phòng chính là thuộc Hoả (cũng hi vọng quân đội ta ổn định dư dả nhỉ). Năm nay giới nghệ ai đọc Soi nên mừng nè, ai đầu tư liveshow hay phim, truyền hình gì đều ổn hết (bất chấp luôn năm tuổi hay tam tai nhé, ba cái đó xui thì có xui nhưng mà cũng có khi hên nó bốc lên luôn đó, mấy vụ này khó lường lắm tùy bản mệnh mạnh hay yếu thôi hà).

Lưu ý ngành nào có Kim hơi trớt quớt nhe, năm nay coi như hao tổn, ai lỡ làm trong đó rồi thì phải theo thôi chứ giờ biết sao, nên chuyển một ít đầu tư sang ngành Mộc. Các ngành Kim bao gồm: ngân hàng, công nghệ (phần cứng) – vì phần mềm thuộc Mộc hoặc Hỏa tùy nội dung, sản xuất ô tô (thôi chính phủ hạ thuế đi cho chắc ăn chứ ôm chi ngành này vào người cho cực), cơ khí công nghiệp nặng và nhẹ. Kim có cái đặc biệt là còn đại diện cho lãnh đạo, người đứng đầu, CEO của các doanh nghiệp. Năm nay nên “buông rèm chấp chính”, cẩn thận ăn nói, ký tá, chiến lược phải cực kỳ năng động, nhanh nhạy, chơi tới đâu hay tới đó chứ đừng mất công tính trước. Team-work (làm việc nhóm) và tinh thần chan hòa chính là chìa khóa, vì đang vận dụng hành Thổ của làm việc nhóm và Thủy của tình cảm để làm cho Kim mạnh lên.

Và sau cùng là các nhóm ngành thuộc Thủy năm nay hơi te tua nhưng vẫn phải xây căn cứ địa để hưởng vào những năm tiếp theo. Ngành Thủy bao gồm dịch vụ (agency quảng cáo, agency du lịch….), mảng vận tải, vận chuyển (logistics…), du lịch, chăm sóc sức khỏe… Nếu như đầu tư với lộ trình lâu dài trong đầu, thì đoan chắc đến năm của Thủy là năm Kỷ Hợi (2019) sẽ thắng lớn.
.



Dự đoán và khuyên chút chút

Nhìn chung, Mộc của Can và Thổ của Chi khiến Thổ vất vả sinh xuất cho Mộc, dự đoán cũng sẽ tiếp tục có nhiều mâu thuẫn giữa các quốc gia, các tập đoàn, nhưng chắc chắn là thoải mái hơn cái năm Giáp Ngọ. Mùa hè vượng, các nước ở nhiệt đới phất lên (hú hồn, vậy Việt Nam cũng cam tâm chịu nóng chút mà được việc!), và lại có nhiều hiệp ước, thỏa thuận, sáp nhập xuất hiện. Các bạn có biết năm vừa rồi Panasonic đã khai tử Sanyo và làm mất luôn thương hiệu này ngoại trừ những thị trường còn giữ lại được “brand love” (tình yêu cho brand) không? 15,000 cửa hàng tổng hợp Target (một trong những chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn nhất Mỹ) đã đóng cửa ở Canada.

Tình hình chính trị cũng sẽ cực kỳ nóng bỏng và ảnh hưởng ngược lại kinh tế. Các hiệp ước sẽ được ký nhiều, và nếu cứ đúng tinh thần “làm việc tập thể” (thổ) và “bình đẳng bác ái” (thủy) chắc chắn sẽ giải quyết ổn thỏa. Đặc biệt lưu ý cho các bạn chơi chứng khoán là xu hướng năm ngoái ra sao thì năm nay lập lại y chang vậy. 

Mặc dù một số ngành (kim, thủy) phải chịu đựng cho qua năm, nhưng thực ra quan trọng nhất vẫn là lựa chọn người đứng đầu và những nhóm quan yếu mà người đứng đầu chọn ra (như nhóm marketing, nhóm sales).


Các bạn làm marketing trong ngũ hành mệnh nên có Hỏa. CEO nên có Kim-Thuỷ. Và các bạn thiết kế, nghiên cứu sản phẩm nên có Mộc. Trong một năm mà mọi thứ đều liên quan đến tiền bạc như năm nay, cơ hội kiếm tiền đều chia đều cho mọi người, nên các bạn cũng đừng quan trọng năm tuổi, năm kỵ, năm tam tai, vì nếu bản mệnh vững chãi, mưu sự chắc chắn, hành sự cẩn trọng, thì tôi tin rằng chuyện “nhân định thắng thiên” là chuyện tất yếu. Tất nhiên, sống và làm việc theo… vũ trụ, lý do của việc viết bài này theo tôi cũng chỉ là, vào ngày mưa đá, thì chả ai dại gì đâm đầu ra đường hứng mưa cả.
*
Hình trong bài: Hình đầu là “”Fengshui Kois” của Jorosa”, hình 2 là không rõ tác giả.

Prana Ahuti – Phương pháp khởi động linh khí prana


Trịnh Bách
(Tiếp theo bài 1)

Rất khó để dịch chính xác prana ra Việt ngữ. Dịch là khí, hay thậm chí nội công, là không chính xác. Người Trung Quốc gọi nó là ngoại khí, hay tiên thiên khí. Người Tây phương gọi chung nó là điện (electricity) hay, kỹ hơn, là điện từ trường (electro-magnetism). Người Việt nhiều khi gọi nó là điển. Wikipedia giải thích prana “là năng lượng vũ trụ được tin là đến từ mặt trời và kết nối tất cả các nguyên tố của càn khôn vũ trụ. Là năng lượng hay năng lực gốc của vũ trụ, điều khiển sự sống, nhiệt lượng và sự bảo trì của cơ thể; prana là tổng thể của tất cả các năng lượng hiển thị trong càn khôn vũ trụ”.
Prana được tạo ra từ chấn động rung nguyên thủy (primordial vibration), tức là từ chấn động rung với tần số của âm thanh (primordial sound) Aom.
Ai cũng biết rằng mọi vật đều được tạo ra từ các nguyên tử do chấn động rung hay sự giao động ở tần số cao sinh từ trường kết dính lại mà thành. Từ vật chất đến âm thanh, ánh sáng và tất cả; tất cả đếu được tạo thành như thế. Các tôn giáo đều nhắc đến chấn động rung thiêng liêng. Các khoa học gia cũng đồng ý với sự quan trọng của các chấn rung. Einstein đã phát biểu rằng, “tất cả mọi thứ đều là chấn động rung (everything is vibration)”…
Nhà thần học và trị liệu ngoại cảm Edgar Cayce (1877-1945) nổi tiếng của Hoa Kỳ “tôn sùng” chấn động rung nguyên thủy vào bậc nhất. Ông đặt trọng tâm phương pháp trị liệu của mình vào chấn động rung. Ông giải thích rằng cơ thể con người được tạo thành từ chấn động rung. Các cơ quan, bộ phận trong cơ thể đều được tạo ra khởi thủy bằng chấn động rung. Khi chúng có tần số rung đúng của mình thì chúng ta khỏe mạnh. Một bộ phận thân thể bị tổn thương, tức là bị bệnh, khi tần số rung của nó vì lý do nào đó bị sai lệch. Điều chỉnh tần số rung cho đúng trở lại thì sẽ khỏi bệnh. Tần số rung đúng, lành mạnh của các cơ quan, bộ phận trong toàn cơ thể dẫn đến trường thọ, trường sinh…
Cayce cho rằng tần số rung của Aom là tần số rung nguyên thủy của tất cả. Nhưng quan trọng là phải biết âm thanh chuẩn xác của nó, và phải biết cách để có thể áp dụng Aom và rung chấn của nó vào cơ thể và đời sống của chúng ta.
Phái Kriya Yoga cổ điển có một phương pháp gọi là Prana Ahuti (Khởi động Sinh lực điện từ trường) có vẻ sẽ giúp được cho chúng ta việc này.

Prana Ahuti
- Lúc đầu ngồi như thế nào cho thoải mái nhất là được, không nhất thiết phải ngồi xếp bằng. Có thể ngồi trên ghế. Nhưng quan trọng là lưng phải thẳng, cằm nên hơi rút vào, để tạo được đường thẳng từ xương sống lên đỉnh đầu. Quần áo, đầu tóc thoáng rộng. Mỗi lần tập lâu mau tùy ý, nhưng không nên ít hơn 15 phút. Tránh làm việc này giữa 5 và 8 giờ chiều. Tốt nhất lúc đầu là giữa 10 giờ tối và 01 giờ sáng.
- Làm khẩu ấn (Khechari Mudra) ở miệng: môi chạm môi, răng cửa trên cắn vào răng cửa dưới (điều này rất quan trọng), lưỡi co lên đụng vào cái gờ trên lợi phía trên răng cửa hàm trên. Mắt nhắm nhưng hướng xuôi xuống thoải mái tự nhiên như ở tư thế đọc sách để cho trên đỉnh đầu thư giãn, không bị khép vào.
- Niệm khoan thai vài lần hồng danh của vị giáo chủ của tôn giáo mình, thí dụ như Nam Mô A Di Đà Phật, ở chỗ huyệt Bách Hội, tức là chỗ luân xa số 7 trên đỉnh đầu, để chỉ cho phép từ trường tốt vào mình thôi. Các tạp khí khác không vào thân thể mình được.
Prana Ahuti

- Mường tượng một vòng lốc xoáy prana xoay rất nhanh theo chiều thẳng đứng vào trong đầu theo chiều kim đồng hồ, tức là xoáy vào. Vòng lốc xoáy này có chiều cao khoảng 10 cm và chiều rộng miệng khoảng 7 cm. Gốc của vòng xoáy chỗ xuyên vào đầu nhỏ hơn đầu đũa. Nhiều nơi khi dậy prana ahuti chỉ dẫn rằng người tập nên cảm thấy bàn tay Chân sư phía trên vòng xoáy. Prana từ lòng bàn tay xuyên thẳng qua luân xa 7 vào trong đầu. Và năng lượng từ bàn tay tỏa ra phủ hết cơ thể mình. Nhưng phải nhớ rằng vẫn chỉ để ý đến lốc xoáy prana đi vào đầu mình mà thôi. Chân sư ở đây thật ra có thể là thầy (guru) của mình, hay cũng có thể là đấng Giáo chủ của tôn giáo của mình hay Tạo hóa, Thượng đế…

.

- Thư giãn và quên đi toàn thân thể, chỉ chú ý một cách nhẹ nhàng, thoải mái vào vòng lốc xoáy prana ở luân xa 7. Không mong đợi gì, chỉ chú ý vào vòng lốc xoáy quay rất nhanh vào trong đầu ở đó. Thỉnh thoảng thầm niệm nhẹ nhàng Aom hay một câu chú quen thuộc của tôn giáo mình ở luân xa.
- Nếu bị tản ý thì quay tâm ý trở lại chú vào câu chú ở luân xa. Cứ làm như thế để kích thích luân xa này, và để từ từ mở các lớp chắn bảo vệ của luân xa ở bên trong. Tự mình mở luân xa cho mình là an toàn nhất. Vì khi mình đã tập đủ để xuyên qua được hết các lớp bảo vệ luân xa thì cơ thể và tâm linh mình đã sẵn sàng. 
- Dần dần khi không ngờ đến thì nó đến… Nghĩa là không để ý đến nó, cứ nhẫn nại làm việc này mỗi ngày cho thành một thói quen, một tập quán. Đến một lúc nào đó khi để ý sẽ thấy có cảm giác như giật giật, quay quay ở luân xa số 7. Tất cả đều là sự rung động hay giao động (vibrations). Mỗi người có cảm nhận đầu tiên ấy khác nhau. Càng mong ước, thúc giục thì càng khó cảm thấy…
- Khi đã có cảm nhận rồi thì thỉnh thoảng niệm Aom trong lốc xoáy đó cho nó theo lốc xoáy mà đi vào đầu. Huyền âm của luân xa số 7, chỗ prana đi vào đó, là Aom. Đây là luân xa và đại huyệt chủ của toàn thân thể. Những gì nhận được ở đây sẽ theo tất cả các kinh mạch, cả thể chất lẫn tâm linh, mà truyền vào bên trong.
- Điều quan trọng của việc luyện tập tâm linh là lòng tin tuyệt đối, sự kiên quyết và tâm nhẫn nại, kiên trì. Lòng tin không những vào sự hiện hữu của các trạng thái tâm linh, mà quan trọng nhất là tin vào chính mình. Không ai không có khả năng tâm linh. Nếu không cảm thấy thì chỉ vì mình không dám tin điều đó thôi. Thật ra mình chẳng thua kém gì các thánh, các vị đã giác ngộ, vì tất cả đều từ cùng một nguồn gốc. Chỉ có điều họ có lòng tin, và sư kiên trì mãnh liệt hơn mình… 
Trên đây chỉ là phần khởi đầu của phương pháp Prana Ahuti cổ điển. Ai đã tập thành công phần này mới nên tiếp tục tập các phần kế tiếp.

Bài tập phụ:
Trong khi luyện Prana Ahuti, cũng nên để thêm ít thì giờ tập bài tập này để chuẩn bị cho việc điều khiển prana sau này, nhất là cho việc trị liệu bản thân:
Tập niệm Aom hay một câu chú ngắn, hoặc cũng có thể là một câu nói tốt đẹp không dấu như “ yêu thương”, ở 3 chỗ: 
- Điểm thứ nhất là ngay bên trong hộp sọ chỗ cao nhất của đỉnh đầu, nơi tọa lạc của luân xa số 7.
- Chỗ thứ hai là khu vực tuyến Tùng quả trong đầu, ở nơi giao tiếp của đường thẳng từ giữa 2 lông mày và đường thẳng xuống từ điểm thứ nhất.
- Chỗ thứ ba là ở mặt trong xương sống chỗ giữa trái tim. Lúc đầu niệm ở từng chỗ cho quen. Sau đó niệm hai chỗ một lúc. Và quen rồi thì niệm cùng lúc ở ba nơi đó…

Mật chú Aom (Án): chấn động rung và âm thanh nguyên thủy

Trịnh Bách
Tất cả các chú (Đà-la-ni, tức Dharani trong tiếng Phạn) của Phật Giáo đều có tính chất tổng trì, tức là chỉ có mật nghĩa và bao trùm nhiều nghĩa, không thể dịch ra nghĩa trong bất cứ một ngôn ngữ nào. Ý nghĩa thật sự của các câu mật chú thật ra đều nằm trong sự liên hệ của tần số rung (vibration frequency) trong âm thanh của mỗi chữ trong câu chú, với tần số rung của những thể tối linh tương ứng luôn hiện hữu và bao trùm trong càn khôn vũ trụ.
Chư Phật, Chúa,Thánh, v.v, đều là các nguồn năng lượng ánh sáng, siêu âm thanh luôn hiện hữu khắp nơi trong vũ trụ. Các nguồn năng lượng thiêng liêng này lúc nào cũng ở sẵn quanh chúng ta và ngay cả trong chúng ta. Bẩy luồng ánh sáng mầu sắc của quang phổ chính là bẩy nguồn ánh sáng năng lượng gốc của càn khôn vũ trụ. Bẩy nguồn năng lực ánh sáng thiêng liêng này khi hòa vào nhau sẽ thành nguồn ánh sáng trắng tự nhiên, tức là ánh dương quang, là Tạo Hóa.
Mỗi nguồn năng lượng này có tần số rung nhất định. Chỉ khi nào biết hướng tần số rung của mình đến cùng tần số rung của một nguồn, ta sẽ liên kết được với nguồn năng lượng đó. Cũng như lúc nào cũng có vô số các làn sóng vô tuyến của các kênh truyền hình và truyền thanh quanh ta, nhưng thường thì ta không cảm thấy được. Nếu ta muốn xem, nghe một kênh, ta phải vặn, chuyển tần số của máy đến cùng tần số rung của luồng sóng của kênh đó.
Bằng cách nào đó người xưa đã nắm bắt được các âm thanh có tần số rung động (vibration frequency) phù hợp với các tần số rung của các nguồn năng lực thiêng liêng kể trên, và gói ghém chúng thành những câu mật chú. Các âm thanh huyền âm (Bija) này được gọi là Phạn thanh trong Hán và Việt ngữ. Thật ra đấy là Phạm thanh, tức là âm thanh của Phạm Thiên (Bhraman, Tạo hóa, Thượng Đế) bị nôm na hóa mà đọc trại ra. Khi biết cách phát ra những âm thanh này đúng cách, người ta có thể nối kết mình với các nguồn năng lực, các thể thiêng liêng đó, tức là các “Đấng” đó.
Huyền âm “Án” – chấn rung động nguyên thủy
Trong các câu chú của Phật Giáo, Bà-la-môn (Bhraman) giáo, tức Ấn Độ giáo (Hindu) được phiên âm ra tiếng Việt, ta thấy huyền âm “Án”, hay đôi khi được phát âm là “Úm”, được xử dụng rất nhiều. Thí dụ như trong câu chú Án Ma Ni Bát Di Hồng (Aom Mani Padme Hum). Ngay như khi giỡn chơi, từ trẻ con đến người lớn vẫn nói câu Úm ba la, Úm ba la (Aum para, Aum para) vô nghĩa, mà thật ra cũng không hiểu là mình đang nói gì. Âm thanh Án này, nguyên thủy trong Phạn ngữ là “AOM”, hoặc “AUM” (hay còn được phát âm đơn giản về sau này là “Om”), thường gặp trong chú hơn là trong kinh. Âm thanh Aom của Phật giáo và Ấn giáo là một mật chú ngắn nhất nhưng quan trọng vào bậc nhất của mọi thần chú.
Aom (Án) trong Phạn ngữ (tranh của Madhusudan-Kawa)
Tuy mật chú Án (Aom) được dùng rất nhiều trong Phật giáo, nhưng vì các câu chú nguyên thủy của Phật giáo có xuất xứ từ Bà la môn, cho nên kinh sách của Phật giáo xử dụng mật chú Aom sẵn có trong kinh sách và các lý thuyết Bà la môn, với rất ít lý giải. Vì thế muốn tìm hiểu về mật chú Aom, ta phải dựa vào các kinh cổ như Vệ Đà (Veda); Phạm Thiên Thư (Brahmana); Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita); và các tân thuyết Ưu-bà-ni-sa đàm (Upanishads, hay còn gọi là Vệ Đàn Đa), của Ấn Độ giáo.
Theo truyền thống Ấn giáo, mọi vật đều hình thành từ Chấn-rung-động Nguyên- thủy (Primordial Vibration) như đã nói ở trên. Mọi vật thể, tất cả các sinh vật, trong đó có chúng ta; mọi chất rắn, chất lỏng, chất khí, âm thanh, ánh sáng, v.v., đều được cấu tạo từ chấn rung động nguyên thủy này. Và âm thanh tạo ra chấn động rung đó là Aom, là nguồn gốc tối thượng của Càn khôn Vũ trụ. Trong các từ điển Phạn ngữ, Aom được giải nghĩa là âm thanh nguyên thủy (primordial sound). Căn bản vật lý hiện đại cũng khẳng định rằng mọi vật đều do các nguyên tử chịu tác dụng của chấn động rung với tần số cao tạo ra điện từ trường (electro-magnetism, lực nam châm) kết dính mà thành.
Biểu tượng của chấn động rung Aom
Vệ Đàn Đa (Upanishads) giải thích rằng nguồn gốc Tối thượng đó là đấng Tạo Hóa, Thượng Đế (Ishvara – Brahman), là đấng Toàn-năng (Omnipotent – Sarvazakti), Toàn-giác (Omniscient – Sarvavidya), Hằng-hiện-hữu (Omni-present– Sarvavyapin); là Đại Ngã (Paramatma; là Càn khôn Vũ trụ. Là Vô cực cũng như Đối cực. Thí dụ như vừa là khởi thủy vừa là kết cục, là tất cả trong khi cũng là không gì cả, là sáng nhưng cũng là tối, v.v. Nếu chỉ biết sướng nhưng không biết khổ, hay ngược lại; hay chỉ biết tốt mà không biết xấu, hay ngược lại; v.v, thì không là Toàn Giác. Chỉ có thể sinh mà không thể diệt, hay ngược lại; hoặc chỉ là dương mà không là âm, hay ngược lại; v.v, thì không là Toàn Năng. Các sự đối trọng này lập nên sự quân bình của càn khôn vũ trụ. Một khi sự quân bình này bị lệch thì càn khôn vũ trụ sẽ sụp đổ.
Theo tập Từ Bi Đàm (Maitri) của Vệ Đàn Đa, đấng Đại ngã, tức là Tạo hóa, luôn hiện hữu, bao trùm Càn khôn Vũ trụ qua tần số rung vĩnh hằng của âm thanh Aom. Từ Bi Đàm cũng giải thích nguồn gốc của thế giới, vạn vật bằng câu “Khởi đầu của vũ trụ là Aom (Âm thanh Nguyên thủy)”. Tập Katha của Vệ Đàn Đa có câu: “Ngữ âm khởi thủy mà tất cả các kinh Vệ Đà tôn vinh, tất cả các học thuật thiêng liêng và các đời thánh tìm kiếm. Ngữ âm ấy là AOM… Ngữ âm ấy là đấng Thượng Đế vĩnh cửu (the primordial Word that all the Vedas glorify, all sacred studies and holy life seek. That Word is AOM… That Word is the everlasting Brahman, trích bản dịch Anh ngữ của Stuart R. Kerr)”.
Thật trùng hợp: trong kinh Tân Ước của Thiên Chúa giáo, Thánh Giăng (John) có giảng là “Ban đầu là ngôi Lời… và ngôi Lời là đức Chúa Trời” (Giăng 1:1). Câu này được dịch thành “In the beginning was the Word… and the Word was God” trong kinh tiếng Anh (John 1:1).
Ngày xưa Giăng dùng ngôn ngữ Hy Lạp cổ khi giảng kinh Phúc âm. Nguyên bản đoạn đầu của câu kinh này từ tiếng Hy Lạp cổ là Ἐν ἀρχῇ ἦν ὁ λόγος, và được phiên âm ra mẫu tự La Tinh là “En Arkey Ayn Ha Logos”. Dòng văn Hy Lạp này giải nghĩa ra từng từ sẽ là:
En: khi, lúc – when 

Arkey: ban đầu – beginning 
Ayn (giới từ): anh ấy, cô ấy, nó, cái ấy – he, she, it) 
Ha: là – to be 
Logos: sáng tạo, trí tuệ, rung chấn – vibrations, ngữ âm – word.

Riêng chữ Logos rất khó dịch. Ngoài các ý nghĩa kể trên, ba ngôi Logos của Hy Lạp có cùng nghĩa với Ba Ngôi của Thiên Chúa giáo, hay Tây phương Tam thánh (A Di Đà, Quán Âm và Đại Thế Chí) của Phật giáo.
Có thể thấy rằng chữ Logos, với nhiều hàm ý như thế, không thể dịch cách nào khác ngoài chữ “Word” trong tiếng Anh, và Parole trong tiếng Pháp. Và khi các cụ ngày xưa dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt, các cụ cũng không biết dịch chữ Logos, hay word bằng từ nào ngoài tiếng “Lời” tối nghĩa đó. Và cái âm thanh nguyên thủy mà kinh Thánh không biết giải thích cách nào, mà rồi đành phải gọi là “Lời” đó, phải chăng chính là “Aom” của Bà-la-môn giáo?
Vì cũng trong kinh Tân Ước, Thiên Chúa phán rằng: “Ta là An–pha và Ô–mê–ga, là thứ nhất và là cuối cùng, là Khởi đầu và là Kết thúc” (Khải huyền 22:13). Câu này trong tiếng Anh là: “I am the Alpha and the Omega, the first and the last, the beginning and the end” (Genesis 22:13). Nghe qua có vẻ tối nghĩa. Nhưng rõ ràng, khi kết hợp hai âm Alpha (A) và Omega (Om) sẽ được âm Aom.
Ngoài ra, trong bảng mẫu tự Hy Lạp, Alpha (Α) là chữ đầu tiên và Omega (Ω) là chữ cuối cùng. Phải chăng từ Alpha đến Omega là từ khởi đầu đến kết thúc, như chúng ta vẫn nói theo mẫu tự La Tinh là từ A đến Z? Và Thiên Chúa của Thiên Chúa Giáo sao cũng thật giống với Phạm-Thiên Tạo-hóa của Ấn Giáo, với tính cách đối cực cũng như vô cực như vậy. Thí dụ như vừa là khởi đầu vừa là kết thúc. Hay cũng là đầu tiên và cũng là cuối cùng, v.v.
Thời ấy thế giới Trung, Cận Đông không có bộ mẫu tự nào để diễn tả âm thanh Aom chính xác hơn mẫu tự Hy Lạp của Tông đồ Giăng, cho nên kinh Thánh phải dùng mẫu tự này. Có thể đây là cách gần đúng nhất với ngôn ngữ thế gian mà Thượng Đế, hay Đức Chúa Cha, có thể hiển thị mình với cư dân của phần thế giới ấy, vào thời ấy, chăng?
Bảng mẫu tự Hy Lạp

Khi mật chú Aom đứng một mình
Theo các kinh và thuyết của Ấn giáo thì mỗi cá nhân chúng ta là một Tiểu vũ trụ (Micro Universe), với đầy đủ mọi yếu tố của Đại Càn khôn vũ trụ (Macro Universe), tức là Tạo hóa. Cũng theo truyền thống Ấn giáo, và cũng được phổ biến sâu rộng trong Phật giáo Mật tông Tây Tạng, thì tần số rung (vibration frequency) của âm thanh Aom phát ra từ tâm linh chân ngã (Atma, linh hồn) của mỗi chúng ta trùng hợp với tần số rung nguyên thủy của nguồn năng lượng và ánh sáng của Đại càn khôn Vũ trụ, tức là Tạo hóa. Vì thế niệm âm thanh này là con đường tắt để kết nối chúng ta với nguồn gốc Tối thượng.
Nhưng câu mật chú Aom vĩ đại này khi đứng một mình là nhất tự chú (chú một từ) thì nên được niệm như thế nào? Trong các kinh Phật không thấy nhắc tới cách niệm câu mật chú nhất tự này.
Trong Phạn ngữ, chữ ओ (AOM hay OM), còn được viết là ओ३म् nhưng cả hai cách viết đều được phát âm là AOM. Trong đó chữ “”, hay “tri”, có nghĩa là 3. Và “म्”, hay “pluta”, có nghĩa là lần. Toàn thể chữ Omtripluta có nghĩa là niệm AOM với dư âm MMM của AOM được kéo dài bằng 3 lần âm gốc AOM. Âm “A” chỉ là một nguyên âm ấn định chủ âm, cho nên chỉ nên niệm lướt qua để nhấn vào trọng âm OM. Âm vực của Aom cũng như bất cứ câu chú nào của riêng mỗi người là âm vực của tiếng nói bình thường không dấu của người đó, thí dụ như của câu “tôi yêu anh”.
Theo tập Thiền Điểm (Dhyana Bindu) của Vệ Đàn Đa thì các âm thanh ‘A’, ‘O’, ‘M’ của Aom phải liên tục không dứt, nhuần nhuyễn thông thoáng, không bị ngắt âm, giống như sự tuôn chẩy liên tục của giòng dầu trơn, loãng. Nhất là phải có phần dư âm MMM.
Nhiều tu sỹ mật tông cho rằng dư âm MMM mới chính là huyền âm gốc mang tần số rung của càn khôn vũ trụ. Trong khi 2 âm thanh A và Om chỉ là các nguyên âm dẫn thanh mà thôi.

Niệm bằng miệng
Thông thường thì ai cũng niệm chú bằng miệng. Càng ngày các tôn giáo phương Đông như Phật giáo và Ấn Độ giáo càng trở nên phổ thông trong giới trí thức trẻ ở Bắc Mỹ và Âu Tây. Cho nên hình ảnh các thanh niên, thiếu nữ ngồi thiền ngoài bãi biển, trên đồi, hay trong công viên ở các ngày nghỉ cuối tuần không còn lạ lẫm gì với các tầng lớp dân chúng nữa. Họ bao giờ cũng ngồi xếp bằng; mắt nhắm yên bình; hai bàn tay lật ngửa trên hai đầu gối với đầu ngón trỏ cong chạm vào đầu ngón cái (bắt Thiền ấn, Chit Mudra); và miệng niệm âm thanh Aom (hay Om). Họ giải thích đấy là phương pháp thiền (Kriya và Raja Yoga) do các Sư phụ (Guru) người Ấn Độ và các Lạt Ma Tây Tạng truyền cho. Họ cũng giải thích rằng âm thanh Aom là con đường tắt nối chúng ta trở về với Thái Hòa và Siêu Giác, tức Thượng Đế.
Chiều cuối tuần trong công viên, New Jersey, Hoa Kỳ
Theo các kinh của Ấn giáo thì âm thanh và chấn động rung của mỗi chữ cũng như toàn từ Aom, cùng dư âm và sự tĩnh lặng sau khi âm thanh Aom chấm dứt, đều mang nhiều hàm ý riêng. Và quan trọng nhất là ý nghĩa cùng các tác dụng của dư âm và rung chấn MMM trong thinh không của Aom sau khi âm thanh này đã dứt. Giống như âm thanh rền vang sau tiếng rống của loài sư tử. Vì thế tiếng rống AOM của sư tử cũng được xem là một mẫu chuẩn âm của nhất tự chú AOM. Phật giáo coi trọng âm thanh sư tử hống là vậy.
Tượng sư tử hống ở chùa Thông, Thanh Hóa
Các Lạt Ma Tây Tạng ngoài việc trì niệm âm thanh Aom cũng còn hay thổi các kèn Pháp Loa, tiếng Tây Tạng gọi là kèn Dhungchen, tức là kèn ốc, đủ các cỡ, để tạo ra âm thanh Aom, hòng giúp đỡ mọi người cũng như bản thân tìm lại được tâm Thanh tịnh, theo đúng tinh thần từ bi của Đại thừa. Âm thanh của kèn Pháp loa được cho là có tần số rung tương tự như âm thanh và tần số rung của âm Aom nguyên thủy.
Kèn Pháp loa Tây Tạng

Niệm trong tâm, ý
Nhưng cách niệm chú cao và đúng hơn cả là ý niệm, tức là niệm trong tâm, ý (Trong tâm tưởng, hay trên đỉnh đầu). Kiến Thức Đàm (Djana Upanishad) và kinh Phú Đà Na (Purana) khuyên nên tập trung vào tim khi niệm mật chú Aom. Trong khi đó, phần lớn các tập khác của Vệ Đàn Đa và tất cả các phái thiền Du Già (Yoga) như Thần Biến (Tantra), Tăng Khư (Samkhya), v.v., đều chú trọng vào phương pháp Ý niệm.
Bất cứ niệm ở đâu, đầu hay tim, thì câu chú cũng phải được tưởng tượng là tự nó phát âm ra ở đó, chứ không phải là do cơ thể mình. Cơ thể phải hoàn toàn thư giãn, thanh thản, không dính dáng gì đến câu chú. Lúc đầu thường khó khăn, và âm thanh mường tượng Aom này yếu, không rõ ràng. Dần sẽ quen, và lúc đó niệm và điều khiển âm lượng sẽ dễ hơn.
Khi niệm cách này thì miệng được ngậm lại để kết ấn tịnh khẩu (Khechari Mudra): răng cửa trên chạm răng cửa dưới, môi trên chạm môi dưới, lưỡi co lên chạm vào cái khấc lồi lên phía trên lợi và chân răng hàm trên. Mắt nhắm nhưng tầm mắt để xuôi thoải mái như khi đọc sách). Và niệm nhất tự chú AOM này thật rõ ràng ở ngay bên trong xương sọ chỗ đỉnh đầu. Như thế tâm hồn sẽ thanh khiết hơn, và sẽ dễ cảm thấy sự rung động của âm thanh của thần chú ở đó hơn. Đỉnh đầu, nơi chúng ta ý niệm các câu chú, là chỗ giao tiếp của đường thẳng nối hai lỗ tai và đường thẳng dọc theo sống mũi và đi lên đỉnh đầu. Đây cũng là nơi tọa lạc của luân xa và huyệt Bách Hội (luân xa số 7), hay còn gọi là Thiên Môn. Và AOM là huyền âm của luân xa này.
Các thiền sư hồi ngàn xưa khi phiên âm và truyền bá các câu chú có dặn hễ người niệm chú mà thành tâm thì tự nhiên có sự linh ứng, chứ dù có đọc sai đôi chút cũng không có hại gì, vì không có cách nào để giải nghĩa và phiên âm cho đúng với ngữ âm của người Việt thời đó. Nhưng ngày nay con người trên thế giới có phương tiện giao lưu văn hóa tốt hơn, nhất là bằng Internet, cho nên việc tìm về các câu chú chính thống bằng Phạn ngữ dễ hơn. Do đó nên cố gắng niệm bằng Phạn âm, vì ngữ âm của Phạm thanh có tần số rung đúng với tần số rung nguyên thủy tối linh trong vũ trụ. Và cách phiên âm đúng tuyệt đối của nhất tự chú Án này bằng Phạm-Thiên ngữ là aOMMM.

Xem tiếp bài 2