Trịnh Bách
Tất cả các chú (Đà-la-ni, tức Dharani trong tiếng Phạn) của Phật Giáo đều có tính chất tổng trì, tức là chỉ có mật nghĩa và bao trùm nhiều nghĩa, không thể dịch ra nghĩa trong bất cứ một ngôn ngữ nào. Ý nghĩa thật sự của các câu mật chú thật ra đều nằm trong sự liên hệ của tần số rung (vibration frequency) trong âm thanh của mỗi chữ trong câu chú, với tần số rung của những thể tối linh tương ứng luôn hiện hữu và bao trùm trong càn khôn vũ trụ.
Chư Phật, Chúa,Thánh, v.v, đều là các nguồn năng lượng ánh sáng, siêu âm thanh luôn hiện hữu khắp nơi trong vũ trụ. Các nguồn năng lượng thiêng liêng này lúc nào cũng ở sẵn quanh chúng ta và ngay cả trong chúng ta. Bẩy luồng ánh sáng mầu sắc của quang phổ chính là bẩy nguồn ánh sáng năng lượng gốc của càn khôn vũ trụ. Bẩy nguồn năng lực ánh sáng thiêng liêng này khi hòa vào nhau sẽ thành nguồn ánh sáng trắng tự nhiên, tức là ánh dương quang, là Tạo Hóa.
Mỗi nguồn năng lượng này có tần số rung nhất định. Chỉ khi nào biết hướng tần số rung của mình đến cùng tần số rung của một nguồn, ta sẽ liên kết được với nguồn năng lượng đó. Cũng như lúc nào cũng có vô số các làn sóng vô tuyến của các kênh truyền hình và truyền thanh quanh ta, nhưng thường thì ta không cảm thấy được. Nếu ta muốn xem, nghe một kênh, ta phải vặn, chuyển tần số của máy đến cùng tần số rung của luồng sóng của kênh đó.
Bằng cách nào đó người xưa đã nắm bắt được các âm thanh có tần số rung động (vibration frequency) phù hợp với các tần số rung của các nguồn năng lực thiêng liêng kể trên, và gói ghém chúng thành những câu mật chú. Các âm thanh huyền âm (Bija) này được gọi là Phạn thanh trong Hán và Việt ngữ. Thật ra đấy là Phạm thanh, tức là âm thanh của Phạm Thiên (Bhraman, Tạo hóa, Thượng Đế) bị nôm na hóa mà đọc trại ra. Khi biết cách phát ra những âm thanh này đúng cách, người ta có thể nối kết mình với các nguồn năng lực, các thể thiêng liêng đó, tức là các “Đấng” đó.
Huyền âm “Án” – chấn rung động nguyên thủy
Trong các câu chú của Phật Giáo, Bà-la-môn (Bhraman) giáo, tức Ấn Độ giáo (Hindu) được phiên âm ra tiếng Việt, ta thấy huyền âm “Án”, hay đôi khi được phát âm là “Úm”, được xử dụng rất nhiều. Thí dụ như trong câu chú Án Ma Ni Bát Di Hồng (Aom Mani Padme Hum). Ngay như khi giỡn chơi, từ trẻ con đến người lớn vẫn nói câu Úm ba la, Úm ba la (Aum para, Aum para) vô nghĩa, mà thật ra cũng không hiểu là mình đang nói gì. Âm thanh Án này, nguyên thủy trong Phạn ngữ là “AOM”, hoặc “AUM” (hay còn được phát âm đơn giản về sau này là “Om”), thường gặp trong chú hơn là trong kinh. Âm thanh Aom của Phật giáo và Ấn giáo là một mật chú ngắn nhất nhưng quan trọng vào bậc nhất của mọi thần chú.
Tuy mật chú Án (Aom) được dùng rất nhiều trong Phật giáo, nhưng vì các câu chú nguyên thủy của Phật giáo có xuất xứ từ Bà la môn, cho nên kinh sách của Phật giáo xử dụng mật chú Aom sẵn có trong kinh sách và các lý thuyết Bà la môn, với rất ít lý giải. Vì thế muốn tìm hiểu về mật chú Aom, ta phải dựa vào các kinh cổ như Vệ Đà (Veda); Phạm Thiên Thư (Brahmana); Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita); và các tân thuyết Ưu-bà-ni-sa đàm (Upanishads, hay còn gọi là Vệ Đàn Đa), của Ấn Độ giáo.
Theo truyền thống Ấn giáo, mọi vật đều hình thành từ Chấn-rung-động Nguyên- thủy (Primordial Vibration) như đã nói ở trên. Mọi vật thể, tất cả các sinh vật, trong đó có chúng ta; mọi chất rắn, chất lỏng, chất khí, âm thanh, ánh sáng, v.v., đều được cấu tạo từ chấn rung động nguyên thủy này. Và âm thanh tạo ra chấn động rung đó là Aom, là nguồn gốc tối thượng của Càn khôn Vũ trụ. Trong các từ điển Phạn ngữ, Aom được giải nghĩa là âm thanh nguyên thủy (primordial sound). Căn bản vật lý hiện đại cũng khẳng định rằng mọi vật đều do các nguyên tử chịu tác dụng của chấn động rung với tần số cao tạo ra điện từ trường (electro-magnetism, lực nam châm) kết dính mà thành.
Vệ Đàn Đa (Upanishads) giải thích rằng nguồn gốc Tối thượng đó là đấng Tạo Hóa, Thượng Đế (Ishvara – Brahman), là đấng Toàn-năng (Omnipotent – Sarvazakti), Toàn-giác (Omniscient – Sarvavidya), Hằng-hiện-hữu (Omni-present– Sarvavyapin); là Đại Ngã (Paramatma; là Càn khôn Vũ trụ. Là Vô cực cũng như Đối cực. Thí dụ như vừa là khởi thủy vừa là kết cục, là tất cả trong khi cũng là không gì cả, là sáng nhưng cũng là tối, v.v. Nếu chỉ biết sướng nhưng không biết khổ, hay ngược lại; hay chỉ biết tốt mà không biết xấu, hay ngược lại; v.v, thì không là Toàn Giác. Chỉ có thể sinh mà không thể diệt, hay ngược lại; hoặc chỉ là dương mà không là âm, hay ngược lại; v.v, thì không là Toàn Năng. Các sự đối trọng này lập nên sự quân bình của càn khôn vũ trụ. Một khi sự quân bình này bị lệch thì càn khôn vũ trụ sẽ sụp đổ.
Theo tập Từ Bi Đàm (Maitri) của Vệ Đàn Đa, đấng Đại ngã, tức là Tạo hóa, luôn hiện hữu, bao trùm Càn khôn Vũ trụ qua tần số rung vĩnh hằng của âm thanh Aom. Từ Bi Đàm cũng giải thích nguồn gốc của thế giới, vạn vật bằng câu “Khởi đầu của vũ trụ là Aom (Âm thanh Nguyên thủy)”. Tập Katha của Vệ Đàn Đa có câu: “Ngữ âm khởi thủy mà tất cả các kinh Vệ Đà tôn vinh, tất cả các học thuật thiêng liêng và các đời thánh tìm kiếm. Ngữ âm ấy là AOM… Ngữ âm ấy là đấng Thượng Đế vĩnh cửu (the primordial Word that all the Vedas glorify, all sacred studies and holy life seek. That Word is AOM… That Word is the everlasting Brahman, trích bản dịch Anh ngữ của Stuart R. Kerr)”.
Thật trùng hợp: trong kinh Tân Ước của Thiên Chúa giáo, Thánh Giăng (John) có giảng là “Ban đầu là ngôi Lời… và ngôi Lời là đức Chúa Trời” (Giăng 1:1). Câu này được dịch thành “In the beginning was the Word… and the Word was God” trong kinh tiếng Anh (John 1:1).
Ngày xưa Giăng dùng ngôn ngữ Hy Lạp cổ khi giảng kinh Phúc âm. Nguyên bản đoạn đầu của câu kinh này từ tiếng Hy Lạp cổ là Ἐν ἀρχῇ ἦν ὁ λόγος, và được phiên âm ra mẫu tự La Tinh là “En Arkey Ayn Ha Logos”. Dòng văn Hy Lạp này giải nghĩa ra từng từ sẽ là:
En: khi, lúc – when
Arkey: ban đầu – beginning
Ayn (giới từ): anh ấy, cô ấy, nó, cái ấy – he, she, it)
Ha: là – to be
Logos: sáng tạo, trí tuệ, rung chấn – vibrations, ngữ âm – word.
Riêng chữ Logos rất khó dịch. Ngoài các ý nghĩa kể trên, ba ngôi Logos của Hy Lạp có cùng nghĩa với Ba Ngôi của Thiên Chúa giáo, hay Tây phương Tam thánh (A Di Đà, Quán Âm và Đại Thế Chí) của Phật giáo.
Có thể thấy rằng chữ Logos, với nhiều hàm ý như thế, không thể dịch cách nào khác ngoài chữ “Word” trong tiếng Anh, và Parole trong tiếng Pháp. Và khi các cụ ngày xưa dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt, các cụ cũng không biết dịch chữ Logos, hay word bằng từ nào ngoài tiếng “Lời” tối nghĩa đó. Và cái âm thanh nguyên thủy mà kinh Thánh không biết giải thích cách nào, mà rồi đành phải gọi là “Lời” đó, phải chăng chính là “Aom” của Bà-la-môn giáo?
Vì cũng trong kinh Tân Ước, Thiên Chúa phán rằng: “Ta là An–pha và Ô–mê–ga, là thứ nhất và là cuối cùng, là Khởi đầu và là Kết thúc” (Khải huyền 22:13). Câu này trong tiếng Anh là: “I am the Alpha and the Omega, the first and the last, the beginning and the end” (Genesis 22:13). Nghe qua có vẻ tối nghĩa. Nhưng rõ ràng, khi kết hợp hai âm Alpha (A) và Omega (Om) sẽ được âm Aom.
Ngoài ra, trong bảng mẫu tự Hy Lạp, Alpha (Α) là chữ đầu tiên và Omega (Ω) là chữ cuối cùng. Phải chăng từ Alpha đến Omega là từ khởi đầu đến kết thúc, như chúng ta vẫn nói theo mẫu tự La Tinh là từ A đến Z? Và Thiên Chúa của Thiên Chúa Giáo sao cũng thật giống với Phạm-Thiên Tạo-hóa của Ấn Giáo, với tính cách đối cực cũng như vô cực như vậy. Thí dụ như vừa là khởi đầu vừa là kết thúc. Hay cũng là đầu tiên và cũng là cuối cùng, v.v.
Thời ấy thế giới Trung, Cận Đông không có bộ mẫu tự nào để diễn tả âm thanh Aom chính xác hơn mẫu tự Hy Lạp của Tông đồ Giăng, cho nên kinh Thánh phải dùng mẫu tự này. Có thể đây là cách gần đúng nhất với ngôn ngữ thế gian mà Thượng Đế, hay Đức Chúa Cha, có thể hiển thị mình với cư dân của phần thế giới ấy, vào thời ấy, chăng?
Khi mật chú Aom đứng một mình
Theo các kinh và thuyết của Ấn giáo thì mỗi cá nhân chúng ta là một Tiểu vũ trụ (Micro Universe), với đầy đủ mọi yếu tố của Đại Càn khôn vũ trụ (Macro Universe), tức là Tạo hóa. Cũng theo truyền thống Ấn giáo, và cũng được phổ biến sâu rộng trong Phật giáo Mật tông Tây Tạng, thì tần số rung (vibration frequency) của âm thanh Aom phát ra từ tâm linh chân ngã (Atma, linh hồn) của mỗi chúng ta trùng hợp với tần số rung nguyên thủy của nguồn năng lượng và ánh sáng của Đại càn khôn Vũ trụ, tức là Tạo hóa. Vì thế niệm âm thanh này là con đường tắt để kết nối chúng ta với nguồn gốc Tối thượng.
Nhưng câu mật chú Aom vĩ đại này khi đứng một mình là nhất tự chú (chú một từ) thì nên được niệm như thế nào? Trong các kinh Phật không thấy nhắc tới cách niệm câu mật chú nhất tự này.
Trong Phạn ngữ, chữ ओ (AOM hay OM), còn được viết là ओ३म् nhưng cả hai cách viết đều được phát âm là AOM. Trong đó chữ “३”, hay “tri”, có nghĩa là 3. Và “म्”, hay “pluta”, có nghĩa là lần. Toàn thể chữ Omtripluta có nghĩa là niệm AOM với dư âm MMM của AOM được kéo dài bằng 3 lần âm gốc AOM. Âm “A” chỉ là một nguyên âm ấn định chủ âm, cho nên chỉ nên niệm lướt qua để nhấn vào trọng âm OM. Âm vực của Aom cũng như bất cứ câu chú nào của riêng mỗi người là âm vực của tiếng nói bình thường không dấu của người đó, thí dụ như của câu “tôi yêu anh”.
Theo tập Thiền Điểm (Dhyana Bindu) của Vệ Đàn Đa thì các âm thanh ‘A’, ‘O’, ‘M’ của Aom phải liên tục không dứt, nhuần nhuyễn thông thoáng, không bị ngắt âm, giống như sự tuôn chẩy liên tục của giòng dầu trơn, loãng. Nhất là phải có phần dư âm MMM.
Nhiều tu sỹ mật tông cho rằng dư âm MMM mới chính là huyền âm gốc mang tần số rung của càn khôn vũ trụ. Trong khi 2 âm thanh A và Om chỉ là các nguyên âm dẫn thanh mà thôi.
Niệm bằng miệng
Thông thường thì ai cũng niệm chú bằng miệng. Càng ngày các tôn giáo phương Đông như Phật giáo và Ấn Độ giáo càng trở nên phổ thông trong giới trí thức trẻ ở Bắc Mỹ và Âu Tây. Cho nên hình ảnh các thanh niên, thiếu nữ ngồi thiền ngoài bãi biển, trên đồi, hay trong công viên ở các ngày nghỉ cuối tuần không còn lạ lẫm gì với các tầng lớp dân chúng nữa. Họ bao giờ cũng ngồi xếp bằng; mắt nhắm yên bình; hai bàn tay lật ngửa trên hai đầu gối với đầu ngón trỏ cong chạm vào đầu ngón cái (bắt Thiền ấn, Chit Mudra); và miệng niệm âm thanh Aom (hay Om). Họ giải thích đấy là phương pháp thiền (Kriya và Raja Yoga) do các Sư phụ (Guru) người Ấn Độ và các Lạt Ma Tây Tạng truyền cho. Họ cũng giải thích rằng âm thanh Aom là con đường tắt nối chúng ta trở về với Thái Hòa và Siêu Giác, tức Thượng Đế.
Theo các kinh của Ấn giáo thì âm thanh và chấn động rung của mỗi chữ cũng như toàn từ Aom, cùng dư âm và sự tĩnh lặng sau khi âm thanh Aom chấm dứt, đều mang nhiều hàm ý riêng. Và quan trọng nhất là ý nghĩa cùng các tác dụng của dư âm và rung chấn MMM trong thinh không của Aom sau khi âm thanh này đã dứt. Giống như âm thanh rền vang sau tiếng rống của loài sư tử. Vì thế tiếng rống AOM của sư tử cũng được xem là một mẫu chuẩn âm của nhất tự chú AOM. Phật giáo coi trọng âm thanh sư tử hống là vậy.
Các Lạt Ma Tây Tạng ngoài việc trì niệm âm thanh Aom cũng còn hay thổi các kèn Pháp Loa, tiếng Tây Tạng gọi là kèn Dhungchen, tức là kèn ốc, đủ các cỡ, để tạo ra âm thanh Aom, hòng giúp đỡ mọi người cũng như bản thân tìm lại được tâm Thanh tịnh, theo đúng tinh thần từ bi của Đại thừa. Âm thanh của kèn Pháp loa được cho là có tần số rung tương tự như âm thanh và tần số rung của âm Aom nguyên thủy.
Niệm trong tâm, ý
Nhưng cách niệm chú cao và đúng hơn cả là ý niệm, tức là niệm trong tâm, ý (Trong tâm tưởng, hay trên đỉnh đầu). Kiến Thức Đàm (Djana Upanishad) và kinh Phú Đà Na (Purana) khuyên nên tập trung vào tim khi niệm mật chú Aom. Trong khi đó, phần lớn các tập khác của Vệ Đàn Đa và tất cả các phái thiền Du Già (Yoga) như Thần Biến (Tantra), Tăng Khư (Samkhya), v.v., đều chú trọng vào phương pháp Ý niệm.
Bất cứ niệm ở đâu, đầu hay tim, thì câu chú cũng phải được tưởng tượng là tự nó phát âm ra ở đó, chứ không phải là do cơ thể mình. Cơ thể phải hoàn toàn thư giãn, thanh thản, không dính dáng gì đến câu chú. Lúc đầu thường khó khăn, và âm thanh mường tượng Aom này yếu, không rõ ràng. Dần sẽ quen, và lúc đó niệm và điều khiển âm lượng sẽ dễ hơn.
Khi niệm cách này thì miệng được ngậm lại để kết ấn tịnh khẩu (Khechari Mudra): răng cửa trên chạm răng cửa dưới, môi trên chạm môi dưới, lưỡi co lên chạm vào cái khấc lồi lên phía trên lợi và chân răng hàm trên. Mắt nhắm nhưng tầm mắt để xuôi thoải mái như khi đọc sách). Và niệm nhất tự chú AOM này thật rõ ràng ở ngay bên trong xương sọ chỗ đỉnh đầu. Như thế tâm hồn sẽ thanh khiết hơn, và sẽ dễ cảm thấy sự rung động của âm thanh của thần chú ở đó hơn. Đỉnh đầu, nơi chúng ta ý niệm các câu chú, là chỗ giao tiếp của đường thẳng nối hai lỗ tai và đường thẳng dọc theo sống mũi và đi lên đỉnh đầu. Đây cũng là nơi tọa lạc của luân xa và huyệt Bách Hội (luân xa số 7), hay còn gọi là Thiên Môn. Và AOM là huyền âm của luân xa này.
Các thiền sư hồi ngàn xưa khi phiên âm và truyền bá các câu chú có dặn hễ người niệm chú mà thành tâm thì tự nhiên có sự linh ứng, chứ dù có đọc sai đôi chút cũng không có hại gì, vì không có cách nào để giải nghĩa và phiên âm cho đúng với ngữ âm của người Việt thời đó. Nhưng ngày nay con người trên thế giới có phương tiện giao lưu văn hóa tốt hơn, nhất là bằng Internet, cho nên việc tìm về các câu chú chính thống bằng Phạn ngữ dễ hơn. Do đó nên cố gắng niệm bằng Phạn âm, vì ngữ âm của Phạm thanh có tần số rung đúng với tần số rung nguyên thủy tối linh trong vũ trụ. Và cách phiên âm đúng tuyệt đối của nhất tự chú Án này bằng Phạm-Thiên ngữ là aOMMM.
Xem tiếp bài 2
Xem tiếp bài 2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét