11/04/2015

Chùa Tiêu (Từ Sơn - Bắc Ninh)

   Nằm lưng chừng núi Tiêu quanh năm cây cối u tịch, phía dưới chân núi là dấu tích dòng sông Tiêu Tương cổ thơ mộng, chùa Tiêu có tên chữ là “Thiên tâm tự” thuộc xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, từ lâu nổi tiếng là danh lam cổ tự.



Nhìn từ lầu Phật Quan Thế Âm Bồ Tát.



Cổng chùa Tiêu.

  Căn cứ vào sử sách cổ và truyền thuyết dân gian thì chùa Tiêu đã có từ lâu đời. Đến thời Lý là một trung tâm Phật giáo lớn, nơi trụ trì của Quốc sư Lý Vạn Hạnh. Tại ngôi chùa này, Thiền sư Lý Vạn Hạnh có công nuôi dạy Lý Công Uẩn lớn khôn, để sau trở thành bậc Minh Vương có công khai lập vương triều nhà Lý và nền văn minh Đại Việt.
   Hiện chùa Tiêu là kiến trúc của nhiều lần trùng tu tôn tạo. Chùa gồm các tòa: Tam bảo, nhà tổ, nhà bia và các công trình phụ trợ. Tại nhà tổ có pho tượng cổ Thiền sư Lý Vạn Hạnh và ngai bài vị ghi rõ “Lý triều nhập nội Tể tướng Lý Vạn Hạnh Thiền sư thần vị”. Đặc biệt, chùa còn bảo lưu được một bia đá, có tên “Lý Gia Linh Thạch”, niên đại “Cảnh Thịnh nguyên niên” (1793), ghi chép sự tích về Lý Công Uẩn.
   Nhưng như tôi thấy thì việc trùng tu, tôn tạo ngôi chùa này đã xóa bỏ toàn bộ các công trình kiến trúc cổ; thay vào đó là cac vật liệu, kiến trúc khá hiện đại (khoảng từ năm 2003). Có chăng, còn chút dán dấp xưa là cổng Tam quan cũ mà thôi (Nhưng do không gặp được dân địa phương nên cũng chưa tìm hiểu được là xây dựng từ hồi nào ?):









MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CHÙA TIÊU



Bia - Ký











Chùa Chính - Nơi đặt Tam Bảo
(Trong giữa Tam bảo có xá lỵ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni)








Đỉnh non Tiêu

   Bên trái Tam Bảo, theo 80 bậc đá, ta nên tới đỉnh núi, nơi đặt Tôn tượng Thiền sư Vạn Hạnh.





Nơi thờ Nhục thân Thiền sư Thích Như Trí

   Thiền sư Thích Như Trí về trụ trì chùa Tiêu cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII là đệ tử của Thiền sư Chân Nguyên, trụ ở chùa Long Động - Yên Tử.
   Nhờ có tấm bia ở tháp cổ mang dòng chữ “ Nhục thân Bồ tát Như Trí”, “Lê Triều Bảo thái đệ tứ niên” ta biết Thiền sư viên tịch vào đời vua Lê Dụ Tông, năm Qúy Mão (1723). Tiếp tục nghiên cứu về thiền sư còn cho thấy ngài là một cao tăng đắc đạo, có công lớn là “ Sưu tầm, in ấn các cuốn sách quý về Phật, đặc biệt là khắc in cuốn “Thiền uyển tập anh” tại chùa Tiêu năm Ất Mùi (1725). Đây là bộ sử thiền có giá trị của nền Phật giáo Việt Nam, ngoài ra còn khắc in nhiều ấn phẩm khác. Thật quý thay trước những năm 40 ở chùa Tiêu vẫn còn giữ khá nhiều ván in sách. Về thăm Yên Tử ta thấy thiền sư Như Trí còn 2 bài thơ được đăng tải ở chùa Sùng Bái.



Nhục thân Ngài Thích Như Trí trong tủ kính, trên bàn thờ. 
(ảnh này tôi sưu tầm trên mạng - do không được phép vào)

Nhà thờ Tổ Thiền sư Vạn Hạnh



   Nhà thờ tổ Vạn Hạnh được dựng trên nền đất cũ, năm 2001 được làm mới. Theo nhà báo Trương Thị Kim Dung: “Pho tượng cổ Vạn Hạnh đúc bằng đồng được đặt trong một khám kính cao chừng 50 cm với chân dung rất sinh động, các chi tiết khắc họa ăn khớp với những điều ghi trong sử sách, cũng như những chuyện kể dân gian”. Bài vị thờ ghi rõ “Lý triều nhập nội, tể tướng Lý Vạn Hạnh thiền sư thần vị”.






   Đình Bảng, nơi có đền thờ Lý Bát Đế từ lâu cứ mỗi độ xuân về vào dịp lễ hội Mười lăm tháng Ba âm lịch hàng năm, người dân Bình Đảng lại lên chùa Tiêu xin nước để cúng tế - Qua đó ta thấy được vị thế quan trọng của chùa Tiêu trong hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử của vùng Kinh Bắc nói chung và của triều Lý (Việt Nam) cũng như hệ phái Phật giáo Việt Nam.

Vài hình ảnh khác về chùa Tiêu:





























   Thông tin thì chắc mọi người sẽ tự tìm hiểu thêm, chỉ mong ở đây, mọi người biết thêm một di tích lịch sử - văn hóa Việt để thêm tự hào mà thôi.
   Trân trọng.

Bài và ảnh: TuanLong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét