01/04/2015

Dụng cụ làm đồ da


Đây là loạt bài [Học làm đồ da] dành cho các bạn đam mê đồ da, muốn bắt đầu, muốn làm đồ da, làm một thứ gì đó bằng da cho mình, cho bạn bè hoặc có thể sau này là bán.

Hy vọng loạt bài hướng dẫn này sẽ giúp được cho các bạn, những người giống như tớ cách đây nửa năm, muốn làm đồ da, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Sẽ giúp cho các bạn đỡ công tự mày mò (mặc dù MÀY MÒ luôn rất cần thiết, để có những kinh nghiệm riêng cho mình, nhưng đã nói rất rõ: đỡ công, bởi vì hay nhất là ta được tiếp thu những kinh nghiệm rồi chọn lọc, học hỏi từ đó, thay cho cứ trải nghiệm để có kinh nghiệm, tốn thời gian 
Biểu tượng cảm xúc smile
Hồi bắt đầu làm, suy nghĩ của tớ vô cùng đơn giản: cắt, đục lỗ, ráp và khâu. Dụng cụ thì: 1 cái dao rọc giấy, 1 cái kéo, 1 cái đục, 2 miếng gỗ (1 to để kê da lên để đục, 1 nhỏ để đập), da và chỉ thì tất nhiên rồi. Xong tớ hay nghĩ: mình đang bắt đầu làm y những công đoạn mà cách đây cả nghìn năm người ta đã làm, như vậy ta đã phát triển thế nào so với cách đây cả nghìn năm? Câu trả lời có lẽ là ở tư duy, tư duy ở thời đại này sẽ giúp ta tiếp thu và thực hiện mọi thứ nhanh và tốt hơn (à, liên quan đến tư duy thì còn là tư chất của mỗi người nữa (!?)).
Hồi bắt đầu làm, cho đến cách đây cỡ 2 tháng (khi Hanoi Craft bắt đầu đi vào hoạt động chính thức), thực ra tớ cũng hoàn toàn không biết 1 anh, 1 chị, 1 bạn nào làm đồ da cả. Mọi kiến thức về làm da cũng gần như bằng 0. Chỉ đến khi ở Hà Nội và Hanoi Craft hoạt động chính thức thì tớ mới lao đầu vào những nguồn hướng dẫn làm đồ da, rồi quen thêm bạn bè cũng làm đồ da, học thêm được rất nhiều điều.
Và các bước chính của làm da vào thời điểm này của tớ cơ bản vẫn y như thế: cắt, đục, ráp, khâu (sẽ hướng dẫn kỹ hơn trong phần sau). Tuy nhiên dụng cụ thì đã được bổ sung thêm nhiều. Hãy bắt đầu từ dụng cụ làm đồ da nhé!
P/s 1: Tớ không dám múa rìu qua mắt thợ, tớ chỉ chia sẻ những gì mình biết, học được. Có gì thiết sót, mong các bạn bỏ qua, nhất là mong các cao thủ góp ý (thay vì góp đá) giúp em và mọi người hoàn thiện.
P/s 2: Thứ tự các dụng cụ trong mỗi ảnh sẽ được đọc theo chiều từ trái qua phải và trên xuống nhé!
Link album hướng dẫn https://www.facebook.com/media/set/…
#1 - ĐỤC
Theo thứ tự là đục lỗ tròn, lỗ quả trám và lỗ dẹt. (Có nhiều người chia thành đục và đột, đột tạo lỗ bằng cách lấy đi 1 phần da, còn đục thì tạo lỗ bằng cách làm rách 1 phần da. Tớ thì gọi tất là đục cho đơn giản!).
1) Đục lỗ tròn:
Có nhiều cỡ (đường kính lỗ) từ 0,5mm, 1mm, 1,5mm cho đến 15cm, hoặc hơn nữa. Tùy thuộc vào yêu cầu mà sử dụng đục nào cho hợp lý. Đục cơ bản làm túi ví cho đường chỉ khâu thì chỉ dùng loại 0,5mm - 1mm (là nhiều nhất). Cỡ lớn hơn để đục lỗ khâu dây da, lỗ để bấm khuy, hay để cắt cong bán nguyệt cho ngăn đựng thẻ ATM trên ví...
Dùng đục tròn đục lỗ khâu sản phẩm, nhất là ba-lô, túi xách to thì cực thôi rồi, Đục hết hơi, từng lỗ một. Cũng có loại gắn mấy đầu, 1 lúc đục được 4 5 lỗ liền, nhưng ít người dùng. Tớ cũng dùng 1 thời gian rồi thôi, vì sau 1 thời gian lỗ đục ra không đều.
2) Đục lỗ dẹt:
Có 3 loại (trong hình thiếu 1 loại) là lỗ quả trám (<> <> <> <>), lỗ dẹt dọc (- - - -) và lỗ dẹt xéo (/ / / /). Một bộ thường gồm có cây 1 răng, 2 răng, 4 răng, 6 răng và 9 răng.
Dùng đục này thì thích, đục đường thẳng, 1 lần được mấy lỗ, đỡ công. Nhưng khi khâu thì khó hơn khâu trên lỗ tròn (khó để đường nó đều hơn, các bạn cứ thử đi rồi biết).
3) Lựa chọn dùng đục nào:
- Ít tiền và nhiều sức thì dùng đục tròn. Vì đục tròn rẻ, dễ kiếm ở Việt Nam. Giá cỡ chục nghìn đến 80 nghìn là cao nhất (cái đục đường kính 5cm).
- Nhiều tiền và ít sức thì dùng đục dẹt. Vì đục dẹt đắt, toàn phải nhập về. Từ Mỹ thì mấy triệu 1 bộ, từ TQ về thì rẻ hơn 1 chút (mấy trăm nghìn).
- Cả ít lẫn nhiều tiền, ít lẫn nhiều sức: chọn dùng đục nào phụ thuộc vào gu, thói quen khâu, yêu cầu sản phẩm. Thế thôi!
#2 - THƯỚC & BẢNG CẮT
1) Thước:
- Thước thẳng inox: bền, không biến dạng sau một thời gian sử dụng như thước nựa.
- Thước nhựa: có lợi thế vì trong, nhìn qua được, tuy nhiên không bền, dùng mau bị mẻ.
- Ê-ke và thước vuông inox: dùng để căn, kẻ và cắt cho vuông góc. Chỉ cần 1 trong 2. Và hoàn toàn không cần cả 2 nếu như có bảng cắt.
- Bảng cắt: giúp bảo vệ dao cắt, cắt da thẳng và nhanh hơn. Có các kích thước A4, A3, A2 và A1. Nên có bảng cắt thay vì cắt trên nền gạch.
#3 - DỤNG CỤ CẮT, GỌT
1) Kéo cắt da: tớ đã dùng nhiều kéo để cắt da, đến cái kéo như trong hình thì mới ưng ý. Lưỡi kéo sắc, 2 lưỡi khít vào nhau và tay cầm vừa. Cắt da rất ngọt. Lời khuyên: nên chọn loại như của tớ.
2) Kéo cắt chỉ: như trong hình, mấy chỗ bán phụ kiện may hay tạp hóa đều bán cả. Giá khoảng 5K.
3) Dao dọc giấy (để cắt da): con dao tớ dùng khá nhỏ, nhưng có võ (vỏ inox, bền và chắc).
4) Dao cắt lưỡi tròn (rottery cutter - không có trong hình): dùng để cắt đường thẳng dài (làm thắt lưng, ba-lô...).
5) Dao xắt da (2 cái ngoài cùng bên phải, 1 của VN, 1 của Nhật): dùng để xắt những phần da ngắn (rất khó để cắt 1 đường dài) và lạng mỏng mép da (kỹ thuật khó nhất khi dùng dao này).
6) Dụng cụ lạng mỏng mép da (không có trong hình): dùng để lạng mỏng mép da, giúp khi ghép 2 miếng da vào mép mỏng hơn, nhìn tinh tế hơn.
#4 - DỤNG CỤ LẤY DẤU & TẠO RÃNH
1) Dụng cụ lấy dấu (dụng cụ số 1): lăn trên da để lấy dấu rồi đục (dùng đục tròn).
2) Dụng cụ tạo rãnh: tạo rãnh theo mép sản phẩm, thay cho cây lấy dấu hoặc dùng bút bạc kẻ đưởng thẳng. Ngoài ra giúp đường chỉ nằm ngang với mặt da, trông nhẹ nhàng và tinh tế hơn.
- Dụng cụ số 2: có 3 chức năng (tạo rãnh, lấy dấu, cắt mép da). Chức năng nào cũng cần thiết để hoàn thiện sản phẩm.
- Dụng cụ số 3: giống cái compa, có ren để chính khoảng cách của 2 chân.
#5 - BÚT
1) Bút xóa vết bút bạc, hàng Tàu, chưa biết ở chỗ nào VN sản xuất cái bút này.
2) Bút bạc viết, vẽ lên da (hàng Việt Nam sản xuất). Dùng để kẻ đường theo mép da, chấm lỗ để đục (khi không có hoặc không muốn dùng nhóm dụng cụ #4).
Vết bút bạc có thể xóa được bằng... bút xóa vết bút bạc. Tuy nhiên, nên thử trên 1 mẩu da bỏ đi trước khi vẽ lên tấm da, vì nhiều miếng da bị vàng vết bút xóa (cây số 1) sau khi xóa vết bút bạc đi (kinh nghiệm xương máu, tớ đã dính 1 lần).
3) Bút máy, loại nét thanh nét đậm: dùng để viết name card và thiệp cho khách hàng. Dụng cụ này không nhất thiết phải có (phụ thuộc và phong cách của bạn).
#6 - DỤNG CỤ BẰNG GỖ
1) Búa gỗ: dùng để đập lên cái đục giúp tạo ra lỗ trên mặt da 
Biểu tượng cảm xúc pacman
Có thể thay thế cây búa này bằng búa nhựa (không phải cao su) hoặc sắt (không nên lắm!). Búa nhựa sẽ ít tạo tiếng ồn khi đục hơn. Ngoài ra nên sắm thêm 1 cây búa cao su để đập cho chỉ xẹp xuống khi khâu xong.
2) Cây mài cạnh da: có rãnh các cỡ để mài cạnh da, giúp cạnh da bóng và đẹp. Phần đầu dạng nón dùng để phết đều CMC lên da và luồn vào mặt trong của túi, ví tách 2 miếng da bị dính vào nhau bởi keo.
#7.1 - DỤNG CỤ KHẮC LÊN DA (CARVING)
Là các cây thép có các họa tiết ở đầu. Sử dụng với da mộc là chính (da thô, dày, chưa sơn, sau khi carving xong, khâu sản phẩm xong thì mới được sơn lên). Sản phẩm đẹp xấu sau khi carving phụ thuộc vào tài hoa của người carving, không phụ thuộc vào dụng cụ lắm!
#7.2 - DAO KHẮC LÊN DA (CARVING)
Dùng để tạo nét chính cho 1 tác phẩm carving trước khi dùng các cây carving để hoàn thiện bức tranh trên da.
#8 - DỤNG CỤ ĐÓNG ĐINH TÁN & NÚT BẤM
Chức năng như tên gọi. Hướng dẫn sử dụng thì cứ làm vài lần là biết.
#9 - KEO DÁN
Keo dán được sử dụng để dán, cố định các miếng da lại với nhau, trước khi đục và khâu. Tuy nhiên tùy trường hợp mà nên dán trước hay sau khi khâu. Tùy phong cách mà có dán hay không 
Biểu tượng cảm xúc pacman
Keo dán tốt nhất và rẻ nhất là X-66 (keo con chó). Ngoài ra cũng có keo chuyên để dán da. Tuy nhiên khá đắt.
Lọ ngoài cùng bên phải là dung dịch pha loãng X-66 khi nó bị đặc lại quá.
* Lưu ý: nên đeo khẩu trang khi phết keo, kẻo hít nhiều keo con chó quá, tăng động.
* Nên: mua cả hộp X-66 to, tiết kiệm hơn mua hộp nhỏ.
#10 - CHỈ KHÂU DA
- Chỉ tròn: Dùng khâu đường thằng liền mạch, tạo cảm giác thẳng thớm, nghiêm túc cho sản phẩm.
- Chỉ dẹt: Dùng khâu đường vắt chéo, vắt ngang, vắt dọc, tạo cảm giác trẻ trung và cá tính hơn cho sản phẩm.
Ngoài ra tớ phân loại chỉ theo chất liệu. Theo cách phân loại của tớ thì có 2 loại là chỉ tổng hợp (sợi nilon) và chỉ tự nhiên (sợi gai). Chỉ tự nhiên lên đẹp và bụi bặm hơn, nhưng giấu mối vất vả. Chỉ tổng hợp do đốt cháy như nhựa nên giấu mối dễ hơn (chỉ việc đốt, chấm cho đầu chỉ dính vào lỗ).
Tuy nhiên dùng chỉ loại tròn hay dẹt, màu gì và chất liệu gì cũng phụ thuộc vào mỗi người. Chả ai bắt ai được.
#11 - DỤNG CỤ BỔ TRỢ
1) Diêm, bật lửa (quẹt): dùng để đốt đầu chỉ tổng hợp. Ngoài ra dùng để đốt xem... da có phải da thật hay không.
2) Kẹp: dùng để kẹp giữ các miếng da lại khi khâu.
3) Lọ keo dán giấy: để dán giấy bọc sản phẩm của tớ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét