14/06/2014

CƯƠNG YẾU ĐỂ TU




Hôm nay thể theo lời mời của Sư Bà tại chùa Thiên Phước cũng như trong Giáo Hội, chúng tôi về đây giảng một thời pháp cho Tăng Ni và toàn thể Phật tử nghe. 
Trên đường tu, chúng ta muốn tu đúng với chánh pháp của Phật để được an lạc giải thoát, thì điều kiện tiên quyết là phải hiểu, phải nhập được chánh pháp.


Hồi xưa có Thiền sư Đạo Lâm ở Trung Quốc. Ngài rất quyết tâm tu hành. Để đạt được kết quả như sở nguyện, Ngài dùng cây cột thành ngồi như một tổ quạ, trên chảng ba của một cổ đại thụ. Ngài ngồi trên đó tu. Đương thời người ta không biết tên Ngài là gì nên họ gọi là Ô Sào Thiền sư. Ô là quạ, sào là ổ, Thiền sư ngồi tu trên tổ quạ. Do quyết tâm tu nên chẳng bao lâu Ngài ngộ đạo. Từ đó tiếng đồn vang khắp. 

Khi ấy Bạch Cư Dị là một thi sĩ nổi tiếng và rất mến mộ đạo Phật. Nghe Ngài là người được đắc đạo nên ông tìm tới. Dưới gốc cây, ông nhìn lên chắp tay thưa: “Bạch Hòa thượng, cúi xin Ngài vì con nói Pháp cương yếu, để con theo đó mà tu”. Ngài liền đọc bài kệ, nguyên văn chữ Hán là:

Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý 
Thị chư Phật giáo.
Dịch:
Chớ làm các điều ác
Vâng làm các điều lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đây lời chư Phật dạy.

Nghe bài kệ ấy xong ông cười, nói:
-Bạch Hòa thượng , bài kệ nầy con nít tám tuổi cũng thuộc. Ngài dạy cho con làm gì!
 Thiền sư nói:
-Phải, bài kệ nầy con nít tám tuổi cũng thuộc, nhưng ông già tám mươi cũng chưa làm xong!

Bài kệ nầy thường được in trong lá phái qui y của quí Phật tử đó. Chư Phật đã dạy như thế, chứ không phải chỉ một đức Phật thôi. Chúng ta nên lưu tâm cho rõ. Tôi sẽ thứ tự giải thích bốn câu kệ nầy cho quí vị thấy tầm vóc quan trọng của nó.

Chư ác mạc tác là không làm các điều ác. Điều ác là những điều gì? Phật dạy tất cả người tu khi bước chân vào đạo, đều phải giữ giới. Nếu cư sĩ thì giữ năm giới; người xuất gia thọ Sa di thì giữ mười giới, Tỳ Kheo giữ hai trăm năm mươi giới; Tỳ kheo ni ba trăm bốn mươi tám giới… như vậy bước đầu vào đạo là phải giữ giới. Giữ giới là để ngăn ngừa không làm những điều tội lỗi. Cho nên trong giới luật thường có câu phòng phi chỉ ác, tức là ngừa đón, ngăn dứt tội ác.

Người bước vào đạo, Phật bắt phải giữ giới để ngừa đón, chặn đứng không cho làm những điều tội ác. Giới không cho chúng ta rơi vào hầm sâu, hố thẳm, nên giới là hàng rào để ngừa đón sự nguy hiểm cho chúng ta. Người tu xuất gia hay tại gia, đều phải có hàng rào để ngừa đón tội lỗi. Nếu không có hàng rào đó, chúng ta dễ rơi vào những chỗ nguy hiểm, hậu quả không an vui mà còn dẫn đến nhiều khổ đau khác nữa.

Tôi nói gần nhất là giới của cư sĩ tại gia, Phật không cho sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, xì ke, ma túy…Phật cấm không được làm những điều nầy. Nếu Phật tử làm thì sẽ dẫn đến đau khổ, tội lỗi. Bước đầu vì sợ tội, sợ phạm nên quí vị không làm những điều đó, tức là không làm điều ác.

Các hành động như giết người, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu say… có ác không? Năm điều đó là tội ác cho nên chúng ta ngừa đón, không làm, không làm tức là giữ giới. Nhờ giữ giới nên tránh được tội ác. Tránh được tội ác rồi, kế đó chúng ta mới làm các việc lành. 
Làm các việc lành như tu Thập thiện, tức là mười điều lành của người tu Thiên thừa Phật giáo. Người tu Thập thiện sau khi chết sẽ sanh về cõi Trời. Trong mười điều lành đó thân có ba, miệng có bốn, ý có ba điều.

Thân có ba là: “Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm”. 
Miệng có bốn là: “Không nói dối, không nói lời hung dữ, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời thêu dệt”. 
Ý có ba là: “Bớt tham, bớt sân, bớt si”. 
Người tu không làm mười điều ác đó sẽ được sanh về cõi lành. Như vậy bước đầu của người tu Phật là phải ngăn chặn dòng tội lỗi. Không gây tạo tội lỗi là bước thứ nhất trên đường tu. Nếu theo đạo Phật mà không chịu giữ giới là người không biết tu.

Trong mười điều đó: thân ba, miệng bốn, ý ba. Chúng ta có thể giữ được thân, miệng nhưng ba điều của ý, quí Phật tử có giữ được không? Ví dụ về tham, cái tham hết sức nhỏ như tham ăn. Bình thường thấy gà vịt nuôi sẳn ở nhà cũng thương, nhưng khi đã thèm ăn rồi thì cứ đè xuống cắt cổ. Nó giãy giụa mấy cũng mặc, đâu có xót xa chút nào, miễn được ăn ngon thôi. Vì miếng ăn mà chúng ta tàn sát chúng sanh không thương tiếc!

Nên tôi nói người tu ăn chay có lợi rất lớn, dễ tăng trưởng lòng từ bi. Thí dụ như Tăng Ni ăn chay trường, khi ra đường có những hồ ao gần bên, cá dưới hồ nhảy lên bờ giảy giụa, quí vị thấy thế nào? Thấy thương, lượm bỏ xuống hồ. Còn người không ăn chay thấy thì sao? Thì mừng lượm bỏ vô giỏ. Như vậy chỉ có một việc thôi, mà người ăn chay trường thấy vui, còn người ăn mặn thì thấy là món ăn ngon nên lượm bỏ vô giỏ.

Cái khổ sợ kinh hoàng của nó, mình không một chút xót thương. Rõ ràng người tu ăn chay thì có lòng từ bi với chúng sanh hơn. Còn người ăn mặn thì ngược lại, thương món ăn ngon hơn là thương mạng sống của chúng sanh. Người tu mà còn tham ăn ngon là còn sát phạt sinh vật khác, không biết thương tiếc mạng sống của nó. Từ tham ăn rồi tới tham tiền, tham của.

Tham tiền tham của thì sao? Thì ra đường thấy ai làm rơi bóp lượm lên. Lượm được mừng quá giấu luôn. Như vậy do tham, dù không trực tiếp ăn cắp, nhưng đã gián tiếp làm việc đó rồi. Người mất của họ buồn rầu, mình lượm được thì mừng vui. Tức là vui trong sự đau khổ của người khác. Như vậy có tội không?

Chúng ta thấy từ tham làm ra bao nhiêu tội ác. Sân cũng vậy. Khi nào nổi nóng ít ai bình tĩnh, sáng suốt nói lời tốt lành. Người ta nói trái ý, mình nổi giận liền kêu tên chửi mắng. Do giận dấy lên, chúng ta mất hết trí khôn nên nói bậy gây ra tội lỗi. Người tu phải bớt nóng giận. Chẳng riêng gì giới Phật tử cư sĩ mà kể cả người xuất gia có hết được nóng giận chưa? Bình thường quí vị sợ nhưng tới nổi cơn lên thì hết sợ! Để thấy khi nổi giận lên thì trí tuệ sáng suốt bị khuất lấp đi, không còn nữa nên nói bậy làm bậy.

Trong gia đình Phật tử cư sĩ, vợ chồng có tính ràng buộc từ buổi đầu cho tới ngày nhắm mắt. Nhưng khi nổi giận thì bất kể, nói những lời hết tình hết nghĩa, làm cho tan nát cả gia đình. Thế thì nóng giận có phải là tội ác không? Nếu chúng ta bớt nóng giận thì bớt tội ác. Đó là một cái lẽ thật. Người tu phải làm sao tự mình kềm chế. Ở đây tôi nói bớt thôi, chứ chưa dám nói hết. Thí dụ trước kia quí vị nóng một trăm phần trăm, kể từ nay về sau, mỗi tháng bớt xuống chừng mười phần trăm. Như vậy tới cuối năm sẽ hết hoàn toàn. Dứt được sân thì mình bớt khổ và những người chung quanh cũng bớt khổ. Nóng giận làm cho người ta mất hết lương tri. Những việc không nên làm mà cứ làm, là điều hết sức nguy hiểm.

Thứ ba là si mê. Sao gọi là si mê? Nhiều vị khi người ta nói “Chị khờ quá!”, nổi giận liền. Nói khờ còn nhẹ, nói “ngu quá!” thì sao? Nổi giận đùng đùng lên. Bởi cho rằng người ta nói ngu là xúc phạm đến giá trị của mình, làm cho mình mất hết uy tín, danh dự… nếu nghe nói ngu mà cứ cười: “Họ nói mình ngu mà mình không ngu thì thôi”, như vậy khỏe biết mấy. Phải chi họ nói ngu mà mình ngu liền thì nổi giận là đúng. Người ta nói ngu mà mình không ngu thì thôi, có hệ trọng gì. Vậy mà không bao giờ chịu. Người xưa còn nói “Càng học càng thấy dốt”, đây là câu nói của hàng Thánh nhân chứ không phải thường.

Học nhiều lẽ ra phải thông minh, sao “càng học càng thấy dốt”?. Bởi trên thế gian có cả trăm, cả triệu ngành nghề khác nhau. Thí dụ như chúng ta học nghề bác sĩ Y khoa, giỏi về bệnh trạng, biết thuốc trị cho bệnh nhân hết bệnh, đó là bác sĩ hay. Nhưng nếu đưa ông bác sĩ qua ngành điện hoặc ngành hóa chất hay các ngành tầm thường hơn như thọ hồ, thợ mộc thì ông có biết gì không? Như vậy trăm ngàn nghề, mình biết có một nghề, còn bao nhiêu nghề không biết, thì đâu gọi là khôn hoàn toàn. Mình biết có một phần trong muôn phần thì vẫn còn ngu, chưa thể gọi là thấu suốt được hết.

Ngu mà biết ngu là chưa thật ngu. Ngu mà không biết ngu đó mới thật là ngu! Khi nghe người ta nói mình ngu, mình cười thôi: “Trong trăm nghìn muôn ức việc, tôi biết có một hai việc thôi, bảo ngu là phải”. Nói như vậy có thiệt thòi cho giá trị của mình không? Người bàng quan nghe thế, họ chê cười hay là khen ngợi? Chúng ta có những thứ si mê hết sức là vô lý, không đáng si mê mà cứ si mê. Từ si mê không chấp nhận mình ngu nên sanh ra sân. Từ sân gây tai họa nguy hiễm thêm.

Trong kinh A Hàm Phật có kể câu chuyện:
Có một thầy Tỳ kheo tu hành rất chân chính, Ngài tránh xa quần chúng, tu trong một khu rừng. Những tiều phu hái củi thấy thế, họ về nói lại trong xóm nghe. Trong xóm có một thiếu nữ rất tâm đạo, nghe vị Tỳ kheo tu như thế, nên cô xin phép ba mẹ mỗi ngày bưng một bát cơm vào rừng cúng dường cho thầy. Thấy thế, xóm làng nghi ngờ cô gái có tình ý với thầy. Họ đồn bậy, cô buồn nên không dâng cơm nữa. Trước khi không dâng cơm, cô thưa với thầy:

-Thưa thầy, con đã phát tâm cúng dường cho thầy, nhưng bây giờ xóm làng đàm tiếu, nói con có ý riêng thầy, nên con không dám dâng cơm cho thầy nữa.

Nghe xong, thầy Tỳ kheo ấy buồn, vì nghĩ mình tu chân chính thế nầy, mà người ta đàm tiếu những chuyện không hay, thôi thì chết đi cho rồi. Thầy mới làm một dây thòng lọng treo trên cây cổ thụ. Lúc thầy vừa đưa cổ vào dây, có vị thần hiện ra hỏi:

-Tại sao thầy lại tự tử?

Thầy trả lời: 
-Tôi tu hành chân chính mà bị người ta đồn có tình ý với cô gái cúng dường cơm cho tôi. Vì vậy, tôi xấu hổ, muốn tự tử chết đi cho rồi.

Vị thần đó hỏi:
-Thưa thầy, nếu người ta đồn thầy chứng quả A La Hán, lúc đó thầy có thành A-la-hán không?

- Nếu tôi chưa chứng A-la-hán, mà bảo tôi chứng A-la-hán, tôi cũng đâu thành A-la-hán được.

Vị thần hỏi:
-Vậy nếu người ta nói thầy có tình ý xấu mà thầy không có, tại sao thầy lại tự tử?

Nghe thế, thầy Tỳ kheo mở thòng lọng xuống bỏ. Sau một thời gian tinh cần, thầy chứng quả A-la-hán.

Câu chuyện đó nói với chúng ta điều gì? Dư luận khen chê có thật hay không? Thí dụ quí vị tu chưa tới đâu, mà nghe nói “Thầy đã chứng A-la-hán, thầy đã là Bồ tát rồi”, quí vị có mừng không? Lời khen mà không có lẽ thật thì cũng vô giá trị. Ngược lại nếu người ta nguyền rủa “Thầy tu lôi thôi quá coi chừng đọa địa ngục” quí vị nổi giận không? Nếu mình tu thanh tịnh, người ta nói đọa địa ngục, mình có đọa đâu mà sợ. Nên cứ cười thôi, đâu có gì phải nổi nóng.

Trên thế gian người ta nói xấu, nói tốt đâu có giá trị thật. Vậy mà ai hơi xúc phạm là mình nổi nóng lên, la hét om sòm. Đó là si mê rồi. Nếu chúng ta không si mê thì cuộc sống có phải an lành không? Nên đạo Phật thường dạy chúng ta phải tránh si mê. Bởi vì si mê là nhân đưa chúng ta đến đau khổ.

Muốn hết si mê chúng ta phải thường quán chiếu đúng với lẽ thật. Vì vậy người tu Phật đi vào đạo bằng trí tuệ, chứ không phải bằng cầu xin. Nhưng hiện nay quí vị chẳng những Phật tử, mà kể cả người tu cầu xin nhiều hơn vận dụng trí tuệ.

Phật tử tới chùa dâng một dĩa quả rồi lạy, thầy hay cô đánh chuông, bảo: “Phật tử nguyện gì thì cứ nguyện đi”. Thế là một đàng nhận một đàng xin. Phật tử cứ thế mà cầu: “Nguyện cho gia đình con được bình an, cho con cái học giỏi, cho làm ăn phát tài…” rõ ràng cúng Phật ít mà xin thì quá nhiều. Như vậy có phải tham không? Phật dạy bớt tham, bớt sân, bớt si mà chúng sanh tham như vậy, Phật biết làm sao? Chỉ còn lắc đầu.

Chúng ta tu mà không hiểu lời Phật dạy, làm sao tu theo Phật được. Đến chùa nếu có cầu nguyện, người Phật tử hiểu đạo nên nguyện thế nầy: “Nguyện Tam bảo chứng minh hộ độ cho tất cả chúng sinh đều hết mê lầm, hết đau khổ”. Như vậy là quá đủ. Bởi vì trong chúng sanh đã có mình rồi, còn xin cho một mình mình thì tham lam, ích kỷ quá, Phật đâu có vui. Nhiều khi tôi cũng hơi buồn khi thấy Phật tử có ý trao đổi nhiều quá.

Thí dụ Phật tử cúng cho thầy hoặc cô, mỗi tháng năm, ba trăm gì đó. Một hôm có người nhà ấm đầu, bèn đến nhờ thầy cầu an giùm. Thầy bận việc không đi tới nhà được thì buồn liền, thầy không thương mình.. như vậy cúng để mong thầy bảo bọc cho gia đình. Bệnh, chết hay trong gia đình có chuyện gì, nhất nhất thầy đều phải có mặt để cầu cúng. Như vậy cúng chùa giống như đóng tiền bảo hiểm vậy. Cho nên từ sự hiểu lầm của Phật tử mà Tăng Ni trở thành khó xử. Bởi khi nhận của cúng dường tức là thiếu nợ Phật tử. Phật tử yêu cầu mà không làm theo thì Phật tử buồn, không đi chùa nữa. Cho nên chiều Phật tử, Tăng Ni đi cầu cúng hoài, thành ra đánh mất ý nghĩa và giá trị thực của một tu sĩ.

Phật tử sáng suốt, hiểu và hành đúng đạo lý thì Tăng Ni dễ tu, dễ hóa duyên. Nói vậy không có nghĩa tôi qui lỗi về hết cho quí Phật tử. Đôi lúc thầy cô cũng nhiệt tình quá, Phật tử chưa kịp mời mà quí vị đã hưởng ứng trước rồi! “Nghe nói ông thân của cô bệnh nhiều, thôi để chiều nay thầy tới cầu an cho”. Sốt sắng quá nên thành thói quen. Bây giờ chúng ta phải sửa lại. Làm việc gì phải xét xem việc đó có hợp với chánh pháp, với đạo lý không. Không nên làm những việc sai lầm, trái với những gì Phật dạy.

Chúng ta tu theo Phật là mở sáng trí tuệ. Trong kinh Phật thường dạy si mê là tăm tối, trí tuệ là sáng suốt. Tuy si mê là nhân của tham sân, nó khó trị, nhưng nếu biết trị thì dễ lắm. Như trong ngôi nhà tối lâu năm không có người ở, bây giờ muốn cho hết tối, chỉ cần đốt lên một ngọn đèn, hay đem một cây đuốc đến là ngôi nhà sáng lên.

Như vậy muốn hết tối, chỉ dùng ánh sáng. Ánh sáng mới phá tan si mê, tăm tối. Trí tuệ cũng vậy, nó giúp chúng ta phá được vô minh. Như chúng ta hiểu sai lầm về việc cầu cúng, khi được nghe quí thầy giảng giải liền nhận ra, sửa đổi ngay là chúng ta đã sáng rồi. Đâu phải đợi mười năm, hai mươi năm mới sáng. Nghe, biết trước kia mình mê lầm, bây giờ bỏ mê lầm, bỏ chấp trước là hết mê lầm. Hết mê lầm là trí tuệ, rất nhanh.

Nên Phật dạy chúng ta tu phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ. Có đuốc trí tuệ rồi, chúng ta mới giải hết được những nổi khổ đau. Bởi mê lầm cho nên chúng ta đau khổ, nếu hết mê lầm thì hết đau khổ. Ví như người đi lạc trong rừng, không biết lối ra. Lúc đó lao đao lận đận, tìm chỗ nầy chỗ kia nhọc nhằn khổ sở mà vẫn không ra khỏi rừng. Đến khi gặp được người chỉ đường, nắm vững lối đi rồi, cứ theo đó mà ra thì hết lạc lầm. Hết lạc lầm thì hết đau khổ. Nên chỉ có trí tuệ, thấy rõ được lối đi mới hết đau khổ. Không có trí tuệ thì chúng ta mãi khổ đau.

Tăng Ni cũng như Phật tử, không nên nghĩ dùng thật nhiều công phu mới gọi là chuyên tu. Chúng ta mở sáng trí tuệ mới đúng là chuyên tu. Phật dạy chúng ta bước từng bước, ngăn ngừa không cho rơi vào tội lỗi, đó là giữ giới. Từ giữ giới, tiến lên loại trừ tham, sân, si để tâm được trong sạch, đó là bắt đầu có trí tuệ. Như thế dần dần đi tới chỗ bình an.

Đó là câu thứ nhất “Chớ làm các điều ác”.

Đến câu thứ hai “Chúng thiện phụng hành” tức là vâng làm các điều lành. Nhiều người nghĩ rằng làm lành, làm phước thì tốn của tốn công. Như vậy là thiệt thòi cho mình. Hiểu thế là sai lầm. Tôi dẫn câu chuyện của người xưa kể lại:

Có anh chàng nghèo nọ ở trong một xóm toàn là người khá giả. Khi ấy có người hỏi: 
-Trong xóm toàn là người khá giả, một mình chú nghèo, chú có buồn không?
 Anh trả lời:
-Tôi tuy nghèo nhưng được ở trong một xóm khá giả, chẳng những tôi không buồn mà còn vui nữa.
 -Tại sao?
 -Bởi vì tất cả mọi người đều khá, chỉ có mình tôi nghèo. Khi thiếu thốn, tôi qua nhà nầy nhà kia mượn tiền, ai cũng giúp đở được cả. Như vậy tuy nghèo mà không đến nổi khổ, vì có người giúp tôi.

Như vậy người nghèo thấy người giàu khá trong lòng mừng vui, không đố kỵ thì mọi người đều thương mến, nên họ sẳn sàng giúp đở những lúc khó khăn. Còn nếu nghèo mà sanh tâm đố kỵ nói xiên nói xéo người ta, thì dĩ nhên họ oán ghét mình. Đã thế thì đâu ai thương và giúp đở nữa. Vậy mang tâm đố kỵ là khôn hay dại? Nhưng con người mang cái bản ngã trầm trọng, thấy thua người ta thì đố kỵ ganh ghét liền.

Chúng ta cứ nghĩ tài sản trong tay mới thực là của mình, còn của người khác thì không dính dáng gì tới mình. Nhưng không phải như vậy. Anh chàng nghèo mà cả làng đều thương, ai cũng sẳn sàng giúp đở thì anh cũng cảm thấy hạnh phúc an vui. Còn người giàu mà tâm keo xẻn, ích kỷ, bo bo canh giữ sự sản của mình, không ai thương hết thì khi gặp khổ vẫn cứ khổ như thường.

Ta cứ mong cho mọi người được sung sướng, còn phần mình thì không quan trọng. Lo cho mọi người, mới nhìn thấy như thiệt thòi nhưng sự thật lo cho người tức là lo cho mình. Tại sao? Bởi vì trong xã hội, cuộc sống luôn liên đới nhau giữa mình và mọi người, không thể tách rời được. Nếu mọi người được vui, được no ấm thì mình mới yên vui. Còn mọi người khổ, chỉ một mình mình sung sướng thì sao? Họ đâu có để yên cho mình, hết rình ngõ trước lại dòm ngõ sau. Chừng đó mình vui hay lo sợ?  Cho nên chỉ khi nào tất cả mọi người đều được ấm no hạnh phúc thì mình mới an vui.

Trong kinh nói: Bồ tát thấy chúng sanh khổ như mình khổ, thấy chúng sanh vui như mình vui. Cái vui khổ của mọi người là cái vui khổ của chính mình, không tách rời nhau. Vì sao? Vì sự liên đới giữa mình với mọi người là mối tương duyên không thể tách rời được. Thế nhưng ở thế gian nhiều người ích kỷ, muốn tách riêng một mình, không dính dáng tới ai. Đó là quan niệm rất sai lầm, không hiểu biết gì về lý duyên sinh cả.

Phật dạy chúng ta làm cho tất cả mọi người đều được an vui, tức là làm lành. Người đói cho họ cơm; người rách cho họ áo; người bệnh tật cho họ thuốc men v.v… khi giúp đở người chính là lo cho mình. Bởi vì lo cho mình là mình gieo nhân tốt với mọi người nên mọi người quí mến. Gieo nhân tốt thì mai kia mất thân nầy mình được hưởng quả tốt. Như vậy có thiệt thòi gì đâu. Còn nếu ích kỷ, chỉ lo cho mình, không biết tới người, đó mới là thiệt thòi. Vì người ta không thương thì mình gặp khó khăn người ta không giúp đở. Chừng đó mình sẽ khổ. Mình có của, mình khỏe vui, mọi người cùng khỏe vui. Đó là chúng ta biết làm lành. Biết làm lành tức là biết thương người. Thương người tức là thương mình. Cho nên chúng ta phải cố gắng làm tất cả điều thiện.

Nhiều vị hay than thở: “Người có tiền của thì kêu gọi lòng từ thiện được, còn tôi nghèo cháy da làm sao từ thiện?”. Đó là vì họ không hiểu. Trong nhà Phật dạy bố thí có ba: tài thí, pháp thí và vô úy thí; tài thí cũng chia làm hai: nội tài và ngoại tài.

Nếu mình có tiền của, ai đói thiếu mình giúp, đó là bố thí ngoại tài. Nếu mình không có tiền của, thấy người hàng xóm bệnh, đi đứng không vững,  mình đến đở đần, dẫn họ đi, đó là bố thí nội tài. Có tình thương, có lòng tốt thì trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào, chúng ta cũng làm việc thiện được. Thiếu tình thương thì không làm việc lành, việc tốt được. Câu nầy Phật dạy chúng ta phải tận dụng khả năng của mình làm tất cả những điều lành.

Nói cụ thể hơn, làm các điều lành là chẳng những không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, mà còn cứu người cứu vật, bố thí giúp đở người nghèo thiếu, dạy người biết sống trinh bạch, nói lời chân thật, hòa nhã khuyên răn nhắc nhở mọi người, khuyên con cháu xóm làng tránh uống rượu, hút xì ke ma túy… Đó là làm lành.

Trên đường tu mỗi ngày chúng ta mỗi bòn mót công đức. Bòn mót công đức là sao? Không phải tới chùa cúng dường mới có công đức. Giúp một người hàng xóm qua cơn hoạn nạn, là đã có công đức. Công đức được làm ở mọi lúc, mọi nơi và mọi đối tượng. Hiều như vậy chúng ta mới phát tâm làm lành một cách dễ dàng được.

Kế đến là bố thí pháp? Thí dụ như có người cờ bạc, rượu chè làm cho gia đình nghèo túng, trước tiên chúng ta giúp tài vật cho họ qua cơn nghèo túng. Sau đó giải thích cho họ biết những tai hại của uống rượu và cờ bạc. Dạy thật rành rõ cho họ hiểu và bỏ, như vậy gọi là pháp thí.

Trong lúc đói khát người ta không thể nghe đạo lý được. Muốn họ nghe thì phải làm cho họ đở đói. Cho nên tài thí đi đầu rồi tới pháp thí theo sau. Có như vậy việc lành của chúng ta mới trọn. Nếu mỗi người trong xóm, thấy ai gặp khó khăn, khổ não sẵn sàng giúp đở, thì xóm làng đó tốt không? Nơi đó sẽ trở thành một nơi an vui, tự tại. Tất cả đều sống trong tình thương bao bọc cho nhau thì tốt đẹp biết bao nhiêu. Vì vậy Phật dạy chúng ta phải cố gắng làm tất cả điều thiện.

Câu thứ ba “Tự tịnh kỳ ý” nghĩa là gìn giữ tâm ý cho thanh tịnh. Câu nầy là câu then chốt. Quí vị mỗi người tự nhìn lại xem tâm ý mình có thanh tịnh chưa? Hay là như những con trốt bay quanh đống rơm, cuốn bụi tứ tung. Tâm chúng ta xáo động lăng xăng, không yên ổn nên gọi là ngầu đục. Vì tâm ngầu đục nên chúng  ta không sáng suốt. Không sáng suốt thì làm sao tạo được điều tốt, điều lành. Vì vậy tất cả điều tốt lành đều do ý trong sạch phát ra. Ý nghĩ tốt, miệng nói tốt, thân làm tốt. Như vậy ý là gốc, là nền tảng của sự tu. Cho nên Phật nhắm thẳng vào gốc đó là phải gìn giữ tâm ý cho thanh tịnh.

Muốn tâm ý thanh tịnh phải làm sao? Như người tu tịnh độ, muốn cho tâm ý thanh tịnh phải dùng câu niệm Phật. Đi, đứng, nằm, ngồi luôn luôn niệm Phật. Niệm Phật không quên, để ý không chạy nhảy lung tung. Niệm Phật lâu ngày đã thuần thục rồi thì tâm không còn lăng xăng nữa. Tâm không còn lăng xăng nữa là ý được thanh tịnh. Cho nên muốn tâm ý thanh tịnh thì phải chuyên cần dùng một phương tiện nào đó để trừ dẹp những lăng xăng, lộn xộn trong tâm. Phương tiện đó gọi là pháp tu, hoặc pháp tu Tịnh độ, hoặc pháp tu Thiền.

Người tu Thiền làm sao để tâm ý thanh tịnh? Có nhiều cách, tùy theo trình độ sai biệt. Nếu tu Thiền Nguyên thủy thì dùng pháp quán Tứ Niệm Xứ. Nếu tu Thiền Đại thừa thì quán Giả, quán Không, quán Trung đạo v.v… nhưng có một pháp tu tôi cho rằng đó là phương thuốc trị bá bệnh. Khi dấy niệm, chúng ta biết niệm đó là vọng tưởng hư dối, liền bỏ. Niệm khác dấy lên biết là hư dối vọng tưởng, bỏ. Phương pháp nầy như chuyện chăn trâu vậy. Con trâu vừa nghẽo đầu sang bên Tây, mục đồng sợ ăn lúa mạ của người liền giựt lại. Nó nghẽo qua bên Đông cũng giựt lại. Giữ cho con trâu đừng có ngã qua, ngã lại làm hư lúa của người. Cũng vậy, tâm vừa dấy niệm chạy theo cái nầy, chạy theo cái nọ, mình đều bỏ. Đó là vọng tưởng, không theo! Bỏ mãi cho đến khi nào vọng tưởng yên lặng, gọi là thanh tịnh. Đó là tu Thiền.

Tất cả mầm gốc của bất tịnh đều do tâm chạy theo cảnh, duyên dính với cảnh. Chúng ta buông, không chạy theo cảnh nữa thì tâm lặng. Tâm lặng tức là thanh tịnh. Phật dạy tu đến chỗ cuối cùng là phải trở về với tâm thanh tịnh ban đầu, không còn những ý niệm lăng xăng nữa. Bởi ý niệm lăng xăng đó không phải là tâm thật của mình, nó chỉ là bóng dáng của sáu trần mà thôi.

Tôi ví dụ như mặt biển thênh thang, khi nổi sóng thì mỗi lượn sóng khác nhau. Có lượn cao, có lượn thấp nhưng mặt biển vẫn không hai. Tâm chúng ta cũng vậy, những thứ lăng xăng đó  chỉ là những lượn sóng, do tâm duyên theo bóng dáng sáu trần. Còn tâm thể chơn thật thì lúc nào cũng tròn đầy, thanh tịnh. Cho nên tu, dừng được tâm lăng xăng đó thì thể thanh tịnh hiện tiền. Cũng như sóng nổi ầm ầm nhưng khi lặn rồi thì mặt biển thênh thang bằng phẳng.

Chúng ta nói những lượn sóng là mặt biển được không? Không, vì nó có giới hạn. Mặt biển thì phải thênh thang, nên sóng không là mặt biển. Tuy nhiên sóng không rời mặt biển mà có được. Nên biết sóng không phải là mặt biển, nhưng cũng không rời mặt biển. Tâm chúng ta cũng vậy, những nghĩ suy lăng xăng không rời tâm chân thật, nhưng tâm chân thật thì lặng yên, không giới hạn, còn suy nghĩ thì có chừng mực, có giới hạn. Cái suy nghĩ không phải là tâm thật thênh thang, nhưng cũng không rời tâm thênh thang đó. Hiểu như vậy mới thấy được cội nguồn của tâm thể chân thật.

Phật dạy tu là cứu cánh thoát ly sanh tử. Còn suy nghĩ là còn rơi theo hai đường: hoặc thiện hoặc ác tức là nghiệp lành, nghiệp dữ. Nghiệp lành, nghiệp dữ sẽ dẫn chúng ta sanh cõi lành, cõi dữ. Đó là đi trong sanh tử. Nếu cả hai lành dữ, thiện ác đều lặng hết, chỉ còn một tâm thanh tịnh thì chúng ta đi theo nghiệp nào? Đó là giải thoát sanh tử.

Như vậy thì muốn giải thoát sanh tử, chúng ta phải lặng hết tâm lành dữ. Tâm lành dữ là tâm tương đối, sinh diệt, không thật. Nó lặng xuống rồi thì tâm chân thật mới hiện bày. Tâm chân thật là tâm không sinh diệt. Sống được với tâm nầy mới gọi là giải thoát sanh tử. Cho nên Phật dạy phải lặng tâm ý cho trong sạch là vì thế. Cho nên tu theo Tịnh độ thì phải Nhất tâm niệm Phật. Nhất tâm thì không còn hai, không còn phải quấy. Như vậy là tâm lặng. Còn nhà Thiền dạy dứt hết niệm tưởng lăng xăng, thì chân tâm hiển lộ. Chân tâm hiển lộ là nhân giải thoát sanh tử.

Câu cuối “Thị chư Phật giáo”, đây là lời dạy của tất cả chư Phật chứ không riêng gì đức Phật Thích Ca thôi. Chỉ một bài kệ nầy chúng ta khéo ứng dụng, tu đúng như vậy thì sẽ được giải thoát sanh tử. Nếu chưa giải thoát sanh tử, thì ít ra cũng tránh được các đường dữ, sanh trong các cõi lành. Cho nên bài kệ nầy thường được in trong lá phái qui y Phật tử. Bài kệ nhắc cho quí Phật tử thấy đó là chân lý, là lẽ thật mà mười phương chư Phật đều đồng thừa nhận như vậy, chứ không riêng gì đức Phật Thích Ca.

Người tu Phật hiểu rõ và ứng dụng tu theo bài kệ đó, thì từ một con người lỗi lầm sẽ trở thành một con người lương thiện. Rồi từ con người lương thiện tiến lên con người thanh tịnh, giải thoát sanh tử. Như vậy trên đường tu, thăng tiến dần từ thấp tới cao, cho đến giải thoát hẳn mọi khổ đau.

Tóm lại, chúng ta tu giai đoạn đầu là bỏ ác, làm thiện. Cuối cùng thiện ác đều dẹp luôn, chỉ còn một tâm thanh tịnh. Đó là chỗ cứu cánh. Nếu quí vị nghe nhớ ứng dụng tu thì sẽ thấy giá trị của việc tu hành ngày càng thâm sâu, ngày càng an lạc. Mong rằng tất cả hãy nổ lực tinh tấn tu hành.

***

Bài được đăng trong trang Học thuật phương Đông do cư sỹ Cong (nickname) chuyển. Chân thành cảm ơn.

13/06/2014

Đừng quên chăm sóc bản thân, dù bất cứ hoàn cảnh nào mọi người nhé:



TOA THUC TUYT VI


Tác giả: Kim Dung


I. Sức khỏe
Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) định nghĩa: “Sức khỏe là một tình trạng thoải mái hoàn toàn về thể chất và hoàn cảnh, chứ không phải là một tình trạng không có bệnh tật hay tàn tật”.

 II. Bí quyết trường thọ
 1. Chấp nhận với những gì mình đang có
 2. Thích nghi với hoàn cảnh của mình
 3. Điều chỉnh để đạt được điều mong muốn.

 III. Phòng ngừa bệnh tật
1. Không vui quá hại tim
2. Không buồn quá hại phổi
3. Không tức quá hại gan
4. Không sợ quá hại thần kinh
5. Không suy nghĩ quá hại tỳ
6. Xua tan hoài niệm cay đắng bằng tha thứ và lãng quên
 7. Với người cao tuổi tránh tranh luận hơn thua.

 IV. Thức ăn & uống trong ngày:
   Một củ hành: chống ung thư
   Một quả cà chua: chống tăng huyết áp
   Một lát gừng: chống viêm nhiễm
   Một củ khoai tây: chống sơ vữa động mạch
   Một trái chuối: làm phấn chấn thần kinh, bớt lo âu, chống táo bón, giảm được béo
   Một quả trứng hay ít thịt nạc: chống suy dinh dưỡng
   Uống 1 đến 2 lít nước mỗi ngày: giải độc cơ thể.

V. Triết lý của người hiện đại:
   1. Một Trung Tâm là sức khỏe
   2. Hai Tí: Một tí thoải mái – Một tí nhiệt tình
   3. Ba Quên: Quên tuổi tác – Quên bệnh tật – Quên hận thù
   4. Bốn Có: Có nhà ở – Có bạn đời – Có bạn tri âm – Có lòng vị tha.
   5. Năm Phải: Phải vận độngPhải biết cườiPhải lịch sự hòa nhã Phải biết nói chuyện và phải coi mình là người bình thường.

VI. Bảo Sinh Thái Ất Chân Nhân
  1. Ít nói năng để dưỡng Nội Khí
   2. Kiêng sắc dục để dưỡng Tinh Khí
   3. Bớt ăn hăng mạnh để dưỡng Huyết Khí
   4. Đừng nhổ nước bọt để dưỡng Tạng Khí
   5. Chớ giận hờn để dưỡng Can Khí
   6. Chớ ăn quá độ để dưỡng Vị Khí
   7. Ít lo lắng để dưỡng Tâm Khí
    8. Tránh tà tâm để dưỡng Thần Khí.

12/06/2014



 ĐẠO PHẬT 
LÀ ĐẠO NHƯ THẬT



Buổi giảng hôm nay, chúng ta nói về đề tài đạo Phật là đạo như thật. Quí vị nghe hiểu và ứng dụng tu hành, để mỗi ngày mỗi tiến hơn trên đường giác ngộ giải thoát.
Đức Thế Tôn sau khi giác ngộ thành Phật, Ngài vì thương tất cả chúng sanh, nên những gì thấy biết, Ngài muốn đem chỉ dạy lại hết cho tất cả mọi người đều thấy, biết và được giải thoát sanh tử như Ngài. Vì vậy giáo lý Phật nói là giáo lý chuyên dạy tu hành để thoát ly sanh tử.
Sau khi thành đạo, đức Phật nhìn lại kiếp sống của con người thật là đau khổ. Nổi đau khổ đó không chỉ đói cơm, rách áo mà là nổi khổ trầm luân sinh tử muôn đời muôn kiếp, không ra khỏi được. Trong kinh A Hàm, đức Phật dạy rất rõ: “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển” . Hoặc có khi Phật nói: “Ở trong địa ngục bị thiêu đốt chưa phải là khổ, làm trâu ngựa kéo cày bị đòn bị đánh chưa phải là khổ, làm ngạ quỉ đói khát lang thang chưa phải là khổ. Chỉ người si mê không biết lối đi mới thật là khổ”. 
Chúng ta thử nghiệm lại ý nghĩa Phật nói qua hai câu trên như thế nào? “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển”. Phật nói như vậy có quá đáng không? Bởi tất cả chúng ta mang thân thể nầy, hình vóc nầy, chúng ta tự hào mình đẹp, khỏe mạnh, vui tươi v.v… ngở mình là như vậy. Nhưng với con mắt giác ngộ của Phật thì thấy thân chúng ta hiện mang đây là thân tạm bợ, giả dối mà chúng ta lầm tưởng thật là qui. Tại sao vậy?
Nếu tôi thường nói, thân của chúng ta hiện giờ là do tứ đại, đất nước gió lửa kết hợp mà thành. Chất cứng trong người là đất, chất ướt trong người là nước, chất động trong người là gió, chất ấm trong người là lửa. Thiếu một trong bốn thứ đó thì chúng ta chết ngay. Như vậy sống là do tứ đại bên trong kết hợp với tứ đại bên ngoài phụ trợ hằng giờ hằng phút.
Như hiện giờ quí vị cứ ngở mình đang ngồi thảnh thơi, không làm gì hết. Nhưng thật ra quí vị đang làm việc đó chứ. Lỗ mũi hít vô thở ra, hít vô thở ra, có khi nào không thở đâu. Nếu thở ra mà không hít vô thì chết mất. Vậy chúng ta ngồi tưởng là thảnh thơi, tưởng là vui sướng, nhưng thực sự vừa ngồi vừa mượn không khí đem vô trả ra, đem vô trả ra. Cứ mượn trả đều đều như vậy. Một lát chúng ta phải uống tách nước. Uống vô chừng vài ba tiếng lại phải trả ra. Chúng ta dùng cơm, dùng các thức ăn có chất bột là mượn đất. Đem vô rồi cũng phải trả ra. Đó là máy tốt, chớ nếu máy xấu, đem vô mà không trả ra được cũng khổ. Cho nên chúng ta đang làm việc liên tục mà không biết.
Sự sống của chúng ta là sự sống vay mượn. Sự sinh tử của chúng ta cũng đều là sự sinh tử vay mượn. Mượn đất, mượn nước, mượn gió, mượn lửa để nuôi dưởng thân nầy. Còn mượn còn trả là còn sống. Nếu trả ra mà không mượn lại là chết. Như vậy do vay mượn tứ đại để có sự sống, thì cái gì là thật mình. Không thật mà tưởng là thật, đó là ảo tưởng.
Phật nói thân ngũ uẩn do duyên hợp hư giả nên không có ngã. Đó là thuyết vô ngã. Nhiều người không hiểu nghe nói thân nầy vô ngã, liền nghĩ vô ngã là không có ta. Nếu không có ta thì cái gì biết đau khi mình va chạm. Cho nên vô ngã là không có một chủ thể cố định.. những gì do duyên hợp thì không có chủ thể, không cố định. Ví như cái đồng hồ, nếu chịu khó mở ra thì thấy chỉ là một nhóm các thư ráp lại, tạm gọi là đồng hồ. Đồng hồ chỉ là giả hợp chứ không có chủ thể. Nếu có chủ thể thì nó phải nguyên vẹn, không đợi duyên hợp.
Thân chúng ta cũng vậy, duyên hợp tạm có, khi duyên tan thì thân nầy cũng rã ra. Như vậy, nói thật được không, cái gì là chủ thể? Chữ ngã tức là thừa nhận có một chủ thể nguyên vẹn. Không có chủ thể nguyên vẹn thì gọi là vô ngã. Nên biết vô ngã là không có chủ thể, chứ không phải không có giả tướng duyên hợp.
Trong kinh Niết Bàn đức Phật dùng ví dụ tứ xà đồng nhiếp, tức là bốn con rắn ở chung trong một cái giỏ. Có người chủ đem bốn con rắn độc nhốt chung ở trong một cái giỏ. Ông cứ đem thức ăn đến nuôi nó. Đứa nào chống cự thì ông tìm cách can khuyên, giải hòa cho nó không còn chống sự nhau. Thế nhưng bốn con rắn đó cứ chống cự nhau hoài, không lúc nào chịu yên, nên người chủ nuôi rắn rất cực. Phải săn sóc cho nó ăn uống, rồi phải điều hòa cho nó không có chống cự nhau. Nhưng một ngày nào cái giỏ lủng, bốn con rắn mạnh đứa nào đứa nấy chạy đi.
Phật thí dụ thân tứ đại của chúng ta: đất, nước, gió, lửa hợp thành như cái giỏ chứa bốn con rắn. Bốn chất nầy hòa nhau hay luôn luôn chống đối mâu thuẩn nhau. Lửa với nước, gió với đất luôn nghịch nhau. Nước nhiều thì lửa tắt, lửa nhiều thì nước khô… Cho nên trong người nóng quá thì phải kiếm đồ mát uống vô mới yên. Còn trong người nước nhiều quá, thì phải ăn đồ ấm cho hòa lại. Mỗi khi trúng gió rêm đau cả người, phải cạo gió cho nó giãn nhẹ lại. Như vậy, trong cuộc sống hiện giờ, chúng ta là một anh thợ nuôi rắn với hai công việc, cho ăn và điều hòa nó.
Một người lo điều hòa bốn con rắn nghịch nhau thì sung sướng hay đau khổ? Thế mà giỏ lủng, mấy con rắn chạy đi thì tiếc, lại kiếm bốn con rắn khác nuôi nữa. Cứ như thế, đời nầy đời nọ liên tục, cộng lại khổ chừng bao nhiêu. Nên cuộc sống của chúng ta thật giống như con dã tràng xe cát biển đông. Nuôi thân nầy, lo cho thân nầy đủ thứ, như vậy đã cực rồi nhưng tới chừng hết duyên, thân rã rồi lại thương tiếc, muốn tìm thân khác.
Cứ mỗi lần được thân, lo cho thân: ta khổ. Mỗi lần mất thân: ta cũng khổ. Mỗi lần khổ như vậy thì chúng ta rơi nước mắt. Nước mắt rơi một đời, hai đời cho tới vô số đời cộng lại thì nhiều hơn nước biền. Chúng ta cứ ngỡ Phật nói quá đáng, làm sao đời người mà nước mắt nhiều hơn nước biển được. Chẳng qua đức Phật muốn chỉ nổi khổ trầm luân muôn kiếp của chúng sanh không biết đâu là cùng tận .
Cho nên mục đích của chúng ta là giải thoát sanh tử, để giải khổ trầm luân chứ không phải tu để giải quyết việc ăn mặc. Như vậy giải thoát khỏi nghiệp không phải là chuyện tưởng tượng mà là sự thực. Muốn cứu khổ chúng sanh đức Phật dạy chúng ta phương pháp tu, để không còn cố chấp thân năm uẩn nầy là ta. Có thể khi thân nầy rã rời mới không tiếc giữ, không còn tiếp tục sinh thân khác nữa. Đó là giải thoát sanh tử.
Muốn được vậy chúng ta phải biết lối đi, phải biết pháp tu chứ không chỉ tưởng tượng. Cho nên đức Phật nói: “Ở trong địa ngục bị thiêu đốt chưa phải là khổ, làm trâu ngựa kéo cày bị đòn bị đánh chưa phải là khổ, làm ngạ quỉ đói khát lang thang chưa phải là khổ. Chỉ người si mê không biết lối đi mới thật là khổ”. Gốc của khổ là si mê. Do si mê nên chấp thân thật, vì vậy thân nầy mất liền chụp thân khác. Cứ thế đời đời đi trong sanh tử không cùng.
Chúng ta tu Phật, ai ai cũng đều mong được giải thoát sanh tử. Nhưng muốn giải thoát trước phải giác ngộ. Giác ngộ là thấy, biết đúng như thật về con người và mọi sự vật chung quanh. Như biết các pháp vô ngã, do duyên hợp không có chủ thể. Thân nầy cũng vậy, không thật. Nếu thấy biết đúng như vậy thì không đắm luyến, chạy theo ngoại cảnh và chấp giữ thân. Ngược lại, nếu không thấy đúng như thật, chúng ta cứ tạo nghiệp sanh tử không có ngày cùng. Vì vậy, Phật thương xót, muốn cho chúng ta thức tỉnh, thấy đúng như thật, để không bị nhiễm nhơ, không bị khổ trong luân hồi sanh tử nữa. Đó là giải thoát sanh tử.
Muốn thấy đúng như thật chúng ta phải có trí tuệ. Mỗi tối quí vị tụng Tâm kinh Bát nhã, trong đó câu “Quán Tự Tại Bồ tát, hành thâm Bát-nhã-ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Nghĩa là Bồ tát quán Tự Tại khi thực hành sâu trí tuệ Bát nhã rồi, Ngài xem thấy năm uẩn là không, cho nên vượt qua hết khổ nạn. Bây giờ quí vị đọc thuộc lòng, nhưng đã hết khổ nạn chưa? Chẳng lẽ Phật nói không thật, tại sao chúng ta lại không hết khổ?
Đó là điều tôi muốn chỉ cho quí vị thấy. Phật dạy là chân lý, là lẽ thật nhưng vì chúng ta hiểu, làm chưa đúng nên không hết khổ. Khi xưa tôi đọc bài giảng về Bát nhã của Ngài Thái Hư, tôi thấy Ngài dùng thí dụ thật hay. Bát nhã có chia làm ba phần: Văn tự Bát nhã, Quán chiếu Bát nhã, Thật tướng Bát nhã. Văn tự là bước đầu, Quán chiếu là bước thứ hai, Thật tướng là bước thứ ba tức là cứu kính. Như vậy đọc Bát nhã phải biết từng thứ bậc. Nhưng chúng ta thường chỉ hài lòng ở chỗ Văn tự thôi. Đọc thuộc đủ rồi, bỏ hai giai đoạn sau.
Trong kinh Bát nhã nói phải chiếu kiến ngũ uẩn đều không mới qua hết khổ nạn. Chúng ta chỉ có văn tự, không quán chiếu thì làm sao hết khổ nạn. Như vậy lỗi tại ai? Lỗi tại chúng ta chưa làm đến nơi đến chốn, chưa nhận đủ ý nghĩa Phật dạy. Nên Ngài Thái Hư dùng thí dụ, như có người muốn qua sông gấp, khi xuống thuyền sẳn chèo sẳn dầm, mà không chịu bơi, không chịu chèo. Cứ ngồi đợi mãi thì qua sông được không? Chiếc thuyền dụ cho Văn tự Bát nhã, chèo dầm là dụ cho Quán chiếu Bát nhã, tới bờ kia là dụ cho Thật tướng Bát nhã. Chúng ta chỉ tụng thuộc lòng bao nhiêu đó cho là đủ rồi. Năm nầy tới năm khác, tu hoài mà vẫn không hết khổ nạn. Bởi vì có chèo thuyền đâu mà đến được bờ kia. Bây giờ nếu chịu khó chiếu kiến, tức là soi kỹ năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Xem thấy những thứ đó duyên hợp, hư dối không có chủ thể, nên tuy nó hiện có nhưng chỉ là thân tạm bợ giả dối. Thấy thân tạm bợ giả dối thì có ai chửi mình không giận, ai khinh mình không buồn. Bởi thân còn không thật thì lời chửi lời khinh kia có nghĩa gì đâu.
Chúng ta tu mà không quán chiếu, cứ hài lòng trong việc đọc tụng hằng thắng hằng năm. Rồi nói tôi tu mấy chục năm mà mù mù, mịt mịt không giải thoát tí nào cả. Tại chúng ta tu không đúng với lời Phật dạy, làm sao giải thoát được. Phật bảo chỉ cần soi thấy năm uẩn đều không, thì hết đau khổ. Đó là thấy bằng trí tuệ, trí tuệ biết rõ các pháp duyên hợp không có tự thể. Do không có thực thể, duyên hợp tạm có, chứ không phải là không.
Ví như bên hồ nước trong vào đêm rằm. Đứng trên bờ ta nhìn thấy bóng mặt trăng dưới đáy hồ là thật có hay thật không, chúng ta trả lời làm sao? Nếu nói thật có, tại sao đưa tay vớt không được. Nếu nói thật không, tại sao mắt thấy mặt trăng rõ ràng dưới đáy hồ. Vì vậy chúng ta không khẳng định thật có hay thật không. Đó chỉ là bóng mặt trăng hư giả, tạm có không thật. Mặt trăng thật ở trên. Thấy như vậy là thấy đúng lẽ thật. Cho nên tánh không của Bát nhã không phải là không ngơ. Đó là tánh duyên khởi của các pháp.
Khi quán chiếu thấy thân tạm bợ giả dối, không thật thì qua hết các khổ. Chứ không phải tụng kinh mà hết khổ được. Tụng kinh thì dùng văn tự để quán chiếu. Quán chiếu thấu đáo rồi chúng ta mới hết khổ. Như vậy người muốn qua sông thì phải chèo thuyền. Chừng nào tới bờ rồi, tức là đã đạt được mục đích, mới gọi là đến chỗ Thật tướng.
Chúng sanh luôn vui trong cái giả tạm, mà không ngờ nổi khổ đã ngấm ngầm ở bên trong. Dù cho của có chất bằng núi, nhưng khi bệnh chết chúng ta có đổi được không? Đó là một lẽ thật. Phật chỉ cho chúng ta muốn thấy lẽ thật ấy phải dùng con mắt trí tuệ. Bát nhã chính là trí tuệ.
Mỗi đêm chúng ta tụng Bát nhã mà không có trí tuệ gì hết vì đó chỉ là Văn tự Bát nhã thôi. Cần phải tiến sang bước thứ hai là Quán chiếu Bát nhã. Có Quán chiếu mới đi đến Thật tướng Bát nhã. Cho nên người đã hành thâm Bát nhã rồi thì khi chết, các Ngài xem như trò chơi, vui vẻ cười ra đi. Còn chúng ta gần chết thì khổ sở, rên la đủ hết. Đó là do thấy thân thật nên sắp mất sợ hãi, khổ đau vì tiếc thân. Đây chính là lý do để có thân đời sau. Như vậy để thấy si mê của con người thật đáng thương!
Lời Phật dạy không phải là lời nói suông mà là lời nói như thật. Chỉ vì chúng ta hiểu sai, làm sai nên tu không có kết quả, chứ lời Phật dạy không bao giờ sai. Người thấy đúng như thật là người trí tuệ. Người thấy sai lầm là người si mê. Trên đường tu, chúng ta phải mở sáng con mắt trí tuệ thì mới hết đau khổ. Đó là điều tất yếu.
Trong nhà Phật thường nói lý nhân quả. Như gieo nhân nào thì được quả nấy. Song thật ra nhân quả cũng không thật có cố định. Đứng về mặt thời gian thì có quá khứ, hiện tại, vị lai. Đứng về mặt không gian, tức là nhân duyên thì có các duyên tụ hợp lớn, nhỏ… Đức Phật nói tất cả sự việc đều đi từ nhân đến quả, chứ không có cái ngẩu nhiên. Nhân quả có nhiều mặt, từ cạn đến sâu.
Thí dụ anh nông phu lựa giống tốt, anh cứ ngở gieo giống tốt sẽ gặt được quả tốt. Nhưng đến mùa, anh gặt kết quả rất ít oi. Như vậy nhân quả không giống nhau. Đó là vì anh không hiểu nhân quả có nhiều mặt, thuận nhân, nghịch nhân, chánh nhân, trợ nhân. Hạt giống tốt là chánh nhân; khi gieo xuống đất, chúng ta còn phải săn sóc đàng hoàng, cộng thêm có phân bón, có nước, nhổ cỏ, bắt sâu rầy… Những trợ nhân đó đầy đủ thì thu hoạch mới đúng như mình mong muốn. Có chánh nhân mà thiếu trợ nhân thì không được kết quả tốt hoàn toàn. Rồi còn thuận nhân, nghịch nhân. Thuận nhân là mưa thuận gió hòa. Ngược lại cây lúa gieo xuống mà bị sâu bị rầy phá là nghịch nhân. Nếu gặp nghịch nhân mà mình không trừ được thì kết quả cũng không có gì.
Như vậy gieo nhân rồi, còn phải có chánh trợ thuận ngịch nữa, chứ không phải gieo nhân là được quả liền. Người ta hay nói gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Tuy nhiên nếu gieo nhân mà không đủ các duyên phụ trợ thì không được kết quả như ý đâu. Có trợ mà bị nghịch duyên thì cũng không có kết quả như ý. Nên biết nhân quả rất đa dạng, chứ không phải chỉ có một chiều.
Nếu một người làm ruộng cứ nghĩ rằng mình làm ăn được mùa là nhờ trời Phật gia hộ, chứ mình không có tài cán gì. Nếu nghĩ thế thì không nhổ cỏ, không vô nước, không bón phân v.v… thử xem trời Phật có cho trúng không? Nên phần nhiều người ta hiểu nhân quả thật nông nổi.
Trên thế gian nầy có sự vật nào tự nó thành hình mà không cần nhân quả không? Cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Không phải bổng dưng có chuyện khổ hoặc bổng dưng có chuyện vui đến với chúng ta. Cái khổ cái vui đến với chúng ta đều từ nhân thành quả. Như chúng ta thấy một người gặp cơn hoạn nạn khó khổ, chúng ta thương muốn giúp đỡ họ. Người được giúp đỡ qua cơn hoạn nạn rồi thì họ quí mến chúng ta. Sự quí mến biết ơn đó là quả tốt. Vậy quả tốt đó từ đâu ra, từ mình biết gieo nhân tốt, giúp đỡ người gặp hoạn nạn.
Nếu mình xử sự xấu tệ với mọi người, thì có ai thương quí mình không? Hẳn là không. Nên nhân xấu không đem lại quả tốt. Nhưng có nhiều người đến hỏi tôi: “Thưa thầy, con là Phật tử con rất tin nhân quả. Từ khi bắt đầu lớn khôn con biết sợ quả ác nên không dám tạo nhân dữ, luôn tạo nhân lành. Nhưng sao tới bây giờ, con đã già mà thấy phần nhiều quả xấu, không thấy quả lành. Như vậy nhân quả có đúng không?”
Tôi đáp: “Đạo hữu nói vậy là không hiểu nhân quả. Nếu hiểu nhân quả thì phải hiểu nhân quả có trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Ví như có một chủ phố vừa bán căn nhà trong dãy phố. Người mua căn nhà ấy mở tiệm làm ăn ngày càng phát đạt. Đến cuối năm, hàng xóm lại hỏi: “Năm nay anh làm ăn dư dã nhiều không? Người chủ tiệm nói: “Tôi suốt năm nay mà còn thiếu nợ một ít”. Tại sao làm ăn phát đạt mà lại nói thiếu nợ? Bởi vì hồi mua căn phố nầy, người ấy đã vay nợ. Cho nên bây giờ làm có tiền nhưng trả chưa hết thì vẫn còn thiếu nợ. Nhân ví dụ nầy, người Phật tử ấy hiểu ra.
Chúng ta không thể định đoạt nhân quả trong một đời mà phải liên hệ tới quá khứ, vị lai. Ngày nay chúng ta làm lành mà vẫn gặp tai nạn, gặp khó khăn thì biết nợ đời trước mình trả chưa hết. Do đó không nên trách trời trách đất, mà phải can đảm nhận lấy trách nhiệm cũ của mình. Quả đến thì chịu, trả hết đừng vay thêm. Hiện tại mình cứ gieo nhân tốt, không bận lòng vì những nhân xấu. Trả hết quả xấu rồi thì quả tốt nó sẽ đến thôi. Cũng như anh vay tiền mua nhà, làm cả năm mà trả chưa hết nợ, nhưng cứ hoan hỉ trả. Năm nay trả chưa rồi thì năm tới trả, trả mãi cũng sẽ hết.
Nhân quả liên hệ tới ba đời, nên có những oan trái chúng ta không gây trong đời nầy mà nó vẫn đến với chúng ta. Chúng ta phải hiều và can đảm nhận trách nhiệm của mình. Như vậy là chúng ta tin sâu lý nhân quả, sống được với lý nhân quả. Đó là điều hết sức rõ ràng.
Ngày nay chúng ta làm những điều hay, điều tốt mà không hưởng được gì cũng đừng sợ. Nó sẽ không mất đâu. Khi trả hết nợ cũ, quả tốt sẽ đến với mình. Vì nhân quả đời nầy chưa hưởng thì đời sau sẽ hưởng. Ba thời luôn liên hệ chặt chẽ với nhau. Hiểu như vậy, chúng ta trở thành con người can đảm, gan dạ. Mình gây nhân thì chịu quả, chứ không trốn tránh sợ sệt. Những gì đến với mình, mình sẳn sàng chấp nhận, không giận không hờn ai hết. Đó là tu, là chuyển nghiệp.
Chúng ta có bệnh tin nhân quả thì tin nhưng giúp đỡ ai một thời gian, người đó làm trái ý mình thì mình giận, thù, đủ thứ hết. Mình cho người đó là kẻ xấu xa, tội lỗi. Không ngờ đó là nợ cũ mình phải trả. Nếu hiểu được lý nhân quả thì chúng ta sẽ có cách xử sự tốt trong cuộc sống. Bằng ngược lại, chúng ta tự chuốc lấy khổ đau.
Không hiểu lý nhân quả thì cũng không hiểu được thuyết luân hồi. Người ta cứ cho rằng luân hồi là sự tưởng tượng, không phải lẽ thật. Làm sao biết đời nầy mình làm lành, làm dữ thì đời sau trở lại lãnh thọ quả báo ấy. Nhưng thuyết luân hồi trong đạo Phật nói là một lẽ thật. Luân là bánh xe, hồi là xoay tròn. Luân hồi là bánh xe xoay tròn.
Trong con người, máu từ tim chạy ra khắp châu thân rồi trở lại tim. Tim lại đưa máu ra khắp châu thân… Cứ như vậy mà tuần hoàn, đó có phải là luân hồi không? Quả địa cầu chúng ta sống đây, nó đứng yên hay cứ xoay? Chẳng những nó xoay quanh mặt trời, mà nó còn tự xoay quanh nó nữa. Như vậy thuyết luân hồi không phải là sự tưởng tượng mà nó là một lẽ thật. Từ con người cho tới quả địa cầu đều luân hồi. Đó là luân hồi vật chất.
Đến luân hồi về tinh thần. Chúng ta chết đi có phải là mất không? Người ta nói sau khi chết mình còn linh hồn. Nói linh hồn là chưa hiểu đạo Phật. Tại sao? Bởi người ta cho rằng linh hồn anh A thì từ thủy chí chung nó vẫn như vậy thôi, không bao giờ thay đổi. A là A, nó như vậy. Đời nầy chết, đời sau trở lại cũng A luôn. Nghĩa là từ đời nầy qua đời kia linh hồn luôn nguyên vẹn. Nếu nguyên vẹn như vậy thì người mãi là người, chó mãi là chó, không thể nào đổi khác được. Đã không đổi khác thì cần gì phải tu, cần gì làm lành tránh ác. Cho nên hiểu như vậy thật là một nguy hại lớn. Vì trong nhà Phật không dùng từ linh hồn, mà dùng từ nghiệp thức.
Nghiệp thức là những phân biệt, hiểu biết do nghiệp vận chuyển. Ví dụ một đưa bé khi ở với cha mẹ hiền lành thì nó là đứa bé tốt. Chẳng may cha mẹ mất sớm, nó phải ở với những người khác hung dữ tàn bạo, thì lần lần nó cũng bắt chước hung dữ tàn bạo. Như vậy sự hiểu biết của nó khi còn ở chung với cha mẹ khác với sự hiểu biết khi ở với người hung dữ. Nó luôn thay đổi như vậy nên đâu còn nguyên vẹn nữa.
Bản thân của chúng ta cũng vậy, sự hiểu biết của mình lúc còn bé khác với sự hiểu biết khi lớn lên cho đến lúc già. Nó luôn luôn đổi thay tùy theo duyên tùy theo cảnh. Như chúng ta chưa đi tu thì chúng ta theo quan niệm người đời tranh hơn, tranh thua đủ thứ. Nhưng khi đi tu rồi chúng ta biết làm sao cho mọi người được vui… vì vậy mà không tranh hơn thua nữa. Cho nên sự hiểu biết  đó là do nghiệp huân tập của chính mình. Huân tập nghiệp tốt thì hiểu biết hiểu theo hướng tốt. Huân tập nghiệp xấu thì hiểu biết chuyển theo hướng xấu. Không có cái nguyên vẹn như thuyết linh hồn.
Phật bảo trong thế gian có chia ra làm lục đạo luân hồi: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh; đó là ba đường dữ. Trời, người, A-tu-la; đó là ba đường lành. Đường lành, đường dữ là do chúng ta huân tập nghiệp mà ra. Nghiệp dẫn thần thức đi thọ sanh cho nên gọi nó là nghiệp thức uẩn. Thọ sanh đời nầy, đời kia, có khi lên, có khi xuống đủ thứ hết. Nhà Phật gọi đó là nghiệp thức chứ không phải linh hồn. Vì thức là cái đổi thay do sự huân tập của mình tốt hay xấu.
Chúng ta tu là tạo nghiệp tốt nên thần thức sẽ dẫn chúng ta thọ sanh chỗ tốt. Như vậy muốn tránh khổ ở ngày mai thì ngay đời nầy chúng ta phải tạo nghiệp lành, tránh nghiệp dữ. Nói như vậy quí vị sẽ có thắc mắc. Như người tu Tịnh độ niệm Phật cho tới Nhất tâm bất loạn. Hoặc tu Thiền đến chỗ định tâm, không còn khởi nghĩ tốt xấu, thiện ác, như vậy khi lâm chung đi đâu? Còn nghĩ là còn theo nghiệp. Hết nghĩ thì hết nghiệp.  Không nghĩ thiện, không nghĩ ác; đó là chỗ Lục Tổ được tâm ấn nơi Ngũ Tổ rồi. Tôi xin nhắc lại tích truyện nầy một chút.
Khi được y bát ở Ngũ Tổ rồi, Lục Tổ đi về phương Nam. Dọc đường có một đoàn người đuổi theo, trong đó người đi đầu là Thượng tọa Minh ở chùa Quỳnh Mai. Hồi xưa ông là một tướng cưỡi ngựa giỏi nên đuổi theo kịp. Tổ thấy rồi, Ngài để y bát trên bàn đá, chung vào bụi cỏ ẩn. Thượng tọa Minh đến nơi, thấy y bát mừng quá vội ôm lên nhưng ôm không nổi. Lúc đó ông biết đây là vật cao siêu, không biết lấy tâm tầm thường mà giành, nên ông vội quì xuống thưa: “Hành giả, hành giả! Tôi đến đây vì pháp, chứ không phải vì y bát”. Lục Tổ ẩn trong bui liền đi ra nói: “Nếu như vì pháp thì ngươi hãy đứng yên lặng một chút, ta sẽ nói cho nghe”. Thượng tọa Minh đứng yên lặng giây lâu, Lục Tổ bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là Bản  lai diện mục của Thượng tọa Minh?” nghe câu nầy Thượng tọa Minh kiền ngộ đạo.
Thiện ác đã dứt thì hai đường lành dữ cũng dứt. Bấy giờ Chân tâm Phật tánh hiện bày, như vậy là giải thoát sanh tử rồi, còn thọ sanh ở đâu nữa. Cho nên người mới tu, Phật dạy bỏ nghiệp ác, làm nghiệp lành để sau khi chết, được sanh cõi lành tu tiếp. Nhưng đối với người đã có chủng tử tu thuần thục rồi, Phật dạy phải buông cả hai bên, Tâm thanh tịnh trong lặng. Tâm thanh tịnh trong lặng rồi thì dứt sạch các nghiệp. Đã hết nghiệp thì đâu còn bị nghiệp dẫn đi trong luân hồi sanh tử nữa. Chừng đó tùy duyên, mặc tình theo nguyện mà thọ sanh hoặc không thọ sanh.
Cho nên người tu Thiền thì phải Định, người niệm Phật thì phải Nhất tâm, người trì chú thì phải được Tam mật. Vì mật mới đi tới chỗ Tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì không còn nghiệp nữa, không còn nghiệp thì giải thoát sanh tử. Song có nhiều người lại luyến tiếc. Nếu được sanh trong nhà giàu, đẹp đẽ, nhiều tiền của thì sướng quá sao không chịu sanh, bỏ đi chi uổng. Hoặc giả được sanh lên cõi Trời, muốn gì được nấy sướng biết mấy, sao không sanh lên đó. Cho nên chúng ta phải hiểu thật tường tận ý Phật muốn chỉ dạy cho chúng ta.
Trong kinh Phật dạy, nếu chưa thể giải thoát sanh tử, chúng ta nên nguyện đời sau trở lại làm người, tiếp tục tu hành, đừng cầu sanh lên cõi Trời. Tại sao? Bởi vì sanh lên cõi Trời muốn gì được nấy thì không bao giờ nghĩ đến việc tu. Lại tuổi thọ ở cõi Trời quá dài, khi trở lại làm người đã mất một thời gian lâu nên không tu được gì. Chỉ ở cõi người khổ vui lẫn lộn nên dễ thức tỉnh, dễ tu. Vì vậy chúng ta dễ tiến trên đường đạo. Ngay trong đời nầy, những người được sanh ra trong gia đình giàu sang, được nuông chiều đủ thứ, cũng đã khó tu rồi, huống gì sanh cõi Trời. Chúng ta muốn tu là phải ở trong cảnh có khổ có vui. Nhờ cảnh khổ nên ta thức tỉnh mau, mới lo tu hành. Nhờ cảnh vui, tinh thần ta không bị bức bách ép ngặt nên có thể an sống tu hành.
Tuy nhiên trên đường tu chúng ta không chỉ hài lòng ở chỗ được sanh cõi lành, mà phải đi tới chỗ dứt sạch nghiệp. Chỉ còn một Tâm thanh tịnh thôi, đó mới là chỗ cứu kính giải thoát sinh tử. Nếu chúng ta còn kẹt một chút ham muốn cũng chưa hết dòng sanh tử. Như vậy, đức Phật dạy khác hơn người đời. Người đời cứ ngỡ rằng nơi con người có hai phần vật chất và tinh thần. Vật chất là thân và tinh thần là linh hồn. Linh hồn phải nguyên vẹn từ đời nầy qua đời khác. Với Phật, Ngài không chấp nhận linh hồn, bởi vì nó chỉ là một phần thần thức theo nghiệp dẫn đi, chuyển biến trong sanh tử.
Nếu chúng ta chịu nghiền ngẫm thấu đáo lời Phật dạy thì mới thấy được lẽ thật. Thấy được lẽ thật là mở sáng con mắt trí tuệ. Nếu chúng ta cứ nghe rồi tin, không nghiền ngẫm quán chiếu thì không có trí tuệ. Không có trí tuệ thì chúng ta khó đi trên con đường giải thoát đến nơi đến chốn được. Trí tuệ đó không phải từ đâu đến với chúng ta, mà nó nằm sẵn ngay nơi mình.
Trong kinh Phật dạy: “Các ngươi nên tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với chánh pháp”. Nếu chúng ta chưa có trí tuệ thấy đúng như thật, thì phải nương theo chánh pháp để phát triển trí tuệ của mình. Cũng như cây đuốc của mình chưa cháy, thì phải mồi với ngọn đuốc đã cháy. Ngọn đuốc đó là chánh pháp. Trí tuệ chúng ta còn mù mịt tối tăm, nên phải nhờ ánh sáng trí tuệ của Phật. Mồi với chánh pháp thì ngọn đuốc trí tuệ của mình mới sáng. Có trí tuệ thấy đúng như thật bản thân mình và tất cả sự vật bên ngoài, chúng ta không còn lầm, không còn mê. Mê lầm không còn thì khổ đau theo đó hết. Như vậy trí tuệ đưa chúng ta tới chỗ an lành tự tại giải thoát. Đó là chỗ cứu kính mà chúng ta hằng mong mỏi.
Hàng xuất gia cũng như tại gia đều phải nắm vững yếu chỉ đó để tu hành, thì mới thấy giá trị của đạo Phật. Nếu chúng ta hiểu không tới, nhận không rõ thì việc tu mù mờ, rồi hướng dẫn cho người khác cũng sai lầm, không hết khổ đau được. Cho nên có nhiều người tu càng lâu càng thấy khổ, chứ không được lợi ích gì hết. Người biết dùng trí tuệ thì dụng công ít mà kết quả lại nhiều.
Ví dụ dùng con mắt trí tuệ nhìn cái đồng hồ thì thấy nó không có chủ thể cố định, là giả tạm. Giả sử nó được mạ vàng mình cũng xem nó là giả. Do giả nên không tham luyến. Ngược lại, nếu cứ chấp nhận đồng hồ là thật, lại được tô điểm thêm màu mè nữa thì thấy nó càng đẹp. Do thấy đẹp nên sanh lòng ham muốn. Tham muốn nên giữ gìn sợ mất, theo đó mà bao nhiêu thứ khổ phát sinh. Như vậy tất cả tội lỗi chúng ta gây ra gốc từ mê lầm.
Cho nên người học Phật phải giác, phải có trí tuệ. Nếu chưa giác ngộ được như đức Phật thì ít ra phải có trí tuệ thấy đúng như thật về những lời Phật dạy. Chúng ta thường tán tụng lời Phật là lời vàng lời ngọc. Nếu đã là lời vàng ngọc thì không thể dối gạt chúng sanh. Vậy tại sao Phật nói tu hết khổ mà chúng ta tu hoài khổ vẫn còn khổ? Cho nên nếu không hiểu tường tận, không áp dụng đúng như lời Phật dạy, chẳng những chúng ta tự hại mình mà còn làm mất giá trị giáo lý của đức Phật nữa.
Hàng Phật tử tại gia biết tu thì chính mình trở thành người đức hạnh trong gia đình, một công dân tốt ngoài xã hội. Đời nầy, đời sau đều đi theo con đường lành. Hàng xuất gia biết rõ phật pháp, nhìn sự vật và con người bằng con mắt trí tuệ, thì cuộc sống của chúng ta mỗi ngày mỗi an lành. Sống một ngày là vui một ngày. Khi sắp lâm chung cũng cười vì được xã bỏ thân giả tạm, thoát khỏi đãy da nhơ thối nầy. Vậy tu là đem lại nguồn an lành, hạnh phúc miên viễn cho chúng ta và mọi người.
Người biết tu thì cuộc sống của mình là cuộc sống có ý nghĩa, cuộc sống của người sáng suốt, người thức tỉnh chứ không phải của kẻ mê lầm nữa. Sống trong cuộc đời đau khổ, trong giành giựt hơn thua mà chúng ta vẫn an lành tự tại, đó là giá trị chân thật của đạo đức, của người tu. Tất cả chúng ta đã có phúc duyên đời nầy và đời trước, nên bây giờ mới gặp nhau trong hội Phật. Nhưng nếu tu mà không đi đúng chánh pháp thì thật là đáng tiếc.
Mong rằng quí vị nghe hiểu rồi khéo ứng dụng tu để xứng đáng là con Phật, là trưởng tử của Như Lai, là người đi trước để nhắc nhở người sau đi đúng đường chư Phật đã dạy. Đó là trách nhiệm và bổn phận của chúng ta vậy.

***

Hòa thượng. THÍCH THANH TỪ

Đây là bài của một cư sỹ đăng trên trang Học thuật phương Đông - mình xin phép đưa về đây để trước là đọc - hiểu, sau là tùy duyên ai đó đọc để có thêm kiến thức.

11/06/2014

Hoa sen tuyết hiếm thấy tại Himalaya

Đọc truyện kiếm hiệp có nói Tuyết Liên Hoa dùng chửa bệnh giờ mới thấy 

     Trên những vách núi trắng xóa tuyết ở Tân Cương thuộc dãy Himalaya tồn tại một loài kỳ trân dị thảo vô cùng quý hiếm được gọi là Tuyết Liên hay hoa sen tuyết. Từ xưa, loài hoa này đã được người Trung Quốc sử dụng như một vị thuốc quý không thua gì nhân sâm. Chúng có khả năng trị được những chứng bệnh như đau đầu, cao huyết áp và rối loạn kinh nguyệt. Tuyết Liên chỉ mọc trên những vách đá có độ cao trên 4.000m so với mực nước biển và có thể nở ngay trong tuyết. 



Mời xem những hình ảnh tuyệt đẹp của loài hoa này







Mỹ Ái (theo: daibitamtu)
PHẬT DẠY 20 ĐIỀU KHÓ

    Như chúng ta đã biết, dùng tâm đại từ bi rộng lớn để giúp cho mọi người sống trong chánh niệm tỉnh giác thật là việc khó, tin sâu Tam bảo là một việc khó, tin sâu nhân quả, thiện ác cũng là một việc khó và tin chính mình có khả năng thành Phật lại càng khó hơn. Chúng ta tin rằng, mọi người đều có thể chuyển hoá được phiền não tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến là một việc khó, tuy những điều này là rất khó đối với những người quá tham lam và ích kỷ.

1- Nghèo khổ bố thí là khó

2- Giàu sang học đạo là khó

3- Bỏ thân mạng vì lẽ phải là khó

4- Hiểu được và thông suốt kinh Phật là khó

5- Sinh cùng thời với Phật và gặp Phật là khó

6- Nhẫn chịu được sắc dục là khó

7- Thấy tốt đẹp không ham cầu là khó

8- Bị nhục mà không oán hờn là khó

9- Có thế lực không cậy uy quyền là khó

10- Đối cảnh tâm không lay động là khó

11- Học rộng, nghiên cứu nhiều là khó

12- Trừ diệt cống cao ngã mạn là khó

13- Không khinh khi người chưa học là khó

14- Thực hành tâm bình đẳng là khó

15- Chẳng nói phải trái là khó

16- Gặp được thiện tri thức là khó

17- Học đạo, kiến tánh là khó

18- Tùy duyên hóa độ là khó

19- Thấy cảnh vô tâm là khó

20- Khéo biết phương tiện độ sinh là khó