12/06/2014



 ĐẠO PHẬT 
LÀ ĐẠO NHƯ THẬT



Buổi giảng hôm nay, chúng ta nói về đề tài đạo Phật là đạo như thật. Quí vị nghe hiểu và ứng dụng tu hành, để mỗi ngày mỗi tiến hơn trên đường giác ngộ giải thoát.
Đức Thế Tôn sau khi giác ngộ thành Phật, Ngài vì thương tất cả chúng sanh, nên những gì thấy biết, Ngài muốn đem chỉ dạy lại hết cho tất cả mọi người đều thấy, biết và được giải thoát sanh tử như Ngài. Vì vậy giáo lý Phật nói là giáo lý chuyên dạy tu hành để thoát ly sanh tử.
Sau khi thành đạo, đức Phật nhìn lại kiếp sống của con người thật là đau khổ. Nổi đau khổ đó không chỉ đói cơm, rách áo mà là nổi khổ trầm luân sinh tử muôn đời muôn kiếp, không ra khỏi được. Trong kinh A Hàm, đức Phật dạy rất rõ: “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển” . Hoặc có khi Phật nói: “Ở trong địa ngục bị thiêu đốt chưa phải là khổ, làm trâu ngựa kéo cày bị đòn bị đánh chưa phải là khổ, làm ngạ quỉ đói khát lang thang chưa phải là khổ. Chỉ người si mê không biết lối đi mới thật là khổ”. 
Chúng ta thử nghiệm lại ý nghĩa Phật nói qua hai câu trên như thế nào? “Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển”. Phật nói như vậy có quá đáng không? Bởi tất cả chúng ta mang thân thể nầy, hình vóc nầy, chúng ta tự hào mình đẹp, khỏe mạnh, vui tươi v.v… ngở mình là như vậy. Nhưng với con mắt giác ngộ của Phật thì thấy thân chúng ta hiện mang đây là thân tạm bợ, giả dối mà chúng ta lầm tưởng thật là qui. Tại sao vậy?
Nếu tôi thường nói, thân của chúng ta hiện giờ là do tứ đại, đất nước gió lửa kết hợp mà thành. Chất cứng trong người là đất, chất ướt trong người là nước, chất động trong người là gió, chất ấm trong người là lửa. Thiếu một trong bốn thứ đó thì chúng ta chết ngay. Như vậy sống là do tứ đại bên trong kết hợp với tứ đại bên ngoài phụ trợ hằng giờ hằng phút.
Như hiện giờ quí vị cứ ngở mình đang ngồi thảnh thơi, không làm gì hết. Nhưng thật ra quí vị đang làm việc đó chứ. Lỗ mũi hít vô thở ra, hít vô thở ra, có khi nào không thở đâu. Nếu thở ra mà không hít vô thì chết mất. Vậy chúng ta ngồi tưởng là thảnh thơi, tưởng là vui sướng, nhưng thực sự vừa ngồi vừa mượn không khí đem vô trả ra, đem vô trả ra. Cứ mượn trả đều đều như vậy. Một lát chúng ta phải uống tách nước. Uống vô chừng vài ba tiếng lại phải trả ra. Chúng ta dùng cơm, dùng các thức ăn có chất bột là mượn đất. Đem vô rồi cũng phải trả ra. Đó là máy tốt, chớ nếu máy xấu, đem vô mà không trả ra được cũng khổ. Cho nên chúng ta đang làm việc liên tục mà không biết.
Sự sống của chúng ta là sự sống vay mượn. Sự sinh tử của chúng ta cũng đều là sự sinh tử vay mượn. Mượn đất, mượn nước, mượn gió, mượn lửa để nuôi dưởng thân nầy. Còn mượn còn trả là còn sống. Nếu trả ra mà không mượn lại là chết. Như vậy do vay mượn tứ đại để có sự sống, thì cái gì là thật mình. Không thật mà tưởng là thật, đó là ảo tưởng.
Phật nói thân ngũ uẩn do duyên hợp hư giả nên không có ngã. Đó là thuyết vô ngã. Nhiều người không hiểu nghe nói thân nầy vô ngã, liền nghĩ vô ngã là không có ta. Nếu không có ta thì cái gì biết đau khi mình va chạm. Cho nên vô ngã là không có một chủ thể cố định.. những gì do duyên hợp thì không có chủ thể, không cố định. Ví như cái đồng hồ, nếu chịu khó mở ra thì thấy chỉ là một nhóm các thư ráp lại, tạm gọi là đồng hồ. Đồng hồ chỉ là giả hợp chứ không có chủ thể. Nếu có chủ thể thì nó phải nguyên vẹn, không đợi duyên hợp.
Thân chúng ta cũng vậy, duyên hợp tạm có, khi duyên tan thì thân nầy cũng rã ra. Như vậy, nói thật được không, cái gì là chủ thể? Chữ ngã tức là thừa nhận có một chủ thể nguyên vẹn. Không có chủ thể nguyên vẹn thì gọi là vô ngã. Nên biết vô ngã là không có chủ thể, chứ không phải không có giả tướng duyên hợp.
Trong kinh Niết Bàn đức Phật dùng ví dụ tứ xà đồng nhiếp, tức là bốn con rắn ở chung trong một cái giỏ. Có người chủ đem bốn con rắn độc nhốt chung ở trong một cái giỏ. Ông cứ đem thức ăn đến nuôi nó. Đứa nào chống cự thì ông tìm cách can khuyên, giải hòa cho nó không còn chống sự nhau. Thế nhưng bốn con rắn đó cứ chống cự nhau hoài, không lúc nào chịu yên, nên người chủ nuôi rắn rất cực. Phải săn sóc cho nó ăn uống, rồi phải điều hòa cho nó không có chống cự nhau. Nhưng một ngày nào cái giỏ lủng, bốn con rắn mạnh đứa nào đứa nấy chạy đi.
Phật thí dụ thân tứ đại của chúng ta: đất, nước, gió, lửa hợp thành như cái giỏ chứa bốn con rắn. Bốn chất nầy hòa nhau hay luôn luôn chống đối mâu thuẩn nhau. Lửa với nước, gió với đất luôn nghịch nhau. Nước nhiều thì lửa tắt, lửa nhiều thì nước khô… Cho nên trong người nóng quá thì phải kiếm đồ mát uống vô mới yên. Còn trong người nước nhiều quá, thì phải ăn đồ ấm cho hòa lại. Mỗi khi trúng gió rêm đau cả người, phải cạo gió cho nó giãn nhẹ lại. Như vậy, trong cuộc sống hiện giờ, chúng ta là một anh thợ nuôi rắn với hai công việc, cho ăn và điều hòa nó.
Một người lo điều hòa bốn con rắn nghịch nhau thì sung sướng hay đau khổ? Thế mà giỏ lủng, mấy con rắn chạy đi thì tiếc, lại kiếm bốn con rắn khác nuôi nữa. Cứ như thế, đời nầy đời nọ liên tục, cộng lại khổ chừng bao nhiêu. Nên cuộc sống của chúng ta thật giống như con dã tràng xe cát biển đông. Nuôi thân nầy, lo cho thân nầy đủ thứ, như vậy đã cực rồi nhưng tới chừng hết duyên, thân rã rồi lại thương tiếc, muốn tìm thân khác.
Cứ mỗi lần được thân, lo cho thân: ta khổ. Mỗi lần mất thân: ta cũng khổ. Mỗi lần khổ như vậy thì chúng ta rơi nước mắt. Nước mắt rơi một đời, hai đời cho tới vô số đời cộng lại thì nhiều hơn nước biền. Chúng ta cứ ngỡ Phật nói quá đáng, làm sao đời người mà nước mắt nhiều hơn nước biển được. Chẳng qua đức Phật muốn chỉ nổi khổ trầm luân muôn kiếp của chúng sanh không biết đâu là cùng tận .
Cho nên mục đích của chúng ta là giải thoát sanh tử, để giải khổ trầm luân chứ không phải tu để giải quyết việc ăn mặc. Như vậy giải thoát khỏi nghiệp không phải là chuyện tưởng tượng mà là sự thực. Muốn cứu khổ chúng sanh đức Phật dạy chúng ta phương pháp tu, để không còn cố chấp thân năm uẩn nầy là ta. Có thể khi thân nầy rã rời mới không tiếc giữ, không còn tiếp tục sinh thân khác nữa. Đó là giải thoát sanh tử.
Muốn được vậy chúng ta phải biết lối đi, phải biết pháp tu chứ không chỉ tưởng tượng. Cho nên đức Phật nói: “Ở trong địa ngục bị thiêu đốt chưa phải là khổ, làm trâu ngựa kéo cày bị đòn bị đánh chưa phải là khổ, làm ngạ quỉ đói khát lang thang chưa phải là khổ. Chỉ người si mê không biết lối đi mới thật là khổ”. Gốc của khổ là si mê. Do si mê nên chấp thân thật, vì vậy thân nầy mất liền chụp thân khác. Cứ thế đời đời đi trong sanh tử không cùng.
Chúng ta tu Phật, ai ai cũng đều mong được giải thoát sanh tử. Nhưng muốn giải thoát trước phải giác ngộ. Giác ngộ là thấy, biết đúng như thật về con người và mọi sự vật chung quanh. Như biết các pháp vô ngã, do duyên hợp không có chủ thể. Thân nầy cũng vậy, không thật. Nếu thấy biết đúng như vậy thì không đắm luyến, chạy theo ngoại cảnh và chấp giữ thân. Ngược lại, nếu không thấy đúng như thật, chúng ta cứ tạo nghiệp sanh tử không có ngày cùng. Vì vậy, Phật thương xót, muốn cho chúng ta thức tỉnh, thấy đúng như thật, để không bị nhiễm nhơ, không bị khổ trong luân hồi sanh tử nữa. Đó là giải thoát sanh tử.
Muốn thấy đúng như thật chúng ta phải có trí tuệ. Mỗi tối quí vị tụng Tâm kinh Bát nhã, trong đó câu “Quán Tự Tại Bồ tát, hành thâm Bát-nhã-ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Nghĩa là Bồ tát quán Tự Tại khi thực hành sâu trí tuệ Bát nhã rồi, Ngài xem thấy năm uẩn là không, cho nên vượt qua hết khổ nạn. Bây giờ quí vị đọc thuộc lòng, nhưng đã hết khổ nạn chưa? Chẳng lẽ Phật nói không thật, tại sao chúng ta lại không hết khổ?
Đó là điều tôi muốn chỉ cho quí vị thấy. Phật dạy là chân lý, là lẽ thật nhưng vì chúng ta hiểu, làm chưa đúng nên không hết khổ. Khi xưa tôi đọc bài giảng về Bát nhã của Ngài Thái Hư, tôi thấy Ngài dùng thí dụ thật hay. Bát nhã có chia làm ba phần: Văn tự Bát nhã, Quán chiếu Bát nhã, Thật tướng Bát nhã. Văn tự là bước đầu, Quán chiếu là bước thứ hai, Thật tướng là bước thứ ba tức là cứu kính. Như vậy đọc Bát nhã phải biết từng thứ bậc. Nhưng chúng ta thường chỉ hài lòng ở chỗ Văn tự thôi. Đọc thuộc đủ rồi, bỏ hai giai đoạn sau.
Trong kinh Bát nhã nói phải chiếu kiến ngũ uẩn đều không mới qua hết khổ nạn. Chúng ta chỉ có văn tự, không quán chiếu thì làm sao hết khổ nạn. Như vậy lỗi tại ai? Lỗi tại chúng ta chưa làm đến nơi đến chốn, chưa nhận đủ ý nghĩa Phật dạy. Nên Ngài Thái Hư dùng thí dụ, như có người muốn qua sông gấp, khi xuống thuyền sẳn chèo sẳn dầm, mà không chịu bơi, không chịu chèo. Cứ ngồi đợi mãi thì qua sông được không? Chiếc thuyền dụ cho Văn tự Bát nhã, chèo dầm là dụ cho Quán chiếu Bát nhã, tới bờ kia là dụ cho Thật tướng Bát nhã. Chúng ta chỉ tụng thuộc lòng bao nhiêu đó cho là đủ rồi. Năm nầy tới năm khác, tu hoài mà vẫn không hết khổ nạn. Bởi vì có chèo thuyền đâu mà đến được bờ kia. Bây giờ nếu chịu khó chiếu kiến, tức là soi kỹ năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Xem thấy những thứ đó duyên hợp, hư dối không có chủ thể, nên tuy nó hiện có nhưng chỉ là thân tạm bợ giả dối. Thấy thân tạm bợ giả dối thì có ai chửi mình không giận, ai khinh mình không buồn. Bởi thân còn không thật thì lời chửi lời khinh kia có nghĩa gì đâu.
Chúng ta tu mà không quán chiếu, cứ hài lòng trong việc đọc tụng hằng thắng hằng năm. Rồi nói tôi tu mấy chục năm mà mù mù, mịt mịt không giải thoát tí nào cả. Tại chúng ta tu không đúng với lời Phật dạy, làm sao giải thoát được. Phật bảo chỉ cần soi thấy năm uẩn đều không, thì hết đau khổ. Đó là thấy bằng trí tuệ, trí tuệ biết rõ các pháp duyên hợp không có tự thể. Do không có thực thể, duyên hợp tạm có, chứ không phải là không.
Ví như bên hồ nước trong vào đêm rằm. Đứng trên bờ ta nhìn thấy bóng mặt trăng dưới đáy hồ là thật có hay thật không, chúng ta trả lời làm sao? Nếu nói thật có, tại sao đưa tay vớt không được. Nếu nói thật không, tại sao mắt thấy mặt trăng rõ ràng dưới đáy hồ. Vì vậy chúng ta không khẳng định thật có hay thật không. Đó chỉ là bóng mặt trăng hư giả, tạm có không thật. Mặt trăng thật ở trên. Thấy như vậy là thấy đúng lẽ thật. Cho nên tánh không của Bát nhã không phải là không ngơ. Đó là tánh duyên khởi của các pháp.
Khi quán chiếu thấy thân tạm bợ giả dối, không thật thì qua hết các khổ. Chứ không phải tụng kinh mà hết khổ được. Tụng kinh thì dùng văn tự để quán chiếu. Quán chiếu thấu đáo rồi chúng ta mới hết khổ. Như vậy người muốn qua sông thì phải chèo thuyền. Chừng nào tới bờ rồi, tức là đã đạt được mục đích, mới gọi là đến chỗ Thật tướng.
Chúng sanh luôn vui trong cái giả tạm, mà không ngờ nổi khổ đã ngấm ngầm ở bên trong. Dù cho của có chất bằng núi, nhưng khi bệnh chết chúng ta có đổi được không? Đó là một lẽ thật. Phật chỉ cho chúng ta muốn thấy lẽ thật ấy phải dùng con mắt trí tuệ. Bát nhã chính là trí tuệ.
Mỗi đêm chúng ta tụng Bát nhã mà không có trí tuệ gì hết vì đó chỉ là Văn tự Bát nhã thôi. Cần phải tiến sang bước thứ hai là Quán chiếu Bát nhã. Có Quán chiếu mới đi đến Thật tướng Bát nhã. Cho nên người đã hành thâm Bát nhã rồi thì khi chết, các Ngài xem như trò chơi, vui vẻ cười ra đi. Còn chúng ta gần chết thì khổ sở, rên la đủ hết. Đó là do thấy thân thật nên sắp mất sợ hãi, khổ đau vì tiếc thân. Đây chính là lý do để có thân đời sau. Như vậy để thấy si mê của con người thật đáng thương!
Lời Phật dạy không phải là lời nói suông mà là lời nói như thật. Chỉ vì chúng ta hiểu sai, làm sai nên tu không có kết quả, chứ lời Phật dạy không bao giờ sai. Người thấy đúng như thật là người trí tuệ. Người thấy sai lầm là người si mê. Trên đường tu, chúng ta phải mở sáng con mắt trí tuệ thì mới hết đau khổ. Đó là điều tất yếu.
Trong nhà Phật thường nói lý nhân quả. Như gieo nhân nào thì được quả nấy. Song thật ra nhân quả cũng không thật có cố định. Đứng về mặt thời gian thì có quá khứ, hiện tại, vị lai. Đứng về mặt không gian, tức là nhân duyên thì có các duyên tụ hợp lớn, nhỏ… Đức Phật nói tất cả sự việc đều đi từ nhân đến quả, chứ không có cái ngẩu nhiên. Nhân quả có nhiều mặt, từ cạn đến sâu.
Thí dụ anh nông phu lựa giống tốt, anh cứ ngở gieo giống tốt sẽ gặt được quả tốt. Nhưng đến mùa, anh gặt kết quả rất ít oi. Như vậy nhân quả không giống nhau. Đó là vì anh không hiểu nhân quả có nhiều mặt, thuận nhân, nghịch nhân, chánh nhân, trợ nhân. Hạt giống tốt là chánh nhân; khi gieo xuống đất, chúng ta còn phải săn sóc đàng hoàng, cộng thêm có phân bón, có nước, nhổ cỏ, bắt sâu rầy… Những trợ nhân đó đầy đủ thì thu hoạch mới đúng như mình mong muốn. Có chánh nhân mà thiếu trợ nhân thì không được kết quả tốt hoàn toàn. Rồi còn thuận nhân, nghịch nhân. Thuận nhân là mưa thuận gió hòa. Ngược lại cây lúa gieo xuống mà bị sâu bị rầy phá là nghịch nhân. Nếu gặp nghịch nhân mà mình không trừ được thì kết quả cũng không có gì.
Như vậy gieo nhân rồi, còn phải có chánh trợ thuận ngịch nữa, chứ không phải gieo nhân là được quả liền. Người ta hay nói gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Tuy nhiên nếu gieo nhân mà không đủ các duyên phụ trợ thì không được kết quả như ý đâu. Có trợ mà bị nghịch duyên thì cũng không có kết quả như ý. Nên biết nhân quả rất đa dạng, chứ không phải chỉ có một chiều.
Nếu một người làm ruộng cứ nghĩ rằng mình làm ăn được mùa là nhờ trời Phật gia hộ, chứ mình không có tài cán gì. Nếu nghĩ thế thì không nhổ cỏ, không vô nước, không bón phân v.v… thử xem trời Phật có cho trúng không? Nên phần nhiều người ta hiểu nhân quả thật nông nổi.
Trên thế gian nầy có sự vật nào tự nó thành hình mà không cần nhân quả không? Cuộc sống của chúng ta cũng vậy. Không phải bổng dưng có chuyện khổ hoặc bổng dưng có chuyện vui đến với chúng ta. Cái khổ cái vui đến với chúng ta đều từ nhân thành quả. Như chúng ta thấy một người gặp cơn hoạn nạn khó khổ, chúng ta thương muốn giúp đỡ họ. Người được giúp đỡ qua cơn hoạn nạn rồi thì họ quí mến chúng ta. Sự quí mến biết ơn đó là quả tốt. Vậy quả tốt đó từ đâu ra, từ mình biết gieo nhân tốt, giúp đỡ người gặp hoạn nạn.
Nếu mình xử sự xấu tệ với mọi người, thì có ai thương quí mình không? Hẳn là không. Nên nhân xấu không đem lại quả tốt. Nhưng có nhiều người đến hỏi tôi: “Thưa thầy, con là Phật tử con rất tin nhân quả. Từ khi bắt đầu lớn khôn con biết sợ quả ác nên không dám tạo nhân dữ, luôn tạo nhân lành. Nhưng sao tới bây giờ, con đã già mà thấy phần nhiều quả xấu, không thấy quả lành. Như vậy nhân quả có đúng không?”
Tôi đáp: “Đạo hữu nói vậy là không hiểu nhân quả. Nếu hiểu nhân quả thì phải hiểu nhân quả có trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Ví như có một chủ phố vừa bán căn nhà trong dãy phố. Người mua căn nhà ấy mở tiệm làm ăn ngày càng phát đạt. Đến cuối năm, hàng xóm lại hỏi: “Năm nay anh làm ăn dư dã nhiều không? Người chủ tiệm nói: “Tôi suốt năm nay mà còn thiếu nợ một ít”. Tại sao làm ăn phát đạt mà lại nói thiếu nợ? Bởi vì hồi mua căn phố nầy, người ấy đã vay nợ. Cho nên bây giờ làm có tiền nhưng trả chưa hết thì vẫn còn thiếu nợ. Nhân ví dụ nầy, người Phật tử ấy hiểu ra.
Chúng ta không thể định đoạt nhân quả trong một đời mà phải liên hệ tới quá khứ, vị lai. Ngày nay chúng ta làm lành mà vẫn gặp tai nạn, gặp khó khăn thì biết nợ đời trước mình trả chưa hết. Do đó không nên trách trời trách đất, mà phải can đảm nhận lấy trách nhiệm cũ của mình. Quả đến thì chịu, trả hết đừng vay thêm. Hiện tại mình cứ gieo nhân tốt, không bận lòng vì những nhân xấu. Trả hết quả xấu rồi thì quả tốt nó sẽ đến thôi. Cũng như anh vay tiền mua nhà, làm cả năm mà trả chưa hết nợ, nhưng cứ hoan hỉ trả. Năm nay trả chưa rồi thì năm tới trả, trả mãi cũng sẽ hết.
Nhân quả liên hệ tới ba đời, nên có những oan trái chúng ta không gây trong đời nầy mà nó vẫn đến với chúng ta. Chúng ta phải hiều và can đảm nhận trách nhiệm của mình. Như vậy là chúng ta tin sâu lý nhân quả, sống được với lý nhân quả. Đó là điều hết sức rõ ràng.
Ngày nay chúng ta làm những điều hay, điều tốt mà không hưởng được gì cũng đừng sợ. Nó sẽ không mất đâu. Khi trả hết nợ cũ, quả tốt sẽ đến với mình. Vì nhân quả đời nầy chưa hưởng thì đời sau sẽ hưởng. Ba thời luôn liên hệ chặt chẽ với nhau. Hiểu như vậy, chúng ta trở thành con người can đảm, gan dạ. Mình gây nhân thì chịu quả, chứ không trốn tránh sợ sệt. Những gì đến với mình, mình sẳn sàng chấp nhận, không giận không hờn ai hết. Đó là tu, là chuyển nghiệp.
Chúng ta có bệnh tin nhân quả thì tin nhưng giúp đỡ ai một thời gian, người đó làm trái ý mình thì mình giận, thù, đủ thứ hết. Mình cho người đó là kẻ xấu xa, tội lỗi. Không ngờ đó là nợ cũ mình phải trả. Nếu hiểu được lý nhân quả thì chúng ta sẽ có cách xử sự tốt trong cuộc sống. Bằng ngược lại, chúng ta tự chuốc lấy khổ đau.
Không hiểu lý nhân quả thì cũng không hiểu được thuyết luân hồi. Người ta cứ cho rằng luân hồi là sự tưởng tượng, không phải lẽ thật. Làm sao biết đời nầy mình làm lành, làm dữ thì đời sau trở lại lãnh thọ quả báo ấy. Nhưng thuyết luân hồi trong đạo Phật nói là một lẽ thật. Luân là bánh xe, hồi là xoay tròn. Luân hồi là bánh xe xoay tròn.
Trong con người, máu từ tim chạy ra khắp châu thân rồi trở lại tim. Tim lại đưa máu ra khắp châu thân… Cứ như vậy mà tuần hoàn, đó có phải là luân hồi không? Quả địa cầu chúng ta sống đây, nó đứng yên hay cứ xoay? Chẳng những nó xoay quanh mặt trời, mà nó còn tự xoay quanh nó nữa. Như vậy thuyết luân hồi không phải là sự tưởng tượng mà nó là một lẽ thật. Từ con người cho tới quả địa cầu đều luân hồi. Đó là luân hồi vật chất.
Đến luân hồi về tinh thần. Chúng ta chết đi có phải là mất không? Người ta nói sau khi chết mình còn linh hồn. Nói linh hồn là chưa hiểu đạo Phật. Tại sao? Bởi người ta cho rằng linh hồn anh A thì từ thủy chí chung nó vẫn như vậy thôi, không bao giờ thay đổi. A là A, nó như vậy. Đời nầy chết, đời sau trở lại cũng A luôn. Nghĩa là từ đời nầy qua đời kia linh hồn luôn nguyên vẹn. Nếu nguyên vẹn như vậy thì người mãi là người, chó mãi là chó, không thể nào đổi khác được. Đã không đổi khác thì cần gì phải tu, cần gì làm lành tránh ác. Cho nên hiểu như vậy thật là một nguy hại lớn. Vì trong nhà Phật không dùng từ linh hồn, mà dùng từ nghiệp thức.
Nghiệp thức là những phân biệt, hiểu biết do nghiệp vận chuyển. Ví dụ một đưa bé khi ở với cha mẹ hiền lành thì nó là đứa bé tốt. Chẳng may cha mẹ mất sớm, nó phải ở với những người khác hung dữ tàn bạo, thì lần lần nó cũng bắt chước hung dữ tàn bạo. Như vậy sự hiểu biết của nó khi còn ở chung với cha mẹ khác với sự hiểu biết khi ở với người hung dữ. Nó luôn thay đổi như vậy nên đâu còn nguyên vẹn nữa.
Bản thân của chúng ta cũng vậy, sự hiểu biết của mình lúc còn bé khác với sự hiểu biết khi lớn lên cho đến lúc già. Nó luôn luôn đổi thay tùy theo duyên tùy theo cảnh. Như chúng ta chưa đi tu thì chúng ta theo quan niệm người đời tranh hơn, tranh thua đủ thứ. Nhưng khi đi tu rồi chúng ta biết làm sao cho mọi người được vui… vì vậy mà không tranh hơn thua nữa. Cho nên sự hiểu biết  đó là do nghiệp huân tập của chính mình. Huân tập nghiệp tốt thì hiểu biết hiểu theo hướng tốt. Huân tập nghiệp xấu thì hiểu biết chuyển theo hướng xấu. Không có cái nguyên vẹn như thuyết linh hồn.
Phật bảo trong thế gian có chia ra làm lục đạo luân hồi: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh; đó là ba đường dữ. Trời, người, A-tu-la; đó là ba đường lành. Đường lành, đường dữ là do chúng ta huân tập nghiệp mà ra. Nghiệp dẫn thần thức đi thọ sanh cho nên gọi nó là nghiệp thức uẩn. Thọ sanh đời nầy, đời kia, có khi lên, có khi xuống đủ thứ hết. Nhà Phật gọi đó là nghiệp thức chứ không phải linh hồn. Vì thức là cái đổi thay do sự huân tập của mình tốt hay xấu.
Chúng ta tu là tạo nghiệp tốt nên thần thức sẽ dẫn chúng ta thọ sanh chỗ tốt. Như vậy muốn tránh khổ ở ngày mai thì ngay đời nầy chúng ta phải tạo nghiệp lành, tránh nghiệp dữ. Nói như vậy quí vị sẽ có thắc mắc. Như người tu Tịnh độ niệm Phật cho tới Nhất tâm bất loạn. Hoặc tu Thiền đến chỗ định tâm, không còn khởi nghĩ tốt xấu, thiện ác, như vậy khi lâm chung đi đâu? Còn nghĩ là còn theo nghiệp. Hết nghĩ thì hết nghiệp.  Không nghĩ thiện, không nghĩ ác; đó là chỗ Lục Tổ được tâm ấn nơi Ngũ Tổ rồi. Tôi xin nhắc lại tích truyện nầy một chút.
Khi được y bát ở Ngũ Tổ rồi, Lục Tổ đi về phương Nam. Dọc đường có một đoàn người đuổi theo, trong đó người đi đầu là Thượng tọa Minh ở chùa Quỳnh Mai. Hồi xưa ông là một tướng cưỡi ngựa giỏi nên đuổi theo kịp. Tổ thấy rồi, Ngài để y bát trên bàn đá, chung vào bụi cỏ ẩn. Thượng tọa Minh đến nơi, thấy y bát mừng quá vội ôm lên nhưng ôm không nổi. Lúc đó ông biết đây là vật cao siêu, không biết lấy tâm tầm thường mà giành, nên ông vội quì xuống thưa: “Hành giả, hành giả! Tôi đến đây vì pháp, chứ không phải vì y bát”. Lục Tổ ẩn trong bui liền đi ra nói: “Nếu như vì pháp thì ngươi hãy đứng yên lặng một chút, ta sẽ nói cho nghe”. Thượng tọa Minh đứng yên lặng giây lâu, Lục Tổ bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là Bản  lai diện mục của Thượng tọa Minh?” nghe câu nầy Thượng tọa Minh kiền ngộ đạo.
Thiện ác đã dứt thì hai đường lành dữ cũng dứt. Bấy giờ Chân tâm Phật tánh hiện bày, như vậy là giải thoát sanh tử rồi, còn thọ sanh ở đâu nữa. Cho nên người mới tu, Phật dạy bỏ nghiệp ác, làm nghiệp lành để sau khi chết, được sanh cõi lành tu tiếp. Nhưng đối với người đã có chủng tử tu thuần thục rồi, Phật dạy phải buông cả hai bên, Tâm thanh tịnh trong lặng. Tâm thanh tịnh trong lặng rồi thì dứt sạch các nghiệp. Đã hết nghiệp thì đâu còn bị nghiệp dẫn đi trong luân hồi sanh tử nữa. Chừng đó tùy duyên, mặc tình theo nguyện mà thọ sanh hoặc không thọ sanh.
Cho nên người tu Thiền thì phải Định, người niệm Phật thì phải Nhất tâm, người trì chú thì phải được Tam mật. Vì mật mới đi tới chỗ Tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì không còn nghiệp nữa, không còn nghiệp thì giải thoát sanh tử. Song có nhiều người lại luyến tiếc. Nếu được sanh trong nhà giàu, đẹp đẽ, nhiều tiền của thì sướng quá sao không chịu sanh, bỏ đi chi uổng. Hoặc giả được sanh lên cõi Trời, muốn gì được nấy sướng biết mấy, sao không sanh lên đó. Cho nên chúng ta phải hiểu thật tường tận ý Phật muốn chỉ dạy cho chúng ta.
Trong kinh Phật dạy, nếu chưa thể giải thoát sanh tử, chúng ta nên nguyện đời sau trở lại làm người, tiếp tục tu hành, đừng cầu sanh lên cõi Trời. Tại sao? Bởi vì sanh lên cõi Trời muốn gì được nấy thì không bao giờ nghĩ đến việc tu. Lại tuổi thọ ở cõi Trời quá dài, khi trở lại làm người đã mất một thời gian lâu nên không tu được gì. Chỉ ở cõi người khổ vui lẫn lộn nên dễ thức tỉnh, dễ tu. Vì vậy chúng ta dễ tiến trên đường đạo. Ngay trong đời nầy, những người được sanh ra trong gia đình giàu sang, được nuông chiều đủ thứ, cũng đã khó tu rồi, huống gì sanh cõi Trời. Chúng ta muốn tu là phải ở trong cảnh có khổ có vui. Nhờ cảnh khổ nên ta thức tỉnh mau, mới lo tu hành. Nhờ cảnh vui, tinh thần ta không bị bức bách ép ngặt nên có thể an sống tu hành.
Tuy nhiên trên đường tu chúng ta không chỉ hài lòng ở chỗ được sanh cõi lành, mà phải đi tới chỗ dứt sạch nghiệp. Chỉ còn một Tâm thanh tịnh thôi, đó mới là chỗ cứu kính giải thoát sinh tử. Nếu chúng ta còn kẹt một chút ham muốn cũng chưa hết dòng sanh tử. Như vậy, đức Phật dạy khác hơn người đời. Người đời cứ ngỡ rằng nơi con người có hai phần vật chất và tinh thần. Vật chất là thân và tinh thần là linh hồn. Linh hồn phải nguyên vẹn từ đời nầy qua đời khác. Với Phật, Ngài không chấp nhận linh hồn, bởi vì nó chỉ là một phần thần thức theo nghiệp dẫn đi, chuyển biến trong sanh tử.
Nếu chúng ta chịu nghiền ngẫm thấu đáo lời Phật dạy thì mới thấy được lẽ thật. Thấy được lẽ thật là mở sáng con mắt trí tuệ. Nếu chúng ta cứ nghe rồi tin, không nghiền ngẫm quán chiếu thì không có trí tuệ. Không có trí tuệ thì chúng ta khó đi trên con đường giải thoát đến nơi đến chốn được. Trí tuệ đó không phải từ đâu đến với chúng ta, mà nó nằm sẵn ngay nơi mình.
Trong kinh Phật dạy: “Các ngươi nên tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với chánh pháp”. Nếu chúng ta chưa có trí tuệ thấy đúng như thật, thì phải nương theo chánh pháp để phát triển trí tuệ của mình. Cũng như cây đuốc của mình chưa cháy, thì phải mồi với ngọn đuốc đã cháy. Ngọn đuốc đó là chánh pháp. Trí tuệ chúng ta còn mù mịt tối tăm, nên phải nhờ ánh sáng trí tuệ của Phật. Mồi với chánh pháp thì ngọn đuốc trí tuệ của mình mới sáng. Có trí tuệ thấy đúng như thật bản thân mình và tất cả sự vật bên ngoài, chúng ta không còn lầm, không còn mê. Mê lầm không còn thì khổ đau theo đó hết. Như vậy trí tuệ đưa chúng ta tới chỗ an lành tự tại giải thoát. Đó là chỗ cứu kính mà chúng ta hằng mong mỏi.
Hàng xuất gia cũng như tại gia đều phải nắm vững yếu chỉ đó để tu hành, thì mới thấy giá trị của đạo Phật. Nếu chúng ta hiểu không tới, nhận không rõ thì việc tu mù mờ, rồi hướng dẫn cho người khác cũng sai lầm, không hết khổ đau được. Cho nên có nhiều người tu càng lâu càng thấy khổ, chứ không được lợi ích gì hết. Người biết dùng trí tuệ thì dụng công ít mà kết quả lại nhiều.
Ví dụ dùng con mắt trí tuệ nhìn cái đồng hồ thì thấy nó không có chủ thể cố định, là giả tạm. Giả sử nó được mạ vàng mình cũng xem nó là giả. Do giả nên không tham luyến. Ngược lại, nếu cứ chấp nhận đồng hồ là thật, lại được tô điểm thêm màu mè nữa thì thấy nó càng đẹp. Do thấy đẹp nên sanh lòng ham muốn. Tham muốn nên giữ gìn sợ mất, theo đó mà bao nhiêu thứ khổ phát sinh. Như vậy tất cả tội lỗi chúng ta gây ra gốc từ mê lầm.
Cho nên người học Phật phải giác, phải có trí tuệ. Nếu chưa giác ngộ được như đức Phật thì ít ra phải có trí tuệ thấy đúng như thật về những lời Phật dạy. Chúng ta thường tán tụng lời Phật là lời vàng lời ngọc. Nếu đã là lời vàng ngọc thì không thể dối gạt chúng sanh. Vậy tại sao Phật nói tu hết khổ mà chúng ta tu hoài khổ vẫn còn khổ? Cho nên nếu không hiểu tường tận, không áp dụng đúng như lời Phật dạy, chẳng những chúng ta tự hại mình mà còn làm mất giá trị giáo lý của đức Phật nữa.
Hàng Phật tử tại gia biết tu thì chính mình trở thành người đức hạnh trong gia đình, một công dân tốt ngoài xã hội. Đời nầy, đời sau đều đi theo con đường lành. Hàng xuất gia biết rõ phật pháp, nhìn sự vật và con người bằng con mắt trí tuệ, thì cuộc sống của chúng ta mỗi ngày mỗi an lành. Sống một ngày là vui một ngày. Khi sắp lâm chung cũng cười vì được xã bỏ thân giả tạm, thoát khỏi đãy da nhơ thối nầy. Vậy tu là đem lại nguồn an lành, hạnh phúc miên viễn cho chúng ta và mọi người.
Người biết tu thì cuộc sống của mình là cuộc sống có ý nghĩa, cuộc sống của người sáng suốt, người thức tỉnh chứ không phải của kẻ mê lầm nữa. Sống trong cuộc đời đau khổ, trong giành giựt hơn thua mà chúng ta vẫn an lành tự tại, đó là giá trị chân thật của đạo đức, của người tu. Tất cả chúng ta đã có phúc duyên đời nầy và đời trước, nên bây giờ mới gặp nhau trong hội Phật. Nhưng nếu tu mà không đi đúng chánh pháp thì thật là đáng tiếc.
Mong rằng quí vị nghe hiểu rồi khéo ứng dụng tu để xứng đáng là con Phật, là trưởng tử của Như Lai, là người đi trước để nhắc nhở người sau đi đúng đường chư Phật đã dạy. Đó là trách nhiệm và bổn phận của chúng ta vậy.

***

Hòa thượng. THÍCH THANH TỪ

Đây là bài của một cư sỹ đăng trên trang Học thuật phương Đông - mình xin phép đưa về đây để trước là đọc - hiểu, sau là tùy duyên ai đó đọc để có thêm kiến thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét