18/11/2015

BÁT CHÍNH ĐẠO


Joseph Goldstenin - Nguyễn Duy Nhiên dịch
Thiền viện Thường Chiếu
Chúng ta vừa mới bắt đầu bước chân vào một hành trình. Cuộc hành trình đi vào thế giới của tâm ta. Một cuộc hành trình với mục đích để khám phá, tìm hiểu con người thật của mình. Nhưng bao giờ cũng vậy, vạn sự khởi đầu nan…
Mấy ngày tu tập đầu tiên sẽ đầy dẫy những bồn chồn, buồn ngủ, chán nản, lười biếng hay nghi ngờ, và đôi khi còn hối hận là mình đã lỡ dại tham dự khóa tu nữa. Bước đầu tiên nào cũng khó cả. Spinoza, vào lúc gần hoàn tất một tác phẩm triết học của ông, có viết: “Mọi công trình cao quí đều hiếm hoi và khó nhọc”. Con đường tầm đạo mà chúng ta đang bước chân vào cũng rất là hiếm có và trân kỳ. Bởi thế chúng ta phải biết từ tốn nhưng quyển Mount Analogue là một tỷ dụ thật đẹp cho cuộc hành trình mà chúng ta đang đi.
Câu chuyện kể lại một nhóm người cùng nhau đi tìm một ngọn núi đặc biệt. Chân núi nằm trên mặt đất, còn đỉnh núi tượng trưng cho mục tiêu giải thoát cuối cùng. Lúc khởi đầu, đám người thám hiểm ấy đã phải đối phó với một chướng ngại lớn lao là trong những trường hợp bình thường, họ không thể nào nhìn thấy được chân núi. Họ phải vất vả, khó nhọc lắm mới có thể định được phương hướng. Sau ngày đêm khổ cực tìm kiếm, cuối cùng họ tìm đến được chân núi. Phần còn lại của quyển sách tả cảnh chuẩn bị, bao khó khăn, những tranh đấu, hồi hộp trong suốt hành trình đi đến đỉnh núi.
Chúng ta cũng đang cùng chung một hành trình với họ. Cố leo lên ngọn núi trí tuệ. Chúng ta đã biết được một bí mật về sự tàng ẩn của nó: Giáo pháp chân lý không thể tìm thấy ở bên ngoài mà hiện hữu ở ngay trong ta. Chúng ta chỉ cần bắt đầu từ ngay giờ phút này.
Con đường lên núi, con đường giải thoát, đã được vẽ lại bởi những người đi trước. Một bản ghi chép rõ ràng nhất có thể tìm thấy trong kinh điển của đức Phật là Bát Chính Đạo. Bát Chính Đạo có nghĩa là 8 con đường chân Chính dẫn đến giải thoát. Đây là một bản đồ, một bản hướng dẫn chỉ ta đến mục tiêu giác ngộ.
Bước thứ nhất trên con đường lên núi là Chính kiến.
Chính kiến có nghĩa là nhìn thấy hay hiểu biết được chân như của sự vật. Thật ra đây là bước thứ nhất mà cũng là bước cuối cùng. Bởi vì ta phải có một sự hiểu biết tối thiểu nào đó mới có thể bước chân vào hành trình này. Và sự hiểu biết ấy sẽ dần dà trở thành trí tuệ, có khả năng đi sâu và nhận diện được chân tướng của tâm. Trong giai đoạn đầu, Chính kiến có nghĩa là thấy được những luật của thiên nhiên đang chi phối đời sống của mình. Một trong những luật quan trọng nhất là luật Nhân quả (karma). Mỗi hành động đều sẽ đem lại một kết quả nhất định nào đó. Không có bất cứ một việc gì mà tự nhiên hay vô tình lại xảy đến cho ta. Mỗi khi chúng ta hành động vì tham, sân, si, khổ đau sẽ đến với mình. Còn những khi chúng ta làm vì lòng từ bi hay trí tuệ, kết quả sẽ là hạnh phúc và an lạc. Nếu chúng ta khôn khéo biết phối hợp luật Nhân quả vào cuộc sống hằng ngày của mình, ta có thể bắt đầu đào luyện, phát triển một tâm ý hoàn toàn tỉnh thức.
Đức Phật thường nhắc nhở các đệ tử của ngài về đức tính rộng lượng. Bố thí là một biểu lộ của lòng không tham lam ra thành hành động. Cuộc hành trình của ta gồm có sự buông bỏ, không bám víu và không quyến luyến, mà tính rộng lượng là một biểu tượng của những sự xả bỏ ấy.
Chính kiến, còn là biết chấp nhận mối liên hệ của ta, một nghiệp quả đặc biệt, với cha mẹ. Ta phải biết nhận lãnh trách nhiệm cũng như bổn phận đối với chư vị. Cha mẹ đã bỏ công khổ cực để nuỗi dưỡng ta, khi chúng ta còn nhỏ bé. Nhờ ơn các người mà giờ này ta có cơ hội để ngồi đây tu tập giáo lý của đức Phật. Đức Phật dạy rằng, không có cách nào để ta có thể trả ơn này. Cho dầu ta có cõng chư vị trên hai vai cho đến cuối cuộc đời mình, vẫn chưa đủ. Chỉ có một phương pháp để trả ơn cha mẹ mình, là giúp chư vị biết và hiểu được giáo lý của đức Phật, sống trong Chính kiến. Nói chung thì chúng ta đã bỏ biết bao nhiêu thời gian, công sức của mình ra để được độc lập với cha mẹ, về phương diện tinh thần. Điều này tất nhiên cũng có một giá trị. Nhưng trong khoảng không gian tự do đó, ta nên chấp nhận trách nhiệm của mình đối với chư vị.
Chính kiến, cũng có nghĩa là thấy và hiểu được cái tánh chân thật, là chân như của mình. Khi sự tu tập thiền quán tiến bộ, ta sẽ càng lúc càng nhận rõ được tính cách vô thường của vạn vật. Mọi yếu tố của tâm và thân chỉ tồn tại trong chốc lát rồi tan biến mất, sinh ra rồi diệt đi một cách liên tục. Hơi thở vào rồi ra, tư tưởng đến rồi đi, cảm giác có rồi không. Mọi hiện tượng đều luôn biến đổi chuyển dịch. Trong cuộc vô thường không có gì bảo đảm vĩnh viễn cả. Một khi ta thật sự hiểu được bản chất vô ngã của vạn vật, những quan niệm của ta về sự sống và thế giới chung quanh sẽ thay đổi một cách không ngờ. Tâm của ta sẽ thôi nắm bắt và đeo đuổi khi ta hiểu được mọi hiện tượng đều có tính cách nhất thời, chốc lát, thay đổi trong mỗi giây phút. Và nhất là khi ta có thể kinh nghiệm được những diễn biến của thân và tâm khi chúng không còn bị chi phối bởi cái ngã. Với một sự tu tập thiền quán chuyên cần và sâu sắc, Chính kiến sẽ khai triển.
Bước thứ nhì của Bát Chính Đạo là Chính tư duy.
Chính tư duy, có nghĩa là suy nghĩ đúng với sự thật. Nó có nghĩa là tư tưởng không bị chi phối bởi những tham muốn của cảm giác, lòng ác tâm và tính bất nhẫn. Những khi tâm ta còn bị dính mắc vào cảm giác, ta sẽ đeo đuổi theo những đối tượng bên ngoài, đi tìm một hạnh phúc phù du, vì bản tính của mọi vật là vô thường và thay đổi. Những vui thú đều chỉ tạm bợ, nhưng lòng ham muốn thì cứ tăng trưởng. Cái vòng tròn lẩn quẩn này của dục vọng khiến cho tâm ta lúc nào cũng náo động và rối loạn. Nhưng giải thoát tâm ta khỏi những dục vọng không có nghĩa là đàn áp hay chối bỏ chúng. Một khi ta đi đàn áp một sự ham muốn nào, nó sẽ chỉ biến tướng thành một tâm tánh khác. Nhưng nếu mỗi khi ta có một sự ham muốn nào mà ta chấp nhận và đi thỏa mãn nó, thì kết quả cũng chẳng khá gì hơn. Chính tư duy có nghĩa là ý thức được những ham muốn của các giác quan và rồi buông bỏ chúng. Buông bỏ được bao nhiêu, tâm chúng ta sẽ được nhẹ nhàng bấy nhiêu. Dần dà tâm ta sẽ bớt đi những xáo trộn, rối loạn, ta sẽ có khả năng giải thoát mình ra khỏi ngục tù của hoàn cảnh, những trói buộc của dục vọng.
Tư tưởng không bị chi phối bởi những ác tâm, có nghĩa là ta không bị cai quản bởi sự giận dữ. Giận dữ là lửa cháy trong tâm, nó có khả năng thiêu đốt ta và những người chung quanh nếu ta không cẩn thận. Ta có khả năng đối trị tâm nóng giận, nếu ta có thể ý thức được nó để rồi buông bỏ. Khi ấy tâm ta sẽ trở nên nhẹ nhàng và thoải mái, bản chất thương yêu của tâm sẽ tự nhiên biểu lộ.
Tư tưởng không bị chi phối bởi tính bất nhẫn có nghĩa là ta có tâm từ. Tâm từ có nghĩa là có lòng thương xót những ai đang bị đau khổ và muốn cứu giúp họ. Trong sự tu tập thiền quán, ta nên có tâm từ đối với tất cả mọi sự sống chung quanh.
Bước kế tiếp trong hành trình lên núi là Chính ngữ.
Chính ngữ dạy cho ta cách tiếp xúc, liên hệ đến hoàn cảnh và những người chung quanh ta. Chính ngữ là một phương thức có khả năng giúp ta sống hòa hợp với thế giới chung quanh, thiết lập một mối liên hệ hòa ái giữa ta và những người khác hay thiên nhiên. Chính ngữ là không nói những gì sai với sự thật, không nói những lời chia rẽ và căm thù. Chỉ nói những lời chân thật, có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải.
Có một câu chuyện kể lại rằng, đức Phật sau khi thành đạo, trở về gặp lại gia đình của ngài. Nhiều người thân thuộc, bạn bè cảm phục bởi đức tính từ bi, tỉnh thức của Phật, đã xin được quy y theo ngài. Trong số đó có Rahula, con trai của đức Phật. Lúc ấy Phật có thuyết giảng một bài pháp tên là “Lời khuyên cho Rahula”. Trong bài giảng này Phật dạy đứa con ruột của ngài là đừng vì bất cứ một lý do nào mà phải nói những lời không chân thật, cho dù nó có đem lợi đến cho mình hay bất cứ một ai. Sự trung thành của mình với sự thật là một việc tối quan trọng. Nó giữ cho những liên hệ của mình với thế giới chung quanh được dễ dàng và đỡ phức tạp hơn. Thành thật trong lời nói sẽ dẫn đến sự thành thật với chính mình. Trong thân và tâm ta, có biết bao nhiêu chuyện mà ta hằng trốn tránh: Những đau đớn, bực dọc mà ta không bao giờ muốn nhắc đến. Nhưng như vậy là ta đã không thành thật với chính mình. Chân thật trong lời nói là căn bản cho sự chân thật trong tâm tưởng. Có thành thật với chính mình ta mới có thể cởi mở tâm mình ra. Và nhờ đó mà ta có thể nhận diện và đối trị với mọi trạng thái bệnh hoạn của tâm hồn.
Bước thứ tư trên con đường đi lên là Chính nghiệp.
Chính nghiệp có nghĩa là chọn một lối sống chân Chính. Không sát sanh, thì không làm cho người khác bị đau khổ. Không trộm cắp thì không lấy những gì không phải là của  mình. Không tà dâm, cũng có nghĩa là không vì những ham muốn, tham dục thể xác mà làm khổ người khác. Thường thường chúng ta ít khi thấy được những hậu quả lâu dài gây ra bởi hành động của mình...
Trong Mount Analogue có một câu chuyện nói về việc này. Đối với những người leo núi, có một luật mà ai cũng phải tuân theo là khi lên đến một độ cao nào đó, họ không được phép giết hại bất cứ một sinh vật nào. Họ phải mang theo thực phẩm đầy đủ. Một hôm có một người lên leo quá độ cao ước định đó, nhưng chẳng may anh ta lại bị kẹt trong một trận bão tuyết. Trong liên tiếp ba ngày trời anh sống trong một căn lều tạm bợ, không thực phẩm. Gió tuyết lạnh đông đá hết mọi vật chung quanh. Đến ngày thứ ba cơn bão đi qua. Trong một lỗ hang nhỏ dưới lớp tuyết, anh thấy có một con chuột già chui lên. Bụng đói vì ba ngày không ăn, anh nghĩ không có hại gì khi giết con chuột già này để đỡ đói. Anh ta tìm một cục đá và giết con chuột. Xong anh trở xuống núi, chẳng nghĩ gì đến con vật mình vừa sát hại. Cho đến một hôm, anh bị đem ra xử trước tòa bởi những người có phận sự bảo trì ngọn núi và những con đường mòn chung quanh. Anh bị xử về tội sát hại con chuột, mà đến giờ này anh đã quên bẵng. Dường như hành động nhỏ nhặt của anh lúc đó, giờ đã gây nên một tai họa. Con chuột già yếu mà anh giết ngày đó, vì không đủ sức đuổi bắt những con côn trùng khỏe mạnh, nên nó sống bằng cách tìm ăn những con côn trùng bệnh hoạn. Khi nó bị giết đi, dân số côn trùng bệnh hoạn không còn được thiên nhiên kiểm soát nữa. Bệnh hoạn lan tràn sang những côn trùng khỏe mạnh khác và dần dà cả loài bị tiêu diệt. Những côn trùng này từ lâu có trách nhiệm trong việc bón phân và truyền phấn hoa đến những nhụy cái, cho các thực vật mọc trên sườn núi. Khi loài côn trùng chết đi, những thực vật mất đi chất nuôi dưỡng và phương tiện truyền chủng, nên cũng tàn tạ theo. Từ bấy lâu nay, những thực vật mọc ở hai bên sườn núi giúp giữ cho đất đá được liền lại với nhau. Giờ trơ trọi, sườn núi cũng bắt đầu bị thời tiết ăn mòn. Cuối cùng, một trận đất lở đã giết chết một số người leo núi và ngăn trở con đường đi lên. Tất cả bắt đầu từ một hành động dường như vô hại là giết một con chuột già yếu.
Bởi vì chúng ta thường không có khả năng nhìn thấy những hậu quả lâu dài của hành động mình, chúng ta hãy có ý thức trong từng việc làm, đừng tiêu diệt thế giới chung quanh, hãy đi gieo những hạt giống của an lạc, từ bi và hạnh phúc.
Bước kế tiếp trong Bát Chính đạo là Chính mạng.
Chính mạng có nghĩa là chọn một phương thức sinh sống nào đừng làm tổn hại đến người khác, chọn những nghề nghiệp nào không liên quan đến sự sát hại, trộm cắp hay lường gạt kẻ khác. Thông thường thì những nghề như buôn bán hay chế tạo vũ khí và rượu, săn bắn, đánh cá đều có làm tổn thương đến những sinh vật khác. Đạo pháp không phải là ngồi yên một chỗ. Ngồi yên là một phương tiện hiệu quả để đạt đến trí tuệ, nhưng trí tuệ và hiểu biết phải được thể hiện vào đời sống của chúng ta. Chính mạng là một trong sự thể hiện đó. “Hãy bước đi thiêng liêng như những người da đỏ. Hãy biến sự sống của mình thành một nghệ thuật”. Hãy làm những gì chúng ta làm với một thái độ cẩn trọng. Hãy làm với một ý niệm tỉnh thức.
Ba bước kế tiếp có liên quan đến sự tu tập thiền quán.
Bước đầu tiên trong ba bước này, lại là bước quan trọng nhất là Chính tinh tấn.
Thiếu sự cố gắng ta sẽ chẳng làm được gì. Trong Vi diệu pháp (Abhidharma) có nói: “Tinh tấn, cố gắng là gốc rẽ của mọi thành công, là nền móng của sự thành đạo”. Nếu chúng ta muốn lên đến đỉnh núi mà chỉ biết ngồi mơ tưởng thôi, thì ngàn năm vẫn sẽ chẳng có việc gì xảy ra. Bất cứ một hành trình nào cũng là một tập hợp của những sự cố gắng, dụng công. Nhờ bước từng bước nhỏ mà ta lên đến đỉnh núi. Ramana Maharshi, một vị thánh của thời đại này ở Ấn Độ, viết: “Chưa ai có thể thành công mà không phải cố gắng. Tâm an lạc không phải là một tánh tự nhiên ta có khi mới sanh. Những ai thành công đều nhờ ở đức tính nhẫn nại của mình.”  Nhưng tinh tấn, cố gắng phải trong một mức độ quân bình. Bởi sự nóng nảy hay khẩn trương là những trở ngại lớn trên con đường tu tập. Năng lực phải được quân bình với sự tĩnh lặng. Nó cũng giống như khi ta lên dây đàn. Dây đàn lên cứng quá hay lỏng quá cũng không thể phát ra được đúng âm độ. Trong sự tu tập của ta cũng thế, chúng ta phải tinh tấn, kiên trì nhưng  với một tâm thoải mái và quân bình, cố gắng nhưng không đàn áp. Trong ta có ngàn hiện tượng đang chờ sự khám phá, tâm ta có muôn từng muôn lớp để tìm hiểu. Với sự tinh tấn, con đường tu tập của ta sẽ rộng mở. Không ai có thể cố gắng giùm ta được. Không ai có thể giác ngộ giùm ta được. Sự giác ngộ của đức Phật đã giải quyết vấn đề cho ngài, chứ không giải quyết vấn đề cho ta. Có chăng là chỉ cho ta một lối thoát. Mỗi người chúng ta phải tự thắp đuốc lên mà đi.
Chính niệm là bước thứ bảy trên con đường Bát Chính.
Chính niệm có nghĩa là ý thức được những gì đang  xảy ra trong giờ phút hiện tại. Tôi muốn nói, chú ý đến những thay đổi, biến chuyển của mọi hiện tượng. Khi đi, ý thức được những cử động của cơ thể. Khi quán hơi thở, ý thức được cảm giác ra vào hay lên xuống, ý thức được sự có mặt của tư tưởng hay cảm giác. Như một thiền sư nào đó đã nói: “Khi anh đi, đi. Khi anh chạy, chạy. Đều trên hết là đừng có do dự”. Bất cứ đối tượng là gì, bạn hãy ý thức được nó, nhưng đừng có nắm bắt, vì nắm bắt là tâm tham. Cũng đừng xua đuổi, vì xua đuổi là tâm sân. Cũng đừng lãng quên, vì lãng quên là tâm si. Hãy quan sát những biến chuyển cùng diễn tiến của đối tượng. Một khi Chính niệm được phát triển đúng mức, tất cả sẽ trở nên nhẹ nhàng  và một ngày trở thành một điệu vũ. Chính niệm sẽ đem lại cho tâm ta một sự thăng bằng và an tĩnh. Nó có khả năng giữ cho tâm ta được sắc bén, để ta có thể ngồi lại mà quan sát, theo dõi những hiện tượng xảy ra chung quanh như một vở tuồng.
Bước cuối cùng trên con đường lên đến đỉnh núi là Chính định.
Chính định có nghĩa là có khả năng tập trung  tâm ý, giữ cho tâm mình ở với một đối tượng duy nhất. Những ngày đầu tu tập, bạn sẽ cảm thấy khó khăn vì chưa có nhiều định lực. Khi leo núi, chúng ta phải có ít nhất một sức khỏe, lúc ban đầu ta sẽ dễ mệt và khó chịu. Nhưng dần dà khi cơ thể quen đi, ta cảm thấy khỏe khoắn và việc leo núi trở nên dễ dàng. Sự tu tập thiền quán của ta cũng thế. Khi định lực phát triển, ta sẽ có khả năng sống trong hiện tại dễ dàng hơn. Những khó khăn lúc ban đầu không còn là một trở ngại nữa.
Nếu bạn đặt một nồi nước lên lò, rồi cứ vài phút lại mở nắp ra, chờ cho nước sôi thì lâu lắm. Nhưng nếu bạn đặt nồi lên lò, rồi để yên đừng đụng đến, thì nước sẽ chóng sôi hơn.
Các khóa tu thiền là những cơ hội quý giá giúp cho ta tập phát triển định lực và Chính niệm. Bằng sự tu tập liên tục, mỗi giây phút sau được xây dựng bằng công phu của giây phút trước, trong một thời gian ngắn tâm ta sẽ trở nên sắc bén và có khả năng soi thấu được chân tướng của sự vật.
Hành trình của chúng ta bao gồm sự sống hòa hợp với thế giới chung quanh và tìm hiểu lấy chính mình. Trong Mount Analogue có lời khuyên sau đây cho những ai đang đi trên con đường tỉnh thức: “Hãy giữ ánh mắt của mình trên con đường đi lên. Nhưng nhớ đừng quên nhìn những gì ngay trước mặt. Bước cuối cùng nương tựa vào bước đầu tiên. Đừng nghĩ rằng bạn đã đến nơi chỉ vì bạn đã nhìn thấy đỉnh núi cao. Hãy cẩn thận chỗ bạn sẽ đặt chân. Bước tới cho vững vàng. Nhưng đừng vì vậy mà xao lãng mục tiêu cuối cùng. Bước đầu tiên nương tựa trên bước chót”.
Sống vững vàng trong hiện tại, phát triển Chính niệm trong từng giây phút và vững tin nơi khả năng tự do của sự tỉnh thức.
  

Hỏi: Tôi có cảm giác rằng hơi thở vào lúc nào cũng mạnh hơn, điều này làm xáo trộn sự tập trung của tôi. Tôi phải làm gì?
Đáp: Hơi thở là một đề mục rất hay và quan trọng trong thiền quán, vì hơi thở có rất nhiều trạng thái và cường độ mạnh nhẹ khác nhau. Có khi nó mạnh và nặng nề, có khi nó thoải mái và nhẹ nhàng. Hơi thở có thể thay đổi giữa khi ta thở vào và thở ra, hay là sau một thời gian ngắn. Cũng có những lúc hơi thở nhẹ đến nỗi ta không cảm thấy gì hết. Hơi thở là một đề mục vô giá trong thiền quán. Bởi vì một khi hơi thở trở nên nhẹ nhàng, ta có thể dùng nó để đem tâm mình an tịnh xuống cùng một mức độ với hơi thở. Khi bạn thấy hơi thở càng lúc càng trở nên thanh nhẹ, lắng tâm xuống thật yên để có thể nhận diện được nó. Nó đòi hỏi một sự cố gắng – để không làm gi hết, chỉ yên lặng.
Hỏi: Làm cách nào để biết một người đã giác ngộ?
Đáp: Một người giác ngộ hay tỉnh thức không để lại một dấu vết nào hết. Làm sao ta có thể đo lường được một tâm tự tại bằng những giác quan giới hạn của mình! Nó đã ra ngoài sự suy luận. Cũng giống như ta đi tìm một ánh lửa đã tắt. Bạn tìm kiếm ở đâu bây giờ? Bạn không thể nghĩ giác ngộ, tình thức như là một cái gì có thể đụng chạm hay sờ mó được. Người tỉnh thức không có một dấu hiệu đặc biết nào trên trán họ hết, nhưng bạn vẫn có thể cảm nhận được họ qua những đức tính thương yêu, hiểu biết mà họ có.
Hỏi:  Về sự liên hệ với cha mẹ và trách nhiệm hướng dẫn họ vào đạo pháp. Cha mẹ tôi thắc mắc tại sao tôi lại đi dự những khóa thiền như  thế này, tôi cố giải thích nhưng hình như không có cách nào làm cho họ hiểu được!
Đáp: Có rất nhiều cách để người ta thong cảm nhau - mà  thường thì lời nói lại là một phương tiện kém hữu hiệu nhất. Nếu bạn ở với cha mẹ hay bất cứ một ai,mà bạn giữ sự an lạc, tĩnh lặng, không phê phán ai, chấp nhận, thương yêu và tử tế, tôi nghĩ bạn sẽ không cần phải nói một lời nào. Con người an lạc của bạn tự nó có khả năng tạo nên một khoảng không gian tươi mát. Điều này đòi hỏi  thờ gian tu tập. Người ta bao giờ cũng vẫn có thành kiến với những gì không hợp với quan niệm của mình. Khi nào bạn nói những điều gì có vẽ khác thường, mới lại họ sẽ trở nên bảo thủ. Thế nên ta đừng bao giờ chấp vào hình thức quá, hãy sống tự nhiên, đạo pháp sẽ hiển bày. Một tâm tĩnh lặng sẽ ảnh hưởng đến thế giới chung quanh. Nó đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và thật nhiều tình thương,
Hỏi: Trong khi ngồi thiền, tôi thường thấy mình hay tưởng tượng hơi thở tôi là một luồng nước, chảy tới lui trong một đường hầm. Những hình ảnh như thế có hại cho Chính niệm không?
Đáp: Có. Cốt tủy của pháp tu thiền quán anfy là trực tiếp kinh nghiệm chứ không phải dùng tưởng tượng. Hình ảnh hóa hơi thở của mình là tạo nên một khái niệm. Khái niệm không phải là sự thật, nó chỉ là bong dáng của sự thật. Điều cần nhớ là kinh nghiệm những cảm giác cảu hơi thở, chứ không phải tạo nên một ý niệm về hơi thở.
Hỏi: Việc tôn thờ thượng đế áp dụng vào sự tu tập này cách nào?
Đáp: Tùy theo định nghĩa của bạn về thượng đế. Mỗi người có một câu trả lời khác nhau. Ta có thể nói thượng đế tức là chân lý tối cao, đạo pháp, chân như của vạn vật. Hiểu như vậy thì tôn thờ thượng đế có nghĩa là sống trong chân lý, sống đúng với Giáo Pháp. Để cho Giáo Pháp tự nhiên phô bày.


Bổ sung thêm

Sau khi thành đạo, đức Phật đến vườn Lộc Uyển, tìm nhóm ông Kaundinya (Kiều Trần Như). Tại đây, trước nhất đức Phật giảng cho họ về Trung đạo. Sau đó đức Phật giảng cho các vị tôn giả về Chính đạo. Ngài nói rằng Chính đạo gồm có tám điều. Ngài bắt đầu bằng việc giải thích về Chính kiến (Samyag-dristi – Right Views – Tư duy đúng), tức là điều thứ nhất và quan trọng nhất của Chính đạo.
“Để nhận thức được tầm quan trọng của Chính kiến,” Phật nói với các tôn giả, “quý vị phải thấy rằng đời là một ngục tối, và con người là tù nhân trong cái ngục tối đó. Cái ngục này thật là tối. Tối đến nỗi các tù nhân khó có thể nhìn thấy gì. Tù nhân cũng không nhận thức được rằng mình đang ở trong tù.”
“Quả thật, người ta không những đã trở thành đui mù vì đã bị sống trong u minh tăm tối quá lâu, mà người ta còn không tin được rằng có thể có một sự vật lạ lùng gọi là ánh sáng bao giờ. Trí tuệ là công cụ độc nhất để qua nó ánh sáng có thể đến với con người. Nhưng mà trí tuệ của các cư dân trong ngục tối này không đủ để có thể là dụng cụ hoàn bị cho mục đích đó được. Nó chỉ cho một tí ánh sáng vào thôi. Chỉ vừa đủ để chứng tỏ cho những ai có tí chút thị giác nhận thức được rằng quả thật có cái gọi là u minh tăm tối đó. Nhưng chỉ hiểu biết sáng tối như thế thì quả là còn thô thiển.”
“Nhưng xin chư vị khất sỹ đây hiểu rằng tình cảnh của các tù nhân đó không đến nỗi tuyệt vọng như nó xem ra. Bởi vì trong người ta có cái gọi là ý chí. Khi có một động lực thích hợp dấy lên, ý chí có thể được đánh thức và khởi động. Chỉ cần vừa đủ ánh sáng để nhận ra một phương hướng nào đó để định hướng cho sự hoạt động của ý chí, con người có thể dẫn dắt mình đến tự do.”
“Như vậy mặc dù con người bị trói buộc, nhưng anh ta có thể đạt được sự giải thoát. Bất cứ lúc nào anh ta cũng có thể bước cái bước đầu tiên để rốt cục đưa mình đến sự giải thoát. Đấy là bởi vì trí óc có thể được huấn luyện để tiến về bất cứ lối nào ta muốn. Chính trí óc đã biến ta thành những tù nhân trong cuộc đời. Chính trí óc khiến mình thành như thế. Nhưng cái gì do trí óc làm ra, trí óc có thể hủy bỏ. Nếu nó đưa người ta đến cuộc đời nô lệ, thì chính nó cũng có thể đưa người ta đến tự do khi xác định được đúng hướng. Và đấy là việc mà Chính kiến có thể làm được.”
Các tôn giả hỏi, “Thế thành quả của Chính kiến là gì?”
Phật đáp, “Là sự giải trừ Vô minh (tăm tối – Avijja). Nó chống lại Tà kiến (Mrishaa-Dristi – Wrong Views). Và Vô minh có nghĩa là không hiểu được các chân lý cao quý, nghĩa là không hiểu được sự hiện hữu của Khổ và cách diệt Khổ. Chính kiến làm được điều đó”.
- Chính kiến là bác bỏ sự tin tưởng vào hiệu năng của các nghi thức và việc cúng tế.
- Chính kiến là bác bỏ quyền lực thần thánh của kinh sách.
- Chính kiến là phải từ bỏ mê tín và dị đoan.
- Chính kiến là phải từ bỏ tất cả các học thuyết chỉ biết luận bàn tranh cãi mà không được căn cứ vào sự thật hay trải nghiệm thực tế.
- Chính kiến đòi hỏi tâm và trí phải cởi mở.
“Mỗi người đều có mục tiêu, nguyện vọng và tham vọng. Chính Tư duy (Samyag-Samkalpa) dậy rằng những mục tiêu, nguyện vọng và tham vọng đó phải cao thượng và đáng khâm phục, chứ không được thấp hèn và vô giá trị”.
Một trong những tượng Phật Thích Ca truyền thống cổ nhất. Gandhara (Càn Đà) thế kỷ đầu Công nguyên (Bảo tàng Quốc gia Tokyo)
 “Tiếp đến là Chính Ngữ  (Samyag-vacca – Right Speech). Chính ngữ dậy rằng:
- Chỉ được nói thật,
- Không nên bịa đặt,
- Không nên nói xấu người khác,
- Phải kiềm chế sự vu khống,
- Không nên buông những lời giận dữ và thóa mạ đến người khác,
- Nên nói tốt và nhã nhặn với mọi người,
- Không nên chìm đắm vào những chuyện gẫu vu vơ, ngu ngốc, mà chỉ nên nói những gì  hợp lý và đúng vào vấn đề.
“Như tôi đã giải thích, ta tuân thủ vào Chính ngữ không vì sợ hãi hay để hưởng phúc. Không nên quan tâm chút nào đến việc các đấng bên trên đánh giá thế nào về hành vi của mình, hay đến bất cứ một sự thua thiệt nào mà Chính ngữ có thể gây ra cho mình. Nguyên tắc là tuân thủ Chính ngữ không phải do sợ phạm vào các giới cấm từ bên trên, hay vì để được lợi ích cá nhân; mà tất cả đều phải do tự tâm”.
Chính nghiệp (Samyag-karmanta – Right Conduct) chỉ cho ta cách cư xử tốt. Nó dậy rằng mọi hành vi đều phải căn cứ vào sự tôn trọng cảm xúc và quyền lợi của người khác. Nguyên tắc của Chính nghiệp là gì? Đó là hướng hoạt động hài hòa nhất với các nguyên tắc sống căn bản. Mọi việc chúng ta làm sẽ hài hòa với Chính nghiệp khi chúng đồng thuận với các nguyên tắc này.”
“Và ai cũng phải mưu sinh. Nhưng có nhiều cách để lập nghiệp, tốt có, xấu có. Nghề nghiệp xấu là loại gây thương tổn và bất công cho người khác. Lối sống tốt là tìm việc làm nào không gây thương tổn và bất công cho ai. Đấy gọi là Chính mệnh (Samyag-ajiva – Right Livelihood).”
Chính tinh tấn (Samyag-vyayama – Right Efforts) là hướng hết nỗ lực của mình vào việc diệt vô minh tăm tối, để đến được và mở được cái cửa dẫn ra khỏi cái ngục tối đau thương kia. Chính tinh tấn có bốn mục đích:
- Một là để ngăn ngừa các trạng thái tâm trí đi ngược với Chính đạo.
- Hai là để trấn áp các trạng thái tâm trí xấu đó nếu chúng đã dấy lên.
- Ba là tạo ra những trạng thái tâm trí có thể giúp ta đáp ứng những đòi hỏi của Chính đạo.
- Bốn là để thúc đẩy sự gia tăng và phát triển hơn nữa các trạng thái tâm trí tốt lành đó, nếu chúng đã hiện hữu.”
Chính niệm (Samyak-smriti – Right Mindfulness) đòi hỏi sự chú tâm và thận trọng. Nó là sự luôn cảnh giác của tâm trí. Một cách định nghĩa khác của Chính niệm là sự canh chừng và bảo vệ tâm trí trước những đam mê tà mị.”
“Này chư vị khất sỹ, có năm cái gông cùm, hay chướng ngại vật, luôn cản đường những ai muốn đạt Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tấn, Chính niệm.”
“Chúng là tham lam, thành kiến, uể oải lười biếng, nghi ngại và không quả quyết. Vì thế phải vượt qua được những trở ngại, mà thật ra là những cái cùm, đó. Và cách vượt qua được chúng là nhờ vào Chính định. Nhưng chư vị khất sỹ nên biết rằng Chính định (Samyak-Samadhi – Correct Concentration) thật ra khác với Định (Samadhi – Concentration). Khác nhiều đấy.”
“Định chỉ là sự tập trung tư tưởng. Chắc chắn nó cũng giúp đạt được những khoảnh khắc của trạng thái Thiền định, nhưng là loại đột phát, dù cũng tạm ngăn được năm chướng ngại kia.”
“Nhưng những khoảnh khắc nhập Thiền này đều chỉ là tạm thời. Cho nên sự ngăn chặn được các chướng ngại kia của Định cũng chỉ là tạm thời. Điều cần thiết là đạt được sự chuyển hướng vĩnh viễn của tâm trí.
“Chỉ có Định thôi vẫn là tiêu cực, vì nhiều lắm Định cũng chỉ chặn được các chướng ngại kia một cách tạm thời, ngắn ngủi. Và nó không rèn luyện cho tâm trí được gì mấy. Trong khi đó Chính định mới là tích cực. Nó luyện cho tâm trí tập trung và suy tưởng vào các hành vi, tư tưởng tốt lành (Kusala Karma) trong lúc tham thiền. Và nhờ đó loại trừ được khuynh hướng ngả về các hành vi, tư tưởng xấu (Akusala Karma) do năm chướng ngại kia tạo ra. Chính định tạo cho tâm trí thói quen nghĩ về điều tốt lành, và luôn luôn chỉ nghĩ về điều tốt lành. Chính định tạo cho tâm trí những năng động lực cần thiết để hành thiện.”


17/11/2015

Tác dụng chữa bệnh của một số loại rau gia vị có trong vườn nhà

Lá lốt: có vị nồng, hơi cay, có tính ấm, chống hàn (như bị lạnh bụng), giảm đau, chống phong hàn ở mức thấp, tay chân lạnh, tê tê, nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu (có lẽ vì thế mà được dùng với thịt bò nướng vốn khó tiêu), đau đầu vì cảm lạnh...
Nước sắc toàn cây trị đầy bụng, nôn mửa vì bị hàn. Nước sắc rễ chữa tê thấp vì bị khí hàn. Cành lá sắc đặc ngậm chữa đau răng. Lá tươi giã nát, phối hợp với lá khế, lá đậu ván trắng, mỗi thứ 50g thêm nước gạn uống giải độc, chữa say nắng.
Lá lốt còn được dùng để nấu nước ngâm tay chân cho người bị bệnh tê thấp, hay đổ mồ hôi tay, mồ hôi chân, trừ phong thấp.
Lá lốt VN.jpg
Ngoài ra lá lốt có tác dụng thần kỳ khi kết hợp với hành: Hành củ cắt lát cho vào bát nước mắm, vắt vài giọt chanh rồi ăn kèm với lá lốt. Đây là vị thuốc vừa chống cảm cúm, tăng cường sức khoẻ vừa là Viagra số 1 cho đàn ông.
Rau húng quế (húng chó, húng Láng): 
Húng quế đa dạng về chủng loại. Xét về hình thái có loại lá to, loại lá nhỏ; lá thân đều màu xanh hoặc lá xanh thân tím; cả lá và thân đều màu tím v.v. Về mùi hương thì có loại ngả mùi quế, mùi chanh, mùi sả v.v.
Húng quế Tây hay quế châu Âu (sweet basil), còn gọi là quế ngọt, quế Tây, húng Tây rất thơm, mùi hăng đậm, ngọt và mát. Cái tên basil lấy từ tiếng Hy Lạp basilikohn, có nghĩa "đế vương," do người Hy Lạp xưa rất quý basil vì họ dùng nó làm nên nhiều loại thuốc. Quế Tây thường có lá trơn, hình tròn bầu dục, vị không the bằng nhưng rất dậy hương và thường được dùng ăn sống hoặc gia vào làm gia vị cho các món mì Ý (pasta), salad, thịt nướng, pizza. Quế Tây đặc biệt thích hợp làm các loại xốt cà chua, xốt pho mát, sốt pesto, xúp cà chua, xúp pho mát, salad cà chua phomat. Một số món ăn đặc trưng trong ẩm thực Ý tượng hình quốc kỳ Italia với ba màu đỏ, xanh lá, và trắng (như pizza, salad), trong đó màu xanh tạo thành từ màu của lá basil, màu đỏ của cà chua và màu trắng của phomai mozzarella.
Húng quế ở Việt Nam thuộc loài húng phổ biến vùng Đông Nam Á (nhiều người cho rằng cây có gốc xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ, thường được châu Âu biết đến với tên gọi húng Thái (Thai basil), và ở Việt Nam có các tên còn gọi là rau quế, é quế, húng giổi, húng dổi, húng chóhay húng lợn. Húng quế Việt Nam có mùi dịu nhẹ hơn húng quế ở châu Âu, thoảng hương vị quế. Lá và ngọn non húng quế được sử dụng như một loại rau thơm ăn kèm trong các món như lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, bún chả, bún bò Huế, phở (miền Nam). Hạt của loài này gọi là hạt é, có độ trương nở mạnh tạo thành khối chất nhầy khi gặp nước, thường sử dụng làm nguyên liệu trong nước giải khát đặc biệt phổ biến là là món chè sương sáo hạt é.
 Đây là 2 loại rau có rất nhiều giá trị, nếu mỗi bữa ăn từ 10-12 ngọn có tác dụng giải quyết vấn đề rối loạn chuyển hoá, chữa tiểu đường.
Mùi tàu (ngò gai):
 Mùi tàu có vị cay nóng, ôn ấm tì vị nên thường ăn cùng đồ lạnh như vịt, tiết canh để trung hoà. Cây gia vị này cũng có tác dụng chữa hôi miệng khi được sắc đặc, cho thêm vài hạt muối để lấy nước ngậm và súc miệng nhiều lần trong ngày.
Nếu thường xuyên uống nước mùi tàu còn có thể làm hạ cholesterol trong máu.
Với trẻ nhỏ, khi nổi mụn đỏ ngứa có thể lấy mùi tàu tươi giã nát, lấy nước bôi. Với những trường hợp bị kiết lỵ: Lấy hạt mùi già, sao thơm, tán nhỏ, uống mỗi lần 7-8gr.
Diếp cá (dấp cá): 
Diếp cá có vị cay chua, mùi tanh, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu tiêu thũng, sát trùng; còn có tác dụng ức chế thần kinh và chống viêm loét. Người ta đã biết là cordalin có tác dụng kích thích gây phồng, quercitrin có tác dụng lợi tiểu mạnh.
Bên cạnh đó, diếp cá cũng được coi là "thần dược" chữa bệnh trĩ. Lấy diếp cá rửa sạch, giã nhỏ, đắp vào hậu môn. Trường hợp búi trĩ gây đau rát, nấu diếp cả để xông, phần bã đắp vào chỗ đau.
Trị chứng đái buốt, đái dắt: Diếp cá, rau má, mã đề, mỗi thứ một phần, rửa sạch, giã nát lọc lấy nước, uống ngày 3 lần, thực hiện trong 7-10 ngày.
Chữa sỏi thận: 20g diếp cá, 15g rau dệu, 10g cam thảo đất, mỗi ngày sắc uống 1 tháng trong vòng 1 tháng.
Điều trị sốt ở trẻ em: Diếp cá tươi rửa sạch, giã nát lấy nước, ngày uống 2 lần đến khi hết sốt.
Tía tô
Với vị cay, tính ấm, tía tô là loại cây được dùng phổ biến trong y học cổ truyền.
Động thai: Sắc cành lá cây tía tô để uống hoặc sắc lấy nước nấu cháo để ăn. Trường hợp nôn ói dữ dội khi mang bầu, ngoài cành tía tô, thêm một phần sắn dây sắc lấy nước uống.
Giải cảm: Tía tô tươi, 3 củ hành tươi thái nhỏ cho vào cháo nóng, ăn lúc còn nóng. Với cảm lạnh, dùng lá tía tô nấu nước uống hoặc dùng lá tía tô với kinh giới, hương nhu, lá sả, lá tre nấu với nước để xông.
Vết thương chảy máu: Lấy tía tô non giã nhỏ, đắp lên vết thương rồi buộc lại. Làm vậy, vết thương sẽ cầm máu, không gây mủ và không để lại vết sẹo khi lành.
Chữa đau bụng, đầy chướng: Giã lá tía tô lấy một bát nước, hòa một chút muối cho uống một lần.
Rau răm: 
Trong đông y, rau răm có tác dụng kích thích tiêu hóa, hoạt huyết tiêu độc.
Chữa nước ăn chân: Rau răm giã nhỏ đắp hoặc lấy nước bôi vào nơi bị đau, ngày 2 lần
Chữa hắc lào, ghẻ lở: Có thể giã nát rau răm để đắp hoặc lấy rượu ngâm rau răm để bôi.
Chữa đầy hơi, chướng bụng: Rau răm tươi giã nhỏ. vắt lấy nước uống. Bã đem xoa bụng, tập trung vào vùng rốn.
Tuy nhiên không nên ăn nhiều rau răm sẽ làm giảm ham muốn ở cả nam và nữ. Phụ nữ có thai không nên ăn vì có thể gây sảy thai.
Thì là: 
Có vị cay, ấm, thì là có tác dụng chính là chữa rối loạn kinh nguyệt bằng cách đơn giản, giã nhỏ lấy ước, trộn chung với nước ép cần tây, uống ngày 3 lần.
Chữa rối loạn tiêu hóa: Ăn thì là nấu chín mỗi ngày giúp tiêu hóa tốt và chống táo bón ở người lớn. Với trẻ em, có thể uống 1-2 thìa nước sắc thì là mỗi ngày.
Chữa mất ngủ: Ăn canh thì là vào bữa tối hoặc hãm nước hạt thìa là uống trước giờ ngủ.
Chữa thiếu sữa: Nấu canh hoặc hãm hạt thì là với nước sôi để uống.

16/11/2015

Tự sự của nhà thơ Hữu Loan, cha đẻ "Màu tím hoa sim nổi tiếng"

Thấy bài này hay quá, đăng lên để mọi người thưởng thức và hiểu thêm về một bài thơ - bài hát nhiều người yêu thích.

"Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, hồi nhỏ không có cơ may cắp sách đến trường như bọn trẻ cùng trang lứa, chỉ được cha dạy cho dăm chữ bữa có bữa không ở nhà. Cha tôi tuy là tá điền nhưng tư chất lại thông minh hơn người. Lên trung học, theo ban thành chung tôi cũng học tại Thanh Hóa, không có tiền ra Huế hoặc Hà Nội học. 
Đến năm 1938 – lúc đó tôi cũng đã 22 tuổi – Tôi ra Hà Nội thi tú tài, để chứng tỏ rằng con nhà nghèo cũng thi đỗ đạt như ai. Tuyệt nhiên tôi không có ý định dấn thân vào chốn quan trường. Ai cũng biết thi tú tài thời Pháp rất khó khăn. Số người đậu trong kỳ thi đó rất hiếm, hiếm đến nỗi 5-6 chục năm sau những người cùng thời còn nhớ tên những người đậu khóa ấy, trong đó có Nguyễn Đình Thi , Hồ Trọng Gin, Trịnh Văn Xuấn, Đỗ Thiện và…tôi – Nguyễn Hữu Loan.
Với mảnh tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa để dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà tham Kỳ chú ý, mời về nhà dạy cho hai cậu con trai. Tên thật của bà tham Kỳ là Đái Thị Ngọc Chất, bà là vợ của của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. 
Ở Thanh Hóa, bà tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt tới. Bà tham Kỳ là một người hiền lành, tốt bụng, đối xử với tôi rất tốt, coi tôi chẳng khác như người nhà.
Nhớ ngày đầu tiên tôi khoác áo gia sư, bà gọi mãi đứa con gái – lúc đó mới 8 tuổi - mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay, miệng lí nhí: ” Em chào thầy ạ!” Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. 
Thế là tôi dạy em đọc, dạy viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh em trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đấy nhưng ít nói và mỗi khi mở miệng thì cứ y như một “bà cụ non”. 
Đặc biệt em chăm sóc tôi hằng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chỗ tôi ngồi ăn cơm lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng nước em vừa hái ở vườn, những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà mang ra giếng giặt …..
Có lần tôi kể chuyện ”bà cụ non” ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em giận! Suốt một tuần liền, em nằm lì trong buồng trong, không chịu học hành… Một hôm bà tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện em nghe, rồi tôi đọc thơ…
Trưa hôm ấy, em ngồi dậy ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý: “Mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu” Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi …..
Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em.Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. 
Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. Bất chợt em hỏi tôi:
- Thầy có thích ăn sim không ?
Tôi nhìn xuống sườn đồi tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ…
Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy chín mọng.
- Thầy ăn đi.
Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ:
- Ngọt quá!
Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những quả sim ngọt đến thế! 
Cứ thế, chúng tôi ăn hết qủa này đến qủa khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì… tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo! 
Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. 
Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi… lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng ,em vẫn đứng đó nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi…Tôi quay đầu nhìn lại… em vẫn đứng yên đó… Tôi lại đi và nhìn lại đến khi không còn nhìn thấy em nữa.
Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi vẫn được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 tuổi đã có nhiều chàng trai đên ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ …
Chín năm sau, tôi trở lại nhà… Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em, hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. 
Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp… Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không môn đăng hộ đối một chút nào. Mãi sau này mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm ”soạn kịch bản”. 
Một tuần sau đó chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, không đòi may áo cưới trong ngày hợp hôn, bảo rằng là: "yêu nhau, thương nhau cốt là cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả”. 
Tôi cao ráo, học giỏi, Làm thơ hay…lại đẹp trai nên em thường gọi đùa là anh chồng độc đáo. Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long, huyện Nông Công, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. 
Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết! Hai tuần phép của tôi trôi qua thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ. 
Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có giờ em không còn cô bé Ninh nữa mà là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, rồi quay đầu nhìn lại…..
Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống. Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ: vợ tôi qua đời! Em chết thật thảm thương: Hôm đó là ngày 25 tháng 5 âm lịch năm 1948, em đưa quần áo ra giặt ngoài sông Chuồn (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống), vì muốn chụp lại tấm áo bị nước cuốn trôi đi nên trượt chân chết đuối! 
Con nước lớn đã cuốn em vào lòng nó, cướp đi của tôi người bạn lòng tri kỷ, để lại tôi tôi nỗi đau không gì bù đắp nỗi. Nỗi đau ấy, gần 60 năm qua, vẫn nằm sâu thẳm trong trái tim tôi.Tôi phải giấu kín nỗi đau trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Tôi như một cái xác không hồn…
Dường như càng kìm nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. May sao, sau đó có đợt chỉnh huấn, cấp trên bảo ai có tâm sự gì cứ nói ra, nói cho hết. Chỉ chờ có thế, cơn đau trong lòng tôi được bung ra. Khi ấy chúng tôi đang đóng quân ở Nghệ An, tôi ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt tôi đẫm nước, tôi lấy bút ra ghi chép. 
Chẳng cần phải suy nghĩ gì, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra: “Nhà nàng có ba người anh đi bộ đội… Những em nàng có em chưa biết nói. Khi tóc nàng đang xanh…” Tôi về không gặp nàng…
Về viếng mộ nàng, tôi dùng chiếc bình hoa ngày cưới làm bình hương, viết lại bài thơ vào chiếc quạt giấy để lại cho người bạn ở Thanh Hóa… Anh bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh. 
Đó là bài thơ Màu tím hoa Sim. Đến đây, chắc bạn biết tôi là Hữu Loan, Nguyễn Hữu Loan, sinh ngày 2-4-1916 hiện tại đang “ở nhà trông vườn” ở làng Nguyên Hoàn – nơi tôi gọi là chỗ “quê đẻ của tôi đấy” thuộc xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa.
Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím. Cho nên tôi viết mới nổi những câu : “Chiều hành quân, qua những đồi sim… 
Những đồi sim, những đồi hoa sim.. Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết.. Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt…Và chiều hoang tím có chiều hoang biết…Chiều hoang tim tím thêm màu da diết.”
Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời... từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi” hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi”. Bọn họ chê tôi ủy mị, hoạch hoẹ đủ điều... Mặc kệ! Tôi thương tôi, tôi nhớ hoa sim của tôi quá!
Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó tôi khóc như vậy họ cho là khóc cái tình cảm riêng…
Y như trong thơ nói ấy, tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn một tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông… 
Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc? Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý...
Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước, có hai cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. 
Xe cút kít họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản...
Định mệnh đưa đẩy, dắt tôi đến với một phụ nữ khác, sống cùng tôi cho đến tận bây giờ. Cô tên Phạm Thị Nhu, cũng là phụ nữ có tâm hồn sâu sắc. Cô vốn là một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ năm 1954, 1955. Lúc đó tôi còn là chính trị viên của tiểu đoàn. Tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học, lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa. 
Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng. Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần năm trăm mẫu tư điền. Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. 
Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chỗ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông . 
Thế rồi, một hôm, tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. 
... Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn. Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc....
Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói. Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ. 
Sự quyết định của tôi không lầm. Quê tôi nghèo, lúc đó tôi còn ở trong bộ đội nên không có tiền, nhưng cô chịu thương chịu khó, bữa đói bữa no… Cho đến bây giờ cô đã cho tôi 10 người con – 6 trai, 4 gái – và cháu nội ngoại hơn 30 đứa! 
Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ...
Năm 1988, tôi "tái xuất giang hồ” sau 30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nghèo đèo heo hút gió. Tôi lang bạt gần một năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do hội văn nghệ Lâm Đồng và tạp chí Langbian tổ chức.
Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty Viek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyển bài Màu tím hoa Sim của tôi với giá 100 triệu đồng. Họ bảo đó là một hình thức bảo tồn tài sản văn hóa. Thì cũng được đi. Khoản tiền 100 triệu trừ thuế đi còn 90 triệu, chia “lộc” cho 10 đứa con hết 60 triệu đồng, tôi giữ lại 30 triệu đồng, phòng đau ốm lúc tuổi già, sau khi trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan. 
Sau vụ này cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác, nhưng tôi từ chối, thơ tôi làm ra không phải để bán".
Nhà thơ Hữu Loan