Joseph
Goldstenin - Nguyễn Duy Nhiên dịch
Thiền
viện Thường Chiếu
Chúng ta vừa mới bắt đầu
bước chân vào một hành trình. Cuộc hành trình đi vào thế giới của tâm ta. Một
cuộc hành trình với mục đích để khám phá, tìm hiểu con người thật của mình.
Nhưng bao giờ cũng vậy, vạn sự khởi đầu nan…
Mấy ngày tu tập đầu tiên sẽ
đầy dẫy những bồn chồn, buồn ngủ, chán nản, lười biếng hay nghi ngờ, và đôi khi
còn hối hận là mình đã lỡ dại tham dự khóa tu nữa. Bước đầu tiên nào cũng khó
cả. Spinoza, vào lúc gần hoàn tất một tác phẩm triết học của ông, có viết: “Mọi
công trình cao quí đều hiếm hoi và khó nhọc”. Con đường tầm đạo mà chúng ta
đang bước chân vào cũng rất là hiếm có và trân kỳ. Bởi thế chúng ta phải biết
từ tốn nhưng quyển Mount Analogue là một tỷ dụ thật đẹp cho cuộc hành trình mà
chúng ta đang đi.
Câu chuyện kể lại một nhóm người
cùng nhau đi tìm một ngọn núi đặc biệt. Chân núi nằm trên mặt đất, còn đỉnh núi
tượng trưng cho mục tiêu giải thoát cuối cùng. Lúc khởi đầu, đám người thám
hiểm ấy đã phải đối phó với một chướng ngại lớn lao là trong những trường hợp
bình thường, họ không thể nào nhìn thấy được chân núi. Họ phải vất vả, khó nhọc
lắm mới có thể định được phương hướng. Sau ngày đêm khổ cực tìm kiếm, cuối cùng
họ tìm đến được chân núi. Phần còn lại của quyển sách tả cảnh chuẩn bị, bao khó
khăn, những tranh đấu, hồi hộp trong suốt hành trình đi đến đỉnh núi.
Chúng ta cũng đang cùng
chung một hành trình với họ. Cố leo lên ngọn núi trí tuệ. Chúng ta đã biết được
một bí mật về sự tàng ẩn của nó: Giáo pháp chân lý không thể tìm thấy ở bên
ngoài mà hiện hữu ở ngay trong ta. Chúng ta chỉ cần bắt đầu từ ngay giờ phút
này.
Con đường lên núi, con đường
giải thoát, đã được vẽ lại bởi những người đi trước. Một bản ghi chép rõ ràng
nhất có thể tìm thấy trong kinh điển của đức Phật là Bát Chính Đạo. Bát Chính
Đạo có nghĩa là 8 con đường chân Chính dẫn đến giải thoát. Đây là một bản đồ,
một bản hướng dẫn chỉ ta đến mục tiêu giác ngộ.
Bước thứ nhất trên con đường
lên núi là Chính kiến.
Chính kiến có nghĩa là nhìn thấy hay hiểu biết được chân như
của sự vật. Thật ra đây là bước thứ nhất mà cũng là bước cuối cùng. Bởi vì ta
phải có một sự hiểu biết tối thiểu nào đó mới có thể bước chân vào hành trình
này. Và sự hiểu biết ấy sẽ dần dà trở thành trí tuệ, có khả năng đi sâu và nhận
diện được chân tướng của tâm. Trong giai đoạn đầu, Chính kiến có nghĩa là thấy
được những luật của thiên nhiên đang chi phối đời sống của mình. Một trong
những luật quan trọng nhất là luật Nhân quả (karma). Mỗi hành động đều sẽ đem
lại một kết quả nhất định nào đó. Không có bất cứ một việc gì mà tự nhiên hay
vô tình lại xảy đến cho ta. Mỗi khi chúng ta hành động vì tham, sân, si, khổ
đau sẽ đến với mình. Còn những khi chúng ta làm vì lòng từ bi hay trí tuệ, kết
quả sẽ là hạnh phúc và an lạc. Nếu chúng ta khôn khéo biết phối hợp luật Nhân
quả vào cuộc sống hằng ngày của mình, ta có thể bắt đầu đào luyện, phát triển
một tâm ý hoàn toàn tỉnh thức.
Đức Phật thường nhắc nhở các
đệ tử của ngài về đức tính rộng lượng. Bố thí là một biểu lộ của lòng không
tham lam ra thành hành động. Cuộc hành trình của ta gồm có sự buông bỏ, không
bám víu và không quyến luyến, mà tính rộng lượng là một biểu tượng của những sự
xả bỏ ấy.
Chính kiến, còn là biết chấp nhận mối liên hệ của ta, một nghiệp
quả đặc biệt, với cha mẹ. Ta phải biết nhận lãnh trách nhiệm cũng như bổn phận
đối với chư vị. Cha mẹ đã bỏ công khổ cực để nuỗi dưỡng ta, khi chúng ta còn
nhỏ bé. Nhờ ơn các người mà giờ này ta có cơ hội để ngồi đây tu tập giáo lý của
đức Phật. Đức Phật dạy rằng, không có cách nào để ta có thể trả ơn này. Cho dầu
ta có cõng chư vị trên hai vai cho đến cuối cuộc đời mình, vẫn chưa đủ. Chỉ có
một phương pháp để trả ơn cha mẹ mình, là giúp chư vị biết và hiểu được giáo lý
của đức Phật, sống trong Chính kiến. Nói chung thì chúng ta đã bỏ biết bao
nhiêu thời gian, công sức của mình ra để được độc lập với cha mẹ, về phương
diện tinh thần. Điều này tất nhiên cũng có một giá trị. Nhưng trong khoảng
không gian tự do đó, ta nên chấp nhận trách nhiệm của mình đối với chư vị.
Chính kiến, cũng có nghĩa là thấy và hiểu được cái tánh chân thật,
là chân như của mình. Khi sự tu tập thiền quán tiến bộ, ta sẽ càng lúc càng
nhận rõ được tính cách vô thường của vạn vật. Mọi yếu tố của tâm và thân chỉ
tồn tại trong chốc lát rồi tan biến mất, sinh ra rồi diệt đi một cách liên tục.
Hơi thở vào rồi ra, tư tưởng đến rồi đi, cảm giác có rồi không. Mọi hiện tượng
đều luôn biến đổi chuyển dịch. Trong cuộc vô thường không có gì bảo đảm vĩnh
viễn cả. Một khi ta thật sự hiểu được bản chất vô ngã của vạn vật, những quan
niệm của ta về sự sống và thế giới chung quanh sẽ thay đổi một cách không ngờ.
Tâm của ta sẽ thôi nắm bắt và đeo đuổi khi ta hiểu được mọi hiện tượng đều có
tính cách nhất thời, chốc lát, thay đổi trong mỗi giây phút. Và nhất là khi ta
có thể kinh nghiệm được những diễn biến của thân và tâm khi chúng không còn bị
chi phối bởi cái ngã. Với một sự tu tập thiền quán chuyên cần và sâu sắc, Chính
kiến sẽ khai triển.
Bước thứ nhì của Bát Chính
Đạo là Chính tư duy.
Chính tư duy, có nghĩa là suy nghĩ đúng với sự thật. Nó có nghĩa là
tư tưởng không bị chi phối bởi những tham muốn của cảm giác, lòng ác tâm và
tính bất nhẫn. Những khi tâm ta còn bị dính mắc vào cảm giác, ta sẽ đeo đuổi
theo những đối tượng bên ngoài, đi tìm một hạnh phúc phù du, vì bản tính của
mọi vật là vô thường và thay đổi. Những vui thú đều chỉ tạm bợ, nhưng lòng ham
muốn thì cứ tăng trưởng. Cái vòng tròn lẩn quẩn này của dục vọng khiến cho tâm
ta lúc nào cũng náo động và rối loạn. Nhưng giải thoát tâm ta khỏi những dục
vọng không có nghĩa là đàn áp hay chối bỏ chúng. Một khi ta đi đàn áp một sự
ham muốn nào, nó sẽ chỉ biến tướng thành một tâm tánh khác. Nhưng nếu mỗi khi
ta có một sự ham muốn nào mà ta chấp nhận và đi thỏa mãn nó, thì kết quả cũng
chẳng khá gì hơn. Chính tư duy có nghĩa là ý thức được những ham muốn của các giác quan
và rồi buông bỏ chúng. Buông bỏ được bao nhiêu, tâm chúng ta
sẽ được nhẹ nhàng bấy nhiêu. Dần dà tâm ta sẽ bớt đi những xáo trộn, rối loạn,
ta sẽ có khả năng giải thoát mình ra khỏi ngục tù của hoàn cảnh, những trói
buộc của dục vọng.
Tư tưởng không bị chi phối
bởi những ác tâm, có nghĩa là ta không bị cai quản bởi sự giận dữ. Giận dữ là
lửa cháy trong tâm, nó có khả năng thiêu đốt ta và những người chung quanh nếu
ta không cẩn thận. Ta có khả năng đối trị tâm nóng giận, nếu ta có thể ý thức
được nó để rồi buông bỏ. Khi ấy tâm ta sẽ trở nên nhẹ nhàng và thoải mái, bản
chất thương yêu của tâm sẽ tự nhiên biểu lộ.
Tư tưởng không bị chi phối
bởi tính bất nhẫn có nghĩa là ta có tâm từ. Tâm từ có nghĩa là có lòng thương
xót những ai đang bị đau khổ và muốn cứu giúp họ. Trong sự tu tập thiền quán,
ta nên có tâm từ đối với tất cả mọi sự sống chung quanh.
Bước kế tiếp trong hành
trình lên núi là Chính ngữ.
Chính ngữ dạy cho ta cách tiếp xúc, liên hệ đến hoàn cảnh và
những người chung quanh ta. Chính ngữ là một phương thức có khả năng giúp ta
sống hòa hợp với thế giới chung quanh, thiết lập một mối liên hệ hòa ái giữa ta
và những người khác hay thiên nhiên. Chính ngữ là không nói những gì sai với sự thật,
không nói những lời chia rẽ và căm thù. Chỉ nói những lời chân thật, có giá trị
xây dựng sự hiểu biết và hòa giải.
Có một câu chuyện kể lại
rằng, đức Phật sau khi thành đạo, trở về gặp lại gia đình của ngài. Nhiều người
thân thuộc, bạn bè cảm phục bởi đức tính từ bi, tỉnh thức của Phật, đã xin được
quy y theo ngài. Trong số đó có Rahula, con trai của đức Phật. Lúc ấy Phật có
thuyết giảng một bài pháp tên là “Lời khuyên cho Rahula”. Trong bài giảng này
Phật dạy đứa con ruột của ngài là đừng vì bất cứ một lý do nào mà phải nói
những lời không chân thật, cho dù nó có đem lợi đến cho mình hay bất cứ một ai.
Sự trung thành của mình với sự thật là một việc tối quan trọng. Nó giữ cho
những liên hệ của mình với thế giới chung quanh được dễ dàng và đỡ phức tạp
hơn. Thành thật trong lời nói sẽ dẫn đến sự thành thật với chính mình. Trong
thân và tâm ta, có biết bao nhiêu chuyện mà ta hằng trốn tránh: Những đau đớn,
bực dọc mà ta không bao giờ muốn nhắc đến. Nhưng như vậy là ta đã không thành
thật với chính mình. Chân thật trong lời nói là căn bản cho sự chân thật trong
tâm tưởng. Có thành thật với chính mình ta mới có thể cởi mở tâm mình ra. Và
nhờ đó mà ta có thể nhận diện và đối trị với mọi trạng thái bệnh hoạn của tâm
hồn.
Bước thứ tư trên con đường
đi lên là Chính nghiệp.
Chính nghiệp có nghĩa là chọn một lối sống chân Chính. Không sát sanh,
thì không làm cho người khác bị đau khổ. Không trộm cắp thì không lấy những gì
không phải là của mình. Không tà dâm, cũng có nghĩa là không vì những ham
muốn, tham dục thể xác mà làm khổ người khác. Thường thường chúng ta ít khi
thấy được những hậu quả lâu dài gây ra bởi hành động của mình...
Trong Mount Analogue có một
câu chuyện nói về việc này. Đối với những người leo núi, có một luật mà ai cũng
phải tuân theo là khi lên đến một độ cao nào đó, họ không được phép giết hại
bất cứ một sinh vật nào. Họ phải mang theo thực phẩm đầy đủ. Một hôm có một
người lên leo quá độ cao ước định đó, nhưng chẳng may anh ta lại bị kẹt trong
một trận bão tuyết. Trong liên tiếp ba ngày trời anh sống trong một căn lều tạm
bợ, không thực phẩm. Gió tuyết lạnh đông đá hết mọi vật chung quanh. Đến ngày
thứ ba cơn bão đi qua. Trong một lỗ hang nhỏ dưới lớp tuyết, anh thấy có một
con chuột già chui lên. Bụng đói vì ba ngày không ăn, anh nghĩ không có hại gì
khi giết con chuột già này để đỡ đói. Anh ta tìm một cục đá và giết con chuột.
Xong anh trở xuống núi, chẳng nghĩ gì đến con vật mình vừa sát hại. Cho đến một
hôm, anh bị đem ra xử trước tòa bởi những người có phận sự bảo trì ngọn núi và
những con đường mòn chung quanh. Anh bị xử về tội sát hại con chuột, mà đến giờ
này anh đã quên bẵng. Dường như hành động nhỏ nhặt của anh lúc đó, giờ đã gây
nên một tai họa. Con chuột già yếu mà anh giết ngày đó, vì không đủ sức đuổi
bắt những con côn trùng khỏe mạnh, nên nó sống bằng cách tìm ăn những con côn
trùng bệnh hoạn. Khi nó bị giết đi, dân số côn trùng bệnh hoạn không còn được
thiên nhiên kiểm soát nữa. Bệnh hoạn lan tràn sang những côn trùng khỏe mạnh
khác và dần dà cả loài bị tiêu diệt. Những côn trùng này từ lâu có trách nhiệm
trong việc bón phân và truyền phấn hoa đến những nhụy cái, cho các thực vật mọc
trên sườn núi. Khi loài côn trùng chết đi, những thực vật mất đi chất nuôi
dưỡng và phương tiện truyền chủng, nên cũng tàn tạ theo. Từ bấy lâu nay, những
thực vật mọc ở hai bên sườn núi giúp giữ cho đất đá được liền lại với nhau. Giờ
trơ trọi, sườn núi cũng bắt đầu bị thời tiết ăn mòn. Cuối cùng, một trận đất lở
đã giết chết một số người leo núi và ngăn trở con đường đi lên. Tất cả bắt đầu
từ một hành động dường như vô hại là giết một con chuột già yếu.
Bởi vì chúng ta thường không
có khả năng nhìn thấy những hậu quả lâu dài của hành động mình, chúng ta hãy có
ý thức trong từng việc làm, đừng tiêu diệt thế giới chung quanh, hãy đi gieo
những hạt giống của an lạc, từ bi và hạnh phúc.
Bước kế tiếp trong Bát Chính
đạo là Chính mạng.
Chính mạng có nghĩa là chọn một phương thức sinh sống nào đừng làm tổn hại đến
người khác, chọn những nghề nghiệp nào không liên quan đến sự sát hại, trộm cắp
hay lường gạt kẻ khác. Thông thường thì những nghề như buôn
bán hay chế tạo vũ khí và rượu, săn bắn, đánh cá đều có làm tổn thương đến
những sinh vật khác. Đạo pháp không phải là ngồi yên một chỗ. Ngồi yên là một
phương tiện hiệu quả để đạt đến trí tuệ, nhưng trí tuệ và hiểu biết phải được
thể hiện vào đời sống của chúng ta. Chính mạng là một trong sự thể hiện
đó. “Hãy
bước đi thiêng liêng như những người da đỏ. Hãy biến sự sống của mình thành một
nghệ thuật”. Hãy làm những gì chúng ta làm với một thái độ cẩn
trọng. Hãy làm với một ý niệm tỉnh thức.
Ba bước kế tiếp có liên quan
đến sự tu tập thiền quán.
Bước đầu tiên trong ba bước
này, lại là bước quan trọng nhất là Chính
tinh tấn.
Thiếu sự cố gắng ta sẽ chẳng
làm được gì. Trong Vi diệu pháp (Abhidharma) có nói: “Tinh tấn, cố gắng là
gốc rẽ của mọi thành công, là nền móng của sự thành đạo”. Nếu chúng
ta muốn lên đến đỉnh núi mà chỉ biết ngồi mơ tưởng thôi, thì ngàn năm vẫn sẽ
chẳng có việc gì xảy ra. Bất cứ một hành trình nào cũng là một tập hợp của
những sự cố gắng, dụng công. Nhờ bước từng bước nhỏ mà ta lên đến đỉnh núi.
Ramana Maharshi, một vị thánh của thời đại này ở Ấn Độ, viết: “Chưa ai có thể thành
công mà không phải cố gắng. Tâm an lạc không phải là một tánh tự nhiên ta có
khi mới sanh. Những ai thành công đều nhờ ở đức tính nhẫn nại của mình.”
Nhưng tinh tấn, cố gắng phải trong một mức độ quân bình. Bởi sự nóng nảy hay
khẩn trương là những trở ngại lớn trên con đường tu tập. Năng lực phải được
quân bình với sự tĩnh lặng. Nó cũng giống như khi ta lên dây đàn. Dây đàn lên
cứng quá hay lỏng quá cũng không thể phát ra được đúng âm độ. Trong sự tu tập
của ta cũng thế, chúng ta phải tinh tấn, kiên trì nhưng với một tâm thoải mái và
quân bình, cố gắng nhưng không đàn áp. Trong ta có ngàn hiện tượng
đang chờ sự khám phá, tâm ta có muôn từng muôn lớp để tìm hiểu. Với sự tinh
tấn, con đường tu tập của ta sẽ rộng mở. Không ai có thể cố gắng giùm ta được.
Không ai có thể giác ngộ giùm ta được. Sự giác ngộ của đức Phật đã giải quyết
vấn đề cho ngài, chứ không giải quyết vấn đề cho ta. Có chăng là chỉ cho ta một
lối thoát. Mỗi người chúng ta phải tự thắp đuốc lên mà đi.
Chính niệm là bước thứ bảy
trên con đường Bát Chính.
Chính niệm có nghĩa là ý thức được những gì đang xảy ra
trong giờ phút hiện tại. Tôi muốn
nói, chú ý đến những thay đổi, biến chuyển của mọi hiện tượng. Khi đi, ý thức
được những cử động của cơ thể. Khi quán hơi thở, ý thức được cảm giác ra vào
hay lên xuống, ý thức được sự có mặt của tư tưởng hay cảm giác. Như một thiền
sư nào đó đã nói: “Khi anh đi, đi. Khi anh chạy, chạy. Đều trên hết là đừng có do dự”. Bất
cứ đối tượng là gì, bạn hãy ý thức được nó, nhưng đừng có nắm bắt, vì nắm bắt
là tâm tham. Cũng đừng xua đuổi, vì xua đuổi là tâm sân. Cũng đừng lãng quên,
vì lãng quên là tâm si. Hãy quan sát những biến chuyển cùng diễn tiến của đối
tượng. Một khi Chính niệm được phát triển đúng mức, tất cả sẽ trở nên nhẹ
nhàng và một ngày trở thành một điệu vũ. Chính niệm sẽ đem lại cho tâm ta
một sự thăng bằng và an tĩnh. Nó có khả năng giữ cho tâm ta được sắc bén, để ta
có thể ngồi lại mà quan sát, theo dõi những hiện tượng xảy ra chung quanh như
một vở tuồng.
Bước cuối cùng trên con
đường lên đến đỉnh núi là Chính định.
Chính định có nghĩa là có khả năng tập trung tâm ý, giữ cho tâm mình ở với
một đối tượng duy nhất. Những ngày đầu tu tập, bạn sẽ cảm thấy khó
khăn vì chưa có nhiều định lực. Khi leo núi, chúng ta phải có ít nhất một sức
khỏe, lúc ban đầu ta sẽ dễ mệt và khó chịu. Nhưng dần dà khi cơ thể quen đi, ta
cảm thấy khỏe khoắn và việc leo núi trở nên dễ dàng. Sự tu tập thiền quán của
ta cũng thế. Khi định lực phát triển, ta sẽ có khả năng sống trong hiện tại dễ
dàng hơn. Những khó khăn lúc ban đầu không còn là một trở ngại nữa.
Nếu bạn đặt một nồi nước lên
lò, rồi cứ vài phút lại mở nắp ra, chờ cho nước sôi thì lâu lắm. Nhưng nếu bạn
đặt nồi lên lò, rồi để yên đừng đụng đến, thì nước sẽ chóng sôi hơn.
Các khóa tu thiền là những
cơ hội quý giá giúp cho ta tập phát triển định lực và Chính niệm. Bằng sự tu
tập liên tục, mỗi giây phút sau được xây dựng bằng công phu của giây phút
trước, trong một thời gian ngắn tâm ta sẽ trở nên sắc bén và có khả năng soi
thấu được chân tướng của sự vật.
Hành trình của chúng ta bao
gồm sự sống hòa hợp với thế giới chung quanh và tìm hiểu lấy chính mình. Trong
Mount Analogue có lời khuyên sau đây cho những ai đang đi trên con đường tỉnh
thức: “Hãy
giữ ánh mắt của mình trên con đường đi lên. Nhưng nhớ đừng quên nhìn những gì
ngay trước mặt. Bước cuối cùng nương tựa vào bước đầu tiên. Đừng nghĩ rằng bạn
đã đến nơi chỉ vì bạn đã nhìn thấy đỉnh núi cao. Hãy cẩn thận chỗ bạn sẽ đặt
chân. Bước tới cho vững vàng. Nhưng đừng vì vậy mà xao lãng mục tiêu cuối cùng.
Bước đầu tiên nương tựa trên bước chót”.
Sống vững vàng trong hiện
tại, phát triển Chính niệm trong từng giây phút và vững tin nơi khả năng tự do
của sự tỉnh thức.
Hỏi: Tôi có cảm giác rằng hơi thở vào lúc nào cũng mạnh hơn,
điều này làm xáo trộn sự tập trung của tôi. Tôi phải làm gì?
Đáp: Hơi thở là một đề mục rất hay và quan trọng trong
thiền quán, vì hơi thở có rất nhiều trạng thái và cường độ mạnh nhẹ khác nhau. Có
khi nó mạnh và nặng nề, có khi nó thoải mái và nhẹ nhàng. Hơi thở có thể thay
đổi giữa khi ta thở vào và thở ra, hay là sau một thời gian ngắn. Cũng có những
lúc hơi thở nhẹ đến nỗi ta không cảm thấy gì hết. Hơi thở là một đề mục vô giá
trong thiền quán. Bởi vì một khi hơi thở trở nên nhẹ nhàng, ta có thể dùng nó
để đem tâm mình an tịnh xuống cùng một mức độ với hơi thở. Khi bạn thấy hơi thở
càng lúc càng trở nên thanh nhẹ, lắng tâm xuống thật yên để có thể nhận diện
được nó. Nó đòi hỏi một sự cố gắng – để không làm gi hết, chỉ yên lặng.
Hỏi: Làm cách nào để biết một người đã giác ngộ?
Đáp: Một người giác ngộ hay tỉnh thức không để lại một dấu vết
nào hết. Làm sao ta có thể đo lường được một tâm tự tại bằng những giác quan
giới hạn của mình! Nó đã ra ngoài sự suy luận. Cũng giống như ta đi tìm một ánh
lửa đã tắt. Bạn tìm kiếm ở đâu bây giờ? Bạn không thể nghĩ giác ngộ, tình thức
như là một cái gì có thể đụng chạm hay sờ mó được. Người tỉnh thức không có một
dấu hiệu đặc biết nào trên trán họ hết, nhưng bạn vẫn có thể cảm nhận được họ
qua những đức tính thương yêu, hiểu biết mà họ có.
Hỏi: Về sự liên hệ với cha mẹ và trách nhiệm hướng dẫn họ vào đạo
pháp. Cha mẹ tôi thắc mắc tại sao tôi lại đi dự những khóa thiền như thế
này, tôi cố giải thích nhưng hình như không có cách nào làm cho họ hiểu được!
Đáp: Có rất nhiều cách để người ta thong cảm nhau - mà
thường thì lời nói lại là một phương tiện kém hữu hiệu nhất. Nếu bạn ở
với cha mẹ hay bất cứ một ai,mà bạn giữ sự an lạc, tĩnh lặng, không phê phán
ai, chấp nhận, thương yêu và tử tế, tôi nghĩ bạn sẽ không cần phải nói một lời
nào. Con người an lạc của bạn tự nó có khả năng tạo nên một khoảng không gian
tươi mát. Điều này đòi hỏi thờ gian tu tập. Người ta bao giờ cũng vẫn có
thành kiến với những gì không hợp với quan niệm của mình. Khi nào bạn nói những
điều gì có vẽ khác thường, mới lại họ sẽ trở nên bảo thủ. Thế nên ta đừng bao
giờ chấp vào hình thức quá, hãy sống tự nhiên, đạo pháp sẽ hiển bày. Một tâm
tĩnh lặng sẽ ảnh hưởng đến thế giới chung quanh. Nó đòi hỏi thời gian, sự kiên
nhẫn và thật nhiều tình thương,
Hỏi: Trong khi ngồi thiền, tôi thường thấy mình hay tưởng tượng hơi thở tôi
là một luồng nước, chảy tới lui trong một đường hầm. Những hình ảnh như thế có
hại cho Chính niệm không?
Đáp: Có. Cốt tủy của pháp tu thiền quán anfy là trực
tiếp kinh nghiệm chứ không phải dùng tưởng tượng. Hình ảnh hóa hơi thở của mình
là tạo nên một khái niệm. Khái niệm không phải là sự thật, nó chỉ là bong dáng
của sự thật. Điều cần nhớ là kinh nghiệm những cảm giác cảu hơi thở, chứ không
phải tạo nên một ý niệm về hơi thở.
Hỏi: Việc tôn thờ thượng đế áp dụng vào sự tu tập này cách nào?
Đáp: Tùy theo định nghĩa của bạn về thượng đế. Mỗi người
có một câu trả lời khác nhau. Ta có thể nói thượng đế tức là chân lý tối cao,
đạo pháp, chân như của vạn vật. Hiểu như vậy thì tôn thờ thượng đế có nghĩa là
sống trong chân lý, sống đúng với Giáo Pháp. Để cho Giáo Pháp tự nhiên phô bày.
Bổ sung thêm
Sau khi thành đạo, đức Phật đến vườn Lộc Uyển, tìm nhóm ông
Kaundinya (Kiều Trần Như). Tại đây,
trước nhất đức Phật giảng cho họ về Trung
đạo. Sau đó đức Phật giảng cho các vị tôn giả về Chính
đạo. Ngài nói rằng Chính đạo gồm có tám điều. Ngài bắt đầu bằng việc giải
thích về Chính kiến (Samyag-dristi – Right Views – Tư duy
đúng), tức là điều thứ nhất và quan trọng nhất của Chính đạo.
“Để nhận thức được tầm quan trọng của Chính kiến,” Phật nói với
các tôn giả, “quý vị phải thấy rằng đời là một ngục tối, và con người là tù
nhân trong cái ngục tối đó. Cái ngục này thật là tối. Tối đến nỗi các tù nhân
khó có thể nhìn thấy gì. Tù nhân cũng không nhận thức được rằng mình đang ở
trong tù.”
“Quả thật, người ta không những đã trở thành đui mù vì đã bị
sống trong u minh tăm tối quá lâu, mà người ta còn không tin được rằng có thể
có một sự vật lạ lùng gọi là ánh sáng bao giờ. Trí tuệ là công cụ độc nhất để
qua nó ánh sáng có thể đến với con người. Nhưng mà trí tuệ của các cư dân trong
ngục tối này không đủ để có thể là dụng cụ hoàn bị cho mục đích đó được. Nó chỉ
cho một tí ánh sáng vào thôi. Chỉ vừa đủ để chứng tỏ cho những ai có tí chút
thị giác nhận thức được rằng quả thật có cái gọi là u minh tăm tối đó. Nhưng
chỉ hiểu biết sáng tối như thế thì quả là còn thô thiển.”
“Nhưng xin chư vị khất sỹ đây hiểu rằng tình cảnh của các tù
nhân đó không đến nỗi tuyệt vọng như nó xem ra. Bởi vì trong người ta có cái
gọi là ý chí. Khi có một động lực thích hợp dấy lên, ý chí có thể được đánh
thức và khởi động. Chỉ cần vừa đủ ánh sáng để nhận ra một phương hướng nào đó
để định hướng cho sự hoạt động của ý chí, con người có thể dẫn dắt mình đến tự
do.”
“Như vậy mặc dù con người bị trói buộc, nhưng anh ta có thể đạt
được sự giải thoát. Bất cứ lúc nào anh ta cũng có thể bước cái bước đầu tiên để
rốt cục đưa mình đến sự giải thoát. Đấy là bởi vì trí óc có thể được huấn luyện
để tiến về bất cứ lối nào ta muốn. Chính trí óc đã biến ta thành những tù nhân
trong cuộc đời. Chính trí óc khiến mình thành như thế. Nhưng cái gì do trí óc
làm ra, trí óc có thể hủy bỏ. Nếu nó đưa người ta đến cuộc đời nô lệ, thì chính
nó cũng có thể đưa người ta đến tự do khi xác định được đúng hướng. Và đấy là
việc mà Chính kiến có thể làm được.”
Các tôn giả hỏi, “Thế thành quả của Chính kiến là gì?”
Phật đáp, “Là sự giải trừ Vô minh (tăm tối – Avijja). Nó chống
lại Tà kiến (Mrishaa-Dristi – Wrong Views). Và Vô minh có nghĩa là không hiểu
được các chân lý cao quý, nghĩa là không hiểu được sự hiện hữu của Khổ và cách
diệt Khổ. Chính kiến làm được điều đó”.
- Chính kiến là bác bỏ sự tin tưởng vào hiệu năng của các nghi
thức và việc cúng tế.
- Chính kiến là bác bỏ quyền lực thần thánh của kinh sách.
- Chính kiến là phải từ bỏ mê tín và dị đoan.
- Chính kiến là phải từ bỏ tất cả các học thuyết chỉ biết luận
bàn tranh cãi mà không được căn cứ vào sự thật hay trải nghiệm thực tế.
- Chính kiến đòi hỏi tâm và trí phải cởi mở.
“Mỗi người đều có mục tiêu, nguyện vọng và tham vọng. Chính
Tư duy (Samyag-Samkalpa) dậy rằng những mục tiêu, nguyện vọng và tham
vọng đó phải cao thượng và đáng khâm phục, chứ không được thấp hèn và vô giá
trị”.
Một trong
những tượng Phật Thích Ca truyền thống cổ nhất. Gandhara (Càn Đà) thế kỷ đầu
Công nguyên (Bảo tàng Quốc gia Tokyo)
“Tiếp đến là Chính Ngữ (Samyag-vacca – Right Speech). Chính
ngữ dậy rằng:
- Chỉ được nói thật,
- Không nên bịa đặt,
- Không nên nói xấu người khác,
- Phải kiềm chế sự vu khống,
- Không nên buông những lời giận dữ và thóa mạ đến người khác,
- Nên nói tốt và nhã nhặn với mọi người,
- Không nên chìm đắm vào những chuyện gẫu vu vơ, ngu ngốc, mà
chỉ nên nói những gì hợp lý và đúng vào vấn đề.
“Như tôi đã giải thích, ta tuân thủ vào Chính ngữ không vì sợ
hãi hay để hưởng phúc. Không nên quan tâm chút nào đến việc các đấng bên trên
đánh giá thế nào về hành vi của mình, hay đến bất cứ một sự thua thiệt nào mà
Chính ngữ có thể gây ra cho mình. Nguyên tắc là tuân thủ Chính ngữ không phải
do sợ phạm vào các giới cấm từ bên trên, hay vì để được lợi ích cá nhân; mà tất
cả đều phải do tự tâm”.
“Chính nghiệp (Samyag-karmanta – Right Conduct) chỉ
cho ta cách cư xử tốt. Nó dậy rằng mọi hành vi đều phải căn cứ vào sự tôn trọng
cảm xúc và quyền lợi của người khác. Nguyên tắc của Chính nghiệp là gì? Đó là
hướng hoạt động hài hòa nhất với các nguyên tắc sống căn bản. Mọi việc chúng ta
làm sẽ hài hòa với Chính nghiệp khi chúng đồng thuận với các nguyên tắc này.”
“Và ai cũng phải mưu sinh. Nhưng có nhiều cách để lập nghiệp,
tốt có, xấu có. Nghề nghiệp xấu là loại gây thương tổn và bất công cho người
khác. Lối sống tốt là tìm việc làm nào không gây thương tổn và bất công cho ai.
Đấy gọi là Chính mệnh (Samyag-ajiva – Right Livelihood).”
“Chính tinh tấn (Samyag-vyayama – Right Efforts) là
hướng hết nỗ lực của mình vào việc diệt vô minh tăm tối, để đến được và mở được
cái cửa dẫn ra khỏi cái ngục tối đau thương kia. Chính tinh tấn có bốn mục đích:
- Một là để ngăn ngừa các trạng thái tâm trí đi ngược với Chính
đạo.
- Hai là để trấn áp các trạng thái tâm trí xấu đó nếu chúng đã
dấy lên.
- Ba là tạo ra những trạng thái tâm trí có thể giúp ta đáp ứng
những đòi hỏi của Chính đạo.
- Bốn là để thúc đẩy sự gia tăng và phát triển hơn nữa các trạng
thái tâm trí tốt lành đó, nếu chúng đã hiện hữu.”
“Chính niệm (Samyak-smriti – Right Mindfulness) đòi
hỏi sự chú tâm và thận trọng. Nó là sự luôn cảnh giác của tâm trí. Một cách
định nghĩa khác của Chính niệm là sự canh chừng và bảo vệ tâm trí trước những
đam mê tà mị.”
“Này chư vị khất sỹ, có năm cái gông cùm, hay chướng ngại vật,
luôn cản đường những ai muốn đạt Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính
nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tấn, Chính niệm.”
“Chúng là tham lam, thành kiến, uể oải lười biếng, nghi ngại và
không quả quyết. Vì thế phải vượt qua được những trở ngại, mà thật ra là những
cái cùm, đó. Và cách vượt qua được chúng là nhờ vào Chính định. Nhưng chư vị
khất sỹ nên biết rằng Chính định (Samyak-Samadhi – Correct
Concentration) thật ra khác với Định (Samadhi – Concentration). Khác nhiều đấy.”
“Định chỉ là sự tập trung tư tưởng. Chắc chắn nó cũng giúp đạt
được những khoảnh khắc của trạng thái Thiền định, nhưng là loại đột phát, dù
cũng tạm ngăn được năm chướng ngại kia.”
“Nhưng những khoảnh khắc nhập Thiền này đều chỉ là tạm thời. Cho
nên sự ngăn chặn được các chướng ngại kia của Định cũng chỉ là tạm thời. Điều
cần thiết là đạt được sự chuyển hướng vĩnh viễn của tâm trí.
“Chỉ có Định thôi vẫn là tiêu cực, vì nhiều lắm Định cũng chỉ
chặn được các chướng ngại kia một cách tạm thời, ngắn ngủi. Và nó không rèn
luyện cho tâm trí được gì mấy. Trong khi đó Chính định mới là tích cực. Nó
luyện cho tâm trí tập trung và suy tưởng vào các hành vi, tư tưởng tốt lành
(Kusala Karma) trong lúc tham thiền. Và nhờ đó loại trừ được khuynh hướng ngả
về các hành vi, tư tưởng xấu (Akusala Karma) do năm chướng ngại kia tạo ra.
Chính định tạo cho tâm trí thói quen nghĩ về điều tốt lành, và luôn luôn chỉ
nghĩ về điều tốt lành. Chính định tạo cho tâm trí những năng động lực cần thiết
để hành thiện.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét