18/11/2015

Khái niệm về đạo học và phương pháp lý luận trong Bát Nhã Tâm Kinh

Tổng hợp qua vi.wikipedia.org và trải nghiệm bản thân

Hành nghĩa là hành trì. Phương pháp hành trì ở đây là pháp quán chiếu Bát nhã, nhờ đó mà hành giả tự mình trực tiếp thấy được cái không của đương thể bị quán. Cách thấy được cái không ấy là phép quán chiếu. Quán chiếu không lìa thật tướng.

Chúng ta thường tụng Bát Nhã Tâm Kinh bằng bản phiên âm chữ Hán. Đây là bản kinh tóm tắt cốt lõi của bộ kình Đại thừa là Kinh Ma ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Vậy cũng cần tìm hiểu thêm vì sao lại có Bát Nhã và Bát Nhã là gì? 
Nói đến Phật giáo Ðại thừa là nói đến Bát nhã. Vì không có Bát nhã, là không có Phật giáo Ðại thừa. Bát nhã là đầu mối, là mạch nguồn từ đó có các trào lưu tư tưởng Ðại thừa các tông phái Phật giáo kể cả Tịnh độ, Thiền Tông và Mật tông.Và muốn thế cần phải tìm hiểu những giáo lý cơ bản của Phật giáo Đại thừa, như đã trình bày ở các phần trên.
Bát Nhã (prajnà) có nhiều nghĩa: nhưng tựu chung có thể dịch là trí tuệ. Đây là một loại trí tuệ đặc biệt, phát sinh từ công hạnh tu hành theo pháp quán không mà chứng đắc. Ðây là loại trí tuệ thanh tịnh của chư Phật vừa rỗng lặng vừa trong suốt, nhờ đó mà quán chiếu được thật tướng của các pháp và thấy rõ các pháp là không có tự tính. Trí tuệ nói chung cũng có 4 loại khác nhau:
Một là trí tuệ thế gian là trí tuệ của đời thường hay còn gọi là thế trí biện thông. Thông thường trí tuệ này biểu hiện ở những người học giỏi, thông minh, lanh lợi, nhưng trí tuệ đó là của thế gian, của thế tục phàm phu, không phải là trí tuệ Bát nhã.
Hai là trí tuệ ngoại đạo là trí tuệ của những người ngoại đạo do công phu tu luyện mà có, biết được quá khứ hiện tại vị lai, thần thông biến hóa. Nhưng chỉ là trí tuệ tà đạo, không phải là trí tuệ Bát nhã.
Ba là trí tuệ Nhị thừa là trí tuệ của các bậc thanh văn, duyên giác do tu theo pháp Tứ Diệu đế và Thập Nhị nhân duyên mà thành đạo quả. Các vị này cũng thoát khỏi sinh tử luân hồi, thần thông tự tại, biết được việc quá khứ hiện tại và vị lai. Nhưng trí tuệ đó chỉ thấy được ngã không chân như, chứ chưa thấy được pháp không chân như, nghĩa là chỉ phá được cái chấp của ngã, chưa phá được cái chấp của pháp. Đó cũng không phải là Trí tuệ Bát nhã.
Bốn là Trí tuệ Bát Nhã là trí tuệ của các bậc đại thừa tu theo pháp Lục độ ba la mật và giác ngộ hoàn toàn. Đó là trí tuệ của chư Phật và của các vị Bồ tát Đại thừa. 
Trí tuệ trong Bát Nhã Tâm Kinh nói ở đây là thứ trí tuệ thứ tư này, gọi là trí tuệ Bát Nhã. Công dụng của trí tuệ Bát nhã có thể phá được hết tất cả mọi vô minh vọng chấp. Bởi thế trí tuệ Bát nhã có thể chiếu soi các pháp thì pháp nào cũng phải bỏ hình giả dối mà còn lại tướng chân thật của các pháp, tức là chân như hay chân lý của vũ trụ đã hiện ra vậy.
Người không có Trí tuệ Bát Nhã chẳng khác nào người vào rừng tìm trầm hương mà đi tay không, không có dao rựa, không cuốc xẻng. Vào rừng cây cối dây chằng nhằng nhịt, nếu không có dao sắc cầm trong tay làm sao vào được trong rừng sâu và tìm được trầm. Do đó, muốn vào rừng tìm trầm chúng ta phải có dao sắc. Cũng vậy, muốn tu đạt được giác ngộ giải thoát sinh tử chúng ta phải có Trí tuệ Bát Nhã. Bởi vì con đường liễu thoát sinh tử có rất nhiều trở ngại, nếu không có Trí tuệ Bát Nhã bứt phá thì trên đường tu, khó đi đến nơi đến chốn được. Trí tuệ Bát Nhã là cây kiếm sắc để chặt phá những sợi dây trói buộc mình.
Ngài Duy Tín, vị Pháp sư đời Tống có nói: “Trước khi gặp thiện hữu tri thức, ta thấy núi sông là núi sông. Sau khi gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, ta thấy núi sông không phải là núi sông. Ngày nay, sau ba mươi năm tu hành, ta lại thấy núi sông là núi sông.” 
Câu nói đó có nghĩa là trước ba mươi năm, chưa gặp thiện hữu tri thức chỉ dạy, lúc ấy chưa biết đạo lý, chưa có trí tuệ Bát Nhã nên thấy núi sông là núi sông thật. Sau khi Ngài học hỏi, có trí tuệ Bát Nhã và tu chứng được thì thấy núi sông không phải là núi sông, vì với trí tuệ Bát nhã quán chiếu hết tất cả vạn vật đều không có tự thể (như đã nói ở phần trên), thấy triệt để lẽ thật muôn đời, không phải thấy theo con mắt phàm tình của thế gian. Sau khi đạt được Trí tuệ Bát nhã, đạt đến mức thượng cầu hạ hóa thì trở lại hóa độ chúng sinh nên lại thấy núi sông là núi sông.
Trong Đại Trí Độ Luận có giải thích “Bát Nhã là Trí tuệ, trí tuệ đệ nhất trong tất thẩy các trí tuệ, là thứ không gì cao hơn, không gì sánh bằng”. Nhưng dù dịch như thế nào đi nữa cũng không một từ nào trong Hán văn có thể lột tả được hết ý nghĩa hàm ẩn trong chữ Prajnà của Phạn ngữCho nên, văn học Phật giáo Trung Hoa cuối cùng cũng phải dùng từ ngữ phiên âm Bát Nhã để chỉ cho loại trí tuệ đặc biệt này, mới có thể tránh mọi ngộ nhận sai lạc cho người học.
Thông thường, cứ nói đến trí hay tuệ hay trí tuệ, người nghe lập tức liên tưởng đến trí năng, một trong ba năng lực của con người là cảm năng, trí năng và ý chí mà các sinh vật khác không có, hoặc có nhưng ở một mức độ thấp kém. Trí hay trí tuệ thường được hiểu như trí khôn hay óc thông minh xán lạn, lãnh hội dễ dàng các kiến thức đã có. 
Cái bộ óc thông minh ấy đối với Phật giáo được gọi là thế trí biện thông, tức là cái trí tuệ của thế gian, trí tuệ của đời thường, bao gồm cả tốt lẫn xấu ngay trong bản chất, và tác dụng nó thì thường là lành ít dữ nhiều, bởi lẽ cái trí ấy gắn liền với phiền não khổ đau, hay tệ hơn nữa, nó chính là sản phẩm của chính phiền não khổ đau, như ngày xưa ông cha ta đã từng nói: “Càng biết nhiều càng khổ”. 
Lấy một ví dụ: Gần đây trên mạng internet, cũng như trên báo chí, đài, đĩa và dư luận có đưa tin về ngày tận thế sẽ sảy ra vào cuối tháng 12 năm 2012. Kể cả cơ quan NASA (tức là cơ quan nghiên cứu vũ trụ) của Mỹ cũng đề cập đến vấn đề ấy nhưng dưới một dạng khác. Với cái tin ấy thì với thế trí biện thông tức là cái trí tuệ của đời thường, nhiều người lo nghĩ, sợ sệt, buồn rầu, phiền não, khổ đau. 
Có những gia đình đã tim cách mua đất cát nhà cửa ở Đà Lạt với độ cao 1200m so với mực nước biển để tránh hậu họa nước biển dâng, Còn người có trí tuệ bát nhã thì không như vậy.
Khác với thế trí biện thông, Bát nhã là loại trí tuệ siêu thiện ác, trí tuệ vô phân biệt đã rủ sạch phiền não
Cho nên, từ trong bản chất, nó là loại trí tuệ thanh tịnh rỗng lặng, không chút gợn nhơ, trong suốt như hư không, nên cũng được gọi là không trí. Do đó, nó thường xuất hiện như một thứ trí tuệ sâu xa vi diệu, mà Bát Nhã Tâm kinh gọi là thâm Bát nhã, trí tuệ sâu xa. 
Vì tính chất nó như thế nên nó hoàn toàn tự tại trước mọi đối tượng nhận thức, trong mọi hoàn cảnh, nó không bị đối tượng hay hoàn cảnh chi phối ràng buộc. Từ đấy, nó soi suốt thực thể các pháp tức các hiện tượng trên cõi đời, thấy rõ bản chất của chúng. Trí tuệ ấy về bản chất nó được mệnh danh là Thật tướng Bát nhã
Lại cũng trí tuệ đó, về phương diện tác dụng soi suốt các hiện tượng, thì nó mang tên là Quán chiếu Bát nhã
Thật tướng trong suốt vắng lặng, quán chiếu cũng trong suốt rỗng lặng, tuy hai mà một, tuy một mà hai. Và có trong suốt vắng lặng như thế thì mới thấy được cái thực chất duyên sinh hay còn gọi là duyên khởi của tất cả các pháp. 
Như trên đã nói, vì do duyên sinh nên các pháp thảy đều không có tự thể, tất cả đều là giả hữu, hết thảy đều không, không đây không phải là cái không ngược với có..
Dứt khoát Bát nhã tức là trí tuệ bát nhã phải do tu chứng mà tựu thành, không do chỉ có cái học mà hun đúc nên được
Trong lĩnh vực này, cái học hoàn toàn bất lực. Cái học chỉ tạo ra một mớ bòng bong những khái niệm. Hiện thực hóa các khái niệm ấy, phải do công phu hành trì thực tế của đạo học. 
Bởi vì Bát nhã Ba La Mật Ða là một thứ sâu xa vi diệu, không dễ gì thể nhập được nếu không có sự hành trì. Có hiểu được như thế thì mới xác định được ba chữ hành và chiếu kiến trong câu mở đầu của Bát Nhã Tâm kinh. 
Hành nghĩa là hành trì. Phương pháp hành trì ở đây là pháp quán chiếu Bát nhã, nhờ đó mà hành giả tự mình trực tiếp thấy được cái không của đương thể bị quán. Cách thấy được cái không ấy là phép quán chiếuQuán chiếu không lìa thật tướng. Tuy hai mà một, như đã nói trên. Rõ ràng cái học từ chương không có giá trị gì ở đây cả. 
Tuy nhiên, nếu phải do tu đắc mới có trí tuệ Bát nhã, thì những kẻ chưa tu hay không tu làm thế nào để có một khái niệm về cái trí tuệ này? Và làm sao khiến họ có được niềm tin để theo đòi hạ thủ công phu? Nhu cầu được đặt ra là phải thuyết minh trí ấy để hé cho người muốn tu biết dung mạo hình dáng của nó ra sao. Vì vậy mà phải dùng phương tiện để mô tả, đó là văn tự Bát nhã
Phạm vi của văn tự Bát nhã bao gồm toàn bộ văn học Bát nhã, từ ngôn thuyết cho đến triết học, nhằm mục đích thuyết minh giáo nghĩa này. Nhưng nói đến điều này thì hơi cao siêu vì nó động đến vấn đề triết học. 
Người học Phật chỉ cần hiểu rằng khác với các hệ thống lý luận thông thường đặt cơ bản trên những dữ kiện coi như thực hữu và cố định, hệ thống lý luận mới này là một loại lý luận siêu luận lý, do Ngài Long Thọ sáng tạo, nhằm thuyết minh những hiện tượng giả hữu và chuyển biến trong từng sát na, là các pháp duyên sinh như huyễn. 
Phương pháp luận lý này chuyên dùng phủ định để khẳng định. (Phủ định là không công nhận còn khẳng định là công nhận).
Bởi lẽ văn pháp vốn là duyên sinh vô thườngkhông có một pháp nào đứng yên một chỗ, thì thử hỏi trong trạng huống đó, ta có thể khẳng định được gì không? Cái hiện thực của lát giây trước, không phải là cái hiện thực của lát giây sau. 
Con người của bản thân ta hôm nay không phải là ta của ngày hôm qua mà cũng không phải là ta của ngày mai. Hãy lấy một ví dụ rất đơn giản: một bà Phật tử trước khi bước vào đường tu hành nơi cửa Phật thì tính tình hay giận dữ, nói năng ác khẩu, đánh con, chửi chồng. Nhưng sau một thời gian theo bạn bè tu hành hiểu được giáo lý của Đức Phật, đã thay đổi tính nết, ăn nói mềm mỏng dịu dàng, tính tình không hay sân hận như trước và biết yêu thương con cái. Như vậy bà ấy hôm nay không phải là bà ấy trước kia.
Thậm chí bà ấy ngày hôm qua cũng không phải là bà ấy ngày hôm nay và cũng không phải bà ấy những ngày sau này. Cũng như vậy dòng sông hôm trước không phải là dòng sông hôm nay. 
Càng không phải là dòng sông năm xưa hay dòng sông trong mười năm tới, tuy cùng mang tên một dòng sông chung bởi vì dòng nước trên dòng sông ấy hôm trước thì nay đã trôi về biển, chưa nói đến hàng ngày, dòng sông bên lở bên bồi. Tục ngữ ta có câu :
Không ai tắm trên cùng một dòng sông” là nghĩa như vậy, bởi vì cũng ở chỗ bến tắm ấy, trên cùng dòng sông ấy, dòng nước ta ngâm mình không phải là dòng nước ngày hôm trước ta đã tắm, vả lại dòng sông hôm nay cũng đã đổi khác, có thể nước đã sói mòn bến tắm, cỏ cây hoang dại đã mọc lên, nên dòng sông ấy không còn là dòng sông khi xưa. 
Cho nên, đúng theo sự thật, ta không thể khẳng định được gì cả. Ðể được gần sát với sự thật hơn, phép luận lý chân chính và lành mạnh buộc ta phải tìm khẳng định trong phủ định là vì thế.
Pháp luận lý phủ định này, mãi cho đến giữa thế kỷ XIX mới được các triết gia phương Tây biết đến và được họ tôn xưng là siêu biện chứng. 
Pháp lý luận này có đề cập đến Bát bất nghĩa là tám sự phủ định gồm bốn cặp tám điều: "bất sinh - bất diệt; bất thường - bất đoạn; bất nhất - bất dị; bất lai - bất xuất". 
Trái lại vói Bát bất là Bát mê gồm : Sinh - Diệt, Đoạn - Thường, Nhất - Dị, Khứ - Lai. 
Thật ra thì, gặp gì phủ định nấy, mới sát với lý vô thường biến chuyển của vạn pháp. 
Nhưng sở dĩ luận bát bất chỉ quy định có tám điều mà thôi, là vì đấy là tám hiện tượng rõ ràng nhất và tiêu biểu nhất trong tiến trình chuyển biến của sự vật. Hễ phủ định cái nọ thì lại khẳng định cái kia theo hai mặt tương đối của nó. Như nói bất sinh, đồng thời phải nói đến có diệt, nói bất sinh là nói phủ định còn nói diệt là nói khẳng định. 
Vì lẽ ấy, và để được sát với sự thật không ngừng biến chuyển, đừng nên khẳng định cái gì hết. Và khi muốn khẳng định thì dùng phủ định mà diễn đạt. Thay vì khẳng định diệt thì nên nói bất sinh. Thay vì khẳng định đoạn nên nói bất thường, v.v...
Phép phủ định này được Long Thọ, vị cao tăng Ấn Độ ở thế kỷ thứ Nhất và thứ Hai sau công nguyên phát kiến, và dựng thành một cơ sở luận lý học vĩ đại để thuyết minh giáo nghĩa tính không của trường phái Bát nhã. 
Có hiểu được then chốt của phép luận lý này, mới hiểu được đoạn: chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm trong Bát Nhã Tâm kinh có nghĩa là Tướng không của các pháp đây không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. 
Sáu chữ bất ở trong đoạn kinh này là một loạt phủ định dồn dập, nhằm mục đích khẳng định thực chất của tướng không ở nơi năm uẩn. 
Nói tướng không của pháp ấy bất sanh, tức nói nó tịch diệt. Nói nó bất diệt tức nói nó thường tại v.v... 
Trọn cả đoạn này cho đến  trí diệc vô đắc là chứng minh tính không bằng luận lý triết học, để rồi đi đến chỗ dĩ vô sở đắc cố ở đoạn tiếp theo là đưa hành giả vào đoạn thực tế hành trì. Triết học thuyết minh là gieo khái niệm để mở đường chỉ lối. Tiếp theo là công việc của đạo học phải thành tựu bằng công phu tu hành. 
Thực ích lợi là phần của đạo học, nhưng nếu không nhờ phần triết học soi sáng thì không biết nương tựa vào đâu để lần theo dấu vết mà hành trì. 
Ngược lại, nếu chỉ thuyết minh suông mà không hạ thủ công phu thì chung quy chỉ dẫm chân một chỗ mà thôi. Có lẽ là tệ hơn nữa: đi giật lùi trên đường tu chứng.
Trên đây là những khái niệm căn bản về đạo học Bát nhã và phương pháp lý luận triết học Bát nhã. Đạo học thành tựu bằng phép quán chiếu, triết học xây dựng trên căn bản bát bất. Còn nguồn gốc và tiến trình tư tưởng Bát nhã thì như thế nào?
Đây là cả một vấn đề lý luận cao siêu mà trong đề tài này tôi không đi sâu vào, miễn sao bài viết này giúp cho việc tìm hiểu được những lời Phật dạy trong Bát Nhã Tâm Kinh của các bạn được Tinh Tấn.

 Trân trọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét