Bát chính đạo còn
gọi là Bát Thánh đạo, Bát chi Thánh đạo, Bát Thánh đạo phần, Bát trực hành, Bát
đạo hành, Bát chánh, Bát đạo, Bát chi, Bát pháp, Bát lộ. Bát chánh đạo là
con đường tám nhánh để giải thoát khỏi Khổ. "Bát Thánh đạo là giáo lý căn
bản của Ðạo đế (trong Tứ đế) gồm 37 phẩm trợ đạo. Ðây là con đường độc nhất đi
vào giải thoát hết thảy các lậu hoặc. Hành giả có thể đi vào giải thoát bằng
ngõ Bảy Giác chi, Bốn Niệm xứ... nhưng tất cả những ngõ đường ấy đều được bao
hàm trong Bát Thánh đạo. Hành giả cũng có thể tuyên bố đi vào giải thoát bằng
pháp môn Tịnh độ, Mật,... nhưng xét kỹ thì hành giả vẫn phải vận dụng các chi
phần của Bát Thánh đạo. Nếu tâm của hành giả hành các pháp môn ngoại đạo, ở
ngoài sự vận dụng tám chi phần Bát Thánh đạo, thì quyết định hành giả không thể
chứng đắc các quả vị của Sa-môn, đi vào giải thoát toàn vẹn, như lời dạy của
Thế Tôn ở Sư Tử Hống Tiểu Kinh (Trung Bộ Kinh I)". Bát chánh đạo là một
trong 37 Bồ-đề phần hay 37 giác chi. Bát
chính đạo được chú giải rõ qua dịch phẩm Con Đường Cổ Xưa. Con Ðường Cổ Xưa đã
cố gắng giúp người học Phật tập chú vào những điểm giáo lý cốt lõi nhất đã được
tất cả các Tông phái công nhận như là điểm chung đồng và thuần túy nhất của đạo
Phật. Thông suốt được những điểm giáo lý này có thể được xem như đã thâm nhập
toàn bộ con đường giác ngộ giải thoát của Ðức Phật.
Từ Bát chánh đạo xuất hiện phổ biến hơn Bát chính đạo.
"Chính" hay "chánh" chỉ là cách phiên âm khác nhau của cùng
một từ "正" mà
thôi.
Bát chính đạo bao gồm:
1.
Chính kiến (zh.
正見, pi. sammā-diṭṭhi, sa. samyag-dṛṣṭi, bo. yang
dag pa`i lta ba ཡང་དག་པའི་ལྟ་བ་): Phá vỡ vô minh nghiệp tập ngàn đời
ngàn kiếp, cái thấy cái nhìn đúng với chân lý đúng với sự thật về trần gian
này, một người có chính kiến là người đã thâm nhập được Phật đạo đã hòa nhập
vào bể tánh giác ngộ giải thoát toàn triệt để có cái trí tuệ phủ khắp tam giới
trí tuệ vượt thoát khỏi không gian và thời gian, trí tuệ bát nhã hiển lộ, cái
thấy biết không còn bị vướng kẹt hai bên, không vướng mắc trong trần gian này
nữa, không vướn kẹt trong bất kỳ lý luận nào, không vướng vào tri thức hiểu
biết, vượt qua ngã và pháp vượt qua không gian và thời gian, cái phút giây mà
thấy biết vượt qua ngã và pháp phút giây thấy biết vượt qua không gian và thời
gian như thế được gọi là chính kiến. Người có đủ chính kiến thì tất nhiên sẽ đủ
luôn các "chánh" còn lại.
2.
Chính tư duy (zh.
正思唯, pi. sammā-saṅkappa, sa. samyak-saṃkalpa, bo. yang
dag pa`i rtog pa ཡང་དག་པའི་རྟོག་པ་): Suy nghĩ chơn chính, những suy tư
không vướng mắc trong tam giới nữa, những suy nghĩ tìm phưong tiện để cứu giúp
chúng sanh trong tam giới ra khỏi sanh tử luân hồi.
3.
Chính ngữ (zh.
正語, pi. sammā-vācā,
sa. samyag-vāk, bo. yang dag pa`i ngag ཡང་དག་པའི་ངག་): Là
những lời nói thể hiện chân lý ngay tại đây và bây giờ, những lời nói vượt
thoát tam giới để cho người nghe thấu hiểu được chân lí nhiệm màu mà thoát li
sanh tử luân hồi đó được gọi là chính ngữ.
4.
Chính nghiệp (zh.
正業, pi. sammā-kammanta,
sa. samyak-karmānta, bo. yang dag pa`i las kyi mtha` ཡང་དག་པའི་ལས་ཀྱི་མཐའ་): Suy
nghĩ lời nói hành động tương tầm với chính kiến, khi một người có chính kiến
rồi thì suy nghĩ hành động đều là chính, hành động ngôn ngữ đều thể hiện đạo lí
để người khác được nhận đạo lí để khai mở đạo lí của chính mình, những hành
động được xuất phát từ nơi thân của mình, nơi lời nói của mình thể hiện trọn
vẹn cái đạo lí giác ngộ giải thoát và khai mở trí tuệ cho mọi người để nhận
chân ra được chân lí nhiệm màu đó được gọi là chính nghiệp.
5.
Chính mạng (zh. 正命, pi. sammā-ājīva, sa. samyag-ājīva,
bo. yang dag pa`i `tsho ba ཡང་དག་པའི་འཚོ་བ་): Chính
mệnh là cái thân mạng trường tồn mãi mãi không bị hư hoại bởi thời gian và
không gian, người sống đúng chính mạng là người hòa nhập cái chỗ bất sanh bất
diệt sáng suốt nhiệm màu mỗi một phút giây đều mới mẻ hiện tiền này tức là
người đó đã có đủ chính mạng, chính mạng là một cái đời sống chơn chính không
bao giờ bị hư hoại bị thay đổi bời thời gian và không gian thì đó gọi là cái
mạng chân chính của mình Đức Phật muốn chúng ta phải trụ trong cái mạng này để
sống không lầm mê trong sanh tử luân hồi người đó gọi là người chính mạng.
6.
Chính tinh tấn (zh. 正精進, pi. sammā-vāyāma, sa. samyag-vyāyāma,
bo. yang dag pa`i rtsal ba ཡང་དག་པའི་རྩལ་བ་): Là
người luôn an trú ở nơi sáng suốt nhiệm màu của chính mình để người đó sống
trong từng khoảnh khắc mới mẻ hiện tiền không lầm lẫn không bao giờ bị mê mờ
nữa ở cái chỗ tỏa thông không lầm lẫn thì người đó được gọi là đang tinh tấn.
7.
Chính niệm (zh. 正念, pi. sammā-sati, sa. samyak-smṛti, bo. yang
dag pa`i dran pa ཡང་དག་པའི་དྲན་པ་): Chính niệm là loại niệm chân chính
nhất niệm muôn năm tức là một thấy này ngàn đời muôn kiếp về sau không còn thay
đổi được nữa thì đó được gọi là chính niệm, tức là chúng ta thấy nhận một điều
gì đó thì điều đó tồn tại nơi chúng ta mãi mãi hết đời này qua đời sau không có
bất kì hoàn cảnh nào làm thay đổi dao động được đó là chính niệm.
8.
Chính định (zh. 正定, pi. sammā-samādhi, sa. samyak-samādhi,
bo. yang dag pa`i ting nge `dzin ཡང་དག་པའི་ཏིང་ངེ་འཛིན་): Là cái
định trường tồn mãi mãi không bị bất kì hoàn cảnh nào làm thay đổi nó được
không phải là cái nhập và cái xuất giống như từ trước tới giờ mà đây là cái
thường tại định nó vốn có sẵn đủ ở trong pháp giới mười phương từ ngàn xưa cho
tới ngàn sau nó luôn là như vậy không bị thay đổi, mà không phải do công phu tu
hành với cái thân của một chúng sanh mà sử dụng công phu thiền định này sử dụng
công phu thiền định kia để cái thân này yên ở trong định chánh định này chưa
tới, mà chánh định là cái thường tại định ngay tại đây không phải do làm mà
được, không phải do tạo tác mà thành, cái thường hằng hiện hữu ngay tại đây và
bây giờ, từng khoảnh khắc mới mẻ hiện tiền, cái chánh định là nguồn sống của
tất cả chúng sanh muôn loài, cái nguồn sống đó nó luôn luôn mới không có khoảnh
khắc nào mà nó không mới, hít vào thở ra rồi lại tiếp tục hít vào thở ra là
đang mới, từng khoảnh khắc máu chúng ta đang vận hành mới, từng khoảnh khắc vũ
trụ mênh mông này đang vận hành mới mới, chúng ta không làm cũ nó được với thời
gian và không gian nó luôn luôn là mới mẻ hiện tiền đó được gọi là chánh định.
Bát chánh đạo không nên hiểu là những "con
đường" riêng biệt. Theo Ba môn học, hành giả phải thực hành Giới (pi. sīla, sa. śīla,
các chính đạo từ thứ 3 tới thứ 5), sau đó là Định (pi., sa. samādhi,
các chánh đạo từ thứ 6 đến thứ 8) và cuối cùng là Huệ (pi. paññā,
sa. prajñā, các chính đạo số 1 và 2). chánh kiến 1 là điều kiện
tiên quyết để đi vào Thánh đạo (sa. āryamārga) và đạt tới Niết-bàn.
Phật giáo Đại thừa hiểu Bát chánh đạo có phần khác với Tiểu thừa.
Nếu Tiểu thừa xem Bát chánh đạo là con đường dẫn đến Niết-bàn thì
Đại thừa đặc biệt coi trọng sự giải thoát khỏi Vô minh để
giác ngộ tính Không (sa. śūnyatā), là thể tính của mọi sự vật.
Trong tinh thần đó, Luận sư Thanh Biện (sa.bhāvaviveka)
giải thích như sau:
1.
Chánh kiến là tri kiến về Pháp thân (Tam thân).
2.
Chánh tư duy là từ bỏ mọi chấp trước.
3.
Chánh ngữ là thấu hiểu rằng pháp vượt trên mọi ngôn ngữ.
4.
Chánh nghiệp là làm vô số thiện nghiệp, hành động chân
chánh.
5.
Chánh mạng là tri kiến rằng, tất cả các Pháp (sa. dharma,
pi. dhamma) không hề sinh thành biến hoại.
6.
Chánh tinh tấn là an trú trong tâm thức vô sở cầu.
7.
Chánh niệm là từ bỏ mọi thắc mắc về có-không (hữu-vô).
8.
Chánh định là giữ tâm vô phân biệt bằng cách vô niệm.
Còn Bát Chánh Đạo theo Phật Giáo Nam Tông trong Kinh Tương
Ưng Bộ, Thiên Đại Phẩm, Tương Ưng Đạo, Đức Phật định nghĩa Bát Chánh Đạo như
sau:
"Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường Thánh
đạo Tám ngành? Tức là chánh tri kiến, Chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp,
chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tri kiến? Này các
Tỷ-kheo, chính là trí về khổ, trí về khổ tập, trí về khổ diệt, trí về con đường
đưa đến khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tư duy? Này các
Tỷ-kheo, chính là xuất ly tư duy, vô sân tư duy, vô hại tư duy. Này các Tỷ-kheo,
đây gọi là chánh tư duy.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh ngữ? Này các Tỷ-kheo,
chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời
phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh ngữ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào
là chánh nghiệp? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không
cho, từ bỏ phi Phạm hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh nghiệp.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh mạng? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng. Này các
Tỷ-kheo, đây gọi là chánh mạng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tinh tấn? Ở đây, này
các Tỷ-kheo, với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh
không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với
mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt, khởi lên ý
muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện
pháp từ trước chưa sanh nay được sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn,
sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể
duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được
viên mãn, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm. Này các
Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tinh tấn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh niệm? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm,
với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ, nhiệt
tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống
quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham
ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh
niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh
niệm.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh định? Ở đây, này các
Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một
trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ,
chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không
tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự
lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả
lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ
không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh định."
Phật Giáo Nam Tông (Tiểu
Thừa hoặc Nguyên Thủy) khuyến cáo rằng người tu Phật cần phải thông hiểu
những định nghĩa này (lời của Phật được
truyền tụng) và triển khai tu tập cho đúng. Vì theo họ nếu như tu sai định
nghĩa Bát Chánh Đạo thì sẽ không chứng đắc Niết Bàn. Ví dụ như Chánh Niệm trong
đoạn Kinh trên được định nghĩa là Tứ Niệm Xứ. Cần phải thực hiện đúng Tứ Niệm
Xứ trong Kinh Tứ Niệm Xứ thuộc Trung Bộ Kinh.
Công năng và ích
lợi tu tập Bát chánh đạo:
A. Công năng:
1. Cải thiện tự thân: Người
chuyên tu Bát chánh đạo cải thiện được hành vi bất chính, tạo cho tự thân một
đời sống chân chánh ích lợi và thiện mỹ.
2. Cải tạo hòan cảnh: Thế
giới quan bên ngòai được hình thành từ tâm niệm, là kết quả của hành vi. Do đó,
nếu thực hành theo Bát chánh đạo thì có thể tạo được một thế giới tòan mỹ.
3. Làm căn bản cho chánh
giác: Bát chánh đạo là nền tảng căn bản đầu tiên cho sự giác ngộ chân chánh.
B. Ích lợi thực hành Bát chánh đạo:
1. Có kiến thức chân chánh
không bị mê hoặc và lôi cuốn bởi ngọai đạo tà giáo.
2. Suy nghĩ chơn chánh không
bị sa vào lỗi lầm đen tối.
3. Lời nói chân chánh lợi
mình lợi người.
4. Hành động chân chánh có
ích cho mình và không làm thương tổn người khác.
5. Đời sống chân chánh không
bị khinh rẽ, chê bai, được mọi người mến mộ, kính trọng.
6. Siêng năng chơn chánh sẽ
thu được nhiều kết quả.
7. Nhớ nghĩ chân chánh giải
tõa được sự nuối tiếc.
8. Thiền định chơn chánh trí
huệ phát triển và Phật quả viên thành.
Tu tập Bát chánh đạo:
A- Con đường tu
tập Bát chánh đạo cũng chính là con đường tu tập của Giới-Định-Huệ:
Tu tập chánh ngữ - chánh nghiệp - chánh mạng là tu tập, các điều
thiện. Là tu tập Giới vô lậu học.
Chánh tinh tấn - chánh niệm - chánh định là tu tập Tứ niệm xứ và
Tứ chánh cần. Là tu tập Định vô lậu học.
Chánh kiến - chánh tư duy là tu tâp về Tuệ vô lậu học của Tam vô
lậu học.
Tuy nhiên, để phát triển trí tuệ chúng ta cần phải có sự hổ trợ
của Tam học là Văn-Tư-Tu.
B- Con đường tu
tập Bát chánh đạo là con đường tu tập của ba mươi bảy phẩm trợ đạo (Đạo đế):
Đạo đế trong giáo pháp Tứ đế bao gồm như là ba mươi bảy phẩm trợ
đạo, được đức Phật đề cập như là Bát chánh đạo.
Chánh kiến là Tuệ căn –Tuệ lực.
Chánh tinh tấn là nội dung của Tứ chánh cần.
Chánh niệm chính là nội dung của Tứ Niệm xứ.
Chánh tư duy là trạch pháp……..
Chánh định là hỷ, khinh an, định, xã….
Kết luận:
Bát Chánh đạo chính là phương
pháp tu phổ biến cho tại gia lẫn xuất gia, trong bất cứ hòan cảnh, môi trường
cũng có thể thực hiện được.
Tu tập Bát chánh đạo chính là
tu tập Thân - Khẩu - Ý của chúng ta, khi thực hành Bát chánh đạo thì gặt hái
nhiều kết quả tốt.
Bát chánh đạo lại là nền tảng
chánh giác, là căn bản của Giải thóat - Giác ngộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét