BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT-ĐA TÂM KINH
● Quán Tự Tại Bồ
tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Độ nhất
thiết khổ ách.
Bồ tát Quán Tự
Tại sau khi thực hành thâm sâu pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa đã soi xét lại và nhận
thấy rằng ngũ uẩn đều là hư không (không có thực chất). Cứu giúp mọi khổ ách.
● Xá Lợi tử! Sắc
bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thụ,
tưởng, hành, thức diệc phục như thị.
Con trai của Xá Lợi! Uẩn sắc (thể
xác, sắc tướng) chẳng khác hư không, hư không chẳng khác thể xác. Thể xác chính
là hư không, hư không chính là thể xác. Thụ, tưởng, hành, thức (tức là 4 uẩn
danh còn lại) cũng đều như thế cả (là hư không).
● Xá Lợi tử! Thị
chư pháp không tướng: bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm…
Con trai của Xá
Lợi! Mọi biểu hiện của vật hữu hình đều là không cả: không sinh không diệt,
không ô uế không tinh khiết, không tăng không giảm…
● Xá Lợi Tử! Thị cố không
trung vô sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Vô sắc,
thanh, hương, vị, xúc pháp. Vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới. Vô vô-minh,
diệc vô vô-minh tận. Nãi chí vô lão, tử; diệc vô lão, tử tận. Vô khổ, tập,
diệt, đạo. Vô trí, vô đắc.
Con trai của Xá
Lợi! Trong hư không không có hình thể, cảm nhận, suy nghĩ, hành vi, tri giác.
Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, trí óc. Không mầu sắc, âm thanh, mùi,
vị, xúc giác. Không có thị giác, mà còn không có cả sự ý thức. Không ngu muội
mà cũng không hết ngu muội. Không có sự già, chết mà thậm chí không có cả không
già, không chết. Không có khổ, không có khởi đầu, kết thúc, đường hướng. Không
có trí óc, không thành tựu (đạt niết bàn).
● Xá Lợi tử! Dĩ vô sở đắc
cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố tâm vô quái ngại. Vô quái ngại cố
vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng. Cứu cánh niết bàn.
Con trai của Xá
Lợi! Bởi cớ không đạt đươc (niết bàn), chư Bồ-đề-tát-đỏa nương vào pháp Bát-nhã
Ba-la-mật-đa nên tâm các ngài không còn vướng các chướng ngại. Không có chướng
ngại cho nên không có sự sợ hãi, tránh xa được các mộng tưởng điên đảo. Rốt
cuộc đạt được niết bàn.
● Tam thế chư Phật y
Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.
Chư Phật tam thế
(quá khứ, hiện tại, vị lai) nhờ nương vào pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà đạt được
sự giác ngộ tối thượng.
● Cố tri: Bát-nhã
Ba-la-mật-đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng
đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ. Chân thực bất hư. Cố thuyến Bát-nhã
Ba-la-mật-đa chú. Tức thuyết chú viết:
Vì thế nên biết rằng: Bát-nhã
Ba-la-mật-đa là đại thần chú, là chú của đại trí tuệ, là chú tối thượng, là chú
mà không có chú nào khác sánh được, có thể tiêu trừ tất cả khổ não. Đây là sự
thật chứ không phải là không tưởng. Vì thế phải nên niệm chú Bát-nhã
Ba-la-mật-đa này. Niệm chú như sau:
Gatê Gatê, Para Gatê, Para Săng Gatê
Bô-đi. Svaha!
(Yết đế yết đế,
Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế Bồ đề. Tát Bà Ha!)
Đi rồi đấy, đi
rồi đấy, đi được rồi đấy. Chắc chắn đi được đến Giác ngộ rồi đấy. Cho được như
nguyện!
Con người phải có xác thân ngũ uẩn để sống phù hợp với
điều kiện cơ học vật lý của cõi trần thế của mình trên quả đất. Các cơ quan cảm
nhận vật lý như mắt, mũi, lưỡi, thân, ý (bộ não), hệ thống thần kinh, với chức
năng của chúng như suy nghĩ, nghe, nhìn, nếm và các cảm xúc; đều chỉ để
nuôi dưỡng, phục vụ cái xác thân ấy. Sau khi chết, xác thân tiêu tan thì các
cơ quan ấy cũng tiêu tan. Và các hoạt động của não bộ; cũng như các cảm
nhận, cảm xúc đói, no, nóng, lạnh, v.v, của xác thân ngũ uẩn, do các cơ
quan này tạo ra, cũng phải tiêu tan theo. Cho nên “trong hư vô không có mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân, ý (não bộ). Không còn các cảm giác như nghe, ngửi, nếm,
xúc giác. Không còn thị giác…”
Trong khi cái xác thân ngũ uẩn phải tiêu tan sau mỗi
kiếp, cái gì còn tồn tại là phần linh hồn. Phần linh hồn có nguyên tử thanh nhẹ
hơn, và như vậy có tần số rung khác với tần số rung của thể chất chúng ta, cho
nên chúng ta không cảm nhận được. Linh hồn trường tồn, vĩnh cửu cho nên không
già, không chết, không khởi đầu, không kết thúc như xác thân ngũ uẩn. Trong cõi
tâm linh, tức cõi hư vô, không có khối óc nhục thể để suy nghĩ, và ngũ quan
phàm trần để nhận cảm xúc. Thay vào đó, tất cả mọi sự, việc ở thế giới tâm
linh đều do trực giác (theo lối gọi thông thường) mà có. Lúc ấy không còn suy nghĩ,
suy tính gì cả. Tất cả đều do trực giác. Cần ở đâu thì ngay lập tức ở đó, gặp
tình huống nào thì do trực giác mà lập tức hiểu ngay tình huống đó, cần gì
có ngay ở đấy…
Và ở cõi linh hồn không có sự mong ước thành tựu gì hết,
vì tất cả các duyên nợ truyền kiếp đều được tạo ra ở cõi thế gian ngũ uẩn. Muốn
trả nợ hay hưởng duyên gì cũng đều phải ở cõi phàm trần ngũ uẩn đó. Cho nên ở
cõi hư vô không có các sự suy tính, nhận xét, ước ao như trong thế giới ngũ uẩn
của chúng ta.
Phần linh hồn của chúng ta gồm có hồn (atma) và vía
(jivatma). Hồn là phần chân ngã toàn thiện, chính giác. Vía là phàm ngã động
loạn. Khổng giáo nói rằng sau khi người ta chết đi, thì hồn thăng vu thiên,
phách giáng vu địa, tức là hồn lên cõi trời (dương) và vía xuống cõi đất (âm).
Hồn và vía đều bất tử. Nhưng hồn, tức chân ngã, là phần mà chúng ta hay gọi nôm
na là ông thiện, là lương tâm, luôn có tần số rung thanh cao ổn định, thường
trụ bất biến. Trong khi đó phần vía là phần biến đổi theo từng kiếp luân hồi,
và chuyển tần số rung của mình cao thấp tùy căn cơ mỗi kiếp. Đáng lý ra vía đầu
thai mỗi kiếp để trả nghiệp và để học thêm cho đến lúc trở về được ngôi vị toàn
năng (omnipotent – sarvasaktivat) tức là làm được hết, toàn giác (omniscient –
sarvavidya, hay sarvajnana) tức biết hết, và toàn thông (omnipresent –
sarvavyapin) tức là hiện diện ở khắp mọi nơi, như phần hồn. Nhưng vì ở cõi vô
minh nên thường lại gây thêm nghiệp và trầm luân mãi. Phật giáo gọi phần này là
a-lại-da thức (alayavijnana).
Trong tác phẩm Mười bức tranh mục đồng chăn trâu (Thập
mục ngưu đồ) của Thiền tông, mục đồng (hồn, chân ngã) luôn chăn dắt con trâu
(tức là cái vía, cái phàm ngã động loạn), để hướng nó lên cõi an bình, tức là
vùng tần số rung động của cõi niết bàn. Trong đời có nhiều khi chúng ta “nghe
theo tiếng gọi của lương tâm” là những khoảnh khắc hồn cố gắng chuyển hóa vía
đó. Qua các bức tranh thì con trâu từ mầu đen tuyền ở bức tranh đầu trở nên
trắng dần lên. Tức là tần số rung của vía, phàm ngã, cải thiện dần. Để cuối cùng
con trâu, cái vía, trở thành hoàn toàn trong trắng, thanh khiết. Lúc đó hồn và
vía, âm và dương, lưỡng nghi, có cùng tần số rung tuyệt hảo và thành một với
nhau, thành cái vòng tròn hư vô ở bức tranh thứ 10 cuối cùng. Đấy là siêu
thoát, là thoát luân hồi, là niết bàn… Nghe thì có vẻ là chuyện vô cùng dài
lâu. Nhưng thật ra con người ta khi đã lên đến mức sống văn minh, có ít nhiều
lương tâm, là đã phải tiến hóa, học hỏi qua vô số kiếp luân hồi rồi. Việc siêu
thoát lập tức hay việc đốn ngộ không quá hiếm như chúng ta nghĩ, hay bị làm cho
lầm tưởng, xưa nay.
Làm sao để đạt được tần số rung của sự an bình, của niết bàn,
đó? Bên cạnh việc sống lành mạnh, thì bài tâm kinh Bát nhã có một đoạn chúng ta
nên để ý. Ngôi vị Bồ tát khác với ngôi vị Phật ở chỗ các Bồ tát nguyện chưa đạt
niết bàn mà ở lại thế gian để cứu khổ nạn. Thế nhưng vì chăm chỉ niệm chú Bát
nhã mà rốt cuộc các ngài cũng đương nhiên đạt niết bàn. Như vậy, điều quan
trọng tâm kinh này dậy chúng ta là cứ chăm chỉ niệm chú Bát nhã đi. Rồi dù biết
hay không biết, muốn hay không muốn cũng tự nhiên mà đạt niết bàn.
Ngay ở trong đời sống thường ngày chú Bát nhã cũng rất hữu ích.
Ngài Đường Tăng trong hành trình vượt vô vàn gian khó đi Tây Trúc thỉnh kinh, nhất là trong giai đoạn vượt sa mạc Gobi, mỗi khi gặp nạn đều niệm bài chú này. Và nhờ đó Ngài được an toàn, vượt qua mọi khổ nạn mà hoàn tất được công trình thỉnh bộ kinh Tam Tạng vỹ đại như vậy ở thời đó.
Dù nghĩa đen của mật chú thường rất giản dị, nhưng ý nghĩa thâm
sâu thật sự của các câu mật chú không thể dịch ra nghĩa trong bất cứ ngôn ngữ
nào. Ý nghĩa thật sự của các câu mật chú thật ra đều nằm trong sự liên hệ của
tần số rung và mật ý trong âm thanh của mỗi chữ trong câu chú, với tần số rung
của những thể tối linh tương ứng (Trời, Chúa, Phật, v.v) luôn hiện hữu và bao
trùm trong càn khôn vũ trụ, chung quanh và trong chúng ta. Nếu có thể niệm đúng
theo nguyên thủy của tiếng Phạn thì tốt hơn, vì tần số rung và mật nghĩa được
bao gồm trong mỗi ngữ âm. Thang âm tự nhiên của mỗi cá nhân để niệm chú là
thang âm tự nhiên của mình khi nói âm “tôi” hay “yêu” một cách tự nhiên.
Trên thân xác con người, Thiên Môn (tức là luân
xa Bách Hội ở chỗ cao nhất trên đỉnh đầu) là nơi liên quan trực tiếp đến
các thể tối linh trong vũ trụ. Huyệt Bách Hội cũng là nơi tụ hội của mọi kinh
mạch trong thân thể. Vì thế khi niệm chú, nhất là khi đang thiền định, nên ý
niệm (niệm bằng ý nghĩ) mọi câu chú ở điểm này. Niệm thong thả bình an. Niệm
rõ từng chữ, và các chữ nên nối liền với nhau không cắt đứt. Nếu đầu óc có bị
tạp niệm khi tĩnh tâm thì nhẹ nhàng chú tâm trở lại vào câu chú, dần dần sẽ
quen. Khi niệm nên để ý đến sự rung độngở Bách Hội, dần dần sẽ cảm thấy rõ.
Khi đã quen rồi thì hãy để câu chú tự niệm như thể trong vô thức, và chỉ chú ý
vào sự rung động ở đấy thôi. Mọi việc đều tiến triển huyền diệu trong đầu óc
tĩnh lặng, và đấy là bước đầu của việc cải thiện tần số rung Alpha của não bộ
và rồi của bản thể.
Lúc ý niệm, môi trên nên chạm vào môi dưới; răng
cửa hàm trên gắn vào răng cửa hàm dưới; lưỡi co lên đụng vào phần lợi
phía trên chân răng hàm trên, mắt nhắm nhưng hướng tầm mắt đến vị trí tự nhiên
(như đọc sách) để thư dãn phần đỉnh đầu. Đây là ấn Tịnh Khẩu (Khechari Mudra)
để an tâm và để nối các mạch điện từ trường trong bản thể. Ngồi thẳng lưng tốt
nhất.
Phần kinh ở trên toàn bài chỉ để giới thiệu, và
không quan trọng bằng câu thần chú, cho nên chỉ cần niệm câu chú mà thôi:
Gate Gate, Paragate Parasamgate Bodhi Svaha!
Phiên âm:
Ga-tê Ga-tê, Pa-ra
Ga-tê, Pa-ra Săng Ga-tê Bô-đi. (S)va-ha!
*
Nói thêm:
Đoạn đầu của bài tâm kinh Bát nhã bằng Phạn ngữ cũng có thể rõ
nghĩa hơn bản Hán văn. Nguyên văn đoạn này trong tiếng Phạn là
“Arya-Avalokitesvara Bodhisattva gambhiram Prajnaparamita
caryam caramana vyavalokayati sma panca-skandhas tams ca sva bhava sunyan
pasyati sma”.
Arya: cao quý
Avalokitesvara
Bodhisattva:
Quán-tự-tại Bồ tát
Gambhiram:
một cách sâu sắc
Caryam:
thực hành, công phu, chịu đựng
Caramana:
cuối cùng, sau khi
Vyavalokayati:
quan sát tổng thể
Sma:
khẳng định, chắc chắn, quả thật
Pancaskandhas:
ngũ uẩn
Tam:
chúng nó, họ
Ca:
cũng là, đều là
Sva: tự
thân (of self)
Bhava:
trạng thái, phẩm chất, tinh thần
Sunyan:
trống không, hư không, không có thực chất (no intrinsic existence)
Pasyati:
xem như là, cảm nhận là
Đoạn này có nghĩa là: “Bồ tát Quán Tự Tại cao
quý sau khi thực hành thâm sâu pháp Bát-nhã Ba-la-mật-đa, quan sát lại đã khẳng
định rằng: Ngũ uẩn tự chúng đều chắc chắn được xem là thể trạng hư không (không
có thực chất, no intrinsic existence)”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét