Bài của Phạm Lưu Vũ, thợ văn kiêm thợ thầu
khoán. Xin trân trọng giới thiệu.
***
Cái chõng tre (hoặc cái bàn mộc cũ kĩ) giữa lòng Hà
nội, trên đó bày mấy lọ kẹo lạc, kẹo vừng, chai rượi trắng, chiếc điếu cày, ống
đóm, ngọn đèn dầu… và một cái ủ tích lúc nào cũng sẵn sàng rót ra những cốc
nước trà đặc quánh, nghi ngút hương thơm. Tất nhiên không thể thiếu chiếc ghế
băng cũ kĩ, đã lên nước nâu bóng nằm hờ hững phía bên ngoài, dăm chiếc ghế nhựa
oắt con, cơ động mà kích thước và sức chịu lực được tính toán vừa đủ với kích
cỡ và trọng lượng của giống người mũi tẹt, da vàng… Đấy là vật.
Còn người thì bên trong cái chõng (hoặc cái bàn) cổ
kính ấy, thế nào cũng có hoặc một ông già, hoặc một bà lão răn reo phúc hậu,
sẵn sàng lặng thinh trước thời cuộc mà cũng sẵn sàng góp vào đôi ba câu chuyện…
Khỏi nói thì ai cũng biết đó là một trong vô vàn quán nước trà ở Thủ đô. Và gần
đấy, thế nào cũng có một hàng phở, hàng bánh cuốn hay bún ốc, bún riêu gì đó,
đại loại là một hàng quà sáng…
Sở dĩ có sự “cộng sinh” muôn đời ấy giữa “ăn” và
“uống” bởi quán ăn ở Hà thành thường chỉ phục vụ ăn với lau mồm qua loa bằng
những mảnh giấy đủ màu trắng đục, xanh, vàng, tím… (không thể trắng tinh bởi
chúng được tái chế bằng giấy loại), cắt vuông vắn mỗi chiều năm xăng ti mét.
Còn súc miệng xỉa răng ư? Xin mời bước đi chỗ khác. Người Thủ đô vốn thong thả,
đường hoàng, súng bắn đến đít cũng không việc gì phải vội. Còn gì lý tưởng hơn
là sáng nào điểm tâm xong cũng lê đến gọi một cốc trà nghi ngút ấy, ngắm phố
phường mà thả ra mấy câu chuyện gẫu, lạ quen gì thì cũng sẵn sàng góp mỗi người
vài câu, từ chuyện thế sự trên trời đến chuyện bóng đá, chuyện yêu đương, ngoại
tình… Nhất là chuyện ăn cắp, ăn trộm của thiên hạ thì có mà “bàn” đến cả trăm
năm cũng không hết. Thế rồi hờ hững ngó đồng hồ, thế rồi uể oải đứng lên… thế
rồi lừ lừ trôi đến cơ quan có khi lại bắt đầu một câu chuyện gẫu khác…
Cách Thủ đô một ngàn rưởi cây số về phía Nam là Sài
gòn thì bói không ra một quán nước trà như thế. Thay vào đó là nhan nhản quán
cà phê.
Những nơi này với ưu thế đèn mờ, tranh tối tranh
sáng lại có âm nhạc xập xình dậm dựt, được sinh ra chủ yếu để phục vụ các cặp
tình nhân, hoặc là nơi thả hồn của các thi sĩ giữa lúc nghĩ hai bài thơ không
đầu không cuối, không để làm gì, hoặc có khi là nơi định thần, âm u tưởng tượng
của những nhà văn đang bị khủng hoảng (thừa) các đề tài ca ngợi, yêu đương, hay
thất tình tay ba tay bốn… đến nỗi không thèm viết thì thôi, cứ động viết ra là
y như chữ nào, chữ nấy cứ… rối rít cả lên. Ngoài những công dụng cực kì nhân
sinh, tràn trề lãng mạn như thế, các quán cà phê kiểu ấy còn là một chốn lý
tưởng để cho những hạng con buôn hẹn hò, chụm đầu bàn bạc những áp phe không
thể nào minh bạch…
Sài gòn không cần sự “cộng sinh” giữa “ăn” và “uống”
như Thủ đô ngàn năm văn vật, bởi các quán ăn sáng phục vụ luôn việc súc miệng,
xỉa răng với cả lau mồm. Cũng vẫn cuộn giấy (…) xinh xắn, mềm mại và tròn xoe
mua ở chợ hay siêu thị ấy thôi, nhưng dùng để chùi mồm thì nó được đựng trong
những chiếc hộp nhựa dựng đứng, khách cứ việc thò ngón tay rút từ giữa lõi ra
cho có vẻ ngược lại với quy trình diễn ra trong nhà vệ sinh. Đừng có dại mà
liên tưởng, kẻo lại bảo là ghê mồm(!). Người Sài gòn vốn có tác phong công
nghiệp, biết thời gian là vàng ngọc nên phải tranh thủ thời gian. Khách ăn xong
làm thủ tục vệ sinh mồm mép cho nhanh rồi hối hả đến sở làm. Rất hiếm một câu
chuyện gẫu diễn ra trong cái chốn sì soạp húp, chan, đỏ mặt tía tai, cắm đầu
cắm cổ ấy… Nhu cầu tán gẫu nếu có thì dành đến chiều tối, lúc hết giờ làm việc.
Bấy giờ là thời điểm của nhậu! Phố phường ê hề quán nhậu, cả một thế gian nhậu.
Nhậu hoành tráng, nhậu mênh mông, nhậu “mát trời ông Địa”.
Nhưng đã nói đến “nhậu” thì chẳng cứ Sài gòn. Hà
thành và… cả nước bây giờ, đâu đâu cũng thế. Từ đây trở xuống xin chỉ bàn về
nhậu mà thôi.
Phải gọi đây là cả một nền văn hoá nhậu mới xứng.
Một nền văn hoá phát triển cao tới mức làm con người ta lúc chưa ra quán thì
nhớ nhau như những cặp tình nhân, ra đến quán rồi thì kiên cường bên nhau như
một đám biểu tình ngồi. Thật là ồn ã, náo nhiệt, tưng bừng bằng mấy chục cái
chợ nhà quê…
Nghĩ kể cũng lạ. ở những chốn “fẹs-ti-van” nhậu ấy,
thức nhắm nào có ra gì. Nhưng các biển hiệu thì bao giờ cũng được vẽ to tổ bố,
nom vừa sinh động, vừa hấp dẫn như thật. Từ đặc sản dái dê, vú dê, rồi “phụ
tùng” (có nơi gọi là súng đạn) bò đực, (không thấy “cái ấy” của bò cái) đến mu
ba ba, trôn ốc nhồi… cùng với đủ các kiểu danh xưng đại ngôn, láo toét. Nào là
nướng cả phố (phố nướng), nào là nướng cả làng (làng nướng), có khi nướng ráo
cả… tổ tông (tổ nướng)… Thực đơn trình bày đến mấy trang ép ni lông lòe loẹt…
Song cái sự ngon lành thì hầu hết đều… dở hơi như nhau. Thực khách dễ tính đến
không ngờ, bởi nơi đây hấp dẫn chủ yếu là cái không khí chứ có phải vì món ăn
đâu. Người ta sở dĩ kéo đến không phải vì nhu cầu thưởng thức mà vì nhu cầu xả.
Có bao nhiêu thứ cần xả. Từ xả sì-trét (căng thẳng), xả xui (vận rủi), xả buồn…
đến xả bớt một phần cái kiếp người vốn (hình như) chưa bao giờ vô nghĩa lý như
cái thời buổi văn minh nhốn nháo này…
Cần phải nói rằng nền “văn hoá nhậu” đang kể ra đây
là một thứ nhậu bình dân, hết sức giản dị, dân dã. Nó diễn ra tưng bừng từ
trong nhà, ra ngoài sân, từ trong hẻm, ra vỉa hè… Nó không cầu kì từ ăn mặc đến
lễ nghi, từ ghế ngồi đến ánh sáng, từ đồ uống đến thức ăn… và nhất là không đòi
hỏi mỗi người phải có thật nhiều tiền. Mặc dù cũng không thiếu những chốn nhậu cao
cấp, thơm tho diễn ra cùng thời điểm, trong những nhà hàng sang trọng, kín mít
như bưng… Nhưng phân biệt hai “thế giới” nhậu song song tồn tại này cũng đơn
giản thôi, chỉ bằng cách tên gọi là đủ. Ví dụ chốn người sang được gọi là “tiệc
tùng”, thì chốn bình dân phải gọi là “nhậu nhẹt”. Song tiệc tùng, dù có lớn đến
đâu cũng chỉ đáng coi là “tiểu nhậu”, cùng lắm là “trung nhậu”. Chỉ có nhậu
nhẹt kia, mới thực là đã đạt tới quy mô của “đại nhậu” mà thôi.
Dân “nhậu nhẹt” phần lớn bình dân, tuyệt đại đa số
bình dân. Tuy đâu đó cũng có lẫn một vài kẻ sang, nhưng chẳng qua chỉ là… lốm
đốm. Bình dân đấy, nhưng cơ mà (em ơi), lại sở hữu tới sáu đức (lục đức) “dễ
thương” của người quân tử. Xin được kể ra như sau:
Thứ nhất, dẫu chẳng ngon, chẳng đắt tiền thì cũng cứ
là những “miếng giữa đàng”, dù có tối trời thì cũng coi như thanh thiên bạch
nhật, bởi chẳng bao giờ phải che mặt với ai. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức
quang minh chính đại.
Thứ hai, người quân tử vốn không ưa cái sự sát sinh,
nên dân nhậu rất ít khi chui đầu vào bếp. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “nhân”.
Thứ ba, một kẻ có gì vui hay buồn thì cả đám chỉ chờ
cơ hội đó để kéo nhau đi, buồn cũng uống mà vui cũng uống, kiểu như: “một con
ngựa đau, cả tàu… no cỏ”. Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “nghĩa”.
Thứ tư, người quân tử ngồi không kén ghế, ăn chẳng
cần no, mặc không cần đẹp… dân nhậu vốn đã coi những chuyện ấy nhẹ tựa lông bò.
Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức “lễ”.
Thứ năm, luôn luôn biết chọn bạn hợp mà rủ rê, chọn
quán quen mà ngồi lỳ, chọn mồi lạ mà đưa đẩy… Ấy gọi là nhậu nhẹt mà có đức
“trí”.
Thứ sáu, chỉ nhậu vào những giờ nhất định trong
ngày, đến giờ ấy mà không ra quán thì toàn thân ngứa ngáy, thần trí nhẹ tênh,
nhất là đã hẹn rồi thì đố dám sai, lần sau dễ bị “phạt” như chơi. Ấy gọi là
nhậu nhẹt mà có đức “tín”.
Vừa “quang minh chính đại”, vừa có đủ “nhân, nghĩa,
lễ, trí, tín”, đạo lý “nhậu” xem ra cũng khối điều ghê. Thế mới có câu: “phi
nhậu nhẹt bất thành quân tử” (không nhậu nhẹt không thể thành quân tử), lại có
câu: “phi nhậu nhẹt bất trượng phu” (không nhậu nhẹt không phải đấng trượng
phu), lại còn có thơ:
“Bất thị quan trường, vi đạo tặc
bất tri tửu đạo, bất hiền nhân”
(Có thể không làm quan mà vẫn là kẻ cướp. Nhưng nếu
không hiểu đạo lý của rượu, thì không phải bậc hiền nhân).
Thậm chí còn sáng tác cả ca dao, tục, thanh lẫn lộn
nói về cái “đạo lý” ấy:
“Gặp nhau có chén rượu tăm
gọi là một chút hỏi thăm lòng người”.
gọi là một chút hỏi thăm lòng người”.
Rồi:
“Rượu hay phải biết chửi thề
biết đi nửa buổi, biết về… nửa đêm”
biết đi nửa buổi, biết về… nửa đêm”
hay:
“Đã nhậu là cậu ông Giời
nên người quân tử chẳng mời cũng… dzô”
…
nên người quân tử chẳng mời cũng… dzô”
…
Tóm lại là nếu muốn tìm quân tử, ai ơi chẳng cần
phải lặn lội tới những chốn cao sang làm gì cho phí công vô ích, thậm chí tới
đó mà vô phúc, bị lầm lẫn thì dễ mắc họa như chơi. Xin mời cứ đợi chiều chiều,
chỉ việc ra bất kì một nơi “đại nhậu” là khắc gặp đầy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét