25/11/2015

Trần bì - vị thuốc hay.

   Mùa quýt đã đến, đọc sách thuốc Đông - Nam - Bắc y thấy có đề cập nhiều đến tác dụng của vỏ quýt - Trần bì  (được phơi hay sấy khô để càng lâu năm càng tốt)- nên biên ra đây để mọi người tham khảo, rất hữu ích.
   Trần bì là vị thuốc thường được dùng nhất, đặc biệt là đối với nam giới nên có câu:
"Nam bất ngoại trần bì
Nữ bất ly hương phụ".
   Thông tin khác mang tinh học thuật - do không biết nên không tiện trưng ở đây, mọi người có thể nhờ pác Gúc giúp nhé; tôi chỉ đăng các thông tin đã được kiểm chứng để nhằm thuyết phục mà thôi:
+ Tác dụng đối với cơ trơn của dạ dày và ruột:
Tinh dầu của Trần bì có tác dụng kích thích nhẹ đối với đường tiêu hóa giúp cho ruột bài khí tích trệ ra ngoài dễ dàng, tăng tiết dịch vị có lợi cho tiêu hóa, có tác dụng làm giãn cơ trơn dạ dày và ruột. Do phế vị khí trướng mà gây tức ngực, vùng ngực trướng mãn, cồn ruột, nôn oẹ... có thể dùng trần bì với chỉ xác, bán hạ, tô ngạnh (cành tía tô), tô tử... Trần bì có tác dụng trừ vị nhiệt (tưa lưỡi vàng, hay ăn đồ lạnh, mạch sác) có thể thêm hoàng cầm, xuyên đông tử; còn có tác dụng với vị hàn (tưa lưỡi trắng, thích chườm ấm, mạch trì) thêm ô dược, lương khương, có tác dụng với trung tiêu thấp nhiệt (tưa lưỡi trắng dày mà nề, không hay uống nước, mạch tượng hoạt) có thể thêm phục linh, thương truật...
+ Tác dụng khu đàm bình suyễn: thuốc kích thích niêm mạc đường hô hấp làm tăng dịch tiết, làm loãng đàm dễ khạc ra. Xuyên trần bì làm giãn phế quản hạ cơn hen. Dịch cồn chiết xuất Quất bì với nồng độ 0,02g ( thuốc sống)/ml hoàn toàn ngăn chận được cơn co thắt phế quản chuột lang do histamin gây nên. Với trung tiêu thấp nhiệt đờm thương phạm hoặc ngoại cảm phong hàn, dẫn tới phế khí bất lợi mà sinh ho, nhiều đờm, ngực tức, không muốn ăn, lưỡi tưa trắng nề, mạch hoạt thường dùng trần bì với bán hạ, phục linh, tô tử, hạnh nhân, hạt cải sao, kim phật thảo (toàn phúc hoa thời trước gọi là kim phật thảo, gần đây hoa của nó gọi là toàn phúc hoa, toàn cây gọi là kim phật thảo), tiền hồ... ngoại cảm chứng rõ rệt có thể thêm kinh giới, cát cánh, ma hoàng.
+ Kháng viêm, chống lóet: Thành phần humulene và anpha humulenol acetat có tác dụng như vitamin P. Chích Humulene vào ổ bụng chuột nhắt với liều 170 -25mg/kg có tác dụng làm giảm tính thẩm thấu của mạch máu do Lecithin dung huyết làm tăng. Chích 10mg Humulene vào ổ bụng một con chuột nhắt cũng có tác dụng kháng histamin, gây tăng tính thẩm thấu của thành mạch. Anpha humulenol acetate có tác dụng chống lóet rõ và làm giảm tiết dịch vị trên mô hình gây lóet dạ dày bằng cách thắt môn vị.
+ Tác dụng đối với hệ tim mạch: Nước sắc Trần bì tươi và dịch chiết cồn với liều lượng bình thường có tác dụng hưng phấn tim, liều lượng lớn có tác dụng ức chế, nếu chích thuốc nhanh vào tĩnh mạch thỏ và chó, huyết áp tăng cao, nhưng bơm vào dạ dày thì không có tác dụng đó.
+ Tác dụng kháng khuẩn: Quảng trần bì trong ống nghiệm, có tác dụng ức chế sinh trưởng của tụ cầu khuẩn, trực khuẩn dung huyết, ái huyết.
+ Những tác dụng khác: Trần bì còn có tác dụng chống dị ứng, lợi mật, ức chế cơ trơn của tử cung. Điều khí khai vị: Với trung tiêu khí trệ, ăn uống không ngon, phối hợp với mạch nha, cốc nha, khấu y, thần khúc, sơn tra... có tác dụng thúc đẩy ăn uống.
Khi dùng đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, sơn dược, thục địa, sinh địa... để làm thuốc bổ, nếu phối hợp với một ít trần bì thì tránh xảy ra tức ngực, trung mãn, ăn uống không ngon và các tác dụng phụ khác... nó còn phát huy đầy đủ tác dụng bổ của thuốc.
Trong Bản thảo bị yếu có ghi trần bì "tân năng tán, khổ năng táo năng tả, ôn năng bổ năng hoà" nghĩa là dùng với thuốc bổ thì bổ, dùng với thuốc tả thì tả, dùng với thuốc thăng thì thăng, với thuốc giáng thì giáng. Vì thế nó là thứ thuốc trị phế khí phần, điều trung khoái cách, đạo trệ tiêu đờm, lợi thủy phá ứ, tuyên thông ngũ tạng đủ để ta thấy tác dụng của trần bì.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị chứng nôn do hàn: tiêu chảy thường.
 Quất bì thang: Quất bì 12g, Sinh khương 8g: sắc uống.
Bình vị tán ( Hòa tễ cục phương): Trần bì, Cam thảo, Thương truật, Hậu phác lượng bằng nhau tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 4 - 6g, ngày uống 2 - 3 lần hoặc làm thuốc thang uống trị ỉa chảy.
Dị công tán ( Tiểu nhi dược chứng trục quyết): Đảng sâm 8g, Bạch truật 8g, Bạch linh 8g, Chích thảo 4g, Trần bì 4g: sắc nước uống hoặc làm thuốc hoàn, tán dùng trị: rối loạn tiêu hóa, trẻ suy dinh dưỡng.
Thông tả yếu phương ( Cảnh nhạc toàn thư): Bạch truật ( thổ sao) 12g, Phòng phong (sao) 8g, Bạch thược (sao) 8g, Trần bì (sao) 6g. Theo tỷ lệ này làm thuốc hoàn, tán mỗi lần uống 4 - 6g, ngày 2 -3 lần, hoặc làm thuốc thang uống. Trị chứng tiêu chảy thường có kèm sôi bụng và đau bụng.
2.Trị chứng ho có đờm ( do cảm hàn):
Nhị trần thang ( Hòa tễ cục phương): Bạch linh 12g, Trần bì 6g, Khương bán hạ 6g, Cam thảo 4g, Gừng tươi 2 lát sắc uống.
Trần bì 6g, Cát cánh 6g, Tô diệp 6g, Cam thảo 4g: sắc nước uống trị ho viêm họng, viêm phế quản nhẹ.
Trần bì 12g, sắc với 200ml nước còn 100ml thêm đường đủ ngọt, chia uống nhiều lần trong ngày. Trị ho mất tiếng.
3.Trị viêm tuyến vú cấp: Hàn Thiệu Minh dùng mỗi ngày Trần bì 30g, Cam thảo 6g: sắc uống trị 88 ca, kết quả khỏi 85 ca ( Tạp chí Ngoại khoa Trung hoa 1959, 4:326).
4.Trị viêm phế quản mạn ho nhiều đờm: Trần lượng Hoa dùng Trần bì 6g, Bán hạ 6g, Bạch linh 10g, Đương quy 20g, Cam thảo 6g, Gừng 3 lát, tùy chứng gia giảm trị 33 ca kết quả tốt 17 ca, đỡ nhiều 14 ca, không kết quả 2 ca (tạp chí Trung y Triết giang 1985, 1:18).
5.Trị bỏng: Vỏ Quít thái nhỏ ( dùng vỏ quít tươi) cho vào lọ đậy kín để nát thành nước hoặc hồ bôi vào chỗ bỏng mỗi ngày nhiều lần trị 40 ca bỏng vật lý độ 1, 2. Thuốc có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, làm săn da ( Tạp chí Xích cước y sinh 1975, 4:11).
Liều dùng và chú ý:
Uống: cho vào thuốc thang 3 -9g.
Dùng thận trọng đối với các trường hợp sau: thực nhiệt, khí hư, âm hư, ho khan, thổ huyết. Trần bì uống nhiều, dùng lâu có hại đến nguyên khí, cần chú ý. Trong đông y, được dùng nhiều trong các chứng bệnh thuộc về Phế và Tỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét