20/03/2021

SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT

   Bài này cần cho các đạo hữu tu tại gia kể cả bên Thiền tông hay Tịnh độ tông.

   Để hiểu được bài này cần đọc kinh Kim Cương, kính Bát Chính đạo, kinh Bát Nhã và kinh Diệu Pháp Liên Hoa...

(Tuấn Long) 

Bồ-đề Đạt-Ma - Trúc Thiên dịch 1969


CHƯƠNG THỨ NĂM
: NGỘ TÍNH LUẬN

Phàm là đạo, phải lấy sự tịch diệt làm thể, còn tu lấy  sự lìa tướng làm tông. 

Nên kinh nói: Tịch diệt là Bồ đề. 

Diệt hết hình tướng đó: 

Là Phật, nghĩa là giác.

Người có giác tâm, được đạo Bồ đề, nên gọi là Phật. 

Kinh nói: lìa tất cả mọi hình tướng tức gọi là chư Phật. 

Nên biết tướng là có tướng mà không tướng, không thể thấy bằng mắt, chỉ biết được bằng trí. 

Ai nghe pháp ấy chợt phát lòng tin, là người ấy đang nương pháp đại thừa siêu lên ba cõi. 

*

Ba cõi ấy là tham, sân, si vậy. 

Chuyển ngược tham, sân, si làm giới, định, huệ tức gọi siêu lên ba cõi. 

Tuy nhiên, tham, sân, si chẳng có thực tính, chỉ bằng vào chúng sinh mà đặt tên. Nếu có thể soi ngược trở lại thì sẽ thấy rõ: 

Tính của tham, sân, si tức là tính Phật. 

Ngoài tham, sân, si tuyệt nhiên không có tính Phật nào khác. 

Kinh nói: Từ vô thủy đến nay, chư Phật luôn luôn cư xử ở nơi ba độc, nuôi lớn trong bạch pháp, mà thành tựu ở quả Thế tôn. 

Ba độc ấy là tham, sân,si vậy. 

Nói đại thừa tối thượng thừa là nói chổ sở hành của hàng Bồ Tát. 

Không gì là chẳng thừa, mà cũng không gì gọi được là thừa, suốt ngày thừa mà chưa hề thừa, đó là Phật thừa. 

Kinh nói: Lấy vô thừa làm Phật thừa vậy. 

*

Nếu người biết sáu căn vốn không thực, năm uẩn chỉ giả danh, không thể dựa vào đâu cầu cạnh gì được, người ấy quả thông suốt lời Phật.

Kinh nói: Hang ổ của năm uẩn là tên gọi của thiền viện. 

Chiếu sáng bên trong mà mở thông suốt, tức là cửa đại thừa.

Chẳng nhớ tưởng một pháp nào mới gọi là thiền định. 

Ví hiểu rõ lời ấy thì đứng, đi, nằm, ngồi thảy đều thiền định cả. 

*

Biết tâm vốn không, đó gọi là thấy Phật. 

Tại sao vậy? 

Vì mười phương chư Phật đều nhân vì vô tâm chẳng thấy ở tâm, đó là thấy Phật. 

Xả tâm không nuối tiếc gọi là đại bố thí. 

Lìa hết động và định gọi là đại tọa thiền. 

Tại sao vậy? 

Kẻ phàm mỗi mỗi đều hướng về động. 

Hàng tiểu thừa mỗi mỗi đều hướng về định. 

Vượt lên cái lầm hiếu động của phàm phu và hiếu định ngồi thiền của tiểu thừa mới gọi là đại tọa thiền. 

Nếu có được sức lãnh hội ấy thì chẳng cần lìa mà tướng tướng tự cởi bỏ, chẳng cần trị mà bịnh bịnh tự trừ, ấy đều là định lực của phép đại thiền. 

*

Phàm đem tâm cầu pháp, ấy là mê. 

Chẳng đem tâm cầu pháp, ấy là ngộ. 

Chẳng mắc vào chữ nghĩa gọi là giải thoát. 

Chẳng nhiễm sáu trần gọi là hộ pháp. 

Xuất lìa sinh tử gọi là xuất gia. 

Chẳng chịu hậu hữu gọi là được đạo. 

Chẳng nổi vọng tưởng gọi là Niết bàn. 

Chẳng đối xử với vô minh gọi là trí huệ lớn. 

Chỗ không phiền não gọi là Bát Niết bàn. 

Chỗ không tướng gọi là bờ bên kia. 

*

Khi mê thì có bờ bên này.

Khi ngộ thì không bờ bên này.

Tại sao vậy? 

- Vì kẻ phàm phu mỗi mỗi đều xu hướng trụ ở bên này. 

- Vì giác được phép tối thượng thừa thì tâm chẳng trụ bên này cũng chẳng trụ bên kia, nên lìa được cả hai bờ bên này và bên kia. 

Nếu thấy bờ bên kia khác với bờ này, người ấy tâm chưa có thiền định. 

*

Phiền não gọi là chúng sinh. 

Tỏ ngộ gọi là Bồ đề. 

Đó chẳng phải giống nhau mà cũng chẳng phải khác nhau, chỉ vì mê ngộ mà cách biệt nhau. 

*

Khi mê thì thấy có thế gian cần thoát ra. 

Khi ngộ thì không có thế gian nào để thoát ra cả. 

*

Trong pháp bình đẳng chẳng thấy phàm khác với thánh. 

Kinh nói: Pháp bình đẳng ấy phàm phu không thể vào, bậc thánh cũng không thể hành được. 

Pháp bình đẳng ấy chỉ có hàng Bồ tát lớn và chư Phật Như lai mới hành được. 

Nếu thấy sống khác với chết, động khác với tịnh, đó gọi là chẳng bình đẳng. 

Chẳng thấy phiền não khác với Niết bàn, ấy gọi là bình đẳng. 

Tại sao vậy? 

Vì phiền não với Niết bàn đều chung đồng một tính không vậy. 

*

Do đó, hàng tiểu thừa vọng dứt phiền não, vọng vào Niết bàn, nên trệ ở Niết bàn. 

Hàng Bồ tát, trái lại biết rõ tính không của phiền não, tức chẳng lìa bỏ cái không, nên lúc nào cũng ở tại Niết bàn. 

*

Phàm nói Niết bàn: Niết là không sinh, bàn là không tử. 

Lìa ngoài sinh tử gọi là Bát Niết bàn. 

Tâm không lại qua tức vào Niết bàn. 

Nên biết Niết bàn tức là tâm không. 

Chư Phật vào Niết bàn, tức vào cõi không vọng tưởng. 

Bồ tát vào đạo tràng, tức vào cõi không phiền não. 

*

Cõi vắng không ấy tức cõi không tham, sân, si. 

Tham là cõi dục. 

Sân là cõi sắc. 

Si là cõi vô sắc. 

Nếu bỗng chốc thoắt sinh tâm, tức đi vào ba cõi. 

Bỗng chốc thoắt diệt tâm, tức ra ngoài ba cõi. Mới hay ba cõi sinh diệt, muôn pháp có không đều do một tâm. 

*

Hễ nói một tâm tựa hồ như phá vào thế giới vật chất vô tình của ngói cây gỗ đá. 

Nếu biết tâm chỉ là một tiếng gọi suông, không thực thể, tức biết tâm tự tịch ấy chẳng phải có mà cũng chẳng phải không. 

Tại sao vậy? 

Vì phàm phu mỗi mỗi đều có xu hướng sinh tâm nên gọi là "có". 

Hàng tiểu thừa, mỗi mỗi đều có xu hướng diệt tâm nên gọi là "không". 

Hàng Bồ tát và Phật chưa từng sinh tâm, chưa từng diệt tâm nên gọi là "chẳng phải có tâm, chẳng phải không tâm". 

Tâm chẳng có chẳng không gọi là trung đạo.

Bởi vậy đem tâm học pháp thì tâm pháp thảy đều mê. 

Chẳng đem tâm học pháp ắt tâm pháp thảy đều ngộ. 

*

Phàm mê là mê ở ngộ. 

Còn ngộ là ngộ ở mê. 

Bậc chánh kiến hiểu tâm vốn "không vô" tức vượt lên mê ngộ. 

Không có mê ngộ mới gọi là chính giác chính kiến. 

*

Sắc không thể tự là sắc, do tâm nên có sắc. 

Tâm không thể tự là tâm, do sắc nên có tâm. 

Cho nên hai tướng tâm và sắc đều có sinh diệt. 

*

Nói "có" là do ở "không". 

Nói "không" là không do ở "có". 

Đó mới là thấy chân thực. 

Phàm thấy thực thì không gì chẳng thấy mà cũng không gì không chẳng thấy, thấy khắp mười phương vẫn là chưa từng có thấy. 

Tại sao vậy? 

Vì không có gì để thấy, vì thấy cái không thấy, vì thấy cái chẳng phải là thấy. 

Cái thấy của kẻ phàm đều là vọng tưởng. 

Nếu tịch diệt không có thấy mới là thấy thực. 

*

Tâm và cảnh đối nhau, thấy phát sinh từ thế đối đãi ấy. 

Nếu trong chẳng khởi tâm thì ngoài chẳng sinh cảnh. 

Cho nên tâm và cảnh có lắng hết cả hai thì mới gọi là chân kiến. 

Và cái hiểu trong lúc ấy mới gọi là chánh kiến. 

*

Chẳng thấy một pháp mới gọi là được đạo. 

Chẳng hiểu một pháp mới gọi là hiểu pháp. 

Tại sao vậy? 

Vì thấy cùng chẳng thấy, đều chẳng thấy.

Hiểu cùng chẳng hiểu, đều chẳng hiểu. 

Thấy cái chẳng thấy, mới là thấy thực. 

Hiểu cái chẳng hiểu, mói là hiểu thực. 

... Phàm có cái hiểu đều là chẳng hiểu. 

Không có cái hiểu mới là thực hiểu. 

Hiểu cùng chẳng hiểu đều chẳng phải hiểu. 

Kinh nói: chẳng xả trí huệ gọi là ngu si. 

Lấy tâm làm không thì hiểu cùng chẳng hiểu đều là chân cả. 

Chấp tâm là có thì hiểu cùng chẳng hiểu đều là vọng cả. 

*

Khi hiểu rồi thì pháp đuổi theo người. 

Khi chưa hiểu thì người đuổi theopháp. 

Nếu pháp đuổi theo người, pháp hóa thành chẳng phải là pháp. 

Nếu người đuổi theo pháp, thì pháp pháp đều là vọng. 

Nếu pháp đuổi theo người thì pháp pháp đều là chân. 

Cho nên bậc thánh: 

- Cũng chẳng đem tâm cầu pháp. 

- Cũng chẳng đem pháp cầu tâm. 

- Cũng chẳng đem tâm cầu tâm. 

- Cũng chẳng đem pháp cầu pháp. 

Vì thế tâm chẳng sinh pháp, pháp chẳng sinh tâm, tâm và pháp tịch cả hai nên lúc nào cũng ở trong định. 

*

Tâm của chúng sinh sinh ắt pháp Phật diệt. 

Tâm của chúng sinh diệt ắt pháp Phật sinh. 

Tâm sinh ắt chân pháp diệt. 

Tâm diệt ắt chơn pháp sinh. 

*

... Khi mê thì (thấy) có tội. 

Khi hiểu thì (thấy) không có tội. 

Tại sao vậy? 

Vì tội tính vốn không. 

Khi mê thì không tội thấy có tội. 

Nếu hiểu rồi thì đối tội thấy không tội. 

Tại sao vậy? 

Kinh nói: Muôn pháp đều không tự tính, cứ dùng nó đừng ngờ, ngờ tức thành tội. 

Tại sao vậy? 

Vì tội do nghi ngờ sinh ra. 

Nếu thấu suốt được lẽ ấy thì bao nhiêu tội nghiệp đời trước đều tiêu tan hết. 

*

Khi mê thì sáu thức, năm ấm đều là pháp phiền não sinh tử. 

Khi ngộ thì sáu thức, năm ấm đều là pháp Niết bàn không sinh tử. 

Người dốc lòng tu chớ cầu đạo ở bên ngoài. 

Tại sao vậy? 

Vì tâm tức là đạo vậy. 

*

Khi được tâm rồi, mới hay không tâm nào có thể được. 

Khi được đạo rồi, mới hay không đạo nào có thể được. 

Nếu nói đem tâm ra cầu được đạo, đó gọi là tà kiến. 

*

Khi mê thì Phật có pháp. 

Ngộ rồi thì không Phật không pháp. 

Tại sao vậy? 

Vì ngộ tức là Phật pháp. 

*

... Khi mắt thấy sắc chẳng nhiễm nơi sắc. 

Khi tai nghe tiếng chẳng nhiễm nơi tiếng đều là giải thoát. 

Mắt không dính sắc thì mắt là cửa thiền. 

Tai không dính tiếng thì tai là cửa thiền. 

Nói gom lại hết, thấy được tính của sắc thì lúc nào cũng là giải thoát. 

Thấy tướng của sắc thì lúc nào cũng là trói buộc. 

Không vì phiền não mà trói buộc, tức gọi giải thoát, ngoài ra không có sự giải thoát nào khác. 

Khéo quán xét sắc thì rõ ràng sắc chẳng sinh nơi tâm, tâm chẳng sinh nơi sắc, tức sắc và tâm cả hai đều thanh tịnh. 

*

Khi không vọng tưởng thì một tâm là một cõi Phật. 

Khi có vọng tưởng thì một tâm là một địa ngục. 

Chúng sinh xây dựng vọng tưởng, đem tâm sinh tâm, nên lúc nào cũng ở trong địa ngục 

Nếu không đem tâm sinh tâm thì tâm tâm quay về không, niệm niệm trở về tịnh, vào đủ nước Phật, đến đủ nước Phật. 

Nếu đem tâm sinh tâm thì tâm tâm chẳng tịnh, niệm niệm hướng động, vào đủ địa ngục, qua đủ địa ngục. 

Nếu một thoáng tâm dấy lên, ắt có thiện ác hai nghiệp, có thiên đường địa ngục. 

Nếu một thoáng tâm không dấy lên, ắt không thiện ác hai nghiệp, cũng không thiên đường địa ngục. 

*

... Thánh nhân vốn không tâm, nên trong thì trống rỗng bao la, cùng với hư không chẳng khác. 

Khi tâm được Niết bàn tức thấy chẳng có Niết bàn. 

Tại sao vậy? 

Vì tâm là Niết bàn. 

Nếu ngoài tâm thấy có Niết bàn, đó là mắc phải tà kiến. 

*

Tất cả phiền não là hột giống Như lai, vì nhân có phiền não mới có được trí huệ. 

Ta chỉ nên nói phiền não "sinh" Như lai, không thể nói phiền não "là" Như lai. 

Cho nên cần lấy thân tâm làm ruộng rẫy, phiền não làm hột giống, trí huệ làm mầm mộng, còn Như lai ví như lúa thóc. 

*

Phật ở trong tâm như (trầm) hương ở trong cây. 

Phiền não nếu hết thì Phật theo tâm ra. 

Vỏ mục nếu hết thì hương theo cây ra. 

Mới biết ngoài cây không có hương, ngoài tâm không có Phật. 

Nếy ngoài cây có hương, tức là hương ngoài của cây khác. 

Nếu ngoài tâm có Phật, tức là Phật ngoài của ai khác. 

Trong tâm có ba độc, đó gọi là quốc độ dơ xấu. 

Trong tâm không có ba độc, đó gọi là quốc độ thanh tịnh. 

Kinh nói: Nếu khiến cho quốc độ đục vẩn dơ xấu cứ dẫy đầy lên, rồi chư Phật Thế Tôn sẽ từ trong đó xuất hiện, điều ấy không đâu có được. 

Cái vẩn đục dơ xấu tức là ba độc vô minh. 

Chư Phật Thế Tôn tức là tâm thanh tịnh giác ngộ. 

*

Tất cả sự nói năng, không gì chẳng là pháp Phật. 

Nếu tự mình không có lời nói thì nói suốt ngày vẫn là đạo. 

Nếu tự mình có lời nói thì im suốt ngày vẫn chẳng là đạo. 

Cho nên Như lai lời nói không nương theo im lặng, im lặng không nương theo lời nói, lời nói không lìa im lặng, nói và im đều ở trong tam muội cả. 

Nếu biết mà nói thì lời nói cũng là giải thoát. 
Nếu không biết mà im lặng thì im lặng cũng trói buộc. 

Cho nên nói mà lìa tướng thì lời nói gọi là giải thoát. 

Còn im lặng mà dính tướng thì im lặng là trói buộc. 

*

Lìa tâm không Phật. 

Lìa Phật không tâm. 

Cũng như lìa nước không băng. 

Cũng như lìa băng không nước. 

Nói "lìa tâm không Phật" chẳng phải xa lìa tâm, mà khiến đừng chấp vào hình tướng của tâm. 

Kinh nói: "Không thấy tướng gọi là thấy Phật", tức là lìa hình tướng của tâm. 

"Lìa Phật không tâm" là nói Phật từ tâm ra.Tâm có thể sinh Phật, nên Phật theo tâm sinh, nhưng Phật chưa hề sinh ra tâm bao giờ. 

*

Cũng như cá sinh ở nước, nhưng nước không thể sinh ở cá. 

Cho nên muốn xem cá, cá chưa thấy mà trước hết đã thấy nước. 

Cũng vậy, muốn xem Phật, Phật chưa thấy mà trước hết đã thấy tâm. 

Mới biết cá thấy rồi cần quên nước. 

Phật thấy rồi cần quên tâm. 

Nếu không quên được tâm thì sẽ vì tâm mà lầm nữa. 

Nếu không quên được nước thì sẽ vì nước mà mê nữa. 

*

Chúng sinh với Bồ đề cũng như nước với băng. 

Vì ba độc nung đốt nên gọi là chúng sinh. 

Vì ba giải thoát gội sạch nên gọi là Bồ đề. 

Vì đóng lạnh trong tiết đông nên gọi là băng. 

Vì tan chảy trong lửa hè nên gọi là nước. 

Nếu bỏ băng, thì không có nước nào khác. 

Nếu bỏ chúng sinh, thì không có Bồ đề nào khác. 

Đủ rõ tính của băng tức là tính của nước. 

Tính của nước tức là tính của băng. 

Cũng vậy, tính của chúng sinh tức là tính của Bồ đề. 

Chúng sinh với Bồ đề đều chung nhau một tính. 

Cũng như hai vị thuốc ô đầu và phụ tử đều chung một gốc, chỉ vì thời tiết mà khác nhau. Cũng vậy, mê ngộ hai cảnh khác nhau nên có hai tên gọi chúng sinh và Bồ đề. 

Rắn hóa thành rồng vẫn không đổi vảy. 

Phàm biến thành thánh vẫn không thay mặt. 

Mới hay tâm ấy, trong trí huệ chiếu; thân ấy, ngoài giới luật vững. 

*

Chúng sinh độ Phật. 

Phật độ chúng sinh. 

Vậy gọi là bình đẳng. 

Chúng sinh độ Phật: phiền não nẩy sinh tỏ ngộ. 

Phật độ chúng sinh: tỏ ngộ phá trừ phiền não. 

*

... Khi mê thì Phật độ chúng sinh. 

Khi ngộ thì chúng sinh độ Phật. 

Tại sao vậy? 

Vì Phật không thể tự thành, đều do chúng sinh độ nên vậy. 

*

Chư Phật lấy vô minh làm cha, lấy tham ái làm mẹ. 

Vô mình và tham ái đều là tên gọi khác của chúng sinh. 

Chúng sinh với vô minh cũng như tay trái với tay mặt, rốt cùng chẳng khác nhau. 

*

Khi mê thì ở bờ bên này. 

Khi ngộ thì ở bờ bên kia. 

Vì biết tâm vốn là không thì chẳng thấy tướng, ắt lìa cả mê và ngộ. 

Mê ngộ đã lìa, ắt không bờ bên kia. 

Như lai không ở bờ bên này, cũng không ở bờ bên kia, không ở giữa dòng. 

Ở giữa dòng: tiểu thừa. 

Ở bờ bên này: phàm phu. 

Ở bờ bên kia: Bồ tát. 

*

Phật có ba thân: hóa thân, báo thân và pháp thân. 

Nếu chúng sinh luôn luôn làm theo các căn lành:

tức hóa thân hiện. 

Tu trí huệ: tức báo thân hiện. 

Giác vô vi: tức pháp thân hiện. 

Bay lướt mười phương, tùy nghi cứu độ: Phật hoá thân. 

Dứt mê hoặc, tu thiện pháp, thành đạo trên núi Tuyết: Phật báo thân. 

Không lời không nói, vắng lặng thường trụ: Phật pháp thân. 

Luận cho cùng lẽ thì một Phật còn chẳng có huống là ba. 

Nói ba thân là dựa theo căn trí của con người có thượng, trung, hạ. 

Người hạ trí bôn chôn vọng cầu phước, vọng thấy hóa thân Phật. 

Người trung trí vọng dứt phiền não,vọng thấy báo thân Phật. 

Người thượng trí vọng chứng Bồ đề, vọng thấy pháp thân Phật. 

Người thượng trí vắng lặng tròn đầy soi chiếu bên trong, sáng tâm tức Phật, chẳng đợi tâm mà được Phật. 

Thế mới biết ba thân cùng muôn pháp đều không giữ được, không nói được, đó tức là tâm tự nhiên giải thoát, thành tựu đạo lớn. 

Kinh nói: "Phật chẳng nói pháp, chẳng độ chúng sinh, chẳng chứng Bồ đề" là như vậy. 

*

Chúng sinh tạo nghiệp. 

Nghiệp tạo chúng sinh. 

Đời nay tạo nghiệp. 

Đời sau chịu quả báo, thuở nào thoát khỏi. 

Bậc chí nhân ở trong thân này, không tạo các nghiệp, nên chẳng chịu báo. 

Kinh nói: "Các nghiệp chẳng tạo, tự nhiên được đạo" hà lời nói suông ru! 

Người tạo ra nghiệp. 

Nghiệp không thể tạo ra người. 

Người nếu tạo nghiệp thì nghiệp với người cùng sinh. 

Người nếu không tạo nghiệp thì nghiệp với người cùng diệt. 

Mới biết nghiệp do người tạo, người do nghiệp sinh. 

Nếu người không tạo nghiệp, tức nghiệp chẳng do người sinh. 

Cũng như người có thể nâng đạo, đạo không thể nâng người. 

Kẻ phàm phu ngày nay luôn luôn tạo nghiệp, lại nói bừa là không có quả báo, há chẳng khó nghe sao? 

Luận cho cùng lẽ: tâm trước tạo, tâm sau báo, đời nào thoát được? 

Nếu tâm trước không tạo, tức tâm sau không báo, vậy còn vọng thấy nghiệp báo được sao? 

Kinh nói: Tuy tin cả Phật, lại nói Phật khổ hạnh, đó là tà kiến. 

Tuy tin cả Phật, lại nói Phật bị quả báo đói ăn lúa ngựa, gươm vàng đâm chân, đó gọi là lòng tin chưa trọn đủ, là nhất xiển đề. 

*

Người hiểu pháp thánh gọi là thánh nhân. 

Người hiểu pháp phàm gọi là phàm phu. 

Chỉ cần xả pháp phàm thành pháp thánh, tức phàm phu thành thánh nhân. 

Kẻ ngu trong đời chỉ mong cầu thánh viễn vong, chẳng tin rằng chính tâm huệ giải là thánh nhân. 

Kinh nói: Đối với người vô trí đừng nói kinh này. 

Kinh này là tâm, là pháp vậy. 

Người vô trí không tin chính tâm sáng tỏ được pháp này làm thành bậc thánh. Họ chỉ mảng cầu xa, học ngoài, mến chuộng hình tượng Phật ngoài trời, cùng ánh sáng hương sắc đủ thứ, toàn là việc làm đọa tà kiến, mất tâm, cùn trí. 

Kinh nói: Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như lai. 

Tám vạn bốn ngàn pháp môn thảy do một tâm mà mống dậy. 

Nếu trong lắng hết tâm tướng, giống như hư không, tức tự trong thân tâm xa lìa hết tám vạn bốn ngàn căn bịnh phiền não. Phàm phu đang sống sợ chết, vừa no lo đói, thật quá đổi mê hoặc. Cho nên bậc chí nhân chẳng tính việc đã qua, chẳng lo việc chưa đến, không xáo động việc bây giờ, niệm niệm trở về đạo.Kệ đêm ngồi tịnh rằng: 

Đoan trang CANH MỘT tịnh ngồi tu, 
Tịch chiếu tinh thần tợ thái hư. 
Muôn kiếp vốn không sinh với diệt, 
Học đòi sinh diệt diệt gì ư? 
Gẫm xem các pháp trò ma ảo, 
Tính vốn là không uổng sức trừ! 
Ví biết tâm mình không tướng mạo, 
Lặng im chẳng động tự như như.

CANH HAI ngưng thần chuyển minh tịnh, 
Chẳng tưởng chẳng nhớ nhân như tính. 
Um tùm muôn tượng trở về không, 
Chấp có chấp không lại vẫn bệnh. 
Các pháp như nhiên chẳng có không, 
Phàm phu tưởng quấy bàn tà chánh. 
Ví biết gìn lòng lẽ "chẳng hai". 
Ai nói tức phàm chẳng phải thánh.

CANH BA tâm tịnh sáng hư không, 
Rộng khắp mười phương đâu chẳng thông. 
Tường vách núi sông không ngăn ngại, 
Bao la vũ trụ tự nơi trong. 
Tính của càn không là Phật tính, 
Cũng không bổn tính tức hàm dung. 
Nào phải riêng đâu chư Phật được, 
Hữu tình muôn loại vẫn chung đồng.

CANH TƯ không diệt cũng không sinh, 
Rộng ví hư không pháp giới bình. 
Không qua không lại không còn mất, 
Chẳng có chẳng không chẳng ám minh. 
Không vọng thấy gì: Như lai thấy, 
Không gọi danh gì: chân Phật danh. 
Ai có ngộ qua rồi mới hiểu, 
Chúng sinh chưa rõ bởi thong manh.

CANH NĂM bát nhã chiếu vô biên, 
Chẳng khởi một niệm suốt tam thiên. 
Muốn thấy chơn như bình đẳng tính, 
Khéo chớ sinh tâm trước mắt tiền. 
Lẽ ấy diệu huyền không lượng được, 
Dụng công đuổi bắt thêm nhọc sức. 
Nếu không một niệm tức chân cầu, 
Còn có tâm cầu chưa tỉnh thức.

    

19/03/2021

Chiếc nón Huế

 Nguyễn Thị Thiếu Anh*


Thuở tóc còn chấm trán
Vui sống với me em
Nơi thôn mạc êm đềm
Đời em bao thoả mãn...

Tuổi em vừa lên bảy
Học lớp năm trường làng
Me em vẫn bảo rằng:
"Con tôi thông biết mấy!"

Một hôm me đi Huế
Mãi mãi me mới về
Nên me phải vỗ về:
"Con đừng trách me nhé!"

Anh ơi! Con lại đây
Me đền cho cái này
Buộc quai rồi đội thử
"Mau cho mẹ ngắm ngay!"

Sung sướng cầm lấy nón
Đội nghiêng nghiêng lên đầu
Thướt tha như liễu uốn
Thèn thẹn em bước mau

Me cười: "Ồ con me"
Dí dỏm học làm sang
Chỉ thiếu chiếc kiềng vàng
Con thành "Cô gái Huế"!

Me mất, vào đây học
Thui thủi tám năm rồi
Ngày tháng cứ dần trôi
Ngoảnh lại đà mấy chốc?

"Me ơi! Sao thế nhỉ?"
Ngày trước me ước mong
Nay me không ở trông
Con thành "Cô gái Huế"?

Nhìn chiếc nón bài thơ
Ngậm ngùi nhớ chuyện xưa
Me ơi! Con ước mãi
Sống lại những ngày thơ!


Huế 1937

 Nguyễn Thị Thiếu Anh là tiểu thư con quan Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm đương chức Phủ doãn Thừa Thiên - kinh đô Huế. Học giỏi, tài hoa nhưng vì cãi lại cô giáo người Pháp mà bị đuổi học khỏi trường Đồng Khánh bởi bà ta đã xúc phạm, miệt thị dân tộc Việt Nam...

09/03/2021

Phân biệt Đau Tim - Ngừng Tim và Đột quỵ

Theo top10homeremedies.com


Thường mọi người hay nhầm lẫn giữa 3 bệnh lý nguy hiểm này. Phân biệt rõ chúng mới không mắc sai lầm và mang đến những hậu quả đáng tiếc.

Cơn đau tim

Cơn đau tim là một rối loạn tuần hoàn.

Đôi khi, dòng chảy của máu giàu oxy đến nuôi một phần của cơ tim bị chặn. Nếu lưu lượng máu không được khôi phục, các cơ bắp bắt đầu chết do thiếu oxy. Điều này gây ra một cơn đau tim.

Trong một cơn đau tim, trái tim vẫn tiếp tục đập.

Ngưng tim

Một cơn ngừng tim là rối loạn dẫn truyền.

Khi các hoạt động điện của tim bị hỗn loạn, nó làm cho trái tim đập không đều, và đột ngột dừng lại bơm máu đi khắp cơ thể. .

Trong cơn ngừng tim, trái tim hoàn toàn ngưng đập.

Đột quỵ

Đột quỵ là một rối loạn não.

 

Có ba loại:

- Đột quỵ thiếu máu cục bộ: Khi một mạch máu bị tắc nghẽn, các tế bào não không được cung cấp oxy làm chết các tế bào não. Điều này dẫn đến một cơn đột quỵ thiếu máu cục bộ.

- Cơn thiếu máu thoáng qua (TIA): Một “đột quỵ nhỏ” có thể xảy ra khi mạch máu vận chuyển máu đến não ngừng tạm thời.

- Đột quỵ xuất huyết: Khi một động mạch trong não bị vỡ, gây tổn thương các tế bào não và dẫn đến đột quỵ

Bệnh động mạch vành là nguyên nhân chính của một cơn đau tim và đột quỵ não, và là một trong những nguyên nhân chính một cơn ngừng tim.

Trong bệnh động mạch vành, động mạch mang máu giàu oxy đến tim và não bị tắc do mảng xơ vữa động mạch (hình thành bởi chất béo) tích tụ.

Một chế độ ăn uống làm tăng cholesterol, lối sống ít vận động, béo phì, tiểu đường và huyết áp cao là một số nguyên nhân phổ biến gây xơ vữa động mạch.

Sau đây là triệu chứng của các thể bệnh:

Các biểu hiện của một cơn đau tim

Có thể xuất hiện sớm và kéo dài trong nhiều ngày.

·       Đau ngực (đau thắt ngực): Mọi người thường thấy tức hay nặng ngực. Một số thường nhầm lẫn nó với chứng khó tiêu. Nó có thể kéo dài một vài phút, biến mất và lại xuất hiện lại.

·       Người nhức mỏi: Cảm giác đè nén ngực hoặc khó tiêu có thể kèm cả đau ở cánh tay (đặc biệt là cánh tay trái), cổ, lưng, bụng và hàm.

·       Khó thở và thở khò khè

·       Đổ mồ hôi lạnh

·       Đầu óc quay cuồng và chóng mặt

·       Tăng lo âu

·       Buồn nôn

·       Ho

Ngoài ra, các triệu chứng này có thể xảy ra nhiều hơn khi bạn gắng sức (chạy bộ, chạy bộ, tập thể dục, bơi lội,…).

Các triệu chứng của cơn ngừng tim:

Đôi khi, trong vài phút trước khi bị ngừng tim, một người có thể có những triệu chứng tương tự như một cơn đau tim:

·       Bất tỉnh / ngất xỉu

·       Tức ngực

·       Khó thở

·       Đánh trống ngực dữ dội

·       Yếu

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp và không giống như một cơn đau tim, một người bị ngừng tim sẽ gặp vấn đề:

·       Thiếu đáp ứng

·       Ngưng thở

·       Mất mạch

·       Bất ngờ gục ngã

Những  triệu chứng này xuất hiện đột ngột và thường dẫn đến tử vong ngay lập tức.

Nếu bạn bị một cơn đau tim, bạn có nguy cơ cao bị ngừng tim.

Các triệu chứng của đột quỵ:

·       Rối loạn tâm thần: Bạn có thể khó nhớ tên, địa điểm, sự kiện ngẫu nhiên và những thứ khác…

·       Nói lắp, khó nói

·       Liệt mặt, tay hoặc chân: Biểu hiện của bạn thường thường sẽ ở 1 bên, mất cảm giác 1 bên mặt, cười méo miệng, liệt tay hay chân

·       Khó khăn để đi bộ: Do các bộ phận của cơ thể khó phối hợp với nhau, và có thể bị chóng mặt

·       Mờ mắt: Tầm nhìn của bạn có thể làm mờ hay nhìn thấy một vật thành hai ở một hoặc cả hai mắt.

·       Nhức đầu: Một cơn đau rát ở đầu có thể kèm theo chóng mặt và ói mửa.

·       Buồn nôn

·       Đổ quá nhiều mồ hôi

Bạn hãy nhớ những dấu hiệu trên để có định hướng cho xử trí vấn đề nếu không may bản thân hay mọi người xung quanh rơi vào trạng thái nguy hiểm đến sinh mệnh.

Hãy nhớ gọi đến sự trợ giúp của bác sĩ hay số máy trực cấp cứu 114.